Sơn Ca Vẫn Hót - Chương 16

31

Ngày 5 tháng Năm năm 1995

Portland, Oregon

Tôi đang chạy trốn khỏi nhà, - tôi nói với người phụ nữ trẻ ngồi bên cạnh. Cô ta có mái tóc nhuộm sặc sỡ và nhiều hình xăm hơn cả một tay đua mô tô chuyên quậy phá, nhưng cô ta cũng một mình giống như tôi trong máy bay đầy người này. Tôi được biết cô ta tên là Felicia. Trong hơn hai giờ qua - vì có thông báo chuyến bay của chúng tôi bị chậm - chúng tôi trở thành bạn đường. Cùng đến với nhau là một việc tự nhiên. Cô ta thấy tôi chế nhạo món khoai tây chiên giòn kinh khủng và tình yêu kiểu Mỹ, còn tôi thấy cô ta đang quan sát tôi. Rõ ràng cô ta đói. Rất tự nhiên, tôi gọi cô ta lại và đề nghị mua đồ ăn cho cô. Đã có thời tôi là một người mẹ, và luôn luôn là một người mẹ.

- Hoặc có lẽ là rốt cuộc, tôi sắp về nhà sau nhiều năm chạy trốn. Đôi khi khó mà biết được đâu là sự thật.

- Cháu cũng đang chạy trốn, - cô ta nói và xì xụp uống cốc nước ngọt to bằng cái hộp đựng giày tôi mua cho cô. - Nếu Paris không đủ xa, điểm dừng tiếp theo sẽ là Nam Cực.

Tôi nhìn qua vẻ cứng cỏi trên khuôn mặt và sự thách thức trong những hình xăm của Felicia, và cảm thấy một sự liên kết lạ lùng với cô, lòng yêu nước. Chúng tôi đang cùng chạy trốn.

- Tôi bị ốm, - tôi nói và ngạc nhiên vì lời thú nhận.

- Ốm, giống như cắt tóc kiểu con trai ấy à? Cô của cháu làm thế. Trông gớm chết.

- Không, ốm giống như ung thư.

- Ồ. - Xì. Xụp. - Tại sao bà đến Paris? Bà không cần hóa trị à?

Tôi bắt đầu trả lời cô ta (không, không phải tôi đi chữa trị, tôi đã làm mọi thứ đó rồi). Tại sao bà đến Paris? Và tôi im lặng.

- Cháu hiểu. Bà sắp chết. - Cô ta lắc cái cốc mạnh đến nỗi những viên đá trong cốc kêu lanh canh. - Đã cố làm mọi thứ. Mất hết hy vọng và đại loại thế.

- Chuyện quái gì thế này?

Tôi suy nghĩ rất lung - trong lời tuyên bố bình dị không ngờ của cô ta (bà sắp chết) khiến tôi mất một lúc mới nhận ra rằng chính là Julien vừa hỏi. Tôi ngước nhìn con trai. Nó mặc chiếc áo vét lụa màu xanh hải quân tôi tặng dịp Giáng sinh năm nay và quần jeans đen mài hợp mốt. Tóc nó rối bù và đeo bên vai một túi du lịch nhỏ bằng da màu đen. Trông nó không vui.

- Mẹ đi Paris à?

“Chuyến bay 605 của hãng Air France sẽ mở cửa trong năm phút nữa”.

- Của chúng ta đấy, - Felicia nói.

Tôi biết con trai tôi đang nghĩ gì. Lúc còn bé, nó van nài tôi đưa nó đến Paris. Nó thèm được đến những nơi tôi nhắc đến trong các câu chuyện kể lúc đi ngủ, nó muốn biết cảm thấy ra sao khi tản bộ dọc sông Seine ban đêm hoặc đến cửa hàng mỹ nghệ ở quảng trường Vosges, hoặc ngồi trong vườn Tuilleries, ăn một cái bánh macaron ở cửa hàng Ladurée. Tôi từ chối mọi yêu cầu, nói giản dị: Bây giờ mẹ là một người Mỹ, chỗ của mẹ là ở đây.

“Chúng tôi muốn bắt đầu với các hành khách mang theo trẻ em dưới hai tuổi hoặc những ai cần thêm chút thời gian và các khách hạng nhất...”

Tôi đứng dậy, nâng cái tay kéo va li.

- Đến lượt mẹ đấy.

Julien đứng ngay trước mặt tôi, dường như muốn chắn đường tôi ra cửa.

- Tự dưng mẹ lại đi Paris một mình à?

- Đây là một quyết định vào phút cuối cùng. Quái gở, thế thôi.

- Tôi tặng thằng bé nụ cười dễ thương nhất mà tôi có thể làm trong mọi hoàn cảnh. Tôi đã làm tổn thương tình cảm của nó, và chưa bao giờ tôi có ý định ấy.

- Vì cái giấy mời ấy, - Julien nói. - Và mẹ chưa bao giờ kể thật cho con.

Sao tôi lại nói thế qua điện thoại?

- Mẹ làm thế cho có vẻ kịch tính, - tôi nói và xua xua bàn tay xương xẩu. - Không phải thế đâu. Bây giờ mẹ phải lên máy bay. Mẹ sẽ gọi cho con...

- Không cần. Con đi cùng với mẹ.

Bất chợt, tôi nhận ra một bác sĩ phẫu thuật trong nó, người thường chăm chú nhìn qua máu và xương để tìm ra thứ gẫy vỡ.

Felicia đeo cái ba lô lính lên vai và ném cái cốc rỗng vào thùng rác, nó đập vào miệng thùng và rơi thịch vào bên trong.

- Hết chạy trốn một mình được rồi, nàng ơi!

Tôi không biết cảm thấy nhẹ nhõm hay thất vọng.

- Con có ngồi cạnh mẹ không?

- Khi lấy vé gấp như thế ư? Không.

Tôi nắm tay kéo va li và đi tới một phụ nữ xinh đẹp mặc đồng phục xanh lơ-và-trắng. Cô ta nhận lấy thẻ lên máy bay của tôi, chúc tôi có chuyến bay tốt đẹp, còn tôi lơ đãng gật đầu và bước tới.

Cái cầu thang kéo tôi tới phía trước. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy hơi tù túng. Tôi hầu như không thở nổi, không thể giật mạnh những bánh xe màu đen của chiếc va li qua bậc cấp kim loại.

- Con đây, mẹ, - Julien nói khẽ, nó cầm va li của tôi và dễ dàng nhấc qua chướng ngại vật. Âm thanh của giọng nó nhắc tôi rằng tôi là một người mẹ, mà những người mẹ không có thói quen xa xỉ là tỏ ra yếu đuối trước mặt con cái, kể cả khi chúng sợ hãi, kể cả khi chúng đã trưởng thành.

Một nữ tiếp viên nhìn tôi và có vẻ đây là một người già cần giúp đỡ. Cuộc sống nơi tôi ở bây giờ, trong cái xó chật hẹp đầy những người già như que tăm bông, đã giúp tôi nhận ra nét mặt đó. Nó thường làm tôi khó chịu, khiến tôi thẳng lưng và gạt sang một bên những người trẻ cứ chắc mẩm tôi không thể tự đối phó trong cõi đời, nhưng lúc này tôi mệt mỏi, sợ hãi và một chút giúp đỡ cũng không phải là dở. Tôi đã phung phí mua vé hạng nhất. Mà sao lại không chứ? Tôi không thấy có nhiều lý do để tiết kiệm tiền nữa.

- Cảm ơn cô, - tôi nói với cô tiếp viên lúc tôi ngồi xuống. Con trai tôi là người tiếp theo lên máy bay. Lúc nó mỉm cười với cô tiếp viên, tôi nghe thấy một tiếng thở dài khe khẽ, và tôi nghĩ tất nhiên rồi. Phụ nữ mê tít Julien từ khi nó chưa vỡ giọng.

- Hai người đi du lịch cùng nhau ạ? - Cô ta hỏi, và tôi biết cô ta đang cho điểm Julien là một đứa con ngoan.

Julien tặng cô ta một trong những nụ cười làm tan băng giá của nó.

- Vâng, nhưng chúng tôi không thể ngồi cùng nhau. Tôi ở sau mẹ tôi ba hàng. - Nó chìa thẻ lên máy bay cho cô ta.

- Ồ, tôi chắc là có thể giải quyết việc này cho anh, - cô ta nói lúc Julien xếp va li của tôi và túi du lịch của nó lên giá trên chỗ ngồi của tôi.

Tôi chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ, mong nhìn thấy trên lớp nhựa đường nhộn nhịp những người mặc gi lê màu cam vẫy tay và dỡ hành lý, song chỉ thấy những dòng nước chảy ngoằn ngoèo trên bề mặt nhựa trong suốt, đan kết lại trong những dòng hồi tưởng óng ánh như bạc, tôi chằm chằm nhìn lại vào chính mình.

- Cảm ơn cô rất nhiều, - tôi nghe thấy Julien nói rồi nó ngồi xuống cạnh tôi, cài dây an toàn, kéo sợi dây thẳng căng qua eo.

- Vậy, - nó nói sau một lúc ngừng đủ dài để mọi người đi qua chúng tôi thành một dòng đều đều và cô tiếp viên xinh đẹp (đã kịp chải lại tóc và dặm thêm phấn son) mời chúng tôi champagne. - Cái giấy mời ấy.

Tôi thở dài.

- Giấy mời. - Phải. Đó là khởi đầu câu chuyện. Hoặc là đoạn kết, tùy thuộc vào cách nhìn của từng người. - Đây là một cuộc họp mặt. Ở Paris.

- Con không hiểu, - Julien nói.

- Con chưa bao giờ để ý.

Nó nắm tay tôi. Cái động chạm của nó là của một bác sĩ, đáng tin cậy và an ủi.

Tôi nhìn thấy toàn bộ đời mình trên khuôn mặt nó. Tôi thấy một đứa con đến với tôi trong một thời gian rất dài sau khi tôi đã bị các bác sĩ cho là tuyệt vọng... và dấu vết vẻ đẹp tôi đã có một thời. Tôi thấy... cuộc đời tôi trong mắt nó.

- Con biết có chuyện gì đó mẹ muốn kể cho con nghe, và dù nó là gì đi nữa, cũng rất khó cho mẹ. Cứ bắt đầu từ đầu, mẹ ạ.

Nghe thế, tôi không sao nén được nụ cười. Con trai tôi đúng là đặc Mỹ. Nó cho rằng cuộc đời một con người có thể rút thành câu chuyện, có mở đầu và kết thúc. Nó chẳng biết gì về sự hy sinh mà, một khi đã thực hiện, không thể được lãng quên hay chịu đựng hoàn toàn. Làm sao nó biết được? Tôi đã che giấu nó toàn bộ chuyện này.

Im lặng. Tôi đang ở đây, trên một chuyến bay về quê nhà, và tôi có cơ hội lựa chọn một quyết định khác hẳn, khi nỗi đau của tôi còn chưa phai mờ và tương lai dựa vào quá khứ hình như là điều không thể.

- Để sau, - tôi nói và lần này tôi thành thật. Tôi sẽ kể cho nó câu chuyện về cuộc chiến của tôi, về em gái tôi. Lẽ tất nhiên là không kể tất tần tật, không kể những phần tệ hại nhất, mà chỉ một số điều thôi. Đủ để nó biết một phiên bản thật hơn của tôi. - Không phải ở đây. Mẹ mệt lả rồi. - Tôi dựa vào lưng ghế đồ sộ của vé hạng nhất và nhắm mắt lại.

Làm sao tôi có thể bắt đầu từ đầu, khi tôi chỉ có thể nghĩ đến đoạn kết?

32

Nếu bạn đang đi qua địa ngục, hãy cứ đi tiếp

WINSTON CHURCHILL

Tháng Năm năm 1944

Pháp

Trong vòng mười tám tháng kể từ khi quân Đức Quốc xã chiếm đóng toàn bộ nước Pháp, cuộc sống càng trở nên nguy hiểm hơn, nếu có thể nói thế. Các tù chính trị Pháp bị giam giữ tại Drancy và bỏ tù ở Fresnes, hàng trăm ngàn người Do Thái bị trục xuất đến các trại tập trung ở Đức. Các trại mồ côi ở Neuilly-sur- Seine và Montreuil trống rỗng, trẻ em bị đưa đến các trại tập trung, còn các em ở Trường đua mùa Đông - hơn bốn ngàn em - bị tách khỏi cha mẹ và gửi đến các trại tập trung một mình. Quân Đồng minh ném bom cả ngày lẫn đêm. Những vụ bắt giữ xảy ra không ngừng, dân chúng bị lôi ra khỏi nhà hoặc cửa hàng vì những vi phạm vặt vãnh nhất, vì nghe đồn là chống đối, rồi bị tống giam hoặc trục xuất. Những con tin vô tội bị bắn chết vì những việc họ chẳng hề hay biết, nam giới từ mười tám đến năm mươi tuổi bị đưa đến các trại lao động khổ sai ở Đức. Không một ai cảm thấy an toàn. Không còn những ngôi sao màu vàng đính trên quần áo nữa. Không ai dám đưa mắt hoặc nói năng với người lạ. Điện bị cắt hoàn toàn.

Isabelle đứng ở một góc phố tấp nập, chuẩn bị băng qua, nhưng đôi giày đế gỗ ọp ẹp của nàng chưa kịp đặt lên đường phố lát đá cuội, thì một tiếng còi rít lên. Nàng lùi vào bóng một cây dẻ đang nở hoa.

Những ngày này, Paris như một người đàn bà la hét. Ồn ào, than phiền, la ó. Còi rít lên, súng nổ, xe tải chạy ầm ầm, binh lính quát tháo. Ngọn triều chiến tranh đã dâng cao. Quân Đồng minh đã đặt chân vào đất Italy, và bọn Đức Quốc xã thất bại phải rút chạy. Những thiệt hại đã thúc đẩy bọn Đức Quốc xã ngày càng hung hãn hơn. Tháng Ba, chúng tàn sát ba trăm thường dân Italy ở Rome để trả đũa cho vụ du kích nổ bom giết chết hai mươi tám lính Đức. Cuối cùng, Charles de Gaulle đã nắm quyến kiểm soát toàn bộ các lực lượng Nước Pháp Tự do, và tuần này đã trù tính một sự kiện lớn lao.

Một đoàn lính Đức đang diễu hành trên đại lộ Saint-Germain trên đường tới Champs Élysées, dẫn đầu là một sĩ quan cưỡi trên lưng con ngựa đực trắng muốt.

Chúng vừa đi qua, Isabelle băng qua phố và hòa lẫn vào đám lính Đức tụ tập trên vỉa hè. Nàng nhìn chằm chằm xuống đất, đôi bàn tay đi găng cuộn quanh cái xắc. Quần áo nàng cũ kỹ và tả tơi như hầu hết những người dân Paris, và tiếng lóc cóc của đế giày gỗ vang lên. Không ai còn giày da nữa. Nàng tránh hàng dài các bà nội trợ và trẻ em mặt mũi hốc hác đứng bên ngoài cửa hàng bánh hoặc cửa hàng thịt. Trong hai năm qua, khẩu phần đã bị cắt giảm nhiều lần, dân chúng ở Paris sống sót bằng tám trăm calo mỗi ngày. Không còn nhìn thấy chó, mèo hoặc chuột trên đường phố. Tuần này, có thể mua bột sắn hột và đậu tây. Không có gì nữa. Trên đại lộ Nhà Ga, hàng đống đồ gỗ, các tác phẩm nghệ thuật và đồ kim hoàn - đủ thứ giá trị - cướp được của những người bị trục xuất. Của nả của họ được phân loại, đóng thùng và gửi về Đức.

Nàng cúi đầu bước vào Hai Pho Tượng ở Saint-Germain và ngồi ở hàng sau, trên cái ghế dài bọc nhung đỏ, nàng sốt ruột đợi và quan sát các pho tượng quan lại Trung Hoa. Một phụ nữ có lẽ là Simone de Beauvoir* ngồi ở bên bàn gần cửa trước của hiệu cà phê. Chị ta cúi xuống một tờ giấy, cắm cúi viết. Isabelle lún sâu vào chiếc ghế bành thoải mái, nàng mệt lử. Chỉ trong một tháng qua, nàng đã vượt dãy Pyrénées ba lần và thăm từng ngôi nhà an toàn, trả tiền cho các passeur của mình. Giờ đây, mỗi bước đi đều nguy hiểm vì không còn Vùng Tự do nữa.

Simone de Beauvoir (1908-1986): Tiểu thuyết gia, nhà soạn kịch và nhà viết tiểu luận của Pháp.

- Juliette.

Nàng ngước lên và thấy cha mình. Trong vài năm qua, ông đã già xọm - mà tất cả đều thế. Túng thiếu, đói khát, tuyệt vọng và sợ hãi đã để lại nhiều dấu ấn lên ông - da ông vàng xỉn, thô ráp và có nhiều nếp nhăn sâu.

Ông gầy đến mức giờ đây đầu ông hình như quá to so với người.

Ông lướt vào ngăn ngồi đối diện với nàng, đặt bàn tay nhăn nheo lên cái bàn gỗ gụ lỗ chỗ.

Isabelle vươn tới, siết chặt tay mình quanh cổ tay ông. Lúc rút tay lại, trong lòng bàn tay nàng là một cuộn giấy tờ giả to cỡ cái bút chì được ông giấu trong tay áo. Nàng thành thạo nhét chúng vào trong áo ngực và mỉm cười với người hầu bàn vừa xuất hiện.

- Cà phê, - cha nàng nói, giọng mệt mỏi.

Isabelle lắc đầu.

Người phục vụ quay lại với một cốc cà phê hạt đại mạch và lại mất hút.

- Hôm nay bọn chúng có một cuộc họp. Bọn Đức Quốc xã cao cấp. Bọn SS cũng ở đó. Ba nghe thấy từ “Sơn ca”.

- Chúng ta phải cẩn thận, - nàng nói khẽ. - Ba còn liều hơn con vì lấy cắp phôi giấy căn cước.

- Ba già rồi. Thậm chí bọn chúng chẳng thèm nhìn ba. Có lẽ con nên nghỉ một đợt. Để người khác làm những chuyến leo núi thay con.

Nàng tặng ông một cái nhìn châm chọc. Người ta có nói những lời như thế này với đàn ông không? Phụ nữ là lực lượng không thể thiếu với Kháng chiến. Tại sao nam giới không thể nhìn ra điều đó?

Ông thở dài, thấy câu trả lời trong cái nhìn đối đầu của nàng.

- Con có cần một chỗ để lưu lại không?

Isabelle hiểu rõ giá trị của lời mời. Nó nhắc nàng về chặng đường mà hai chà con đã trải qua. Họ vẫn chưa gần gũi, nhưng họ làm việc cùng nhau, và đó mới là vấn đề. Ông không còn gạt nàng ra nữa, và bây giờ là lời mời. Nó cho nàng hy vọng rằng một ngày nào đó, khi chiến tranh chấm dứt, hai cha con có thể trò chuyện thực sự.

- Con không thể. Như thế sẽ đặt ba vào vòng nguy hiểm. - Trong suốt mười tám tháng qua, nàng không ở căn hộ đó nữa. Thậm chí trong thời gian đó, nàng không có mặt ở Carriveau hoặc gặp Vianne lần nào. Hiếm khi Isabelle qua ba đêm liền ở cùng một nơi. Cuộc sống của nàng là hàng loạt những căn phòng bị che giấu, những tấm nệm đầy bụi và những người lạ đáng ngờ.

- Con có nghe tin gì về chị con không?

- Con có nhiều bạn canh chừng cho chị ấy để không gặp rủi ro, và hai mẹ con chị ấy an toàn. Mọi thứ sẽ ổn thỏa với chị ấy, - nàng nói và nghe thấy niềm hy vọng làm mềm câu cuối cùng.

- Con đang nhớ chị, - ông nói.

Isabelle bỗng thấy mình đang nghĩ đến quá khứ, mong ước mình có thể buông bỏ nó. Đúng, nàng nhớ chị mình, nhưng nàng đã thiếu vắng Vianne trong nhiều năm, trong suốt đời nàng.

- Tốt. - Ông đột ngột đứng dậy.

Isabelle để ý đến bàn tay ông.

- Tay ba đang run kìa.

- Ba bỏ rượu rồi. Hình như say rượu là cái thời tồi tệ của ba.

- Con không biết ạ, - nàng nói và cười với ông. - Thời buổi này say rượu có vẻ là một ý tưởng hay đấy ba ạ.

- Cẩn trọng nhé, Juliette.

Nụ cười của ông tắt dần. Dạo này, mỗi lần gặp bất cứ ai, thật khó nói lời tạm biệt. Bạn không bao giờ biết liệu còn gặp lại họ lần nữa không.

- Ba cũng thế ạ.

+++++

Nửa đêm.

Isabelle nép trong bóng tối đằng sau bức tường đá đổ nát. Nàng ẩn sâu trong rừng và vận quần áo nông dân, chiếc gi lê bằng vải bò đã chứng kiến những ngày tươi đẹp hơn, đi ủng đế gỗ, áo cánh cắt từ tấm rèm cũ của buồng tắm. Xuôi theo hướng gió, nàng có thể ngửi thấy mùi khói từ đống lửa gần đấy nhưng không thể trông thấy kể cả tia lửa le lói của lò sưởi.

Một cành cây gẫy rắc đằng sau nàng.

Nàng thu mình thấp hơn, chỉ vừa đủ để thở.

Một tiếng huýt sáo cất lên. Bài hát du dương của một con sơn ca. Hoặc gần như thế. Nàng huýt sáo đáp lại.

Nàng nghe thấy tiếng chân, rồi tiếng thở. Sau đó là tiếng thì thầm:

- Iz?

Nàng đứng dậy và quay ngoắt lại. Một tia sáng mảnh quét qua nàng rồi tắt lịm. Nàng giẫm lên một thanh gỗ đổ và lao vào vòng tay của Gaëton.

- Anh nhớ em, - anh nói sau một nụ hôn, và nàng cảm thấy anh miễn cưỡng lùi lại. Hơn tám tháng qua, họ không gặp nhau. Mỗi lần nghe tin một đoàn tàu trật bánh hoặc một khách sạn Đức chiếm nổ tung hay một cuộc đụng độ với quân du kích, nàng lại lo.

Anh cầm tay nàng, dẫn nàng vào khu rừng tối om đến nỗi nàng không thể nhìn thấy người đi cạnh mình hoặc đường mòn dưới chân. Gaëton không bật đèn pin lần nào nữa. Anh biết tường tận các cánh rừng này, vì đã sống ở đây hơn một năm qua.

Đến cuối rừng, họ tới một cánh đồng bao la mọc đầy cỏ, có nhiều người đứng thành hàng. Họ đều cầm đèn pin, quét tới, lui như đèn hiệu, chiếu sáng khu vực bằng phẳng giữa các lùm cây.

Nàng nghe thấy tiếng động cơ máy bay trên đầu, cảm thấy tiếng rít của không khí lên má, và ngửi thấy mùi khí thải. Nó nhào xuống bên trên họ, bay thấp đủ làm cây cối rung lên. Nàng nghe thấy tiếng xào xạo lớn của máy móc, tiếng kim loại đập vào kim loại rồi một cái dù xuất hiện, rơi xuống, một cái thùng đồ sộ đung đưa dưới nó.

- Thả vũ khí đấy, - Gaëton nói. Kéo mạnh tay Isabelle, anh lại dẫn nàng vào rừng và leo lên một quả đồi, tới một lán trại ẩn sâu trong rừng. Giữa trại, một ngọn lửa mừng sáng rực màu cam, ánh sáng được tán cây dày rậm che kín. Vài người đàn ông đứng quanh đống lửa, hút thuốc và trò chuyện. Hầu hết họ tới đây để tránh STO - trục xuất cưỡng bức đến trại lao động khổ sai ở Đức. Tại đây, họ trở thành du kích và bắt đầu chiến đấu với quân Đức,- bí mật, được màn đêm che chở. Họ là Maquis* . Họ ném bom các đoàn tàu, làm nổ tung các kho đạn dược, vũ khí và làm các kênh mương ngập lụt, làm bất cứ việc gì có thể cắt đứt dòng hàng hóa và nhân lực từ Pháp sang Đức. Họ nhận được tiếp tế và tin tức từ quân Đồng minh. Cuộc sống luôngặp nguy hiểm, khi kẻ thù tìm thấy họ, chúng trả thù ngay lập tức và thường rất tàn bạo. Thiêu cháy, thúc súc vật húc, chọc mù mắt. Mỗi chiến sĩ Maquis đều mang một viên xy-a-nua* trong túi.

Đội viên du kích của Pháp trong Thế chiến II.

Loại độc dược cực mạnh.

Những người đàn ông trông bẩn thỉu, đói khát và hốc hác. Hầu hết mặc quần nhung kẻ, đội mũ nồi đen, mọi thứ đều cũ sờn, vá víu và bạc màu.

Mặc dù Isabelle tin vào mục đích chung của họ, nàng không muốn lẻ loi ở đây.

- Đi thôi, - Gaëton nói. Anh dẫn nàng qua đống lửa mừng, tới một cái lều nhỏ, trông bẩn thỉu, cửa lều bay phần phật lộ ra một cái túi ngủ đơn, một chồng quần áo và đôi ủng lấm bùn. Như thường lệ, căn lều bốc mùi bít tất bẩn và mùi mồ hôi.

Isabelle chúi đầu và cúi thấp để lấy đường vào trong.

Gaëton ngồi xuống cạnh nàng và đậy nắp lều lại. Anh không thắp đèn (cánh đàn ông sẽ thấy hình bóng họ bên trong và bắt đầu huýt sáo inh ỏi).

- Isabelle, - anh nói. - Anh nhớ em.

Nàng ngả người, ngã vào vòng tay anh và đợi hôn. Khi nụ hôn kết thúc - quá sớm - nàng hít một hơi sâu.

- Em có một tin nhắn từ London cho đội của anh. Paul nhận được lúc năm giờ chiều nay. "Những tiếng nức nở dài của các cây vĩ cầm mùa thu”.

Nàng nghe thấy Gaëton hít vào một hơi. Hiển nhiên là những lời này họ đã nhận qua đãi BBC, chứa đựng một mật mã.

- Quan trọng lắm à? - Nàng hỏi.

Đôi tay anh đưa lên mặt nàng, dịu dàng giữ lấy và kéo nàng vào để hôn lần nữa. Nụ hôn này chan chứa nỗi buồn. Một lời từ biệt nữa.

- Đủ quan trọng để anh phải ra đi ngay.

Nàng chỉ còn biết gật đầu.

- Chẳng bao giờ có thời gian, - nàng thì thầm. Những khoảnh khắc họ bên nhau cứ như là ăn trộm hoặc cướp giật được. Gặp nhau, họ chúi vào trong những xó xỉnh tăm tối, trong những căn lều bẩn thỉu hoặc những căn phòng đằng sau, họ làm tình trong bóng tối, nhưng sau đó họ không được nằm và trò chuyện như những người tình. Anh luôn bỏ nàng mà đi, hoặc nàng bỏ anh lại. Mỗi lần anh ôm nàng, nàng đều nghĩ: đây sẽ là lần cuối cùng mình gặp anh ấy. Và nàng đợi anh nói anh yêu nàng.

Nàng tự nhủ bây giờ đang là thời chiến. Anh yêu nàng, nhưng anh sợ tình yêu ấy, sợ mắt nàng, và dù sao nó sẽ gây bất lợi nhiều hơn là cầu hôn nàng. Trong những ngày tốt đẹp, thậm chí nàng tin thế.

- Việc anh sắp làm nguy hiểm như thế nào?

Một lần nữa, lại im lặng.

- Anh nhất định sẽ tìm thấy em, - anh nói nhỏ. - Có lẽ một đêm nào đó anh sẽ đến Paris và chúng ta sẽ lẻn vào rạp chiếu bóng, la ó những bản tin thời sự rồi đi dạo trong khuôn viên bảo tàng Rodin.

- Như những người đang yêu, - nàng nói, và gượng cười. Họ luôn nói thế với nhau, chia sẻ giấc mơ này của một cuộc sống hình như không thể nhớ lại và không chắc lại xảy ra.

Anh chạm vào mặt nàng, dịu dàng đến nỗi những giọt lệ dâng tràn mắt nàng.

- Như những người đang yêu.

+++++

Trong mười tám tháng qua, khi cuộc chiến leo thang và Đức Quốc xã gây hấn nhiều hơn, Vianne đã tìm thấy và che giấu mười ba em nhỏ vào trại mồ côi. Ban đầu chị vận động vùng nông thôn gần đó, theo sự hướng dẫn của Quỹ Giúp đỡ trẻ em. Đúng lúc này, Mẹ Nhất liên hệ với Ủy ban Phân phối chung Mỹ-Do Thái - một nhóm có thế lực đại diện cho các tổ chức từ thiện Do Thái tại Mỹ, đã tài trợ cho cuộc đấu tranh giải cứu trẻ em Do Thái - và họ đã đưa Vianne tiếp xúc thêm với nhiều trẻ em cần giúp đỡ. Thỉnh thoảng các bà mẹ xuất hiện trên ngưỡng cửa nhà chị, khóc lóc, tuyệt vọng, van nài chị giúp. Vianne chưa bao giờ quay lưng lại với bất cứ ai, nhưng chị luôn luôn sợ hãi.

Trong một ngày tháng Sáu ấm áp năm 1944, một tuần sau khi hơn một trăm năm mươi ngàn lính Đồng minh đặt chân lên Normandy, Vianne đứng trong lớp ở trại mồ côi, chăm chú nhìn các em ngồi sụp mệt mỏi sau bàn học. Lẽ tất nhiên các em rất mệt.

Trong năm qua, bom rơi hiếm khi ngừng. Các cuộc oanh tạc liên miên khiến Vianne không buồn đưa bọn trẻ xuống hầm khi còi báo động rú lên vào ban đêm nữa. Chị chỉ nằm trên giường với chúng, ôm chặt chúng cho đến khi hết báo động hoặc bom ngừng rơi.

Mà chẳng bao giờ ngừng lâu.

Vianne vỗ tay và bảo các em chú ý. Có lẽ một trò chơi sẽ làm các em phấn chấn tinh thần.

- Lại oanh tạc nữa hở cô? - Emile hỏi. Bây giờ thằng bé đã lên sáu và chẳng bao giờ nhắc đến mẹ nó nữa. Khi được hỏi, Emile nói mẹ nó “đã chết vì ốm”, và chỉ mỗi thế. Nó không nhớ chút gì về Jean Georges Ruelle.

Cậu bé Daniel năm tuổi cũng không nhớ mình từng là ai.

- Không. Không phải oanh tạc, - Vianne nói. - Thực ra, cô nghĩ hôm nay ở đây nóng quá. - Chị nới lỏng cổ áo.

- Vì các cửa sổ đều bị bịt kín đấy ạ, - Claudine nói (trước đây, em là Bernadette). - Mẹ Nhất bảo mẹ cảm thấy giống như thịt hun khói trong bộ áo tu bằng len.

Bọn trẻ cười phá.

- Còn hơn là cái rét mùa đông, - Sophie nói, và được các em gật đầu tán thưởng.

- Cô nghĩ hôm nay rất đẹp trời, - Vianne nói.

Chưa kịp nói hết ý nghĩ của mình, chị nghe thấy tiếng mô tô ầm ầm bên ngoài, và lát sau là tiếng bước chân - tiếng ủng - nện cồm cộp xuống hành lang bằng đá.

Tất cả im thin thít.

Cánh cửa lớp học bật mở.

Von Richter bước vào phòng. Lúc đến gần Vianne, hắn bỏ mũ và cặp vào nách.

- Bà ra ngoài hành lang với tôi được chứ?

Vianne gật đầu.

- Các em, đợi cô một lát, - chị nói. - Đọc khe khẽ trong lúc cô vắng mặt nhé.

Von Richter nắm cánh tay chị - một cái kẹp chặt rất đau, nghiêm trọng - và lôi chị ra cái sân nhỏ lát đá bên ngoài lớp. Từ đài phun nước đầy rêu gần đó có tiếng nước chảy òng ọc.

- Tôi đến đây để hỏi về một người quen của bà, Henri Navarre.

Vianne cầu cho chị không tỏ ra nao núng.

- Ai kia, ngài Thiếu tá?

- Henri Navarre.

- À. Vâng. Ông chủ khách sạn. - Chị nắm chặt bàn tay cho khỏi run.

- Bà là bạn ông ta?

Vianne lắc đầu.

- Không, ngài Thiếu tá. Tôi chỉ biết ông ta. Thành phố này nhỏ mà.

Von Richter nhìn chị, dò xét.

- Nếu bà nói dối tôi về một thứ đơn giản nhất, có lẽ tôi sẽ tự hỏi bà còn nói dối tôi gì nữa không.

- Không, ngài Thiếu tá...

- Bà đã gặp ông ta. - Hơi thở của hắn sặc mùi bia và thịt xông khói, mắt hắn nheo lại.

Hắn sẽ giết mình, lần đầu tiên chị nghĩ. Bấy lâu nay chị rất cẩn trọng, chưa bao giờ tỏ ra chống đối hoặc coi thường hắn, chưa bao giờ nhìn vào mắt hắn. Nhưng trong vài tuần qua hắn hay thay đổi, không sao đoán trước được.

- Đây là một thành phố nhỏ, nhưng...

- Hắn đã bị bắt giam vì giúp đỡ kẻ thù.

- Ồ, - chị nói.

- Tôi sẽ nói với bà nhiều hơn về việc này. Trong một căn phòng nhỏ, không cửa sổ. Hãy tin tôi đi, tôi sẽ moi sự thật ra khỏi con người bà. Tôi sẽ phát hiện ra nếu bà làm việc với hắn.

- Tôi ư?

Hắn siết chặt đến mức chị nghĩ xương mình sắp gẫy.

- Nếu tôi phát hiện ra bà không biết gì về việc này, tôi sẽ thẩm vấn các con bà... thật dữ dội... rồi sau đó tôi sẽ tống tất cả các người vào nhà tù Fresnes.

- Xin đừng làm chúng đau, tôi van ngài.

Lần đầu tiên chị van nài hắn, và thấy sự tuyệt vọng trong giọng chị, hắn im bặt. Hơi thở của hắn dồn dập hơn. Nó là đây, rõ ràng như màu xanh lơ trong mắt hắn: sự kích thích. Hơn một năm rưỡi nay, chị cư xử hết sức thận trọng khi có mặt hắn, ăn vận và hoạt động rất nhũn nhặn, không bao giờ thu hút sự chú ý, không bao giờ nói gì hơn có hoặc không, ngài Thiếu tá. Bây giờ, ngay lúc này, mọi thứ đó đều sụp đổ. Chị đã để lộ điểm yếu của mình, và hắn đã nhìn thấy nó. Giờ thì hắn đã biết cách làm chị đau đớn.

+++++

Nhiều giờ sau, Vianne ở trong một căn phòng nhỏ, không cửa sổ trong lòng tòa thị chính thành phố. Chị ngồi thẳng tắp, cứng đờ trên ghế, bàn tay nắm quanh tay ghế chặt đến nỗi các khớp xương trắng bệch.

Chị đã ở đây một lúc lâu, một mình, cố nghĩ xem nên trả lời ra sao cho thỏa đáng. Chúng biết có nhiều không? Liệu chúng tin những gì? Henri có khai tên chị không?

Không. Nếu bọn chúng biết chị làm giả giấy tờ và che giấu trẻ em Do Thái, chị đã bị bỏ tù rồi.

Cánh cửa đằng sau chị cót két mở rồi đóng lại đánh cách.

- Bà Mauriac.

Chị đứng lên.

Von Richter chậm rãi đi vòng quanh chị, cái nhìn chằm chặp của hắn xoáy vào thân thể chị. Chị mặc bộ váy áo bạc màu, đã sửa nhiều lần và không có bít tất, đi đôi giày thấp đế gỗ. Tóc chị hai ngày nay không gội, che bằng cái khăn vải bông kẻ, quấn thành chiếc turban thắt nơ trước trán. Chị đã hết sạch son môi từ lâu, nên môi chị nhợt nhạt.

Hắn đến đứng trước mặt chị, quá gần, bàn tay hắn siết chặt sau lưng.

Thu hết can đảm để hếch cằm lên và khi nhìn vào cặp mắt xanh lơ lạnh lẽo của hắn, chị biết chắc mình đang gặp rắc rối.

- Bà đã gặp Henri Navarre lúc vào quảng trường. Ông ta bị nghi ngờ làm việc cho đội du kích Limousin, những thằng ngu ấy sống như súc vật trong rừng và giúp đỡ quân thù ở Normandy. - Đồng thời với quân Đồng minh đổ bộ lên Normandy, các đội du kích đã tiến hành phá hoại khắp đất nước, cắt đứt đường xe lửa, đặt bom, làm các kênh mương ngập lụt. Bọn Đức Quốc xã điên cuồng lùng sục và trừng trị quân du kích.

- Tôi chỉ quen biết ông ta thôi, ngài Thiếu tá. Tôi không biết gì về những người giúp đỡ quân thù.

- Bà tưởng tôi là thằng ngu chắc?

Chị lắc đầu.

Hắn muốn đánh chị. Chị có thể thấy điều đó và sự thèm muốn xấu xa, tởm lợm trong cặp mắt xanh lơ của hắn. Nó đã ở lì đó khi chị van nài hắn và bây giờ chị không biết làm thế nào xóa sạch nó đi.

Hắn giơ tay và lướt một ngón tay dài vào cằm chị. Chị chùn lại.

- Có thật bà vô tội thế không?

- Ngài Thiếu tá, ngài ở trong nhà tôi đã mười tám tháng. Ngài gặp tôi hàng ngày. Tôi nuôi con, làm vườn và dạy học ở trại mồ côi. Tôi không thể giúp quân Đồng minh.

Đầu ngón tay của hắn vuốt ve làn môi chị, ép khuôn miệng chị hơi tách ra.

- Nếu tôi phát hiện ra bà nói dối tôi, tôi sẽ làm bà đau đấy. Và tôi sẽ tận hưởng điều đó. - Hắn buông thõng tay xuống. - Nhưng bây giờ nếu bà nói thật, tôi sẽ tha cho bà. Và các con bà.

Vianne rùng mình khi nghĩ hắn phát hiện ra đã sống cùng nhà suốt thời gian này với một đứa trẻ Do Thái. Nó sẽ biến hắn thành một kẻ ngu thảm ngu hại.

- Tôi chưa bao giờ nói dối ngài, ngài Thiếu tá. Ngài phải hiểu điều đó chứ.

- Đây là điều tôi biết, - hắn nói và ngả người gần hơn, thì thầm vào tai chị, - tôi hy vọng bà đang nói dối tôi.

Hắn lùi lại.

- Bà đang sợ, - hắn nói và mỉm cười.

- Tôi không việc gì phải sợ, - chị nói, không thể nói to hơn.

- Chúng tôi sẽ xem đấy có phải là thật không. Còn bây giờ, bà về nhà đi. Và hãy cầu cho tôi không phát hiện ra bà đã nói dối tôi.

+++++

Cùng ngày hôm đó, Isabelle đi lên đường phố lát đá cuội trong thành phố Urrugne trên đỉnh đồi. Nàng có thể nghe thấy tiếng vang của các bước chân sau mình. Trên chuyến đi từ Paris đến đây, hai “kẻ lẩn tránh” mới nhất của nàng - Thiếu tá Foley và Trung sĩ Smythe - đã tuyệt đối tuân theo những chỉ dẫn của nàng và qua được nhiều trạm kiểm soát khác nhau. Khá lâu rồi nàng không hề ngoảnh lại, nhưng nàng tin chắc là họ đang bước đi đúng như được dặn - cách nhau ít nhất một trăm mét.

Lên đến đỉnh đồi, nàng trông thấy một người đàn ông ngồi trên ghế dài trước một bưu điện đóng cửa. Anh ta cầm một tấm biển đề: CÂM VÀ ĐIẾC. ĐANG ĐỢI MẸ ĐẾN ĐÓN. Lạ thay, cái mẹo đơn giản ấy vẫn đánh lừa được bọn Đức Quốc xã.

Isabelle tiến đến chỗ anh ta:

- Tôi có một cái ô, - nàng nói, âm điệu tiếng Anh nặng trịch.

- Trông trời như mưa, - anh ta nói.

Nàng gật đầu.

- Đi sau tôi ít nhất năm chục mét.

Nàng trèo lên đồi một mình.

Lúc nàng đến cơ ngơi của bà Babineau, trời đã xâm xẩm tối. Nàng dừng lại ở chỗ rẽ trên đường, đợi những người đàn ông bắt kịp mình.

Người ngồi trên ghế dài đến đầu tiên.

- Chào cô, - anh ta nói và bỏ chiếc mũ nồi màu nâu xuống. - Tôi là Thiếu tá Tom Dowd. Tôi xin chuyển lời hỏi thăm nồng nhiệt của Sarah ở Pau. Chị ấy là chủ nhà hạng nhất.

Isabelle mệt mỏi mỉm cười. Những người Mỹ này, họ là thế... huênh hoang, với nụ cười thường trực và giọng nói oang oang. Và sự biết ơn ồn ào của họ. Không giống người Anh chút nào, họ cảm ơn nàng bằng những lời ngắn gọn, giọng nói bình tĩnh và những cái bắt tay thật chặt. Nàng không nhớ nổi bao nhiêu lần một người Mỹ ôm nàng chặt đến nỗi nàng mệt phờ.

- Tôi là Juliette, - nàng nói với Thiếu tá.

Thiếu tá Jack Foley là người đến tiếp theo. Anh ta cười niềm nở và nói:

- Những quả núi kia trông rõ khiếp.

- Anh nói đến khó nghe. - Dowd nói và giơ tay ra. - Dowd. Chicago.

- Foley. Boston. Rất vui được gặp anh.

Tiếp theo là Trung sĩ Smythe. Vài phút sau anh ta đi tới.

- Chào các quý ông, - anh ta nói, khó nhọc. - Đúng là một chuyến đi.

- Gượm đã, - Isabelle nói và cười to.

Nàng dẫn họ đến ngôi nhà và gõ ba lần vào cánh cửa.

Bà Babineau mở hé và trông thấy Isabelle qua khe hở, bà cười toét miệng và lùi lại để họ vào trong. Như thường lệ, một cái chảo gang treo trên ngọn lửa, trong bếp lò đen sì bồ hóng. Bàn ăn đã dọn sẵn, những cốc sữa nóng và các bát xúp còn để trống.

Isabelle nhìn quanh.

- Eduardo đâu?

- Trong nhà kho với hai phi công nữa. Chúng tôi đang gặp phiền toái với đồ tiếp tế đây. Mọi thứ đều bị ném bom. Nửa thành phố đổ nát. - Bà đặt bàn tay lên má Isabelle. - Trông cháu mệt mỏi quá, Isabelle. Cháu có ổn không?

Cái động chạm ấy đầy an ủi đến mức Isabelle không khỏi dựa vào nó trong chốc lát. Trong khoảnh khắc, nàng muốn kể với bà bạn những nỗi khó nhọc, gánh nặng của mình, nhưng đó là một thứ xa xỉ nữa đã mất trong thời chiến này. Những khó nhọc phải chống chọi một mình. Isabelle không thể kể với bà Babineau rằng Gestapo đã mở rộng cuộc lùng sục Sơn ca, hoặc nàng lo lắng cho cha, cho chị gái và cháu gái. Những vấn đề ấy có là gì đâu? Ai cũng có gia đình phải lo. Những mối lo âu thông thường ấy là những điểm đánh dấu sẵn trên bản đồ của cuộc chiến tranh này.

Isabelle tìm bàn tay của bà già. Giờ đây, cuộc sống của họ có nhiều khía cạnh khốc liệt, nhưng cũng có thứ quý giá này: tình bạn được tôi rèn trong cảnh nước sôi lửa bỏng đã chứng minh cứng rắn như thép. Sau nhiều năm lẻ loi, khép mình trong các tu viện và bị bỏ quên trong các trường nội trú, Isabelle chưa bao giờ được một thứ mà giờ đây là một thực tế hiển nhiên: nàng có những người bạn, những người nàng quan tâm và họ cũng quan tâm đến nàng.

- Cháu khỏe ạ.

- Còn anh chàng điển trai của cháu?

- Vẫn đặt bom và làm các đoàn tàu trật bánh. Cháu chỉ gặp anh ấy trước cuộc đổ bộ ở Normandy. Cháu có thể nói sắp xảy ra một sự kiện to lớn. Cháu biết anh ấy đang ở trong cuộc. Cháu lo...

Isabelle nghe thấy tiếng động cơ xa xa. Nàng quay sang bà Babineau.

- Bác đang chờ ai thế?

- Không người nào lái được xe đến đây.

Các phi công cũng nghe thấy. Họ dừng câu chuyện. Smythe ngước lên. Foley rút con dao ở thắt lưng.

Bên ngoài, những con dê bắt đầu kêu be be. Một cái bóng lướt qua cửa sổ.

Isabelle chưa kịp kêu lên báo động, cửa đã bật tung và ánh sáng tràn ngập căn phòng, cùng vài tên mật vụ SS.

- Giơ tay lên đầu!

Isabelle bị báng súng trường đập mạnh vào gáy. Nàng thở hổn hển và ngã nhoài về phía trước.

Chân nàng xoãi ra, nàng cảm thấy một vật cứng kẹp đầu mình trên sàn đá.

Câu cuối cùng nàng nghe thấy trước khi ngất lịm là:

- Tất cả các người đã bị bắt.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3