Rũ bóng nghiêng chiều - chương 08 - lấy phải phường háo sắc

Mặt trời chói chang ngoài kia cũng không đủ sức làm Đạt tỉnh giấc. Phải đến khi có người gõ cửa phòng. Đạt mới miễn cưỡng vươn vai, anh lơ mơ ngáp dài. Một ngày mới giúp Đạt nhận ra… mình vẫn như cũ, phòng vẫn như cũ, và vợ anh dường như chưa từng tồn tại. Nhưng người ngoài đâu ai biết. Thấy anh dậy trễ, dáng vẻ uể oải, mắt mũi thâm quầng thì đều che miệng, ngó nhau cười khúc khích.
Có người suồng sã, chọc ghẹo thẳng thừng.
- Mệt dữ cậu hen! Cậu thứ lỗi, tụi tui biết… hì hục cả đêm thì… dậy sao nổi. Ngặt cái, bà cứ biểu lên dọn, tụi tui mới dám thất lễ làm phiền cậu mợ.
Giá như được mệt kiểu đó thì dẫu có mệt hơn Đạt cũng chịu mà không chút phiền lòng, bản lãnh đàn ông, anh dư sức trời mây... Tiếc thay… Hờm. Đạt nghe mà như nuốt phải trái đắng. Anh liếc một cái khiến mọi người im bặt.
Ngoái nhìn lại chiếc giường tân hôn lần cuối, hôm qua nó hoành tráng và lộng lẫy bao nhiêu, bây giờ xác xơ, héo úa bấy nhiêu. Lá dừa mất hẳn vẻ xanh mượt, chùm đủng đỉnh cong queo, bông giấy rụng tá lả…. không khác đống rác bừa bãi, càng nhìn càng xốn mắt không chịu được.
Lúc thấy anh tẩn mẩn chưng dọn, bà Ngự cứ trề môi, nói anh bày đặt rườm rà, cầu kì cho quá rồi cũng quăng bỏ, mắc công dọn chớ cực ích gì. Đúng thiệt! Bây giờ, nó chung số phận với cái rạp ngoài sân, chờ tháo dỡ, gom dọn, đem đốt.
Đạt giật trái châu xanh đỏ, vò lọn quăng xuống gạch, rồi ra hiệu cho người đứng chờ sẵn bên ngoài vô dọn dẹp. Mền, mùng, chiếu, gối… Đạt cũng thay luôn. Còn tân hôn gì nữa, loan phòng gì nữa, có ai thèm ngó đâu mà anh mất công cực sức. Bực quá, Đạt đi thẳng tới hãng, không thèm nhìn mặt ai kia.
Hai tiếng sau mới thấy Liên ló mặt xuống. Ngày đầu tiên làm dâu mà dậy trễ hơn tất thảy mọi người. Chẳng trách, bà Ngự bắt cô đứng khoanh tay, rầy một trận xối xả tơi bời hoa lá.
Liên cúi mặt, không dám biện bạch lấy một lời. Hồi hôm, quá nửa khuya, mọi người bắt đầu nghỉ cô mới được về phòng. Lúc đứng trước cửa, Liên lại thấy khó thở. Ngẫm lại, thà ở dưới rửa chén còn hơn. Mà cô cũng định kiếm chỗ nào dưới đó để ngả lưng rồi, ngặt nỗi, mọi người cứ mời cô lên cho bằng được. Lúc đó, chỉ hi vọng, Đạt say mềm, ngủ thẳng cẳng. Ban đêm… thật sự rất nguy hiểm… Mà cô thì rất mệt và rất sợ!
Để thêm phần chắc chắn, Liên phải ngồi ở ngoài thêm cả tiếng, tới khi mọi thứ đều yên tĩnh, cô mới dám mở cửa vô phòng. Dè đâu… Chuyện còn hơn cả mong đợi. Phòng trống không. Cô vội leo lên một góc giường, trùm mền kín mít. Rồi nơm nớp tới gần tờ mờ. Đã ba đêm cô không ngủ, cô sợ buổi sáng dậy sẽ làm đổ bể đồ nên ráng chợp mắt một lát để lấy sức. Ai dè…
Giờ Liên thấy hối hận vì giấc ngủ cỏn con ấy. Bà Ngự rất giận. Trước hàng ba, bên trong nhà gian nhà chánh đều có người đang dọn dẹp, nhưng giọng bà không chút kiêng dè. Tuy họ không dám xen vô chuyện của chủ, nhưng vẫn không giấu được sự tò mò, thi thoảng vẫn lén nhìn rồi nháy mắt với nhau. Nếu nói Liên không ấm ức thì không đúng, dù bà Ngự là má chồng, bà dạy dỗ con dâu là chuyện rất đỗi bình thường. Nhưng dù gì, Liên cũng là cô dâu mới, vừa chân ướt chân ráo qua ngạch cửa thì phải rửa chén tới khuya lơ, bà còn nói đã cho người lên kêu mấy lần, mà Liên có thấy ai đâu. Nói ra thì bà không tin còn rầy cô nói láo.
Dì tám từ dưới bếp đi lên, thấy bà, dì chép miệng nhắc nhở, trời sắp trưa, nếu bà còn chưa đi thì sẽ trễ. Lúc này bà mới sực nhớ. Vốn quần áo đã chỉnh tề, vì mải rầy Liên mà bà quên mất. Bà kéo chiếc khăn vuông đã xếp lên đầu, buộc lại cho khéo.
- Tui không cần biết, khi ở nên nhà, cô ra sao. Nhưng một khi, cô đã dìa nhà này làm dâu thì nên sống theo khuôn phép của nhà này. Dâu con thì sáng sớm phải lo nấu nước pha trà cho cha má chồng, rồi còn lo ăn uống cho chồng, sau đó quán xuyến dọn dẹp nhà cửa. Đừng thấy nhà này có nhiều người toi tớ thì cho rằng mình không cần làm động móng tay. Người tuy nhiều nhưng công chuyện còn lu bu hơn, làm hoài cũng chưa hết. Tuy là mợ ba nhưng đôi khi cũng cần xắn tay áo mà làm với người ta, chớ đừng có mà ngồi chỉ tay năm ngón. Ai mà không mệt, chồng cô còn dậy sớm hơn cô nữa kìa. Đợi má chồng dậy rồi con dâu mới thức, không biết cha má cô dạy cô kiểu gì nữa.
Mới ngày đầu cô đã bị la mắng, Liên tủi thân, mắt rươm rướm.
Giỏ trầu đã xách, chân đã bước lại nghe tiếng thút thít, bà ngoái lại, nạt lớn.
- Ai làm gì mà cô khóc? Cô dậy trễ, tui nói cô mấy câu cũng không được hay sao? Khóc lóc là có ý gì? A…à… Cô cố ý nói tui hà hiếp, khắt khe với cô hả?
Liên lật đật chùi nước mắt.
- Dạ không phải, con… hổng có ý đó… tại tự dưng, bụi nó bay vô mắt con.
Thị uy như vậy cũng đủ. Bà đứng dậy, phủi lại áo rồi đi ra cửa.
-----------------------------------------------------
Ngả lưng trên ghế dài, Đạt đốt một điếu thuốc rồi mơ màng nhả khói. Phòng ốc đã trở lại như cũ, thâm chí vắng vẻ hơn thì phải?
Mấy rày, phải lo chạy giấy tờ, nên anh đi suốt.
Ông Duy nói mình đã già, muốn được nghỉ ngơi nên giao hết cơ ngơi cho hai anh em gìn giữ. Thành đã coi sóc đồn điền ở Lộc Ninh nên ông Duy muốn Đạt gánh phần ruộng vườn điền thổ. Nhưng Đạt không muốn công việc của mình chỉ quanh quẩn với ruộng đồng, trồng trọt. Hơn nữa, anh đã tốt nghiệp cơ khí hồi bên Pháp.
Mấy năm đi xa, anh nhận thức nhiều điều. Một đất nước muốn có nền kinh tế lớn mạnh không chỉ quay đi quẩn lại với đất đai. Người xứ Nam kỳ đang trong thời kỳ thay đổi, dù sự thay đổi đó bị bó chặt trong sức kìm tỏa của Pháp quốc, nhưng trong sự vận động của riêng mình, những suy nghĩ mới vẫn được nảy sinh. Thương gia người bổn xứ đang cố gắng cạnh trạnh với người Tàu, người Ấn, người Pháp để tìm chỗ đứng trên chính quê hương của mình.
Một điều rất dễ nhận thấy, phương tiện đi lại, chuyên chở của người dân quá ư ít ỏi. Thuyền bè dưới sông rạch, trên bộ chỉ có xe ngựa là phổ biến nhưng nó chỉ đi được đoạn đường ngắn, muốn di chuyển xa thì cần phải có một thứ sức lực bền bỉ, không biết mệt mỏi, đó là động cơ, máy móc. Tàu hỏa thì chính phủ Pháp giữ thế độc quyền, họ chỉ cho người bản địa mở hãng xe.
Mà mấy hãng xe đò cũng chẳng nhiều nhặn chi. Vậy là, Đạt quyết định mở một hãng xe đò bao gồm các chuyến chạy khắp nam kỳ lục tỉnh. Việc giấy tờ đã gần hoàn tất, xe đã được nhập về, những việc cần thiết khác như tuyển người làm công, gặp gỡ các chủ hãng khác để sắp xếp lịch trình, tìm kiếm bến bãi cũng xong. Chỉ còn một bài việc lặt vặt phát sinh ngoài dự tính.
Cái tin Đạt lấy vợ là chuyện quốc gia đại sự hay sao, mà đi đâu ai cũng hỏi han, chúc tụng? Đàn ông với nhau nên chẳng ai thèm dè dặt, trăm câu như một: đêm đầu thấy sao? Lần nào cũng vậy, Đạt chỉ cười cười phớ lớ cho qua.
Kể ra liệu có ai tin, mà họ tin anh cũng không dám kể, cưới gần chục bữa mà anh vẫn trong cảnh “phòng không chiếc bóng”. Đừng nói tới chuyện được “nâng khăn sửa túi”, đến bàn tay của vợ mập ốm ra sao, anh còn chưa biết nữa là.
Nói là đi suốt nhưng Đạt vẫn luôn tranh thủ. Có điều, về sớm thì thấy cô quần quật ngoài sau, đi ngủ rồi mà cô chưa chịu lên. Ráng dậy sớm một tí thì cô xuống bếp từ lúc nào. Lúc gặp thì người đông, mà cô cũng làm biếng nói. Nhớ cái ngày gặp đầu tiên, cô “trả treo” đâu có ít, còn xỏ xiên đủ thứ. Nằm gác tay lên trán đắn đo, anh kết luận, là cô không muốn nói chuyện và chung đụng với anh thôi.
Người ta toàn sợ chồng bỏ bê, hờ hững, phải theo kè kè giữ chồng còn không hết, đây thì tới mặt anh cũng hổng muốn ngó. Tánh gì kì cục ghê.
Đạt muốn làm lẫy cho rồi. Nhưng suy đi tính lại, anh cũng là người chịu thiệt! Anh cưới vợ mà. Dù mọi thứ do cha má anh lo, nhưng anh cũng bỏ công làm chú rể, anh phải có cô dâu cho mình. Hơn nữa, khắp Lục tỉnh đều biết anh có vợ thì anh phải mát mặt được làm chồng cho bõ công bao người chúc tụng.
Đạt lơ đãng nhìn xuống dưới. Liên từ phía vườn sau đi tới, rồi lẳng lặng vô nhà. Không biết cô có nhìn thấy cây bông giấy này chưa?
Nhìn tới cây bông giấy, Đạt lại giật mình. Chỉ mới mười ngày không dòm ngó, nó đã dần xơ xác, từng chiếc lá như đang héo tàn rũ chết. Lần đầu tiên anh trồng cây, còn tự mình chăm chút, anh không cho nó chết.
Đạt nhìn về phía người đàn ông đang nhổ cỏ gần đó, hỏi lớn.
- Nè Sửu, sao cây bông này héo lá hết vậy?
Sửu bước tới gần, nheo mắt nhìn lên mấy chiếc lá đang ngả vàng, cong quéo.
- Dạ thưa cậu, chắc nó thiếu nước. Mới được bứng về trồng chưa bao lâu nên rễ còn yếu, chưa đâm sâu được, mấy bữa nay không tới nên nó mất sức đó đa.
- Vậy liệu nó có chết không?
- Lá mới héo một chút thôi, bây giờ tưới đều đặn thì cứu được.
Nói rồi, Sửu đi kiếm gàu múc nước. Vì Sửu khá lu bu nên Đạt không nhờ Sửu mà dặn Nhanh, biểu nó phải tưới cho cây mỗi này mỗi hai bận. Không biết nó tưới kiểu gì để sắp chết cây bông.
Con Nhanh đang run bần bật bên trong. Nghe Đạt với Sửu nói chuyện nó mới sực nhớ chuyện cây bông. Đúng là Đạt có dặn nhưng nó có tật hay quên, thêm công chuyện lu bu, vừa xách thùng lên thì người nà kêu tới người kia réo nên hai, ba bữa rồi nó quên tưới. Bây giờ, nó chỉ van vái cho cái cây đừng có chết. Nhưng trước mắt, chắc chắn, nó sẽ bị rầy. Hy vọng nó không bị đuổi.
Vừa lúc đó, Liên từ cửa bên kia đi vô. Thấy Nhanh cầm dao xắt hành mà mồ hôi tuôn dầm như tắm. Liên hỏi thăm, Nhanh chỉ thút thít chớ chưa kịp trả lời. Vì tiếng Đạt đã cất lên.
- Liên, bưng một ly nước lên phòng cho anh.
Nhanh lạy trời lạy phật. Hình như Đạt không để bụng chuyện đó. Hoặc anh có nhớ, thì để mấy ngày nữa, cây bông tốt tươi trở lại rồi hãy nhớ. Nhanh vuốt ngực, thầm cám ơn vị cứu tinh mợ ba của nó. Nó không biết, thay vì nó thì mợ ba quyền quí kia cũng đang lo cay cáy trong bụng. Hồi nãy, Đạt ra lệnh chớ không có nhờ, kêu đích danh luôn như vậy, có phải coi cô giống người hầu hay không? Còn nữa, chưa chi đã xưng hô anh em ngọt xớt. Nghe thôi… đã sâu răng. Cái kiểu này, ngoài khó ưa độc đoán, còn là phường háo sắc chứ chẳng chơi. Khó ưa độc đoán còn đỡ, cô chịu được, còn như háo sắc thì thường đi chung với đê tiện, dâm ô….
Huệ lại đúng, công tử nhà giàu, ăn no rồi lo rững mỡ không hà. Sao cô lại lấy phải người chồng như vậy kia chớ?