Sinh Ra Để Chạy - Chương 01
* * *
1
“Để sống với những bóng ma, bắt buộc phải về nơi hoang dã.”
– Anne Michaels, Fugitive Pieces (Những mảnh vụn phù du)
Đằng đẵng nhiều ngày, tôi lùng khắp dãy Sierra Madre, Mexico theo dấu một bóng ma được biết đến với cái tên Caballo Blanco – Ngựa Trắng. Cuối cùng, tôi dừng chân ở điểm cuối đường mòn, nơi rốt cuộc tôi có thể ngờ sẽ thấy anh ta – không phải giữa sâu thẳm chốn hoang sơ như người ta đồn đoán, mà trong sảnh tối tăm của một khách sạn cũ kỹ, ngay rìa thị trấn bụi mù miền sa mạc.
“Sí, El Caballo está.” Cô lễ tân gật đầu. Có, Ngựa Trắng ở đây.
“Thật không?” Sau quá nhiều lần phải nghe rằng vừa vuột mất anh ta, ở quá nhiều địa điểm kỳ quặc, tôi bắt đầu nghi ngờ rằng Caballo Blanco chỉ là một huyền thoại không hơn, một quái vật hồ Loch Ness được thêu dệt để đe trẻ nít và bịp mấy gã nước ngoài khờ khạo.
“Anh ta luôn trở lại đây đúng năm giờ.” Cô nói thêm. “Như một nghi lễ.”
Tôi không biết nên ôm chầm cô gái vì sung sướng hay đập tay mừng chiến thắng. Tôi nhìn đồng hồ. Tôi sắp tận mắt trông thấy bóng ma chỉ sau… mà khoan đã.
“Nhưng đã hơn sáu giờ rồi.”
Cô lễ tân nhún vai. “Có lẽ anh ta đã đi rồi.”
Tôi ngồi sụp xuống chiếc ghế xô-pha cổ lỗ sĩ. Tôi hôi hám, đói mềm, và thảm bại. Tôi đã cạn kiệt sức lực, và cạn kiệt cả đầu mối.
Có người nói Caballo Blanco là dân tị nạn; người khác lại nghe, anh là võ sĩ quyền anh bỏ trốn để trừng phạt bản thân sau khi đánh chết một đấu thủ trên võ đài. Không ai biết tên, tuổi hay lai lịch. Anh như những tay súng miền Viễn Tây, chỉ để lại dấu vết là các câu chuyện nhiều hư cấu hay một hơi khói xì gà thoảng qua. Những lời mô tả và những lần chạm trán xuất hiện ở khắp mọi nơi trên bản đồ; người dân ở những ngôi làng cách xa nhau đến phi lý lại thề thốt rằng cùng nhìn thấy anh một ngày và những lời mô tả về anh khác nhau một cách kỳ lạ, từ “hài hước và dễ gần” cho đến “kỳ quặc và khổng lồ”.
Nhưng trong tất cả các phiên bản về huyền thoại Caballo Blanco, vẫn có một số chi tiết cơ bản giống nhau: Anh tới Mexico từ nhiều năm trước và chuyển vào sâu trong vùng Barrancas del Cobre hoang vắng – Copper Canyon – để sống giữa những người Tarahumara (trong tiếng Tây Ban Nha, “h” là âm câm nên từ này được đọc là: Ta-ra-u-ma-ra), một bộ lạc kỳ bí, có những vận động viên siêu phàm từ thời kỳ đồ đá. Người Tarahumara có lẽ là giống người khỏe mạnh và thanh thản nhất Trái đất, và là những người chạy bộ vĩ đại nhất mọi thời đại.
Nói tới các cự ly siêu dài, chẳng gì có thể đánh bại một người chạy bộ Tarahumara – kể cả ngựa đua, báo đốm, hay vận động viên marathon Olympic. Có rất ít người từng nhìn thấy người Tarahumara thể hiện sức mạnh, nhưng những câu chuyện kỳ thú về sức bền bỉ siêu phàm và sự bình thản của họ đã vượt khỏi các hẻm núi từ nhiều thế kỷ trước. Một nhà thám hiểm thề rằng ông ta đã nhìn thấy một người Tarahumara tay không bắt hươu, sau khi rượt đuổi con vật dẻo dai “đến long móng guốc” và khiến nó gục chết vì kiệt sức. Một người phiêu lưu mạo hiểm khác thì kể anh ta phải mất tới 10 tiếng đồng hồ trên lưng một con la để vượt qua một đỉnh trong Copper Canyon; trong khi một người Tarahumara chạy bộ hết chính quãng đường đó chỉ vỏn vẹn 90 phút.
“Thử thứ này xem!” Có lần, một người phụ nữ Tarahumara nói với một nhà thám hiểm kiệt sức đã quỵ ngã dưới chân một ngọn núi. Bà đưa cho anh một quả bầu đựng thứ chất lỏng sẫm màu. Anh uống vài ngụm, và sửng sốt khi cảm thấy nguồn năng lượng mới chảy rần rật trong mạch máu. Anh lại đứng lên và leo tới đỉnh núi như một Sherpa uống quá liều caffein. Người Tarahumara, theo như lời nhà thám hiểm đó sau này kể lại, còn giữ bí mật về công thức chế biến một loại thực phẩm cung cấp năng lượng đặc biệt, giúp họ giữ được thân hình thon gọn, mạnh mẽ vô địch: chỉ một vài miếng loại thực phẩm đó là đủ dinh dưỡng chạy cả ngày không cần nghỉ.
Nhưng bất cứ bí mật nào người Tarahumara gìn giữ, họ đều giữ rất kín. Ngày nay, người Tarahumara vẫn sống trên rìa những vách đá còn cao hơn tổ chim diều hâu, tại một vùng đất không còn mấy người từng thấy. Barrancas là một thế giới đã mất, nằm ở vùng hoang sơ hẻo lánh nhất Bắc Mỹ, một kiểu Tam giác Bermuda trên cạn, nổi tiếng vì đã nuốt chửng những kẻ không biết lượng sức hay liều lĩnh lạc bước vào đây. Đầy rẫy hiểm nguy chực chờ dưới những hẻm núi này; có sống sót được trước lũ báo ăn thịt người, rắn độc hay sức nóng đến rộp da, thì bạn vẫn còn phải đối phó với “cơn sốt hẻm núi”, một nỗi sợ chết người do cảm giác hoang vắng dị thường của Barrancas mang lại. Càng đi sâu vào Barrancas, bạn sẽ càng cảm thấy như bị đóng chặt lại trong một hầm mộ. Những bức tường khép lại, những cái bóng trải rộng ra, lời thì thầm của những bóng ma văng vẳng; lối đi nào tưởng như cũng dẫn đến những vách đá dựng đứng. Những người đi khai khoáng trước đây đã từng rơi vào tình trạng điên loạn và tuyệt vọng như thế, để rồi nhiều kẻ đã tự tay cắt cổ chính mình, hoặc gieo mình xuống vách đá. Vì vậy, chẳng lạ khi có rất ít người từng nhìn thấy mảnh đất quê nhà của người Tarahumara, chứ chưa nói đến chuyện gặp được người dân bộ lạc này.
Nhưng bằng cách nào đó, Ngựa Trắng đã tới được những nơi sâu thẳm của Barrancas. Và ở đó, như người ta kể lại, anh được người Tarahumara chấp nhận như một người bạn và như một linh hồn thân thiện; một con ma giữa những bóng ma. Anh chắc chắn đã rèn luyện được hai kỹ năng của người Tarahumara – khả năng giấu mình và sức chịu đựng khác thường – bởi vì mặc dù người ta trông thấy anh khắp nơi trong hẻm núi, nhưng có vẻ như không ai biết anh sống ở đâu hay có thể tiếp tục xuất hiện ở nơi nào. Nếu có ai đó giải thích được những bí mật cổ đại của người Tarahumara, như tôi được nghe kể, thì đó chính là kẻ lang thang cô đơn này trên vùng núi cao Sierra.
Tôi bị ám ảnh bởi việc tìm Caballo Blanco tới mức lúc ngủ gật trên ghế xô-pha ở sảnh khách sạn còn tưởng tượng ra giọng nói của anh. “Chắc là giống như giọng gấu Yogi hỏi mua burrito ở Taco Bell.” Tôi thầm nghĩ. Một người như thế, một kẻ lang thang đi bất cứ đâu, nhưng chẳng phù hợp với bất kỳ chốn nào, hẳn chỉ sống trong tâm tưởng của bản thân và hiếm khi nghe thấy tiếng của chính mình. Anh chắc sẽ kể các câu chuyện cười kỳ cục, và tự làm mình cười phá lên. Anh hẳn phải có tiếng cười bùng nổ và một giọng Tây Ban Nha tồi tệ. Anh chắc phải ồn ào, nói nhiều và… và…
Chờ đã. Tôi đang nghe thấy những âm thanh đó thật. Tôi mở choàng mắt và nhìn thấy một xác chết bụi bặm, đội chiếc mũ rơm tả tơi đang đùa cợt với cô lễ tân. Bụi đường bám thành vệt trên gương mặt hốc hác như những vệt sơn vẽ mặt của thổ dân đang nhạt bớt, và đám tóc rối bù cháy nắng thò ra dưới vành mũ, như được cắt tỉa bằng một con dao săn. Với bộ dạng háu chuyện trước mặt cô lễ tân đang uể oải, anh trông hệt như một kẻ bị lạc trên hoang đảo.
“Caballo?” Tôi thốt lên.
Cái xác chết kia quay người lại, mỉm cười, và tôi tự thấy mình như một thằng ngốc. Anh ta không tỏ vẻ gì là cảnh giác; mà bối rối, hệt như bất cứ một vị khách du lịch nào khi bất thần chạm trán một gã điên ngồi trên ghế xô-pha hét gọi “Ngựa!”.
Đây không phải là Caballo. Chẳng có Caballo nào cả. Tất cả chỉ là một trò bịp, và tôi đã bị lừa.
Thế rồi, cái xác cất tiếng: “Anh biết tôi à?”
“Trời ơi!” Tôi lập cập đứng dậy. “Gặp được anh tôi mừng quá!”
Nụ cười biến mất. Cặp mắt của cái xác phóng thẳng ra cửa, như muốn nói rằng chỉ sau một giây nữa, anh cũng sẽ phóng ra theo.
* * *
2
Tất cả bắt đầu từ một câu hỏi đơn giản nhưng không ai đáp nổi.
Câu hỏi năm từ này đã dẫn tôi đến với tấm ảnh một người đàn ông chạy rất nhanh trong chiếc váy ngắn cũn cỡn, và rồi kể từ đây, những người tôi gặp ngày một thêm kỳ quái. Không lâu sau đó, tôi dính líu đến một vụ giết người, các băng đảng ma túy, và cả một gã đàn ông cụt một tay, với cái chén pho mát kem buộc trên đầu. Tôi đã gặp một nữ kiểm lâm tóc vàng xinh đẹp, cởi bỏ hết quần áo và tìm thấy sự cứu rỗi linh hồn khi chạy khỏa thân trong những khu rừng Idaho, một nữ vận động viên lướt sóng trẻ tuổi, tóc thắt bím, chạy thẳng vào chỗ chết ngoài sa mạc. Một thần đồng chạy bộ yểu mệnh. Hai người khác suýt cũng mất mạng.
Tôi tiếp tục tìm kiếm, và còn tình cờ gặp cả Người Dơi Chân Đất… Gã Khỏa Thân… Những người sống trong bụi rậm ở Kalahari… Người cụt móng chân… và cuối cùng là bộ lạc Tarahumara cổ xưa, cùng gã học trò bí ẩn của họ, Caballo Blanco.
Cuối cùng, tôi đã có được câu trả lời, nhưng chỉ sau khi nhận ra mình đang ở ngay trong cuộc đua vĩ đại nhất thế giới ngày nay: Giải vô địch Đối kháng môn chạy bộ, cuộc tỷ thí đỉnh cao giữa những người chạy bộ cự ly siêu dài giỏi nhất thời đại chúng ta với những người chạy bộ siêu dài giỏi nhất mọi thời đại, trong cuộc đua 50 dặm trên những con đường mòn bí ẩn chỉ có dấu chân người Tarahumara. Tôi sẽ giật mình phát hiện ra rằng lời dạy cổ xưa của Lão Tử – “Kẻ khéo đi không để lại dấu vết” – không phải lời thuyết giảng sáo rỗng, mà thực sự là chỉ dẫn luyện tập nghiêm túc, cụ thể và thực tiễn.
Tất cả bắt đầu vào một ngày tháng 1 năm 2001, khi tôi hỏi bác sĩ:
“Tại sao chân tôi đau?”
Tôi đã tới gặp chuyên gia hàng đầu về y học thể thao trong nước bởi có một cái que chọc vô hình nào đó cứ đâm thẳng vào gan bàn chân tôi. Tuần trước, khi đang chạy nhẹ nhàng khoảng ba dặm trên một con đường nông trại tuyết phủ, thì đột nhiên, tôi thét lên đau đớn, nắm chặt lấy bàn chân phải mà la hét chửi thề rồi ngã lăn xuống tuyết. Khi trấn tĩnh lại, tôi kiểm tra bàn chân, đinh ninh là đã đạp trúng mảnh đá nhọn, hoặc một cái đinh cũ kẹt trong lớp băng nào đó. Nhưng không hề có một giọt máu, thậm chí, giày cũng chẳng có lỗ thủng.
“Chạy bộ chính là vấn đề của anh.” Bác sĩ Joe Torg khẳng định khi tôi lết vào phòng khám của ông ở Philadelphia vài ngày sau đó. Ông hẳn rõ hơn ai hết; bác sĩ Torg không chỉ gây dựng toàn bộ nền y học thể thao, mà còn là đồng tác giả cuốn The Running Athlete (Vận động viên chạy bộ), phân tích cụ thể bằng cách chụp X-quang tất cả các chấn thương có thể xảy ra khi chạy bộ. Ông kiểm tra X-quang và nhìn tôi tập tễnh đi loanh quanh, rồi kết luận rằng tôi đã làm thương tổn xương hộp, cụm xương nằm song song với hõm bàn chân mà tôi không hề biết là nó tồn tại, cho tới khi nó tự biến thành một que chích điện ngay trong bàn chân mình.
“Nhưng tôi hầu như chẳng chạy mấy.” Tôi nói. “Tôi chỉ chạy mỗi lần khoảng hai đến ba dặm, cách một ngày chạy một lần. Và thậm chí tôi còn không chạy trên đường nhựa. Chủ yếu là đường đất.”
Cũng chẳng ý nghĩa gì. “Cơ thể người không phải sinh ra để bị hành hạ như vậy.” Bác sĩ Torg trả lời. “Đặc biệt là cơ thể của anh.”
Tôi hiểu ý ông. Với chiều cao 1,93 m, nặng 104 cân, tôi nhiều lần được khuyên rằng người có kích cỡ như tôi được tạo hóa sắp đặt đứng chắn dưới vòng bóng rổ hoặc đỡ đạn cho tổng thống, chứ không phải nện thân xuống nền đường. Và bước sang tuổi 40, tôi đã hiểu; trong năm năm từ khi ngừng chơi bóng rổ nửa sân và cố biến mình thành vận động viên marathon, tôi đã rách gân kheo (hai lần), bong gân Achilles (liên tục), lật cổ chân (cả hai bên, lúc bên này, lúc bên kia), đau hõm bàn chân (thường xuyên), phải đi giật lùi xuống cầu thang trên đầu ngón chân vì gót chân quá đau. Và bây giờ, điểm lành lặn duy nhất trên bàn chân tôi cũng tham gia nốt vào cuộc nổi loạn.
Kỳ quặc là, với các hoạt động khác, tôi cứ như mình đồng da sắt. Là phóng viên cho tờ Men’s Health và một trong những người phụ trách đầu tiên của chuyên trang “Người không ngừng nghỉ” trên Esquire, phần lớn công việc của tôi là thử sức với các môn thể thao cực hạn. Tôi từng lướt ván xuôi những khúc sông có độ khó Cấp IV, trượt ván trên các đồi cát khổng lồ, đạp xe địa hình xuyên Badlands, Bắc Dakota. Tôi từng đi lấy tin ở ba vùng chiến sự cho Associated Press và ăn dầm nằm dề trong những khu vực hỗn loạn ở châu Phi, mà không hề hấn gì. Nhưng chỉ dợm chạy bộ vài dặm xuống phố, là tôi lại vật ra đất như thể vừa bị một kẻ lái xe ngang qua bắn hạ.
Với bất kỳ môn thể thao nào khác, một chấn thương như vậy sẽ xếp tôi vào hàng phế phẩm. Trong chạy bộ, trường hợp như tôi lại là bình thường. Bất thường lại chính là những ai chạy bộ không bị chấn thương. Hằng năm, cứ 10 người chạy bộ thì có tám người bị chấn thương. Bất kể béo hay gầy, chạy nhanh hay chậm, nhà vô địch marathon hay người nổi hứng chạy cuối tuần, bạn đều có khả năng bị chấn thương đầu gối, ống đồng, gân kheo, hông hoặc gót chân. Lần tới, khi xếp hàng ở vạch xuất phát của một cuộc đua, hãy nhìn những người đứng bên trái hay bên phải bạn: theo số liệu thống kê, chỉ một người trong số các bạn có thể về đích mà vẫn dự được cuộc đua sau.
Cho đến nay, chưa có cách nào để làm chậm lại sự tàn phá này; bạn có thể mua giày chạy bộ có lò xo thép đệm ở phần đế và các đôi giày Adidas đời mới điều chỉnh độ êm bằng vi mạch, nhưng tỷ lệ chấn thương lại không hề giảm bớt trong suốt 30 năm qua. Thậm chí, thực tế là còn tệ đi; tình trạng bong gân gót chân Achilles đã tăng khoảng 10%. Chạy bộ dường như là phiên bản thể thao của việc lái xe khi say rượu: bạn có thể bình an trong một thời gian, thậm chí có cả lúc vui thú, nhưng thảm họa luôn rình rập ngay sau mỗi lối rẽ.
Các dữ liệu y học thể thao như đang đồng thanh cất lời chế nhạo: “Ngạc nhiên chưa!” Mà cũng không hẳn. Thế này thì đúng hơn: “Vận động viên chơi các môn thể thao có liên quan đến chạy bộ tạo áp lực khủng khiếp lên đôi chân.” Tập san Chấn thương Thể thao công bố. “Mỗi bước giẫm xuống tác động lên chân một lực lớn gấp đôi trọng lượng cơ thể. Cũng như gõ búa liên tục lên một tảng đá tưởng như không thể phá hủy, tảng đá rồi cũng tan thành bụi, mức va chạm phải chịu trong khi chạy bộ rồi sẽ phá hủy xương, sụn, cơ, gân và dây chằng của bạn.” Một bài báo của Hiệp hội các phẫu thuật gia Chấn thương Chỉnh hình Hoa Kỳ đã kết luận rằng chạy đường dài là “mối đe dọa nghiêm trọng đến tính nguyên vẹn của đầu gối.”
Và thay vì “một tảng đá không thể phá hủy”, mối đe dọa nghiêm trọng đó lại dồn lên một trong những điểm nhạy cảm nhất trên cơ thể bạn. Bạn có biết bàn chân mình có những loại dây thần kinh nào? Nó giống như dây thần kinh nối với bộ phận sinh dục vậy. Bàn chân bạn chứa đầy nơ-ron thần kinh cảm nhận, luồn khắp các vị trí để thu nhận cảm giác. Chỉ cần kích thích nhẹ các dây thần kinh đó thì xung cảm giác sẽ phóng khắp toàn bộ hệ thần kinh; đó là lý do tại sao cù vào gan bàn chân lại làm cho hệ thống bị quá tải và khiến cả cơ thể co rút.
Không khó để hiểu tại sao các nhà độc tài Nam Mỹ lại thích “chơi đùa” với bàn chân khi xử lý những kẻ cứng đầu. Bastinado, phương pháp trói nạn nhân và đánh vào gan bàn chân, được Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha phát triển và những kẻ tàn bạo bệnh hoạn nhất thế giới hân hoan đón nhận. Khmer Đỏ và người con trai độc ác Uday của Saddam Hussein là những kẻ đặc biệt ưa chuộng bastinado, bởi họ rành rẽ về giải phẫu học. Chỉ mặt và bàn tay là sánh được với bàn chân về khả năng truyền tín hiệu nhanh tới não bộ. Để cảm nhận những vuốt ve mềm mại nhất hay hạt cát nhỏ bé nhất, thì ngón chân có khả năng truyền tín hiệu tốt không kém môi hay đầu ngón tay.
“Vậy, tôi không thể làm gì được hay sao?” Tôi hỏi bác sĩ Torg.
Ông nhún vai. “Anh có thể tiếp tục chạy, nhưng rồi sẽ trở lại đây nhiều hơn vì cái này.” Ông nói, và gõ gõ móng tay vào ống tiêm to tướng đầy cortisone chuẩn bị tiêm vào gan bàn chân tôi. Ngoài ra, tôi cần có thêm các miếng đệm chỉnh hình (giá 400 đô-la) để nhét vào trong đôi giày kiểm soát chuyển động (giá 150 đô-la, mà thực ra là hơn, vì tôi sẽ cần phải dùng hai đôi để thay đổi, thành ra là 300 đô-la). Nhưng đó cũng mới chỉ là để trì hoãn thêm thời gian trước khi nhận tờ hóa đơn thực sự tốn kém: hóa đơn thanh toán cho lần khám tiếp theo.
“Anh biết tôi khuyên điều gì không?” Bác sĩ Torg kết luận. “Hãy mua một chiếc xe đạp.”
Tôi cảm ơn, hứa sẽ nghe theo lời khuyên của ông, và ngay sau đó, lập tức lén đi gặp một bác sĩ khác. Tôi tự nhủ, bác sĩ Torg đã nổi danh nhiều năm qua. Vì vậy, có thể ông hơi bảo thủ với lời khuyên của mình và hơi vội vàng sử dụng cortisone. Một người bạn giới thiệu cho tôi vị bác sĩ chuyên chữa bệnh thể thao về chân, đồng thời là vận động viên marathon, tôi bèn đặt lịch ngay tuần sau đó.
Vị bác sĩ này lại cho tôi chụp X-quang, rồi dùng ngón cái khám xét bàn chân tôi. “Có vẻ anh bị hội chứng xương hộp.” Ông kết luận. “Tôi có thể ngừng tình trạng viêm bằng cortisone, nhưng sau đó anh sẽ phải dùng lót chỉnh hình.”
“Khốn nạn thật!” Tôi lẩm bẩm. “Torg cũng nói y như vậy.”
Vị bác sĩ nọ đã chuẩn bị ra khỏi phòng lấy kim tiêm, nhưng nghe vậy liền dừng lại. “Anh đi gặp Joe Torg rồi à?”
“Đúng vậy.”
“Anh đã được tiêm cortisone rồi chứ?”
“Vâng!”
“Vậy anh đang làm gì ở đây?” Ông hỏi, bỗng nhiên tỏ ra mất kiên nhẫn và pha chút nghi ngờ, như thể nghĩ tôi thực sự thích việc bị đâm kim vào vùng mỏng manh nhất dưới bàn chân vậy. Có lẽ ông nghi ngờ tôi là một kẻ nghiện khổ dâm, vừa nghiện đau và nghiện cả thuốc giảm đau nữa cũng nên.
“Anh biết bác sĩ Torg là bố già trong y học thể thao, phải không? Kết quả khám của ông ấy thường được mọi người rất tôn trọng.”
“Tôi biết. Tôi chỉ muốn kiểm tra lại.”
“Tôi sẽ không tiêm cho anh thêm lần nữa, nhưng ta có thể hẹn một buổi thử lót chỉnh hình. Và anh nên nghiêm túc suy nghĩ về việc tìm một môn thể thao khác ngoài chạy bộ.”
“Nghe hay đấy!” Tôi nói. Vị bác sĩ này, một người chạy bộ giỏi mà tôi sẽ không bao giờ sánh được, vừa khẳng định lại lời phán quyết của một bác sĩ mà ông thừa nhận là cây đa cây đề trong ngành y học thể thao. Như vậy thì chẳng mong tranh luận gì được nữa. Vì vậy, tôi lại đi tìm một người khác.
Không phải do tôi quá bướng bỉnh. Cũng không phải tôi thích chạy bộ đến phát điên. Nếu tính tổng quãng đường mà tôi từng chạy, thì phải đến một nửa số đó là lê lết trong đau đớn. Nhưng có một điều, mặc dù suốt 20 năm qua chưa đọc lại cuốn The World According to Garp (Thế giới theo lời kể của Garp), tôi vẫn không quên một cảnh nhỏ, mà chắc không phải là cảnh mà bạn đang nghĩ tới đâu. Tôi cứ nghĩ về cái cách Garp lao ra khỏi cửa giữa một ngày làm việc để chạy năm dặm. Cảm giác ấy có điều gì phổ quát, cái cách mà chạy bộ kết hợp hai xung động nguyên thủy nhất của loài người: sự sợ hãi và cảm giác hài lòng. Chúng ta chạy khi sợ hãi, chúng ta chạy khi ngây ngất, chạy trốn khỏi các rắc rối và chạy để tận hưởng niềm vui.
Và khi mọi việc tồi tệ nhất, thì chúng ta thường chạy bộ nhiều hơn cả. Nước Mỹ đã ba lần chứng kiến phong trào chạy bộ đường dài bỗng nhiên dâng lên, và những lần bùng nổ đó luôn xuất hiện giữa một cuộc khủng hoảng cấp độ quốc gia. Đợt bùng nổ đầu tiên là trong Đại suy thoái, mở màn là cuộc chạy xuyên nước Mỹ của hơn 200 người chạy 40 dặm một ngày trong cuộc đua Great American Footrace. Sau đó, chạy bộ lại lắng xuống, và chỉ được nhen nhóm trở lại vào đầu những năm 70, khi nước Mỹ gắng gượng sau Chiến tranh Việt Nam, Chiến tranh Lạnh, các cuộc bạo loạn sắc tộc, một tổng thống phạm tội, và cuộc ám sát ba nhà lãnh đạo được yêu mến. Và đợt bùng phát chạy dài thứ ba? Một năm sau cuộc tấn công Ngày 11 tháng 9, chạy đường mòn bỗng nhiên trở thành môn thể thao ngoài trời phát triển nhanh nhất nước. Có thể đó chỉ là ngẫu nhiên. Hoặc có một cái công tắc nào đó trong mỗi con người, được lập trình trước để kích hoạt kỹ năng sinh tồn đầu tiên và quan trọng nhất khi cảm thấy thú dữ tới gần. Nói về việc làm giảm căng thẳng và thỏa mãn xác thịt, thì chạy bộ là thứ bạn có trong đời trước khi quan hệ tình dục. Cả công cụ lẫn ham muốn đã có sẵn ngay từ đầu; tất cả những gì bạn cần làm là lao ra đường và chạy.
Đó chính là điều mà tôi tìm kiếm; chẳng phải miếng nhựa đắt tiền nhét vào trong giày, không phải các mũi tiêm giảm đau hàng tháng, mà chỉ là một cách nào đó khiến tôi có thể lao ra đường mà không hành hạ bản thân mình. Không phải là tôi yêu chạy bộ, nhưng tôi muốn yêu được môn này. Và điều đó đưa tôi đến gặp vị bác sĩ thứ ba: Bác sĩ Irene Davis, chuyên gia về cơ sinh học và là người đứng đầu Phòng khám Chấn thương chạy bộ của Đại học Delaware.
Bác sĩ Davis bắt tôi lên máy tập chạy, đầu tiên là với chân trần và sau đó là thử ba loại giày chạy khác nhau. Bà yêu cầu tôi đi bộ, chạy chậm và chạy hết sức. Rồi bà lại yêu cầu tôi chạy ngược chạy xuôi trên một tấm đệm đo lực, để đo sốc chấn động từ các bước chạy. Và rồi, tôi ngồi đó, kinh hoàng khi xem lại đoạn phim được quay.
Tôi luôn nghĩ mình nhẹ nhàng và uyển chuyển như thổ dân Navajo đi săn. Tuy nhiên, cái gã trên màn hình lại trông như quái vật của Frankenstein đang tập nhảy Tango. Tôi nhảy nhót quá nhiều, đầu tôi còn biến mất khỏi khung hình. Cánh tay tôi thì chém từ trước ra sau như trọng tài bóng chày chĩa tay ra hiệu người chơi về chốt an toàn, còn bàn chân cỡ 13 của tôi thì dộng xuống đất nặng như thể đoạn phim quay trên nền nhạc trống bongo vậy.
Như thể thế còn chưa đủ tệ hại, bác sĩ Davis sau đó còn cho tôi xem lại đoạn phim ở tốc độ chậm, để cả hai có thể ngồi thoải mái thưởng thức cách bàn chân phải của tôi xoắn lại, đầu gối trái ngả vào trong, còn lưng khòng xuống, co quắp tới mức nếu ai đó trông thấy, họ sẽ tức tốc nhét giẻ vào miệng tôi và gọi cấp cứu. Làm thế nào tôi có thể tiến nổi về phía trước với tất cả những chuyển động trồi lên hụp xuống, sàng qua sàng lại, và giãy giụa như cá mắc câu như vậy?
“Được rồi!” Tôi nói. “Vậy, chạy như thế nào mới đúng?”
“Đó là câu hỏi muôn thuở.” Bác sĩ Davis trả lời.
Còn câu trả lời muôn thuở thì… chà, có phần lắt léo hơn. Tôi có thể sửa bước chạy thẳng thớm hơn và giảm được chấn động nếu tiếp đất giữa bàn chân, thay vì phần gót chân xương xẩu, nhưng, lại nhưng… có thể tôi sẽ chỉ đánh đổi những vấn đề này để rước lấy các rắc rối mới. Gò ép vụng về theo một dáng chạy mới có thể bất ngờ tạo áp lực lớn lên gót chân và gân Achilles, gây ra một loạt chấn thương khác.
“Chạy bộ có hại cho chân.” Bác sĩ Davis nói, giọng đầy thương cảm. “Đặc biệt là với chân anh, anh chàng to xác ạ.”
Vậy là tôi đã trở lại đúng điểm xuất phát. Sau nhiều tháng đi gặp các chuyên gia và tìm hiểu các tài liệu sinh lý học trên mạng, cuối cùng tôi lại thấy câu hỏi của mình dội ngược trở về:
Tại sao chân tôi đau?
Bởi vì chạy bộ có hại cho bạn.
Tại sao chạy bộ có hại cho tôi?
Bởi vì nó làm chân bạn đau.
Nhưng tại sao? Linh dương không bao giờ bị đau ống đồng. Sói không bao giờ phải chườm đá đầu gối. Và tôi ngờ rằng 80% lũ ngựa hoang không tàn phế mỗi năm vì chấn thương. Điều này khiến tôi nhớ lại một câu cách ngôn của Roger Bannister, nhà nghiên cứu y học, đồng thời làm việc với tư cách nhà nghiên cứu lâm sàng, tác giả của nhiều câu châm ngôn, và cũng chính là người đầu tiên vượt qua được ngưỡng kỷ lục chạy một dặm trong bốn phút: “Mỗi buổi sáng ở châu Phi, một con linh dương thức giấc.” Bannister nói. “Nó hiểu rằng mình phải chạy nhanh hơn con sư tử chạy nhanh nhất, nếu không nó sẽ bị ăn thịt. Mỗi buổi sáng, một con sử tử thức dậy. Nó hiểu rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chạy chậm nhất, nếu không nó sẽ chết đói. Là sư tử hay linh dương không quan trọng – khi Mặt trời mọc, bạn phải bắt đầu chạy.”
Vậy tại sao tất cả động vật có vú trên hành tinh này đều có thể dựa vào đôi chân mình, còn loài người chúng ta thì không? Và nghĩ kỹ hơn một chút thì, tại sao người như Bannister có thể hằng ngày lao ra khỏi phòng thí nghiệm, nện chân xuống nền đường rải xỉ than cứng với đôi dép da mỏng, không chỉ chạy ngày càng nhanh hơn, mà còn không bao giờ bị đau? Tại sao vài người trong chúng ta mỗi sáng khi Mặt trời mọc có thể chạy như chúa sơn lâm hay Bannister, trong khi đám còn lại cần cả vốc thuốc giảm đau ibuprofen chỉ để đặt bàn chân xuống sàn nhà?
Tất cả đều là những câu hỏi thú vị. Nhưng tôi sắp sửa phát hiện ra rằng, những người duy nhất biết câu trả lời – những người là câu trả lời sống – lại không thích nói chuyện.
Đặc biệt là không nói chuyện với một gã như tôi.
Đó là vào mùa đông năm 2003, tôi đang có việc ở Mexico và tình cờ lật qua một quyển tạp chí du lịch bằng tiếng Tây Ban Nha. Bất ngờ, mắt tôi bị hút vào một tấm hình Chúa Jesus chạy xuống dốc đá.
Đó có thể không phải Chúa Jesus, nhưng chắc chắn là một người đàn ông mặc áo choàng, đi dép xăng đan đang chạy nước rút xuống sườn núi đầy đá vụn. Tôi bắt đầu dịch từ lời tựa bức ảnh, dù không hiểu sao nó lại ở thì hiện tại; trông bức ảnh như kiểu minh họa cho huyền thoại lục địa Atlantis, một đế chế lụi tàn của những khối óc thông thái. Rồi đọc tiếp, tôi nhận ra mình đã đoán đúng gần hết, trừ phần “lụi tàn” và “huyền thoại”.
Lúc đó, tôi đang ở Mexico theo dấu một ngôi sao nhạc pop mất tích và giáo phái bí mật đã tẩy não cô, để viết bài cho Thời báo New York, nhưng so với bài báo trên tay, bài viết của tôi thành ra tẻ nhạt. Đám ngôi sao đồng bóng đến rồi đi, nhưng người Tarahumara thì tồn tại mãi. Sống yên ổn trong thung lũng kỳ bí, bộ lạc nhỏ ẩn dật này đã giải quyết được hầu như mọi vấn đề của loài người. Bất kỳ điều gì – tâm trí, thể xác, hay linh hồn – họ đều đạt tới mức độ hoàn hảo. Cứ như thể họ đã bí mật biến hang động của mình thành lồng ấp sản sinh ra chủ nhân của giải Nobel, tất cả đều lao động cặm cụi để chấm dứt hận thù, bệnh tim mạch, cơn đau ống đồng hay các loại khí nhà kính.
Ở vùng đất của người Tarahumara, không có tội ác, chiến tranh hay trộm cắp. Không có tham nhũng, béo phì, nghiện ngập, lòng tham, ngược đãi, bóc lột phụ nữ và trẻ em, bệnh tim, chứng cao huyết áp, hay phát thải carbon. Họ không bị tiểu đường, phiền muộn, thậm chí còn chẳng già đi; người 50 tuổi có thể chạy thắng cả thanh niên, cụ già 80 tuổi vẫn có thể chạy marathon trên triền núi. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư gần như bằng không. Sự tài tình của người Tarahumara còn vươn sang cả kinh tế học, họ tạo ra một hệ thống tài chính độc nhất, dựa vào rượu và hành động tử tế: thay cho tiền, họ trao đổi các ân huệ và các bình lớn chứa bia ngô.
Bạn nghi ngại rằng bộ máy kinh tế chạy bằng cồn và ân huệ miễn phí sẽ biến thành lễ hội cướp bóc của một lũ say xỉn, như những con bạc cạn túi trong một bữa buffet, nhưng ở miền đất Tarahumara, cơ chế kinh tế này lại có hiệu quả. Sở dĩ như vậy bởi người Tarahumara cần cù và thật thà khác người; một nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng sau bao thế hệ chỉ biết thành thật, bộ não của người Tarahumara đã thực sự không thể hình thành lời nói dối.
Như thể là những người tử tế nhất, hạnh phúc nhất trên hành tinh này vẫn là chưa đủ, người Tarahumara còn là những người bền bỉ nhất: thứ duy nhất có thể sánh với sự bình thản siêu phàm của họ, có vẻ như, chính là sức chịu đựng siêu đẳng của họ đối với cơn đau và lechuguilla, loại rượu tequilla nấu tại nhà từ xác rắn chuông và nhựa xương rồng. Theo lời kể của một số người từng tận mắt chứng kiến cơn say hết cỡ của người Tarahumara, các bữa tiệc tùng trở nên phấn khích tới mức các bà vợ bắt đầu xé áo nhau trong một cuộc đấu vật, còn một ông già đi xung quanh cười khúc khích và dùng lõi ngô đâm vào mông họ. Trong khi đó, các ông chồng ngồi bất động theo dõi bằng những ánh mắt vô hồn. Thành phố Cancún vào kỳ nghỉ xuân cũng không là gì so với vùng Barrancas dưới ánh trăng thu.
Người Tarahumara sẽ tiệc tùng như vậy thâu đêm, rồi khua nhau dậy vào sáng hôm sau để tỷ thí trong một cuộc đua chạy bộ có thể kéo dài không chỉ hai dặm, không phải hai tiếng đồng hồ, mà là hai ngày trời. Theo sử gia người Mexico Francisco Almada, một nhà vô địch người Tarahumara đã từng chạy 435 dặm, tương đương với việc ra khỏi nhà chạy bộ qua thành phố New York và chỉ dừng lại khi gần tới Detroit. Những người chạy bộ Tarahumara khác thì được kể là đã chạy 300 dặm trong một lần chạy. Quãng đường đó tương đương với 12 cuộc chạy marathon liên tục khi Mặt trời mọc, lặn, rồi mọc trở lại.
Và người Tarahumra không chạy trên những con đường nhựa, mà chạy lên chạy xuống các con dốc trên lối mòn trong thung lũng, được tạo ra bởi chính bàn chân họ. Lance Armstrong là một trong các vận động viên sức bền vĩ đại nhất, và đã phải gắng gượng lết hết được cuộc marathon đầu tiên của mình, sau khi phải ăn một túi gel năng lượng mỗi dặm. (Tin nhắn mà Lance gửi cho vợ cũ sau giải Marathon New York City: “Ôi. Chúa. Ơi. Ối. Khủng Khiếp.”) Vậy mà những người này lại có thể chạy 12 lần cự ly đó một lượt?
Vào năm 1971, một nhà sinh lý học người Mỹ đã vượt núi vào Copper Canyon để rồi ngỡ ngàng bởi thể lực của người Tarahumara tới mức phải quay lại 2.800 năm trước mới có được thước đo phù hợp để xếp hạng cho họ. “Có lẽ từ thời người Sparta cổ đại tới nay mới có một giống người đạt tới ngưỡng thể lực cao như vậy.” Tiến sĩ Dale Groom đã kết luận trên tờ Amercian Heart Journal. Tuy nhiên, khác với người Sparta, những người Tarahumara lại hiền từ như bồ tát; họ không dùng sức mạnh phi thường của mình để chiến đấu, mà để sống hòa bình. “Xét về văn hóa, họ là một trong những bí ẩn chưa được giải đáp vĩ đại nhất.” Tiến sĩ Daniel Noveck, một nhà nhân chủng học tại Đại học Chicago chuyên nghiên cứu về người Tarahumara nói.
Người Tarahumara bí ẩn tới mức, trên thực tế, họ chỉ được biết đến với biệt danh của mình. Tên thật của họ là Rarámuri – Người Chạy Bộ. Họ bị người Tây Ban Nha chiếm đất, những kẻ không hiểu được ngôn ngữ bộ lạc của họ, đặt cho cái tên “Tarahumara”. Cái tên lai căng đó gắn với họ, bởi vì người Rarámuri giữ nguyên bản sắc của mình, thà chạy đi chỗ khác còn hơn ở lại để tranh luận. Đáp trả các cuộc xâm lược bằng cách quay gót bỏ đi vẫn luôn là cách thức của người Rarámuri. Kể từ đội quân xâm lược mang giáp trụ của Cortés ầm ĩ tiến vào quê hương họ, cho tới các cuộc xâm lấn của kỵ binh Pancho Villa và trùm ma túy Mexico, người Tarahumara luôn đáp trả các cuộc tấn công bằng cách chạy xa hơn, nhanh hơn nữa sao cho không ai có thể đuổi kịp, rút chạy vào sâu hơn nữa trong vùng Barrancas.
Trời ơi, họ chắc phải vô cùng có kỷ luật. Tôi nghĩ. Tập trung và chuyên tâm hoàn toàn. Các nhà sư Thiếu Lâm trong môn chạy bộ.
Mà, cũng không hẳn vậy. Nói về chạy đường dài, người Tarahumara thích cách tiếp cận kiểu lễ hội Mardi Gras hơn. Từ chế độ dinh dưỡng, lối sinh hoạt, đến ý chí chiến đấu, họ sẽ là cơn ác mộng của các huấn luyện viên kiểu truyền thống. Từ khi trưởng thành, họ uống như thể đêm Giao thừa là sự kiện hằng tuần, nốc bia ngô quanh năm suốt tháng đủ để cứ ba ngày một lần lại ở trong trạng thái say xỉn hoặc chuếnh choáng. Không như Lance, người Tarahumara không nạp thêm các thức uống thể thao giàu điện giải. Họ không tái tạo cơ giữa các bài tập bằng thanh protein; trên thực tế, họ hầu như chẳng ăn chút protein nào, chỉ sống nhờ vào ngô, có gia giảm chút sơn hào là thịt chuột nướng. Đến ngày chạy đua, người Tarahumara cũng chẳng luyện tập hay giảm khối lượng. Họ chẳng căng giãn cơ hay khởi động. Họ chỉ dạo bước đến vạch xuất phát, cười nói và trêu đùa nhau… rồi chạy như điên trong 48 giờ tiếp sau đó.
Tại sao họ lại không gặp chấn thương? Tôi thắc mắc. Cứ như lỗi đánh máy nào đó đã sắp các số liệu thống kê vào nhầm hàng cột: chẳng phải chúng ta, những kẻ có giày chạy với công nghệ hiện đại nhất và miếng lót chế tác riêng – lẽ ra mới là người có tỷ lệ thương tật bằng không, còn người Tarahumara – chạy nhiều hơn trên nền sỏi đá, với đôi giày thậm chí không thể gọi là giày – phải thường xuyên chịu thương tổn chứ?
Chân họ chắc là bền bỉ hơn, vì họ đã chạy bộ suốt cuộc đời mình, tôi thử lý giải. Và rồi tôi lại nhận ra giả thuyết của mình là phi lý. Bởi nếu vậy, đáng ra họ phải bị đau nhiều hơn, chứ không phải ít hơn. Nếu chạy bộ là không tốt cho chân, thì càng chạy nhiều phải càng tệ hại hơn chứ?
Tôi gạt bài báo sang một bên, cảm thấy vừa tò mò, vừa bức bối. Tất cả mọi thứ về người Tarahumara đều phi lý, như trêu ngươi và khó hiểu đến khó chịu, như câu đố của một thiền sư. Những người mạnh mẽ nhất lại hiền lành nhất; những đôi chân tưởng chừng nát tan vì chạy bộ lại nhanh nhẹn nhất; những người khỏe nhất lại có chế độ dinh dưỡng nghèo nàn nhất; bộ lạc ít học nhất lại thông thái nhất; những người làm việc mệt nhọc nhất lại có nhiều niềm vui nhất…
Và chạy bộ thì có liên quan gì đến tất cả những điều này? Liệu có phải là tình cờ khi tộc người sáng suốt nhất thế giới lại đồng thời sở hữu khả năng chạy bộ đáng kinh ngạc nhất? Người ta trước đây thường leo lên dãy Himalaya để tìm học bí thuật, còn lần này, tôi nhận ra, mình chỉ cần vượt qua bên kia biên giới bang Texas.