Quân Khu Nam Đồng - Chương 21
Nghĩa vụ quân sự
Ngày tuyển quân đến gần. Lớp 10D có tám đứa đến tuổi nghĩa vụ quân sự. Tính bọn lớp 10 trong toàn khu Nam Đồng đến tuổi đi bộ đội, đợt này cũng hơn hai chục người. Dù chưa đến ngày khám tuyển nhưng không khí trong lớp đã rất khác thường. Tâm trạng bâng khuâng, lưu luyến, bịn rịn lan tràn. Những cuộc liên hoan nhóm, tổ lác đác được tổ chức sớm. Gọi liên hoan cho to tát chứ cũng chỉ là những cuộc bơi thuyền, những buổi đi chơi công viên với bỏng ngô, kẹo lạc… Chưa đi khám, nhưng với sức khỏe của cả bọn, chẳng ai tin có đứa nào trượt.
Khanh dứt khoát không chịu vào trường Văn hóa Quân đội Lạng Sơn theo gợi ý của bố, chỉ thích được cùng đơn vị với chúng bạn, dù Đỗ tìm mọi cách phân tích cho nó cái hay, cái lợi. Đỗ đặt vấn đề với Khanh, nhờ bố Khanh xin hộ Đỗ vào trường Văn hóa Quân đội. “Dù gì mình cũng giúp bạn vào Đoàn. Nói thật với bạn, nếu không phải là mình, chắc chắn bạn chưa được kết nạp đợt vừa rồi”. Khanh bảo: “Hay mẹ gì cái việc cả đời khoác áo lính mà ông thích. Thôi, không cần nói nhiều, để tôi về bảo bố tôi cho”. Hôm sau nó thông báo cho Đỗ biết, bố nó khen Đỗ hết lời và trách nó có bạn tốt mà không biết đường theo. Bố nó nói Đỗ cứ đi khám tuyển, khi trúng rồi, bố nó sẽ thu xếp cho đi học. Đỗ gặng đi gặng lại là có chắc một trăm phần trăm không? Khanh nói lẫy: “Bố tôi hứa thì ông đi mà hỏi bố tôi. Hình như ông hợp với bố tôi hơn tôi nhiều”.
Hai tuần tiếp theo, không thấy Đỗ đi học. Mọi người đến thăm, gia đình cho biết Đỗ về quê và bị ốm nằm ở trên đó, không biết có khỏi để kịp về khám nghĩa vụ quân sự đợt này được không. Lớp trưởng Phương hỏi quê Đỗ ở đâu, gia đình bảo xa lắm, tít tận Hà Giang. Cô Ninh yêu cầu gia đình mang giấy xác nhận ốm của Đỗ đến báo cáo Ban giám hiệu vì giáo viên chủ nhiệm chỉ có quyền cho nghỉ một ngày. Nhưng chắc xa quá, nên gia đình chẳng có ai lên đó xin giấy. Khanh, Hòa, Đính, những người được Đỗ giúp đỡ vào Đoàn cũng mấy lần tới nhà thăm, nhưng lần nào gia đình cũng bảo Ðỗ chưa về. Cô Ninh nói: “Hà Giang xa đây lắm. Chắc cậu ấy ngã nước nơi rừng thiêng nước độc, chẳng kịp về khám nghĩa vụ quân sự đợt này đâu!”. Cô nói nhưng mắt nhìn tít lên trần nhà, trong giọng cô có chút mỉa mai. Hòa nghĩ tới việc Đỗ tận tình giúp đỡ mình vào Đoàn đợt vừa rồi, nó lên tiếng: “Thưa cô, bạn ấy là người tốt, hiện đang là Bí thư Chi đoàn, cô nói như thế, sợ có người hiểu lầm bạn ấy”. Cô Ninh nhún vai: “Tôi cũng tin bạn ấy là người tốt. Nhưng hôm qua có người nói gặp bạn ấy ở phố Khâm Thiên. Nghe nói bạn ấy bị tai nạn, đứt ngón trỏ bàn tay phải. Các em nên tìm cách đến thăm bạn tốt của mình. Bí thư bị ốm, đến thăm là trách nhiệm của các đồng chí đoàn viên”.
Thêm ba ngày nữa, vào giờ sinh hoạt lớp, cô Ninh tuyên bố xóa tên Đỗ trong danh sách lớp vì tự ý bỏ học. Dường như cô đọc được sự phản ứng trong mắt một số học sinh, đặc biệt là bọn con trai khu Nam Đồng, nên cô hỏi Khanh:
– Bố em công tác ở Cục Cán bộ, Bộ Quốc phòng, em có biết người thanh niên đến tuổi nghĩa vụ quân sự, bị mất ngón trỏ bàn tay phải có nghĩa gì không?
Khanh ngần ngừ rồi trả lời:
– Mất ngón tay bóp cò súng, sẽ không đủ điều kiện gia nhập quân đội. Nhưng em không tin bạn Đỗ tự thương.
– Tôi cũng không tin, nhưng thái độ của bạn Đỗ cùng gia đình và những thông tin tôi có đang nói điều ngược lại. Tại sao bạn ấy đang ở Hà Nội lại không đi học, mà nói dối đang ở quê?
– Nhưng điều đó cũng chưa chứng minh được bạn ấy trốn bộ đội – Hòa nói.
Cô Ninh gật gù:
– Xem ra bạn Đỗ này được lòng các đoàn viên quá nhỉ?
Đính lên tiếng:
– Chúng em sống với bạn ấy lâu nên hiểu bạn ấy…
Cô Ninh nói nốt chỗ Đính ngập ngừng:
—…Hiểu bạn ấy hơn cô giáo chứ gì? Nếu vậy tôi xin hỏi: Các em có biết tại sao cô Vân biết chính xác bạn Giang, bạn Minh, bạn Ngọc vẽ cô Uy không? Tại sao cô Vân biết rõ tên từng người gửi thư đến nhà cô hôm mùng Một Tết không?
Đính ngạc nhiên:
– Thưa cô, có phải cô ám chỉ bạn Đỗ nói?
– Tôi không ám chỉ, mà tôi biết chính xác bạn Đỗ là người mách cô Vân.
Hòa ngập ngừng:
– Nhưng điều đó cũng không chứng tỏ bạn ấy là người xấu. Có thể bạn Đỗ nghĩ mình là Bí thư Chi đoàn nên có trách nhiệm…
– Phó Bí thư – cô Ninh chữa lại – sau khi bạn Giang bị cách chức, bạn Đỗ mới lên Bí thư. Xin lỗi các bạn, có thể tôi không có phương pháp sư phạm, nhưng tôi không thích việc học sinh mách thầy cô giáo tội của bạn bè. Có gì, hãy cùng nói thẳng ra trước lớp. Các em đang ở lứa tuổi hồn nhiên, trong sáng, chưa cần tới những trò đâm sau lưng người khác để…
Dường như thấy mình quá lời, cô dừng lại và hỏi:
– Các bạn có biết ai viết lên bảng dòng chữ đuổi thầy Toàn dạy Văn, năm lớp Tám không?
Cả lớp nhìn nhau. Cô nói:
– Ngày đó, mấy bạn khu Nam Đồng bị nghi ngờ, nhưng các bạn ấy hoàn toàn bị oan. Có người muốn đổ tội cho các bạn ấy.
Đính hỏi:
– Cô muốn nói người đó là bạn Đỗ phải không ạ?
Cô Ninh lắc đầu:
– Ngày đó tôi không có ở đây, tôi nói là ai các bạn cũng chẳng tin. Nhưng tôi biết trong lớp ta có bạn nhìn thấy người viết dòng chữ đó lên bảng. Chỉ có điều, không biết người ấy có muốn nói sự thật cho các bạn “Quân khu Nam Đồng” không thôi?
Cả lớp im lặng nhìn nhau. Hòa khẽ nói:
– Thưa cô, chuyện đó qua rồi. Bọn em không quan tâm nữa.
Diệp đỏ mặt, đứng dậy:
– Mặc dù bạn Hòa nói không quan tâm, nhưng hôm nay trước tập thể lớp, tôi xin lỗi các bạn khu Nam Đồng, những người bị oan ức, vì ngày trước tôi đã không nói ra sự thật. Buổi sáng hôm đó tôi đi học muộn. Khi đến trường, đang giờ chào cờ nên tôi lên thẳng lớp. Từ hành lang, tôi thấy bạn Đỗ đang viết dòng chữ đó. Tôi cứ tưởng bạn Đỗ cùng phe với các bạn. “Quân khu Nam Đồng” đã làm thì ai dám tố cáo? Có mà vỡ đầu. Mãi về sau, khi sinh hoạt trong Ban chấp hành Chi đoàn, tôi mới biết bạn Đỗ rất ghét các bạn khu Nam Đồng, cho rằng các bạn quá tinh tướng, không coi Bí thư, Phó Bí thư Chi đoàn ra gì. Cái đứa “giặc làng” mà các bạn đánh vỡ đầu, phải khâu sáu mũi, cũng là em họ của bạn Đỗ. Tôi chỉ thắc mắc sao bạn Đỗ ghét các bạn mà lúc đó lại âm thầm ủng hộ các bạn, viết khẩu hiệu đuổi thầy giáo?
Hòa ngớ người. Nó trả lời:
– Cái thằng vỡ đầu là do tôi đánh. Nhưng bạn Đỗ cũng tốt, bạn ấy không thù bọn tôi, còn tích cực giúp chúng tôi vào Đoàn.
Mặt cô Ninh phảng phất một nụ cười, hình như cô định nói gì nhưng lại thôi. Chuyện đó không qua được mắt Khanh. Lúc giải lao, nó nói với Hòa:
– Cô Ninh ngụ ý bọn mình có giá trị lợi dụng nên Đỗ mới giúp. Giờ nhớ lại, tao mới hiểu tại nó nhắc, nếu không có nó giúp còn lâu tao mới được vào Đoàn. Kể ra cũng tiếc cho nó. Tao biết chắc chắn bố tao đã thu xếp xong cho nó vào học trường Văn hóa Quân đội ở Lạng Sơn, sau đó sẽ cho thi vào Đại học Kỹ thuật Quân sự. Có một hôm bác Đặng Quốc Bảo, hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật Quân sự tới nhà. Tao nghe lỏm hai ông nói chuyện. Bố tao nói: “Thời gian tới, tôi sẽ gửi con tôi với bạn nó vào chỗ anh đào tạo, khi các cháu nhập ngũ, để phục vụ lâu dài cho quân đội. Thằng cháu nhà tôi chẳng nói làm gì, nhưng bạn nó thực sự là một thanh niên ưu tú, một hạt giống đỏ của chúng ta”…
Khanh ngẫm nghĩ một lát rồi nói thêm:
– Cũng bởi nó không phải người trong khu Nam Đồng. Nó không hiểu những người như bố bọn mình hứa một sẽ làm mười, nên nó trốn cho chắc.
Hòa trầm ngâm:
– Tao cũng không hiểu tại sao nó sợ đi bộ đội đến thế. Khu mình có hàng trăm thanh niên, thằng nào đến tuổi nghĩa vụ quân sự cũng vui vẻ lên đường. Nhiều thằng còn xung phong đi bộ đội trước tuổi. Mày nhớ vụ ông Thọ, anh trai thằng Minh không? Ông ấy có giấy gọi đi nước ngoài học nhưng không đi, còn viết đơn bằng máu xin nhập ngũ. Mà hình như viết tới mấy lần…
– Tao biết. Anh Thọ phải viết đơn vì là con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, có bố đang ở chiến trường, không thuộc diện gọi nghĩa vụ quân sự. Nhưng chỉ lần đầu viết bằng máu thật thôi. Ông ấy cầm con dao cau, cắt xoẹt ngang cổ tay một phát, trúng phải động mạch, máu phụt tóe loe khắp bàn. Lần thứ hai, ông ấy viết bằng mực, nhưng sợ người ta đánh giá giảm mức độ quyết tâm. Cắt tay tiếp thì sợ chẳng may lại trúng động mạch hay tĩnh mạch, nên nhờ tao với thằng Minh bắt vịt cắt tiết để lấy máu. Tao hỏi: “Anh cứ đi nước ngoài học vài năm rồi về đi bộ đội cũng có sao?”. Ông ấy nói: “Quê hương mình, mình đến tuổi trưởng thành, không cầm súng về giải phóng, còn trông cậy vào ai nữa?”.
Sau buổi họp đó, cả lớp không ai nhắc tới Đỗ nữa. Đỗ bỏ học luôn. Mấy chục năm sau, bạn bè cùng lớp cũng không ai gặp lại nó, dù nó vẫn ở trong làng Nam Đồng.
Trong lòng mọi người, Đỗ đã chết từ ngày đó.
Về phép
Ngày Chủ nhật, tình cờ mấy thằng đi bộ đội được về phép trùng nhau. Việt, Giang Cận, Tiến Thọt, Anh Sơn, Minh Dũng… Trông thằng nào cũng đen sạm nhưng rắn rỏi, nam tính hẳn lên, quân phục xúng xính, mũ cối mới tinh. Thằng nào cũng vui hớn hở, đặc biệt tiến bộ trong khoản tán gái và thơ tình, chẳng biết thơ chúng nó làm hay sưu tầm. Nổi tiếng nhất lúc đó là bài “Lính mà em”. Việt cho biết nó xin bài thơ này từ một anh biệt động Sài Gòn, nghe đâu là thơ của Lý Thuỵ Ý, đang rất phổ biến trong giới trẻ. Bài thơ vẽ nên một hình ảnh đẹp về người lính, dù nhiều người đọc chẳng biết bài thơ viết về người lính ở phía bên này hay phía bên kia. Nhưng lính tráng vốn đơn giản, dễ tính. Cái gì trong bài thơ hơi gợn một chút thì họ tự sửa lại, ví như câu: “Qua hành lang Eden ghi kỷ niệm - Buổi chiều mưa hai đứa đứng bên thềm” nghe không phải của bộ đội nhà mình, thế là được đổi thành “Qua xóm nhỏ anh ghi dòng lưu niệm – Trời mưa to, hai đứa nép bên thềm”. Nhưng ngạc nhiên nhất là sau một hồi vòng vèo, tác giả bài thơ biến thành Phạm Tiến Duật. Những người lính sẵn sàng tin rằng đây chỉ có thể là thơ của nhà thơ quân đội, chuyên viết về bộ đội, về đường ra trận và những cuộc chiến đấu..
Anh kể chuyện hành quân nằm sương gối súng
Trăng tiền đồn không đủ viết thư đêm
Nên thư cho em nét mờ, chữ vụng
Hãy hiểu dùm anh nhé – Lính mà em!
…
Ngày về phép, anh hẹn mình dạo phố
Tay chinh nhân đan năm ngón tay mềm
Mình xót xa đời anh nhiều gian khổ
Anh cười buồn khẽ nói: Lính mà em!
Ghét anh ghê! Chỉ được tài biện hộ
Làm “người ta” càng thương mến nhiều thêm
Nên xa lánh những cuộc vui thành phố
Để nhớ một người hay nói - LÍNH MÀ EM!
Khác với những đứa thích bài “Lính mà em”, Giang Cận lại bày tỏ quan điểm tình yêu của nó theo kiểu ngược lại. Chắc dạo này nó đang không có ai.
Xin hãy xê ra, thiếu nữ ơi
Xuân xanh nồng đậm thiếu chi người
Thân tôi chiến sĩ, cô đơn lắm
Tim rắn, nguồn thương cạn mất rồi.
Không biết Giang Cận nhặt mấy câu thơ vớ vẩn trên ở đâu vì có ai thấy nó làm thơ bao giờ, nghe chẳng có chất thơ nhưng lại được rất nhiều đứa thích. Có lẽ bài thơ này nói lên tâm sự của chúng nó. Chỉ đến khi khoác lên người bộ quần áo xanh, với những ngày lăn lê luyện tập trên thao trường, những chàng trai mới bắt đầu cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh và những ngày tháng gian khổ phía trước. Tâm trạng gác tình yêu lại, để thanh thản bước vào cuộc chiến xuất hiện. Bốn câu này chỉ có một dị bản. Minh Dũng bảo phải nói: “Xin hãy đi đi thiếu nữ ơi”. Anh Sơn tán thành “xê ra”, còn Việt ủng hộ “đi đi”.
Minh Dũng cũng góp một bài thơ, không biết sưu tầm ở đâu. Nó đọc xong, thằng nào nghe cũng thuộc ngay lập tức, dù thơ rất bậy bạ. Nhiều năm sau, cũng có đứa cố tìm hiểu nhưng không thể nào biết tác giả là ai. Một bài thơ tình rất “lính”:
Anh yêu em
Như măng yêu đá
Như lá yêu cây Như Tây yêu Đầm.
Anh yêu em
Chầm chậm… mênh mông…
Dải tình ta dài tới ba, bốn mét
Anh yêu em, không bao giờ nói phét
ĐM đứa nào nó bảo anh không yêu em!
Anh yêu em như bố em yêu mẹ em ngày trước.
Trên đời này chỉ có anh với em,
Ngoài ra thì kệ mẹ chúng nó!
Nếu hôm đó không có Nam Diễm từ khu Kim Liên được Lượng chở sang chơi, cuộc vui sẽ không phải là xuất phát điểm cho một chuyện buồn về sau, làm hai chàng trai Quân khu Nam Đồng bị bắt. Khi Hòa nói: “Đi lính sướng và vui thật đấy, lần này tao phải thuyết phục ông bà già cho nhập ngũ sớm kẻo chúng mày đánh hết giặc mất” thì Nam Diễm cười nhạt: “Mày đúng là đồ mơ mộng viển vông., Đi lính mà sướng và vui à? Nói cho mày biết, cực nhục, vất vả, luyện tập suốt ngày suốt đêm. Cơm gạo hẩm, độn hai phần ba hạt bo bo hoặc mì sợi, nhiều khi mì mốc. Thức ăn toàn rau muống chấm tương, cùng canh “đỗ đen”. Không phải canh nấu với đỗ đen đâu, mà là nước rau muống luộc nhưng múc lên thấy ruồi chết như đỗ đen… Tao không phải thằng hèn, ít nhất đến giờ này tao chưa đào ngũ. Nhưng tao không chịu nổi những câu ca ngợi sáo rỗng. Mặt trận là nơi gian khổ, vất vả, đói rét, bệnh tật, nếu không giết người thì bị người giết… thế mà bảo đó là nơi đẹp nhất? Tao muốn mày nhìn cuộc sống đúng bản chất của nó. Vì nếu không, lúc đó mày sẽ vỡ mộng, biết đâu lại vứt súng quay đầu? Đi bộ đội là nghĩa vụ, là bổn phận. Không thích đi cũng phải đi, không muốn bắn cũng phải bắn, không muốn chết cũng phải chết… Mày đừng có mơ mộng, lý tưởng hóa đời lính, khó nghe lắm”.
Hòa xưa nay vẫn xem Nam Diễm vừa là bạn, vừa là đầu sai, nay bị nó lên lớp như tát nước vào mặt cũng bất ngờ. Trước đây, nó mà nói cái giọng đó với Hòa, kiểu gì cũng bị túm tóc, đập đầu vào tường. Nhưng nay Nam Diễm đường đường là anh bộ đội, quân hàm quân hiệu oai phong, quần áo mới xúng xính, Hòa cũng nể. Nó hỏi Giang Cận: “Có đúng bọn mày khổ thế không?”. Giang Cận nhìn mọi người một lượt rồi nói: “Tao là lính cậu nên đỡ hơn, nhưng Nam Diễm nói cũng có phần đúng. Mình cần nhìn thẳng vào những khó khăn để chấp nhận, để vượt qua, đừng coi cuộc sống quân ngũ như một bài thơ rồi thất vọng”. Cuộc vui trầm xuống một lát. Nhưng Giang Cận lại nhe răng cười ngay: “Đói thì tất cả cùng đói mấy chục năm nay rồi chứ có phải bây giờ bọn mình mới đói đâu. Khổ thì cả nước mình đang khổ. Mới khổ có mấy ngày ăn thua quái gì. Mà kêu có bớt khổ hãy kêu, chứ kêu vẫn khổ thì kêu làm gì. Đi đánh giặc đã. Ngày chiến thắng trở về sẽ là ngày đẹp nhất”.
Nam Diễm vẫn không chịu: “Tao phải sống hết cuộc đời, đến khi nhắm mắt xuôi tay nhìn lại, tao mới nói được đời tao khúc nào đẹp nhất”. Hòa vỗ vai Nam Diễm: “Hôm tới tao sẽ lên đơn vị thăm mày, xem thế nào.. Nhưng tao thấy tất cả bọn khu Nam Đồng đi lính có thằng nào kêu ca như mày đâu”. Nam Diễm bốp chát: “Năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn. Tao là ngón ngắn của cách mạng. Mày lên thăm tao cũng tốt. Nhớ mang theo đồ tiếp tế nhé”.
Khanh rút trong cặp ra một chai rượu thuốc, lấy trộm từ hũ rượu của bố, rót cho cả đám. Giang Cận ôm đàn, hát nghêu ngao: “Xin hãy xê ra, thiếu nữ ơi. Cơm không, nhưng rượu có đây rồi. Bụng anh chiến sĩ đang rất đói…”.
Cả bọn lại vui tưng bừng.
Nhớ lời hẹn với Nam Diễm, đầu tuần Hòa rủ mọi người Chủ nhật này đi thăm bọn đi bộ đội. Nam Diễm đóng ở Nhổn, Việt ở Trung Hà nên cả bọn quyết định tiện đường sẽ thăm cả hai đứa. Lượng biết chuyện đi thăm Việt nên đòi đi, còn nói việc lo đồ tiếp tế cho các bạn bộ đội, xin các bạn khu Nam Đồng để Lượng đóng góp toàn bộ.
Sáng thứ Tư, Quốc Tẩm, Hoàng không đi học. Hôm sau cũng không thấy mặt hai đứa. Cô Ninh có vẻ không vui. Cô hỏi, nhưng tất cả các bạn khu Nam Đồng đều không biết tại sao bọn nó nghỉ học. Buổi chiều, Hòa và Khanh đến nhà tìm hiểu nhưng cả gia đình Hoàng và Quốc Tẩm đều không biết hai đứa đi đâu? Các bạn bên khu Kim Liên cũng cho biết từ sáng thứ Tư tới giờ Lượng không về nhà. Mỗi người đoán một kiểu. Người thì bảo ra hồ Nam Đồng kiểm tra xem, vì có thể chúng nó ra đó bơi, mà hồ này sâu lắm. Người thì nói có khi ba đứa bị bọn phố Hàng Buồm bắt cóc, thủ tiêu để trả thù trận đánh hồ Quảng Bá, vì trận đó bọn khu Nam Đồng đánh trọng thương “sư phụ” của chúng. Bọn này thù dai, lại thâm nữa, chúng nó có câu “quân tử trả thù mười năm chưa muộn!”. Có người nghi, hay là ba đứa trốn gia đình đi bộ đội.
Tới thứ Sáu thì mọi việc sáng tỏ: Quốc Tẩm và Hoàng bị công an bắt ở chợ trời Phùng Hưng vì tội đồng lõa với Lượng ăn cắp đài và đồng hồ. Hai đứa khai số đồ là của Lượng đưa cho bán. Lượng cũng bị bắt ngay sau đó.