Sinh Ra Để Chạy - Chương 14

* * *

27

Tôi gặp Eric năm ngoái, ngay khi vừa chán nản tháo đôi giày chạy và nằm lăn ra mặt sông băng lạnh giá. Tôi lại bị đau lần nữa – và theo như tôi nhớ thì đó chính là lần cuối cùng.

Ngay khi về nhà sau chuyến đi Barrancas, tôi bắt đầu thực hành các bài học của Caballo. Tôi không thể chờ đợi, chỉ muốn xỏ chân vào giày mỗi buổi chiều và cố gắng tìm lại cảm xúc khi ở Creel, khi việc chạy đằng sau Caballo khiến cho chặng đường có vẻ thật dễ dàng, nhẹ nhàng, êm ái, và nhanh tới mức tôi chẳng hề muốn dừng lại. Trong khi chạy, tôi cố gắng chiếu lại đoạn phim hình ảnh Caballo đang chạy được ghi lại trong tâm trí. Tôi cố gắng nhớ lại cách anh lướt lên đồi, như thể đang bị người ngoài hành tinh bắt cóc mà vẫn giữ mọi thứ trên cơ thể được thả lỏng, trừ hai khuỷu tay xương xẩu, liên tục vung mạnh như một con Robot Rock’em-Sock’em. Mặc dù có dáng người cao lòng khòng, nhưng nhìn Caballo chạy trên đường mòn, tôi lại liên tưởng đến Muhammad Ali trên võ đài: lỏng lẻo như cây rong biển bị sóng cuộn nhồi, chỉ có một thoáng dữ dằn sẵn sàng bùng nổ.

Sau hai tháng, tôi đã nâng cự ly lên sáu dặm một ngày và một buổi chạy 10 dặm vào cuối tuần. Tư thế chạy của tôi chưa thể tốt nghiệp cấp độ Trơn tru, nhưng tôi vẫn giữ được ở đâu đó giữa mức Dễ dàng và Nhanh. Mặc dầu vậy, tôi bắt đầu hơi lo lắng; dù hết sức thận trọng, nhưng chân của tôi đã lại bắt đầu nổi loạn; khẩu súng phun lửa trong bàn chân phải của tôi đã bắt đầu đánh lửa và đằng sau bắp vế có cảm giác giật giật, như thể gân gót chân tôi đã bị thay bằng dây đàn piano vậy. Tôi gom được cả đống sách về giãn cơ và nghiêm chỉnh dành ra nửa giờ để thả lỏng sau mỗi buổi chạy, nhưng bóng ma của cây kim tiêm cortisone ở chỗ bác sĩ Torg vẫn theo đuổi tôi.

Đến cuối mùa xuân, đã đến lúc làm thử nghiệm. Nhờ một người bạn kiểm lâm, tôi may mắn có được cơ hội hoàn hảo: một cuộc chạy bộ dài ba ngày, cự ly 50 dặm xuyên qua dòng sông No Return ở bang Idaho, hơn 10.000 km2 đất hoang chưa ai đụng chạm đến của phần nước Mỹ lục địa. Việc bố trí cũng thật hoàn hảo: đồ tiếp tế của chúng tôi sẽ được một con la thồ đi, vì vậy, tất cả những gì tôi và bốn người chạy bộ khác phải làm là vượt qua 15 dặm đường đất mỗi ngày từ điểm cắm trại này sang điểm cắm trại khác.

“Trước khi tới Idaho, tôi gần như không biết gì về rừng rú.” Jenni Blake bắt đầu kể, trong lúc dẫn chúng tôi xuống một dải đường mòn hẹp uốn quanh các cây bách xù. Nhìn cô lướt trên đường mòn như đám thanh niên, thật khó mà tin được rằng cô đã tới đây được 20 năm; ở tuổi 38, Jenni vẫn để tóc mái, cặp mắt xanh màu chiến thắng, chân tay thon gọn và rám nắng như sinh viên năm thứ nhất đang đi nghỉ hè. Điều lạ lùng là cô bây giờ còn vô tư lự hơn cả hồi trẻ.

“Tôi mắc chứng thèm ăn vô độ hồi đại học và rất tự ti về bản thân, cho đến khi tới được nơi này.” Jenni nói. Cô đến đây với tư cách tình nguyện viên mùa hè, và ngay lập tức được người ta đưa cho một chiếc cưa gỗ cùng khẩu phần thức ăn trong hai tuần và giao nhiệm vụ đi tới rừng hoang để dọn dẹp đường mòn. Cô suýt oằn xuống bởi sức nặng của chiếc ba lô, nhưng rồi cố gắng kìm nén những nỗi nghi ngờ và lên đường, một mình, đi vào rừng.

Lúc bình minh, cô xỏ giày thể thao, không mặc gì thêm và bắt đầu chạy xuyên qua rừng cây, dưới ánh mặt trời đang dần sưởi ấm cơ thể trần trụi. “Hồi ấy, tôi ở đây một mình trong nhiều tuần liền.” Jenni giải thích. “Chẳng ai nhìn thấy tôi được, vì vậy, tôi cứ thế đi, đi và đi mãi. Đó là cảm giác tuyệt vời đến mức khó tưởng tượng.” Cô không cần đồng hồ hay một tuyến chạy; cô áng chừng tốc độ bằng cảm giác khi gió thổi trên da, và cứ thế chạy dọc theo các lối mòn đầy lá thông cho tới khi đôi chân và phổi van nài cô quay trở lại chỗ cắm trại.

Jenni trở nên đáng gờm từ khi đó, thường xuyên chạy những cự ly dài ngay cả khi bang Idaho bị tuyết phủ kín. Có thể cô đang cố gắng chống chọi với những vấn đề sâu xa nào đó, nhưng cũng có thể (theo như Bill Clinton) là chẳng có điều gì không ổn với Jenni lại không thể được sửa chữa bằng những gì phù hợp với Jenni.

Thế nhưng, khi cố gắng hoàn thành đoạn xuống dốc cuối cùng ba ngày sau đó, tôi gần như chẳng đi bộ nổi. Tôi tập tễnh bước xuống suối và ngồi luôn ở đó, vừa cáu tiết, vừa không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Tôi phải mất ba ngày mới chạy được cùng cự ly đường đua của Caballo, bị rách một bên gân gót chân, có khi là cả hai, và một cảm giác đau ở gót chân mà tôi ngờ rằng chính là loại chấn thương vẫn được coi là vết cắn ma cà rồng trong môn chạy bộ: viêm gân gan bàn chân (PF).

Một khi con ma PF cắm răng nanh vào gót chân bạn, thì bạn có nguy cơ chịu trận đến hết đời. Chỉ cần xem bất kỳ diễn đàn nào về chạy bộ, đảm bảo là bạn sẽ tìm thấy một đống mục trao đổi của những người dính phải PF khẩn thiết cầu xin phương thuốc cứu chữa. Mọi người đều nhiệt tình đưa ra những phương pháp chữa trị như – bó chân buổi đêm, tất đàn hồi, sóng siêu âm, sốc điện, cortisone, miếng lót chỉnh hình – nhưng các tin nhắn như vậy vẫn tiếp tục xuất hiện bởi vì có vẻ như mọi biện pháp trên đều không có hiệu quả.

Vậy thì làm thế nào Caballo có thể lao được xuống những con dốc còn dài hơn cả Grand Canyon chỉ bằng đôi xăng đan cũ nát, trong khi tôi chẳng thể chạy tổng quãng đường ít ỏi trong vài tháng mà không gặp rắc rối lớn? Wilt Chamberlain 60 tuổi, cao hơn 2,3 m, nặng gần 125 kg, lại chẳng hề hấn khi chạy hết cuộc đua siêu dài cự ly 50 dặm, sau khi đầu gối ông đã trải qua cả sự nghiệp chơi bóng rổ. Chưa hết, một thủy thủ Na Uy tên là Mensen Ernst thậm chí chẳng nhớ rõ đất liền là thế nào khi lên bờ vào năm 1832, thế nhưng vẫn chạy hết quãng đường từ Paris đến Moscow và thắng cược, trung bình chạy hơn 200 km mỗi ngày trong 14 ngày, mà chẳng biết mình đã xỏ loại giày quê kệch nào, và chạy trên những loại mặt đường nào.

Và đó mới chỉ là lần tập dượt của Mensen, trước khi anh thực sự nghiêm túc: sau này, anh ta chạy từ Constantinople đến Calcutta, nhẹ nhàng vượt qua 90 dặm mỗi ngày trong suốt hai tháng liền. Như vậy không phải là chẳng hề hấn gì với anh ta; Mensen phải nghỉ hẳn ba ngày trước khi… chạy 5.400 dặm ngược trở về nhà. Vậy tại sao Mensen lại chẳng bao giờ bị viêm gân gan bàn chân? Anh chẳng thể bị nổi, vì chân anh vẫn trong tình trạng tuyệt vời một năm sau đó, khi bỏ mạng vì bệnh lị trên chặng đường chạy đến tận đầu nguồn sông Nile.

Bất kỳ nơi đâu, tôi cũng gặp một lô những người chạy bộ siêu phàm xuất hiện ra từ bóng tối. Chỉ cách chỗ tôi ở vài dặm ở Maryland, cô bé Mackenzie Riford 13 tuổi đã vui vẻ chạy hết giải JFK 50 dặm cùng với mẹ (“Cháu thấy vui lắm!”), trong khi Jack Kirk – người được mệnh danh là “Quái vật Dipsea” – vẫn chạy giải Dipsea Trail Race khủng khiếp ở tuổi 96. Giải đua này bắt đầu với đoạn lên dốc trên vách đá cao 671 bậc, nghĩa là một người già gần bằng nửa nước Mỹ đã leo lên cầu thang cao 50 tầng trước khi chạy vào rừng. “Bạn không ngừng chạy khi già đi.” Quái vật nói. “Bạn già đi vì bạn ngừng chạy.”

Vậy thì tôi đã bỏ sót điều gì? Tình trạng của tôi lúc này còn tệ hơn cả lúc tôi bắt đầu; tôi không chỉ không thể chạy đua được với những người Tarahumara, mà tôi ngờ rằng bàn chân với chứng viêm gân PF sẽ còn khiến tôi không thể đến nổi vạch xuất phát.

___________________

“Anh giống y như những người khác.” Eric Orton bảo tôi. “Anh chẳng hiểu mình đang làm gì hết.”

Vài tuần sau thất bại ê chề ở Idaho, tôi đi phỏng vấn Eric theo yêu cầu của một tạp chí. Là một huấn luyện viên thể thao mạo hiểm ở Jackson Hole, Wyoming, và từng phụ trách lĩnh vực thể thao cho Trung tâm Khoa học Y tế của Đại học Colorado, chuyên môn của Eric là bóc tách các môn thể thao sức bền tới từng chuyển động cơ bản nhất để tìm ra kỹ năng có thể áp dụng sang môn thể thao khác. Anh nghiên cứu môn leo núi để tìm ra kỹ thuật về vai, áp dụng cho người chèo thuyền kayak, và áp dụng cơ chế lực đẩy mượt mà của môn trượt tuyết kiểu Nordic cho môn xe đạp địa hình. Điều mà anh đang thực sự tìm kiếm chính là những nguyên tắc thiết kế cơ bản nhất; anh tin rằng tiến bộ vĩ đại tiếp theo trong thể dục thể thao sẽ không phải về luyện tập hay công nghệ, mà là kỹ thuật – vận động viên tránh được chấn thương sẽ chiến thắng trong các cuộc thi đấu.

Anh đã đọc bài báo của tôi về Caballo cùng người Tarahumara, và đặc biệt tò mò muốn nghe thêm về họ. “Những gì người Tarahumara đang làm chính là nghệ thuật của cơ thể.” Anh nói. “Không ai trên Trái đất này tạo lập được đức tính tốt dựa trên động lực tự thân như vậy.” Eric bị người Tarahumara cuốn hút từ khi một vận động viên mà anh huấn luyện để tham gia giải Leadville trở về với những câu chuyện lạ kỳ về đám thổ dân siêu đẳng chạy như bay trong hoàng hôn Druidic, mặc áo choàng, chân đi dép xăng đan. Eric đã mày mò trong thư viện để tìm tài liệu về người Tarahumara, nhưng tất cả chỉ là vài tài liệu nhân chủng học từ những năm 50 cùng một ghi chép không chuyên của cặp vợ chồng đi du lịch xuyên Mexico trên xe thùng cắm trại. Đó rõ ràng là một lỗ hổng kỳ dị trong tư liệu thể thao. Chạy đường dài là môn thể thao được nhiều người chơi nhất thế giới, nhưng hầu như không có tài liệu nào ghi chép về những người chơi môn thể thao này giỏi nhất.

“Ai cũng nghĩ mình biết cách chạy, nhưng thực ra nó phức tạp chẳng kém các môn khác.” Eric bảo tôi. “Cứ hỏi hầu hết mọi người thì sẽ thấy, họ đều nói rằng ‘ai chả chạy như nhau.’ Thật nực cười! Có phải ai cũng bơi giống nhau đâu?” Với các môn thể thao khác, phần dạy cách chơi rất quan trọng; bạn không thể cứ ra sân rồi cầm gậy golf quật túi bụi, hoặc trượt xuống sườn núi với dụng cụ trượt tuyết, mà phải được ai đó dạy cho từng bước một, và hướng dẫn tư thế đúng. Nếu không, chắc chắn là hiệu quả sẽ không cao và chuyện bị chấn thương là khó tránh khỏi.

“Chạy bộ cũng vậy thôi.” Eric giải thích. “Nếu học sai cách, bạn sẽ không bao giờ biết được rằng chơi môn này thích đến thế nào.” Anh gặng hỏi tôi từng chi tiết về cuộc đua mà tôi được xem ở trường học của người Tarahumara. (“Trận bóng gỗ nhỏ.” Anh trầm tư. “Họ tập chạy bằng cách chơi đá bóng; chuyện đó không thể là tình cờ.”) Rồi anh đề nghị; rằng sẽ giúp tôi sẵn sàng cho cuộc đua của Caballo, và đổi lại, tôi phải bảo lãnh cho anh ta với Caballo.

“Nếu cuộc đua này diễn ra thật, chúng ta nhất định phải có mặt.” Eric giục giã. “Đó sẽ là cuộc đua chạy bộ siêu dài vĩ đại nhất.”

“Tôi không nghĩ mình sinh ra để chạy 50 dặm.” Tôi nói.

“Ai cũng được sinh ra để chạy bộ hết.” Anh trả lời.

“Cứ mỗi lần tăng cự ly lên, tôi lại bị chấn thương.”

“Lần này sẽ khác.”

“Tôi có nên dùng miếng lót chỉnh hình không?

“Quên mấy thứ đó đi.”

Tôi vẫn bán tín bán nghi, nhưng sự tự tin tuyệt đối của Eric đã chiến thắng. “Chắc tôi phải giảm cân trước để giảm tải cho chân nhỉ.”

“Chế độ ăn uống của anh sẽ tự động thay đổi thôi. Cứ chờ xem!”

“Thế còn yoga thì sao? Sẽ có ích chứ?”

“Quên yoga đi. Tất cả những vận động viên chạy bộ tập yoga mà tôi biết đều bị chấn thương hết.”

Nghe thấy những điều này, tôi phấn chấn hơn hẳn. “Anh thực sự nghĩ rằng tôi làm được à?”

“Tôi nói thật nhé.” Eric bảo. “Anh sẽ không được phép có sai sót. Nhưng anh sẽ làm được.” Tôi phải quên tất cả những gì từng biết về chạy bộ và bắt đầu lại từ đầu.

“Hãy sẵn sàng để quay ngược về quá khứ.” Eric nói. “Anh sẽ trở về với thời kỳ bộ lạc.”

Vài tuần sau, một người đàn ông với cái chân phải vẹo vọ từ dưới đầu gối trở xuống lết đến gặp tôi và mang theo một sợi dây thừng. Anh ta buộc sợi dây đó quanh hông tôi và kéo thật chắc. “Đi nào!” Anh ta hét.

Tôi gập nghiêng người ra trước để kéo căng sợi thừng, ra sức khua chân để kéo người kia về phía trước. Anh ta buông dây, và tôi phóng vọt đi. “Tốt!” Anh ta nói. “Cứ khi nào chạy, hãy nhớ lại cảm giác bị ghìm bởi sợi dây. Nó sẽ giúp anh giữ bàn chân ở dưới cơ thể, người anh sẽ hướng thẳng về phía trước, và anh sẽ không dùng đến gót chân nữa.”

Eric đã chỉ cho tôi cách biến đổi thành thổ dân bộ lạc bằng việc đi xuống bang Virginia để theo học Ken Mierke, một nhà sinh lý học thể dục và là một vận động viên ba môn phối hợp từng vô địch thế giới, gặp chứng bệnh loạn dưỡng cơ nên tìm mọi cách để có được cách chạy bộ hiệu quả nhất. “Tôi là bằng chứng sống về óc hài hước của Chúa trời.” Ken thường hay nói. “Tôi từng là đứa trẻ bị quá cân với một chân bị tật nhưng lại có người cha sống bằng thể thao. Vì vậy, là một đứa nhóc béo phì bị teo cơ, tôi chậm hơn rất nhiều so với đối thủ. Tôi đã học cách nghiên cứu mọi thứ và tìm ra cách tốt hơn.”

Trong môn bóng rổ, Ken không thể dốc bóng, nên anh tập luyện ném bóng ba điểm và tập thành thục cú ném bóng một tay giơ cao. Anh không thể đuổi kịp một thủ quân hay chạy thoát ăn điểm ở môn bóng bầu dục, nhưng lại nghiên cứu các góc của cơ thể, các đường tấn công và trở thành hậu vệ trái đáng gờm. Anh không thể đuổi kịp một cú vô lê chéo sân, nên khi chơi tennis, anh luyện một cú giao bóng và trả bóng dữ dội. “Nếu tôi không thể chạy đuổi kịp anh, thì tôi sẽ thắng anh bằng cái đầu.” Anh ta nói. “Tôi sẽ tìm ra điểm yếu của anh và biến nó thành thế mạnh của tôi.”

Vì cơ bắp vế chân phải bị teo nên khi bắt đầu thi đấu ba môn phối hợp, Ken chỉ có thể chạy được với một chiếc giày nặng trịch tự chế từ giày trượt pa-tanh và lò xo lá. Thứ đó khiến cho anh gặp bất lợi về cân nặng so với các vận động viên cụt chi trong nhóm vận động viên khuyết tật, vì vậy, việc nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng để bù đắp cho đôi giày nặng hơn 3 kg ấy sẽ mang lại thay đổi vô cùng to lớn.

Ken có cả đống băng quay các vận động viên chạy bộ người Kenya và anh xem kỹ từng khung hình một. Sau nhiều giờ nghiên cứu, anh đột nhiên phát hiện ra: những vận động viên marathon giỏi nhất thế giới chạy giống y như trẻ con học mẫu giáo. “Hãy nhìn lũ trẻ con chạy nhảy ngoài sân chơi. Chân chúng tiếp đất thẳng dưới thân người, và chúng đạp đẩy mạnh ra phía sau.” Ken nói. “Các vận động viên Kenya cũng làm giống hệt như vậy. Cách họ chạy chân đất từ khi còn nhỏ giống y như cách họ chạy bây giờ, khác hoàn toàn với cách người Mỹ chạy bộ.” Cầm giấy bút, Ken ngồi xem lại các đoạn băng và ghi chép lại tất cả những yếu tố quan trọng trong bước chạy của người Kenya. Sau đó anh bắt đầu đi tìm kiếm chuột bạch để thí nghiệm.

May sao, lúc đó Ken hiện đang thực hiện thử nghiệm sinh lý học trên các vận động viên ba môn phối hợp. Đây là công việc nằm trong các nghiên cứu vận động học của anh tại Đại học Virginia Polytechnic, vì vậy anh được tiếp cận với rất nhiều vận động viên. Các vận động viên chạy bộ thường dễ phản kháng lại những ai muốn đụng chạm đến bước chạy của mình, nhưng các Ironman thì lại sẵn sàng thử mọi thứ. “Các vận động viên ba môn phối hợp thường có tư duy cấp tiến.” Ken giải thích. “Đây là một môn thể thao trẻ tuổi, nên nó không bị sa lầy trong các truyền thống cũ. Hồi năm 1988, các vận động viên ba môn phối hợp bắt đầu dùng giá tì tay khí động học trên xe đạp, và các vận động viên đua xe đạp đã chế nhạo họ không thương tiếc – cho tới khi Greg Lemond dùng một bộ giá như vậy và giành chức vô địch Tour de France với chênh lệch sít sao là tám giây.”

Vật thí nghiệm đầu tiên của Ken là Alan Melvin, một vận động viên ba môn phối hợp đẳng cấp thế giới đã vào độ tuổi hơn 60. Trước tiên, Ken đặt ra ngưỡng luyện tập bằng cách để Melvin chạy 400 m hết sức. Sau đó anh cài một máy gõ nhịp lên áo của ông.

“Cái này để làm gì vậy?”

“Ông đặt nó ở ngưỡng 180 nhịp/phút, rồi chạy theo nhịp nhé.”

“Tại sao?”

“Các vận động viên Kenya có tốc độ guồng chân siêu nhanh.” Ken nói. “Thu ngắn bước chân lại, tăng tốc độ guồng chân và chạy nhẹ nhàng hơn thì có hiệu quả cao hơn các bước dài và gắng sức.”

“Tôi không hiểu.” Alan nói. “Sải bước dài thì phải lợi hơn sải bước ngắn chứ?”

“Tôi hỏi ông nhé.” Ken đáp. “Ông đã bao giờ trông thấy mấy gã chạy chân đất trong các cuộc đua 10.000 km chưa?”

“Rồi. Họ khua chân cuống quýt như đang chạy trên than nóng.”

“Thế ông đã thắng được gã nào chạy chân đất như vậy chưa?”

Alan ngẫm nghĩ. “Cũng có lý.”

Sau khi tập luyện năm tháng, Alan trở lại để kiểm tra. Ông chạy bốn quãng lặp dài một dặm, và mỗi vòng trong sân vận động lần này đều nhanh hơn kỷ lục cá nhân cự ly 400 m của ông trước đây. “Đây là một người đã từng chạy bộ 40 năm trời và đã nằm trong 10 người đứng đầu nhóm tuổi.” Ken chỉ ra. “Đây không phải là tiến bộ của một người mới tập. Trên thực tế, là một vận động viên 62 tuổi, đáng nhẽ ông ta phải yếu đi mới đúng.”

Ken cũng thí nghiệm trên cả bản thân mình. Anh chạy kém tới mức trong lần đạt thành tích tốt nhất ở cuộc đua ba môn phối hợp, anh dẫn đầu sau khi hoàn thành phần đạp xe, nhanh hơn người kế tiếp 10 phút, để rồi vẫn thua cuộc. Chỉ sau một năm kể từ khi sáng tạo ra kỹ thuật mới vào năm 1997, Ken đã trở nên bất bại. Anh giành chức vô địch thế giới ở hạng mục của vận động viên khuyết tật trong hai năm liên tiếp. Khi tin đồn rằng Ken đã tìm ra được cách chạy không chỉ nhanh mà còn nhẹ nhàng cho đôi chân, các vận động viên ba môn phối hợp khác bắt đầu thuê anh làm huấn luyện viên. Từ đó, Ken huấn luyện cho 10 vận động viên giành được chức vô địch quốc gia và lập kế hoạch cho hơn 100 vận động viên khác.

Tin rằng đã tìm lại được thứ nghệ thuật cổ xưa, Ken đặt tên phương pháp của mình là Evolution Running (Chạy bộ tiến hóa). Thật tình cờ, hai trường phái chạy chân đất khác cũng nổi lên cùng thời gian đó. “Chi Running” (Chạy bộ khí công), dựa trên sự cân bằng và tối thiểu hóa của thái cực quyền, rộ lên ở San Francisco, còn ở Florida, Tiến sĩ Nicholas Romanov, một nhà sinh lý học thể dục, lại dạy phương pháp POSE. Làn sóng tối thiểu hóa không dựa vào sự sao chép hay lai tạp, mà dường như là lời kinh cứu rỗi đáp lại nhu cầu cấp bách muốn đối phó với căn bệnh truyền nhiễm mang tên chấn thương trong chạy bộ. Tối thiểu hóa cũng chính là logic cơ học thuần túy của cái mà Ted Chân Đất gọi là “nghệ thuật ứng tác từ những thứ có sẵn của trường phái chân đất” – cách gọi tao nhã của phương thuốc ít-chính-là-nhiều.

Nhưng một hệ thống đơn giản lại chưa chắc dễ học, đây là điều tôi phát hiện ra khi xem lại đoạn băng Ken Mierke quay tôi chạy. Trong đầu tôi vẫn hình dung ra cảm giác Dễ dàng, Nhẹ nhàng và Trơn tru, nhưng đoạn băng lại cho thấy tôi vẫn nảy lên xuống và khom người tới trước như bị hút vào tâm bão. Ken giải thích rằng việc tôi thấy dễ dàng áp dụng phong cách của Caballo, chính là sai lầm của tôi.

“Khi tôi dạy kỹ thuật này cho một ai đó rồi hỏi họ cảm thấy thế nào, nếu họ trả lời ‘Tuyệt!’ thì tôi sẽ nói ‘Hỏng rồi!’ Điều đó có nghĩa là họ chưa thay đổi gì hết. Sự thay đổi đáng lẽ phải tạo ra sự gượng gạo. Sẽ có giai đoạn, anh thấy mình không còn dễ dàng chạy theo cách cũ, nhưng lại chưa cảm thấy thoải mái khi chạy theo cách mới. Anh sẽ không chỉ thích nghi về kỹ năng, mà phải thích nghi đến tận các mô; anh đang kích hoạt những cơ bắp ngủ quên suốt cuộc đời mình.”

Eric có cách để tránh được hoàn toàn các lỗi sai khi dạy kỹ năng này.

“Hãy tưởng tượng con anh chạy ra phố và anh phải tăng tốc đuổi theo bằng chân đất.” Eric bảo tôi sau khi tôi xong phần việc với Ken. “Anh sẽ tự động chuyển sang tư thế hoàn hảo – chạy bằng phần trước bàn chân, với lưng thẳng, đầu ổn định, cánh tay vung cao, khuỷu tay vung trước sau, và bàn chân chạm đất nhanh gọn ở phần trước, sau đó chân đạp ra sau, vung cao về phía mông.”

Sau đó, để cho bước chạy nhẹ nhàng như lời thì thầm ngấm vào cơ bắp, Eric lên chương trình luyện tập, trong đó có rất nhiều bài chạy lặp lên dốc. “Anh sẽ không thể chạy lên dốc mạnh mẽ với một tư thế xấu được.” Eric giải thích. “Thực sự không thể được. Nếu anh cứ cố tiếp đất bằng gót với chân duỗi thẳng, thì anh sẽ bị ngã ngửa ra sau.”

Eric bắt tôi mua thiết bị đo nhịp tim để tôi có thể sửa được lỗi phổ biến thứ hai trong môn chạy bộ: tốc độ. Chúng ta hầu như chẳng biết gì về tốc độ hay dáng chạy. “Hầu hết người chạy bộ đều chạy các bài tập chậm với tốc độ quá nhanh, và chạy các bài tập nhanh với tốc độ quá chậm.” Ken Mierke nói. “Vì thế họ đều tập cho cơ thể đốt đường, đó là điều không vận động viên chạy đường dài nào muốn cả. Anh có đủ mỡ dự trữ để chạy tới tận California, vì vậy, anh càng tập cho cơ thể quen với việc đốt mỡ thay cho đốt đường nhiều hơn, thì phần dự trữ đường ít ỏi trong anh càng trụ được lâu hơn.”

Cách để kích hoạt hệ thống đốt mỡ trong cơ thể là duy trì cơ thể ở dưới ngưỡng hiếu khí – ngưỡng thở khó nhọc – trong bài chạy sức bền. Trước khi giày đế êm và nền đường lát phẳng ra đời, việc duy trì tốc độ dưới ngưỡng này dễ hơn nhiều; cứ thử lao nhanh trên đường mòn đầy đá vụn với đôi xăng đan hở ngón mà xem, bạn sẽ thấy hết muốn tăng tốc ngay. Khi bàn chân không được bảo vệ bằng các sản phẩm nhân tạo, bạn buộc phải chú ý và điều chỉnh tốc độ: khi liều lĩnh chạy nhanh và ẩu, cơn đau dẫn lên từ xương ống chân sẽ làm bạn phải chậm bớt.

Tôi háo hức muốn chơi hết cỡ kiểu Caballo, thay giày chạy bằng xăng đan, nhưng Eric cảnh báo rằng tôi sẽ rước về một vết rạn xương nếu thình lình thay đổi sau khi để bàn chân nghỉ ngơi 40 năm qua. Vì mục tiêu số một là chuẩn bị cho 50 dặm đường mòn, tôi không có thời gian tập luyện sức mạnh bàn chân trước khi tập luyện chính thức. Bắt đầu từ việc bảo vệ bản thân, tôi thử nghiệm một số loại giày đế thấp trước khi dùng một mẫu giày cũ trên eBay: đôi Nike Pegasus8 tồn kho từ năm 2000, loại giày cho cảm giác đế bệt như đôi Cortez ngày xưa.

8. Chính sách của Nike, cứ 10 tháng lại rút các đôi giày bán chạy nhất khỏi kệ hàng, tạo cảm hứng cho vài bản trường ca tục tĩu trên một số diễn đàn. Ví dụ, đôi Nike Pegasus, bán ra vào năm 1981, được tôn sùng bởi thiết kế xù xì nhưng đẹp mắt năm 1983, và mặc dù trở thành đôi giày chạy bộ phổ biến nhất mọi thời đại, vẫn bị ngừng sản xuất vào năm 1998, rồi lại xuất hiện như một con quái vật mới vào năm 2000. Tại sao lại như vậy? Chẳng phải để cải tiến giày, như một cựu chuyên gia thiết kế giày cho Nike, người từng làm việc với đôi Pegasus đầu tiên, nói với tôi, mà là để tăng doanh số; Nike nhằm vào việc tăng gấp ba doanh số bán hàng bằng cách dụ dỗ người chạy bộ mua hai, ba, thậm chí năm đôi giày mỗi lượt, để phòng trường hợp họ không được nhìn thấy đôi giày yêu thích của mình nữa.

Đến tuần thứ hai, Eric đã bắt tôi chạy các bài tập dài hai giờ đồng hồ, lời khuyên duy nhất của anh là tập trung vào tư thế chạy, và giữ tốc độ thoải mái tới mức thỉnh thoảng có thể ngậm mồm mà vẫn thở được. (50 năm trước, Arthur Lydiard đã đề ra một mẹo tương tự nhưng cách làm ngược lại để kiểm soát nhịp tim và tốc độ: “Chỉ chạy ở tốc độ có thể nói chuyện được.”) Tới tuần thứ tư, Eric bắt đầu đưa thêm các bài tập tốc độ: “Anh chạy được thoải mái ở tốc độ càng cao,” anh dạy tôi, “thì càng tốn ít năng lượng hơn. Chạy nhanh đồng nghĩa với việc thời gian nện chân xuống đường sẽ ngắn hơn.” Chưa tới tám tuần tập theo chương trình của anh, mỗi tuần tôi đã chạy được nhiều dặm hơn và chạy được với tốc độ nhanh hơn so với trước đây.

Đó là lúc tôi quyết định ăn gian. Eric đã hứa rằng chế độ ăn uống của tôi sẽ tự điều chỉnh khi tổng số dặm chạy được của tôi tăng lên, nhưng tôi vẫn nghi ngờ nên không muốn chỉ ngồi đợi. Tôi có một người bạn là vận động viên xe đạp, anh này có thói quen vứt các chai nước trước khi đạp lên dốc; vậy nếu 350 ml nước có khả năng làm anh ta chậm lại, thì chẳng khó để tính toán xem khoảng 13 cân nặng thừa có thể ảnh hưởng tới tôi như thế nào. Nhưng nếu tôi định đụng chạm đến chế độ ăn uống của mình chỉ vài tháng trước cuộc đua 50 dặm, tôi cần phải thực hiện một cách thận trọng khi làm theo kiểu Tarahumara: Tôi cần phải vừa khỏe mạnh lên vừa phải gầy bớt đi.

Tôi đã lần tìm ra được Tony Ramirez, người thợ làm vườn ở Laredo, thị trấn biên giới Mexico, đã từng vào ra vùng đất của người Tarahumara suốt 30 năm qua và giờ đang trồng giống ngô cổ truyền của người Tarahumara, tự xay pinole cho mình. “Tôi thích món pinole. Mê mẩn luôn ấy.” Tony bảo tôi. “Đó là một loại protein không đầy đủ, nhưng khi kết hợp với đậu hạt, nó còn giàu dinh dưỡng hơn cả một miếng bít tết xương chữ T. Họ thường hòa lẫn món này với nước và uống, nhưng tôi lại thích ăn khô hơn. Nó có vị như ngô bung xay nát.

“Anh có biết chất phenol không?” Tony nói thêm. “Đó là các hợp chất tự nhiên trong thực vật có tác dụng kháng bệnh. Chúng có khả năng tăng cường hệ miễn dịch.” Khi các nhà nghiên cứu ở Đại học Cornell thực hiện phân tích so sánh giữa lúa mì, lúa mạch, ngô và gạo để xem loại nào có lượng phenol cao nhất, thì ngô vượt trội hơn hẳn. Và vì là thực phẩm ít béo, chế biến từ thức ăn nguyên hạt, nên pinole còn làm giảm nguy cơ tiểu đường và một loạt bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa – trên thực tế là giảm nguy cơ của mọi loại bệnh ung thư. Theo lời Tiến sĩ Robert Weinberg, một giáo sư nghiên cứu về ung thư tại MIT và là người phát hiện ra loại gien đầu tiên có khả năng áp chế khối u, thì cứ bảy ca tử vong vì bệnh ung thư lại có một ca có nguyên nhân từ mỡ thừa trong cơ thể. Mọi sự rất rõ ràng: giảm mỡ, là giảm được nguy cơ ung thư.

Vì vậy, điều kỳ diệu của người Tarahumara, khi nói đến ung thư, thì thực ra chẳng có gì bí ẩn cả. “Thay đổi phong cách sống, bạn sẽ giảm nguy cơ ung thư từ 60 đến 70%.” Tiến sĩ Weinberg nói. Ông chỉ ra rằng ung thư ruột kết, tuyến tiền liệt và ung thư vú hầu như chưa hề có ở Nhật Bản, cho tới khi người Nhật bắt đầu ăn uống theo kiểu Mỹ; chỉ trong vài thập kỷ, tỷ lệ tử vong của họ do ba loại bệnh này bỗng chốc tăng vọt. Hiệp hội Ung bướu Hoa Kỳ đã thực hiện so sánh giữa người gầy và người béo trong năm 2003, kết quả còn đáng lo ngại hơn cả mức họ dự tính: cả đàn ông và phụ nữ quá cân đều có nguy cơ tử vong cao hơn hẳn vì (ít nhất) 10 loại bệnh ung thư khác nhau.

Vì vậy, bước đầu tiên hướng tới việc loại bỏ hẳn căn bệnh ung thư theo kiểu của người Tarahumara, đơn giản là ăn ít đi. Bước thứ hai, về lý thuyết thì cũng dễ dàng không kém, nhưng khi thực hiện lại khó khăn hơn, đó là ăn uống tốt hơn. Cùng với việc tập thể dục nhiều hơn, theo như lời Tiến sĩ Weinberg, chúng ta cần xây dựng chế độ ăn uống dựa trên hoa quả và các loại rau thay vì thịt đỏ và carbohydrate đã qua chế biến. Bằng chứng thuyết phục nhất đến từ việc quan sát cách các tế bào ung thư chiến đấu để sinh tồn: sau khi các khối u di căn bị loại bỏ bằng phẫu thuật, chúng có nguy cơ phát triển trở lại ở các bệnh nhân có “chế độ dinh dưỡng truyền thống kiểu phương Tây” cao hơn đến 300% so với những bệnh nhân ăn nhiều trái cây và rau cỏ. Đây là kết quả dựa trên một báo cáo năm 2007 của Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ. Tại sao lại như vậy? Bởi vì những tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật có vẻ như bị protein động vật kích thích. Loại bỏ các loại thức ăn đó khỏi chế độ ăn, và các khối u thậm chí chẳng xuất hiện ngay từ đầu. Huấn luyện viên Joe Vigil vẫn thường nói: ăn như một người nghèo khổ, bạn sẽ chỉ gặp bác sĩ ngoài sân golf mà thôi.

“Các món ăn của người Tarahumara đều có thể kiếm được dễ dàng.” Tony bảo tôi. “Chủ yếu bao gồm đậu thận, quả bí, ớt, rau xanh dại, món bột ngô nấu đường – pinole, và rất nhiều hạt chia. Ngay cả món pinole cũng chẳng khó kiếm như mọi người thường nghĩ đâu.” Trang web Nativeseeds.org vẫn bán thứ thực phẩm này cùng các hạt giống thụ phấn mở trong trường hợp bạn muốn tự trồng ngô và làm món pinole bằng máy pha cà phê. Protein không thành vấn đề; theo một nghiên cứu năm 1979 trong Tạp chí Dinh dưỡng Y khoa Hoa Kỳ, chế độ dinh dưỡng truyền thống của người Tarahumara còn vượt qua ngưỡng khuyến nghị hằng ngày của Liên hợp quốc đến hơn 50%. Về canxi giúp xương chắc khỏe, nó lọt từ đá vôi vào món tortilla và pinole, khi phụ nữ Tarahumara dùng loại đá này làm mềm hạt ngô.

“Vậy còn bia thì sao?” Tôi hỏi. “Liệu có ích lợi gì khi uống như người Tarahumara không?”

“Có và không.” Tony nói. “Món tesguino của người Tarahumara chỉ được lên men rất ít, do đó có độ cồn rất thấp và giàu dinh dưỡng.” Vì vậy, món bia của người Tarahumara lại là một nguồn thực phẩm bổ dưỡng – như món đồ uống xay từ thực phẩm nguyên hạt vậy – trong khi bia của chúng ta lại chỉ là nước đường. Tôi có thể tự ủ được thứ đồ uống gần giống bia từ ngô tại nhà, nhưng Tony còn có một ý tưởng hay hơn. “Hãy trồng phong lữ dại!” Anh gợi ý. “Hoặc mua bột bán sẵn trên mạng.” Phong lữ là thần dược của người Tarahumara. Theo Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm, nó có tác dụng không thua kém rượu vang đỏ trong việc trung hòa các yếu tố căn nguyên gây bệnh tự do. Như một tác giả đã viết, phong lữ dại là thuốc “chống mọi thứ – chống viêm nhiễm, chống vi rút, chống vi khuẩn, chống oxy hóa.”

Tôi bắt đầu tích trữ pinole và hạt chia, và đặt mua cả vài loại hạt ngô giống của người Tarahumara để trồng ở vườn sau: hạt cocopah, mayo yellow chapalote và pinole maiz. Nhưng, suy nghĩ một cách thực tế, tôi hiểu rằng sau chẳng bao lâu, tôi sẽ chán ngấy đám hạt cũng như ngô sấy khô, và rồi lại nhồi hamburger trở lại. Thật may là tôi đã nói chuyện với Tiến sĩ Ruth Heidrich trước.

“Anh đã bao giờ thử ăn sáng bằng xa-lát chưa?” Bà hỏi tôi. Tiến sĩ Ruth là vận động viên ba môn phối hợp từng hoàn thành cuộc đua Ironman sáu lần, và theo như tạp chí Living Fit, thì bà là một trong 10 phụ nữ có cơ thể khỏe mạnh nhất nước Mỹ. Theo lời bà kể thì bà trở thành vận động viên và Tiến sĩ trong ngành giáo dục y khoa sau khi mắc bệnh ung thư vú, từ 24 năm trước. Việc tập thể dục đã cho thấy khả năng giảm đến 50% tỷ lệ tái phát ung thư vú, vì vậy, ngay khi chỉ khâu sau phẫu thuật vẫn còn nằm trên ngực, Tiến sĩ Ruth đã bắt đầu luyện tập để tham gia cuộc đua ba môn phối hợp đầu tiên. Bà cũng bắt đầu nghiên cứu chế độ ăn uống của các nền văn hóa không bị mắc bệnh ung thư, và dần trở nên tin rằng cần phải ngay lập tức thay đổi từ chế độ ăn truyền thống của Mỹ – mà bà vẫn gọi là SAD (Standard American Diet) – và ăn uống giống với người Tarahumara hơn.

Tình trạng sức khỏe của tôi chẳng khác nào có khẩu súng chĩa vào đầu.” Tiến sĩ Ruth kể. “Tôi rất sợ hãi, tôi đã phải mặc cả với quỷ dữ. Để rồi sau khi so sánh, tôi thấy rằng bỏ ăn thịt cũng chẳng phải là chuyện ghê gớm lắm.” Bà có một quy tắc đơn giản: nếu thức ăn đó đến từ cây cỏ, thì bà sẽ ăn; nếu nó đến từ động vật, bà sẽ không ăn. Tiến sĩ Ruth có nhiều thứ để mất hơn tôi nhiều nếu như bà sai lầm, nhưng gần như ngay lập tức, bà cảm nhận được sự cải thiện về sức khỏe.

Sức bền của bà tăng nhanh tới mức chỉ trong vòng một năm, bà đã chuyển từ chạy 10K lên marathon và tham gia Ironman. “Ngay cả chỉ số cholesterol của tôi cũng giảm từ 230 xuống 160 chỉ trong 21 ngày.” Bà nói thêm. Khi tuân theo cách ăn uống của người Tarahumara, bữa trưa và tối của bà chủ yếu dựa vào hoa quả, đậu, khoai lang, thức ăn nguyên hạt, các loại rau, còn bữa sáng thường là xa-lát.

“Nếu ngay từ buổi sáng, anh đưa rau xanh vào cơ thể đầu tiên, anh sẽ giảm cân rất tốt”. Bà hối thúc tôi. Vì một bữa xa-lát đầy đủ sẽ chứa rất nhiều carbohydrate giàu dinh dưỡng và ít chất béo, nên tôi có thể ăn thật nhiều và không bị đói hay nôn nao khi cần tập luyện. Hơn nữa, các loại rau xanh chứa sẵn nước, nên chúng rất phù hợp để tiếp nước cho cơ thể sau giấc ngủ dài buổi đêm. Và chẳng còn cách nào khác hay hơn để nhồi đủ năm loại rau vào bụng mỗi ngày, là tống chúng vào hết trong một lượt.

Vì vậy, ngay sáng hôm sau, tôi thử luôn. Tôi đi quanh bếp với một bát to để trộn thức ăn, và cho vào đó nửa quả táo mà con gái tôi ăn dở, một ít đậu thận hơi cũ, một nhúm rau chân vịt, và một đống súp lơ xanh băm vụn, hy vọng nó sẽ có hương vị giống xa-lát bắp cải. Tiến sĩ Ruth thường làm phong phú món xa-lát của mình bằng cách thêm mật mía, nhưng tôi nghĩ rằng như vậy sẽ nạp thêm chất béo và đường, nên tôi tăng độ lên một chút, và gia giảm món xa-lát bằng nước sốt làm từ hạt hoa anh túc ngon tuyệt.

Chỉ sau hai miếng, tôi đã bị tẩy não. Tôi vui mừng phát hiện ra rằng, bữa sáng xa-lát cũng đồng thời mang lại cảm giác như ăn món sốt ngọt rưới thêm, giống như bánh kếp (pancake) và si-rô vậy. Món này ăn dễ chịu hơn nhiều so với bánh quế đông lạnh, và hơn hết là tôi có thể nhồi rau đến xanh ruột mà vẫn đủ sức lao ra ngoài để tập luyện chỉ một giờ sau đó.

___________________

“Người Tarahumara không phải là những người chạy bộ tuyệt vời.” Eric nhắn tin khi tôi bước sang tháng tập luyện thứ hai. “Họ là những vận động viên vĩ đại, và hai khái niệm này rất khác nhau.” Người chạy bộ cũng giống như công nhân trong dây chuyền sản xuất; họ giỏi trong một nghề và lặp đi lặp lại hành động đó đến nát cả máy móc. Các vận động viên thì khác. Họ giống như Tarzan. Tarzan bơi lội, vật lộn, nhảy nhót và đu dây. Anh ta khỏe mạnh và có sức bùng nổ. Bạn sẽ không thể biết trước được Tarzan sẽ làm gì tiếp theo, đó chính là lý do tại sao anh ta không bị chấn thương.

“Cơ thể anh cần phải bị sốc để có được sức đàn hồi.” Eric giải thích. Cứ lặp đi lặp lại thời gian biểu hằng ngày, thì hệ cơ xương sẽ nhanh chóng tìm ra cách để thích nghi và trở nên quen thuộc. Nhưng nếu bạn làm cho nó bất ngờ với những thử thách mới – nhảy qua một con suối, bò trườn kiểu đặc công dưới một khúc gỗ, hoặc chạy hết tốc lực tới khi phổi muốn nổ tung ra – thì một loạt dây thần kinh và bó cơ phụ trợ sẽ đột ngột bị kích hoạt vận động.

Đối với người Tarahumara, đó lại là đời sống hằng ngày. Người Tarahumara phải đối mặt với những điều không lường trước mỗi khi rời hang động, bởi vì họ chẳng bao giờ biết rằng mình phải chạy nhanh tới mức nào để đuổi theo một con thỏ, hay sẽ phải mang bao nhiêu củi về nhà, và chuyến leo núi sẽ khó khăn thế nào trong một cơn bão mùa đông. Thử thách đầu tiên mà họ phải đối mặt từ khi còn nhỏ là sống sót trên rìa một vách đá; trò chơi đầu tiên và cũng là trò mà họ chơi suốt cả đời là môn bóng chạy, một môn thể thao biến động khôn lường. Bạn không thể đưa quả bóng gỗ qua một đám đá lổn nhổn nếu không sẵn sàng khuỵu gối, tâng bóng, dẫn bóng lùi, chạy nước rút, nhảy vào và nhảy ra khỏi các rãnh.

Trước khi người Tarahumara chạy đường dài, họ đã trở nên mạnh mẽ. Và nếu tôi muốn giữ mình khỏe khoắn, Eric đã căn dặn, thì tốt nhất là tôi cũng làm giống như họ. Vì vậy, thay vì giãn cơ trước khi chạy, tôi phải vào bài tập ngay. Khuỵu gối, hít đất, nhún đầu gối giậm nhảy, gập bụng; cứ hai ngày một lần, Eric lại bắt tôi dành nửa giờ tập các bài sức mạnh thô và gần như tất cả các bài đó đều thực hiện trên một quả bóng yoga để nâng cao khả năng thăng bằng và kích hoạt các nhóm cơ phụ trợ. Ngay khi vừa xong, tôi phải chạy lên dốc. “Anh không thể leo uể oải lên một con dốc được.” Eric chỉ ra. Các lượt leo dốc dài vừa sốc vừa mệt, và ép tôi phải chú ý vào tư thế chạy, thay đổi các nhóm cơ như các tay đua Tour de France đổi đĩa và líp. Frank Shorter vẫn thường nói: “Bài tập dốc chính là bài tập tốc độ ẩn mình.”

Đó là năm mà thị trấn quê nhà tôi ở Pennsylvania dính một trận bão nhiệt đúng vào dịp Giáng sinh. Vào ngày đầu năm mới, tôi mặc quần soóc và áo giữ nhiệt để chạy năm dặm trên đường mòn, chỉ là một bài tập nhẹ để giãn cơ trong ngày nghỉ. Tôi chạy xuyên qua khu rừng trong nửa giờ, rồi rẽ qua một cánh đồng cỏ khô héo bởi mùa đông và quay trở về nhà. Ánh mặt trời ấm áp cùng hương thơm của cỏ bị ánh nắng hun chiếu thật là xa xỉ, khiến tôi cứ chậm bớt lại, và cố kéo dài dặm chạy cuối cùng lâu hết mức có thể.

Khi chỉ còn cách nhà khoảng 100 m, tôi dừng lại, cởi bỏ chiếc áo giữ nhiệt, và quay lại để chạy thêm một lượt xuyên qua đồng cỏ khô. Tôi chạy hết lượt đó, rồi lại bắt đầu thêm một lượt nữa, và cởi bỏ luôn cả áo phông. Tới vòng thứ tư, cả tất và giày chạy của tôi cũng nằm chung trong đống áo, bàn chân trần của tôi được nâng niu bởi cỏ khô và lớp đất ấm áp. Tới vòng thứ sáu, tôi sờ tay xuống chun quần, rồi quyết định không đụng tới chiếc quần soóc khi nghĩ đến người hàng xóm 82 tuổi. Cuối cùng thì tôi cũng lấy lại được cảm giác khi chạy cùng Caballo – cảm giác Dễ dàng, Nhẹ nhàng, Trơn tru và Nhanh, như thể tôi có thể chạy nhanh hơn quầng sáng Mặt trời mọc, và rồi sẽ chạy tiếp được trong cả buổi sáng nữa.

Cũng như Caballo, bí quyết của người Tarahumara bắt đầu có hiệu quả với tôi trước cả khi tôi hiểu được nó. Vì ăn uống nhẹ nhàng hơn và không bị gián đoạn bởi chấn thương, nên tôi có thể chạy được nhiều hơn; và vì chạy nhiều hơn, tôi ngủ ngon hơn, thoải mái hơn, nhịp tim khi nghỉ ngơi cũng chậm lại. Thậm chí tính cách của tôi cũng thay đổi: thói nóng nảy mà tôi vẫn coi là một phần của gien Ailen-Ý trong mình đã giảm xuống, tới mức vợ tôi đã phải lên tiếng. “Này, nếu đây là kết quả của chạy siêu dài, thì từ giờ em sẽ buộc dây giày cho anh.” Tôi biết các bài tập ngưỡng aerobic là thuốc chống trầm cảm, nhưng chưa từng nhận ra nó có khả năng giúp ổn định cảm xúc, và – tôi ghét phải dùng từ này – đúng là nó có tính thiền định. Nếu không tìm ra được câu trả lời cho những khó khăn của mình sau một buổi chạy kéo dài bốn giờ đồng hồ, thì chắc là bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy đâu.

Tôi vẫn chờ đợi những bóng ma của quá khứ ồ ạt kéo đến – gân gót chân rên xiết, gân kheo thét gào, và gân gan bàn chân ám ảnh. Tôi bắt đầu mang điện thoại di động trong các buổi chạy dài hơn, tin rằng một ngày nào đó, tôi sẽ lại phải lết bên mép đường. Mỗi khi thấy một cảm giác nhói, tôi lại rà một lượt:

Lưng đã thẳng chưa? Xong.

Đầu gối gập và đưa ra phía trước? Xong.

Gót chân vung ra sau?... À, đây rồi. Mỗi khi tôi thực hiện điều chỉnh, điểm nhói đó lại dịu đi và biến mất. Tới khi Eric nâng bài tập chạy của tôi lên năm giờ vào tháng cuối cùng trước cuộc đua, tất cả các bóng ma đó, cùng với chiếc điện thoại di động đều đã bị lãng quên.

Lần đầu tiên trong đời, tôi hồi hộp chờ đợi các cuộc chạy siêu dài, không với cảm giác sợ sệt, mà là mong mỏi. Ted Chân Đất đã mô tả thế nào nhỉ? Như cá trườn về với nước. Đúng là vậy. Tôi cảm thấy mình sinh ra để chạy.

Và theo ba nhà khoa học khác thường, thì đúng là như vậy.

* * *

28

20 năm trước, trong một phòng thí nghiệm nhỏ dưới tầng hầm, một nhà khoa học trẻ đang nhìn chăm chăm vào một cái xác và nhận thấy định mệnh của mình cũng đang nhìn lại.

Lúc đó, David Carrier vẫn còn là sinh viên tại Đại học Utah. Anh bối rối trước một cái xác thỏ, và đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của mấy bộ phận xương xẩu ngay phía trên mông nó. Mấy mẩu xương đó cứ luẩn quẩn mãi trong đầu anh, bởi đáng lý ra, chúng không nằm ở đó. David là một sinh viên nổi đình đám trong lớp sinh học tiến hóa của Giáo sư Dennis Bramble, và anh biết rõ mình sẽ nhìn thấy gì mỗi khi mổ bụng của một loài có vú. Mấy bó cơ hoành to ở vùng bụng ư? Vì cần phải bám vào một thứ gì đó chắc khỏe, nên chúng nối với đối sống thắt lưng, giống y như cách ta cột cánh buồm vào các thanh sào vậy. Tất cả các loài động vật có vú, từ cá voi cho đến gấu túi Úc, đều như vậy. Tuy nhiên, thỏ lại khác; thay vì bám vào một bộ phận nào đó vững chắc, cơ bụng của nó lại nối với mấy thứ mỏng mảnh trông giống như cánh gà này.

David thử ấn ngón tay vào. Hay thật; nó nén lại như một chiếc lò xo Slinky, rồi lại bật duỗi trở ra. Nhưng tại sao, trong cả thế giới động vật có vú, riêng loài thỏ lại cần cái bụng có cơ chế co giãn như lò xo?

“Điều này khiến tôi phải suy nghĩ về động tác chạy của chúng, cách chúng cong lưng lại trong từng bước nhảy.” Carrier sau này kể với tôi. “Khi giẫm bật bằng chân sau, chúng vươn dài lưng ra, và ngay khi tiếp đất bằng chân trước, lưng chúng lập tức cong lại.” Rất nhiều động vật có vú gập lưng lại như thế, anh trầm ngâm. Ngay cả cá voi và cá heo cũng quẫy đuôi lên và xuống, trong khi đó, cá mập lại quật đuôi sang hai bên. “Hãy nghĩ đến chuyển động của loài báo, nó cong lưng lên như sâu đo.” David nói. “Quả là ví dụ kinh điển.”

Tuyệt thật! David thấy như sắp phát hiện ra thứ gì đó. Loài mèo lớn và loài thỏ nhỏ bé có cách chạy giống nhau, nhưng một loài thì có lò xo Slinky gắn với cơ hoành, còn loài kia lại không. Một loài nhanh nhẹn, nhưng loài kia phải nhanh hơn, ít nhất là trong chốc lát. Tại sao vậy? Đây chỉ là kinh tế học đơn giản: nếu sư tử núi bắt hết thỏ, thì sẽ chẳng còn thỏ nữa, và sau đó, cũng sẽ chẳng còn sư tử núi. Tuy nhiên, loài thỏ lại có một vấn đề lớn bẩm sinh: không giống các loài biết chạy khác, chúng không có vũ khí dự phòng. Chúng không có cặp sừng, hay móng guốc đá hậu mạnh mẽ, và không được đồng loại bảo vệ do không di chuyển theo bầy đàn. Đối với thỏ, đây là chuyện sinh tử; một là thoát thân đến nơi an toàn, hai là biến thành thức ăn cho mèo.

Được rồi, David nghĩ, có thể mấy cái lò xo Slinky này có liên quan gì đó đến tốc độ. Vậy, thứ gì giúp bạn chạy nhanh? David bắt đầu làm phép loại trừ từng yếu tố. Để xem nào. Cần một cơ thể có hình dáng khí động học. Phản xạ tuyệt vời. Cặp chân khỏe. Mao mạch lưu lượng lớn. Các sợi cơ co rút nhanh. Bàn chân nhỏ, nhanh nhẹn. Dây chằng giúp bù năng lượng đàn hồi. Cơ bắp nhỏ gần bàn chân, cơ bắp dày dặn hơn gần các khớp…

Khốn kiếp thật. David nhanh chóng nhận ra mình đang đi vào ngõ cụt. Có nhiều yếu tố tác động đến tốc độ, và loài thỏ cũng như loài ăn thịt chúng hầu hết đều có những điểm chung này. Thay vì tìm ra được sự khác nhau, thì anh lại phát hiện ra chúng giống nhau như thế nào. Vì vậy, anh thử một mẹo mà Tiến sĩ Bramble đã dạy: khi không tìm được câu trả lời, hãy thử lật ngược câu hỏi. Hãy quên việc đi tìm thứ làm tăng tốc độ – mà quay sang tìm thứ làm giảm tốc độ? Xét cho cùng, điều quan trọng không phải là loài thỏ có thể chạy nhanh đến mức nào, mà là nó có thể duy trì tốc độ cao đến đâu cho tới khi tìm thấy một cái hang để trốn.

Câu hỏi này thì dễ rồi: ngoài dùng dây thừng trói chân, thì cách nhanh nhất để khiến động vật có vú phải dừng lại là cắt nguồn không khí của nó. Không có không khí là không có tốc độ; cứ thử chạy nước rút và nhịn thở xem bạn chạy được bao xa. Cơ bắp của bạn cần oxy để đốt calo và chuyển hóa thành năng lượng, vì vậy, bạn càng trao đổi khí – hít oxy vào, thở carbonic ra – nhanh bao nhiêu, thì càng giữ được tốc độ tối đa lâu bấy nhiêu. Đó là lý do tại sao các tay đua tham dự giải Tour de France thường xuyên bị phát hiện có máu người khác trong cơ thể; các túi máu được truyền trái phép đó cung cấp thêm hồng cầu, cho phép đưa thêm oxy tới cơ bắp họ.

Gượm đã… vậy thì, để một con thỏ giữ được cự ly khoảng một bước nhảy trước hàm răng của kẻ săn mồi, nó sẽ cần nhiều không khí hơn so với loài động vật có vú to lớn đang bám đuổi. David mường tượng ra thiết bị bay thời Victoria, một loại máy móc kỳ quặc nhưng khả thi, được gắn với một đống pít tông và các van hơi nước, cùng với một mạng lưới vô vàn cánh tay đòn kêu lục khục. Các cánh tay đòn! Có vẻ như mấy cái lò xo Slinky kia bắt đầu có ý nghĩa. Chúng hẳn phải là các cánh tay đòn giúp tăng áp cho lá phổi của lũ thỏ, hút khí vào và bơm khí ra mạnh như chiếc bễ lò rèn.

David tính toán lại các con số để xem lý thuyết của mình có đúng không và… chính xác! Đúng như vậy, mọi thứ đều trùng khớp: Thỏ đồng cỏ có thể đạt tốc độ hơn 72 km/h, nhưng vì cần thêm năng lượng bổ sung để vận hành các cánh tay đòn nọ (cùng với nhiều thứ khác nữa), nên chúng chỉ duy trì được tốc độ này trong khoảng nửa dặm. Trong khi đó, loài báo sư tử, chó đồng cỏ, và cáo lại có khả năng chạy được xa hơn rất nhiều, nhưng chỉ đạt tốc độ tối đa chưa tới 65 km/h. Mấy chiếc lò xo Slinky kia giúp cân bằng cuộc chơi, cho phép lũ thỏ không có sức chống cự ấy đúng 45 giây quyết định chuyện sống chết. Nhanh chóng tìm chỗ trú ẩn và sống lâu như cậu thỏ Thumper9; hoặc tự phụ về tốc độ rồi chết trong chưa đầy một phút.

9. Nhân vật trong phim hoạt hình Bambi của Disney (ND).

“Thử nghĩ xem nào,” anh ta tự nhủ, “nếu loại bỏ cơ cấu tay đòn đó, thì sẽ chẳng có gì khác với các loài có vú còn lại?” Có thể đó chính là lý do tại sao cơ hoành của các loài còn lại gắn với đốt sống lưng – không phải vì phần sống lưng này chắc khỏe mà là vì nó co giãn được!

“Rõ ràng là khi các con vật nhún bật và vươn dài lưng ra, động tác đó không chỉ tạo lực đẩy mà còn hỗ trợ hô hấp.” David nói. Anh tưởng tượng hình ảnh con linh dương đang chạy tháo thân trên thảo nguyên, và đuổi sát sau nó là một vệt nhòe hình. Anh tập trung vào vết nhòe đó, dừng hình lại, rồi tua chậm từng khung hình một:

Tách! – Khi con báo vươn dài thân mình trong một bước nhảy, xương lồng ngực của nó kéo gĩãn ra phía sau, hút khí vào phổi và…

Tách! – Lúc này, hai chân trước của nó gập mạnh về phía sau cho tới khi bàn chân trước và sau chạm được vào nhau. Lúc này xương sống của con báo cong lại, bóp chặt khoảng trống trong lồng ngực để ép hết không khí ra khỏi phổi, và…

Vậy là đã rõ – nó giống như một cỗ máy thời Victoria đang thở phì phò, có điều ít cơ cấu tăng áp hơn.

Tim David đập rộn lên. Không khí! Cơ thể của chúng ta được thiết kế là để thu nhận không khí! Lật phương trình đầu tiên lại, như Tiến sĩ Bramble đã dạy, ta sẽ thấy: việc thu nạp khí có thể đã quyết định cấu tạo cơ thể chúng ta.

Chúa ơi, chuyện thật đơn giản – và cũng quá sững sờ. Vì nếu David đúng, anh vừa giải mã được bí ẩn vĩ đại nhất về sự tiến hóa của loài người. Chưa ai biết tại sao những con người thời kỳ đầu tiên lại làm cho mình khác biệt với các sinh vật khác, bằng cách nhấc đôi tay khỏi nền đất và đứng thẳng lên. Đó chính là để thở! Để mở rộng cổ họng, mở căng lồng ngực, hít không khí vào tốt hơn so với bất kỳ loài vật nào khác trên Trái đất.

Nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu. David nhanh chóng nhận ra, khi thở tốt hơn, sẽ trở nên giỏi hơn trong việc…

“Chạy bộ ấy à? Cậu nói là loài người tiến hóa để chạy?”

Tiến sĩ Dennis Bramble chăm chú nghe David Carrier trình bày giả thuyết của mình. Sau đó, ông nhẹ nhàng đưa nó vào tầm ngắm, và bắn vỡ vụn. Ông đã cố gắng nhẹ nhàng; David là một sinh viên xuất sắc, có tư duy độc lập, nhưng lần này, Bramble ngờ rằng, cậu ta đã trở thành nạn nhân của lỗi phổ biến nhất trong khoa học: Hội Chứng Cây Búa Tiện Lợi, đó là khi cây búa trong tay bạn khiến mọi thứ xung quanh đều trông giống cái đinh.

Tiến sĩ Bramble biết đôi chút về đời tư của David, vào các chiều xuân nắng ấm, David thích được lao ra khỏi phòng thí nghiệm, và chạy đường mòn ở rặng núi Wasatch, trải dài tới tận ngay sau khuôn viên của Đại học Utah. Tiến sĩ Bramble cũng là một người chạy bộ, vì vậy, ông hiểu sức hấp dẫn của nó, nhưng ta luôn phải cẩn thận với những chuyện như thế; rủi ro nghề nghiệp lớn nhất đối với một nhà sinh vật học, sau chuyện phải lòng người phụ tá nghiên cứu, chính là phải lòng với các sở thích của mình. Bạn sẽ trở thành vật nghiên cứu của chính mình; bạn bắt đầu nhìn nhận thế giới như một hình ảnh phản chiếu chính cuộc sống của bạn, và cuộc sống của chính bạn sẽ trở thành điểm tham chiếu cho hầu hết mọi sự kiện trên thế giới.

“David!” Tiến sĩ Bramble bắt đầu nói. “Các loài vật tiến hóa theo đặc điểm ưu việt, chứ không theo điểm yếu. Xét về chạy bộ, loài người không chỉ kém cỏi – mà còn tồi tệ.” Chẳng cần xét về mặt sinh học; chỉ cần nhìn vào ô tô và xe máy là đủ. Xe bốn bánh nhanh hơn hai bánh, bởi vì khi dựng đứng lên sẽ mất lực đẩy, mức độ ổn định và độ khí động học. Hãy chuyển các mẫu thiết kế đó sang thế giới động vật. Hổ dài khoảng ba mét và có hình dáng như tên lửa hành trình. Trong cuộc đua bứt tốc giữa rừng rậm, con người sẽ phải chạy hụt cổ chai trên đôi chân khẳng khiu, với bước chạy ngắn, và mức độ cản gió vô cùng tệ hại.

“Vâng, em hiểu.” David nói. Khi chúng ta nhấc đôi tay khỏi mặt đất, tất cả mọi thứ như rơi xuống địa ngục. Ta đánh mất tốc độ cơ bản và từ bỏ sức mạnh phần trên của cơ thể…

Khá đấy nhóc! Bramble nghĩ. Cậu học rất nhanh.

Nhưng David chưa nói xong: vậy tại sao ta lại từ bỏ cả sức mạnh và tốc độ cùng lúc? Như thế, ta vừa không chạy được, vừa không chiến đấu nổi, cũng không có khả năng trèo cao. Ta đáng nhẽ đẫ bị quét sạch – trừ khi đổi lại, ta thu được thứ gì đó kỳ diệu. Đúng không ạ?

Tiến sĩ Bramble phải thừa nhận, đây quả là cách đặt câu hỏi thông minh. Loài báo săn cực nhanh nhưng lại yếu đuối; chúng phải đi săn ban ngày để tránh các sát thủ ban đêm như sư tử hay báo sư tử, chúng phải từ bỏ con mồi vừa săn được và chạy trốn khi lũ kẻ cướp nhỏ con như linh cẩu xuất hiện. Mặt khác, khỉ đột lại đủ khỏe để nhấc chiếc xe SUV nặng hai tấn, nhưng với tốc độ tối đa chỉ hơn 20 dặm một giờ, nó sẽ dễ dàng bị chiếc SUV đang chạy số một nghiền nát. Còn con người thì sao, chúng ta dở báo dở khỉ đột – vừa chậm vừa yếu đuối.

“Vậy tại sao chúng ta lại tiến hóa thành một loài yếu đuối hơn, thay vì mạnh mẽ hơn?” David khăng khăng. “Chuyện này xảy ra rất lâu trước khi chúng ta chế tạo vũ khí. Vậy lợi thế về di truyền của việc đó là gì?”

Tiến sĩ Bramble hình dung cảnh tượng đó trong đầu. Ông tưởng tượng một bầy người nguyên thủy di chuyển trong tư thế ngồi bò, nhanh nhẹn và mạnh mẽ, giữ đầu thấp để đảm bảo an toàn, không bị phát hiện khi họ nhẹ nhàng đi qua rừng cây. Một ngày nọ, bỗng đâu xuất hiện một gã chậm chạp, gầy gò, ngực hóp, với vóc người chẳng to lớn hơn phụ nữ và liên tục tự biến mình thành mục tiêu săn đuổi của loài hổ bằng cách đi bộ ngoài chỗ trống. Gã này quá ẻo lả để chiến đấu, quá chậm chạp để có thể chạy thoát, quá yếu đuối để cuốn hút được bạn tình và sinh con đẻ cái. Theo logic, một kẻ như vậy chắc chắn phải tuyệt chủng – ấy vậy mà, cái gã yếu nhớt này lại trở thành cha đẻ của nhân loại, trong khi những người anh em khỏe mạnh hơn, nhanh nhẹn hơn gã lại biến mất vào hư vô.

Giả định đó thực ra là câu chuyện mô tả rất chính xác về bí ẩn của người Neanderthal. Nhiều người nghĩ rằng người Neanderthal là tổ tiên của chúng ta, nhưng thực ra họ lại là một loài tương tự (hay như một số người hay gọi là loài phụ) từng cạnh tranh với Homo sapiens để sinh tồn. “Cạnh tranh” thực chất là cách nói giảm nhẹ; người Neanderthal đánh bại chúng ta trên mọi phương diện. Họ khỏe hơn, dữ dằn hơn, và có thể còn thông minh hơn nữa: họ có cơ bắp vạm vỡ hơn, xương cốt cứng cáp, khó gãy hơn, có cơ chế cách nhiệt để chịu lạnh tốt hơn, và như các dấu vết hóa thạch cho thấy, thì họ có bộ não to hơn. Người Neanderthal là những thợ săn cừ khôi và là thợ chế tạo vũ khí tài tình, thậm chí có thể tạo ra ngôn ngữ trước cả chúng ta nữa. Họ có bước khởi điểm vượt lên trước rất nhiều trong cuộc đua giành quyền thống trị; vào lúc người Homo sapiens đầu tiên xuất hiện ở châu Âu, người Neanderthal đã sống yên ổn ở đó trong khoảng gần 200.000 năm. Nếu phải chọn giữa người Neanderthal và những tổ tiên đầu tiên của chúng ta trong một cuộc thi tuyển Người sống sót Cuối cùng, bạn chắc chắn sẽ chọn người Neanderthal ngay tức khắc.

Vậy – họ đâu rồi?

Chỉ trong vòng 10.000 năm kể từ khi người Homo sapiens đặt chân đến châu Âu, người Neanderthal đã biến mất. Chuyện đó xảy ra như thế nào thì không ai biết. Cách lý giải duy nhất là một yếu tố bí ẩn nào đó đã cho chúng ta – những sinh vật yếu hơn, ngu ngốc hơn, gầy gò hơn – một lợi thế sinh tử so với những Ngôi sao Kỷ Băng Hà kia. Đó không phải là sức mạnh, vũ khí, cũng không phải sự thông minh.

Vậy, liệu đó có phải là khả năng chạy bộ? Tiến sĩ Bramble băn khoăn. Liệu có phải David đang thực sự khám phá được điều gì mới?

Chỉ có một cách duy nhất để tìm ra: tìm hiểu những cái xương.

“Ban đầu, tôi rất hoài nghi về David, vì cùng những lý do mà các nhà khoa học Hình thái học sẽ hồ nghi.” Tiến sĩ Bramble sau này nói với tôi. Hình thái học về cơ bản là khoa học của kỹ thuật nghịch đảo; nó xem xét cách một cơ thể được cấu tạo nên và cố gắng tìm hiểu xem cơ thể đó sẽ vận hành như thế nào. Các nhà Hình thái học biết phải tìm thứ gì ở các cỗ máy tốc độ cao, và cơ thể người không hề có các đặc tính đó. Chỉ cần nhìn vào mông chúng ta là thấy ngay. “Trong toàn bộ lịch sử các loại cột sống trên Trái đất – toàn bộ nhé – loài người là loài chạy bộ hai chân duy nhất mà không có đuôi.” Bramble về sau phát biểu. Chạy bộ chỉ là một cú ngã có kiểm soát, vì vậy, làm thế nào để rẽ được và không bị dập mặt xuống đất khi không có bánh lái đối trọng, như chiếc đuôi chuột túi?

“Điều đó đã dẫn tôi tới việc, giống như những người khác sẽ làm, là dẹp bỏ ý nghĩ rằng loài người đã tiến hóa thành động vật chạy bộ.” Bramble nói. “Và tôi chắc hẳn là sẽ tin như thế rồi tiếp tục hoài nghi, nếu như trước đây tôi chưa từng học qua Hóa thạch học.”

Chuyên môn thứ hai của Tiến sĩ Bramble về hóa thạch cho phép ông so sánh xem cấu trúc cơ thể con người đã thay đổi như thế nào qua nhiều thiên niên kỷ và kiểm tra chéo với các cấu trúc cơ thể khác. Ngay lập tức, ông phát hiện ra điểm bất hợp lý. “Thay vì nhìn vào bản danh sách quen thuộc, giống như hầu hết các nhà Hình thái học khác thường làm, và loại bỏ những điều biết trước là sẽ xuất hiện, tôi lại bắt đầu tập trung vào những điểm bất thường.” Bramble kể. “Nói cách khác, tôi đi tìm thứ đáng nhẽ không có mặt ở đó.” Ông bắt đầu bằng việc chia thế giới động vật thành hai loại: loài chạy bộ và loài đi bộ. Loài chạy bộ bao gồm ngựa và chó; các loài đi bộ bao gồm lợn và tinh tinh. Nếu như con người được thiết kế ra để đi bộ là chủ yếu và chỉ chạy trong các tình huống khẩn cấp, thì các bộ phận cơ học của ta sẽ có nhiều điểm tương đồng hơn với các loài đi bộ khác.

Loài tinh tinh là một ví dụ hoàn hảo để bắt đầu xem xét. Chúng không chỉ là một ví dụ kinh điển của loài đi bộ, mà còn là họ hàng còn sống gần gũi nhất với chúng ta; sau hơn sáu triệu năm tiến hóa độc lập, chúng ta vẫn có chuỗi ADN giống với tinh tinh đến 95%. Nhưng một trong những điểm mà ta không có chung với tinh tinh, theo Bramble ghi nhận, là gân gót chân Achilles, tức gân nối bắp chân với gót: ta có, còn tinh tinh thì không. Chúng ta có bàn chân khác biệt: bàn chân của chúng ta khum hình vòm, còn bàn chân của tinh tinh thì bẹt. Các ngón chân của chúng ta ngắn và thẳng, thuận tiện cho chạy bộ, còn ngón chân của tinh tinh thì dài và tòe ra, phù hợp hơn với đi bộ. Và hãy xem phần mông nữa: chúng ta có phần cơ mông lớn khỏe mạnh, còn tinh tinh thì hầu như không có. Tiếp theo, Tiến sĩ Bramble tập trung vào một sợi dây chằng ít được biết đến nằm phía sau đầu, gọi là dây chằng gáy. Tinh tinh không có dây chằng này. Lợn cũng không. Còn những loài nào có? Chó. Ngựa. Và con người.

Bây giờ mọi chuyện trở nên khó hiểu. Dây chằng gáy chỉ có ích trong việc giữ đầu ổn định khi động vật di chuyển nhanh; nếu là loài đi bộ, bạn chẳng cần đến nó. Mông lớn cũng chỉ cần thiết cho việc chạy bộ. (Tự thử nghiệm thế này: bóp tay vào mông và đi bộ quanh phòng mà xem. Nó sẽ ở trạng thái mềm mại, và chỉ siết lại rắn chắc khi bạn bắt đầu chạy. Nhiệm vụ của phần mông là ngăn không cho quán tính của phần thân trên khiến bạn ngã dập mặt.) Tương tự như vậy, gân gót chân Achilles chẳng có tác dụng gì khi đi bộ, đó là lý do tại sao tinh tinh không có gân này. Cả loài Australopithecus (Người vượn phương nam), tổ tiên bốn triệu năm có hình dạng nửa khỉ của chúng ta, cũng không có gân này. Các vết tích về gân Achilles chỉ bắt đầu xuất hiện khoảng hai triệu năm sau đó, ở Homo erectus (Người đứng thẳng).

Tiến sĩ Bramble tiếp tục xem xét kỹ hơn các hộp sọ và giật mình. Trời đất! Ông nghĩ. Có vấn đề ở đây. Phần sau xương sọ của người Australpithecus rất nhẵn, nhưng khi kiểm tra sọ người Homo erectus, ông thấy một rãnh nông cho dây chằng gáy. Một dòng thời gian có vẻ bí ẩn nhưng rõ ràng đang thành hình: khi cơ thể con người thay đổi theo thời gian, nó đã lựa chọn có thêm đặc tính của loài chạy bộ.

Kỳ quặc thật! Tiến sĩ Bramble nghĩ. Vì sao chúng ta lại có được những thứ đặc thù cho chạy bộ, trong khi các loài đi bộ khác lại không có? Với một động vật đi bộ, gân Achilles chỉ là thứ thừa thãi. Đi bằng hai chân cũng giống như đi cà kheo; bạn đặt bàn chân, dịch chuyển trọng tâm trên chân đó và lặp lại. Bạn sẽ chẳng bao giờ cần đến những sợi gân co giãn, kém vững chắc ở phần chân đế. Điều duy nhất sợi gân gót chân Achilles làm được là giãn ra như một sợi dây cao su.

Một sợi dây cao su! Tiến sĩ Bramble vừa tự hào xen lẫn xấu hổ. Dây cao su… Ông đứng đó, tự vỗ ngực rằng mình không giống như các nhà Hình thái học khác, quen “loại bỏ các yếu tố mà họ biết là sẽ có,” trong khi chính ông lại chẳng khác nào một người cận thị; ông không hề nghĩ chút nào đến yếu tố dây cao su. Khi David bắt đầu nói về chạy bộ, Tiến sĩ Bramble đã cho rằng cậu ta nói về tốc độ. Nhưng có hai kiểu người chạy bộ vĩ đại khác biệt: người chạy nước rút và người chạy marathon. Có thể, chạy bộ của con người là chạy dài, chứ không phải chạy nhanh. Điều này lý giải được tại sao chân và bàn chân của ta lại chứa nhiều dây chằng đàn hồi đến thế – bởi vì các sợi dây chằng đàn hồi sẽ lưu giữ và hoàn trả năng lượng, giống như động cơ dây chun của máy bay đồ chơi làm bằng gỗ nhẹ. Bạn xoắn sợi dây chun càng nhiều, thì chiếc máy bay bay được càng xa; tương tự, bạn càng kéo giãn dây chằng thì càng được hoàn trả nhiều năng lượng khi chân vươn ra và vung về phía sau.

Và nếu như phải thiết kế một cỗ máy chạy đường dài, Tiến sĩ Bramble nghĩ, thì mình sẽ lắp cho thật nhiều dây cao su để tối đa hóa sức bền. Chạy bộ thực chất chỉ là nhảy, bật nảy từ chân này sang chân kia. Các sợi dây chằng không liên quan gì đến việc đi bộ, nhưng lại rất lợi về năng lượng khi nhảy. Vì vậy, hãy quên tốc độ đi; có thể chúng ta sinh ra để trở thành người chạy marathon giỏi nhất thế giới.

“Và hãy tự hỏi mình xem tại sao chỉ duy nhất một loài trên thế giới có ham mê tụ tập hàng chục nghìn cá thể để chạy 26 dặm dưới trời nóng bức chỉ để cho vui!” Tiến sĩ Bramble nghĩ. “Mấy trò giải trí đều có lý do của nó cả.”

Tiến sĩ Bramble và David Carrier bắt đầu đưa mô hình Vận động viên marathon Vĩ đại nhất Thế giới vào thực nghiệm. Các bằng chứng nhanh chóng xuất hiện khắp nơi, cả ở những chỗ họ không tìm kiếm. Một trong những phát hiện lớn đầu tiên đến một cách tình cờ khi David cho một con ngựa chạy bộ. “Chúng tôi muốn quay phim con ngựa để xem dáng chạy của nó phối hợp với việc hít thở như thế nào.” Tiến sĩ Bramble nói. “Cần có người giữ cho các dây dợ dụng cụ không bị xoắn rối, nên David phải chạy song song với con ngựa.” Khi xem lại đoạn băng, họ cảm thấy có điều gì đó không bình thường, ngay cả Bramble cũng không nhận ra được. Ông phải tua lại đoạn băng vài lần mới chợt nhận ra: ngay cả khi David và con ngựa chạy với cùng một tốc độ, thì chân của David vẫn di chuyển chậm hơn.

“Điều này thật bất ngờ!” Tiến sĩ Bramble giải thích. “Ngay cả khi con ngựa có tới bốn cái chân rất dài, thì sải chân của David vẫn dài hơn.” So với một nhà khoa học, David có thể trạng khỏe mạnh tuyệt vời, nhưng trong giới chạy bộ, anh chỉ là một gã có chiều cao trung bình, cân nặng trung bình, và nằm trong khoảng giữa của đoàn đua, là một vận động viên trung bình trên mọi phương diện. Điều đó đưa đến một lý giải duy nhất: nghe có vẻ kỳ quặc nhưng một người bình thường có sải chân dài hơn một con ngựa. Loài ngựa trông như có vẻ như đang vọt đi những bước rất dài về phía trước, nhưng vó của chúng vung ra phía sau trước khi chạm xuống nền đường. Kết quả là: mặc dù những vận động viên chạy bộ loài người với cơ chế cơ sinh học uyển chuyển thường có sải chân ngắn, họ vẫn đi được quãng đường xa hơn trên mỗi bước chân so với loài ngựa, đồng nghĩa với việc họ chạy hiệu quả hơn. Hay nói cách khác, với cùng lượng xăng trong bình chứa, về lý thuyết, con người có thể chạy xa hơn một con ngựa.

Nhưng tại sao phải bằng lòng với lý thuyết mà không kiểm nghiệm thực tế? Cứ đến tháng mười, vài chục người chạy bộ và kỵ sĩ lại đối đầu trong cuộc đua 50 dặm Người đấu Ngựa ở Prescott, Arizona. Năm 1999, một người chạy bộ địa phương tên là Paul Bonnet đã vượt qua những con ngựa dẫn đầu trên con dốc cao ở núi Mingus và không thấy chúng lần nào nữa cho tới khi về đích. Năm tiếp theo, Dennis Poolheco bắt đầu một chuỗi thành tích đáng nể: đánh bại tất cả đàn ông, phụ nữ, và ngựa trong sáu năm liên tiếp, cho tới khi Paul Bonnet giành lại được danh hiệu đó vào năm 2006. Phải mất tám năm, một con ngựa mới bắt kịp được hai người này và giành chiến thắng.

Tuy nhiên, những phát hiện kiểu này chỉ mang lại thêm chút niềm vui cho hai nhà khoa học ở Utah khi họ nghiên cứu sâu hơn và tiến gần đến bước đột phá lớn. Đúng như David đã nghi ngờ vào cái ngày nhìn chằm chằm vào xác thỏ và thấy lịch sử sự sống đang nhìn lại chính mình, quá trình tiến hóa có vẻ phụ thuộc hết vào không khí; loài vật tiến hóa càng cao, thì bộ chế hòa khí của nó càng tốt. Lấy loài bò sát làm ví dụ, David cho thằn lằn lên máy chạy bộ và phát hiện ra chúng không thể vừa chạy vừa hít thở. Chúng giỏi lắm cũng chỉ chạy vội được một quãng ngắn rồi phải dừng lại thở hổn hển.

Tiến sĩ Bramble lại làm việc ở nấc cao hơn một chút trong thang tiến hóa, với loài mèo lớn. Ông phát hiện rằng ở rất nhiều động vật bốn chân khi chạy, cơ quan nội tạng của chúng văng từ sau ra trước liên tục như nước trong bồn tắm. Mỗi khi chân trước của báo săn chạm đất, ruột của nó chồm lên phía trước nén vào phổi, ép không khí ra. Khi nó vươn người dài ra cho bước chạy tiếp theo, bộ ruột của nó lại trượt ra phía sau, giúp hút không khí trở vào phổi. Tuy nhiên, thêm cú đấm vào phổi đó để tăng công suất lại có điểm thiệt thòi, đó là nó giới hạn loài báo săn chỉ thở được một lần trong mỗi bước chạy.

Trên thực tế, Tiến sĩ Bramble bất ngờ phát hiện ra tất cả các loài có vú chạy bộ đều bị hạn chế bởi chu kỳ chạy một bước, thở một lần. Trên toàn thế giới, ông cùng David chỉ tìm thấy duy nhất một ngoại lệ:

Chính là bạn.

“Khi các động vật bốn chân chạy, chúng bị mắc kẹt với một nhịp thở, một nhịp chạy.” Tiến sĩ Bramble nói. “Nhưng những người chạy bộ mà chúng tôi từng làm thí nghiệm thì không ai chạy với nhịp một-một đó. Họ có thể lựa chọn trong nhiều nhịp khác nhau, và nhịp hai-một được ưa thích hơn cả.” Lý do khiến chúng ta có thể tự do hít thở theo yêu cầu của nhịp tim cũng chính là lý do mà chúng ta cần tắm rửa vào ngày hè: chúng ta là loài động vật có vú duy nhất chủ yếu hạ nhiệt nhờ vào việc bài tiết mồ hôi. Tất cả các loài vật có lông trên thế giới đều làm mát chủ yếu nhờ hô hấp, điều này khiến toàn bộ hệ thống điều hòa nhiệt độ cơ thể của chúng bị ràng buộc chặt chẽ với lá phổi. Ở con người, hàng triệu tuyến mồ hôi được tạo ra trong quá trình tiến hóa, mới chính là động cơ có chức năng làm mát tốt nhất.

“Đó là lợi ích của việc là động vật không lông và có khả năng toát mồ hôi.” David giải thích. “Chúng ta còn có thể đi tiếp, chừng nào còn toát được mồ hôi.” Một nhóm các nhà khoa học ở Havard từng xác thực điều này bằng cách đặt nhiệt kế vào hậu môn của báo đốm và cho nó chạy trên máy. Khi nhiệt độ lên tới khoảng 40,5 độ C, con báo ngừng lại. Đó là phản ứng tự nhiên của mọi động vật có vú biết chạy; khi cơ thể tích tụ lượng nhiệt cao hơn lượng nhiệt mà chúng có thể thải ra bằng miệng, chúng bắt buộc phải dừng lại, nếu không sẽ chết.

Thật tuyệt vời! Với đôi chân nhún bật, phần thân trên mảnh dẻ, các tuyến mồ hôi, lớp da không có lông và cơ thể đứng thẳng hứng chịu ít nhiệt từ Mặt trời hơn – chúng ta rõ ràng là loài chạy marathon giỏi nhất thế giới. Nhưng như vậy thì sao? Chọn lọc tự nhiên chủ yếu có hai vấn đề – ăn và không bị ăn – và việc có thể chạy được 20 dặm sẽ vô nghĩa nếu bạn để lũ hươu biến mất trong vòng 20 giây đầu tiên, và một con hổ có thể đuổi kịp bạn trong vòng 10 giây. Sức bền có ích gì trên một chiến trường mà tốc độ là yếu tố quan trọng nhất?

Đó là câu hỏi mà Tiến sĩ Bramble nghiền ngẫm vào khoảng đầu những năm 90, khi đang đi nghỉ mát và gặp Tiến sĩ Dan Lieberman trong dịp thăm Đại học Havard. Thời gian đó, Lieberman lại đang nghiên cứu đầu bên kia của Thế vận hội các loài động vật; ông cho một con lợn lên máy tập chạy và cố tìm hiểu xem tại sao nó lại chạy kém như vậy.

“Hãy nhìn đầu nó mà xem.” Bramble chỉ ra. “Đầu nó cứ lắc lư loạn xạ. Lợn không có dây chằng gáy.”

Tiến sĩ Lieberman lập tức dỏng tai lên. Là một nhà nhân chủng học tiến hóa, ông biết rằng không có thứ gì trên cơ thể chúng ta thay đổi nhiều bằng hình dáng hộp sọ, cũng như không thứ nào khác có thể miêu tả nhiều điều về chúng ta hơn hộp sọ. Ngay cả món burrito bạn dùng trong bữa sáng cũng có vai trò nhất định; các nghiên cứu của Tiến sĩ Lieberman đã chỉ ra rằng trong khi chế độ ăn uống của chúng ta thay đổi qua nhiều thế kỷ, chuyển từ những thứ dai như rễ cây và thịt sống sang các món được nấu chín, mềm xốp như mì Ý và thịt bò xay, thì mặt chúng ta cũng nhỏ dần đi. Mặt của Ben Franklin to hơn mặt của bạn; và mặt của Caesar thì còn to hơn mặt Franklin.

Hai nhà khoa học của Đại học Harvard và Utah đã thống nhất ngay từ bước đầu, chủ yếu là nhờ vào thái độ của Lieberman: ông đã không thở dài ngao ngán khi nghe Bramble tóm tắt lý thuyết Người Chạy Bộ. “Không ai trong giới khoa học nghiên cứu kỹ vấn đề này.” Bramble nói. “Cứ có một bài nghiên cứu về chạy bộ thì có đến 4.000 bài về đi bộ. Mỗi khi tôi nêu vấn đề này ra ở các hội nghị, mọi người lại lập tức đồng thanh: ‘Ừm, nhưng chúng ta chậm mà.’ Họ quá tập trung vào tốc độ và không hiểu được tại sao sức bền lại là một lợi thế.”

Thực ra, chính Tiến sĩ Bramble cũng chưa tìm ra được lý do. Là các nhà sinh vật học, ông và David Carrier có thể giải mã được lý do tại sao cỗ máy được thiết kế như vậy, nhưng họ vẫn cần một nhà nhân chủng học để xác định được rằng với thiết kế đó, thì cỗ máy đó thực sự làm được gì. “Tôi biết nhiều về tiến hóa và một chút về vận động.” Lieberman nói. “Dennis thì biết nhiều về vận động, nhưng lại không am hiểu mấy về tiến hoá.”

Trong khi trao đổi ý tưởng, Bramble nhận ra Lieberman chính là cạ cộng sự nghiên cứu của mình. Lieberman là một nhà khoa học với niềm tin rằng muốn có kinh nghiệm thì tay phải nhuốm bẩn. Nhiều năm ròng, Lieberman thường tổ chức tiệc nướng ngoài trời theo kiểu thời Cro-Magnon10 trên bãi cỏ của trường Havard trong giờ dạy môn tiến hóa. Để mô tả mức độ khéo léo cần thiết khi sử dụng công cụ thời nguyên thủy, ông bắt sinh viên làm thịt dê bằng các viên đá được ghè sắc, rồi nấu thịt dê trên đống lửa. Ngay khi mùi thịt dê nướng thơm phức bốc lên và nghi lễ uống rượu sau giết mổ diễn ra thì bài tập về nhà đã biến thành bữa tiệc tại gia. “Cuối cùng nó biến thành một kiểu lễ hội nhậu nhẹt.” Lieberman kể lại trong Tạp chí Đại học Havard.

10 Giai đoạn cuối thời kỳ Đá cũ (ND).

Nhưng còn có một lý do quan trọng hơn khiến Lieberman là người hoàn hảo để lý giải bí ẩn về Người Chạy Bộ: lời giải có vẻ liên quan đến chuyên môn của ông, là cái đầu. Tất cả mọi người đều biết rằng tại một thời điểm nào đó trong lịch sử, con người thời kỳ đầu đã tiếp cận được nguồn cung cấp protein lớn, tạo điều kiện cho não của họ phát triển như một miếng bọt biển khô kiệt rơi vào xô nước. Bộ não chúng ta cứ tiếp tục to lên cho tới khi đạt tới mức to gấp bảy lần não của bất kỳ loài động vật có vú cùng cỡ. Chúng còn tiêu thụ một lượng calo cực lớn; mặc dù não chỉ chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể nhưng cần tới 20% năng lượng của cả cơ thể, trong khi ở tinh tinh, mức này chỉ là 9%.

Tiến sĩ Lieberman lao vào nghiên cứu về Người Chạy Bộ với lòng nhiệt huyết sáng tạo thường thấy ở ông. Không lâu sau, các sinh viên ghé qua văn phòng của Lieberman ở tầng trên cùng Bảo tàng Peabody của Đại học Havard đều giật mình khi thấy một người đàn ông cụt tay, mồ hôi nhễ nhại, chạy trên máy chạy bộ với cốc đựng phô-mai kem rỗng không buộc trên đầu. “Loài người thật kỳ quặc.” Lieberman nói khi ấn nút trên bảng điều khiển. “Không động vật nào có cái cổ giống chúng ta.” Ông ngừng lại để gào to câu hỏi với người đang chạy trên máy. “Anh còn chạy nhanh hơn tới mức nào nữa hả Willie?”

“Nhanh hơn cái máy này!” Willie đáp vọng lại, và gõ gõ bàn tay trái bằng thép vào tay vịn của máy chạy bộ. Willie Stewart bị mất một tay lúc 18 tuổi do sợi dây thép mà anh đang vác trên một công trường bị cuốn vào tua-bin đang quay, nhưng anh đã hồi phục và trở thành nhà vô địch ba môn phối hợp và môn bóng bầu dục. Ngoài cái cốc đựng phô-mai kem được dùng để giữ cố định một con quay hồi chuyển, Willie còn có các điện cực gắn trên ngực và chân. Tiến sĩ Lieberman tuyển mộ anh để kiểm chứng giả thuyết rằng đầu của con người, với vị trí độc đáo nằm thẳng trên cổ, đóng vai trò như vật nặng trên mái giúp cho các tòa nhà chọc trời không bị nghiêng ngả trong gió mạnh. Lieberman tin rằng đầu không chỉ to ra vì chúng ta chạy giỏi lên mà chúng ta chạy giỏi lên bởi vì đầu to ra, tăng thêm khả năng thăng bằng.

“Đầu phối hợp hoạt động với cánh tay, giúp bạn không bị vặn người và lắc lư trong khi sải bước.” Tiến sĩ Lieberman nói. Trong khi đó, hai cánh tay lại có chức năng như vật đối trọng giữ thăng bằng giúp cho đầu đứng thẳng. “Đó là cách động vật hai chân giải quyết vấn đề giữ ổn định cho đầu khi cổ chuyển động. Đặc điểm tiến hóa này chỉ có ý nghĩa khi chạy bộ.”

Nhưng bí ẩn lớn vẫn còn đó: thức ăn. Bằng cách đánh giá tốc độ tăng trưởng nhanh như Godzilla của đầu người, Lieberman có thể xác định chính xác thời điểm mà thực đơn của người hang động thay đổi. Đó là thời gian khoảng hai triệu năm trước, khi khỉ không đuôi Australopithecus – với bộ não nhỏ tí, quai hàm lớn, có chế độ ăn uống của dê, gồm toàn các loại cây cứng, nhiều xơ – tiến hóa thành Homo erectus, tổ tiên mảnh khảnh, chân dài của chúng ta, với cái đầu to, hàm răng nhỏ, có khả năng cắn xé, phù hợp với việc ăn thịt sống và hoa quả mềm. Điều duy nhất tạo nên sự chuyển biến đột ngột ấy: đó là chế độ ăn uống mà không một loài linh trưởng nào từng ăn trước đó, với lượng cung cấp thịt ổn định, giàu calo, chất béo và protein.

“Vậy, họ kiếm nguồn cung cấp thịt đó ở chỗ quái nào nhỉ?” Lieberman hỏi, với tất cả sự khoái trá của một người đàn ông không ngần ngại cắt xé thịt dê bằng một mảnh đá ghè. “Cung và tên chỉ có 20.000 năm tuổi. Giáo đầu nhọn cũng chỉ xuất hiện từ 200.000 năm trước. Nhưng người đứng thẳng Homo erectus đã xuất hiện từ cách đây hai triệu năm. Điều đó có nghĩa là trong hầu hết thời gian tồn tại – gần hai triệu năm! – con người đã kiếm thịt bằng tay không.”

Lieberman bắt đầu xem xét các khả năng. “Có thể con người trộm xác động vật bị giết bởi các loài săn mồi khác?” Ông tự hỏi. “Lẻn vào và cuỗm lấy thức ăn khi lũ sư tử đang ngủ chăng?”

Không được. Như vậy, chúng ta có thể nếm thịt, nhưng đó không phải là nguồn cung ứng đảm bảo. Bạn phải đến được điểm con mồi bị giết trước loài kền kền, bởi chúng có thể xé xác một con linh dương trong vài phút và “nhai xương như bánh quy giòn”, như Lieberman vẫn thường nói. Ngay cả như vậy, thì bạn cũng chỉ kịp xé vài miếng thịt trước khi con mắt đáng sợ của sư tử mở ra, hay một đám linh cẩu xuất hiện khiến bạn phải bỏ đi.

“Được rồi, có thể chúng ta không có giáo mác. Nhưng chúng ta có thể nhảy lên lưng lợn rừng và siết cổ nó. Hoặc dùng chùy đập chết.”

Đừng đùa! Với khả năng vật lộn và húc của loài lợn rừng, bạn sẽ bị nghiền nát bàn chân, xương sườn gãy vụn. Bạn có thể chiến thắng, nhưng sẽ phải trả giá đắt; chỉ một vết rạn mắt cá giữa thời tiền sử khi đang đi săn mồi cho bữa tối cũng đủ biến chính bạn thành bữa tối.

Không biết Lieberman còn bị mắc kẹt bao lâu nữa nếu như chú chó của ông không mang đến câu trả lời. Vào một buổi chiều hè, Lieberman đưa Vashti, chú chó lai giống Border Collie béo ị của ông, chạy bộ quãng đường năm dặm quanh hồ Fresh. Hôm đó trời nóng, và chỉ sau vài dặm, Vashti đã ngồi thụp xuống dưới một bóng cây, nhất quyết không chịu đi nữa. Lieberman cảm thấy sốt ruột; ừ, trời đúng là có hơi nóng, nhưng không đến nỗi…

Trong khi đợi con chó hạ nhiệt, Lieberman đột nhiên nhớ lại lúc nghiên cứu các hóa thạch ở châu Phi. Những đợt không khí nóng sáng lấp lánh tràn khắp vùng hoang mạc bị Mặt trời thiêu đốt, mặt đất khô cằn hấp thụ nhiệt rồi dội ngược sức nóng đó xuyên qua đế giày của ông. Những bản báo cáo nhân học mà ông từng đọc nhiều năm trước bỗng ùa về; chúng kể về những người thợ săn châu Phi từng săn loài linh dương xuyên qua thảo nguyên, và những người thổ dân Tarahumara đuổi theo lũ hươu “cho tới khi móng guốc của chúng rụng ra”. Lieberman vẫn thường gạt bỏ những câu chuyện kiểu như vậy, cho rằng đó chỉ là lời đồn thổi, hay truyền thuyết về một thời đại vàng son của lớp siêu anh hùng chưa từng tồn tại. Nhưng lúc này, ông bắt đầu cảm thấy băn khoăn…

Vậy, phải mất bao lâu để có thể đuổi theo một con vật cho tới chết? Ông tự hỏi. Thật may, trong các phòng thí nghiệm của Havard có các nghiên cứu tuyệt vời nhất về chuyển động trên thế giới (họ nỗ lực đến mức nhét cả nhiệt kế vào hậu môn của một con báo), vì vậy, tất cả dữ liệu mà Lieberman cần đã ở trong tầm tay. Khi trở lại văn phòng, ông bắt đầu tính toán. Ông bắt tay vào công việc. Một người chạy bộ thư giãn với sức chạy tương đối có thể chạy trung bình khoảng 3-4 m/s. Một con hươu phi nước kiệu ở tốc độ gần như vậy. Nhưng đây là điểm mấu chốt: khi một con hươu muốn tăng tốc lên 4 m/s, nó phải chuyển sang bước chạy thở nặng nhọc, trong khi con người vẫn có thể di chuyển nhanh như vậy mà vẫn trong khoảng chạy bộ thư giãn. Một con hươu có thể chạy nước rút nhanh hơn nhiều, nhưng chúng ta lại nhanh hơn khi chạy thong thả; vì vậy, khi Bambi bắt đầu chuyển sang trạng thái nợ oxy, thì chúng ta còn chưa tới mức thở khó nhọc.

Lieberman tiếp tục tìm kiếm, và phát hiện ra một phép so sánh còn ý nghĩa hơn: tốc độ tối đa của ngựa là 7,7 m/s. Chúng có thể giữ được tốc độ đó trong khoảng 10 phút, rồi phải giảm xuống 5,8 m/s. Nhưng một vận động viên marathon cấp cao có thể chạy hàng giờ ở tốc độ 6 m/s. Ngựa có thể bùng nổ ngay từ vạch xuất phát, như Dennis Poolheco đã nhận thấy trong Cuộc Đua Người Đấu Ngựa, nhưng nếu kiên trì và có cự ly đủ dài, bạn có thể từ từ rút ngắn khoảng cách.

Bạn thậm chí còn chẳng phải chạy nhanh. Lieberman nhận ra. Tất cả những gì phải làm là giữ con mồi trong tầm mắt, và sau 10 phút, bạn sẽ tiến gần đến nó hơn.

Lieberman bắt đầu tính toán thêm cả nhiệt độ, tốc độ và khối lượng cơ thể. Ngay lập tức, mọi thứ được phơi bày: lời giải đáp cho bí ẩn về Người Chạy Bộ. Để chạy đuổi theo một con linh dương tới chết, tất cả những gì bạn phải làm là dọa cho nó sợ và phi nước đại trong một ngày nóng. “Nếu bạn giữ cự ly vừa đủ gần để nó nhìn thấy được bạn, thì nó sẽ liên tục cố gắng chạy ra xa. Sau khi chạy khoảng từ 10 tới 15 km, nó sẽ rơi vào tình trạng tăng thân nhiệt và gục xuống.” Đơn giản là: nếu bạn có thể chạy được khoảng sáu dặm trong một ngày hè, thì chính anh đấy, bạn tôi ạ, anh sẽ là thứ vũ khí chết chóc trong thế giới động vật. Chúng ta có thể giải phóng được nhiệt khi đang chạy, nhưng động vật khác lại không thể thở hổn hển khi đang phi nước đại.

“Chúng ta có thể chạy trong tình trạng mà không loài vật nào khác chạy nổi.” Lieberman nhận ra. “Và thậm chí điều đó còn chẳng đến nỗi khó. Nếu vị giáo sư trung niên có thể chạy thắng được chú chó trong ngày nắng, thì thử tưởng tượng xem, toán thợ săn hừng hực khí thế có thể làm gì với một con linh dương bị tăng thân nhiệt.”

Không khó hình dung khuôn mặt nhăn nhó của Chúa tể Vũ trụ, người Neanderthal, khi họ nhìn những gã Người Chạy Bộ mới mẻ này chạy phía sau những chú Bambi bé nhỏ đang nhảy nhót, hoặc chạy cả ngày dưới ánh nắng mặt trời oi bức để rồi trở về với đống khoai trên tay. Người Chạy Bộ có thể kiếm được cả đống thịt bằng cách chạy bộ, nhưng không thể chạy bộ với cái bụng đầy thịt, do đó, họ phải thường xuyên nạp carbohydrate từ rễ cây và hoa quả, và để dành thịt linh dương cho những dịp nạp năng lượng đặc biệt. Họ đi kiếm ăn cùng nhau – Người Đàn Ông Chạy Bộ, Người Đàn Bà Chạy Bộ, Trẻ Con Chạy Bộ, và Người Già Chạy Bộ – nhưng hầu như vẫn ăn khoai sắn, hoặc sâu bọ nhiều hơn thịt.

Ôi dào. Người Neanderthal chẳng bao giờ thèm ăn mấy con sâu bọ và thức ăn moi dưới đất lên như vậy; họ ăn thịt và chỉ thịt mà thôi, và không phải là mấy con linh dương bé tẹo mềm nhẽo đâu nhé. Người Neanderthal chỉ ăn thịt loại một: gấu, bò rừng và nai sừng tấm có thịt xen lẫn mỡ mềm xốp, tê giác với bộ gan giàu chất sắt, voi ma mút với bộ não ngọt lịm béo ngậy và trong xương có món tủy thơm mát bờ môi. Tuy nhiên, thử săn đuổi các con quái vật đó mà xem, chúng sẽ quay lại đuổi theo bạn. Thay vào đó, bạn phải dùng trí khôn để đánh bại chúng. Người Neanderthal thường lùa chúng vào điểm phục kích, và tung ra đòn tấn công gọng kìm, ập tới từ mọi phía với ngọn giáo bằng gỗ dài gần hai mét rưỡi. Kiểu săn đó không dành cho những kẻ lành tính; người Neanderthal thường bị những vết thương giống trong trò chơi thuần phục thú bất kham của cao bồi, họ bị thương ở cổ và đầu khi bị những con thú đang lồng lộn quăng quật, nhưng họ sẽ được đồng đội chăm sóc hoặc chôn cất tử tế. Không giống tổ tiên thực sự của chúng ta, đám Người Chạy Bộ láo nháo, người Neanderthal là những thợ săn hùng mạnh mà chúng ta thường tưởng tượng khi nghĩ về quá khứ; họ vai kề vai trong các trận chiến, họ lập thành một chiến tuyến gồm những bộ não biết tư duy và lòng quả cảm, họ là những chiến binh thông thái được trang bị cơ bắp to khỏe nhưng vẫn đủ tinh tế để biết nấu thịt từ từ cho mềm ra trong các lò đắp bằng đất, và họ giữ phụ nữ, trẻ em tránh xa các mối đe dọa.

Người Neanderthal thống trị Trái đất – cho tới khi khí hậu trở nên dễ chịu hơn. Khoảng 45.000 năm trước, mùa đông dài đằng đẵng chấm dứt và một chiến trường nóng bức xuất hiện. Rừng rậm bị thu hẹp, để lại các thảo nguyên khô cằn kéo dài đến tận chân trời. Khí hậu mới này thật tuyệt với những Người Chạy Bộ; số lượng đàn linh dương bùng nổ và cơ man các loại củ trồi lên khắp nơi trên hoang mạc.

Cuộc sống của người Neanderthal lại trở nên khó khăn hơn; những ngọn giáo dài và các cuộc phục kích trong hẻm núi của họ đều vô hiệu trước loài thú sống bầy đàn trên đồng cỏ, và loài thú lớn mà họ thích lại trốn sâu hơn vào những cánh rừng đang ngày càng thu hẹp. Vậy tại sao họ lại không học luôn chiến thuật săn mồi của Người Chạy Bộ? Họ thông minh và chắc chắn là đủ khỏe mạnh, nhưng đó lại chính là vấn đề; họ quá khỏe. Khi nhiệt độ lên cao hơn 30 độ C, vài cân chênh lệch về khối lượng cơ thể đã tạo nên khác biệt lớn lao – tới mức, để duy trì cân bằng về nhiệt, một vận động viên chạy bộ nặng khoảng 80 cân phải giảm bớt tốc độ đến ba phút mỗi dặm trong một cuộc đua marathon so với một vận động viên nặng khoảng 50 kg. Trong cuộc rượt đuổi hươu kéo dài hai giờ, Người Chạy Bộ có thể bỏ xa người Neanderthal tới hơn 10 dặm.

Với cơ thể nặng nề, người Neanderthal phải đi theo đàn voi răng mấu to lớn vào các khu rừng đang tàn lụi và trôi vào quên lãng. Thế giới mới thuộc về Người Chạy Bộ, và chạy bộ đơn giản không phải là dành cho họ.

Cá nhân David Carrier biết rằng giả thuyết về Người Chạy Bộ có một điểm yếu chết người. Và bí mật đó cứ giày vò anh mãi cho tới lúc suýt biến anh thành kẻ sát nhân.

“Quả là tôi đã bị ám ảnh.” Anh thừa nhận khi tôi gặp ở phòng thí nghiệm tại Đại học Utah, 25 năm và ba học vị sau khoảnh khắc đầy cảm hứng cạnh chiếc bàn mổ nọ hồi năm 1982. Bây giờ anh đã là Tiến sĩ David Carrier, giáo sư bộ môn sinh học, với mớ ria mép chổi xể đã điểm bạc và cặp kính tròn không viền trên cặp mắt nâu tràn đầy nhiệt huyết. “Lúc đó tôi chỉ thèm được tóm lấy thứ gì đó bằng cả hai tay mình và nói: ‘Hãy nhìn đi! Đã thoả mãn chưa?’”

Vấn đề là thế này: Rượt đuổi một con vật cho đến chết chính là phiên bản thuyết tiến hóa của tội ác hoàn hảo. Đi săn bằng sức bền (theo cách gọi của các nhà nhân chủng học) không để lại bất kỳ chứng cứ pháp y nào hết – không có đầu mũi tên, không có dấu vết giáo đâm trên xương sống – vậy làm thế nào đưa được một vụ án mạng ra xét xử khi bạn không thể trình ra được xác chết, vũ khí, hay nhân chứng? Bất kể Tiến sĩ Bramble có xuất chúng đến mức nào trong lĩnh vực sinh lý học, hay Tiến sĩ Lieberman có dày dạn kinh nghiệm tới đâu về hóa thạch, thì họ cũng không có cách nào chứng minh được rằng chính đôi chân của chúng ta trước đây đã từng là vũ khí chết chóc, nếu không đưa ra được bằng chứng rằng có ai đó, ở một nơi nào đó, đã từng chạy đuổi theo một con vật cho tới khi nó gục chết. Bạn có thể thao thao bất tuyệt về bất kỳ lý thuyết nào liên quan đến năng lực của con người (ví dụ như “Chúng ta có thể tự dừng được nhịp tim! Ta có thể uốn cong chiếc thìa chỉ bằng ý nghĩ!”), nhưng cuối cùng bạn vẫn không cách nào biến một giả thuyết nghe rất thuyết phục thành thực tế có kiểm nghiệm nếu không đưa ra được vật chứng.

“Tôi thất vọng vì cứ tìm thấy các câu chuyện kể ở khắp nơi.” David Carrier nói. Bạn cứ phóng bừa một chiếc phi tiêu lên bản đồ, thì khả năng rất cao là nơi mũi tên cắm vào cũng chính là một địa điểm từng có câu chuyện kể về kỹ thuật đi săn bằng sức bền này. Các bộ tộc Goshutes và Papago ở miền tây nước Mỹ từng lưu truyền các câu chuyện như thế; và tương tự, người Bụi rậm Kalahari ở Botswana, thổ dân châu Úc, các chiến binh Masai ở Kenya, người Seri và thổ dân da đỏ Tarahumara ở Mexico đều có những câu chuyện tương tự. Vấn đề là tất cả những chuyện kể đó đều đã được truyền lại từ bốn đến năm đời; bằng chứng để chứng minh cho các câu chuyện đó cũng nhiều ngang với bằng chứng chứng minh rằng Davy Crockett11 đã từng giết được một con gấu khi mới lên ba.

11 Người anh hùng của Mỹ ở thế kỷ 18-19 (ND).

“Chúng tôi chẳng tìm thấy ai từng thực hiện được một chuyến đi săn bằng sức bền.” David kể. “Chúng tôi thậm chí còn chẳng tìm thấy ai đã từng chứng kiến một cuộc đi săn như vậy.” Rõ ràng giới khoa học có lý khi tiếp tục hoài nghi. Nếu như giả thuyết về Người Chạy Bộ là đúng, thì ít nhất phải có một người trong số sáu tỷ người trên Trái đất này còn khả năng săn mồi theo cách đó chứ. Chúng ta có thể đã không còn giữ thói quen này, cũng như không còn cần đến thứ kỹ năng ấy, nhưng hẳn phải còn giữ được khả năng đó: ADN của chúng ta đã không thay đổi chút nào trong nhiều thế kỷ qua, và giống nhau đến 99,9% trên khắp địa cầu, đồng nghĩa với việc chúng ta vẫn có sẵn các bộ phận cơ thể giống như bất kỳ một người săn bắn-hái lượm cổ đại nào. Vậy thì tại sao không ai trong số chúng ta có thể bắt nổi một con hươu yếu ớt?

“Đó là lý do tại sao tôi quyết định tự làm việc này.” David nói. Hồi chưa tốt nghiệp đại học, tôi vẫn thường tham gia các cuộc đua trên núi và có rất nhiều kỷ niệm vui ở đó. Vì vậy, khi nghiên cứu các cách hít thở khác nhau khi chạy, tôi nghĩ sẽ dễ dàng hơn khi tìm hiểu xem điều đó có tác động gì đến giống loài của chúng ta. So với những người không bao giờ rời phòng thí nghiệm, thì đối với tôi, ý tưởng đó ít lạ lẫm hơn nhiều.”

Và cũng chẳng lạ lẫm gì khi anh nghĩ rằng, nếu không tìm được người hang động, anh có thể tự mình trở thành vật thử nghiệm. Mùa hè năm 1984, David thuyết phục anh trai của mình là Scott, một cây bút tự do và là phóng viên cho National Public Radio (NPR), đi tới Wyoming để bắt linh dương hoang dã. Scott ít chạy bộ, nhưng David thì có sức khỏe rất tốt và sẵn động lực được khơi gợi từ tính bất tử của khoa học. Khi có cả hai anh em, David tính toán rằng, sẽ mất khoảng hai giờ để họ hạ gục được bằng chứng nặng hàng tạ thịt.

“Chúng tôi lái xe ra khỏi đường quốc lộ, đi vài dặm dọc theo một con đường đất và gặp một bình nguyên đầy cây ngải đắng, khô quạnh, núi vây tứ phía. Và lũ linh dương thì ở khắp mọi nơi.” Scott sau này miêu tả lại quang cảnh đó cho các thính giả của chuyên mục This American Life trên đài NPR. “Chúng tôi dừng xe và bắt đầu chạy đuổi theo ba con mồi – một con đực và hai con cái. Chúng chạy rất nhanh, nhưng chỉ trong các quãng ngắn, rồi sau đó dừng lại và nhìn chúng tôi cho tới khi chúng tôi đuổi kịp. Sau đó, chúng lại bỏ chạy. Có lúc chúng chạy khoảng một phần tư dặm, lúc thì nửa dặm.”

Thật hoàn hảo! Mọi thứ y như David dự đoán. Lũ linh dương không đủ thời gian để làm nguội cơ thể trước khi David và Scott hò hét đuổi tới nơi. Chỉ thêm khoảng vài dặm nữa thôi, David nghĩ, mình có thể lên đường trở lại Salt Lake với một cốp xe chứa đầy thịt hươu và một băng hình tuyệt hảo để đập xuống mặt bàn Tiến sĩ Bramble. Nhưng anh trai anh lại cảm thấy có chuyện bất thường.

“Ba con linh dương nọ nhìn tôi như thể biết đích xác rằng chúng tôi đang định làm gì, và chúng chẳng tỏ vẻ gì là lo sợ cả.” Scott nói tiếp. Anh mau chóng nhận ra tại sao lũ linh dương lại bình thản như vậy khi đối mặt với điều đáng lẽ phải là cái chết đang lơ lửng trên đầu. Thay vì khuỵu xuống vì kiệt sức, chúng lại chơi trò trốn tìm; khi bắt đầu thở hổn hển, chúng lại chạy vòng lại và trốn trong đàn, để mặc David và Scott ngơ ngác không biết con linh dương nào đang mệt mỏi và con nào còn khỏe mạnh. “Chúng lẩn trốn, lẫn vào đàn và thay đổi vị trí.” Scott nói. “Không con linh dương nào đứng đơn lẻ, chúng di chuyển trên sa mạc như một đám hạt thủy ngân trên mặt bàn thuỷ tinh.”

Hai ngày tiếp theo, hai anh em tiếp tục đuổi theo các hạt thủy ngân trên bình nguyên ở Wyoming, mà không nhận ra họ đang mắc phải một sai lầm nghiêm trọng. Thất bại của David lại vô tình là bằng chứng cho chính giả thuyết của anh: con người chạy theo cách hoàn toàn khác các loài còn lại trên Trái đất. Bạn không thể bắt được các loài vật khác bằng cách bắt chước chúng, và đặc biệt là không thể dựa trên các ước tính thô sơ về khả năng chạy của động vật mà chúng ta quan sát được trong thể thao. David và Scott hoàn toàn lệ thuộc vào bản năng, sức mạnh và sức bền mà không nhận ra rằng chạy đường dài, đối với con người, ở đỉnh cao của tiến hóa, còn phức tạp hơn thế nhiều. Đó là sự phối kết các chiến thuật và kỹ năng đã được gọt giũa hoàn hảo trong suốt hàng triệu năm dài phải đứng trước quyết định: làm hay là chết. Và cũng như bất kỳ loại hình nghệ thuật thẩm mỹ nào, chạy bộ đường dài của con người đòi hỏi mối liên kết giữa bộ não và cơ thể mà không một loài nào khác đạt được.

Nhưng đó là một nghệ thuật đã bị lãng quên. Đây là điều mà Scott Carrier phát hiện ra sau khi nghiên cứu suốt cả thập kỷ sau đó. Có một điều kỳ lạ đã xảy ra trên các bình nguyên ở Wyoming dạo đó: sự cuốn hút của một môn nghệ thuật thất truyền đã đi vào máu của Scott và không chịu tan biến. Bất chấp thất bại ê chề của chuyến đi ấy, Scott tiếp tục thay mặt em trai, dành nhiều năm nghiên cứu kỹ thuật đi săn bằng sức bền. Anh thậm chí còn lập ra một tổ chức phi lợi nhuận với mục đích đi tìm những người thợ săn bằng sức bền cuối cùng, và tuyển mộ cả một người chạy bộ siêu dài kiệt xuất Creighton King – người hai lần phá kỷ lục giải Double Grand Canyon trước khi anh em Skaggs xuất hiện – tham gia vào chuyến thám hiểm tới biển Cortez, nơi có lời đồn rằng một bộ tộc nhỏ thổ dân Seri vẫn đang giữ mối liên hệ với quá khứ chạy bộ của giống loài chúng ta.

Scott tìm thấy bộ tộc này – nhưng lại quá muộn. Có hai già làng từng học kỹ thuật cổ xưa đó từ cha của họ, nhưng không còn ứng dụng nó cả nửa thế kỷ, và quá già để có thể biểu diễn lại được.

Cuộc tìm kiếm đi vào ngõ cụt. Tới năm 2004, cuộc săn tìm người duy nhất trong sáu tỷ người trên Trái đất đã kéo dài 20 năm và không có kết quả. Scott Carrier đành phải từ bỏ. David Carrier đã buông xuôi từ lâu và lúc đó đang nghiên cứu các cấu trúc thể chất cho việc chiến đấu của loài linh trưởng. Dự án về những người thợ săn sức bền cuối cùng chìm xuống.

Nhưng, thường những lúc như vậy, chuông điện thoại lại reo lên.

“Rồi bỗng nhiên, tôi lại đang nói chuyện với người lạ mặt này.” Tiến sĩ Bramble bắt đầu kể. Ông trông như một gã cao bồi già, với mớ tóc xù màu xám và chiếc áo sơ mi vải mịn kiểu nông trang, một phong cách hoàn toàn phù hợp với những chiếc sọ động vật khô treo trên tường phòng thí nghiệm, cùng với lối kể chuyện như kiểu ngồi bên đống lửa trại. Tới năm 2004, Tiến sĩ Bramble nói, nhóm hợp tác của hai trường đại học Utah-Havard đã xác định được 26 đặc điểm liên quan đến chạy đường dài trên cơ thể con người. Với hy vọng nhỏ nhoi rằng sẽ tìm được Người Thợ Săn Cuối Cùng, họ quyết định cứ cho đăng các kết quả nghiên cứu của mình. Tạp chí Nature đưa họ lên trang bìa, và cuối cùng, một bản của cuốn tạp chí đó đã tới tận thị trấn nằm trên bờ biển Nam Phi, nơi xuất phát của cuộc điện thoại này.

“Chuyện chạy đuổi một con linh dương tới chết không khó đâu.” Người lạ đó nói. “Tôi có thể chỉ cho ông biết phải làm như thế nào.”

“Xin lỗi, nhưng anh là ai vậy?”

“Louis Liebenberg. Tôi gọi từ Noordhoek.”

Bramble biết tất cả các tên tuổi trong lĩnh vực lý thuyết về chạy bộ, mà thực ra nhớ hết cũng chẳng khó lắm, vì họ chẳng đứng kín hết được một cửa hiệu bán đồ ăn tối. Nhưng Louis Liebenberg từ Noordhoek thì ông chưa từng nghe bao giờ.

“Anh là thợ săn à?” Bramble hỏi.

“Tôi á? Không.”

“Ồ… hay là nhà nhân chủng học?”

“Không nốt.”

“Thế chuyên môn của anh là gì?”

“Toán học. Toán và vật lý học.”

Toán học à? “Ờ… vậy thì… làm thế nào mà một nhà toán học lại biết cách săn linh dương?”

Bramble nghe thấy tiếng cười. “Gần như là ngẫu nhiên.”

Thật éo le khi cuộc đời của Louis Liedenberg và David Carrier gắn chặt với nhau suốt hàng thập kỷ mà họ không hề hay biết. Vào khoảng đầu những năm 80, Louis cũng chỉ là một cậu sinh viên, và cũng như David, anh bị sốc khi phát hiện ra một góc nhìn về sự tiến hóa của loài người mà rất ít người tin tưởng.

Một phần vấn đề của Louis nằm ở chính kiến thức, kinh nghiệm của anh: Anh chẳng có tí nào. Thời điểm đó, anh chưa đầy 20 tuổi và đang theo học chuyên ngành toán học và vật lý ứng dụng tại Đại học Cape Town. Khi tham gia một môn học tự chọn trong lĩnh vực lý luận khoa học, anh bắt đầu băn khoăn về vụ nổ Big Bang của tâm trí của loài người. Tại sao chúng ta lại có bước nhảy vọt từ tư duy sinh tồn cơ bản, giống như các loài động vật khác, lên tới các ý tưởng phức tạp ghê gớm như logic, tính hài hước, khả năng diễn dịch, lập luận trừu tượng, và năng lực tưởng tượng sáng tạo? Được rồi, cứ cho là người nguyên thủy đã nâng cấp phần cứng của mình bằng một bộ não lớn hơn – nhưng anh ta làm thế nào có được phần mềm? Bộ não to lên là một quá trình hữu cơ, nhưng đủ khả năng sử dụng bộ não đó để bước vào tương lai và kết nối các sự vật, sự việc trong suy nghĩ, ví dụ như từ một cái diều, một chiếc chìa khoá và một tia sét, suy ra được sự truyền điện thì cứ như là phép thuật. Như vậy, mồi lửa khơi gợi cảm hứng đến từ đâu?

Louis tin rằng lời giải đáp nằm đâu đó trên các sa mạc miền nam châu Phi. Mặc dù chỉ là một gã trai thành phố mù mờ về thế giới tự nhiên, nhưng anh có linh cảm rằng nơi tốt nhất để tìm kiếm sự ra đời của tư duy con người chính là nơi sự sống của loài người bắt đầu. “Tôi có một linh tính mơ hồ rằng nghệ thuật theo dấu con mồi có thể là biểu hiện cho nguồn gốc của khoa học.” Louis nói. Và nếu như vậy thì còn ai đáng để nghiên cứu hơn những người Bụi rậm ở sa mạc Kalahari, những người vừa là bậc thầy về theo dấu động vật, vừa là tàn tích quá khứ tiền sử của giống loài chúng ta?

Vì thế, ở tuổi 22, Louis quyết định bỏ học và viết một chương mới trong lịch sử tự nhiên bằng cách thử nghiệm lý thuyết của mình với người Bụi rậm. Đó là một kế hoạch tham vọng đến điên rồ với chàng sinh viên bỏ học mà vốn kiến thức về nhân chủng học, khả năng sinh tồn ngoài hoang dã, hay các phương pháp khoa học, chỉ là con số không. Anh không biết nói tiếng mẹ đẻ của người Bụi rậm, tiếng !Kabee, mà cũng chẳng biết nói thứ tiếng du nhập của họ, tiếng Afrikaans. Anh thậm chí chẳng biết tí gì về theo dấu động vật, lý do thôi thúc anh lên đường. Nhưng vậy thì có sao chứ? Louis nhún vai, và bắt tay vào việc. Anh tìm được một người phiên dịch tiếng Afrikaans, liên hệ với những người hướng dẫn về săn bắt và các nhà nhân chủng học, rồi cuối cùng đặt chân lên con đường cao tốc Trans-Kalahari để tới Botswana, Namibia… và cả những miền đất chưa được biết tới.

Giống như Scott Carrier, Louis sớm nhận ra rằng mình sẽ thua trong cuộc đua với thời gian. “Tôi đi hết từ làng này tới làng khác để tìm kiếm những người Bụi rậm đi săn bằng cung và tên, vì họ hẳn sẽ phải có các kỹ năng lần tìm theo dấu vết.” Louis nói. Nhưng các cuộc đi săn thú lớn và các chủ trang trại dần dần lấy đi hết vùng đất săn bắn của họ, để rồi hầu hết những người Bụi rậm đều phải từ bỏ đời sống du cư và chấp nhận sống trong các khu bảo tồn của chính phủ. Sự suy giảm của họ thật buồn thảm; thay vì lang thang trong miền hoang dã, nhiều người Bụi rậm phải sống nhờ vào đồng lương rẻ mạt từ các công việc trong nông trại, và phải nhìn chị em gái cũng như con gái mình bước chân vào các nhà thổ tại các trạm nghỉ của cánh lái xe tải.

Louis vẫn miệt mài tìm kiếm. Phía xa trên sa mạc Kalahari, anh cuối cùng cũng gặp được một đám người Bụi rậm sống ngoài vòng pháp luật, mà theo lời anh: “vẫn bướng bỉnh bám trụ tự do và độc lập, không chịu bán mình cho lao động chân tay hay đĩ điếm.” Thì ra, cuộc tìm kiếm Một người trong Sáu tỷ người cũng không quá sai về mặt toán học: trên sa mạc Kalahari, còn lại đúng sáu thợ săn chân chính.

Đám người sống ngoài vòng pháp luật nọ đồng ý cho Louis ở cùng, đó một lời đề nghị mà anh quyết thực hiện cho đến nơi đến chốn. Anh phải đồng ý đóng vai một người họ hàng rảnh rỗi của họ, nghĩa là phải ăn lông ở lỗ với những người Bụi rậm ấy trong vòng bốn năm tiếp theo. Chàng trai thành phố Cape Town đã phải học cách sống với thực đơn của người Bụi rậm, chỉ bao gồm rễ cây, dâu dại, thịt nhím và loài thỏ nhảy trông giống chuột đồng. Anh học cách giữ cho đống lửa không bị tắt, và buộc kín căn lều ngay cả trong những đêm nóng vã mồ hôi, vì lũ linh cẩu vẫn thường lôi người ta ra khỏi chỗ ngủ hớ hênh và cắn đứt cuống họng họ. Anh biết rằng nếu tình cờ chạm mặt một con sư tử cái đang giận dữ, cùng lũ con nhỏ, thì bạn cần phải đứng thẳng người và dọa nó lùi bước, nhưng ở tình huống tương tự với một con tê giác, thì bạn phải chạy trối chết.

Nói về học hỏi kỹ năng, thì không gì bằng sinh tồn; chỉ riêng việc cố gắng kiếm đồ ăn bỏ bụng hằng ngày và tránh chọc giận lũ thú, như khi hai con sói lưng đen đang âu yếm nhau dưới bóng một cây bao báp chẳng hạn, đã là cách tuyệt vời nhất để Louis bắt đầu hấp thụ ma thuật của một bậc thầy về theo dấu động vật. Anh học cách nhìn vào bãi phân của lũ ngựa vằn và phân biệt được bãi nào là của con nào; anh phát hiện ra, ruột cũng có các đường rãnh và khía để lại các hoa văn đặc trưng trên phân thải. Biết cách phân biệt chúng, thì bạn có thể tìm ra được một con ngựa vằn đơn lẻ trong cả một đàn đang chạy tản mát và theo dấu nó dựa trên các chất thải đặc trưng. Louis học cách cúi gập người xuống nhìn đám dấu vết của một con cáo và hình dung được chính xác nó đã làm những gì: ở đây, nó đi chậm rãi như thể đã đánh hơi thấy mùi chuột và bọ cạp, và xem này, đây có vẻ là chỗ mà nó bắt đầu chạy đi với thứ gì đó trong mồm. Một vệt cát bị quét theo hình xoắn cho anh biết chỗ nào vừa có một con đà điểu tắm cát, và từ đó giúp anh lần tìm tới ổ trứng của nó. Lũ chồn đất châu Phi thường đào hang ở vùng đất cát cứng, vậy tại sao chúng lại đào bới ở chỗ cát mềm này? Hẳn là ở đây phải có một ổ bọ cạp ngon lành…

Ngay cả khi đã biết đọc các dấu hiệu trên đất, thì bạn cũng gần như chưa biết gì hết; cấp độ tiếp theo là theo dấu con mồi ngay cả khi không có dấu vết, một trạng thái cao hơn của lập luận, còn được gọi một cách bóng bẩy là “đi săn bằng suy đoán”. Cách duy nhất làm được điều này, theo như Louis phát hiện ra, là bạn phải rời khỏi hiện tại và đi vào tương lai, đặt mình vào tâm trí của con vật mà bạn đang săn đuổi. Khi học được cách suy nghĩ như loài vật khác, bạn có thể phỏng đoán được điều nó định làm và phản ứng được trước cả khi nó thực hiện hành động đó. Nghe cứ như chuyện trên phim, khi những thanh tra FBI làm được những điều có vẻ phi lý như đoán trước tương lai, hay “nhìn bằng mắt của kẻ sát nhân”. Nhưng ở ngoài đó, trên các bình nguyên Kalahari, phóng tâm trí của mình lại hết sức thực tế và là một thứ kỹ năng chết chóc.

“Khi lần theo dấu một con vật, người thợ săn sẽ cố gắng suy nghĩ như con vật đó để dự đoán được nó sẽ đi theo hướng nào.” Louis nói. “Nhìn vào các dấu vết nó để lại, người thợ săn có thể hình dung được động tác của con vật đó và cảm nhận được chính chuyển động đó trong người mình. Bạn rơi vào trạng thái xuất thần, với sự tập trung cao độ. Chuyện đó thực ra rất nguy hiểm, bởi lẽ bạn sẽ không còn cảm nhận được cơ thể mình nữa, và cứ thế ép mình tới khi bạn gục xuống.”

Hình dung… đồng cảm… suy nghĩ trừu tượng và phỏng đoán trước: ngoài vụ gục ngã ra, thì chẳng phải đó chính là cơ chế thần kinh mà chúng ta dùng cho khoa học, y tế và sáng tạo nghệ thuật hay sao? “Khi lần theo dấu con mồi, bạn đang tạo ra các liên kết nhân quả trong trí não, bởi vì bạn không thực sự nhìn thấy điều mà con vật đã làm.” Louis nhận ra. “Đó chính là cốt lõi của khoa học.” Với kỹ năng đi săn bằng suy đoán, những người thợ săn sơ khai của loài người còn làm được nhiều hơn cả việc kết nối các điểm chấm; họ đã kết nối được những điểm chấm chỉ tồn tại trong tâm trí họ.

Một buổi sáng nọ, bốn trong số những người Bụi rậm nọ – !Nate, !Nam!kabe, Kayate và Boro/xao – đánh thức Louis dậy trước bình minh để mời anh dự một buổi đi săn đặc biệt. Đừng ăn sáng, họ dặn, và hãy uống thật nhiều nước. Louis uống hết một ca cà phê, vớ lấy đôi ủng và lật đật bám theo sau đám thợ săn khi họ đi theo hàng qua đồng cỏ trong bóng tối. Mặt trời lên cao và bắt đầu thiêu đốt trên đầu, nhưng những người thợ săn đó vẫn dấn bước. Cuối cùng, sau khi đã đi bộ gần 20 dặm, họ tìm thấy một đám kudu, loài linh dương vô cùng nhanh nhẹn. Đó là lúc những người Bụi rậm bắt đầu chạy.

Louis đứng đó, ngơ ngác. Anh biết các quy tắc đi săn bằng cung tên của người Bụi rậm: bò rạp xuống đất, trườn vào tới tầm tên, và bắn. Thế thì đây là cái quái gì vậy? Anh đã từng được nghe một chút về kỹ năng săn mồi bằng sức bền, nhưng anh nghĩ nếu nó không phải là thứ kỹ năng từ thời cổ thì cũng chỉ là chuyện bịa: Hoặc con vật bị ngã gãy cổ khi đang chạy trốn, hoặc đó chỉ là chuyện tầm phào. Những người này không thể nào bắt kudu chỉ bằng chân được. Không thể nào. Nhưng anh ta càng nói “Không thể nào” thì những người Bụi rậm nọ càng đi xa hơn, vì vậy, Louis không nghĩ ngợi gì nữa mà bắt đầu chạy.

“Đây là cách của chúng tôi.” !Nate nói khi Louis hổn hển đuổi tới nơi. Bốn người thợ săn chạy lẹ làng phía sau con kudu. Mỗi khi các con vật chạy vào một bụi cây keo, thì một trong số những người thợ săn sẽ tách khỏi nhóm và lùa con kudu nọ ra ngoài nắng. Cả đàn có thể tản ra, tụm lại, rồi lại chạy tản mát, nhưng bốn người Bụi rậm chỉ chạy và bám sát sau một con kudu duy nhất, tách nó khỏi đàn mỗi khi nó tìm cách lẩn vào, lùa nó ra khỏi bóng cây mỗi khi nó muốn nghỉ. Nếu không chắc là phải đuổi theo con nào, họ sẽ ngồi xuống, kiểm tra dấu vết trên đất và điều chỉnh lại cuộc săn đuổi.

Trong khi đang dốc hết sức để bám theo nhóm, Louis bất ngờ khi thấy !Nate, người khỏe mạnh và giỏi nhất trong đám thợ săn người Bụi rậm, lại chạy từ từ phía sau cùng mình. !Nate thậm chí còn không mang theo bình nước như những người thợ săn khác. Khi cuộc săn đuổi đã diễn ra được khoảng 90 phút, Louis phát hiện ra được lý do: khi một trong những người thợ săn lớn tuổi hơn thấy mệt mỏi và ngừng lại, ông ta đưa bình nước cho !Nate. !Nate uống cạn bình đó, rồi đổi cái bình không ấy lấy nửa bình nước khi người thợ săn thứ hai ngừng chạy.

Louis chạy lếch thếch phía sau, quyết tâm quan sát cuộc đi săn từ đầu đến cuối. Anh hối hận vì đã chọn đôi ủng đi rừng nặng nề; đám người Bụi rậm ngày xưa chỉ đi những đôi giày nhẹ, làm từ da hươu cao cổ, còn bây giờ, họ có những đôi giày thể thao mỏng mảnh, giữ cho bàn chân thoáng mát trong khi chạy. Louis cảm nhận được những gì mà anh đang trông thấy ở con kudu; anh thấy nó chạy quanh co như người say rượu… đầu gối trước của nó cong lại, duỗi ra… nó hồi phục và lại chạy đi… rồi gục xuống nền đất.

Và Louis cũng vậy. Khi tới được con kudu quỵ ngã, anh đã bị nóng lên tới mức không ra mồ hôi được nữa. Anh ngã sấp mặt xuống cát. “Khi tập trung vào cuộc săn đuổi, bạn sẽ nỗ lực đến các ngưỡng giới hạn. Bạn sẽ không nhận ra được là mình kiệt sức.” Louis sau này giải thích. Nói cách khác, anh cũng có được thành tích; Louis đã thực sự chuyển được vị trí sang con vật bị săn và chạy hết sức, cứ như chính anh ta bị săn đuổi. Anh thất bại vì đã không biết kiểm tra chính vết chân của mình; vì các giác quan cảm nhận tình trạng cơ thể rất dễ bị tê liệt, người Bụi rậm từ lâu đã biết cách thường xuyên kiểm tra chính vết chân mình. Nếu các vết chân của họ cũng tệ không kém gì bước chân kudu, họ sẽ dừng lại, rửa mặt, ngậm một ngụm nước đầy và cho nó trôi từ từ xuống cổ họng. Sau khi nuốt chỗ nước cuối cùng, họ sẽ đi bộ và kiểm tra lại các dấu chân của mình một lần nữa.

Đầu Louis lúc này đang giật giật, và mắt anh thì đang mờ dần. Anh gần như bất tỉnh, nhưng cũng đủ nhận thức để cảm thấy sợ hãi; anh đang nằm trên sa mạc với nhiệt độ khoảng gần 42 độ C, và hiểu rằng mình chỉ có duy nhất một cơ hội để giữ mạng. Anh dò dẫm với lấy con dao giắt ở thắt lưng và lết tới chỗ xác con kudu. Nếu rạch bụng nó, anh có thể uống nước được từ đó.

“KHÔNG!” !Nate ngăn Louis lại. Không như các loài linh dương khác, kudu ăn lá cây keo, có chứa chất độc đối với con người. !Nate trấn an Louis, bảo anh gắng chịu thêm một chút nữa, rồi chạy vọt đi: mặc dù !Nate đã đi bộ 20 dặm và chạy thêm 15 dặm, anh vẫn đủ sức chạy thêm 12 dặm nữa để lấy cho Louis một ít nước. !Nate không để cho anh uống chỗ nước ấy ngay. Đầu tiên, anh ta dấp nước lên đầu Louis, sau đó rửa mặt cho anh, và sau khi da của Louis bắt đầu nguội bớt, anh mới cho !Nate nhấp từng ngụm nước nhỏ.

Sau đó, khi !Nate đưa Louis về khu lều trại, Louis cảm thấy kinh ngạc về hiệu quả ghê gớm của kỹ thuật săn mồi bằng sức bền. “Nó hiệu quả hơn nhiều so với cung và tên.” Anh nhận xét. “Dùng cung tên thì phải bắn rất nhiều lần thì mới săn được một con thú. Bạn có thể bắn trúng con vật nhưng vẫn mất nó, hoặc các loài vật ăn xác có thể ngửi thấy mùi máu và đến được chỗ con thú trước cả bạn, hoặc có thể phải mất cả đêm thì chất độc ở đầu mũi tên mới phát huy tác dụng. Tỷ lệ thành công của các phát tên rất thấp, vì vậy, tính trên số ngày đi săn, thì sản lượng thịt của kỹ thuật săn bằng sức bền cao hơn nhiều.”

Sau này, khi đã trải qua các cuộc đi săn bằng sức bền thứ hai, thứ ba và thứ tư thì Louis mới hiểu được là anh đã may mắn đến mức nào trong lần đầu tiên; con kudu đầu tiên đó gục ngã chỉ sau hai giờ, nhưng tất cả các con sau đó lại khiến những người Bụi rậm phải chạy từ ba đến năm giờ đồng hồ (có thể nhận ra rằng quãng thời gian này tương ứng với quãng thời gian để người thời nay chạy hết được phiên bản mới của môn đi săn thời tiền sử, môn marathon. Các môn giải trí đều có lý lẽ của nó).

Để thành công với vai trò thợ săn, Louis phải cải tạo bản thân để trở thành người chạy bộ. Anh từng là vận động viên cự ly trung bình cừ khôi thời trung học, giành được chức vô địch cự ly 1.500 m và về đích ở vị trí thứ hai, kém chỉ vài giây sát sao với người về nhất trong cự ly 800 m. Nhưng để đi săn được cùng người Bụi rậm, anh phải quên hết mọi thứ từng được các huấn luyện viên hiện đại chỉ bảo và học theo phong cách cổ xưa. Là một vận động viên chạy trên đường piste, anh thường hạ thấp đầu và đạp chân thật mạnh, nhưng khi làm môn đệ của người Bụi rậm, anh phải thẳng lưng, giữ tầm mắt ở trên cao và luôn luôn cảnh giác trong từng bước chạy. Anh không thể lơ là hay bỏ qua cơn đau; thay vào đó, tâm trí anh phải liên tục xoay chuyển giữa thực tại – gạt đám bụi và mồ hôi trên trán – và tưởng tượng, khi phải chơi trò chiến tranh trí não, để nghĩ trước con mồi của mình một bước.

Tốc độ chạy không cần phải quá dữ dằn; người Bụi rậm chạy ở tốc độ trung bình khoảng 10 phút mỗi dặm (khoảng 6 phút 15 giây mỗi kilômét), nhưng họ phải chạy nhiều dặm trên cát mềm và cây bụi, và phải thỉnh thoảng dừng lại để kiểm tra dấu vết. Họ thỉnh thoảng tăng tốc và chạy nước rút, nhưng biết giảm tốc độ sau đó và hồi phục ngay trong khi chạy. Họ buộc phải làm như thế, bởi lẽ, đi săn bằng sức bền cũng như xuất hiện tại vạch xuất phát mà không biết là bạn sẽ phải chạy cự ly bán marathon, marathon hay một cự ly siêu dài. Sau một thời gian, Louis bắt đầu cảm nhận về chạy giống như cách người khác nhìn nhận về đi bộ; anh học cách giảm tốc độ và để guồng chân theo một nhịp nhanh nhưng nhẹ nhàng, như một ngưỡng chuyển động nền có thể duy trì suốt cả ngày, và vẫn để dành được năng lượng dự trữ đủ để tăng tốc khi cần thiết.

Chế độ ăn uống của anh cũng thay đổi theo. Là một người săn bắn-hái lượm, bạn sẽ không bao giờ hoàn toàn nghỉ ngơi; bạn có thể đang đi bộ về nhà sau một ngày dài mệt mỏi thu hoạch khoai, nhưng nếu con mồi lọt vào tầm mắt, bạn lại có thể buông hết đồ đạc xuống để chạy. Vì thế, Louis phải học cách ăn nhẹ, ăn ít một suốt cả ngày hơn là ăn các bữa thật no, không bao giờ được để mình bị khát, và sinh hoạt hằng ngày như đang trong một cuộc đua.

Mùa hè ở Kalahari trở nên mát mẻ hơn, trời chuyển dần sang đông, nhưng các cuộc đi săn vẫn tiếp diễn. Thì ra, các Tiến sĩ ở hai Đại học Utah-Havard đã nhầm ở một phần trong lý thuyết về Người Chạy bộ: săn mồi bằng sức bền không phụ thuộc vào sức nóng chết người, bởi vì người Bụi rậm đã nghĩ ra những phương cách rất tài tình chạy và săn thú trong mọi loại thời tiết. Trong mùa mưa, cả linh dương duiker và linh dương gemsbok, sừng như ngọn giáo, đều có thể bị sốc nhiệt vì cát ướt làm trượt móng guốc, khiến chân chúng phải nện xuống đất mạnh hơn. Loài linh dương sừng cong hartebeest sống rất thoải mái ở đồng cỏ cao đến tầm thắt lưng người, nhưng lại trơ trọi và yếu ớt khi nền đất khô cằn trong mùa đông. Khi trăng tròn, linh dương thường nhanh nhẹn vào buổi đêm, và uể oải vào tảng sáng; đến mùa xuân, chúng lại thường bị yếu đi vì bệnh tiêu chảy do ăn các lá xanh non.

Tới khi Louis đã sẵn sàng trở về nhà từ miền đất bụi rậm và bắt tay vào viết cuốn sách The Art of Tracking: Orgin of Science (Nghệ thuật Lần theo dấu vết: Nguồn gốc của Khoa học), anh đã quá quen với các cuộc chạy dài, tới mức bỏ qua tầm quan trọng của chúng. Anh hầu như không nhắc gì đến chạy bộ trong cuốn sách, tập trung nhiều vào yêu cầu về tinh thần của cuộc đua hơn là phần thể chất. Đến lúc một cuốn tạp chí Nature lọt vào tay, anh mới hiểu hết giá trị của những gì được nhìn thấy ở Kalahari, và bốc máy điện thoại gọi đến Utah.

Ông biết vì sao con người chạy marathon không? Anh ta hỏi Tiến sĩ Bramble. Bởi vì chạy bộ có cội rễ trong trí tưởng tượng chung của chúng ta, và trí tưởng tượng của chúng ta lại bắt nguồn từ chạy bộ. Ngôn ngữ, nghệ thuật, khoa học; tàu vũ trụ con thoi, bức họa Starry Night (Đêm đầy sao), giải phẫu mạch; tất cả đều bắt nguồn từ khả năng chạy được của con người. Chạy bộ là sức mạnh siêu phàm đã khiến chúng ta trở thành con người – đồng nghĩa với việc đó là quyền năng đặc biệt mà chúng ta ai cũng có.

“Vậy thì tại sao lại có nhiều người ghét nó đến vậy?” Tôi hỏi Tiến sĩ Bramble khi ông kết thúc câu chuyện về Louis và người Bụi rậm. “Nếu chúng ta đều sinh ra để chạy, thì đáng nhẽ tất cả chúng ta đều phải thích thú với việc đó chứ?”

Tiến sĩ Bramble bắt đầu phần giải thích của mình bằng một câu đố. “Chuyện này thú vị đấy.” Ông ta bảo. “Chúng tôi đã theo dõi kết quả của giải đua New York City Marathon 2004 và so sánh thời gian về đích theo độ tuổi. Điều chúng tôi phát hiện ra là bắt đầu từ độ tuổi 19, những người chạy bộ chạy nhanh dần lên mỗi năm, cho tới tuổi 27. Sau tuổi 27, thành tích của họ bắt đầu suy giảm. Vậy, đây là câu hỏi – anh sẽ khoảng bao nhiêu tuổi khi chạy chậm trở lại bằng với mức thành tích hồi 19 tuổi?”

Được rồi. Tôi mở cuốn sổ tay sang một trang trắng và bắt đầu tính toán. Mất khoảng tám năm để đạt được thành tích tốt nhất, ở độ tuổi 27. Và nếu chậm đi cùng với tốc độ mà bạn đã chạy nhanh thêm, thì bạn sẽ trở lại mức thành tích của tuổi 19 khi đạt tới 36 tuổi: tám năm tăng, tám năm giảm. Nhưng tôi biết là trong việc này có gì đó bất thường, và tôi chắc chắn rằng nó liên quan đến việc ta có suy giảm nhanh như lúc ta tiến bộ hay không. “Chúng ta có lẽ giữ được tốc độ của mình lâu hơn một chút sau khi đạt được nó.” Tôi quyết định. Khi Khalid Khannouchi phá kỷ lục thế giới cự ly marathon, anh đang 26 tuổi, và sau đó ở tuổi 36, anh vẫn chạy được nhanh tới mức về đích ở vị trí thứ tư trong kỳ tuyển chọn Olympic của Mỹ năm 2008. Anh chỉ chậm bớt đi 10 phút trong khoảng thời gian 10 năm, bất chấp một loạt các chấn thương. Điều chỉnh theo sự suy giảm theo đường cong của Khannouchi, tôi nâng câu trả lời của mình lên mức 40.

“Bốn mươi…” Tôi bắt đầu nói, cho tới khi nhìn thấy nụ cười đang nở ra trên mặt Bramble. “… Lăm.” Tôi vội thêm vào. “Bốn mươi lăm.”

“Sai rồi.”

“50?

“Sai nốt.”

“Chắc không thể là 55 được.”

“Anh nói đúng.” Bramble trả lời. “Không phải vậy. Mà là 64.”

“Ông không đùa đấy chứ? Vậy là…” tôi nhẩm tính nhanh. “Khoảng cách là 45 năm. Ông đang nói là đám thanh niên mười mấy tuổi không thắng nổi những người trung niên gấp ba tuổi mình sao?”

“Anh thấy kỳ diệu không?” Bramble hưởng ứng. “Anh thử nghĩ xem còn môn thể thao gắng sức nào khác lại có chuyện người già 64 tuổi thi đấu với đám trẻ 19. Bơi à? Hay đấm bốc? Không có cửa đâu nhé! Có một điều rất lạ về loài người chúng ta; chúng ta không chỉ giỏi về chạy đường dài, mà còn có thể giữ phong độ tốt được trong một khoảng thời gian rất dài. Chúng ta là những cỗ máy sinh ra để chạy – và những cỗ máy này chẳng bao giờ hao mòn.”

Như Dipsea Demon vẫn thường nói: bạn không ngừng chạy vì già. Bạn già đi vì bạn ngừng chạy…

“Và điều này đúng với cả hai giới.” Tiến sĩ Bramble nói tiếp. “Phụ nữ cũng có kết quả giống như nam giới.” Điều này có lý, vì đã xảy ra một sự biến đổi lạ lùng khi giống loài chúng ta leo từ trên cây xuống mặt đất: chúng ta càng “con người” hơn, thì càng bình đẳng hơn. Nam và nữ giới gần như có kích thước cơ thể ngang nhau, ít nhất là so với các loài linh trưởng khác: Khỉ đột và orangutan đực nặng gấp đôi con cái; tinh tinh cái chỉ bằng khoảng hai phần ba tinh tinh đực; nhưng đối với loài người, nam và nữ chỉ chênh nhau về trọng lượng khoảng 15%. Trong quá trình tiến hóa, chúng ta đã bỏ bớt cơ bắp, trở nên mềm mại hơn, tập thể hơn… về cơ bản là, nữ tính hơn.

“Phụ nữ đã thực sự bị xem nhẹ.” Tiến sĩ Bramble nói. “Họ đã bị thiệt thòi về mặt tiến hóa. Ta luôn duy trì quan niệm rằng họ chỉ ngồi đó và chờ những người đàn ông mang thức ăn về, nhưng không có bất kỳ lý do nào khiến phụ nữ không thể tham gia vào nhóm đi săn.” Trên thực tế, nếu phụ nữ không đi săn cùng với nam giới mới là kỳ lạ, bởi họ mới thực sự cần thịt. Cơ thể con người được lợi nhiều nhất từ protein động vật khi còn nhỏ, thời kỳ thai nghén và cho con bú, vậy thì tại sao phụ nữ không đến gần với nguồn cung cấp thịt hết mức có thể? Những người săn bắn hái lượm sống du cư thay đổi vị trí cắm trại theo sự di chuyển của bầy đàn con mồi, vì vậy, thay vì mang thức ăn về nơi cắm trại, thì sẽ hợp lý hơn nếu như cả trại đi theo tới chỗ có thức ăn.

Chăm sóc con cái trong khi di chuyển thực ra không khó khăn lắm, như Kami Semick, một người chạy bộ siêu dài người Mỹ từng làm; cô thích chạy trên các lối mòn trên núi ở quanh Bend, Oregon, địu sau lưng cô con gái bốn tuổi, Baronie. Trẻ sơ sinh thì sao? Không vấn đề gì: tại giải đua Hardrock 100 năm 2007, Emily Baer vượt qua 90 người khác gồm cả nam lẫn nữ và về đích ở vị trí thứ tám chung cuộc, mà vẫn dừng lại ở tất cả các trạm để cho con mình bú sữa. Những người Bụi rậm nay không còn du cư nữa, nhưng truyền thống bình đẳng trong việc đi săn vẫn tồn tại trong các bộ lạc Mbuti Pygmies ở Congo, nơi các ông chồng và các bà vợ cùng sát cánh đi săn lợn rừng bằng lưới. “Đó là vì họ hoàn toàn đủ sức sinh ra một đứa trẻ trong khi đi săn, và quay lại tham gia vào cuộc đi săn ngay trong buổi sáng hôm đó.” Nhà nhân chủng học Colin Turnbull, người từng sống nhiều năm với người Mbuti ghi nhận. “Các bà mẹ này không thấy có bất kỳ lý do nào khiến họ không nên tiếp tục tham gia.”

Bức tranh mà Tiến sĩ Bramble mô tả về quá khứ đang hiện ra càng lúc càng rõ nét và có sắc màu hơn. Tôi có thể nhìn thấy một nhóm thợ săn – cả già lẫn trẻ, cả nam và nữ – chạy bộ không mệt mỏi trên thảo nguyên. Những người phụ nữ chạy hàng đầu, dẫn cả nhóm theo các dấu vết còn mới, và ngay sau họ là những người lớn tuổi, mắt họ dán xuống nền đất và tâm trí họ như nằm trong đầu một con kudu đang chạy cách đó khoảng nửa dặm. Bám sát gót họ là đám thiếu niên háo hức học hỏi thêm các mẹo đi săn. Nhóm cơ bắp thực sự chạy ở phía sau; đàn ông ở độ tuổi 20, là những người chạy bộ và thợ săn khỏe mạnh nhất, chăm lo bảo vệ cho những người săn tìm dấu vết dẫn đầu, và giữ sức cho việc hạ sát con mồi. Còn những người bọc hậu? Chính là các Kami Semick của đồng cỏ, địu theo con cái của mình.

Xét cho cùng, chúng ta còn gì khác để làm nữa? Chẳng còn gì, ngoài việc chạy như điên và gắn bó với nhau. Con người là loài có tính cộng đồng và tập thể nhất trong các loài linh trưởng; khả năng phòng vệ của chúng ta trong một thế giới toàn các kẻ thù có răng sắc nhọn chính là tinh thần đoàn kết, và không có lý gì để nghĩ rằng chúng ta đột nhiên lại tách rời nhau ra trong thử thách cam go nhất, cuộc săn tìm thức ăn. Tôi nhớ lại chuyện người thổ dân da đỏ Seri nói với Scott Carrier vào buổi hoàng hôn, sau những ngày đi săn bằng sức bền. “Ngày xưa mọi thứ tốt hơn.” Một già làng người Seri than thở. “Trước đây cả gia đình chúng tôi cùng tham gia. Cả cộng đồng là một gia đình. Chúng tôi chia sẻ mọi thứ và hợp tác với nhau, nhưng bây giờ, mọi người toàn cãi cọ và tranh giành, người nào cũng chỉ lo cho bản thân mình.”

Chạy bộ không chỉ biến họ trở thành người Seri thực thụ. Như huấn luyện viên Joe Vigil sau này cảm nhận ở chính những vận động viên của mình, rằng nó còn làm cho họ trở nên tốt đẹp hơn.

“Nhưng có một vấn đề.” Tiến sĩ Bramble vỗ vỗ lên trán. “Nó nằm ở ngay đây.” Theo ông, tài năng vĩ đại nhất của chúng ta cũng đồng thời tạo ra con quái vật hủy hoại chính chúng ta. “Không giống như bất kỳ thực thể sống nào trong lịch sử, loài người có sự xung đột giữa tâm trí và thể xác: ta có một cơ thể sinh ra để hành động, nhưng lại có một bộ não luôn tìm kiếm hiệu quả.” Sự sinh tử của chúng ta nằm ở sức bền, nhưng hãy nhớ: sức bền có nghĩa là phải tiết kiệm năng lượng, và đó lại là việc của bộ não. “Lý do khiến nhiều người tận dụng khả năng thiên bẩm di truyền về chạy bộ, trong khi những người khác không làm điều này bởi vì bộ não là một người đi mua sắm thích mặc cả.”

Suốt hàng triệu năm, chúng ta sống trong một thế giới không có cảnh sát, taxi hay cửa hàng Domino’s Pizza; chúng ta dựa vào đôi chân để giữ an toàn, tìm kiếm thức ăn, di chuyển, và chúng ta không thể chắc chắn là công việc này chỉ bắt đầu khi công việc khác đã kết thúc. Hãy xem cuộc đi săn khác thường của !Nate cùng Louis; !Nate chắc chắn không hề có kế hoạch chạy nhanh 10 km ngay sau khi đã đi bộ nửa ngày và hoàn tất một cuộc săn đuổi tốc độ cao, nhưng anh vẫn có đủ năng lượng dự phòng để cứu mạng Louis. Tổ tiên anh cũng chẳng bao giờ biết chắc, họ sẽ không trở thành thức ăn của loài khác ngay khi vừa bắt được con mồi; con linh dương mà họ săn đuổi từ lúc Mặt trời mọc có thể hấp dẫn các loài thú dữ, và buộc người thợ săn phải buông bỏ bữa trưa và chạy thoát thân. Cách duy nhất để sống sót là giữ lại một chút trong bình xăng – và đó chính là lúc bộ não làm việc.

“Bộ não luôn bày mưu tính kế để làm giảm chi phí, kiếm được nhiều hơn trong khi phải bỏ ra ít hơn, lưu trữ năng lượng và đảm bảo nó sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp.” Bramble giải thích. “Chúng ta sở hữu một cỗ máy kỳ lạ, nhưng lại được điều khiển bởi một kẻ luôn nghĩ rằng: ‘Làm thế nào ta vận hành được nó mà không tốn chút năng lượng nào nhỉ?’ Tôi và anh đều biết rằng chạy bộ dễ chịu đến thế nào vì chúng ta đã hình thành thói quen chạy bộ.” Nhưng một khi đã đánh mất thói quen đó, thì giọng nói to nhất vang lên trong đầu chỉ còn là bản năng sinh tồn cổ xưa xúi giục bạn nghỉ ngơi. Và đó chính là sự trớ trêu cay đắng: sức bền tuyệt vời của ta đã cung cấp cho bộ não thức ăn để phát triển, và nay bộ não của ta lại làm sức bền của ta mai một đi.

“Chúng ta sống trong một nền văn hóa coi việc vận động tới cực hạn là điên rồ.” Tiến sĩ Bramble nói. “Bởi vì đó chính là điều mà bộ não nói với chúng ta: tại sao lại khởi động cỗ máy khi không cần thiết?”

Công bằng mà nói, bộ não của chúng ta vẫn biết lý lẽ trong 99% lịch sử của loài người; ngồi chơi là xa xỉ, vì thế nên bất kỳ khi nào có cơ hội để nghỉ ngơi và hồi phục là bạn sẽ nắm ngay lấy nó. Chỉ gần đây chúng ta mới bắt đầu có công nghệ biến sự lười nhác trở thành một phong cách sống; chúng ta đã ném cơ thể của người săn bắn-hái lượm vạm vỡ, bền bỉ vào một thế giới nhân tạo nhàn rỗi. Và điều gì sẽ xảy ra khi bạn đưa một sinh thể vào một môi trường mới lạ? Các nhà khoa học ở NASA đã băn khoăn về điều này trước khi thực hiện những chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ. Cơ thể con người được thiết kế để phát triển mạnh mẽ dưới tác động của trọng lực, vì vậy, liệu rằng loại bỏ áp lực đó có giống như bước vào con đường đi tới Suối nguồn Tươi trẻ, khiến các nhà du hành vũ trụ cảm thấy mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn và khỏe khoắn hơn? Xét cho cùng, tất cả calo mà họ ăn được sẽ được dùng cho việc nuôi dưỡng bộ não và cơ thể, thay vì phải tiêu tốn để chống trả cái lực kéo tàn nhẫn xuống phía dưới, phải không?

Hoàn toàn không. Khi các nhà du hành vũ trụ trở về Trái đất, họ đã bị lão hóa đi nhiều thập kỷ chỉ trong vài ngày. Xương của họ yếu hơn, và cơ bắp teo đi; họ bị mất ngủ, trầm cảm, họ gặp phải chứng mệt mỏi cấp tính, và lúc nào cũng bơ phờ. Ngay cả chồi vị giác cũng suy giảm. Nếu cuối tuần chỉ nằm dài xem tivi trên ghế xô-pha, bạn sẽ hiểu được cảm giác đó, bởi vì ở đây, trên Trái đất, chúng ta đã tạo ra bong bóng không trọng lực của riêng mình; ta lấy đi công việc mà cơ thể chúng ta đáng nhẽ phải làm, và chúng ta phải trả giá cho nó. Hầu hết những kẻ sát nhân nguy hiểm nhất ở phương Tây – bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường, trầm cảm, cao huyết áp, và hàng tá chứng bệnh ung thư khác nhau – đều chưa từng xuất hiện ở tổ tiên chúng ta. Họ không có thuốc chữa, nhưng họ sở hữu một viên đạn diệu kỳ – hoặc có thể là hai, nếu xem xét số ngón tay mà Tiến sĩ Bramble đang giơ lên làm hiệu.

“Anh có thể ngăn chặn các bệnh dịch ngay trên con đường tiến triển của chúng, chỉ với một phương thuốc này thôi.” Ông nói. Ông giơ hai ngón tay lên thành hình chữ V, rồi chầm chậm quay chúng xuống dưới và ngọ nguậy các ngón tay trong không khí. Người Chạy Bộ.

“Đơn giản vậy thôi.” Ông nói. “Hãy động đậy đôi chân của anh. Bởi vì nếu anh không nghĩ rằng mình sinh ra để chạy, thì anh không chỉ chối bỏ lịch sử, mà còn chối bỏ bản chất của chính mình.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3