Sông Côn Mùa Lũ - Chương 27

Tin Qui Nhơn thất thủ khiến quan bố chính Quảng Ngãi hoảng hốt. Sau khi cho người phi báo kinh đô, quan bố đích thân cầm quân tiếp cứu Nguyễn Khắc Tuyên lúc đó đang ở Tam Quan. Sợ không đủ sức trấn áp quân khởi nghĩa, hắn đem theo cả năm voi để dự chiến.

Hai bên thực sự giao chiến mặt đối mặt lần đầu tiên ở phía trong Tam Quan. Quân Quảng Ngãi bị thiệt hại nặng, quan bố bỏ mặc quân sĩ tan tác nhẩy lên ngựa tẩu thoát. Tây Sơn thu được nhiều vũ khí, người, và bắt trọn cả năm con voi. Thừa thắng, Nhạc ra lệnh phải đuổi quân triều ra đến Sa Huỳnh, ngay chỗ giáp ranh hai phủ Qui Nhơn và Quảng Ngãi.

Như vậy Nhạc đã thực sự kiểm soát toàn lãnh thổ hai phủ Qui Nhơn và Phú Yên vào khoảng cuối tháng Mười năm Quí Tỵ (1773). Triều đình Phú Xuân bấy giờ mới giật mình, thấy tầm nguy hiểm của cuộc nổi dậy. Trương Phúc Loan quyết định phải đối phó với bất cứ giá nào. Lần này, quân dẹp loạn có cả thủy binh lẫn bộ binh. Quân thủy chia làm ba đạo với ba chiến thuyền do ba quan chỉ huy. Nhưng bão biển đã đánh đắm các đạo thủy binh đó, chỉ có một chiến thuyền may mắn thoát nạn. Quân bộ chia làm bốn đạo do bốn quan chỉ huy, là các Chưởng cơ Nguyễn Cửu Thống, Nguyễn Văn Sách, Tổng nhung Tống Sùng và Tán lý Đậu Văn Quang. Quân Tây Sơn chỉ có ba đạo quân, một đạo Trung nghĩa và Hòa nghĩa quân của Tập Đình, Lý Tài, một đạo gồm phần lớn là người Thượng, quen đánh đường rừng, một đạo nghĩa quân người nam gồm phần lớn các toán đã dự trận đánh chiếm hai kho Càn Dương và Nước Ngọt hơn tháng trước. Hai bên gặp nhau ngày 2 tháng Mười Một ở ranh giới hai phủ Qui Nhơn và Quảng Ngãi.

Họ quần nhau ba ngày không phân thắng bại, đến chiều ngày thứ ba Tập Đình và Lý Tài ở cánh phải đánh thốc vào hông quân triều, khiến quân triều hoảng loạn tan rã. Tổng nhung Sùng và Tán lý Quang tử trận. Quân Tây Sơn lại thừa thắng đánh chiếm phủ Quảng Ngãi. Quân triều phải rút về giữ dinh Chàm. Tinh thần quan quân sa sút đến nỗi chỉ cần một tin đồn là cả dinh đã xao xác dợm chạy về Hội An để kiếm đường tháo thân. Triều đình Phú Xuân cuống cuồng cả lên. Nội bộ lục đục đổ lỗi cho nhau. Kẻ hèn nhát thì láo liên tìm đường trốn trách nhiệm. Bọn thất phu rụt cổ như gà gặp cáo. Bọn xu nịnh tìm cách hãm hại những kẻ dám nói thẳng để diệt cả họa gần. Nguyễn Phúc Dục và Nguyễn Phúc Văn bị hãm hại. Việc phòng thủ kinh đô cấp thiết nhưng trong tình trạng tinh thần rệu rã như vậy, Trương Phúc Loan không làm được gì khác hơn là đặt quân canh phòng đèo Hải Vân và nghiêm cấm mọi thông thương giữa Thuận Hóa và Quảng Nam. Việc quan trọng hơn là gửi một đạo quân đông đảo vào nam dẹp loạn giao hẳn cho Tiết chế Nguyễn Phúc Hương. Phải vất vả lắm, Tiết chế Xương mới tập trung đủ số quân cần thiết, và sau nhiều lần trì hoãn vì đủ thứ lý do, đạo quân này xuống thuyền vào trung tuần tháng Mười Hai năm Quí Tỵ (1773). Quân của Tiết chế Xương nghỉ ở Hội An vài ngày để lấy thêm lương thực và bổ sung số lính trốn, đến 21 tháng Mười Hai mới xuất trận. Giáo sĩ Diego de Jumilla, một giáo sĩ đương thời viết trong một lá thư tả trận đánh như sau:

"Ngày lễ Thánh Tôma ngày 21 tháng Mười Hai xem ra là ngày Thiên ý đã định cho chúng tôi sa vào tay quân khởi nghĩa. May sao, hôm đó đạo quân hùng hậu của Chúa ở Hải Phố xuất hành. Đạo quân này có đến năm nghìn người và do một quan anh hùng nhất trong trấn chỉ huy. Hai bên gặp nhau ở phía trong Tiên Đảo vào ngày 22 tháng Mười Hai. Chiều ngày 23, quân Chúa đã chiếm được lũy ngoài. Chiến tranh tiếp diễn qua ngày 24, một lũy nữa bị phá, và quân khởi nghĩa phải lùi. Nhưng ở cánh trái, các quan của Chúa chống với người Thượng bị thua phải lùa cả voi mà chạy. Vị tướng anh hùng kia quay về phía này và ngăn được quân Thượng. Hai bên còn đánh nhau dữ dội suốt cả ngày 25. Quân khởi nghĩa phải rút vào căn cứ cuối cùng rất vững chắc của họ. Họ cầm cự với sức tấn công ba đạo quân của Chúa suốt một ngày rưỡi. Quân Chúa thì một đạo dùng chiến thuyền đánh theo đường thủy, một đạo theo đường bộ đánh về phía núi, đạo thứ ba ở giữa do vị tướng anh hùng kia chỉ huy. Tiếng súng kéo dài đến chiều ngày 26, và ở đây (Tiên Đảo), chúng tôi nghe tiếng súng rất rõ. Vào chập tối 26, một loạt súng từ chiến thuyền bắn vào xuyên qua lũy làm cho viên chỉ huy giỏi nhất của quân khởi nghĩa bị thương ở hông. Quân Chúa không biết việc đó vì lũy cao, nhưng hôm sau tức ngày 27 tháng Mười Hai, khi quân khởi nghĩa đã rút khỏi lũy, họ tìm thấy hai xác nghĩa quân cạnh xác viên chỉ huy danh tiếng nọ, tức là một trong mười tám tướng của phe khởi nghĩa. Quân Chúa thắng, phe nổi dậy phải rút vào Quảng Ngãi. Quân Chúa đuổi theo".

Sau trận thất bại đó, quân Tây Sơn phải rút lui dần về phía nam, còn quân triều thì thừa thắng mau chóng lấy lại được những vùng đất rộng đã mất ở hai phủ Quảng Nam và Quảng Ngãi. Chẳng những thế, mùa xuân năm Giáp Ngọ (1774), Tiết chế Nguyễn Phúc Xương còn mạnh dạn thúc quân vượt Sa Huỳnh vào Tam Quan đưa quân chiếm lấy một vị trí chiến lược quan trọng án ngữ con đường độc đạo qua cái đèo nhỏ thông thương nam bắc là núi Bích Kê. Đích thân Tiết chế Xương, Tổng nhung Thành, Tán lý Thiện và một số lớn tướng sĩ khác trấn giữ ngọn núi hiểm yếu quan trọng này, lập trạm tiền tiêu để chuẩn bị tiến công vào tận sào huyệt của nghĩa quân.

*

* *

Sào huyệt ấy cách núi Bích Kê không xa.

Nhạc đặt bộ chỉ huy tiền phương trong một cánh rừng thưa, ở phía tây nam núi Bích Kê, khoảng cách không đầy nửa ngày đường. Chỗ Nhạc làm việc, ăn, ngủ, tiếp khách là một cái chòi thấp lợp lá, cột và sườn mái đều dùng những cây rừng khẳng khiu không đẽo gọt. Giường là một tấm liếp đan bằng nứa gác trên bốn cây cọc thấp. Bàn ghế là những thân cây cưa ngang cho vừa tầm tay và tầm ngồi. Đồ đạc không có gì ngoài một cái mâm gỗ đặt bốn bát nước không cái nào giống cỡ giống kiểu cái nào, và một cái ấm đất nung chứa nước trà.

Trước chòi lá, hai nghĩa quân cầm giáo đứng gác. Mới hơn ba tháng từ ngày về Kiên Thành mà trông Nhạc đã gầy hẳn đi. Mắt hóp sâu, râu mọc xanh. Cái búi tóc trễ xuống tận vai. Nếu không có đôi mắt sáng quả quyết và tin tưởng thì người ta dễ lầm Nhạc với một bại tướng nào đó.

Buổi sáng hôm ấy, Nhạc đang tiếp Thận.

Anh thợ rèn chuyên trách chế tạo khí giới này hăng hái giải thích các điểm lợi hại của hỏa hổ. Thận đem cây hỏa hổ mẫu cho trại chủ xem xét, vừa chỉ dẫn từng bộ phận vừa nói:

- Dĩ nhiên phải đem theo bùi nhùi. Trước khi xông trận, phải đốt cháy lớp lá trộn dầu rái bên ngoài để sẵn sàng rảy lửa vào địch, chứ chờ đến lúc hỗn loạn ấy mới đốt thì sợ lúng túng không đốt kịp. Còn...

Nhạc ngắt lời Thận hỏi:

- Phải mồi lửa sẵn ư? Như vậy nếu đánh vào ban đêm, nhất là trong trường hợp phải đánh lén hoặc phục kích, e lộ mất. Giữa đêm tối mà đốt đuốc lên, chẳng khác nào làm bia thịt cho chúng bắn.

Thận đáp:

- Vâng. Đó là một điểm yếu của hỏa hổ. Nhưng nếu ta sửa soạn sẵn bùi nhùi cho thật nhạy, thì khỏi cần đốt trước. Hai ba người mang theo một cái bùi nhùi cũng đủ. Tôi quên mất, việc gì phải cần nhiều bùi nhùi. Đốt được một cây rồi, ta mồi các cây hỏa hổ khác không mấy khó. Chỗ tôi lo nhất là cái lẩy này đây. Khi cần đánh địch ở xa, ta bật cái lẩy cò này lên cho nút buộc đoạn côn gắn lưỡi câu bung ra, côn theo đà lao vào địch, còn những giọt dầu rái thì bắn vào đốt cháy da thịt, quần áo chúng. Nếu cái lẩy cò này nhạy, thì mọi việc êm đẹp. Như cái này thì nhạy lắm. Chỉ cần đưa ngón trỏ ẩy nhẹ một chút, như vậy thôi, cái nút buộc đã mở rồi. Nhưng có thể gặp trường hợp do sợi dây nối cái nút và lẩy cò không được trơn, hoặc bị chùng, thì sẽ gặp khó khăn đấy. Tôi sợ nhất trường hợp ấy. Người dùng hỏa hổ thấy trở ngại đâm ra lúng túng, cán hỏa hổ lại dài khó xoay xở. Nhạc hỏi:

- Anh rèn được bao nhiêu cây rồi?

- Dạ được hơn hai mươi cây. Trận này có thể đem ra dùng thử. Có khuyết điểm thì đợt sau ta biến chế lại.

- Nhưng cán nó dài quá. Dùng đánh gần đâu được.

- Vâng, nếu đánh gần thì chỉ cần côn và đoản kiếm. Vũ khí này chỉ dùng khi địch còn ở xa, nhất là khi hai bên dàn trận để xáp chiến với nhau. Có lẽ với voi vũ khí này cũng lợi hại. Voi sợ lửa bắn vào.

- Anh đã thử chưa?

- Mấy con voi chiến mà ta bắt được dữ quá. Bọn quản tượng sợ nó nổi hung, không dám cho thử.

- Anh về bảo lệnh của tôi là chọn voi dữ nhất đem ra thử hỏa hổ. Được chưa?

- Dạ nếu được như vậy thì tốt quá.

- Tôi sẽ gửi ngay cho anh hai mươi quân để anh dạy cho họ cách dùng hỏa hổ. Phải luyện gấp cho thành thạo. Tôi định dùng thử loại vũ khí này để đột kích vào cạnh sườn chúng nó xem sao. Cảm ơn anh nhé. Gắng cải tiến cho gọn và chắc hơn đi!

Vì chưa quen với thuật tiếp khách của người quyền thế là khéo léo thu gọn hoặc cắt ngang câu chuyện lúc nào cần, Nhạc cứ liếc nhìn ra số người đang đứng chờ mình bên ngoài, lúng túng chưa biết phải làm sao cho Thận ra về. Dù Nhạc đã nói "Cảm ơn anh nhé!", Thận cứ chần chừ, hình như có điều gì muốn nói mà chưa lấy đủ can đảm. Nhạc chợt nhớ vụ Hai Nhiều, lấy vẻ buồn rầu bảo Thận:

- À quên, xin chia buồn với anh. Ông Nhật vừa cho tôi hay là đã trừng trị đích đáng hai tên khốn nạn. Bà già đã định thế nào chưa? Về ở với anh chứ?

Chính đó là điều Thận muốn thưa chuyện với trại chủ. Thận do dự một lúc, rồi nói:

- Tội nghiệp con Nhõi nhà tôi. Mất em rồi đến mất cha. Vâng, tôi có biết chuyện đã tìm ra hai tên giết người. Nhưng hình như...

Nhạc mất kiên nhẫn khi thấy Năm Ngạn lấp ló ở cửa chòi muốn vào. Nhạc vỗ vai Thận cương quyết cắt đứt câu chuyện:

- Thôi, anh về nhé. Nội ngày mai, anh cho người lên phủ nhận của ông Vịnh (sau này làm bộ binh) hai mươi quân. Mời ông Năm vào. Ngồi đấy chờ tôi một chút xíu thôi. Nhớ gắng cải tiến cho gọn, nhẹ, và chắc chắn hơn. Có gì gấp không ông Năm?

Năm Ngạn chờ cho Thận ra khỏi, mới bê khúc gỗ dùng làm ghế lại sát Nhạc nói:

- Ôi thôi! Tôi hết kham nổi rồi ông Cả. Ông tìm người khác dùm cho, chứ cái đà này có ngày tôi phát điên lên mất. Nhạc cười, vì quá quen tính Ngạn, thong thả rót nước ra cái bát đã mẻ một góc đẩy về phía khách:

- Ông uống nước đã. Chuyện gì khó thủng thẳng ta tính rồi cũng xong thôi. Nhà tôi có nhắn gì không?

Năm Ngạn cười:

- Có gì đâu mà nhắn! Bả săm soi tối ngày cái cơi trầu chạm nổi ông đem từ phủ Quảng Ngãi về. Bả quên ông rồi. Hà hà! Này, nói đùa vậy chứ coi chừng đấy. Tối hôm qua bả hỏi: "Chỗ thân tình lâu ngày, chú đừng giấu tôi nhé. Chú có biết ổng có đèo bòng bậy bạ gì không?"

Hai người cười vang. Nhạc vỗ vai Ngạn hỏi:

- Rồi ông trả lời thế nào?

Năm Ngạn nói:

- Trả lời thế nào ông biết rồi. Lắc đầu thì không được vì sai sự thực, chết với quỉ thần. Mà gật đầu thì hôm nay chết với ông. Tôi chơi hàng hai.

Nhạc tò mò hỏi:

- Nghĩa là sao? Ông làm tôi sốt ruột quá lắm!

Năm Ngạn đáp:

- Tôi nói: Bà đã đầu gối tay ấp với ổng bao nhiêu năm, chắc chắn hiểu ổng rõ hơn tôi. Tính ổng xưa thế nào thì nay cũng vậy. Không thay đổi.

Nhạc giả vờ giơ tay lên trời hô hoán:

- Ông nói thế có khác nào đem con vô nội. Chết tôi rồi! Nhưng thôi, gác chuyện đàn bà lại, tôi xoay xở với bả sau. Mấy hôm nay tình hình trong phủ thế nào?

Năm Ngạn ngồi ngay ngắn trở lại, nghiêm mặt đáp:

- Càng ngày càng rối rắm. Chung quy chỉ do cái lão đồ gàn. Hết cãi nhau với ông Chỉ lại xích mích với ông Diệm (sau này 1776 làm Sĩ sư). Vừa làm hòa với ông Diệm xong, là quay ra lên giọng thầy đời với ông Bạc (sau này làm Hộ bộ), ông Tân (sau này làm Lại bộ), ông Vịnh (sau này làm Binh bộ).

- Chuyện ông Chỉ với ông Diệm thì tôi đã biết. Còn chuyện xích mích với thằng Vịnh là do dâu?

- Do chuyện bắt lính. Phần đánh nhau ông đã lo hết, Vịnh chỉ lo mỗi cái việc bắt lính mà thôi. Nó phải lo cho xong phần việc của nó, khỏi cần ai phải nhắc. Lo không nổi thì sau này ai dám giao việc. Nó nhỏ tuổi nhưng ai không có lòng tự ái! Thế mà lão đồ gàn cứ ỷ cái bụng chữ nho,nay nhắc việc này, mai nhắc việc nọ. Nó nổi sùng cãi lại. Lão đồ gàn vứt cái đống đơn kiện thưa của bọn lắm chuyện vào phòng thằng Vịnh, hầm hầm bỏ về.

Nhạc lo âu hỏi:

- Họ thưa kiện chuyện gì vậy?

- Thì cũng vẫn cái bọn to mồm thiếu mật. Chúng nó sợ bắt lính, đâm đơn khiếu nại bừa để cầu may.

Nhạc lấy giọng nghiêm trang hỏi:

- Bên trong chắc có nhiều điều phức tạp chứ? Ông thuật rõ xem sao. Ông giữ việc cai quản chuyện điều hành nội bộ trong phủ, giấy tờ gì không qua tay ông! Ông là "Nội hầu" mà! Có đúng người ta gọi chức đó là Nội hầu không?

Năm Ngạn sung sướng ra mặt, nên trả lời một cách trang trọng mạch lạc hơn cho xứng đáng với chức vụ:

- Vâng, cũng có nhiều điều phức tạp trong chuyện trưng binh. Ban đầu Vịnh nó ra lệnh tất cả những ai có tên trong sổ đinh đều phải sung quân. Sự thực là từ lâu do đói kém và cái nạn cường hào, ở nhiều làng số dân xiêu dạt đã lên quá ba phần tư. Chưa kể bọn du thủ du thực nay làm ăn ở chợ này, mai kiếm chác ở bến sông kia, cái tên nhất định còn chưa có huống hồ là sổ đinh. Thành ra người lương thiện thì phải lính, bọn trộm cắp được miễn. Vịnh sửa lại lệnh, truyền tất cả những người có thẻ bài từ mười tám đến năm mươi phải vào lính. Nhưng đâu phải ở đâu cũng làm xong thẻ bài. Vịnh cứ tưởng làng nào cũng đều ổn định xong xuôi như là Kiên Thành. Anh em ở các tổng vội vã xuống phủ than phiền không thể thi hành lệnh được, trong khi ngày nộp lính đã gần kề. Lão đồ gàn bấy giờ xen vào, bày vẽ thêm đủ thứ luật lệ, qui tắc, phân biệt nào những là dân nội phủ với lại dân ngoại phủ... cái gì tử tử (nội phủ vi tử), rồi nào dân chính hộ với dân khách hộ. Cả bọn chúng tôi điên đầu không hiểu lão nói gì.

Nhạc hiểu mấu chốt của vấn đề, nghiêm mặt bảo Ngạn:

- Ông nói như vậy, tôi hiểu. Các ông phải coi chừng. Không, ông hiểu lầm tôi rồi. Không phải coi chừng thầy giáo Hiến, mà coi chừng chính các ông đấy. Bây giờ ta cai quản suốt một giải đất rộng gồm hai phủ Qui Nhơn, Phú Yên, ít lâu nữa, ta cai quản luôn cả hai xứ Quảng và đàng trong. Nhất định phải như vậy, để ông xem. Vừa rồi ta đánh thử ra Quảng Nam, tôi biết thực lực của chúng không ra gì. Chỉ được cái vỏ mà thôi. Thằng Huệ em tôi nó nói đúng, khi so quân triều với quả bí lớn thúi ruột. Vừa rồi trận Quảng Nam ta thua vì anh em người Thượng quen voi mà chưa quen với súng lớn bắn từ biển vào. Họ sợ quá, tưởng ông Giàng nổi giận sai sấm sét phạt họ. Tội nghiệp thằng Mẫm. Tôi ân hận nhất là không đem được xác nó về. Ông đã cấp tiền cho ông Mịch làm lễ tế nó rồi chưa?

- Rồi ạ. Chú Huệ có xin về để dự lễ tế. Chú ấy buồn quá, Thọ Hương (con gái Nhạc) dọn cơm lên chú ấy không cầm nổi đũa. Ông Mịch thì như người mất hồn.

Nhạc nói:

- À, tôi có ý này nói ngay cho ông, để lâu quên đi. Tôi thấy anh em buồn quá, đánh nhau xong chè chén say sưa mất cả tư cách. Tôi định bảo ông Mịch lập một gánh hát cho anh em tiêu khiển. Nhân tiện cho ông bầu gánh Nhưng Huy và ông kép Tứ Linh trở lại nghề ca xướng. Một công mà được cả đôi việc. Ông hiểu ý tôi chứ?

- Vâng. Phải làm thế, để ông Thung...

Nhạc không muốn đem chuyện này ra bàn luận công khai dù là với Năm Ngạn, sợ cái tính xốc nổi của viên “Nội hầu”. Nhạc nói:

- Mải nói chuyện Quảng Nam quên mất việc chính. Lúc nãy tôi nói đến đâu rồi nhỉ. À, tôi nhớ ra rồi. Tôi vừa bảo ông rằng bây giờ ta sắp cai quản gần khắp xứ Đàng Trong, không còn như hồi ở Kiên Thành nữa. Công việc lớn thêm, phức tạp thêm. Không phải chỉ cần muốn là làm gì cũng được. Thiện chí không thôi chưa đủ. Phải có hiểu biết, khả năng. Các ông có thể rành việc trong một xóm, mà không thể biết hết chuyện tổng. Một người từng trải, có học, đã dự vào việc trị nước ở kinh đô như thầy giáo Hiến thật quí giá cho chúng ta. Trời đã dẫn thầy đến chờ sẵn để giúp chúng ta đấy. Các ông đừng tự đại. Cái gì chưa hiểu, cứ tìm thầy mà hỏi. Tôi không biết rõ thầy giáo chỉ bảo thằng Vịnh điều gì, nhưng tôi chắc chắn rằng ý kiến của thầy hợp lý, cẩn thận hơn ý thằng Vịnh. Ông về dặn các ông ấy như vậy. Đó là lệnh, không được cãi.

*

* *

Năm Ngạn vừa tiu nghỉu bước ra khỏi chòi, thì Nhật đến. Nhạc chờ Nhật từ sáng sớm nên vồ vập kéo Nhật vào chòi quên đưa Năm Ngạn đến tận chỗ cột ngựa như mọi lần. Nhật chưa kịp ngồi Nhạc đã hỏi:

- Việc đó ổn chưa?

- Xong rồi. Gạo mắm đã chở đến từng cánh quân. Tôi lo quá, suốt đêm hôm qua không chợp được mắt. Lần này cũng nhờ có thằng Lợi. Nó giỏi xoay xở thật.

Nhạc gật gù, mỉm cười bảo Nhật:

- Phải. Nó là con dao sắc đấy. Người không cao tay thì sợ không dám dùng. Ông với tôi, ha ha, chúng ta khác chứ! Ông nhớ cái chuyển hai kho Càn Dương và Nước ngọt không? Ông Huyền Khê còn lúng ta lúng túng chưa biết tính sao, than ôi là than. Nào thiếu ngựa. Nào thiếu bao. Tôi cho thằng Lợi đến. Chỉ hai ngày là xong xuôi tất. Vụ chuyển kho Quảng Ngãi vừa rồi cũng do Lợi nó thu xếp cả. Đến ông mà cũng quên mất đám tù binh. Chúng nó nem nép, sai gì không làm. Trói chúng nó làm gì cho thiếu dây mà còn phải tốn lính canh. Lợi nó còn ở dưới chỗ ông không?

- Nó vào rồi. Có gì cần kíp không ạ?

- Cũng không gấp lắm. Tôi định bảo nó lấy tất cả quần áo mũ mãng hát bội ta tịch thu được ngoài phủ Quãng Ngãi giao cho ông Mịch. Lập ngay một gánh hát bội cho anh em tiêu khiển. Gần đây tinh thần họ có vẻ sa sút, phải không?

Nhật e dè đáp:

- Vâng. Có sa sút đôi chút. Bọn yếu bóng vía đã nghĩ tới chuyện phải trốn lên Tây Sơn thượng. Đạo người Thượng thì vẫn còn tin là Ông Giàng nổi giận. Tôi phải cho ông Tuyết lấy khẩu thần công tịch thu được bắn thử một phát cho họ xem, họ vẫn nửa tin nửa ngờ. Chuyến này theo ý tôi, nên bố trí cho họ đánh chỗ có núi rừng, đạn pháo không bắn tới được. Chỗ đất bằng thì giao cho đạo các ông Tập Đình, Lý Tài vì họ quen đường biển.

Nhạc vội hỏi:

- Ông có mang bản đồ vùng núi Bích Khê đến không?

Nhật rút tờ giấy xếp gọn từ trong bọc áo ra, trải lên cái bàn tạm. Nhật trỏ vào bản đồ giải thích:

- Hiện chúng nó đang đóng ở sườn núi này. Đây là sông Lại Giang. Đường chỉ nhỏ này là đường mòn qua Đồng Dài để lên núi, chỗ này có một ngã rẽ có thể xuống Vĩnh Thạnh nhưng đường đi gai góc hiểm trở lắm. Đèo Phú Cũ ở đây, ngay sát chỗ sườn núi chúng nó đóng quân. Tên tiết chế này dày dạn chiến trận nên cho đóng quân sát cạnh đèo, quyết chận đường độc đạo thông thương nam bắc. Có điều tôi chưa hiểu, là tại sao hắn chọn một hiểm địa như vậy để đóng quân. Phía sau là sườn núi dốc đứng, phía trong hắn biết chắc có ta rồi. Nếu muốn rút lui, chỉ có con đường đèo nhỏ và hẹp. Hay hắn biết tinh thần binh sĩ của mình xuống thấp quá, phải dùng cái kế qua sông chặt cầu để quân lính chỉ còn con đường phải liều chết tiến tới.

Nhạc hỏi:

- Có thể hắn còn cho quân mai phục ở nơi khác?

- Không có. Bao nhiêu tướng sĩ dồn cả vào chỗ sườn núi này thôi, hắn quyết làm cái nút chặn. Hắn quên chúng ta là dân rừng rú, vô ra đâu cần đường quan!

- Doanh trại của chúng ta thế nào?

- Những dấu chấm này là chỗ chúng ta đóng quân. Chỗ có vòng tròn này là bản doanh của tên Tiết Chế.

Nhạc suy nghĩ một lúc, rồi hỏi Nhật:

- Nếu ta dẫn quân đi vòng theo đường núi đỏ xuống Đồng Dài, rồi tiến cho giáp sông Lại Giang ở chỗ này này, thì cần bao nhiêu ngày?

Nhật nhẩm tính một lúc lâu mới dám trả lời:

- Khoảng ba ngày.

- Được rồi. Anh đã báo cho ông Thung biết chiều nay ta họp các đội trưởng chưa?

- Dạ có.

- Chính ông Thung đi dự họp chứ?

- Vâng, tôi có căn dặn kỹ lắm.

- Tốt. Ta cứ theo kế đó mà bàn. Ông nhắn thằng Lợi chuẩn bị sẵn đồ khao quân đi.

Nhật chợt nhớ một điều quan trọng chưa báo cáo, rụt rè nói:

- Lần này chúng nó mạnh hơn lần trước nhiều lắm. Tên Tiết Chế quen việc binh, chứ không như tên Bố Chánh Quãng Ngãi. Vả lại, hắn đem những trên bốn mươi con voi chiến vào giữ đèo.

Nhạc hỏi:

- Ông có bao nhiêu voi?

- Khoảng trên bốn mươi con.

Nhạc cười ha hả, chế giễu vẻ lo âu của Nhật:

- Chưa gì đã sợ voi chà rồi à? Chúng càng có nhiều voi càng tai hại. Ông thử tưởng tượng xem. Cái truông hẹp đó, bốn mươi con voi xếp hàng ngay ngắn đi qua mất bao nhiêu thì giờ? Còn lối cho bọn lính chen chân không? Huống chi trong cảnh hỗn loạn, nào voi, ngựa, quân, tướng chen nhau thoát thân qua cái lối hẹp! Tiếc nhỉ, nếu chúng đem thêm vài chục con voi nữa cho đủ trăm thì ta một nửa quân số về Qui Nhơn lo tiệc khao trước. Tiếc quá đi mất!

*

* *

Nguyễn Thung được Nhạc cho toàn quyền lựa chọn các toán quân tinh nhuệ nhất để tấn công đạo quân triều đình ở núi Bích Khê, và được trọn quyền chỉ huy. Kể cả cái quyền tiền trảm hậu tấu. Nhạc nói với các đội trưởng:

- Một lần nữa đệ nhị trại chủ sẽ chứng tỏ cho các anh thấy tài ba của ông. lần trước các anh đến chậm nên chưa tận mắt chứng kiến đệ nhị trại chủ lấy thành Qui Nhơn dễ dàng kỳ diệu như lấy đồ chơi trong túi. Tôi thấy làm tiếc cho các anh. Đánh trận dưới quyền một vị chỉ huy giỏi khác hẳn với cảnh cực khổ vất vả vì phải nghe những hiệu lệnh rồi. Đây là cơ hội tốt cho các anh học hỏi. Đừng bỏ qua dịp may đó.

Nguyễn Thung vừa hãnh diện vừa lo âu trước quyền hạn và trách nhiệm vượt quá mong ước bấy lâu. Ông được quyền lựa chọn tướng sĩ ư? Chọn ai đây? Chọn toán nào? Các toán quân Tuy Viễn thân tín đã bị phân tán đi khắp các đội. Tập Đình và Lý Tài không tin được nữa, dù sau bốn tháng thử thách, chưa có đội nào xông xáo và hữu hiệu cho bằng đội quân ở trần gióc tóc ấy. Thung chưa quên Lý Tài đã về dự họp ở Kiên Thành, còn Tập Đình thì án binh bất động ở ngoài phủ Qui Nhơn chứ không chịu vào thành phối hợp với quân Tuy Viễn. Đạo quân người Thượng chắc chắn chỉ nghe lời Nhạc vì có mối quan hệ mua bán ân nghĩa từ thời buôn nguồn. Cuối cùng chỉ còn lại các toán người nam của Tuyết, Lộc, Tuyên, Dũng (Võ Văn Dũng), Diệu (Trần Quang Diệu) và Sở (Ngô Văn Sở). Nguyễn Thung chỉ tin được Dũng, Diệu và Sở vì ba đội trưởng này mới gia nhập vào nghĩa quân gần đây, sau khi Nhạc đã về Kiên Thành.

Qua một đêm suy tính, Nguyễn Thung xin Nhạc cho dùng các đội của Tuyết, Dũng, Diệu và Sở. Đệ nhị trại chủ ghét cái mặt đăm chiêu lạnh lẽo của Lộc, và ngại người em ruột thịt của Bùi Văn Nhật (Bùi Đắc Tuyên). Thung biết mình ở vào thế cưỡi cọp, nên quyết định một ăn cả ngã về không. Ông chọn những nghĩa quân mạnh khỏe gan góc nhất sung vào đội xung kích chỉ dùng dao găm và mã tấu đánh xáp lá cà. Toán thứ hai dùng voi ngựa và phô trương đầy đủ cờ phướn để nghi binh. Toán thứ ba là toán hậu bị chờ tiếp ứng và vận lương. Thung cho mở trận tấn công từ tờ mờ sáng. Quân lính hai bên dàn thế trận hai bên truông đánh nhau suốt ngày vẫn chưa phân thắng bại. Thanh thế toán nghi binh không đủ để đánh lừa viên Tiết Chế nhiều kinh nghiệm chiến trường. Thung nóng ruột đích thân cầm dùi gióng trống thúc quân, nhưng đàn voi trận của quân triều dữ tợn quá, các toán xung kích không thể mon men đến gần được. Từ trên sườn núi, quân triều bắn tên qua như mưa, nếu không nhờ những gốc cây và lá chắn đan bằng nứa thì số thiệt hại của quân Tây Sơn còn cao hơn nữa.

Chiều tối, Thung cho lệnh thu quân, sáng hôm sau kéo dài cuộc chiến đấu vô vọng thêm một buổi nữa mà vị trí quân triều trên núi Bích Kê vẫn không hề hấn gì. Thung đành truyền lệnh rút quân, sau khi cho toán hậu bị đào hầm hố chờ cản đường địch truy kích.

Nhạc gặp Nguyễn Thung vỗ về, an ủi:

- Chúng không dám truy kích tức là còn nể mặt ông. Còn tôi đấy hả? Chính tên Tiết Chế Nguyễn Phúc Xương này đuổi tôi chạy dài một mạch từ dinh Chàm về Bích Kê. Bao nhiêu công lao khó nhọc đổ xuống sông xuống bể hết. Tôi sẽ gặp anh em khuyên họ đừng nản chí. Thua keo này ta bày keo khác. Nói cho đúng thì chưa thua keo này ta đã chuẩn bị bày keo khác rồi. Tôi vừa tiễn hai đạo Trung nghĩa quân và Hòa nghĩa quân đi tối hôm qua. Sáng nay đến lượt đạo quân người Thượng của Y Dút (?). Keo này ông lo giùm cho tôi mặt nam, chuẩn bị tiếp ứng. Nhận nhé!

Nguyễn Thung không thể làm gì khác hơn là buồn bã gật đầu.

*

* *

Trong khi quân triều còn say men chiến thắng, Tập Đình, Lý Tài đã theo đường rừng qua Đồng Dài, xuống sông Lại Giang, mai phục để chận đường về của quân triều ở Bồng Sơn. Nguyễn Thung thì phục binh ở phía nam núi Bích Kê để chờ tiếp ứng như đã hứa với Nhạc. Phần trại chủ dẫn hai toán của Bùi Đắc Tuyên và Nguyễn Văn Lộc men theo rừng phối hợp với toán người Thượng của Y Dút làm mũi chủ công.

Rút kinh nghiệm xương máu ở Quảng Nam, Nhạc tận dụng khả năng di chuyển mau lẹ và quen thuộc với địa thế gập ghềnh cây cối chằng chịt của toán quân Thượng. Hai toán người nam của Tuyên và Lộc trang bị tên lửa, hỏa hổ và giáo mác chờ sẵn ở phía bắc đèo Phú Cũ (?).

Chờ đến giờ Tuất (9 giờ tối), Nhạc ra lệnh toán quân Thượng đột kích quân triều trên sườn núi Bích Khê. Bị đánh bất ngờ, quan quân hoảng hốt ùa nhau chạy toán loạn. Voi, ngựa, tướng, sĩ chen nhau vào cái truông hẹp để chạy về phía Tam Quan, voi dẫm lên người, người chém người để tranh đường sống. Số thoát được ra khỏi truông chưa kịp mừng đã bị hỏa hổ và tên lửa đốt cháy, tiếng kêu khóc la hoảng vang xa qua mấy sườn núi. Về phần Tiết Chế Nguyễn Phúc Hương chạy bộ suốt đêm mới tới được Bồng Sơn vào sáng hôm sau. Quan Tiết Chế vào nhà một thường dân xin cho ăn uống.

Chưa ăn xong bát cơm, toán Trung nghĩa quân chừng hai mươi người đã xông vào nhà dùng giáo đâm quan Tiết Chế suốt từ ngực ra sau lưng. Đạo quân của Tiết Chế Nguyễn Phúc Hương ở núi Bích Khê coi như đã bị hoàn toàn tiêu diệt, trong vòng có một đêm! Đêm đầu tháng Hai năm Giáp Tý (1774).

Tin đạo quân đông đảo tinh nhuệ hơn một nghìn sáu trăm người của quan Tiết Chế bị tiêu diệt hoàn toàn bay nhanh ra bắc vào nam. Cả một hệ thống chính quyền và bộ máy phòng thủ lung lay, tự nó rệu rã trước khi quân Tây Sơn đến. Mà nghĩa quân thì thiếu ngựa khỏe, đa số phải đi chân đất để giải phóng các vùng phía bắc Sa Huỳnh và phía nam vịnh Xuân Đài. Cho nên phải bảy ngày sau đạo quân chân đất ấy mới đủ thì giờ trở lại Quảng Nam lần thứ hai, và lấn sâu vào nam đến Bình Thuận. Sau trận Bích Khê lịch sử, thanh thế Tây Sơn lẫy lừng khắp đàng trong từ nam ra đến bắc.