Sông Côn Mùa Lũ - Chương 34

Khoảng cuối tháng Bảy năm Ất Mùi (1775), sau khi được Hoàng Ngũ Phúc phong cho chức hàm Tây Sơn trại trưởng hiệu Tráng tiết Tướng quân, Nhạc đã khá yên tâm về mặt bắc. Bùi Văn Nhật thu được những nguồn tin đáng mừng: Quân Trịnh vẫn đóng ở Châu Ổ Quảng Ngãi, không có dấu hiệu chuẩn bị để tiến sâu về nam. Chẳng những thế, có nhiều dấu hiệu Hoàng Ngũ Phúc muốn rút quân về phía bắc. Quảng Nam đang có bệnh dịch, chiến sĩ có quá nhiều người bị ốm, tinh thần quân lính rời rã, bải hoải. Đã thế dường như có bất đồng ý kiến giữa Việp quận công với những cộng sự viên như hiệp tán đại tư đồ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, Tùy sai Nguyễn Lệnh Tân, Dĩnh võ hầu Nguyễn Đình Đống. Phái trẻ thì muốn đóng quân, lập cơ sở chính quyền trên các phần đất chiếm được, nghĩa là nhất định không rút khỏi Châu Ổ. Phái trung dung muốn lui về củng cố Quảng Nam. Ý kiến tối hậu vẫn là của Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc. Như một con ngựa chiến già chồn chân muốn yên nghỉ trong tàu ngựa cũ, Hoàng Ngũ Phúc chỉ muốn được cởi giáp, tháo yên cương mà về ngắm hoa. Ông có cảm giác xao xuyến của người sắp bỏ cuộc, dùng dằng giữa núi việc bề bộn trước mắt chưa biết tin ai để giao phó, và ý định buông thả hết mà về dưỡng già. Dẫn một đạo quân đông đảo đến giữa nơi tranh chấp, xa lạ, hoang dã, bệnh tật, bỏ mặc bao nhiêu số phận cho may rủi để tìm chỗ an nghỉ, viên tướng già cảm thấy bất nhẫn. Ít ra phải đưa họ về chỗ an toàn, trước khi từ nhiệm. Như thế thì lương tâm yên ổn hơn! Cho nên từ tháng Bảy Ất Mùi (1775) đã có nhiều lời đồn đãi ở Châu Ổ là thế nào quân Trịnh cũng rút về bên kia đèo Hải Vân. Lòng quân nôn nao, chỉ chờ được trở về quê nên tin mừng loan truyền mau chóng, đi đâu cũng nghe bàn luận sôi nổi. Bùi Văn Nhật lấy được tin dễ dàng nhờ thế! Khỏi phải dồn lực lượng để ứng chiến với quân Trịnh, Nhạc bắt đầu tính kế đánh phủ Phú Yên của Tống Phúc Hợp. Ông đích thân xuống Cù Mông thảo luận kế hoạch với em.

Nhạc phải vui mừng kinh ngạc trước một đội ngũ hăng hái và trật tự như vậy. Quá quen với những đạo quân liều mạng hỗn độn của Tập Đình, Lý Tài, Nhạc ngỡ ngàng khi thấy cách tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, phong thái tự tin và trầm tĩnh của hầu hết tướng sĩ dưới quyền Huệ. Nhạc hỏi em đã giao vai trò mũi xung kích cho toán quân nào? Huệ chỉ toán quân của Sở, lúc ấy đang tập sử dụng hỏa hổ trước bản doanh. Nhạc thấy họ trẻ tuổi và hiền lành quá, lo lắng hỏi:

- Liệu có kham nổi không? Trước đây bao giờ anh cũng giao mũi này cho quân hai ông Tập Đình, Lý Tài. Lần này nếu em cần, có thể dùng số Hòa nghĩa quân còn lại trên phủ. Họ được rỗi lâu quá rồi, suốt ngày chỉ uống rượu.

Huệ vội từ chối:

- Em không cần đến bọn ấy. Em tin tưởng hoàn toàn vào toán xung kích của anh Sở. Kế hoạch của em thế này, anh xem thử có được không.

Hai anh em bàn thật kỹ về từng điểm nhỏ, và sự hăng hái có cơ sở, sự liều lĩnh có tính toán của Huệ cuối cùng thuyết phục được Nhạc. Nhạc vỗ vai em bảo:

- Thôi, tùy ý "chú" (lần này Nhạc cố dùng chữ chú để thay cho chữ em, vì nghĩ vai trò mới của Huệ bắt buộc phải vậy). Nên nhớ trận này cũng quan hệ đến chúng ta như trận Bích Khê. Nếu thua nữa, ta còn mặt mũi nào mà nhìn tướng sĩ! Gần suốt một năm nay chỉ thua! Chú nhớ nhé! Phần anh sẽ cho thảo ngay bức thư trá hàng. Gần đây có ông đồ nào không?

Huệ lắc đầu. Nhạc nói:

- Thôi được. Cần gì văn hoa. Mình dùng lời lẽ càng nôm na bao nhiêu, hắn càng cả tin bấy nhiêu. Chú cứ thảo đi, anh đọc lại, cho chép cẩn thận rồi sai người đem xuống sông Cầu. Ngày mai anh về lại Qui Nhơn.

Huệ giao việc thảo thư cho Lãng. Lần đầu được góp phần vào việc tạo dựng một biến cố lịch sử, Lãng hãnh diện đến ngây ngất. Anh soạn lá thư quá dài. Huệ góp ý cắt bớt những phần thừa và rườm. Bức thư thu gọn một trang giấy, lời lẽ khiêm nhường mà không hèn nhát, hòa hoãn mà vẫn tự chủ, kết hợp đầy đủ lý và tình. Khi Nhạc lên ngựa xuống đèo Cù Mông trở về phủ Qui Nhơn, tất cả mọi việc chuẩn bị đánh phủ Phú Yên đã hoàn tất.

*

* *

Trừ triền núi phía nam của dãy Cù Mông thả tầm mắt nhìn xuống đã thấy đồng bằng Đồng Xuân trải dài giữa những ngọn núi trọc và vũng Xuân Đài. Dinh phủ Phú Yên đóng tại sông Cầu, sát ngay bên bờ biển. Từ Cù Mông đến phủ chỉ cách nửa ngày đường. Cho nên Huệ cho toán xung kích giả dạng làm người bán củi, hoặc người buôn quế xuống sông Cầu trước, hẹn nhau sẽ tập trung lại ở một điểm tập kích gần dinh. Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng dẫn hai đạo quân người Thượng theo đường rừng ém sẵn ở các dãy núi trọc phía tây. Cả hai cánh quân đều không dàn trận theo hàng ngang, mà dồn hết lực lượng làm mũi chủ công, khi có lệnh thì đánh thẳng đến mục tiêu, bỏ qua những đồn trại quân Nguyễn ở hai bên sườn. Huệ chủ động đánh thật mau thật mạnh để chiếm dinh Phú Yên, và khi phủ đã mất, các đồn trại của địch còn lại đang hoang mang, thì mới cho quân tỏa ra để thanh toán nốt. Huệ thấy trận Cẩm Sa vừa rồi ở Quảng Nam sở dĩ thua là vì Nhạc đã cho dàn lực lượng đối mặt với quân Hoàng Ngũ Phúc, lại kéo dài chiến trận quá lâu, nên quân địch tận dụng được sở trường về ưu thế vũ khí và chiến thuật của một quân đội chính qui, trong khi nghĩa quân bỏ mất sở trường là lối yểm kích. Những điều này Huệ có đem ra thảo luận với anh, và Nhạc phải nhận em nghĩ đúng.

Kể về số lượng và trang bị thì đội quân Tống Phúc Hợp ở Phú Yên không kém thua đội quân Hoàng Ngũ Phúc bao nhiêu. Tin tức thu lượm được cho biết Tống Phúc Hợp có hai vạn quân (Trinhh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí). Huệ không tin ở con số phóng đại ấy, vì cả phủ Phú Yên dân số khoảng trên mười bốn nghìn, trừ các xã thuộc nội phủ không phải lính trên mười nghìn, dân bản phủ thực phải chịu lính không hơn bốn nghìn. Dù Hiệp có đem quân ngũ dinh ra tăng cường cho Phú Yên thì cũng không thể vượt quá số dân đinh toàn phủ. Vả lại binh nhiều chưa chắc đã mạnh. Vấn đề còn tùy thuộc vào cách bố trí phòng thủ. Tống Phúc Hợp đóng bản doanh tại sông Cầu, lập hai cứ điểm bảo vệ cho phủ, một ở Xuân Đài do bộ binh đóng giữ, một ở vũng Lấm do thủy binh đồn trú. Như vậy Tống Phúc Hợp tin rằng mặt phía tây đã có các dãy núi làm bức thành vững chắc, chỉ cần lo ứng phó mặt bắc áp sát Cù Mông và mặt đông. Lá thư trá hàng của Nhạc đã phần nào khiến Hiệp kiêu hãnh, việc canh phòng có trễ tràng. Toán xung kích lần đến gần thành, họp nhau ở điểm hẹn mà quân canh phòng vẫn chưa thấy điều gì thất thường. Nhìn về phía Cù Mông, họ vẫn thấy quân Tây Sơn án binh bất động. Tống Phúc Hợp an tâm. Cho đến lúc đột ngột quân Tây Sơn xông vào thành thì Hiệp không còn có thì giờ trở tay nữa. Quân Nguyễn kinh hãi vừa kéo ra ứng chiến đã hoảng hốt, tan rã nhanh chóng. Tướng Nguyễn là Nguyễn Văn Hiền bị tử trận. Cai cơ Nguyễn Khoa Kiên bị bắt sống. Tống Phúc Hợp chỉ có đủ thì giờ cùng một vài người thân tín liều lĩnh mở đường máu rút chạy vào nam.

Nghe tin Phú Yên thất thủ, trấn thủ Bình Khang là Bùi Công Kế đem quân theo đường núi ra tiếp cứu cho Phú Yên. Huệ cho quân tiến đánh, bắt sống được Kế. Tống Văn Khôi lại đem quân từ Khánh Hòa tiến ra. Huệ đánh bại toán quân cứu viện này ở Ba Ngòi,Tống Văn Khôi chết trận (Đại Nam liệt truyện tiền biên). Trong vòng không đầy mười ngày, Huệ đã chiếm lại toàn phủ Phú Yên. Chiến công lẫy lừng đó lần đầu tiên làm chấn động trong nam ngoài bắc, xác nhận tài năng của một viên tướng Tây Sơn trẻ tuổi vừa mới hai mươi ba. Những viên tướng Tây Sơn từng vào sinh ra tử ở mặt trận phía bắc như Tập Đình, Lý Tài, Nguyễn Thung, Phong, Hãn chỉ còn là những bóng mờ. Ngôi sao Nguyễn Huệ bắt đầu chói sáng suốt chiều dài lịch sử từ năm Ất Mùi cho đến lúc Huệ lìa đời.

*

* *

Mấy ngày nay cả phủ Qui Nhơn lên cơn sốt. Cây cối, chim chóc, nhà cửa, sông núi như bừng dậy, xốc áo đứng lên hòa nhập vào cái rộn rã chung. Nắng cuối hạ không còn mầu sắc chói chang, đằm thắm mát dịu mời gọi mọi người ra đường. Từ ông già bà lão cho đến trẻ nít, người nào cũng xôn xao tở mở, chạy khắp đầu làng cuối xóm nghe tin chiến thắng. Những người lính được về phép quần áo còn nhầu nát, tóc tai bù xù, mắt trõm vì mất ngủ, trở thành những nhân vật thần thoại được mời mọc, săn đón, thăm hỏi, ái mộ khắp nơi. Họ đi đến đâu cũng có người bu quanh để bắt kể chuyện chiến thắng. Được dịp cho họ thêu dệt trận yểm kích Phú Yên thành một lô chuyện ly kỳ, gần như thần thoại. Người nghe há hốc miệng thán phục, rồi câu chuyện kể chuyền khắp nơi, qua một chặng lại thêm một mức ly kỳ. Cuộc chiến đấu giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân Tống Phúc Hợp dần dần trở nên một cuộc thử thách gay go giữa cái thiện và cái ác, giữa tuổi trẻ và già nua, giữa kẻ bị chèn ép và bọn tham quan, giữa đẹp và xấu, giữa tất cả những gì thuộc về ánh sáng chống lại bóng tối ủ dột mê ám. Những lời thêu dệt ấy, lạ thay, vẫn cuốn hút được người trong cuộc như ông giáo. Ông còn lạ gì đứa học trò thông minh của ông. Nhưng nghe thiên hạ tô điểm Nguyễn Huệ thành một thứ Thạch Sanh chém chằng, ông vẫn thích thú.

Ông quên đang phải sống trong cảnh cô lập. Ông chạy khắp nơi để nghe ngóng tin tức, thu thập các mẩu chuyện ly kỳ. Những người quen biết từng e ngại xa lánh ông cũng quên hết mọi dè dặt. Lòng người trở nên độ lượng rộng rãi. Người ta chào nhau bằng nụ cười không hậu ý, vồ vập nhau như những bạn cố tri cùng tìm được một thứ hạnh phúc trọn vẹn. Mối khi nghe thêm được một tin vui, ông tìm cho được một người nào đó để kể lại. Thường thì ông về nhà tìm con gái. Chưa có thời kỳ nào An hạnh phúc như vậy. Cô thấy cha trẻ hẳn, hai má đỏ hồng khi phấn khởi, ánh mắt rạng rỡ. Bệnh ho tự nhiên dứt hẳn dù ông giáo nói luôn miệng. Đôi lúc An phải can cha:

- Ngoài đường người ta đi lại tấp nập, bụi bay mù mịt, cha thấy không. Đã thế cha lại không mang nón. Khi hôm con chờ cửa, quá giờ cơm tối cha vẫn chưa về. Xin cha lo cho sức khỏe.

Ông giáo cười, âu yếm nhìn con gái, nói:

- Không sao đâu. Làm sao có thể ru rú trong nhà giữa lúc này. Con biết không, người ta đồn rằng đích thân Huệ cũng giả làm anh buôn quế, vào tận dinh Tống Phúc Hợp để bán thứ quế tốt nhất. Tống Phúc Hợp tiếp Huệ mà không e dè gì cả, còn dặn chuyến sau nhớ mang nhiều hơn nữa, giá bao nhiêu cũng mua. A ha! Con biết không...

Cứ như vậy, sau ba tiếng "Con biết không", ông giáo lại vui vẻ kể cho con gái nghe một tin đồn ly kỳ về Huệ. An lắng nghe những chuyện huyền hoặc, uống từng lời như mật ngọt. Đôi lúc An chen vào hỏi:

- Nhưng cha có nghe chừng nào họ về đây không cha?

Ông giáo liền lấy giọng nghiêm khắc gạt đi:

- Về sao được! Lấy xong phủ còn khối chuyện phải làm. Chiếm được phủ Phú Yên đã khó, mà ổn định được phủ để chúng nó không dám trở lại càng khó hơn. Con biết không, người ta đồn rằng...

An không vừa, cắt lời cha:

- Con nghe nói trại chủ đã cử Lý tiên sinh vào trấn giữ Phú Yên rồi mà. Hôm qua chính anh Chinh cũng nói thế. Anh ấy đang lo chuẩn bị để vào Phú Yên.

Ông giáo cương quyết giữ ý kiến của mình:

- Dù đạo quân của Lý Tài có vào giữ sông Cầu công việc vẫn chưa xong. Cha nghe nói Việp quận công đã phong cho Huệ tước Tiên phong Tướng quân và chuẩn bị rút quân về Phú Xuân. Nếu thực sự như vậy, nhiệm vụ của Huệ nặng lắm. Không thể đóng yên một chỗ như lâu nay đóng ở Cù Mông đâu.

An quên cả dè dặt, mắt mơ màng, thì thầm:

- Ước gì anh ấy về đây vài hôm, để nghe chính anh ấy kể chuyện. Con nghe thiên hạ nói về anh ấy như kể chuyện đời xưa.

Ông giáo quay lại nhìn con, bắt gặp khuôn mặt mơ màng, say đắm, như không còn liên hệ gì đến cuộc sống thực. Tự nhiên lòng ông đau nhói. Ông e ngại liếc nhìn con lần nữa, thầm nghĩ: "Không biết nó có thấy trước tình cảnh tuyệt vọng hay không? An ơi, chắc con sẽ đau khổ lắm, nhưng cha không nỡ lay tỉnh con. Hãy cứ mơ mộng, hãy cứ hy vọng, làm như không còn gì trắc trở rủi ro trên đời, hỡi An yêu dấu của cha".

*

* *

Càng nghĩ ngợi, ông giáo càng thấy lòng nặng trĩu.

Trong cơn say kiêu hãnh vì chiến công hiển hách đầu tiên của đứa học trò yêu, ông giáo đã quên nhiều điều.

Ông hãnh diện vì Huệ đã lĩnh tước phong của Hoàng Ngũ Phúc, quên mất rằng đấy chính là điều ông lo âu nhất. Ông từng mơ ước một Đàng Trong giàu có, thịnh trị, trên có vua sáng, dưới có tôi hiền. Một trong những tôi hiền dĩ nhiên là ông. Và các đấng minh quân chắc chắn không ai khác hơn là những ông hoàng trong họ Nguyễn Gia Miêu. Thời thế có đổi thay, đôi lúc bọn tham quan cỡ Trương Phúc Loan có khuynh loát triều chính, nhưng ông giáo không thể chấp nhận một ai khác ngoài họ Nguyễn Gia Miêu có đủ chính nghĩa và thiên mệnh để lên ngôi vua. Ông căm ghét Trương Phúc Loan, xem thường Duệ Tôn, nhưng đặt hết hy vọng vào hoàng tôn Dương. Đến khi quân Trịnh chiếm được Phú Xuân, ông lại nghĩ đến cái thế liên hiệp giữa ba lực lượng Đàng Trong là quân ngũ dinh, Tây Sơn và Đông cung Dương để chống quân xâm lược Bắc hà. Nguyễn Phúc Chất trốn đi làm đổ vỡ tất cả hy vọng của ông. Ông bị đẩy ra ngoài guồng máy hành động, ông bị cô lập, bị nghi ngờ. Ông còn ráng chịu đựng được cuộc sống hiu quạnh lạc lõng, chỉ vì còn hãnh diện rằng cho đến phút chót, tự mình xét mình, ông vẫn hoàn toàn trung thành với Chúa Nguyễn. Ông đã sai quấy, mừng rỡ khi nghe tin Huệ trở thành viên tướng biên phòng của nhà Trịnh. Ông tự trách mình hời hợt, nhẹ dạ, để cho tình cảm riêng tư lôi cuốn đi xa con đường chính.

Ông giáo lại liếc mắt nhìn con, An vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, mắt nhắm lại, miệng mỉm cười, khuôn mặt bàng bạc một vẻ ngây ngất say dại. Ông vội quay mặt đi không dám nhìn con, vì thấy rõ tất cả cái mong manh phù phiếm của nỗi ngây ngất ấy. Ông nghĩ:

- Tại sao con không thấy: Huệ càng trở nên nhân vật quan trọng, trở nên linh hồn, cột trụ của phong trào Tây Sơn thì hy vọng hạnh phúc của con càng mong manh, hở An. Không phải là lỗi của con đâu! Cha biết khắp phủ Qui Nhơn này không có người con gái nào xứng đáng với Huệ bằng con. Không ai đẹp đẽ thông minh, nhất là đam mê thương yêu Huệ bằng con gái của cha. Nhưng trở ngại lớn nhất cho mối tình của con là cha. Phải, chính cha đã không cho con toại ước. Con nghĩ mà xem, trước đôi mắt mọi người, cha là một người cương quyết trung thành với nhà Nguyễn, từ trước đến sau hăng hái hô hào tôn phù hoàng tôn. Bây giờ chiều hướng lịch sử đã thay đổi. Trại chủ đã cương quyết quản thúc Đông cung, và sẵn sàng lãnh ấn tiên phong của nhà Trịnh để tiêu diệt nhà Nguyễn. Cha trở thành một kẻ khả nghi. Nếu trại chủ chưa mạnh tay như đã mạnh tay với Nguyễn Phúc Tịnh, có lẽ chỉ vì ông còn nghĩ đến tình nghĩa sâu đậm của thời khởi dấy, còn nghĩ đến những ngày An Thái. Huệ trở thành cột trụ của Nhạc, đã lãnh ấn tiên phong tướng quân để vào nam chinh phạt. Làm sao trại chủ có thể cho phép Huệ làm hại thanh danh của mình vì cuộc hôn nhân với con gái một lão đồ già, một kẻ khả nghi đang bị quản thúc nghiêm ngặt và kín đáo. Con nghĩ mà xem, có thể còn chút hy vọng nào không? Phải là một kẻ phi thường mới có thể vượt khỏi những ràng buộc khắc nghiệt của hoàn cảnh! Huệ có đủ can đảm dứt bỏ hết, đạp lên trên thị phi để đến với con không, hở An? Cha không dám tin ở điều phi thường. Vả lại nếu Huệ thực sự can đảm hy sinh cho điều phi thường, thì có lẽ đó là cái gì cao hơn, xa hơn chuyện vợ chồng. Cha nhìn vào ánh mắt diễu cợt khinh bạc của Huệ để đoán như vậy. Con có bao giờ khám phá điều đau lòng ấy không, hở An?

*

* *

Chinh theo Lý Tài vào Phú Yên thì cảnh nhà ông giáo trở lại quạnh hiu như trước. Sau thời gian say men chiến thắng, mọi người trở về với thực tế của đời sống, và bắt đầu xa lánh ông giáo. Cửa trước lại đóng, hai cha con lại rình nghe tiếng thở dài của nhau.

Cho đến một hôm Nhạc đột ngột mời ông giáo lên dinh có việc. Nhờ đã chuẩn bị chờ đón mọi bất ngờ, nên ông giáo không lo sợ. Ông chỉ tò mò.

Nhạc tươi cười vồn vã tiếp ông trong căn phòng rộng trang hoàng màn trướng sang trọng, xa xỉ. Những bức trướng không đúng kích thước cửa sổ đã được thay thế. Cả bức màn gấm giăng ngang sau lưng Nhạc cũng được đổi mới. Mầu sắc của bàn ghế, màn trướng hòa hợp tinh vi, tỏa ra không khí mát dịu, đẹp mắt. Nhạc ra tận cửa để đón ông, cười hỏi hớn hở:

- Lâu ngày quá không được gặp thầy. Vẫn mạnh chứ ạ? Thế nào,hộp nhân sâm thầy dùng thử có công hiệu không?

Ông giáo hơi ngỡ ngàng, ấp úng đáp:

- Vâng, công hiệu lắm.

Nhạc cười ha hả, nói đùa:

- Công hiệu lắm thì dễ sinh điều nguy hiểm. Nhất là các ông góa vợ. Nhưng cái bệnh ho đã dứt tuyệt rồi chứ?

Ông giáo thấy ngứa cổ, ho một tiếng rồi đáp:

- Lâu lâu vẫn vậy. Bệnh già mà ông cả!

Chờ cho ông giáo ngồi xuống cái ghế bọc gấm, Nhạc hỏi:

- Mấy hôm nay thầy "đóng cửa tạ khách" có nổi không?

Ông giáo e dè nhìn Nhạc, sợ câu hỏi có giấu những cái lưới sẵn sàng chụp lên đời ông. Ông giáo suy nghĩ một lúc mới đáp:

- Bên ngoài rộn ràng quá, tôi không ngồi yên được. Gần như cả phủ bước vào mùa hội.

Nhạc cười thỏa mãn:

- Đúng lắm. Cả phủ đang mở hội. Có thế chứ! Sau mấy trận thất bại vì bọn lưu manh hèn nhát, phải đến lúc chúng nó giật mình thấy rõ thực lực của Tây Sơn. Đâu cần chờ đến tuổi chín chắn. Kẻ địch là một lão tướng dày dạn kinh nghiệm, am hiểu chiến trường. Bên phía chúng ta, một thằng con nít hai mươi ba tuổi! Ha ha! Chúng nó đã sáng mắt ra chưa. Ngay cả lão Lý Tài cũng chờ tin thất trận để cười vào mặt tôi. Thầy chưa thấy nét mặt lão khi lính trạm về báo tin đã lấy được Phú Yên. Lão cười không ra cười, mếu không ra mếu. Tôi được dịp càng trêu già.

Ông giáo hỏi:

- Rồi trại chủ định giao Phú Yên cho ai đây?

Nhạc định trả lời, nhưng chợt nhớ điều gì, kịp ngưng lại. Nhạc chỉ bảo:

- Tôi chưa tính. Tạm thời cứ để cho các đội trưởng phân vùng mà kiểm soát, đáng ngại nhất là những vùng trước đây do tay chân Châu Văn Tiếp cai quản. Thế nào cũng tìm được người thích hợp cho Phú Yên. Tôi muốn thử thách một lần cuối, cho dễ về sau.

Thấy Nhạc nói quanh, ông giáo biết trại chủ không muốn thông báo cho mình biết mọi dự định như trước kia. Ông cảm thấy đắng ở đầu lưỡi, mặt nóng bừng. Nhạc lại nói:

- Gần đây tôi bận việc quá, nên ít gặp thầy. Nghe Lợi nó bảo sức khảo thầy vẫn thường, tôi mừng lắm. Ho hen qua quít không đáng kể. Về già ai chẳng thế. Miễn là ăn được cơm. Tối ngủ đẫy giấc. Hình như thầy mập hơn kỳ trước, phải không?

Ông giáo đáp:

- Cảm ơn ông, tôi vẫn thường. Cũng may có con An bên cạnh, cơm nước không đến nỗi gì.

Nhạc mau mắn nói:

- Phải, tôi cũng có nghe thằng Lợi bảo vậy. Con Thọ Hương nhà tôi nó mê An còn hơn cha mẹ, chồng con nữa. Nói gì cũng nhắc đến chị An. Bà vợ tôi phát bực, đâm ghen với cô gái của thầy đấy. An được mấy tuổi, thưa thầy?

- Nó lên hai mươi hai. Tuổi tị.

Nhạc gật gù, rồi chậm rãi nói:

- Hai mươi hai. Cũng khá lớn rồi đấy. Ngày xưa tôi lấy nhà tôi lúc bà ấy mới 16 tuổi. Hai mươi hai! Đã hai mươi hai! Kể cũng phải. Gia đình thầy từ kinh đô lạc vào sống giữa bọn dân núi chúng tôi, con trai thì không sao, còn con gái thì khó kén được tấm chồng xứng đáng. Kể ra theo lẽ thường tình thì hai mươi hai cũng hơi muộn. Nhưng thằng Lợi thì cứ quả quyết là khuôn mặt cô An mới trông tưởng như gái mười sáu, mười bảy. Nghe giọng nói nghiêm trang, lý lẽ chín chắn mới biết người đã trưởng thành. Lợi nó vẫn thường lui tới đằng thầy chứ ạ?

Ông giáo đáp trong hoang mang:

- Vâng. Lâu lâu cậu ấy có đến thăm tôi.

Nhạc mỉm cười, nói bâng quơ:

- Chưa hẳn như thế đâu!

Ông giáo hơi nóng ruột, hỏi lại:

- Ông nói gì ạ?

Nhạc lúng túng xoay câu chuyện sang hướng khác:

- Ôi chao! Tính cái thằng đó ai không biết. Không bao giờ để cho cặp chân và cái lưỡi được yên. Đi chỗ này chõ vào vài câu, người ta chưa kịp trả lời đã đi sang chỗ khác. Nhưng ai hiểu thì thương nó lắm, vì nó tốt bụng.

Ông giáo nói vuốt đuôi cho xong:

- Vâng, tốt bụng!

Nhạc chộp lấy câu nói của ông giáo, hấp tấp hỏi:

- Thầy cũng thấy thế à?

Ông giáo thành thực đáp:

- Vâng. Gần đây nếu không có cậu ấy lui tới thăm nom, tôi chẳng khác nào người mù, câm, điếc.

Rồi với giọng phẫn kích, ông giáo nhìn thẳng vào Nhạc nói:

- Không hiểu vì sao tự nhiên mọi người đều sợ phải nói chuyện hay gặp mặt tôi. Mọi người xa lánh gia đình tôi như gia đình hủi. Ông có biết tại sao không?

Nhạc cười lớn, xua tay nói:

- Thầy buồn không có bạn già hàn huyên nên quẫn trí thế thôi. Thầy đừng nói thế, anh em nghe được họ buồn lắm. Không phải ai ai cũng mau mắn miệng lưỡi được như thằng Lợi. Cái gì nó cũng pha trò được. Chuyện gì cũng bàn vào! Nhưng thầy ạ, có một chuyện nó mở miệng không nổi, phải nhờ đến tôi. Chắc thầy đoán ra được rồi chứ?

Ông giáo chỉ ngỡ ngàng một chút, rồi hiểu ngay. Lòng ông lại đau nhói. Cố nuốt nước bọt cho bớt xúc động, ông hỏi:

- Chuyện gì thế, thưa trại chủ?

Nhạc cười, bắt bẻ:

- Thầy giáo gọi tôi khách sáo như vậy, chắc là gặp khó đa! Nhưng lỡ phóng lao rồi, tôi phải nói cho xong: Thằng Lợi hiện côi cút không cha mẹ, anh em, lâu nay gần như nương tựa vào chú bác trong trại, lấy trại làm nhà, bà con cô bác lớn tuổi làm chú bác. Thầy đã biết là từ lâu, Lợi nó đem lòng thương cô An. Tôi thấy cả hai đều ngoan ngoãn, lo làm lo ăn, lại biết hết sức lo việc chung. Nếu thầy gật đầu, có lẽ chưa bao giờ trại Tây Sơn có được một cuộc hôn nhân tốt đẹp như vậy. Ý thầy thế nào? Chắc không nỡ làm cho thằng Lợi buồn rầu thất vọng chứ?

Ông giáo ngồi im lặng một lúc lâu, không biết trả lời thế nào. Lời đề nghị của Nhạc không làm ông ngạc nhiên. Nhiều đêm ông cũng có nghĩ tới khả dĩ có trường hợp An phải lấy Lợi. Nhưng chính Nhạc đứng ra làm ông mai, thì vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Điều đó có nghĩa con gái ông đã thực sự tuyệt vọng! Không còn nghi ngờ gì nữa! Chắc chắn đã có những cuộc bàn luận sôi nổi chung quanh mối tình của con gái ông, và khi Nhạc đã đích thân đứng ra làm ông mai cho một thuộc cấp trung, tất nhiên bộ máy quyền lực của Tây Sơn đã đồng thanh lựa chọn một giải pháp dứt khoát. Đứa con gái ốm yếu của ông có thể làm gì được trước quyết định xót xa ấy? Đôi vai xuôi của An có gánh nổi sức nặng đè nén của số phận?

Thấy ông giáo giữ im lặng quá lâu, Nhạc bực bội nói:

- Tôi biết thầy khó có thể trả lời ngay, vì còn phải hỏi cô An. Tôi hiểu nỗi khổ tâm của thầy.Tôi cũng có con gái, nên đã trải qua nhiều nỗi khổ tâm vì chuyện tình duyên của chúng. Nhưng dù sao chăng nữa, chúng chỉ là những đứa con nít. Chúng ưa với cao mà không thấy chân mình ngắn. Không dìu dắt chúng, chỉ lối chỉ đường cho chúng, thế nào cũng sa vào hầm hố, chông gai. Thầy có thấy thế không?

Ông giáo mím môi vì giận, đáp cộc lốc:

- Vâng, ông nói đúng lắm.

- Thế nào thầy cũng ráng khuyên răn cô ấy, thầy nhé. Chừng nào tôi báo tin mừng cho chú Lợi được?

- Vâng, tôi sẽ gặp khuyên nó. Cũng dễ thôi. Lâu nay gia đình chúng tôi vẫn luôn luôn biết mình chân thấp. Chỗ nào cao chúng tôi không dám đưa tay với đâu, trại chủ ạ!

Nhạc cười trách:

- Lại trại chủ. Cứ gọi tôi là “ông mai” đi, còn nếu muốn gọi cho đủ lễ nghi thì phiền phức lắm. Nào những là “Tây Sơn trại trưởng, hiệu Tráng tiết Tướng quân”. Hay thật. Mà cũng lém thật. Đem chữ nghĩa ra buộc ràng người ta là nghề của các nhà nho. Phải không thầy giáo?

*

* *

Không cần nghe hết những lời ấp úng của cha, An đã hiểu. Cô sững sờ, lơ láo nhìn quanh. Ông giáo tránh cặp mắt của con, với một quyển thơ trên kệ sách lật ra giả vờ đọc. Ông gặp lại Đỗ Phủ. An lặng lẽ vào phòng mình nằm vật xuống chiếu.

Cô cảm thấy tiếc nuối, như vừa đánh mất thứ gì quí báu mà không bao giờ, phải, không bao giờ có thể tìm lại được. Mọi vật quanh An tự nhiên thay đổi: cái giường gỗ trải chiếu trắng, mặt gối có thêu đôi chim đang rỉa lông cho nhau, chai đựng nước lọc, cái gương nhỏ đã rạn ở một góc, rổ đồ may đan bằng mây nhuộm màu điều, đôi guốc mộc, cái nghiên đã khô mực từ dạo cô em gái Bùi Văn Nhật bỏ học, hộp son phấn Thọ Hương biếu... Màu tươi, dáng nhỏ nhắn, sự ấm cúng thân mật biến mất, tất cả trở thành trơ trọi, choen hoẻn. Lớp vỏ hòa nhoáng tươi mát hy vọng không còn, chỉ còn lại vẻ cũ kỹ, và mùi ẩm mốc.

Cảm giác ngùi ngùi dần dần loang ra thành một thứ tâm trạng vô định, trôi nổi. An thấy mình trôi dạt bập bềnh trên một mặt sóng dữ, đầu óc quay cuồng, choáng váng. Tự nhiên nước mắt ứa ra, chảy xuống thái dương, lành lạnh. An khóc lặng lẽ như thế không biết bao lâu, càng khóc càng thấy lòng xót xa. Cho đến trí óc cô tìm được một chỗ định. Cô bắt đầu nghĩ ngợi: Thôi, thế cũng xong. Từ lâu ta lo lắng mà không bao giờ dám nhìn thật thẳng vào thực tại. Ta chạy quanh, mắt nhắm như một đứa trẻ rúc đầu vào mặt gối để trốn sợ hãi. Tại sao sự thực sờ sờ ra đó mà ta còn dại dột nuôi hy vọng? Thôi, thế cũng xong! Hết: Hết cả rồi! Hết những lo lắng ưu phiền, hết những mơ ước vụng dại! Hết những vật vã nghi ngờ, khắc khoải thương nhớ! Hết ôm ấp kỷ niệm như những của báu để tự làm khổ mình như một tên trọc phú keo kiệt. Hết trăn trở thâu đêm, vì những lời thì thầm mình nói cho mình nghe, tưởng tượng có thể nhờ gió mang tận đến đỉnh đèo xa hút!

Mình thật ngớ ngẩn, tội nghiệp. Anh ấy có bao giờ tỏ rõ lòng thương yêu đối với mình đâu! Phải rồi, ôn lại từ những ngày đầu, những ngày An Thái, quả thật anh ấy chỉ lấp lửng, lượn lờ như con bướm tham lam lạc vào một rừng hoa. Không phải anh ấy nhút nhát! Trời hỡi! Tại sao lại nghĩ vì nhút nhát mà anh ấy không dám nói thẳng lòng mình! Một người như anh ấy có thừa can đảm để nói một câu thật rõ ràng với một cô gái quen thân nhỏ tuổi. Tất cả lầm lẫn chỉ do mình! Tự nhiên tưởng tượng ra một điều không thực, rồi quàng cho anh ấy những tình cảm, những xúc động chưa bao giờ anh ấy có, để lừa dối mình. Rồi nhớ thương, mơ ước, lo âu, bồn chồn, hy vọng, bao nhiêu lầm lẫn chồng chất trên mây khói huyễn hoặc! Không thể tự dưng trại chủ đứng ra làm ông mai, nếu anh ấy không nói thẳng với anh sự thật dửng dưng của lòng mình. Chẳng thế mà quyển thơ nhặt được trong thư viện người khác, gửi về không có lấy một chữ đề tặng, về sau gặp nhau nhắc nhở qua loa như một việc dại dột, và im lặng nối tiếp im lặng, quên lãng chồng chất lên quên lãng! Ta lầm lẫn một cách ngu ngốc! Dại khờ! Sự thật hiển nhiên lồ lộ trước mắt mà ta giả vờ mù lòa! Thật đáng kiếp, mà cũng thật tội nghiệp phải không An!

An tủi thân, bắt đầu thút thít khóc.

Hôm sau cơn đau xót tuyệt vọng qua đi, để lại tình trạng hoang vắng, ngây ngô. Suốt cả ngày, An nằm lì trong phòng, đến bữa ngồi dậy đi nấu cơm cho cha, dáng bước trầm lặng, thui thủi như cái bóng. Ông giáo không dám nhìn vào đôi mắt ngây dại của con, đến bữa chỉ cắm cúi ăn. Ông nuốt không nổi chén cơm, phải chan canh vào cho nó xong đi. Mỗi lần ông đằng hắng định nói gì thì An ngước lên nhìn ông, đôi mắt lơ láo như người mất hồn. Môi run run, dường như luôn luôn phải cố gắng phi thường để cố khỏi bật khóc.

Ông không dám thốt lời nào, lẳng lặng chứng kiến nỗi đau khổ của con, bất lực không thể làm gì để xoa dịu đôi chút nỗi đau khổ ấy. Ông dở hết cuốn sách này đến cuốn sách khác mà không đọc được lấy một câu nguyên vẹn. Chữ nghĩa nhảy múa trước mắt ông. Đôi lúc nét ngang nét mác nhòe đi, ông mới biết mình khóc. Không có nhà thơ nào an ủi được ông. Lời dạy của các bậc hiền triết trở nên lạnh lẽo, trầm tĩnh quá, chẳng khác tiếng nói đáng ghét của người ngoại cuộc bắng nhắng. Hai cha con sống trong trạng thái đặc biệt ấy suốt ba ngày đêm, lặng lẽ thui thủi trong bốn bức vách như những bóng ma. Không ai tới thăm họ. Không có tiếng chân dừng lại trước cửa, và tiếng gọi. Họ hoàn toàn cách ly với cuộc sống bên ngoài, và mỗi cha con lại cách ly nhau. Cho đến ngày thứ tư mới có lính hầu đến mời ông giáo lên gặp trại chủ. Cả hai cha con đều hoảng hốt như sắp bị đưa đi hành hình. Ông giáo đưa mắt nhìn con. Đến lúc đó, An mới bật lên khóc nức nở. Cô nói giữa những tiếng nấc xót xa:

- “Con khổ quá, cha ơi. Nhưng còn cách nào nữa đâu! Con xấu hổ quá. Con cứ tưởng anh ấy...”.

An chỉ nói được đến đấy. Cô nghẹn lời, nước mắt ràn rụa, bỏ chạy vào buồng trước đôi mắt ngơ ngác của người lính hầu.