Sơn Ca Vẫn Hót - Chương 19

37

Kể cả trong một ngày tháng Ba trời xanh biếc như thế này, căn hộ trên đại lộ La Bourdonnais vẫn như một lăng mộ. Bụi phủ kín mọi bề mặt và đóng thành nhiều lớp trên sàn. Vianne đến các cửa sổ, giật hết những mành mành bôi đen xuống, để ánh sáng ùa vào căn phòng, lần đầu tiên sau nhiều năm.

Trông như một thời gian dài không ai ở trong căn hộ này. Chắc là từ ngày cha chị bỏ đi cứu Isabelle.

Những bức tranh vẫn còn trên tường, đồ đạc vẫn nguyên tại chỗ. Một số cái đã bị lấy xuống làm củi đốt và chất đống trong một góc. Trên bàn phòng ăn có một bát xúp trống không và cái thìa. Các tập thơ tự xuất bản của cha chị xếp thành hàng trên mặt lò sưởi.

- Trông có vẻ như Isabelle không ở đây. Chúng ta phải đến khách sạn Lutetia thôi.

Vianne biết chị nên thu dọn các thứ của gia đình, coi đó là tàn dư của một cuộc đời khác, nhưng lúc này chị không thể làm việc đó. Chị không muốn. Cứ để sau.

Chị, Antoine và Sophie liền rời căn hộ. Trên phố bên ngoài, xung quanh họ là những dấu hiệu phục hồi. Dân Paris như những con chuột chũi ra ánh nắng sau nhiều năm sống trong tăm tối. Nhưng khắp nơi vẫn còn những hàng người dài đợi mua thực phẩm, đồ ăn thức uống vẫn phải phân phối và rất thiếu thốn. Cuộc chiến có lẽ đang dần đến hồi kết - quân Đức rút lui ở khắp nơi - nhưng vẫn chưa chấm dứt.

Họ đến khách sạn Lutetia, từng là nơi an toàn cho lực lượng Kháng chiến trong thời chiếm đóng, hiện giờ là trung tâm tiếp đón tù nhân từ các trại trở về.

Vianne đứng trong hành lang thanh lịch, đông đúc. Lúc nhìn quanh, chị cảm thấy nôn nao và lấy làm mừng vì đã để Daniel ở lại với Mẹ Nhất. Khu vực tiếp đón đầy những người gầy như cái que, đầu trọc, mắt đờ đẫn, ăn mặc rách rưới. Trông họ giống những xác chết. Các bác sĩ, nhân viên Hồng Thập tự và cánh nhà báo đi đi lại lại giữa họ.

Một người đến gần Vianne, dí một tấm ảnh đen trắng vào mặt chị.

- Bà có trông thấy con bé không? Tin cuối cùng chúng tôi nghe được là nó ở Auschwitz.

Bức ảnh chụp một cô gái xinh đẹp đứng cạnh chiếc xe đạp, đang mỉm cười rạng rỡ. Cô gái không thể quá mười lăm.

- Không, - Vianne đáp. - Tôi rất tiếc.

Người đó bỏ đi, trông choáng váng y như Vianne cảm thấy.

Vianne nhìn đâu cũng thấy những gia đình lo âu, những tấm ảnh trong các bàn tay run run, van nài cho biết tin những người thân yêu của họ. Bức tường bên phải chị phủ kín những bức ảnh, những tin nhắn, tên tuổi và địa chỉ. Người còn sống đang tìm những người mất tích. Antoine đến gần Vianne, đặt tay lên vai chị.

- Chúng ta sẽ tìm ra cô ấy, V. ạ.

- Mẹ ơi? - Sophie gọi. - Mẹ có sao không?

Chị nhìn con gái.

- Có lẽ chúng ta nên để con ở nhà.

- Đã quá muộn để bảo vệ con rồi, - Sophie đáp. - Mẹ phải biết thế chứ.

Vianne không thích vì đó là sự thật sờ sờ. Chị nắm tay Sophie và cương quyết rẽ đám đông, cùng Antoine bên cạnh. Trong khu vực bên trái, chị thấy nhiều người đàn ông gầy như que củi, mặc áo tù bẩn thỉu trông như những bộ xương đang tụ tập. Sao họ vẫn còn sống được chứ?

Chị không nhận ra mình đã dừng lại lần nữa, cho đến khi một phụ nữ đến trước mặt chị.

- Thưa bà, - người phụ nữ, một nhân viên Hồng Thập tự, nói dịu dàng.

Vianne rời cái nhìn chằm chặp khỏi những người sống sót rách rưới.

- Tôi có nhiều người cần tìm... em gái tôi, Isabelle Rossignol. Nó bị bắt giam vì tội giúp đỡ kẻ thù và bị đưa đi. Bạn thân nhất của tôi là Rachel de Champlain, bị trục xuất. Chồng chị ấy là Marc, bị bắt làm tù binh. Tôi... tôi không biết chuyện gì xảy ra với họ và cách tìm kiếm họ. Tôi có một danh sách các trẻ em Do Thái ở Carriveau. Tôi cần cho các em đoàn tụ với cha mẹ.

Nhân viên Hồng Thập tự là một phụ nữ gầy guộc, tóc hoa râm, nhận tờ giấy và ghi lại những cái tên mà Vianne đưa cho bà.

- Tôi sẽ đến bàn hồ sơ và tra những cái tên này. Còn với trẻ em, mời bà đi với tôi. - Bà ta dẫn họ xuống một căn phòng bên dưới gian chính, có một người đàn ông nom cổ lỗ, ria dài, ngồi sau bàn chồng chất giấy tờ.

- Ông Montand, - nhân viên Hồng Thập tự nói, - bà này có thông tin về một số trẻ em Do Thái.

Ông già ngước nhìn chị qua cặp mắt đỏ ngầu và búng những ngón tay dài, có những túm lông.

- Mời vào.

Nhân viên Hồng Thập tự ra khỏi phòng. Sau những ồn ào và náo động, sự im lặng đột ngột dễ làm họ lúng túng.

Vianne đến gần bàn. Bàn tay chị ẩm mồ hôi. Chị lau tay vào vạt váy.

- Tôi là Vianne Mauriac. Ở Carriveau. - Chị mở xắc và rút ra bản danh sách chị lập tối qua, từ ba bản danh sách chị đã giữ suốt cuộc chiến. Chị đặt nó lên bàn.

- Thưa ông, đấy là những trẻ em Do Thái được che giấu. Các cháu đang ở trại mồ côi thuộc Tu viện Trinité, dưới sự trông nom của Mẹ Nhất Marie-Therese. Tôi không biết làm thế nào để các cháu đoàn tụ với cha mẹ chúng. Ngoại trừ tên, họ trong danh sách. Ari de Champlain đang ở với tôi. Tôi đang tìm kiếm cha mẹ cháu.

- Mười chín em, - ông nói khẽ.

- Tôi biết là không nhiều, nhưng...

Ông ngước nhìn chị như thể chị là một nữ anh hùng, thay vì một người sống sót đang hoảng sợ.

- Đây là mười chín đứa trẻ sẽ phải chết cùng cha mẹ trong các trại tập trung, thưa bà.

- Ông có thể giúp các cháu đoàn tụ với gia đình chúng được không? - Chị hỏi, dịu dàng.

- Tôi sẽ cố, thưa bà. Nhưng buồn thay, phần lớn các em này hiện giờ thực sự là trẻ mồ côi. Các bản danh sách đến từ các trại tập trung đều giống nhau: mẹ chết, bố chết, không họ hàng còn sống ở Pháp. Và rất ít trẻ em sống sót.

Ông lùa bàn tay vào mớ tóc xám thưa thớt trên đầu. - Tôi sẽ chuyển bản danh sách của bà tới OSE ở Nice. Họ đang cố gắng đoàn tụ các gia đình. Xin cảm ơn bà.

Vianne đợi một lát, nhưng ông ta không nói gì thêm. Chị ra gặp chồng và con gái, họ rời khỏi văn phòng và trở lại đám đông những người tị nạn, các gia đình và những người sống sót qua các trại tập trung.

- Bây giờ chúng ta làm gì? - Sophie hỏi.

- Chúng ta đợi tin từ nhân viên Hồng Thập tự, - Vianne đáp.

Antoine chỉ vào bức tường phủ kín những ảnh, tên của người mất tích.

- Chúng ta nên tìm cô ấy ở kia kìa.

Họ nhìn nhau và đều hiểu rõ sẽ đau đớn biết chừng nào khi đứng đó, lục tìm khắp các tấm ảnh những người mất tích. Song họ vẫn đến trước một biển những ảnh, tin nhắn, và bắt đầu tìm kiếm từng cái một.

Họ ở đó gần hai giờ đồng hồ, bà nhân viên Hồng Thập tự trở lại.

- Thưa bà?

Vianne quay lại.

- Tôi xin lỗi, thưa bà. Rachel và Marc de Champlain có tên trong danh sách đã tử vong. Và không có hồ sơ nào về Isabelle Rossignol.

Vianne nghe thấy đã tử vong và cảm thấy một nỗi đau không chịu nổi. Chị quyết gạt cảm xúc sang một bên. Chị sẽ nghĩ đến Rachel sau, khi chỉ có một mình. Chị sẽ cầm cốc champagne ra ngoài, dưới gốc cây thông đỏ và trò chuyện với bạn mình.

- Như thế là sao ạ? Không có hồ sơ nào về Isabelle ư? Tôi đã chứng kiến bọn chúng đưa cô ấy đi.

- Bà hãy về nhà và đợi cô ấy trở về, - nhân viên Hồng Thập tự nói. Bà ta chạm vào cánh tay Vianne. - Xin bà cứ hy vọng. Không phải tất cả các trại tập trung đã được giải phóng hết.

Sophie ngước nhìn mẹ:

- Có khi dì tự biến thành vô hình.

Vianne chạm vào mặt con gái và gượng cười, một nụ cười buồn bã.

- Con lớn thật rồi. Nó làm mẹ vừa tự hào vừa tan nát trái tim.

- Đi thôi, mẹ, - Sophie nói và kéo tay mẹ. Vianne để mặc con gái đưa mình đi. Chị cảm thấy mình như một đứa trẻ hơn là người mẹ lúc họ len qua hành lang đông đúc rồi ra đường phố sáng rỡ bên ngoài.

Nhiều tiếng đồng hồ sau, khi đã ở trên tàu về nhà, ngòi trên ghế gỗ ở toa hạng ba, Vianne đăm đăm nhìn miền quê bị ném bom tan tác. Antoine ngồi gà gật cạnh chị, đầu anh dựa vào cửa sổ cáu bẩn.

- Mẹ thấy thế nào? - Sophie hỏi.

Vianne đặt tay lên cái bụng đã lớn của mình. Một run rẩy nhỏ xíu - một cái đạp - vào lòng bàn tay chị. Chị với tìm bàn tay Sophie.

Sophie cố giằng ra, Vianne vẫn dịu dàng nài ép. Chị đặt bàn tay con gái lên bụng mình.

Sophie cảm nhận cái đạp nhè nhẹ, mắt nó mở to. Nó ngước nhìn Vianne:

- Sao mẹ có thể...

- Cuộc chiến này đã thay đổi tất cả chúng ta, Sophie ạ. Hiện giờ Daniel là em trai con, còn Rachel... đã mất rồi. Nó thực sự là em trai con. Còn đứa trẻ này... nó vô tội...

- Thật khó mà quên được, - Sophie nói khẽ. - Và con sẽ không bao giờ tha thứ.

- Nhưng tình yêu phải mạnh hơn lòng căm thù, hoặc chúng ta sẽ chẳng có tương lai.

Sophie thở dài:

- Con tin thế, - nó nói, có vẻ quá già giặn so với một cô gái ở tuổi mình.

Vianne đặt bàn tay lên đỉnh đầu con gái:

- Chúng ta sẽ nhắc nhở nhau, được không con? Về những ngày đen tối. Chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ vì nhau.

+++++

Điểm danh tiếp diễn trong nhiều giờ. Isabelle khuỵu gối. Giây phút chạm đất, nàng nghĩ phải sống và cố vươn dậy.

Bọn lính tuần tra vòng ngoài cùng đàn chó, lựa chọn những người phụ nữ cho phòng hơi ngạt. Có tin đồn sắp có chuyến đi nữa. Lần này tới Mauthausen, nơi hàng ngàn người đã làm việc đến chết: các tù binh Liên Xô, người Do Thái, phi công phe Đồng minh, tù chính trị. Nghe nói không người nào bước vào qua cổng trại mà bước ra được.

Isabelle ho. Máu bắn khắp lòng bàn tay nàng. Nàng lau vội vào bộ áo bẩn thỉu, trước khi bọn lính gác trông thấy.

Hơi thở cùa nàng bỏng rát, đầu nàng đập thình thịch và đau nhức. Nàng mải tập trung vào cơn đau của mình và mất một lúc mới nhận ra tiếng động cơ.

- Cháu nghe thấy gì không? - Micheline hỏi.

Isabelle cảm thấy cơn chấn động lan khắp các tù nhân. Thật khó mà tập trung tư tưởng khi nàng đang đau khốn đau khổ đến thế. Phổi nàng đau rát theo từng hơi thở.

- Bọn chúng đang bỏ chạy, - nàng nghe thấy.

- Isabelle, nhìn kia!

Lúc đầu nàng chỉ thấy bầu trời xanh trong sáng, cây cối và các tù nhân. Sau đó, nàng nhận ra.

- Lính gác biến hết rồi, - nàng nói bằng giọng khàn khàn, rời rạc.

Các cánh cổng mở loảng xoảng rồi một dòng xe tải Mỹ tràn vào, binh lính ngồi trên ca pô và trên thùng xe, súng trường vắt chéo qua ngực.

Những người Mỹ.

Đầu gối Isabelle quỵ xuống.

- Mich... e... line, - nàng thì thào, tiếng nàng chập chờn, đứt quãng như ý nghĩ của nàng vậy. - Chúng ta... đã... làm được.

+++++

Mùa xuân năm đó, chiến tranh bắt đầu kết thúc. Tướng Eisenhower* tuyên bố trên đài phát thanh, buộc nước Đức đầu hàng. Quân Mỹ đã vượt sông Rhine và tiến sâu vào nước Đức, quân Đông minh chiến thắng hết trận này đến trận khác và bắt đầu giải phóng các trại tập trung. Hitler phải sống trong một boong ke.

Dwight D. Eisenhower (1890-1969): Tướng Mỹ, tổng chỉ huy quân Đồng minh ở châu Âu trong Thế chiến II, là Tổng thống thứ 34 của Mỹ (1953-1961).

Song Isabelle vẫn không về nhà.

Vianne để hòm thư leng keng đóng lại.

- Cứ như thể nó biến mất vậy.

Antoine không nói gì. Họ đã tìm kiếm Isabelle trong nhiều tuần lễ. Vianne đứng xếp hàng nhiều giờ gọi điện và gửi vô số thư tới các cơ quan và bệnh viện. Tuần trước họ đã đến thăm thêm một số người từ các trại về, nhưng thảy đều vô ích. Không hề có hồ sơ nào về Isabelle Rossignol ở bất cứ nơi đâu. Cứ như thể nàng đã biến mất khỏi trái đất này - cùng hàng trăm ngàn người khác.

Có lẽ Isabelle đã trải qua nhiều trại tập trung, và chỉ bị bắn một ngày trước khi quân Đồng minh tới. Giả thuyết đó dựa trên việc ở một trong các trại, một nơi tên là Bergen-Belsen, quân Đồng minh đã tìm thấy nhiều đống xác hãy còn ấm lúc giải phóng.

Tại sao?

Để họ không thể nói.

- Đi với anh, - Antoine cầm tay chị. Nó không còn cứng nhắc khi anh chạm vào nữa, nhưng hình như chị không thể thoải mái trong tay anh. Trong nhiều tháng từ ngày Antoine trở về, họ diễn trò yêu thương và cả hai đều biết thế. Anh phân trần không làm tình với chị vì đứa bé và chị tán thành rằng như thế là tốt nhất, nhưng cả hai đều hiểu.

- Anh có một bất ngờ cho em đây, - anh nói và dẫn chị vào sân sau.

Dưới bầu trời xanh ngời sáng, cây thông đỏ trùm bóng nâu mát mẻ. Trên đường đi, vài con gà mái còn lại mổ xuống đất, kêu cục cục và vỗ cánh phành phạch.

Một tấm vải trải giường cũ căng giữa một cành thông đỏ và một cây treo mũ bằng sắt mà Antoine tìm thấy trong nhà kho. Anh dẫn chị tới một trong những chiếc ghế đặt trên sân bằng đá. Trong những năm anh đi vắng, rêu và cỏ đã mọc tràn lan, sang cả phần này trong sân, vì thế cái ghế lung lay trên bề mặt gồ ghề. Chị cẩn thận ngồi xuống, dạo này chị đã kềnh càng, khó di chuyển.

Nụ cười chồng tặng cho chị vừa rạng rỡ niềm vui vừa đáng chú ý vì thân tình.

- Các con và anh đã làm việc suốt ngày hôm nay. Cái này dành cho em.

Các con và anh.

Antoine đứng trước tấm vải võng xuống và đưa cánh tay lành lặn làm động tác chào rất kiểu cách:

- Thưa các quý ông quý bà, trẻ con, những con thỏ và gà gầy khẳng khiu có mùi như cứt...

Đằng sau tấm rèm, Daniel cười khúc khích và Sophie xuỵt nó.

- Theo truyền thống thú vị của Madeleine ở Paris, tôi xin giới thiệu các ca sĩ của Le Jardin, do cô Mauriac đóng vai chính, - bằng cái khoát tay mạnh mẽ, anh mở hé tấm rèm bằng vải trải giường và kéo sang một bên, để lộ một bục gỗ đặt trên cỏ. Trên bục, Sophie đứng cạnh Daniel. Cả hai đều quấn chăn làm áo choàng, một nhánh táo nở hoa cài ở cổ và mũ miện làm bằng thứ kim loại gì đó sáng bóng, trên mũ gắn những viên đá xinh xắn và những mảnh thủy tinh mầu.

- Chào mẹ! - Daniel nói và vẫy tay rối rít.

- Xuỵt, - Sophie ngăn nó. - Nhớ chưa?

Daniel gật đầu, trang trọng.

Chúng xoay người thận trọng - nền gỗ bên dưới bấp bênh - và nắm tay nhau, chúng đứng đối diện với Vianne.

Antoine đưa cái kèn ác mô ni ca ánh bạc lên miệng và thổi một nốt ai oán. Nó lơ lửng trong không khí một lúc lâu, ngân lên mời mọc, sau đó anh bắt đầu thổi.

Sophie cất lời, giọng nó cao và trong trẻo: "Kìa con bướm vàng, kìa con bướm vàng..."

Nó ngồi xổm xuống và Daniel đứng bật dậy, hát: "Xòe đôi cánh, xòe đôi cánh"

Vianne đưa tay lên bịt miệng nhưng không kìm được một tiếng cười khẽ.

Trên sân khấu, bài hát vẫn tiếp tục. Chị có thể thấy Sophie vui sướng biết bao khi được làm một việc mà trước kia là việc thông thường, một buổi biểu diễn nho nhỏ tặng bố mẹ, còn Daniel phải vất vả lắm mới tập trung tốt vào vai mình.

Có cảm giác như cả hai đều rất lôi cuốn và xinh đẹp. Một khoảnh khắc từ cuộc sống trước đây của họ.

Vianne cảm thấy niềm vui bừng nở trong lòng chị.

Chúng ta rồi sẽ ổn thỏa, chị nghĩ và nhìn Antoine. Chị nhìn nửa kia của mình trong bóng rợp của cái cây do cụ nội chị trồng, với giọng hát của bọn trẻ rộn ràng trong không khí, và lại nghĩ: Chúng ta rồi sẽ ổn thỏa.

- ... em... ngồi... xem...

Lúc bài hát kết thúc, Vianne vỗ tay nồng nhiệt. Bọn trẻ cúi chào trang trọng. Daniel vướng phải cái áo choàng bằng vải trải giường và ngã kểnh xuống cỏ, nó cười ầm ĩ. Vianne nặng nề đi tới sân khấu, hôn và khen ngợi các con tới tấp.

- Một ý tưởng thú vị, - chị nói với Sophie, mắt chị sáng ngời yêu thương và tự hào.

- Con tập trung lắm đấy, mẹ ạ, - Daniel hãnh diện khoe.

Vianne không buông các con ra. Tương lai mà chị đã có ý niệm lờ mờ khiến lòng chị tràn ngập niềm vui.

- Con với bố lên kế hoạch đấy, - Sophie nói. - Giống như trước kia, mẹ nhỉ.

- Con cũng lên kế hoạch, - Daniel nói, ưỡn ngực tự hào.

Vianne cười vang:

- Cả hai con hát rất hay. Còn...

- Vianne? - Antoine nói ở phía sau chị.

Chị không thể rời mắt khỏi nụ cười của Daniel.

- Con học vai mình trong bao lâu vậy?

- Mẹ ơi, - Sophie nói khẽ. - Có ai ở đây kìa.

Vianne quay lại.

Antoine đứng gần cửa hậu với hai người đàn ông, cả hai đều mặc com lê đen cũ rích và đội mũ nồi đen. Một người xách cái cặp rách.

- Sophie, con trông em nhé, - Antoine dặn bọn trẻ. - Bố mẹ có việc cần bàn với họ. - Anh đến sau Vianne, đặt tay lên eo lưng chị, giúp chị đứng dậy và giục chị đi trước. Họ lặng lẽ đi hàng một vào trong nhà.

Khi cửa đã khép lại, những người khách quay đối diện với Vianne.

- Tôi là Nathaniel Lerner, - người lớn tuổi hơn nói. Tóc ông ta hoa râm và nước da có màu của vải bị thấm nước trà, với những đốm lão hóa lớn trên má.

- Còn tôi là Rabbi Horowitz, - người kia nói.

- Vì sao các ông tới đây? - Vianne hỏi.

- Chúng tôi đến vì việc của Ari de Champlain, - người Do Thái nói bằng giọng dịu dàng. - Cháu bé có họ hàng ở Mỹ - đúng ra là ở Boston - và họ đã liên hệ với chúng tôi.

Vianne suýt đổ sụp nếu Antoine không kịp đỡ chị.

- Chúng tôi hiểu bà đã đích thân giải cứu mười chín trẻ em Do Thái. Ngay cả khi có các sĩ quan Đức trú đóng ở nhà bà. Việc đó thật ấn tượng, thưa bà.

- Rất quả cảm, - Lerner nói.

Antoine đặt tay lên vai vợ, và cái động chạm ấy khiến chị nhận ra mình đã im lặng khá lâu.

- Rachel là bạn thân nhất của tôi, - chị nói nhỏ nhẹ. Tôi đã cố giúp chị ấy trốn ra Vùng Tự do trước khi bị trục xuất, nhưng...

- Con gái bà ấy đã bị giết, - Lerner nói.

- Sao ông biết chuyện đó?

- Công việc của chúng tôi là thu thập các hồ sơ và hợp nhất các gia đình, - ông ta đáp. - Chúng tôi đã nói chuyện với vài phụ nữ đã ở cùng trại Auschwitz với bà Rachel. Buồn thay, bà ấy chỉ sống ở đó chưa đầy một tháng. Chồng bà ấy, ông Marc, đã bị giết ở Stalag 13A. Ông ấy không được may mắn như chồng bà.

Vianne lặng thinh. Chị biết những người này đang cho chị thời gian suy nghĩ, khiến chị vừa cảm kích vừa căm ghét. Chị không muốn chấp nhận bất cứ điều gì trong việc này.

- Daniel - Ari - sinh ra trước khi Marc ra trận một tuần lễ. Nó không hề nhớ gì về cha mẹ. Để cháu nó tin mình là con trai tôi là cách an toàn nhất.

- Nhưng nó không phải là con bà, thưa bà. - Giọng Lerner dịu dàng nhưng từng lời như nhát quất của ngọn roi.

- Tôi đã hứa với Rachel là sẽ giữ cho thằng bé an toàn, - chị nói.

- Và bà đã làm thế. Còn bây giờ là thời điểm Ari trở về với gia đình nó. Với dân tộc nó.

- Nó sẽ không hiểu đâu, - Vianne lo lắng.

- Có lẽ là không, - Lerner đáp. - Nhưng đó không phải là vấn đề.

Vianne nhìn Antoine cầu cứu.

- Chúng tôi yêu thương nó. Nó là một phần trong gia đình chúng tôi. Nó sẽ ở lại với chúng tôi. Anh muốn nó ở lại phải không, Antoine?

Chồng chị nghiêm trang gật đầu.

Chị quay sang hai người đàn ông:

- Chúng tôi có thể nhận cháu, nuôi dưỡng cháu như con đẻ. Tất nhiên như một người Do Thái. Chúng tôi sẽ kể cho Ari biết nó là ai và đưa cháu đến Hội đường Do Thái...

- Thưa bà, - Lerner thở dài nói.

Horowitz tiến đến gần Vianne, nắm tay chị:

- Chúng tôi biết bà yêu thương cháu và cháu nó yêu bà. Chúng tôi biết Ari còn quá bé không hiểu chuyện, cháu nó sẽ khóc lóc và nhớ bà - có lẽ trong nhiều năm.

- Nhưng các ông vẫn muốn đưa thằng bé đi.

- Bà đã thấy nỗi đau của một đứa trẻ. Tôi đến đây vì nỗi đau của dân tộc tôi. Bà hiểu không ạ? - Mặt ông ta chảy xuống, miệng cong lên thành một nếp nhăn nho nhỏ. - Hàng triệu người Do Thái đã bị giết trong cuộc chiến này, thưa bà. Hàng triệu người. - Ông ta để câu đó lắng xuống.

- Toàn bộ một thế hệ đã mất. Giờ đây chúng tôi cần tập hợp những người ít ỏi còn lại, chúng tôi cần tái tạo. Một đứa trẻ không có hồi ức về nó là ai có thể là mất mát nhỏ, nhưng với chúng tôi, cháu bé là tương lai. Chúng tôi không thể để ông bà nuôi dạy nó theo tôn giáo không phải của nó và đưa nó tới Hội đường mỗi khi ông bà nhớ ra. Ari cần phải sống đúng như bản chất của nó, và sống với dân tộc của nó. Chắc chắn rằng mẹ cháu sẽ muốn như thế.

Vianne nghĩ đến những người chị đã trông thấy ở khách sạn Lutetia, những bộ xương đang đi với cặp mắt khiếp sợ và bức tường vô tận những bức ảnh.

Hàng triệu người đã bị giết.

Một thế hệ đã mất.

Làm sao chị có thể tách Ari khỏi dân tộc nó, gia đình nó? Chị có thể đấu tranh đến chết vì bất cứ đứa con nào của chị, nhưng lúc này không có kẻ thù nào để chị chiến đấu, chỉ là sự mất mát của cả hai bên.

- Ai nhận nuôi nó? - Vianne hỏi, không nhận ra giọng mình lạc đi.

- Em họ của mẹ cháu. Cô ấy có một con gái mười một tuổi và một con trai lên sáu. Họ sẽ yêu thương Ari như con mình.

Vianne không đủ sức để gật đầu hoặc lau nước mắt chảy giàn giụa.

- Họ có thể gửi ảnh cho chúng tôi không?

Horowitz nhìn vào mắt chị:

- Thằng bé cần phải quên bà, để bắt đầu một cuộc đời mới, thưa bà. Trong thâm tâm, Vianne hiểu được sự đúng đắn của câu nói đó.

- Khi nào các ông đưa cháu đi?

- Bây giờ, - Lerner nói.

Bây giờ.

- Chúng ta không thể thay đổi việc này được sao? - Antoine hỏi.

- Không, thưa ông, - Horowitz nói. - Trở về với dân tộc mình là một việc hợp lý với Ari. Nó là một trong những đứa trẻ may mắn, vẫn còn gia đình đang sống.

Vianne cảm thấy Antoine nắm lấy tay chị. Anh đưa chị tới cầu thang, kéo để chị chuyển động. Chị trèo lên các bậc gỗ mà cảm thấy chân mình nặng như chì, không sao điều khiển nổi.

Trong phòng ngủ của đứa con trai (không, không phải con trai chị), chị đi lại như người mộng du, thu nhặt số quần áo ít ỏi và đồ dùng của nó. Một con khỉ nhồi bông đã mất mắt sau những cái vuốt ve, một mẩu gỗ hóa thạch nó tìm thấy bên sông trong mùa hè năm ngoái, và tấm chăn Vianne may từ những mảnh quần áo đã chật của nó. Mặt sau tấm chăn, chị đã thêu: “Bố mẹ và Sophie yêu Daniel của chúng ta”.

Chị nhớ lần đầu tiên đọc dòng này, nó hỏi: “Bố đang về à?”, chị gật đầu và bảo các gia đình đều có cách tìm ra đường trở về nhà.

- Em không muốn mất nó. Em không thể...

Antoine ôm chặt vợ và để chị khóc. Cuối cùng khi chị đã nín, anh thì thầm vào tai chị:

- Em là người mạnh mẽ mà. Chúng ta phải làm thế thôi. Chúng ta yêu nó, nhưng nó không phải của chúng ta.

Chị đã chán là người mạnh mẽ. Chị có thể chịu được bao nhiêu mất mát đây?

- Em có muốn anh nói với nó không? - Antoine hỏi.

Chị muốn anh làm việc đó, muốn hơn hết thảy, nhưng đây là việc của người mẹ.

Bằng đôi bàn tay run rẩy, chị nhét đồ đạc của Daniel - Ari vào cái ba lô vải bạt rách rồi bước ra khỏi phòng, một phút sau mới nhận ra chị đã để Antoine lại thì đã quá muộn. Chị phải huy động mọi sức lực để thở và di chuyển. Chị mở cửa phòng ngủ của mình, lục lọi khắp tủ đứng cho đến khi tìm thấy một bức ảnh nhỏ đóng khung của chị với Rachel. Nó là tấm ảnh duy nhất chị có của Rachel. Khoảng mươi, mười hai năm trước. Chị viết tên của họ vào đằng sau rồi nhét nó vào túi ba lô và rời khỏi phòng. Phớt lờ những người đàn ông ở dưới nhà, chị ra sân sau, nơi bọn trẻ vẫn mặc áo choàng và đội mũ miện đang chơi trên sân khấu dựng tạm.

Ba người đàn ông đi theo chị.

Sophie ngước nhìn họ.

- Mẹ à?

Daniel cười. Chị sẽ nhớ chính xác âm thanh ấy trong bao lâu? Chắc không đủ dài. Bây giờ thì chị biết điều đó. Nhiều hồi ức - dù là tốt đẹp nhất của họ - đã phai nhòa.

- Daniel? - Chị phải hắng giọng và cố lần nữa. - Daniel? Con có thể tới đây không?

- Có chuyện gì không ổn hở mẹ? Trông mẹ như đang khóc. -

Sophie hỏi.

Chị tiến tới, ghì chặt cái ba lô vào bên sườn:

- Daniel?

Thằng bé cười toét với chị.

- Mẹ muốn chúng con hát lại lần nữa hở mẹ? - Nó hỏi và nắn lại cái mũ miện cho ngay ngắn lúc lệch sang một bên.

Nó bước nhẹ tới chỗ chị, kéo cái áo choàng sang một bên cho khỏi giẫm phải.

Chị quỳ xuống cỏ và nắm bàn tay nó.

- Mẹ không biết làm thế nào cho con hiểu chuyện này. - Giọng chị nghẹn ngào. - Sớm hay muộn mẹ cũng phải kể với con tất cả. Khi nào con lớn hơn. Thậm chí, chúng ta sẽ đi tới ngôi nhà cũ của con. Nhưng đã đến lúc rồi, thuyền trưởng Dan ạ.

Nó nhăn mặt.

- Mẹ nói thế nghĩa là gì ạ?

- Con biết là chúng ta rất yêu con, - chị nói.

- Vâng, mẹ à, - Daniel đáp.

- Chúng ta yêu con, và đã yêu ngay từ lúc con bước vào cuộc đời của chúng ta, nhưng trước đó, con thuộc về một gia đình khác. Con có mẹ và bố khác, và họ cũng yêu con.

Daniel cau mày,

- Con có mẹ khác à?

Đứng sau Vianne, Sophie nói:

- Ôi, không...

- Mẹ con tên là Rachel de Champlain, và yêu con bằng cả trái tim. Bố con là một người đàn ông can đảm, tên là Marc. Mẹ mong ước khi con trưởng thành mẹ sẽ kể cho con những chuyện về họ, nhưng mẹ không thể, - chị lau nước mắt, - vì em họ của mẹ con cũng yêu con, và dì ấy muốn con đến sống với họ ở Mỹ, ở đấy họ có nhiều thứ để ăn và nhiều đồ để chơi.

Những giọt nước tràn đầy mắt thằng bé.

- Nhưng mẹ là mẹ con. Con không muốn đi.

Vianne muốn nói: “Mẹ cũng không muốn con đi”, nhưng như thế chỉ làm nó hoảng sợ hơn, mà việc cuối cùng của một người mẹ là làm cho nó cảm thấy an toàn.

- Mẹ biết, - chị nói khẽ, - nhưng con sẽ yêu cuộc sống đó, thuyền trưởng Dan ạ, gia đình mới của con sẽ yêu thương và chiều chuộng con. Có khi họ có một con cún con, như con vẫn muốn.

Nó bắt đầu khóc, và chị kéo nó vào vòng tay mình. Có lẽ sự can đảm lớn nhất trong đời chị là buông nó ra. Chị đứng lên. Hai người đàn ông xuất hiện bên cạnh chị ngay lập tức.

- Chào anh bạn, - Horowitz nói với Daniel, tặng nó một nụ cười niềm nở.

Daniel khóc thét.

Vianne cầm tay Daniel và dẫn nó xuyên qua nhà, ra sân trước, qua cây táo chết đầy những dải vải tưởng nhớ, qua cái cổng vỡ tới chiếc ô tô Peugeot màu xanh đỗ ở lề đường.

Lerner vào ghế lái trong lúc Horowitz đợi gần cái cản sau. Động cơ nổ, khói tuôn ra khỏi ống xả.

Horowitz mở cửa sau. Nhìn Vianne lần cuối cùng, buồn bã, ông ta trườn vào ghế, vẫn để cửa xe mở.

Sophie và Antoine đến cạnh chị, cùng cúi xuống ôm ghì Daniel.

- Cả nhà sẽ luôn yêu em, Daniel, - Sophie nói. - Chị hy vọng em sẽ nhớ chúng ta.

Vianne biết chị là người duy nhất có thể đưa Daniel vào xe. Nó chỉ tin mình chị.

Trong tất cả những việc đau lòng, kinh khủng mà chị đã làm trong thời chiến, không việc nào tổn thương, tồi tệ hơn việc này: chị cầm tay Daniel và dẫn nó vào trong chiếc ô tô sẽ đưa nó xa hẳn chị. Nó trèo vào ghế sau.

Daniel chằm chằm nhìn chị qua hàng nước mắt, những giọt nước mắt bối rối.

- Mẹ ơi? Sophie nói: - Đợi một phút! - và chạy vào trong nhà. Lát sau, nó trở lại với gấu bông Bébé và giúi con thú bông cho Daniel.

Vianne cúi xuống nhìn vào mắt nó:

- Giờ con phải đi rồi, Daniel. Hãy tin mẹ.

Môi dưới thằng bé run run. Nó nắm chặt thứ đồ chơi vào ngực:

- Vâng, mẹ ơi.

- Con hãy ngoan nhé.

Horowitz chồm tới và đóng cửa xe lại.

Daniel lao tới cửa xe, ép lòng bàn tay vào kính. Nó vừa khóc, vừa gọi:

- Mẹ ơi! Mẹ ơi!

Họ có thể nghe thấy tiếng gào thét của nó nhiều phút, sau khi chiếc ô tô đã chạy.

Vianne nói khe khẽ:

- Chúc con có cuộc sống tốt đẹp, Ari de Champlain.

38

Isabelle đứng nghiêm. Nàng phải đứng thẳng để điểm danh. Nếu nàng chịu thua cơn choáng váng và quỵ ngã, chúng sẽ đánh nàng, hoặc tệ hơn.

Không. Đây không phải là buổi điểm danh. Hiện giờ nàng đang ở Paris, trong một phòng bệnh.

Nàng đang đợi cái gì đó. Đợi ai đó.

Micheline đã ra nói với các nhân viên Hồng Thập tự và các nhà báo tụ tập ở hành lang. Isabelle phải đợi ở đây.

Cửa mở ra.

- Isabelle, - Micheline nói, giọng trách cứ. - Cháu không nên đứng.

- Cháu sợ sẽ chết nếu cháu nằm xuống, - Isabelle nói. Hoặc có khi nàng nghĩ đến những lời ấy.

Cũng giống Isabelle, Micheline gầy như cái que, xương hông nhô ra như các đốt ngón tay dưới bộ váy áo chẳng ra hình thù gì. Bà gần như trọc hoàn toàn, đây đó mới có vài sợi tóc lơ thơ và không còn lông mày. Da trên cổ và dọc cánh tay đầy vết lở loét đang ri rỉ nước, mở toang hoác.

- Đi nào, - Micheline dẫn nàng ra khỏi phòng, qua đám đông những người trở về im lặng, lê lết, ăn vận rách rưới và các gia đình mắt ướt đẫm, ồn ào tìm kiếm người thân, qua các nhà báo đang hỏi dồn dập. Bà lái nàng vào một phòng yên tĩnh hơn, ở đó những người sống sót từ các trại tập trung ngồi sụp trên ghế.

Isabelle ngồi xuống một cái ghế và ngoan ngoãn đặt tay vào lòng. Phổi nàng đau nhức, rát bỏng theo từng hơi nàng hít vào, cơn đau đầu đập thình thịch bên trong sọ.

- Đã đến lúc cháu phải về nhà, - Micheline nói.

Isabelle ngước lên, đờ đẫn, mắt nàng nhòe nhoẹt.

- Cháu có muốn ta đi cùng không?

Nàng chớp chớp mắt chậm rãi, cố suy nghĩ. Cơn đau đầu dữ dội làm nàng không nghĩ ngợi được gì.

- Cháu sẽ đi đâu?

- Carriveau. Cháu sẽ gặp chị cháu. Chị ấy đang đợi cháu.

- Chị ấy ư?

- Chuyến tàu của cháu bốn mươi phút nữa sẽ khởi hành. Tàu của ta còn một giờ nữa.

- Làm sao chúng ta trở về được? - Isabelle liều hỏi. Tiếng nàng chỉ hơn một tiếng lẩm bẩm.

- Chúng ta là những người may mắn, - Micheline nói, và Isabelle gật đầu.

Micheline đỡ nàng đứng dậy.

Họ cùng lê bước ra cửa sau bệnh viện, nơi có một dãy ô tô và xe tải của Hồng Thập tự đợi chở những người sống sót ra ga. Lúc đợi đến lượt, họ đứng cùng nhau, nép sát vào nhau như thường làm trong suốt năm qua - trong hàng điểm danh, trong toa chở súc vật, trong hàng lĩnh đỗ ăn.

Một phụ nữ trẻ mặt mũi sáng sủa mặc đồng phục Hồng Thập tự vào phòng, tay cầm một bìa hồ sơ.

- Rossignol?

Isabelle nhấc hai bàn tay nóng rực, đẫm mồ hôi và nâng khuôn mặt xám xịt đầy nếp nhăn của Micheline lên.

- Cháu yêu bác, Micheline Babineau, - nàng âu yếm nói và hôn lên đôi môi khô nứt của bà già.

- Đừng nói về bản thân ở thời quá khứ nhé.

- Nhưng cháu đang ở thời quá khứ. Cháu đã là một cô gái...

- Cô ấy không mất đi, Isabelle. Cô ấy đang ốm và bị đối xử tàn tệ, nhưng cô ấy không thể mất được. Cô ấy đã có một trái tim dũng mãnh.

- Bây giờ bác đang nói trong thời quá khứ đấy. - Thật lòng mà nói, Isabelle không thể nhớ một chút nào về cô gái ấy, cái người đã nhảy vào phong trào Kháng chiến gần như chẳng nghĩ ngợi gì. Cô gái đã liều lĩnh đưa một phi công vào căn hộ của cha mình và ngu ngốc đưa một phi công khác vào nhà kho của chị mình. Cô gái đã đi bộ đường dài vượt dãy Pyrénées và trót yêu trong cuộc di tản khỏi Paris.

- Chúng ta đã làm được, - Micheline nói.

Trong tuần qua, Isabelle thường xuyên nghe những lời ấy. Chúng ta đã làm được. Khi quân Mỹ tới giải phóng trại tập trung, những từ đó ở trên môi từng tù nhân. Lúc ấy Isabelle cảm thấy nhẹ cả người - sau tất cả những gì nàng phải chịu đựng, nàng đã sống sót sau những trận đòn, cái rét, sự mất phẩm giá, bệnh tật, chuyến đi đày ải qua tuyết.

Tuy vậy, lúc này nàng không biết đời mình rồi sẽ ra sao. Nàng không thể trở lại con người mình trước kia, nhưng nàng có thể tiến lên phía trước bằng cách nào? Nàng vẫy chào tạm biệt Micheline lần cuối rồi trèo vào ô tô của hội Hồng Thập tự.

Lát sau, trên tàu, nàng giả vờ không nhận ra người ta nhìn mình chằm chặp. Nàng cố ngồi thẳng, nhưng không thể được. Nàng sụp sang một bên, dựa đầu vào cửa sổ toa tàu.

Nàng nhắm mắt lại và thiếp đi ngay, hối hả mơ thấy một chuyến đi đầy náo động trong toa chở súc vật, về những đứa trẻ kêu khóc và những người đàn bà cố gắng đến tuyệt vọng dỗ con... rồi cửa toa mở toang và đàn chó đợi sẵn...

Isabelle giật mình thức giấc. Nàng mất phương hướng và một lúc sau mới nhớ ra mình đã an toàn. Nàng lấy tay áo thấm trán. Cơn sốt đã trở lại.

Hai giờ sau, đoàn tàu chạy ầm ầm vào Carriveau.

Mình đã làm được. Đúng thế, nhưng sao nàng không cảm thấy gì?

Nàng đứng lên và đau đớn lê chân xuống tàu. Lúc bước xuống sân ga, một cơn ho chiếm lấy nàng. Nàng cong người, ho khan rồi ho bật máu vào lòng bàn tay. Khi có thể thở lại, nàng thẳng người lên, cảm thấy mình trống rỗng và cạn kiệt. Già nua.

Chị nàng đứng ở rìa sân ga. Chị có mang to tướng, mặc bộ váy áo mùa hè vá víu và bạc màu. Mái tóc vàng ánh đỏ của chị nay đã dài hơn, buông qua vai và gợn sóng. Lúc chị nhìn khắp đám đông đang xuống tàu, cái nhìn chăm chú của chị lướt qua Isabelle.

Isabelle giơ bàn tay xương xẩu vẫy chị.

Vianne thấy nàng vẫy và tái mặt.

- Isabelle! - Vianne gào to, chạy tới chỗ nàng. Chị nâng đôi má hõm của Isabelle trong đôi bàn tay mình.

- Đừng đến quá gần. Hơi thở của em khiếp lắm.

Vianne hôn lên đôi môi nứt nẻ, sưng phồng và khô khốc của Isabelle rồi thì thầm:

- Mừng em về nhà, em gái.

- Nhà, - Isabelle nhắc lại cái từ bất ngờ ấy. Nàng không thể nghĩ ra hình ảnh nào đi cùng với nó, ý nghĩ của nàng rối bời như mớ bòng bong, đầu nàng nhức như búa bổ.

Vianne dịu dàng vòng tay ôm em gái và kéo nàng lại gần. Isabelle cảm nhận làn da mềm mại của chị gái và hương chanh trên tóc chị. Nàng cảm thấy chị đang vuốt lưng nàng, như vẫn làm khi nàng còn bé, và Isabelle nghĩ Mình đã làm được.

Về nhà.

+++++

- Em sốt quá, - Vianne nói khi họ đã về Le Jardin, Isabelle đã rửa ráy sạch sẽ, lau khô người và nằm trên chiếc giường ấm áp.

- Vâng. Hình như em không thể xua tan cơn sốt này.

- Chị sẽ lấy cho em mấy viên aspirin. - Vianne dợm đứng dậy.

- Không, - Isabelle nói. - Đừng bỏ em lại. Em xin chị. Nằm với em đi.

Vianne trèo vào cái giường nhỏ. Sợ một cái động chạm nhẹ nhất cũng để lại vết bầm, chị kéo Isabelle gần lại hết sức thận trọng.

- Em xin lỗi vì chuyện Beck. Tha thứ cho em... - Isabelle vừa nói vừa ho. Nàng đã đợi lâu đến thế mới được nói những lời này, đã hình dung câu chuyện này hàng ngàn lần. - ... vì đã đẩy chị và Sophie lâm vào cảnh hiểm nguy...

- Không, Isabelle, - Vianne âu yếm nói, - hãy tha thứ cho chị. Chị đã lơ là với em mỗi lần có chuyện. Bắt đầu từ khi ba để chúng ta sống với bà Dumas. Rồi khi em chạy trốn đến Paris, sao chị có thể tin vào câu chuyện nhố nhăng của em về một mối tình? Việc đó cứ ám ảnh chị mãi. - Vianne ngả vào nàng. - Bây giờ chị em ta có thể bắt đầu lại không? Hãy là chị em như mẹ hằng mong muốn?

Isabelle cố tỉnh táo.

- Em thích thế.

- Chị cũng thích, và rất tự hào vì việc em đã làm trong cuộc chiến này, Isabelle.

Mắt Isabelle nhòa lệ:

- Còn chị thì sao, V?

Vianne nhìn lảng đi:

- Sau Beck, một tên Đức Quốc xã khác trú đóng ở đây. Một kẻ xấu xa.

Vianne có nhận ra chị sờ lên bụng khi nói những câu đó không? Nỗi xấu hổ làm mặt chị đỏ ửng? Theo bản năng, Isabelle hiểu những gì chị mình phải chịu đựng. Isabelle đã nghe vô số chuyện về những người phụ nữ bị bọn lính trú đóng cưỡng hiếp.

- Chị có biết em đã học được điều gì trong các trại giam không?

Vianne nhìn em gái:

- Gì vậy?

- Bọn chúng không thể chạm tới trái tim em. Chúng không thể thay đổi con người trong lòng em. Thân thể em... chúng xâm phạm ngay từ những ngày đầu, nhưng không phải trái tim em, V. ạ. Dù hắn ta có làm bất cứ việc gì, đó là với cơ thể chị thôi, mà cơ thể sẽ chữa lành. - Nàng muốn nói nữa, có lẽ là “em yêu chị”, nhưng một cơn ho ập đến bất thình lình. Khi cơn ho đã qua, nàng nằm ngửa, kiệt quệ, hơi thở nông và rời rạc.

Vianne nghiêng người gần hơn, ép mảnh vải ướt, mát mẻ lên trán em gái.

Isabelle nhìn trừng trừng vào máu trên tấm chăn, nhớ lại những ngày cuối cùng của mẹ nàng. Cũng những tia máu như thế này. Nàng ngước nhìn Vianne và thấy chị mình cũng đang nhớ đến chuyện đó.

+++++

Isabelle tỉnh dậy trên sàn gỗ. Nàng vừa lạnh giá vừa nóng như lửa, run rẩy và toát mồ hôi.

Nàng không nghe thấy gì, không thấy những con chuột và gián chạy nhốn nháo khắp sàn, không thấy nước chảy qua các kẽ tường, biến thành những viên đá, không ho hoặc khóc. Nàng từ từ ngồi dậy, nhăn mặt với từng cử động, dù nhỏ đến đâu. Mọi thứ đều đau đớn. Xương nàng, da nàng, đầu nàng, ngực nàng, Nàng không còn cơ bắp để đau, nhưng các khớp xương và dây chằng đau nhức nhối.

Nàng nghe thấy một tiếng ra-ta-ta-ta. Tiếng súng đại bác. Nàng che đầu và hối hả rúc vào một xó, thu mình thật thấp.

Không.

Nàng đang ở Le Jardin, chứ không phải ở Ravensbrück.

Âm thanh đó là tiếng mưa đập vào mái nhà.

Nàng từ từ đứng lên, cảm thấy hoa mày chóng mặt. Nàng đã ở đây bao lâu?

Bốn ngày? Hay là năm ngày?

Nàng lê bước tới cái bàn đầu giường, có một bình sứ đựng nước đặt cạnh một bát nước ấm. Nàng rửa tay và vã nước lên mặt, rồi mặc bộ quần áo Vianne đã sắp sẵn cho nàng - bộ váy áo của Sophie năm nó lên mười, mà vẫn rộng với Isabelle. Nàng bắt đầu chuyến đi dài, chầm chậm xuống cầu thang.

Cửa trước mở. Bên ngoài, những cây táo nhòa đi trong màn mưa. Isabelle đến ngưỡng cửa, hít lấy không khí thuần khiết.

- Isabelle? - Vianne nói và đến cạnh nàng. - Để chị lấy cho ít nước hầm tủy. Bác sĩ bảo em có thể uống thứ ấy.

Nàng lơ đãng gật đầu, để Vianne tin rằng mấy thìa nước hầm mà dạ dày nàng chứa được có thể hữu hiệu.

Nàng bước ra ngoài mưa. Thế giới sống động với mọi âm thanh - chim hót, chuông nhà thờ ngân vang, mưa đập xuống mái nhà, bắn tung tóe trong những vũng nước nhỏ. Giao thông tắc nghẽn trên con đường hẹp, lầy bùn: ô tô, xe tải và xe đạp, còi bóp inh ỏi, tiếng người la hét gọi nhau lúc về tới nhà. Một xe tải Mỹ ầm ầm chạy qua, đầy ắp những người lính mặt mũi tươi tỉnh, sảng khoái, vẫy tay với khách qua đường.

Nhìn thấy họ, Isabelle nhớ ra Vianne kể với nàng Hitler đã tự tử, Berlin đầu hàng và sẽ sớm sụp đổ.

Có thật thế không? Chiến tranh chấm dứt rồi ư? Nàng không biết, không thể nhớ nổi. Dạo này, đầu óc nàng rối bời, mờ mịt.

Isabelle lê bước ra đường, khi nhận ra mình đi chân trần thì đã quá muộn (nàng sẽ bị đánh vì làm mất giày), nhưng nàng vẫn đi. Vừa run vừa ho, ướt bết vì mưa, nàng đi qua sân bay bị ném bom, hiện giờ các đội quân Đồng minh đã tiếp quản.

- Isabelle!

Nàng quay lại, ho dữ dội hơn, máu bắn vào tay. Lúc này nàng run bắn vì lạnh. Quần áo nàng ướt sủng.

- Em ra đây làm gì? - Vianne hỏi. - Giày của em đâu? Em bị sốt dịch và viêm phổi mà lại ra mưa. - Vianne cởi áo choàng của chị và quấn quanh vai Isabelle.

- Chiến tranh chấm dứt rồi ư?

- Chúng ta đã nói chuyện này tối qua, em nhớ không?

Mưa làm mờ tầm nhìn của Isabelle, chảy thành nhiều vệt trên lưng nàng. Nàng hít một hơi ướt át, rùng mình và cảm thấy những giọt lệ làm mắt mình cay xè.

Đừng khóc. Nàng biết việc đó có ý nghĩa nhưng không nhớ vì sao.

- Isabelle, em đang ốm.

- Gaëton đã hứa tìm em sau khi chiến tranh kết thúc, - nàng thì thào. - Em cần đi Paris để anh ấy có thể tìm thấy em.

- Nếu cậu ấy đang tìm em, cậu ấy sẽ đến nhà này.

Isabelle không hiểu. Nàng lắc đầu.

- Gaëton đã đến đây, em nhớ không? Sau Tours. Cậu ấy đã đưa em về nhà.

Sơn ca của anh, anh đã đưa em về nhà.

- Ôi. Anh ấy sẽ nghĩ là em không còn xinh đẹp nữa. - Isabelle gượng cười, nhưng nàng biết đây là một thất bại.

Vianne vòng tay ôm Isabelle và nhẹ nhàng xoay em gái lại:

- Chúng ta sẽ về và viết cho cậu ấy một bức thư.

- Em không biết gửi đi đâu, - Isabelle nói và dựa vào chị gái, nàng run bắn lên, vừa rét vừa nóng.

Nàng đã về nhà như thế nào? Nàng không biết chắc. Nàng nhớ lờ mờ Antoine bế nàng lên gác, hôn vào trán nàng, còn Sophie mang cho nàng ít nước dùng nóng, nhưng ắt hẳn nàng đã thiếp đi ngay lúc đó, vì điều tiếp theo nàng biết là màn đêm đã buông.

Vianne ngồi ngủ trên một chiếc ghế cạnh cửa sổ.

Isabelle ho.

Vianne bật dậy ngay lập tức, xếp lại gối đằng sau Isabelle và đỡ nàng lên. Chị nhúng ướt một mảnh vải ở bàn đầu giường, vắt bớt nước rồi ép nó lên trán Isabelle.

- Em muốn uống chút nước hầm tủy không?

- Lạy Chúa, không.

- Em không ăn gì cả.

- Em không thể nuốt được.

Vianne với cái ghế và kéo lại gần giường.

Vianne chạm vào đôi má ướt, nóng hầm hập của Isabelle và nhìn vào cặp mắt trũng sâu của nàng:

- Chị có một thứ cho em đây. - Vianne đứng dậy và ra khỏi phòng. Lát sau, chị trở lại cầm cái phong bì màu vàng. Chị đưa cho Isabelle. - Thư này ba gửi chị em mình. Ba đã đến đây trên đường tới gặp em ở Girot.

- Ba đã đến đây? Ba nói với chị là sẽ đi cứu em ư?

Vianne gật đầu và đưa bức thư cho Isabelle.

Những chữ cái đề tên nàng mờ mờ và kéo dài trên trang giấy. Thiếu ăn lâu ngày đã làm thị lực của nàng yếu đi.

- Chị có thể đọc hộ em được không?

Vianne bóc niêm phong rút bức thư ra rồi đọc.

Isabelle và Vianne,

Bây giờ ba sẽ làm một việc, làm mà không e sợ. Ba ân hận không phải vì cái chết của mình, mà vì cuộc sống của ba. Ba xin lỗi đã không là một người cha đúng nghĩa với các con.

Ba có thể viện ra nhiều cớ - chiến tranh đã hủy hoại ba, ba đã uống quá nhiều, ba không thể sống thiếu mẹ các con - nhưng không có lý do nào có ý nghĩa.

Isabelle, ba nhớ lần đầu tiên con chạy trốn để về với ba. Con đã một thân một mình đến được Paris. Con kể mọi chuyện, xin ba Hãy yêu con. Và khi nhìn thấy con trên sân ga ấy, cần đến ba, ba đã quay lưng.

Sao ba không thấy rằng con và Vianne là món quà được trời ban tặng, ba chỉ vươn tay ra là tới?

Các con gái của ba, hãy tha thứ cho ba vì tất cả mọi chuyện, và hãy biết rằng khi ba nói lời vĩnh biệt, ba yêu hai con bằng cả trái tim tan nát của ba.

Isabelle nhắm mắt lại và nằm ngửa trên đống gối. Nàng đã chờ đợi những lời này, chờ đợi tình yêu của cha suốt cả đời, và lúc này nàng chỉ cảm thấy mất mát. Trong lúc còn có nhau họ đã yêu thương không đủ, và rồi thời gian đã hết.

- Vianne, chị hãy giữ Sophie, Antoine và cháu bé sắp sinh thật chặt nhé. Tình yêu là một thứ thật khó nắm giữ.

- Đừng làm thế, - Vianne nói.

- Gì cơ?

- Nói lời từ biệt. Em sẽ khỏe lại, và sẽ tìm ra Gaëton, các em sẽ kết hôn và sẽ có mặt khi cháu bé này chào đời.

Isabelle thở dài và nhắm mắt lại:

- Tương lai ấy sao mà đẹp đến thế.

+++++

Một tuần sau, Isabelle ngồi trên ghế ở sân sau, quấn trong hai tấm khăn phủ và cái chăn lông vịt biển. Mặt trời đầu tháng Năm chiếu sáng rực xuống nàng, vậy mà nàng vẫn run bắn vì rét. Sophie ngồi trên cỏ dưới chân dì, đọc truyện cho dì nghe. Cháu gái nàng cố dùng giọng khác hẳn cho từng nhân vật và đôi khi, mặc dù trong tình trạng quá ốm yếu, đến mức bộ xương trở nên quá nặng với lớp da, Isabelle vẫn bật cười, thậm chí cười to.

Antoine ở đâu đó, đang cố làm một cái nôi bằng các mẩu gỗ Vianne chưa đốt trong thời chiến. Rõ ràng ai cũng thấy Vianne sắp sinh, chị di chuyển chậm chạp và hình như luôn ép bàn tay vào chỗ thắt lưng.

Nhắm nghiền mắt, Isabelle tận hưởng những điều bình dị thường nhật. Xa xa, chuông nhà thờ rung từng hồi. Các chùm chuông rung suốt tuần qua, báo tin chiến tranh đã kết thúc.

Sophie đột ngột dừng lại ở giữa câu.

Isabelle tưởng như nghe mình giục “Đọc đi”, nhưng nàng không chắc.

Nàng nghe thấy Vianne gọi:

- Isabelle, - giọng chị có ý gì đó.

Isabelle ngước lên. Vianne đứng đó, bột mì dây thành vệt trên khuôn mặt xanh xao, nhiều tàn nhang, rắc lên cái tạp dề, mái tóc hung đỏ của chị túm gọn bằng cái khăn turban mòn xơ.

- Có người đến gặp em.

- Nói với bác sĩ là em ổn.

- Không phải bác sĩ đâu. - Vianne mỉm cười và nói. - Gaëton đang ở đây.

Isabelle cảm thấy tim mình có thể nổ tung qua bức tường mỏng như giấy của lồng ngực. Nàng cố đứng dậy và ngã sụp xuống ghế.

Vianne đỡ nàng, nhưng khi đứng nàng không thể nhúc nhích. Làm sao nàng có thể nhìn anh được? Nàng như một bộ xương, đầu trọc lốc, không lông mày lông mi, rụng một số răng và phần lớn các móng tay đang mất. Nàng đưa tay lên sờ đầu và nhận ra một khoảnh khắc khó xử song đã quá muộn: nàng không còn tóc để vén vào sau tai.

Vianne hôn lên má nàng:

- Em vẫn xinh đẹp, - chị nói.

Isabelle chầm chậm xoay người, và anh ở đó, đứng trên ngưỡng cửa mở. Nàng thấy anh tiều tụy biết chừng nào - anh sụt cân, trụi tóc và mắt cả giọng nói âm vang - nhưng chẳng có gì quan trọng. Anh đã ở đây.

Gaëton lê bước tới chỗ Isabelle và ôm nàng trong vòng tay.

Nàng đưa đôi bàn tay run rẩy lên và vòng tay quanh người anh. Lần đầu tiên trong bao nhiêu ngày, bao nhiêu tuần, một năm, trái tim nàng là thứ có thực, đập có sinh khí. Lúc anh lùi lại, chăm chú nhìn xuống nàng, tình yêu trong mắt anh đốt cháy hết mọi thứ xấu xa, một lần nữa họ lại là Gaëton và Isabelle, yêu say đắm trong một thế giới của bom rơi đạn lạc.

- Em vẫn đẹp như anh nhớ, - anh nói và nàng cười, rồi bật khóc. Nàng lau mắt, cảm thấy mình thật ngớ ngẩn, nhưng nước mắt vẫn chảy ròng ròng trên mặt nàng. Nàng khóc vì tất cả - vì nỗi đau, sự tổn thất, sợ hãi và giận dữ, vì cuộc chiến tranh và những việc nó đã gây ra cho nàng, cho tất cả mọi người, vì sự hiểu biết về cái ác mà có thể nàng không bao giờ quên, vì nỗi kinh hoàng ở nơi nàng đã trải qua và những việc nàng đã làm để sống sót.

- Đừng khóc, em.

Nàng không khóc sao được? Lẽ ra họ có cả cuộc đời để sẻ chia những sự thật và bí mật, để hiểu về nhau.

- Em yêu anh, - nàng thì thầm, nhớ lại cách đây đã lâu lắm rồi, nàng đã nói câu đó trước anh. Hồi đó, nàng trẻ trung và rạng ngời.

- Anh cũng yêu em, - anh nói, giọng anh đứt quãng. - Anh yêu em ngay từ lần đầu tiên trông thấy em. Anh nghĩ anh phải bảo vệ em bằng cách không nói cho em biết. Nếu anh biết rằng...

Cuộc sống mong manh biết bao, và họ mỏng manh biết chừng nào.

Tình yêu.

Nó là sự khởi đầu và kết thúc cho mọi thứ, là nền móng, là trần nhà, là không khí ở giữa. Dù nàng có gẫy vỡ, xấu xí và ốm yếu cũng chẳng sao. Anh yêu nàng và nàng yêu anh. Suốt đời mình, nàng đã phải đợi - và thèm muốn - mọi người yêu thương mình, nhưng bây giờ nàng đã hiểu ý nghĩa thực sự của nó. Nàng đã biết đến tình yêu, đã được tình yêu ban phước.

Ba. Mẹ. Sophie.

Antoine. Micheline. Anouk. Henri.

Gaëton.

Vianne.

Nàng nhìn qua Gaëton tới chị nàng, một nửa của nàng. Nàng nhớ lại mẹ nàng từng bảo rồi một ngày nào đó, hai chị em nàng sẽ là những người bạn thân thiết nhất, thời gian sẽ nối họ lại với nhau.

Vianne gật đầu, lúc này chị cũng đang khóc, bàn tay chị đặt trên cái bụng căng phồng.

Đừng quên em, Isabelle nghĩ. Nàng ước mình có đủ sức để nói to những lời ấy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3