Siêu Lý Tình Yêu - Chương 04
BÀI THỨ BỐN
I
“Dionysos và Hades là một” - nhà tư tưởng sâu sắc bậc nhất của thế giới cổ đại đã nói. Dionysos, vị thần tươi trẻ, đương thì của sự sống vật chất trong cường độ cao nhất của những sức mạnh sôi sục của nó, vị thần của thiên nhiên hưng phấn và đươm hoa kết trái - đồng nhất với Hades, chúa tể nhợt nhạt của vương quốc tối tăm và câm lặng của những vong hồn. Thần của sự sống và thần của sự chết chỉ là một vị thần. Đó là chân lý không phải bàn cãi đối với thế giới các sinh thể tự nhiên. Sự sục sôi những lực sống viên mãn trong sinh linh cá thể không phải là sự sống của bản thân nó, đó là sự sống của kẻ khác, của nòi giống thờ ơ với nó và không biết khoan nhượng nó, sự sống ấy là sự chết đối với nó. Trong những khu vực cấp thấp của thế giới động vật điều này là hoàn toàn rõ ràng; ở đây, những cá thể tồn tại chỉ để sản sinh ra hậu thế và sau đó chết; ở nhiều chủng loại, chúng không sống qua được hành vi sinh sản, chết ngay tại chỗ, ở những chủng loại khác, chúng sống thêm được rất ít thời gian. Nhưng nếu quan hệ ấy giữa sinh sản và chết, giữa bảo tồn nòi giống và tử vong cá thể là quy luật của thiên nhiên, thì cũng chính thiên nhiên trong sự phát triển đi lên của mình ngày một hạn chế và làm giảm yếu cái quy luật ấy. Việc cá thể làm phương tiện phục vụ sự duy trì của giống nòi và chết sau khi đã làm xong nhiệm vụ vẫn là một tất yếu, nhưng tác động của cái tất yếu ấy ngày càng bộc lộ một cách ít trực tiếp hơn và ít độc nhất hơn, cùng với quá trình hoàn thiện các hình thái hữu cơ làm gia tăng tính tự chủ và tính hữu thức của các sinh linh cá thể. Như vậy, quy luật về sự đồng nhất của Dionysos và Hades - của sự sống chủng loại và sự chết cá thể - hay cũng thế, quy luật về sự đối lập và đối kháng giữa chủng loại và cá thể tác động mạnh hơn cả ở những bậc thấp của thế giới hữu cơ, còn với sự phát triển của các hình thái cấp cao thì ngày một suy yếu đi. Và nếu thế thì, với sự ra đời của một hình thái hữu cơ cấp cao nhất thể hiện một sinh linh cá thể tự ý thức và tự hoạt động, một sinh linh đã tách rời mình khỏi thiên nhiên, quan hệ với nó như với một khách thể và vì thế mà có thể có được tự do nội tại khỏi những yêu cầu của chủng loại - với sự xuất hiện một sinh linh như thế, phải chăng ách thống ngự độc tài của chủng loại đối với cá thể sẽ phải cáo chung? Nếu thiên nhiên trong tiến trình sinh học cố gắng ngày càng hạn chế quy luật của sự chết, thì phải chăng con người trong tiến trình lịch sử sẽ phải xoá bỏ hoàn toàn quy luật ấy đi?
Có điều rõ ràng hết sức là chừng nào con người còn sinh đẻ như con vật, nó còn chết như con vật. Nhưng mặt khác cũng rõ không kém, là sự kiêng kị đơn thuần hành vi sinh dục cũng không giải thoát khỏi cái chết: những người giữ trọn chữ trinh vẫn chết, cũng như những người đã hoạn; cả hai loại người này thậm chí đều chẳng được hưởng sự trường thọ nào đặc biệt. Điều này thật dễ hiểu. Sự chết nói chung là sự phản tích hợp của sinh linh, sự phân rã các nhân tố hợp thành nó. Thế nhưng sự phân chia giới tính, mà sự kết hợp bên ngoài và trong phút giây trong hành vi sinh dục không xoá bỏ nổi - sự phân chia bản nguyên nam và bản nguyên nữ của sinh linh con người tự nó đã là trạng thái phản tích hợp và là khởi nguyên của sự chết. Tồn tại trong phân chia giới tính tức là tồn tại trên đường đến cái chết, và ai không muốn hoặc không thể bước ra khỏi con đường ấy, sẽ phải đi đến tận cùng. Ai nuôi dưỡng gốc rễ của sự chết, người ấy tất yếu sẽ nếm trái của nó. Chỉ có con người nguyên vẹn mới có thể là bất tử, và nếu sự giao hợp sinh lý không thể khôi phục thật sự thể nguyên vẹn của sinh linh con người, thì có nghĩa là sự giao hòa hư ảo ấy phải được thay thế bằng giao hòa thực thụ, chứ tuyệt không phải bằng sự kiêng kị mọi sự giao hòa, tức là tuyệt không bằng cố gắng giữ trong nguyên trạng cái bản chất bị chia cắt, bị phân li và do đó mà hữu tử của con người.
Thế thì sự liên kết chân chính hai giới là thế nào và thực hiện bằng cách nào ? Cuộc sống của chúng ta còn quá xa chân lý về phương diện này, đến nỗi ở đây cái được coi là chuẩn mực chẳng qua chỉ là cái bất chuẩn ít cực đoan hơn, ít trơ trẽn hơn. Cái này còn phải được giải thích, trước khi đi tiếp.
II
Gần đây trong sách báo tâm thần học của Đức và Pháp xuất hiện một số công trình chuyên khảo nói về cái mà tác giả một công trình gọi là psychopathia sexualis (bệnh lý tâm thần tính dục), tức là những sự lệch chuẩn khác nhau và đa dạng trong quan hệ tính dục. Những công trình ấy, ngoài sự lý thú chuyên môn cho các nhà luật gia, cho y khoa và cho bản thân các bệnh nhân, còn thú vị từ một mặt khác, mà có lẽ cả các tác giả lẫn đa số độc giả đều không nghĩ đến. Cụ thể là, trong các chuyên khảo ấy được viết bởi những nhà khoa học rất khả kính và chắc có đạo đức không thể chê trách, cái khiến ta kinh ngạc là sự thiếu vắng mọi khái niệm rõ ràng và xác định về tiêu chuẩn của các quan hệ tính dục, về cái là và vì sao là thích đáng trong lĩnh vực này; do đó ngay sự xác định những lệch chuẩn, tức là bản thân đối tượng của những khảo cứu ấy, hóa ra cũng là một việc ngẫu nhiên và tuỳ tiện. Tiêu chuẩn duy nhất ở đây té ra là tính thường lệ hay bất thường của các hiện tượng: những ham mê và hành động nào tương đối hiếm hoi trong lĩnh vực tính dục thì được xem là những lệch chuẩn bệnh lý, cần chữa trị, còn những ham mê và hành động thông thường và phổ biến thì được định ước trước là hợp chuẩn. Sự lẫn lộn chuẩn với cái lệch chuẩn phổ biến, sự đồng nhất cái phải có với cái thường có ở đây đôi khi đạt mức khôi hài cao. Chẳng hạn, trong phần giải nghi học của một trong những công trình ấy, dưới mấy mục, ta thấy lặp đi lặp lại một liệu pháp sau đây: một phần bằng những khuyến dụ y học kiên trì, nhưng chủ yếu bằng ám thị thôi miên, người ta khiến bệnh nhân luôn luôn tưởng tượng ra hình ảnh phụ nữ khoả thân hay là những cảnh làm tình tuy thô bỉ, nhưng phổ biến, và sau đó cuộc chữa trị được thừa nhận là thành công và sự phục hồi sức khoẻ là đầy đủ, nếu do ảnh hưởng của sự kích thích nhân tạo ấy bệnh nhân bắt đầu chăm lui tới các lupanaria (nhà chứa) một cách đầy thích thú và có thành tích … Đáng ngạc nhiên là các nhà học giả khả kính ấy đã không bị bắt đứng lại bởi một suy nghĩ đơn giản là cái kiểu liệu pháp ấy càng thành công bao nhiêu, thì bệnh nhân càng dễ bị đặt vào tình huống phải từ một bộ môn y khoa này cầu viện sự giúp đỡ của bộ môn khác, và thắng lợi vẻ vang của nhà tâm thần học có thể sẽ làm cho nhà da liễu học rất vất vả.
Những biểu hiện méo mó lệch lạc của tính dục được nghiên cứu trong các sách y khoa quan trọng đối với chúng ta như một sự phát triển cực đoan cái đã đi sâu vào cuộc sống hàng ngày của xã hội chúng ta, cái vẫn được xem là bình thường, là được cho phép. Những biểu hiện bất thường ấy chỉ biểu thị sắc nét hơn cái tồi tệ xấu xa đã ăn sâu vào trong những quan hệ của chúng ta trong lĩnh vực này. Có thể chứng minh ý này bằng sự xem xét tất cả những sa đoạ tính dục riêng lẻ, nhưng tôi hi vọng trong việc này, người ta sẽ châm chước cho tôi sự luận chứng không đầy đủ và xin được giới hạn chỉ bằng một hiện tượng dị thường chung hơn và ít gây tởm hơn trong lĩnh vực tính dục. Ở nhiều người hầu như chỉ thuộc giới nam, dục hứng được kích thích chủ yếu và đôi khi chỉ bởi một bộ phận này hay bộ phận khác trong con người khác giới (thí dụ: tóc, tay, chân), và thậm chí bởi những vật bên ngoài - những bộ phận xác định của y phục, v.v… Cái dị thường này được gọi là thói thờ vật trong tình yêu. Sự bất bình thường của thói thờ vật ấy chắc là ở chỗ một bộ phận được đặt vào vị trí của chỉnh thể, một thuộc tính - vào vị trí của bản chất. Nhưng nếu tóc hay chân kích thích người thờ vật là những bộ phận của thân thể phụ nữ thì chính cái thân thể ấy, với toàn bộ thành phần của nó, chỉ là một bộ phận của sinh linh nữ, nhưng tuy thế, biết bao nhiêu vị chuyên yêu thích thân thể phụ nữ không hề gọi mình là những kẻ thờ vật, không bị coi là mất trí và không phải điều trị gì hết. Thế thì nơi đây sự khác biệt là ở đâu? Chẳng lẽ chỉ ở chỗ tay hoặc chân có diện tích ít hơn toàn bộ thân thể?
Nếu, xét về nguyên tắc, quan hệ tính dục, mà trong đó bộ phận được đặt vào chỗ của chỉnh thể, là không bình thường, thì những người bằng cách này hay cách kia mua thân thể phụ nữ để thoả mãn nhục dục và bằng cách ấy chia cắt thân thể khỏi linh hồn, những người ấy lẽ ra phải được xem là bất bình thường về phương diện tính dục, là mắc chứng tâm thần, là những kẻ thờ vật trong tình yêu, và thậm chí là những kẻ yêu thích xác chết. Nhưng trong khi ấy thì những người yêu xác chết và đương chết trong khi còn sống ấy lại được coi là những người bình thường và hầu như toàn thể loài người đều đi qua cái chết thứ hai ấy!
Lương năng chưa bị dập tắt và cảm quan thẩm mỹ chưa chai sạn của ta, hòa hợp hoàn toàn với nhận thức triết học, rõ ràng lên án mọi quan hệ tính dục đặt trên cơ sở tách rời và biệt lập cái lĩnh vực cấp thấp, cấp động vật, của sinh linh con người khỏi những lĩnh vực cấp cao. Mà ngoài nguyên tắc ấy không thể tìm ra một tiêu chí vững chắc nào để phân biệt cái bình thường, cái hợp chuẩn với cái không bình thường, cái bất chuẩn trong lĩnh vực tính dục. Nếu nhu cầu về một số hành vi sinh lý nhất định có quyền được thoả mãn bằng bất cứ giá nào chỉ vì đó là nhu cầu, thì hoàn toàn cũng có quyền được thoả mãn như thế cả nhu cầu của anh “thờ vật trong tình yêu’’, mà đối tượng mong muốn duy nhất của y về phương diện tính dục chỉ là cái tạp dề treo trên dây, vừa mới giặt và còn chưa khô. Nếu cố tìm khác biệt giữa con người kì cục ấy và một vị khách thường kì của nhà chứa thì, dĩ nhiên, sự khác biệt ấy sẽ có lợi hơn cho anh thờ vật: niềm ham mê cái tạp dề rõ ràng là tự nhiên, không giả vờ, bởi vì không thể nghĩ ra một động cơ giả tạo nào cho nó, trong khi đó thì nhiều người lui tới nhà chứa tuyệt không phải vì có nhu cầu thật, mà chỉ vì những lý do vệ sinh giả tạo, vì bắt chước những gương xấu, vì quá chén,v.v…
Người ta lên án những biểu hiện bệnh lý tâm thần của dục tính trên căn cứ chúng không ứng hợp với chức năng tự nhiên của hành vi tính giao, tức là sinh con đẻ cái. Tất nhiên sẽ là nghịch lý khẳng định rằng cái tạp dề mới giặt hay thậm chí chiếc giày đã mòn gót có thể phục vụ cho việc sản sinh con cái; nhưng chắc sẽ là không kém nghịch lý khẳng định rằng thiết chế gái điếm phù hợp với mục đích ấy. Sự trụy lạc “tự nhiên” xem ra cũng đối nghịch với sự sinh con đẻ cái như là cái truỵ lạc “phản tự nhiên”, cho nên cả từ quan điểm này cũng không có căn cứ nào để cho một trong hai cái là hợp chuẩn, còn cái khác là phi chuẩn. Còn nếu, cuối cùng, đứng trên quan điểm cái có hại cho mình và cho những người khác thì, tất nhiên, một anh thờ vật, cắt trộm mớ tóc hay là đánh cắp mùi soa của những phụ nữ không quen biết, gây thiệt hại cho sở hữu của người khác và cho danh dự của chính mình, nhưng lẽ nào có thể so sánh thiệt hại ấy với cái hại được gây bởi những con người bất hạnh đương quảng bá cái bệnh truyền nhiễm khủng khiếp thường là hậu quả của sự thoả mãn “tự nhiên” một nhu cầu “tự nhiên”?
III
Tôi nói tất cả những cái đó không phải để biện hộ cho những phương thức phản tự nhiên, mà để lên án những phương thức giả tự nhiên trong sự thoả mãn dục tình. Nhìn chung, nói về tính tự nhiên hay phản tự nhiên, không nên quên rằng con người là một sinh linh phức hợp và cái là tự nhiên cho một trong những yếu tố hay là phần tử cấu thành của nó có thể là phản tự nhiên đối với yếu tố khác và do đó là không bình thường đối với chỉnh thể con người.
Đối với con người với tư cách một động vật, hoàn toàn tự nhiên thoả mãn không giới hạn nhu cầu tính dục của mình thông qua một hành vi sinh lý xác định, nhưng con người như một sinh linh hữu luân thấy hành vi ấy là đối nghịch với bản chất cao cấp của mình và hổ thẹn nó… Với tư cách một động vật xã hội, là tự nhiên đối với con người hạn chế chức năng sinh lý có liên quan đến những người khác bằng những quy định của luật lệ đạo đức-xã hội. Luật lệ ấy giới hạn từ bên ngoài và khép kín hoạt động động vật ấy, biến nó thành phương tiện cho một mục đích xã hội - hình thành liên minh gia đình. Nhưng bản chất vấn đề không vì thế mà thay đổi. Liên minh gia đình dẫu sao vẫn dựng xây trên sự liên kết vật chất bên ngoài giữa hai giới, nó để con người-con vật ở lại trong trạng thái phân hóa nửa vời trước đây, mà trạng thái ấy tất yếu dẫn đến sự tiếp tục phân hóa sinh linh con người, tức là đến sự chết.
Nếu mà con người, ngoài bản chất động vật của mình, chỉ là một sinh linh đạo đức-xã hội, thì trong hai yếu tố đối đầu ấy - tự nhiên như nhau cho con người - thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về yếu tố thứ nhất. Luật lệ đạo đức-xã hội và thể khách thể hóa của nó - gia đình - đưa bản chất động vật của con người vào trong đường biên cần thiết cho sự tiến bộ của chủng loại, chúng trật tự hóa cuộc sống hữu tử, nhưng không mở đường đến sự bất tử. Sinh linh cá thể cũng hao mòn và chết trong trật tự đạo đức-xã hội như giả sử nó ở lại mãi mãi dưới quy luật sự sống động vật. Con voi và con quạ hóa ra trường thọ hơn rất nhiều so với một con người đức hạnh nhất và quy củ nhất. Nhưng ở con người, ngoài bản chất động vật và luật lệ đạo đức-xã hội còn có bản nguyên thứ ba, cao nhất - bản nguyên tinh thần, thần bí hay thần thánh. Cả ở đây, trong lĩnh vực tình yêu và quan hệ tình dục, nó cũng là hòn đá mà những người thợ xây đã bỏ đi, nhưng hóa ra nó lại là đá nền. Đi trước sự liên kết sinh lý trong tự nhiên động vật - sự liên kết này dẫn đến sự chết, và đi trước sự liên kết hợp pháp trong trật tự đạo đức-xã hội - trật tự này không cứu khỏi cái chết - phải có sự liên kết trong Thượng Đế, nó đưa đến sự bất tử, bởi vì nó không chỉ giới hạn sự sống hữu tử của giới tự nhiên bằng luật lệ con người, mà tái sinh sự sống ấy bằng sức mạnh vĩnh cửu và bất hủ của thiên ân. Cái phần tử thứ ba ấy mà trong trật tự chân chính là thứ nhất, với những đòi hỏi của nó, là hoàn toàn tự nhiên đối với con người trong chỉnh thể của nó như một sinh linh dự phần vào bản nguyên thánh thần tối cao và làm môi giới giữa bản nguyên ấy và thế giới. Còn hai phần tử cấp thấp hơn - bản chất động vật và luật lệ xã hội - cũng tự nhiên ở vị trí của mình, chúng trở lên phản tự nhiên, khi bị đặt tách rời khỏi phần tử cấp cao nhất ấy và thay thế nó. Trong lĩnh vực tình yêu hữu tính, là phản tự nhiên đối với con người không chỉ mọi sự thoả mãn những nhu cầu nhục thể một cách vô trật tự, thiếu ánh sáng thiêng hóa từ trên cao của tinh thần, y như những con vật (ấy là chưa nói đến những hiện tượng bệnh lý tâm thần tính dục quái đản) mà còn không xứng đáng với con người và là phản tự nhiên cả những liên minh giữa những cá nhân được giao ước và duy trì chỉ trên cơ sở luật lệ dân sự, chỉ vì những mục đích luân lý-xã hội, với sự loại bỏ hay là vô hiệu hóa yếu tố đích thị tinh thần, yếu tố thần bí ở con người. Nhưng chính sự xếp đặt đảo ngược như thế những quan hệ hữu tính, phản tự nhiên từ quan điểm sinh linh con người toàn vẹn, lại thống ngự trong đời sống chúng ta và được xem là bình thường, hợp chuẩn, còn tất cả sự lên án thì trút xuống những con người bất hạnh, mắc bệnh thái nhân cách trong tình yêu, họ chỉ đẩy đến những cực đoan nực cười, quái dị, đôi khi đáng tởm, nhưng phần lớn tương đối vô hại cái lệch lạc méo mó cơ bản được người đời chấp nhận và thống ngự khắp nơi ấy.
IV
Những méo mó lệch lạc thiên hình vạn trạng của bản năng tính dục, mà các nhà tâm thần học nghiên cứu, chỉ là những biến tướng kì dị của sự méo mó lệch lạc chung, thẩm thấu tất cả của những quan hệ liên tính trong loài người - cái méo mó lệch lạc, mà bằng nó vương quốc của tội lỗi và của sự chết được duy trì. Mặc dù cả ba quan hệ liên tính hay là ba mối liên lạc tự nhiên đối với con người trong tổng thể của nó, tức là quan hệ trong cuộc sống sinh vật, hay là theo tự nhiên hạ đẳng, sau đó quan hệ luân lý - đời thường, hay là dưới pháp luật và cuối cùng quan hệ trong sự sống tinh thần, hay là sự giao hòa trong Chúa Trời, - mặc dù cả ba quan hệ ấy vẫn tồn tại trong nhân loại, nhưng chúng được thực hiện một cách phản tự nhiên, tức là tách biệt cái này khỏi cái kia, trong trình tự trái ngược với ý nghĩa và trật tự chân chính của chúng và không đồng đều.
Chiếm vị trí số một trong thực tại của chúng ta là cái mà lẽ ra phải ở vị trí cuối cùng - mối liên lạc sinh lý động vật. Nó được xem là nền móng của tất cả, trong khi ấy là đáng lẽ nó phải là sự hoàn tất cuối cùng. Đối với nhiều người, sự đặt móng ở đây trùng với hoàn thành công trình: họ không đi xa hơn những quan hệ động vật; với những người khác, trên nền móng rộng lớn này được dựng lên cái kiến trúc thượng tầng xã hội-đạo đức của liên minh gia đình hợp pháp. ở đây, cái trung bình đời thường được coi là đỉnh cao của cuộc sống, cái đáng lẽ phải là biểu hiện tự do, đầy ý nghĩa của thể thống nhất vĩnh hằng, trong tiến trình thời gian đã trở thành dòng chảy vô tình của đời sống vật chất vô nghĩa. Và sau đó, cuối cùng, như một hiện tượng hiếm hoi ngoại biệt, còn lại cho không nhiều người đặc tuyển cái tình yêu thuần tuý tinh thần mà toàn bộ nội dung hiện thực của nó đã bị cướp đi bởi những quan hệ khác, cấp thấp hơn, và nó phải tự vừa lòng với chất tình cảm mơ tưởng vô hiệu quả, thiếu mọi nhiệm vụ thực tế và mọi mục tiêu sống còn. Cái tình yêu tinh thần bất hạnh ấy giống như những thiên thần bé nhỏ trong hội hoạ cổ, chúng chỉ có đầu và cánh nhỏ xíu và ngoài ra không có cái gì khác. Những thiên thần ấy không làm gì cả, vì không có tay, và cũng không thể chuyển động lên phía trước, bởi vì bộ cánh tí xíu của chúng chỉ đủ lực để giữ chúng bất động trên một độ cao nhất định. Tình yêu tinh thần cũng ở trong trạng thái cao thượng, nhưng cực kì không thoả đáng như thế. Cái dục vọng sinh lý có trước mình một công việc nhất định, mặc dù đáng xấu hổ; liên minh gia đình hợp pháp cũng thực hành một công việc vẫn còn là thiết yếu, tuy phẩm chất xoàng xĩnh. Nhưng tình yêu tinh thần, như nó vẫn xuất hiện cho đến nay, tuyệt không có một công việc nào cả, cho nên không lấy làm lạ, là đa số những người sành sỏi việc đời glaubt an keine Liebe oder nimmt’s fur Poêsie.
Tình yêu chỉ là tinh thần ấy xem ra cũng là một dị thường như tình yêu chỉ là sinh lý hay hôn ước chỉ để sống chung. Chuẩn mực tuyệt đối là khôi phục thể toàn vẹn của sinh linh con người, cho nên dù chuẩn mực ấy bị vi phạm về phía này hay phía kia, kết quả trong mọi trường hợp vẫn là bất chuẩn, vẫn là phản tự nhiên. Tình yêu tinh thần hư mạo là một hiện tượng không những bất chuẩn, mà còn hoàn toàn vô đích, bởi vì sự tách rời tinh thần khỏi nhục thể, mà nó hướng tới, không có nó thì vẫn được sự chết thực hiện một cách mỹ mãn. Tình yêu tinh thần chân chính không phải là sự bắt chước yếu ớt và sự báo trước cái chết, mà là sự chiến thắng cái chết, không phải là sự tách biệt cái bất tử khỏi cái hữu tử, cái vĩnh cửu khỏi cái nhất thời, mà là sự cải hóa cái hữu tử thành bất tử, sự thu nhận cái nhất thời vào cái vĩnh hằng. Tính tinh thần hư mạo là sự phủ định xác thịt, tính tinh thần chân chính là sự tái sinh, sự cứu độ, sự phục sinh xác thịt.
V
‘Ngày mà Chúa Trời tạo ra con người, Ngài tạo nó theo hình ảnh của Chúa, tạo ra chồng và vợ’.
‘Mầu nhiệm này thật là cao cả, tôi muốn nói về Đức Ki Tô và Hội Thánh’.
Hình ảnh khởi thuỷ bí ẩn của Chúa Trời, mà theo nó con người được sáng tạo, liên quan không phải với một bộ phận nào riêng biệt của sinh linh con người, mà với thể thống nhất chân chính của hai mặt cơ bản của nó, mặt nam và mặt nữ. Chúa Trời quan hệ thế nào với vật tạo của mình, Đức Ki Tô quan hệ thế nào với Hội Thánh của mình, thì người chồng cũng phải quan hệ như thế với người vợ của mình. Những lời ấy phổ thông ở mức nào, thì cũng ít được hiểu thấu ở mức ấy. Chúa Trời sáng tạo vũ trụ thế nào, Đức Ki Tô tạo lập Hội Thánh (giáo hội) thế nào thì cũng như thế, con người phải kiến tạo phần bổ sung nữ tính của mình. Người giới nam là bản nguyên chủ động, người giới nữ là bản nguyên thụ động, người thứ nhất phải ảnh hưởng tạo tác tới trí khôn và tính cách của người thứ hai - cái đó dĩ nhiên là những điều sơ đẳng, nhưng chúng tôi muốn nói về không phải cái quan hệ bề ngoài ấy, mà về cái “mầu nhiệm cao cả”, mà vị tông đồ đã nói đến. Cái mầu nhiệm cao cả ấy là một tương đồng quan trọng, tuy không phải là sự đồng nhất, giữa quan hệ nhân tính và quan hệ thần tính. Bởi lẽ ngay sự tạo lập Hội Thánh bởi Đức Ki Tô đã khác sự sáng tạo vũ trụ bởi Chúa Trời như chính Ngài. Chúa Trời sáng tạo hoàn vũ từ hư không, tức là từ tiềm năng tồn tại thuần tuý, hay là từ cái trống không được rót đầy một cách có trình tự, có nghĩa là nó thu nhận từ hành động của Chúa những hình thể hữu thực của các sự vật được trí hội, trong khi ấy thì Đức Ki Tô kiến tạo Giáo Hội từ nguyên liệu đã thành hình, muôn màu muôn vẻ, sống động và tự hoạt động trong những bộ phận của nó - từ nguyên liệu, mà chỉ cần truyền cho nó khởi nguyên của một cuộc sống tinh thần mới trong lĩnh vực nhất thống mới, cao nhất. Cuối cùng, con người để thực thi tác động sáng tạo, tìm thấy ở người phụ nữ một nguyên liệu bình đẳng với nó về mức thực tại hóa, mà trong tương quan nó chỉ có ưu thế tiềm ẩn của sáng kiến, chỉ có quyền và nghĩa vụ thực hiện bước đầu tiên trên đường đi đến sự hoàn hảo, chứ không phải đã có sẵn sự hoàn hảo. Chúa Trời quan hệ với vật tạo như cái tất cả quan hệ với cái hư không, tức là như cái tồn tại viên mãn tuyệt đối quan hệ với tiềm năng tồn tại thuần tuý; Đức Ki Tô quan hệ với Giáo hội như cái hoàn hảo thực tại quan hệ với tiềm năng hoàn hảo được cải hóa thành cái hoàn hảo thực sự, còn quan hệ giữa chồng và vợ là quan hệ của hai tiềm năng tác động khác nhau, nhưng đều không hoàn hảo như nhau, chúng chỉ đạt được tính hoàn hảo bằng quá trình tương tác. Nói một cách khác, Chúa Trời không nhận cho mình một cái gì ở vật tạo, tức là nó không bổ sung gì cho Ngài, mà chỉ Ngài cho nó tất cả; Đức Ki Tô không nhận từ Giáo hội một bổ sung gì cho sự hoàn hảo của Ngài, toàn bộ sự hoàn hảo là Ngài cho nó, nhưng Ngài nhận được từ Giáo hội sự bổ sung theo nghĩa tính viên mãn của thân thể tập hợp của Ngài; cuối cùng, con người và alter ego (cái tôi khác) nữ tính của nó bổ sung cho nhau không chỉ theo nghĩa thực tại, mà cả theo nghĩa lý tưởng, đạt tới hoàn hảo chỉ thông qua tác động qua lại. Con người có thể khôi phục một cách sáng tạo hình ảnh Chúa Trời trong đối tượng sống của tình yêu của mình chỉ bằng cách đồng thời khôi phục hình ảnh ấy ở trong mình; song để làm cái đó, nó không có lực ở bản thân, vì giả sử có, thì nó đã không cần được khôi phục; không có ở mình, nó phải nhận được ở Chúa. Như vậy, con người (người chồng) là bản nguyên sáng tạo, tạo tác đối với phần bổ sung nữ tính của mình không phải với tư cách tự thân, mà với tư cách người trung gian hay người dẫn truyền lực thánh thần. Kì thực, cả Đức Ki Tô tạo dựng Giáo hội cũng không bằng sức mạnh nào đó của riêng Ngài, mà bằng vẫn sức mạnh sáng tạo ấy của thần tính; song bản thân vốn là Chúa Trời, Ngài có sức mạnh ấy theo bản thể và theo thực tại (actu), còn chúng ta thì có nó theo thiên ân và theo mức độ tiếp thụ, còn tự ta chỉ có ở ta cái khả năng (tiềm năng) tiếp thụ thiên ân ấy.
Chuyển sang trình bày những yếu tố cơ bản của quá trình thực hiện tình yêu chân chính, tức là quá trình tích hợp sinh linh con người hay khôi phục trong nó hình ảnh của Chúa Trời, tôi thấy trước sự ngỡ ngàng của nhiều bạn đọc: việc gì phải leo trèo lên những tầng cao bất cập và hư ảo đến thế vì một chuyện đơn giản như tình yêu? Nhưng nếu tôi cho tiêu chuẩn tôn giáo của tình yêu là hư ảo thì tất nhiên, tôi đã không kiến nghị nó. Cũng đúng như thế, nếu tôi muốn nói chỉ về tình yêu đơn giản, tức là về những quan hệ nam nữ thông thường và tầm thường - về cái vẫn hay có chứ không phải cái phải có - thì, dĩ nhiên, tôi đã kiêng kị mọi bình luận về đề tài này bởi vì, không nghi ngờ gì nữa, những quan hệ đơn giản ấy thuộc về những sự việc, mà một ai đó đã nói về chúng: làm cái đó là không tốt, nhưng nói về cái đó còn xấu hơn. Nhưng tình yêu, như tôi hiểu nó, ngược lại, là một việc rất phức tạp, bị che tối và làm cho rối rắm, nó đòi hỏi một sự phân tích và khảo cứu hoàn toàn hữu thức, và ở đây cần lo lắng không phải cho tính đơn giản, mà cho chân lý… Một gốc cây mục thối rõ ràng đơn giản hơn một cây đại thụ xanh tốt, xum xuê lá cành và xác chết cũng đơn giản hơn con người sống. Thái độ đơn giản đối với tình yêu kết thúc bằng sự đơn giản hóa triệt để và cực đoan, mà tên của nó là sự chết. Cái kết cục không thể tránh, song cũng không thể là thoả đáng như thế của tình yêu “đơn giản” thôi thúc chúng ta tìm kiếm cho nó một nguyên lý khác, phức hợp hơn.
VI
Cơ đồ của tình yêu chân chính trước hết đặt trên cơ sở niềm tin. ý nghĩa căn bản của tình yêu, như trên đã cho thấy, là sự thừa nhận giá trị tuyệt đối ở một sinh linh khác. Nhưng trong tồn tại nghiệm chứng, được tri giác trong thực tại bằng cảm tính, sinh linh ấy không có ý nghĩa tuyệt đối: nó không thập toàn về phẩm chất và nhất thời về kiểu tồn tại của mình. Do đó, ta chỉ có thể khẳng định ý nghĩa tuyệt đối ở nó bằng niềm tin, niềm tin là sự bố cáo cái hằng mong, là sự phát giác cái tàng hình. Nhưng niềm tin liên quan với cái gì trong trường hợp này? Quả thật, thế nào là tin vào ý nghĩa tuyệt đối và do đó mà vô tận của một con người cá thể nào đó? Khẳng định rằng nó tự nó, với tư cách chỉ là nó, trong tính cá biệt và lẻ loi của nó, có ý nghĩa tuyệt đối, sẽ là vừa lố bịch vừa xúc phạm thần thánh. Tất nhiên, từ “sùng bái” rất thông dụng trong lĩnh vực quan hệ yêu đương, thế nhưng cả từ “điên rồ” cũng được áp dụng chính đáng vào khu vực này. Như vậy, tuân thủ quy luật lôgic học không cho phép đồng nhất hóa những định nghĩa mâu thuẫn nhau, cũng như theo lời khuyên răn của tôn giáo chân chính cấm thờ bái thần tượng, ta phải hiểu niềm tin vào đối tượng tình yêu của ta là sự khẳng định đối tượng ấy tồn tại trong Chúa Trời, và theo nghĩa ấy, nó có giá trị tuyệt đối. Tất nhiên, thái độ siêu nghiệm ấy đối với cái tôi thứ hai của ta, sự chuyển vị nó trong ý tưởng vào lĩnh vực của thánh thần đòi hỏi cũng một thái độ như thế đối với bản thân ta, ta cũng chuyển vị mình và khẳng định mình như thế ở trong lĩnh vực cái tuyệt đối. Ta có thể thừa nhận ý nghĩa tuyệt đối của con người nào đó hay là tin vào nó (không có cái đó thì không thể có tình yêu thực thụ) chỉ bằng cách khẳng định nó trong Chúa Trời, tức là tin vào chính Chúa Trời và tin vào bản thân ta như là kẻ có ở trong Chúa trung tâm và cội nguồn của sinh linh của mình. Niềm tin hợp tam ấy đã là một hành động nội tại nhất định, và hành động ấy đặt cơ sở đầu tiên cho sự tái hợp nhất đích thực con người với cái tôi khác của nó và cho sự khôi phục trong nó (hay là trong họ) hình ảnh của Chúa Trời tam-nhất. Hành động của đức tin trong những điều kiện hiện thực của thời gian và không gian là nguyện cầu (theo nghĩa cơ bản, chứ không phải kĩ thuật của từ này). Sự liên kết không tách rời mình với người khác ở hành động này là bước đầu tiên tiến tới sự hòa đồng đích thực. Tự nó, bước ấy bé nhỏ, nhưng không có nó thì không thể có cái tiếp theo và cái to lớn hơn.
Vì đối với Chúa Trời vĩnh hằng và thống nhất, tất cả đều tồn tại cùng nhau và cùng một lúc, cho nên khẳng định một sinh linh cá thể nào đó trong Chúa - tức là khẳng định nó không trong thể đơn lập của nó, mà trong tất cả hay, nói đúng hơn, trong thể thống nhất của tất cả. Nhưng bởi vì sinh linh cá thể ấy trong thực tại nghiệm chứng của nó không hòa nhập thể thống nhất của tất cả mà tồn tại đơn lập, như một hiện tượng vật chất cá biệt, cho nên đối tượng của tình yêu mang đức tin nơi ta tất yếu phải khác cái khách thể nghiệm chứng của tình yêu bản năng của ta, mặc dù gắn bó không thể tách rời với nó. Đây vẫn là một con người dưới hai dạng thức khác nhau hay là ở hai lĩnh vực khác nhau của sinh tồn, lĩnh vực lý tưởng và lĩnh vực thực tại. Con người thứ nhất hãy còn là ý tưởng. Nhưng trong tình yêu chân chính, tình yêu có đức tin và có mắt, ta biết rằng ý tưởng ấy không phải là hư cấu tuỳ tiện của ta, mà là chân lý của đối tượng của ta, có điều chân lý ấy chưa được hiện thực hóa thành hiện tượng thực tại bên ngoài.
Cái ý tưởng chân xác ấy về đối tượng mến yêu, mặc dù cũng hiển lộ qua hiện tượng thực tại trong những khoảnh khắc hứng khởi cao độ của tình yêu, nhưng ban đầu nó xuất hiện rõ hơn trong trí tưởng tượng. Hình thức cụ thể của cái được tưởng tượng ấy, hình ảnh lý tưởng của khuôn mặt được ta mến yêu trong lúc này, tất nhiên, do ta tạo ra, nhưng nó được tạo ra không phải từ hư vô, và tính chủ quan của hình ảnh ấy, như nó hiện ra giờ đây và ở đây trước mắt của hồn ta, tuyệt không chứng tỏ tính chủ quan, tức là tính tồn tại chỉ cho ta, của bản thân đối tượng. Nếu đối với ta, bên này bờ thế giới siêu tại, một đối tượng lý tưởng nào đó hiện ra chỉ như một tác phẩm của trí tưởng tượng, thì cái đó vẫn không ngăn trở tính hiện thực đầy đủ của nó trong lĩnh vực khác, cao hơn của sinh tồn. Và mặc dù cuộc sống thực tại của ta nằm ngoài lĩnh vực ấy, trí tuệ ta không hoàn toàn xa lạ với nó, và ta có thể có một khái niệm trí hội xác định về những quy luật tồn tại của nó. Và đây, luật đầu tiên, luật cơ bản: nếu trong thế giới chúng ta sự tồn tại đơn lập và cô lập là sự thật và thực tại, còn thể thống nhất chỉ là khái niệm và ý tưởng, thì nơi ấy, ngược lại, hiện thực thuộc về thể thống nhất, hoặc nói đúng hơn, thể- nhất-thống-của-tất-cả, còn tính đơn lập và biệt lập chỉ tồn tại trong tiềm năng và trong chủ quan.
Từ đó có thể suy ra rằng sự sống của con người trong lĩnh vực siêu tại không phải là sự sống cá thể theo nghĩa thực tại nơi đây. Nơi ấy, tức là trong chân lý, khuôn mặt cá thể chỉ là một tia sáng, sống động và thực tại, nhưng là một tia sáng không thể tách rời của một mặt trời ý tưởng - một bản thể nhất thống của tất cả. Cái khuôn mặt lý tưởng ấy, hay là cái ý tưởng đã nhập thể, chỉ là sự cá thể hóa thể thống nhất của tất cả, thể thống nhất ấy tồn tại không chia cắt trong mỗi một thể cá thể hóa của mình. Như vậy, khi ta tưởng tượng ra hình thức lý tưởng của đối tượng mến yêu thì dưới hình thức ấy, chính cái bản thể thống nhất của tất cả đã được báo cho ta. Thế thì ta phải ý niệm nó thế nào?
VII
Chúa Trời nhất thể vừa phân định khỏi mình (cái thể khác) của mình, tức là tất cả cái không phải là chính Ngài, vừa đồng thời liên kết tất cả cái đó với mình, ý niệm tất cả cái đó tồn tại cùng nhau và cùng một lúc dưới hình thức hoàn hảo tuyệt đối, tức là như một thể thống nhất. Cái thể thống nhất khác ấy, khác biệt tuy không thể tách rời thể thống nhất nguyên thuỷ của Chúa, trong quan hệ với Chúa là thể thống nhất thụ động, nữ tính, bởi vì ở đây cái trống không vĩnh hằng (tiềm năng thuần tuý) tiếp nhận sự sống viên mãn của Chúa. Nhưng nếu cơ sở của nữ tính vĩnh hằng ấy là cái hư không thuần tuý, thì đối với Chúa, cái hư không ấy được che khuất bởi hình ảnh hoàn hảo tuyệt đối được tiếp nhận từ chính Ngài. Cái tuyệt hảo mới bắt đầu được hiện thực hóa cho ta ấy, đối với Chúa, tức là trong chân lý, đã là thực tại. Thể thống nhất lý tưởng ấy, mà thế giới chúng ta hướng về nó và nó là mục đích của tiến trình hoàn vũ và tiến trình lịch sử, không thể chỉ là một khái niệm chủ quan của ai đó (bởi vì nếu thế thì nó là của ai?) mà đích thực là đối tượng vĩnh hằng của tình yêu của Chúa, là cái thể khác vĩnh hằng của Ngài.
Lí tưởng sống động ấy của tình yêu của Chúa, đi trước tình yêu của chúng ta, ẩn chứa trong mình bí mật của sự lý tưởng hóa trong tình yêu. Ở đây, sự lý tưởng hóa một sinh linh cấp thấp hơn đồng thời là bước đầu hiện thực hóa một sinh linh cấp cao hơn, và chân lý của cảm hứng hay là khí thế của tình yêu chính là ở đây. Còn sự hiện thực hóa đầy đủ, sự hóa hình một sinh linh nữ cá thể thành một tia sáng không tách rời nguồn sáng của mình - Nữ tính Vĩnh hằng Thánh thần - sẽ là sự tái hợp hiện thực, không chỉ chủ quan, mà cả khách quan, của con người cá thể với Chúa Trời, sự khôi phục trong nó hình ảnh sống và bất tử của Chúa.
Đối tượng của tình yêu chân chính không đơn giản, mà lưỡng phân: thứ nhất, chúng ta yêu một sinh linh lý tưởng (không theo nghĩa trừu tượng, mà theo nghĩa thuộc về một lĩnh vực sinh tồn khác, cao hơn), mà chúng ta phải đưa vào thế giới thực tại của ta; và thứ hai, chúng ta yêu một sinh linh con người tự nhiên, nó cho ta nguyên liệu sống cá thể cho sự hiện thực hóa nói trên và nhờ đó mà được lý tưởng hóa không phải theo nghĩa tưởng tượng chủ quan của ta, mà theo nghĩa khách quan của sự biến đổi thực sự, hay là sự tái sinh của nó. Như vậy, tình yêu chân chính vừa là thăng thượng vừa là giáng hạ không thể tách rời (amor ascendens và amor descendens, hay là hai Aphrodite, mà Platon đã phân biệt tốt, nhưng phân ly tồi - Aphroditê Urania và Aphroditê pan demos). Đối với Chúa Trời, cái thể khác của Ngài (tức là vũ trụ) vĩnh viễn mang hình ảnh nữ tính tuyệt hảo tuyệt mỹ, nhưng Ngài muốn cho hình ảnh ấy tồn tại không chỉ cho Ngài, mà được thực hiện hóa và hiện thân cho từng sinh linh cá thể có năng lực liên kết với Ngài. Và bản thân Nữ tính Vĩnh hằng cũng hướng tới sự hiện thực hóa và sự hiện thân như thế, bởi vì nó không chỉ là hình ảnh bất động trong trí tuệ của Chúa, mà là một sinh linh tinh thần sống động, hoàn toàn có đầy đủ sức mạnh và năng lực hành động. Toàn bộ tiến trình hoàn vũ và tiến trình lịch sử là tiến trình hiện thực hóa và hiện thân cái Nữ tính Vĩnh hằng ấy trong muôn vàn hình thái và cấp bậc.
Trong tình yêu hữu tính được hiểu chân chính và được thực hiện chân chính, bản thể thần thánh ấy nhận được một phương tiện cho sự hiện thân đến cùng, đến đích, của mình vào trong đời sống cá thể của con người, một phương thức liên kết với con người vừa sâu xa nhất lại vừa ngoại tại nhất, dễ cảm nhận như là thực tế nhất. Từ đó mà có những ánh lóe của hạnh phúc siêu phàm, có hơi thở phảng phất của niềm vui sướng không ở nơi đây, chúng đi với tình yêu, ngay tình yêu không hoàn hảo, và chúng biến nó, mặc dù không hoàn hảo, thành một lạc thú lớn nhất của loài người và của cả thần linh - hominum divomque voluptas. Cũng từ đó mà có nỗi đau khổ sâu sắc nhất của tình yêu không giữ gìn được đối tượng chân chính của mình và càng ngày càng rời xa nó.
Ở đây, cũng nhận được vị trí chính đáng của mình cả cái yếu tố sùng bái và trung thành vô hạn, nó là thuộc tính điển hình vô cùng của tình yêu và nó cũng có ít ý nghĩa vô cùng, nếu nó chỉ thuộc về đối tượng trần gian của tình yêu, cách biệt hoàn toàn đối tượng thiên giới.
Cơ sở thần bí của tính lưỡng diện hay, nói đúng hơn, tính song chiều của tình yêu giải quyết cả vấn đề về khả năng tái hiện tình yêu. Đối tượng trên trời của tình yêu của chúng ta chỉ có một, mãi mãi và đối với mọi người là một - Nữ tính Vĩnh hằng của Chúa. Nhưng vì nhiệm vụ của tình yêu chân chính không chỉ là tôn thờ cái đối tượng cao nhất ấy, mà là hiện thực hóa và nhập thể nó vào một sinh linh khác cấp thấp hơn, thuộc cũng hình thức nữ ấy, nhưng có bản chất trần gian, mà sinh linh ấy lại chỉ là một trong nhiều sinh linh, cho nên ý nghĩa độc nhất vô nhị của nó đối với người yêu mến nó, đương nhiên, cũng có thể là nhất thời. Nhưng có nên là thế hay không và vì sao, điều này được quyết định trong từng trường hợp cá thể và không phụ thuộc bởi cơ sở thần bí thống nhất và bất biến của tình yêu, nhưng lệ thuộc vào những điều kiện tinh thần và vật chất thực tế của nó, mà chúng ta cũng phải xem xét.