Sáu Giang Hồ Và Những Mảnh Đời Phiêu Dạt Khác - Chương 05
Huế 1971
Phố hẹn
Trái tim không luôn ở trong ngực
Đôi khi nó nhảy múa trong gió.
TÁCH RỜI ĐÁM ĐÔNG. RA KHỎI CÁI ĐÊM CHUNG của nhiều người, tìm lấy một khoảng đêm riêng hai người, chàng cảm tưởng phổi mình vừa được cất đi một sức ép nặng, đồng thời những lỗ chân lông trên da mơ hồ mở ngoác ra như những cửa khẩu, thảnh thơi hút gió. Hơi men bốc tuyệt mù chưa đủ độ dìu chàng lênh đênh theo cơn say, chỉ làm chàng thấy màu áo đỏ của nàng hơi nhạt, ánh lên một tí. Từ cõi trong, đèn ảo mù dọi qua lớp màn cửa mỏng, lan ra chỗ hai người đứng vùng sáng xanh lơ giống màu trời những hôm trở lạnh.
Cơn mưa đầu hôm còn để sót lại hơi nước gờn gợn trong những đợt gió làm nàng kêu lên thế nào cũng mưa trận nữa, lúc mình trở về. Chàng ngẩng nhìn đám sao lúc nhúc trên đầu cười, về ngủ thế nào em cũng gặp mưa trong mơ. Giò phong lan treo dưới mái hiên khẽ đong đưa mấy chiếc lá dài xuống êm ái hôn cổ nàng. Chàng hút thuốc, và nheo mắt nhìn qua đám khói những ngọn đèn dầu lay lắt lửa ma trên những thuyền câu trôi chậm giữa dòng. Hơi nước mặn, sương mù che lấp không thấy cửa sông. Ngọn đồi dựa sát chân rặng núi phía tả ngạn với dãy đèn sáng nối vòng ngang lưng trông như thể đang có một đám rước đèn, yêu tinh đang mở hội hoa đăng trên ấy. Nàng tưởng tượng có bàn tay nào từ cái chóp nhọn đen ám đó đang ngoắc vẫy mình. Nàng nói, bẻ gẫy đôi phút im lặng:
– Dãy đèn trên núi trông đẹp như một thành phố lửng.
Chàng nhìn theo ngón tay chỉ của bạn:
– Thành phố bị hình phạt phải treo lơ lửng giữa trời và biển.
Nàng reo nhỏ:
– Nhìn nó, anh biết em đang liên tưởng đến nơi nào không?
– Thiên đường.
Nàng lắc đầu:
– Không thật, một nơi có thật cơ.
– Làm gì có một phố nào mang vẻ ảo bí hoang đường đến thế.
– Phố hẹn. Anh không nhớ sao? Bây giờ chúng ta không còn có dịp trở lại nên nó trở nên hoang đường. Như Hà Nội hoang đường trong trí nhớ những người Bắc vào Nam.
Phố hẹn, cái tên chàng và nàng thường dùng để gọi nơi chốn thuở hai người mới gặp nhau. Thành phố cả hai cùng ghé ở một thời gian và sau này xa biệt. Nàng sống ở đó lâu hơn chàng, có những kỷ niệm đậm đà trải dọc một số ngày và tháng. Chàng thoáng ghé thoáng đi, rồi có một thoáng dừng lại, bắt gặp, sau những hẹn hò sai lỡ, những mỏi mệt kỳ thú của một thời kéo cao cổ áo, thả lộng tóc và tuổi trẻ vào những chuyến đi không định nơi đến, không mong nơi về. Họ gặp nhau, khá tình cờ, không hò hẹn, chính vì thế mà chỗ gặp càng đáng được coi như một điểm hẹn. Điểm hẹn mơ hồ được đánh dấu đâu từ trước, từ mịt mù thơ ấu đợi đến tuổi khôn lớn, họ đến đó và gặp nhau. Phố hẹn, cái tên vừa vuột ra khỏi môi nàng đã tức khắc gieo xuống lòng chàng những gợn âm vang vừa xao xác vừa rộn rã.
– Em còn nhớ mãi nụ cười của anh hôm đầu tiên ta gặp nhau dưới chân cầu thang trường nội trú. Nụ cười của ngày 22 tháng 4 đó gắn cứng trên nỗi ghen tương bất biến của em, in hệt cái huy chương đính trên ngực áo của một chiến sĩ buồn rầu.
Chàng bóp nhẹ tay nàng:
– Em lại sắp kể chuyện cổ tích nữa phải không?
Chuyện ở phố hẹn, dĩ nhiên, câu chuyện nàng đã kể không biết bao lần, hồ như không biết chán. Không hẳn là một chuyện đẹp, nhưng là chuyện đáng nhớ nhất của hai người. Mỗi lần kể, nàng không giấu được sự ghen tương lan ngầm trong giọng nói, vì cứ nghĩ hình như hình ảnh của một kẻ khác hiện thật rõ trong trí chàng. Nàng ghen thật dài và thật bền bỉ.
– Cổ tích, bộ anh không muốn nghe sao?
Chàng thấy mình lập lại câu nói của những lần trước, không buồn không vui:
– Kể đi, bà ngoại nhỏ.
Nàng khẽ đong đưa cánh tay chàng, tựa chiếc cằm nhỏ lên đầu vai chàng, mắt ngước xa vời về phía những ngọn đèn mơ ngủ trên núi:
– Nghe đây, ông cháu lớn. Ngày 22 tháng 4 mùa hè rực nắng làm quăn khô hết những ngọn tóc em có một gã tình khờ, gã đó đang đứng ngẩn ngơ bên em đây nè, từ một thành phố cổ kính buồn ngủ nhất nước háo hức lên máy bay DC4 đến phố hẹn, suýt chết đứng như Từ Hải khi hay tin người tình đã bị bà từ mẫu của nàng bỏ vào khăn gói gió đưa đến một nơi khác 24 giờ trước, vì điện tín hẹn hò bị lộ tẩy vào phút chót. Gã tình khờ bèn bươn bả vào trường nội trú “cầu cứu” nàng Hà: địa chỉ nàng dùng để lén lút nhận và chuyển thư chàng, qua khỏi tầm mắt kiểm soát gắt gao, cấm đoán răn đe của bà từ mẫu, Hà, kẻ nội tuyến đáng tin cậy, niềm an ủi sau cùng của chàng...
Chàng phì cười:
– Chuyện cổ tích lần này có vẻ được trau chuốt, ly kỳ hơn lần trước rồi đấy, bà ngoại nhỏ.
Nàng cắn chàng:
– Không được phát biểu ý kiến ông cháu lớn. Đừng có thở dài, thưa anh. Vào trường nội trú, gã tình khờ ngơ ngác như cáo mất hang. Không biết ma quỉ hay thánh thần xui em bước xuống chân thang, đụng đầu gã. Gã xưng tên, nhờ nhắn giùm nàng Hà: có khách từ viễn phương về, tìm bạn không gặp nên tâm sự não nề giống cái bánh bao thiu.
Chàng nhột:
– Đừng ca vè nữa, tinh quái vừa thôi chứ, bà ngoại nhỏ. Rõ ràng khi vừa nghe anh hỏi nhắn Hà, bà ngoại nhỏ đã đá lông nheo, chớp mắt lia lịa làm hồn anh choáng váng muốn ngã lìa khỏi xác.
Nàng cãi:
– Ông cháu lớn cười quá tươi, làm bà ngoại nhỏ không kiểm soát nổi sự chớp giật của bắp thịt mắt đó chứ. Tâm em lúc đó bất tại chân thang, tâm bay đậu lên nụ cười.
– Thật không?
– Thật chứ. Này nhé, vừa nghe anh khai báo cái tên, em la thầm trong bụng a, té ra anh chàng này đây. Em ở chung phòng, học cùng lớp Hà, trước đó em và Cẩm, cả bọn đã nghe hắn kể về mối tình của anh và Người Em Xứ Bắc. Em cũng đã từng gặp Người Em Xứ Bắc ngoài phố, thầm phục mối tình tuyệt sáng, tuyệt lận đận, tuyệt buồn bã nghìn trùng của hai người. Cả bọn theo dõi cuộc tình hai người hồi hộp như xem một cuốn phim hay, dù biết rằng thế nào cũng đến hồi kết cuộc mà mình chẳng chia hưởng được dù mảy may hạnh phúc hay đớn đau của hai nhân vật chính.
Người Em Xứ Bắc, nàng thích gọi Ngà bằng cái tên 4 chữ nghe xa hút đó. Ngà còn là cây nhang thắp hương ngát trong lòng chàng, hay cây nhang đã tàn trong những khuya khoắt cũ? Mùa tóc bồng trên những ghềnh đá trắng xám cả hai cùng đứng trông theo lũ chim yến về đã chấm dứt chưa? Mớ cỏ chong chong ù chạy dọc bãi cát lổ đổ dấu chân người, không dẫn đến một thềm nhà mùa đông, một bếp lửa ấm áp nào cả. Ngà đã đi đứng lặng lẽ tựa cái dấu chấm than. Đã khuất sau cái dấu chấm xuống dòng, để bắt đầu những luống chữ, những trang tình tự khác. Còn chăng là chút ghen tương nhẹ nhàng mơ hồ mưng lên trong lòng “bà ngoại nhỏ” khi nhắc kể, gợi về. Ngà vẫn ẩn hiện đâu đó đầu mỗi thời khắc quên, nhớ của chàng. Điều này nàng đã đọc thấy.
– Em thương Người Em Xứ Bắc như thương em, thương những người đã đến với anh trước hoặc sau em. Không hiểu sao em mãi nhủ lòng như thế.
Giọng nàng buồn không ra buồn, vui chẳng phải vui, trầm đều lọc qua tiếng sóng nhỏ nhẹ vỗ dưới những chân cừ tiếng cười đùa ngả ngớn và tiếng nhạc âm âm phía sau lưng. Gió vang lên từng đợt mỏng từ mặt sông thoáng, không còn ẩm hơi nước của cơn mưa đầu hôm mà là hơi giá của khói sóng. Chỗ hai người đang đứng là hành lang của một nhà hàng nổi, sau lưng họ là một tiệc cưới đang đến hồi thịnh hỉ, lúc này hẳn từ cô dâu, chú rể đến lũ khách khứa mặt ai cũng đỏ ké lên vì hơi men. Nhạc chuyển dần qua một hòa tấu khúc vui, gửi đến người nghe những âm thanh giòn, bay múa của nắng gió và chim muông trên đồng cỏ non mùa xuân nào đó mỗi người trong đời có ngang qua một lần. Hành lang trống trải ngợp đêm ngợp gió, họ đứng trong bóng nhau, bóng quẩn bên chân, hình bóng hắt mù mù xuống mặt nước gợn hình sóng chao. Mặt đất đang được che mát bởi bóng những tình nhân. Bóng chàng và nàng che rợp khoảng đêm riêng hai người. Cuộc vui bên sau lần cửa kính trước đó có mặt chàng nàng, như chẳng hề tham dự, như thể hai người đến đây không phải để chung vui cùng mọi người, mà để đứng trên hành lang này, trông ra cửa sông che lấp mang mang sương mù kia.
Nàng đã kéo chàng lẻn trốn ra khỏi bàn tiệc trước khi bao tử chàng biến thành cái thùng đựng rượu. Lý do đơn giản, vì tật xấu của chàng: mỗi lần say chàng như thoắt biến thành kẻ khác, lừ đừ ủ rũ giống tàu lá chuối héo và điều nàng ngại nhất là, chàng có thể lầm nàng với một người nữ nào đã đến và đi trong quá khứ. Đào thoát khỏi bàn tiệc giữa chừng, biến mất ra khỏi đám đông là một điều thích thú, nhiều lần trước họ đã làm thế. Nàng vẫn không rời mắt khỏi dãy đèn mơ ngủ trên núi. Và, chuyện ở phố hẹn tiếp tục, như đêm tiếp tục trôi bình thường.
Qua giọng kể ướt sũng hoài niệm của nàng, chàng lần lượt thấy mình đi ngẩn ngơ, nản mệt cùng cô bạn tên Hà qua hầu hết những con đường quẩn quanh trong phố hẹn. Nghe Hà kể về Ngà, về sự giận dữ của mẹ nàng lúc được tin chàng sẽ về, sau hai năm lánh mặt. Hai năm lánh mặt, hai năm bà đã ăn ngủ thật yên. Cuối cùng chàng quyết định tìm đến nơi nàng ở. Buổi trưa khô khốc ngồi trước sân cát nhà bưu điện đợi giờ mở cửa. Đợi và nghe tiếng nói đứt quãng, òa khóc của Ngà bên kia đầu dây điện thoại – Anh về thật à? Thật phải không? Em mừng lắm chứ, như phát khùng từ mấy ngày nay. Nóng ruột quá chừng. Sao? Ngày mai anh vào đây à? Có cả chị Hà đang đứng đó hả?... Tiếng nói mỏng, nhẹ thoát bay như những sợi khói tan vào trời mông mênh, và giọng nghẹn, và cơn nắng trút, lóa trắng úp xuống, lả tả, chàng đã như người dầm mình trong cơn sốt. Rồi khô hoảnh, dửng dưng.
– Buổi chiều Hà ngơ ngác phờ phạc như người mất hồn trở về. Hắn kể hai người nói chuyện với nhau qua đường dây điện thoại bưu điện. Nàng bật khóc bên kia thành phố, chàng ngẩn ngơ bên này đầu dây. Em mơ hồ ghen tương sao anh, sao Ngà có một cuộc tình lận đận quyến rũ tuyệt vời đến thế. Sao anh nhắn với Hà em có đôi mắt biết cười làm chi, để buổi trưa hôm đó em theo hắn ra phi trường, đội nắng đến tiễn anh. Bây giờ mỗi lần buồn anh, em vẫn thường thấy mình thật có lỗi với Ngà, em nghĩ, hồi đó em đã lãng mạn một cách khờ khạo.
Và chàng, thuở đó chàng có lãng mạn lắm không, khi khăn gói rời phố hẹn đến một thành phố khác nữa mong tìm gặp Người Em Xứ Bắc. Thật tình chàng đã gặp, đã nghe tiếng nói rưng rưng tan đoạn của nàng, và chính tiếng nói ấy đã kết lắng trong chàng nỗi khát đắng vừa muốn cắt đứt, không còn thấy nhau lần nữa. Chàng mang nỗi khát đắng ấy đến phi trường.
Trong khi chờ máy bay đến, chàng cố nói chuyện thật vui với nàng với Hà, hài hước nhiều để giấu che lòng quấn rối. Hà cố tạo không khí thân mật một cách bình thường giữa ba người. Nàng trầm lặng, ít nói trong dáng vẻ cách biệt của một người mới quen, chưa hề thân chàng. Họ ngồi trên dãy ghế dài nhà đợi, giữa đám đông hành khách lúc nhúc khăn gói, tay nải, chuyện trò. Nắng lóa ngoài phi đạo trống và mây bay trên trời.
Một lúc nào đó hình ảnh quay quắt của Ngà bỗng loãng nhạt trong trí chàng. Một lúc nào đó khóe nhìn đăm đăm của nàng ngấm ngầm đuổi bắt những khóe nhìn của chàng. Nàng nói về nhân vật nữ trong một cuốn tiểu thuyết nàng vừa đọc, hai người cùng thích thời tiết và cái quán cà phê thường lui tới đâu đó trong phố hẹn. Máy bay như sẽ không bao giờ tới. Chàng như không bao giờ đi.
Nhưng cái vé màu xanh trong túi áo chàng nàng nhìn thấy đã khiến nàng thốt ra lời trách là thời gian gặp nhau giữa hai người quá đỗi ngắn. Đơn giản chỉ có thế. Dù sao nàng cũng đã nói với chàng, tôi rất vui lòng tình nguyện thay anh đến phố X “bắc cóc” Người Em Xứ Bắc về phố hẹn, với điều kiện anh hoãn chuyến đi lại dù chỉ một buổi để chúng ta cùng đến ngồi ở cái quán cà phê anh thích đó. Để làm gì? Đề nghị của nàng có khùng không chứ? Nàng thẳng thắn bảo chàng, tôi thích vẻ si tình và theo tình bạt mạng của anh. Như tôi thích và thương Ngà. Từ phút đó chàng bỗng thấy mình bắt đầu đặt chân lên một nấc thang khác, ngoài những nấc thang vài phút tới chàng sẽ bước để lên máy bay đến gặp người tình, dù chàng lắc đầu cám ơn và từ chối nhẹ nhàng đề nghị nửa đùa nửa thật của nàng. Suốt thời gian ngồi với nhau, họ giải khát bằng những lon Coca Cola ngâm lạnh.
– Lúc rời phi trường anh đã chia tay em bằng một cử chỉ thật lạ lùng và bất ngờ, làm em ngẩn ngơ. Nhớ không? Anh đổi lon Coca anh uống cho em, bảo giữ lấy như là một chút nhớ. Em nhìn sững dấu môi anh trên lon nước cạn, bối rối gật đầu. Anh đi rồi, em bọc cái lon Coca vào miếng giấy báo cầm đi lơ ngơ với Hà trong phố, hai đứa cùng khóc.
Chàng thoáng mỉm cười:
– Từ đó cái lon Coca Cola trở thành báu vật không rời của em.
– Của chúng ta.
– Ừ. Của chúng ta.
Cả hai cùng nín lặng. Nhạc trôi chậm, sóng vỗ rì rào. Trí tưởng hai người cũng chợt tối chợt sáng như nhau. Với những góc cạnh mạnh, sắc bén nhất của hoài niệm, phố hẹn cùng được thắp sáng trong chàng và nàng, lung linh mê hoặc. Chàng thấy lại những cái chớp mắt quấn quít của nàng dưới chân thang ngôi trường nội trú ven biển. Nàng bắt gặp lại niềm bâng khuâng đầu tiên khi chạm mặt chàng. Từ nụ cười thứ nhất phút gặp gỡ đầu, lon Coca Cola cầm ngẩn ngơ qua phố đông người họ đã trải qua nhiều ngày tháng bỗng mất và bỗng có nhau.
Hà, Người Em Xứ Bắc, hai kẻ vắng mặt vừa được gợi nhắc trong chuyện kể qua giọng thân thương của nàng, giờ đang buồn vui với những cảnh đời khác, xa hút ngoài sinh hoạt yêu thương hờn giận của chàng và nàng. Xa hút như những thời thoáng đến thoáng đi. Đời sống giống chuỗi hạt, có hạt vui hạt phiền và những hạt dính kết chưa rời, những hạt lỡ rơi mất không bao giờ còn tìm thấy.
Cái lon Coca Cola vô danh trong những đống lon hộp quán hàng tầm thường nào đó một ngày đã đến với họ, nó được trao ân cần từ bàn tay chàng cho nàng, nó bỗng khoác thứ hào quang nóng hổi sức sống vạm vỡ của trái táo ngày xưa nàng Eve trao cho chàng Adam... trong thánh kinh. Thứ hào quang có độ sáng hạnh phúc nhất của kỷ niệm. Nó còn mãi là vật báu mỗi năm hai người gặp nhau không quên ghi khắc vào cái ngày đáng nhớ 22 tháng 4. Cũng có lắm lần chàng hoặc nàng dọa sẽ bóp bẹp dí nó, ném phăng đi cho khuất mắt, cho hả cơn tức, cơn ghen. Nhưng bây giờ nó vẫn còn được ấp ủ cẩn thận trong tủ áo nàng, giữa những thứ kỷ niệm khác du lưu qua nhiều nơi chốn khác nhau. Phố hẹn trở nên hoang đường và luôn luôn được nhớ đến cách thiết tha.
– Mới đó mà Hà đã hai con. Anh và em đã chia mừng bao nhiêu là đám cưới.
Ừ. Mới đó, bạn bè chàng, bạn bè nàng lần lượt có chồng có vợ. Những đời bằng hữu tay năm tay sáu xưa giờ rẽ riêng ra thành những đời vợ chồng tay đôi. Gió thở dài, chàng nghe mơ hồ như nàng thở dài. Đám tiệc cưới sau lưng gần tàn, những hôn lễ khác sẽ mở dài ra trong ngày mai, mốt. Chàng đã cùng nàng nâng hàng chục ly, uống hàng trăm bọt men hạnh phúc chúc sắt cầm hòa hiệp, loan phượng vĩnh kết cho bao đôi cặp khác. Chàng thấy mỗi lần đến dự một hôn lễ dường như nàng buồn thêm một chút, chàng say hơn một chút, tình họ cao hơn chút nữa. Nhưng cả hai cũng nghĩ tình họ chưa đến độ cao nhất để có một tiệc vui ồn ào như cuộc vui cặp trai gái bạn mở ra đêm nay. Họ vẫn thấy còn thích thú những lúc riêng lẻ một mình. Chưa đến lúc cần sự có mặt của lũ nhóc con chứng kiến hạnh phúc, hòa giải những xung khắc của hai người. Họ còn muốn được tiếp tục gọi nhau là Bà Ngoại Nhỏ, Ông Cháu Lớn. Còn muốn được trốn ra khỏi bàn tiệc, quay lưng lại mọi người, đứng trên hành lang ngợp gió, trông ra khoảng sông, khoảng đời sáng rộng ánh sao ánh đèn và ân cần nhắc kể ngày thứ nhất họ đi nhè nhẹ vào đời nhau. Họ chưa thấy cần đến khăn dài áo cưới, còn muốn hưởng tận cảm giác hồi hộp kỳ thú của cuộc chơi trốn tìm qua những ngõ ngách ngày tháng, và lắng nghe nhau những đêm thanh thản bình an như đêm nay. Họ còn đủ sức đuổi bắt nhau chưa thấm mệt trên sống lưng nhọn như mũi giáo, êm đềm như nhung tơ của trái đất, của ái tình, của nhớ nhung thăng hoa, và những phiền muộn, hoan lạc thầm kín. Họ chưa muốn thay thế cái lon Coca Cola nâng niu bây giờ bằng những đứa con.
Nàng vẫn không rời mắt khỏi những ngọn đèn chấp chới trên lưng chừng đồi bên kia sông. Đó là phố hẹn, một phố hẹn của ngày xưa tuyệt hoang đường, chưa tắt, không nguôi. Nàng tưởng tượng có bàn tay mộng mị của Người Em Xứ Bắc đang ngoắc vẫy họ từ trên đỉnh phố huyền hoặc đó; những ngọn đèn thốt nhiên chao nghiêng nhòa nhạt, bàn tay cứ vươn dài mãi gửi đến má nàng những ngón thật lạnh. Dù chỉ là tưởng tượng, nàng cũng đưa nhanh bàn tay lên má, bắt gặp ngọn lá phong lan mỏng manh, nàng rùng mình giật mạnh, giò lan đứt tung dây buộc, rơi tõm xuống mặt sông phía dưới tựa cái thủ cấp đầy râu ria lông lá, rụng không một tiếng kêu sau nhát chém ngọt. Nàng bíu chặt chàng thốt la khẽ. Chàng điềm đạm:
– Trở vào thôi em, hình như tiệc đã tàn.
Huế 6–1974
Nhẹ gót hài
Hãy là chiếc bánh thánh
Tan ngon đầu lưỡi anh
Đêm về mơ Chúa dỗ
Cho ta được lấy mình.
ÁO TÍM RỊM ĐÔI TÀ, KHĂN QUÀNG DÀI THƯỚT tha trắng. Tím màu sim núi non và trắng lênh đênh mây trời. Đôi mắt dài theo đôi tay. Mắt ngước trông và tay đưa tới. Bắt đầu nỗi nhớ anh.
Mưa bỏ phố đi rồi, còn dăm ba vầng mây ở lại. Chiều rình rập bóng ai, dòng sông chừng đã nguội. Đó là lúc anh trở về. Trở về, chân không vọng tới mùa xuân, mùa thu sau lưng đà đuổi gấp. Anh vấp ngã. Nhẹ như lá rụng. Không, tựa mẩu tàn thuốc lá rụng, cuối ngày, cuối những ngón tay. Em. Đôi tay dang ra nhưng không dám đón bắt, em mỏng manh in khói.
Những chân chim tội nghiệp nhảy nhót hoài hoài trên hàng dây điện căng chia cắt trời thành phố, dây điện chẳng phải là dây đàn, chim gẩy hoài không thành âm điệu. Đố ai thấy được chim khóc?
Một hôm, anh thấy anh biến thành chim, nhảy nhót hoài trên ngàn dây nhớ. Nhớ chùng lòng, nhớ quay điếng. Đố em, anh có khóc không?
– Ai biết!
Ngọc bước từ tốn in ngựa non đi nước kiệu. Áo tím rịm bay, khăn trắng múa. Buổi chiều êm đềm không cần tới âm nhạc, chỉ cần gió thật nhiều thổi cho lá xanh lá vàng cùng rơi xuống, lót đường anh và em đi. Gót hài nhẹ không sợ đau đường dài, chỉ ngại tiếng thời gian át lời thầm thì của nhau. Phải không?
– Đúng đó, Anh.
Chiều nay anh có cảm tưởng nhân gian đầy ắp tiếng cười. Anh và em cười. Người người cười. Kể hấp hối trên giường bệnh cười, người ngoài chiến trường vừa nhận viên đạn vào ngực còn cười. Cười, cười, cười. Em chỉ cười, hai hàng răng trắng chính là tên em: Ngọc. Đừng thốt lời nào cả. Nên cười. Đồng ý?
– Dạ.
Hôm qua em đợi anh muốn chết phải không? Đợi đến chán ngấy, đến ghét. Như ghét những viên thuốc đủ màu uống trong kỳ dịch cúm hai đợt vừa qua. Hôm nay anh đã lừng lững trở về. Hiên ngang mà về. Vui không?
– Vui lắm.
Ngọc ơi, không dưng anh muốn em tức khắc biến thành cục đường, để vừa đi anh vừa ngậm, em biến thành ca khúc, để vừa đi anh vừa hát, em biến thành điếu thuốc, để vừa đi anh vừa hút, thở khói mù mịt hết địa cầu.
– Mù luôn, không còn thấy em?
Nếu muốn giận một tí cho đời nó đẹp, em cứ bảo là anh không thấy em. Nhưng dễ thương hơn hết là lúc nào em cũng nghĩ dù ở sông non, phố núi, biển quạnh, chợ vui nào anh đều thấy em. Lúc khát, anh thấy em là ly chanh đá đường, có một hột ô mai làm duyên (chanh đường có ô mai mới ngon!) Lúc đói anh thấy em là ổ bánh mì, dĩa cơm sườn nóng hổi, hoặc bất cứ thứ gì có thể bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến.
– Anh nói em nghe phát khiếp. Người gì mà ham ăn mê uống quá trời, hèn gì mẹ đợi tới năm Đinh Hợi mới cho anh lọt lòng. Hết sẩy anh nhỉ?
Ừ. Thỉnh thoảng em cũng nên hỗn láo tí ti cho hồng môi mọng má. Anh chúa ghét các cô bé con ai bảo gì cũng dạ, ai nói chi cũng vâng, tới khi lấy chồng, bị cắm sừng bối rối, không biết nơi nào gỡ. Ngay từ bây giờ, ngoài việc cầm lược gỡ tóc rối mỗi sớm mai, em nên tập cách gỡ sừng.
– Ngày xửa ngày xưa có một chàng khùng nói thế và bị một công chúa nghỉ chơi luôn, trước khi nghỉ dài hạn, nàng tặng chàng mười cái háy lẫn nguýt, chưa hết, còn biếu thêm một trận mưa lũ, giọt ngắn giọt dài, trách ai nói bậy.
Chàng khùng dễ thương đó không phải anh, cô công chúa đáng ghét nọ chẳng là em. Cả hai tan theo bụi cát ngày xưa cả rồi. Giờ chỉ còn những cái háy, nguýt, những trận mưa lũ tồn tại. Háy và nguýt, mưa thật tình haymưa nũng nịu là kho tàng vô giá của mọi người nữ, nên giữ lấy, phát triển nhanh chóng thêm. Háy sao cho sắc hơn dao cau, nguýt sao cho hoa tàn nguyệt rụng, mưa sao cho ướt hết sớm đợi này tới chiều mong tê.
– Anh hàm hồ in một diễn giả có tài.
Mỗi người từ khi sinh ra đã là một diễn giả Ngọc ạ! Vừa lọt lòng hắn đã diễn thuyết rồi, dù chỉ bằng vài tiếng oe oe. Đến ấu thơ hắn diễn thuyết thật, lớn tí nữa điêu ngoa sơ sơ và trưởng thành, hắn diễn thuyết láo khoét kỹ. Láo ngon lành, nhưng lắm lúc cũng thành thật đến rơi lệ lộp độp tựa mưa trên những tàu lá chuối buồn. Tin không?
– Tin anh một nửa. Nửa kia em tới chùa xin xăm rồi hẳn tin.
Tuyệt diệu. Thế em có tới chùa xin xăm rồi mới tin anh thương em không? Chắc là không chứ! Ngọc. Hình như mình bắt đầu gây gổ nhau.
– Ai nói thế?
Mây trên trời bảo thế, cây lá hai bên đường nói vậy. Chúng nói hai đứa mình sắp gây gổ nhau.
– Giờ thì em tin anh là một diễn giả láo khoét đại tài. Em chẳng nghe mây trời, cây lá nói gì cả. Hôm nào có mở hội thi đua nói láo, anh nên ghi tên dự thi.
Thấy chưa? Em bắt đầu pha dấm pha chanh vào ngôn ngữ rồi. Đêm nay gấp gấp mua một ký đường phèn về ngậm cho ngọt giọng đi. Ngọt giọng như đêm giáng sinh tụi mình bỏ phố phường đông chen, đưa nhau ra biển. Đêm ấy em ngọt ngào hát trong tiếng gió ồ ạt gọi kêu. Đêm ấy chị Bội Hoàn như trở lại thời mười sáu tuổi, nhai kẹo luôn miệng, thằng Hồ lái xe như điên, vác cái thân bồ tượng đuổi bắt con còng nhỏ bằng cái nút chai lăn lông lốc, thằng Thuận chong đôi kính mù ngóng gió, tiếc thầm nước biển sao không tức khắc biến thành rượu, nhỏ Hồng Châu vờ lãng mạn đòi qua bên kia thế giới bằng cách lội bộ qua mặt biển sôi, nhỏ Uyên Thơm thầm lặng nhớ thằng bồ xuôi vạn lý và em, mắt trông vời lên dãy đèn căn cứ quân sự bên kia triền đồi, bảo những ngọn đèn nhấp nháy trong sương trông giống thiên đường nào đó. Và gió, gió thổi mãi, nhưng không thể làm lạnh được hai đứa mình. Đêm ấy trong quán cà phê Q.C. thằng Thuận bảo em ríu rít như chim, nhưng anh nghĩ em phơi phới, rực rỡ in những chiếc bong bóng bay lặng lờ trên nóc quán. Đêm ấy cái gì cũng ngon, em ngon, những chai sprite ngon ấy là một kỷ niệm ngọt. Phải không?
– Em muốn anh nhắc mãi nhắc hoài.
Anh muốn đốt gấp gáp tháng giêng, hai, ba, tư... để tức khắc mình dìu nhau về giữa tháng chạp, về giữa biển ngàn một đêm giáng sinh khác. Giờ chị Bội Hoàn, Thuận mù đã trở về Q.Nh, nhỏ Uyên Thơm buồn bã đâu đó trong trường kỹ thuật, thằng Hồ lui tới với lính tráng trong đồn bót, và nhỏ Hồng Châu hẳn đang ngồi ngáp vặt sau cửa lưới sắt ngân khố. Giáng sinh mùa sau, phải lôi theo dì Quế và hai ba cô bạn của dì: Hương, Ái, Lan ríu rít ồn vui, anh mệnh danh các cô ấy là “đài phát thanh”, quá đúng.
– Còn nhiều kỷ niệm, kể nữa, anh.
Một đêm u nồng khác, đi ngủ, bỏ mùng không kỹ, con chuột nhắt đâu từ nhà hàng xóm ngao du sang, nó mê cái gót chân em hồng, bèn cắn nhẹ một miếng, tinh sương gặp anh, em cuống quýt bảo mau mau đưa em đi bác sĩ kẻo dịch hạch tới nơi, anh cười cười: Hồi xưa, năm mười sáu tuổi, em đoạt chức vô địch nhảy cao toàn tỉnh, sao con chuột nó cắn không chịu trổ tài nhảy tránh, em thật là khờ. Suốt ngày hôm đó, gặp bạn bè ngoài phố, em mách oang oang: hồi hôm tao bị chuột cắn! Phải chi bữa đó em loan tin: hôm qua tao thấy Hòa Bình, phải hay hơn không? Anh nản hết sức. Lại nữa, có đứa bảo bị chuột cắn nên chơi số đề, đánh số 15. Em tin, mua cái số đề, rủ anh hùn vốn, nơm nớp đợi tới thứ ba, trật lất. Đứa bảo chơi số đề mất tăm mất tích như con chuột nhắt cắn bậy kia, nhưng anh nhớ bữa đó anh thề gặp hắn anh sẽ cho “nốc ao”, dù anh chưa bao giờ luyện một thứ võ công nào trong người. Em vẫn thường chê anh trói gà không chặt. Nhưng trói tình em thì chặt lắm chứ bộ!
– Em hết tin số đề rồi, anh cứ nhắc chọc mãi.
Chọc phá là điều mọi người trẻ tuổi ưa thích. Tuổi già ngồi cú rũ một chỗ, chọc phá được ai? Khi yêu thương nhau, tình yêu của kẻ này biến thành con dế mèn trốn lủi vào xó xỉnh tâm hồn kẻ kia, kêu khóc nỉ non chọc phá đêm ngày, khiến mất ăn bỏ ngủ.
– Con dế mèn của em giờ này đang làm gì trong xó xỉnh tâm hồn anh?
Đang ca hát. Tiếng hát vang lừng dội từ phía nam tim tới phương bắc phổi, làm lũ hồng huyết cầu dấy loạn, rủ nhau từng cặp một khiêu vũ mê man.
Còn em, con dế mèn của anh giờ này đang làm gì trong xó xỉnh tâm hồn em?
– Nó ngủ khì anh à. Ngáy vang dội rung rinh cả tim phổi em. Người ta thường ví tình yêu như thể bông hồng hoặc cái gì đó rất đẹp, anh lại đem ví tình yêu như thể con dế mèn. Thôi đi, dế mèn là chúa ưa phiêu lưu đấy anh ạ. Lỡ một tinh sương đẹp trời nào đó nó phiêu lưu, di cư sang tâm hồn kẻ khác, em biết đâu tìm?
Dễ ợt. Em cứ việc đăng báo tìm tình yêu đi lạc. Ai thấy tăm dạng nó đâu, xin liên lạc về địa chỉ... sẽ trọng thưởng theo luật giang hồ.
– Xí xọn. Nói bậy. Mưa bây giờ.
Mãi vui quên cả trời chiều. Hình như tụi mình đã bỏ phố hơi xa. Ngọc nghe thấy gì không? Nghe biển lên tiếng gọi không? Đừng nói gì nữa cả. Cứ nín thinh theo chiều mà đi, theo tiếng sóng gọi mời mà tới.
Chuyện kể của một vỏ ốc:
Chàng nắm tay nàng chạy dài bãi vắng. Gió thổi tạt tóc và mây bay về phương đông. Những sợi tóc nàng cất tiếng hát. Thầm thì lời yêu anh. Cát thì câm nín. Sóng thì lăn lóc. Chiều dần phai những dấu hài. Tim chàng rung chuông rộn rã gọi bầy chim biển về gọi đêm tối tới. Đêm tối yêu dấu ôm ấp chàng và nàng bằng đôi cánh nhung. Ở đó. Trên con đường bí mật nối giữa tâm hồn chàng và nàng đố ai thấy được hai con dế mèn rực rỡ xiêm y lồng lộng múa.