Sơn Ca Vẫn Hót - Chương 17
33
Isabelle tỉnh dậy, cổ tay và mắt cá chân bị trói chặt vào cái ghế gỗ, sợi dây nghiến vào da thịt nàng chặt đến nỗi nàng không thể cựa quậy. Ngón tay nàng tê dại. Một bóng đèn duy nhất lủng lẳng trên đầu nàng, một hình nón ánh sáng trong bóng tối. Căn phòng sặc mùi ẩm mốc, mùi nước tiểu và nước rỉ qua các kẽ nứt trong đá.
Đâu đó trước mặt nàng, một que diêm bật sáng.
Nàng nghe thấy tiếng xoàn xoạt và ngửi thấy mùi lưu huỳnh, nàng thử nhấc đầu lên nhưng cử động khiến nàng đau đến nỗi buột ra một tiếng rên.
- Tốt* , - ai đó nói. - Nó đau rồi.
Tiếng Đức trong nguyên bản.
Gestapo.
Hắn kéo chiếc ghế trong bóng tối ra và ngồi xuống, đối diện với nàng.
- Đau, hay không đau. Tùy cô lựa chọn. - hắn nói ngắn gọn.
- Nếu vậy, thì không đau.
Hắn đánh thật mạnh. Máu đầy miệng nàng, tanh và có vị kim loại. Nàng cảm thấy máu nhỏ giọt xuống cằm.
Hai ngày, nàng nghĩ. Chỉ hai ngày thôi.
Nàng phải trải qua cuộc tra khảo bốn mươi tám tiếng mà không khai ra cái tên nào. Nếu nàng có thể làm việc đó, không bị khuất phục, thì cha nàng, Gaëton, Henri, Didier, Paul và Anouk sẽ có thời gian tự vệ. Họ sẽ sớm biết nàng đã bị bắt, nếu như họ chưa biết. Eduardo sẽ báo tin rồi sau đó ông sẽ đến chỗ ẩn nấp. Đó là kế hoạch của họ.
- Tên? - Hắn nói, rút ra cuốn sổ nhỏ và cây bút chì trong túi áo ngực.
Nàng cảm thấy máu nhỏ giọt xuống cằm, xuống lòng mình.
- Juliette Gervaise. Nhưng ông biết rồi. Ông có giấy tờ của tôi.
- Đúng là chúng tao có giấy tờ đề tên mày là Juliette Gervaise.
- Sao ông còn hỏi tôi?
- Thực ra mày là ai?
- Tôi thực sự là Juliette Gervaise.
- Sinh ở đâu? - Hắn vừa lười biếng hỏi, vừa ngắm nghía những móng tay được chăm chút kỹ càng.
- Nice.
- Mày làm gì ở Urrugne?
- Tôi ở Urrugne ư? - Nàng nói.
Hắn thẳng người lên, cái nhìn chằm chằm của hắn trở lại nàng, thích thú:
- Bao nhiêu tuổi?
- Hai mươi hai, hoặc gần thế. Ngày sinh chẳng còn ý nghĩa gì nhiều.
- Trông mày trẻ hơn.
- Tôi cảm thấy già hơn.
Hắn từ từ đứng lên, cao lừng lững bên trên nàng.
- Mày làm việc cho Sơn ca. Tao muốn biết tên nó.
Bọn chúng chưa biết nàng là ai.
- Tôi chẳng biết gì về chim chóc.
Cú đấm hoàn toàn bất ngờ, làm nàng choáng váng vì sức mạnh của nó. Đầu nàng ngật sang bên, đập mạnh vào lưng ghế kêu đánh rắc.
- Nói cho tao về Sơn ca.
- Tôi đã nói với ông...
Lần này hắn quật vào má nàng bằng cái thước sắt, mạnh đến mức nàng cảm thấy da mình rách toạc và máu trào ra.
Hắn mỉm cười và nhắc lại:
- Sơn ca.
Nàng nhổ mạnh hết sức, nhưng chỉ là một búng máu rơi xuống lòng nàng. Nàng lắc đầu để nhìn cho rõ và ngay lập tức nàng ước giá không nhìn thấy.
Hắn lại tiến đến chỗ nàng, cẩn thận đập đập cái thước máu rỏ đỏ lòm vào lòng bàn tay mở ra của hắn.
- Tao là Rittmeister Schmidt, chỉ huy Gestapo ở Amboise. Còn mày?
Hắn sẽ giết mình, Isabelle nghĩ. Nàng vùng vẫy, thở khó nhọc. Nàng nếm mùi máu mình.
- Juliette, - nàng thì thào, lúc này nàng muốn hắn tin mình ghê gớm.
Nàng không thể kéo dài hai ngày.
Đây là mối nguy mà ai cũng cảnh báo nàng, là thực tế khủng khiếp nàng đang trải qua. Làm sao nó giống với một cuộc phiêu lưu được? Nàng sẽ làm cho bản thân mình - và mọi người nàng quan tâm - bị giết.
- Chúng tao đã bắn hầu hết những người đồng bào của mày. Đừng có ngu ngốc chết để bảo vệ những người đã chết làm gì.
Có đúng thế không?
Không. Nếu đây là sự thật, nàng cũng sẽ chết.
- Juliette Gervaise, - nàng nhắc lại.
Hắn quật trái cái thước, mạnh đến nỗi cái ghế đổ nghiêng sang một bên và nàng ngã xuống sàn. Đầu nàng đập xuống sàn đá, đồng thời hắn đá mạnh mũi ủng vào bụng nàng. Nàng chưa bao giờ đau đến thế. Nàng nghe thấy hắn nói:
- Nào, tên của Sơn ca, - song nàng không thể trả lời nếu có muốn.
Hắn đá nàng lần nữa, dồn toàn bộ sức mạnh vào cú đá.
+++++
Tỉnh táo lại thấy đau.
Mọi thứ đều đau. Đầu, mặt, toàn thân nàng. Phải cố - và dũng cảm lắm - nàng mới nhấc được đầu. Nàng vẫn bị trói ở mắt cá chân và cổ tay. Sợi dây cứa vào làn da bị xé rách, đẫm máu, cắt vào lớp thịt bầm tím của nàng.
Mình ở đâu nhỉ?
Bóng tối vây quanh nàng, không phải bóng tối bình thường, không phải căn phòng không có ánh sáng. Đây là một thứ khác, không thể xuyên thủng, tối đen như mực ép vào bộ mặt méo mó của nàng. Nàng cảm thấy một bức tường chỉ cách mặt mình vài phân. Nàng cố ngọ nguậy bàn chân về phía trước, và cái đau lại sống dậy, cắn sâu vào sợi dây cứa vào mắt cá.
Nàng đang ở trong một cái hộp.
Nàng thấy rét. Nàng có thể cảm thấy hơi thở của mình và biết sẽ nhìn thấy nó. Lông mũi nàng lạnh cứng. Nàng run bắn lên, không sao kiềm chế nổi.
Nàng hét lên kinh hãi, âm thanh vọng trở lại nàng rồi biến mất.
+++++
Nàng đang đông cứng.
Isabelle rùng mình vì lạnh, nàng rên rỉ. Nàng có thể cảm thấy hơi thở của mình, xù như một đám lông chim trước mặt, biến thành sương giá trên môi nàng. Diềm mi nàng đã đông cứng.
Nghĩ đi, Isabelle. Đừng khai.
Nàng cử động một chút, cố chống chọi với lạnh lẽo và đau đớn.
Nàng vẫn ngồi, vẫn bị trói ở mắt cá chân và cổ tay.
Hoàn toàn trần truồng.
Nàng nhắm mắt lại, buồn nôn vì hình ảnh hắn lột quần áo nàng, sờ mó nàng lúc nàng bất tỉnh.
Trong bóng tối hôi hám, nàng nhận ra một tiếng ồn đều đều. Lúc đầu, nàng ngỡ là mạch máu mình đập hoặc tim mình đập dồn để cố sống, nhưng không phải.
Đây là tiếng động cơ, rền vang gần đó. Nàng nhận ra âm thanh, nhưng là gì nhỉ?
Nàng rùng mình lần nữa, cố ngọ nguậy các ngón tay và ngón chân, chống lại cảm giác tê dại ở khắp tứ chi. Trước kia bàn chân nàng đau đớn, rồi ngứa ran, còn bây giờ... chẳng thấy gì. Nàng cử động thứ duy nhất có thể - cái đầu - và nó đập thịch vào một vật cứng. Nàng trần truồng, bị trói vào một cái ghế trong một...
Lạnh giá. Tối tăm. Rền vang. Nhỏ bé...
Một cái tủ lạnh.
Nàng hoảng hốt, cố giật mạnh, lật đổ nhà tù, nhưng mọi cố gắng chỉ làm nàng mệt đứt hơi. Gây khó khăn cho nàng. Nàng không thể cử động. Không một thứ gì ngoài các ngón tay ngón chân nàng quá đông cứng không tuân theo. Không như thế này được.
Nàng sẽ chết cóng. Hoặc chết ngạt.
Hơi thở của nàng dội lại nàng, bao quanh nàng, xung quanh nàng toàn là hơi thở. Nàng bắt đầu khóc, những giọt nước mắt đông lại, biến thành những giọt băng trên má nàng. Nàng nghĩ đến những người mình yêu thương - Vianne, Sophie, Gaëton, cha nàng. Giờ đây nàng sẽ chết mà không nói được một lời với Vianne.
Vianne, nàng nghĩ. Chỉ thế thôi. Một cái tên. Phần là cầu nguyện, phần là ân hận, phần là từ biệt.
+++++
Trong quảng trường thành phố, mỗi xác chết treo lên một cột đèn.
Vianne đứng lại, không thể tin nổi thứ chị nhìn thấy. Bên kia đường, một bà già đứng dưới một trong những cái xác. Không trung đầy tiếng kẽo kẹt rên rỉ của dây thừng kéo căng. Vianne thận trọng băng qua quảng trường, cẩn thận tránh các cột đèn...
Những cái xác mặt xanh lè, sưng phồng, thõng thượt.
Ở đây có tất cả mười xác chết - có thể nói là những người Pháp. Nhìn bộ dạng của họ là các du kích, các chiến sĩ du kích dữ dội của rừng núi. Họ mặc quần màu nâu, đội mũ nồi đen, đeo băng tay ba màu.
Vianne đến bên bà già, nắm lấy vai bà.
- Bà không nên ở đây, - chị nói.
- Con trai tôi, - người đàn bà rền rĩ. - Không thể để nó lại đây...
- Đi thôi, - Vianne nói, lần này bớt dịu dàng hơn. Chị dẫn bà già ra khỏi quảng trường. Trên phố La Grande, bà ta rứt ra và bỏ đi, vừa lẩm bẩm vừa khóc.
Trên đường tới cửa hàng thịt, Vianne còn đi qua ba cái xác nữa. Thành phố Carriveau dường như nín thở. Trong vài tháng qua, Đồng minh đã ném bom khu vực này nhiều lần, vài công trình kiến trúc của thành phố đã thành đống gạch vụn. Hình như lúc nào cũng có thứ gì đó sụp đổ hoặc vỡ vụn.
Không khí sặc mùi chết chóc và thành phố im lìm, mối nguy hiểm lẩn khuất trong từng cái bóng, quanh từng góc phố.
Đứng trong hàng trước cửa hàng thịt, Vianne nghe thấy đám đàn bà trò chuyện, tiếng họ hạ thấp.
- Trả đũa...
- Tệ hơn ở Tulle...
- Bà có nghe tin về Oradour-sur-Glane không?
Nghe thấy mọi thứ đó, kể cả những vụ bắt bớ, trục xuất hoặc tử hình, Vianne không thể tin những tin đồn mới nhất. Sáng hôm qua, bọn Đức Quốc xã tiến vào một ngôi làng nhỏ ở Oradour-sur-Glane cách Carriveau không xa lắm, chĩa súng lùa mọi người vào nhà thờ của thành phố, lấy cớ kiểm tra giấy tờ.
- Mọi người trong thành phố, - một bà già thì thào với Vianne.
- Đàn ông. Đàn bà. Trẻ con. Bọn Đức Quốc xã bắn tuốt, rồi chúng đóng sập các cánh cửa, thiêu nhà thờ rụi xuống tận mặt đất. - Mắt bà ta sưng mọng vì khóc. - Thật đấy.
- Không thể nào, - Vianne nói.
- Dédée của tôi trông thấy chúng bắn vào bụng một phụ nữ mang thai.
- Cô ấy đã thấy cảnh này ư? - Vianne hỏi.
Bà già gật đầu.
- Dédée nấp sau chuồng thỏ trong nhiều giờ và trông thấy thành phố bốc cháy. Nó nói sẽ không bao giờ quên những tiếng la hét. Lúc chúng châm lửa, không phải tất cả đã chết.
Chắc là trả miếng cho một tên Thiếu tá bị quân du kích bắt giữ.
Liệu ở đây có xảy ra việc tương tự không? Thời gian tiếp theo, cuộc chiến càng dữ dội hơn, Gestapo và SS có lùa dân ở làng Carriveau, nhốt họ trong tòa thị chính rồi phóng hỏa không?
Chị nhận hộp dầu ăn nhỏ xíu mà phiếu thực phẩm tuần này được mua và ra khỏi cửa hàng, kéo cái mũ trùm lên che mặt.
Có ai đó túm lấy cánh tay Vianne và kéo mạnh chị sang trái. Chị loạng choạng, mất thăng bằng và suýt ngã.
Người đó kéo tuột chị vào một ngõ hẻm tối tăm và lộ diện.
- Ba! - Vianne nói, quá sững sờ vì sự có mặt của ông nên không thể nói gì thêm.
Chị thấy chiến tranh đã tác động đến ông biết chừng nào: những nếp nhăn hằn sâu trên trán ông và tạo ra những bọng thịt sưng phồng dưới cặp mắt mỏi mệt của ông, chắt hết màu sắc trên da ông và biến mái tóc ông thành bạc trắng. Ông gầy ghê gớm, dấu vết tuổi tác rải rác trên đôi má chảy xệ. Chị nhớ lại ông từ cuộc Thế chiến I trở về, nom cũng tiều tụy như thế này.
- Có nơi nào kín đáo để nói chuyện được không? - Ông hỏi. - Ba không gặp thằng Đức của con thì hơn.
- Hắn không phải là thằng Đức của con, nhưng có chỗ đấy ạ.
Chị không thể trách ông vì không muốn gặp Von Richter.
- Ngôi nhà ở bên cạnh nhà con còn bỏ trống. Ở phía đông. Bọn Đức cho là quá nhỏ nên chẳng buồn để ý. Chúng ta có thể gặp nhau ở đấy.
- Trong hai mươi phút, - ông nói.
Viannie kéo lại mũ và khăn trùm tóc rồi ra khỏi ngõ hẻm. Lúc rời thành phố và theo con đường lầy bùn về nhà, chị cố hình dung vì sao cha mình đến đây. Chị biết - hoặc giả sử - Isabelle đang sống với ông ở Paris, song đó chỉ là phỏng đoán. Theo chị biết, em gái và cha chị sống tách biệt trong cùng một thành phố. Chị không nghe tin gì về Isabelle sau cái đêm khủng khiếp ở nhà kho, dù Henri báo rằng Isabelle vẫn ổn.
Chị vội vã qua sân bay, không để ý đến các máy bay bẹp dúm và vẫn bốc khói vì cuộc oanh tạc vừa qua.
Ở cổng nhà Rachel, chị đứng lại và liếc ngược ngó xuôi con đường. Không có ai đi theo hoặc đang rình rập chị. Chị lẻn vào trong sân và vội vàng đến ngôi nhà bỏ hoang. Cửa trước bị vỡ từ lâu và lúc này lệch hẳn về một bên. Chị lọt vào trong.
Bên trong tối lờ mờ và đầy bụi. Hầu như mọi đồ đạc đều bị trưng dụng, ăn cắp hoặc cướp bóc, những bức tranh bị mất để lại những hình vuông màu đen trên tường, trong phòng khách chỉ còn lại duy nhất cái sô pha nhỏ, cũ, gãy một chân với những tấm đệm bụi bặm. Vianne ngồi xuống, căng thẳng, bàn chân gõ nhịp xuống sàn.
Chị cắn móng ngón cái, không sao yên được, thì nghe thấy tiếng bước chân. Chị đến bên cửa sổ, nhấc cái mành mành bôi đen lên.
Cha chị đã ở bên cửa. Có điều ông già lom khom kia không phải là cha chị.
Chị đưa ông vào trong nhà. Lúc ông nhìn chị, những nếp nhăn trên mặt ông hằn sâu hơn, những nếp da gấp trông như những cái túi sáp ong chảy. Ông lùa các ngón tay vào mái tóc thưa thớt. Những món tóc bạc dài tự sắp xếp thành những que nhọn, tạo cho ông vẻ ngoài lạ lùng như thể bị điện giật.
Ông chậm rãi tiến đến chỗ chị, hơi khập khiễng. Ngay lập tức nó khiến chị nhớ lại toàn bộ cuộc sống của mình, cách ông lê bước chân, vụng về. Mẹ chị bảo, Hãy tha thứ cho ba con, Vianne, ba không còn là ba nữa và ba không thể tự tha thứ cho mình... đó là việc chúng ta phải làm.
- Vianne, - ông dịu dàng gọi tên chị, giọng nói thô ráp của ông kéo dài. Một lần nữa, chị lại mơ hồ nhớ đến Trước Kia, khi ông là chính mình. Nó là ý nghĩ đã quên từ lâu. Trong những năm Sau Đó, chị tống hết mọi ý nghĩ về ông vào một ngăn riêng, và quên hẳn. Giờ đây Vianne nhớ lại. Cảm nhận theo kiểu này khiến chị kinh hãi. Ông đã làm tổn thương chị quá nhiều lần.
- Ba.
Ông đến cái sô pha nhỏ và ngồi xuống. Tấm đệm mệt mỏi võng xuống dưới thân hình còm cõi của ông.
- Ba là một người cha gớm ghiếc với các con gái.
Thật ngạc nhiên và đúng đến nỗi Vianne không biết nói gì.
Ông thở dài:
- Bây giờ đã quá muộn để sửa lại những thứ đó.
Vianne đến chiếc sô pha và ngồi xuống cạnh cha.
- Chẳng bao giờ là quá muộn ba ạ, - chị nói một cách thận trọng. Chị có thể tha thứ cho cha mình không?
Có. Câu trả lời đến ngay lập tức, bất ngờ y như sự có mặt của ông vậy.
Ông quay sang chị:
- Ba không nói nhiều và cũng không có thời gian để nói.
- Ba ở lại đây đi, - Vianne nói. - Con sẽ chăm sóc ba và...
- Isabelle đã bị bắt giữ và bị buộc tội giúp đỡ kẻ thù. Nó bị giam ở Girot.
Vianne đột ngột hít vào một hơi. Chị cảm thấy vô cùng ân hận, cũng như có lỗi. Những lời cuối cùng chị nói với em gái là gì? Đừng quay lại.
- Chúng ta có thể làm gì?
- Chúng ta ư? - Ông nói. - Đây là một câu hỏi hay, nhưng không phải là câu nên hỏi. Con chẳng phải làm gì hết. Con cứ ở lại Carriveau và tránh xa mọi thứ phiền toái như con vẫn làm. Giữ gìn cho con gái con an toàn. Đợi chồng con.
Vianne không thể nói toẹt ra rằng Bây giờ con khác hẳn rồi, ba ơi. Con đang giúp che giấu các trẻ em Do Thái. Chị muốn nhìn thấy mình phản chiếu trong cái nhìn đăm đăm của ông, muốn ông tự hào vì chị dù chỉ một lần.
Nói đi. Kể với ông ấy đi.
Làm sao chị có thể? Ông ngồi đó, nom già nua, suy nhược và bối rối. Ông chỉ còn là dấu vết rất mờ của con người ông trước đây. Ông không cần biết rằng Vianne cũng đang liều mạng, ông không thể lo sẽ mất cả hai cô con gái. Cứ để ông yên trí rằng Vianne an toàn như có thể. Một kẻ hèn nhát.
- Isabelle sẽ cần có con để trở về nhà khi cuộc chiến này chấm dứt. Con sẽ bảo nó rằng nó đã làm đúng. Nó sẽ lo lắng về chuyện ấy một ngày nào đó. Nó sẽ nghĩ rằng lẽ ra nó nên ở lại với con, bảo vệ con. Nó sẽ nhớ đã bỏ con lại với bọn Đức Quốc xã, đặt mạng sống của con vào nơi hiểm nguy, và nó sẽ dằn vặt, khổ sở vì quyết định của mình.
Vianne nghe thấy lời thú nhận ở đằng sau. Ông đang mượn chuyện về Isabelle để kể cho chị nghe chính câu chuyện của mình. Ông đang nói rằng ông rất bối rối vì đã chọn gia nhập quân ngũ trong Thế chiến I, rằng ông bị dằn vặt với gia đình vì đã quyết tham chiến. Ông biết khi trở về, ông đã thay đổi biết bao, và thay vì gần gũi vợ con hơn, nỗi đau đã đưa ông xa rời họ. Ông ân hận vì đã rũ bỏ họ, để các con lại cho bà Dumas trong suốt từng ấy năm về trước.
Lựa chọn ấy ắt phải là một gánh nặng. Lần đầu tiên, chị nhìn tuổi thơ của mình như một người trưởng thành đứng từ xa, với sự từng trải mà cuộc chiến này đem lại cho chị. Cuộc chiến đã làm cha chị suy sụp, chị luôn biết thế. Mẹ chị đã nhắc đi nhắc lại câu đó nhiều lần, nhưng đến giờ Vianne mới hiểu thấm thìa.
Chiến tranh đã làm cha chị suy sụp.
- Hãy nhớ rằng các con sẽ là một phần của thế hệ đang tiếp diễn, - ông nói. - Những hồi ức về những chuyện xảy ra sẽ... rất khó quên. Các con cần ở lại bên nhau. Hãy thể hiện cho Isabelle thấy là nó được yêu thương. Buồn thay, đó là việc mà ba chưa bao giờ làm. Giờ thì đã quá muộn.
- Ba có vẻ như đang nói lời từ biệt.
Chị nhìn thấy vẻ buồn bã, tuyệt vọng trong cái nhìn của ông, và chị hiểu vì sao cha chị ở đây, hiểu lời ông sắp nói. Ông sẽ hy sinh bản thân để cứu Isabelle. Chị không biết bằng cách nào, nhưng chị biết đúng là như thế. Đây là cách ông đền bù cho tất cả những lần ông làm họ thất vọng.
- Ba ơi, - chị nói. - Ba định làm gì thế ạ?
Ông đặt bàn tay lên má chị, nó ấm áp, vững chãi và an ủi, một cái động chạm của người cha. Chị không nhận ra - hoặc thừa nhận với chính mình - rằng chị nhớ ông biết chừng nào. Còn bây giờ, khi chỉ thoáng thấy một tương lai khác, một sự cứu chuộc, nó đang tan vỡ quanh chị.
- Con sẽ làm gì để cứu Sophie?
- Bất cứ việc gì.
Vianne chăm chú nhìn người đàn ông này, người trước khi bị cuộc chiến thay đổi đã dạy chị yêu quý sách vở, viết lách và quan sát một cảnh hoàng hôn. Đã lâu lắm rồi, chị không nhớ tới người đó.
- Ba phải đi đây, - ông nói và đưa cho Vianne một cái phong bì. Trên đó viết Isabelle và Vianne bằng nét chữ run run. - Hãy đọc cùng nhau.
Ông đứng dậy và quay người, bỏ đi.
Chị chưa sẵn sàng để mất ông. Chị túm lấy ông. Một mảnh cổ tay áo bị đứt rời vì cái tóm tay của chị. Vianne nhìn xuống nó: một dải vải bông kẻ ca rô nâu-và-trắng trong lòng bàn tay. Một dải vải giống như các dải khác buộc trên các cành cây. Vật kỷ niệm dành cho những người thân yêu đã mất và xa vắng.
- Con yêu ba, ba ạ, - chị nói khẽ, nhận ra tình yêu đó là thật, và luôn luôn là thật. Tình yêu đã biến thành mất mát và chị đã gạt nó đi, nhưng dù sao một mảnh của tình yêu đó vẫn còn lại. Tình yêu của đứa con gái với cha mình. Không thể biến đổi được. Không chịu nổi nhưng cũng không thể phá vỡ.
- Sao ba có thể?
Chị nuốt khó khăn và trông thấy những giọt lệ long lanh trong mắt ông.
- Sao ba không thể?
Ông nhìn chị, cái nhìn cuối cùng, níu giữ và hôn vào từng bên má chị, rồi ông lùi lại. Ông nói, khẽ khàng đến mức chị gần như không nghe thấy:
- Ba cũng yêu con, - rồi ông để chị lại.
Vianne ngắm ông rời đi. Cuối cùng, khi ông khuất dạng, chị trở về nhà. Tại đó, chị đứng dưới gốc cây táo đầy những mẩu vải. Trong nhiều năm, chị đã buộc những mẩu vải vào các cành cây, cái cây đã chết và quả của nó đắng ngắt. Các cây táo khác đều khỏe và sum suê, nhưng cây này, cái cây tưởng nhớ của chị lại đen sì và vặn vẹo hệt như thành phố bị ném bom phía sau nó.
Chị thắt mẩu vải kẻ ca rô nâu cạnh mẩu của Rachel.
Rồi chị vào trong nhà.
Một ngọn lửa cháy trong phòng khách, toàn bộ ngôi nhà ấm áp và có mùi khói. Thật hoang phí. Chị đóng cửa lại sau lưng và nhăn mặt.
- Các con đâu, - chị gọi to.
- Chúng ở trên gác, trong phòng tôi. Tôi cho chúng sô cô la và bàn cờ để chơi.
Von Richter. Hắn làm gì ở đây, giữa ban ngày?
Hắn có nhìn thấy chị với cha chị không?
Hắn có biết gì về Isabelle không?
- Con gái bà đã cảm ơn tôi vì sô cô la. Nó là một cô bé xinh đẹp.
Vianne thừa biết không được để lộ nỗi sợ vì những lời đó. Chị vẫn đứng yên và im lặng, cố làm trái tim đập dồn dập của mình dịu lại.
- Nhưng con trai bà. - Hắn nhấn mạnh vào từ đó. - Nó chẳng giống bà tí nào.
- Chồng-ồng tôi, An...
Hắn xông tới chị nhanh đến nỗi chị không kịp thấy hắn chuyển động. Hắn vồ lấy cánh tay chị, siết thật mạnh, vặn xoắn chỗ thịt mềm. Chị buột ra một tiếng kêu nhỏ lúc hắn xô chị áp lưng vào tường.
- Bà lại sắp nói dối tôi lần nữa phải không?
Hắn túm cả hai bàn tay chị, giật ngược lên trên đầu và ghìm chúng vào tường bằng một bàn tay đi găng.
- Tôi xin..., - chị nói, - đừng...
Ngay lập tức, chị biết van nài là sai lầm.
- Tôi đã kiểm tra các hồ sơ. Bà và Antoine chỉ sinh một đứa con. Một đứa con gái, Sophie. Bà đã chôn nhiều đứa con khác. Còn thằng bé này là ai?
Vianne quá sợ hãi, không nghĩ được rõ ràng. Chị chỉ biết chắc rằng chị không thể kể sự thật hoặc Daniel sẽ bị trục xuất. Chúa mới biết bọn chúng sẽ làm gì Vianne... và với Sophie.
- Cô em họ của Antoine chết khi sinh Daniel. Chúng tôi nhận nuôi thằng bé ngay trước khi chiến tranh bắt đầu. Thời gian này giấy tờ chính thức rất khó khăn, nhưng tôi có giấy khai sinh và chứng nhận rửa tội của nó. Hiện giờ nó là con trai của chúng tôi.
- Trong trường hợp này là cháu trai. Máu mủ nhưng không phải ruột thịt. Ai mà biết bố nó không là đảng viên cộng sản? Hoặc Do Thái?
Vianne nuốt dữ dội. Hắn không nghi ngờ sự chân thật.
- Chúng tôi là dân Công giáo. Ngài biết điều đó.
- Bà sẽ làm gì để giữ nó lại với bà?
- Bất cứ việc gì, - chị đáp.
Hán cởi khuy áo chị, chậm rãi, để từng cái khuy chui qua lỗ khuyết. Khi vạt trên của áo đã mở phanh, hắn lùa bàn tay vào trong, lướt trên bầu vú chị, vặn xoắn núm vú mạnh đến mức chị hét lên vì đau.
- Bất cứ việc gì chứ? - Hắn hỏi.
Chị nuốt khan.
- Phòng ngủ, tôi xin ngài, - chị nói. - Các con tôi.
Hắn lùi lại.
- Mời bà đi trước.
- Ngài sẽ để tôi nuôi Daniel ở đây chứ?
- Bà đang thương lượng với tôi?
- Đúng thế.
Hắn nắm tóc chị và lôi xềnh xệch chị vào trong phòng ngủ. Hắn đá sập cửa lại rồi xô chị dựa vào tường. Chị kêu một tiếng lúc đập mạnh. Hắn ghìm chặt chị và tốc váy chị, giật phăng cái quần lót dệt kim của chị.
Chị quay đầu đi và nhắm mắt lại, nghe thấy tiếng khóa thắt lưng và khuy quần mở lách cách.
- Nhìn tôi, - hắn ra lệnh.
Chị không nhúc nhích, không thở được. Cũng không mở mắt.
Hắn đánh chị lần nữa. Chị vẫn đứng yên, nhắm chặt mắt.
- Nếu bà nhìn tôi, Daniel sẽ ở lại.
Chị xoay đầu và từ từ mở mắt.
- Như thế tốt hơn.
Chị nghiến răng lúc hắn tụt phắt quần mình xuống, tách đôi chân chị xa ra và thô bạo cưỡng hiếp cả thân thể lẫn tâm hồn chị. Chị không thốt một âm thanh nào.
Và cũng không ngoảnh đi.
34
Isabelle cố bò ra khỏi... cái gì nhỉ? Nàng vừa bị đá hay bị đốt?
Hoặc nhốt trong tủ lạnh? Nàng không sao nhớ nổi. Nàng kéo đôi bàn chân đau đớn, đẫm máu giật lùi qua sàn. Mọi thứ đều đau. Đầu, má, quai hàm, cổ tay và mắt cá chân nàng.
Có ai đó túm tóc nàng, giật đầu nàng ra sau. Những ngón tay thô, ngắn, bẩn thỉu bóp chắt miệng nàng, đổ brandy bắn tóe vào miệng làm nàng nghẹn. Nàng nhổ nó ra.
Tóc nàng đang tan giá. Nước đá chảy thành dòng xuống mặt nàng. Chầm chậm, nàng mở mắt.
Một gã đứng trước mặt nàng, đang hút thuốc. Mùi thuốc lá khiến nàng nôn nao tận ruột gan.
Nàng đã ở đây bao lâu?
Nghĩ xem, Isabelle.
Nàng đã bị vứt vào xà lim nhớp nháp, ngột ngạt này. Hai buổi sáng đã trôi qua nếu nàng có thể trông thấy mặt trời, đúng không nhỉ?
Hai? Hay chỉ một?
Có đủ thời gian để mọi người trong mạng lưới kịp ẩn náu không? Nàng không thể nghĩ nổi.
Gã đàn ông đang hỏi nàng nhiều câu. Miệng gã mở, đóng, phun khói.
Theo bản năng nàng chùn lại, cuộn tròn người, thu mình sát đất. Tên phía sau đá mạnh vào xương sống nàng, và nàng lặng ngắt.
Ra thế. Hai tên. Một ở đằng trước và một ở đằng sau. Chú ý vào gã đang nói.
Hắn nói gì?
- Ngồi.
Nàng không muốn tuân theo nhưng không đủ sức. Nàng trèo lên ghế. Da ở quanh cổ tay nàng rách và đẫm máu, mủ chảy ri rỉ. Nàng dùng đôi bàn tay che tấm thân trần truồng nhưng nàng biết là vô ích. Hắn sẽ dạng chân nàng ra để trói mắt cá chân nàng vào chân ghế.
Lúc nàng đã ngồi xong, một vật gì mềm mềm đập vào mặt và rơi xuống lòng nàng. Đờ đẫn, nàng nhìn xuống.
Một cái váy đầm. Không phải của nàng.
Nàng ghì nó che ngực và ngước lên.
- Mặc vào.
Đôi tay run run lúc nàng đứng dậy và lóng ngóng bước vào cái váy nhàu nhĩ, không ra hình thù gì, rộng hơn cỡ người nàng ít nhất ba số. Thời gian như vô tận trong lúc nàng cài khuy vạt trên của váy.
- Sơn ca, - hắn nói và rít một hơi thuốc dài. Đầu điếu thuốc sáng lên màu đỏ-cam và theo bản năng, Isabelle lùi vào trong ghế.
Schmidt. Đó là tên hắn.
- Tôi không biết gì về chim chóc, - nàng nói.
- Cô là Juliette Gervaise, - hắn nói.
- Tôi đã nói với ông cả trăm lần rồi.
- Và cô không biết gì về Sơn ca.
- Đây cũng là điều tôi đã nói với ông.
Hắn gật đầu và ngay lúc đó, Isabelle nghe thấy tiếng chân rồi cánh cửa đằng sau nàng cót két mở.
Nàng nghĩ: Nó không tổn hại, chỉ có thân thể mình. Bọn chúng không thể chạm đến tâm hồn mình. Nó đã thành câu thần chú của nàng.
- Chúng tôi đã xong việc với cô.
Hắn cười với nàng theo kiểu làm nàng sởn gai ốc.
- Đưa lão vào.
Một người đàn ông bị cùm loạng choạng bước tới.
Cha nàng.
Nàng thấy nỗi kinh hoàng trong mắt ông và biết bộ dạng mình ra sao: môi rách, mắt bầm tím, má rách toạc... thuốc lá đốt cháy bắp tay nàng, máu bết trong tóc nàng. Nàng nên giữ im lặng, đứng yên, nhưng không thể. Nàng lết tới, nghiến răng vì đau.
Trên mặt ông không vết thâm tím, môi không bị rách, cánh tay ông không ôm lấy cơ thể vì đau.
Bọn chúng không đánh đập hoặc tra tấn ông, có nghĩa là chúng chưa thẩm vấn ông.
- Tôi là Sơn ca, - cha nàng nói với gã đàn ông đã hành hạ nàng.
- Đấy có phải là điều anh muốn nghe không?
Nàng lắc đầu, nói không song tiếng nàng nhỏ đến mức không ai nghe thấy.
- Tôi là Sơn ca, - nàng nói và đứng lên trên đôi bàn chân rát bỏng, đầm đìa máu. Nàng quay sang gã người Đức đã tra tấn nàng.
Schmidt cười phá.
- Cô á, một cô gái? Sơn ca khét tiếng ấy sao?
Cha nàng nói gì đó bằng tiếng Anh với gã người Đức, rõ ràng hắn không hiểu.
Isabelle hiểu ý: Cha con nàng có thể nói với nhau bằng tiếng Anh.
Isabelle đã đến đủ gần để có thể chạm vào ông, nhưng nàng không làm vậy.
- Đừng làm thế, - nàng van xin.
- Xong rồi, - cha nàng nói. Nụ cười ông tặng nàng chầm chậm hình thành, và khi nó xuất hiện, nàng cảm thấy ngực nàng co thắt vì đau đớn. Hồi ức ùa tới nàng thành những đợt sóng, dâng tràn qua đê chắn mà nàng đã đắp nên trong những năm lẻ loi. Ông đã ôm Isabelle vào vòng tay, quay tròn, nâng con gái sau cú ngã, phủi bụi cho con và thì thầm Đừng khóc to thế, con bé nhõng nhẽo của ba, con làm mẹ con thức giấc đấy...
Nàng hít nhiều hơi nông và ngắn rồi lau mắt. Ông đang cố đền bù cho nàng, xin được tha thứ và tìm cách chuộc lỗi mọi chuyện trước kia, hy sinh thân mình vì nàng. Người đàn ông đó, con người trước chiến tranh, có thể tìm được một cách khác, có thể tìm ra những lời tuyệt vời để hàn gắn quá khứ rạn vỡ của họ. Nhưng ông không còn là con người đó nữa. Ông đã đánh mất quá nhiều, và trong mất mát của mình, ông càng vứt bỏ nhiều hơn. Đây là cách duy nhất ông biết để nói với nàng là ông yêu nàng.
- Không phải theo cách này, - nàng thì thầm.
- Không còn cách khác. Tha thứ cho ba, - ông nói dịu dàng.
Tên Gestapo bước vào giữa họ. Hắn chộp cánh tay ông và kéo ông ra cửa.
Isabelle lết theo.
- Tôi là Sơn ca! - Nàng hét lên.
Cánh cửa đóng sập vào mặt nàng. Nàng đi tập tễnh tới cửa sổ xà lim, nắm lấy những chấn song gỉ, thô ráp.
- Tôi là Sơn ca! - Nàng gào to.
Bên ngoài, dưới ánh mặt trời buổi sáng vàng óng, cha nàng bị kéo lê vào quảng trường, nơi tiểu đội hành quyết đã sẵn sàng, súng giương lên.
Cha nàng loạng choạng đi tới, lảo đảo qua quảng trường lát đá cuội, qua đài phun nước. Nắng buổi sáng làm mọi vật vàng rực, đẹp đẽ.
- Chúng ta phải còn thời gian chứ, - nàng thì thầm, cảm thấy nước mắt bắt đầu dâng. Biết bao lần nàng hình dung một khởi đầu mới cho nàng và cha, cho tất cả bọn họ? Sau chiến tranh, họ sẽ đoàn tụ, Isabelle, Vianne và cha, họ cười đùa, trò chuyện và họ sẽ lại là một gia đình.
Bây giờ chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra, nàng sẽ không bao giờ hiểu cha mình, sẽ không bao giờ cảm thấy sự ấm áp của bàn tay ông trong tay nàng, không bao giờ ngủ thiếp trên đi văng cạnh ông, không bao giờ được nói bao điều cần nói giữa họ. Những lời ấy đã mất, biến thành những bóng ma trôi dạt, không nói nên lời. Họ sẽ không bao giờ là gia đình như mẹ nàng đã hứa. “Ba ơi”, nàng gọi, tiếng gọi bỗng trở thành một tiếng đầy ý nghĩa, một giấc mơ trọn vẹn.
Ông quay lại và đối mặt với tiểu đội hành quyết. Nàng quan sát ông đứng đó, vươn cao và thẳng vai. Ông gạt những dải tóc bạc khỏi cặp mắt ráo hoảnh. Qua quảng trường, cái nhìn của họ gặp nhau. Nàng nắm các chấn song mạnh hơn, bám lấy chúng cho vững.
- Ba yêu con, - ông mấp máy môi.
Nhiều tiếng súng vang lên.
+++++
Vianne đau đớn toàn thân.
Chị nằm trên giường với các con đang ngủ say, cố không nhớ tới từng chi tiết ghê rợn của vụ hãm hiếp đêm qua.
Cử động chậm chạp, chị tới máy bơm và rửa ráy bằng nước lạnh, nhăn nhó mỗi lần chạm vào nơi bầm tím.
Chị mặc bộ đồ thoải mái - váy bằng vải lanh nhăn cài khuy đến cổ, thân trên vừa vặn, bên dưới xòe rộng.
Chị nằm thao thức trên giường suốt đêm, ôm chặt các con, khóc không ngừng vì những gì hắn đã làm với chị - vì thứ hắn đã nhận từ chị - và cơn giận sục sôi vì chị không thể ngăn việc đó lại.
Chị muốn giết chết hắn.
Chị muốn tự tử.
Giờ đây, Antoine sẽ nghĩ sao về chị?
Thật lòng mà nói, điều chị mong muốn nhất là được cuộn tròn như một quả bóng trong xó xỉnh nào đấy và không bao giờ lộ mặt ra lần nữa.
Nhưng ngay cả nỗi nhục đó cũng là một thứ xa xỉ trong thời buổi này. Sao chị có thể lo lắng cho bản thân trong khi Isabelle đang ở trong nhà giam và cha chị đang cố cứu con bé?
- Sophie, - chị nói lúc mấy mẹ con vừa xong bữa sáng với bánh mì nướng khô khốc và một quả trứng chần. - Hôm nay mẹ có việc phải đi. Con ở nhà với Daniel nhé. Khóa cửa lại.
- Von Richter...
- Đi vắng đến ngày mai. - Chị cảm thấy mặt mình nóng bừng. Đây là sự riêng tư mà con gái chị không nên biết. - Hắn bảo mẹ như thế vào... đêm qua. - Giọng chị đứt quãng ở từ cuối.
Sophie đứng dậy:
- Mẹ à?
Vianne lau vội nước mắt:
- Mẹ không sao. Nhưng mẹ phải đi. Các con cẩn thận nhé. - Chị hôn tạm biệt các con rồi lao ra ngoài trước khi nghĩ ra lý do để ở lại.
Von Richter. Hắn đã nói sẽ đi vắng qua đêm nay, nhưng ai mà biết được? Hắn có thể theo dõi chị mọi lúc. Nhưng nếu chị quá lo về những cái “nếu như”, chị sẽ không bao giờ làm được gì. Từ khi che giấu các trẻ em Do Thái, chị đã học được rằng cứ phải tiến tới bất chấp sợ hãi.
Chị phải giúp Isabelle...
(Đừng quay lại đây)
(Chính tôi sẽ tố giác cô)
... và cha chị, nếu có thể.
Chị lên tàu và ngồi ghế cứng ở toa hạng ba. Vài hành khách khác - phần lớn là phụ nữ - ngồi trên tàu, đầu gục xuống, tay đan lại đặt trên lòng. Một tên lính Đức cao lớn đứng gác bên cửa, súng lăm lăm sẵn sàng. Một đội bảo an nhìn trừng trừng - bọn cảnh sát Vichy hung ác - ngồi ở đầu kia của toa tàu.
Vianne không nhìn những người phụ nữ ngồi cùng ngăn với mình. Một người trong số đó nặc mùi tỏi và hành tây. Mùi ấy khiến Vianne hơi buôn nôn trong ngăn tàu nóng nực và thiếu không khí này. May mắn thay, điểm đến của chị cách đây không xa, và hơn mười giờ sáng một chút, chị xuống nhà ga nhỏ ở ngoại ô Girot.
Bây giờ làm gì?
Mặt trời đã lên cao trên đầu, hun nóng thành phố nhỏ đến choáng váng. Vianne nắm chặt cái xắc, cảm thấy mồ hôi chảy xuống lưng và rỏ giọt ở thái dương. Nhiều tòa nhà màu cát bị ném bom, đâu đâu cũng thấy những đống gạch vụn. Một cây thánh giá Lorraine màu xanh lơ được ai đó vẽ trên tường đá của ngôi trường bỏ hoang.
Chị bắt gặp vài người trên các con phố quanh co lát đá cuội. Thỉnh thoảng một cô gái phóng xe đạp hoặc một cậu trai đẩy xe cút kít lọc cọc chạy qua chị, nhưng chị nhận thấy phần lớn là im lặng, một không gian bị ruồng bỏ.
Lúc đó, có tiếng một phụ nữ hét lên.
Vianne đã tới chỗ rẽ ngoặt cuối cùng và trông thấy quảng trường thành phố. Một xác chết buộc vào đài phun nước trong quảng trường. Máu nhuộm đỏ làn nước đang vỗ quanh mắt cá chân ông ta. Đầu ông bị trói ra sau bằng một thắt lưng lính, trông ông gần như thanh thản, miệng trễ xuống, mắt mở to, không nhìn thấy gì. Nhiều lỗ đạn găm vào ngực ông, làm chiếc áo chui đầu của ông rách tả tơi, ngực áo và ống quần ông đen thẫm lại vì máu.
Là cha chị.
+++++
Suốt đêm qua, Isabelle nằm cuộn mình trong góc xà lim ẩm ướt, tối tăm. Nỗi kinh hoàng vì cái chết của cha nàng cứ trở đi trở lại.
Nàng sẽ bị giết sớm thôi. Hoặc đó là điều nàng không mảy may nghi ngờ.
Nhiều tiếng đồng hồ trôi qua - thời gian đo bằng những nhịp hít vào thở ra và nhịp đập của trái tim - nàng đã viết xong những bức thư vĩnh biệt trong tưởng tượng gửi cha nàng, Gaëton và Vianne. Nàng xâu chuỗi các kỷ niệm thành những câu mà nàng thuộc lòng hoặc cố thuộc, song tất cả đều kết thúc bằng “con/em xin lỗi”. Khi bọn lính đến tìm nàng, chìa khóa lách cách trong ổ khóa cổ lỗ, các cánh cửa bị mối mọt loẹt xoẹt mở trên mặt sàn mấp mô, nàng muốn hét lên phản đối, gào to KHÔNG, nhưng nàng không còn tiếng.
Nàng bị kéo giật đứng dậy. Một phụ nữ vóc dáng như một chiếc xe tăng dúi đôi giày và bít tất cho nàng và nói gì đó bằng tiếng Đức. Rõ ràng là mụ không nói được tiếng Pháp.
Mụ trả lại Isabelle thẻ căn cước mang tên Juliette. Lúc này giấy tờ đã vấy bẩn và nhàu nát.
Đôi giày quá chật, bó chặt vào các ngón chân song chúng an ủi Isabelle rất nhiều. Người phụ nữ lôi nàng ra khỏi xà lim và trèo lên các bậc đá, bước ra ánh nắng chói chang trên quảng trường. Vài tên lính đứng đối diện với tòa nhà, súng trường mắc sau lưng, lăng xăng đi lại khắp nơi. Nàng trông thấy cái xác đầy vết đạn của cha mình buộc vào đài phun nước và hét lên.
Mọi người trong quảng trường ngước nhìn. Bọn lính trỏ nàng, cười rú.
- Im mồm, - người đàn bà như cái xe tăng Đức rít lên.
Isabelle định nói gì đó thì trông thấy Vianne đang đi tới chỗ nàng.
Chị nàng vụng về tiến tới, dường như không làm chủ nổi cơ thể. Chị mặc bộ váy áo tả tơi, Isabelle còn nhớ trước kia nó rất đẹp. Mớ tóc vàng ánh đỏ của chị xỉn màu và rũ xuống, vén vào sau tai. Mặt chị gầy và hốc hác như một cái chén làm bằng đất sét trộn tro xương.
- Chị tới giúp em, - Vianne nói khẽ khàng.
Isabelle chực khóc. Hơn tất thảy trên đời, nàng muốn chạy tới chỗ chị gái, quỳ gối xin chị tha thứ rồi ôm lấy chị, cảm kích. Nói “em xin lỗi” và “em yêu chị” là tất cả những lời cần nói giữa họ. Nhưng nàng không thể làm gì hết.
Nàng phải bảo vệ Vianne.
- Ba cũng vậy, - nàng nói và hất đầu về phía cha mình. - Đi đi. Em xin đấy. Quên em đi.
Mụ người Đức kéo giật Isabelle về phía trước. Nàng đi loạng choạng, bàn chân nàng rên xiết vì đau đớn và không cho phép mình ngoảnh lại. Nàng ngỡ mình bị dẫn đến đội hành quyết, nhưng nàng đi ngang qua xác cha, ra khỏi quảng trường vào một con phố ngang, một chiếc xe tải đợi sẵn.
Mụ ta đẩy Isabelle lên thùng xe. Nàng trườn vào góc và ngồi xổm xuống, một mình. Tấm vải bạt phủ kín, đập phần phật làm thùng xe tối sầm. Lúc xe nổ máy, nàng tựa cằm vào khe cứng và rỗng giữa hai đầu gối xương xẩu và nhắm mắt lại.
Lúc nàng tỉnh dậy, thật tĩnh mịch. Xe đã ngừng chạy. Đâu đó có tiếng còi rít lên.
Nắp xe hất sang một bên và ánh sáng tràn ngập thùng xe, sáng đến nỗi Isabelle không thể nhìn thấy gì ngoài những bóng người tiến đến nàng, quát lớn: "Nhanh, nhanh lên!"* .
Tiếng Đức trong nguyên bản.
Nàng bị lôi xuống xe và quẳng xuống một đường phố lát đá như một túi rác. Có bốn toa chở gia súc trống xếp hàng dọc sân ga. Ba toa đầu đóng chặt. Toa thứ tư mở toang - lèn chặt phụ nữ và trẻ em. Ồn ào kinh khủng - tiếng la hét, tiếng khóc, tiếng chó sủa, còi rít, tiếng xình xịch của đoàn tàu đang đợi.
Một tên Đức Quốc xã đẩy Isabelle vào đám đông, mỗi lần nàng dừng bước lại bị đẩy tới, cho đến khi toa cuối cùng xuất hiện trước mắt nàng.
Hắn túm lấy nàng và quẳng vào bên trong, nàng trượt vào đám đông, suýt ngã. Nhiều thân hình khác giữ cho nàng đứng. Họ vẫn lặng lẽ đi vào, nghiêng ngả, khóc lóc, nắm chặt tay con cái, cố tìm một khe hở vài phân giữa các thân hình để đứng.
Những chấn song sắt che kín các cửa sổ. Isabelle nhìn thấy một cái thùng duy nhất trong góc toa.
Nhà vệ sinh của họ.
Va li xếp chồng chất trong góc, trên một đống những bó cỏ khô.
Lê từng bước trên hai bàn chân đau nhói, Isabelle len qua đám đông những phụ nữ đang rên rỉ, khóc lóc, qua những trẻ em đang kêu gào, tới cuối toa tàu. Nàng trông thấy một phụ nữ đứng lẻ loi trong một góc, cánh tay khoanh lại thách thức, khăn quàng đen che kín mái tóc hoa râm.
Khuôn mặt nhiều nếp nhăn của bà Babineau giãn ra thành một nụ cười, răng nâu xỉn. Isabelle nhẹ cả người khi nhìn thấy bà bạn già, đến nổi nàng suýt khóc.- Bác Babineau, - Isabelle thì thào và ôm bà thật chặt.
- Ta nghĩ giờ là lúc cháu gọi ta là Micheline, - bà bảo. Bà mặc quần đàn ông, quá dài so với bà và chiếc sơ mi bằng vải flanen. Bà chạm vào khuôn mặt nứt nẻ, bầm tím và đầy máu của Isabelle. - Chúng nó làm gì cháu thế này?
- Những điều tệ nhất, - nàng nói, cố tỏ ra đúng là mình.
- Ta không nghĩ thế. - Micheline để câu nói lắng đi một lát rồi nhìn xuống cái xô gần bàn chân đi ủng của bà. Cái xô đầy thứ nước xam xám, bắn tóe qua thành lúc sàn gỗ kêu lạch cạch dưới sức nặng của nhiều người. Một cái muôi gỗ nứt nằm một bên.
- Uống đi. Trong lúc còn nước, - bà nói.
Isabelle múc đầy môi nước bốc mùi hôi thối. Suýt oẹ vì mùi vị của nó, Isabelle cố nuốt. Nàng đứng đó, đưa cái muôi đầy cho Micheline, bà uống hết rồi đưa ống tay áo lau đôi môi ướt.
- Chuyện này sẽ rất tệ, - Micheline nói.
- Cháu xin lỗi đã đưa bác vào việc này, - Isabelle nói.
- Cháu không đưa ta vào việc gì hết, Juliette, - Micheline đáp. - Ta muốn là một phần trong đó.
Còi lại rít lên và cửa toa sập lại, đẩy tất cả vào bóng tối. Những cái then cài lách cách, nhốt họ ở trong. Đoàn tàu lắc lư chạy tới. Nhiều người ngã vào người khác, ngã xuống. Trẻ con kêu khóc và rên rỉ. Ai đó đi tiểu vào thùng, càng làm nồng nặc thêm mùi mồ hôi và sợ hãi.
Micheline quàng tay ôm Isabelle và hai người trèo lên trên các bó cỏ khô rồi cùng ngồi xuống.
- Cháu là Isabelle Rossignol, - nàng khẽ nói, nghe thấy tên mình bị bóng tối nuốt chửng. Nếu nàng chết trên chuyến tàu này, nàng muốn có người biết mình là ai.
Micheline thở dài:
- Cháu là con gái của Julien và Madeleine.
- Bác biết ngay từ đầu ư?
- Ừ. Cháu có cặp mắt của mẹ và khí chất của cha cháu.
- Ba cháu bị hành hình rồi, - nàng nói. - Ông nhận mình là Sơn ca.
Micheline nắm tay nàng.
- Tất nhiên là ông ấy sẽ làm thế. Rồi có ngày cháu làm mẹ, cháu sẽ hiểu. Bác nhớ cách suy nghĩ của cha mẹ cháu không hợp nhau - cha cháu trầm lặng, trí tuệ còn mẹ cháu sôi nổi và cứng rắn. Bác đã nghĩ là họ chẳng có điểm nào chung, nhưng bây giờ bác biết tình yêu thường là thế. Chiến tranh mà, cháu biết đấy, chính nó đã bẻ gẫy ông ấy như một điếu thuốc lá. Không thể sửa lại được. Mẹ cháu đã cố cứu cha cháu. Rất vất vả.
- Khi mẹ cháu mất...
- Ừ. Thay vì sửa mình, ông ấy lại sa đà rượu chè và càng ngày càng tệ hơn, nhưng con người mà ông ấy trở thành không phải là ông, - Micheline nói. - Có nhiều câu chuyện kết thúc không có hậu. Kể cả các câu chuyện tình. Đặc biệt là những câu chuyện tình, có lẽ vậy.
Nhiều giờ chầm chậm trôi qua. Đoàn tàu thường xuyên đỗ lại để nhận thêm một hoặc nhiều phụ nữ và trẻ em, hoặc tránh bom. Phụ nữ thay nhau ngồi xuống hoặc đứng lên, người nọ giúp người kia khi có thể. Nước uống đã hết, còn thùng nước tiểu đầy tràn. Mỗi lần tàu chậm dần, Isabelle lại chạy đến bên thành toa, ngó qua các khe hở, cố xem họ đang ở đâu, nhưng nàng chỉ thấy thêm nhiều binh lính, chó và roi... thêm nhiều phụ nữ bị lùa như súc vật vào các toa tàu. Những người đàn bà viết tên của họ lên các mẩu giấy hoặc mẩu vải và nhét qua các kẽ hở ở thành toa, với hy vọng hão huyền được nhớ đến.
Sang ngày thứ hai, tất thảy đều kiệt sức, đói và khát nên họ im lặng, để dành nước bọt. Trong toa tàu, nóng nực và hôi hám không thể chịu nổi.
Hãy biết sợ.
Gaëton chẳng nói thế với nàng sao? Anh nói lời cảnh báo này đến từ Vianne, trong cái đêm ở nhà kho ấy.
Khi đó Isabelle chưa hiểu đầy đủ. Bây giờ thì nàng hiểu. Nàng đã ngỡ mình rất vững vàng.
Nhưng liệu nàng sẽ làm gì nếu làm khác đi?
- Không gì cả, - nàng thì thầm trong bóng tối.
Nàng sẽ làm lại tất cả một lần nữa.
Đây chưa phải là kết thúc. Nàng phải nhớ điều đó. Mỗi ngày còn sống là một cơ hội được cứu giúp. Nàng không thể từ bỏ. Nàng sẽ không bao giờ từ bỏ.
+++++
Đoàn tàu đỗ lại. Isabelle ngồi dậy, mắt nhòe nhoẹt, cả người đau nhức nhối vì những trận đòn dồn dập khi bị thẩm vấn. Nàng nghe thấy nhiều giọng nói cục cằn, nhiều tiếng chó sủa. Một hồi còi ré lên.
- Dậy đi, Micheline, - Isabelle nói và huých nhẹ người đàn bà cạnh nàng.
Micheline từ từ ngồi thẳng dậy.
Bảy mươi người nữa trong toa - toàn phụ nữ và trẻ em - chậm chạp thức tỉnh khỏi trạng thái mê mụ của cuộc hành trình. Những người đã ngồi đang đứng dậy. Theo bản năng, nhiều phụ nữ tụ lại gần nhau hơn.
Isabelle nhăn nhó vì đau lúc đứng dậy trên bàn chân rách nát trong đôi giày quá chật. Nàng nắm bàn tay lạnh ngắt của Micheline.
Các cánh cửa đồ sộ của toa tàu ầm ầm mở. Ánh nắng ùa vào, làm tất cả lóa mắt. Isabelle trông thấy nhiều sĩ quan SS mặc đồ đen, với những con chó gầm gừ và sủa vang. Chúng quát tháo đám phụ nữ và trẻ em, ra mệnh lệnh bằng các từ khó hiểu song ý nghĩa thì rõ ràng. Trèo xuống, nhanh lên, xếp thành hàng.
Cánh phụ nữ giúp nhau xuống tàu. Isabelle nắm bàn tay Micheline và bước xuống sân ga.
Một cái dùi cui quật vào đầu nàng mạnh đến nỗi nàng trượt sang một bên và quỵ trên gối.
- Đứng dậy, - một phụ nữ nói. - Cô phải đứng lên.
Isabelle để mặc người đó giúp nàng đứng lên. Choáng váng, nàng dựa vào người phụ nữ ấy. Micheline bước tới một bên, quàng tay quanh eo giữ cho nàng đứng vững.
Bên trái Isabelle, một ngọn roi uốn trong không khí, rít lên và quật rách da thịt hồng hồng trên má một phụ nữ. Người đó hét lên và đưa tay giữ lại làn da rách. Máu trào ra giữa các ngón tay, nhưng chị ta vẫn đi.
Đám phụ nữ tạo thành những hàng người rách rưới, đi trên mặt đất gồ ghề qua một cái cổng mở, có dây thép gai bao quanh. Một tháp canh hiện ra lù lù bên trên họ.
Bên trong các cổng, Isabelle nhìn thấy hàng trăm - hàng ngàn - phụ nữ trông như những bóng ma di chuyển khắp nơi tạo thành một cảnh tượng kỳ quái, buồn thảm, thân hình họ tiều tụy, mắt trũng sâu, trên những bộ mặt xám ngắt là vẻ chết chóc, tóc bị cắt xén. Họ mặc những giẻ rách tả tơi, lùng thùng, bẩn thỉu, một số đi đất. Chỉ toàn phụ nữ và trẻ em. Không có đàn ông.
Xa hơn, nàng nhìn thấy đằng sau các cánh cổng và dưới tháp canh là các trại giam xếp thành nhiều dãy.
Một xác phụ nữ nằm trên bùn ngay trước mặt họ. Isabelle bước qua cái xác, quá đờ đẫn không thể nghĩ ngợi gì nhưng vẫn đi. Người phụ nữ đi cuối cùng dừng lại bị đánh mạnh đến mức không dậy được nữa.
Bọn lính giật các va li trên tay họ, vồ lấy vòng cổ, kéo tuột các hoa tai và nhẫn cưới. Lúc các món đồ có giá trị trên người họ bị lột sạch, họ bị đưa vào một căn phòng, đứng chen chúc, toát mồ hôi vì nóng nực, choáng váng và khát. Một người đàn bà chộp lấy cánh tay Isabelle và kéo sang bên. Nàng chưa kịp nghĩ ngợi đã bị lột trần truồng - tất cả đều bị thế. Những bàn tay thô bạo, móng tay bẩn thỉu cào xước da nàng. Nàng bị cạo sạch mọi chỗ - dưới cánh tay, đầu, lông mu - dữ dội đến nỗi chảy máu.
- Nhanh!*
Tiếng Đức trong nguyên bản.
Isabelle đứng với những phụ nữ khác, trần truồng, đầu trọc lốc, giá lạnh, chân nàng đau nhức, đầu ong ong vì những cú đòn. Sau đó họ lại đi, bị lùa tới một tòa nhà khác.
Nàng chợt nhớ những câu chuyện đã được nghe ở MI9 và trên đài BBC, những bài tường thuật về những người Do Thái bị xả khí độc đến chết trong các trại tập trung.
Nàng lờ mờ cảm thấy sợ hãi lúc bị xô tới cùng cả bầy vào một căn phòng khổng lồ đầy những vòi hoa sen.
Isabelle đứng dưới một trong những vòi nước đó, trần truồng và run rẩy. Át tiếng của bọn lính gác, các tù nhân và tiếng chó, nàng nghe thấy tiếng lách cách của một hệ thống thông gió cũ kỹ. Một cái gì đó đang tới, òng ọc trong các ống dẫn.
Là nó đây.
Các cửa đóng sập lại.
Nước lạnh như băng phun ra từ các vòi sen làm Isabelle sững sờ, buốt giá thấu xương. Chẳng mấy chốc nước tắt và họ lại bị lùa ra. Run rẩy, cố đưa hai bàn tay run run che đi sự trần truồng nhưng vô ích, nàng hòa vào đám đông và loạng choạng bước tới cùng những người phụ nữ khác. Họ bị bắt chấy rận, người nọ tiếp người kia. Rồi Isabelle được phát một bộ áo kẻ sọc không ra hình thù gì, một đôi quần lót đàn ông bẩn thỉu và hai chiếc giày chân trái không dây buộc.Ghì chặt những đồ đạc mới vào bộ ngực lạnh buốt và ẩm ướt, nàng bị xô vào một tòa nhà trông như nhà kho, có những cái giường tầng bằng gỗ. Nàng trèo vào một trong các giường đó và nằm xuống cùng chín phụ nữ khác. Cử động chậm rãi, nàng mặc quần áo và nằm ngửa, nhìn trừng trừng vào mặt dưới của chiếc giường bên trên mình.
- Micheline? - Nàng thì thào.
- Bác đây, Isabelle, - bà bạn nói xuống từ giường trên.
Isabelle quá mệt, không nói gì thêm. Bên ngoài, nàng nghe thấy tiếng thắt lưng da quật vun vút, tiếng những ngọn roi rít, tiếng kêu la của đám phụ nữ đi quá chậm.
- Chào mừng đến Ravensbrück, - người phụ nữ cạnh nàng nói.
Isabelle cảm thấy bộ hông xương xẩu của người đó áp sát vào chân nàng.
Nàng nhắm mắt lại, cố chặn các âm thanh, mùi, sự sợ hãi và nỗi đau.
Phải sống, nàng nghĩ.
Phải. Sống.