Quân Khu Nam Đồng - Chương 24
Trước ngày ra trận
1
Đến ngày nhập ngũ, cả lớp vui như hội, bỏ bê việc học, dù ai cũng biết là năm cuối cấp, việc học hành quan trọng thế nào. Đợt này lớp 10D có tám bạn đi bộ đội. Hết liên hoan theo nhóm, theo tổ, theo nhà, đến chụp ảnh, viết sổ lưu niệm, tặng quà kỷ niệm… Người ra đi rạo rực, người ở lại cũng xốn xang. Ngày đó, những chàng trai ưu tú đều ra chiến trường. Trong mắt các cô gái, hình ảnh đẹp nhất là người chiến sĩ trên đường ra trận. Ngày chia tay, ai cũng đầy ắp cảm xúc, tâm trạng và nỗi niềm.
Có những thời điểm, việc bày tỏ tình cảm của các chàng trai dễ được các cô gái chấp nhận, đó là vào dịp họ chuẩn bị nhập ngũ, hoặc chuẩn bị lên đường ra mặt trận.
Trước khi vào Nam, nhân có bố từ chiến trường ra Hà Nội họp mấy ngày, Hoàng xin được về tranh thủ ít bữa, kết hợp mua sắm mấy thứ cho đơn vị. Sau những ngày ở quân ngũ, nó cao lớn, trưởng thành và tự tin lên rất nhiều. Không lý gì bọn trong đơn vị, từ nông thôn tới miền núi, đều có người yêu, mà nó đây, trai Hà Nội chính hiệu, “liền anh liền chị” Quân khu Nam Đồng, lại không đủ bản lĩnh tìm một mảnh tình vắt vai. Từ ngày mẹ bạn Tuyết Minh túm được bức thư tình của Hoàng, đưa cho chú Chung hàng xóm gần nhà nó, nhờ chú nhắc nhở Hoàng phải tập trung vào học tập, chưa vội yêu đương linh tinh, chuyện nó với Tuyết Minh vẫn dậm chân tại chỗ. Vừa rồi Hòa kể, trong một buổi sinh nhật, vô tình nó gặp Tuyết Minh. Hòa hỏi đến tuổi nào Tuyết Minh mới thôi đem thư bạn trai nộp cho mẹ? Tuyết Minh đỏ mặt, thanh minh lúc Hoàng đưa thư, mẹ Tuyết Minh trông thấy. Mẹ hỏi Hoàng đưa gì, Tuyết Minh không dám giấu, chứ Tuyết Minh không phải người xấu hay hèn đến mức đem thư của các bạn trai mách mẹ. Hòa động viên Hoàng đợt về phép này, tranh thủ tỏ tình với Tuyết Minh. Nó cho rằng việc Tuyết Minh kể chuyện hôm vừa rồi cũng là một cách bắn tin cho Hoàng tiếp tục.
Muốn học hỏi thêm về kinh nghiệm tỏ tình, Hoàng hỏi Hòa đã tỏ tình với cô nào chưa? Hòa nhún vai: “Tình yêu là duyên trời định, có phải rau ngoài chợ đâu mà thích là mua?”. Là thằng sản xuất cho Việt cả trăm cái thư tình, anh em trong khu nhiều đứa còn mượn chép gửi cho người yêu, không hiểu sao Hòa vẫn chưa chọn được cho mình một cô? Hoàng cố gặng hỏi lý do tại sao thì Hòa giải thích: “Tao đi xem bói, Thầy nói số tao lấy vợ muộn. Bây giờ người yêu tao còn chưa lớn. Chúng mày yêu sớm thì sau này vợ chúng mày già sớm, chết sớm chứ hay ho gì”. Chán chuyện! Đúng là cái thằng Chí Phèo. Dù sao, lần này về phép, Hoàng cũng quyết tâm bày tỏ tình cảm cho ra nhẽ với Tuyết Minh. “Có yêu thì nói rằng yêu – Không yêu thì nói một điều cho xong”. Từ ngày khoác bộ quân phục lên người, Hoàng rất tự tin. Khi soi gương, nó phát hiện so với thiên hạ mình cũng đẹp trai như ai. Nó có phải đứa ngu đâu mà không nhận biết được chân giá trị của mình qua ánh mắt dõi theo của bọn con gái. Và nó linh cảm, nếu tỏ tình với Tuyết Minh đợt này, nó sẽ không thất bại.
Hoàng tới nhà Tuyết Minh, mọi sự diễn ra vô cùng thuận lợi. Mẹ Minh hình như quên bẵng thằng bé tóc dài, áo bộ đội bỏ ngoài quần, đi dép lê loẹt quẹt đến tán tỉnh con mình ngày nào. Bà pha nước mời chàng binh nhì, quần áo mới tinh, đầu tóc gọn gàng, khuôn mặt thanh tú, sau đó ý nhị bỏ ra ngoài, cho con gái yêu nói chuyện. Tuyết Minh rất vui vẻ, hẹn Hoàng trong mấy ngày phép, lúc nào rảnh ghé Tuyết Minh chơi. Nàng lờ đi chuyện lá thư. Hoàng định bụng sẽ hẹn Tuyết Minh tối hôm sau đi đâu đó để bày tỏ. Nó chỉ có ít ngày phép. Đợt này, kiểu gì cũng phải tỏ tình, mà lính gọi là “chốt hạ”.
Thế nhưng tình yêu đúng là trò đùa của số mệnh. Rời nhà Tuyết Minh, Hoàng sang bàn kế hoạch với Ngọc. Chắc phải nhờ Ngọc đưa thư hộ. Trời xui đất khiến thế nào tới đầu cầu thang Nhà 5, nó đâm sầm vào em Vân. Ngày đi sơ tán, em đen đủi và gầy còm, chân như ống sậy. Bẵng đi một thời gian không gặp, bây giờ em cao như vận động viên bóng chuyền, dáng người nảy nở, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng, mái tóc dày và nặng xõa ngang lưng, đôi mắt một mí rất xinh, lúc nào cũng như đang cười… Hoàng ngẩn người, theo em lên nhà chơi. Và người nó hẹn đi chơi tối hôm sau không phải là Tuyết Minh, mà là Vân. Thằng Hòa nói thế mà đúng. Tình yêu là cái duyên trời định, muốn cũng không được, trốn cũng chẳng thoát! Suốt tuần, tối nào đi chơi về, nó cũng gọi Ngọc ra, chỉ vai áo bên phải ướt đầm, khoe: “Em Vân khóc đấy!”. Đêm cuối cùng, trước khi lên đường, không phải vai áo mà cả người nó ướt sũng và… bốc mùi thum thủm. Nguyên do là dạo chơi từ sân sau Nhà 7 khu Nam Đồng sang bãi đất trống phía khu Kim Liên phải đi qua một chiếc cầu, được bắc bởi ba cây tre. Khi đi thì hai đứa nắm tay nhau, người trước người sau. Lúc về, Hoàng nổi máu hiệp sĩ, tình nguyện bế em qua cầu. Lần đầu tiên bế một cô gái, xinh thì có xinh nhưng nặng và cồng kềnh, đi qua chiếc cầu nhỏ xíu, gập ghềnh, Hoàng cố mấy cũng chỉ giữ thăng bằng được tới đoạn giữa… May mà dòng sông đào dẫn nước cống từ khu tập thể Nam Đồng ra hồ Xã Đàn không sâu, nên hai đứa chúng nó không chết đuối.
2
Đơn vị Hà Tư nhận lệnh chuẩn bị hành quân vào Nam. Nó xin về tranh thủ không được, nên nhờ điện thoại, nhắn Hoàng Yến lên đơn vị chơi. Đành rằng từ lâu, hai đứa thân thiết, nhưng chưa hề ôm hôn hay ước hẹn, thì cũng chưa thể gọi là người yêu. Bình thường, chưa chắc Hoàng Yến đã dám một mình ra tận Hải Phòng, vì đường xá xa xôi, cách trở cầu phà. Nhưng hai đứa sắp xa nhau vạn lý, Hoàng Yến đánh liều nói dối mẹ, xin về Bắc Ninh ăn cưới chị đứa bạn thân. Đi từ sớm tinh mơ mà đến được đơn vị trời đã gần tối. Hà Tư xin phép thủ trưởng rồi hai đứa dắt nhau ra quán, ăn phở gà, sau đó đi xem phim. Chắc con gái Hà Nội không quen đi bộ, trải qua một chặng đường dài bị đau chân, nên Hoàng Yến bước hơi tập tễnh. Tới cửa rạp, vừa dốc hết đồng phụ cấp cuối cùng mua vé, Hà Tư nghe hai thằng phe, chắc hậm hực vì không bán được vé cho nó, nói với nhau: “Ơ, con mông to kia bị thọt!”. Hà Tư nóng mặt, túm cổ hai thằng đánh ngã lăn ra đường, rồi thản nhiên dẫn Hoàng Yến vào rạp, không hề quan tâm tới chuyện thanh niên đất cảng sẽ kéo đến trả thù.
Tan phim, vừa ra khỏi rạp, Hà Tư thấy năm thằng đầu gấu, mặt trông bặm trợn, đứng chờ. Vì trước cửa rạp có một anh công an, nên hai bên nhìn nhau gườm gườm. Hoàng Yến sợ rúm người lại, thì thào bảo Hà Tư nhờ công an dẫn về đơn vị. Hà Tư lắc đầu cười và kéo Hoàng Yến đi. Năm trai đất cảng bám theo. Tới chỗ vắng, Hà Tư dừng lại, hỏi: “Chúng mày thích đánh nhau thì lại đây, không thì xéo đi chỗ khác để anh chị mày còn tỏ tình!”. Trong khu Nam Đồng, Hà Tư nổi tiếng là đứa dũng cảm và nặng tay, trái ngược hẳn với vẻ ngoài ngoan hiền và điển trai của nó. Nhưng hổ mạnh không đánh được cáo bầy, hai tay không địch nổi mười tay. Cuối cùng Hà Tư cũng bị đánh ngã. Hai thằng cười hô hố, quay sang túm lấy Hoàng Yến, để ba thằng còn lại nhảy vào đè Hà Tư, không hề biết đang chơi với một thằng lì lợm bậc nhất của “Quân khu Nam Đồng”. Khi Hà Tư ngã xuống, lập tức nó thò tay rút lưỡi lê AK từ thắt lưng ra. Thói quen mang vũ khí theo người khi đi chơi từ thời Quân khu Nam Đồng ở nó vẫn chưa mất, dù đã trở thành một chiến sĩ hải quân chính hiệu. Nhưng vì lúc này đã là anh bộ đội Cụ Hồ, nó cũng học được điều hay lẽ phải trong cách cư xử với dân, gọi là “công tác dân vận”, nên nó không đâm, mà chỉ dí sâu lưỡi lê vào lỗ mũi thằng đang nằm đè lên mình. Thằng này buông ngay nó ra, lăn đi mấy vòng. Hà Tư vùng dậy, nhảy tới túm tóc thằng đang ôm Hoàng Yến, kề lưỡi lê AK vào bụng. Dù giận dữ, nó vẫn giữ đúng điều lệnh quân đội, không dùng bạo lực với dân. Cảm nhận được đầu lưỡi lê AK nhọn hoắt đang ấn vào da bụng, cậu trai đất cảng hồn vía lên mây, buông ngay Hoàng Yến, quỳ xuống xin tha. Hà Tư cười nhạt, dắt lê vào bụng, kéo Hoàng Yến đi.
Làm bạn với bọn Quân khu Nam Đồng bao nhiêu năm, Hoàng Yến chẳng lạ gì những buổi đi chơi kèm theo đánh đấm, thậm chí còn thấy chuyện đó vô cùng lãng mạn. Hai đứa dắt nhau ra bờ biển ngồi. Có lẽ do Hà Tư sắp đi xa, có lẽ do lâu ngày không gặp, có lẽ do còn nhiều cảm xúc sau trận đánh, hay do cái lạnh của gió biển và sự ngát hương của những bông hoa… hai đứa đều cảm thấy hồi hộp. Bao nhiêu lời nói chuẩn bị từ mấy hôm nay của Hà Tư bay đâu hết. Vì vậy, thay cho việc tỏ tình bằng ngôn ngữ, nó thổ lộ bằng hành động, tất nhiên là trong khuôn khổ. Khi thấy mọi sự xảy ra rất tự nhiên, và cảm xúc vô cùng tuyệt vời, nó tự trách mình sao không tỏ tình sớm hơn? Hoàng Yến thỏ thẻ: “Yến mong Hà không bao giờ quên Yến”. Hà Tư đáp: “Không bao giờ quên!”. Hoàng Yến nói: “Hà có nghĩa là sông. Liệu khi dòng nước lớn đổ ra biển rộng, Hà có còn nhớ đến Yến?”. Ở khu Nam Đồng, Hà Tư thuộc loại đẹp trai nhất nhì, lại lắm tài lẻ. Nó chơi đàn cực hay, đá bóng cũng cừ. Nhưng ở đời, tài năng và vẻ đẹp của đàn ông không đồng nghĩa với việc nói năng nho nhã. Nó trả lời: “Hà là sông nên không bay đi đâu được. Chỉ Yến là chim mới có cánh để bay”. Hoàng Yến dứ dứ tay vào trán nó, nhõng nhẽo: “Nếu Hà không phụ Yến, Yến sẽ tình nguyện cắt cánh, để mãi mãi bên Hà”. Hà Tư cười hì hì: “Có chắp thêm hai cái cánh nữa cũng chẳng bay được”. Thấy Hoàng Yến tỏ vẻ ngạc nhiên, nó giải thích: “Vì nặng phao câu quá!”. Hai đứa đấm nhau thùm thụp. Thế là xong màn tỏ tình. Nhìn chiếc đồng hồ Pôn- dốt, thấy sắp đến giờ điểm danh, Hà Tư hốt hoảng kéo Hoàng Yến cắm đầu cắm cổ chạy về đơn vị. Đêm đó Hoàng Yến ngủ một mình ở nhà khách của Hải Quân. Để xin cho nàng vào đây ngủ, Hà Tư phải báo cáo với đơn vị: Hoàng Yến là vợ “sắp cưới” lên thăm.
3
Trong lúc Hà Tư và Hoàng Yến đang say đắm trong tình yêu, Anh Sơn lặng lẽ ngồi trên đống đá phía ngoài khu tập thể Ngân hàng, hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc kia, lòng buồn tê tái.
Trời mùa đông. Gió lạnh. Sương đêm như một cái lồng bàn khổng lồ úp xuống cổng khu. Ánh trăng mờ xuyên qua màn sương càng làm cho cảnh vật trở nên lạnh lẽo. Anh Sơn nhớ lại rằm Trung thu năm 1973. Khi cả bọn bắt đầu phá cỗ trên bể nước Nhà 2 thì nó ôm bụng, quằn quại. Hà Tư phải đưa nó về tận cầu thang Nhà 1. Khi bóng Hà Tư vừa khuất, Anh Sơn lập tức lộn lại, lẻn ra phía Ao Ông Thử, men theo hội trường, lách mình trong bóng tối như một chiến sĩ đặc công, đi nhanh ra đống đá cổng khu tập thể Ngân hàng. Buổi chiều nó đã hẹn với Lệ Dung. Lần hẹn hò đầu tiên. Trăng sáng vằng vặc. Hai đứa tay trong tay, đã mấy lần nói câu từ biệt rồi lại dùng dằng.
Anh Sơn về tới nhà sau lúc nửa đêm. Má vẫn còn thức.
– Sao về muộn thế con?
– Dạ, bọn con phá cỗ Trung thu ở Nhà 2, bị mấy thằng thanh niên ngoài phố vào gây sự. Hai bên đánh nhau, nhưng chúng có vũ khí nên bọn con đánh không nổi. Chúng đuổi con xuống tận Ngã Tư Sở…
Ở nhà Anh Sơn, việc nó đánh nhau từ lâu đã không bị coi là một cái tội. Má nó quá quen với việc nó đánh nhau, bị bắt, bị “bêu dương” trước toàn trường và mời ba má - mà chủ yếu là má vì ba hầu như ở chiến trường – tới gặp giáo viên chủ nhiệm. Anh Sơn kéo chiếc áo bộ đội mà trước khi về nó đã lấy dao đâm thủng một lỗ cho má xem:
– Con bị chúng nó đâm rách cả áo. May mà không thủng bụng.
Anh Sơn tưởng má sẽ vùng dậy xem, nhưng má vẫn nằm trong màn, thủng thẳng:
– Con đi chơi với Lệ Dung mà cũng mang dao theo à?
Anh Sơn chột dạ, không biết má phát hiện được gì. Nó nói kiểu thăm dò:
– Con mang theo dao để gọt bưởi. Bọn con ngồi phá cỗ trên bể nước Nhà 2.
– Lúc mười rưỡi, cô Tân má Lệ Dung qua đây, hỏi nó có sang chơi không? Lệ Dung xin đi phá cỗ với bạn mà tới giờ đó chưa về? Má với cô ra bể nước Nhà 2 tìm. Bọn nó bảo Dung không ra, còn con đau bụng, về từ chập tối.
Anh Sơn im re, không dám cãi, lẳng lặng chui vào màn. Má nó bảo:
– Má đã nói với cô Tân về khuyên Lệ Dung. Hai đứa còn nhỏ, tập trung vào học tập cho tốt. Chuyện yêu đương để sau này.
Lệ Dung về nhà cũng bị mẹ mắng cho một trận. Cô Tân tuyên bố từ nay cấm Lệ Dung chơi với Anh Sơn. Cô còn nói thêm: “Sau này yêu ai cũng được, nhưng không yêu thằng đấy!”. Chắc cô tự ái, cho rằng má Anh Sơn chê con gái mình. Dù là bạn bè thân thiết bao nhiêu năm, nhưng cô vẫn không thể chấp nhận việc má Anh Sơn nói vỗ vào mặt cô sẽ cấm Anh Sơn yêu Lệ Dung như thế. Từ hôm đó, cô quản con gái rất chặt. Sáng hôm sau tới trường, bọn con trai xúm vào trêu Anh Sơn về vụ nói dối, bỏ anh em, đồng đội để “lén lút đi theo tiếng gọi tình yêu”. Chuyện Anh Sơn và Lệ Dung trở nên nổi tiếng. Mỗi khi hai đứa đến gần nhau, ai cũng để ý.
Nhưng một khi Anh Sơn và Lệ Dung đã quyết yêu, mười má Trâm Anh với hai mươi mẹ Tân cùng những lời trêu chọc, đồn đoán cộng lại cũng chẳng cấm nổi. Làm sao có thể nghi ngờ cô con gái khi nó chân đi đất, mặc áo rách, quần xắn móng lợn, mang xô xuống nhà xách nước? Có lẽ cô Tân đã già, quên mất mình yêu đương thế nào ở tuổi chớm thành thiếu nữ? Hay tại cô lấy phải một ông chồng khô như ngói, suốt ngày làm theo điều lệnh và giữ nghiêm quân kỷ quân phong, nên không hiểu sức mạnh tình yêu của đàn ông, nhất là loại đàn ông “đầu gấu”? Vì vậy, trong khoảng mất cảnh giác ngắn ngủi ấy, cô đã để cho đứa con gái yêu của mình với Anh Sơn chui vào gầm cầu thang đắm đuối hôn nhau. Cái hôn đầu đời, vụng trộm nhưng ngọt ngào, còn thi vị gấp vạn lần khi người ta hôn nhau danh chính ngôn thuận.
Và cô cũng không biết, với lũ thanh niên mới lớn này, càng cấm đoán, chúng càng quyết tâm đến với nhau. Tốt nhất là cứ kệ chúng, cho yêu nhau chán đi. Với bọn trẻ, những rung động đầu đời không phải lúc nào cũng phát triển thành tình yêu bền chặt. Chỉ cần một chút tự ái, một chút hiểu lầm cũng có thể dẫn tới chia tay. Chúng quá nhạy cảm, quá mỏng manh, chúng thiếu kỹ năng và không được hướng dẫn.
Người đầu tiên làm cho mối tình đẹp như Romeo và Juliet của Anh Sơn - Lệ Dung tan vỡ chính là Hà Tư. Là chiến sỹ giao liên kiêm cán bộ kiểm duyệt, chẳng có gì giữa Anh Sơn - Lệ Dung mà Hà Tư không biết. Trước mặt anh em Quân khu, nó lớn tiếng lên án Anh Sơn chỉ giỏi hùng hổ với chiến hữu, còn với Lệ Dung thì cam chịu cho đè đầu cưỡi cổ. Tính Lệ Dung hay hờn dỗi, thích được yêu chiều. Anh Sơn hung hăng ở đâu, chứ đối với Lệ Dung nó mềm như lụa. Thấy mình nói gì Anh Sơn cũng nghe, Lệ Dung càng lấn tới. Thực ra, Lệ Dung không có ý bắt nạt Anh Sơn. Lệ Dung chỉ thú vị khi thấy Anh Sơn thực hiện đủ các loại “mệnh lệnh” oái oăm của mình và lấy làm hãnh diện vì điều đó. Có người con gái đẹp nào lần đầu yêu mà không nhõng nhẽo? Mỗi lần hai đứa cãi nhau, dù Lệ Dung sai đến mấy, người làm lành trước bao giờ cũng là Anh Sơn.
Lệ Dung không biết việc bắt nạt đàn ông, dù nhân danh tình yêu đi nữa, cũng nên có giới hạn. Và dù đàn ông có yêu mình bao nhiêu họ cũng không công khai đặt người yêu lên trên danh dự và tình cảm anh em chiến hữu. Bị anh em phê phán kịch liệt, Anh Sơn buột miệng thề sẽ không làm lành trước nếu Lệ Dung gây sự vô lý. Tai họa đến từ đó. Lần “hờn dỗi” kế tiếp của Lệ Dung được Anh Sơn đáp lại bằng sự im lặng tính bằng nhiều tháng, cho tới tận ngày Anh Sơn đi bộ đội.
Anh Sơn đóng quân ngay Ngã Tư Sở. Nhưng sự tự ái khiến nó dứt khoát không làm lành trước. Và nó tự hỏi, vì sao Lệ Dung cố chấp đến vậy, cứ bắt nó phải hạ mình? Sao nó đã lùi cả trăm lần mà Lệ Dung không chịu lùi một lần? Anh Sơn dứt khoát nếu Lệ Dung không làm lành trước, một bước nó cũng không lùi nữa.
Anh Sơn là người cứng rắn, nhưng đêm nay, nó bỗng thấy yếu mềm. Có lẽ do biết mình sẽ xa Lệ Dung rất lâu, khi đơn vị hành quân vào Nam? Hay do ánh trăng mờ và gió lạnh? Nó cảm giác mình sẵn sàng vứt hết lời thề, danh dự để chạy đến với Lệ Dung. Nhưng nó không thể lên nhà gọi Lệ Dung được. Cô Tân đã tuyên bố không chấp nhận nó. Chỉ có Hà Tư là nó tin tưởng, là người hiểu nó, thì đêm nay lại không về.
Anh Sơn ngồi tới nửa đêm. Người lạnh cóng. Lần đầu tiên trong đời nó khóc. Những giọt nước mắt chảy tràn trên gò má.
4
Thông thường khi thổ lộ tình cảm với các cô gái, cánh đàn ông luôn nơm nớp lo sợ không được chấp nhận. Nhưng Khanh thì khác. Nó vò đầu bứt tai xem nên bày tỏ tình cảm với cô nào trong số những cô thích nó, và kèm theo đó, một nỗi bận lòng không kém, là cư xử thế nào với những cô vẫn tưởng nó thích mình? Khanh vốn đẹp trai và rất hoạt ngôn. Một chuyện vớ vẩn, qua mồm Khanh cũng trở nên hấp dẫn. Đã thế, nó còn được anh Minh, ông anh họ đi học ở Hungary về, nổi danh là một tay đại đạo hái hoa ở chốn trời Tây, làm cố vấn ái tình, truyền cho đủ các môn “võ nghệ”. Đúng là “danh sư xuất cao đồ”. Khanh không hề gặp khó khăn khi tiếp cận, làm thân với các bạn gái. Ngay cả khi nó không hề tán tỉnh, sự gần gũi, hài hước và ấm áp từ nó đều làm các cô gái nghĩ thể nào cũng có một ngày bạn này sẽ yêu mình. Với Khanh, tình yêu giống như một mâm cỗ tết, ngoài canh bóng, canh miến, canh mọc, canh măng, còn có đủ nem, giò, chả, gà luộc, cá chép kho, thêm bánh chưng, bánh tét, dưa hành, dưa góp… chưa kể đến chè kho, chè long nhãn, chè bà cốt để tráng miệng… Nếu ăn tất cả sẽ bội thực mà chết, nhưng bỏ cái gì cũng tiếc. Và khi ngày lên đường ra mặt trận tới gần, biết mình chỉ được chọn một món trong mâm cỗ tình yêu ấy mang theo, nó cứ phân vân mãi, không biết nên chọn món nào? Đúng là: “Ăn tiêu nhớ tỏi bùi ngùi, ngồi bên đám hẹ nhớ mùi rau răm”. Nói theo kiểu Hồ Xuân Hương, nó đang trong tình trạng “quân tử dùng dằng đi chẳng dứt”. Đính vỗ vai nó nhắc nhở: “Cẩn thận, kẻo mà lắm mối tối nằm không!”
Thật ra thì Đính quá lo xa. Với ai chứ Khanh làm gì có chuyện “tối nằm không”. Buổi chiều, Huyền vừa dúi cho nó mảnh giấy tuyên bố quyền sở hữu: “Huyền chỉ gặp lại Khanh khi có tất cả!” thì tối Phương đã thập thò rủ nó đi chơi, mắt chớp chớp nhìn xuống, như muốn lắng nghe một lời trao gửi. Anh Minh dạy Khanh đủ điều để làm cho các cô gái yêu mến, nhưng lại quên không nói cho nó biết yêu một người con gái thì dễ, nhưng thoát ra khỏi họ khó hơn nhiều. Kết cục là trước ngày lên đường, mặc dù Khanh thề non hẹn biển với Phương, nhưng vẫn phải hôn Huyền, nắm tay Hồng, và gieo niềm hy vọng cho Hoa. Nó thở than theo kiểu một diễn viên điện ảnh: “Nhiều người yêu tao ư? Phải chăng tao là người có lỗi? Một đứa đáng yêu như tao, sao có thể không yêu cho được?”.
Mọi người có thể trách Khanh không đứng đắn. Nhưng cũng nên đánh giá nó công bằng. Với cô nào nó cũng yêu hết lòng và đắm đuối. Sẽ là rất tuyệt vời nếu nó đừng yêu song song, mà yêu dứt điểm từng cô một. Tiếc rằng bây giờ không như thời phong kiến ngày xưa, tài trai được quyền năm thê bảy thiếp. Những lời tỏ tình của Khanh với Phương, Huyền, Hồng, Hoa đều xuất phát từ một trái tim nồng thắm, chân thành. Nó yêu sao nói thế. Mỗi người nó yêu một kiểu. Chỉ có những kẻ lãng mạn và mơ mộng viển vông như Hòa mới tìm yêu một cô gái có tổng hòa những ưu điểm mình thích. Trong giấc mơ bay bổng nhất, Khanh cũng chẳng bao giờ gặp được một người lý tưởng, có khuôn mặt ưa nhìn như Phương, nước da trắng ngần như Hồng, tính tình đằm thắm như Huyền và dịu dàng, giỏi nữ công gia chánh như Hoa. Và bởi Khanh yêu từng cô một riêng rẽ, nên cô nào với nó cũng đắm say.
5
Còn một ngày nữa Ngọc lên đường, Hà gọi Ngọc ra một góc, thì thào: “Đã nói gì với em Liên chưa?”. Ngọc mặt đỏ như gấc: “Tôi không biết nói thế nào?”. “Gọi người ta là chị đi, người ta chỉ cho. Ngốc vừa chứ. Muốn nói gì thì nói ngay đi!”. Chiều Ngọc hẹn em Liên tối đi uống nước chia tay. Em Liên vui vẻ đồng ý, mặt thoáng ửng hồng.
Ngọc chạy sang bàn với Hòa kế hoạch. Theo sáng kiến của Hòa, hai đứa lấy cái xe máy cà tàng của bố Hòa phóng ra đường Thanh Niên. Tìm được một cái ghế đá dưới gốc cây phượng bên Hồ Tây. Hòa nhìn trước nhìn sau, nhặt một hòn đá ném vỡ bóng đèn trên cột điện gần đó. Sau đó nó khóa bình xăng lại, giải thích: “Tuy đã khóa xăng, xe vẫn còn chạy được một đoạn. Giờ mình chạy ngược lại xem đến chỗ nào xe chết máy nhé”. Hai đứa chạy được khoảng vài chục mét thì xe dừng lại. Hòa dặn Ngọc: “Nhớ chỗ này nhé. Lấy cây xà cừ làm chuẩn. Mày chở em đến đây thì khóa xăng lại. Xe chạy đến đúng cái cây phượng trên kia sẽ chết máy. Lấy cớ xe hỏng, rủ em ngồi nghỉ ở ghế đá. Đèn bị đập rồi, sẽ rất tối, tha hồ mà tỏ tình”.
Ngọc về tắm rửa sạch sẽ. Minh lấy chiếc áo mới nhất đưa nó mặc. Cả bọn lộn ngược túi, còn đồng nào nộp hết cho nó, gọi là lệ phí tình yêu, để sau khi tỏ tình, mời em vào quán uống nước cho lãng mạn. Đúng bảy giờ tối, Ngọc lên xe. Vừa nổ máy thì Khanh hỏi: “Đánh răng chưa?”. Ngọc lắc đầu. Khanh cười: “Thế mày không định hôn nó à? Tỏ tình xong phải hôn chứ?”. Ngọc về đánh răng. Khi nó ra, Khanh thì thầm: “Khi hôn mày phải để ý xem nó có nhắm mắt không nhé. Đứa con gái nào khi hôn mà mở mắt thao láo thì bỏ ngay. Mày chưa bao giờ hôn phải không?”. Ngọc ngật đầu, Khanh ra vẻ hiểu biết: “Để tao dạy. Khi hôn là phải hôn tới khi thấy cái lưỡi của nó”. Thấy Ngọc ngơ ngác, Hòa góp ý: “Nếu không thấy lưỡi thì mày bóp cổ, thể nào nó cũng phải thè lưỡi ra”. Ngọc tiếp thu hết, rồi cong đít khởi động xe. Nó vừa đi một đoạn thì Hòa gọi giật lại: “Quên mất, sợ chỗ ghế đá ấy tối nay có đứa chiếm, tao đã nhờ thằng Trung ở phố Hàng Bạc lên giữ hộ. Nó hứa sẽ đi từ lúc sáu giờ, ra đó ngồi trước. Khi mày và em Liên tới, nó sẽ bỏ đi”. Đính đứng cạnh dọa: “Nếu tối nay mày không hôn được nó thì ở nhà tao sẽ cướp!”. Cả lớp khám tuyển bộ đội, chỉ mỗi Đính trượt. Cái thằng trông to khỏe thế mà chẳng hiểu sao sức khỏe của nó chỉ đạt loại B2.
Ngọc đi. Cả bọn không thằng nào về nhà, cứ ngồi tán phét, chờ kết quả hẹn hò của nó. Chẳng hiểu Ngọc tỏ tình kiểu gì, tới gần 12 giờ đêm mới về. Ngọc rất phấn khởi, nó khai:
– Tao làm đúng như bọn mày dặn. Nhưng thằng Trung sau khi nhường ghế, cứ đứng rình nên mãi không hôn được. May mà em Liên không phát hiện ra.
Hòa thất vọng:
– Thế là không hôn được à?
– Có hôn. Chờ mãi thằng Trung mới chịu về. Lúc đấy tao run lắm, định thôi. Nhưng vì thằng Đính dọa tối nay không hôn nó sẽ cướp, nên đành liều. Khi hôn tao hé mắt ra, thấy lúc nào nó cũng nhắm tịt mắt mày ạ.
– Thế mày tỏ tình thế nào?
Ngọc ngẩn người, rồi vỗ đùi đánh đét một cái:
– Chết mẹ rồi, tao quên mất đoạn tỏ tình.
Khanh phì cười:
– Thằng này chuyên làm ngược. Người ta phải tỏ tình xong mới hôn. Mày hôn rồi mà vẫn chưa tỏ tình.
Đính tỏ vẻ ghen tị:
– Thằng này tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi. Như thế này là mày với nó phải có tình ý từ lâu rồi. Nếu không, sao lần đầu đi chơi nó đã cho mày hôn dễ dàng thế?
Ngọc cãi:
– Dễ dàng là thế nào? Phải mãi mới hôn được đấy. Cứ mỗi lần hôn em lại cấu tao một cái – nó vén tay áo lên: Tím hết cả tay đây này!
Hòa động viên:
– Thế là tốt rồi. Lần sau tỏ tình cũng được.
Ngọc hỏi:
– Tỏ tình phải nói như thế nào?
Hòa bí. Nó đã tỏ tình bao giờ đâu mà biết. Khanh đỡ lời:
– Nó đã cho hôn rồi, việc gì phải tỏ tình nữa.
Hòa phản đối:
– Không được. Phải tỏ tình. Cũng như sau này mình còn phải cầu hôn, dạm ngõ, ăn hỏi trước khi làm đám cưới… Những cái đó là thủ tục, không thể bỏ qua.
Ngọc tán thành:
– Được rồi, lần tới tao sẽ tỏ tình. Chúng mày về nghĩ ra câu nào thật hay, mai bảo tao nhé.
Khi cả bọn đi về, Khanh kéo Ngọc lùi lại. Nó nghĩ để mấy thằng chưa một lần yêu như Hòa, Minh, Đính… bày cho Ngọc cách tỏ tình thì có khi thành chuyện buồn cười. Anh Minh, ông anh họ quý hóa của Khanh, truyền cho nó đủ các cách tỏ tình. Nó thấy mình có trách nhiệm hướng dẫn cho Ngọc. Ngọc quá may mắn khi yêu được em Liên. Dù gì thì Khanh cũng phải thừa nhận, trong tình yêu, mình chỉ hơn Ngọc về số lượng, chứ không ăn được nó về chất lượng. Em Liên quá ổn. Vấn đề bây giờ là giúp Ngọc tỏ tình và có thêm kinh nghiệm để củng cố tình yêu. Đó vừa là tình cảm bạn bè, vừa là trách nhiệm. Yêu một người con gái cũng như đánh đồn. Chiếm được đồn rồi, phải giữ làm sao để đồn không mất vào tay kẻ khác. Anh Minh lúc nào cũng nhấn mạnh với nó điều này.
Với những kiến thức được truyền dạy, sự sáng dạ của Khanh, cộng thêm thực tiễn thổ lộ đợt vừa rồi, phải thừa nhận kiến thức về tỏ tình của Khanh lúc này khá uyên bác. Nó vỗ vai Ngọc:
– Nếu mày muốn tỏ tình một cách đơn giản, mày có thể nói theo kiểu công tước Andrey Bonkonski trong Chiến tranh và Hòa bình: “Tôi yêu em, tôi có quyền hy vọng được không?”.
Ngọc gật liền:
– Thế thì quá dễ. Để mai tao nói luôn.
Khanh lắc đầu:
– Nhưng mày với nó hôn nhau rồi, tỏ tình như thế không hay, vì khi nó cho hôn, tức là nó đã cho mày hy vọng. Theo tao, mày nên tỏ tình theo kiểu lấy thoái làm tiến, lấy thủ làm công.
Ngọc nhìn Khanh:
– Tỏ tình kiểu gì mà lằng nhằng thế?
– Không lằng nhằng đã chẳng phải là tình yêu. Mày hãy nói với nó: “Chiến tranh chưa biết bao giờ kết thúc. Chuyến đi của anh có thể kéo dài năm năm, mười năm hoặc lâu hơn nữa. Anh không muốn em mất cả tuổi xuân chờ đợi. Mình chia tay nhé. Anh rất buồn. Nhưng anh nghĩ đó là điều tốt nhất cho em”. Tao đã thử rồi. Kiểu cao thượng giả vờ này rất hiệu quả.
Ngọc ngẫm nghĩ rồi lắc đầu quầy quậy:
– Kiểu này phức tạp quá. Tao thích kiểu đơn giản như lúc nãy hơn.
– Vậy thì nói câu đó, nhưng sửa thành: “Anh yêu em. Đợi anh về em nhé”, cho nó hợp hoàn cảnh.
Ngọc ưng câu này rồi, nhưng vẫn hỏi:
– Còn kiểu nào nữa không?
Khanh cười hì hì:
– Thiếu gì kiểu. Ông Minh dạy tao 36 kiểu tỏ tình. Thích học thì lấy giấy ra mà chép - Rồi nó thao thao bất tuyệt - Nếu mình ở thế thượng phong thì bắt đầu bằng câu: Nếu anh nói anh yêu em là anh nói dối em. Nhưng nếu anh nói anh không yêu em là anh nói dối lòng anh. Nếu mình ở thế yếu hơn thì bắt đầu bằng câu…
Ngọc phì cười:
– Lắm kiểu thế. Nghe ù cả tai. Nếu tao chỉ ôm hôn nó và nói: “Đợi anh về em nhé”, thì có được coi là đã tỏ tình không?
Khanh lắc đầu:
– Không được. Bọn con gái dù thừa biết mình yêu rồi, nhưng vẫn thích nghe nhắc đi nhắc lại câu anh yêu em hàng trăm lần. Trong mọi trường hợp, bắt đầu bằng anh yêu em là tốt nhất.
Ngọc gật đầu:
– Hiểu rồi. Tao sẽ chọn câu tỏ tình này. Tao thấy rất hay. “Liên ơi, anh yêu em! Đợi anh về em nhé!”.