Sông Côn Mùa Lũ - Chương 02

Đã nửa tháng qua, từ ngày ông giáo may mắn quá giang được một chiếc ghe bầu về Cửa Giã! Thuyền chở mắm ruốc ra cửa Hội, vòng về chở nón lá, gỗ thai bài và chiếu Điện Bàn.

Đáng lý thuyền đã nhổ neo xuôi nam từ trung tuần tháng 5, nếu không gặp phải một vài chuyện rắc rối. Dễ hiểu thôi! Cái loại rắc rối có hương thơm của quế! Chủ thuyền khai ở phòng thuế có chở về Giã mười bó thai bài, loại gỗ sắc trắng như ngà voi uốn không gãy dùng làm cán dao hoặc làm côn rất tốt. Chuyên chở một loại hàng khả nghi như vậy đối với nhận xét của nhà cầm quyền, không phải chủ thuyền không tính toán lợi hại. Nhưng mấy họ đạo ở Mỹ Cang, Gò Thị đã khẩn khoản đặt tiền trước và chịu mua một giá cao gấp 10 lần giá vốn ở cửa Hội. Trước nạn cướp đang hoành hành ghê gớm, và ác cảm ngày càng tăng của dân ngoại, các họ đạo tìm cách lấy lòng quan địa phương, xin phép tổ chức các đội tự vệ. Kể ra chỉ cần gậy tre vạt nhọn cũng đủ giương oai với những kẻ yếu bóng vía lắm rồi. Nhưng những người tân tòng giàu có nhờ nghề buôn bán đường biển muốn làm quá hơn một chút, muốn phô trương một thứ sức mạnh đẹp đẽ, hào nhoáng, đắt tiền lạ mắt. Vì thế họ mới chịu đặt mua mỗi bó cây côn thai bài giá những 3 quan. Chưa hết. Cái giá trời ơi đó không đủ khiến những tay buôn nguồn nhíu mày. Ba quan ư? Thì 3 quan. Trả thêm nửa quan nữa, vị chi 3 quan rưỡi, nhưng phải chọn tuyền những cây thai bài dài quá tầm người, gỗ già mà không vết, để làm cán lao. Tây Sơn thượng đặt mua 20 bó nữa. Tính nhẩm các khoản phí tổn trà nước từ cửa Hội cho đến cửa Giã, chủ thuyền thấy món lời không nhỏ. Bất ngờ khi bán xong mắm ruốc, mua xong nón và chiếu, ông ta mới biết giá gỗ tăng vọt. Nhẩm tính mọi phí tổn, ông bần thần cả người. Túng thì phải tính. Ông giấu mấy bó gỗ một ít quế. Càng tính càng vỡ. Không bị đóng gông vào tù là may. Nhẩm tính một lần nữa, chủ thuyền mới thấy chuyến chở hàng kỳ này coi như không công. Lúc nào đó khoảng 20 tháng năm. Thời hạn neo thuyền ở cửa Hội đã hết. Chính đúng vào lúc chủ thuyền ruột rối như tơ đó, một người bạn đưa ông giáo đến. Không cần hỏi cặn kẽ, cũng không có thì giờ và bình tĩnh ghi nhận vẻ bối rối khác thường trên gương mặt ông giáo, chủ thuyền nhận lời ngay. Ông giáo đang tìm lời rào trước đón sau để thú nhận bao nhiêu tiền dành dụm được đã rơi vãi gần hết trên đường từ Thuận Hóa vào đây, chủ thuyền đã xua tay:

- Không sao. Chỗ quen biết với nhau cả mà.

Ông giáo muốn được rõ hơn về giá cả:

- Vâng. Kể ra thì bác với tôi cũng có thể kể là đồng hương đấy. Nhưng việc gì cho ra việc đó. Chuyện quen biết nhau, quí nhau, giúp đỡ nhau, phải đâu cho ra đó. Tôi biết bác muốn giúp đỡ chúng tôi, không nỡ...

Người chủ thuyền cắt lời ông giáo:

- Thôi, thế này. Tôi giúp không công thì ông giáo áy náy. Không giúp gia đình ông giáo về quê thì tôi áy náy. Ta chọn con đường giữa. Nếu là ai khác, 5 quan một người tôi cũng không chịu. Nhưng chỗ quen biết, tôi chỉ lấy tất cả 20 quan thôi.

Thế là cả chủ thuyền lẫn ông giáo đều tự nhận mình là người may mắn. Vì thế, khi thuyền đã nhổ neo, người này cảm thấy phải chứng tỏ tất cả lòng ưu ái, thiện cảm đối với người kia.

Thuyền thuộc loại lớn, nhưng chuyên chở hàng nên thiếu thốn tiện nghi. Chuyến ra lại chở mắm ruốc, mùi khăm khắm nồng nặc, cả gia đình ông giáo lúc mới xuống thuyền ai cũng hắt hơi liên tiếp. Trong lòng thuyền rờ đâu cũng thấy nhớp nháp, rít róng. Chủ thuyền quên mất thói quen tính toán, cởi phăng bó chiếu hoa Điện bàn, lấy một chiếc trải cho bà giáo nằm. Bà giáo bị bệnh từ lúc nghỉ đêm trên đỉnh Ngãi lãnh, cố gắng lắm mới thều thào đôi lời cảm ơn. Bù lại, ông giáo đốc thúc các con quán xuyến việc bếp núc cho cả chủ thuyền lẫn anh em chèo thuyền. Kiên và Chinh tự nguyện giữ hai tay chèo ở gần phía lái. Như vậy là ai cũng đều thơ thới hân hoan!

Thuyền ra khơi được hai ngày, bệnh tình bà giáo trở nặng. Người bà nóng rực. Môi khô. Đáng sợ hơn hết là bà bắt đầu mê sảng. Chưa phải bà đã đến tình trạng mất hết sự kiểm soát chủ động của lý trí. Chồng con nói gì bà cũng hiểu. Và bà cũng hiểu ngay những lời bà nói trong cơn mê nữa. Khó phân biệt được trạng thái tỉnh trí và trạng thái mông muội qua thái độ, cử chỉ, lời nói của bà giáo. Hình như một cái gì đó từ lâu vốn là nền tảng của đời sống bà, chỗ dựa của bao nhiêu cân nhắc, tính toán, lo âu lẫn ước mơ, cái nền vô hình đó bây giờ đã rã rệu, sắp phải sụp đổ. Mọi sự còn y nguyên, nhưng chỉ có bà và những người thân mới thấy trước những rạn vỡ hiểm nguy đang đe dọa nền đất dưới chân họ. Ông giáo thấy chậm hơn An, ban đầu nghe An lo lắng kể lại những câu nói lạ lùng của mẹ, ông đã dùng đến hai tiếng "chòng chành", để an ủi con:

- Chỉ lo hão thôi. Đừng nói lớn mẹ nghe được, giận đấy. Có gì đâu. Tại thuyền chòng chành, mẹ yếu sức nên mới ngây ngây khó chịu mà thôi!

An nghe lời cha, tuy còn băn khoăn nhưng đã yên lòng phần nào. Ông giáo giải thích có căn cứ. Thuyền ra khỏi cửa Hội gặp ngay thời tiết xấu. Từng cơn sóng lớn bạc đầu nhồi thuyền lên cao, rồi lại rút xuống thấp. Thể lực của An vững chắc không thua gì cha và hai anh, chỉ cảm thấy khó chịu một lúc rồi quen. Nhưng Lãng và Út thì chịu đựng không nổi đời sống chòng chành. Nhất là Lãng. Cậu bé mửa thốc đến mật xanh, suốt ngày không cơm nước gì được. Mặt xanh mét. Út thì vẫn chơi đùa với quả cầu thắt bằng vải ngũ sắc và gối ôm thân thuộc, nhưng mỗi lần sóng dồi, thằng bé sợ, hai tay bấu lấy khoảng không, khóc ré lên. An thường bỏ bếp chạy vào khoang trong dỗ em, và cô lạ lùng nhận ra vẻ thờ ơ của mẹ. Hai mắt bà giáo vẫn mở, tay vỗ nhẹ lên lưng thằng Út để ru ngủ, để dỗ dành, nhưng rõ ràng bà giáo cử động, nói năng trong trạng thái vắng mặt.

***

Thuyền cập bến Gò Bồi lúc quá trưa. Nước triều đã rút, để trơ một bãi sông đầy bùn, rác, cây mục và đồ dùng bằng đất đã vỡ. Phía bến sông xa, vài cái quán tranh mái thấp cất sát dọc con nước, người đi lại lố nhố đông đúc. Mấy đứa bé da cháy nắng ngụp lặn giữa dòng nước đục, cố níu lấy mạn thuyền leo lên mà không được. Một đứa định bấu vào bánh lái. Chủ thuyền quát đuổi đi. Thằng bé thả tay cho ngã ngửa trở lại xuống nước, lặn thật sâu, rồi nổi lên phía đầu thuyền vuốt mặt thở phì phò. Sóng vỗ vào mạn thuyền nghe vui tai như tiếng đàn heo đói chắp nuốt một máng cháo ngon. Chinh thích thú, cởi áo muốn tắm với đám trẻ lạ. Thấy anh lừ mắt, Chinh lại mặc áo vào. Kiên giúp An thu dọn đồ đạc, cột chặt mấy tay nải quần áo và mền gối, sách vở. Ông giáo ra phía đầu thuyền, đứng ngắm cảnh bốn phía.

Xứ sở này hoàn toàn xa lạ đối với ông. Và cả vợ ông. Đã đành trong những cơn say, cha vợ ông giáo có nói đến từng mảng, từng mảng rời rạc của xứ này. Nhưng trí nhớ mù mờ, lung linh giữa hơi men thật khó tin cậy lắm. Ông giáo nghe ông nhạc kể chuyện một tối đi đứng nhá bên bờ sông nước lũ, một bữa nhậu với tôm nướng vừa câu được ngay bên bờ đầm Thị Nại, một cuộc săn đuổi đám lục lâm chuyên nghề buôn nguồn. Chuyện một thuộc hạ giỏi võ đổ cát vào hai ống quần buộc túm lại để tập nhảy qua rào. Dòng họ Trần ở Mỹ Cang vì tranh nhau đổ giàn mà suýt chút nữa đốt cháy cả làng của dòng họ Lê ở Nước Mặn. Rồi chuyện bọn trộm ở Truông Mây thời phượng một cánh tay con nít phơi khô, mỗi đêm xuất hành làm ăn phải đi theo hướng ngón trỏ của thần vật chỉ dẫn, nếu không tất gặp phải tai họa. Chuyện đời sống cam go của những người mở rừng, làng xóm đơn sơ của những dân lưu tán. Riêng chuyện gia đình phía vợ lớn An Thái, ông nhạc ít khi nói đến. Dù là những lúc say nhất. Một phần không nhỏ của cuộc đời ông ở đấy, có lẽ đầy những nghịch cảnh đau lòng nên men rượu không đủ sức thúc ép ông kể. Thường trên đà ba hoa, đến chuyện riêng, ông dừng lại kịp. Mắt ông chớp chớp. Một lần bà giáo bắt gặp cha đang quay mặt vào bóng tối để lau vội một giọt nước mắt. Cả gia đình bỏ lại An Thái, ông nhạc chỉ thường nhắc đến một người em vợ bị bệnh cùi sống một mình trong chòi tranh giữa đồng.

Vùng đất bí nhiệm và hoang sơ đó đã bao lần cuốn hút lòng tò mò của ông giáo. Bây giờ ông đang đứng đây, ngay trên con sông có lẽ ông nhạc đã nhiều lần giăng lưới. Chỗ nào đâu? chắc là chỗ kia kìa, nơi bờ sông đột nhiên uốn cong, lá trôi trên mặt nước đến đó thì xoay vòng, tụ lại một đám.Còn chỗ này là cái xóm dòng họ Lê suýt bị thiêu rụi vì một trận đổ giàn? Chỗ nào đám bạn bè của ông nhạc họp nhau câu tôm để nhắm rượu? Chung quanh ông giáo, xa xa, vây quanh những núi là núi. Ngọn nào là sào huyệt của đám lục lâm buôn nguồn? Truông nào là nơi làm ăn của bọn cướp? Và giữa khoảng bình nguyên mênh mông tít tắp, tìm đâu cho ra cái chòi tranh của người cậu bất hạnh?

An và Kiên vực bà giáo dậy. Khuôn mặt bà vẫn xanh xao, mất ngơ ngác chưa hiểu mình đang ở đâu. An hỏi:

- Nhà ngoại ở phía nào hở mẹ?

Bà giáo nhìn đăm đăm vào mặt An, không nhận được ai. An lay cánh tay mẹ:

- Mẹ có nghe con hỏi không? Nhà ngoại lớn ở đâu hở mẹ?

Bà giáo nhìn về phương tây. Mặt trời chói chang chiếu thẳng vào đôi mắt dại khờ của bà. Không đưa tay lên che mắt, bà giáo nhìn thẳng lên mặt trời, rồi dáo dác tìm quanh. Đột nhiên, bà đưa hai tay ôm đầu khóc nức nở. Bệnh tình của bà giáo đã trầm trọng lắm rồi!

***

Gia đình ông giáo ở lại nhà người chủ thuyền ba ngày. ông trùm họ đạo Mỹ Cang đến hận hàng, gặp lúc bà giáo mê sảng, có giới thiệu với ông giáo một cố đạo người Tây dương có tài chữa bệnh. Chủ nhà giao thiệp rộng, đi lại nhiều, cũng góp lời tán dương tàu y học của các nhà truyền giáo Gia-tô.Ông giáo không tin. Ngay chỗ bến thuyền có một tiệm thuốc bắc. Ông kê một đơn thuốc sai Kiên bổ về sắc cho bà giáo. Một vài món bị thiếu nhưng những món chính tạm đủ . Thang thuốc đắt tiền mà không có hiệu quả gì. Cuối cùng ông giáo đành để mặc cho Kiên tìm chỗ trọ của ông trùm. Ngay buổi chiều hôm sau, một cố đạo mắt nâu,mũi cao, đầu quấn chiếc khăn vải đen, mặc bộ quần rộng nhiều nếp có thắt chẽn ngang lưng, chân quấn xà cạp, đi đất tìm đến thăm ông bà giáo. Vì đã từng gặp nhiều cố đạo Tây dương ra vào phủ chúa, ông giáo quen với cách chẩn bịnh của họ, yên lòng để ông cố đạo đặt tay lên trán bà giáo đo nhiệt độ, áp tai vào lưng theo dõi nhịp thở. Ông cũng cố nhẫn nhục che giấu sự bực dọc bất lực của mình để mặc cố đạo pha một thứ bột trắng vào nước sôi cho bà giáo uống. Nhưng đến lúc người cố đạo đem bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh bằng ngà đặt áp vào môi cho bà giáo hôn, thì ông giáo mất bình tĩnh. Gần như cả nền tảng của cuộc đời ông bị đe dọa. Đã đến lúc ông nhất quyết "không".

Thế là ông giáo quyết định đi An thái ngáy đêm ấy. Người chủ thuyền chỉ biết thở dài, không còn cách nào khác hơn là tìm mua dùm cho ông giáo một cái võng trân và một cái đòn tre già. Chinh và Kiên dùng võng khiêng mẹ đi, ông giáo bồng thằng Út. An và Lãng ôm được hai cái túi con. Đồ đạc còn lại, phải thuê hai người trai tráng gánh hộ và thay phiên cho Chinh và Kiên lúc hai cậu bị mệt. Cũng may có hai người từ Tây sơn thượng xuống nhận gỗ thai bài, nên người chủ thuyền xin cho gia đình ông giáo tháp tùng, nhắn nhe nhờ họ trông nôm chỉ dẫn đường đi nước bước cho.

Hai người buôn nguồn ở Tây Sơn thượng một người còn trẻ tuổi, một người đã trạc bốn mươi. Người đứng tuổi nét mặt lầm lì, cặp lông mày rậm giao lại trên sống mũi. Mắt lộ, cằm vuông, ở phía hàm trái, có một chòm râu đen khá dài mọc trên cái mụt ruồi lớn bằng hạt đậu. Ngoài những câu trả lời gióng một, những tiếng ậm ừ vô nghĩa, An chỉ thấy bác ta biểu lộ trầm tư hoặc bối rối bằng cách đưa tay lên vuốt mấy sợi râu ấy. Người trẻ tuổi ngược lại miệng lưỡi liến thoắng, không chịu ngồi yên một chỗ. Anh ta lại có tài pha trò. Người chủ thuyền đếm giao cho anh ta bốn bó thai bài. Anh ta rút ra một cây, đưa lên mắt ngắm. An và Lãng tò mò đứng xem anh ta làm việc. Thấy hai đứa bé quan sát mình, anh ta bắt đầu giễu. Hể ngắm bằng con mắt trái thì miệng lại méo xệch bên phía phải. Đoạn anh ta giả vờ lầm bầm, lắc đầu thất vọng, đưa cây thai bài sang phía khác để ngắm bằng con mắt kia. An và Lãng phá lên cười thích thú. Người trẻ tuổi giữ mặt nghiêm, nói với chủ thuyền:

- Thôi rồi bác ơi! Bác chở về bằng đường biển, hèn gì cây côn nào cũng dợn sóng cả!

Chủ thuyền cười mỉm, thông cảm cho tuổi trẻ vui tính náo hoạt. Thế rồi với giọng nửa đùa nửa thật, vừa xin vừa đòi, anh ta cũng bớt được tất cả năm quan. Xoa đầu Lãng, nheo mắt với An, anh ta nói nhỏ với hai đứa bé:

- Rồi! Có tiền ăn quà rồi nhá! Chờ lên sông Cạn, phải biết!

Thấy Chinh lầm lì nhìn mình, người trẻ tuổi tự nhiên vỗ vai Chinh hỏi:

- Biết đánh roi không?

Chinh giữ yên lặng. Anh ta vẫn đặt tay lên vai Chinh, xoa nhẹ vai người bạn nhỏ khó tính rồi lần lần bóp nhẹ xuống cánh tay Chinh. Anh ta reo lên:

- Chà chà! Thịt săn cứng như sắt. Khá lắm. Bắp thịt này mà luyện thêm vài đường roi, phải biết!

An cười vì thấy người trẻ tuổi hay có cái tật nhắc lại hai tiếng "phải biết" để chấm câu. tiếng cười trong trẻo, ánh mắt sáng của cô bé càng khiến cho người trẻ tuổi phấn kích. Anh ta ra đứng tấn ở giữa phòng, hai tay cầm ngang cây thai bài. Rồi đánh dấu các động tác bằng tiếng hự trầm trọng, anh ta múa một bài đi roi. Ban đầu anh ta múa chậm, càng về sau càng nhanh. Chinh trố mắt nhìn, khâm phục đến nỗi miệng há hốc trông khôi hài dị kỳ. Lãng không thấy chút thú vị nào, bỏ đi. Còn An thì cảm thấy trong cách phô trương, cách ăn nói của người bạn mới, có điều gì quá đáng, vượt mức cần thiết. Cô bé nghĩ vì không khí gia đình của mình từ lâu nghiêm cẩn quá, nên sự hiếu động ồn ào của người tuổi trẻ làm cho cô bé ngợp, ngỡ ngàng.

Người đứng tuổi kiên nhẫn chờ cho cậu thanh niên diễn võ, đôi mắt hơi lim dim mỉa mai và độ lượng, tay không ngừng vân vê mấy sợi râu. Nếu người trẻ tuổi không đánh rơi cây roi, rồi luống cuống thẹn thùng giữa tiếng cười ồn ào, thì có lẽ lòng độ lượng của bác không lấy thì giờ mà lường được. Kịp thời gỡ rối cho người bạn trẻ, bác nói:

- Thôi. Ta đi không trễ mất! Ông diện dặn có hay không, chiều mai cũng phải về để lo đi chuyện khác.

Người trẻ tuổi ngoan ngoãn vâng lời một cách bất ngờ. Anh ta lo cột chặt bốn bó gỗ. Đoạn, anh ta lấy một cái đòn xóc bằng cật tre già cắm vào dưới nuột mây, theo cách cột của những người đi củi. Không đợi nhắc, người trẻ tuổi còn cột giùm cho người đứng tuổi. Chuẩn bị xong xuôi, anh ta khom người ghé vai nâng gánh thai bài lên. Anh hơi xiểng tảng một chút, rồi lấy được thăng bằng. Anh nhún vài cái, hai đầu gánh quằn xuống, đòn xóc cạ vào gỗ kêu kĩu kịt.

Thế là họ ra đi. Bầu đoàn phức tạp lộn xộn, lại thêm cái võng phủ tấm chăn nhiễu màu xanh lá cây lôi cuốn đám đông hai bên dãy phố chợ họ đi qua. An đi theo cái võng của mẹ, lâu lâu đến giở tấm chăn thăm chừng. bệnh của bà giáo không giảm, nhưng cũng không tăng. Trán chỉ hâm hấp sốt, nhưng đôi mắt vẫn còn vẻ dại khờ. An xót xa cả lòng khi nhìn khuôn mặt mẹ tiều tụy, đầu ngoẹo sang một bên, vài sợi tóc mai dính lên gò má xanh và nhơm nhớp mồ hôi. Cói một lần An suýt kêu lên vì thấy khuôn mặt mẹ giống y khuôn mặt một xác chết. Cô bé ngưng kịp, không gây cho mọi người sự hốt hoảng vô ích, nhờ còn trông thấy tấm khăn bông đắp trên ngực mẹ lay động phập phồng.

Cậu trẻ tuổi buôn nguồn ban đầu đi gióng đôi với người đứng tuổi, được một đoạn đường, tụt dần về phía sau, bước gần bên An. cậu có tài gợi chuyện, nên An quên nỗi lo lắng, hỏi cậu ta hết chuyện này đến chuyện khác. Cảnh vật ở vùng này đối với cô bé có nhiều điều lạ mắt. Chẳng hạn kiểu cất nhà. Cách đắp mộ. Ngay cả giọng nói An nghe cũng lạ tai. Cách phát âm hơi cao và xẵng khi người trẻ tuổi nói nhanh. An nghe không được, chỉ nghi nhận một tràng âm điệu líu lo. An luôn miệng đặt các câu hỏi "răng, rứa". Cậu trẻ tuổi ngớ ra không hiểu cô bé nói gì, về sau nhờ suy từ dây chuyền của ý tưởng, đoán trong ánh mắt nghi vấn tra hỏi của An, cậu hiểu được hai tiếng lạ lùng ấy. Khám phá này khiến cậu thú vị lắm, cười ha hả. Cậu đặt cho An cái biệt hiệu "Cô răng rứa", hoặc nói gọn hơn là "cô răng". Rồi theo đà ba hoa, cậu chơi chữ:

- Cô răng của tôi ơi! Thế là cô bé với tôi bà con gần với nhau đấy. Răng mà không có lợi, làm sao răng mọc.

An biết tên người trẻ tuổi nhờ câu nói đùa này. Chỉ cần nhướng mắt hỏi thầm chứ chưa cần đặt câu hỏi "răng rứa", thêm vẻ chờ đợi trân trọng thích thú và đôi má hây vì thấm mệt của An, cậu thanh niên đã khai một mạch lý lịch của mình:

- Tôi tên gì hả? Tên Lợi: Lê Tấn Lợi. Người Xuân Huề, cách làng bác tuần biện một con sông. Bác tuần biện Kiên thành mà không biết ư? Vâng, bốn bó thai bài này của bác biện đặt mua tận ngoài cửa Hội. Làm roi cũng được. Làm cán lao, phải biết! Không giàu mà giám đặt mua chừng này! Chúng tôi làm việc cho bác biện từ năm ngoái. Công việc khổ lắm, nhưng mà thích. Sao, bác Năm hả? Tính bác ấy ít nói nhưng mà cộc. Mấy lần tôi bị bác Năm tát tai, sau nhờ cái miệng này dẻo bác không đánh nữa. Sợ gì, mình đi có đoàn. Vòng lên mình đem muối, ca khô, cồng. Vòng về mình buôn trầu không. chuyến này đem gỗ về, làm cho mỗi người một cây lao cán ngà, phải biết. tiếc quá, cô bé có vẻ yếu đuối quá. Nếu không vài hôm nữa trôi dẫn đi buôn nguồn một chuyến. Mốt, bác cho tôi lên gánh trầu về. Phải, trầu - không để ăn đấy mà! Trầu nguồn quí hơn chứ. Lá xanh lặt lìa, to bản và mềm. Cay thật cay mà thơm cũng thật thơm. Thì tại thế nên phải chọn những người thật khỏe chạy không kịp thì héo cả. Phải chạy lẹ hơn cả phường rối nữa. Bác biện gọi chúng tôi là "rổi nguồn" mà.

***

Bác Năm quen chân bỏ xa đoàn một thôi đường dài. Về sau, bác phải bước chậm lại, ông giáo mới theo kịp. Hai người phu cũng đã thay Chinh và Kiên khiêng võng. Chiều xuống, không khí mát mẻ hơn. họ đi qua một cánh đồng lúa sắp trổ, màu xanh ngát tỏa hương dìu dịu. Ông giáo cảm thấy phần nào nhẹ nhõm. Nỗi mệt nhọc, lo lắng từ bao lâu nay cũng có vơi đi. Tuy thế, lâu lâu ông vẫn thắc thỏm hỏi bác Năm:

- Được nữa đường chưa bác?

Bác Năm kiên nhẫn trả lời:

- Chưa đâu còn xa lắm.

Trời tối mịt. Cả đoàn dừng lại bên một bến đò. Trong khi chờ đợi, ông giáo nhắc lại câu hỏi. Bác Năm đáp:

- Chưa đâu. Nếu đi cả đêm, chiều tối mai mới tới. Mà thầy có đi liên được không?

Ông giáo ngạc nhiên khi nghe bác Năm gọi mình bằng thầy. Suốt cuộc hành trình, ông giáo không muốn cho ai biết thân thế của mình. Ngay cả với chủ thuyền, ông giáo cũng chỉ khai mù mờ rằng mình kiếm ăn vất vả ở kinh cho nên định tìm về quê vợ làm ruộng chờ thời. Từ lúc hai người buôn nguồn xuống bến nhận hàng, chủ thuyền cũng không nói với họ điều gì liên quan đến thân thế ông giáo. Bác Năm gọi "thầy", ông giáo nghĩ, có lẽ căn cứ vào cái dáng chững chạc, điệu ăn nói từ tốn và lối xưng hô khá trân trọng giữa cha con ông giáo với nhau. Nói chung, không kể giọng nói trọ trẹ, mới thoạt nhìn ai cũng thấy gia đình ông giáo có những nét khác biệt hẳn với người xứ này, một vẽ ôn nhã hiếm thấy tạo được nơi mọi người niềm kính nể hơn là đố kỵ. Giá ở vào hoàn cảnh bình thường, ông giáo có thể hãnh diện vì địa vị đặc biệt người ta dành cho mình và các con. Nhưng vào lúc này, vào lúc cần phải biệt tăm trong cái chung chung, sự kính nể ấy thật nguy hiểm. Biết làm sao đây? Để khỏa lấp những nghi kỵ ông đã gắn làm thân, bắt chuyện với mọi người, gắng nói gắng làm như họ nói họ làm. Bác Năm muốn đi đêm cho mát. Nhưng trong câu bác hỏi, ông giáo hiểu lắm, có ngầm chứa sự khoan nhượng thông cảm, sự chấp nhận kể cả đối với những người yếu đuối cần được bảo bọc che chở. Ông giáo trông vẻ bơ phờ của Lãng và thằng Út, e dè bảo:

- Chúng tôi thì được thôi. Chỉ sợ các cháu, buồn ngủ quá không bước được.

Bác Năm nói gọn:

- Qua đò đi một đoạn ngắn nữa sẽ tới Cây Da. Ta nghỉ nấu cơm ăn ở đó.

Ông giáo bắt đầu thích tính đơn giản thuần hậu của người buôn nguồn. Biết bao lần trong đời tự quấy nhiễu mình vì những lo lắng, suy nghĩ phức tạp, những do dự vô cớ, ông giáo mơ ước được có một tâm hồn thuần phác như thế này. Nó tiếp thu những điều cần thiết, cương quyết loại bỏ những thừa thãi, và sự chọn lựa thanh lọc diễn ra tự nhiên như cây lá chọn hướng có ánh sáng, nước chọn phía thấp mà chảy. Không một chút cưỡng ép, công phu. Cho nên khi ăn cơm tối, ông giáo tìm cách ngồi gần bên bác Năm. Ông giáo hỏi:

- Từ An Thái đi Kiên Thành xa gần, bác?

Bác Năm đáp:

- Chừng nửa buổi.

- Đêm nay mình nghĩ đêm ở đây. Mai đi sớm, liệu tới tối đã đến An Thái chưa?

- Chắc được.

Rồi sau khi chờ không thấy ông giáo hỏi tiếp, bác Năm hỏi lại:

- Thầy thăm ai trên đó?

Ông giáo do dự một lúc, mới nói:

- Bác có biết ông Hai Nhiều không?

Bác Năm hỏi:

- Nhiều nào? Hai Nhiều có cái nhà mái lớn trong xóm hay Hai Nhiều buôn cá? Ờ, chắc thầy quen Nhiều Lớn. Nhiều Nhỏ mới 20 tuổi, thầy quen sao được.

Ông giáo hồi hộp suy tính từng tiếng trước khi hỏi tiếp. Từ Thuận Hóa ra đi, ông chỉ biết một điều nhỏ nhoi và mù mờ: rằng cha vợ của ông mấy mươi năm trước có bỏ lại An thái một người vợ lớn và một đứa con. Nghe nói người vợ ấy đã mất, và người anh khác mẹ khác mẹ của bà giáo tên là Hai Nhiều hiện thuộc hạng khá giả trong vùng. Tương lai của cả gia đình ông tùy thuộc cả vào người anh xa lạ này. Ông hồi hộp là phải, vì gian khổ vượt qua bao nhiêu núi, bao nhiêu sông, ông sắp đến được cái đích của cuộc mạo hiểm, điểm cuối của con đường một chiều. Ông giáo cố nói bằng một giọng thản nhiên:

- Đúng là Nhiều Lớn. Không biết sức khỏe bà cụ thân mẫu anh ấy độ này ra sao?

Bác Năm vội ngước lên nhìn sững ông giáo. Chờ một lúc, chưa thấy ông giáo giải thích, bác nói:

- Thầy nói ai! Bà già Hai Nhiều à? Bả mất lâu rồi mà!

Ông giáo hỏi dồn:

- Còn ông già?

- Ông già nào nữa! Từ hồi nào đến giờ, có ai nghe nói ông già Hai Nhiều đâu! Ồ, mà thôi! Nhà đó nhiều chuyện lôi thôi lắm. Tôi nghe lúc người ta thuật lại thế này, lúc thế khác. Chuyện như trong tuồng Tàu!

Cho mãi tới khuya, ông giáo vẫn không tìm ra cách nào biết được "cái tuồng Tàu" của gia đình Hai Nhiều nó ra thế nào! Bác Năm một phần không muốn kể, một phần những điều bác biết cũng mù mờ mâu thuẫn đến phi lý. Cuối cùng, ông giáo chỉ biết được vài điều ít ỏi: hiện Hai Nhiều khá giàu có, hai đứa con gái lớn, một đứa lấy chồng ở Trường Định, một đứa lấy chồng ở Xuân Huề. Đứa thứ tư con trai 18 tuổi và đứa út 15 tuổi con gái còn sống với cha mẹ.

Vợ Hai Nhiều, nguyên văn của bác Năm "thôi khỏi nói". Bác Năm cười một tiếng nhỏ, mới nghe giống như tiếng hắt hơi, khi nói qua loa như vậy về người vợ Hai Nhiều, Ông giáo phân vân đến nỗi không chợp mắt được suốt đêm vì ba tiếng vô nghĩa ấy.

***

Sáng sớm hôm sau, trước khi lên đường, bác Năm nói với ông giáo bằng một giọng hờ hững, vô tình:

- Hồi hôm tôi quên cho thầy hay: thằng Lợi, cái thằng nhỏ lí lắc đó, là em chồng con Ba Lý.

Ông giáo ngơ ngẩn không hiểu. Bác Năm cười chữa thẹn, giải thích thêm:

- Ba Lý là con gái Hai Nhiều! Cái con lấy chồng trên Xuân Huề đó mà!

Nhờ vậy, ông giáo biết thêm chút ít về "chuyện tuồng Tàu". Mấy mươi năm trước vùng An thái còn là vùng đất mới hoang vu. Cả phủ Qui Nhơn hơn ba vạn dân, Tuy Viễn vẫn là huyện trù phú nhất. Phù sa con sông Côn do nước cuốn từ đầu nguồn sông Ba, bồi đắp miền hạ lưu, nên suốt một dọc đồng bằng phía đông con đường quan là đồng ruộng tươi tốt. Vùng Gò Thị, Nước Mặn, Mỹ Cang vừa có hoa lợi của nông nghiệp, vừa thu được nguồn lợi mới do buôn đường biển, trở thành những thị trấn phồn thịnh. Thuyền bè đi lại tấp nập, hàng hóa giao lưu. Dân tứ xứ đổ về, một số không nhỏ là dân xiêu tán từ Thuận Hóa, Thanh Nghệ. Sự phức tạp về nguồn gốc, khác biệt va chạm về ngôn ngữ, văn hóa, đã gây khá nhiều xáo trộn, đến nỗi dân địa phương cảm thấy phải liên kết lại để bảo vệ quyền lợi, đề phòng những kẻ vong mạng xa lạ. Họ miệt thị hạng người phiêu bạt, tự ý đặt ra những luật lệ di trú khe khắt. Các chức tri phủ, tri huyện coi việc từ tụng; huấn đạo, phủ lễ sinh coi việc tế tự văn hóa; đề lại, thông lại tra xét các văn án; nghĩa là các chức quan trọng về hành chính, quân sự, thuế vụ cấp huyện phủ đều do người Thuận Hóa từ phủ chúa cử về nắm giữ. Nhưng các chức sắc cấp nhỏ trực tiếp với dân chúng như bọn đốc ốp tiền sai dư, tô ruộng và sưu dịch; bọn ký lục trông coi sổ sách, bọn cai tổng, duyệt lại, tướng thần, xã trưởng, đều là người địa phương. Họ mới thực sự là những người nắm giữ quyền bính, phân chia công điền, lập sổ thuế, định xã binh. Các quan huyện ấn định mức thu nộp thuế má và dâng nộp xã binh của từng xã, tổng. Bọn xã trưởng cai tổng căn cứ vào đó toàn quyền ấn định ai là chính hộ, ai là khách hộ, ghi bỏ tên ai vào sổ binh, phân cho người nào truất bỏ không cấp công điền cho người nào… Nắm được uy quyền rộng rãi như vậy, những chức sắc địa phương đã xua đám dân xiêu tán mới nhập lên phía tây con đường cái quan, vùng giáp giới núi rừng Tây Sơn thượng. An Thái lúc ấy là một trong những làng mới của những người mở rừng bất đắc dĩ này. (1)

Cứ nhìn thế đất thì mạn bắc con sông Côn dễ khai thác hơn mạn nam. Ở đó đất khá phẳng, việc định cư đã có nề nếp, hướng xâm thực từ phía nam Tuy Viễn dọc theo đường sông hay đường bộ đều tự nhiên. Mạn phía nam thì vất vả hơn. Đường sá chưa có. Dân xiêu tán bị xua đuổi từ miền đồng bằng sát biển chỉ có thể tìm đất tạm cư bằng lối đường sông Vài bọc quần áo rách, cái ang đất nung, một ngọn mác, một lưỡi cuốc… dù rất nhiều cay đắng mà can đảm, họ lo ngại không dám ghé vào các khu định cư phía bắc. Họ đã gặp nhiều cái nhìn thù hằn, nghe nhiều lời cọc cằn, thô lỗ. Họ bèn áp bè vào bờ nam con sông Côn. An Thái là một bến hiền, nên chẳng bao lâu trở thành làng xóm trù phú.

Những người mở rừng phải chống đỡ nhiều phía. Sơn lam chướng khí còn nặng, thêm muỗi mòng, rắn rít. Đất mới mầu mỡ nhưng sức người chưa đủ tranh lại với sức cỏ mọc. Nếp sống còn hoang dã lại thêm những u uất chất chứa, những thù hận, những tranh chấp cho cái ăn, cái ngủ, khiến nhiều kẻ vong mạng liều lĩnh nổi bật lên trên đám đông, trở thành thổ hào.

Tư Thới, ông ngoại của Hai Nhiều là một trong những thổ hào này của đất An Thái.

Theo những lời huyên truyền thường thấy ở các vùng đất hoang sơ, ông Tư Thới đáng gờm nhờ một miếng võ bí truyền. Người ta thì thào kể cho nhau nghe rằng một hôm trên đường gánh củi về nhà, Tư Thới gặp một ông cọp ba cẳng dữ tợn đón đường. Tư Thới hết sức bình tĩnh, khom lưng đặt gánh củi xuống, xắn tay áo lên. Rồi chỉ trong chớp mắt, ông phóng đến phía con thú dữ, dùng ngón trỏ đâm vào thân cọp móc ngay ra được lá gan con thú. Cái ngón trỏ chỉ có hai lóng của Tư Thới từ đó có nhiều uy quyền hơn dấu triện son của quan phủ. Tư Thới mau chóng trở thành giàu có. Nhà cửa vườn tược mỗi ngày thêm khang trang, đẹp đẽ. Tiệc tùng đãi đằng quan to, quan nhỏ thêm nhiều. Cái ngón trỏ chỉ có hai lóng, ai ngờ làm nên sự nghiệp gấp vạn lần những ngón trỏ có đủ ba lóng của dân xiêu bạt khác.

Khi đã thành công rực rỡ trên đường đời nhờ những mẩu chuyện hàm hồ về hai lóng tay, Tư Thới muốn sự nghiệp của mình được hợp thức hơn. Của cải, danh vọng, quyền lực ông đã có. Nhưng đối với bọn duyện lại, ký lục bờ phía bắc, ông vẫn có cái mặc cảm võ biền. Trong vài vụ tranh chấp, ông thua họ vì ít chữ chứ không phải vì ít tiền. Con gái của Tư Thới đã tới tuổi cập kê. Ông muốn chọn một chàng rể có chữ, nếu không hay thì cũng phải đủ để viết cho được một lá đơn kiện cho ra hồn. Trông tới trông lui bên bờ nam, không có ai xứng đáng được làm rể ông. Phải đánh bạo qua tìm bên bờ bắc vậy. Sông Cạn, An Vinh, Trường Định, Kiên Thành… đây rồi! Ông tìm ra một thầy ký lục nghèo. Ngón trỏ cụt của ông Tư Thới chỉ đúng vào tên của thầy ký lục trẻ. Rồi cả bàn tay Tư Thới vỗ nhẹ lên vai ông cai tổng Kiên Thành, vừa cầu xin vừa đe dọa để nhờ lão cai tổng nhát gan chịu đứng ra mai mối. Người ta kể rằng ban đầu thầy ký dẫy nẩy lên, coi đề nghị của thầy cai tổng như một xúc phạm đến nho phong. Thầy không thể "vong ân bội nghĩa", "tham phú phụ bần". Có một cô gái quê đã âm thầm giúp đỡ mẹ con thầy trong những lúc túng quẫn, thay thầy chăm sóc giấc ngủ, miếng ăn cho bà cụ lúc thầy còn mải lận đận vất vả với mấy câu kinh nghĩa, mấy mẹo văn sách ở tận kinh đô. Lời qua tiếng lại giữa ông cai tổng, thầy ký, người mẹ, cô gái, thực sự thế nào thì mỗi người kể mỗi cách. Phần này dành riêng cho khả năng tưởng tượng phong phú và tính mơ mộng của đám quần chúng lam lũ, quanh năm lo ăn, lo mặc nên chỉ quên được hệ lụy của đời trong các câu chuyện cà kê "mậu lần". Kẻ ghét văn chương phù hoa thì hạ nhục thầy ký. Các cô gái dậy thì tô điểm cho cô gái cao thượng, những bà mẹ thì dành cảm tình cho người mẹ khốn khổ. Và họ cùng lại gặp nhau ở kết quả thầy ký chịu làm rể ông Tư Thới.

Dễ gì có một biến cố tình tiết ly kỳ như vậy ở một nơi sơn cùng thủy tận! Với óc thực tế của một người xây dựng thành công sự nghiệp bằng bàn tay cụt ngón và trí thông minh, ông Tư Thới quyết tổ chức đám cưới cho thật linh đình. Bao nhiêu phí tổn, ông bao hết. Từ cái khăn đội đầu của chú rể cho đến cái yếm mới của "chị sui". Chọn cho được giờ hoàng đạo. Chọn cho được đoàn ngựa hời khỏe và mập để "rước rể". Vâng, rước rể chú không phải rước dâu, vì điều này là một trong những điểm tranh luận gay go giũa mối lái hai họ. Ở gian nhà lá mái của Tư Thới, người người tấp nập rộn rịp chuẩn bị. Ở đây, những mơ ước thầm kín của người đời sau được dịp thêu dệt phóng túng. Kẻ vô gia cư ưa trang điểm thêm cho tòa nhà Tư Thới đẹp đẽ như một lâu đài. Người đói khát, mắt sáng lonh lanh khi thuật lại cảnh nhộn nhịp thơm tho của nhà bếp. Kẻ rách chú ý đến chiếc áo cưới. Vì thế những điều ông giáo nghe mấy mươi năm sau có nhiều điểm quá lố đáng ngờ. Chẳng hạn cái cảnh người ta xô nhau ra đường, chờ chàng rể đi ngang để nhổ nước bọt khinh bỉ vào mặt, chửi đổng một câu cho đã tức. Thực ra có thể chàng rể cũng hơi e ngại, trùng trình do dự trước khi rời căn nhà xập xệ của mình về gửi rể ông Tư Thới bên An Thái. Nhưng ông giáo nghĩ, anh ta e ngại vì một lý do đơn giản hơn: anh ta phải đi qua nhà cô gái bị phụ bạc.

Quả nhiên những điều chàng rể lo lắng đã đến, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Họ trai đi ngang qua nhà cô gái, thì bà mẹ cô ta và mấy người anh lực lưỡng đứng dàn hàng ngang cản đường. Cô gái vì thất tình nên sinh bệnh trầm trọng. Bà mẹ không muốn mất con. Mấy người anh không muốn một thầy ký thất đức. Họ cương quyết giữ cả họ trai lại, ra điều kiện hoặc phải vào rước dâu tại đây hoặc phải có máu đổ tại đây. Họ nhà trai có quá ít tự do để chọn lựa. Trong khi đó, họ nhà gái nhộn nhịp chờ đợi. Giờ hoàng đạo là giờ ngọ. Họ đợi đến giờ mùi. Một tá điền được lệnh phóng ngựa qua sông tìm hiểu duyên cớ. Giờ thân anh ta trở về. Ông Tư Thới muốn thét lên một tiếng cho trời đất sụp đổ, ngón tay cụt của ông run run. Nhưng là một người từng trải, ông nhanh chóng đo lường tình thế. Ông giấu kín mọi sự, gọi một người thân tín sai qua ngay An Vinh. Trời chưa sụp tối, nhà trai đã đến. Mọi người thở dài hân hoan. Cô dâu gạt vội hai con mắt ướt để vén lại mái tóc, sửa lại vành khăn. Có một điều mãi sáng hôm sau cô mới biết, là chàng rể đã cùng cô qua đêm hợp cẩn không phải là thầy ký.

Anh con trai người Thanh Hoa xiêu tán lưu lạc đến nơi sơn cùng thủy tận này đang bơ vơ không biết tương lai đời mình nó như thế nào, thì có người đột ngột gọi anh ta đến, cho ăn mặc đẹp, cho cưỡi ngựa, và đẩy qua sông lấy vợ giàu. Chuyện thần tiên anh nghe kể từ thuở nhỏ lại có thực chăng? Mà anh đã mất gì? Chỉ mất cái khố rách và cái túp lều tạm. Anh ta thích thú vâng lời!

Anh đã phạm một sai lầm không thể cứu gỡ nổi. Nếu anh có chút ít chữ nghĩa, chắc anh phải thuộc hai câu thơ rất thích hợp với hoàn cảnh éo le của anh:

Cổ nhân khổ tác thiên thai mộng

Thùy thức thiên thai diệc đoạn trường.

Không chịu đựng được lời chê cười xung quanh, thái độ lạnh nhạt rẻ rúng của vợ, hai tháng sau anh trốn đi. Anh chưa biết mặt mũi đứa con trai bất đăc dĩ của anh, đứa con trai sinh ra thì người mẹ chết vì sản hậu, báo hiệu đà xuống dốc của gia đình ông Tư Thới. Đứa con đó là ông Hai Nhiều ngày nay.

***

Chỉ còn nửa buổi nữa thôi thì tới An Thái. Càng về gần miền đất sẽ bảo bọc cho gia đình, ông giáo càng thấy mình bị nhiều định kiến. Ở kinh, ông không tưởng tượng nổi đời sống, làng xóm, nhà cửa ở miền đất xa xôi hiểm trở ấy. Nếu có chăng, chỉ là cóp nhặt ý những bài thơ biên tái. Lại thêm câu chuyện về cái tuồng Tàu trong gia đình Tư Thới càng khiến ông lún sâu vào những định kiến sai lầm. Ông chờ một vùng hoang vu. Cây cối ở đó man dại. Thú rừng, rắn rít. Cả đoàn vợ con ông sẽ phải vạch cỏ dại, phát gai góc mà tìm lối. Ông lầm lẫn quá!

Vùng đồng bằng An Thái, lúc ông giáo về, đã trở thành một miền đất ổn định. Ông ngạc nhiên khi thấy các ô ruộng bằng phẳng chập chồng lên nhau, nối tiếp từ bờ sông cho đến tận chân núi. Đường cái thẳng tắp, một vài đoạn có đóng cừ và trải đá. Nhà cửa đã qui tụ thành làng nằm dọc theo hai bên sông.

Những con đường thẳng trước mắt làm ông tỉnh ngộ. Hình như ông đã từng đọc ở đâu đó, rằng đường thẳng là một khám phá lớn lao mà con người lấy làm hãnh diện, sau khi khám phá ra lửa. Đường thẳng xác định ý chí chế ngự, giấc mộng khắc phục thiên nhiên hung dữ cuồng nộ của con người. Ở đâu có người sống, ở đó có dấu vết con đường thẳng. Ông giáo nhớ một lần cùng với bạn leo núi và trên đường về họ bị lạc. Mọi người lo sợ. Họ cảm thấy mất hút giữa rừng lá, vô vọng chỉ còn thấy cái chết tàn khốc do đói khát, thú dữ, rắn rít. Cuối cùng, họ đến được một đồi trọc. Và từ trên đỉnh đồi, hạ tầm mắt xuống thung lũng, họ khám phá ra được một đường thẳng. Họ mừng rỡ, cứ băng rừng mà hướng về phía đó. Họ không lầm: một thợ săn sống cô độc giữa thung lũng để chờ bẫy nai lấy lộc.

Có một điều quan trọng hơn, ông giáo đã quên, là vùng đất này đã từng là trung tâm của một nền văn minh. Kinh đô Chà bàn chính là vùng đất này. Ông đã đi qua dưới những bóng thấp. Ngay lúc này đây, ông đang đi ngang một tháp Chàm. Lối kiến trúc và điêu khắc công phu, mỹ lề hơn hẳn trình độ mỹ lệ bọn thợ khéo ở phủ chúa. Thì ra trong cuộc phế hưng của sự sống, có những lớp cây dại, những côn trùng, những thú dữ, dẫm dưới chân mình những mảnh vỡ mục của một nền văn minh. Những kẻ đến sau bị cuộc cạnh tranh đẩy đến nơi hoang dã, cầm rựa phát cỏ dại, chặt cây dựng lán tạm, tưởng mình là kẻ khởi đầu cho một nền văn minh. Tội nghiệp thay cho những người không nhìn quá được khỏi ngạch cửa.

Những ý nghĩ ấy vuốt ve tâm hồn ông giáo. Đã lâu lắm, ông mới có cái khinh khoái được suy nghĩ, được chiêm nghiệm, được nhập chung vào cuộc vận hành vĩ đại và liên tục của vũ trụ, thấy ở mỗi nhịp thở sự phập phồng của thủy triều, từ hơi ấm đoán ra vị trí của mặt trời. Khổng phu tử phải chờ đến 70 mới hiểu được Dịch. Vào cái tuổi 45 của mình, ông giáo tự hỏi đã hiểu được gì? Tứ thập nhi bất hoặc. Không. Những giây phút như lúc này thật quá hiếm hoi đối với ông, Nó đến không báo trước và chấm dứt vào lúc bất ngờ. Còn lại trong quãng đời dài, ông giáo chỉ do dự, hoài nghi, hối hận, thương tiếc. Ông chưa được cái thành đạt bình thường của mọi người là "không nghi ngờ".

***

Còn cách một quãng đồng nữa là đến An Thái! Bác Năm chỉ cho ông giáo thấy một dải tre xanh phía trước mặt. Họ vừa qua cầu, bên tay mặt dòng sông uốn khúc rồi chia làm hai nhánh, nước mùa tháng ba rút cạn để lộ một dải cát vàng mênh mông. Ông giáo cảm thấy xúc động, mừng rỡ đến chảy nước mắt trước một thứ hạnh phúc còn mơ hồ nhưng đã bắt đầu có thực.

Ông nghe tiếng đạc ngựa leng keng vui tai. Từ lúc ghé bến Gò Bồi, ông hết sợ tiếng đạc ngựa. Cách bao nhiêu sông bao nhiêu núi rồi! Ông nghĩ mình đã an toàn. Ông lại nghĩ thêm: Có lẽ cảm giác khinh khoái mình vừa cảm thấy, hình dáng của hạnh phúc mới hiện, do ở chỗ mình đã rứt bỏ được nỗi sợ hãi canh cánh.

Tiếng đạc ngựa đến gần. Mọi người kinh ngạc, thấy hai người lính cưỡi ngựa đang quát tháo giục một đoàn tù nép vào vệ đường. Bác Năm bảo:

- Lại đến mùa nộp binh rồi!

Ông giáo chợt hiểu. Do được nhiều lần góp ý lạm bàn chuyện quốc sự với quan nội hữu, ông giáo đã biết thường thường mỗi năm đến tháng năm tháng sáu thì có lệnh trưng binh. Quân lính đi ra các làng, bắt dân từ 16 tuổi trở lên, chọn những người thân thể cường tráng để giải về phủ sung quân. Vào quân đội rồi mỗi người bắt chuyên học một nghề, kế phân phối đi các chiến thuyền để luyện tập, có chiến tranh đem ra đánh giặc, lúc vô sự thì ở trong vương phủ làm xâu, tuổi chưa tới 60 chưa được về làng cùng cha mẹ vợ con. Hằng năm thân thích đem thức ăn, áo quần đến thăm nuôi mà thôi (2). Có một điều bất ngờ đối với ông giáo, là bọn lính phủ dùng gậy tre dài đóng gông tất cả những trai tráng bị trưng binh như thế này. Gông tre giống hình cái thang dài nhưng hẹp hơn, mỗi cái đóng một toán 8 người. Hai đoạn tre tròn nằm vắt lên 8 đôi vai trần, mấy thanh ngang vót dẹp chẹn sau ót và dưới cằm. Bước đi khiến da tre xù xì làm xây xác cổ và vai của mấy người trai tráng bất hạnh, nên hai tay họ đồng loạt đưa nâng cái gông dài lên. Toán đi trước có đủ 8 người. Toán mang cái gông phía sau chỉ có 7 khuyết mất người đi đầu. Người lính phủ cưỡi roi ngựa ô thấp đã hết dùng roi quất vào đầu gông để thị uy, hằm hằm nhìn đám người nhà ông giáo đi qua. Ông giáo chưa hiểu lý do khiến người lính nhìn vợ con ông một cách giận dữ, ác cảm. Ông dắt Lãng và bồng thằng Út bước qua. Kiên và Chinh khiên võng bà giáo đi qua. Đến lượt mấy người phu vác đồ đạc và An. Đến hai gánh thai bài. Đúng lúc đó, người lính phủ hét lên:

- Bọn kia đứng lại!

Mọi người dừng bước, ngỡ ngàng. Riêng ông giáo hơi sợ. Người lính hỏi:

- Người kia là ai mà dám đi võng?

Trong nháy mắt, ông giáo hiểu hết. Mọi sự đều do cái chăn nhiễu Tàu mà bạn ông, quan nội hữu, được một thuyền buôn Quảng Đông tặng đã đem tặng lại ông, vào dịp bà giáo sinh được đứa con Út. Bọn lính tưởng đoàn tùy tùng của một quan lớn nên nem nép lo sợ tránh đường. Không ngờ khi đến gần, họ chỉ thấy một đoàn trẻ già trai gái ô tạp, lôi thôi lếch thếch, hình dung tiều tụy. Nhìn cái võng rẻ tiền, cái đòn tre xù xì, họ hiểu. Vị quan lớn họ lo sợ phải gặp, chỉ là một người bệnh. Rồi từ hiểu, họ thẹn. Từ thẹn đến giận chỉ cách một sợi tóc. Cảm thấy thế giá bị xúc phạm, người lính thúc ngựa đến trước Lợi và bác Năm ngạo nghễ hỏi:

- Mua côn về đi ăn cướp hả?

Bác Năm chưa kịp trả lời, Lợi đã mau miệng đáp:

- Gia đình thầy đây về quê ở An Thái. Còn chúng tôi là người nhà ông biện.

Sự bình tĩnh, tự nhiên của Lợi là một thách đố xấc xược đối với người lính. Hắn đã chọn được nạn nhân. Hết sức đột ngột, hắn thúc ngựa về phía Lợi, đưa chân đạp ngã gánh thai bài. Lợi té xuống. Vừa xốc áo đứng dậy, anh ta đã bị người lính nắm tóc lôi đi. Miệng hắn hét:

- Mày trốn lính mà còn dám xưng người nhà ông này ông nọ. Mày người nhà ông nào tao cũng gông đầu mày lại như thường!

Lợi dãy dụa phản đối. Người lính kia vội nhảy xuống ngựa chạy đến giúp bạn. Đã quá quen nghề, họ nhanh chóng bẻ quặt tay Lợi, xô chúi anh ta về phía khoang gông còn bỏ ngỏ. Người bị bắt lính đứng đầu đưa hai tay ra ôm chặt lấy Lợi, hoặc để tâng công hoặc thực sự vui mừng vì có thêm một người chia sẻ cảnh ngộ rủi ro. Nhờ vậy hai người lính đóng gông Lợi dễ dàng. Mọi sự xảy ra quá nhanh, đến nỗi cả bác Năm lẫn ông giáo miệng đều há hốc, muốn nói mà không biết phải nói gì. Đến lúc cổ đã vào gông, Lợi mới sợ hãi thực sự. Anh ta dần dà hiểu hết tình thế. Anh phát lên khóc. Bọn trai tráng bị trưng binh ngược lại cười hô hố. Ông giáo nói lớn:

- Các bác lầm rồi. Cậu đây người lương thiện, đâu phải dân trốn lính.

Bác Năm cũng gắng giải thích:

- Các bác bắt lầm người ngay rồi! Tôi với thằng em đây đều là người làm của ông biện. Chẳng lẽ ông biện lại dám không tuân luật lệ vương phủ hay sao?

Người lính trẻ cưỡi con ngựa tía có lời lẽ hơi chùn bước, hỏi bác Năm:

- Ông biện nào thế?

Bác Năm mau mắn trả lời:

- Ông tuần biện Kiên Thành. Ông Biện Nhạc đó chú.

Người lính trẻ đưa mắt hỏi dò người lính già cưỡi ngựa ô. Người lính già do dự. Có lẽ hắn thấy lùi còn lố bịch và nguy hiểm hơn là cứ lấn tới. Và hắn quyết định. Người lính già quát:

- Biện Nhạc hả? Mày về nhắn lão có giỏi thì lên phủ mà đòi người. Có lên nhớ gánh theo trầu nguồn nghe không!

Hắn đưa mắt ra lệnh đoàn trai tráng bị trưng binh lên đường. Toán đầu bắt đầu đi. Lợi khóc thất thanh, quay mặt về phía người lính chỉ huy van lơn. Bảy người cùng mang gông vơi Lợi, không ai bảo ai, cùng đẩy cái gông lên, chuẩn bị bước. Lợi đi đầu, tự nhiên bị xô chúi tới trước. Tiếng Lợi khóc khàn khàn đeo đuổi ông giáo suốt đoạn đường còn lại, khiến ông ray rứt không yên.

Cảm giác bất lực trước một công việc thuộc trách nhiệm của mình, thứ cảm giác bẽ bàng nhiều lần từng quấy nhiễu ông, giờ đây ông thấy rõ hơn lúc nào hết. Gánh thai bài còn nằm ngay giữa đường! Tiếng Lợi cười nói liến thoắng như còn văng vẳng. Đoàn người ngựa qua cầu, biến mất sau khúc ngoặt rợp bóng tre. Mọi người uể oải lên đường. Một người phu phải gánh hộ gỗ cho Lợi nên Kiên và Chinh phải móc thêm hai bọc quần áo nặng vào đòn võng. Thiếu Lợi, thiếu những câu pha trò và những chuyện tầm phào của Lợi, cuộc hành trình trở nên nặng trĩu. Thiếu Lợi, ông giáo cũng thiếu mất người môi giới cần thiết khi đến nhà Hai Nhiều.

Họ đến An Thái lúc chạng vạng tối. Vợ chồng Hai Nhiều sợ đến xanh mặt khi thấy chó sủa vang trước ngõ, rồi một đám đông kẻ gánh người khiêng tiến vào cái sân hẹp. Sao lại có điều lạ thế này? Họ là ai? Từ đâu tới? Họ muốn gì hai vợ chồng mình?

Những lời giải thích, phân bua của bác Năm và ông giáo, giữa cảnh náo loạn ồn ào trong sân nhà Hai Nhiều, không soi sáng được gì cho vợ chồng. Hai Nhiều quên không bỏ cây tăm xỉa răng đi, đưa hai tay lên phân trần:

- Dạ dạ phải. Đúng tôi là Hai Nhiều. Bà nằm đây là em gái tôi? Trời đất ơi! Từ lúc ông tôi còn sống, tôi có nghe ai nói đến người em gái này đâu! Sao ông bà không chọn ai khác mà lại chọn chúng tôi. Chúng tôi đâu có tội tình gì!

(1) Theo Phủ Biên Tạp Lục Lê Quí Đôn trang 146.

(2) Hải ngoại ký sự, Thích Đại Xán, trang 43