Sơn Ca Vẫn Hót - Chương 18

35

Tháng Tám.

Vianne thở nhẹ hết mức có thể. Trong bóng tối nóng nực, oi bức của phòng ngủ trên gác này - phòng ngủ của chị, căn phòng chị đã chung sống với Antoine - mọi âm thanh đều bị khuếch đại. Chị nghe thấy các lò xo lọc xọc phản đối lúc Von Richter lăn nghiêng. Chị theo dõi hơi thở ra của hắn, phán đoán từng cái một. Khi hắn bắt đầu ngáy, chị nhích dần từng tí và lột tấm phủ giường ẩm ướt khỏi cơ thể trần truồng của mình.

Trong vài tháng qua, Vianne đã hiểu được sự đau đớn, nỗi tủi nhục và sự mất phẩm giá. Chị cũng hiểu ra cách để sống sót, cách phán đoán tâm trạng của Von Richter, tránh đường khi hắn lầm lì. Thỉnh thoảng, nếu chị hành xử đúng, hắn chỉ nhìn chị. Khi hắn gặp một ngày đen đủi, vừa về đến nhà hắn đã nổi khùng, là chị khốn khổ. Như đêm qua chẳng hạn.

Hắn về nhà trong tâm trạng khủng khiếp, lẩm bẩm gì đó về trận giao chiến ở Paris. Các đội viên du kích đã chiến đấu ngay trên đường phố. Vianne hiểu ngay hắn muốn gì đêm ấy.

Bắt chị phải chịu đau đớn.

Chị lùa các con ra khỏi phòng thật nhanh, đưa chúng lên giường trong phòng ngủ dưới nhà. Rồi chị lên gác.

Có lẽ điều khốn nạn nhất là hắn buộc chị phải đến với hắn và chị đã làm theo. Chị cởi quần áo để hắn khỏi xé rách.

Lúc này, đã ăn vận xong xuôi, chị nhận ra giơ tay lên mới đau đớn làm sao. Chị đứng bên cửa sổ bị che kín. Xa xa là những cánh đồng bị bom cháy phá hủy, cây cối bị phạt ngang một nửa, nhiều cây vẫn đang cháy âm ỉ, các cánh cổng và ống khói gẫy vỡ. Một quang cảnh điêu tàn. Sân bay là một đống những đá, gỗ đổ nát, xung quanh là những máy bay vỡ nát và xe tải bị ném bom. Từ khi Tướng de Gaulle tiếp quản quân đội Nước Pháp Tự do và quân Đồng minh đổ bộ vào Normandy, châu Âu bị ném bom liên miên.

Antoine còn ở đó không? Anh ở đâu đó trong một trại tù binh, có nhìn qua kẽ hở trên bức tường trại giam hoặc một cửa sổ bị bít ván, ngắm mặt trăng đã có thời chiếu sáng ngôi nhà tràn đầy tình yêu này không? Còn Isabelle nữa. Nó ra đi mới hai tháng, mà cảm thấy như cả một đời. Vianne không ngừng lo cho em gái, nhưng chẳng làm được gì ngoài lo lắng, và đành chịu đựng.

Xuống tầng dưới, chị đốt một cây nến. Lâu nay không có điện. Trong phòng vệ sinh, chị đặt cây nến xuống cạnh bồn và chăm chú ngắm mình trong tấm gương hình bầu dục. Kể cả trong ánh nến, trông chị vẫn xanh xao và hốc hác. Mái tóc vàng ánh đỏ của chị nay đã xỉn màu, buông xuống hai bên mặt. Trong nhiều năm túng thiếu, mũi chị hình như dài ra và xương gò má chị nhô cao hơn. Một vết thâm tím làm thái dương chị biến màu. Chị biết chẳng bao lâu nữa nó sẽ sẫm lại. Không cần nhìn chị cũng biết có nhiều vết thâm tím trên cánh tay và một vết bầm xấu xí trên ngực trái.

Càng ngày, hắn càng tệ hại hơn. Hung dữ hơn. Quân Đồng minh đã đặt chân lên miền Nam nước Pháp và giải phóng nhiều thành phố. Quân Đức đang thua trận, và hình như Von Richter nhất quyết bắt Vianne phải trả giá.

Chị cởi quần áo và tắm bằng nước âm ấm. Chị chà xát cho đến khi da vằn lên và đỏ ửng, vậy mà chị vẫn cảm thấy chưa sạch. Chị sẽ không bao giờ cảm thấy sạch sẽ.

Khi không thể chịu được nữa, chị lau khô người và mặc lại cái áo choàng ngủ, thêm một chiếc áo choàng ra ngoài. Thắt lại ngang eo, chị cầm cây nến và rời buồng tắm.

Sophie đang đợi chị trong phòng khách. Nó ngồi trên đi văng - thứ đồ gỗ tốt cuối cùng trong phòng -, đầu gối khép lại, đôi bàn tay đan vào nhau. Các đồ gỗ khác đã bị trưng thu hoặc đốt hết.

- Con làm gì mà thức khuya thế?

- Con có thể hỏi mẹ câu đó, nhưng thực ra thì không cần, phải không ạ?

Vianne thắt chặt dây áo choàng. Đây là một thói quen khi căng thẳng, một thứ cho đôi tay có việc để làm.

- Chúng ta đi ngủ đi.

Sophie ngước nhìn mẹ. Ở tuổi mười bốn, gương mặt Sophie bắt đầu hoàn thiện. Cặp mắt đen của nó nổi bật trên làn da xanh xao, diềm mi dày và dài. Ăn uống thiếu thốn làm tóc Sophie thưa đi, nhưng vẫn hình thành những lọn tóc quăn. Nó bĩu đôi môi đầy đặn.

- Thật á, mẹ? Chúng ta phải giả vờ bao lâu nữa? - Nỗi buồn và cơn giận trong đôi mắt đẹp của nó thật thương tâm. Hiển nhiên là Vianne chẳng thể che giấu được gì với đứa con này, đứa trẻ đã mất cả tuổi thơ vì chiến tranh.

Một người mẹ kể với đứa con gái sắp trưởng thành của mình về sự xấu xa, đáng sợ của cuộc đời liệu có đúng không? Làm sao chị có thể thành thật được? Làm thế nào Vianne mong được con gái phán xét mình đỡ khắc nghiệt hơn chị tự phán xét mình?

Vianne ngồi xuống cạnh Sophie. Chị nghĩ về cuộc sống cũ của họ - những tiếng cười, nụ hôn, những bữa tối, buổi sáng Giáng sinh, những cái răng rụng, những lời bập bẹ đầu tiên của con trẻ.

- Con không ngu đâu, - Sophie nói.

- Mẹ chưa bao giờ nghĩ con như thế. Không một chút nào. - Chị hít một hơi và để nó thoát ra. - Mẹ chỉ muốn bảo vệ con.

- Khỏi sự thật ư?

- Khỏi mọi thứ.

- Chuyện đó là không thể, - Sophie nói, cay đắng. - Bây giờ mà mẹ vẫn không hiểu sao? Rachel đi rồi. Sarah đã chết. Ông ngoại mất rồi. Dì Isabelle thì... - Những giọt lệ dâng đầy mắt nó. - Còn bố... chúng ta nghe tin cuối cùng của bố là khi nào? Một năm trước? Tám tháng trước? Chắc bố cũng chết rồi.

- Bố con còn sống. Dì con cũng thế. Mẹ đã cảm thấy nếu họ ra đi. - Vianne đặt bàn tay lên tim mình. - Mẹ biết ở đây này.

- Trong tim mẹ á? Mẹ sẽ cảm thấy nó trong trái tim mẹ ư?

Vianne biết Sophie đã được cuộc chiến này định hướng, sự thô ráp vì sợ hãi và thất vọng đã biến nó thành một phiên bản sắc sảo hơn, hoài nghi hơn con người thật, nhưng vẫn khó mà hiểu rõ trong khía cạnh sắc sảo như thế.

- Sao mẹ có thể... đến với hắn? Con đã thấy những vết bầm tím.

- Đấy là cuộc chiến của mẹ, - Vianne nói khẽ, ngượng ngùng gần như không thể chịu nổi.

- Dì Isabelle sẽ bóp cổ hắn trong lúc hắn ngủ.

- Đúng thế, chị tán thành. - Isabelle là một phụ nữ mạnh mẽ. Mẹ thì không. Mẹ chỉ... là một người mẹ cố giữ cho con cái an toàn.

- Mẹ tưởng chúng con muốn mẹ giữ cho chúng con an toàn theo kiểu này sao?

- Con còn trẻ quá, - chị nói, xuôi vai xuống vì thất bại. - Khi nào là một người mẹ, con sẽ...

- Con sẽ không làm mẹ đâu, - Sophie đáp.

- Mẹ rất tiếc đã làm con thất vọng, Sophie ạ.

- Con muốn giết chết hắn, - lát sau, Sophie nói.

- Mẹ cũng muốn thế.

- Chúng ta có thể đè một cái gối lên đầu hắn trong lúc hắn ngủ.

- Con tưởng mẹ không mơ đến việc đó hay sao? Nhưng nó quá nguy hiểm. Beck đã biến mất trong khi sống ở nhà này. Tên sĩ quan thứ hai cũng thế sao? Bọn chúng sẽ dồn sự chú ý vào chúng ta, điều mà chúng ta không hề muốn.

Sophie rầu rĩ gật đầu.

- Mẹ có thể chịu đựng việc Von Richter làm với mẹ, Sophie ạ. Song mẹ không thể chịu nổi mất con hoặc Daniel, hoặc phải xa các con. Hay nhìn thấy các con bị đau.

Sophie không ngoảnh đi.

- Con căm thù hắn.

- Mẹ cũng thế, - Vianne nói khẽ. - Mẹ cũng thế.

+++++

- Hôm nay nóng quá. Cô nghĩ sẽ là một ngày thích hợp để bơi đây, - Vianne nói và cười.

Cả lớp ồ lên ngay lập tức, hưởng ứng.

Vianne dẫn bọn trẻ ra khỏi lớp, giữ cho chúng đi sát vào nhau lúc xuống các hành lang của tu viện. Chúng đang qua phòng làm việc của Mẹ Nhất thì cửa bật mở.

- Cô Mauriac, - Mẹ nói và mỉm cười. - Bầy ngỗng con của cô trông đủ vui sống để hát toáng lên đấy.

- Không phải trong một ngày nóng nực như thế này, thưa Mẹ. - Chị khoác tay Mẹ Nhất. - Mẹ đi cùng chúng con ra hồ nhé.

- Một ý tưởng tuyệt hay trong một ngày tháng Chín.

- Xếp hàng một, - Vianne nói với bọn trẻ lúc tất cả ra đến đường cái. Bọn trẻ đứng thành hàng ngay lập tức. Vianne bắt nhịp một bài hát, tất cả hát vang, vừa vỗ tay vừa nhảy.

Chúng có nhận thấy những tòa nhà bị ném bom lúc đi qua không? Những đống gạch vụn đang bốc khói, trước kia là những ngôi nhà? Hay tình trạng tàn phá là quang cảnh thông thường trong tuổi thơ của chúng, chẳng có gì nổi bật và không đáng để ý?

Daniel - như mọi khi - ở lại với Vianne và bám chặt tay chị. Gần đây nó luôn sợ tách khỏi chị lâu lâu. Đôi khi việc đó khiến chị lo ngại, thậm chí đau lòng. Chị tự hỏi trong thâm tâm thằng bé liệu có phần nào nhớ đến mọi thứ nó đã mất - mẹ nó, cha nó, chị nó. Chị lo khi nó ngủ, cuộn tròn sát vào chị, nó lại là Ari, đứa trẻ bị bỏ lại.

Vianne đan hai tay vào nhau:

- Các con, các con băng qua phố theo thứ tự nhé. Sophie, con chỉ huy hộ mẹ.

Bọn trẻ ngoan ngoãn băng qua phố rồi chạy ùa lên đồi, tới cái ao rộng, thay đổi theo mùa, một trong những nơi ưa thích của Vianne. Antoine đã hôn chị lần đầu ở chính nơi này.

Đến mép nước, bọn trẻ bắt đầu lao xuống. Chẳng mấy chốc, chúng đã ở trong nước. Vianne nhìn xuống Daniel:

- Con có muốn nghịch nước với chị con không?

Daniel cắn môi dưới, quan sát các bạn đang vùng vẫy trong làn nước xanh, phẳng lặng.

- Con không biết ạ...

- Con không phải bơi nếu con không muốn. Con chỉ nhúng chân cho ướt thôi.

Daniel cau mày, đôi má tròn trịa của nó phồng lên cân nhắc. Rồi nó buông tay chị và thận trọng tới chỗ Sophie.

- Thằng bé vẫn muốn bám lấy con, - Mẹ Nhất nói.

- Nó vẫn có những cơn ác mộng. - Vianne định nói Chúa biết con cũng vậy, thì thấy buồn nôn. Chị lẩm bẩm “Con xin lỗi” rồi chạy qua đám cỏ cao tới một bãi cây nhỏ, gập người lại và nôn. Dạ dày chị gần như trống rỗng, nhưng những cơn nôn khan cứ ào ạt đến, làm chị cảm thấy yếu ớt và mệt lử.

Chị cảm thấy bàn tay Mẹ Nhất trên lưng mình, chà xát, xoa dịu.

Vianne thẳng người lên. Chị gượng cười.

- Con xin lỗi. Con không... - Chị dừng lại. Sự thật trùm lên chị. Chị quay sang Mẹ Nhất. - Sáng hôm qua con đã nôn.

- Ôi không, Vianne. Một đứa bé ư?

Vianne không biết nên cười hay khóc hoặc hét lên với Chúa Trời. Chị đã cầu nguyện, cầu nguyện cho có một đứa con nữa lớn lên trong bụng chị.

Nhưng không phải lúc này.

Không phải của hắn.

+++++

Vianne không ngủ suốt một tuần. Chị cảm thấy dao động, mệt mỏi và kinh hãi. Những cơn buồn nôn vào buổi sáng mỗi lúc một tệ hơn.

Lúc này, chị ngồi trên mép giường nhìn Daniel. Lên năm, cậu bé lớn hơn bộ pyjamas đang mặc, cổ tay và mắt cá chân gầy guộc thò ra ngoài tay áo và ống quần mòn xơ. Không như Sophie, thằng bé chẳng bao giờ phàn nàn vì đói, phải đọc sách dưới ánh nến hoặc miếng bánh mì xám xịt khủng khiếp cung cấp theo khẩu phần. Nó không nhớ gì hết.

- Này, Thuyền trưởng Dan, - chị nói và gạt những búp tóc đen, quăn, ẩm khỏi mắt nó. Nó lăn ra nằm ngửa và cười toét miệng, lộ ra những cái răng cửa đã khuyết.

- Mẹ ơi, con mơ thấy có kẹo.

Cửa phòng ngủ bật tung. Sophie xuất hiện, thở dồn.

- Nhanh lên, mẹ ơi.

- Ồ Sophie, mẹ đang...

- Ngay bây giờ.

- Dậy đi, Daniel. Nom chị con đáng sợ quá.

Thằng bé chồm lên mẹ, vẻ hồ hởi. Nó đã quá lớn, Vianne không bế nổi, chị chỉ ôm chặt nó rồi lùi lại. Chị lấy bộ quần áo duy nhất vừa với nó - cái quần may từ mảnh vải vẽ chị tìm thấy trong nhà kho và cái áo len dài tay chị đan bằng những sợi len màu xanh quý giá. Lúc nó mặc xong, chị cầm tay nó và dẫn ra phòng khách. Cửa trước mở toang.

Những chùm chuông đang rung ngân. Chuông nhà thờ. Vang lên như tiếng nhạc đang chơi ở đâu đó. “La Marseillaise”* chăng? Vào chín giờ sáng ngày thứ Ba ư?

Quốc ca Pháp.

Bên ngoài, Sophie đứng dưới gốc táo. Một hàng lính Đức Quốc xã đi đều qua ngôi nhà. Rồi đến các loại xe cộ. Xe tăng, xe tải và mô tô ầm ầm chạy qua Le Jardin, cái này tiếp cái kia, khuấy tung bụi.

Một chiếc Citroën màu đen lái vào lề đường và đỗ lại. Von Richter xuống xe và đến chỗ chị, đôi ủng bẩn thỉu, cặp mắt ẩnsau cặp kính râm, miệng mím lại thành một đường mỏng dính, giận dữ.

- Bà Mauriac.

- Ngài Thiếu tá.

- Chúng tôi đang rời khỏi cái thành phố bé tí, thiểu não và khốn khổ của các người.

Vianne lặng thinh. Nếu cất lời, chị sẽ nói câu gì đó khiến hắn có thể giết chị.

- Cuộc chiến này chưa kết thúc, - hắn nói, nhưng chị không biết chắc câu này vì lợi ích của chị hay của hắn.

Cái nhìn chòng chọc của hắn lướt qua Sophie và xoáy vào Daniel. Vianne đứng im phăng phắc, mặt chị dửng dưng.

Hắn quay sang chị. Vết thâm tím mới nhất trên má chị khiến hắn mỉm cười.

- Von Richter! - Ai đó trong đoàn quân quát to. - Để con đĩ Pháp của mày lại đi.

- Là bà đấy, bà biết không? - Hắn nói.

Vianne mím chặt môi để không thốt ra lời.

- Tôi sẽ quên bà. - Hắn nghiêng người về phía chị. - Tôi tự hỏi liệu bà có thể nói như thế không.

Hắn đi vào trong nhà và lại đi ra, tay xách cái va li da. Không hề liếc nhìn chị, hắn trở về ô tô. Cửa sập lại sau hắn.

Vianne nắm lấy cánh cổng cho vững.

- Bọn chúng đang cuốn xéo, - Sophie nói.

Đôi chân Vianne bủn rủn. Chị sụp trên đầu gối.

- Hắn đi rồi.

Sophie quỳ cạnh Vianne và ôm chặt mẹ.

Daniel chân trần, chạy qua con đường đất giữa họ.

- Con với! - Thằng bé kêu toáng lên. - Con cũng muốn ôm! - Nó lao vào họ, mạnh đến nỗi cả ba mẹ con ngã lên mảng cỏ khô.

+++++

Trong một tháng từ khi quân Đức rút khỏi Carriveau, có nhiều tin tốt lành ở khắp nơi về chiến thắng của quân Đồng minh, nhưng cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt. Đức chưa đầu hàng. Sự tắt đèn tạm thời được nói nhẹ đi thành “che kín ánh đèn”, vì thế các cửa sổ lại để ánh sáng lọt vào - một món quà đáng sửng sốt. Nhưng Vianne vẫn không thể khuây khỏa. Không có Von Richter trong đầu (chừng nào còn sống, chị sẽ không bao giờ nhắc đến tên hắn, nhưng chị không thể không nghĩ đến hắn), chị bị ám ảnh vì lo lắng cho Isabelle, Rachel và Antoine. Hầu như ngày nào chị cũng viết thư cho Antoine và đứng xếp hàng để gửi, dù hội Hồng Thập tự đã thông báo đường bưu điện chưa thông. Hơn một năm nay họ không biết tin gì về anh.

- Mẹ lại đi à, mẹ, - Sophie nói. Nó ngồi trên đi văng, sát gần Daniel, một cuốn sách mở giữa hai đứa. Trên mặt lò sưởi có vài bức ảnh Vianne lấy từ tầng hầm nhà kho. Đây là một trong vài việc chị có thể nghĩ ra để làm cho Le Jardin lại thành một tổ ấm.

- Mẹ ơi?

Tiếng Sophie khiến Vianne tỉnh lại.

- Bố sắp về nhà, - Sophie nói. - Dì Isabelle cũng thế.

- Ừ.

- Chúng ta sẽ kể cho bố nghe những gì? - Sophie hỏi, và theo ánh mắt con bé, Vianne biết nó muốn hỏi câu này từ khá lâu.

Vianne đặt bàn tay lên cái bụng vẫn phẳng của chị. Chưa có dấu hiệu gì về đứa bé, nhưng Vianne hiểu rõ cơ thể mình, một sinh linh đang lớn dần lên trong người chị. Chị rời phòng khách và ra cửa, đẩy nó mở toang. Chân trần, chị bước xuống các bậc đá nứt nẻ, cảm nhận lớp rêu mềm ở lòng bàn chân. Thận trọng không giẫm lên một hòn đá sắc, chị đi ra đường và rẽ tới thành phố.

Nghĩa trang ở bên phải chị. Nó đã bị một quả bom phá hủy từ hai tháng trước. Tảng đá lâu năm đánh dấu nằm bên rìa, nứt thành nhiều mảnh. Đất nứt, vỡ, nhiều miệng hố há hoác đây đó: những bộ xương lủng lẳng trên các cành cây, va vào nhau lách cách trong gió.

Chị nhìn thấy xa xa, một người đàn ông sắp đến chỗ rẽ trên đường.

Trong nhiều năm sau đó, chị vẫn tự hỏi cái gì đã lôi kéo chị tới đây trong cái ngày thu nóng nực này, đúng vào giờ này, như thể chị biết trước.

Antoine.

Chị bắt đầu chạy, không chú ý mình đi đất. Cho đến khi sắp lao vào vòng tay anh, đủ gần để với tới, chị bỗng dừng lại, đứng ngay đơ. Chỉ cần nhìn Vianne một cái, Antoine hiểu ngay chị đã bị một gã đàn ông khác xâm hại.

- Vianne, - anh nói bằng một giọng chị không nhận ra. - Anh đã trốn thoát.

Anh đã thay đổi quá nhiều: mặt anh sắc nét, tóc anh đã ngả hoa râm. Những sợi râu bạc phủ kín đôi má hõm và quai hàm dưới, anh gầy đến khủng khiếp. Cánh tay trái của anh nghiêng một góc lạ lùng, dường như nó bị gẫy và được bó lại vụng về.

Anh cũng nghĩ về chị y như thế. Chị có thể thấy trong mắt anh.

Tên anh thốt ra trong tiếng thở thì thào. “Antoine”. Chị cảm thấy mắt cay xè và thấy anh cũng đang khóc. Chị tiến tới chỗ anh, hôn anh, nhưng khi anh lùi lại, nom anh như một người chị chưa từng gặp bao giờ.

- Anh có thể làm tốt hơn, - anh nói.

Chị cầm tay anh. Hơn hết thảy, chị muốn cảm thấy gần gũi, động chạm anh, nhưng nỗi xấu hổ vì việc chị phải chịu tạo nên bức tường ngăn cách giữa họ.

- Anh nghĩ đến em hằng đêm, - Antoine nói lúc họ đi về nhà.

- Anh hình dung em trên giường của chúng ta, trông em ra sao trong cái áo ngủ trắng muốt ấy... anh biết em cũng lẻ loi y như anh vậy.

Vianne không thể thốt nên lời.

- Những bức thư và gói vật dụng em gửi đã giữ cho anh sống tiếp, - anh nói.

Anh dừng lại bên cái cổng xiêu vẹo của Le Jardin.

Chị nhìn ngôi nhà bằng con mắt anh. Cổng đổ nghiêng, tường sụp, cây táo chết khô buộc những mẩu vải bẩn thỉu thay cho những quả táo đỏ tươi.

Anh đẩy cánh cổng xiêu vẹo dẹp đường. Nó kêu lách cách nghiêng sang bên, vẫn nối với trụ cổng bở nát bằng cái đinh vít duy nhất lung lay và cái then cài. Nó cót két phản đối lúc bị chạm tới.

- Gượm đã, - chị nói.

Chị phải kể với anh ngay bây giờ, trước khi quá muộn. Cả thành phố đều biết những tên Đức Quốc xã trú đóng tại nhà chị. Chắc chắn rồi anh sẽ nghe những chuyện ngồi lê đôi mách. Nếu một đứa trẻ sinh ra trong tám tháng nữa, người ta sẽ nghi ngờ.

- Vắng anh mọi sự đều khó khăn, - chị bắt đầu, cố tìm lời để nói.

- Le Jardin gần sân bay như thế. Bọn Đức đã nhận ra ngôi nhà trên đường vào thành phố. Hai sĩ quan đã trú đóng ở đây...

Cửa trước bật tung và Sophie reo lên:

- Bố! - Rồi nó chạy vèo qua sân.

Antoine vụng về khuỵu một gối và dang tay ra, Sophie lao vào vòng tay anh. Vianne cảm thấy nỗi đau mở toang và lan rộng. Antoine đã ở nhà đúng như chị mong ước, nhưng chị biết bây giờ mọi sự sẽ không còn như cũ, không thể như cũ. Anh đã thay đổi. Chị đã thay đổi. Chị đặt bàn tay lên cái bụng phẳng lì của mình.

- Con lớn quá, - Antoine nói với con gái. - Bố để lại một cô bé và trở về với một thiếu nữ. Con sẽ phải kể cho bố nghe những gì bố bỏ lỡ nhé.

Sophie nhìn qua bố, tới Vianne.

- Con không muốn chúng ta nói về chiến tranh nữa. Về bất cứ chuyện gì. Vào bất cứ lúc nào. Nó đã chấm dứt rồi.

Sophie muốn Vianne nói dối.

Daniel xuất hiện ở ngưỡng cửa, mặc quần soóc, áo len đỏ cổ lọ đã mất cả hình thù, bít tất chảy xuống đôi giày cũ không vừa chân. Ép chặt quyển truyện tranh vào bộ ngực lép, nó vừa nhảy xuống bậc rồi chạy tới chỗ họ, vừa phụng phịu.

- Cậu bé xinh trai này là ai vậy? - Antoine hỏi.

- Cháu là Daniel, - thằng bé nói. - Chú là ai?

- Chú là bố của Sophie.

Mắt Daniel mở to. Nó đánh rơi cuốn sách và lao vào Antoine, reo to:

- Bố! Bố đã về!

Antoine ôm gọn thằng bé vào lòng và nhấc bổng nó lên.

- Em sẽ kể với anh sau, - Vianne nói. - Còn bây giờ chúng ta hãy vào trong nhà và ăn mừng đã.

+++++

Vianne đã tưởng tượng cảnh đoàn tụ với chồng tới cả ngàn lần. Ngay từ đầu, chị đã hình dung anh buông va li khi nhìn thấy chị và vơ chị vào vòng tay rộng, khỏe khoắn của anh.

Rồi Beck dọn đến nhà chị, đánh thức những cảm giác trong chị về một người đàn ông - một kẻ thù - những cảm xúc mà đến giờ chị vẫn không muốn gọi tên. Khi Beck nói với chị việc Antoine bị cầm tù, những mong đợi của chị giảm đi. Chị hình dung chồng mình gầy gò hơn, trông tả tơi hơn, nhưng vẫn là Antoine khi anh trở về.

Người đàn ông ở bên bàn ăn của chị là một người xa lạ. Anh gập người trên đĩa thức ăn, cánh tay vòng quanh khư khư giữ lấy cái đĩa, múc lấy múc để từng thìa nước dùng hầm xương ống vào miệng, như thể là cuộc thi ăn bấm giờ. Lúc nhận ra việc mình đang làm, anh đỏ mặt ngượng ngùng và lẩm bẩm xin lỗi.

Daniel nói chuyện không ngừng trong lúc Sophie và Vianne ngắm nghía cái bóng của Antoine. Anh nhảy dựng lên mỗi khi có tiếng động và chùn lại khi bị động chạm, nỗi đau trong mắt anh không thể bỏ qua.

Sau bữa tối, anh cho các con đi ngủ trong lúc Vianne rửa bát đĩa một mình. Chị vui vẻ để anh làm, và chỉ càng tăng thêm mặc cảm tội lỗi của chị. Anh là chồng chị, là tình yêu của đời chị và vẫn là thế, khi anh động chạm tới chị, chị không thể ngoảnh đi. Lúc này, đứng bên cửa sổ phòng ngủ, chị cảm thấy căng thẳng trong khi đợi anh.

Anh đến sau lưng. Chị cảm thấy đôi bàn tay khỏe mạnh, chắc chắn của anh trên vai mình, nghe tiếng anh thở đằng sau. Chị thèm được ngả ra sau, dựa toàn thân áp sát vào anh với sự suồng sã từ nhiều năm chung sống, nhưng chị không thể. Bàn tay anh vuốt ve đôi vai chị, lần xuống cánh tay chị, rồi để yên trên hông chị. Anh dịu dàng xoay chị lại, đối diện mình.

Anh kéo cổ chiếc áo ngủ sang một bên và hôn lên bờ vai chị.

- Em gầy quá, - anh nói, tiếng anh khàn khàn đam mê và một thứ gì đó nữa, một thứ mới mẻ giữa họ - có lẽ là sự mất mát, thừa nhận sự thay đổi đã xảy ra trong thời gian xa cách của họ.

- Em đã tăng cân chút ít từ mùa đông vừa rồi, - chị nói.

- Ừ, - anh đáp. - Anh cũng thế.

- Anh trốn thoát bằng cách nào?

- Khi bọn chúng bắt đầu thua trận, tình hình trở nên... tệ hơn. Chúng đánh anh dã man đến mức tay trái của anh không cử động được. Lúc đó anh quyết định thà bị bắn trong khi chạy trốn còn hơn bị hành hạ đến chết. Khi người ta đã sẵn sàng chết, sẽ dễ thực hiện hơn.

Bây giờ là lúc kể thật với anh. Anh có thể hiểu rằng cưỡng hiếp là hành hạ và chị cũng là một tù nhân. Sự việc xảy ra với chị không phải lỗi của chị. Chị tin thế, nhưng chị không nghĩ lỗi lầm là quan trọng trong một việc như thế này.

Anh nâng mặt chị trong đôi bàn tay và buộc chị ngẩng lên.

Nụ hôn của họ mới buồn làm sao, gần như một lời xin lỗi, một lời nhắc đến những gì trước kia họ đã từng chia sẻ. Chị run rẩy lúc anh cởi quần áo chị. Chị đã thấy nhiều vết đỏ bầm đan chéo trên lưng và người anh, những vết sẹo lởm chởm, nhức nhối, gấp nếp chạy dài suốt cánh tay trái của anh.

Chị biết Antoine sẽ không đánh đập hoặc làm chị tổn thương. Song chị vẫn sợ.

- Chuyện gì thế, Vianne? - Anh nói và lùi lại.

Chị liếc nhìn cái giường, giường của họ, và nghĩ đến hắn. Von Richter.

- Trong-ong khi anh đi vắng...

- Chúng ta có cần nói đến chuyện này không?

Chị muốn thú nhận tất cả, muốn khóc trong vòng tay anh, để được an ủi và nghe anh nói rằng rồi mọi việc sẽ ổn. Nhưng còn Antoine thì sao? Anh cũng đã trải qua địa ngục. Chị có thể thấy tất cả trên người anh. Những vết sẹo đỏ bầm, tàn ác trên ngực anh trông như những vết roi.

Anh yêu chị. Chị cũng nhìn thấy, cảm thấy điều đó.

Nhưng anh là đàn ông. Nếu chị kể với anh mình đã bị cưỡng hiếp - và có một đứa trẻ của một gã đàn ông khác đang lớn lên trong bụng chị - nó sẽ gặm nhấm, day dứt anh. Sớm hay muộn, anh cũng sẽ tự hỏi liệu chị có ngăn Von Richter lại không. Có khi một ngày nào đó anh còn tự hỏi chị có thích thú không.

Nó là thế đấy. Chị có thể kể với anh về Beck, kể cả việc chị đã giết anh ta, nhưng không bao giờ được nói với Antoine rằng mình đã bị hãm hiếp. Đứa trẻ trong bụng chị sẽ được sinh ra sớm. Lúc nào chẳng có những đứa trẻ sinh sớm một tháng.

Chị không thể không băn khoăn liệu bí mật này có hủy hoại họ không.

- Em có thể kể với anh tất cả mọi chuyện, - chị nói khẽ. Những giọt nước mắt của chị là những giọt lệ xấu hổ, mất mát và yêu thương. Hơn hết thảy là tình yêu. - Em có thể kể với anh về các sĩ quan Đức đã trú đóng ở đây, về cuộc sống khó khăn biết chừng nào, mẹ con em sống sót ra sao, Sarah chết trước mắt em, Rachel mạnh mẽ như thế nào và khi bọn chúng lùa chị ấy vào toa chở gia súc, em đã hứa giữ gìn cho Ari an toàn ra sao. Em có thể kể với anh cha em đã chết như thế nào, Isabelle bị bắt giam và trục xuất... nhưng em nghĩ anh đã biết tất cả. - Chúa tha thứ cho con. - Có lẽ chẳng có gì cấp bách để kể về mọi chuyện đó. Có khi... - Chị lần theo một lằn roi màu đỏ như một tia chớp chạy suốt bắp tay trái của anh. - Có khi điều tốt nhất là quên đi quá khứ và sống tiếp.

Anh hôn chị. Lúc anh lùi lại, môi anh vẫn gắn vào môi chị.

- Anh yêu em, Vianne.

Chị nhắm mắt và hôn lại anh, đợi cho thân thể chị nhận thức được sự động chạm của anh, nhưng lúc chị trườn xuống dưới anh và cảm thấy cơ thể họ hòa với nhau như họ đã làm bao lần trước đây, chị chẳng cảm thấy gì.

- Em cũng yêu anh, Antoine. - Chị cố không khóc lúc nói câu đó.

+++++

Một đêm tháng Mười một lạnh lẽo. Antoine đã về nhà gần hai tháng. Vẫn không có tin tức gì về Isabelle.

Vianne không sao ngủ được. Chị nằm trên giường cạnh chồng, lắng nghe tiếng ngáy nho nhỏ của anh. Trước kia nó chưa bao giờ làm phiền chị, chưa bao giờ khiến chị thức giấc, nhưng bây giờ thì có.

Không.

Đó không phải là sự thật.

Chị trở mình nằm nghiêng, và nhìn anh chăm chú. Trong bóng tối, ánh trăng rằm tràn qua cửa sổ, anh thật xa lạ: gầy gò, sắc nét, mới ba nhăm tuổi mà tóc đã hoa râm. Chị nhích dần ra khỏi giường và đắp cho anh tấm chăn lông vịt biển dày, từng là của bà nội chị.

Chị mặc áo choàng. Chị lang thang từ phòng này sang phòng khác ở tầng dưới, tìm... thứ gì nhỉ? Có lẽ cuộc sống cũ của chị, hoặc tình yêu với một người đàn ông chị đã để mất.

Chẳng có gì là đúng nữa. Họ đều như những người xa lạ. Anh cũng cảm thấy y như thế. Chị biết anh cảm thấy thế. Đêm đêm, cuộc chiến tranh len vào giữa họ.

Chị lấy tấm chăn trong cái hòm ở phòng khách, khoác quanh người rồi ra ngoài.

Trăng rằm lơ lửng trên những cánh đồng hoang tàn. Ánh trăng rơi xuống mặt đất nứt nẻ, dưới gốc táo. Cành cây khô đen cong trên đầu chị, trụi lá và xương xẩu. Trên cành là những mẩu sợi chỉ, sợi len và ruy băng của chị.

Khi buộc những món quà lưu niệm lên cành cây này, Vianne đã suy nghĩ một cách chất phác rằng sống sót là điều quan trọng. Cánh cửa sau lưng chị mở và khép lại nhẹ nhàng. Chị cảm thấy sự có mặt của chồng như chị luôn cảm thấy.

- Vianne, - anh nói và đến sau chị. Anh vòng tay quanh người chị. Chị muốn dựa lưng vào anh nhưng không thể làm thế. Chị chăm chú nhìn dải ruy băng đầu tiên chị buộc vào cành cây này. Của Antoine. Màu sắc đã biến đổi cũng như thời tiết, như họ vậy.

Đến lúc rồi. Chị không thể đợi lâu hơn nữa. Bụng chị đang to dần. Chị quay lại, ngước nhìn anh:

- Antoine, - chị chỉ nói được thế.

- Anh yêu em, Vianne.

Chị hít một hơi thật sâu rồi nói:

- Em sắp có con.

Anh lặng thinh. Một lúc lâu sau, anh nói:

- Cái gì? Khi nào?

Chị ngước nhìn anh, nhớ lại những lần mang thai trước, họ đã bên nhau cả lúc mất mát cũng như vui sướng.

- Em nghĩ gần hai tháng rồi. Chắc là... trong đêm đầu tiên anh về nhà.

Chị thấy mọi sắc thái cảm xúc trong mắt anh: ngạc nhiên, lo lắng, ân cần, băn khoăn và cuối cùng là vui mừng. Anh lướt nhẹ cằm chị, nâng mặt chị lên.

- Anh hiểu vì sao trông em sợ hãi đến thế, nhưng đừng lo, V. ạ. Chúng ta sẽ không để mất đứa con này đâu, - anh nói. - Không, sau tất cả những chuyện này. Đây là một phép màu.

Những giọt lệ làm cay mắt chị. Chị gượng cười, nhưng cảm giác tội lỗi làm chị ngạt thở.

- Em đã trải qua quá nhiều chuyện.

- Tất cả chúng ta đều phải thế.

- Vì thế, chúng ta quyết giữ những phép màu.

Nếu biết sự thật, anh sẽ nói gì đây? Anh có ngờ vực gì không? Anh sẽ nói gì khi đứa trẻ sinh sớm?

- Ý anh là gì-ì?

Chị thấy nước mắt anh long lanh.

- Ý anh là hãy quên quá khứ đi, V. Hiện tại mới là quan trọng. Chúng ta sẽ luôn yêu thương nhau. Đó là lời hứa của chúng ta từ khi chúng ta mới mười bốn tuổi. Bên cái hồ khi anh hôn em lần đầu, em nhớ không?

- Em nhớ. - Chị thật may mắn đã tìm được người đàn ông này. Chẳng có gì lạ khi chị yêu anh say đắm đến thế. Chị sẽ tìm ra cách trở lại với anh, cũng như anh đã tìm ra đường trở về với chị.

- Đứa trẻ này sẽ là khởi đầu mới của chúng ta.

- Hôn em đi, - chị thì thầm. - Hãy làm cho em quên.

- Chúng ta không cần quên, Vianne, - anh nói và cúi hôn chị. - Mà cần phải nhớ.

36

Tháng Hai năm 1945, tuyết phủ kín những thi thể trần truồng chất đống bên ngoài lò thiêu xác mới xây của trại. Khói đen hôi thối bốc lên từ những ống khói.

Isabelle đứng run rẩy tại chỗ trong lúc điểm danh buổi sáng. Cái lạnh làm phổi nàng đau nhức và đóng băng diềm mi, bỏng rát các đầu ngón tay và ngón chân nàng.

Nàng đợi buổi điểm danh kết thúc, nhưng không thấy còi rúc lên.

Tuyết vẫn rơi. Trong hàng ngũ tù nhân, một số phụ nữ bắt đầu ho. Thêm một người nữa ngã úp mặt vào tuyết lầy bùn, mềm xốp và không thể đứng dậy. Làn gió rét buốt thổi khắp trại.

Cuối cùng, một sĩ quan SS cưỡi trên lưng ngựa đi qua đám phụ nữ, nhìn chòng chọc từng người một. Hình như hắn để ý mọi thứ - mái tóc đã xén, vết bọ chét đốt, đầu ngón tay xanh lét, hoại tử vì tê cóng, những miếng phù hiệu phân biệt người Do Thái, đồng tính hoặc tù chính trị. Ở khoảng cách xa xa, những quả bom rơi, nổ tung như tiếng sấm xa.

Mỗi khi tên sĩ quan chỉ vào một phụ nữ, ngay lập tức người đó bị kéo khỏi hàng.

Hắn chỉ vào Isabelle, và nàng bị lôi đi xềnh xệch.

Nhiều nhóm SS vây quanh những người phụ nữ đã chọn, bắt họ xếp hàng đôi. "Nhanh! Một! Hai! Ba!"* .

Tiếng Đức trong nguyên bản.

Isabelle bước về phía trước, bàn chân nàng đau nhức vì lạnh, phổi bỏng rát. Micheline đứng cạnh nàng.

Họ đi khoảng một dặm bên ngoài cổng thì một xe tải chạy ầm ầm qua họ, thùng xe chất cao những xác chết trần truồng.

Micheline bị vấp, Isabelle vội vươn tay giữ cho bà thẳng người lên.

Họ vẫn bước.

Cuối cùng, họ đến một cánh đồng đầy tuyết, phủ kín sương mù.

Bọn Đức lại tách họ ra lần nữa. Isabelle bị kéo giật khỏi Micheline và đẩy vào một nhóm tù chính trị Nacht und Nebel* khác.

Bóng đêm và sương mù (Tiếng Đức trong nguyên bản).

Bọn Đức xô đẩy, quát tháo và chỉ trỏ cho đến khi Isabelle hiểu ra.

Người phụ nữ cạnh nàng gào lên khi trông thấy việc họ sắp phải làm. Dọn tuyết.

- Đừng, - Isabelle nói, đúng lúc một dùi cui quật vào người phụ nữ ấy, mạnh đến nỗi chị ta ngã sõng soài.

Isabelle đứng đờ đẫn như một con la kéo cày khi bọn Đức Quốc xã quàng dây cương bằng da xù xì lên vai nàng và buộc chặt quanh eo nàng. Nàng bị đóng cương cùng mười một phụ nữ khác, khuỷu- sát-khuỷu. Đằng sau họ, gắn liền với bộ cương là một bánh xe bằng đá to cỡ cái ô tô.

Isabelle thử bước song không thể.

Một ngọn roi vút qua lưng nàng, khiến da thịt nàng bỏng rát. Nàng nắm lấy dây cương và cố lần nữa, bước một bước về phía trước. Tất cả đều mệt lả. Họ không còn sức, bàn chân đông cứng trên mặt đất đầy tuyết, nhưng họ phải chuyển động hoặc bị đòn roi. Isabelle cong người tới trước, kéo căng dây để bánh xe bằng đá nhúc nhích. Các sợi dây thít vào ngực nàng. Một phụ nữ vấp ngã còn những người khác vẫn kéo. Bộ cương bằng da kêu ken két và bánh xe quay.

Họ kéo, kéo và kéo, tạo thành một con đường trên mặt đất phủ tuyết đằng sau. Những người khác dùng xẻng và xe cút kít dọn sạch con đường.

Trong thời gian đó, lính gác túm tụm quanh các đống lửa, tán chuyện và cười đùa.

Bước.

Bước.

Bước.

Isabelle không nghĩ gì hơn nữa. Không nghĩ đến cái rét, cơn đói và khát, không nghĩ đến những vết đốt của bọ chét, chấy rận khắp người. Không nghĩ đến cuộc sống thực. Đó là điều tệ nhất. Nếu nàng hụt một bước, thu hút sự chú ý, nàng sẽ bị đánh đập, bị quật roi thậm chí còn tồi tệ hơn.

Bước.

Chỉ nghĩ đến chuyển động.

Chân nàng rã rời. Nàng đổ sụp xuống tuyết. Người phụ nữ cạnh nàng vươn tay ra. Nàng chộp lấy bàn tay run run, trắng bệch, nắm chặt nó trong những ngón tay tê dại của mình và lê bước đứng dậy. Nghiến răng, nàng tiến một bước đầy đau đớn. Rồi một bước nữa.

+++++

Còi rú lúc ba rưỡi sáng, vì sáng nào cũng điểm danh. Giống như chín người bạn cùng giường, lúc đi ngủ Isabelle mặc tất tần tật những đồ vải mình có, đi cả đôi giày không vừa chân, đồ lót, bộ áo kẻ sọc lùng thùng với số tù trên tay áo. Nhưng chẳng thứ gì cung cấp hơi ấm. Nàng cố động viên những người xung quanh giữ gìn sức khỏe, nhưng bản thân nàng đang suy nhược. Mùa đông năm ấy thật khắc nghiệt, tất cả bọn họ đều sắp chết, một số chết nhanh vì bệnh sốt dịch và sự tàn bạo, một số chết dần vì đói và rét, song tất cả đều sắp tàn lụi.

Isabelle bị sốt đã nhiều tuần, nhưng không sốt cao đủ để gửi đi trạm xá, tuần trước đó nàng bị đánh đập tàn nhẫn đến mức ngất trong lúc làm việc, sau đó lại bị đánh vì đã ngã xuống. Nàng chỉ còn nặng ba mươi sáu ký, chấy rận bò lổm ngổm phủ kín những chỗ lở loét.

Ravensbrück là miền đất dữ ngay từ ban đầu, nhưng lúc này, trong tháng Ba năm 1945, nó càng tàn tệ hơn. Hàng trăm phụ nữ bị giết hoặc bằng khí độc hoặc bị đánh đập trong tháng cuối cùng. Những người duy nhất còn sống là những Verfügbaren - vật dùng rồi bỏ, những người ốm yếu hoặc già cả - và những phụ nữ Nacht und Nehel, “Bóng đêm và sương mù”. Các tù chính trị như Isabelle và Micheline. Những người phụ nữ thuộc lực lượng Kháng chiến. Có tin đồn rằng hiện giờ, bọn Đức Quốc xã sợ xả khí độc hại chết họ vì tình thế chiến tranh đã xoay chiều.

- Cháu sắp quỵ kìa.

Isabelle nhận thấy mình đang lắc lư tại chỗ và bắt đầu ngã.

Micheline Babineau tặng nàng nụ cười mệt mỏi và khích lệ.

- Đừng khóc.

- Cháu không khóc. - Isabelle đáp. Cả hai đều biết rằng những phụ nữ khóc ban đêm, là những người sẽ chết vào buổi sáng. Nỗi buồn và sự mất mát thấm vào từng hơi thở nhưng không bao giờ tan đi. Bạn không thể đầu hàng. Dù chỉ trong một giây.

Isabelle hiểu điều này. Trong trại, nàng phản công bằng cách duy nhất nàng biết là chăm sóc các bạn tù và giúp họ giữ vững tinh thần. Tất cả bọn họ đang cùng ở trong địa ngục này. Ban đêm, họ nép vào nhau trên chiếc giường đôi tối tăm, thì thầm, hát khe khẽ, cố giữ hồi ức sinh động về người đã từng là họ. Trong hơn chín tháng trời Isabelle ở đây, nàng đã tìm thấy - và mất đi - quá nhiều người bạn, không đếm xuể.

Nhưng hiện giờ Isabelle đang mệt mỏi và đau ốm.

Nàng khá chắc là bị viêm phổi. Có khi còn sốt dịch nữa. Nàng ho khẽ, làm việc và cố không thu hút sự chú ý. Điều cuối cùng nàng muốn là kết liễu cuộc đời trong “lều” - một ngôi nhà nhỏ bằng gạch, tường quây giấy dầu, bọn Đức Quốc xã tống bất cứ người phụ nữ nào mắc bệnh nan y vào đó. Đấy là nơi họ chết.

- Phải sống, - Isabelle nói khẽ.

Micheline gật đầu khích lệ.

Họ phải sống. Nhất là lúc này đây. Tuần trước, các tù nhân mới mang đến nhiều tin tức: quân Nga đang tràn qua nước Đức, đập tan và đánh bại quân Đức Quốc xã. Trại tập trung Auschwitz đã được giải phóng. Quân Đồng minh tuyên bố đang giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác ở phía Tây.

Một cuộc đua sống còn và mọi người đều hiểu thế. Cuộc chiến đang đến hồi kết. Isabelle phải sống đủ lâu để chứng kiến chiến thắng của phe Đồng minh và nhìn thấy một nước Pháp tự do.

Một tiếng còi ré lên ngay trước hàng.

Sự im lặng đè nặng lên đám tù nhân, hầu hết là phụ nữ và vài đứa trẻ. Trước mặt họ, một nhóm ba tên sĩ quan SS đi tới đi lui cùng đàn chó.

Chỉ huy trại xuất hiện . Hắn dừng lại và đan hai tay sau lưng. Hắn ra lệnh gì đó bằng tiếng Đức và bọn sĩ quan SS tiến lên. Isabelle nghe thấy: Nacht und Nebel.

Một sĩ quan SS chỉ vào nàng và một tên khác len qua đám đông, gạt những người phụ nữ ngã xuống đất, hắn bước qua hoặc giẫm lên họ. Hắn chộp cánh tay gầy guộc của Isabelle và kéo mạnh. Nàng đi loạng choạng cạnh hắn, cầu cho giầy không rơi mất - một chiếc giầy mất là một trận đòn trừng phạt, nếu nàng bị thế thì sẽ phải qua phần còn lại của mùa đông này với một bàn chân trần, hoại tử vì sương giá.

Nàng nhìn thấy cách đấy không xa, một sĩ quan khác đang kéo lê Micheline.

Isabelle chỉ còn nghĩ là cần phải giữ được đôi giày.

Một sĩ quan SS quát to một từ mà Isabelle hiểu được.

Họ bị chuyển sang trại khác.

Nàng cảm thấy một cơn giận dữ bất lực. Nàng sẽ không bao giờ sống qua được một chuyến đi đày ải, dầm mình trong tuyết tới một trại khác.

- Không, - nàng lẩm bẩm. Nói một mình đã trở thành một cách sống. Trong nhiều tháng liền, lúc đứng trong hàng làm việc, cái công việc khiến nàng khó chịu và kinh hãi, nàng đã nói thầm một mình. Lúc ngồi trên một hố vệ sinh trong cả dãy, xung quanh là những phụ nữ bị đi kiết, nhìn chằm chằm vào những người đối diện, cố bịt mũi, miệng vì mùi hôi thối nồng nặc, nàng lẩm bẩm một mình. Ban đầu, đó là những câu chuyện nàng kể với mình về tương lai, những hồi ức nàng chia sẻ với mình về quá khứ.

Còn bây giờ chỉ là những từ rời rạc. Đôi khi vô nghĩa, bất kỳ từ gì để tự nhắc nhủ nàng là một con người và còn sống.

Ngón chân nàng vấp phải cái gì đó và nàng ngã xuống đất, úp mặt vào lớp tuyết bẩn thỉu.

- Đứng lên, - ai đó quát. - Đi.

Isabelle không thể cử động, nhưng nếu nàng ở lại đây, chúng sẽ quất nàng lần nữa. Hoặc tệ hơn.

- Đứng lên nào, - Micheline nói.

- Cháu không thể.

- Cháu có thể. Ngay bây giờ. Trước khi bọn chúng trông thấy cháu ngã. - Micheline giúp nàng đứng dậy.

Isabelle và Micheline đứng vào hàng những nữ tù nhân tả tơi, mệt lử bước tới trước, qua vòng ngoài của trại là bức tường gạch, dưới cái nhìn cảnh giác của tên lính trong tháp canh.

Họ đã đi hai ngày liền, được ba mươi nhăm dặm, đến đêm đổ sụp trên mặt đất giá lạnh, rúc vào nhau cho ấm, cầu mong lại nhìn thấy bình minh, chỉ thức dậy vì những tiếng còi và tiếng quát “Đi!”.

Bao nhiêu người đã chết trên đường? Nàng muốn nhớ tên của họ, nhưng nàng quá rét, quá đói và kiệt sức, đầu óc nàng hầu như không hoạt động.

Cuối cùng họ tới đích, là một ga tàu hỏa, nơi họ bị đẩy vào các toa chở súc vật nặc mùi chết chóc và cứt đái. Khói đen bay lên bầu trời trắng xóa tuyết. Cây cối trơ trụi. Không một con chim trên trời, không một tiếng líu lo, tiếng kêu rít hoặc tiếng róc rách của các sinh vật vốn đầy rẫy trong khu rừng này.

Isabelle trèo lên những bó cỏ khô chất đống dọc thành toa và cố thu mình nhỏ nhất có thể. Nàng thu đầu gối rướm máu vào ngực và vòng tay quanh mắt cá để giữ chút hơi ấm.

Ngực nàng đau không chịu nổi. Nàng bịt miệng khi một tiếng ho làm nàng cong người về phía trước.

- Cháu ở đây à, - Micheline nói trong bóng tối và trèo lên bó cỏ khô cạnh nàng.

Isabelle thở một hơi nhẹ nhõm, và ngay lập tức lại ho. Nàng đưa bàn tay che miệng và cảm thấy máu bắn vào lòng bàn tay. Nàng ho ra máu đã nhiều tuần nay.

Isabelle cảm thấy một bàn tay khô nứt đặt lên trán mình và nàng lại ho.

- Cháu nóng như nung vậy.

Cửa toa chở gia súc đóng vang rền. Đoàn tàu rùng mình và các bánh xe đồ sộ bắt đầu quay. Toa tàu lắc lư và kêu lách cách. Trong toa, đám phụ nữ tập hợp thành nhóm và ngồi xuống. Ít nhất trong thời tiết này nước tiểu của họ sẽ đóng băng trong thùng và không trào ra ngoài.

Isabelle chùng xuống cạnh bà bạn và nhắm mắt.

Từ đâu đó xa xa, nàng nghe thấy một âm thanh rít lên. Một quả bom đang rơi. Đoàn tàu rít lên dừng lại và quả bom nổ tung, đủ gần để toa tàu kêu lách cách. Mùi khói và lửa tràn ngập không khí. Quả bom sau có thể rơi trúng đoàn tàu và giết chết tất cả.

+++++

Bốn ngày sau, khi cuối cùng đoàn tàu đỗ hẳn (nó đã chậm lại hàng chục lần để tránh bom), các cửa lách cách mở lộ ra một quang cảnh trắng xóa, chỉ bị phá vỡ vì những chiếc áo choàng to xù màu đen của các sĩ quan SS đợi sẵn.

Isabelle ngồi dậy, ngạc nhiên thấy mình không lạnh. Nàng cảm thấy nóng, nóng đến nỗi toát mồ hôi.

Nàng thấy bao nhiêu bạn nàng đã chết trong đêm, nhưng chẳng có thời gian thương tiếc họ, cũng chẳng có thời gian cầu nguyện một lời hoặc thì thầm một câu vĩnh biệt. Bọn Đức Quốc xã trên sân ga đang đợi họ, chúng thổi còi, quát tháo:

- Nhanh! Nhanh lên!

Isabelle huých khuỷu tay đánh thức Micheline.

- Nắm lấy tay cháu, - Isabelle nói.

Hai người nắm tay nhau và cẩn thận trèo xuống khỏi các bó cỏ khô. Isabelle giẫm phải một xác chết, đã bị người nào đó lột mất giày.

Ở đầu kia sân ga, đang hình thành một hàng ngũ tù nhân.

Isabelle bước tập tễnh tới trước. Người phụ nữ đi trước Isabelle sẩy chân và quỵ trên đầu gối.

Một sĩ quan SS giật chị ta đứng dậy và bắn vào mặt chị.

Isabelle không bước chậm lại. Lúc rét run lúc nóng bừng, nàng bước lảo đảo, khó nhọc tới trước, xuyên qua cánh rừng phủ đầy tuyết cho đến lúc một trại khác lọt vào tầm nhìn.

- Nhanh!

Isabelle đi theo những người phụ nữ đằng trước nàng. Họ qua những cánh cổng mở, qua một đám đàn ông, đàn bà gầy giơ xương trong những bộ áo tù sọc xám, đang nhìn họ qua hàng rào mắt cáo.

- Juliette!

Nàng nghe thấy cái tên. Lúc đầu nó chẳng có nghĩa gì với nàng, chỉ là một âm thanh. Sau đó nàng nhớ ra.

Nàng từng là Juliette. Trước đó là Isabelle. Và Sơn ca. Không chỉ là tù nhân số F-5491.

Nàng liếc nhìn các tù nhân như những bộ xương xếp thành hàng sau lưới mắt cáo.

Một người nào đó đang vẫy nàng. Một phụ nữ da xám ngoét, cái mũi khoằm, nhọn hoắt và mắt sâu hoắm.

Cái nhìn.

Isabelle nhận ra cái nhìn chằm chặp, mệt mỏi và hiểu biết xoáy vào nàng.

Anouk.

Isabelle đi nghiêng ngả tới hàng rào mắt cáo.

Anouk gặp nàng. Những ngón tay họ đan vào nhau qua lớp kim loại lạnh như băng.

- Anouk, - nàng nói và nghe thấy sự rạn vỡ trong giọng mình. Nàng ho và vội bịt miệng.

Nỗi buồn trong cặp mắt đen của Anouk thật không thể chịu nổi. Cái nhìn đăm đăm của bạn nàng hướng tới một tòa nhà có ống khói phụt ra luồng khói đen hôi thối.

- Bọn chúng giết chúng ta để che giấu việc chúng đã làm.

- Henri? Paul... Gaëton?

- Tất cả đều bị bắt, Juliette ạ. Henri bị treo cổ ở quảng trường thành phố. Những người còn lại... - Chị nhún vai.

Isabelle nghe thấy một sĩ quan SS quát nàng. Nàng lùi khỏi hàng rào. Nàng muốn nói một lời gì đó thành thật với Anouk, một lời cuối cùng, nhưng không thể làm gì được vì ho. Nàng che miệng và trượt sang một bên, trở lại hàng.

Nàng nghe thấy bạn nàng nói rành rọt: “Tạm biệt”, và Isabelle không thể đáp lại. Nàng quá, quá mệt không nói nổi lời từ biệt.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3