Quân Khu Nam Đồng - Chương 22

Hỏa Lò

1

Lượng ở khu Kim Liên nhưng nhà nó cũng là gia đình cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết, giống nhiều đứa khu Nam Đồng. Lượng sinh ở Sài Gòn. Ba nó là cán bộ tình báo, hoạt động bị lộ nên cả gia đình phải lánh sang Campuchia, rồi từ đó được đưa ra miền Bắc. Lượng rất quý Việt. Nó bảo nếu Việt chưa có Hương, nó sẽ giới thiệu cho Việt em gái nó, rất xinh, kém Việt một tuổi. Lượng hiền lành, lúc nào cũng nói năng nhỏ nhẹ, nhưng không ai dám bắt nạt vì biết Lượng là bạn của hội Quân khu Nam Đồng, nổi tiếng từ vụ Tiến Còi. Hồi đó đang học lớp 9, giờ ra chơi buổi sáng Lượng nói với Việt: “Hôm qua thằng Tiến Còi lớp 9G, hội Hảo Bẹt, đánh Lượng. Nó bảo Lượng người khu Kim Liên mà lúc nào cũng bám đít bọn khu Nam Đồng”. Việt đang đứng ở hành lang tầng ba, thấy Tiến Còi đang từ dưới sân trường đi lên, liền ra đứng chặn ở đầu cầu thang. Ngọc và Giang vô tình nghe thấy chuyện của Lượng, cũng đi theo. Mỗi đứa mới đánh Tiến Còi có một cái mà nó đã lăn quay ra. Tình cờ lúc đó Hòa đi tới. Tiện chân, Hòa cho luôn một cái đá vào đầu. Việt đỡ Tiến Còi dậy, bảo: “Đánh vì cái tội bắt nạt Lượng hôm qua nhé, không thì lại thắc mắc không hiểu làm sao bị đánh!”. Nói đoạn nó vỗ vỗ vào má Tiến Còi, giống như nựng trẻ con: “Nhớ chưa, từ giờ không được đánh bạn nữa nhé!”.

Chẳng hiểu sao Việt cứ đánh nhau là đen. Lúc bị đánh xong, Tiến Còi còn lảo đảo đi vào lớp được. Thế mà sáng hôm sau, thầy hiệu trưởng gọi Việt, Giang, Ngọc lên phòng Ban Giám hiệu, thông báo mẹ Tiến Còi tới xin cho Tiến nghỉ học vì nó bị các bạn lớp 9D đánh chấn thương sọ não, có giấy chứng thương của bệnh viện. Tiến Còi không biết cú đá làm nó phải nhập viện là của Hòa. Hòa nghĩ bụng: “Mình thoát vụ này, hóa ra quýt làm cam chịu”. Nó bèn theo ba đứa lên gặp Ban Giám hiệu, nhưng Giang Cận cản lại: “Mày đừng tỏ ra anh hùng rơm. Khi không cần thiết, không nên tổn thất thêm lực lượng”. Việt đồng tình: “Thằng nào bị lộ thì thằng đó chịu. Mình là dân Quân khu Nam Đồng chứ đâu phải võ sỹ đạo, đừng hy sinh vô ích”. Ngọc cũng nói: “Trong cả bọn, bà già tôi tin tưởng nhất ông và thằng Giang vì nghĩ hai thằng ngoan và học giỏi. Tôi đi đánh nhau ở đâu cũng nói đi chơi với ông và thằng Giang. Nay thằng Giang mất tín nhiệm rồi, ông phải náu mình để còn làm bình phong cho tôi”. Thấy Hòa vẫn chần chừ, Việt nói thêm: “Ông cứ coi bảo toàn lực lượng cũng là nhiệm vụ”.

Thầy Hiệu trưởng yêu cầu ba đứa nghỉ học viết kiểm điểm và mời phụ huynh đến gặp nhà trường. Việt thì chả có vấn đề gì, bố nó đã quá quen việc ra đồn công an hay đến gặp giáo viên chủ nhiệm. Nhưng Giang hơi ngại báo gia đình, vì nhà nó từ xưa tới nay không quen loại việc này. Nó nhờ bác hàng xóm đi hộ. Giang sống rất vui vẻ, hay giúp đỡ hàng xóm sửa chữa điện đóm, chuồng gà, hoặc thỉnh thoảng tiện tay xách hộ xô nước, bao gạo lên cầu thang. Vì vậy bác hàng xóm đồng ý đóng giả mẹ nó, tới trường gặp thầy hiệu trưởng cam kết và hứa hẹn loạn xạ. Ngọc mới phiền. Má nó ốm, không đi được. Nhưng ngại nhất là bà nói dai. Bà mà biết chuyện này sẽ chửi nó cả tháng, nghe khó chịu lắm. Ngọc chẳng biết nhờ ai. Người lớn mà nó thân và tin tưởng nhất là ông của Hà, nhưng nhờ chuyện này thì mất mặt quá, thành thử Giang và Việt được đi học rồi, Ngọc vẫn phải ở nhà vì chưa đưa phụ huynh tới gặp nhà trường. May mà cô Hoa biết chuyện. Cô tới gặp thầy hiệu trưởng xin cho nó. Cô nói dối đã đến nhà Ngọc, phản ánh sai phạm của nó với gia đình. Má Ngọc đang ốm nhưng cũng gượng dậy mắng nó một trận và nhờ cô báo cáo thầy hiệu trưởng sẽ tăng cường quản lý con cái, cam kết không để nó tái phạm khuyết điểm.

Bọn con trai trong khu Nam Đồng hàng chục năm sau vẫn nhớ những sự giúp đỡ kiểu như vậy của cô Hoa. Biết hoàn cảnh nhà cái Cúc khó khăn, Việt thỉnh thoảng tìm cớ này cớ nọ để giúp đỡ. Nó thì thầm với Hòa : “Coi như báo hiếu cô Hoa!”

2

Cạnh nhà Lượng có một ông hàng xóm, con trai vừa học ở nước ngoài về. Thời đó, gia đình nào có con đi học nước ngoài về thường rất tự hào, ngoài việc con cái thành đạt còn vì kinh tế trong nhà thay đổi hẳn. Lượng ghét cái thằng hàng xóm đi Tây về thậm tệ. Tóc dài, ăn mặc lố lăng, suốt ngày bật máy hát ông ổng mấy bài hát tiếng nước ngoài, nghe chẳng ai hiểu, lại còn vặn to, ảnh hưởng tới việc học bài của Lượng và Hoa.

Nhân vụ chuẩn bị đi thăm và tiếp tế cho Việt và Nam Diễm, Lượng quyết định một công đôi việc. Nó hẹn Hoàng và Quốc Tẩm sáng thứ Tư trốn học, chờ nó ở chợ trời Phùng Hưng, “có cái này hay lắm!”. Sáu giờ sáng, mọi người đi làm hết. Ngay sau đó, Lượng trèo qua lan can từ phía sau nhà nó sang nhà hàng xóm, nạy cửa vào lấy cái máy hát, tiện tay lấy luôn cả cái đồng hồ để bàn, bỏ vào bao tải gạo, mang lên Phố Phùng Hưng đưa cho Hoàng và Quốc Tẩm. Hai thằng không biết đồ này ở đâu ra, chỉ thấy bảo đi bán lấy tiền thăm Việt và Nam Diễm nên đồng ý luôn. Hỏi bán giá bao nhiêu, Lượng bảo cứ đòi hai trăm đồng, nhưng trăm rưởi cũng bán. Quốc Tẩm cho rằng muốn bán giá hai trăm phải “quát” ba trăm. Bán mãi không được, (giá cứ đồng ý bán trăm rưởi thì đã xong lâu rồi) cả hai định về, mai đi bán tiếp thì gặp một thanh niên tóc dài, mặc áo bộ đội, trông đích thị dân phe chợ trời. Biết hai đứa bán máy hát và đồng hồ, hắn đồng ý mua và rủ xuống cái hầm trú ẩn cạnh đấy để xem hàng cho kỹ. Hai đứa phấn khởi, vừa mở bao tải, vừa ra giá ba trăm thì nghe một giọng lạnh như tiền: “Hai anh đã bị bắt. Tôi là công an Kinh tế khu Hoàn Kiếm”. Hoàng bực mình: “Định trấn lột hả? Mày thì công an cái mẹ gì. Có biết bố mày là ai không?”. Mồm nói, tay nó rút ngay chiếc búa trong bụng ra định đánh. Người đàn ông tay phải rút chiếc thẻ đỏ, tay trái rút còng số 8, nghiêm giọng: “Tôi là công an mật. Yêu cầu anh bỏ vũ khí xuống”. Hoàng xưa nay đánh nhau, một chứ năm thằng nó cũng chẳng sợ, nhưng trông thấy chiếc thẻ công an và chiếc còng số 8 là nó mất hết nhuệ khí, mặt ngơ ngác: “Ơ… đang mua bán sao chơi kiểu này? Thôi, cho ông tất đấy, để chúng tôi đi”. Người đàn ông nói: “Hai anh đã bị bắt. Yêu cầu theo tôi về đồn”.

Vì không thống nhất trước phải khai thế nào khi bị bắt, (ai mà nghĩ tới chuyện có thể bị bắt?) nên Quốc Tẩm với Hoàng cứ có sao nói vậy. Đến lúc đó chúng nó vẫn nghĩ Lượng lấy đồ của gia đình cho chúng nó đi bán. Theo lời khai của hai đứa, công an về ngay khu Kim Liên bắt Lượng. Thời điểm đó, số tài sản ấy là lớn, nên sau một tuần nằm ở trại giam của công an Hoàn Kiếm, ba đứa được chuyển tới Trại giam Hỏa Lò, mỗi đứa một nơi.

3

Vừa bước vào phòng giam, Hoàng lập tức bị đánh dằn mặt và bắt nằm cạnh chỗ đi vệ sinh. Phòng giam chứa được khoảng 100 phạm nhân, chia làm 4 dãy, hai bên hai dãy cao, ở giữa là hai dãy thấp, góc cuối bên phải có một phòng vệ sinh, vô cùng bẩn. Nằm đây, mỗi đêm Hoàng phải dậy hàng chục lần. Đứa nào đi vệ sinh Hoàng cũng phải cuộn chiếu, tránh đường, nếu không sẽ bị tụi nó dẫm lên chiếu, thối hoắc. Vì thân cô thế cô nên Hoàng cắn răng chịu.

Tình cờ, sau khi hoàn thành lấy khẩu cung vụ đánh nhau ở trường Xã Đàn. Bích và Quang Anh cũng bị đưa về Hỏa Lò. Hai thằng bị nhốt ở phòng giam số 6. Sang ngày thứ ba, hai thằng gây ra một trận đánh lộn với bọn trong phòng. Giám thị quyết định tống mỗi thằng một nơi. Quang Anh chuyển đến phòng số 8. Bích được đưa sang phòng Hoàng. Chân ướt chân ráo vừa tới phòng, Bích đã bị một cái tát như trời giáng vào mặt và bị bắt ra nằm cạnh phòng vệ sinh.

Gì chứ vụ nằm cạnh hố xí thì Bích đã biết. Đêm hôm trước, ở trại giam của công an khu Đống Đa, Bích cũng bị đám anh chị ở đó xếp cho chỗ bên cạnh hố xí. Gọi là “hố xí”, nhưng thực ra là một góc phòng, có cái xô bằng cao su để cho phạm nhân đi vệ sinh vào. Đã vậy, đám anh chị còn bắt Bích làm lễ nhập môn bằng cách chui háng chúng. Khi Bích ngồi lỳ, không chịu chui, lập tức một thằng nhào đến đánh. Bích vớ luôn cái xô cao su đầy phân và nước tiểu úp vào đầu nó - một việc chưa từng xảy ra trong lãnh địa nhà giam. Ba thằng “sỹ quan” nhảy xổ vào Bích. May mà có mấy năm học võ Vịnh Xuân, chứ không Bích cũng tàn đời. Thấy ồn ào, quản giáo chạy vào kiểm tra. Sau khi quật cho Bích mấy dùi cui vào đầu, vào lưng, họ đưa Bích vào phòng biệt giam.

Đã có kinh nghiệm từ trại giam khu Đống Đa, nên dù vừa bước vào phòng đã bị đánh, Bích vẫn cười nhạt. Thấy Hoàng đang ngồi cạnh hố xí, nó đưa mắt ra hiệu rồi chọn một chỗ cao, ném bọc quần áo và ngồi xuống, bất chấp lệnh của “sỹ quan” phòng giam. Thằng vừa đánh Bích tiến lại. Bích vẫn thản nhiên ngồi, thò tay phải ra sau vờ gãi lưng, thực chất là nó vơ mấy cái bát sắt mọi người vẫn gọi là bát B52, xếp chồng lên nhau, giữ đít bát trong lòng bàn tay. Loại bát này dành cho các phạm nhân múc nước để tắm hoặc rửa mặt. Một cú đá thẳng vào mặt Bích. Bích bật sang bên phải tránh, đồng thời chồm dậy, nắm chặt đít mấy cái bát chồng lên nhau, dùng hết lực vỗ đánh ụp vào mang tai thằng vừa đánh mình. Là dân học võ, Bích thừa hiểu cú đánh vào mang tai uy lực thế nào. Thằng kia gục xuống ngay, ôm đầu lăn lộn. Lập tức hai thằng nhảy vào đánh Bích. Hoàng từ phía dưới lao tới, tay đấm chân đạp, như muốn trút ra hết nỗi nhục nằm cạnh hố xí đêm qua. Cú đạp của Hoàng đẩy một đứa bắn về phía Bích. Bích dùng một thế võ Vịnh Xuân, túm cổ tay nó vặn ngược, dùng cườm tay còn lại chặt vào khuỷu, nghe đánh “rắc”, liền sau là một một tiếng hét rợn người. Vẫn kiểu đánh của Quân khu Nam Đồng, hạ gục thật nhanh từng thằng một khi phải đánh với đám đông. Phòng giam nhốn nháo. Nghe tiếng la hét, quản giáo mở cửa vào kiểm tra. Tất cả im bặt, ai ngồi chỗ nấy. Không khí lặng ngắt, lạnh lẽo.

Bích và Hoàng tuy đã bị giam vài lần, nhưng chưa bao giờ chúng bị nhốt ở Hỏa Lò, lại rơi đúng phòng giam số 14, là nơi giam tù án nặng. Giám thị trại cũng hơi quá tay khi xếp hai đứa vào đây. Đáng lẽ nên giam chúng ở phòng số 17, là nơi nhốt con em cán bộ. Đành rằng chúng ngang bướng, gan lỳ, nhưng thực chất cũng chỉ là những đứa trẻ, chưa hiểu gì về chốn lao tù. Vào phòng giam số 14 Hỏa Lò mà chúng vẫn hành động như ở Quân khu Nam Đồng nhà chúng thì đúng là “con nghé mới sinh không kinh con hổ”. Về sau một bạn tù nói, ngay khi xảy ra chuyện, anh ta nghĩ Bích và Hoàng sẽ không sống nổi qua đêm đó, hoặc có sống cũng thân tàn ma dại. Chưa có phạm nhân nào dám động tới lông chân một “sỹ quan” trong phòng giam số 14, chứ đừng nói tới chuyện đánh gục một lúc hai thằng.

Giám thị vừa ra khỏi phòng, Bích và Hoàng đứng dậy, dựa vào nhau, sẵn sàng đánh tiếp. Bốn thằng nữa tiến lại. Bích cười: “Chúng mày có ngon thì một đánh một. Nếu thua, tao chấp nhận nằm hố xí luôn, khỏi cần đánh”. Bọn kia không thèm đếm xỉa tới đề nghị của Bích. Đây là phòng giam Hỏa Lò, đâu phải lãnh địa Lương Sơn Bạc mà bày trò anh hùng mã thượng. Nhưng dù chúng là diện “sỹ quan”, dễ gì đánh ngã hai thằng thiện chiến bậc nhất của Quân khu Nam Đồng, từng vài năm học Vịnh Xuân quyền và cũng có ngần ấy năm đánh lộn. Khoanh tay đứng nhìn bọn Bích bất chấp sống chết, đánh ngã thêm một thằng nữa, Hồ Biền, đại ca phòng giam hạ lệnh: “Ngừng tay!”.

Hồ Biền nói nhẹ nhàng, nhưng đầy quyền lực. Ba thằng bị đòn đau, đang muốn xông vào ăn thua đủ với Bích và Hoàng, lập tức dừng lại, lễ phép lùi ra xa. Hồ Biền, mặc một chiếc áo bạc màu của lính Mỹ (thời này các phạm nhân bị nhốt trong Hỏa Lò có gì mặc nấy chứ không mặc quần áo tù sọc xanh trắng như trong phim), bước tới chỗ hai đứa, ngồi xuống, hỏi Bích, giọng Nam Bộ đặc sệt:

– Chú mày vào đây vì tội gì?

Bích ngần ngừ, định không trả lời, nhưng trước giọng nói trầm khan đầy uy lực của Hồ Biền, nó đáp, cũng bằng giọng miền Nam:

– Đâm người.

– Sao đâm?

– Nó hỗn.

– Sống hay chết?

– Tôi đang mong nó sống.

– Nhà chú mày ở đâu?

– Quân khu Nam Đồng!

Cả phòng có mấy tiếng “ồ”. Nhìn hai cái áo bộ đội Bích và Hoàng mặc, Hồ Biền hất hàm hỏi Bích:

– Chú có dám một đánh một với anh không? Ai thua phải nằm cạnh hố xí.

– Tôi không muốn đánh ai cả. Nhưng nếu bắt tôi nằm cạnh hố xí thì một chứ mười ông tôi cũng đánh. Chỉ có điều thua tôi cũng chẳng nằm cạnh hố xí đâu.

Hồ Biền chăm chú nhìn Bích:

– Sao chú mày dám nói vậy?

– Bởi vì muốn bắt tôi nằm cạnh hố xí, ông phải đánh chết tôi. Lúc đó tôi sẽ ra nghĩa địa nằm.

Mắt Hồ Biền lấp lánh, nửa như giận dữ, nửa như cười cợt:

– Hừ, đúng giọng con nhà lính. Ông già chú mày là bộ đội hả?

– Ông có biết ở khu tập thể Nam Đồng có thằng con nào bố không là bộ đội không?

– Ông già đang ở đâu?

– Chiến trường Lào. Năm năm nay chưa về.

Hồ Biền lẩm bẩm: “Con nhà lính, thiếu bố, tự do và lếu láo tợn”, rồi chỉ vào một góc cao:

– Hai thằng mày lên đó nằm - Hắn nhìn một ông già nhỏ bé, cụt tay, ra lệnh: “Ông Sinh, sắp chỗ cho chúng nó!”.

Nhờ lệnh Hồ Biền, hai thằng thoát nạn. Chẳng biết có phải trong thời chiến, dù ở đâu, những người lính cũng được tôn trọng hơn? Và ngay cả trong tù, con em họ đôi khi cũng được bạn tù ưu ái? Chỉ biết hôm đó, nhờ Hồ Biền có thiện cảm với hai đứa mà Bích và Hoàng thoát nạn. Một tháng sau, Hồ Biền được đưa đi, không ai biết đi đâu? Ông Sinh – một tay buôn thuốc phiện, tiếng nói khá trọng lượng trong phòng giam, tiếp tục che chở cho bọn chúng.

Sau hai tháng, Hoàng được thả, nhờ chính sách “Hậu phương quân đội”. Quốc Tẩm không thuộc diện ưu tiên nên bị nhốt thêm một thời gian nữa. Lượng bị xử nặng nhất, vì nó là đầu vụ.

Ngày Hoàng được tha, đợt khám nghĩa vụ đầu tiên của năm 1975 chuẩn bị bắt đầu. Hoàng rủ Minh viết đơn xung phong nhập ngũ. Hai đứa không thuộc đối tượng khám nghĩa vụ quân sự, vì là con em cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết, lại có bố đang ở chiến trường, nên phải viết đơn xung phong. Tuy cùng tuổi “Dậu”, nhưng Hoàng sinh tháng Mười hai năm 1957 nên được nhận, vì chỉ thiếu… tháng, còn Minh bị trả lại đơn, vì nó sinh tháng Một năm 1958, nghĩa là thiếu năm.

Quốc Tẩm được thả khi đợt tuyển quân sắp kết thúc. Nó làm đơn xung phong đi bộ đội luôn. Đính thấy Quốc Tẩm viết đơn, vỗ vai nó, nói quân đội không chứa chấp bọn mới ra tù. Quốc Tẩm gân cổ cãi. Làm gì có luật nào cấm người đã từng bị phạt giam đi bộ đội? Nếu quân đội không nhận nó, sao lại nhận Hoàng? Không cho nó đi, nó sẽ kiện. Quốc Tẩm chỉ im khi Hoàng phân tích: “Mày ló mặt vào phòng khám sẽ bị đuổi ra ngay, vì ghẻ đầy người. Không ai nhận vào quân đội một tổ ghẻ để lây lan ra toàn quân. Hôm trước, thằng cùng khám với tao cũng bị loại vì ghẻ”. Quốc Tẩm ngạc nhiên, không hiểu sao Hoàng biết nó ghẻ. Nó năn nỉ Minh đi khám hộ. Ai chứ Minh, chỉ cần nhìn đã biết thừa sức khỏe.

Minh vào phòng, cán bộ tuyển quân hỏi nó:

– Họ và tên?

– Tạ Minh Quốc… à, Đặng Minh Quốc.

Anh cán bộ nhìn nó:

– Họ tên cha?

– Đặng… Quân?

– Đặng gì Quân?

Minh toát mồ hôi. Nó nhớ hình như ngày xưa bố Quốc Tẩm tên là Dật Tu. Khi đi kháng chiến, các thủ trưởng nói tên đấy xấu, nên đổi thành Quân. Nhưng chắc chắn không phải “Dật Quân”, còn là cái gì Quân thì nó không nhớ? Hình như là Thanh Quân hay Hoàng Quân gì đó.

Nó trả lời liều:

– Hoàng Quân.

Anh cán bộ nhìn tờ giấy trên bàn, cau mặt:

– Anh nói cái gì?

– Tên ông bà đặt cho bố tôi là Hoàng Quân, nhưng đi bộ đội thì đổi thành Thanh Quân. “Hoàng Quân” nghĩa là… lính mặc áo vàng, trong khi bộ đội mình mặc áo xanh. “Thanh” nghĩa là “xanh”, như “thanh thiên” là trời xanh. Anh hiểu không?

Anh cán bộ gật gù, ra vẻ hiểu biết và hỏi tiếp:

– Họ tên mẹ?

– Mẹ Thủy.

– Họ gì?

Minh luống cuống. Nó nhìn thấy Quốc Tẩm ngoài cửa sổ đang tròn mồm ra hiệu, nhưng không dịch nổi khẩu hình. Nó hỏi lại:

– Mẹ anh tên gì?

Anh cán bộ khám tuyển hơi bất ngờ, nhưng cũng trả lời:

– Mẹ tôi tên Xuân.

– Mẹ anh họ gì?

– Anh đùa tôi đấy à?

– Tôi lại nghĩ anh đang đùa tôi. Hỏi con người ta họ của mẹ nó là gì…? Đúng là xúc phạm!

Quốc Tẩm ở ngoài lo lắng, hét toáng lên:

– Anh cán bộ gì ơi, cho tôi hỏi, trong này có chị Nguyễn Thị Quân không?.

Anh cán bộ tuyển quân cau mặt, rời bàn, ra bảo Quốc Tẩm: “Anh kia, trật tự!” và khép cánh cửa lại. Chờ anh quay về chỗ, Minh nhẹ nhàng:

– Tên mẹ tôi là Nguyễn Thị Thủy, anh còn hỏi gì nữa không?

– Đủ rồi, mời anh sang phòng bên khám.

Minh khám vèo một cái là xong, tất nhiên không có con ghẻ nào, sức khỏe đạt loại A1. Quốc Tẩm mời Minh với Hoàng đi uống nước chè và đãi mỗi đứa một điếu “Điện Biên” bao bạc. Hoàng bảo Quốc Tẩm: “Tao còn ít thuốc ghẻ. Lát về tao cho. Nhưng mày nên kiếm mấy nắm lá xoan, nấu nước tắm, và sát vào chỗ ghẻ. Bệnh này chữa khó phết đấy. Hồi mới ra, tao cũng bị ghẻ tứ tung”.

Việt - Hương

Vì Lượng, Quốc Tẩm, Hoàng bị bắt nên cũng có đứa bàn hoãn lại việc thăm Nam Diễm và Việt một tuần để chuẩn bị đồ tiếp tế, nhưng Hòa vẫn quyết đi. Nó bảo có cái gì mang theo cái đó, chủ yếu mang cho Nam Diễm thôi. Suy cho cùng, có thằng nào chủ động về kinh tế đâu, hoãn một tuần chứ hoãn mười tuần cũng vậy. Lượng quý Việt, muốn tiếp tế cho Việt thật đàng hoàng nên mới làm một vụ động trời như thế. Hòa rất áy náy, xưa nay nó vẫn được coi là có cái nhìn bao quát, có khả năng linh cảm được các việc, thế mà lần này nó chả biết gì. Nếu nó biết, chắc chắn nó sẽ cản Lượng, hoặc chí ít cũng cản Hoàng và Quốc Tẩm vác đồ ăn cắp ra bán ở chợ trời. Quân khu Nam Đồng xưa nay chưa bao giờ dính vào vụ nào kiểu này. Tuy không đảm bảo một trăm phần trăm cả khu không có đứa nào tắt mắt, nhưng trèo tường phá khóa nhà người khác lấy đồ đem bán thì không bao giờ. Sống ở khu Nam Đồng, chúng nó vẫn mang trong người dòng máu kiêu hãnh của con nhà lính. Chúng có thể đánh nhau với cả thiên hạ, nhưng không phải là những thằng ăn cắp.

Sáng Chủ nhật, mấy thằng bắt xe khách lên Nhổn thăm Nam Diễm. Chờ ở trạm đón tiếp mãi, trực ban mới gọi Nam Diễm ra. Tán phét một hồi, cả bọn gửi quà lại rồi lên Trung Hà thăm Việt. Thực ra Hòa rất muốn ở lại chén một bữa cơm để xem độ tả thực của Nam Diễm tới đâu, có điều “lính tráng có suất” nên Nam Diễm cũng chả có cơm để mời. Nhưng đến đơn vị Việt thì khác. Việt biết tin bọn nó lên thăm nên đã báo cáo đại đội trưởng trước và xin nghỉ tiếp khách. Không biết Việt tán thế nào mà anh nuôi bố trí cho cả bọn một bữa cơm khá ngon, có thịt lợn rang, cá diếc kho và canh cua. Hòa phán: “Ở đây ăn còn ngon hơn nhà tao”. Việt nói: “Chúng mày là khách nên thế thôi. Hàng ngày bọn tao không được ăn ngon như thế này, nhưng cũng no bụng. Tao báo cáo với đại đội trưởng, chúng mày ở khu Nam Đồng lên, toàn con cái tướng lĩnh nên đồng chí ấy cũng muốn thết đãi chu đáo”. Ði bộ đội có mấy tháng mà nhìn Việt rắn rỏi hẳn lên. Chỗ ở của nó cực kỳ ngăn nắp, gọn gàng. Chăn màn gấp vuông chằn chặn. Ăn xong, Việt dẫn cả bọn ra nhà khách của đơn vị tán phét. Tới 4 giờ chiều, mọi người phải ra bến xe để bắt kịp chuyến cuối cùng về Hà Nội. Việt hỏi Hòa: “Mày ở lại với tao đêm nay được không? Tao có chuyện muốn hỏi ý kiến”. Hòa ngần ngừ một lát rồi nhận lời. Nó nhờ Đính về báo với bố mẹ và xin giấy viết một cái thư xin phép nghỉ học sáng hôm sau vì… ốm.

Tối đó, Hòa vào doanh trại ăn cơm cùng với Việt. Sáu người một mâm. Nó thấy Nam Diễm hơi cường điệu khi tả mâm cơm bộ đội. Thực ra so với cơm nhà Hòa cũng một chín một mười, nhưng nhiều cơm hơn. Ăn xong, hai đứa ra nhà khách Trung đoàn. Gọi là nhà khách, nhưng chỉ có hai gian nhà lán ở lưng đồi, dưới một gốc cây trám to. Quân ở Nhà 8 khu Nam Đồng, đi bộ đội cùng đợt với Việt cũng ra ngủ cùng. Ba thằng nằm tán phét được một lúc thì trời đổ mưa. Mưa mỗi lúc một to. Mưa phủ lên ánh trăng rằm, biến không gian thành một màn ghi tối. Gió thổi ào ào. Lần đầu tiên Hòa được thưởng thức cảnh mưa rừng. Mưa mới một lát nhà đã dột tứ tung. Việt và Quân lấy ni lông che, nhưng căng kiểu gì cũng vẫn bị ướt giường. Ba thằng bó gối ngồi dồn một chỗ. Hòa nói: “Thích thật. Tao chưa bao giờ được ngủ rừng thế này”. Quân cười: “Rồi sẽ đến lượt. Chẳng ai biết chiến tranh sẽ kéo dài đến bao giờ”. Tới nửa đêm thì mưa ngớt. Quân lăn ra ngủ. Việt ngồi kể với Hòa chuyện của Hương.

– Tháng trước, Hương lên thăm tao. Bọn tao nói rất nhiều chuyện. Thú thật, khi yêu mình chỉ nghĩ làm thế nào để được yêu thôi, không nghĩ đến tương lai. Nếu không có chiến tranh, mọi chuyện sẽ bình thường. Nhưng chiến tranh buộc mọi người phải suy tính. Tao nói với Hương: “Chắc một hai tháng tới bọn Việt phải vào Nam. Đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng. Đi lính chẳng ai biết đến bao giờ mới về. Có thể dăm năm, cũng có thể chục năm, cũng có thể chẳng bao giờ. Việt không sợ, không bi quan, nhưng Việt không muốn Hương phải khổ. Con gái có thì… Rồi nữa, nếu sau này giải phóng miền Nam, Việt sẽ phải theo ba má vào Nam, trong khi cả nhà Hương ở ngoài này… Hay là hai đứa mình chia tay?”. Hương tròn mắt nhìn tao. Tao giải thích rõ với Hương: Bắc - Nam tuy cùng một nước, nhưng lại ngăn cách bởi chiến trường, có phải Hà Nội với Trung Hà đâu mà thích thì lên thăm nhau. Chưa kể xinh như Hương, lúc nào cũng có bao người theo đuổi. Tao không muốn cả tuổi xuân của Hương phải sống trong đợi chờ. Tao nói với Hương điều đó, vì yêu Hương, yêu hơn yêu bản thân mình. Tao biết sẽ rất đau khổ. Nhưng tao chấp nhận, vì điều đó tốt cho Hương.

Hòa tò mò:

– Hương phản ứng thế nào?

– Hương lắc đầu, ôm tao vào lòng, lấy tay đánh đít như đánh trẻ con, miệng bảo: “Hư quá, hư quá!” rồi bịt mồm tao lại, không cho nói nữa. Khi ra về, Hương hứa sẽ suy nghĩ nghiêm túc về những điều tao nói và có ý kiến sau.

– Rồi sao nữa? - Hòa cũng thấy hồi hộp.

– Cách đây một tuần Hương lên thăm tao. Hương cho biết sẽ bỏ học và xin gia nhập “Đoàn Văn công Quân giải phóng”. Như vậy Hương sẽ cùng tao vào chiến trường. Sau này giải phóng, tao về đâu, Hương sẽ tới đó. Hương nói làm thế, ngoài “việc nước” còn được thêm ba “việc nhà”: “Một là, hai đứa luôn cảm thấy gần nhau, có thể cùng chung một cơn mưa rừng, cùng nghe một bài hát, cùng hứng một trận bom. Hai là, sau này thống nhất đất nước, Hương đã trong biên chế của một cơ quan miền Nam, vào với Việt sẽ dễ dàng, gia đình không ngăn cản được. Thứ ba là, chấm dứt được mọi ghen tuông, nghi ngờ của Việt”.

Hòa nói ngay:

– Trong chiến tranh, chỉ có bài thơ “Đợi anh về” chứ đâu có bài “Đợi em về”. Đành rằng Hương không trực tiếp cầm súng, nhưng bom đạn vô tình. Ra chiến trường là việc của đàn ông tụi mình. Mày bảo Hương ở nhà học tập tiếp đi.

– Chính vì thế tao mới nhờ mày. Hôm đó tao nói hết cỡ rồi, nhưng Hương cứ cười và cho rằng Hương quyết định như vậy cũng chỉ vì tình yêu hai đứa. Mày về thuyết phục Hương giùm tao. Nói với Hương tao hoàn toàn tin tưởng ở Hương. Hương cứ ở nhà, tao sẽ trở về. Lúc đó Hương thích ở Hà Nội, Hà Nam, Hà Đông hay Hà Giang gì cũng được, không cần vào Nam nữa. Hương thích nơi nào là tao ở đó.

Hòa ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Tính cách Hương rất quyết liệt, đã nói là làm. Mày nhớ vụ Hương cấm Mai Liên chơi với các bạn khu Nam Đồng khi mày và Hương giận nhau không?”.

Việt thở dài:

– Ừ, nhớ! Tại dạo đấy tao hay gặp Mai Liên để hỏi chuyện Hương.

– Tao sẽ cố gắng thuyết phục Hương. Nhưng mày phải chuẩn bị tinh thần có thể mọi việc không thay đổi được. Kể ra mày cũng may mắn khi có một người yêu mình như thế… Nhưng cũng có cái không may.

Việt nhổm người dậy: “Không may cái gì?”.

– Lấy được cô vợ dữ quá, chắc lại suốt đời nhường vợ giống ba mày thôi. Từ bé đến giờ chơi với mày, tao vẫn nghĩ mày mạnh mẽ. Đánh nhau bao giờ mày cũng là thằng đi đầu. Nhưng hôm nay tao nhìn thấy một điều mới mẻ, đó là trong tình cảm mày rất yếu đuối. Hương rõ ràng và mạnh mẽ hơn mày nhiều!

– Thế thì phải nói là may. Sau này mọi chuyện tao cho Hương quyết định tất - Việt thở nhẹ.

Lần đầu tiên Hòa phát hiện ra sợ vợ có gien di truyền. Hai đứa nói hết chuyện nọ sang chuyện kia, quên mất trời đã sáng. Nghe kẻng báo thức của đơn vị, Việt bảo: “Tao phải về doanh trại. Mày nghỉ ở đây, tranh thủ chợp mắt rồi ra bến xe nhé”. Hòa nói sẽ về luôn cho sớm. Hai đứa chia tay.

Tới Hà Nội, Hòa cầm thư Việt sang ngay nhà Hương, chưa kịp đưa thì Hương chìa cho Hòa xem quyết định nhập ngũ, vào “Đoàn Văn công Quân giải phóng”. Hương rất tự hào đã trúng tuyển và được các anh chị trong đoàn đánh giá cao về chất giọng. Đất nước đang còn chiến tranh, bao lớp nam thanh nữ tú nối nhau ra chiến trường. Hương vô cùng háo hức khi được đem giọng hát của mình phục vụ những người chiến sỹ, thanh niên xung phong nơi hỏa tuyến, trong đó có Việt. Hòa thấy không còn cơ hội thực hiện điều Việt nhờ, nên nói sang chuyện khác.

Được một lúc, Hương nói: “Để Hương cho Hòa xem cái này”. Hương vào lấy ra một bó thư, có mấy cái của Hảo Bẹt, một cái của Cường Con, còn lại là một lô một lốc những cái tên Hòa không biết, hoặc không đề tên, chưa cái nào bóc. “Nhiều người tán Hương lắm, nhưng Hương không quan tâm. Từ trước tới nay, Hương chỉ đọc thư của một người duy nhất… Không hiểu kiếp trước, Hương nợ gì Quân khu Nam Đồng nhà các bạn?”. Hương nhìn Hòa đang tần ngần cầm bó thư, cười và nói: “Gửi hết cho Việt để Việt yên tâm nhỉ?”. Hòa lắc đầu: “Gửi làm gì. Hương cứ giữ làm kỷ niệm. Suy cho cùng, những người gửi thư cho Hương đâu có lỗi. Người như Hương ai chả muốn yêu. Tôi nghĩ Việt sẽ tự hào về điều đó”. Hương với cái chậu đựng rác, ném bó thư vào và châm lửa: “Nếu Hòa nói vậy thì để tôi đốt đi. Tôi đã nói rồi, tôi chỉ đọc thư của Việt!”. Khói um nhà. Chắc Hương cố tình đốt trước mặt Hòa.

Trong lúc chờ những bức thư cháy hết, Hương lẩm nhẩm hát mấy câu mà tới tận bây giờ Hòa vẫn còn nhớ. Tiếng hát nhí nhảnh, trong vắt: “Bao nhiêu trai làng yêu nàng, đi theo xin nàng tim vàng, nàng vẫn không màng. Nàng đã trót yêu, yêu một chàng, một chàng nghệ sỹ… là lá la là…”

Xử án

Sau ba tháng tạm giam, Bích, Quang Anh và Tuấn Mím được đưa ra tòa xét xử. Tòa án lưu động mở tại hội trường tầng hai khu tập thể Nam Đồng, gọi là xử “án điểm”, để làm gương cho thanh thiếu niên, nhưng thực chất, như mọi người hiểu, là để “dằn mặt” bọn bất trị trong Quân khu Nam Đồng.

Rất may tới ngày xử án, sức khỏe của Dương bình phục. Nếu nó bị thương nặng hoặc chết thì án của Bích và Quang Anh, những đứa trực tiếp đâm sẽ nặng hơn nhiều. Dương được đám học sinh trường Xã Đàn, khoảng hai chục đứa đưa tới làm nhân chứng. Trước giờ xử án, chúng đứng chật một góc sân hội trường khu tập thể, cùng phía với các anh công an. Bọn khu Nam Đồng cũng kéo ra, đứng dồn về phía bàn bóng bàn, cạnh nhà bán thực phẩm phía trước Ao Ông Thử. Chúng nó muốn nhìn thấy bọn Bích, Tuấn Mím, Quang Anh. Từ ngày bị bắt, chưa ai được gặp ba đứa.

Sắp đến giờ xử án, nhìn Dương và mấy thằng trường Xã Đàn mặt vênh vang, cười nói hỉ hả, Hà Tư lặng lẽ tách khỏi nhóm, tiến tới bảo: “Vào tới đất Quân khu Nam Đồng thì phải cúi mặt xuống, ngậm miệng lại! Hiểu chưa?”. Dứt lời nó tát trái, tát phải hai cái đốp đốp vào mặt Dương rồi lững thững quay về. Mấy thằng trường Xã Đàn nhảy ra, nhưng thấy mặt bọn con trai khu Nam Đồng đằng đằng sát khí, không thằng nào dám tiến lên, chỉ đứng hét: “Bọn Nam Đồng đánh người, bọn Nam Đồng đánh người!”.

Mấy anh công an chạy lại. Cả bọn tràn ra cản đường, để Hà Tư đi qua bàn bóng bàn, lách ra phía Ao Ông Thử và biến mất. Mấy anh công an lắc đầu: “Đến giờ này mà các anh còn đánh nhau được!”. Hòa cười nhạt: “Anh thử nhìn mấy thằng đang đứng vênh mặt đằng kia xem có ngứa mắt không? Chúng nó mà không cúi mặt xuống, có khi lại thêm một vụ án nữa”. Anh công an nhìn Hòa rồi đi về phía bọn học sinh trường Xã Đàn, nói nhỏ: “Cúi bớt cái mặt xuống”. Tuy nhiên, sau khi hội ý với nhau, công an dẫn tất cả vào trong hội trường, để chúng nó lơ ngơ ở đây, khéo ăn đòn thật. Hội Quân khu Nam Đồng này thật khó lường, nhất là khi chúng nổi cơn bảo vệ danh dự “Quân khu”.

Gọi là xử án, nhưng mọi người đều biết trước mức án tòa sẽ tuyên. Những loại án lưu động, án điểm thế này, bao giờ bản án chẳng có sẵn trong túi quan tòa. Nữ luật sư do tòa chỉ định đọc một bài dài cho cả ba đứa, lúc trầm lúc bổng, đủ xót xa, chia sẻ, phê phán và hối tiếc. Một số người có mặt tại phiên tòa và nghe qua loa phóng thanh lén chùi nước mắt. Ngược lại, bọn con trai khu Nam Đồng đứa nào cũng cảm thấy ngứa tai. Hòa hậm hực: “Không biết mặt cái con mụ luật sư này tròn méo thế nào…? Nó bào chữa cho anh em quân khu chứ có phải bố nó chết đâu mà giở cái giọng nhão nhoẹt. Dân Quân khu Nam Đồng nhà tao dám làm, dám chịu, đâu có khiến cái loại nó khóc mướn”. Hòa không hiểu sao lúc đó mình hằn học thế. Và cảm thấy buồn, mệt mỏi và trống rỗng.

Quang Anh và Bích bị xử lần lượt 10 và 18 tháng tù giam.

Bích cũng sốc khi tòa tuyên án. Nó là đại diện cho số đông các chàng trai Quân khu Nam Đồng trả giá trước pháp luật vì những việc làm sai trái của mình. Tuổi trẻ là vậy, nhiều khi không nghĩ tới hậu quả của việc làm trước khi hành động. Đặc biệt, trong giai đoạn trưởng thành, khi khao khát thể hiện bản thân ngày càng lớn, thì các chàng trai khu Nam Đồng lại thiếu sự định hướng đúng đắn. Và khi các nguồn năng lượng lệch lạch, dư thừa kết hợp với nhau, hậu quả nhiều lúc vô cùng tai hại. Ở một giác độ nào đó, mọi người chia sẻ, cảm thông với Bích.

Nhưng việc Bích phải đi tù là sự cảnh tỉnh cho cả thế hệ thanh niên khu Nam Đồng. Những ngày trong tù, Bích nghiền ngẫm và nhận thức ra nhiều điều bổ ích. Nó nói: “Trước đây mình cứ nghĩ mình có thể làm được tất cả, nhưng càng lớn lên, càng thấy mọi việc không phải thế. Con người giống như trái đất, độc lập quay xung quanh mình, nhưng không thể thoát ra khỏi quỹ đạo mặt trời, cũng như mình không thể tách khỏi quỹ đạo của xã hội và luật pháp”.

Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà nước ban hành lệnh đặc xá. Nhờ chú của Bích, đại tá công an, công tác ở Cục Tài vụ của Bộ, tìm mọi cách trình bày, vận dụng, can thiệp, nhờ vả, Bích được tha vào ngày 15 tháng Mười. Dù hòa bình, các ông bố nhà binh vẫn nghĩ không có nơi nào rèn giũa con người tốt hơn trong quân đội. Bố Bích xin cho nó đi bộ đội. Hóa ra những ngày trong tù cũng có mặt tích cực của nó. Bích đã thấm thía sự tụt hậu so với bạn bè, sự vô nghĩa của những hành động nông nổi. Nó nỗ lực phấn đấu và hơn một năm sau được kết nạp vào Đảng. Trong một đợt Quân chủng Phòng không Không quân về khám phi công, Bích trúng tuyển và được gửi ra học dự khóa ở Bạch Mai. Tuy nhiên, không phải tất cả số dự khoá đều được sang Liên Xô học. Bích bị gạt lại, không phải do năng lực hay sức khỏe, mà là hồ sơ. Có ai ngờ cái trò đánh nhau thời đi học lại làm ảnh hưởng tới con đường tương lai như thế? Tháng Chín năm 1981, Bích xuất ngũ, xin đi xuất khẩu lao động tại Tiệp Khắc. Bốn năm sau về nước, Bích làm cho một công ty may của nước ngoài. Nó tu chí làm ăn và trở thành một cán bộ quản lý giỏi, rất được lòng ông chủ. Từ ngày bị bắt, không bao giờ Bích mang cái gì dính tới sắt thép trong người, dù chỉ là cái cắt móng tay. Nó bảo: “Ông Ngọc kỵ Lịch sử, ông Hòa kỵ Âm nhạc, ông Việt kỵ Ngoại ngữ, còn tôi kỵ Kim loại”.

Tuấn Mím bị xử án treo. Có lẽ do bố Tuấn Mím đang ở ngoài mặt trận nên tòa cũng quan tâm đến chính sách hậu phương quân đội. Hơn nữa, nó cũng chỉ có mỗi cái tội đang đá bóng thì gặp bọn đi đánh nhau rủ, thế là đi theo, hoàn toàn ngẫu nhiên. Nó không vào trường Xã Đàn, chỉ ở ngoài cổng giữ xe. Vì đang vướng án treo, nên dù rất muốn, Tuấn Mím cũng không thể nào nhập ngũ ngay cùng chúng bạn. Chỉ còn cách ngồi chờ hết án. Có ai ngờ mỗi việc đi giữ xe cho mấy thằng bạn đánh nhau mà lằng nhằng đến thế.

Cuộc đời là vậy! Những đứa trẻ mới lớn, chân thành, nhiệt huyết, hết lòng với bạn bè, tôn thờ tính cộng đồng, nhưng hay phải xa cha mẹ, thiếu sự chỉ bảo, định hướng đầy đủ của gia đình, nên lớn lên tự do, manh động, thậm chí có phần hoang dã, nhiều khi chỉ một sự tình cờ, một cái vẫy tay là có thể bước sang một khúc ngoặt của số phận.

Nhiều năm sau nhớ lại buổi sáng ngày hôm ấy, Hòa thấy số mệnh luôn tránh cho nó những khúc ngoặt rủi ro. Hôm đó học xong hai tiết đầu, lớp được nghỉ vì thầy giáo dậy môn Vật lý ốm. Hòa rủ Đính đi nhuộm quần áo. Hai đứa, mỗi thằng ôm một bọc đồ cũ, đứng xếp hàng ở Hiệu nhuộm “Tô Châu” đầu Ô Chợ Dừa. Nhìn thấy bọn Bích đi qua, Hòa còn giơ tay vẫy vẫy. Không ai ngoài Tuấn Mím nhìn thấy Hòa và Đính. Tuấn Mím toan gọi, nhưng thấy hai đứa đang ôm quần áo xếp hàng nên lại thôi. Nếu Tuấn Mím gọi thể nào hai đứa cũng theo đi, chắc sau buổi sáng hôm đó, Hòa và Đính cũng hoặc là nhập ngũ, hoặc là đi tù. Nếu phải đi tù, đảm bảo trên mức án treo, vì nó với Đính đời nào chịu đứng ngoài giữ xe đạp khi mọi người xử lý thằng đánh bạn Ngọc của nó tới hôn mê trong viện.

Nhưng với Quang Anh, số mệnh không dành cho nó sự ưu ái như thế.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3