Sinh Ra Để Chạy - Chương 13

* * *

25

Ted chân đất đã đúng, dĩ nhiên là như vậy.

Lạc đâu đó trong những chuyện ồn ào giữa Ted và Caballo là một điểm mấu chốt: giày chạy bộ có thể là nguyên nhân gây tổn hại lớn nhất với bàn chân con người. Ted Chân Đất, theo cách kỳ lạ của riêng mình, đã trở thành Neil Armstrong của môn chạy đường dài thế kỷ 21, là phi hành gia với những bước chân nhỏ bé nhưng cống hiến lớn lao cho nhân loại. Và nếu như vai trò này nghe có vẻ quá nặng nề trên đôi vai của Ted Chân Đất, thì hãy xem xét lời nói của Tiến sĩ Daniel Lieberman, giáo sư môn nhân học sinh học tại Đại học Harvard:

“Rất nhiều chấn thương bàn chân và đầu gối đang hành hạ chúng ta là do chúng ta chạy bằng những đôi giày làm bàn chân yếu đi, khiến ta tiếp đất má ngoài nhiều hơn, gây ra những vấn đề cho đầu gối. Cho tới tận năm 1972, trước khi Nike phát minh ra giày thể thao hiện đại, thì con người vẫn chạy bằng các đôi giày có đế rất mỏng, có bàn chân khoẻ khoắn, và ít bị chấn thương đầu gối hơn nhiều.”

Và cái giá phải trả cho những chấn thương đó là gì? Những căn bệnh chết người có khả năng lây lan. “Con người thực sự buộc phải tập luyện ở ngưỡng hiếu khí để giữ cơ thể khoẻ mạnh, và tôi nghĩ rằng điều đó có gốc rễ sâu xa trong lịch sử tiến hóa của chúng ta.” Tiến sĩ Lieberman nói. “Nếu có một liều thuốc tiên nào đó giúp con người luôn mạnh khoẻ, thì đó chính là chạy bộ.”

Thuốc tiên ư? Lần cuối cùng, một nhà khoa học tầm cỡ tiến sĩ Lieberman phải dùng từ “thuốc tiên”, là khi penicilin được tạo ra. Tiến sĩ Lieberman biết như vậy, và ông thực sự có ý đó. Ông chia sẻ: nếu như giày chạy bộ chưa từng tồn tại thì bây giờ sẽ có nhiều người chạy bộ hơn. Nếu nhiều người chạy hơn, thì sẽ có ít người chết vì suy tim, đột quỵ, cao huyết áp, tắc động mạch, tiểu đường, và hầu hết các căn bệnh chết người phổ biến của phương Tây.

Những tội lỗi đó đang chồng chất ngay dưới mắt hãng Nike. Nhưng điều đáng chú ý nhất là gì? Nike đã biết rõ điều đó.

Vào tháng tư năm 2001, hai đại diện của Nike đang theo dõi đội điền kinh của trường Đại học Stanford tập luyện. Một phần công việc của đại diện hãng Nike là ghi nhận phản hồi từ những vận động viên chạy bộ được hãng này tài trợ, về việc họ thích đôi giày nào hơn, nhưng thời điểm đó, công việc của họ có vẻ khó khăn vì các vận động viên của Stanford đều dường như chẳng thích gì hết.

“Vin, tại sao họ lại tập bằng chân đất thế kia?” Họ gọi Vin Lananna, huấn luyện viên trưởng của Đại học Stanford. “Chúng tôi gửi không đủ giày cho các anh à?”

Huấn luyện viên Lananna bước lại và giải thích. “Tôi không chứng minh được chuyện này.” Ông nói. “Nhưng chắc chắn khi học trò của tôi tập với chân đất, họ chạy nhanh hơn và ít bị chấn thương hơn.”

Nhanh hơn và ít chấn thương hơn ư? Nếu là bất kỳ ai khác nói, mấy gã Nike này sẽ lịch sự ừ hữ và lờ đi, nhưng người này lại là vị huấn luyện viên khả kính. Cũng như Joe Vigil, Lananna thường được nhắc tới với những từ “có tầm nhìn” hoặc “nhà cải cách”. Chỉ trong 10 năm ở Stanford, các đội điền kinh và việt dã của Lananna đã giành được năm giải vô địch đồng đội NCAA7 và 22 danh hiệu cá nhân, bản thân Lananna đã được phong tặng danh hiệu Huấn luyện viên việt dã NCAA của năm. Lananna đã đưa ba vận động viên chạy bộ đến Thế vận hội, và đang bận rộn với “Đội Nông trại” được Nike tài trợ, một câu lạc bộ các thành viên sau đại học gồm những người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất. Đương nhiên, các đại diện của Nike hơi cáu khi biết Lananna cho rằng những đôi giày tốt nhất của Nike còn tệ hơn cả chân trần.

7. Hiệp hội thể thao các trường đại học toàn nước Mỹ (ND).

“Chúng ta đã ngăn cản bàn chân mình được ở tư thế tự nhiên bằng cách càng ngày càng thêm vào nhiều hỗ trợ hơn.” Lananna nhấn mạnh. Đó là lý do tại sao ông bắt học trò phải luôn luôn thực hiện một phần các bài tập bằng chân trần trong sân cỏ ở sân vận động. “Tôi biết rằng, với một công ty sản xuất giày, chuyện đội điền kinh do mình tài trợ không sử dụng chính sản phẩm của mình là không hay chút nào. Tuy nhiên, con người đã trải qua hàng ngàn năm mà không có giày. Tôi nghĩ rằng chúng ta cứ cố điều chỉnh này nọ bằng giày và lại thành ra quá đáng. Ta sửa cả những thứ không cần sửa. Nếu như bạn tập luyện cho bàn chân khoẻ bằng cách đi chân đất, bạn sẽ giảm được nguy cơ gặp các vấn đề về gân gót chân, đầu gối, và gân lòng bàn chân.”

Gọi là “nguy cơ” thực ra chưa đủ; phải là “chắc cú” mới đúng. Hằng năm, có khoảng 65 đến 80% người chạy bộ gặp phải một chấn thương nào đó. Như vậy là gần như mọi người chạy bộ, trong mọi năm. Dù bạn là ai, dù bạn chạy nhiều đến mức nào, thì khả năng bị chấn thương cũng như nhau. Dù bạn là nam hay nữ, chạy nhanh hay chậm, béo phị hay săn chắc, thì bàn chân của bạn đều có thể gặp nguy hiểm.

Liệu thực hiện giãn cơ như một bậc thầy yoga có giúp bạn thoát được số phận đó không? Câu trả lời là không. Trong một nghiên cứu năm 1993 về các vận động viên Hà Lan đăng trên tờ Tạp chí Y học Thể thao Hoa kỳ, một nhóm người chạy bộ được dạy cách khởi động làm nóng và giãn cơ, trong khi nhóm thứ hai không được huấn luyện gì về “phòng tránh chấn thương”. Tỷ lệ chấn thương của họ ra sao? Giống nhau hoàn toàn. Trong một nghiên cứu thực hiện vào năm tiếp theo tại Đại học Hawaii, việc giãn cơ thậm chí còn gây hậu quả tệ hơn; nghiên cứu này chỉ ra rằng, những người chạy bộ thực hiện giãn cơ có tỷ lệ chấn thương cao hơn đến 33%.

Tuy nhiên, may thay, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên vàng công nghệ. Các công ty sản xuất giày chạy bộ có đến một phần tư thế kỷ để hoàn thiện thiết kế, vì vậy, về logic mà nói, tỷ lệ chấn thương hiện nay chắc phải sụt giảm chóng mặt. Thậm chí, Adidas còn làm ra một loại giày có mức giá 250 đô-la, với một con chip vi xử lý trong đế giày, nhằm lập tức điều chỉnh mức đệm đế giày cho từng bước chạy. Hãng Asics thì bỏ ra ba triệu đô-la và tám năm ròng – dài hơn ba năm so với thời gian Dự án Manhattan tạo ra quả bom nguyên tử đầu tiên – để sáng chế ra loại giày Kinsei đáng nể, với “bọc gel đa góc độ phần trước bàn chân”, tuyên bố rằng nó có khả năng “tăng cường lực đẩy giữa bàn chân” và có “phần gót giày với khả năng thích ứng vô hạn, giúp cách ly và hấp thụ va đập để giảm nghiêng bàn chân, hỗ trợ lực đẩy tới trước.” Quả là mức giá chát chúa cho một đôi giày mà bạn phải vứt vào sọt rác chỉ sau 90 ngày, nhưng ít nhất là bạn sẽ không bao giờ phải lê lết nữa.

Có thật như vậy không?

Rất tiếc!

“Kể từ khi những nghiên cứu nghiêm túc đầu tiên được thực hiện vào khoảng cuối những năm 70, thì số lượng lời ca cẩm về gân gót chân thực ra đã tăng khoảng 10%, trong khi chấn thương gân gan bàn chân thì vẫn giữ nguyên.” Tiến sĩ Stephen Pribut, chuyên gia về chấn thương trong chạy bộ và là cựu chủ tịch Học viện Y khoa Hoa Kỳ các bệnh về chân trong thể thao, đã nói: “Những tiến bộ về công nghệ trong 30 năm qua rất đáng kinh ngạc.” Tiến sĩ Irene Davis, giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chạy bộ của trường Đại học Delaware, nói thêm: “Chúng ta đã được thấy những cải tiến ngoạn mục trong lĩnh vực kiểm soát chuyển động và đệm lót. Vậy mà những phương thức chữa chạy đó có vẻ như chẳng đánh bại được các chấn thương.”

Thực tế là, chẳng có bằng chứng nào cho thấy giày chạy giúp phòng tránh chấn thương. Trong một bản nghiên cứu năm 2008 được thực hiện cho tờ Tạp chí Y học Thể thao Anh Quốc, Tiến sĩ Craig Richards, một nhà nghiên cứu tại Đại học Newcastle ở Australia, đã chỉ ra rằng không có một nghiên cứu dựa trên bằng chứng rõ ràng nào thể hiện rằng giày chạy giúp bạn ít bị chấn thương hơn.

Đó là một khám phá kinh ngạc, đã bị che giấu ngay trước mắt chúng ta suốt 35 năm qua. Tiến sĩ Richards đã sửng sốt khi thấy một nền công nghiệp 20 tỷ đô-la dường như chẳng dựa trên gì khác ngoài những lời hứa suông và ước ao, tới mức ông đã đề ra một thách thức:

Liệu có công ty sản xuất giày nào sẵn sàng tuyên bố rằng, giày chạy bộ đường dài của họ làm giảm nguy cơ chấn thương cơ xương khớp do chạy bộ?

Liệu có nhà sản xuất giày nào sẵn sàng tuyên bố rằng, giày chạy bộ của họ sẽ cải thiện được hiệu suất chạy bộ đường dài?

Nếu như có nhà sản xuất nào tuyên bố được như trên, thì họ có các dữ liệu làm bằng chứng cho tuyên bố đó hay không?

Tiến sĩ Richards đã chờ đợi, và thậm chí còn thử liên hệ với các công ty sản xuất giày danh tiếng để tìm hiểu dữ liệu của họ. Đáp lại ông, chỉ hoàn toàn là im lặng.

Vậy, nếu như giày chạy bộ không làm bạn chạy nhanh hơn và không giúp bạn tránh chấn thương, thì thực chất, bạn đang trả tiền cho cái gì? Lợi ích của những vi mạch trong giày, “cơ cấu tăng cường lực đẩy”, đệm không khí, các hệ thống xoắn, và các thanh cuộn… là gì? Nếu bạn có một đôi giày Kinsei trong tủ, thì hãy chuẩn bị nghe tin xấu đi. Và họa vô đơn chí, có hẳn ba tin xấu cho bạn:

SỰ THẬT CAY ĐẮNG số 1: Đôi giày tốt nhất lại là tệ nhất

NGƯỜI CHẠY BỘ dùng giày cao cấp nhất lại dễ bị chấn thương hơn người chạy dùng giày rẻ tiền đến 123%. Đó là kết quả một nghiên cứu do bác sĩ Bernard Marti, chuyên gia y học dự phòng tại Đại học Bern, Thụy Sĩ, đứng đầu. Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Marti đã phân tích 4.358 người chạy bộ trong giải Bern Grand-Prix, một giải đua đường phố cự ly 9,6 dặm. Tất cả người chạy tham dự giải đó đã điền vào một bảng hỏi chi tiết, cung cấp thông tin tỉ mỉ về thói quen luyện tập của họ, cũng như loại giày mà họ dùng trong năm trước đó; và kết quả là, 45% trong số họ bị chấn thương trong khoảng thời gian ấy.

Nhưng điều khiến bác sĩ Marti ngạc nhiên, như ông đã chỉ ra trong Tạp chí Y học Thể thao Hoa kỳ vào năm 1989: trên thực tế, điểm chung nhất của các chấn thương này không phải do mặt đường, tốc độ chạy, số dặm chạy hàng tuần, hay “động lực luyện tập thi đấu.” Cũng chẳng phải trọng lượng cơ thể, hay lịch sử chấn thương, mà là giá giày. Những người chạy bằng giày có giá cao hơn 95 đô-la lại dễ gặp chấn thương gấp đôi so với những người chạy bằng giày rẻ hơn 40 đô-la. Các nghiên cứu tiếp nối sau đó đã cho thấy kết quả tương tự, ví dụ như bản báo cáo năm 1991 trong Tạp chí Y học và Khoa học trong Thể dục và Thể thao chỉ ra rằng: “Những người chạy với những đôi giày chạy được quảng cáo là có các tính năng bảo vệ (ví dụ như êm hơn, ‘điều chỉnh đáp lệch cổ chân’…) lại bị chấn thương nhiều hơn đáng kể so với những người chạy các đôi giày ít tốn kém hơn (rẻ hơn 40 đô-la).”

Thật là một trò đùa độc ác: với giá đắt gấp đôi, bạn bị đau gấp đôi.

Với con mắt tinh tường, huấn luyện viên Vin Lananna đã tự mình nhận ra tình trạng này từ đầu những năm 80. “Tôi đã một lần đặt mua giày cao cấp cho đội mình, và trong vòng hai tuần, chúng tôi liên tục gặp phải chứng viêm gân bàn chân và gót chân. Vì vậy, tôi đã gửi trả những đôi giày đó và bảo họ: ‘Hãy gửi cho tôi loại giày rẻ thôi.” Lananna nói. “Kể từ đó, chúng tôi luôn chỉ đặt mua giày cấp thấp. Không phải vì tôi keo kiệt. Đó là vì công việc của tôi là tạo ra những vận động viên chạy nhanh và khoẻ mạnh.”

SỰ THẬT CAY ĐẮNG số 2: Bàn chân thích bị hành hạ

TỪ TẬN NĂM 1988, Tiến sĩ Barry Bates, người phụ trách Phòng thí nghiệm Y học Sinh cơ học/Thể thao của Đại học Oregon, đã thu thập được dữ liệu gợi ý rằng giày chạy cũ lại an toàn hơn giày mới. Trong Tạp chí Vật lý trị liệu về Chỉnh hình và Thể thao, Tiến sĩ Bates và đồng sự cho rằng giày cũ với phần đệm lót mỏng bớt, giúp vận động viên chạy bộ kiểm soát được bàn chân tốt hơn.

Vậy thì tại sao khả năng kiểm soát bàn chân và những đế giày mòn vẹt lại giúp chân đỡ bị chấn thương hơn? Đó là vì một nhân tố màu nhiệm: Nỗi sợ. Trái ngược với điều mà những cái tên êm ái như Adidas MegaBounce (Adidas Siêu Nảy) vẫn khiến bạn tin tưởng trước nay, phần đệm lót chẳng giúp gì cho việc giảm lực va đập. Về logic mà nói, điều này rất rõ ràng – lực va đập mà chân bạn phải chịu khi đang chạy có thể lên tới 12 lần trọng lượng cơ thể, vì vậy, thật phi lý khi tin rằng lớp cao su dày chỉ một xentimét lại có tác dụng gì đáng kể, ví dụ như trong trường hợp của tôi, tảng thịt hơn 1.200 kg nện xuống đất. Bạn bọc quả trứng bằng cái găng tay lót nồi rồi đập bằng búa, thì chẳng cách nào quả trứng lại còn nguyên vẹn được.

Khi E. C. Frederick, cựu giám đốc Phòng thí nghiệm Thể thao Nike hồi đó, đến dự cuộc họp của Hiệp hội Cơ sinh học Hoa Kỳ, ông ta mang theo một bất ngờ lớn. “Khi các đối tượng được thử nghiệm so sánh giữa việc dùng giày cứng với giày mềm,” ông ta nói, “lực va đập chẳng khác nhau chút nào.” Không khác nhau! “Và kỳ lạ là,” ông ta thêm, “đỉnh của lực đẩy trong phản lực chiều dọc từ mặt đất còn cao hơn trong trường hợp giày mềm.”

Kết luận gây băn khoăn là: giày càng đệm êm, thì bảo vệ càng kém.

Lúc đó, các nhà nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm Y học Sinh cơ học/Thể thao Đại học Oregon cũng đang xác nhận kết quả này. Các nhà nghiên cứu ở Oregon đã tiết lộ trong một nghiên cứu năm 1988 cho Tạp chí Vật lý trị liệu Chỉnh hình và Thể thao: khi các đôi giày chạy bị mòn bớt và phần đế lót cứng lại, bàn chân của người chạy bộ sẽ được ổn định và đỡ lắc lư hơn. Phải mất khoảng 10 năm, các nhà khoa học mới đưa ra được lời giải thích tại sao đôi giày cũ mà các công ty sản xuất đồ thể thao đang khuyên bạn vứt đi lại tốt hơn đôi giày mới mà họ giục bạn mua. Tại Đại học McGill ở Montreal, bác sĩ Steven Robbins và Tiến sĩ Edward Waked đã thực hiện một loạt các thử nghiệm ở các vận động viên thể dục dụng cụ. Họ phát hiện ra rằng thảm tiếp đất càng dày, thì các vận động viên thể dục dụng cụ lại càng nện chân xuống mạnh hơn khi tiếp đất. Theo bản năng, các vận động viên thể dục dụng cụ đi tìm sự ổn định. Khi cảm nhận thấy dưới chân là mặt phẳng mềm, họ nện xuống mạnh hơn để đảm bảo được thăng bằng.

Người chạy bộ cũng vậy. Robbins và Waked phát hiện ra: giống như việc tay bạn tự động vung lên khi trượt băng, đôi chân và bàn chân bạn cũng chúi xuống mạnh hơn theo bản năng khi thấy nền không chắc chắn. Khi chạy bằng giày có đệm êm, bàn chân bạn ấn mạnh qua lớp đế giày để tìm kiếm một mặt phẳng cứng và ổn định.

“Chúng tôi kết luận rằng sự thăng bằng và va đập theo phương dọc có liên quan mật thiết.” McGill viết. “Theo phát hiện của chúng tôi, các đôi giày thể thao hiện hành quá mềm và dày, và cần phải thiết kế lại nếu như muốn bảo vệ cho con người khi chơi thể thao.”

Cho tới khi đọc được nghiên cứu này, tôi vẫn bị ám ảnh bởi một việc mà mình đã gặp phải ở Phòng khám Chấn thương Chạy bộ. Tôi đã chạy qua chạy lại trên một tấm cảm biến lực, thay đổi giữa chân đất, một đôi giày cực mỏng, và đôi giày cực êm Nike Pegasus. Cứ mỗi lần tôi đổi giày, mức va đập cũng thay đổi theo, nhưng không theo chiều hướng mà tôi trông đợi. Lực va đập của tôi là thấp nhất khi chạy chân đất, và nặng nhất khi dùng đôi Pegasus. Tư thế chạy của tôi cũng thay đổi: Khi đổi giày thì theo bản năng, tôi cũng thay đổi bước chân tiếp đất. “Anh chạy tiếp gót nhiều hơn nhiều khi dùng đôi Pegasus.” Tiến sĩ Irene Davis kết luận.

David Smyntek đã quyết định kiểm tra giả thuyết về lực va đập bằng một thí nghiệm độc đáo. Vì vừa là người chạy bộ, vừa là nhà vật lý trị liệu với chuyên môn phục hồi cấp tính, Smyntek lo ngại khi chính những người khuyên anh mua giày mới lại chính là người bán giày. Anh thường xuyên nghe thấy tạp chí Runner’s World và cửa hàng đồ chạy bộ gần nhà dặn dò rằng phải thay giày mới sau khi chạy được từ 300 đến 500 dặm, nhưng tại sao Arthur Newton, một trong những người chạy bộ siêu dài vĩ đại nhất mọi thời đại lại chẳng thấy có lý do gì để thay đôi giày đế cao su mỏng dính cho tới khi chạy ít nhất 4.000 dặm? Newton không chỉ giành thắng lợi trong giải đua Comrades 55 dặm đến năm lần vào những năm 1930, mà chân ông còn đủ dẻo dai để phá kỷ lục giải đua 100 dặm Bath-to-London ở tuổi 51.

Vì vậy, Smyntek quyết định thử xem anh có thể Newton-hơn-cả-Newton hay không. “Khi đôi giày của tôi bị mòn lệch một bên,” anh băn khoăn, “hay là tại tôi đang đi ngược chân?” Và từ đó, cuộc Thí nghiệm Bàn chân Điên rồ bắt đầu: khi các đôi giày mòn đi ở mép ngoài, Dave đi giày ngược chân và tiếp tục chạy. “Bạn phải hiểu anh ấy.” Ken Learman, đồng nghiệp của Dave, nói. “Dave không phải hạng tầm thường. Anh ta hiếu kỳ, thông minh, và là kiểu người mà bạn không thể dễ dàng lừa được. Anh hay nói là: ‘À, nếu thường nó là như vậy, thì phải kiểm tra xem nó có đúng là như vậy hay không.’”

Trong 10 năm tiếp theo, David chạy năm dặm mỗi ngày, và không bỏ một ngày nào. Cho đến khi nhận ra mình có thể chạy thoải mái khi đi giày ngược bên, anh bắt đầu đặt câu hỏi tại sao mình cần giày chạy bộ. Dave lập luận, nếu như anh đang không dùng chúng theo cách được người ta thiết kế, thì có thể là thiết kế đó chẳng quan trọng gì hết. Từ đó trở đi, anh chỉ mua giày thể thao rẻ tiền.

“Và anh ta cứ như vậy đấy, chạy nhiều hơn hầu hết mọi người, với giày ngược bên mà chẳng gặp bất kỳ vấn đề gì.” Ken Learman nói. “Thí nghiệm đó đã dạy cho tất cả chúng ta một điều, rằng đối với giày chạy bộ, không phải cứ lấp lánh là vàng.”

SỰ THẬT CAY ĐẮNG CUỐI CÙNG: Ngay cả Alan Webb cũng nói: “Con người được thiết kế để chạy không giày.”

TRƯỚC KHI trở thành người chạy cự ly một dặm nhanh nhất nước Mỹ, Alan Webb chỉ là một gã tay mơ với bàn chân bẹt, dáng chạy xấu tệ hại. Nhưng huấn luyện viên trường trung học đã nhìn ra tiềm năng, và bắt tay vào một việc, nói một cách hoàn toàn không phóng đại chút nào, là tái tạo lại Alan từ đầu.

“Tôi bị dính chấn thương từ rất sớm, và có vẻ như hiển nhiên là cơ cấu sinh học của tôi tự gây ra.” Webb kể với tôi. “Vì thế, chúng tôi thực hiện các bài tập làm chắc khỏe bàn chân và các buổi đi bộ đặc biệt bằng chân đất.” Dần dần, Webb chứng kiến bàn chân mình biến đổi ngay trước mắt. “Khi các cơ ở bàn chân tôi khỏe hơn, thì vòm chân tôi cũng khum cao lên.” Nhờ các bài tập chân đất, Webb đồng thời giảm bớt được chấn thương, cho phép anh chịu được kiểu tập luyện hà khắc đã giúp phá kỷ lục một dặm của Mỹ, và đạt thời gian chạy 1.500 m nhanh nhất thế giới trong năm 2007.

“Chạy chân đất trở thành một trong những triết lý luyện tập của tôi nhiều năm qua.” Tiến sĩ Hartmann, chuyên gia vật lý trị liệu Ireland, Phù thuỷ Oz của những vận động viên chạy bộ giỏi nhất thế giới, chia sẻ. Paula Radcliffe không bao giờ chạy marathon nếu chưa đi gặp Tiến sĩ Hartmann, và kể cả những vị thần như Haile Gebrselassie và Khalid Khannouchi cũng tin tưởng giao phó chân cho ông. Trong nhiều thập kỷ, Tiến sĩ Hartmann đã ngán ngẩm theo dõi sự bùng nổ của dụng cụ chỉnh hình và những đôi giày chạy càng ngày càng phức tạp.

“Tình trạng suy yếu của hệ cơ bàn chân là vấn đề lớn nhất dẫn đến chấn thương, và chúng ta đã để mặc bàn chân mình suy yếu trầm trọng suốt 25 năm qua.” Tiến sĩ Hartmann nói. “Xoay nghiêng bàn chân đã biến thành khái niệm xấu, trong khi nó chỉ là chuyển động tự nhiên của bàn chân. Bàn chân vốn dĩ phải xoay nghiêng như vậy.”

Để thấy hiện tượng xoay nghiêng bàn chân, hãy tháo giày và chạy xuống đường. Trên nền đường cứng, bàn chân bạn sẽ thoáng chốc quên đi thói quen mắc phải khi chạy với giày và tự động chuyển về chế độ tự bảo vệ: bạn sẽ thấy mình tiếp đất ở rìa ngoài của bàn chân, rồi sau đó nhẹ nhàng cuộn từ ngón út vào tới ngón cái cho tới khi bàn chân nằm phẳng xuống. Đó chính là xoay nghiêng bàn chân, một kiểu xoắn nhẹ, làm giảm xóc, cho phép vòm bàn chân nén lại.

Nhưng vào những năm 70, một số người được nể trọng trong giới chạy bộ đã bắt đầu bày tỏ đôi chút nghi ngờ về tình trạng vặn xoắn đó. George Sheehan, bác sĩ tim mạch với những bài luận về vẻ đẹp của chạy bộ giúp ông trở thành vua triết lý của bộ môn marathon, chợt nghĩ rằng, xoay nghiêng bàn chân nhiều quá có thể là nguyên nhân chấn thương đầu gối khi chạy bộ. Ông vừa đúng, lại vừa sai, rất sai. Bạn phải tiếp đất bằng gót thì mới xoay nghiêng hết mức được, và bạn chỉ có thể tiếp đất bằng gót khi nó được đệm. Dù sao đi nữa, các công ty giày phản ứng rất nhanh với lời kêu gọi của bác sĩ Sheehan và nghĩ ra một lời giải đáp như vũ khí hạt nhân; họ tạo ra những đôi giày được đệm lót quái dị và thiết kế siêu đẳng, để loại bỏ hoàn toàn tình trạng xoay nghiêng bàn chân.

“Nhưng khi bạn ngăn chặn một chuyển động tự nhiên,” Tiến sĩ Hartmann nói, “bạn đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến các chuyển động khác. Chúng tôi đã nghiên cứu, và chỉ có khoảng hai đến ba phần trăm dân số thực sự có vấn đề về sinh-cơ học. Vậy thì ai nhận được những tác nhân chỉnh hình nọ? Mỗi khi chúng ta nhét chân ai đó vào một đôi giày có cơ cấu điều chỉnh, thì thực ra là chúng ta đang tạo ra những vấn đề mới, bằng việc đi chữa chạy những khuyết tật không tồn tại.” Trong một bản thú nhận gây sốc năm 2008, tạp chí Runner’s World đã công nhận rằng trong nhiều năm, họ đã vô tình chỉ dẫn sai cho các độc giả, khuyến nghị người chạy bộ bị viêm gân gan bàn chân sử dụng giày có tính năng điều chỉnh: “Nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy các đôi giày có tính năng tăng cường sự ổn định chẳng những không giảm được chứng viêm gân gan bàn chân, mà còn làm trầm trọng hơn.”

“Hãy nhìn vào kết cấu!” Tiến sĩ Harmann giải thích. Vẽ lại sơ đồ bàn chân, bạn sẽ nhìn thấy một kiệt tác mà các kỹ sư đã phải gắng học theo trong suốt nhiều thế kỷ. Phần chính giữa bàn chân bạn là vòm chân, chính là thiết kế chịu tải tuyệt hảo nhất. Vẻ đẹp của hình vòm nằm ở chỗ nó trở nên mạnh mẽ hơn dưới lực nén; càng nén xuống mạnh, thì các bộ phận của nó càng kết lại chặt chẽ với nhau. Không có người thợ xây lành nghề nào lại đi đặt thứ gì dưới vòm để chống đỡ; nếu đẩy lên từ phía dưới, bạn sẽ làm suy yếu cả công trình. Đỡ cho vòm bàn chân từ mọi phía là một mạng lưới co giãn bao gồm 26 khúc xương, 33 khớp, 12 dây chằng đàn hồi, 18 cơ, tất cả đều có khả năng giãn ra và thả lỏng như một cây cầu treo chống động đất.

“Đút chân vào giày cũng tương tự như bó bột vào chân vậy.” Tiến sĩ Hartman nói. “Nếu tôi bó bột cho chân bạn, chúng ta sẽ nhận thấy tình trạng teo cơ từ 40 đến 60% trong vòng sáu tuần. Điều tương tự cũng xảy ra với chân bạn khi chúng bị nhét trong giày.” Khi có giày, các dây chằng bị cứng lại và cơ bị teo đi. Bàn chân bạn sinh ra là để chiến đấu và chống chọi dưới áp lực. Nếu để chúng lười biếng, không hoạt động, theo như phát hiện của Alan Webb, thì chúng sẽ sụp xuống. Nếu được tập luyện, chúng sẽ lại cong lên như cầu vồng.

“Tôi đã làm việc với hơn 100 vận động viên chạy bộ giỏi nhất của Kenya, và điểm chung ở họ là mức độ đàn hồi tuyệt hảo của bàn chân.” Tiến sĩ Hartmann nói tiếp. “Được như vậy là vì họ không hề chạy bộ bằng giày trước tuổi 17.” Tới ngày hôm nay, Tiến sĩ Hartmann vẫn tin rằng lời khuyên tốt nhất để phòng tránh chấn thương mà ông từng nghe là từ một huấn luyện viên, người ủng hộ việc “chạy bộ bằng chân trần trên thảm cỏ đẫm sương ba lần một tuần.”

Vị này không phải là chuyên gia y khoa duy nhất rao giảng về Chủ nghĩa Chân đất. Theo Tiến sĩ Paul W Brand, người phụ trách khoa phục hồi chức năng ở Bệnh viện công Hoa Kỳ tại Carville, Louisiana, đồng thời là giảng viên phẫu thuật ở Trường Đại học Y thuộc Đại học Louisiana State, chúng ta có thể loại bỏ hầu hết các vấn đề về bàn chân chỉ trong một thế hệ bằng cách vứt bỏ các đôi giày. Từ năm 1976, Tiến sĩ Brand đã chỉ ra rằng gần như tất cả các ca bệnh trong phòng chờ của ông – vết chai, viêm bao hoạt dịch, biến dạng ngón chân, bàn chân bẹt, sa vòm chân – hầu như không tồn tại ở những nước mà hầu hết người dân đi chân đất.

“Những người đi bộ bằng chân đất được nhận liên tục một luồng thông tin về nền đất và về mối liên hệ giữa nền đất với chính mình.” Tiến sĩ Brand nói. “Trong khi đó, bàn chân nhét trong giày lại ngủ yên trong một môi trường không biến đổi.”

Tiếng trống lệnh cho đạo quân chân đất đang nổi râm ran. Nhưng thay vì các bác sĩ dẫn đầu cuộc tấn công để tạo nên những bàn chân cơ bắp, thì nó lại biến thành một cuộc chiến nhảm nhí giữa các bác sĩ chữa bệnh về chân với chính bệnh nhân của họ. Những người ủng hộ chân đất như các bác sĩ Brand và Hartmann vẫn hiếm hoi, trong khi lối tư duy chữa chân theo kiểu truyền thống vẫn coi bàn chân con người như một sai lầm của tạo hoá, một công việc còn đang dang dở, và vẫn có thể cải thiện bằng chiếc dùi chạm trổ và các công cụ chỉnh hình.

Cách suy nghĩ sai lầm ngay từ đầu đó thể hiện hoàn hảo nhất trong cuốn sách The Runners’ Repair Manual (Cẩm nang chữa trị cho người chạy bộ) của Tiến sĩ Murray Weisenfeld, bác sĩ hàng đầu chuyên chữa bệnh về chân trong thể thao. Đây là một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại về chăm sóc bàn chân, và nó được mở đầu với lời tuyên bố khủng khiếp này:

“Bàn chân con người bản chất không phải được thiết kế ra để đi bộ, càng không phải để chạy bộ đường dài.”

Vậy thì, theo cuốn “cẩm nang” này, chân chúng ta được thiết kế để làm gì? Trước hết là để bơi (“Bàn chân hiện nay đã trải qua quá trình tiến hóa từ vây của một loài cá nguyên thủy nào đó, và những cái vây này chĩa ra phía sau.”) Sau đó là leo trèo (“Bàn chân quặp lại được cho phép động vật có thể ngồi xổm trên cành cây mà không bị ngã.”)

Và sau đó thì sao nữa…?

Sau đó thì, theo như cách nhìn nhận về tiến hóa của bộ môn chữa bệnh về chân, chúng ta đã bị mắc kẹt. Trong khi phần còn lại của cơ thể chúng ta đã tiến hóa tuyệt vời để thích nghi với mặt đất cứng, thì vì một lẽ nào đó, bộ phận duy nhất trên cơ thể chúng ta thực sự chạm đất lại bị bỏ lại. Chúng ta phát triển não bộ và bàn tay đủ khéo léo để thực hiện được giải phẫu trong mạch máu, nhưng bàn chân lại chưa từng tiến hóa xa hơn so với thời Đá cũ. “Bàn chân con người chưa hoàn toàn thích nghi với mặt đất.” Cuốn sách than vãn. “Chỉ có một bộ phận dân số được trời phú cho bàn chân thích nghi tốt với mặt đất.”

Vậy, những kẻ may mắn ít ỏi được ban tặng cho đôi chân tiến hóa hoàn hảo đó là ai vậy? Thực ra là chẳng có ai cả: “Thiên nhiên còn chưa vạch ra kế hoạch cho bàn chân hoàn hảo của người chạy bộ hiện đại.” Bác sĩ Weisenfeld viết. “Cho tới khi bàn chân hoàn hảo xuất hiện, thì kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng chúng ta đều có khả năng rất cao để bị một loại chấn thương nào đó.” Thiên nhiên còn chưa đưa ra được bản thiết kế nào, vậy mà điều đó không ngăn được một số bác sĩ chuyên khoa về chân cố gắng tạo ra thiết kế của riêng họ. Và đó chính là kiểu tự tin thái quá – kiểu niềm tin tưởng rằng bốn năm đào tạo chữa bệnh về chân có thể vượt qua hai triệu năm chọn lọc tự nhiên – dẫn đến một loạt các chiến dịch vội vàng gây ra thảm họa trong những năm 70.

“Không lâu trước đây, chấn thương đầu gối của người chạy bộ vẫn được chữa chạy bằng phẫu thuật.” Bác sĩ Weisenfeld xác nhận. “Phương pháp này không đem lại kết cục tốt đẹp, vì bạn cần có phần sụn đỡ đó khi chạy bộ.” Khi các bệnh nhân xong việc dưới lưỡi dao mổ, họ nhận ra rằng cơn đau kéo dài của mình đã trở thành một tổn thương vĩnh viễn; không có sụn chêm đầu gối, họ sẽ không bao giờ chạy mà không bị đau được nữa. Bất chấp quá khứ sai lầm của chuyên ngành chữa chân trong nỗ lực đánh bại tạo hóa, cuốn cẩm nang kia chưa bao giờ khuyến nghị việc tập luyện để có bàn chân khỏe mạnh; thay vào đó, cách thức điều trị được lựa chọn luôn luôn là băng bó, dùng đệm chỉnh hình, hoặc phẫu thuật.

Thậm chí, ngay cả bác sĩ Irene Davis, người mà cả năng lực cũng như sự cởi mở trong tư duy ít ai bì kịp, cũng phải đến tận năm 2007 mới xem xét nghiêm túc về việc chạy chân trần và bởi đến lúc ấy, một trong số các bệnh nhân đã thẳng thừng chống đối lại bà. Người này đã ngán ngẩm tình trạng viêm gân gan bàn chân mãn tính, và muốn thử lấy độc trị độc, bằng cách chạy với giày đế mỏng như dép. Bác sĩ Davis bảo anh ta bị điên. Nhưng anh ta vẫn cứ làm.

“Và ngạc nhiên thay,” như tạp chí BioMechanics sau này đưa tin, “triệu chứng viêm gân gan bàn chân đã thuyên giảm và người bệnh bắt đầu chạy được những cự ly ngắn bằng giày.”

“Đây thường là cách chúng ta học hỏi được điều gì đó mới mẻ, khi bệnh nhân không chịu nghe lời.” Bác sĩ Davis từ tốn nói. “Tôi nghĩ rằng có thể tình trạng viêm gân bàn chân ở đất nước này lan rộng ra phần nào là vì chúng ta đã không để cho cơ bắp ở bàn chân thực hiện việc mà chúng sinh ra để làm.” Bà bị ấn tượng về sự hồi phục của bệnh nhân nọ đến mức tự thêm bài đi bộ chân đất vào buổi tập của mình.

Nike sẽ không kiếm được 17 tỷ đô-la mỗi năm nếu những người như Ted Chân Đất trên khắp thế giới tạo nên trào lưu. Không lâu sau, khi hai đại diện hãng Nike trở về từ Stanford với tin tức rằng làn sóng chạy chân đất đã lan ra tới tận đường chạy của các vận động viên ưu tú tại trường đại học, Nike bắt tay ngay vào việc xem xét kiếm tiền từ chính vấn đề mà mình đã gây ra.

Đổ lỗi cho ông lớn xấu xa như Nike về cơn bệnh dịch chấn thương trong chạy bộ có vẻ quá dễ dãi – nhưng không sai, bởi đó chủ yếu là lỗi của họ. Công ty này được lập ra bởi Phil Knight, một vận động viên chạy bộ của Đại học Oregon, người sẵn sàng bán bất kỳ thứ gì và Bill Bowerman, huấn luyện viên của Đại học Oregon, người cho rằng mình biết hết mọi thứ. Trước khi hai người này bắt tay với nhau, giày chạy bộ hiện đại không tồn tại. Và hầu hết các chấn thương do chạy bộ hiện đại cũng vậy.

Là một người đi dạy bảo nhiều người về cách chạy, nhưng bản thân Bowerman lại chẳng chạy mấy. Ông ta chỉ bắt đầu chạy bộ thể dục đôi chút khi đã 50 tuổi, sau khi trải qua thời gian ở New Zealand cùng với Arthur Lydiard, cha đẻ môn chạy bộ thể hình (fitness running) và là huấn luyện viên chạy đường dài có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Lydiard đã gây dựng Câu lạc bộ Những người chạy bộ Auckland từ cuối những năm 50 để giúp đỡ những nạn nhân phục hồi sau nhồi máu cơ tim. Chuyện này đã gây ra nhiều tranh cãi vào thời đó; vì nhiều bác sĩ cho rằng Lydiard đang lập ra một nhóm tự sát tập thể. Nhưng khi những người bệnh từng đau ốm nhận thấy sức khỏe được cải thiện nhiều tới mức nào sau vài tuần chạy bộ, họ bắt đầu rủ vợ, con và cả cha mẹ tham gia vào những buổi chạy đường mòn dài hai giờ đồng hồ.

Khi Bill Bowerman đến thăm lần đầu vào năm 1962, nhóm chạy bộ buổi sáng chủ nhật của Lydiard đã là nhóm đông đảo nhất ở Auckland. Bowerman cố gắng tham gia nhóm này, nhưng thể lực của ông ta tệ tới mức phải nhận sự trợ giúp từ một ông già 73 tuổi đã sống sót qua ba lần tắc động mạch vành. Sau này Bowerman nói: “Chúa ơi, thứ duy nhất giữ tôi sống sót chính là hy vọng rằng tôi sẽ chết.”

Nhưng ông ta trở về như một con người hoàn toàn khác, và nhanh chóng viết một cuốn sách bán chạy mà tựa đề đơn giản của nó đã đưa ra một từ ngữ mới, tạo nên sự ám ảnh cho công chúng Mỹ: Chạy bộ thể dục (Jogging). Ngoài những lúc viết lách và huấn luyện, Bowerman bận rộn với công việc tàn phá hệ thần kinh của chính mình và cái lò nướng bánh của bà vợ bằng cách loay hoay trong tầng hầm với đống cao su nóng chảy để chế tạo ra một loại giày mới. Các thí nghiệm đó khiến Bowerman mắc chứng suy nhược thần kinh, nhưng đồng thời cũng tạo ra loại giày chạy có đệm lót êm nhất. Và thật trớ trêu, Bowerman đặt tên cho nó là Cortez, theo tên của kẻ xâm lược đã đến New York cướp vàng và gây ra trận dịch bệnh đậu mùa khủng khiếp.

Chiêu thức tài tình nhất của Bowerman là đề xuất ra kiểu chạy bộ mới chỉ có thể thực hiện được với kiểu giày mới của ông ta. Giày Cortez cho phép người ta chạy theo một kiểu mà trước đây không cách nào chạy an toàn được: tiếp đất bằng phần gót chân toàn xương. Trước khi chiếc giày đệm êm được sáng tạo ra, các vận động viên chạy bộ qua bao nhiêu thời kỳ đều có cùng một tư thế chạy: Jesse Owens, Roger Bannister, Frank Shorter, và ngay cả Emil Zatopek cũng chạy với lưng thẳng, đầu gối cong, bàn chân cào mạnh ra sau thẳng ngay dưới thân người. Họ không có lựa chọn nào khác: phần giảm chấn duy nhất đến từ sự cong gập của chân và phần đệm dày của lớp mỡ giữa bàn chân. Fred Wilt cũng xác nhận điều này vào năm 1959, trong ghi chép kinh điển về điền kinh của ông, How They Train (Họ tập luyện như thế nào), trong đó mô tả chi tiết kỹ thuật của hơn 80 vận động viên chạy bộ đứng đầu thế giới. “Bàn chân trước di chuyển về phía mặt đường chạy theo một tuyến hướng xuống, rồi hướng ra sau, như một đường quệt (chứ không phải đấm hay nện xuống) và phần mép ngoài của ức bàn chân chạm xuống mặt đường chạy đầu tiên.” Wilt viết. “Chạy là kết quả của những lực đẩy phía sau trọng tâm cơ thể…”

Trên thực tế, khi Van Phillips, nhà thiết kế về y sinh tạo ra chiếc chân giả tuyệt hảo cho những vận động viên chạy bộ bị cụt chân năm 1984, ông ta thậm chí còn không lắp gót chân vào đó. Là một vận động viên cụt chân trái từ dưới đầu gối trong một tai nạn trượt ván trên mặt nước, Phillips hiểu rằng gót chân chỉ cần thiết khi đứng, chứ không phải khi chuyển động. Chiếc “Chân báo” hình chữ C của Phillips bắt chước hoạt động của chân người thật hiệu quả đến mức, nó cho phép vận động viên cụt cả hai chân người Nam Phi Oscar Pistorious thi đấu được với cả những vận động viện chạy nước rút hàng đầu thế giới.

Nhưng Bowerman đã có một ý tưởng: có khi bạn lại chạy được xa thêm một chút nếu tiếp đất trước trọng tâm. Đắp một miếng cao su dưới gót chân, ông suy tính, và bạn có thể duỗi thẳng chân, tiếp đất bằng gót, và kéo dài bước chạy. Trong cuốn Jogging, ông ta so sánh các kiểu chạy với nhau: với bước chạy “bẹt chân” được tính giờ, ông ta thừa nhận rằng “mặt phẳng rộng đệm được cho bước chạy và nhẹ nhàng hơn cho phần còn lại của cơ thể.” Tuy vậy, ông ta vẫn tin rằng bước chạy “từ gót lên mũi” sẽ là “đỡ mệt mỏi nhất khi chạy đường dài.” Nếu bạn có loại giày phù hợp.

Chiến lược marketing của Bowerman quả là tài tình. “Một người vừa tạo ra thị trường cho sản phẩm vừa tạo ra chính sản phẩm ấy.” Như một người phụ trách chuyên mục tài chính tại Oregon nhận xét. “Đúng là thiên tài. Đây là thứ được học trong các trường kinh doanh.” Đối tác của Bowerman, vận động viên chạy bộ chuyển thành doanh nhân Phil Knight, thu xếp được một thỏa thuận sản xuất tại Nhật Bản và nhanh chóng bán được giày còn nhanh hơn tốc độ rời khỏi dây chuyền sản xuất. “Với lớp đệm của Cortez, chúng tôi có vị thế độc quyền cho tới tận năm diễn ra Olympic 1972.” Knight huênh hoang. Tới khi các công ty khác đã trang bị đầy đủ để bắt chước được chiếc giày mới đó, thì đôi Swoosh đã trở thành sản phẩm hàng đầu thế giới.

Hài lòng với phản ứng số đông về thiết kế nghiệp dư của mình, Bowerman cho phép trí tưởng tượng tha hồ cất cánh. Ông ta định làm một đôi giày chịu nước từ da cá, nhưng rồi phải để mẫu thiết kế đó chết ngay trên bản vẽ. Ông ta làm ra đôi LD-1000 Trainer, loại giày có phần đế rộng đến mức như đang chạy trên đĩa bánh. Bowerman cho rằng loại giày này sẽ loại trừ được xoay nghiêng cổ chân, mà bỏ qua mất một thực tế là nếu như bàn chân của vận động viên đó không thẳng một cách hoàn hảo, thì phần gót loe ra sẽ làm trẹo cẳng chân, đau cả bàn chân lẫn mắt cá.” Cựu vận động viên chạy bộ ở Oregon tên là Kenny Moore đã viết như vậy trong cuốn tiểu sử về Bowerman. Nói cách khác, chiếc giày được mong đợi sẽ cho bạn bước chạy hoàn hảo, lại chỉ có tác dụng khi bước chạy của bạn đã hoàn hảo sẵn rồi. Khi Bowerman nhận ra rằng đang tạo ra chấn thương, thay vì ngăn ngừa nó, ông ta đã phải sửa chữa lại và thu gọn phần gót chân trong các phiên bản sau.

Trở lại New Zealand, Arthur Lydiard hoảng sợ khi chứng kiến đống hàng xuất khẩu ào ạt đổ ra từ Oregon và băn khoăn không hiểu người bạn của mình định làm điều quái quỷ gì. So với Bowerman, Lydiard hiểu biết hơn về chạy bộ; ông ta đã huấn luyện cho nhiều nhà vô địch Olympic, nhiều kỷ lục gia thế giới, và đã xây dựng một chương trình luyện tập đến nay vẫn được coi là tiêu chuẩn vàng. Lydiard thích Bill Bowerman và tôn trọng ông ta với tư cách là một huấn luyện viên, nhưng trời đất ạ! Cái thứ rác rưởi mà ông ta đang bán là gì vậy?

Lydiard đã biết tất cả mấy thứ về xoay nghiêng bàn chân này chỉ là chiêu bài marketing nhảm nhí. “Bạn chỉ cần bảo một người bình thường ở bất kỳ độ tuổi nào bỏ giày ra và chạy dọc hành lang, bạn gần như sẽ luôn luôn thấy rằng chuyển động của bàn chân chẳng có tí dấu hiệu nào của nghiêng vào trong hay ra ngoài.” Lydiard phàn nàn. “Tình trạng lắc sang hai bên của mắt cá chân chỉ bắt đầu khi người ta tròng vào chân những đôi giày chạy, bởi vì kết cấu của rất nhiều loại giày chạy đó ngay lập tức sẽ thay đổi chuyển động của bàn chân.”

“Chúng ta đã từng chạy với giày vải.” Lydiard tiếp tục. “Chúng ta không bị viêm gân gan bàn chân, cũng chẳng xoay nghiêng bàn chân vào trong hay ra ngoài, chúng ta có thể mất một ít da vì lớp vải thô ráp khi chạy marathon, nhưng về cơ bản, ta không bị chấn thương nào ở bàn chân cả. Chi vài trăm đô-la cho những đôi giày chạy công nghệ cao mới nhất chẳng đảm bảo tránh được chấn thương, mà thậm chí còn đảm bảo rằng sẽ bị chấn thương, không kiểu này thì kiểu khác.”

Cuối cùng, ngay cả Bowerman cũng bắt đầu nghi ngờ. Khi Nike gióng trống mở cờ khắp nơi, xào nấu ra đủ kiểu giày khác nhau và thay đổi mẫu mã từng năm một mà chẳng cần lý do gì ngoài việc có gì đó khác để bán, thì Bowerman bắt đầu cảm thấy sứ mệnh ban đầu của ông ta là làm ra một đôi giày tử tế đã bị xói mòn bởi một tư tưởng mới, mà ông ta tổng kết lại bằng hai từ: “Kiếm tiền.” Nike, ông ta phàn nàn trong một lá thư gửi đồng nghiệp, đang “phân phát một đống rác rưởi.” Có vẻ như ngay cả với một thành viên sáng lập của Nike, thì lời lẽ của nhà phê bình xã hội Eric Hoffer cũng tỏ ra đúng đắn: “Mọi động cơ cao cả đều bắt đầu như một phong trào, trở thành công việc kinh doanh, và rồi biến thành thủ đoạn lường gạt.”

Bowerman đã qua đời trước khi trào lưu chạy chân đất dấy lên mạnh mẽ vào năm 2002, vì vậy, Nike quay trở lại với người thầy cũ của Bowerman để xem câu chuyện về chân đất này thực sự có giá trị gì hay không. “Dĩ nhiên!” Arthur Lydiard nói. “Nếu bạn nâng đỡ cho một bộ phận nào đó, thì nó sẽ suy yếu đi. Nếu dùng nó thật nhiều, thì nó sẽ khoẻ mạnh lên… Hãy chạy chân đất và bạn sẽ không gặp phải những chấn thương đó nữa. Loại giày cho phép chân bạn hoạt động như chạy chân trần – đó mới là giày mà tôi ưng ý.” Lydiard kết luận.

Nike tiếp nối cho sự bùng nổ này với chính dữ liệu cụ thể của mình. Jeff Pisciotta, nghiên cứu viên cấp cao tại Phòng thí nghiệm Thể thao của Nike, đã tập hợp 20 vận động viên chạy bộ trên một bãi cỏ và ghi hình họ chạy bằng chân đất. Khi phóng to vào khung hình, anh giật mình với điều phát hiện được: các bàn chân thay vì nện xuống như khi đi giày, lại hoạt động như một loài động vật có trí óc riêng – giãn ra, bám lấy, tìm kiếm mặt đất với những ngón chân choãi rộng, tiếp đất theo kiểu lướt đi, như thiên nga đáp xuống mặt hồ.

“Cảnh đó thật đẹp!” Pisciotta, vẫn bị hớp hồn bởi những trông thấy, sau này kể lại với tôi. “Điều đó đã khiến chúng tôi nghĩ rằng khi bạn đi giày vào, thì nó sẽ kiểm soát một phần chân bạn.” Anh ngay lập tức triển khai nhóm đi thu thập tất cả các đoạn phim về những nền văn hóa chạy chân đất đang tồn tại. “Trên khắp Trái đất, chúng tôi tìm thấy vài nhóm người vẫn đang chạy chân trần, và bạn sẽ thấy rằng trong quá trình đẩy đi và tiếp đất, biên độ chuyển động ở bàn chân cũng như sự tham gia của các ngón chân của họ nhiều hơn rất nhiều. Bàn chân họ thả lỏng, xoè, choãi ra, bám lấy mặt đất, đồng nghĩa với việc bạn ít bị xoay nghiêng bàn chân hơn và áp lực được phân tán ra rộng hơn.”

Đối mặt với kết luận gần như không thể tránh né được rằng lâu nay mình chỉ bán những thứ đồ nhảm nhí, Nike lập tức lèo lái sang hướng khác. Jeff Pisciotta trở thành người đứng đầu một dự án tối mật tưởng chừng như bất khả thi: tìm cách kiếm ra tiền từ chân đất.

Phải mất hai năm làm việc, Pisciotta mới trình làng được tuyệt phẩm của mình. Trong các mẩu quảng cáo trên tivi phát trên khắp thế giới, có nhiều hình ảnh các vận động viên chân đất – những vận động viên marathon người Kenya chạy dọc theo một đường mòn nền đất, các vận động viên bơi lội bấu ngón chân vào bục xuất phát, các vận động viên thể dục dụng cụ và những vũ công capoeira người Brazil, cùng với những người leo núi, đô vật, võ sư karate và người chơi bóng đá bãi biển – tới mức sau một thời gian, thì thật khó mà nhớ được là ai thường đi giày, và vì sao.

Lấp lóe trên những hình ảnh đó là dòng thông điệp truyền cảm hứng như: “Bàn chân của bạn là nền tảng! Hãy đánh thức chúng! Làm cho chúng khoẻ lên! Kết nối với mặt đất… Công nghệ của thiên nhiên cho phép chuyển động thật tự nhiên… Tăng cường sức mạnh cho bàn chân bạn.” Viết nguệch ngoạc dưới lòng một bàn chân trần là dòng chữ: “Hiệu năng xuất phát từ đây.” Và sau đó là kết luận trọng đại ở cuối cùng: cảnh “Nhón chân qua những đóa tulip” lên tới cao trào làm nền, chúng ta quay lại với các vận động viên người Kenya mà lúc này, bàn chân họ đã được trang bị thêm một loại giày mỏng nhỏ bé nào đấy. Đó là loại giày mới Nike Free, một dạng dép có gai còn mỏng hơn cả chiếc giày Cortez khi xưa.

Còn khẩu hiệu của nó là gì?

“Hãy chạy chân đất!”

* * *

26

Em yêu, thị trấn này đang xé nát thân em;

Đó là một cái bẫy chết người, là một nơi tự sát…

- Bruce Springsteen, Sinh ra để chạy

Khuôn mặt Caballo Blanco ửng hồng lên ánh tự hào, vì vậy, tôi cố gắng nghĩ ra câu gì hay ho để khen ngợi.

Chúng tôi vừa tới Batopilas, một thị trấn khai mỏ cũ kỹ nằm sâu hơn 2.400 m dưới miệng của vùng hẻm núi. Thị trấn này được xây dựng từ 400 năm trước, khi các nhà thám hiểm Tây Ban Nha phát hiện ra quặng bạc trong dòng sông đầy đá, và thị trấn này hầu như chẳng thay đổi gì kể từ khi đó. Vẫn là một dãy nhà nhỏ ôm sát bờ sông, nơi lừa thồ nhiều ngang với xe cộ, và chiếc điện thoại có dây đầu tiên được lắp đặt khi thế giới đang bắt đầu lập trình cho iPod.

Để xuống được đây, bạn phải có lá gan thép cùng niềm tin sắt đá đặt vào người bạn đồng hành, người khiến bạn lo lắng lắng nhất chính là tài xế xe buýt. Lối duy nhất để vào Batopilas là một con đường đất uốn lượn quanh bờ vực dựng đứng, và hạ độ cao khoảng 2.100 m chỉ trong vòng chưa đến 10 dặm. Khi chiếc xe buýt oằn mình quanh các khúc cua tay áo, chúng tôi phải bám thật chặt và nhìn xa xuống phía dưới, nơi chất đống những xác xe mà người lái chỉ nhỡ sơ sẩy dăm xentimét. Hai năm sau đó, Caballo cũng tự mình đóng góp vào nghĩa địa thép dưới đó khi chiếc xe bán tải của anh trượt ra ngoài mép vực và lộn xuống. Caballo kịp nhào ra ngoài và chứng kiến chiếc xe bùng cháy tít xa phía dưới. Sau này, những mảnh nhỏ của cái xác xe bị cháy sém vẫn được người ta thu lượm về làm bùa may mắn.

Sau khi chiếc xe buýt dừng lại ngoài rìa thị trấn, chúng tôi leo xuống thật chậm, với khuôn mặt dính bụi và mồ hôi muối đọng như thổ dân vẽ mặt, hệt như mặt của Caballo lần đầu tôi gặp anh. “Đây rồi!” Caballo hú lên. “Chỗ ở của tôi đây.”

Chúng tôi nhìn quanh, nhưng thứ duy nhất đi vào tầm mắt chỉ là tàn tích của một nhà thờ cũ bên kia sông. Mái của nó đã biến mất, và những bức tường đá màu đỏ đang sụp dần vào vách núi màu hồng đỏ, nơi mà từ đó, những bức tường ấy được tạc ra, trông như thể một lâu đài cát đang tan chảy trở lại thành cát. Nó thật hoàn hảo; Caballo đã tìm được chốn lý tưởng cho một hồn ma sống. Tôi chỉ có thể tưởng tượng là sẽ hãi hùng đến mức nào khi đi qua đây vào buổi đêm và nhìn thấy cái bóng ma quái của anh nhảy nhót xung quanh đống lửa, khi anh đi loanh quanh đống đổ nát ấy như gã lùn Quasimodo.

“Ồ, đó thật là, ờ… khác lạ!” Tôi lúng búng.

“Không phải đâu, anh bạn!” Anh nói. “Ở đằng này.” Anh chỉ tay ra đằng sau lưng chúng tôi, về phía một đường mòn mờ nhạt nhỏ bé khuất vào trong đám xương rồng. Caballo bắt đầu leo lên, và chúng tôi bám theo anh, nắm lấy các bụi cây để giữ thăng bằng trong khi vừa mò mẫm leo vừa lê lết lên con đường đá.

“Khỉ thật, Caballo ạ!” Luis nói. “Đây chắc là đường chạy duy nhất trên thế giới cần được đánh dấu và phải có trạm tiếp tế ngay từ dặm thứ hai.”

Sau khoảng 100 m, chúng tôi đến một bụi cây chanh dại và tìm thấy một túp lều nhỏ có tường bằng đất sét. Caballo đã dựng nó bằng cách bê các tảng đá từ dưới dòng sông lên, rồi lộn đi lộn lại quãng đường hiểm trở đó hàng trăm lần với đá cuội lòng sông trơn nhẵn trên tay. Nơi này còn phù hợp để làm chỗ ở cho Caballo hơn cả ngôi nhà thờ đổ nát; ở đây, trong pháo đài cô độc tự tạo này, anh có thể nhìn thấy mọi thứ dưới thung lũng sông mà không hề bị phát hiện.

Chúng tôi bước vào trong và thấy một chiếc giường dã chiến nhỏ, một đống dép thể thao bỏ đi, khoảng ba bốn cuốn sách về Ngựa Điên và những người thổ dân da đỏ Mỹ khác trên một giá sách cạnh chiếc đèn dầu. Tất cả chỉ có vậy; không điện, không nước máy, không nhà vệ sinh. Đằng sau căn lều, Caballo đã dọn quang những cây xương rồng và san phẳng một khoảng đất nhỏ để nghỉ ngơi sau một buổi chạy, hút chút gì đó để thư giãn, và ngắm nhìn cảnh vật hoang sơ thời tiền sử. Dù Ted Chân Đất có rêu rao rằng anh ta là hiện thân của nơi mình ở đến thế nào đi nữa, thì cũng không thể sánh được với sự tương hợp giữa Caballo và túp lều này.

Caballo muốn cho chúng tôi ăn thật nhanh và sau đó rảnh rang đi ngủ. Mấy ngày tới sẽ vắt kiệt sức của tất cả chúng tôi, và cả đám hầu như chưa được nghỉ ngơi mấy kể từ khi tới El Paso. Anh dẫn chúng tôi quay trở lại lối đi bí mật kia và ngược lên con đường để đi tới một cửa hiệu bán hàng qua cửa sổ trước; bạn thò đầu vào cửa sổ đó và nếu người chủ cửa hiệu tên là Mario có thứ bạn muốn, bạn sẽ có được nó. Mario cho chúng tôi thuê vài căn phòng nhỏ ở trên gác với một buồng tắm vòi sen nước lạnh ở cuối hành lang.

Caballo muốn chúng tôi bỏ lại đống hành lý và đi kiếm đồ ăn ngay lập tức, nhưng Ted Chân Đất cứ khăng khăng phải thay đồ và vào buồng tắm để gột rửa bụi đường trước. Anh ta chạy ra khỏi buồng tắm, vừa chạy vừa la hét.

“Chúa ơi! Cái vòi sen có dây điện hở. Tôi vừa bị giật bắn cả mình!”

Eric nhìn tôi. “Anh có nghĩ là do Caballo làm không?”

“Cũng chỉ là giết người trong khi tự vệ chính đáng thôi.” Tôi nói. “Chẳng bồi thẩm đoàn nào tuyên bố có tội đâu.” Chiến trường bão tố Ted Chân Đất – Caballo Blanco chưa khá khẩm hơn được chút nào kể từ khi chúng tôi rời khỏi Creel. Trong một lần dừng nghỉ, Caballo trèo khỏi nóc xe và chui xuống tận cuối chiếc xe buýt để trốn. “Gã đó không biết im lặng là gì.” Caballo nổi đóa. “Hắn đến từ L.A, chắc hắn nghĩ là không được để chỗ nào thiếu tiếng ồn.”

Sau khi chúng tôi sắp xếp xong nơi ở, chỗ Mario, Caballo lại dẫn chúng tôi đến một bà Mamá khác. Chúng tôi thậm chí chẳng phải gọi đồ ăn; ngay khi chúng tôi tới, Dona Mila lôi mọi thứ từ trong tủ lạnh ra. Chẳng mấy chốc, các đĩa đồ ăn được bày ra, nào là sốt kem bơ, đậu pinto, xương rồng cắt lát và cà chua dầm dấm thơm, cơm Tây Ban Nha và thịt bò hầm với gan gà thơm phức.

“Ăn nhiều vào nhé!” Caballo nói. “Các bạn sẽ cần chúng vào ngày mai đấy.” Anh bảo sẽ đưa chúng tôi đi leo núi để khởi động. Chỉ là một cuộc dạo chơi lên ngọn núi gần đó để chúng tôi có dịp nếm thử địa hình sẽ phải vượt qua để đến được đường đua. Anh nhắc đi nhắc lại là không có gì ghê gớm đâu, nhưng sau đó lại dặn chúng tôi ăn thật nhiều và đi ngủ sớm. Tôi càng lo lắng hơn sau khi một ông già người Mỹ có mái tóc bạc trắng bước vào và nhập hội.

“Sửa soạn đến đâu rồi, Ngựa?” Ông chào Caballo. Đó là Bob Francis. Ông xuống Batopilas lần đầu tiên vào những năm 60, và một phần con người ông mãi mãi ở lại nơi này. Dù có con cháu ở San Diego nhưng Bob vẫn dành gần hết cả năm lang thang quanh Batopilas, có lúc dẫn đường cho những người leo núi, lúc khác lại đi thăm Patricio Luna, một người bạn Tarahumara, cũng chính là chú của Manuel Luna. Họ gặp nhau 30 năm trước, khi Bob bị lạc trong hẻm núi. Patricio tìm thấy ông, cho ông ăn, và đưa về nghỉ trong hang của nhà mình đêm đó.

Nhờ tình bằng hữu lâu năm với Patricio, mà Bob là một trong số những người Mỹ ít ỏi từng được dự một lễ hội tesgiiinada của người Tarahumara – lễ hội marathon nhậu nhẹt được tổ chức trước các trận bóng và đôi khi còn khiến các trận bóng đó không thể diễn ra. Ngay cả Caballo cũng chưa đạt được mức tin tưởng đó với người Tarahumara, và sau khi nghe những câu chuyện của Bob, anh không dám chắc mình có muốn được như vậy hay không nữa.

“Những người bạn Tarahumara lâu năm, những gã mà tôi vẫn nghĩ là nhút nhát, hiền lành, bỗng nhiên nhảy chồm vào mặt tôi, sấn vào sát ngực tôi, tuôn ra những lời thóa mạ, chực xông vào đánh lộn.” Bob kể. “Cùng lúc đó, vợ họ lại chui vào bụi với những người đàn ông khác, đám con gái mới lớn thì khỏa thân vật lộn. Họ không cho lũ trẻ con tham gia những cuộc tiệc tùng như thế; anh biết lý do rồi đấy.”

Mọi chuyện đều có thể xảy ra trong lễ hội tesgiiinada, Bob giải thích, bởi vì mọi thứ rồi sẽ bị đổ tội hết cho peyote, loại rượu tequila tự chưng cất, và tesgiiino, loại bia ngô rất mạnh. Những bữa tiệc tùng này có thể trở nên rất điên rồ, nhưng thực ra lại có mục đích tốt đẹp và hoàn toàn tỉnh táo: chúng có tác dụng như một cái van xả áp, để giải thoát cho những cảm xúc chỉ muốn bùng nổ. Cũng như chúng ta, người Tarahumara có những ham muốn và nỗi buồn đau giấu kín, nhưng trong một xã hội mà tất cả mọi người đều tin tưởng ở nhau và không có cảnh sát xen vào giữa, thì phải có một cách nào đó để thỏa mãn dục vọng cũng như hận thù. Vậy thì còn điều gì hay hơn một lễ hội nhậu nhẹt chứ? Tất cả mọi người đều chơi bời hết cỡ, đến mức điên loạn, và rồi, sau khi bị trừng phạt bởi những vết thâm tím và cơn say xỉn, họ lại phủi bụi trên mình và tiếp tục sống.

“Tôi hoàn toàn có thể làm đám cưới hoặc bị giết đến 20 lần trước khi buổi đêm chấm dứt.” Bob nói. “Nhưng tôi đã đủ tỉnh táo để bỏ bầu rượu xuống và rời khỏi đó trước khi mấy trò bậy bạ bắt đầu.” Nếu có ai hiểu rõ vùng Barrancas bằng Caballo, thì người đó chính là Bob, và đó là lý do tại sao, mặc dù ông đã có hơi men và có vẻ muốn ba hoa một chút, thì tôi vẫn chú ý kỹ khi ông bắt đầu câu chuyện với Ted.

“Mấy cái thứ chết tiệt kia sẽ tiêu đời vào ngày mai.” Bob nói, và chỉ tay vào đôi giày Five Fingers trên chân Ted.

“Tôi còn chẳng định dùng chúng cơ.” Ted bảo.

“Vậy nghe còn được.” Bob nói.

“Tôi sẽ chạy chân đất.” Ted trả lời.

Bob quay sang Caballo. “Anh ta đang đùa hả Ngựa?”

Caballo chỉ mỉm cười.

Sáng sớm hôm sau, Caballo đến chỗ chúng tôi khi Mặt trời ló rạng trên vùng hẻm núi. “Ngày mai chúng ta sẽ đi về hướng đó.” Caballo nói và chỉ tay qua cửa sổ phòng tôi, về phía một ngọn núi đang lùi tít đằng xa. Giữa chúng tôi và ngọn núi đó là cả một biển những ngọn đồi thấp, với cây cối mọc um tùm tới mức khó mà tưởng tượng được lại có một lối mòn đi xuyên qua. “Sáng nay, chúng ta sẽ chạy trên một trong những ngọn núi nhỏ đó.”

“Cần khoảng bao nhiêu nước nhỉ?” Scott hỏi.

“Tôi chỉ mang từng này thôi.” Caballo nói và vung vẩy cái chai nhựa nửa lít. “Có thể lấy thêm nước từ một con suối ở trên đỉnh.”

“Còn thức ăn?”

“Không cần!” Caballo nhún vai và cùng Scott đi gọi những người khác. “Chúng ta sẽ trở lại trước bữa trưa thôi.”

“Tôi vẫn sẽ mang túi nước to này.” Eric nói với tôi, và đổ đầy vào ba lô nước ba lít. “Và tôi nghĩ anh cũng nên làm vậy.”

“Thật sao? Caballo nói chúng ta chỉ đi khoảng 10 dặm thôi.”

“Mang nhiều nước cũng chẳng hại gì khi đến nơi hoang vắng.” Eric nói. “Ngay cả khi không cần dùng đến, thì vẫn có thể coi như đang luyện tập. Và anh cũng không thể chắc là không có chuyện gì xảy ra, nhỡ đâu anh phải ở lại ngoài đó lâu hơn anh tưởng.”

Tôi bỏ chai nước cầm tay xuống và với lấy ba lô nước. “Nhớ mang theo các viên i-ốt trong trường hợp anh cần làm sạch nước để uống. Và cứ mang theo ít gel nhé.” Eric thêm vào. “Trong một ngày chạy giải, anh sẽ cần khoảng 200 calo mỗi giờ. Mẹo hay ở đây là học cách nạp ít một mỗi lần, sao cho anh được cung cấp năng lượng vừa đủ đều đặn mà không làm cho dạ dày mình quá tải. Đây sẽ là bài tập tốt đấy.”

Chúng tôi đi bộ dọc theo thị trấn Batopilas, qua những người bán hàng đang dùng tay vẩy nước lên các tảng đá để không cho bụi bặm bốc lên. Bọn trẻ con đang đến trường trong những chiếc áo trắng tinh, mái tóc đen đẫm nước, dừng tán chuyện với nhau để chào hỏi chúng tôi: “Buenos días.”

“Hôm nay chắc sẽ nóng.” Caballo nói, khi chúng tôi chui vào một cửa hàng không có biển hiệu phía trước. “¿Hay teléfono?” Anh hỏi người phụ nữ vừa bước ra chào. Điện thoại có hoạt động không đấy?

“Todavía no!” Cô ta nói và lắc đầu vẻ khổ sở. Vẫn chưa. Clarita vận hành hai chiếc điện thoại công cộng duy nhất ở Batopilas, nhưng đường dây đang gặp sự cố suốt ba ngày qua, khiến cho radio sóng ngắn trở thành phương tiện truyền thông duy nhất. Đây là lần đầu tiên tôi nhận ra chúng tôi đang bị cô lập đến mức nào; chúng tôi không có cách nào biết được về những việc đang xảy ra ở thế giới bên ngoài, hoặc cho thế giới bên ngoài biết về những gì đang xảy ra với mình. Chúng tôi đã hết sức tin tưởng vào Caballo, và một lần nữa, tôi lại tự hỏi mình; dù Caballo có hiểu biết vùng này đến mức nào, thì vẫn quá điên rồ khi trao mạng sống vào tay một gã không có vẻ quan tâm lắm đến mạng sống của chính mình.

Nhưng lúc này, tiếng sôi ùng ục của dạ dày tôi cùng với mùi thơm từ đồ ăn sáng do Clarita chuẩn bị đã dẹp hết những ý nghĩ đó qua một bên. Clarita mang lên những đĩa to đựng huevos rancheros, món trứng rán được phủ sốt salsa tự chế với rau mùi tươi mới băm, xếp lên trên bánh ngô tortilla đầy đặn làm bằng tay. Thức ăn quá ngon khiến chúng tôi không thể ăn ngốn ngấu, mà buộc phải nán lại, rót thêm cà phê vài lần trước khi đứng dậy sẵn sàng lên đường. Eric và tôi học theo Scott và nhét thêm tortilla vào túi để ăn sau.

Mãi đến khi ăn xong, chúng tôi mới nhận ra rằng hai Nhóc Tiệc Tùng vẫn chưa xuất hiện. Tôi kiểm tra đồng hồ; đã quá 10 giờ sáng.

“Bỏ chúng lại thôi!” Caballo nói.

“Để tôi chạy về gọi họ!” Luis đề nghị.

“Thôi!” Caballo ngăn lại. “Chắc mấy đứa ấy vẫn còn ngủ. Ta phải đi ngay nếu muốn tránh cái nóng buổi chiều.”

Có lẽ như thế là tốt hơn cả; họ có thể nghỉ ngơi một ngày để bù nước cho cơ thể và lấy lại sức cho chuyến đi ngày mai. “Dù thế nào cũng không được cho chúng đi theo chúng tôi.” Caballo dặn cha của Luis, người không đi cùng sáng nay. “Nếu chúng bị lạc ngoài đó, thì sẽ không bao giờ tìm thấy được. Tôi không nói đùa đâu.”

Eric và tôi siết chặt ba lô nước, tôi quấn khăn trên đầu. Đầu tôi bắt đầu nóng bốc hơi. Caballo luồn qua một kẽ hở trên bức tường ngăn và dò đường qua các tảng đá lớn để đi tới bờ sông. Ted Chân Đất chạy dấn lên trước để đi cùng anh, thể hiện rằng mình có thể nhảy nhót từ tảng đá này sang tảng đá khác khéo léo thế nào bằng chân đất. Nếu Caballo thấy thán phục, thì anh ta cũng vờ như không biết.

“NÀY CÁC ANH! CHỜ VỚI!” Jenn và Billy đang chạy ào xuống từ con phố phía sau chúng tôi. Billy còn đang cầm áo trên tay, còn dây giày của Jenn thì chưa buộc.

“Các bạn có chắc là muốn đi cùng không đấy?” Scott hỏi khi họ sửa soạn xong trang phục. “Các bạn còn chưa ăn gì cơ mà.”

Jenn bẻ một phong PowerBar làm đôi và đưa cho Billy một nửa. Mỗi người bọn họ mang theo một chai nước nhỏ, chắc không chứa quá sáu ngụm. “Bọn tôi ổn mà!” Billy nói.

Chúng tôi đi theo bờ sông ngổn ngang đá khoảng một dặm, rồi rẽ vào một rãnh khô. Chúng tôi không hẹn mà cùng ngẫu hứng chuyển sang chạy chậm. Cái rãnh đó rộng rãi và nhiều cát, đủ khoảng trống để Scott và Ted Chân Đất chạy bên cạnh Caballo thành hàng ba.

“Nhìn bàn chân họ kìa!” Eric bảo tôi. Mặc dù Scott đi đôi giày chạy đường mòn Brooks mà anh hỗ trợ thiết kế còn Caballo thì đi xăng đan, nhưng họ đều lướt bàn chân trên mặt đất giống y như Ted làm đối với đôi chân trần, bước chạy của họ đồng bộ hoàn hảo. Cứ như xem một đội ngựa xiếc Lipizzaner chạy trên sân khấu.

Sau khoảng một dặm, Caballo rẽ sang một lối đi dốc lên do nước xói mòn tạo thành và lổn nhổn đá dẫn lên ngọn núi. Eric và tôi nhả bớt tốc độ và chuyển sang đi bộ, tuân theo tín điều của dân chạy siêu dài: “Nếu bạn không nhìn thấy được đỉnh, thì hãy đi bộ.” Khi chạy quãng đường 50 dặm, chẳng lợi lộc gì khi cố sức leo lên dốc để rồi phải lê lết khi đi xuống; bạn chỉ thiệt vài giây nếu đi bộ, và sau đó có thể giành lại thời gian bằng cách đổ nhanh xuống dốc. Eric tin rằng đó là một trong những lý do tại sao những người chạy bộ siêu dài không dễ bị chấn thương và hầu như không bao giờ bị kiệt sức: “Họ biết cách tập luyện, mà không làm hỏng chuyện.”

Trong lúc đi bộ, chúng tôi đã bắt kịp Ted Chân Đất. Anh ta đã phải chậm lại để tìm chỗ đặt chân trên những tảng đá sắc nhọn, to bằng nắm tay. Tôi nheo mắt nhìn lên lối mòn phía trước: chúng tôi còn ít nhất một dặm đường đá vụn nữa trước khi đường mòn hết dốc, và hy vọng sẽ phẳng phiu hơn.

“Ted, đôi Five Fingers của anh đâu rồi?” Tôi hỏi.

“Tôi chẳng cần giày.” Anh ta nói. “Tôi đã đánh cược với Caballo rằng nếu tôi hoàn thành được buổi leo núi này, anh ta sẽ không được cáu kỉnh khi tôi chạy chân đất nữa.”

“Anh ta gài bẫy anh trong lần cá cược này rồi!” Tôi bảo. “Thế này thì khác gì chạy trên đá dăm.”

“Con người không phát minh ra nền đất thô ráp, Oso ạ!” Ted nói. “Chúng ta sáng chế ra mặt đường phẳng mịn. Chân anh hoàn toàn thoải mái khi nó thay đổi hình dáng để áp lên các hòn đá. Tất cả những gì anh cần làm là thư giãn và để chân thả lỏng. Như đi massage chân vậy. Ơ, này!” Anh ta gọi với theo khi tôi và Eric bứt lên phía trước. “Tôi bày cho anh một mẹo tuyệt vời nhé. Lần sau, nếu bàn chân anh bị đau, hãy đi bộ trên những hòn đá trơn nhẵn trong lòng suối nước lạnh. Kỳ diệu lắm!”

Eric và tôi bỏ mặc Ted ba hoa một mình, vừa nhảy nhót vừa chạy. Ánh nắng hắt lên từ những hòn đá loang loáng và nhiệt độ tăng dần, khiến chúng tôi có cảm giác như đang leo thẳng lên Mặt trời. Và theo cách nào đó, chúng tôi đúng là đang làm như vậy thật; sau khoảng hai dặm, tôi kiểm tra độ cao bằng đồng hồ và nhận ra đã leo hơn 300 m. Nhưng không lâu sau, đường mòn trở nên bằng phẳng, mặt đường cũng mềm hơn, từ đá sỏi chuyển thành đường đất mòn dấu vết chân.

Những người khác đang ở trước chúng tôi vài trăm mét, nên Eric và tôi bắt đầu chạy để thu ngắn khoảng cách. Trước khi chúng tôi bắt kịp họ, Ted Chân Đất đã lao vụt qua. “Đến lúc uống nước rồi!” Anh ta nói, vung vẩy chai nước rỗng. “Tôi sẽ đợi các anh ở chỗ con suối.”

Đường mòn bất ngờ lại rẽ ngoặt lên cao, khúc khuỷu hình chữ chi. 450 m… 600 m… Chúng tôi rạp người xuống con dốc, cảm giác như chỉ tiến được vài xentimét mỗi bước. Sau ba tiếng đồng hồ và sáu dặm leo dốc mệt nhọc, chúng tôi vẫn chưa tới được con suối; và cũng chẳng thấy bóng cây nào từ khi rời khỏi bờ sông.

“Thấy chưa?” Eric vung vẩy vòi uống của ba lô nước. “Mấy người kia chắc phải khát khô rồi.”

“Và đói meo nữa!” Tôi vừa đế thêm vào, vừa xé một phong hạt và ngũ cốc tổng hợp granola không qua chế biến.

Ở độ cao khoảng hơn 1.600 m, chúng tôi tìm thấy Caballo và những người còn lại trong nhóm đứng đợi trong hốc rỗng dưới một cái cây bách. “Có ai cần viên i-ốt không?” Tôi hỏi.

“Tôi nghĩ là không.” Luis nói. “Anh nhìn mà xem.”

Dưới gốc cây có một bồn đá tự nhiên được tạo thành nhờ dòng suối mát mẻ, nhỏ giọt qua nhiều thế kỷ. Chỉ có điều, lúc này ở đó không có nước.

“Ở đây đang bị hạn hán.” Caballo nói. “Tôi quên béng mất.”

Nhưng có khả năng, một dòng suối khác vẫn chảy ở độ cao khoảng vài chục mét phía trên núi. Caballo tình nguyện chạy lên đó kiểm tra. Jenn, Billy và Luis đã quá khát nên không thể chờ được nữa và đi theo anh. Ted đưa chai nước của mình cho Luis nhờ lấy hộ và ngồi đợi trong bóng cây cùng chúng tôi. Tôi cho anh uống vài ngụm từ ba lô nước của mình, còn Scott thì chia cho anh một ít bánh mì pita và sốt hummus.

“Anh không dùng gel à?” Eric hỏi.

“Tôi thích đồ ăn thật hơn.” Scott trả lời. “Nó cũng dễ mang theo và ta nạp được calo thực, chứ không phải thứ năng lượng bị tiêu nhanh.” Là một vận động viên đỉnh cao được các công ty lớn tài trợ, Scott có thể dễ dàng chọn đồ ăn tùy thích trên khắp thế giới, nhưng sau khi thử nghiệm với tất cả các loại – mọi thứ, từ thịt hươu tới Happy Meals và các phong thức ăn hữu cơ không qua chế biến – cuối cùng anh ta lại chọn lối ăn uống rất giống với người Tarahumara.

“Lớn lên ở Minnesota nên trước đây tôi ăn uống rất lộn xộn.” Anh kể. “Bữa trưa thường là hai suất gà rán McChicken và phần khoai tây chiên to.” Hồi còn chơi môn trượt tuyết kiểu Nordic và chạy việt dã ở trường trung học, các huấn luyện viên thường xuyên bảo rằng anh cần rất nhiều thịt nạc để tái tạo cơ bắp sau một bài tập nặng, thế nhưng càng nghiên cứu sâu về các vận động viên sức bền truyền thống, Scott càng tìm thấy nhiều người ăn chay hơn.

Cũng giống như các Nhà sư Marathon ở Nhật Bản mà anh vừa đọc được; họ chạy một cuộc siêu marathon mỗi ngày trong bảy năm liền, với cự ly tổng cộng khoảng 25.000 dặm mà không ăn gì khác ngoài xúp đậu tương miso, đậu phụ và các loại rau. Còn Percy Cerutty, thiên tài điên rồ người Úc, đã từng huấn luyện nhiều vận động viên siêu dài vĩ đại nhất mọi thời đại thì sao? Cerutty tin rằng thức ăn thậm chí còn không nên nấu, chứ đừng nói đến chuyện giết mổ: ông bắt các học trò trải qua ba bữa ăn hằng ngày toàn yến mạch, trái cây, các loại hạt sống và pho mát. Ngay cả Cliff Young, người nông dân 63 tuổi đã làm chấn động cả nước Úc năm 1983 khi đánh bại cả những vận động viên chạy bộ siêu dài cừ khôi nhất nước trong cuộc đua 507 dặm từ Sydney tới Melbourne, cũng chỉ ăn toàn đậu, yến mạch và bia trong suốt cuộc đua (“Tôi từng cho lũ bê con ăn bằng tay và chúng nghĩ tôi là mẹ chúng.” Young nói. “Tôi không thể ngủ ngon nổi trong những đêm đó khi biết rằng chúng sẽ bị giết.” Ông chuyển sang ăn các loại hạt, khoai tây và ngủ ngon hơn rất nhiều. Và ông cũng chạy rất giỏi nữa.)

Scott cũng không rõ tại sao chế độ dinh dưỡng không có thịt lại hiệu quả với những người chạy bộ vĩ đại, nhưng anh nghĩ nên tin vào kết quả trước và tìm hiểu nguyên nhân sau. Từ đó, anh không cho bất cứ sản phẩm gì từ động vật vào miệng nữa – cả trứng, pho mát, thậm chí cả kem – anh giảm bớt cả đường, bột mì. Anh không mang theo Snicker và PowerBar trong các cuộc chạy dài nữa; thay vào đó, anh lại nhét vào túi các món bánh burrito gạo, bánh mì pita nhồi sốt hummus và quả ô liu Kalamata, cùng với bánh mì tự nướng phủ đậu đỏ và phết hạt diêm mạch. Thời gian bị lật cổ chân, anh tránh dùng ibuprofen và phụ thuộc hoàn toàn vào ấu tàu và ăn thật nhiều tỏi, gừng.

“Tất nhiên là tôi cũng nghi ngờ.” Scott nói. “Mọi người đều bảo tôi sẽ yếu đi, tôi có thể sẽ không phục hồi nổi giữa các bài tập, tôi sẽ bị rạn xương do áp lực và thiếu máu. Nhưng sự thực là tôi lại thấy dễ chịu hơn, vì đang ăn đồ ăn với chất lượng dinh dưỡng cao hơn. Và sau khi chiến thắng ở giải Western States, tôi không bao giờ quay trở lại chế độ ăn lúc trước nữa.”

Bằng cách áp dụng chế độ ăn uống dựa trên hoa quả, rau và các loại thức ăn nguyên hạt, Scott thu nạp được lượng dinh dưỡng tối đa từ lượng calo thấp nhất có thể, vì vậy, cơ thể anh không bị buộc phải mang theo hoặc xử lý những khối thức ăn vô bổ. Và vì carbohydrate được dọn khỏi dạ dày nhanh hơn protein, nên anh có nhiều thời gian tập luyện trong ngày hơn, vì không phải ngồi chờ một cục thịt nào đó tiêu hóa hết. Rau, các loại hạt và đậu chứa tất cả các axit amin cần thiết để tạo cơ bắp. Giống như một người chạy bộ Tarahumara, anh luôn sẵn sàng chạy bất kỳ cự ly nào, vào bất kỳ lúc nào.

Tất nhiên, là trừ khi anh ta bị hết nước.

“Không ổn rồi, các anh ạ!” Luis kêu lên khi chạy ngược trở xuống. “Con suối trên đó cũng cạn khô.” Anh bắt đầu lo lắng; anh vừa thử đi tiểu tiện, và sau bốn giờ liền đổ mồ hôi dưới cái nóng đến 35 độ, nước tiểu của anh trông cứ như cà phê mua ở cửa hàng tiện tích vậy. “Tôi nghĩ là chúng ta nên cố chạy về thôi.”

Scott và Caballo đồng ý. “Nếu chúng ta dốc sức, thì chỉ khoảng một giờ là xuống đến nơi thôi.” Caballo nói. “Oso!” Anh ta hỏi tôi. “Anh ổn chứ?”

“Ừ, tôi không sao.” Tôi trả lời. “Và chúng tôi vẫn còn nước đây.”

“Được rồi, vậy thì cùng làm thôi.” Ted Chân Đất nói.

Chúng tôi bắt đầu chạy thành hàng xuống đường mòn, Caballo và Scott chạy đầu tiên. Ted Chân Đất quả là đáng nể; anh ta chạy nhanh xuống dốc sát ngay sau Luis và Scott, hai trong số những người đổ dốc giỏi nhất trong môn thể thao này. Khi những tay cừ khôi nhất rượt đuổi nhau thì tốc độ trở nên rất dữ dằn. “YEEEEAAAHHH, PHÊ CHƯA!” Jenn và Billy hú lên.

“Chậm bớt lại!” Eric bảo tôi. “Chúng ta sẽ ngã nếu cứ cố bám theo họ.”

Chúng tôi chạy chậm bớt, tụt sâu lại đằng sau trong khi những người còn lại chạy vắt từ bên nọ sang bên kia trên con đường hình chữ chi. Chạy đổ dốc có thể làm tan nát cơ tứ đầu đùi của bạn, chưa kể bạn có thể bị lật cổ chân nữa. Vì vậy, mẹo ở đây là phải giả như bạn đang chạy lên dốc: guồng bàn chân thẳng dưới cơ thể như một người thợ xẻ đang lăn một cây gỗ, rồi kiểm soát tốc độ bằng cách ngả người ra sau, và thu ngắn các bước chạy.

Đến giữa buổi chiều, cái nóng trong vùng hẻm núi lên đến đỉnh điểm, gần tới 38 độ. Những người khác đã ra khỏi tầm mắt nên Eric và tôi cứ thong thả, chạy chậm rãi, thường xuyên uống nước từ hai ba lô nước đang cạn đi rất nhanh. Chúng tôi dò dẫm cẩn thận tìm lối đi xuống giữa một mạng lưới lằng nhằng các lối mòn mà không để ý rằng khoảng một giờ trước đó, Jenn và Billy đã biến mất.

“Máu dê cũng ngon đấy!” Billy khăng khăng. “Chúng ta có thể uống máu, rồi ăn thịt. Thịt dê cũng ngon nữa.” Cậu ta đã đọc một cuốn tự truyện của người đàn ông đã thoát chết trên sa mạc Arizona nhờ dùng đá đập chết một con ngựa hoang và hút máu từ cổ nó. Geronimo cũng đã dùng cách đó. Billy nghĩ. Gượm đã, có thể là Kit Carson mới đúng…

Uống máu ấy à? Jenn, với cái cổ quá khát khô không nói chuyện nổi, chỉ biết trừng mắt nhìn Billy. Cậu ta mất trí rồi, cô nghĩ. Hai người bọn họ còn chẳng đi bộ nổi, gã Đầu Đất này lại nói đến chuyện giết một con dê mà họ không thể bắt nổi bằng một con dao, thậm chí giờ này dao cũng chẳng có. Cậu ta còn tệ hơn cả mình. Cậu ta…

Đột nhiên, bụng cô quặn thắt lại đến mức không thở nổi. Cô đã hiểu ra. Billy không phải đang hóa dại vì sức nóng. Cậu ta nói năng điên rồ như vậy là vì chuyện duy nhất không điên rồ để nói bây giờ lại là điều mà cậu ta không muốn thừa nhận: họ không có cách nào thoát được khỏi đây.

Vào một ngày bình thường, không ai trên đời này có thể bỏ rơi Jenn và Billy trong một cuộc chạy đường mòn vẻn vẹn sáu dặm, nhưng hôm nay lại là một ngày tệ hại. Cái nóng, cơn say váng vất, và hai cái bụng trống không đã bắt kịp họ khi mới xuống núi được nửa đường. Họ đã lạc mất Caballo sau một lối ngoặt gấp, rồi họ gặp phải một ngã ba trên đường mòn. Và sau đó, họ nhận ra mình hoàn toàn cô độc.

Mất phương hướng, Jenn và Billy lang thang ra khỏi ngọn núi và lọt vào một mê cung đá với những lối đi chằng chịt tỏa ra khắp hướng. Những bức tường đá hắt nhiều nhiệt ra tới mức, Jenn ngờ rằng cô và Billy chỉ đang đi theo bất kỳ hướng nào trông có vẻ đỡ nắng hơn. Jenn thấy chóng mặt, như thể tâm trí cô đang trôi nổi tự do ra khỏi cơ thể. Họ chưa ăn gì sau khi chia nhau phong PowerBar sáu giờ trước, và chưa được uống ngụm nước nào từ giữa trưa. Ngay cả cơn sốc nhiệt không quật ngã họ, thì Jenn biết rằng họ vẫn nguy to: cái nóng gần 38 độ đó sẽ sụt giảm, nhưng sau đó nó sẽ giảm tiếp. Đến khi Mặt trời lặn, họ sẽ run rẩy trong cái lạnh buổi đêm, chỉ mặc độc quần đùi lướt ván và áo phông, chết vì khát và phơi nhiệt tại một trong những nơi khó tiếp cận nhất của Mexico.

Họ sẽ biến thành hai cái xác kỳ dị, Jenn nghĩ trong khi họ lê bước bên nhau. Bất kỳ ai tìm thấy họ sau này sẽ phải băn khoăn tại sao hai người cứu hộ bờ biển 22 tuổi mặc đồ lướt sóng lại xong đời dưới đáy vực ở Mexico, cứ như có một con sóng quái gở từ tận Baja quăng họ đến đây. Jenn chưa từng cảm thấy khát đến thế; cô đã từng sụt hơn năm cân sau một cuộc đua 100 dặm nhưng cũng không cảm thấy mệt mỏi vô vọng như lúc này.

“Nhìn kìa!”

“Khát nước gặp mưa rào!” Jenn kinh ngạc. Dưới một gờ đá, Billy tìm thấy một vũng nước. Họ chạy về phía đó, luống cuống vặn mấy cái nắp chai, rồi khựng lại.

Vũng nước đó không hẳn là nước. Nó là bùn đen có váng màu xanh lục, đầy ruồi nhặng vo ve và bị lũ dê, lừa khuấy lên. Jenn cúi xuống nhìn kỹ hơn. Ôi chao! Mùi kinh tởm tới mức họ biết ngay là nếu uống một ngụm nước trong đó thì sẽ ra sao; đến đêm, họ sẽ trở nên yếu nhớt vì cơn sốt và tiêu chảy đến mức không lê lết nổi, hoặc bị nhiễm khuẩn tả, trùng roi hay giun chỉ, thứ bệnh chỉ có thể chữa bằng cách từ từ lôi những con giun dài gần một mét ra khỏi cục áp xe nổi lên trên da hay trong hốc mắt của bạn.

Nhưng họ cũng biết điều gì sẽ xảy ra nếu không uống ngụm nước ấy. Jenn vừa mới đọc câu chuyện về hai người bạn thân bị lạc trong một vùng hẻm núi ở New Mexico và hóa điên vì nắng sau cả một ngày không được uống nước, để rồi một trong hai người đâm người kia tới chết. Cô cũng nhìn thấy những bức ảnh của người leo núi được tìm thấy ở Thung lũng Chết với miệng đầy đất, vì trong những khoảnh khắc sống sót cuối cùng, họ đã cố gắng tìm cách hút lấy hơi ẩm từ những đụn cát khô cằn. Cô và Billy có thể tránh cái vũng nước đó rồi chết khát, hoặc đánh liều nuốt vài ngụm rồi chết vì nguyên nhân khác.

“Cứ tạm nhịn đã!” Billy nói. “Nếu không thể tìm thấy đường sau một giờ nữa, thì ta sẽ quay lại chỗ này.”

“Được. Đường này nhé?” Cô nói, và chỉ tay theo một hướng còn đi xa hơn khỏi Batopilas và dẫn thẳng tới vùng hoang vu trải dài 400 dặm ra tận biển Cortez.

Billy nhún vai. Sáng nay họ đã quá vội vã và còn chuếnh choáng nên chẳng hề chú ý xem đang đi về hướng nào, mà thực ra cũng chẳng quan trọng lắm: nhìn phía nào thì cảnh vật trông cũng giống y hệt. Vừa đi Jenn vừa nhớ lại lúc cô chế giễu mẹ mình đêm hôm trước khi cô cùng Billy đến El Paso. “Jenn.” Mẹ cô van nài. “Con đâu có biết những người này. Làm sao con biết họ có chăm lo cho con không nếu có chuyện gì tồi tệ xảy ra?”

Khốn kiếp thật! Jenn nghĩ. Mẹ nói đúng.

“Được bao lâu rồi nhỉ?” Cô hỏi Billy.

“Khoảng 10 phút.”

“Em chẳng đợi được nữa đâu. Mình quay lại đi.”

“Thôi được.”

Khi họ tìm lại được vũng nước nọ, Jenn đã sẵn sàng quỳ sụp xuống và vục mồm uống luôn, nhưng Billy đã giữ cô lại. Cậu ta gạt đám váng xanh ra, lấy tay bịt miệng hở của cái chai, rồi vục nó sâu xuống và lấy nước từ đáy vũng, với hy vọng nhỏ nhoi rằng nước ở dưới lớp váng bẩn sẽ ít vi khuẩn hơn. Cậu ta đưa cái chai cho Jenn, rồi cũng lấy nước vào chai của cô theo cách đó.

“Em vẫn biết là sẽ có ngày anh giết em mà.” Jenn nói. Họ cụng chai, nói “Chúc sức khỏe” rồi bắt đầu uống, cố gắng để không nôn ra.

Họ uống cạn chai, rồi lấy thêm đầy nước, bắt đầu đi về phía tây vào vùng hoang vu. Trước khi kịp đi xa, họ nhận ra những cái bóng đổ đang bắt đầu trải dài ra phía bên kia hẻm núi.

“Chúng ta phải lấy nhiều nước hơn.” Billy nói. Cậu ta ghét phải quay lại, nhưng cơ hội duy nhất để họ sống sót được qua đêm nay là trở về vũng nước và trụ lại đó tới bình minh. Có thể sau khi họ uống ba chai nước đầy, họ sẽ đủ sức leo lên núi một lần nữa để nhìn được quang cảnh xung quanh trước khi bóng tối sập xuống.

Rồi sau đó, họ quay lại, một lần nữa, đi vào sa mạc đá.

“Billy ơi!” Jenn nói. “Chúng ta gặp rắc rối to rồi.”

Billy không trả lời. Cậu ta đang đau đầu muốn chết, và không hiểu sao một dòng thơ trong bài Tiếng hú cứ giáng những nhịp quặn đau vào sọ cậu:

… những ai biến mất vào núi lửa ở Mexico chẳng để lại bất cứ thứ gì ngoài đống quần áo vải thô, với dung nham và tro tàn của thi ca…

Biến mất ở Mexico, Billy nghĩ. Chẳng để lại gì.

“Billy.” Jenn lặp lại. Trước đây cô và Đầu Đất từng gây ra cho nhau nhiều đau khổ, nhưng họ đã tìm ra cách để không còn làm tan vỡ trái tim nhau và trở thành bạn thân. Cô đã lôi Billy vào chuyện này, và cảm thấy khổ sở vì những gì sẽ xảy ra cho cậu hơn là với cô.

“Là thật đấy, Billy.” Jenn nói. Nước mắt bắt đầu chảy xuống khuôn mặt cô. “Chúng ta sẽ chết ở đây. Hôm nay chúng ta sẽ chết.”

“IM ĐI!” Billy hét lên, cậu ta bị kích động khi trông thấy những giọt nước mắt của Jenn tới mức nổi cơn điên chẳng ra dáng Đầu Đất ngày thường nữa. “IM NGAY ĐI NÀO!”

Cơn nóng giận làm cả hai khựng lại, lặng im. Và trong khoảnh khắc đó, họ nghe thấy một tiếng động: tiếng đá lăn lạo xạo đâu đó phía sau lưng.

“Ê!” Jenn và Billy đồng thanh hét. “Ê NÀY! NÀY!”

Họ vùng chạy trước cả khi nhận ra mình hoàn toàn không biết là đang chạy đến cái gì. Caballo đã cảnh báo cho họ rằng nếu có thứ gì còn nguy hiểm hơn cả bị lạc ở nơi này, thì chính là bị tìm thấy.

Jenn và Billy khựng lại, cố gắng nhìn vào các vùng bóng tối phía dưới đỉnh thung lũng. Liệu có phải là người Tarahumara không? Một thợ săn Tarahumara sẽ vô nhân ảnh, Caballo đã nói vậy; anh ta sẽ quan sát từ xa, và nếu như không thích thứ mình nhìn thấy, anh ta sẽ biến mất vào rừng sâu. Nhỡ là bọn canh gác cho các băng đảng ma túy thì sao? Dù đó là ai đi nữa thì họ vẫn phải liều thôi.

“NÀY!” Họ hô lên. “AI ĐẤY?”

Họ lắng nghe cho tới khi tiếng vọng cuối cùng của chính họ tan biến. Rồi một cái bóng tách ra từ hẻm núi, tiến dần về phía họ.

“Anh nghe thấy chứ?” Eric hỏi tôi.

Phải mất hai giờ chúng tôi mới xuống được tới chân núi. Chúng tôi liên tục mất dấu của lối mòn, phải dừng lại, đi ngược lên và lật lại trí nhớ để tìm dấu vết trước khi tiếp tục. Đám dê hoang đã biến ngọn núi thành một mạng lưới chằng chịt các lối mòn mờ nhạt, và Mặt trời thì đang lặn qua mép đỉnh hẻm núi, khiến việc định hướng trở nên khó khăn hơn.

Cuối cùng chúng tôi phát hiện ra một lòng suối cạn phía xa bên dưới mà tôi tin chắc sẽ dẫn đến dòng sông. Cũng vừa kịp lúc; tôi vừa uống hết nước nửa giờ trước và bắt đầu thấy khô miệng. Tôi chuyển sang chạy, nhưng Eric đã gọi giật lại. “Phải kiểm tra cho chắc đã.” Anh ta bảo. Anh ta leo ngược lên mép vực đá để xem lại hướng đi và vị trí.

“Có vẻ ổn đấy!” Anh gọi vọng xuống. Anh bắt đầu leo xuống – và ngay lúc đó đã nghe thấy tiếng vọng đến từ đâu đó trong những rãnh đá. Anh ta gọi tôi lên, và hai chúng tôi bắt đầu đi theo tiếng vọng. Một lát sau, chúng tôi tìm thấy Jenn và Billy. Jenn vẫn đang nước mắt giàn giụa. Eric đưa nước cho họ, còn tôi cho họ mấy gói gel cuối cùng.

“Các bạn thực sự đã uống nước ở kia à?” Tôi hỏi và nhìn bãi phân lừa nằm trong vũng nước, vẫn hy vọng rằng họ nhầm với một vũng nước khác.

“Đúng vậy!” Jenn nói. “Chúng tôi vừa quay lại để lấy thêm đây.”

Tôi lôi máy ảnh ra chụp để đề phòng sau này một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm muốn nhìn rõ xem thứ gì đã chui vào bụng họ. Dù kinh tởm tới đâu đi nữa, thì vũng nước đó cũng đã cứu mạng họ: nếu Jenn và Billy không quay lại để lấy thêm nước đúng vào thời khắc ấy, thì hẳn là họ vẫn đang đi sâu hơn nữa vào vùng đất hoang vu, với những bức tường đá của vùng hẻm núi khép lại sau lưng.

“Cô còn chạy thêm được chút nữa không?” Tôi hỏi Jenn. “Tôi nghĩ là chúng ta không xa ngôi làng lắm đâu.”

“Được.” Jenn trả lời.

Chúng tôi bắt đầu chạy chậm rãi, nhưng có vẻ như nước và gel đã giúp Jenn và Billy hồi sinh, họ bắt đầu chạy với một tốc độ mà tôi gần như không thể theo nổi. Một lần nữa, tôi lại kinh ngạc với sức hồi phục của họ sau khi cận kề cõi chết. Eric dẫn chúng tôi xuống lòng suối cạn, rồi tìm thấy một chỗ quành ở một rãnh đá mà anh nhận ra. Chúng tôi rẽ ngoặt sang trái, và ngay cả khi ánh sáng đang dần dần yếu đi, tôi vẫn có thể nhận ra đám bụi đất trước mặt có dấu chân người. Khoảng một dặm rưỡi sau đó, chúng tôi ra khỏi rãnh đá và thấy Scott cùng với Luis đang sốt ruột ngồi đợi ngoài rìa Batopilas.

Chúng tôi mua bốn lít nước từ một cửa hàng tạp hóa và bỏ vào cả nắm i-ốt. “Tôi chẳng biết thế này có tác dụng gì không,” Eric nói, “nhưng may ra các bạn có thể tống được đám vi khuẩn đã nuốt vào.” Jenn và Billy ngồi bên lề đường, bắt đầu nốc ừng ực. Trong khi họ uống nước, Scott giải thích rằng không ai nhận ra Jenn và Billy đã biến mất cho tới khi cả đám còn lại đã xuống núi. Đến lúc đó, mọi người đều đã mất nước trầm trọng tới mức việc quay lại để tìm kiếm chỉ làm cho tất cả cùng gặp nguy hiểm. Caballo cầm lấy một chai nước và đi một mình, dặn dò những người còn lại ở yên tại chỗ; anh không muốn đám khách của mình lại tỏa đi khắp nơi trong vùng hẻm núi vào buổi đêm.

Khoảng nửa giờ sau, Caballo chạy trở lại Batopilas, mặt đỏ lựng và đẫm mồ hôi. Anh đã không gặp chúng tôi ở mấy lối rẽ vào các rãnh đá, và khi nhận ra rằng việc đi tìm một mình như vậy là vô vọng đến mức nào, anh quay trở lại thị trấn để tìm sự giúp đỡ. Anh nhìn Eric và tôi – mệt mỏi nhưng vẫn đứng vững – rồi nhìn hai người chạy siêu dài trẻ tuổi, kiệt sức và thẫn thờ bên lề đường. Tôi đã đoán được Caballo đang nghĩ gì trước cả khi anh nói ra.

“Bí quyết của anh là gì vậy?” Anh ta hỏi Eric, hất hàm về phía tôi. “Anh đã sửa chữa anh ta như thế nào vậy?”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3