Quân Khu Nam Đồng - Chương 18
Cô Ninh
1
Mặc dù bọn 10D năm học mới đã bớt đi một số học sinh cá biệt, nhưng thầy hiệu trưởng vẫn cho rằng xếp tất cả những học sinh nghịch ngợm vào chung một lớp là sai lầm. Ý thầy là tách chúng ra. Bẻ từng que đũa dễ hơn bẻ một bó đũa.
Thế nhưng quan điểm tưởng như đúng mười mươi của thầy lại gặp phản ứng của một số thầy cô, nhất là các giáo viên chủ nhiệm khối 10: “Chia chúng nó ra, không khéo chúng nó lại làm hư nốt tám lớp còn lại. Tốt nhất, cứ để chúng ở một chỗ để tập trung giáo dục”. Không một giáo viên chủ nhiệm nào từ lớp A đến K muốn nhận học sinh cá biệt từ 10D về lớp mình.
Cô Ninh - người được phân công thay cô Vân làm chủ nhiệm lại suy nghĩ khác. Cô nói: “Nếu các em ấy chưa tốt, trước hết là trách nhiệm của chúng ta. Tôi không tin đây là những học sinh không thể giáo dục được. Xin hãy để các em ấy ở lại lớp tôi”.
Nhờ quan điểm này, bọn 10D không bị tan đàn xẻ nghé.
Cô Ninh là giáo viên dạy Văn, ở Nhà 8 khu Nam Đồng. Cô nhiều tuổi hơn cô Vân. Tính cô nghiêm, nhưng thoáng. Cô ở trong khu Nam Đồng từ lâu nên ít nhiều cũng hiểu về con nhà lính.
Cô Ninh không cổ vũ chuyện yêu đương ở tuổi học trò. Nhà cô có hai đứa con đang học cấp ba, thằng Nghĩa lớp Mười và em gái nó lớp Chín. Nếu hai đứa này yêu sớm, lơ là chuyện học hành thì cũng gay. Bọn con trai trong lớp cứ tấm tắc khen con gái cô xinh, còn nói vụng nếu có cơ hội sẽ cưa cho bằng đổ. Tuy vậy, cô cũng không tán thành việc con trai, con gái lớp 10D có khoảng cách rõ rệt. Cô hỏi:
– Ở lứa tuổi này, nhu cầu tình cảm rất lớn. Tại sao trong lớp ta các bạn nam lại không chơi với các bạn nữ nhỉ?
Hòa ngồi dưới nói vọng lên:
– Thưa cô, chúng em cũng muốn chơi lắm, nhưng các bạn ấy làm cao.
– Các cậu cứ nói thế? Các cậu chỉ thích con gái Hát hay với Áo-hồng thôi chứ gì? Tôi không hiểu các bạn nữ lớp khác có cái gì hay hơn lớp mình nhỉ? Tôi thấy lớp mình cũng khối bạn hát hay… Như bạn Mai Phương, lớp trưởng của chúng ta chẳng hạn.
Cả bọn giật mình. Như vậy là cô cũng ít nhiều điều tra và nắm được chuyện nội bộ của chúng nó. Khanh trả lời:
– Thưa cô, bên đấy cần mượn vở là họ cho mượn ngay. Lớp mình mượn được một quyển vở của các bạn nữ khó lắm.
Cô cười:
– Các bạn khác khó mượn thì tôi tin. Còn bạn Khanh, sao lại nói khó nhỉ?
Khanh đỏ mặt. Cả lớp cười ầm. Hoàng lên tiếng:
– Thưa cô, các bạn gái lớp mình không thấy hết được cái hay cái tốt của chúng em nên xa lánh, trong khi con gái các lớp khác quý bọn em vì các bạn ấy nghĩ chúng em ngoan hiền.
Cô giáo ngó Hoàng, hỏi:
– Cậu chỉ cho tôi xem ở cái trường này, cô nào bảo cậu ngoan hiền?
Phải thừa nhận, ở lớp 10D giữa con gái và con trai luôn có một khoảng cách nhất định. Có thể do con trai lớp này đầu gấu, hay đánh nhau nên bọn con gái không thích. Con gái mới lớn, lần đầu bước vào ngưỡng cửa tình yêu thường thích các chàng trai hiền lành, học giỏi, ngoan ngoãn. Đâu có ai thích cái lũ con nhà lính bất trị, luôn thích thử sức, sống bản năng, bạo liệt và manh động như bọn Quân khu Nam Đồng.
Nhớ hồi cuối lớp Chín, trong buổi lao động tập thể, bọn con gái không chịu làm chung với con trai mà chia đôi công việc, nói là để hai bên thi đua. Đại trượng phu, ai thèm thi với phụ nữ. Bọn con trai làm ào một cái xong phần mình, làm luôn hộ bọn con gái. Hôm sau, báo tường của lớp xuất hiện một bài thơ, không đề tên tác giả, nhưng Phó Bí thư Diệp cho rằng cái giọng này chắc chắn của bọn con trai Quân Khu Nam Đồng.
Nước Mỹ phân biệt màu da
Lớp tôi phân biệt ấy là gái trai.
Gánh đất gái chia làm hai,
Một phần con gái, con trai một phần.
Gái kia xinh đẹp, chuyên cần
Nhưng chia đất thế có phần nhỏ nhen
Giai này các lớp đều khen
Gái chia chác thế làm hèn phận giai!
Buổi chiều, lập tức có một bài bên cạnh:
Hỡi những đấng nam nhi hùng biện,
Đã hiểu sâu sự việc vừa rồi,
Mà sao vội vã cất lời,
Phán lên tiếng nói vô cùng oan sai?
Nữ 9D không chia bè phái
Không phân biệt nam nữ yếu hèn,
Mà đây lòng muốn dò xem
Tấm gương tài tử của mấy anh chàng… “Quân khu”!
Trên tờ báo tường của lớp, không chỉ bọn con gái, các thầy cô giáo trẻ cũng bị bọn con trai lớp 10D khu Nam Đồng trêu chọc, xỏ xiên. Nhiều khi biết mà không làm gì được, đôi khi mắc lỡm chúng mà mấy hôm sau mới nghĩ ra.
Đợt làm báo tường kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, lớp quy định mỗi người phải nộp một bài. Quốc Tẩm nặn quấy quá ra mấy câu thơ chẳng đâu vào đâu về anh bộ đội.
Mũ anh lấp lánh ánh sáng sao
Trái tim mang nặng nghĩa đồng bào
Theo lời Đảng gọi, bay lên trước
Ôi, người lính trẻ đẹp làm sao!
Hòa không trong tổ làm bích báo, nhưng nó đến xem mọi người làm. Đọc bài thơ của Quốc Tẩm, nó nảy ra sáng kiến đem phổ nhạc. Hòa kẻ khuông nhạc rồi viết lời thơ xuống dưới, tương ứng mỗi chữ, nó điền một nốt nhạc bất kỳ, lúc trắng lúc đen, và rất hỉ hả vì mình đã sáng tác ra một nhạc phẩm nhanh hơn cả Bết-thô-ven. Bản nhạc đăng ở một vị trí trang trọng, được nhiều người hoan hô vì lớp 10D mới xuất hiện nhạc sỹ. Nhưng đồ giả chỉ lừa được người không biết chứ sao qua mắt được chuyên gia đã từng học hai tháng ký xướng âm. Đính vạch ngay ra những sai sót trầm trọng của tác giả về nhịp, phách. Nó lấy bút sửa bản nhạc trở về nhịp 3-4. Đính sửa xong, Khanh đi mời cô Ngà dạy tiếng Nga và anh Trường, Bí thư Đoàn trường, hai cây đơn ca nổi tiếng đến hát.
Anh Trường vốn hay hát, hễ có cơ hội là khoe giọng hát của mình, tính lại sĩ diện. Dù chưa từng học qua một lớp ký xướng âm, nhưng đứng trước một bọn con trai cao lớn tỏ vẻ vô cùng chăm chú lắng nghe và đám con gái xinh đẹp đang độ xuân thì, anh ra bộ ta đây am hiểu nhạc lý, lẩm nhẩm đồ xi rế... và bắt đầu hát cái loại nhạc mà đến bố của Bết-thô-ven sống lại cũng không hát nổi. Khi cô Ngà tới thì anh Trường đang lên giọng ngân nga “Mũ anh… ờ ớ… lấp lánh… à a…ánh sáng sao!”, cô cũng hòa giọng hát theo: “Mũ anh… ờ ớ… lấp lánh… à a…”. Cả bọn cố nhịn cười, chăm chú lắng nghe. Chúng đã quá quen với trò nuốt tiếng cười trong họng để rồi sau đó mới cười phá ra khi người bị chúng trêu đi khuất.
Về sau anh Trường cũng biết mình bị mắc lỡm. Anh mách cô Ninh. Cô Ninh nghe chuyện cười mãi và bảo anh Trường: “Cậu đã dốt thì đừng có tỏ vẻ hiểu biết, nhất là trước các học sinh lớp tôi. Chúng nó thông minh lắm đấy”.
2
Đầu năm, nhà trường tổ chức một đợt học chính trị. Giáo viên chủ nhiệm các lớp là người chủ trì. Trong thời buổi đất nước có chiến tranh, công tác chính trị tư tưởng luôn đóng vai trò quan trọng bậc nhất. Chủ đề của đợt học tập là: “Sự đoàn kết trong thanh niên”. Qua thảo luận mới biết bọn con gái phức tạp hơn bọn con trai rất nhiều. Chúng không thân mật và đoàn kết với con trai đã đành, chúng còn mâu thuẫn với nhau. Khi những nàng thanh nữ cất tiếng, đám con trai trong lớp phát hiện ra các nàng chia thành hai phe. Một bên đứng đầu là Phương lớp trưởng, Diệp Phó Bí thư, người lên thay Đỗ khi Đỗ ngồi vào ghế của Giang, và Phượng, mọi người đều gọi là “chị Phượng” vì lớn tuổi nhất lớp. Phe này là phe cán bộ, có chức quyền, có nhiều con trai hâm mộ, bị coi là cách biệt với phần còn lại. Phe kia đứng đầu là Tuyết, tổ trưởng tổ ba cùng Minh Anh và Hồng.
Tuyết nổ súng trước: “Các bạn là những người đoàn viên, là cán bộ Đoàn, cán bộ lớp, nhưng tôi cảm thấy các bạn cao sang quá, tôi không thể với tới được. Tôi kêu gọi tất cả các bạn đoàn viên hãy mạnh dạn đấu tranh, đưa việc này ra trước tập thể”. Lớp trưởng Phương đứng lên giải thích một thôi một hồi và cuối cùng là “đề nghị cho biết tôi cao sang ở điểm nào?”. Diệp cũng lên tiếng: “Xin làm ơn giải thích, căn cứ vào đâu mà các bạn nói tôi sống cách biệt?”. Thanh đứng lên kể lể: “Hôm đi gánh đất, Liễu đi với Cúc, nhưng Diệp không thích Liễu, Diệp gọi Cúc ra đi với Diệp…”. Hồng đứng dậy: “Tôi đề nghị Mai Phương giải thích tại sao hôm trước tôi hỏi Mai Phương, Mai Phương không trả lời tôi?”. Minh Anh cũng có ý kiến: “Tôi thấy Mai Phương chơi thân với Lan nhưng Mai Phương cũng nói xấu Lan…”. Chuyện lôi thôi từ 9D dẫn sang 9A, 9B, lan tới trường Trưng Vương rồi sang cả 10G năm ngoái…
Nói chung các bạn nữ chẳng ai nhận khuyết điểm về mình, toàn lôi chuyện vớ vẩn ra cãi nhau. Lũ con trai ngồi há mồm nghe, như nghe “Câu chuyện truyền thanh” trên Đài Tiếng nói Việt Nam tối thứ Bẩy! Không ai dám chắc qua đợt học tập về đoàn kết này, các bạn nữ trong lớp sẽ đoàn kết hơn. Nhưng đám con trai rút ra được một kết luận: Khi con gái ngồi im, họ quyến rũ và huyền bí hơn rất nhiều so với khi cất tiếng.
Bọn con trai, nhất là bọn khu Nam Đồng thì ngược lại, mắc khuyết điểm “đoàn kết quá”. Nhờ có sinh hoạt chính trị, chúng mới vỡ ra đoàn kết đôi khi cũng là một cái tội. Phần thảo luận về vấn đề “Thế nào là đoàn kết và đoàn kết như thế nào?” kéo dài nửa buổi sáng. Bọn con trai Nam Đồng cảm thấy bị động chạm nên phát biểu rất sôi nổi.
Phần tranh cãi bắt đầu khi Diệp, Phó Bí thư Chi Đoàn nêu vấn đề:
– Đoàn kết không phải ở chỗ một người bị đánh là tất cả xông vào. Như thế không phải đoàn kết, mà là băng nhóm. Đoàn kết không phải là dùng quả đấm trả lời thay cho lẽ phải, mà phải dùng lý lẽ thuyết phục, cảm hóa mọi người bằng đạo đức của người Thanh niên Cộng sản. Trong mọi trường hợp, đánh người là sai trái.
Hoàng đứng lên:
– Nếu có người vô cớ đánh bạn Diệp, tôi đánh nó để bảo vệ bạn thì có sai trái không?
Diệp hỏi:
– Tôi làm gì mà người ta đánh tôi?
Khanh ngồi dưới nói vọng lên:
– Có thể vì mặt bạn xinh, dáng bạn đẹp người ta yêu bạn mà bạn không yêu nên đánh cho đỡ tức.
Diệp đỏ mặt:
– Đây là giờ sinh hoạt chính trị, đề nghị bạn ăn nói nghiêm túc!
Đính cũng phát biểu về đoàn kết:
– Trước đây bọn tôi có bao giờ đánh nhau đâu. Nhưng ở đời, mình không đánh nó thì nó đánh mình. Các bạn đều biết chúng ta đã từng bị bọn ngoài phố mang dao vào tận lớp dọa nạt, lục cặp lấy đồ. Báo bảo vệ cũng chẳng ăn thua, nên mới phải đánh. Một người không thể đánh được chúng nó, phải đoàn kết mới đánh được.
Hòa đã có kinh nghiệm trong việc tranh luận với cán bộ Đoàn. Nó biết không bao giờ hội này chịu công nhận đánh nhau là một giải pháp, ngay cả khi thâm tâm họ thừa nhận điều đó là đúng. Vì thế nó phát biểu:
– Tôi đồng ý với bạn Diệp. Đánh nhau là sai trái và vi phạm pháp luật. Tôi đề nghị chúng ta thống nhất: Từ giờ, nếu có ai đánh mình, dù đánh bằng tay hay đánh bằng vũ khí, chúng ta sẽ đứng yên cho chúng đánh, chỉ dùng lời lẽ để thuyết phục, cảm hóa chúng.
Khanh hưởng ứng:
– Tôi nhất trí hoàn toàn ý kiến bạn Hòa. Ta hoặc bạn chúng ta có thể bị đánh chết, nhưng điều quan trọng là chúng ta giữ được phẩm chất của người đoàn viên.
Hoàng đề nghị:
– Nhưng cái gì cũng phải có ngoại lệ. Chúng nó có thể đánh chết chúng ta, nhưng không thể để cho chúng nó đánh lớp trưởng và các bạn cán bộ Đoàn. Lớp và Đoàn không thể thiếu người lãnh đạo. Nếu có ai đánh bạn Mai Phương và bạn Diệp, chúng ta quyết bảo vệ đến cùng.
Quốc Tẩm tán thành:
– Bạn Hòa với bạn Khanh đang phấn đấu trở thành đoàn viên, nên mới phải chịu chết để bảo toàn danh tiết. Còn chúng tôi, những thanh niên ngoài Đoàn, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ bạn lớp trưởng và bạn Phó Bí thư.
Diệp xoay mặt đi chỗ khác, nói trống không, quên cả mình là Phó Bí thư Chi Đoàn:
– Chán chả thèm tranh luận nữa!
Cô Ninh mặc dù đã hứa cho phát biểu tự do, không đánh giá tư tưởng qua những ý kiến tranh luận, cũng phải lên tiếng:
– Các bạn trai khu Nam Đồng, không nên tranh luận theo kiểu đó.
Khanh trả lời ngay:
– Cô nói thì chúng em xin nghe, chúng em sẵn sàng tranh luận theo kiểu khác.
Cô Ninh nói với Diệp: “Tuyên truyền, thuyết phục quần chúng là một việc khó. Em cần có phương pháp và không nên nóng vội”. Rồi cô quay sang bọn con trai khu Nam Đồng:
– Mặc dù các bạn trai lớp mình hay đánh nhau, nhưng ta phải thừa nhận các bạn ấy là những người rất nghĩa hiệp, tôn thờ tính cộng đồng và sẵn sàng xả thân vì bạn bè. Các bạn đang ở lứa tuổi tràn đầy năng lượng. Nếu như năng lượng đó không được giải tỏa và sử dụng đúng cách, nó sẽ quay lại đốt cháy các bạn. Tôi cũng có điều chưa đồng tình hoàn toàn với bạn Diệp Phó Bí thư, dù nói ra điều này, có khi tôi bị bạn ấy phê bình cũng nên: Tôi là phụ nữ, nhưng nếu có người mang vũ khí tới cướp đồ của tôi, vô cớ đánh tôi, tôi cũng đánh lại. Nói thật, trường ta không còn hiện tượng các thanh niên hư hỏng bên ngoài vào trấn lột, cũng phải cám ơn các bạn trai khu Nam Đồng. Nếu không có các bạn ấy ra tay, chưa chắc bạn Diệp còn giữ được chiếc bút Kim tinh vàng đẹp nhất lớp để mà viết. Phải vậy không?
Bọn con trai khoái chí, vỗ tay đập bàn rầm rầm. Lần đầu tiên, tội trạng của chúng được nhìn nhận dưới một góc độ tích cực. Cô nói tiếp:
– Việc để con em cán bộ quân đội của khu Nam Đồng bị xếp loại hạnh kiểm kém chiếm tới 90 phần trăm trên tổng số hạnh kiểm kém của toàn trường, là điều rất đáng suy nghĩ với các thầy, các cô. Trong chừng mực nào đó, có thể nói nhà trường đã không làm tốt nhiệm vụ của Hậu phương đối với Tiền tuyến… Cũng may là hiện nay ở đất Hà Nội này, chẳng còn ai dám gây sự với các bạn ấy nữa. Các bạn ấy quá mạnh… Đúng thế không, các bạn Quân khu Nam Đồng?… Nghĩa là bớt đánh nhau được năm mươi phần trăm nhỉ? Giờ chỉ ngại năm mươi phần trăm còn lại. Đó là, dù không có ai đánh các bạn, các bạn vẫn kéo quân đi đánh người ta…
– Thưa cô, không có chuyện đó đâu! - Hoàng buột miệng.
– Nếu vậy thì tốt. Các bạn có thể cam kết cho bạn Diệp phấn khởi là từ nay về sau, các bạn không đánh nhau nữa không?
Cả bọn im lặng. Cô hỏi Hoàng:
– Bạn Hoàng, bạn có dám hứa không?
– Xin cô hỏi bạn Khanh - Hoàng ấp úng.
– Ồ, thế ra bạn Khanh là chỉ huy à?
Khanh tuy lẻo mép, nhưng bất ngờ bị cô hỏi thế, không biết trả lời thế nào. Nhận cũng dở mà chối cũng dở. Hòa đỡ lời:
– Thưa cô, bọn em xưa nay đã hứa là làm. Bạn Hoàng chưa dám hứa với cô, vì bạn ấy không thể cam kết thay cho người khác. Về chuyện này xin cô cho chúng em thảo luận rồi… hứa sau.
Cô tủm tỉm cười: “Cái gì dễ hứa thì dễ quên. Các bạn cứ bàn bạc thật kỹ nhé”.
Đỗ, Bí thư Chi đoàn phát biểu sau cùng. Trước hết, Ðỗ yêu cầu các đồng chí đoàn viên cần có một bản lĩnh vững vàng, nêu cao tính tiền phong gương mẫu, làm đầu tầu để giác ngộ, cảm hóa quần chúng, không bao giờ được để quần chúng lôi kéo: “Trường hợp của Giang là một ví dụ đau xót cho Đoàn. Từ một học sinh giỏi, một Bí thư Chi đoàn gương mẫu, chỉ vì một buổi đi vận động thanh niên, mà biến thành một học sinh cá biệt, chưa kịp cảm hóa ai đã bị cảm hóa ngược” - Đỗ nói tới đây Hòa giật mình cái thót - “Với các bạn trai khu Nam Đồng, thời gian tới Chi đoàn sẽ cử cán bộ giúp đỡ từng bạn một, ban đầu là những bạn học khá, có ý thức kỷ luật. Đoàn kết là phải thương yêu, giúp đỡ nhau tiến bộ. Là học sinh, nhiệm vụ của chúng ta là phải học tập thật giỏi để mai này dựng xây đất nước. Muốn vậy, chúng ta phải phấn đấu thi đỗ đại học. Nhưng theo quy định, muốn thi đại học phải là đoàn viên. Vì vậy, các bạn trai khu Nam Đồng cần nỗ lực phấn đấu để sớm được đứng trong hàng ngũ của Đoàn. Chi đoàn không bao giờ kết nạp vào Đoàn các học sinh còn tham gia đánh nhau. Yêu cầu các bạn muốn trở thành người đoàn viên Thanh niên Cộng sản phải chấm dứt hẳn việc đánh nhau”.
Bọn con trai chưa phải đoàn viên nghe nó nói đều cúi mặt xuống bàn, riêng cô giáo cứ nhìn lên trần nhà.
Đợt sinh hoạt chính trị diễn ra trong hai ngày, được đánh giá là thành công. Nó cũng làm cho mọi người xích gần nhau hơn. Sau đợt sinh hoạt, lớp trưởng Mai Phương thông báo trước lớp: “Từ nay các bạn gái sẵn lòng cho các bạn trai, đặc biệt là các bạn khu Nam Đồng, mượn tất cả các loại sách, vở, bút, thước kẻ và tẩy, không hạn chế số lượng và chủng loại”.
Tình chị duyên em
Đối với bọn con trai khu Nam Đồng, đi nghĩa vụ quân sự cũng đơn giản như khi còn bé đi học, lớn lên đi làm. Với dòng máu con nhà lính chảy trong huyết quản, chúng rất tự hào khi khoác bộ quần áo lính lên người, bộ quần áo mà chúng đã xin bố để mặc từ những ngày lớp bảy, lớp tám. Không ít đứa đã chọn việc nhận giấy trúng tuyển nghĩa vụ quân sự thay vì nhận giấy gọi vào đại học. “Nước còn giặc còn đi đánh giặc”, đó là một lẽ tự nhiên.
Từ ngày khu tập thể được thành lập tới nay, cả khu Nam Đồng chưa có một trường hợp nào trốn nghĩa vụ quân sự. Thậm chí, nhiều đứa còn xung phong đi trước tuổi, như trường hợp của Việt, cho dù việc đi bộ đội của nó cũng có lý do riêng.
Vào quân ngũ một thời gian ngắn, Việt thay đổi khá nhiều. Nó rắn rỏi, suy nghĩ chín chắn, chấp hành nghiêm túc thời gian rèn luyện, học tập và đặc biệt không… đánh nhau. Thế nhưng khó khăn Việt gặp phải khi nhập ngũ lại đến từ một hướng khác, đó là chuyện viết thư cho Mai Hương. Từ lâu, Mai Hương đã quen với cái giọng “văn hoa, bóng bẩy, giả dối một cách chân thành” của Hòa. Nay nếu Việt viết cho Mai Hương bằng văn của nó, có thể Mai Hương sẽ nghĩ đấy không phải thư của Việt. Dù sao, cũng không thể phủ nhận sự thực là Mai Hương đã buông súng đầu hàng sau khi nhận được hàng loạt lá thư, nên Việt cho rằng Mai Hương yêu cả con người nó thể hiện trong thư lẫn con người nó ngoài đời. Hòa không đồng tình: “Mai Hương yêu mày vì chính bản thân mày, chứ đâu quan tâm mấy câu văn chương vớ vẩn”. Việt cãi: “Cái Mai Liên cũng chỉ vì mấy cái thư văn vẻ mày viết mà từ chỗ không chịu gặp Hùng, sau này đã thay đổi thái độ. Thư hay quan trọng lắm. Mày chẳng từng nói ‘văn chính là người’ đấy thôi. Tao chấp nhận đi đường vòng. Tao sẽ gửi cho mày các gạch đầu dòng tao định viết trong thư. Mày căn cứ vào đó viết sẵn cho tao vài chục cái, sau đó tao chép, gửi dần cho nó”. Hòa không thuyết phục được Việt, đành bảo: “Vậy mỗi thư mày lồng thêm một số câu của mày vào cho nó quen dần, rồi về sau mày tự viết nhé. Coi như cuộc sống bộ đội làm con người ta trưởng thành và văn phong thay đổi”
Lúc Việt lo xa cũng là lúc những lá thư của Việt bị Mai Hương phát hiện có vấn đề. Tội là tại Ngọc. Em Liên cứ động viên nó tăng cường tấn công Hà: “Chị Hà giống mẹ em, thích văn chương và lãng mạn. Anh viết thư cho chị ấy đi, cố viết hay hay vào, thể nào cũng thành công. Mẹ em nói ngày xưa bố em chỉ viết vài lá thư là tán đổ mẹ. Em thấy anh rất giống bố em, em tin chị ấy sẽ thích”. Một đằng Liên động viên, một đằng bị cả bọn thúc ép, Ngọc quyết định mượn thư của Việt làm mẫu, xem có cái nào phù hợp thì dùng. Nó cặm cụi thức mấy đêm, nắn nót chép lại hết nội dung cả trăm bức thư, phòng khi cần đến sau này. Ngọc chọn bức đánh số 5, mở đầu bằng câu “Tối qua trong giấc ngủ tôi quen một người con gái...” làm lá thư đầu tiên gửi cho Hà. Nó cẩn thận đưa bản nháp nhờ em Liên đọc và góp ý trước. Em Liên xuýt xoa: “Anh viết thư hay quá. Nếu em là chị Hà thì em yêu anh ngay”. Ngọc cười hì hì: “Anh làm sao mà viết được thư hay như thế này. Anh chép lại thư tình của anh Việt đấy. Còn 100 cái nữa. Mỗi tuần anh sẽ gửi cho chị ấy một cái, cho tới khi chị ấy nhận lời yêu anh”. Liên trợn tròn mắt nghe rồi cười ngặt nghẽo. Ngọc về nhà nắn nót chép lại cẩn thận, định hôm sau sẽ nhờ Liên đưa cho Hà thì tối đó, qua một đêm thức trắng, chàng phát hiện ra một sự thật: Nó không yêu Hà, và Hà cũng không thích nó. Giữa nó và Hà không có bất cứ cái gì chung để dẫn tới một tình yêu.
Càng ngẫm lại, Ngọc càng thấy Khanh có lý khi đưa ra lý thuyết về “sự tương đồng trong tình yêu”. Tất nhiên lý thuyết này chẳng phải Khanh nghĩ ra, mà là anh Minh dạy nó. Khanh nói:
– Con trai và con gái khi yêu, ai cũng có tiêu chuẩn lựa chọn của riêng mình. Nếu hai bên mong muốn về người yêu của mình “tương đồng” thì tình yêu dễ xảy ra nhất. Mày thử nghĩ xem, mày thích người yêu mình có những tiêu chuẩn gì?
Ngọc ngẩn người. Nó chỉ thấy thích Hà và yêu thôi, đâu có nghĩ tới tiêu chuẩn hay chuyện tương đồng, tương hợp? Khanh giải thích:
– Ai khi tìm người yêu cũng đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn, ví dụ về hình thức phải xinh này, trắng trẻo này, khỏe mạnh này, dáng người cân đối này… Còn về nội dung thì ngoan, hiền, hiếu thảo, không ghen tuông, giỏi nấu nướng, chưa yêu ai bao giờ, vân vân… Mày tính xem mày thích Hà những điểm gì? Mỗi cái mày thích tính một điểm, xem tổng cộng được mấy điểm?
Ngọc lẩm nhẩm, thấy những cái Khanh nêu ở trên, trừ vấn đề hay ghen tuông và khả năng nấu nướng của Hà nó chưa rõ, còn lại hình như Hà đạt cả. Nó trả lời chấm Hà 10 điểm. Khanh nói:
– Vấn đề không phải là điểm nhiều hay ít, mà là sự cân bằng. Bây giờ mày tìm hiểu xem Hà mong muốn người yêu của nó có những đặc điểm gì, mày có bao nhiêu điều đáp ứng được? Ví như nó thích, một là: To khỏe, có khả năng xách liền một lúc mười xô nước, bổ một hơi nửa xe củi không thấy mệt; hai là dũng cảm khi đánh nhau, đã từng cầm búa đánh ngã một lúc ba thằng; ba là khéo tay, khi xuống xưởng có thể làm các dụng cụ cơ khí nhanh gấp đôi người khác; bốn là giỏi làm cây cảnh để đàm đạo với ông nội; năm là hiếu thảo với mẹ già; sáu là hòa nhã với hàng xóm; bảy là trung thực và hay giúp đỡ bạn bè; tám là có năng khiếu thể thao, đặc biệt là các môn bơi lội, đá bóng, đổ dế, bắn bùm… đại loại như thế. Và nếu như nó cũng cho mày 10 điểm, mày với nó sẽ thành một cặp đôi hoàn hảo. Nếu nó cho mày 4 điểm mà mày cho nó 10 điểm hoặc ngược lại thì hỏng. Sự tương đồng tạo nên cân bằng trong tình yêu. Nếu hai bên không có sự tương đồng, sẽ xảy ra cảnh “bây giờ chồng thấp vợ cao - như đôi đũa lệch so sao cho bằng”. Nhưng nếu mày chấm nó 4 điểm, nó cũng cho mày 4 điểm, thì cũng vẫn có khả năng hai đứa yêu nhau, theo kiểu “nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo”.
Ngọc kiểm lại các ưu điểm của mình và số ưu điểm có khả năng được Hà thích, cũng cảm thấy hơi hoang mang.
Thời đi học, tiêu chuẩn chọn người yêu của con gái thường khác rất xa so với người sau này họ sẽ lấy làm chồng… Hà mơ ước người yêu của mình hát hay, biết chơi đàn, làm thơ, hiểu tâm lý phụ nữ và học giỏi, những thứ với Ngọc khó như leo vách núi dựng đứng. Thành thử khi Ngọc tới nhà Hà, ngoài ông, mà nó được coi như người bạn vong niên, người nó nói chuyện nhiều và thân mật là em Liên chứ không phải Hà. Liên rất thích anh Ngọc, có cái đầu húi cua và dáng người gù gù như con gấu, tính hồn hậu, chất phác, em Liên thích gì cũng chiều.
Nhưng có lẽ cú quyết định để em yêu mến và coi anh Ngọc như thần tượng là nhờ trận mưa năm 1974. Một trận mưa khủng khiếp. Cả khu bị lụt. Nhìn đâu cũng mênh mông nước. Bọn con trai sung sướng, đứa lớn cởi trần, đứa bé hơn thì cởi truồng, tắm dưới mưa. Bọn con gái nhỏ cũng tham gia. Chỗ nào trũng thì chúng bơi ì ọp. Ngược đời ở chỗ nước ngập mênh mông nhưng nước ăn lại thiếu. Vòi nước Nhà 6 chảy nhỏ giọt mà người xếp hàng thì đông. Em Liên thấy Ngọc xách xô và một đoạn dây dù ra Nhà 2, chắc là định cạy nắp bể, thả xô xuống lấy nước, cũng mang xô chạy theo. Trên đường đi, Liên hụt chân rơi xuống một cái cống vỡ nắp, bị nước hút tụt vào miệng cống. Ngọc quăng ngay xô đi, nhảy bổ vào dòng nước chảy xiết cứu em. Nếu Ngọc phản ứng chậm, chắc Liên đã bị hút vào ống cống, trôi tuốt ra sông Tô Lịch. Thay vào đó, cái xô Liên Xô duy nhất của nhà Ngọc bị nước cuốn mất. Má Ngọc tiếc của, chửi nó mấy tuần liền, không hề biết mình đang chửi một trang hiệp sĩ, người quả cảm nhảy vào miệng hố tử thần, cứu sống một cô gái xinh đẹp. Chính những đụng chạm trong lúc giằng giật sự sống với thần chết nấp dưới miệng cống đã gây nên sự rung động nơi trái tim của một người con gái mới lớn. Khi Ngọc và em thoát khỏi cống, cả hai cùng sặc nước.
Liên uống quá nhiều, cả nước mưa lẫn nước cống, mắt nhắm nghiền. Ngọc hốt hoảng, cuống quít cấp cứu. Nó hà hơi thổi ngạt, dốc ngược dốc xuôi cho nước trong mồm em ứa ra từng hớp. Sau này kể lại, Ngọc ngượng ngùng thú nhận, may mà ngày xưa đã từng hô hấp nhân tạo khi cứu lợn bị điện giật, nên cũng có đôi chút kinh nghiệm.
Thật ra Hà không hề ghét Ngọc. Hà chỉ không coi Ngọc là mẫu người lý tưởng, nhưng cũng thấy ngồ ngộ khi ông nội và em gái quý Ngọc thế. Hà nhớ ngày bố kiếm được một ít củi trong chuyến công tác Tuyên Quang, đang tranh thủ bổ thì Ngọc đi qua. Thế là Ngọc xắn tay áo, xông vào bổ giúp. Hai chú cháu vừa làm vừa nói chuyện say sưa thì ông nội Hà phát hiện được. Ông đang mong Ngọc sang bàn chuyện sửa cây. Ông chống gậy xuống tận chỗ hai người đang bổ củi, nói với Ngọc: “Thôi, anh cứ để bố nó làm. Anh lên đây chơi với tôi”. Với Ngọc, bao giờ ông cũng gọi là “anh” và xưng “tôi” rất lịch sự. Hà không tạo điều kiện cho Ngọc bày tỏ tình cảm với mình, nhưng cũng không khó chịu khi Ngọc mượn vở, mặc dù biết thừa cái động cơ đằng sau của nó. Có lúc Ngọc sang nhà, Hà đùa: “Nhà có ít củi, bố tôi định nhờ bạn bổ, nhưng lại sợ ông tôi không cho”. Mỗi lần được Hà đùa như thế, Ngọc sung sướng cả tuần. Nó kể đi kể lại câu chuyện đó hàng chục lần. Hòa nghĩ bụng chắc nó chết đuối trong cái lúm đồng tiền và kiểu cười có cái răng khểnh duyên dáng của Hà, chứ câu đùa ấy nhạt thếch. Và thật bất ngờ, khi Ngọc quyết định nhờ Liên chuyển lá thư đầu tiên cho Hà thì nó đột nhiên nhận thấy Liên mới là người mình yêu.
Nó sợ gửi lá thư này đi thì mình sẽ mất Liên vĩnh viễn… Đối với Liên, Ngọc hiểu chẳng cần đến những dòng chữ cầu kỳ, viện dẫn tới tận “đại dương sâu thẳm” với “dung nham nóng bỏng ở độ sâu mười ba ngàn mét” để xin kết bạn vì nó và Liên đã quá hiểu nhau rồi. Vấn đề là thổ lộ tình yêu thế nào thôi? Để đỡ phí công chép đống thư của Việt mấy đêm liền, Ngọc đem phổ biến cho mọi người.
Hà Tư đọc xong bảo: “Hay quá. Để tao chép mấy cái gửi Hoàng Yến”. Hoàng Yến nhận thư, hớn hở mang sang nhà Mai Hương khoe: “Thằng Hà Tư nhà tao nó viết thư hay lắm mày ạ!”. Mai Hương đọc thấy giống thư của mình đến từng dấu phảy. Mai Liên đang ở đấy, sau khi cười gần chết bỗng giật mình: “Sao giọng văn giống thư của anh Văn Hùng viết cho Mai Liên thế? Chả nhẽ các ông khu Nam Đồng cử một người viết thư tình chung cho cả khu? Phải xem lại các ông này mới được!”
Chiều Chủ nhật, Việt trốn đơn vị về gặp Hòa. Nó chìa lá thư chất vấn của Mai Hương. Hòa gãi đầu: “Đến nước này chỉ có hai cách: Một là mày nói thật với nó. Nếu nó yêu, nó sẽ tha thứ. Hai là mày khẳng định mày chính là tác giả của tất cả các loại thư, vì sợ để ở nhà bố mẹ đọc được nên gửi bạn bè, không ngờ bị tụi nó sao chép”. Việt ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Tao chọn cách hai. Nhưng mày phải thu hồi tất cả các bức thư đang lưu lạc về đốt hết và viết cho tao một bức thư giải thích, theo giọng văn cũ. Bây giờ tao giở văn của mình ra là lòi đuôi ngay”. Hòa thấy nó nói cũng có lý, đành ngồi vào bàn viết tiếp loại thư “văn hoa bóng bẩy, giả dối một cách chân thành hoặc chân thành một cách giả dối”. Việt chốc chốc lại giục: “Nhanh lên. Tao mà về muộn sau giờ điểm danh là bị giam ba ngày đấy!”.