Sáu Giang Hồ Và Những Mảnh Đời Phiêu Dạt Khác - Chương 06
Huế 3–1971
Thất tình đại hiệp
Lúc chán ở cùng ta
Trái tim rong chơi theo kẻ khác.
KHÓE NHÌN NÀNG CÓ BA PHẦN TƯ GIỄU CỢT, một phần tư nồng ấm.
– Hình như đây là lần thứ năm mình gặp nhau?
Tôi cố gắng để tia nhìn tôi có ba phần tư nồng ấm, một phần tư giễu cợt:
– Đâu có, chỉ gặp lần này thôi, bốn lần trước tôi chỉ thấy cô, chưa ngồi với nhau, không thể gọi là gặp.
Nàng cười khẩy, nửa thích thú nửa ngạc nhiên ngờ ngợ.
– Cái gì đã khiến anh theo dõi tôi?
– Vẻ dịu dàng của một vật lạ.
– Rõ hơn.
– Dễ hiểu và giản dị hết sức. Thành phố nhỏ tí xíu này đám đông quen nhẵn mặt nhau, một kẻ khác từ nơi xa lạ tới, dễ nhận ra lắm.
Đôi mắt nàng rạng một nét cười:
– Nếu lúc nãy tôi từ chối không vào ngồi đây, anh tính sao?
– Buồn một tí trên đường đi rong, và có lẽ buồn nhiều nhiều khi về tới nhà.
Nàng ngó lơ ra ngoài khi tôi nhận ra giọng mình có chút gì như giả vờ.
– Mưa ở đây thật nhẹ nhàng.
– Vì mưa thương đất, mưa mạnh quá đất sẽ đau.
– Chắc vậy không, anh?
– Cứ tưởng tượng thế.
– Anh có lối tưởng tượng lạ đấy. Tiếp tục nữa đi.
– Tưởng tượng tôi và cô là một đôi bạn.
– Thân hay sơ?
– Lửng lơ giữa thân và sơ.
Nàng chớp mắt. Đôi môi vừa cắn vỡ những hạt mưa vô hình nào đó, ướt mời mọc. Tôi mở một cánh cửa khác cho câu chuyện:
– Cô từ đâu tới?
– Dĩ nhiên là không từ Thiên đường rớt xuống hoặc Địa ngục chui lên. Anh thử đoán coi.
– Sàigòn, Đà Lạt, Lào, Cam-pu-chia...
Nàng vui vẻ tiếp lời:
– Ma-rốc, Ấn Độ, Tàu, Thái Lan...
Tôi cười:
– Thôi không cần biết cô từ đâu tới, nhưng hơi tò mò tí nhé, cô về đây làm gì vậy?
– Tìm một chút cổ điển, thành phố tôi ở tối tân quá, phát nản.
– Cô tìm ra chút cổ điển ấy chưa?
– Mấy hôm trước thì chưa, giờ tìm thấy rồi.
– Ở đâu vậy?
– Ở anh.
Tôi tỏ lộ sự ngạc nhiên bằng cách hơi hả miệng ra chút chút, cho vừa nỗi bất ngờ trong hai tiếng nàng vừa thốt. Ở anh (?)
– Có chút cổ điển nào ở tôi?
– Anh có lối tán gái thật cổ điển.
– Lầm rồi, người dưng! Tôi chưa định tán cô đâu. Nãy giờ mình nói chuyện tào lao mà. Thấy chưa? Cô còn tưởng tượng gấp ngàn lần tôi.
Thú thật, tôi chưa thấy đôi má đỏ au nào tuyệt vời bằng đôi má của nàng lúc này. Tôi còn khôn ngoan biết rằng, không nên để một thiếu nữ kéo dài sự thẹn thùng, nhất là thiếu nữ mới quen. Mắc cỡ lâu quá, dài quá; họ đánh mất sự tự tin rất mực hồn nhiên, và có thể sẽ chui vào cái vỏ im lặng, cụt hứng.
– À này, sao sáng nay cô đi một mình? Cái ông “vệ sĩ” hôm qua hôm kia hôm kìa đâu?
Nàng kéo vài sợi tóc đưa lên môi ngậm. Cử chỉ làm dáng nàng ưa thích?
– Ông anh họ tôi đó. Sáng nay khi thức dậy, dòm qua cửa sổ thấy mưa, tôi nghĩ nên đi dạo một mình thú hơn. Đi một mình dễ gặp những cái bất ngờ lắm.
– Có phải tôi là cái bất ngờ ấy không?
– Có lẽ.
– Đêm qua cô ngủ và có mơ?
– Vâng, mơ nhiều lắm, nhưng rất tiếc, đừng tưởng... bở, trong mơ không có anh đâu! Bao giờ tôi cũng mơ có... chọn lọc.
Nàng có lối nói thật tinh quái. Ít ra thì cũng tinh quái bằng con chồn trong truyện cổ tích.
– Không thấy tôi trong mơ là may mắn đấy.
– Sao vậy, anh?
– Trong mơ của bất cứ ai, tôi thường biến thành ông ngáo ộp.
Cả hai cùng cười. Nụ cười tôi hẳn là có nhận chút hồi quang long lanh sáng choang từ những hạt răng nàng. Cứ gì phải có răng khểnh cười mới có duyên? Nàng không có chiếc răng khểnh nào cả, vẫn duyên dị thường, duyên nhức nhối. Tôi muốn biến thành sợi tóc để nàng ngậm giữa môi cười ấy quá. Sợi tóc thề nhịn đau để răng nàng cắn, nhâm nhi một cách lười biếng.
Dường như cảm thấy đôi môi hơi khô vì bị tia nhìn chiêm bái của tôi thiêu đốt, nàng nâng ly cam vắt lên uống một ngụm. Những ngón tay nuột nà vòng quanh ly nước thân ái quá làm tôi bỏ ý định muốn biến thành sợi tóc; muốn mình biến thành cái ly ngay tức khắc.
Mưa bên ngoài không thêm sức nặng; nhẹ, đan mành mỏng, rung động theo từng đợt gió từ trời tạt ngang hoặc từ mặt sông đưa lên. Cũng có thể gió tới từ nơi xa xôi nào đó, từ thành phố nàng chẳng hạn. Nàng mang theo dòng gió lạ tới hôn phối với cơn mưa xứ này (?) Gió và mưa làm đám cưới rực rỡ mùa thu. Mùa của dìu dịu nắng rụng lá rơi, chim chuyền từ mái ngói nâu rêu này xuống vỉa hè mênh mang hơi giá nọ. Phố xá chợt gần rồi thoắt xa trong mù sương phơ phất áo ai về!
Tinh sương ngâm tay vào thau rửa mặt, nước lạnh sẽ bảo cho ta biết mùa thu đã tới. Trưa về ngang mặt hồ lục biếc, những đám lục bình nói khẽ ta nghe thu vừa sang. Chiều thắm đứng trong vườn, hàng trăm cánh lá chín rơi xuống vai thì thầm thu đã về ngự. Đêm thâu ngửa bàn tay, rủ làn tóc, đưa má, chìa môi cho đêm hôn, sương xanh sẽ run rẩy thủ thỉ thu về rồi mình ạ! Vâng. Vừa thu. Đang thu.
Và, đứa con gái ngồi trước mặt tôi có thể gọi nàng là Thu lạc đường không? Thu từ một thành phố khác, lạc tới đây. Ngồi trong căn quán hẹp này. Phải rồi, Thu đi lạc. Không quá khứ, chẳng vị lai, chỉ có hiện tại lặng lẽ mà vô cùng quyến rũ, chẳng kém chút nào Thu của đất trời ngoài kia.
– Thu à, cám ơn em đã tới làm khách của thành phố tôi.
Nàng chớp mắt kinh ngạc nhẹ:
– Anh lẩm bẩm gì thế? Anh gọi cô Thu nào đó?
– Tôi muốn gọi cô là Thu. Hẳn cô không phải tên Thu, nhưng cứ nhận đi.
Nàng chẳng hiểu ý tình trăm mơ ngàn mộng của tôi gì cả, thật ngu:
– Bộ anh nhìn tôi giống cô Thu nào trong mộng hả?
Tôi ghét giải thích. Gật đầu đại.
– Thế anh, anh tên là gì nhỉ?
Tôi nghịch tinh:
– Tên hồi nhỏ hay hiện tại?
– Cả hai.
– Hồi nhỏ tôi tên Cu Anh vì ở nhà có thằng Cu Em nữa.
Nàng khẽ nhún vai, mặt rạng vẻ thích thú:
– Hiện tại, anh?
– Không kể tên trong khai sinh, bạn bè thường gọi tôi là Thất-tình-đại-hiệp.
– Anh không định đùa chứ?
– Đúng vậy.
– Anh thất tình mấy lần rồi, thưa đại-hiệp?
– Tiếc quá tôi không đếm, đã có những thằng bạn quỷ sứ của tôi chúng đếm giùm.
Tôi đốt thuốc, nụ cười nàng mở sau làn khói nhuốm vẻ huyền hoặc màu hồng pha tím. Nàng vụt trầm ngâm như một đạo sĩ.
– Thu, cô đang nghĩ gì?
– Thất-tình-đại-hiệp, tôi tiếc không còn ở đây lâu để thường xuyên được gặp anh. Lát nữa tôi rời chỗ ngồi này và, mai tôi rời thành phố này.
– Sớm quá!
– Sáng nay, trước khi gặp anh tôi đã tới Air Việt Nam mua cái vé máy bay.
– Về đâu?
– Sài Gòn, đại-hiệp ạ!
Tôi giả vờ làm mặt lạnh, giấu xúc động, nhấc ghế đứng lên:
– Vẫn còn kịp cho một cuộc đi dạo dưới mưa.
Nàng gật đầu dễ thương in con mèo buồn ngủ.
Quên hết đám đông thiên hạ và phường phố, chúng tôi đi rong dưới trời mưa bụi, lan man nhắc kể những lần gặp nhau trước. Lần thứ nhất, tôi làm cái đuôi theo nàng đi hết hai quãng đường, lòng vòng hết một khu chợ. Lần thứ hai, trong phòng tranh của một họa sĩ thời danh. Lần thứ ba, nàng thân ái gửi tôi một nụ cười, nói cảm ơn khi tôi nhường ghế cho nàng ở buổi độc tấu dương cầm của một nhạc sĩ Tây Đức, tại trường Quốc gia Âm nhạc. Lần thứ tư, tình cờ cùng tới dự tiệc cưới một cô bạn; lần này thuận lợi nhất nhưng tôi không nói với nàng lời nào ngoài những nụ cười và những khóe nhìn chơi trò cút bắt. Lần thứ năm, sáng nay, tôi khoan khoái “bắt gặp” nàng đi một mình và, thở ra nhẹ nhõm khi nàng nhận lời vào quán cà phê Ngõ Hạnh.
Bây giờ, nàng làm mới cuộc chuyện trò bằng cách bỏ tiếng “tôi”, xưng Thu, cái tên do tôi đặt.
– Thất-tình-đại-hiệp ạ! Về Sài Gòn trí nhớ Thu giàu thêm một mớ kỷ niệm.
– Ừ, giữ lấy, sau này làm của hồi môn. Nhưng Thu sẽ nhớ những gì?
Nàng đưa tay hứng những giọt mưa:
– Thu nhớ có một chàng trai trẻ mắt lươn, mũi kỳ lân, miệng cá chép, tóc xanh da tái huyền hoặc như thể bước ra từ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, chàng tên Thất-tình-đại-hiệp. Nhớ những dĩa bánh bèo, bánh cuốn, những tô cơm hến có ớt xanh cắn nổ bôm bốp gọi là ớt bom, có loại bánh chưa ăn đã nghe cái ngon ngấm tận các huyệt đạo khoái, gọi là bánh khoái...
Tôi cười ngắt lời:
– Hình ảnh chàng Thất-tình-đại-hiệp sẽ được hân hạnh trộn lẫn với các món ăn trong cái nồi súp của trí nhớ Thu.
Nàng cười:
– Nói thật đó, đừng đùa, đại-hiệp! Thế anh có nhớ Thu không?
Chưa chi cảm giác thất tình kỳ bí đã mưng ngợp khắp hồn trong xác ngoài, tôi buột miệng:
– Có chứ! Mai mốt anh sẽ... ngồi buồn chẻ tóc làm tư, chẻ sầu làm củi ninh nhừ nhớ nhung.
– Tuyệt, thảo nào người ta bảo một trăm đàn ông con trai xứ Huế thì hết chín mươi chín ông rưỡi là thi sĩ. Ở đất Thần kinh xưa nên gọi nôm na là thi sĩ thần kinh. Láo chết liền!
Lòng tôi gợn hàng tỉ đợt sóng êm ái. Mắt nàng âu yếm phát ra tia lửa bí mật nào đó làm trái tim tôi nóng hực trong lồng ngực. Qua những chặng đường vắng hoe, những ngõ nhà rêu phong, những vòm lá biếc non giao nhau đan mơ dệt mộng ngay giữa ban ngày, và dưới bầu trời đẫm ngát hương mưa Thành nội, tôi cố kềm giữ bàn tay muốn nổi loạn của mình trong túi quần. Ôi, bàn tay, lỡ thả nó ra chắc nó sẽ chụp vội bàn tay đang hứng mưa dễ thương của nàng mất.
Đến lúc phải chia tay. Tôi cảm khái thốt một lời hò hẹn, không quên chớp mắt vài ba cái cho thêm phần cảm động:
– Ngày mai anh sẽ ra phi trường tiễn Thu đi.
Lần nữa, nàng ngoan ngoãn gật đầu, dễ thương in con mèo buồn ngủ.
TÔI GHÉT ĐÁM ANH EM HỌ VÂY QUANH NÀNG cười nói, dặn dò tíu tít, chọn một chỗ khuất thầm lặng chiêm ngắm nàng.
Sáng nay, nàng vận jupe ngắn màu tím than, áo vàng màu da bò nóng cháy. Vừa nói chuyện với đám anh em họ hàng của nàng, thỉnh thoảng nàng đảo đôi mắt đẹp dớn dác nhìn bốn phía. Tôi tin rằng những khóe nhìn tìm kiếm ấy dành cho tôi, tôi càng không muốn ra mặt, tới chào nàng. Tôi đang dành cho nàng một ngạc nhiên lớn.
Trời không mưa, căn phòng tường kính ồn ào tiếng cười nói. Chiếc Boeing 727 nằm im lìm ngoài phi đạo.
Nàng đảo mắt nhìn lần thứ ba thì, giọng nói dẻo dẹo của một cô ngồi ở quầy đổi vé vang lên từ máy phóng thanh: “Mời quí vị hành khách đi Sài Gòn lên tàu”.
Lên tàu. Nàng bối rối ngạc nhiên thấy tôi chọn chiếc ghế cạnh nàng và ngồi xuống. Nàng khéo léo chấm dứt sự ngạc nhiên bằng một nụ cười:
– Anh cũng đi nữa à?
Dở ẹc. Câu chào mừng của nàng đáng lẽ phải ấm áp: A! Anh quyết một lòng một dạ theo em há! Nàng đã không thể nói được một câu tương tự như thế. Tôi thất vọng chút chút. Tôi khẽ nhún vai. Điệu nhún vai bất cần của anh chàng Alain Delon* trong một phim nào đó, tôi ráng bắt chước.
– Ừ, lâu lâu cũng nên đi xa, ở mãi một chỗ cuồng chân quá.
Và, tôi nói thầm trong bụng: Em bé, em ngu quá. Bộ em ngỡ anh là dân hào hoa chăng? Em thừa biết một vé Boeing đi Sài Gòn thời buổi này đắt kinh khủng. Trưa hôm qua anh phải tạm cho một cái áo len, cây đàn guitar, một cái đồng hồ vào “nghỉ mát” trong tiệm cầm đồ. Chưa đủ, phải năn nỉ ỉ ôi mượn thêm hai thằng bạn nữa mới có một số tiền, khả dĩ gọi là kha khá cho cuộc rong chơi này đấy!
Trong một thoáng, tôi bỗng nghĩ tôi ngu quá, dại gái quá. Ai đời lại theo cô nhỏ một cách bạt mạng vậy? Trưa hôm qua tôi đột ngột quyết định phải đi Sài Gòn và, đêm hôm qua nhớ nàng quắt quay, nhức nhối.
Nhưng này! Có hề gì đâu. Muốn phiêu lưu, ta cứ phiêu lưu một chuyến chơi. Trái tim nằm trong ngực tôi chính nó, nó lôi tôi đi đó.
Nàng dựa ngửa vào lưng ghế:
– Anh về Sài Gòn có chuyện gì thế, Thất-tình-đại-hiệp?
Đôi mắt nàng nhắm hờ như sẵn sàng đi vào cơn mơ nào. Tôi trầm giọng, cố làm ra điệu thì thầm:
– Rong chơi, và tiếp tục được gặp em, Thu ạ!
Máy bay rời mặt đất, lướt êm qua những bụng mây nõn. Kệ xác máy bay, kệ xác mây gió trời đất. Tôi say mê tán tỉnh nàng. Chẳng bao lâu, hai bàn tay chúng tôi quấn quít nắm lấy nhau. Nồng nàn, nóng ấm và cảm động hết sức.
Tôi muốn có đông đủ mặt những thằng bạn quỉ sứ của tôi ngay lúc này, cho chúng tha hồ chiêm ngưỡng, để từ nay chúng hết âu yếm chế giễu tôi là Thất-tình-đại-hiệp nữa. Tôi cảm thấy bằng lòng với chuyến đi này và phục mình quá cỡ. Hỡi cái áo len, cây đàn guitar, cái đồng hồ! Ta trân trọng cám ơn các ngươi. Các ngươi là những “thánh tử đạo” đầu tiên hy sinh cho cuộc tình ta đó. Ta nhớ ơn các ngươi đời đời. Cái mặt nhăn nhó của mụ chủ tiệm cầm đồ trong trí nhớ tôi cũng trở nên dễ thương.
Tôi muốn chuyến bay kéo dài chừng nào tốt chừng ấy. Bay lạc sang Úc châu, Mỹ châu gì đó cũng được, miễn sao tôi được ngồi gần nàng, nghe nàng thỏ thẻ và hai bàn tay nắm rìn rịn thứ mồ hôi hạnh phúc. Nhưng chẳng thể được, chuyến đi nào rồi cũng phải tới đích.
Lúc tiếng cô tiếp viên phi hành âm vang trong lòng tàu, báo máy bay sẽ đáp xuống Sài Gòn trong vài phút tới, nàng cười một nụ tươi; lục ví lấy cuốn sổ tay ra xé một tờ, nhăn mày suy nghĩ 2, 3 phút gì đó rồi viết cái địa chỉ giúi vào tay tôi:
– Chiều nay 3 giờ anh tới rồi mình đi chơi. Lát nữa papa đón ở phi trường, mình không thể cùng về. Nhé, anh nhé!
Ông bố tới đón nàng thật. Nàng leo lên chiếc xe bốn bánh sơn màu kem sữa. Tôi ngẩn ngơ trông vời. Hồn và xác đều ngậm ngùi.
Bạn thân mến! Đọc đến đây chắc bạn nghĩ tôi sắp có một buổi chiều tuyệt vời ở Sài Gòn, với cô bé nho nhỏ xinh xinh – bị tôi gọi một cách tùy tiện hoặc nôm na – là Thu.
Không đâu bạn ạ! Bây giờ và cho tới chết, hình như tôi vẫn là kẻ ngây thơ, đuổi bắt những hình sương bóng khói của cái mà người ta gọi là tình yêu. Và, có lẽ tôi chưa thể rũ bỏ hỗn danh Thất-tình-đại-hiệp nên, khi tìm tới địa chỉ do cô nhỏ jupe tím áo vàng ghi lại, bâng khuâng ngước mắt nhìn lên bắt gặp tấm bảng to tổ bố, kẻ những chữ đậm nét: DƯỠNG TRÍ VIỆN X. Nàng tinh quái còn hơn con chồn trong chuyện cổ tích, phải không?
NHƯNG RỒI ... COI VẬY MÀ KHÔNG PHẢI VẬY. Rất lâu sau này tôi mới tình cờ biết được rằng, hôm ấy Thu-của-tôi đến muộn so với giờ hẹn chứ không hề có ý định “trêu” tôi. Thỉnh thoảng nàng vẫn đến nơi ấy giúp bà chị lấy số liệu bổ sung cho cái luận án tiến sĩ về Xã hội học quái quỉ gì gì đó và, trong khi tôi quay về Huế tiếp tục Chẻ sầu làm củi ninh nhừ nhớ nhung ở những “chân trời” khác, với những “sắc nước hương trời” khác thì ở đây nàng ung dung yêu đương, thong thả lấy chồng, vui vẻ sinh con, rồi trở thành ... bà ngoại lúc nào chẳng hay.