Sông Côn Mùa Lũ - Chương 24

Hai năm trước đây, khi chánh tổng An Thái bắt được Kiên giải về phủ, tiếp theo đó cả gia đình ông giáo trốn lên Tây Sơn thượng với Nhạc, Tuần vũ Nguyễn Khắc Tuyên xem Kiên là một loại con tin đáng giá. Hắn hy vọng bằng cách khơi động tình cha con, hắn có thể chiêu hàng giáo Hiến. Vì vậy, thay vì giam giữ tra khảo như bọn tù khác, Tuyên giao Kiên cho một ông cai đội quản thúc. Gần hai năm, Kiên không được bước ra khỏi ngạch cửa nhà viên cai đội, nhưng anh được đối xử tử tế. Ăn uống chung với vợ con ông cai đội, quần áo là quần áo tù nhưng lành lặn. Kiên không biết chút gì về tình hình bên ngoài, nên ban đầu cứ lóng ngóng trông đợi cha và các em đến thăm nuôi. Càng đợi, anh càng tuyệt vọng, tủi thân. Anh nghĩ có lẽ những người thân thuộc đã quên mất anh rồi. Sau bao nhiêu rủi ro trên đời, anh cay đắng nghĩ rằng đây là cái rủi ro đau đớn bất ngờ nhất. Và cũng như các lần trước, anh lẳng lặng gặm nhấm sự đau khổ một mình, không chia sớt cho ai cả. Gia đình viên cai đội chưa hiểu Kiên, khó chịu, ác cảm là đằng khác, với cái vẻ lầm lì rất giống với sự khinh bạc của người cao ngạo thất thế. Dần dần họ hiểu ra. Họ thương hại anh, chăm sóc miếng cơm, giấc ngủ cho anh. Nhờ thế cơn đau có nguôi đi.

Đột nhiên, một đêm mùa thu năm Giáp Tý (về sau Kiên mới biết đêm đó Tuần vũ nhận được tin Nhạc đã đánh chiếm Kiên Thành), Kiên bị chính viên cai đội dẫn thêm bốn người lính nữa xông vào phòng đánh thức dậy, và trước khi Kiên hết ngẩn ngơ, họ đã trói ké Kiên lại y như lần trước. Anh không nổi giận chống cự nên không bị đánh đập. Quá chán ngán cho sự rủi may thất thường, anh lẳng lặng chịu đựng. Vợ viên cai đội kêu khóc, oán trách chồng, tưởng chồng có quyền tha Kiên. Hắn lườm vợ, quát lớn cho lũ con thôi khóc vang như một tổ bồ chao. Hắn ra dấu cho bọn lính dẫn Kiên đi, rồi bảo vợ:

- "Nhà" tưởng tôi ghét cậu ấy à. Tôi thương cậu ấy còn hơn cả thằng em phá gia của tôi nữa. Nhưng đây là lệnh quan tuần, "nhà" biết không. Có tin gì quan trọng lắm, quan tuần mới hốt hoảng thức dậy, lên văn phòng, ra lệnh giam cậu Kiên thật kỹ. này "nhà" chùi nước mắt đi. "Nhà" đừng nói cho ai biết nhé! Nói với ai thì phập, tôi không còn chỗ đội nón đấy nhé! Tôi nghe tên phu trạm bảo giặc sắp tới nơi rồi. Cậu Kiên có bà con làm lớn lắm, không, bên phía giặc đó chứ!… Đã bảo, chùi nước mắt đi nào, trông kìa, mặt mũi tèm nhem!… Thôi, "nhà" dẫn các con vào ngủ đi nhé, không sáng mai mày châu ủ dột mất đẹp đi. Tôi ấy hả? Đâu được, tôi còn phải lên hầu quan. Ngoan nào, lại thút thít!

Hai người lính trẻ một trước một sau dẫn Kiên về nhà giam lúc gần sáng. Họ đang đi trong một hành lang hẹp nồng nặc mùi hôi thối, ẩm mốc,hai bên là những cánh cửa tù lầm lì, con mắt độc nhất ở cao tầm người trên cửa, chỗ cửa không thể để chuyển cơm nước cho tù nhân bị giam kín, đã nhắm lại. Dù tự dặn mình nên phó mặc cho số phận đưa đẩy, Kiên vẫn cảm thấy ớn lạnh nơi xương sống. Người lính đi trước dừng lại ở phía cửa số 7. Hắn tìm chìa khóa, mở cửa. Người lính đi sau đẩy Kiên vào. Tiếng khóa cửa lách cách. Ngọn đuốc ngoài hành lang tắt. Chung quanh Kiên là bóng tối, bóng tối. Anh đứng khựng lại giữa phòng giam một lúc, rồi mới quờ quạng tìm một góc tường, dựa lưng vào đó. Đầu óc anh vẫn ở trong trạng thái chập chờn mông lung. Anh biết anh đang nghĩ, nhưng lại không thể định được là đang nghĩ gì. Toàn một mớ bùng nhùng, một đám chập choạng, những mảng hình ảnh mờ rõ lẫn lộn. Anh nhớ đến nét mặt hốt hoảng đẫm nước mắt của vợ viên cai đội nghe thoang thoáng lúc được lúc mất tiếng kêu khóc tỉ tê của đứa con út, con bé lên năm thường quấn quít bên Kiên nhiều nhất.

Đầu Kiên nóng bừng, không khí trở nên ngột ngạt hơn.

Đưa tay cởi hai nút cổ áo xong, anh thấy mỏi chân. Kiên nhìn nền phòng giam. À, bây giờ anh mới quen với bóng tối. vả lại, đến lúc này, Kiên mới nhận ra hai nguồn ánh sáng chiếu vào phòng giam hẹp. Một cửa tò vò sát trần, bên ngoài hình như có một cành cây phủ, nên khi gió lên, ánh sáng mờ bên ngoài thấp thoáng. Một nguồn sáng khác từ cửa phòng giam chiếu vào, qua khung chữ nhật nhỏ vừa đủ rộng để chuyển rá cơm. Anh ngần ngại nhìn nền đất ẩm nhơm nhớp trước khi ngồi bệt xuống, dựa lưng vào tường.

Kiên ngồi thừ một lúc, không biết nên làm gì. Một con muỗi vo ve. Hai tay anh chống xuống nền đất để đẩy người lên, sửa lại thế ngồi. Anh cảm thấy lòng bàn tay nhờn nhờn bẩn thỉu. Mồ hôi rịn khắp người. Anh nghĩ: Giá được rửa mặt hoặc tắm một chút. Kiên nhìn quanh, và kinh ngạc không hiểu vì sao mãi đến lúc này anh mới thấy thùng phân để ở góc tường đối diện cửa ngục. Anh cảm thấy râm ran ở bụng, lại mót tiểu. Anh đến gần thùng phân. Sau một lúc do dự, anh chỉ dám đi tiểu.

Phòng giam ngập mùi khai nồng. Hơi nước dơ lưu cữu bị khuấy động, bốc thêm mùi tanh hôi. Kiên trở lại ngồi chỗ cũ, lòng bứt rứt nôn nao. Nỗi bực dọc ngày càng tăng. Kiên muốn tìm một công việc nào đó. Nhưng việc gì đây? Trước mặt anh là không khí hôi hám, bóng tối lờ mờ. Vách ngục loang lổ. Những mảng vôi trắng long ra, để trơ màu dơ của lớp cũ.

*

* *

Trưa hôm đó Kiên mới khám phá ra những dòng chữ khắc bằng vật nhọn trên các mảng tường loang lổ, sát chỗ anh ngồi. Sự tò mò thúc đẩy, Kiên khom người xuống, nheo mắt tìm đọc các dòng chữ ghi khắp đây đó. Nhiều nhất là các dòng ghi ngày tháng. Lớp vôi trắng mỏng, nên chỉ cần lấy móng tay nhọn vạch nhẹ, những chữ màu nâu đã hiện ra rõ rệt. Dưới hình một lưỡi gươm, có khắc mấy chữ Oán giả oán báo" và ngày rằm tháng sáu, kèm theo hai mươi bốn dấu vạch. Chỗ khác là một câu cầu nguyện "Lạy Đức Quan Thế Âm Cứu Khổ Cứu Nạn". Vài bức hình tục tĩu. Một mốc ngày tháng: 10-4 năm Tý và mười bốn dấu vạch…

Kiên thẫn thờ nghĩ đến những người đã bị đày vào đây trước anh, đã ngồi một mình như anh ngồi, đã ôn lại cả đời dài trước kia. Một cuộc đời buồn hiu, quạnh quẽ, chịu đựng tất cả bất trắc mà lòng vẫn cứ phải láo liên lo âu. Nhớ thương, oán hận, ăn năn, bơ vơ, và giờ đây quờ quạng tìm dấu những người xa lạ cùng số phận trong bóng tối. Trời hỡi! Ước gì có được tâm hồn thanh thản để ngồi yên một chỗ, không làm gì hết, nhờ bóng tối ru giúp giấc ngủ ngày. Nhưng hơi nóng càng gắt hơn. Mùi tanh nồng tăng thêm. Ước gì có được một gàu nước đầy, đủ để lau qua mình mẩy! Mồ hôi trên người anh rít róng hơn, lưng và cổ trở nên ngứa ngáy, khó chịu nhất, vẫn là mùi hôi thối.

Có tiếng chân người ngoài hành lang. Tiếng chìa khóa va chạm nhau kêu lẻng kẻng. Tự nhiên Kiên thấy vui, như từ lâu lắm anh không còn nghe, còn cảm nhận được dấu vết con người. Tiếng chân dừng bặt ngay bên kia tấm cửa ngục. Tiếng chìa mở ổ khóa. Kiên hồi hộp, chờ đợi vu vơ.Cửa ngục mở. Người cai ngục đứng xa nhìn vào phòng kiểm soát một lượt, mũi khịt khịt vì hơi thối bay theo đường cửa sổ. Kiên vừa định lên tiếng xin nước, thì cửa ngục đã đóng ập lại. Anh chạy vội đến chỗ đưa cơm, hy vọng có thể kêu nài với cai ngục. Hắn đã đi khỏi hành lang. Lòng Kiên ray rứt, bực bội, muốn đập mạnh vào tấm cửa nặng vô tri mà còn do dự, vì thấy trước hành động vô ích. Anh áp mặt vào khuôn chữ nhật nhìn ra hành lang. Vệt sáng chiếu nghiêng trên bức vách bẩn. Ba vết lở trên tường hành lang đối diện, vết lở to nhất giông giống một người đang chạy. Cái vỏ chuối đã khô trên lối đi. Tất cả chỉ có bấy nhiêu. Lâu lâu, từ cuối hành lang ó tiếng ai ho, hoặc một tiếng rên trầm và nghẹn.

Kiên thất vọng quay vào. Mùi hôi thối trong phòng trở nên nồng nặc hơn, vì buổi sáng theo thói quen, Kiên không thể nhịn được đi cầu. Anh hắt hơi hai ba lần. Mặt trời có lẽ đã lên cao ngoài kia, nên ánh sáng chiếu từ của tò vò, gần trần ngục tràn ngập căn phòng hẹp. Những hàng chữ ghi ngày tháng hiện rõ hơn hôm qua. Kiên chợt nghĩ: Tại sao ta không ghi lịch như họ. Bằng móng tay nhọn, anh có thể ghi ngày đầu bị đẩy vào ngục, rồi vạch thêm một dấu cho hôm nay, công việc ấy giúp Kiên tạm quên được mùi hôi thối. Anh nhận rá cơm hẩm đầu tiên của cảnh tù ngục hiu quạnh buổi trưa hôm ấy, và điều đáng ngạc nhiên là anh ăn thấy ngon. Anh có khả năng chịu đựng tất cả đau khổ nên về sau cũng làm quen rất nhanh với mùi hôi thối, chỉ tiếc là anh không tìm ra tăm để xỉa răng. Thú vui của anh là tìm đọc hết các dòng chữ trên vách ngục, đoán những hình vẽ, và tìm ý nghĩa cho các vết lở trên vách. Một thú vui khác là áp mặt vào khuôn chữ nhật nhìn ra hành lang, chờ tiếng động của con người. Anh quyến luyến với tiếng ho quen thuộc, lòng xót xa thay cho con người có tiếng rên trầm, hân hoan rộn rã với tiếng chìa khóa lách tách. Những dấu vạch ghi ngày tháng của anh dày hơn. Việc đếm dấu vạch để biết ngày hôm nay đã khá khó khăn. Đến rằm tháng chín. Rồi qua rằm. Cho đến hôm đột nhiên anh nghe nhiều tiếng chân chạy ở hành lang, lẫn với tiếng la ó, reo cười. Anh ngỡ ngàng tưởng đã xảy ra một vụ phá ngục. Áp mặt sát cửa, anh nghe thêm tiếng quát tháo, và cả tiếng chìa khóa lách tách. Nhiều người đang đi về phía phòng Kiên. Anh vội thụt vào, ngồi nép sát góc vách. Người ta đang mở cửa ngục của anh. Họ định làm gì anh đây? Sao không cho tôi được sống yên trong cái xó tối này? Tội nghiệp thân tôi, hành hạ thêm thì phỏng có ích gì?

Cửa ngục mở. Không thể dằn được tò mò, anh nheo mắt nhìn ra ngoài, tay che lấy đầu. Không phải cai ngục! Mà là một người Tàu ở trần, cổ đeo lá vàng bạc, bụng thắt dải vải đỏ. Lạ hơn nữa, người Tàu đó dùng tiếng nam thông thạo và mừng rỡ gọi:

- Anh Kiên đâu, chúng ta chiếm được phủ rồi. Ra đây với em!

*

* *

Phải mất một lúc lâu làm quen với ánh sáng và tiếng nói con người hơn nữa, Kiên mới nhận ra Chinh!

Hai anh em ôm chầm lấy nhau, cả hai đều nghẹn lời, nước mắt chảy ròng ròng xuống má. Chinh dằn xúc động trước anh, tíu tít hỏi:

- Trời ơi! Chúng nó giam anh trong cái ngục hôi thúi này suốt mấy năm sao? Quân chó má! Đồ sâu bọ! Làm cỏ hết chúng nó cũng chưa đáng tội! Nếu trại chủ không ngăn, em đã lấy huyết hết ráo! Chỉ đốn ngã được mấy thằng không đáng công! Anh sao thế, có đau yếu gì không?

Kiên nhìn cái đầu trọc và cách ăn vận khác thường của em, gương mặt ngơ ngẩn thất thần. Nghe Chinh hỏi, Kiên vội nói:

- Không sao. Anh chỉ mới bị nhốt vào ngục tối chưa đầy tháng rưỡi. Em ăn mặc kiểu gì kỳ cục vậy?

Chinh bỏ tay khỏi vai anh, đứng ra xa một chút, ưỡn ngực kiêu hãnh:

- Em thuộc Hòa nghĩa quân, phải mặc thế cho giống bọn họ. Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy mà anh!

Kiên hỏi:

- Hòa nghĩa quân? Ai thế?

- A ha! Anh chưa biết gì à? Chuyện còn nhiều lắm. Anh đi xa cái xó hôi thúi này đã! Tụi bay, sao còn đứng đực người ra vậy! Mở cửa ngục giải thoát cho các anh em khác đi.

Khu biệt giam này chỉ có năm phòng tối có người. Kiên muốn tìm kẻ đồng số phận có tiếng ho quen thuộc, và kẻ từng đêm hay rên trầm và nghẹn. Anh không biết ai, cũng không có thì giờ hỏi thăm. Kiên chỉ đoán tiếng ho là của người tù ốm yếu ngực mỏng và lưng còng xuống, còn tiếng rên của ông lão tóc bạc mắt gần như lòa, ra khỏi hành lang phải có người dắt.

Sau khi giao việc phá cửa giải thoát tù ở các khu biệt giam khác cho bọn thuộc hạ, Chinh dìu Kiên ra phía dinh phủ. Họ đi ngang qua chỗ gia đình viên cai cơ ở, Kiên gỡ tay em bảo:

- Để anh ghé đây chút!

Chinh hỏi:

- Có việc gì thế anh? Mọi người đang nóng ruột không biết anh sống chết thế nào. Ra gấp cho họ mừng. Có cả Huệ, Mẫm và thằng Lợi ngoài đó.

Kiên lo lắng hỏi:

- Thế cha đâu rồi? Còn tụi con An, thằng Lãng?

- Còn ở trên Kiên Thành. Chắc mai cha xuống. Trại chủ đã cho người mời cha xuống gấp để lục đống giấy tờ tên Tuần vũ bỏ lại, xem cái gì nên giữ cái gì đem đốt. An với Lãng cũng đã về An Thái. Nhà mình bị chúng đốt rồi, anh biết chưa?- Chưa! Từ ngày bị bắt, anh không biết tin tức gì cả. Họ quản thúc anh chặt chẽ, tuyệt đối không được liên lạc với bên ngoài. từ đó đến nay gia đình mình thế nào?

Chinh mất kiên nhẫn, cười đáp:

- Em đã nói chuyện dài lắm. Để lúc khác hãy hay. Bây giờ ra ngay với em!

- Để anh thăm gia đình này đã. Không biết trong cơn hỗn loạn họ thế nào?

- Ai vậy?

- Ân nhân của anh. Anh sống được cho đến ngày nay là nhờ họ.

Nghe Kiên nói thế, Chinh phải nhượng bộ. Hai anh em cùng tiến về phía nhà viên cai cơ. Chinh e dè hỏi anh:

- Anh quen với họ thế nào?

Kiên không trả lời em, vì thấy cửa nhà viên cai cơ đóng kín, nhưng bên trong có tiếng khóc. Anh nôn nao, vội chạy đến đập mạnh cánh cửa lớn. Bên trong hoàn toàn im lặng, Kiên gọi to:

- Mở cửa. Có ai trong đó không?

Vẫn không ai lên tiếng, Kiên hỏi em:

- Chinh có nghe thấy tiếng khóc không?

Chinh e ngại đáp:

- Có. Thôi, ta đi quách. Cửa đóng mà anh.

Kiên không nghe lời em, gọi lớn lần nữa:

- Mở cửa Út ơi. Chú Kiên dây!

Bên trong có nhiều tiếng thì thầm, rồi lại có tiếng khóc tỉ tê. Kiên đoán có gì thất thường, đập cửa mạnh hơn nữa. Chinh bực dọc đưa chân đạp mạnh lên tấm cửa gỗ. Cửa bật tung. Hai anh em sững người khi thấy vợ con viên cai đội đang ngồi quanh một xác chết đã đắp chiếu, nét mặt người nào cũng xơ xác và ngước nhìn hai anh em với đôi mắt hãi hùng.

*

* *

Cả Kiên lẫn những anh em bạn bè đều ngỡ ngàng về nhau. Kiên như một người lạc vào xứ lạ. Không được tham dự ngay từ đầu cuộc khởi nghĩa, không từng lo âu hồi hộp hoặc mừng rỡ, vui sướng trước khó khăn và thành công, Kiên không thể hiểu được vì sao mọi người quanh anh vung chân múa tay, cười nói hô hố, vồ vập, reo hò vì những chuyện vặt vãnh không đáng vồ vập, reo hò. Họ bắt anh uống rượu, họ công kênh anh lên, chạy một vòng khắp phủ. Họ bắt anh kể các nỗi thống khổ, đày đọa suốt mấy năm qua. Anh kể gì bây giờ? Chẳng lẽ kể rằng anh được ăn cơm trắng, cá kho với vợ con viên cai đội, tối được ngủ giường có trải chiếu, lâu lâu được cho thuốc hút hoặc đọc sách. Chẳng lẽ anh kể cho những người hăng hái kề vai công kênh anh lên cao như một người anh hùng rằng kẻ vừa bị họ đâm cho một kiếm xuyên suốt ngực đang nằm giữa vợ con trong kia gọi anh bằng "cậu", lũ nhỏ quấn quít bên anh lắng nghe kể chuyện Tấm Cám. Kể gì bây giờ? Kiên chỉ ậm ờ cho qua chuyện. Bạn bè anh thấy anh bối rối, cười hô hố, bảo nhau:

- Nó chưa hoàn hồn. Thôi để lúc khác. Bây giờ uống rượu mừng đã. Nào, Kiên. Vô, vô. Không được để sót một giọt. Tụi này tưởng mày đã chết rục trong cái xó ngục rồi. Phải uống để mừng cuộc đời mới. Hãy quên tất cả nỗi khổ nhục cũ đi.

Một người từng làm chung với Kiên từ thời buôn nguồn nhắc:

- Còn nhớ mụ Năm Ngãng không? Hồi đó tụi này điên thật. Về sau mỗi lần nhắc lại, càng thương cho mày! Thôi, nhờ Trời mọi sự qua rồi. Uống chén nữa để rửa sạch bụi bặm đi nào. Có đổ ướt cả áo cũng không sao. Chúng ta tắm rượu mà!

Câu nói vô tình ấy càng khiến Kiên khổ sở. Anh nhớ lại nỗi cay đắng ở Tây Sơn thượng, nhớ hôm anh phải rời nơi ấy như một kẻ có tội, như một người chạy trốn. Vết thương cũ lại hành hạ anh. Kiên nhìn quanh tiệc rượu, nhận diện được những người từng nổi cơn say máu ùa nhau bao vây anh, muốn xé anh ra từng mảnh cho hả giận. Ngụm rượu trong miệng anh đắng nghét. Anh lợm, nôn thốc tháo cả ra. Để mặc cho mọi người hiểu lầm anh say, Kiên bỏ trốn vào một phòng trống ở trại lính. Từ đó, lấm lét nhìn trước nhìn sau như một kẻ trộm mới vào nghề, Kiên lốm thốm lần về nhà viên cai đội. Anh không đi cửa trước vì có nhiều nghĩa quân qua lại. Anh luồn ra lối sau, đẩy nhẹ tấm phên che bếp lách mình vào phía trong. Mấy mẹ con vẫn còn than khóc vật vã nho nhỏ, sợ làm cho nghĩa quân nổi giận. Người vợ viên cai đội tóc rối nằm sấp ôm lấy xác chồng. Đứa con gái lớn lên mười thút thít, lâu lâu lay nhắc mẹ không nên khóc lớn. Tiếng chân Kiên làm họ giật mình ngơ ngác, và họ hãi hùng khi nhận ra anh. Đứa gái lớn tưởng Kiên đến đày đọa mẹ và các em vì cái hận bị nhốt vào ngục tối, chạy đến sụp xuống lạy Kiên:

- Con trăm lạy chú, ngàn lạy chú. Chú tha cho mẹ con cháu. Chú cho mẹ cháu chôn cha cháu xong rồi mẹ con cháu sẽ đi ngay. Tội nghiệp chúng con, cháu van chú, đừng giết mẹ cháu. Trăm lạy chú. Ngàn lạy chú!

Kiên không thể chịu đựng được nữa. Anh khóc òa.

Sau đó anh có những quyết định táo bạo làm cho anh em bạn bè anh kinh ngạc. Anh chạy lại mở toang cửa sổ cửa lớn, cho mọi người thấy anh có mặt tại đây, ngay trong nhà tên ác ôn vừa bị giết chết. Đích thân Kiên đứng ra lo việc ma chay. Thấy việc lạ, những người vợ lính còn kẹt trong phủ xì xào bàn tán, thêu dệt rằng Kiên đã có tình ý với bà cai đội ngay từ thời ông chồng còn sống. Câu chuyện đến tai nghĩa quân, khiến họ càng tò mò kéo đến xem Kiên quán xuyến chuyện tống táng khâm liệm. Kiên biết hết, hiểu vị trí khó xử và nguy hiểm của mình, nhưng anh không thể chịu đựng được cảnh tượng những người yếu đuối góa bụa, côi cút khóc thầm trong căn nhà bị cô lập hẳn với đời sống chung quanh. Anh sợ hình ảnh một người khóc thầm như sợ ôn lại cuộc đời quạnh quẽ của mình. Cho riêng anh, thì Kiên chưa chắc dám làm điều gì khác thường, Nhưng cho một người đàn bà góa và mấy đứa bé đáng thương, anh dám làm điều ngoạn mục, trở thành cái bia cho thiên hạ đàm tiếu.

*

* *

Ông giáo xuống phủ Qui Nhơn đúng vào lúc Kiên ở vào tình thế phức tạp, tế nhị đó! Ông gặp con, mừng mừng tủi tủi. Từ lâu ông vẫn có ý nghĩ đau xót là Kiên phải gánh chịu tất cả hẩm hiu, rủi ro thay cho toàn gia đình, nên trước mặt con, ông thấy mình có lỗi. Như tất cả mọi người, ông thấy Kiên vừa lạc lõng yếu đuối vừa liều lĩnh cố chấp một cách khác thường. Ông ngờ ngợ rằng bên trong chắc còn nhiều điều bí ẩn. Cho nên sau khi an ủi vỗ về con, ông để mặc cho Kiên tiếp tục lo việc ma chay. Lòng ông ngùi ngùi, như vừa mất một cái gì! Ông chúi đầu vào công việc để cố xua cảm giác nặng nề đó. May thay cả đống tài liệu hồ sơ trong kho lưu trữ công văn của dinh phủ đang chờ ông! Nhạc muốn ông lục đống hồ sơ đó để trả lời ngay cho trại chủ hai điều: tình hình quân sự của triều đình ở ba phủ Quảng Ngãi, Qui Nhơn và Phú Yên; và tình hình thuế khóa, kho đụn. Ngoài ông giáo ra, không ai đủ khả năng và kinh nghiệm để trả lời hai câu hỏi cấp bách ấy. Ông giáo lục tìm các sổ binh. Không phải là việc dễ như lấy đồ vật trong túi, vì khi tấn công vào, nghĩa quân đã định đem hết sổ sách giấy má ra đốt như đã làm trước đây ở các làng cận sơn. Ông phải mất cả một ngày dài mới thu góp được tài liệu, làm một bản tóm tắt tình hình dân số và quân sự trong phủ. Chưa kịp ăn cơm tối, ông vội đem bản tình hình lên cho Nhạc.

Nhạc mừng rỡ, vội lấy kính ra nhẩm đọc một cách chậm chạp:

"Số dân phủ Qui Nhơn là 26.769 người (không kể các xã thuộc nội phủ không phải là lính là 12.542 người).

Số dân nội vi tử là 10.904 người.

Dân nhiêu phu 2033 người.

Hai loại này chịu lính một nửa, vị chi 6468 người phải lính.

Dân bản phủ 11.287 người chịu lính tất cả.

Như vậy dân phủ Qui Nhơn thực chịu lính là 17.756 người cấp cho 7 cơ đội và các thuyền Thuộc Kiên và Phụ Thủy.

4 cơ Nhuệ Thủy 24 thuyền.

Phụ Thủy 16 thuyền

Thuộc Kiên 12 thuyền

Mỗi thuyền 120 người, vị chi 6240 người" (1)

Nhạc bỏ kính xuống, hấp háy mắt quay nhìn ông giáo, nụ cười tự đắc trên môi:

- Không ngờ quân chúng nó đông thế. Ai cũng phải lính cả. Thế mà thầy thấy không, ta chỉ ó lên một tiếng là cái đội quân đông đảo ấy rã tan. Toàn lũ chết nhát!

Ông giáo nói:

- Ông có chú ý thể thức trưng binh của triều đình không? Dân nội phủ thì được miễn lính. Dân nội vi tử và nhiêu phu đi phân nửa. Dân đen còn lại phải chịu lính tất cả. Như vậy số lính phủ phần lớn là dân thấp cổ bé miệng, không tiền bạc, không thân thế. họ không phải là kẻ thù của chúng ta, gốc gác họ gần gũi với anh em nghĩa quân. Họ tan rã không phải vì nhát, mà vì không thể chống lại người cùng cảnh ngộ.

Nhạc trầm ngâm suy nghĩ, rồi gật gật đầu:

- Thầy nói có lý. Cho nên ta phải xem lại cách đối xử với bọn lính phủ. Tôi đang phân vân không biết tính sao đấy. Ngay vợ con tên tuần vũ, tôi vẫn còn giam đấy, bảo bọn nó cho cơm nước tử tế. Thầy có nghe thêm tin gì vè tên tuần vũ không?

Ông giáo đáp:

- Hình như hắn đã chạy trốn ra Tam Quan rồi. Thế nào hắn cũng cầu cứu phủ Quảng Ngãi, và cấp báo cho thuận Hóa.

Nhạc vội hỏi:

- Thầy đã tìm được số binh phòng thủ các phủ chưa?

Ông giáo đưa một tờ giấy nữa cho Nhạc. Nhạc đọc:

"Binh thủ ngự các phủ:

- Phủ Quảng Ngãi: có đội Hữu Ngự, thuộc về đấy là các thuyền Xung nhất, Xung nhị, Xung tam, Xung tứ, Xung ngũ, Xung lục, Xung thất, Xung bát, tám thuyền.

- Phủ Qui Nhơn: có đội Tả Ngự, thuộc về đấy là các thuyền Tiệp nhất, Tiệp nhị, Tiệp tam, Tiệp tứ, Tiệp ngũ, năm thuyền.

- Phủ Phú Yên có đội Tiền Ngự, thuộc về đấy là các thuyền An bính, Đột nhất, Đột nhị, Đột tam, Đột tứ, năm thuyền. (2)

Ta đã hợp lực với Châu Văn Tiếp lấy phủ Phú Yên rồi. Như vậy mặt đáng sợ vẫn là phía bắc. Những tám thuyền cơ đấy! Lại thêm viện binh ở kinh vào, ở Quảng Nam qua! Phải, nặng nhất luôn luôn là mặt phía bắc. Ta phải dồn lực lượng phòng ngự ra đó. Mặt nam chỉ cần toán của thằng Huệ chờ tiếp ứng cho Châu Văn Tiếp thôi. Ngay tối nay, tôi phải bàn gấp việc này với ông Nhật. Chưa kịp cơm nước gì cả! Ủa, thầy dùng cơm chưa?

Ông giáo đáp:

- Chưa. Tôi ghi chép xong lên ngay đây!

- Mời thầy dùng cơm với tôi rồi hãy về nghỉ. Tôi không dám làm phiền thầy tối nay. Cha con lâu ngày đoàn tụ, chắc có nhiều chuyện nói.

Với giọng e dè, Nhạc tiếp:

- Thầy đã nói chuyện nhiều với cậu Kiên chưa?

Ông giáo đáp:

- Chưa.

- Cậu ấy lạ lắm. Khó hiểu lắm. Đáng lẽ phải vui mừng mới phải chứ! Hay vì bị tù đày lâu ngày, mụ người đi!

Ông giáo buồn rầu nói:

- Tôi cũng nghĩ thế. Trong các con,nó là đứa chịu nhiều rủi ro. Chừng ấy tuổi đầu...

Nhạc sốt sắng nói:

- Nhưng tính Kiên chịu khó và tỉ mỉ, cẩn thận. Để tôi xếp đặt cho cậu ấy lo việc quân lương, hay là thuế khóa. Một mình thằng Lữ không xuể. Tôi đã cho gọi Lợi xuống. Nay có thêm Kiên, càng tốt. Vào đi. Đã có cơm rồi? Xin mời thầy qua bên này.

(1), (2) Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn, trang 192, 193