Sét Hòn - Tử Thần Trên Sa Mạc Gobi - Chương 01

Phần 1

1

ĐẠI HỌC

Các môn học chính: Toán cao cấp, Cơ học lý thuyết, Cơ học và chất lỏng, Nguyên lý và ứng dụng máy tính, Ngôn ngữ và lập trình máy tính, Khí tượng động lực, Nguyên lý khí tượng học, Khí tượng học Trung Quốc, Dự báo thống kê, Dự báo thời tiết gần và dài hạn, Dự báo trị số,…

Các môn học tự chọn: Hoàn lưu khí quyển, Phân tích dự đoán khí tượng, Bão và khí tượng mức độ trung bình, Dự báo và phòng tránh bão, Khí tượng nhiệt đới, Thay đổi khí hậu và dự đoán khí hậu ngắn hạn, Ra-đa khí tượng và vệ tinh khí tượng, Ô nhiễm không khí và khí hậu thành phố, Thời tiết cao nguyên, Tương tác giữa khí quyển và đại dương,…

Năm ngày trước, tôi đã dọn dẹp hết tất cả đồ đạc trong nhà, chuyển tới một thành phố phía Nam cách xa cả nghìn dặm. Thời khắc cuối cùng khi khép lại cánh cửa của căn phòng trống huếch trống hoác, tôi biết mình đã bỏ lại tuổi thơ và thanh xuân ở đó, tôi của sau này sẽ chỉ là một cỗ máy theo đuổi một mục tiêu duy nhất, không hơn không kém.

Nhìn vào danh sách những môn học sẽ chiếm trọn cuộc sống bốn năm đại học, tôi cảm thấy hơi thất vọng. Phần lớn đều là những môn học tôi không cần tới, các môn tôi cần kiểu như Điện từ học và Vật lý plasma thì lại không có. Có khi tôi đã thi nhầm chuyên ngành cũng nên, lẽ ra tôi phải thi ngành Vật lý mới phải, chứ không phải Khoa học khí quyển như thế này.

Khoảng thời gian sau đó, tôi cắm đầu vào thư viện, dành gần như toàn bộ thời gian để học Toán, Điện từ học, Cơ học chất lỏng và Vật lý plasma. Tôi chỉ đến lớp khi có tiết của những môn này, còn những môn khác coi như bỏ qua. Cuộc sống đại học rực rỡ sắc màu mà mọi người hay nhắc đến không liên can gì tới tôi, và tôi cũng không hứng thú chút nào với nó. Tôi luôn trở về ký túc xá lúc một hoặc hai giờ đêm, nghe bạn cùng phòng ú ớ trong mơ gọi tên bạn gái, và đó là lúc tôi nhận ra hóa ra còn có một cuộc sống khác.

Một đêm nọ, khi đã quá nửa đêm, ngước lên từ cuốn Phương trình vi phân riêng phần dày cộp, tôi cứ ngỡ chỉ còn một mình trong phòng đọc sách, nhưng rồi tôi nhìn thấy Đới Lâm, cô bạn cùng lớp xinh đẹp, ngồi ngay chiếc bàn đối diện. Trên mặt bàn không có sách, cô chỉ hai tay chống cằm nhìn tôi. Đối với đám người say mê theo đuổi cô ấy, ánh mắt đó sẽ không làm họ ngây ngất, đó là ánh mắt phát hiện gián điệp trong doanh trại, kiểu ánh mắt nhìn kẻ khác loài. Tôi không biết cô ấy đã nhìn tôi bao lâu.

“Cậu đặc biệt thật đấy, nhìn cái là biết. Không giống như đám mọt sách, cậu có mục tiêu của mình,” Đới Lâm mở lời.

“Thật sao? Các cậu không có mục tiêu gì à?” Tôi thản nhiên hỏi, có lẽ tôi là nam sinh duy nhất trong lớp chưa từng bắt chuyện với cô ấy.

“Mục tiêu của chúng tớ đều rất chung chung, còn cậu, cậu đang tìm kiếm thứ gì đó rất cụ thể!”

“Cậu nói đúng đấy,” tôi lạnh nhạt đáp lại, đưa tay cầm cặp sách rồi đứng dậy. Tôi là người duy nhất không cần phải thể hiện gì với bọn họ, điều đó tạo cho tôi một cảm giác ưu việt.

“Cậu đang tìm kiếm gì thế?” Khi tôi ra tới cửa, cô ấy la lên từ phía sau.

“Cậu sẽ không thích thú đâu.” Tôi rời đi mà chẳng buồn ngoảnh đầu lại.

Đêm thu bên ngoài tĩnh mịch, tôi ngửa đầu ngắm bầu trời đầy sao, không trung vang vọng thanh âm của bố: “Điều cốt yếu của một cuộc đời tươi đẹp chính là thứ mà con mê đắm.” Giờ đây, tôi đã thực sự trải nghiệm lời nói đó, cuộc sống hiện tại của tôi chẳng khác nào một viên đạn pháo bay nhanh, ngoài khát vọng bùng nổ chạm tới mục tiêu ra thì không còn gì khác.

Mục tiêu này không vị lợi, đạt được mục tiêu đồng nghĩa với việc kết thúc cuộc đời. Tôi không biết tại sao mình phải đi tới đó, chỉ là tôi muốn đi thôi, như vậy là đủ. Đó là bản năng thôi thúc nhất của loài người. Nhưng có một điều kỳ cục rằng, cho tới nay, tôi chưa từng tra xét tư liệu về nó. Tôi và nó, giống như hai kỵ sĩ phải dùng đến cả đời để chuẩn bị cho một trận quyết đấu. Nếu chưa chuẩn bị xong thì chắc chắn tôi sẽ không tới gặp và cũng không nghĩ về nó.

Ba học kỳ trôi qua trong nháy mắt, nó cứ thế trôi đi, không hề bị gián đoạn bởi những kỳ nghỉ, tôi không về nhà vào những dịp lễ mà ở lại trường. Một thân một mình trong tòa ký túc vắng tanh, tôi không hề cảm thấy cô độc, chỉ có đêm giao thừa, khi nghe thấy âm thanh của pháo hoa vang lên bên ngoài ô cửa sổ, tôi mới nhớ tới phần nào cuộc sống trước khi nó xuất hiện, cuộc sống đã trượt xuống vực thẳm bên kia kiếp người. Mấy đêm nay, ký túc xá đã tắt máy sưởi, cái lạnh làm giấc mơ của tôi càng thêm sống động, tôi vốn cho rằng bố mẹ sẽ xuất hiện trong giấc mơ đêm nay nhưng họ lại không tới. Tôi nhớ tới một truyền thuyết của Ấn Độ, kể về một vị Vương phi được Quốc vương sủng ái bất hạnh qua đời, sau đó Quốc vương quyết định xây một tòa lăng mộ xa hoa chưa từng có và dành tâm huyết hơn nửa đời người để xây lăng. Ngày lăng mộ hoàn công, khi nhìn thấy quan tài của Vương phi được đặt ở chính giữa, ông ra lệnh: Thứ này để đây không hợp, chuyển đi chỗ khác.

Trong lòng tôi, bố mẹ đã đi xa rồi, giờ chỉ còn nó nghênh ngang chiếm chỗ.

Nhưng câu chuyện xảy ra sau này lại khiến cuộc sống vốn đơn giản của tôi trở nên thật phức tạp.

2

MỘT HIỆN TƯỢNG DỊ THƯỜNG (1)

Kỳ nghỉ hè năm hai đại học, tôi trở về nhà, mục đích là để cho thuê căn nhà, lấy tiền trang trải học phí và sinh hoạt phí sau này.

Lúc về tới nhà, trời đã tối om, tôi mò mẫm mở khóa cửa bước vào, sau khi bật đèn, tôi trông thấy cảnh tượng thật quen thuộc. Chiếc bàn đặt bánh sinh nhật trong đêm mưa bão đó vẫn ở giữa phòng, ba chiếc ghế vẫn kê bên cạnh, như thể tôi chỉ mới rời đi ngày hôm qua. Tôi mệt mỏi ngồi xuống ghế bành, đo đếm mọi thứ, cảm thấy có gì đó không ổn, cảm giác này lúc đầu rất mơ hồ, sau ngày càng rõ, giống như tảng đá ngầm lúc trồi lên lúc sụp xuống khi vượt biển giữa làn sương mù, khiến tôi không thể nhìn thẳng vào nó, và cuối cùng tôi cũng tìm được nguồn gốc của cảm giác này.

Như thể tôi mới rời đi ngày hôm qua.

Tôi cẩn thận quan sát mặt bàn, phía trên nó phủi một lớp bụi mỏng, nhưng so với khoảng thời gian hai năm tôi không trở lại đây, lớp bụi này quả thực quá mỏng.

Mồ hôi và bụi dính đầy trên mặt, tôi vào nhà vệ sinh để rửa. Sau khi bật đèn, tôi nhìn thấy hình ảnh rõ ràng của bản thân trong gương, bạn nghĩ đúng đấy, chiếc gương không thể sạch như thế được. Tôi vẫn nhớ rõ, hồi học tiểu học, cả nhà chúng tôi đi du lịch một tuần, lúc trở về, tôi dùng ngón tay vẽ một hình người nho nhỏ trên lớp bụi bám trên mặt gương. Tôi đưa tay nguệch ngoạc vài nét trên gương, hầu như không có gì cả.

Tôi mở vòi nước bằng sắt đã vặn chặt nửa năm nay, lẽ ra nước phải đục ngầu do gỉ sét, nhưng giờ đây nó vẫn chảy ra rất trong

Sau khi rửa mặt và quay trở lại phòng khách, tôi lại nhớ đến một chi tiết khác: Hai năm trước, trước khi đóng cửa rời đi, tôi đã nhìn lướt qua căn phòng một lượt, sợ bản thân bỏ quên đồ gì đó và tôi đã nhìn thấy một chiếc cốc thủy tinh ở trên bàn. Lúc đó, tôi đã định bụng đi vào úp ngược chiếc cốc lại để tránh bụi, nhưng với cái túi trĩu nặng trên vai, tôi đã quyết định gạt bỏ ý định đó đi. Chi tiết này tôi vẫn nhớ như in.

Thế mà lúc này, chiếc cốc đang được úp ngược trên mặt bàn.

Cùng lúc đó, mấy bác hàng xóm nhìn thấy ánh điện trong nhà nên bước vào, ai cũng hỏi han ân cần và nồng hậu với đứa trẻ mồ côi đã lên đại học, hứa sẽ giúp rao nhà cho thuê, nếu sau này tốt nghiệp tôi không quay về nữa thì sẽ chịu trách nhiệm bán giúp căn nhà với giá thật tốt.

“Ở đây hình như sạch sẽ hơn nhiều so với lúc cháu đi.” Khi mọi người đang nhắc tới những thay đổi trong hai năm qua, tôi thản nhiên nhận xét.

“Sạch sẽ á? Cháu nhìn kiểu gì vậy! Nhà máy nhiệt điện gần xưởng rượu năm ngoái đã đi vào hoạt động rồi, khói bụi bây giờ phải nhiều gấp đôi so với lúc cháu đi! Hầy, giờ làm gì còn chỗ nào sạch sẽ được nữa?”

Tôi nhìn lớp bụi mỏng phủ trên mặt bàn, không nói thêm gì. Lúc họ chuẩn bị rời đi, tôi không nhịn nổi đành hỏi có ai có chìa khóa nhà tôi không. Mấy bác hàng xóm nhìn nhau ngạc nhiên, khẳng định không hề có chuyện đó. Tôi tin họ, vì nhà tôi có năm bộ chìa khóa nhưng chỉ còn lại ba. Hai năm trước, khi rời đi, tôi đã mang theo hết, một bộ hiện đang trong tay tôi, hai bộ còn lại thì ở trong ký túc xá của trường.

Sau khi các bác hàng xóm rời đi hết, tôi kiểm tra tất cả các ô cửa sổ trong nhà, chúng vẫn được chốt chặt, không hề có dấu hiệu cạy phá.

Bố mẹ tôi cầm hai bộ chìa khóa còn lại. Nhưng chúng đã bị nóng chảy vào đêm hôm đó. Tôi không thể quên được khoảnh khắc không hiểu bằng cách nào mà tôi đã tìm được hai khối kim loại không có hình thù từ tro cốt của bố mẹ tôi. Hai bộ chìa khóa đó sau khi bị nóng chảy đã kết tụ lại, hiện đang ở trong ký túc xá của tôi cách đây cả ngàn dặm, trở thành một kỷ niệm cho sức mạnh không thể tưởng nổi ấy.

Tôi ngồi yên trên ghế một lúc lâu, sau đó mới bắt đầu thu dọn đồ đạc, những món này sau khi cho thuê nhà thì phải tính cách ký gửi ở chỗ khác hoặc đem theo. Tôi cất đi những bức tranh màu nước của bố, chúng là những đồ vật hiếm hoi mà tôi thực lòng muốn giữ lại. Tôi tháo mấy bức tranh treo tường xuống, lôi những bức từ trong tủ ra, cố gắng tìm toàn bộ, sau đó xếp chúng vào một chiếc thùng giấy. Đoạn, tôi tìm thấy ở ngăn dưới cùng của giá sách vẫn còn sót lại một bức, nó được úp xuống nên ban nãy tôi không chú ý đến. Trước khi đặt bức tranh vào thùng, tôi nhìn lướt qua và ánh mắt tôi ngay lập tức dán chặt vào nó.

Đó là một bức tranh vẽ phong cảnh trông ra từ cổng nhà tôi. Cảnh sắc xung quanh tầm thường, nhạt nhẽo, vài tòa nhà bốn tầng cũ kỹ có màu xám và mấy hàng bạch dương đều bị phủ đầy bụi, trông thật thiếu sức sống… Là một họa sĩ nghiệp dư hạng ba, bố tôi rất lười ra ngoài, chỉ vẽ đi vẽ lại cảnh sắc xám xịt xung quanh không biết chán, ông còn nói trên đời này làm gì có cảnh vật nào nhạt nhẽo, chỉ có họa sĩ tầm thường mà thôi. Và ông chính là một họa sĩ như vậy, những cảnh vật vốn đã nhạt nhòa được sao chép qua nét vẽ vô hồn của ông lại thêm vài phần khô khan, nhưng kể ra đó cũng là những bức tranh tả thực cuộc sống thường nhật ở thành phố phương Bắc tăm tối này. Bức tranh tôi đang cầm trên tay cũng vậy, không khác gì các bức tranh khác trong thùng. Chẳng có gì đặc biệt hấp dẫn.

Có một thứ trong bức tranh thu hút sự chú ý của tôi, một tháp nước được tô màu sáng hơn so với các tòa nhà cũ kỹ quanh đó, như đoá loa kèn vươn cao. Tháp nước này vốn chẳng có gì đặc biệt, đúng là có một tháp nước như thế ngoài đời thực, tôi ngẩng đầu trông ra ngoài cửa sổ, bóng đen của thân tháp hiện lên trước ánh đèn của thành phố.

Chỉ có điều, tháp nước này được khởi công sau khi tôi đỗ đại học. Hai năm trước, khi tôi rời đi, nó mới chỉ xây được một nửa trong sự bao bọc của giàn giáo.

Tôi rùng mình, đánh rơi bức tranh đang cầm trên tay xuống đất. Giữa đêm hè oi ả, nóng bức này, dường như có chút ớn lạnh đang tràn vào nơi đây.

Tôi nhét bức tranh vào thùng, dùng băng dính dán chặt nó lại, sau đó quay người thu dọn những đồ vật khác. Tôi cố gắng tập trung vào việc mình đang làm, nhưng tâm trí tôi như một chiếc kim sắt treo trên sợi dây mỏng manh, còn chiếc thùng đó lại là một khối nam châm cực mạnh, tôi có thể nỗ lực quay chiếc kim sang hướng khác nhưng ngay khi vừa nơi lỏng thì chiếc kim ngay lập tức bị hút về hướng đó. Ngoài trời đang mưa, những giọt mưa lộp độp đập vào cửa sổ, nhưng tôi cứ có cảm giác âm thanh đó như phát ra từ chiếc thùng… Cuối cùng, không thể chịu nổi nữa, tôi bước nhanh tới thùng giấy, mở nó ra rồi cầm bức tranh lên, cẩn thận úp mặt tranh xuống rồi bước vào nhà vệ sinh, dùng bật lửa đốt từ một góc. Tới khi bức tranh cháy được một phần ba, tôi lật nó lại, tháp nước trên đó trông càng sống động, như muốn nhô lên khỏi mặt giấy. Tôi quan sát ngọn lửa, nó liếm đến đâu màu nước hóa đen đến đấy, và màu của ngọn lửa trông thật kỳ dị và phô trương. Tôi ném bức tranh cháy gần hết vào bồn rửa, quan sát, đoạn xả nước để rửa trôi đống tro tàn. Sau khi khoá vòi, tôi nhìn thấy thứ mà mình đã không chú ý tới khi rửa mặt.

Có vài sợi tóc, rất dài.

Có sợi bạc trắng, chìm vào bề mặt bồn rửa, cũng có sợi chỉ bạc một nửa, và chính phần màu đen đó đã thu hút ánh mắt của tôi. Không thể nào là tóc của tôi từ hai năm trước được, tôi chưa từng nuôi tóc dài như thế, càng chưa từng có tóc bạc. Tôi nhẹ nhàng nhặt một sợi nửa đen nửa trắng lên.

… Nhổ một sợi, mọc bảy sợi… Tôi thả sợi tóc xuống như phải bỏng. Nó lượn trong không khí, tạo ra một vệt dài. Vệt dài ấy là hình ảnh của rất nhiều sợi tóc trôi qua trong nháy mắt, như thể thị giác tôi dừng lại còn thời gian vẫn tiếp tục trôi. Sợi tóc ấy không hề rơi xuống đất, nó dừng lại lưng chừng rồi biến mất trong không trung. Tôi hướng ánh nhìn xuống bồn rửa, những sợi tóc khác cũng không cánh mà bay.

Tôi lại mở vòi, đưa đầu vào dòng nước một lúc lâu, sau đó trở lại phòng khách, ngồi xuống ghế bành, lắng nghe tiếng mưa rơi bên ngoài. Mưa xối xả chẳng khác nào bão, chỉ có điều sấm và chớp không xuất hiện. Những hạt mưa đập vào cửa sổ, nghe như ai đó hay những người nào đó đang cố gắng thì thầm, nhắc nhở tôi. Lắng nghe hồi lâu, tôi dần dà tưởng tượng ra nội dung của lời thì thầm, lặp đi lặp lại, càng nghe càng chân thực:

“Hôm đó có sấm, hôm đó có sấm, hôm đó có sấm, hôm đó có sấm, hôm đó có sấm…”

Một lần nữa, trong đêm mưa bão, tôi lại ngồi bất động trong nhà cho tới sáng, sau đó rời đi, và tôi biết mình đã để lại một thứ gì đó ở nơi đây mãi mãi, cũng biết rằng bản thân tôi sẽ không bao giờ quay trở lại.

Sét hòn, tôi phải đối mặt với nó. Bởi sau khi khai giảng, những môn học của chuyên ngành Điện khí quyển sẽ bắt đầu.

Giáo viên giảng dạy bộ môn Điện khí quyển là một phó giáo sư có tên là Trương Bân, ở độ tuổi ngũ tuần, người không cao cũng không thấp, kính cận không dày cũng không mỏng, giọng nói không chói cũng không trầm, giảng bài không hay cũng không dở, nói chung, là một vị giáo viên hết sức bình thường. Chỉ có điều, hai chân thầy hơi khập khiễng, nếu không để ý kỹ cũng chẳng nhận ra.

Sau khi tan học, giảng đường chỉ còn lại tôi và thầy Trương Bân. Thầy đang thu dọn sách vở trên bục giảng, không chú ý đến tôi. Hôm nay là Trung thu, ráng chiều chiều hắt vào qua ô cửa sổ, trên bậu cửa sổ nương lại một lớp lá vàng, đến một kẻ hờ hững với cuộc đời như tôi cũng nhận ra mùa thi ca đã tới rồi.

Tôi đứng dậy và bước tới bục giảng: “Thầy Trương, em muốn hỏi thầy một vấn đề không liên quan tới tiết học ngày hôm nay ạ.”

Phó giáo sư ngước nhìn tôi, gật đầu, sau đó lại cúi xuống tiếp tục thu dọn đồ đạc.

“Thầy có thể nói cho em biết về sét hòn được không ạ?” Tôi thốt ra câu hỏi từ lâu đã chôn chặt trong lòng.

Nghe thấy vậy, thầy Trương khựng tay, đoạn ngẩng đầu lên trông ra hoàng hôn bên ngoài cửa sổ phòng học, như thể đó là thứ tôi nhắc tới. “Em muốn biết về cái gì?” Phải vài giây sau thầy mới hỏi lại tôi.

“Tất cả về nó, thưa thầy,” tôi đáp. Thầy Trương bất động nhìn mặt trời lặn, mặc ánh hoàng hôn buông trên khuôn mặt, trời bây giờ vẫn còn rất sáng, chẳng lẽ thầy không chói mắt sao?

“Ví dụ như những ghi chép lịch sử về nó ạ.” Tôi không thể không đưa ra câu hỏi chi tiết hơn.

“Ở châu Âu, nó từng được ghi chép lại vào thời kỳ Trung cổ. Còn ở Trung Quốc, Trương Cư Chính thời nhà Minh đã có một bản ghi chép chi tiết hơn. Nhưng phải đến năm 1837 mới có bản ghi chép khoa học chính thức đầu tiên, coi đó là một hiện tượng tự nhiên. Và phải tới bốn mươi năm gần đây, nó mới được giới khoa học công nhận.”

“Nếu như vậy thì có lý thuyết về nó không ạ?”

“Rất nhiều,” thầy Trương chỉ đáp vậy rồi không nói gì thêm. Ông rời mắt khỏi ánh mặt trời sắp lặn bên ngoài nhưng không tiếp tục thu dọn đồ đạc nữa, mà trông như thể đang suy tư về điều gì đó.

“Vậy lý thuyết phổ biến nhất là gì ạ?”

“Sét hòn được coi là thể plasma nhiệt độ cao dạng cuộn xoáy, do lực ly tâm được tạo thành từ cuộn xoáy tốc độ cao bên trong và áp suất khí quyển ở bên ngoài, kết hợp với nhau tạo nên sự cân bằng, từ đó duy trì được tính ổn định trong một thời gian dài.”

“Còn gì nữa không ạ?”

“Còn có người cho rằng nó được tạo ra bởi phản ứng hóa học giữa các khí hỗn hợp ở nhiệt độ cao để duy trì sự ổn định của năng lượng.”

“Thầy có thể nói cho em biết nhiều hơn được không ạ?” Tôi nài nỉ. Việc đặt vấn đề với thầy chẳng khác nào đẩy cối xay đá, cố gắng lắm mới xoay chuyển được một chút.

“Còn có lý thuyết Soliton-Maser, cho rằng sét hòn được tạo ra bởi một maser khí quyển có thể tích vài nghìn mét khối. Maser tương đương với laser có năng lượng thấp hơn nhiều, khi thể tích trong không khí lớn, maser sẽ tạo ra điện trường cục bộ (tức là soliton), từ đó tạo ra sét hòn có thể nhìn thấy được.”

“Vậy lý thuyết mới nhất thì sao ạ?”

“Cũng có rất nhiều, nhưng đáng chú ý nhất là lý thuyết của Abrahamson và Dinis của Đại học Canterbury ở New Zealand, họ cho rằng sét hòn chủ yếu được hình thành từ sự bốc cháy của mạng lưới các quả cầu chứa các hạt silic cực nhỏ. Còn nhiều lý thuyết đa dạng khác, thậm chí còn có người coi đó là phản ứng tổng hợp hạt nhân ở nhiệt độ thường trong không khí.”

Phó giáo sư Trương Bân ngừng lại, phải một lúc sau ông mới nói tiếp: “Một nhà nghiên cứu khí quyển của Viện Khoa học Trung Quốc đã đề xuất một lý thuyết về plasma trong khí quyển, xuất phát từ phương trình của thủy động lực học*, áp dụng nó vào mô hình khoang cộng hưởng giữa soliton – xoáy, dựa vào điều kiện biên của trường nhiệt độ, thông qua giải phương trình số học, đã áp ứng đủ về mặt lý thuyết để xuất hiện quả cầu xoáy thể plasma trong khí quyển. Giải đáp được về quả cầu lửa cùng với điều kiện cần và đủ để nó tồn tại.”

“Thầy nghĩ gì về những lý thuyết này ạ?”

Trương Bân chậm rãi lắc đầu: “Để chứng minh được sự chính xác của những lý thuyết này, chỉ có thể tạo ra sét hòn trong phòng thí nghiệm, nhưng tới nay chưa có ai thành công.”

“Trong nước có bao nhiêu trường hợp từng chứng kiến sét hòn vậy thầy?”

“Khá nhiều đấy, hơn nghìn. Nổi tiếng nhất chắc là bộ phim tài liệu về việc chống lũ ở Trường Giang của đài CCTV năm 1998 đã vô tình quay lại được một quả sét hòn, hình ảnh rất rõ ràng.

“Thưa thầy, em còn câu hỏi cuối cùng: trong giới Vật lý khí quyển nước ta, đã có ai tận mắt chứng kiến chưa ạ?”

Trương Bân lại ngẩng lên trông ra hoàng hôn bên ngoài cửa sổ: “Có.”

“Khi nào vậy ạ?”

“Tháng Bảy năm 1962.”

“Ở đâu ạ?”

“Đỉnh Ngọc Hoàng ở Thái Sơn.”

“Thầy biết người đó hiện đang ở đâu không ạ?”

Trương Bân lắc đầu, giơ tay lên nhìn đồng hồ: “Đã đến giờ em nên đi ăn tối rồi đấy.” Nói đoạn, ông xách cặp và rời đi.

Tôi đuổi theo thầy, trút hết những câu hỏi đã chôn chặt trong lòng suốt bao năm qua: “Thầy Trương, thầy có thể tưởng tượng một vật như vậy dưới dạng một quả cầu lửa, có thể dễ dàng xuyên qua tường, khi nó lơ lửng trong không khí, thầy không thể cảm nhận được sức nóng của nó, vậy mà trong phút chốc nó có thể thiêu đốt mọi người thành tro bụi không ạ? Có ghi chép về một trường hợp nó đã thiêu đốt đôi vợ chồng đang ngủ trong chăn thành tro, nhưng tấm chăn lại không hề có dấu vết cháy sém nào cả! Thầy có thể tưởng tượng rằng nó bay vào tủ lạnh và nấu chín thực phẩm trong ngăn đông lạnh nhưng tủ lạnh lại không hề hấn gì không ạ? Thầy có thể tưởng tượng rằng nó đốt cháy áo trong nhưng thầy lại không có cảm giác gì không? Những lý thuyết mà thầy nói có thể giải thích tất cả không ạ?”

“Những lý thuyết mà tôi nói đều không đủ cơ sở,” Trương Bân đáp và vẫn tiếp tục bước đi.

“Nếu chúng ta vượt qua rào cản của Vật lý học khí quyển thì thầy có cho rằng bộ môn Vật lý học ngày nay, thậm chí tất cả các ngành khoa học gộp lại, có thể giải thích nổi hiện tượng này không ạ? Thầy không thấy hiếu kì sao? Thấy thầy như vậy, em còn ngạc nhiên hơn cả khi thấy sét hòn!”

Thầy Trương Bân dừng bước, quay người lại, lần đầu tiên nhìn thẳng vào mắt tôi: “Em từng nhìn thấy sét hơn rồi à?”

“Em chỉ ví dụ thôi ạ.

Tôi không thể nói ra bí mật sâu kín nhất trong lòng mình với con người vô cảm trước mặt này được. Cảm giác tê liệt với những bí mật sâu xa của tự nhiên đang lấp đầy cả xã hội, vốn từ lâu đã trở thành mối nguy hiểm thường trực với khoa học. Nếu bớt đi những người như vậy trong giới học thuật, nhân loại bây giờ không chừng đã bay tới chòm sao Nhân Mã rồi!

Trương Bân đáp: “Vật lý học khí quyển là một môn khoa học rất thực tế, sét hòn là hiện tượng cực kỳ hiếm gặp. Trong tiêu chuẩn IEC/ TC-81 phòng chống sét trong kiến trúc của quốc tế và cả ‘Quy chuẩn thiết kế phòng chống sét trong kiến trúc của Trung Quốc ban hành năm 1993 đều không tính tới hiện tượng này, cho nên dành quá nhiều sức lực vào thứ này không mang lại ý nghĩa gì lớn lao cả.”

Tôi thực sự cạn lời trước con người này, vậy nên liền cảm ơn ông rồi quay người rời đi. Bạn nên biết rằng, để một người như vậy công nhận sự tồn tại của sét hòn cũng là một bước tiến lớn! Mãi đến năm 1963, giới khoa học mới thừa nhận sự tồn tại của những tia sét như vậy, trước đó, tất cả những báo cáo về việc chứng kiến sét hòn đều bị kết luận là ảo giác. Năm nay, Roger Jenison, một giáo sư ngành Điện từ học thuộc Đại học Kent, Mỹ đã tận mục sở thị một quả sét hòn tại sân bay New York. Quả cầu lửa có đường kính 20cm xuyên tường vào kho chứa máy bay, xuyên luôn qua những chiếc máy bay trong đó rồi lại lướt qua bức tường và biến mất.

Tối hôm đó, lần đầu tiên tôi nhập từ khóa “ball lighting” trên thanh công cụ tìm kiếm Google, không ôm quá nhiều hy vọng nhưng lại nhận được hơn 40.000 kết quả. Lần đầu trong đời, tôi cảm thấy thứ mà mình sẵn sàng cống hiến cả mạng sống cũng được toàn nhân loại quan tâm.

Lại một học kỳ mới bắt đầu, đồng nghĩa với việc mùa hè nóng nực đã đến. Mùa hè còn có một ý nghĩa khác đối với tôi: Mưa bão sẽ xuất hiện, điều này sẽ giúp tôi tiến gần hơn với nó.

Một hôm nọ, thầy Trương Bân bất ngờ đến tìm tôi, môn học của thầy đã kết thúc từ học kỳ trước, nên tôi gần như đã quên vị giáo sư đó rồi.

Thầy nói với tôi: “Tiểu Trần này, thầy nghe nói bố mẹ em đã mất, tình hình kinh tế cũng khó khăn. Nghỉ hè này thầy có triển khai dự án và vẫn còn thiếu một trợ lý, em có muốn tham gia không?”

Tôi hỏi thầy là dự án gì vậy.

“Chứng minh các thông số của các phương tiện chống sét cho một tuyến đường sắt đang thiết kế của tỉnh Vân Nam. Ngoài ra, còn có tính mục đích, trong quy chuẩn thiết kế phòng chống sét mới đang được Nhà nước xây dựng, kế hoạch đổi hệ số mật độ sét 0.15 trước kia sang xây dựng theo từng khu vực. Chúng ta sẽ làm công tác quan trắc ở Vân Nam.”

Tôi nhận lời tham gia. Tài chính của tôi không được sung túc lắm nhưng cũng ở mức tạm ổn, tôi đồng ý vì đây là cơ hội đầu tiên tôi thực sự được tiếp xúc với công việc nghiên cứu sấm sét.

Nhóm nghiên cứu có hơn chục người, chia thành năm tổ, phân công nhau khảo sát trong phạm vi rất rộng, mỗi tổ cách nhau chừng mấy trăm cây số. Tổ của tôi trừ tài xế và nhân viên thực nghiệm thì chỉ có ba thành viên chính thức: tôi, Phó giáo sư Trương Bân và một nghiên cứu sinh khác có tên là Triệu Vũ. Sau khi tới khu vực nghiên cứu, chúng tôi ở trong một trạm Khí tượng của quận.

Sáng sớm ngày thứ hai, tiết trời rất đẹp, và công tác thực địa bắt đầu. Lúc chúng tôi di chuyển từ căn nhà nhỏ là nhà kho tạm thời tới chỗ xe thiết bị thí nghiệm, tôi hỏi thầy Trương Bân: “Thưa thầy, trước mắt có cách nào thám trắc kết cấu bên trong của sét không ạ?”

Thầy Trương Bân dùng ánh mắt sắc lẹm nhìn tôi, thầy biết tôi đang nghĩ gì: “Nhìn từ nhu cầu xây dựng công trình trong nước hiện tại thì nghiên cứu kết cấu vật lý của sét chưa phải nhiệm vụ hàng đầu, việc cấp bách là nghiên cứu quy mô.” Mỗi khi tôi đề cập tới sét hòn, dù bóng gió, thầy đều né tránh không trả lời, xem ra ông ghét cay ghét đắng những nghiên cứu không có giá trị thực tế.

Trái lại, Triệu Vũ lại trả lời câu hỏi của tôi: “Không nhiều phương pháp đâu, hiện tại chưa thể đo trực tiếp điện áp của tia sét, chỉ có thể ước tính gián tiếp bằng giá trị cường độ dòng điện. Thậm chí dụng cụ thí nghiệm thường dùng nhất để nghiên cứu kết cấu vật lý của sét, cái này này.” Anh ta chỉ vào thứ có hình ống đặt ở góc kho. “Nó được gọi là máy đo nam châm, dùng để đo biên độ và cực của dòng điện tia sét, được làm từ vật liệu có từ hóa dư* khá cao. Khi dây dẫn ở giữa thu được sét thì có thể dựa vào từ hóa dư hình thành từ máy đo đang nằm trong từ trường được sinh ra từ dòng điện của tia sét, để tính toán cường độ và cực của dòng điện tia sét. Đây là mẫu 60si2mn, còn có loại ống nhựa, loại lõi lưỡi dao và loại bột sắt.”

“Chúng ta có sử dụng tới nó trong lần này không?”

“Đương nhiên là có, không thì mang tới đây làm gì? Nhưng sau này mới cần tới.”

Nhiệm vụ của giai đoạn đầu là lắp đặt hệ thống định vị sét ở các khu vực quan trắc, hệ thống này thu thập tín hiệu nhờ vào máy cảm biến lượng lớn các tia sét phân tán rồi gửi tới máy tính, đồng thời còn có thể tự động thống kê số lượng, tần suất, phân bố các tia sét đánh lạc ở các khu vực đặc biệt. Trên thực tế, đây là hệ thống chỉ biết ghi chép và định vị, không liên quan tới các thông số vật lý của sét, nên tôi cũng chẳng buồn quan tâm. Công việc chủ yếu là lắp đặt các máy cảm biến tại hiện trường, một công việc rất cực nhọc. Nếu may mắn còn có thể lắp máy cảm biến tới cột điện hoặc tháp cao thế, nhưng đa phần đều phải tự dựng cột. Mới được mấy ngày, những nhân viện thực nghiệm đã kêu than không ngớt.

Triệu Vũ là người không quan tâm tới bất cứ thứ gì, đặc biệt là với chuyên môn của mình, anh ta sẽ trì hoãn công việc và lười biếng bất cứ lúc nào có thể. Ban đầu, anh ta còn khen ngợi cảnh vật rừng mưa nhiệt đới xung quanh, nhưng sau khi sự mới mẻ qua đi, anh ta lại quay về vẻ lờ đờ. Nói thì nói vậy, anh ta là một người dễ gần, và hai chúng tôi nói chuyện hợp rơ.

Mỗi tối, sau khi trở về quận, Phó giáo sư Trương Bân đều vùi đầu chỉnh lý tài liệu trong ngày, còn Triệu Vũ thì chuồn ngay khi có cơ hội, kéo tôi tới một con phố nhỏ cổ kính trong thị trấn để uống rượu. Con phố đó không có điện, những ngôi nhà gỗ cổ xưa đều lấp lánh ánh nến, như thể đưa chúng tôi trở về thời chưa có ngành Vật lý học khí quyển và các ngành Vật lý học khác, hay thậm chí là thời chưa có khoa học, quên đi hiện thực trong chốc lát. Hôm đó, chúng tôi ngồi trong ánh nến ở quán rượu, ngà ngà say, Triệu Vũ nói với tôi: “Nếu những người sống sâu trong rừng từng thấy sét hòn thì họ nhất định sẽ có một lời giải thích hoàn hảo.”

“Em đã thử hỏi dân địa phương, họ nhìn thấy nó cách đây lâu rồi, cũng có lời giải thích từ trước: đèn lồng ma.

“Như thế còn chưa đủ à?” Triệu Vũ trắng trợn nói. “Hoàn hảo đấy chứ, mấy thứ plasma, soliton, xoang cộng hưởng có thể không cho cậu biết nhiều hơn lý thuyết kia đâu. Hiện đại hóa là phức tạp hóa, và tôi thì không thích phức tạp.”

Tôi khịt mũi: “Đúng là chỉ có thầy hướng dẫn như Trương Bân mới có thể bao dung cho anh, lại còn cả thái độ làm việc như vậy.”

“Đừng nhắc tới Trương Bân.” Triệu Vũ huơ tay. “Ông ấy là người như này: Nếu chìa khóa rơi xuống đất, ông ấy sẽ không quay về nơi vừa phát ra âm thanh đó để tìm, mà sẽ lấy thước và phấn để vẽ lại đường lối của cả căn nhà, sau đó tìm từng ô một, từng ô một.”

Hai chúng tôi phá lên cười trước điều đó.

“Người như ông ấy chỉ biết làm những công việc mà sau này máy móc sẽ đảm nhận, óc sáng tạo và tưởng tượng là vô nghĩa với những người như thế. Trong giới học thuật, họ dùng cái gọi là nghiêm túc và nghiêm khắc để che giấu cái nghèo nàn và tầm thường, cậu cũng thấy đấy, đại học đầy rẫy những người như vậy. Chẳng qua, ở lâu rồi, ở mỗi ô sẽ đều tìm thấy vài thứ, cho nên những người này vẫn sống tốt trong giới của họ.”

“Thế thầy Trương Bân đã tìm thấy gì vậy anh?”

“Hình như ông ấy đã chủ trì nghiên cứu và phát triển loại lớp phủ chống sét dùng cho dòng điện cao áp, hiệu quả phòng sét khá tốt. Đường dây cao áp sử dụng lớp phủ này có thể tiết kiệm được loại dây chống sét ở tầng cao nhất. Nhưng giá thành của lớp phủ này quá cao, nếu như sử dụng trên quy mô lớn thì còn đắt hơn cả hệ thống cột thu lôi truyền thống, cho nên cuối cùng cũng chẳng mang lại giá trị thực tế gì. Chủ yếu là ông ấy kiếm thêm được vài báo cáo khoa học và một giải nhì khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Ngoài ra, ngoài ra chẳng có gì nữa.”

Dự án đã tiến vào giai đoạn mà tôi mong đợi: đo đạc thông số vật lý của sét. Chúng tôi đến hiện trường để lắp đặt các máy đo nam châm và dây ăng-ten thu sét, sau mỗi trận giông bão, chúng tôi lại đi lấy về những máy đo nam châm thu được sét để ghi chép số liệu. Việc này cần hết sức cẩn thận, không được làm rung, không được để gần đường dây điện và các nguồn từ trường khác, nếu không từ hóa dư trong máy nam châm sẽ bị xáo trộn, ảnh hưởng tới độ chính xác. Sau đó, chúng tôi sử dụng kim cường độ từ trường (loại máy dùng bộ khử từ để khử từ trong máy nam châm) rồi lại lắp chúng về vị trí cũ cho đợt thu sét tiếp theo.

Công việc cụ thể ở giai đoạn này không kém phần nhàm chán và gian khổ nhưng tôi lại vô cùng hứng thú. Đây là lần đầu tôi thực hiện việc đo lường sét. Tay Triệu Vũ thấy vậy được thể càng lười biếng hơn, chỉ cần Phó giáo sư Trương Bân không có mặt ở đó thì anh ta sẽ đẩy hết công việc cho tôi, sau đó thảnh thơi ngồi câu cá ở con sông nhỏ bên cạnh.

Máy đo nam châm đo được dòng điện của tia sét khoảng 10.000 ampe, lần cao nhất đo được là 100.000 ampe, từ đó, có thể ước tính điện áp trong tia sét có thể lên tới 1 tỷ volt.

“Trong điều kiện khắc nghiệt như này, anh nghĩ sẽ sinh ra cái gì không?” Tôi hỏi Triệu Vũ.

Triệu Vũ phản pháo lại: “Làm gì có cái gì sinh ra được. Năng lượng trong các vụ nổ hạt nhân và máy gia tốc hạt lớn có thể đạt tới hơn thế, cũng đâu có đẻ ra cái gì ngoài sức tưởng tượng của cậu đâu. Vật lý học khí quyển là một môn học rất bình thường, cậu cứ biến nó thành thần bí. Người như tôi trái ngược hoàn toàn với cậu, quen bình thường hóa những thứ thần thánh rồi,” anh ta nói, cảm khái nhìn rừng mưa nhiệt đới xanh thẫm xung quanh trạm khí tượng. “Anh bạn ạ, cậu cứ đuổi theo quả cầu lửa bí ẩn đó đi, còn tôi sẽ tận hưởng cuộc sống bình thường của mình.”

Việc học nghiên cứu sinh của Trương Bân sắp kết thúc, và anh ta không muốn tiếp tục học lên Tiến sĩ.

Sau khi quay trở lại trường, tiếp tục những tháng ngày lên lớp, tôi dành thời gian ngoài giờ học và nghỉ lễ để tham gia vài dự án của thầy Trương, cái tính khư khư nếp cũ của thầy thi thoảng vẫn làm tôi chán ghét, nhưng ngoài điều đó ra, thầy cũng là người chiều theo người khác, hơn nữa kinh nghiệm thực tiễn của thầy rất phong phú, và quan trọng hơn cả là chuyên ngành của thầy rất gần với thứ mà tôi đang theo đuổi.

Vì những lý do trên mà khi tốt nghiệp, tôi đã trở thành nghiên cứu sinh của thầy Trương.

Đúng như tôi dự đoán, thầy Trương Bân kiên quyết phản đối việc tôi chọn sét hòn làm đề tài cho luận văn thạc sĩ của mình. Còn các việc khác, ông đều rất dễ dãi, ông bao dung cho cả những học sinh lười biếng như Triệu Vũ nhưng lại không khoan nhượng trong vấn đề này.

“Người trẻ tuổi không nên nhiệt tình với mấy thứ mù mờ, thầy nói.

“Sét hòn là một sự tồn tại khách quan được giới khoa học công nhận, tại sao lại là thứ mù mờ được ạ?”

“Tôi chỉ muốn nói là: Đến cả tiêu chuẩn quốc tế và quy trình quốc gia đều không tính tới thì có ý nghĩa gì? Lúc còn học đại học, em có thể dùng phương pháp khoa học cơ bản để học về chuyên ngành của mình, kiến thức tuy rộng nhưng còn nông cạn, nhưng giờ đã là nghiên cứu sinh thì không thể như vậy nữa.”

“Nhưng thầy ơi, Vật lý học khí quyển vốn là một môn khoa học cơ bản rồi, ngoài ý nghĩa kỹ thuật còn gánh vác trách nhiệm tìm hiểu về thế giới.”

“Nhưng ở Trung Quốc, phục vụ kiến thiết kinh tế là ưu tiên hàng đầu.”

“Mặc dù vậy, nếu các biện pháp chống sét của kho dầu Hoàng Đảo tính tới sét hòn thì trận hỏa hoạn năm 1989 đã có thể tránh được.”

“Nhận thức về nguyên nhân trận hỏa hoạn Hoàng Đảo năm 1989 cũng chỉ là phỏng đoán, bản thân những nghiên cứu về sét hòn lại càng chứa nhiều phỏng đoán hơn nữa. Sau này, cậu làm học thuật cũng cần phải tránh những yếu tố bất lợi như vậy.”

Chúng tôi không có tiếng nói chung trong chủ đề này. Tôi sẵn sàng cống hiến cả đời mình cho điều mà tôi theo đuổi, vậy nên dự án trong ba năm nghiên cứu sinh cũng chẳng quan trọng lắm. Thế là tôi thuận theo ý kiến thầy Trương, làm một dự án liên quan đến hệ thống chống sét cho trung tâm máy tính.

Hai năm sau, cuộc sống nghiên cứu sinh kết thúc một cách thuận lợi và êm đẹp.

Công bằng mà nói, hai năm này tôi đã học được rất nhiều điều từ thầy Trương Bân. Kỹ năng thực nghiệm, kinh nghiệm kỹ thuật phong phủ, tính nghiêm cẩn và thuần thục trong lĩnh vực kỹ thuật của ông đã giúp ích cho tôi rất nhiều. Nhưng thứ cốt lõi tôi cần lại không có ở ông. Điều mà ba năm trước đây tôi đã biết.

Tôi không biết nhiều về cuộc sống cá nhân của Trương Bân. Vợ thầy qua đời từ sớm, không một mụn con, ông sống một mình trong nhiều năm và cũng rất ít giao tiếp ngoài xã hội. Cuộc sống đơn điệu như vậy cũng chẳng khác tôi là bao, nhưng theo như tôi thấy, tiền đề để sống một cuộc sống như vậy cần có khát vọng để đè tất cả mọi thứ xuống, như lời bố tôi nói là “mê đắm thứ gì đó”, hay dùng lời của cô bạn học xinh đẹp trong thư viện sáu năm trước thì gọi là “có mục tiêu”. Trương Bân không bị ám ảnh bởi bất cứ thứ gì, cũng không có mục tiêu gì. Tổ khoa học của ông theo đuổi những dự án nghiên cứu ứng dụng vô vị, chỉ coi đó là công việc chứ không phải thú vui, cũng dùng cùng một thái độ rập khuôn để đối mặt với danh lợi. Nếu đúng như vậy, cuộc sống kiểu đó chẳng khác nào cực hình, vậy nên tôi nảy sinh lòng trắc ẩn với ông.

Tôi cũng không cho rằng bản thân đã chuẩn bị xong để khám phá bí ẩn đó, ngược lại, tất cả những gì học được trong sáu năm qua chỉ khiến tôi nhận thức sâu sắc hơn về bản thân trước mặt nó yếu đuối cỡ nào. Lúc mới bắt đầu, tôi dồn sức vào Vật lý học, sau lại phát hiện ra bộ môn này giống một bí ẩn lớn, đi tới cuối đường thì cảm thấy thế giới này có tồn tại hay không cũng trở thành một vấn đề. Giả dụ, người ta thừa nhận sét hòn không phải là hiện tượng siêu nhiên, tầng tầng lớp lớp của môn Vật lý giải thích thiết kế của nó có lẽ không cần quá cao siêu: về mặt Điện từ học thì có phương trình Maxwell*, trên phương diện Cơ học chất lỏng thì có phương trình Stokes (Sau này tôi mới biết rằng suy nghĩ lúc đó của mình thật nông cạn và ấu trĩ). Nhưng so với sét hòn, tất cả những kết cấu đã biết hiện nay của Điện từ học và Cơ học chất lỏng đều quá đỗi đơn giản, nếu như sét hòn tuân thủ theo định luật cơ bản của Điện từ học và Cơ học chất lỏng, hình thành nên kết cấu phức tạp nhưng tự ổn định tự cân bằng được, thì mô tả Toán học của nó phải cực kỳ phức tạp. Cũng như hai quân trắng đen và quy tắc kiến giải cấu tạo nên bộ môn cờ vây phức tạp nhất trên thế giới.

Vậy nên lúc này, tôi cho rằng tất cả những gì tôi cần là Toán học. Muốn giải mã mê cung sét hòn thì công cụ toán học tinh vi không thể thiếu, dẫu cho các công cụ toán học đều khó nắm bắt như những con ngựa hoang không có dây cương. Mặc dù thầy Trương Bân nghĩ rằng khả năng Toán học của tôi đã vượt xa yêu cầu bình thường của nghiên cứu Vật lý học khí quyển, nhưng tôi biết mình vẫn còn cách rất xa công cuộc nghiên cứu sét hòn. Ngay khi tiếp xúc với kết cấu chất lỏng và điện từ phức tạp, mô tả Toán học sẽ trở nên gớm ghiếc, phương trình vi phân riêng phần quái dị giống như dây thòng lọng, ma trận cồng kềnh như cái bẫy đầy những lưỡi dao sắc bén.

Tôi biết mình phải học thêm nhiều điều trước khi thực sự đặt chân vào cuộc hành trình truy đuổi, tôi không thể rời môi trường đại học này ngay lập tức, vì vậy, tôi quyết định học lên tiến sĩ.

Giáo viên hướng dẫn của tôi có tên là Cao Ba, rất nổi tiếng, là tiến sĩ của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ông và Trương Bân đúng là hai thái cực. Điều đầu tiên thu hút tôi chú ý đến ông là biệt danh của ông: Quả cầu lửa. Sau này, tôi mới biết biệt danh đó chẳng liên quan gì tới sét hòn, có lẽ bắt nguồn từ suy nghĩ linh hoạt và tính cách sôi nổi của ông. Khi tôi đề xuất chọn sét hòn làm đề tài nghiên cứu, ông liền sảng khoái đồng ý nên tôi cảm thấy băn khoăn: Vì dự án nghiên cứu này cần đến thiết bị mô phỏng sét cỡ lớn khi thực nghiệm, mà thiết bị như vậy ở trong nước chỉ có một bộ, đương nhiên chẳng tới lượt tôi, hơn nữa hiệu quả còn chưa chắc.

“Nghe này, em chỉ cần một cây bút chì và một tờ giấy, điều em phải làm là xây dựng mô hình toán học của sét hòn, nó phải là một mô hình nhất quán, lý thuyết cần sáng tạo, toán học cần tinh vi hoàn mỹ, máy tính cần linh hoạt, em sẽ tự mình làm ra được một tác phẩm nghệ thuật về lý luận.

Tôi không thể kìm sự lo lắng của mình: “Một thứ hoàn toàn rời xa phòng thí nghiệm liệu có thể được công nhận hay không ạ?”

Cao Ba xua tay nói: “Lỗ đen vũ trụ có được công nhận không? Tới nay vẫn chưa có chứng cứ nào trực tiếp chứng minh sự tồn tại ấy, vậy mà em xem giới Vật lý - Thiên văn học đã phát triển lý thuyết đó tới đâu rồi. Có bao nhiêu người sống nhờ nó? Sét hòn thậm chí còn thực sự tồn tại nữa kìa! Đừng lo lắng, nếu như em đạt được yêu cầu của tôi mà luận văn vẫn không đạt thì tôi sẽ từ chức và biến khỏi trường này cùng em.

Đến lúc này, tôi càng thấy ông khác xa hoàn toàn so với Trương Bân. Tôi không theo đuổi nghệ thuật lý luận. Nhưng việc trở thành học trò của Cao Ba khiến tôi rất vui vẻ.

Kỳ nghỉ hè năm đó, trước khi bước vào năm học mới, tôi quyết định về nhà, gặp lại những người hàng xóm đã giúp đỡ tôi mà tôi biết rằng sau này mình sẽ có rất ít cơ hội để quay về thăm họ.

Khi tàu hỏa tới trạm Thái An, tôi xúc động nhớ tới lời của thầy Trương Bân về việc một nhà Vật lý học khí quyển ở đỉnh núi Ngọc Hoàng đã tận mắt chứng kiến sét hòn, vậy nên tôi quyết định xuống tàu giữa hành trình, leo lên đỉnh Thái Sơn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3