Sinh Ra Để Chạy - Chương 02
* * *
3
Tuy nhiên, tìm được điểm nào ở biên giới để vượt qua, lại khá phức tạp.
Tạp chí Runner’s Worldgiao nhiệm vụ cho tôi đi vào vùng Barrancas để tìm người Tarahumara. Nhưng trước khi bắt đầu tìm kiếm những bóng ma, tôi cần tìm được người săn ma. Tôi được mách nước rằng Salvador Holguín là người duy nhất làm được việc này.
Ban ngày, Salvador 31 tuổi là một nhân viên hành chính tại Guachochi, thị trấn vùng biên ngoài rìa Copper Canyon. Đêm đến, anh trở thành ca sĩ hát nhạc mariachi tại quán bar, và quả thực, nhìn anh cũng hợp với việc đó; với cái bụng bia và cặp mắt đen, vẻ điển trai lãng mạn, anh đích xác là hình ảnh một người có cuộc sống chia đôi, nửa cho bàn giấy và nửa cho ghế tròn quán bar. Anh trai Salvador lại là mẫu Indiana Jones của hệ thống trường học Mexico; năm nào anh cũng chất đầy lên lưng lừa nào bút chì, sách vở và lẻn vào vùng Barrancas để cung cấp cho các ngôi trường dưới lòng thung lũng. Vì Salvador luôn sẵn sàng tham gia mọi trò vui, nên anh thỉnh thoảng lại trốn việc đi theo anh mình trong các chuyến thám hiểm này.
“Không hề gì đâu ông bạn!” Anh trả lời khi tôi tới gặp. “Chúng ta có thể đi gặp Arnulfo Quimare…”
Nếu anh dừng ngay ở đó, thì tôi hẳn đã mừng. Trong khi đi tìm người dẫn đường, tôi mới hay Arnulfo Quimare là người Tarahumara chạy bộ vĩ đại nhất hiện còn sống, và anh đến từ một thị tộc gồm những người anh em họ, anh em ruột, anh em vợ cùng các cháu đều giỏi ngang ngửa mình. Đi thẳng đến các căn lều bí ẩn của họ tộc Quimare còn hơn cả những gì tôi mong mỏi. Duy có điều Salvador vẫn nói liên hồi.
“… Tôi chắc chắn là mình biết đường.” Anh tiếp. “Tôi thực ra chưa bao giờ tới đó. “Pues, lo que sea.” Ôi dào, sao cũng được. “Chúng ta sẽ tìm được thôi. Kiểu gì cũng tìm được!”
Thường thì, đó có vẻ là điềm xấu, nhưng nếu so với tất cả những người mà tôi từng trò chuyện, Salvador xem ra có vẻ lạc quan. Từ khi trốn chạy vào vùng đất không người 400 năm trước, người Tarahumara đã dành thời gian để biến nghệ thuật tàng hình của mình thành hoàn hảo. Đa phần người Tarahumara vẫn đang sống trong các hang động cheo leo trên vách đá, chỉ có thể leo lên bằng các cây sào dài; khi đã vào bên trong, họ sẽ rút cây sào ra và biến mất sau bờ đá. Những người khác lại sống trong các túp lều được ngụy trang tài tình tới mức, nhà thám hiểm người Na Uy Carl Lumholtz từng giật thột khi đi qua cả ngôi làng Tarahumara mà tịnh không thấy bóng người hay nhà cửa.
Lumholtz thực sự là một tay lang thang cự phách ở vùng hẻo lánh, ông từng sống nhiều năm giữa đám săn đầu người ở Borneo trước khi tiến vào lãnh địa của người Tarahumara vào cuối những năm 1890. Nhưng bạn có thể thấy ngay sức chịu đựng ngoan cường của ông cũng bị mài mòn sau bao năm tháng lê thân qua các sa mạc và vách đá tử thần, để rồi cuối cùng, khi tới được trái tim xứ Tarahumara, vẫn chẳng tìm thấy ai.
“Ngắm nhìn những rặng núi này sẽ cho ta cảm giác phấn chấn tinh thần, nhưng leo qua chúng lại làm kiệt quệ cả cơ bắp lẫn lòng nhẫn nại.” Lumholtz đã viết như vậy trong Unknown Mexico: A Record of Five Year’s Exploration Among the Tribes of the Western Sierra Madre (Một Mexico chưa được biết đến: Ghi chép về năm năm thám hiểm các bộ lạc ở dãy Sierra Madre phía Tây). “Không ai, trừ những người từng vượt qua các ngọn núi ở Mexico, có thể hiểu hết nỗi nhọc nhằn và lo lắng khi tham gia một hành trình như vậy.”
Và đấy là nếu như bạn có thể tới được những ngọn núi ấy. “Khi mới tới nơi, vùng đất của người Tarahumara cứ như thể không cách gì tiếp cận được.” Nhà biên kịch người Pháp Antonin Artaud đã cằn nhằn như vậy, sau khi ông ta phải vã mồ hôi mới nhích được từng xentimét trên đường vào Copper Canyon tầm sư học đạo. “Nhiều lắm cũng chỉ có vài lối mòn được đánh dấu sơ sài, mà cứ vài chục mét lại như thể biến mất vào lòng đất.” Khi Artaud và đội dẫn đường cuối cùng cũng phát hiện thấy một lối đi, họ cũng phải trấn tĩnh một lúc trước khi tiến bước: bởi người Tarahumara luôn theo phương sách tốt nhất để làm nản lòng những kẻ đuổi theo mình là đi tới những nơi mà chỉ có kẻ điên mới dám vào theo. Cứ như thế, họ đã tạo nên những lối mòn ngoằn ngoèo trên những địa hình dốc đứng mà việc đi theo chẳng khác nào tự sát.
“Một bước sẩy chân,” nhà phiêu lưu Frederick Schwatka ghi vào sổ tay trong chuyến thám hiểm Copper Canyon vào năm 1888, “sẽ ném thẳng người leo núi xuống đáy vực sâu từ 60 đến 90 mét, chết không toàn thây.”
Schwatka hoàn toàn không phải thi sĩ Paris kiểu cách, ông là một trung sĩ Lục quân Hoa Kỳ, từng vào sinh ra tử ngoài chiến trận và sau đó từng sống giữa cộng đồng người Sioux với tư cách một nhà nhân học nghiệp dư, nhờ vậy, ông biết thế nào là chết không toàn thây. Ông cũng từng kinh qua những vùng đất tệ hại nhất, trong đó có cả một cuộc thám hiểm khủng khiếp trong hai năm ở Vòng Bắc Cực. Nhưng khi tới Copper Canyon, ông đã phải sửa lại bảng xếp hạng của mình. Lướt nhìn biển hoang mạc chung quanh, Schwatka chợt dâng lên niềm ngưỡng mộ – “Trái tim dãy Andes hay các đỉnh của dãy Himalaya cũng không có nhiều cảnh quan hùng vĩ hơn tầng tầng lớp lớp núi non hoang dã chưa được biết tới của dãy Sierra Madre ở Mexico.” Và rồi ngay lập tức, ông bị kéo trở lại với nỗi hoang mang đến phát bệnh: “Làm thế nào nuôi dạy lũ trẻ trên những vách đá với tỷ lệ sống sót 100% hằng năm, đối với tôi, là một trong những điều bí hiểm nhất ở những con người kỳ lạ này.”
Ngay cả ngày nay, khi mạng Internet đã thu hẹp thế giới lại thành một ngôi làng và các vệ tinh của Google cho phép bạn nhìn trộm sân sau nhà người lạ ở tận đầu kia đất nước, thì những người Tarahumara truyền thống vẫn sống lẩn quất như những bóng ma, hệt như 400 năm trước. Khoảng giữa những năm 1990, một nhóm thám hiểm đã dấn sâu vào vùng Barrancas và bất ngờ bối rối khi cảm nhận thấy những con mắt vô hình đang dõi bước:
“Nhóm nhỏ của chúng tôi đã leo núi suốt nhiều tiếng đồng hồ xuyên qua Barranca del Cobre của Mexico – Copper Canyon – mà không thấy dấu vết con người.” Một thành viên của đoàn thám hiểm viết. “Và giờ đây, nơi trái tim thung lũng còn sâu hơn cả Grand Canyon, chúng tôi nghe thấy văng vẳng tiếng trống của người Tarahumara. Những nhịp trống ban đầu rất yếu ớt, rồi dồn dập mạnh lên. Tiếng vang vọng khắp các mỏm núi, thật khó biết họ có bao nhiêu người và ở đâu. Chúng tôi hỏi người dẫn đường về hướng đi. ‘¿Quién sabe?’ Cô nói. ‘Ai mà biết được? Người Tarahumara đã không muốn thì sẽ chẳng ai thấy nổi.’”
Mặt trăng hãy còn trên cao khi chúng tôi khởi hành trên chiếc xe bán tải hai cầu đáng tin cậy của Salvador. Mặt trời vừa ló rạng, chúng tôi đã rời xa đường lớn, và đang xóc nảy trên con đường đất trông giống lòng suối hơn là một lối đi. Chiếc xe về số, nhích lên từng chút, chốc chốc lại chồm lên, lao xuống như con tàu giữa cơn bão biển.
Tôi cố theo dấu vị trí hiện tại của mình bằng la bàn và bản đồ, nhưng đôi lúc cũng không dám chắc Salvador đang chủ đích rẽ hay chỉ đang né một tảng đá lớn. Và chẳng lâu sau thì chúng tôi đang ở đâu cũng không còn quan trọng nữa, vì đó không phải là phần thế giới đã được biết đến; chúng tôi vẫn đang đi ngoằn ngoèo dọc theo một lối nhỏ giữa rừng cây cối, nhưng trên bản đồ thì chẳng có gì ngoài rừng rậm chưa được đánh dấu.
“Mucha mota por aquí.” Salvador nói, chỉ tay về phía các ngọn đồi xung quanh. Quanh đây, có rất nhiều cây cần sa.
Bởi là vùng bất khả xâm phạm đối với cảnh sát, nên Barrancas trở thành căn cứ của hai băng đảng ma túy kình địch, Los Zeta và New Bloods. Tất cả đều là cựu binh đặc nhiệm Hoa Kỳ hung hãn. Băng Zeta khét tiếng với việc ném các cảnh sát không chịu hợp tác vào thùng dầu đang cháy, và đem tù binh của băng kình địch cho linh vật – hổ Bengal – ăn thịt. Sau khi nạn nhân ngừng la hét, những cái đầu cháy sém hoặc bị hổ gặm sẽ được cẩn thận thu hồi lại làm công cụ marketing; các băng đảng thích đánh dấu lãnh địa của mình, có lần đã cắm đầu hai viên cảnh sát phía ngoài một trụ sở công quyền với tấm biển đề dòng chữ bằng tiếng Tây Ban Nha: HÃY HỌC CÁCH TÔN TRỌNG. Cùng trong tháng đó, năm cái đầu khác được ném lên sàn nhảy của một hộp đêm đông đúc. Ngay cả ra tới tận đây, ở rìa vùng Barrancas, mỗi tuần lại xuất hiện thêm sáu xác chết.
Nhưng Salvador gần như chẳng bận tâm. Anh lái xe xuyên qua rừng, cất giọng khàn khàn ca cẩm về một cô ả Maria rắc rối nào đó. Đột nhiên, bài ca chết lặng. Anh tắt máy phát nhạc, nhìn trân trối vào một chiếc xe Dodge bán tải đỏ có cửa kính đen khói vừa lao ra từ màn bụi trước mặt chúng tôi.
“Narcotraficantes.” Anh lẩm bẩm.
Bọn buôn ma túy. Salvador cho xe ép sát vào mép vách đá bên phải và nhả bớt chân ga, giữ tốc độ ở mức gần như dừng hẳn, nhường đường chiếc Dodge màu đỏ.
Anh cố sức ra hiệu rằng không có chuyện gì ở đây. Chúng tôi chỉ đang lo chuyện riêng, không liên quan gì đến ma túy. Chỉ là, chúng tôi không được dừng xe… bởi chúng tôi biết nói gì đây, nếu họ chặn chúng tôi lại, lùa ra khỏi xe, bắt chúng tôi đứng trước họng súng trường tấn công và giải thích rành rọt rằng chúng tôi đang làm cái việc quái quỷ gì ở giữa vùng đất cần sa của Mexico.
Chúng tôi đâu thể nói sự thật; và giả như chúng tin, thì chúng tôi chết chắc. Những kẻ mà các băng đảng ma túy Mexico thù ghét ngang cảnh sát, chính là ca sĩ và đám phóng viên. “Ca sĩ” ở đây không phải là từ lóng chỉ mấy tay chỉ điểm; chúng ghét ca sĩ thực sự, các nhạc công đánh ghi-ta, diễn nhạc trữ tình. 15 ca sĩ đã bị các băng đảng ma túy xử tử trong vòng 18 tháng, trong đó có Zayda Peña, ca sĩ hát chính xinh đẹp 28 tuổi của ban nhạc Zayda y Los Culpables, người bị bắn sau một buổi hòa nhạc; cô thoát chết, nhưng nhóm sát thủ lại theo dấu đến tận bệnh viện và bắn chết cô khi cô còn đang hồi phục sau ca mổ. Chàng trai trẻ hào hoa Valentín Elizalde bị giết dưới làn đạn AK-47 ngay bên kia biên giới, ở McAllen, Texas, và Sergio Gómez bị giết không lâu sau khi được đề cử giải Grammy; bộ phận sinh dục của anh ta bị đốt, rồi bị bóp cổ cho đến chết và vứt xác ngoài đường. Người ta đồn đoán, họ bị giết bởi danh tiếng, vẻ đẹp và tài năng. Tầm ảnh hưởng của họ đã thách thức các tay trùm ma túy, và vì vậy, họ bị xử tử.
Án tử kỳ quái với những ca sĩ nhạc trữ tình này vừa mang tính cảm xúc, vừa khó đoán, nhưng đối với phóng viên thì lại thuần túy công việc. Tin bài về băng đảng ma túy được đăng trên các báo Mỹ, khiến giới chính khách Mỹ xấu hổ và gây áp lực lên Cục phòng chống Ma túy, buộc họ phải điều tra gắt gao hơn. Bị chọc tức, băng Zeta ném lựu đạn vào phòng tin tức và thậm chí còn cử sát thủ qua biên giới Mỹ để hạ sát các nhà báo thích gây phiền hà. Sau khi 30 phóng viên bị giết trong vòng sáu năm, tổng biên tập tờ Villahermosa tìm thấy một cái đầu của gã tép riu trong băng ma túy bên ngoài văn phòng mình với tờ giấy cảnh cáo: “Tiếp theo là mày.” Tình trạng giết chóc này tệ tới mức, Mexico cuối cùng đã đứng hàng thứ hai, chỉ sau Iraq về số phóng viên bị giết hoặc bắt cóc.
Và lúc này đây, chúng tôi đã bớt cho các băng đảng một đống rắc rối; một ca sĩ và một nhà báo lái xe thẳng vào sân sau nhà chúng. Tôi giấu ngay cuốn sổ tay vào túi quần và liếc nhanh ghế trước xem còn gì phải giấu đi không. Nhưng vô vọng, Salvador bày băng nhạc do ban của anh ta chơi khắp nơi, trong ví tôi có một tấm thẻ nhà báo đỏ tươi, còn dưới chân tôi là một ba lô chật cứng máy ghi âm, bút và máy ảnh.
Chiếc xe Dodge màu đỏ lăn bánh sát cạnh xe chúng tôi. Đó là một ngày nắng chói, với ngọn gió mang hương gỗ thông dịu mát, nhưng tất cả cửa của chiếc xe kia đều đóng chặt, cho phép những người trong xe ẩn mình hoàn toàn sau những tấm kính đen. Chiếc xe kia chậm dần lại như bò trên đường.
Cứ đi tiếp đi, tôi niệm thầm trong đầu. Đừng có dừng lại, đừng dừng lại, đừng, đừng…
Chiếc xe bán tải dừng hẳn. Tôi liếc sang trái, thấy Salvador đang nhìn chăm chăm về phía trước, hai bàn tay khóa cứng trên vô lăng. Tôi lại phóng tầm mắt ra phía trước và không dám nhúc nhích.
Chúng tôi ngồi im.
Chúng ngồi im.
Chúng tôi im lặng.
Chúng im lặng.
Sáu vụ án mạng trong vòng một tuần, tôi nghĩ bụng. Đốt cháy bộ phận sinh dục. Tôi thấy như đầu của mình lăn giữa những gót giày hoảng loạn trên một sàn nhảy nào đó ở Chihuahua.
Thình lình, một tiếng rồ máy xé tan bầu không khí. Mắt tôi lại liếc sang trái lần nữa. Chiếc Dodge màu đỏ khổng lồ bắt đầu động đậy và lăn bánh tiếp.
Salvador quan sát gương chiếu hậu cho tới khi chiếc xe chết chóc biến mất hẳn sau màn bụi. Sau đó, anh ta vỗ nhịp lên vô lăng và lại bật băng nhạc vang những tiếng yay-yay-yay của mình.
“¡Bueno!” Anh ta hét. “¡Ándale pues, a más aventuras!” Tuyệt vời! Tiếp tục phiêu lưu nào!
Các cơ bắp co cứng đến độ bóp vỡ hạt dẻ của tôi dần dần giãn ra. Nhưng chẳng được lâu.
Vài giờ sau, Salvador lại đạp phanh. Anh lùi xe, rẽ gắt sang phải khỏi lối mòn, và bắt đầu băng giữa rừng cây. Chúng tôi càng lúc càng vào sâu trong rừng, lăn bánh trên thảm lá thông và xóc nảy trên những cái rãnh sâu tới mức đầu tôi cụng hẳn vào trần xe.
Rừng càng tối, Salvador càng im lặng. Lần đầu tiên kể từ lúc chạm trán với Chiếc xe Chết chóc, anh phải tắt hẳn nhạc. Tôi cứ nghĩ anh đang tận hưởng sự tĩnh mịch nên cố ngả lưng ra và tận hưởng cùng. Nhưng cuối cùng, khi tôi phá vỡ bầu không khí bằng một câu hỏi, thì anh bực bội ra mặt. Tôi bắt đầu lơ mơ hiểu chuyện: chúng tôi bị lạc và Salvador không muốn thừa nhận điều này. Tôi quan sát anh kỹ hơn và nhận ra rằng anh đang đi chậm lại để xem xét các thân cây, như thể trên các cành cây đó có bản đồ chỉ đường được mã hóa.
“Toi rồi!” Tôi nhận ra. Chúng tôi chỉ có một phần tư khả năng để lối rẽ này là đúng, ba khả năng còn lại là: quay trở lại lãnh địa của băng Zeta, lao xuống một vách đá trong bóng đêm, hoặc đi lòng vòng giữa chốn hoang vắng cho tới khi hết nhẵn kẹo Clif Bar và một trong số chúng tôi sẽ ăn thịt kẻ còn lại.
Và sau đó, khi Mặt trời bắt đầu lặn, chúng tôi cũng hết luôn đường đi.
Chúng tôi thoát ra khỏi rừng cây và thấy cả một khoảng không gian hoang hoải phía trước – một đứt gãy lớn tới mức phía bên kia vực rất có thể nằm ở múi giờ khác. Phía dưới trông như một vụ nổ ngày tận thế bị đông đá, cứ như một vị thần giận dữ đang phá hủy hành tinh này dở dang thì bỗng dưng đổi ý. Tôi đang nhìn vào 20.000 dặm vuông hoang mạc, bị cắt ngẫu nhiên thành các hẻm núi sâu, rộng hơn cả Grand Canyon.
Tôi bước tới rìa vực, thấy tim mình loạn nhịp. Ngã xuống đây thì chắc rơi mãi không tới đáy. Xa xa phía dưới, lũ chim đang chao lượn. Tôi nhận ra dòng sông lớn chảy xiết dưới đáy vực sâu; nó trông như một mạch máu nhỏ xíu màu xanh trên cánh tay già nua. Bụng tôi quặn thắt. Làm thế quái nào chúng tôi xuống được dưới đó đây?
“Ta sẽ làm được thôi.” Salvador trấn an tôi. “Người Rarámuri làm suốt ấy mà.”
Khi thấy tâm trạng tôi có vẻ chẳng khá hơn là bao, Salvador an ủi thêm. “Này, thế cũng tốt đấy. Chỗ này dốc tới mức bọn buôn ma túy chẳng dám bén mảng dưới đó đâu.”
Tôi không biết anh thực sự tin là vậy, hay chỉ đang nói dối để làm tôi vững dạ. Dầu gì chăng nữa, thì thà anh đừng nói vậy còn hơn.
* * *
4
Hai ngày sau, Salvador đặt ba lô xuống, vuốt mồ hôi và cất tiếng. “Tới nơi rồi!”
Tôi nhìn quanh. Chẳng có gì ngoài đá và xương rồng.
“Tới đâu cơ?”
“Aquí mismo.” Salvador nói. “Tới đây. Đây là nơi bộ tộc Quimare sinh sống.”
Tôi chẳng hiểu anh ta đang nói gì. Trong mắt tôi, nơi đây trông như nửa tối của một hành tinh bị lãng quên mà chúng tôi vừa phải đi qua trong suốt mấy ngày trời. Sau khi bỏ lại chiếc xe bán tải ở rìa thung lũng, chúng tôi vừa trượt, vừa dò dẫm đi xuống đáy. Thật nhẹ nhõm vì cuối cùng chúng tôi cũng được bước đi trên đất bằng, nhưng chẳng được bao lâu; sau khi đi ngược dòng sông vào sáng hôm sau, chúng tôi càng lúc càng bị các tường đá cao vút siết chặt dần. Chúng tôi dấn bước, đội ba lô trên đầu khi lội ngược dòng nước sâu đến tận ngực. Mặt trời dần khuất lấp sau vách đá dốc đứng, cho tới khi chúng tôi phải dò dẫm xuyên qua bóng tối giữa tiếng nước chảy róc rách, tưởng như đang nhón bước chầm chậm dưới đáy biển sâu.
Cuối cùng, Salvador cũng nhìn thấy một lỗ hổng trên bức tường trơn tuột, và chúng tôi trèo qua đó, bỏ lại dòng sông phía sau. Đến giữa ngày, thì tôi lại chỉ mong có bóng tối âm u như lúc trước; với ánh mặt trời thiêu đốt trên cao và chẳng có gì ngoài các tảng đá trần trụi xung quanh, thì việc kéo lê thân qua triền dốc cứ như leo lên một tấm phản bằng thép. Cuối cùng Salvador cũng dừng lại, ngồi xuống một tảng đá để nghỉ ngơi.
Quỷ thật, anh ta bền bỉ quá. Tôi nghĩ. Mồ hôi túa ra trên khuôn mặt cháy nắng của Salvador, nhưng anh vẫn đứng vững. Vẻ mặt anh mong ngóng đến kỳ lạ.
“¿Qué pasa?”Tôi hỏi. “Gì vậy?”
“Họ ở chỗ này.” Salvador nói và chỉ tay lên một ngọn đồi nhỏ.
Tôi vội vã đứng lên. Tôi đi theo anh xuyên qua một khe đá, thấy trước mặt là một lỗ hổng tối tăm. Ngọn đồi nọ thực chất là một túp lều nhỏ, được xây bằng các viên gạch làm từ bùn và tiệp vào sườn núi khiến nó như thể vô hình, cho tới khi bạn đứng ngay trên nóc.
Tôi nhìn quanh lần nữa để xem mình còn bỏ qua căn nhà nào đó được ngụy trang hay không, nhưng khắp nơi chẳng có dấu hiệu của con người. Người Tarahumara thích sống biệt lập, thậm chí là biệt lập cả với nhau, đến mức các thành viên trong cùng một ngôi làng thậm chí chẳng chịu ở gần nhau trong khoảng cách có thể nhìn thấy khói bếp của nhà khác.
Tôi mở miệng định cất tiếng gọi, rồi lập tức ngậm ngay lại. Ai đó đã đứng sẵn ở đó, ngay trong bóng tối và quan sát chúng tôi. Và rồi, Arnulfo Quimare, người chạy bộ Tarahumara đáng gờm nhất, bước ra.
“Kuira-bá.” Salvador nói câu duy nhất trong tiếng Tarahumara mà anh biết. “Chúng ta là một.”
Arnulfo đang nhìn tôi.
“Kuira-bá.” Tôi lặp lại.
“Kuira.” Arnulfo thì thầm, nhẹ như tiếng thở. Anh chìa tay ra để bắt tay theo kiểu Tarahumara, trượt nhẹ các đầu ngón tay qua nhau. Sau đó anh lại biến mất vào trong căn lều. Chúng tôi đợi, rồi… đợi thêm một lúc nữa. Chỉ có vậy thôi sao? Không một tiếng thì thầm nào bên trong lều, không một dấu hiệu nào cho thấy anh định trở ra. Tôi men theo góc lều để xem anh có chuồn ra phía sau hay không. Một người Tarahumara khác đang nằm ngủ dưới bóng râm của bức tường sau nhà, nhưng chẳng có dấu vết nào của Arnulfo.
Tôi bước lại gần Salvador. “Anh ta có quay lại không?”
“No sé.” Salvador nhún vai và nói. “Tôi không biết. Có thể chúng ta đã làm anh ta bực mình.”
“Thật sao? Tại sao vậy?”
“Ta không nên đột ngột đến đây.” Salvador tự đá đá chân mình. Anh đã quá phấn khích và vi phạm một quy tắc xã giao của người Tarahumara. Trước khi đến một cái hang của người Tarahumara, bạn phải ngồi xuống nền đất cách đó khoảng chục mét và chờ đợi. Sau đó, bạn phải nhìn theo hướng ngược lại một lúc, như thể chỉ tình cờ tha thẩn đi ngang qua. Nếu ai đó xuất hiện và mời bạn vào hang, vậy là tuyệt vời. Nếu không, bạn phải đứng lên và đi nơi khác. Bạn không nên đi thẳng vào, như Salvador và tôi đã làm. Người Tarahumara chỉ thích được nhìn thấy khi họ muốn; nhìn họ mà không được mời giống như xông thẳng vào phòng tắm có người.
Thật may mắn, Arnulfo có vẻ là người độ lượng. Lát sau, anh quay lại, mang theo một giỏ chanh ngọt. Chúng tôi đến không phải dịp, anh giải thích; cả gia đình anh đang bị cúm. Người nằm phía sau túp lều là anh trai của anh, Pedro, hiện sốt cao tới mức chẳng buồn dậy nữa. Nhưng Arnulfo vẫn mời chúng tôi nghỉ ngơi.
“Assag.” Anh nói. Xin mời ngồi.
Chúng tôi ngồi sụm xuống dưới bóng cây tình cờ tìm được rồi bắt đầu bóc chanh, và đưa mắt nhìn dòng sông chảy xiết. Trong lúc chúng tôi ăn ngấu nghiến và phun hạt chanh xuống đất, thì Arnulfo chăm chú nhìn xuống mặt nước. Thỉnh thoảng, anh quay đầu lại và nhìn tôi dò xét. Anh không hề hỏi xem chúng tôi là ai hay tại sao lại đến đây; như thể anh muốn tự mình giải đáp.
Tôi cố gắng không nhìn, nhưng thật khó rời mắt khỏi một gã điển trai như Arnulfo. Anh có nước da màu nâu như da thuộc, cặp mắt đen dị thường sáng lấp lánh với vẻ tự tin đáng kinh ngạc dưới mái tóc đen “úp nồi”. Anh khiến tôi nhớ đến thời kỳ sơ khởi của ban nhạc Beatles; với các thành viên ban đầu, quyện vào nhau thành một tổng hòa của sự lanh lợi, vui vẻ, điển trai theo kiểu lặng lẽ tràn đầy sức mạnh. Anh vận trang phục thường ngày của người Tarahumara, một chiếc váy ngắn đến đùi và cái áo đỏ rực lửa, gợn sóng như áo khoác cướp biển. Mỗi khi cử động, cơ bắp anh dịch chuyển và cuộn lại như kim loại nóng chảy.
“Nhớ không, chúng ta từng gặp nhau rồi.” Salvador nói với anh bằng tiếng Tây Ban Nha.
Arnulfo gật đầu.
Ba năm liền, Arnulfo bỏ ra nhiều ngày vượt núi để có mặt ở Guachochi tham dự một cuộc đua 60 dặm xuyên qua thung lũng. Đó là một cuộc đua hằng năm của những người Tarahumara sống ở khắp các ngóc ngách của dãy Sierra, cùng vài người chạy bộ Mexico hiếm hoi sẵn sàng thử thách đôi chân và vận may với người dân bộ lạc. Ba năm liền, Arnulfo giành chiến thắng. Anh đoạt được danh hiệu từ anh trai Pedro và bám sát nút Arnulfo ở vị trí thứ hai và thứ ba là anh họ Avelado và anh rể Silvino.
Silvino là trường hợp đặc biệt, một người Tarahumara đứng giữa lằn ranh của thế giới mới và cũ. Nhiều năm trước, một giáo sĩ dòng La San quản lý một ngôi trường nhỏ của người Tarahumara đã đi cùng Silvino tới cuộc đua marathon ở California. Silvino thắng giải và giành được số tiền đủ mua một chiếc xe bán tải cũ, một chiếc quần bò, và một dãy nhà mới cho trường học. Silvino để chiếc xe bán tải trên đỉnh thung lũng, thỉnh thoảng lại leo lên đó và lái tới Guachochi. Mặc dù tìm được mối kiếm tiền chắc cú như vậy nhưng anh vẫn không bao giờ quay lại các cuộc đua.
Đối với phần còn lại của thế giới, người Tarahumara sống rất mâu thuẫn; họ xa lánh người lạ, nhưng lại bị thế giới bên ngoài quyến rũ. Theo cách nào đó, thì điều này có lý: khi bạn yêu thích việc chạy những cự ly dài đến phi thường, thì hẳn bạn sẽ bị cám dỗ bởi sự buông lơi, mặc cho đôi chân đưa bạn tới tận đâu. Một người Tarahumara từng có lần xuất hiện ở Siberia. Người ta không hiểu bằng cách nào mà anh ta lại lạc lên một con tàu hơi nước và lang thang qua các thảo nguyên nước Nga trước khi bị bắt và gửi trả về Mexico. Vào năm 1983, người ta bắt gặp một phụ nữ Tarahumara trong bộ váy truyền thống lòe xòe, đi lang thang trên một con phố tại Kansas; cô phải trải qua 12 năm trong một nhà thương điên trước khi một nhân viên xã hội nhận ra cô đang nói một thứ ngôn ngữ bị lãng quên, chứ không phải những lời lảm nhảm vô nghĩa.
“Anh có định chạy đua ở Mỹ không?” Tôi hỏi Arnulfo.
Anh tiếp tục nhai chanh và phun hạt. Một lúc sau, anh nhún vai.
“Anh có tiếp tục chạy ở Guachochi không?”
Nhai. Nhai. Nhún vai.
Giờ thì tôi đã hiểu ý của Carl Lumholtz khi nói về đàn ông Tarahumara, rằng họ rụt rè đến mức nếu không có bia thì bộ lạc này đã tuyệt chủng rồi. “Nghe có vẻ kỳ lạ,” Lumholtz kinh ngạc, “tôi không do dự gì khi tuyên bố rằng trong suốt quá trình tồn tại, đàn ông Tarahumara man mọi quá rụt rè và khép nép trong việc thực hiện đặc quyền trong hôn nhân; và chủ yếu nhờ có bia mà chủng tộc này vẫn còn tồn tại và tăng trưởng.” Dịch ra là: Đàn ông Tarahumara chẳng có nổi can đảm để có chút lãng mạn với vợ mình nếu như không dìm chết sự rụt rè trong món bia tự ủ.
Mãi sau này tôi mới biết mình đã tự làm hỏng việc khi mắc lỗi ngớ ngẩn thứ hai trong lúc làm thân với anh: Tra hỏi như cảnh sát. Không phải Arnulfo đang im lặng một cách khiếm nhã; mà chính tràng câu hỏi của tôi làm anh sợ. Đối với người Tarahumara, đặt câu hỏi trực diện là thể hiện quyền lực, là đòi hỏi sự sở hữu trong đầu họ. Họ chắc chắn sẽ không đột ngột mở lòng và chia sẻ bí mật với người lạ. Người lạ chính là lý do khiến người Tarahumra lẩn trốn tận nơi đây. Lần gần đây nhất người Tarahumara cởi mở với thế giới bên ngoài, thì thế giới bên ngoài đã xiềng xích họ và cắm đầu họ trên các cọc cao gần ba mét. Những người Tây Ban Nha đi tìm bạc chiếm cả đất đai và sức lao động của người Tarahumara – bằng cách chặt đầu tù trưởng của họ.
“Người Rarámuri đã bị quây lại như lũ ngựa hoang và bị bắt làm nô lệ trong hầm mỏ.” Một sử gia viết. Bất kỳ ai chống đối sẽ bị sử dụng trong màn diễn trò kinh dị. Trước khi chết, tù nhân Tarahumara sẽ bị tra tấn để lấy thông tin. Đó là tất cả những gì người Tarahumara sống sót cần biết về chuyện sẽ xảy ra khi có người lạ hiếu kỳ tìm đến.
Mối liên hệ giữa người Tarahumara và phần còn lại của thế giới sau đó còn tệ hại hơn nữa. Những thợ săn tiền thưởng miền Viễn Tây được trả 100 đô-la cho mỗi mảng da đầu của người Apache, nhưng không lâu sau, chúng nghĩ ra một cách tàn độc để tối đa hóa tiền thưởng và tối thiểu hóa rủi ro. Thay vì gây sự với những chiến binh có khả năng chống trả, chúng thảm sát người Tarahumara không có sức chống cự và đổi tiền thưởng bằng các mảng da đầu của họ.
Người tốt thậm chí còn gieo rắc chết chóc nhiều hơn cả kẻ xấu. Các giáo sĩ dòng Tên với Kinh Thánh trên tay và bệnh cúm trong phổi, hứa hẹn về cuộc sống vĩnh hằng nhưng lại phát tán cái chết tức thì. Người Tarahumara không có kháng thể của bệnh này, nên dịch cúm Tây Ban Nha lan nhanh còn hơn lửa cháy, quét sạch các ngôi làng chỉ trong ít ngày. Một thợ săn Tarahumara rời nhà đi săn trong một tuần, khi quay lại chỉ thấy thây ma và ruồi nhặng.
Không khó lý giải sự bất tin tưởng của người Tarahumara đối với người lạ lại kéo dài 400 năm và đưa họ tới đây, nơi trú ẩn tận đáy cùng Trái đất. Cũng vì vậy, vốn từ vựng miêu tả con người của họ cũng bị cắt xén triệt để. Trong tiếng Tarahumara, chỉ có hai loại người: Rarámuri, người chạy trốn khỏi rắc rối và chabochi, người gây ra rắc rối. Đó là một cách nhìn cay nghiệt với thế giới, nhưng với sáu xác chết bị ném xuống thung lũng mỗi tuần, thì khó lòng phán xét họ sai.
Đối với Arnulfo, anh đã làm đúng phép xã giao khi mang chanh tới. Anh đã đảm bảo rằng những người khách phương xa được nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe, rồi sau đó, anh lại thu mình lại theo cách mà bộ lạc vẫn lánh vào thung lũng. Tôi có thể ngồi cả ngày và truy vấn anh đủ kiểu. Nhưng tôi sẽ không tài nào hiểu được anh.