Sáu Giang Hồ Và Những Mảnh Đời Phiêu Dạt Khác - Chương 13
Cần Thơ 1989
Quả đấm
Xòe ra mềm như lụa
Nắm lại rền tựa sấm.
TIẾP NHẬN MỘT TRƯỜNG HỢP SINH KHÓ, CHÚNG tôi quyết định dùng phẫu thuật để đưa thai nhi ra trước khi quá muộn. Ca “mổ bắt con” được tiến hành vào giờ cuối của phiên trực đêm. Xong mũi khâu cuối, tôi thở phào nhẹ nhõm, cởi khẩu trang, găng tay rửa ráy rồi ra khỏi phòng sanh.
– Thưa bác sĩ! – Người đàn ông nãy giờ đứng chầu chực ngoài cửa rụt rè lên tiếng, rảo bước theo tôi – Cảm ơn, xin rất cảm ơn cô đã...
– Ồ, không có chi. Anh đã nghe tiếng thằng nhóc khóc khỏe ấy chứ? Mẹ tròn con vuông, xin chúc mừng.
– Nếu không quá phiền lòng, mời cô quá bước xuống căntin uống với tôi ly nước.
Quay sang, mắt chạm phải cái nốt ruồi to tướng đính ngay ở chỗ giao nhau của cặp chân mày tôi thoáng ngờ ngợ. Vẻ mặt không quen cũng không hẳn lạ, và giọng khẩn khoản của anh ta khiến tôi miễn cưỡng lật tay nhìn đồng hồ:
– Tôi còn phải bàn giao ca trực. Chậc, thôi được, khoảng mười lăm phút nữa.
Như bao người cha khác mới có con đầu lòng, anh bày tỏ nỗi vui mừng kèm lời cảm ơn “bà mụ” cùng anh chị em trong kíp mổ hết sức thắm thiết, vui vẻ tâm sự rằng, anh chị thuộc trong số ít phải gánh chịu sự hiếm muộn, cưới nhau gần ba năm bây giờ mới có được mụn con. Nài nỉ năm lần bảy lượt tôi không chịu ăn phở hoặc hủ tiếu, chốc chốc anh lại nhìn ly cà phê sữa tôi đang uống ra vẻ ái ngại, chừng như cho nó không được ngon, chẳng xứng chút nào với công sức tôi đã bỏ ra trong ca phẫu thuật vừa rồi.
– Nghề của cô phải luôn tiếp xúc, nghe riết những thân nhân của sản phụ ngớ ngẩn như tôi kể lể này nọ chắc bực mình lắm?
– Không đâu. Chia vui và cả chia buồn làm sao tránh khỏi, thầy thuốc nào mà chẳng vậy. Dạo mới vào nghề tôi thường bối rối, nay thì...
– Lúc này tôi chưa thể quen ngay với cảm giác mới mẻ mình đã lên chức cha, lòng cứ lâng lâng sao ấy. Xin lỗi, cô hẳn cũng đang làm mẹ?
– Rất tiếc là... chưa!
– Còn kén cá chọn canh chứ gì? Cuộc đời lạ lắm cô ạ, có khi mình đang lửng lơ hoặc lờ đờ như lục bình trôi, đùng một cái, có sự cố gì đó xảy đến đẩy vèo mình qua một khúc ngoặt mới, tỉnh táo hẳn. Hồi đó tôi không hề nghĩ mình sẽ lấy vợ, nhưng rồi bất ngờ nhận phải một quả đấm muốn sái quai hàm đâm ra đảo lộn tất cả.
Buổi sáng mới bắt đầu, ngoài hai giờ học thêm Anh văn vào buổi chiều, và buổi tối phụ khám ở phòng mạch một người bạn, còn cả nửa ngày hoàn toàn thư thả, chẳng vướng bận công việc hoặc cuộc hẹn vớ vẩn hay không vớ vẩn nào, tôi tự cho phép mình ngồi nán lại, tò mò chút đỉnh:
– Quả đấm? Đầu đuôi thế nào?
– Bị đấm, nhưng tôi lại mang ơn người đấm mới lạ!
Nhấp ngụm cà phê, anh hắng giọng kể. Vào cái thời Liên Xô chưa tan rã, ông tiến sĩ ngữ văn quay về sau cái điện khẩn gia đình báo tin ông cụ thân sinh hấp hối, bỏ dở việc kinh doanh hàng kim khí điện máy đã vun đắp hơn mười năm, chưa phất lắm nhưng cũng thuộc loại có máu mặt trong giới Việt sừng sỏ trên đất Nga. Tang cha xong, anh chuẩn bị ra đi thì nhận được cú điện thoại báo tin kho chứa hàng đầy ắp hàng hóa bên ấy đã cháy sạch. Tổn thất bạc tỉ không đau bằng cái đau bị phản bội. Thoạt tiên hai nguyên do cháy được đặt lên bàn cân: một bị chập điện, hai do sự bất cẩn của người bảo vệ đã không thoát thân kịp, bị thiêu luôn trong đám cháy. Nhưng rồi nguyên nhân giả định thứ ba sau đó được nhanh chóng xác minh, rằng do ông bạn cộng sự thân tín đồng hương – kẻ đã gọi cú điện thoại nóng – và cô vợ vốn là người Petrograd – chưa thông qua bất cứ hình thức hôn nhân hợp pháp nào – dọn sạch hàng hóa rồi phóng hỏa phi tang, sau đó bỏ trốn. Lòng sục sôi thù oán, anh “lật tung” mọi ngõ ngách nước Nga đã đành, còn dốc đến cạn túi vào việc thuê mướn thám tử, nhưng rồi họ vẫn biệt mù bóng chim tăm cá, như thể đôi “gian phu dâm phụ” này chưa bao giờ là hai thực thể từng đổ bóng trên mặt đất lắm thiện mà cũng nhiều ác hư hư thực thực này.
Nửa năm săn lùng sụt mười kí lô và gần như cạn túi, cây súng ngắn luôn được giấu kín khi trong người, lúc trong hành lý không có dịp rút ra thay mặt công lý nổ vào chính phạm lẫn tòng phạm được buồn rầu ném xuống sông trong một ngày đông giá, trước khi rời Moskva với tâm và thể rách y xơ mướp úng sũng thất vọng lẫn chán chường.
Quay về Hải Phòng, anh sống vật vờ y cái bóng trắng tay, vô công rỗi nghề, ăn bám vào lợi tức nhỏ nhoi của cái quán thịt chó gia đình mở ở phố nhà có tuổi thọ tới ba đời nối nghiệp, ngày ngày mượn rượu “cuốc lủi” phá thành sầu nhưng lắm phen bị cái thành phải gió này hành cho bò lê bò càng, sống dở chết dở, mùi thua bại vữa trong mùi hèm, mùi các chất thải ói mửa tanh lợm ngấm vào tận các ác mộng phục thù chua lòm, đắng nghét.
Đáp lại thắc mắc của tôi: “Sao anh không đi dạy học hoặc vận dụng khả năng ngữ văn cấp tiến sĩ của mình vào một công trình văn hóa, nhân văn nào đó?” Anh cười buồn: “Thú thực với cô, ở Nga hơn mười năm, chất con buôn trong tôi lấn át dần chất nghiên cứu sinh hay cái gọi là nhân văn gì gì đó. Tấm bằng chẳng qua là...” Anh cố ý bỏ lửng câu nói với hàng tỉ tỉ hồng huyết cầu nhất loạt dồn lên mặt khiến nó thoáng đỏ bầm hệt mồng gà chọi, đoạn kể tiếp. Vào một buổi đám giỗ ở nhà họ hàng, anh tình cờ gặp lại ông chú chẳng còn nhớ đã xa cách bao lâu vừa từ trong Nam ra. Sau đám giỗ, họ tiếp tục cuộc hàn huyên tay đôi ở một nhà hàng và, sự chán chường của anh được ông chú đánh tan bằng một câu nói rắn đanh như là lệnh: “Mai hớt tóc cạo râu, lột bỏ cái vỏ ma cà bông dị hợm của anh đi, rồi bắt đầu lại từ con số không. Những kết thúc tồi đôi khi là một cú đá phốc vào mông thúc ta phóng tới. Đời chẳng là cái đếch gì cả, đơn giản là một cuộc đua, bền thắng nản thua!” Anh chỉ nghe một nửa còn một nửa bỏ ngoài tai, môi mơ hồ vẽ nụ cười khinh bạc, thế rồi bỗng sáng mắt sáng lòng khi ông ấy đũng đĩnh tiếp: “Ngốc ạ, bắt đầu không phải từ đây mà từ trong Nam cơ!”
Vậy là anh khăn gói vào Nam, được ông chú đương chức tỉnh ủy viên, phó bí thư thường trực tỉnh H viết cho cái “thư tay” đính kèm hồ sơ xin việc đến nộp ở Cục thuế tỉnh. Không chút khó khăn, được biên chế ngay vào ngành nghề coi như béo bở nhất của thời “ngăn sông cấm chợ”, trạm thuế mọc và nổi rộ, lềnh khênh y lục bình hay cá chốt dưới sông.
Nghề nghiệp tréo ngoe, nhưng rồi khả năng thích nghi với môi trường mới ở anh khá “tuyệt vời”. Nhập gia tùy tục, không chỉ học ăn học mặc học chơi theo phong cách người Nam bộ mà anh còn cố gắng đưa cả phương ngữ của “quê hương thứ ba” – sau Hải Phòng và Nga – vào lời ăn tiếng nói được phường a dua, xu nịnh trầm trồ khen là hội nhập mau, hòa đồng lẹ, dù đôi khi sự pha trộn còn sống sít, chưa được nhuyễn lắm nghe khập khiễng, buồn cười. Hồi làm con buôn ở Nga không ít lần phải đối mặt, thậm chí trốn chui trốn nhủi bọn cớm thuế, nay đổi vai từ con mồi bị săn hóa thành thợ săn bất cứ loại con buôn nào cũng phải nể mặt, có tháng sức khỏe suy kiệt vì những cuộc thù tạc liên miên, thâu đêm suốt sáng và, thỉnh thoảng cũng hơi lên ruột bởi không hiếm trường hợp “lính thuế” phối hợp với cảnh sát kinh tế đi mật phục, truy bắt bọn buôn lậu rồi ngộ nạn. Bọn này luôn sẵn sàng vượt trạm, gây ẩu đả, không ngần ngại lạng xe chở hàng mang biển số giả cán chết người đang thi hành công vụ giữa đêm hôm khuya khoắt dọc đường chúng tẩu thoát. Nhờ ảnh hưởng ông chú, lại thuộc típ cần mẫn, mới vào nghề chừng ba tháng, anh được điều từ một huyện xa về Chi cục thuế thành phố. Một buổi sáng đẹp trời ngang qua một ngôi trường phổ thông cơ sở, anh dừng lại kiểm tra ông “con buôn” ngày ngày bày “hàng” dưới bóng râm cây điệp cổ thụ xế cổng trường.
– Này, cho coi biên lai thuế! – Cố kềm giọng để “nhân dân” không cho mình hách dịch vẫn nghe rất mực dõng dạc do thói quen, anh vỗ vai ông cụ từ quần áo đến vóc dạc toát vẻ phong trần đáng nể, đang ngồi trên cái ghế đẩu thấp, cạnh chiếc lồng dế. Thong thả lấy từ túi áo ra bịch thuốc rê, ông tỉ mẩn vấn, tỉnh queo như thể “người nhà nước” vừa hỏi cái gốc cây. Anh nổi nóng quát khẽ: – Ông câm hay điếc vậy?
– Thuế gì? – Điềm tĩnh đốt thuốc nhả khói, ông dấm dẳng nói với cặp đầu gối – Xưa nay có ai bắt qua phải đóng thuế đâu? Dế bán cho sắp nhỏ học trò chơi cũng phải cúng ít nhiều cho cái bụng của các ông đã trương muốn nứt ra sao?
– Đừng có móc họng. Dế cũng là một mặt hàng, đã là mặt hàng mua bán thì phải có nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước, đó là nguyên tắc!
Chị bán nước sâm, anh sửa xe đạp gần đó, rồi những người đi đường hiếu kỳ tạt vào quây thành một vòng vây quanh, bàn tán xôn xao. Ai cũng tỏ vẻ bất bình, có kẻ bạo miệng dám bảo chưa bao giờ thấy ngành thuế bóp hầu nặn họng người ta, tác yêu tác quái, lộng hành như lúc bấy giờ. Và, mọi người vô cùng kinh ngạc khi thấy ông cụ bỗng lừng lững đứng lên, mở bung nắp lồng, co chân đá đánh bịch, lũ dế lửa dế than bất thần được giải phóng bò lổm ngổm, nhảy tứ tung, bay chấp chới. Sượng sùng vài giây, anh chụp lấy cái lồng vuông vức làm bằng khung cây thưng lưới kẽm, giận dữ dộng mạnh cho những con dế chưa kịp thoát tuôn xuống vỉa hè:
– Được thôi, mai đến nộp thuế rồi nhận lại.
Vừa nói anh vừa dợm buộc cái lồng rỗng vào yên sau xe Honda, một cánh tay nhỏ nhắn từ đám đông vụt dang ra ngăn lại:
– Vừa thôi ông anh, mỗi ngày ông cụ phải lao động cực khổ mới có được chừng ấy dế, tính cướp cơm chim của cả người già sao?
– Không việc gì đến cô!
– Cút xéo anh đi, đồ nhẫn tâm!
Câu nói đanh giọng kèm quả đấm cứng như thép bất thần quai vào hàm khiến anh bật ngửa. Đám đông cười rộ. Cô gái – vóc người mảnh mai gói trong bộ đồ có vẻ dài rộng quá cỡ – chỉnh ngay ngắn quai đeo túi xách, quay gót.
Tôi nhìn chăm cái nốt ruồi giữa đôi chân mày mỉm cười:
– Từ quả đấm ấy hai người quen nhau?
– Không! – Anh lắc đầu – Cái cô nhỏ nhắn nhưng hẳn là thuộc dòng dõi con nhà võ hào hiệp, giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha ấy tôi còn mặt mũi nào nữa để tìm gặp? Sau này lỡ gặp cũng chưa chắc đã nhận ra, có điều quả đấm của cô ta thì phải nói là rất khó quên. Hôm ấy về đến nhà hàm còn đau ê ẩm, chút đau chóng tan nhưng nó đã khiến tôi suy nghĩ rất lung. Ba hôm sau ông Chi cục trưởng hết sức ngạc nhiên khi nhận đơn tôi xin nghỉ việc. Ông ta an ủi, dù tôi đã xử sự thiếu tế nhị với ông già, tùy tiện bổ sung vào danh mục thuế một mặt hàng không đáng truy thu, nhưng chẳng qua do nhiệt tình công tác nên đã chứng tỏ sự mẫn cán quá mức cần thiết đó thôi. Vả lại, từ một huyện vùng sâu mới chuyển về thành phố, tôi chưa nắm rõ các thành phần kinh tế, lề lối sinh hoạt của thị dân nên... vân vân. Tôi lắc đầu nguầy nguậy, nói thác là đã tìm được việc làm khác thích hợp với mình hơn. Sau đó lắm lần ngang qua ngôi trường ấy, thực bụng tôi muốn gặp, xin lỗi ông cụ, mà không thấy nữa. Dẹp bỏ tự ái, tôi hỏi thăm anh sửa xe đạp chỗ ở của ông, anh ấy còn giận không thèm nói, tôi đành quay sang hỏi chị bán nước sâm, và vào tận huyện Châu Thành tìm kiếm. Ông vui vẻ thứ lỗi, còn mời uống cả rượu nhắm với món cá lóc nướng trui tuyệt ngon, do cô cháu gái duyên dáng tản thần dọn ra nữa.
– À ra thế, kể như anh đã gặp duyên may? Người dọn món cá lóc hôm đó hẳn là người vừa đẻ cho anh một cục vàng nặng tới ba kí tư lúc nãy?
– Nhà tôi vốn mồ côi, được ông nuôi nấng từ tấm bé, ông vẫn mong sớm có đứa cháu gọi bằng cố cho thêm vui cửa vui nhà, nhưng như cô thấy, tụi tôi đã phụ lòng ông, muộn mất rồi. Sau đám cưới chừng hơn một năm thì ông mất. Bây giờ tiếp tục vun bón hai công vườn trồng toàn quít ông để lại, tụi tôi luôn nhớ ơn ông, nhớ cả quả đấm đúng lúc ấy nữa, đôi khi lẩn thẩn nghĩ, nếu có phép lạ nào đó khiến người ơn của tôi, cô gái mảnh mai nhưng có cú đấm xoay chuyển cả hướng đi của một con người ấy thình lình xuất hiện thì... Có dịp rảnh rỗi xin mời cô vui lòng quá bước vào vườn sẽ thấy quít của tụi này ngọt, và món cá lóc nướng trui nhà tôi làm “bá cháy” ra sao!
– Cảm ơn anh, nếu có dịp tôi sẽ... Lần nữa xin chúc mừng anh!
Tôi đứng lên, nghe lòng thanh ngọt hệt vừa đón làn gió lành đôi khi vẫn thổi một cách thầm lặng và đến với ta khá tình cờ, giữa cơ man gió ẩm ương khác. Thân ái chìa bàn tay đã cầm dao mổ giúp đứa con chào đời cho người chồng người cha đang hạnh phúc bắt, đoạn tôi quay đi, và bất giác mỉm cười nhủ thầm:
– Nếu biết bàn tay anh vừa siết chặt chính là bàn tay ngày ấy đã tặng mình quả đấm Karaté khá chuẩn, anh ta sẽ ra sao nhỉ? Hẳn là rất... khó tả!
Cần Thơ / Sài Gòn
1987 – 2005
Hoa miên hương
Bóng luôn đến trước hình
Trong cuộc đua về huyệt mộ.
ĐƯA BA MẸ CON RA BẾN XE XONG QUAY VỀ, CĂN hộ trên tầng hai chung cư thường ngày vốn hẹp cơ hồ rộng hẳn ra, chàng có cảm tưởng mọi thứ đồ đạc thu nhỏ lại và, sự trống vắng ngự khắp mọi xó xỉnh. Má sắp nhỏ nói: “Bốn ngày, thời gian vừa đủ để anh thấy sự cần thiết của mấy mẹ con em ra sao!” Và không quên dỗ dành: “Ráng chịu khó làm bếp, ăn ngoài tiệm không vệ sinh bằng ở nhà đâu. Ông cụ đang ốm, em phải về mới được, vả lại thỉnh thoảng cũng nên cho sắp nhỏ tắm sông, hít thở không khí trong lành ở miền quê.” Việc chàng được “phân công” trông nhà cũng chính đáng thôi, chẳng phải có của nả gì đáng giá cần canh giữ, mà một kịch bản phim truyện truyền hình còn rất ít thời gian để hoàn tất không cho phép bỏ dở.
Đêm buông. Ánh sáng tỏa từ ngọn đèn ống hình như bỗng lạnh lẽo hơn thường ngày. Một mình. Chẳng còn ánh mắt dịu dàng của nàng luôn dõi theo nhắc nhở chuyện tắm táp, cơm nước, và cả tỉ chuyện vặt vãnh linh tinh khác, chàng thú vị thưởng thức sự cô đơn chẳng rõ đang du mình vào cõi êm ái nào. Một cốc rượu vang đỏ nhiều hơn mức thường ngày “em yêu” rót? Hay sang rủ giáo Tỉ xuống đường làm vài ly bia ở quán Ngõ Hoa Xanh? Chưa thấy hứng lắm để ngồi vào bàn viết tiếp tục “đánh đu, làm xiếc” với số phận các nhân vật trong cái kịch bản phim còn dở dang kia, nhưng những dự định cũng trôi tuột đi. Ngồi thơ thẩn một lát, đoạn chàng đứng lên lấp đầy sự trống vắng bằng cách lấy nước tưới đám cây kiểng ít oi trước khoảng hành lang hẹp bên hông nhà, trông xuống mảnh sân chung lác đác những vệt, đốm trăng nhạt xuyên qua cành lá nguyệt quế quanh năm xanh tốt, quanh năm đội “mâm” hoa trắng tỏa mùi hương dìu dịu vào giấc ngủ đêm đêm, len lỏi vào nỗi nhớ mỗi lúc đi xa. Đôi giò lan thiết hài nở vài bông, chậu cúc gầy còm, chậu quỳnh lưu niên trổ mươi búp non. Loại quỳnh không quí, hễ có mưa sa là trổ bông khiến một ông bạn già bực mình bảo quẳng đi nhưng chàng vẫn giữ. Cần gì loại cả mươi năm mới đúc kết tinh hoa trời đất e ấp, điệu đàng nở một lần, để người thưởng hoa phải nhọc công chờ – dẫu chờ, đôi khi cũng là một cái thú! – châm trà đốt trầm ngắm vào lúc nửa đêm? Quỳnh nào cũng là quỳnh, miễn không là thứ hoa làm bằng nhựa công nghiệp. Chỉ có lũ xương rồng hiếm muộn, lâu lắm rồi chẳng thấy “sinh hạ” mụn hoa nào. Tiếng chuông gọi cửa bỗng vang lên. Chàng quay ra mở, xoe tròn mắt ngắm cô khách thoạt trông hơi xa lạ, rồi chợt thấy quen, rất quen. Khoảnh khắc ngỡ ngàng vừa đủ để hồi niệm giũ bỏ lớp bụi lãng quên trong kí ức, và một cái tên quen thuộc buột thốt ra miệng:
– Ủa, Nguyệt Chiêu, cô ở đâu ra mà như trên trời rớt xuống thế này?
– Đến làm khách của anh, có phải anh đang cô đơn không nào?
Đôi môi bóng son mủm mỉm cười, đôi mắt viền chì xanh lơ khẽ chớp. Nhan sắc thiếu nữ hàm tiếu thuở nào giờ bùng nở, mãn khai không chỉ ở dáng dấp mà cả ở ngữ điệu mềm mượt, đong đưa rất... đàn bà, rất mệnh phụ. Và, chiếc túi xách chuyển từ tay nàng sang tay chàng tự nhiên như thể lâu nay họ từng làm thế sau một chuyến đi xa về. Thoáng chốc, vẫn với vẻ tự nhiên ấy, cô khách đã tắm xong, thay bộ đồ lụa ngà nom trẻ ra cả vài tuổi khi chẳng còn bụi đường ám trên tóc tai xống áo. Thoáng chốc, cơm canh nóng sốt được nàng mang từ bếp ra bày lên bàn ngồi đối diện chàng, ân cần chăm chút không khác “em yêu” mấy tí. Lảng tránh cái nhìn soi mói của bạn, nàng nói:
– Này, bỏ cái kiểu nhìn như săm soi đồ cổ ấy đi, tới lúc này anh vẫn chưa quen sự xuất hiện đột ngột của em sao? Úi dà, chị ấy chu đáo dữ, tủ lạnh trữ đầy ắp, còn cẩn thận kèm thêm bảng kê chi tiết ngày nào sử dụng món gì. Kiếp trước chắc anh khéo tu nên kiếp này...
– Nói đi, đi làm ăn hay du lịch mà phượng hoàng bỗng xuất hiện ở tổ cú thế này?
– Đơn giản, vì chán chồng con, vì chợt nhớ quay quắt mối tình đầu thơ dại ngày xửa ngày xưa!
Nàng khúc khích cười làm rung bộ ngực còn khá đẹp không nịt dưới ngấn cổ trắng màu sữa đọng. Chàng lắc đầu ngụ ý có ngốc mới tin. Những ly rượu vang họ vui vẻ cưa đôi dần hâm nóng không khí, và mùi hoa nguyệt quế từ dưới sân đưa lên dìu dịu tán lạc vào thêm chút hương hư ảo. Nàng huyên thuyên, dông dài nhắc kể từng đứa bạn trai gái của hai người thời học trò hoang dại, thơ mộng bên dòng Hương giang xưa. Ngồi nghe, tâm trí chàng chốc chốc lại rơi hẫng vào khoảng trống hoài niệm không thể lấp đầy, bởi giọng kể lể, các nhân vật, sự kiện thiếu hấp dẫn hay không mấy vang bóng đối với người nghe? Chẳng rõ. Cái rõ hơn cả là, từng phút từng phút một, chàng cảm thấy cả hồn lẫn xác mình dần bị chiếm ngự bởi cái mùi hương xa lạ vô cùng quyến rũ kín đáo lan tỏa từ người đàn bà hôm qua còn xa rời tận thế giới nào khác, giờ bỗng quá đỗi gần kề. Cái mùi hương không thanh khiết bằng, nhưng lại nồng nàn hơn mùi hoa nguyệt quế, cái mùi hương tưởng chừng có thể sờ thấy và nhấm nháp được như là rượu, làm tất thảy mọi giác quan nhất tề mở ra chực chờ, đón đợi. Một lúc nào đó giữa dòng hoài niệm, chàng níu nàng rời khỏi cánh diều của hôm–qua–bay–bổng trở lại với thực tại đang đẫm mùi tục lụy quanh chỗ họ ngồi.
– Nghe đâu bây giờ em khá nhất trong đám bạn cũ, nghề nghiệp vững vàng, cơ ngơi hoành tráng...
– Chừng ấy – Nàng chớp mắt liền dăm cái, cướp lời chàng: – sẽ rất thỏa mãn với một người bình thường, nhưng riêng em thì không hoặc chưa. Bởi vì, thưa nhà biên kịch điện ảnh đãng trí, anh quên có lần từng “phê” em thuộc típ lãng mạn sao?
– Loại tâm thức ấy xưa rích rồi cô ạ, khó tồn tại giữa thời buổi này.
– Nhưng em vẫn ngoan cố nuôi giữ nó để không đến nỗi đánh mất mình giữa cơ man nào là trò đỏ đen bát nháo – Gửi cái nhìn xa vắng ra khoảng đêm mênh mông ngoài cửa sổ, nàng khẽ so vai đổi giọng buồn rượi: – Anh khác xa trong mường tượng em, không ngờ anh lại thay đổi, khắc khổ đến thế. Đâu rồi anh chàng vui tính, hồn nhiên và uyên bác của em ngày xưa? Nhớ xem nào, chúng ta chỉ mới xa nhau chừng chín, mười năm chứ mấy.
– Chừng ấy bằng hai phần ba khúc đoạn trường của nàng Kiều, em cho còn ít sao?
– Em luôn khao khát tìm lại thời gian đã mất. Đừng buộc em phải nói lý do tại sao lại làm khách không mời của anh đêm nay. – Rời chỗ ngồi, nàng vòng ra phía sau lưng chàng, ôm lấy vai chàng, kề sát tai chàng, và gần như thì thầm: – Chị ấy vắng nhà kể như anh cô đơn ngắn hạn. Nào, thử cộng cái ngắn của anh và cái cô đơn dài dằng dặc của em xem nó ra làm sao!
Câu nói mơn man, hơi thở thơm tho ấm sực phả vào tai khiến chàng bứng rứng. Mười năm, kẻ ở Sài Gòn, người ở Đà Nẵng, không chỉ riêng sinh hoạt thường ngày mà cả khí hậu lẫn tiết mùa tình cảm cũng khác nhau, bây giờ thốt nhiên gặp tình cờ mà cứ như có hẹn đâu từ trước. Ờ thì, cứ kể như mình bị lây nhiễm một ít virus lãng mạn của cô ấy thì cũng đâu có sao! Tự nhủ thế, nhưng rồi người đàn ông không quen “ăn vụng”, nhất là “ăn vụng” ngay dưới mái nhà của chính mình cảm thấy chột dạ, kín đáo rảo mắt khắp bốn phía, tưởng chừng “em yêu” và hai “núm ruột” có thể xuất hiện bất ngờ, từ một xó xỉnh nào đó bước ra bắt quả tang một con người khác, một “bản lai diện mục” thứ hai ở người chồng người cha lâu nay khá mẫu mực trong mắt họ, và cả trong tâm cảm họ.
– Nè, nói cái gì đi chứ, anh lỡ nuốt mất lưỡi hay sao vậy cưng? – Nàng vờ dỗi, khẽ dướn người thu hẹp vòng tay cho người đàn ông cảm nhận được ma lực quyến rũ của mình truyền qua sự ấm nóng của đôi bầu vú đang “ngoạm” chặt trũng vai anh ta. Chàng nói tưng tửng:
– Hai cái cô đơn dài ngắn cộng lại sẽ thành bão dữ, em không sợ sao?
– Em đang thèm... bị cuốn đi! Em đang đi tìm và tin rằng đêm nay sẽ gặp Hoa Miên Hương, loại hoa người ta nói chỉ có trong những giấc mơ!
Họ cùng cười. Chàng dốc ngược chai vang ực một hơi, nghe giọng mình vang lên một cách văn hoa, điệu đàng y hệt giọng của thằng giang hồ tứ chiếng nào khác. Đúng hơn, giọng chào thua của một chàng mèo đực khó bề cưỡng lại sự cám dỗ của nàng mèo cái:
– Nếu là trong phim thì ở vào tình huống như thế này, nhân vật nam sẽ đặt chân lên nấc thang đầu tiên của trò chơi ngoại tình như thế nào nhỉ?
– Méo mó nghề nghiệp rồi, hở tí là phim với phiếc – Nàng khúc khích cười: – Quên béng phim hiện đại đi ông biên kịch ạ, nên nhớ chuyện cổ tích thôi. Chẳng phải nấc thang đầu tiên mà là ngày đầu tiên trong vườn địa đàng, chàng Adam đã làm gì với cái xương sườn cụt của mình, sau khi lỡ nuốt trọng trái cấm!
Ngôn ngữ trần trụi nhả từ đôi môi xinh đẹp bay liệng dưới ánh đèn không chút ngượng ngùng. Câu nói lẳng lơ một, khóe nhìn và bàn tay khẽ luồn vào ngực áo chàng lẳng lơ, đĩ thỏa tới mười. Đèn vẫn sáng, nhưng đêm dần xóa nhòa họ trong những móng vuốt bọc nhung của nó.
NẾU ĐÊM QUA MẢI LÂU MỚI QUEN ĐƯỢC VỚI SỰ xuất hiện đột ngột, thì bây giờ vắng nàng, chàng lại cảm thấy mình bị chiếm lĩnh bởi sự trống trải nàng để lại một cách chóng vánh. Ấn tượng, dư âm còn nóng hổi, chưa lịm đầu mỗi ngón tay, chân tóc, cọng râu, chưa nhạt trên thịt da hay chăn chiếu. Ngồi vào bàn làm việc, trí tưởng chàng cứ chực trôi tuột đi đằng nào. Cô em gái bỗng đến chơi, xách theo cả một giỏ đầy những thức ngon “tiếp tế” cho ông anh. Chàng vui vẻ tiếp khách. Họ uống trà với vài thứ bánh ngọt.
Ngắm vẻ người phờ phạc, vẻ băn khoăn cố giấu của ông anh, cô em cả cười, bắt nọn:
– Sao? Bộ có gì bí mật mà trông anh...
Chàng cố giữ giọng điềm tĩnh:
– Không quen với sự vắng mặt của bà ấy và lũ nhóc nên anh đâm ra khó ngủ.
– Thế mà em cứ ngỡ xót thương gã đàn ông vắng vợ, đêm qua Bụt đã phái một nàng tiên đến với anh chứ!
– À ra thế... – Cả tỉ hồng huyết cầu hình như nhất loạt dồn lên khiến chàng đỏ mặt tía tai: – Có phải em là ma đưa lối...
– Nguyệt Chiêu bây giờ có tuyệt cú mèo hơn cô hoa khôi trường Jeanne D’Arc ngày xưa không nào?
Uống cạn tách trà, chàng trầm ngâm giây lát mới thấp giọng, chậm rãi nhả rời từng tiếng như thể vừa nói vừa “thưởng thức” từng âm tiết trầm bổng của chính mình:
– Điều đáng kể là đêm qua tình cờ gặp lại Nguyệt Chiêu, anh có dịp tìm và đã gặp lại cái–thằng–tôi–từng–là của anh trước đây, lâu nay do cơm áo, do biết bao công việc nghiêm túc có, hầm bà lằng chết tiệt có cuốn hút nên...
Có đúng vậy không? Hay chỉ là ảo tưởng? Chỉ do chàng tự huyễn hoặc với mình rằng thì là, đêm qua cái–thằng–tôi–từng–là đã quay trở lại sau bao năm bị vùi lấp dưới tầng tầng lớp lớp bụi thời gian! Cái thằng trẻ trai từng là vận động viên điền kinh và bóng chuyền thuộc đẳng cấp hơi siêu, đẹp trai không vào hạng nhất trường đại học Văn khoa nhưng chí ít cũng được xếp vào Top 10. Học hành khỏi chê, thi đâu đỗ đấy. Riêng mục yêu đương thì, đặc biệt... nhát như cáy, yêu khá nhiều nhưng được chẳng mấy tí, lấy vợ sau lần thất tình thứ chín hay mười gì đó. Cái thằng nhát đồng hạng với cáy ấy đêm qua do nàng, bởi nàng, và vì nàng đã trở nên đáng yêu một cách đáng kinh ngạc, khiến nàng đã phải hào hứng – tuyệt đối không phải ngẫu hứng – kêu lên: “Phải chi thời ấy anh cũng đáng mặt đàn ông như lúc này thì em đâu có bỏ rơi anh chạy theo chàng Charles Bronson* Quang–mặt–mụn!” Chưa hết, sau cơn yêu tuyệt cùng lửa tuôn mưa xối, nàng đã bật khóc ngon lành, bảo là do quá hạnh phúc nên không thể dằn nén cảm xúc!
– Anh biết tại sao có cuộc “tha hương ngộ cố tri” tình cờ đêm qua không? Anh nên biết thêm về hiện tại của Nguyệt Chiêu chút đỉnh sẽ thấy...
– Cóc cần, cất kỹ cái biết của cô đi. Cô ấy là bạn học cũ của em, nhưng với anh thì không hề là tình cũ mà... hơn cả thế.
Trúng gió gì mà anh chàng nói năng nghe văng mạng thế nhỉ? Cô em đứng lên bước lui tới, thoáng ân hận đã làm ma đưa lối bày ra cuộc “kỳ ngộ” tối qua. Đoạn cô đột ngột dừng lại nhìn xoáy vào tinh mũi ông anh như thể trên ấy vừa mọc ra một cái sừng tê giác, cứng giọng nói:
– Nè, anh không định khoe với em rằng thì là, hai người đã qua đêm với nhau chứ?
Qua đêm với nhau! Ừ, nếu thế thì đã sao nào? Nghĩ thế, nhưng rồi chàng nghe mình nói dối một cách... chân thật:
– Bậy, chỉ ở chơi một lát rồi...
– Rồi Nguyệt Chiêu phải vào bệnh viện Chợ Rẫy thăm nuôi bà chị đang chữa trị ung thư trong đó. Nó bảo với em vậy, đúng không? Chẳng rõ đêm qua hai người đã hâm nóng lại tình cảm như thế nào, giờ trông anh y hệt thằng bé mười bảy bị mũi tên ái tình xẹt qua tim lần đầu, em biết tỏng anh đang mơ mộng chuyện gì.
– Tưởng đi guốc trong bụng người ta dễ lắm hay sao cô nhà báo? – Chàng khẽ nhún vai cười khẩy.
– Nào, thành thật khai báo đi, anh không tính cắm sừng bà chị dâu đáng kính của em ấy chứ?
– Bộ em tưởng mình đang ở thời mới khai thiên lập địa, và anh chỉ là cục đất sét nguyên sơ trong... Thánh kinh, chứ chưa phải là đàn ông sao?
– Không dám, nhưng anh nên coi cuộc gặp tình cờ đêm qua như một thoáng lửa rơm, hãy để nó lụi tàn đi, đừng toan tính thổi bùng nó lên lần nữa. Vả lại, suy cho cùng, anh không đủ sức gỡ bí cho Nguyệt Chiêu đâu. Thật ra nó đang gần như rơi vào tuyệt lộ. Bà chủ của cả một chuỗi nhà hàng Karaoke sang trọng thuộc loại nhất nhì Đà Nẵng đã là chuyện quá vãng. Bị chồng ruồng bỏ theo vợ bé, cậu quí tử duy nhất vướng vào ma trận ma túy phải đưa vào trại cai nghiện, vỡ nợ vì hùn hạp mở công ty dịch vụ kinh doanh địa ốc, các trò đỏ đen hụi hè, mua bán lòng vòng sao đó, giờ đang trốn nợ là hiện tại bẽ bàng. Hôm qua em bảo nó ghé thăm anh để khuây khỏa phần nào...
– Hiện tại bẽ bàng à? Cầm nhầm rồi nhỏ, bịa chuyện, hư cấu là sở trường của anh chứ chẳng phải của em đâu! – Chàng nói giọng cà rỡn. Cô em lắc đầu:
– Tin hay không cũng mặc xác anh, em biến đây! – Trước khi quay ra cửa, thoáng ngập ngừng rồi cô lấy tờ báo gấp tư từ túi xách ra đưa chàng: – Đọc đi, anh sẽ... vỡ mộng.
Chàng tò mò, nóng nảy lật dở các trang báo và, vụt ngẩn người, tưởng chừng cả hàng sư đoàn kiến vô hình đang di hành qua lục phủ ngũ tạng khi bắt gặp ở cuối trang 12 một mẩu tin ngắn. Đúng hơn, đó là lệnh truy nã in kèm ảnh chân dung nàng.
BAR CRESCENT MOON CÓ CHÂN MÓNG VỮNG chắc mà cơ hồ lơ lửng giữa trời. Đêm, đứng ở đó nhìn qua tường kính trong suốt sẽ thấy mây bay biến ảo, nửa hư nửa thực không chỉ bảy sắc cầu vồng mà cả ức triệu sắc màu khác. Ánh đèn từ điệp trùng bảng hiệu và xe cộ dưới phố hắt lên nhuộm mây trời đã đành, nhuộm luôn cả những ý nghĩ kín thầm, những nỗi buồn niềm vui trong mỗi con người đang yêu hoặc đang ghét bỏ nhau. Nhuộm? Đó là ý tưởng lãng mạn của riêng Nguyệt Chiêu, còn với chàng, mây chẳng là cái “đinh” gì, nó có nhuộm cả tỉ màu khác nhau cũng thây kệ nó, bởi chàng thuộc típ người thích ổn định, chẳng thích lênh đênh hay bềnh bồng. Chàng thích ngắm nhìn qua làn kính trong suốt ấy cảnh quan dọc phố xá, dòng sông, bến cảng Sài Gòn bên dưới thầm lặng chuyển động y hệt các hoạt tiết trong một trường đoạn phim câm cứ mải miết chảy, không ngơi nghỉ.
Nửa đêm về sáng. Ánh sáng dịu vừa đủ nhìn rõ mặt nhau. Nhạc hòa tấu âm lượng vừa nghe, dìu dặt, sang trọng. Hàng tỉ ngón tay thon nuột, mát lạnh tỏa từ máy điều hòa ve vuốt đám khách lác đác dăm đôi Tây lẫn ta ngồi muộn. Người đàn bà tự nhuộm tím lắm sắc độ từ đậm đến nhạt, từ đầu đến chân, từ tóc tai, khăn quàng đến váy áo tha thướt, lượt là. Những móng tay tím ôm vòng ly vang đỏ, quả ô liu xanh lục ánh ướt cắn giữa đôi môi tím bóng mượt... khá ấn tượng.
– Tối nay trông em cứ như mây ngoài kia, em nhuộm mình bằng cái màu rất quen mà vẫn lạ, lãng mạn thì ít mà đỏm dáng thì nhiều. Không giống chút nào với em đêm hôm qua. – Chàng nói vui.
– Đố anh biết em đang màu gì? – Nàng khẽ so vai.
– Thì... tím!
– Trật lất. Tím chỉ là một khái niệm về màu sắc rất tương đối, thậm chí hời hợt của dân gian thường tình, còn trong những giấc mơ nó là màu của... Hoa Miên Hương.
– Hoa là hoa, mơ là mơ, làm gì có hoa trong mơ và mơ trong hoa. Rượu vang hay em nói thế?
– Hoa Miên Hương chỉ có trong giấc mơ của những người đàn bà ngoại tình.
– Còn trong mơ những gã đàn ông...
– Đàn ông ngoại tình thì những giấc mơ của họ chỉ nở toàn Hoa... Cứt Lợn!
Cả hai cùng cười. Đêm qua cái–thằng–tôi–từng–là của quá khứ cường tráng đã “đánh đu, làm xiếc” với nàng cựu hoa khôi trường Jeanne D’Arc thơ dại mối tình đầu, hay đơn giản chỉ là gã chồng hư phô diễn “bản lĩnh” đàn ông, chơi trò ăn vụng? Trưa nay, sau cú điện thoại của nàng hẹn gặp vào lúc nửa đêm ở bar Crescent Moon thoáng băn khoăn dù đã nhận lời không chút do dự, đoạn chàng quyết định sẽ gặp lại nàng, cùng thái độ “đúng đắn” nhất được chọn: cứ vờ như không hề biết cái mẩu lệnh truy nã phải gió kia đăng trên tờ báo nọ. Nếu chàng vờ như một thì nàng tỉnh tuồng tới mười. Dù có soi mói cách chi cũng khó thể bắt gặp thoáng lo âu nào thoảng qua gương mặt đẹp ấy.
– Sao? “Em yêu” của anh lúc nào về vậy?
– Theo giao kèo miệng, ngày mốt mấy mẹ con sẽ về.
– Và anh chồng ngoan còn được vài chục tiếng đồng hồ để...
– Để tiếp tục bồng bế em lên tiếp những nấc thang ngoại tình à?
– Chứ còn gì nữa! Tới lúc này ông biên kịch tính ngoặt cái đoạn kết có hậu của cái kịch bản phim cực ngắn này qua ngả nào nữa?
– Ờ thì, kể như mình đang...
– Rõ mười mươi rồi, kể như gì nữa? Các ông nhà văn là chúa mơ hồ, lại nghèo mơ mộng.
– Nói thật đi Nguyệt Chiêu, em ngoại tình mấy lần rồi?
– Một lần duy nhất.
– Bao giờ?
– Từ lúc gặp lại anh tới giờ chứ bao giờ. Ngớ ngẩn!
– Thật chứ?
– Thật. Có thần thiện, thần ác trên hai vai em làm chứng.
– Cảm tưởng thế nào?
– Anh ngốc hơn hồi xưa nhiều, đàn ông nào mà chả thế, bị vợ con, cơm áo gạo tiền mè nheo suốt làm sao còn thông minh, tĩnh tại y hồi còn trai tơ được. Có điều phải nói anh thuộc loại càng già càng dẻo càng ngọt y kẹo mạch nha, y kẹo mè xửng. Chỉ tiếc em không mấy hảo ngọt!
– Xạo!
– À này, thần kinh anh thế nào?
– Khi không sao hỏi tréo ngoe vậy?
– Ví dụ lúc này có một tay nào đó mặc cảnh phục, trang bị vũ khí đến tận răng thình lình xuất hiện, đọc lệnh bắt rồi tra còng vào tay em, anh phản ứng thế nào?
– Chậc! – chàng bối rối đưa mắt nhìn quanh, giả lảng: – Ngoài lãng mạn em còn có trí tưởng tượng kinh người, có tính viết truyện vụ án ba xu không vậy?
– Thôi đừng đánh trống lảng nữa, ném dùi đi là vừa. Em biết tỏng thần kinh anh thuộc loại nào rồi. Giờ đến phiên anh, khai thật đi, anh thích và chơi trò cắm sừng vợ lắm lần rồi phải không?
– Đừng có ác khẩu, anh xin thề trên linh hồn những mối tình đã chết và sắp chết, đây là lần đầu tiên.
– Có chim trời cá nước chúng tin anh.
– Em tin hay không cũng mặc, nhưng anh, anh, anh... – Chàng bỗng rơi vào tình huống trái khoáy cạn kiệt ngôn từ, đành bỏ lửng. Nàng nhanh nhẩu buột miệng:
– Anh đang bứt rứt không yên, tính hôm nào “em yêu” về sẽ đọc một bài kinh sám hối chứ gì?
– Ờ, gần như thế! – Chàng cố pha chút hài hước cho đỡ sượng: – Quả là, sinh ra anh là cha mẹ, hiểu anh chỉ có mình em trên thế gian này.
Nàng bĩu môi, cười khẩy:
– Thế thì rõ rồi, đêm nay em đừng hòng chiếm nửa mặt giường như tối hôm qua, phải không nào?
– Rất đúng! Một nửa sẽ bỏ trống, nửa còn lại mình chồng hai cái cô đơn lên nhau!
Nàng thả cái lườm mượt mà vào khóe mắt chàng, rồi nhận lại đuôi mắt lẳng lơ tương tự từ chàng. Cứ thế, câu chuyện lan man đến gần cạn đêm. Họ chia tay lúc đồng hồ chỉ bốn giờ kém năm. Dù chàng năn nỉ muốn gãy cả lưỡi, nàng một mực khước từ, chẳng theo chàng về nhà. Sau chiếc hôn đắm đuối đẫm hương khuya và vị chát ngọt rượu vang, nàng khẽ gỡ vòng tay chàng ra, thả người xuống ghế, âu yếm nói:
– Về trước đi, đêm mai anh nhé!
CÁI HẸN VÀO ĐÊM MAI ẤY KHÔNG BAO GIỜ ĐẾN, hay không bao giờ có. Đêm hôm ấy khi chàng về đến nhà tra chìa khóa vào ổ mở cửa, ngán ngẩm nghĩ đến mặt giường trống trải đang chờ thì nàng uống cạn giọt rượu vang cuối cùng, nhẹ nhàng đi như trôi về phía khung cửa hẹp khép hờ, chỗ tranh sáng tranh tối ở cuối bar, lách mình ra lối cầu thang lộ thiên – dùng để thoát hiểm những lúc hỏa hoạn hoặc có sự cố bất thường – Ngọn gió khuya muộn lập tức cuống quít đón lấy nàng vuốt ve, nựng nịu, đặt những chiếc hôn dịu dàng mơn trớn từ môi đến tận gót chân, hát khẽ vào tai nàng những lời ru ma mị chỉ riêng nàng hiểu. Người đàn bà tuyệt vọng ngẩng mặt nhìn nửa vầng trăng non yểu sắp chìm xuống phía cuối trời, và những luống sao tựa muôn ngàn hạt lệ long lanh rơi hoài chưa bao giờ tới đất, chưa bao giờ được vòm trời đen hun hút kia buông tha. Hít no căng lồng ngực làn khí vừa thanh khiết vừa vẩn đục bao thứ mùi và sắc tục lụy trần gian lần cuối cùng, đoạn nàng dang rộng tay như thể đôi cánh Hoa Miên Hương – loài hoa, theo nàng, chỉ nở trong giấc mơ những người đàn bà ngoại tình – khẽ nhắm mắt lại và, buông mình xuống điệp trùng những ngọn đèn lạnh lùng vẫy gọi dưới phố và sông xa kia. Xa! Vâng, khá xa, vì bar Crestcent Moon – Trăng Khuyết, ở mãi tầng thứ ba mươi của một cao ốc thương mại cao đến ba mươi lăm tầng.
SAU CÁI CHẾT NGẬM NGÙI CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ tuyệt vọng gây xôn xao dư luận ít lâu, cái tin ông nhà văn kiêm biên kịch điện ảnh nổi tiếng mắc chứng mộng du được lắm người thích nhiễu sự trong và ngoài làng văn râm ran bàn ra tán vào. Rằng vào những tuần trăng khuyết, ông thường thức dậy lúc nửa đêm, mở cửa lên sân thượng, đi trong mộng mà chẳng hề nhắm mắt như tuyệt đại đa số người đồng bệnh, hết ngước ngắm trăng lại đau đáu cúi tìm chiếc bóng của mình bị rơi lạc đâu đó, thoắt ẩn thoắt hiện giữa cõi nhân gian nhập nhằng sáng tối dưới kia. Vừa thẫn thờ bước đi ông vừa lẩm bẩm: Miên Hương, mày giấu nàng ở đâu? Miên Hương, mày giấu nàng ở đâu? Miên Hương...