Quân Khu Nam Đồng - Chương 23
Quang Anh
1
Quang Anh cùng học với bọn Việt, Hoàng, Quốc Tẩm… từ hồi cấp hai. Nó vốn nhỏ con, năm lớp Tám lại bị đúp, nên nhiều bạn cùng lứa nhầm nó thuộc nhóm đàn em, cứ xưng anh với nó. Bản tính Quang Anh hiền như đất, nói năng lúc nào cũng nhỏ nhẹ. Nó rất quý bọn Việt, Hoàng, Hòa, Ngọc, Tiến Thọt, Anh Sơn, Hà Tư, Bích Bọp… Những người nó coi vừa là bạn, vừa là đàn anh, luôn mang đến cảm giác ấm áp, che chở, không chỉ cho nó, mà cho cả nhiều anh em khác trong Quân khu Nam Đồng. Từ ngày ba nó mất, mẹ nó đau đớn quá phát điên, nó chông chênh, mất chỗ dựa. Dành dụm tiền, mãi mới mua được cái bút máy thì ngày đầu tiên mang đi học, chưa được viết chữ nào, nó đã bị trấn lột. Quang Anh phẫn uất giằng lại, lập tức bị đánh tới tấp vào mặt, vào bụng… Trong trận đánh đầu tiên của khu Nam Đồng, Quang Anh cũng có mặt. Nó quan sát tất cả và một cảm giác sung sướng, tự hào làm nó chảy nước mắt. Nó thấy nỗi nhục u uất vì bị ăn cướp bút hôm nọ đã được trả thù. Chiến tranh đã cướp mất bố nó, cướp luôn sự tỉnh táo của mẹ nó, để lại hai anh em nó bơ vơ, nhưng nay nó đã có những người anh, những người bạn và hơn nữa, nó có Quân khu Nam Đồng làm chỗ dựa. Nó không sợ chỉ có một mình, không sợ bị bắt nạt nữa. Không biết ai nói chuyện Quang Anh bị mất bút, nhưng sau trận đánh đầu tiên đó, Ngọc đã cho nó một cái bút Hồng Hà. Có thể vì Ngọc cũng mất cha ở chiến trường nên cảm nhận được tâm trạng và sự thiếu thốn của người cùng cảnh hơn những đứa khác. Việt cho Quang Anh một cái áo bộ đội cũ, vì cái áo Quang Anh đang mặc đúng là vá chằng vá đụp. Hoàng thì sang tên cho Quang Anh một cái mũ cối, tuy đã bạc màu và bị đập dúm dó nhiều chỗ. Nhưng lúc đó với Quang Anh, mọi thứ thật là tuyệt diệu, vì cái áo bộ đội với mũ cối là biểu tượng của Quân khu Nam Đồng. Nó đội mũ mà như đội cả bầu trời trên đầu.
Khi người ta thiếu thốn, cô đơn, hạnh phúc thật là giản dị. Cái mũ cùng sự chia sẻ của những người bạn nghèo khó, với nó còn quý hơn một núi vàng, vì giúp nó hòa vào đội hình “Anh em Quân khu”. Những ngày trở trời, những đêm mùa đông mưa phùn gió bấc, mẹ nó lên cơn điên, đi lang thang khắp nơi, gặp ai cũng chửi làm một vài người khó chịu. Mấy đứa con nít chạy theo trêu chọc, ném đá. Khi đó, Quang Anh có thể đuổi bọn trẻ đi chỗ khác, nhưng nó cảm thấy tủi hổ, chỉ đứng một chỗ nhìn, mắt đỏ hoe. Một hôm Ngọc tình cờ bắt gặp, lập tức bỏ đá bóng, đuổi theo đánh cho hai đứa lớn nhất trong bọn trẻ một trận, mặc dù tính Ngọc hiền lành và không bao giờ đánh trẻ con. Bọn trẻ cũng nhanh chóng nhận thức được việc trêu cô Quyên là xấu. Từ đó, không ai trêu cô nữa. Việc đi trả thù bọn đánh Ngọc phải nằm viện, dù không ai rủ nhưng Quang Anh nhất quyết xin tham gia. Mọi người vẫn nghĩ cho nó đi theo để ôm cặp vũ khí như mọi khi. Không ngờ gặp lúc khó khăn, chính Quang Anh là người góp phần quan trọng nhất trong việc giải thoát cho cả bọn. Không có nó, hôm đó Bích chắc chết.
Quang Anh không tin vào số phận. Bọn trẻ khu Nam Đồng những năm đó không tin vào số phận. Nhưng chúng tin rằng bố mẹ mình đã dành trọn cuộc đời chiến đấu hy sinh cho đất nước, chúng sẽ được trời thương, dù có nghịch ngợm hay đánh nhau một tí. Tuy tòa đã tuyên án, nhưng mọi người ai cũng nghĩ Quang Anh chỉ đi ít bữa sẽ về. Hoàn cảnh nhà nó, rồi sẽ được xem xét. Quang Anh là đứa tử tế, hiền lành, Trời Phật sẽ phù hộ.
Đúng là Trời Phật nhiều lần phù hộ bọn trẻ khu Nam Đồng thật, nhưng hình như quên mất Quang Anh?
Mấy ngày đầu, Quang Anh và Bích được nhốt chung phòng. Một hôm, gia đình gửi đồ tiếp tế. Bích vừa nhận, đã bị đám anh chị trong phòng trấn lột. Quang Anh lập tức lao vào giật lại cho Bích. Kết quả, cơm nắm, muối vừng cùng máu vãi khắp mặt sàn. Sau vụ đó, Quang Anh và Bích bị tách mỗi thằng một nơi. Bích được chuyển sang phòng giam của Hoàng, còn Quang Anh về phòng số 8. Bích vốn lì lợm, giỏi võ, đã từng bị công an nhốt nhiều lần, nên có đôi chút kinh nghiệm khi vào đây. Cộng thêm may mắn gặp Hồ Biền, Bích được yên ổn. Còn Quang Anh, hoàn toàn ngược lại. Nó rơi tự do từ mặt đất xuống đáy địa ngục. Trại giam Hỏa Lò không phải là nơi nghỉ dưỡng cho những đứa nhỏ bé, hiền lành, tự trọng và thân cô thế cô.
Vào phòng số 8, theo thông lệ, bọn “sỹ quan” bắt Quang Anh thực hiện màn chào hỏi, đó là chui qua háng các đàn anh. Thực ra thì đây cũng chỉ là thủ tục thông thường, nhằm dằn mặt những đứa mới vào, để chúng biết thế nào là trên dưới. Thế nhưng Quang Anh dứt khoát không chịu. Làm gì có chuyện luồn háng mấy thằng lưu manh! Bọn tù trong phòng đánh nó bò lê bò càng, dập ống đồng, gan ruột lộn tùng phèo, nôn ra máu… nó vẫn quyết không làm.
Sau chục ngày lê lết bằng cả chân, mông và tay, Quang Anh gượng ngồi dậy. Thiết Bạc, sếp sòng phòng giam tới, đá vào mồm nó, cười nhạt: “Bao giờ hai chân đứng lên được thì chui qua háng tao. Nếu không, lại tiếp tục đi bằng bốn chân!”
Quang Anh nhổ mấy cái răng gẫy ra sàn, lặng lẽ ngước nhìn Thiết Bạc bằng cặp mắt vô cảm. Mười ngày qua, trong những cơn đau quặn thắt, nó đã suy nghĩ rất nhiều. Khi bị đánh, cảm giác đầu tiên của nó là uất hận trào dâng, cùng sự sợ hãi, bất lực y như hồi nó bị cướp bút máy ở cổng trường Đống Đa. Tiếp đến là xấu hổ về sự đớn hèn của bản thân, giống như khi bị Phương Tu Sìn đánh mà không dám chống cự, dù trong tay ôm một đống vũ khí. Chuyện đó làm tổn hại đến lòng tự trọng và danh tiếng khu Nam Đồng, nên đã gây một trận đánh lớn, làm nhiều anh em đổ máu. Từ đó, Quang Anh tự nhủ sẽ không bao giờ cho phép ai xúc phạm mình, làm tổn hại danh tiếng “Quân khu”. Nếu ai làm nhục nó, chết nó cũng sẽ đánh lại… Nhưng đó là chuyện ở ngoài kia, nơi có đông anh em, lại có dao, có búa. Còn ở đây, thân cô, thế cô, bé nhỏ, không vũ khí, làm sao đánh lại được cả đám “sĩ quan”? Nhưng nếu không đánh thì phải chịu nhục. Phải chui háng. Trong những ngày vừa rồi, Quang Anh quan sát thấy thằng nào nhập phòng cũng phải thực hiện thủ tục đó. Đây chính là sự thể hiện quyền lực của đại ca. Nếu không chịu làm theo, tức là thách thức quyền lực ấy. Thiết Bạc đã nói rồi. Nếu không chui, nó tiếp tục đánh. Chúng đánh kiểu này có khi cũng chết. Nghĩ đến chết, Quang Anh lạnh hết người. Nhưng chui háng thì không được. Nó thà chết còn hơn. Nếu làm một thằng hèn, lom khom bò qua đít mấy thằng lưu manh, sau này trở ra, nó còn mặt mũi nào gặp anh em Quân khu Nam Đồng? Và Quang Anh hạ quyết tâm. Nó nhớ Việt hay nói: “Ở đời, nếu mình không đánh nó, nó sẽ đánh mình”, “vì mình yếu hơn, nên khi đánh bắt buộc phải dùng vũ khí”. Còn Hòa thì bảo: “Khi vào trận, phải tập trung toàn lực hạ gục ngay thằng cầm đầu”… Rồi nữa, còn ai hay nói: “May mắn chỉ đến với những kẻ nhanh tay”… Không biết có phải Bích không? Không phải, hình như câu đó của Khanh. Bích hay nói: “Trong võ thuật, điều quan trọng nhất không phải ra lực, mà là di chuyển”. Đúng rồi, phải đánh gục Thiết Bạc thật nhanh, từ cú ra đòn đầu tiên, và phải đánh bằng vũ khí. Có điều, trong này lấy đâu ra vũ khí? Nó nghĩ mãi, và cuối cùng lóe ra một cách.
Có những tố chất nằm sâu trong con người, nếu không gặp hoàn cảnh đặc biệt, sẽ không bao giờ lộ ra. Nếu không bị đánh đập tàn bạo, không bị hạ nhục, có lẽ Quang Anh không bao giờ biết nó cũng thuộc dạng lỳ. Một khi đã quyết định hành động, nó sẽ làm tới cùng, bất chấp hậu quả. Không biết như thế là hay hay dở. Một mặt, điều đó giúp Quang Anh tồn tại trong những ngày đơn độc, khó khăn nhất. Nhưng ngược lại, cũng làm nó lún sâu vào chốn lao tù.
Lừa lúc bạn tù không để ý, Quang Anh ăn cắp được mấy que diêm. Nó vào hố xí, bới thùng rác nhặt một túm ni-lông bẩn. Sau một hồi làm khô, Quang Anh cầm mớ ni-lông ra ngồi giữa đám bạn tù, quẹt diêm xuống nền nhà, châm lửa đốt. Đám ni-lông cháy bùng trong lòng bàn tay nó. Khi đám bạn tù đang tưởng Quang Anh bị điên, thì nó thản nhiên quay lại, bằng một động tác uyển chuyển và bất ngờ, vỗ cả đống lửa đang cháy vào mặt Thiết Bạc. Đám ni-lông nóng bỏng, khét lẹt dính chặt vào mặt đại ca phòng giam, tiếp tục bốc cháy. Trong lúc Thiết Bạc ôm mặt gào rú, Quang Anh nhảy bổ vào túm luôn cổ nó cắn. May mà cú ngoạm đó không trúng cuống họng.
Tỉnh dậy, Quang Anh thấy mình nằm co quắp trên sàn xi măng của phòng biệt giam. Một thời gian sau được trở lại phòng số 8, không ai bắt nạt nó nữa. Đám anh chị trong phòng thì thầm với nhau: “Nếu dây với thằng này, hoặc là phải đánh chết nó, hoặc sẽ bị nó cắn cổ chết”. Nghĩ đến vụ nó nhảy vào ngoạm cổ Thiết Bạc, ai cũng kinh. Đại ca khét tiếng phòng giam mà nó coi như chó. Thôi, nó không thích làm thủ tục “nhập phòng” thì kệ cha nó. Ngày nào chẳng có tù mới để mà dằn mặt, hơi đâu dây với một thằng điên. Biệt danh “Anh khát máu” của nó bắt đầu từ đó, trong khi đáng lẽ phải gọi nó là “Anh tự trọng” hay “Anh tự vệ”.
Cũng liên quan đến chuyện chui háng, sau này Quang Anh kiếm được một đàn em rất thân thiết và trung thành, đó là Lê Trung Linh.
2
Án ít hơn Bích, nhưng Quang Anh lại ra sau một năm, phần vì không có người vận động, nâng đỡ, phần vì những vụ đánh lộn trong tù. Khi Quang Anh được ra, đám bạn cùng lứa ở khu hầu như chẳng còn ai. Đứa đi bộ đội, đứa đi làm, đứa vào đại học… Chưa kể, sau ngày miền Nam giải phóng, rất nhiều thằng theo bố mẹ về hẳn miền Nam. Phần buồn vì thiếu bạn, kinh tế gia đình quá khó khăn, Quang Anh xin đi làm. Và bi kịch xảy ra với nó từ đây. Nộp đơn xin việc ở đâu, Quang Anh cũng bị người ta từ chối. Sáu tháng chạy vạy khắp nơi, kết quả Quang Anh nhận được vẫn chỉ là những cái lắc đầu.
Chán đời, Quang Anh kết nối lại với đám bạn tù. Đó là nơi duy nhất Quang Anh nhận được sự vì nể, thông cảm, và trong một chừng mực nào đó, là sự giúp đỡ vật chất. Khổ nỗi, điều đó lại bôi đen nó trong hồ sơ của cảnh sát khu vực. Hồi ấy, cứ đến gần mỗi đợt kỷ niệm những ngày lễ lớn, hay trước những sự kiện chính trị quan trọng, hàng loạt thành phần bị công an xếp vào loại bất hảo, không có công ăn việc làm, tự động được gọi đi “tập trung”. Quang Anh bị triệu tập không chỉ một lần, đa phần mỗi lần một vài tuần (nếu rèn luyện tốt và không gây án trong trại giam). Khi những sự kiện trọng đại qua đi, nó lại được thả. Đất nước mới thống nhất, ngổn ngang hàng trăm hàng nghìn việc phải làm. Các quy định, luật lệ chưa rõ ràng, nhưng vẫn phải đảm bảo tình hình an ninh trật tự. Vì vậy, những khi cần thiết, công an vẫn sử dụng hình thức “tập trung” này. Mọi người đều thấy điều đó là bình thường. Bọn phải đi tập trung cũng thấy như thế là bình thường.
Một trong những đợt tập trung đó của Quang Anh kéo dài rất lâu, 5 năm. Khi bị triệu tập, nó vẫn nghĩ chỉ đi độ vài tuần như trước đây. Thế nhưng, sống lẫn lộn với đủ các loại giang hồ bất hảo, không một ai dám chắc ngày mai sẽ ra sao. Tính cách ngang tàng, không chịu khuất phục, thiếu uyển chuyển của Quang Anh đã làm hại nó. Những cuộc đánh lộn xảy ra trong tù, thế là án chồng án.
Quang Anh đã gặp Lê Trung Linh trong đợt “tập trung” dài 5 năm đó.
Một ngày mùa thu. Sẩm tối, có một thằng bé trắng trẻo, mặc bộ quần áo bò khá mốt, nhập phòng. Thằng này lập tức bị thu sạch các vật dụng mang theo cùng một trận đòn phủ đầu khá tàn bạo, tiếp đó là màn chui háng các anh. Thằng bé không chịu, nên bị nện tới nơi tới chốn. Trong phòng giam lúc đó, Quang Anh được xếp vào hàng đại ca. Nhìn cậu nhóc mặt non choẹt, máu mũi ròng ròng, nhớ lại lần đầu mình chân ướt chân ráo vào đây, Quang Anh động lòng trắc ẩn. Nó hạ lệnh cho bọn kia không đánh nữa và gọi Lê Trung Linh đến hỏi han.
Ở Quang Anh có một điều rất đặc biệt, nó lúc nào nói năng cũng từ tốn, nhẹ nhàng, giọng ấm áp, khiến người đối diện thấy gần gũi. Lê Trung Linh là đứa cương cường, nhưng nói chuyện một lúc với Quang Anh, đã cảm thấy tin cậy. Hai anh em hợp tính nhau, hay tâm sự. Có một câu chuyện của Lê Trung Linh làm Quang Anh ám ảnh mãi về sau. Đó là câu chuyện về số mệnh, cho dù Quang Anh hoàn toàn không tin vào số.
Lê Trung Linh sinh ra trong một gia đình có thế lực. Nó được bố thu xếp cho sang Cộng hòa dân chủ Đức lao động. Trong một lần Linh ngồi uống bia với bạn, nghe mấy thanh niên người Đức nói xấu người Việt, Linh nóng mắt chửi lại. Hai bên xô xát. Bị bốn thằng to lớn hơn hẳn quây đánh, Linh chộp lấy con dao ăn trên bàn và đâm. Nó chỉ đâm một nhát nhưng thằng kia chết. Cảnh sát Đức bắt Linh. Nhờ sự can thiệp tích cực của Đại sứ quán Việt Nam, nó được di lý về nước.
Nhà Linh không ở Hà Nội, nhưng bố nó là sếp lớn trong ngành, nên quen biết nhiều, và liên tục gửi quà cho con. Nhờ có Quang Anh, số quà đó không bị trấn lột. Linh biết án của mình kiểu gì cũng phải ngồi tù, vì đâm chết người, lại có yếu tố nước ngoài. Bố nó là ông giời cũng không “chạy” được. Linh không sợ tù, nhưng điều nó băn khoăn nhất là trước hôm sang Đức, nó đi xem bói, thầy phán: “Dòng họ nhà này danh gia vọng tộc, con cái thành đạt, tiền của như nước, nhưng cả ba anh em trai đều có chữ “phạm”, trong đó có một án tử”. Linh rất lo, vì người ta nói ông thầy này đoán linh lắm. Nó tâm sự với Quang Anh, mong vụ này mình lĩnh án tử hình. Như thế, hai anh trai nó sau này sẽ được bình yên. Quang Anh cười, vỗ vai nó, nói đừng tin thầy bói nói nhảm. Ở đời làm gì có chuyện số má. Con người, nếu kiên cường chiến đấu, sẽ vượt lên số mệnh.
Quang Anh còn lấy mình ra làm ví dụ:
– Như tao đây, nếu sợ chết không dám đánh, đã phải làm thằng đổ bô cho chúng nó từ lâu rồi. Mình nhỏ con, nhà nghèo, không có thế lực, theo lẽ trời, vào tù sẽ phải làm tôi tớ thằng khác. Nhưng tao không chấp nhận số phận, nên tao mới làm đại ca. Số mình là do tự mình quyết định em ạ.
Linh phản đối:
– Anh nói con người quyết định được số mệnh, sao anh không quyết trở thành một người tài giỏi, giàu có ngoài đời, lại quyết vào tù để thành đại ca? Anh không bao giờ muốn vào tù, đúng không? Nhưng số anh là số đi tù, nên anh phải vào đây. Cái vươn lên của anh dù có cao tới mấy, cũng chỉ dừng ở mức không để ai dám bắt nạt anh trong tù.
Quang Anh thở dài:
– Cũng do hoàn cảnh xô đẩy hết mày ạ. Nhưng nếu hai anh của mày không làm điều gì sai, sao lại phải vào tù? Còn nếu các anh của mày vi phạm pháp luật, thì đương nhiên phải tù. Người nào như vậy cũng tù hết. Cái đấy là do mình làm mình chịu, sao lại đổ cho trời?
Linh cãi:
– Anh nói thế nào ấy chứ, thiếu mẹ gì thằng vi phạm pháp luật mà vẫn sống nhởn nhơ ở ngoài kia? Đi tù là do số anh ạ. Như em chẳng hạn, bản chất hiền lành, tử tế, không bao giờ đánh ai. Thế rồi một buổi chiều bạn bè rủ đi uống mấy cốc bia… Nhoằng một cái, biến thành thằng giết người. Chẳng phải số là gì? Mà số này, “thầy” đã phán trước cả năm… Nói thật với anh, trước khi xảy ra chuyện, em cũng không tin “thầy”. Mình là con nhà cán bộ, có thằng nào tin chuyện mê tín dị đoan. Em không bao giờ tưởng tượng ra cảnh em phải vào tù. Nhưng giờ em tin. Em sợ hai anh của em sau này cũng gặp vận rủi. Anh xem án em có phải tử hình không? Nếu chưa đủ, em sẽ gây thêm một vụ nữa. Em tình nguyện gánh hết vận hạn cho hai anh của em. Nhà em, anh em thương nhau lắm.
Thấy Linh nói gở, Quang Anh mắng át nó:
– Thằng ngu, đừng nói nhảm. Tội mày kiểu gì cũng có án. Nhưng do mày bị kích động, bị đánh nên tự vệ, giết người không chủ ý. Mày lại có bố làm to, tao đoán cũng chỉ năm đến mười năm là cùng… Sau còn ân xá nữa, cũng chẳng mấy. Thôi, cố gắng mà chịu đựng. Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Đừng nghĩ quẩn.
Mặc dù dạy dỗ Lê Trung Linh như thế, nhưng Quang Anh cũng cảm thấy băn khoăn. Từ nhỏ, bố mẹ, các chú các bác trong khu tập thể, cùng với nhà trường vẫn dạy nó không được tin vào thần linh, thầy số và những trò mê tín dị đoan. Tất cả chỉ là may rủi và bản lĩnh con người.
Mẹ kiếp, nếu ngày đó xe đạp của Bích không hỏng, nếu Bích không tình cờ nhờ thằng Hùng chở tới trường Xã Đàn, nếu khi chạy thằng Hùng không đánh rơi cặp, chắc gì công an đã lần ra chúng nó…? Nếu vào đây nó không liều mạng chiến đấu, nó làm gì có cuộc sống đầy đủ trong tù như hôm nay?
Trong thời gian bị giam, ngoài mấy ngày bị nhốt chung với Bích, chỉ có một lần duy nhất Quang Anh gặp người khu Nam Đồng trong tù.
Một tối, vừa ăn cơm xong thì có một phạm nhân mặc chiếc áo bộ đội vải Tô Châu mới tinh nhập phòng. Đám em út tiến hành màn chào hỏi. Thằng này khai nhà ở Ô Chợ Dừa. Nhưng hỏi nhà chỗ nào của Ô Chợ Dừa thì nó ấp a ấp úng. Cho là nó gian dối, hai thằng được giao nhiệm vụ “trực nhật” hôm đó, một thằng bẻ quặt tay nó ra sau, một thằng dùng cườm tay chặt vào cổ họng. Thằng mới đến có vẻ dân học võ. Mỗi lần bị đánh tới, nó cúi gập mặt xuống, đưa cằm chịu đòn, né cú đánh vào cổ họng. Quang Anh đang bị cùm vì tội đánh nhau trong tù hôm trước, nằm co ro trong góc phòng, liếc nhìn cái mồm đầy máu của thằng tù mới, bảo Lê Trung Linh:
– Thằng kia có cái áo bộ đội mới quá, mày xuống lột ngay cho tao kẻo máu dây hết vào.
Linh nhanh chóng lột tuột cái áo đưa cho Quang Anh. Ngước nhìn thằng thanh niên to lớn cởi trần, đang cúm ra cúm rúm, Quang Anh giật mình:
– Ê, thằng kia, lại đây tao hỏi? Nhà mày ở đâu?
– Ở… Ô Chợ Dừa.
– Lại gần đây tao xem… sao cái lưng gù của mày quen thế?
– Ôi, anh Quang Anh phải không?
– Mày có phải Quang Gù?
– Em Quang Gù đây!
Quang Anh ném trả nó cái áo bộ đội, bảo Linh: “Kiếm cái gì cho nó ăn”, và hỏi:
– Sao vào đây không nói ở khu Nam Đồng, mà nói Ô Chợ Dừa để chúng nó đánh cho?
Quang Gù thì thào:
– Em nghe bọn khu mình dặn, vào đây đừng nói là dân khu Nam Đồng. Bọn trong này ghét khu Nam Đồng lắm.
Quang Anh ngạc nhiên:
– Ai bảo mày vậy?
Quang Anh dành cả buổi tối hôm đó nói chuyện với Quang Gù. Từ lần được tha đầu tiên, Quang Anh rất ít liên hệ với đám thanh niên trong khu. Nó lang thang khắp nơi, từ ga Hàng Cỏ, Hà Nội tới Hải Phòng, Sài Gòn… Tuy sống trong giang hồ, nhưng với Quang Anh, khu Nam Đồng luôn là ngôi nhà ấm áp, mảnh đất thấm đậm tình người. Vì vậy, nó vẫn dặn bọn đàn em và bè bạn của nó không được đến khu Nam Đồng làm bậy. Chuyện bọn thanh niên trong khu lâu nay ra sao, Quang Anh không để ý. Nó hoàn toàn bất ngờ khi thấy Quang Gù vào đây mà không dám xưng là dân “Quân khu Nam Đồng”.
Quang Gù tâm sự:
– Bọn anh với bọn em, tuổi tác chênh nhau cũng chẳng là bao, nhưng lại có một sự khác biệt rõ rệt. Thế hệ các anh ngày đó, đến tuổi là cầm súng lên đường đánh Mỹ, định hướng rõ ràng. Cả nước, ai mà chẳng yêu bộ đội. Bọn em trưởng thành đã hòa bình, không còn giặc mà đánh. Có vẻ như thống nhất rồi, những gia đình quân nhân không giá trị như xưa. Cuộc sống ngày càng khó khăn. Những kẻ buôn bán, trước đây mình vẫn gọi là đồ gian thương, nhà có đủ tủ lạnh, xe máy, cát set… Bố mẹ mình cả đời đánh giặc, nhìn lại chẳng có gì. Lắm lúc bọn em cũng bế tắc… Nhiều khi đánh nhau, cảm thấy như một sự giải tỏa. Đánh nhau nhiều nên gây thù chuốc oán khắp nơi anh ạ. Trong Hỏa Lò này, không hiếm thằng từng bị chúng em cho ăn đòn.
Quang Anh bảo:
– Cái tội nặng nhất của dân khu mình, chung quy cũng chỉ là đánh nhau. Nhưng dù ở đâu, làm gì, mình vẫn phải giữ thể diện “Quân khu”. Mình dám chơi dám chịu. Tội của mày chưa xứng ở phòng này, vì phòng bên kia chật nên chúng nó nhét tạm vào đây thôi, một hai hôm nữa chắc sẽ chuyển sang phòng khác. Nhớ lời tao dặn: Nếu ai hỏi mày ở đâu, cứ nói là “Quân khu Nam Đồng”. Thằng nào đánh mày, bảo nó: “Tao là em Quang Anh”.
– Em nói thế, ngộ nhỡ nó vẫn đánh em thì sao?
Quang Anh cười nhạt:
– Mày yên tâm đi. Ở tù có luật của tù. Cứ nói là em tao, không thằng nào động tới mày đâu.
3
Ngày Quang Anh ra tù, khu Nam Đồng đã có nhiều thay đổi. Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, cuộc sống mới ùa về, nền kinh tế thị trường bắt đầu len lỏi vào từng gia đình, từng ngóc ngách đời sống. Thay bằng việc lao sắt và gỗ ra cơi nới vài mét vuông không gian phía sau nhà như trước đây, các hộ tầng hai thỏa thuận trả tiền để sử dụng mái bằng phần nhà xây trên đất lấn chiếm của các hộ tầng một. Nhiều hộ táo tợn hơn, dựng lều lấn chiếm lề đường để buôn bán kinh doanh. Quang Anh ngỡ ngàng nhìn sự xô bồ, lộn xộn khắp nơi, cảm thấy đau lòng. Một khu tập thể trật tự, oai nghiêm ngày xưa đã không còn nữa. Những cái không phải của mình mà sao nó thấy gắn bó như máu thịt.
Một buổi sáng, Quang Anh ra đầu Nhà 5 tập thể dục thì gặp “Mặt Dày” đi làm. Gần nhà, sống với nhau lâu mà Quang Anh vẫn không nhớ “Mặt Dày” tên thật là gì.
Quang Anh niềm nở:
– Chào đại ca!
Mặt Dày vuốt đôi quân hàm mới tinh trên ve áo, hất hàm bảo Quang Anh:
– Tao là đại úy chứ không phải “đại ca”. Chào lại đi.
Nghe giọng khệnh khạng của Mặt Dày, Quang Anh rất khó chịu. Nó cười lạnh lùng:
– Chào đại úy. Còn tao là “Đại Bàng”. Chào Đại Bàng đi!
Mặt Dày liếc nhìn Quang Anh, thấy khuôn mặt nó lạnh lẽo, miệng cười nhưng mắt không cười. Mặt Dày đổi giọng, nói bằng cái giọng giả lả, lấy lòng: “Chào Đại Bàng” và cắm đầu đạp xe đi. Quang Anh nhớ ngày xưa, do nghe không lọt tai câu đùa của Mặt Dày, Việt tát nó một cái cực mạnh mà nó không khóc. Việt khen: “Da mặt thằng này dày nhỉ?”. Từ đó nó có tên là “Mặt Dày”. Tự nhiên Quang Anh thèm được tát vào mặt nó một cái, xem da mặt đại úy dày tới cỡ nào.
Đang thơ thẩn trong khu, Quang Anh thấy ba chiếc xe máy đuổi theo một chiếc xe ô tô Lada Liên Xô bốn chỗ. Vướng mấy bà bán rau gồng gánh đi qua, chiếc xe con dừng lại. Hậu Còi, một thằng học cùng Quang Anh ngày sơ tán, từ trong xe nhảy ra. Năm thằng đi xe máy túm được Hậu Còi, đánh túi bụi. Quang Anh lập tức xông vào, đấm đá loạn xạ, giải thoát cho Hậu Còi. Lạ thật, ngày nay lại có chuyện thanh niên ngoài phố dám xông vào tận trong khu đánh người? Hậu Còi chạy mất. Còn lại một mình, Quang Anh bị đánh khá đau. Nó vồ con dao của bà bán cá bên đường, vung loạn lên. Mấy thằng đuổi theo Hậu Còi giãn ra, hậm hực nhìn Quang Anh, trước khi bỏ đi còn ném lại một câu: “Thằng điên này, nhớ mặt chúng tao nhé. Rồi các bố sẽ quay lại, cho mày một trận”. Quang Anh chỉ dãy nhà tập thể trước mặt: “Tên tao là Quang Anh, ở tầng hai nhà này nhé!”.
Một lát sau, Hậu Còi quay lại lấy xe, thấy mắt Quang Anh tím bầm, nó thanh minh: “Mấy thằng này dữ lắm. Mình đánh không lại chúng nó đâu ông ạ… May có ông, nếu không chúng nó đã đập nát xe của tôi”.
– Không đánh được cũng phải đánh – Quang Anh cười nhạt, vứt con dao trả bà bán cá - Không thể chấp nhận để chúng nó vào giữa khu tập thể của mình đánh người. Nếu mày không bỏ chạy, hôm nay chúng nó đã no đòn.
Hậu Còi giải thích:
– Hôm nay tao ở lại với mày đánh chúng nó, mai tao ra ngoài, chúng nó sẽ đập nát xe tao.
Quang Anh vẫn khăng khăng:
– Nó đập nát một chứ đập nát mười xe, mình cũng phải đánh. Không được để cho chúng nó xúc phạm “Quân khu Nam Đồng”.
Hậu Còi cười nhạt:
– Mày không có gì để mất nên nói thế được. Khi nào mày có một cái xe Lada, thử xem mày còn nói thế không?
Quang Anh ngạc nhiên nhìn Hậu Còi. Nó không hiểu sao một thằng bạn ngang tàng, ngổ ngáo ngày xưa bây giờ lại như vậy? Chẳng nhẽ cuộc sống mới cùng với những điều kiện vật chất đi kèm đã lấy đi của Hậu Còi khí phách và tinh thần nghĩa hiệp? Tự dưng, Quang Anh cảm thấy trống trải và lạc lõng, dù nó đang đứng trên mảnh đất của mình.
Trên con đường dài dằng dặc của cuộc đời, xuất phát điểm vô cùng quan trọng. Trượt ngã từ những bước ban đầu, không có bố mẹ, người thân nâng đỡ, các cơ quan, xí nghiệp lại định kiến với những kẻ ở tù ra, Quang Anh vô cùng khốn khó. Trong những năm sau giải phóng, có quá ít vật chất để chia sẻ, có quá nhiều khuôn khổ phải tuân theo, còn biết bao bức bối cần giải quyết, xã hội đâu có thời gian chú ý tới một Quang Anh. Nó rơi vào cái vòng luẩn quẩn: Mẹ ốm, em chưa trưởng thành, tiền không có, xin làm chẳng nơi nào nhận. Nó đói. Khi người ta đói tới mức nếu không có cái gì đút ngay vào mồm thì chết, người ta có thể làm những điều người no không bao giờ làm. Quang Anh lại tiếp tục sa chân vào chốn giang hồ. Nhưng cho dù phải lang bạt kiếm sống, dù khó khăn đến mấy, nó không bao giờ hé nửa lời nhờ vả, không tơ hào tới cái kim sợi chỉ của người dân khu Nam Đồng. Về chuyện này, cả khu tập thể đều biết.
Nhưng mọi con đường đều có điểm dừng. Cái làm cho Quang Anh dừng bước, chính là tình yêu. Trời đã không lấy đi tất cả của nó. Trời đã cho nó một người để yêu thương, chia sẻ. Ở đời có những kẻ thành đạt, sang giàu, phải vào vai nghèo hèn để kiếm vợ, vì không dám chắc người phụ nữ yêu mình hay yêu tiền bạc, địa vị của mình? Còn với Quang Anh, người con gái yêu nó chỉ vì chính bản thân nó. Nó làm gì có tiền bạc, học vấn, gia thế và địa vị… Công bằng mà nói, trong tình yêu, đàn bà mãnh liệt và vị tha hơn đàn ông. Khi đã yêu, họ bất chấp. Đàn ông khi yêu tỉnh táo hơn.
Quang Anh lấy vợ. Nó mở một cái quán nhỏ, bám mặt đường phía trước Nhà 5, dưới gốc cây xà cừ. Hai vợ chồng Quang Anh có một bé trai, xinh xắn và nhanh nhẹn. Quang Anh quyết tâm dù thế nào cũng cho con học hành tới nơi tới chốn và dạy dỗ con rất cẩn thận, kiểu gì cũng không được đánh nhau… như bố. Nó đã quá hiểu khi nào thì người ta bị kích động, lôi kéo, khi nào thì người ta muốn bảo vệ bạn bè, danh dự… dẫn tới đánh nhau, nên việc ngăn chặn cu con cũng dễ dàng. Tính cách thằng bé này là một bản sao của Quang Anh, nên Quang Anh biết phải giáo dục thế nào để nó không… như bố.
Bệnh tình mẹ Quang Anh đỡ nhiều. Cô Quyên đã thành một bà già tóc bạc, đẹp lão, hiền lành, hay cười và nói năng nhỏ nhẹ. Gặp lại mấy đứa bạn cũ của Quang Anh ngày xưa, cô nhớ tên từng đứa, và mách chúng nó: “Thằng Quang Anh ngày nào cũng bưng cơm lên đủ ba bữa ép cô ăn, nên cô mới béo thế này”.
Như phần lớn những đứa con nhà lính của khu Nam Đồng, Quang Anh vẫn không tin vào số mệnh. Từ nhỏ, nó không tin bói toán và các trò mê tín dị đoan. Và để có ngày hôm nay, nó đã phải nỗ lực rất nhiều. Kiêu bạc, không thù hận, không xin xỏ và sống tốt với những người mình yêu quý, đó chính là con người Quang Anh. Ít ai cho Quang Anh cái gì. Mà để cho được một thằng khái tính như nó cũng không dễ. Còn Quang Anh thì hầu như chẳng có gì, nhưng khi ai cần, nó luôn sẵn lòng giúp đỡ.
Thế nhưng, có một chuyện mà mỗi khi nghĩ tới, Quang Anh lại cảm thấy băn khoăn, đó là chuyện của Lê Trung Linh.
Linh ra tù sau Quang Anh hai năm. Nó mất trong một tai nạn giao thông. Sau ba mươi năm, Quang Anh đã dần lãng quên câu chuyện về Linh thì một hôm vô tình đọc báo thấy nói tới một người anh trai của Linh bị truy nã. Ít bữa sau, nó nghe trên ti vi, thấy anh lớn của Linh bị tuyên án tử hình. Anh thứ hai của Linh cũng dính vào vòng lao lý.
Chả nhẽ cuộc đời có số mệnh?
Tha thứ
Những tháng đầu năm 1975, dù báo chí không đăng, nhưng những đứa trẻ sống trong khu tập thể Nam Đồng vẫn nhận thấy một không khí căng thẳng, khẩn trương qua cách làm việc của bố mẹ chúng. Chúng có thể hình dung các đơn vị bộ đội miền Bắc đang ồ ạt tiến về phía Nam qua câu chuyện của các ông bố, qua những bức thư viết tay, những tin nhắn vội vàng của các anh bộ đội gửi về cho gia đình, báo sắp lên đường hành quân. Tất cả đều mơ hồ cảm thấy một trận đánh lớn sắp sửa bắt đầu.
Sáng thứ Bảy, Hòa vừa đi học về thì Việt khoác ba lô tới. Việt nói ngay: “Đơn vị tao nhận lệnh hành quân vào Nam gấp. Tao xin đại đội trưởng cho ghé qua Hà Nội 4 tiếng có việc riêng quan trọng. Ông ấy không cho. Tao nói thẳng: ‘Nếu anh không cho em đi, em sẽ đào ngũ. Em có việc cần, không thể không về nhà. Khi em trở lại, anh muốn làm gì em thì làm, kể cả xử bắn!’. Ông ấy nhìn tao như muốn tống giam luôn, xong chắc nghĩ đến vụ ông già tao gửi gắm nên bảo: ‘Bốn giờ chiều cậu phải có mặt ở Binh trạm Thường Tín!’. Tao vừa ghé qua nhà, chẳng có ai. Tao viết mấy chữ để lại, trong đó xin ông già cái đài, gọi là tiền trảm hậu tấu. Mày kiếm cái gì để chở tao đến trạm đúng giờ. Quân lệnh như sơn, không đùa được đâu”. Hòa bảo: “Binh trạm Thường Tín cũng xa đấy. Đường xấu, đi xe đạp lâu lắm. Để mượn cái xe máy của bố tao”. Hai thằng lôi xe máy ra, đạp mãi mới nổ. Việt rủ: “Đi kiếm bát phở. Tao thèm phở Hà Nội quá. Sau đó mình lên Bờ Hồ ăn kem. Tao còn mấy đồng phụ cấp”.
Khi hai thằng ngồi ở Nhà hàng Thủy Tạ Bờ Hồ, Hòa mới hiểu vì sao Việt dứt khoát xin ghé qua Hà Nội, nếu không cho sẽ đào ngũ. Hòa có giàu trí tưởng tượng đến mấy cũng không thể hình dung ra câu chuyện Việt kể.
Việt nhận được thư Mai Hương. Một lá thư dài, gửi qua một cán bộ cấp cao từ chiến trường ra, đưa tận tay. Nếu gửi theo đường quân bưu có lẽ bức thư đó chưa đến tay Việt. Mai Hương kể cho Việt những ngày ở mặt trận Trường Sơn. Chiến tranh hoàn toàn không giống Mai Hương hình dung. Mai Hương dần dần vượt qua nỗi sợ trước tiếng bom, tiếng súng, nhưng không vượt qua được khí hậu, thời tiết nghiệt ngã của núi rừng và căn bệnh sốt rét. Đơn vị liên tục di chuyển. Mai Hương dù ốm cũng phải cố theo. Có những lúc các anh chị trong đoàn phải cáng. Trong đoàn có một nhạc sĩ, em họ tác giả bài hát “Chuyện tình nàng trinh nữ tên Thi” mà Mai Hương rất thích. Những lúc Mai Hương buồn, anh hay ngồi đệm đàn cho Mai Hương hát bài này. Anh kể cho Mai Hương nghe nhiều chuyện về nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, dạy Mai Hương một số bài hát của ông như Duyên quê, Rong chơi cuối trời quên lãng... những bài này rất hợp với chất giọng Mai Hương. Những ngày đầu bỡ ngỡ, anh hướng dẫn, giúp đỡ Mai Hương rất nhiều. Một lần Đoàn đi biểu diễn cho một đơn vị pháo thì máy bay địch ném bom xuống trận địa. Trong lúc Mai Hương đang lơ ngơ đứng nhìn, anh đẩy Mai Hương ngã sấp xuống một cái hố, nằm đè lên trên. Cùng tiếng nổ buốt óc, một mảnh bom tiện đứt lìa cái cây Mai Hương vừa đứng cạnh. Ba nghệ sĩ trong đoàn hy sinh. Hai anh em bị vùi trong một đoạn giao thông hào, bùn đất lấm lem lấm thỉu, trán Mai Hương đẫm máu vì đập vào đá. Tối đó, trong một tâm trạng đau buồn, cô đơn và khao khát sự cảm thông, chia sẻ, anh bày tỏ lòng mình. Mai Hương nhẹ nhàng cho anh biết Mai Hương đã có Việt. Một nỗi buồn sâu thẳm hiện trong mắt anh. Từ đó, anh lặng lẽ chăm sóc Mai Hương như chăm một người em gái. Một tối, Mai Hương sốt cao, bỏ ăn. Đêm trong rừng già. Âm u. Hoang vắng. Trăng sáng. Gió lạnh… Sau khi cố gắng dỗ và bón cho Mai Hương nửa bát cháo nấu với rau rừng, anh nắm tay Mai Hương, kéo vào lòng. Mai Hương vùng dậy, hắt đổ bát cháo, đuổi anh đi. Từ đó, Mai Hương từ chối mọi sự chăm sóc của anh, kiên quyết giữ một khoảng cách giữa hai người.
Giữa đại ngàn, nơi chiến tuyến đan xen, thân phận con người thật bé nhỏ. Các nguyên tắc đôi khi không còn chắc chắn, nhất là khi người ta luôn phải liên kết cùng nhau để sống và chống lại cái chết. Một cô gái Thủ đô, tính tình quyết liệt, mạnh mẽ, bỗng thấy mình trở nên mong manh, yếu đuối. Đêm đó mưa rừng xối xả, anh lặng lẽ vào lán của Mai Hương với cây đàn ghi ta… Tiếng đàn buồn, da diết, lẫn trong tiếng gió, tiếng mưa và tiếng sấm ì ầm vọng lại từ bên kia khe núi. Vừa uống mấy viên thuốc kí ninh (quinin), người đang run trong cơn sốt rét, Mai Hương nắm vạt áo anh, ứa nước mắt, nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ Hà Nội, nhớ khu tập thể Kim Liên và nhớ những cảm giác được yêu thương bên Việt da diết. Tất cả đã ở xa, rất xa… trong khi ốm đau, cô đơn, bom đạn và cái chết lại rất gần… Mai Hương khe khẽ ca theo tiếng đàn: “Thuở ấy xa xưa có một nàng, một nàng thiếu nữ. Một đóa hoa hồng tình phơi phới tuổi mới trăng tròn. Cuộc đời hồng nhan cay và đắng thôi thì lắm trái ngang. Bao nhiêu trai làng yêu nàng, đi theo xin nàng tim vàng, nàng vẫn không màng…”. Những giai điệu quen thuộc khàn khàn trong cổ họng, dìu dặt, đứt quãng. Một tiếng sét khô khốc, chói tai, cay nghiệt. Những tia chớp loằng ngoằng ngang dọc bầu trời. Gió lạnh buốt mang theo mưa hắt vào lều. Ánh sáng leo lắt của ngọn đèn dầu vụt tắt. Mai Hương rã rời, buông xuôi trong bóng đêm ma mị… Sự phản kháng trở nên yếu ớt, bất lực, nửa tỉnh nửa mơ giữa những cơn nóng lạnh… Chỉ đến khi mọi việc kết thúc, Mai Hương mới bừng tỉnh, trườn ra khỏi võng, vớ lấy cây súng, nhằm vào những bóng đen chập chờn trước mặt, siết cò. Một tiếng nổ khô khốc vang lên. Mai Hương cũng không biết mình bắn vào đâu? Sáng hôm sau, Mai Hương lạnh người khi thấy một vệt máu loang trên võng… Trong sự sụp đổ, ân hận, đau buốt, Hương viết thư cho Việt, những dòng chữ nhòe trong nước mắt. Mai Hương xin lỗi Việt, hứa sẽ tự trừng phạt mình bằng tất cả những gì Mai Hương nghĩ ra được. Mai Hương nói không xin Việt tha thứ, vì Hương không xứng đáng. Ngay sau đó, Mai Hương xin chuyển đơn vị, không để lại địa chỉ cho Việt.
Hòa nghe câu chuyện, lặng người đi. Mãi nó mới hỏi Việt, có tha thứ cho Mai Hương? Việt mở ba lô, chỉ cho Hòa thấy cái đài nhỏ: “Tuần trước, buổi tối tao với Quân ngồi trên đỉnh núi. Quân dò sóng đài miền Nam, ma xui quỷ khiến thế nào đúng bài hát của Hoàng Thi Thơ mà Mai Hương vẫn hát. Tao nói tắt đi nhưng Quân thích nên nghe cố. Tao chịu không nổi. Mỗi lần nghe bài hát đó, tao thấy nhói trong tim. Tao đá cái đài xuống khe núi, và hứa lúc nào có điều kiện ghé qua nhà, sẽ xin ông già cái đài đang dùng đền nó. Tao nghĩ tao không thể quên những chuyện đã xảy ra với Mai Hương và không tha thứ được. Tại sao Mai Hương lại kể cho tao…? Ước gì tao không biết chuyện đó… Tình yêu cũng như cái gương. Cái gương của tao và Mai Hương đã vỡ. Nếu hôm nay tha thứ, tao sợ sau này mỗi lần soi lại, những vết vỡ trên tấm gương sẽ để lại những vết rạch, cắt đôi mặt mình. Tao đau lắm…”.
Hòa nghĩ mông lung. Quan điểm của nó từ trước tới nay là có thể tha thứ tất cả, trừ sự phản bội. Chính vì thế, đối với Đỗ, một người Hòa coi là kẻ phản bội, nó và bạn bè không bao giờ tha thứ. Chúng không phê phán, không mắng chửi, đơn giản chúng coi như Đỗ đã chết. Trong mắt bạn bè, Đỗ biến thành bóng ma giữa ban ngày. Sự im lặng, thờ ơ của chúng bạn đã đưa tang Đỗ khi Đỗ vẫn đang sống. Hòa nghĩ trong tình yêu cũng vậy. Dù chỉ viết thư hộ Việt, nhưng nó đã viết cho Mai Hương bằng rung động của trái tim, bằng sự trong sáng và thánh thiện. Nó có cảm giác như chính mình bị phản bội. Hòa quyết định sẽ nói thẳng với Việt quan điểm của nó. Thế nhưng đến khi nói, Hòa cảm thấy ngạc nhiên vì cách diễn đạt của mình. Thay vì biểu lộ thái độ một cách đơn giản là “không tha thứ”, Hòa lại nói:
– Tao cũng không biết nếu là mình, tao có thể tha thứ hay không? Nhưng tao nghĩ Mai Hương rất yêu mày. Nếu không vì tình yêu đó, Mai Hương đã không bỏ học, bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ gia đình để bước vào nơi đầy bom đạn, có thể chết bất cứ lúc nào, để mong gặp lại mày ở cuối con đường… Có thể mình chưa nằm dưới những trận bom mà sau khi kết thúc mới biết mình còn sống. Có thể mình chưa trải qua những trận sốt rừng để cảm thấy cần hơi ấm của một cái ôm. Cũng có thể mình chưa cảm nhận được nỗi cô đơn đến tận cùng khi đứng giữa ranh giới của cái đúng và cái sai, cái sống và cái chết, nên mình không cảm thông được sự yếu lòng… Vì vậy, việc tha thứ hay không là tùy ở mày. Theo tao, nếu mày còn yêu, mày có thể tha thứ. Việc Mai Hương bỏ học, gia nhập Đoàn Văn công Quân giải phóng rồi đi chiến trường, mày cũng có phần trách nhiệm.
Mặt Việt đanh lại:
– Dù yêu nhau bao lâu nay, giữa tao với nó cũng chỉ có mấy lần hôn… Tao tôn thờ nó, giữ gìn cho nó. Thế mà có mấy tháng xa nhau, nó đã vứt đi tất cả. Tao quyết định rồi. Tao không tha thứ!.
Hòa thở dài:
—Nếu đã quyết định vậy thì cố gắng quên Mai Hương đi. Bọn mình còn bao nhiêu việc. Mày có nghe tình hình gì không? Hình như đang chuẩn bị một trận đánh lớn đấy. Tao thấy ông già tao nói chuyện với mấy ông bên Bộ Tổng Tham mưu, hình như là sắp “tổng công kích” hay “tổng tiến công” gì đó Việt buồn bã:
– Chắc vậy… Tổng tiến công! Không hiểu Hương bây giờ đang ở đâu? Bom đạn thế này, tốt nhất là về nhà cho nó an toàn. Làm sao tiếng hát át được tiếng bom. Thôi, mày chở tao về đơn vị cho kịp giờ. Tao phải xin lỗi đại đội trưởng. Cái loại bộ đội xin đi tranh thủ không được, dọa đào ngũ như tao thật đáng tống giam. Nhưng đơn vị đang di chuyển, cũng chẳng có chỗ mà giam mình.
Hòa chở Việt trên chiếc xe máy cà tàng, cứ gặp ổ gà lại kêu cót ca cót két. May mà đến cửa doanh trại vẫn sớm 15 phút. Hòa bắt tay Việt: “Tạm biệt! Vài tháng sau tao đến tuổi nhập ngũ. Hẹn gặp ở Sài Gòn nhé. Chuyện Mai Hương nếu đã quyết vậy rồi thì cố gắng vượt qua. Chắc không dễ dàng gì. Để tao bảo Lượng giữ em gái nó lại cho mày, em nó rất xinh…”. Đang nói, nhìn mặt Việt, Hòa ngừng bặt. Việt xốc ba lô, cắm đầu đi. Tới trạm gác, nó ngần ngừ rồi đột nhiên quay lại, vẻ mặt buồn bã, nước mắt đọng trên mi: “Có những cái chỉ khi vĩnh viễn mất đi rồi mới biết giá trị của nó. Khi quyết định sẽ không tha thứ cho Mai Hương, tao mới hiểu tao chỉ yêu có Mai Hương thôi. Tất cả tại tao. Không vì tao, Mai Hương đã chẳng lên đường nhập ngũ. Người thì bé nhỏ, ốm yếu, giờ một thân một mình giữa chốn đạn bom, biết sống chết thế nào? Chuyện gì mà chẳng có thể xảy ra…? Tao quyết định rồi. Dù điều gì đã xảy ra đi nữa, tao vẫn yêu Mai Hương. Mày ghi số hòm thư của tao lại, ngay chiều nay mày đến nhà Mai Hương hỏi gia đình xem Mai Hương ở đâu. Kiểu gì Mai Hương cũng phải liên lạc với gia đình. Biết gì về Mai Hương, báo ngay cho tao nhé!”.
Hòa hơi bất ngờ trước điều Việt thổ lộ, nhưng nó thấy trong lòng trở nên ấm áp: “Tao rất thích tính rõ ràng, thẳng thắn của Mai Hương. Mai Hương không nói thì chẳng ai biết. Nhưng Mai Hương đã chọn cách trung thực với mày. Mày hãy làm điều gì mày muốn. Không ai quyết định thay mày được”. Việt nói: “Tao yêu nó tận đáy lòng…”. Dường như thấy mình yếu đuối quá, nó ngượng ngùng nói thêm: “Xét về y học, đáy lòng có nghĩa là hậu môn”. Hòa nghĩ bụng: “Đùa được là đỡ đau rồi”.