Sông Côn Mùa Lũ - Chương 40

Vào dịp rằm Trung thu năm trước (1775 Ất mùi), Lý Tài có tổ chức một bữa tiệc mặn linh đình tại phủ Phú Yên.

Đã hơn một tháng qua, từ ngày Nguyễn Huệ lấy lại được Phú Yên từ tay Tống Phúc Hợp và trại chủ Tây Sơn giao toàn phủ cho Lý Tài cai quản. Dưới bàn tay cầm gươm quen hà khắc của bộ hạ Lý Tài, an ninh trật tự của miền đất nhiều lần đổi chủ mau chóng được vãn hồi. Chế độ quân quản triệt để dành quyền sinh sát cho những người chỉ tin vào chân lý của lưỡi gươm, cho nên điều dễ đoán là suốt thời gian ấy, đâu đâu cũng có những đám ma trầm lặng dấm dúi. Kẻ chết không thể kêu oan được nữa, người sống nem nép sợ hãi không dám khóc lớn, sợ làm những tên lính Hòa nghĩa say rượu giận lây đến kẻ vô tội yếu đuối. Người ta không dám đem đi chôn xác kẻ bị giết vào ban ngày vì những người đàn ông giầu từ tâm khiêng xác dễ bị xem là đồng đảng của nạn nhân. Lại càng không dám chôn vào ban đêm, vì khi mọi nhà bắt đầu lên đèn, tuyệt đối cấm không ai được ra khỏi cửa. Vì vậy, các đám táng thường dấm dúi lén lút vào lúc chạng vạng. Huyệt đào cạn, xác chết vùi nông qua quít cho kịp trở về trước khi đỏ đèn nên nhiều nơi chó hoang bới mộ giành nhau từng miếng thịt thối. Không khí vẩn đục vì mùi hôi thối và đe dọa khủng bố. Đã thế, đám tay chân vô học của Lý Tài nghĩ rằng chỉ có một cách làm vừa lòng chủ tướng là cần mẫn tàn sát những ai có liên hệ xa gần với quân ngũ dinh. Cuộc chém giết bi thảm liên miên, tưởng sẽ không bao giờ dứt!

Nhưng bữa tiệc trung thu năm ấy đánh dấu một khúc ngoặt bất ngờ cho quân sĩ Hòa nghĩa!

Lý Tài cho gọi tất cả những đàn em thân tín về phủ Phú Yên dự tiệc. Thay vì ăn bánh ngọt ngắm trăng, Lý Tài cho dọn rượu thịt ê hề ngay trong dinh phủ. Tòa dinh cũ đã bị đốt phá từ lâu, dinh mới làm bằng tranh tre tạm bợ nhưng nơi thết tiệc rộng đủ để chứa trên một trăm thực khách.

Chủ tướng biết trước đám đàn em của mình toàn là sâu rượu nên đã đặt sẵn trên bàn tiệc từng vò rượu lớn. Đêm nay tha hồ say, uống bao nhiêu cũng có sẵn, đồ nhắm những bốn con heo quay và hai con bê thui. Mượn cớ thưởng trăng, thực sự là để mừng công lao hơn một tháng khó nhọc. Truyền thống của anh em Hòa nghĩa là dùng rượu để tắm quân công, nên dùng dê béo rượu nồng thay cho bánh trung thu là chuyện bình thường. Và vỉ rút kinh nghiệm những lần trước,để tránh những ẩu đả đáng tiếc trong cuộc say, yêu cầu tất cả anh em bỏ gươm giáo khí giới ngoài trạm gác của dinh phủ. Đấy cũng là điều bình thường. Chinh nghĩ vậy khi tháo bao gươm giao cho tên lính gác.

Trong tiệc, Chinh ngồi giữa hai người lạ mặt, một người nam nói giọng Hội An và một người Tàu nói tiếng nam lõm bõm, lơ lớ. Chinh muốn tìm đến ngồi gần các bạn bè cũ để kháo chuyện thoải mái, nhưng anh thấy việc ngồi đứng lộn xộn có thể làm phiền lòng chủ tướng, nên dù khó chịu gò bó, Chinh vẫn ngồi yên chỗ cũ. Phía sau lưng Chinh là cánh cửa sổ trông thẳng ra cổng phủ. Anh thấy khi mọi người đã vào hết bên trong, cửa cổng được đóng lại cẩn thận. Cẩn thận hơn nữa, là hai toán lính gác chia nhau bảo vệ cho phòng tiệc, lập vòng rào cẩn mật đề phòng kẻ phá hoại lọt được vào trong phủ, gây rối bữa tiệc mừng công linh đình này.

Trên bàn chủ tọa, Lý Tài dàu dàu nét mặt như vừa gặp chuyện bực mình trước khi đến đây. Chinh thấy ông mất hẳn vẻ linh hoạt thường có, lối nhìn và cử chỉ đều uể oải rời rã, như một người vừa mới khỏi bệnh.

Quả đúng như Chinh đoán, Lý Tài không nói mấy lời xã giao mở đầu buổi tiệc. Viên phụ tá thay lời chủ tướng, xin lỗi anh em vì hơi mệt trong người nên chủ tướng chưa nói vài lời với anh em ngay lúc này được. Xin anh em cứ tự nhiên nâng chung rượu lên nốc cạn cho thỏa thích, khi anh em no say rồi, chủ tướng sẽ bắt đầu có vài lời nhắn nhủ với tất cả. Nói xong bằng tiếng nam,viên phụ tá lập lại một lần nữa bằng tiếng bắc (Tàu). Bấy giờ đa số Hòa nghĩa quân người Hoa trong tiệc mới cười nói xôn xao, và buổi tiệc bắt đầu một cách ồn ào, lộn xộn, không một chút khách sáo.

Vì hai người ngồi cạnh đều xa lạ nên Chinh lặng lẽ ăn uống, không thể tìm được chuyện chung nào để góp chuyện với chung quanh. Người ngồi phía trái Chinh tuổi còn trẻ, quá lắm khoảng hai mươi lăm tuổi là cùng. Anh ta có đôi mắt một mí và khuôn mặt vuông, hơi phị ra trước tuổi. Vì là người cửa Hội, lại nghe anh ta nói tiếng bắc trôi chảy với những lính Hòa nghĩa gốc Hoa khác, Chinh đoán anh ta người Minh Hương. Nhờ anh bạn này phiên dịch mà Chinh nói chuyện được với người ngồi phía phải, biết bác này người Triều Châu, chuyên đi buôn biển và là bộ hạ cũ của Tập Đình. Để câu chuyện khỏi tẻ nhạt, Chinh hỏi thăm thêm gia cảnh của bác, mới biết bác ta còn để lại ở Triều Châu một người vợ ốm yếu và hai đứa con, cả ba người chắc đang lóng ngóng chờ bác trở về với một ít của cải trong tay nải để thoát khỏi cảnh sống tôi đòi kiếm canh cặn cơm thừa nhà địa chủ. Lời tâm sự bất thường đó khiến Chinh cảm động. Anh nghiêng vò rượu đổ thêm vào bát cho người lính già phiêu lưu, choàng vai bác ta mời rượu kết nghĩa. Lúc kề vai co vế bên nhau, Chinh cảm thấy sườn phải của mình đau nhói. Anh kín đáo liếc chéo xuống mép bàn, thấy người ngồi bên phải chưa chịu gửi vũ khí, bên hông vẫn còn kè kè một thanh đoản đao.

Lấy làm kinh ngạc, Chinh quay nhìn anh bạn trẻ phía trái, cũng thấy anh ta giấu đoản đao trong chiếc áo rộng. Thế là thế nào? Ai được mang vũ khí vào tiệc và ai phải nộp vũ khí tận ngoài cổng thành? Họ xem thường lệnh chủ tướng đến độ này sao? Tự nhiên Chinh nhìn hai người kế cận với đôi mắt khác. Anh e dè lời ăn tiếng nói hơn, đúng ra từ đó về sau, anh chỉ lo ăn chứ không dám nói. Anh bạn trẻ người cửa Hội thì gợi chuyện luôn miệng, hết hỏi thăm chuyện gia đình Chinh lại nói chuyện các trận đánh ở phía bắc, các thú ăn chơi ở cửa Hội, sự phồn thịnh còn gấp bội cửa Hội của một vùng đất Chinh chưa từng biết: Sài côn, Biên Hòa trong phủ Gia Định. Để đáp lại các câu hỏi vồn vã, Chinh chỉ ậm ừ cho xong.

Gần nửa bữa tiệc, đột nhiên viên phụ tá đứng dậy vỗ tay ra dấu bảo mọi người im lặng. Ban đầu nhiều thực khách chưa hiểu ông ta muốn nói gì, mắt hướng về phía bàn chủ tọa, nhưng tay vẫn gắp, miệng vẫn nói. Tiếng xì xào càng ngày càng lan rộng, người ta giơ một ngón trỏ lên trước đôi môi chúm suỵt nhỏ để khuyên người bạn lơ đễnh vô phép hãy im lặng để chờ viên phụ tá nói. Ông ta nói ít thôi, đại khái báo trước bây giờ chủ tướng đã khỏe, và muốn tâm sự vài lời với tất cả anh em, Lý Tài giữ nét mặt lạnh lùng khó hiểu suốt thời gian viên phụ tá nói mào đầu. Khi viên phụ tá nói xong, Lý Tài mới uể oải đứng dậy, hai tay chống lên bàn, nhìn quanh một lượt điểm mặt từng người để lập uy. Cả phòng tiệc nín thở vì một thứ sợ hãi kính cẩn bàng bạc. Lý Tài chậm rái nói:

- Hỡi tất cả anh em!

Hôm nay tôi hơi mệt nên chắc không nói được nhiều với các trang hảo hớn đã từng vào sinh ra tử với tôi suốt bốn năm qua. Không có lòng trọng nghĩa khinh tài của anh em, không có dũng khí lẫm liệt của anh em, làm sao tôi được ngồi chỗ này uống rượu với anh em. Tôi được nhấp một chung rượu ngon cũng là nhờ công anh em bảo bọc cho đến bây giờ. Nhưng thú thật với anh em, suốt mấy đêm tôi mất ngủ, và hớp rượu tôi vừa uống sao mà đắng nghét. Vì sao anh em biết không?

Lý Tài dừng lại nhìn quanh. Những người hiểu được tiếng nam thì im lặng trong chờ đợi nôn nao. Những lính Hòa nghĩa gốc Hoa thì im lặng vì không hiểu mà cũng không dám hỏi ai. Lý Tài đoán được điều đa số thực khách chờ đợi, nên đích thân nói lại bằng tiếng bắc. Khi nói bằng tiếng mẹ đẻ, Lý Tài tỏ ra hùng hồn hơn, lưu loát hơn. Ông say sưa giải thích vì sao mình mất ngủ nhiều đêm cho các bạn bè đồng chủng nghe, quên cả nói lại bằng tiếng nam cho những lính Hòa nghĩa người bản xứ giả khách khi gia nhập vào đạo quân của Lý Tài,Tập Đình. Chinh hiểu tiếng Quảng Đông nên nghe được trọn những lời Lý Tài nói.Đại khái Lý Tài đã bảo:

- Vì sao tôi trằn trọc không yên bao đêm, anh em biết không? Vì quá lo cho số phận anh em đó! Phải, tôi đâu đành lòng giấu anh em những điều liên quan đến sự sống chết của từng người. Tôi phải nói hết ra thôi, dù nói xong, sẽ có đôi người không hiểu đâm ra giận tôi, hoặc tệ hơn nữa đâm ra thù ghét tôi, xa lánh tôi. Từ bao năm nay, kẻ trước người sau, anh em đã vào sinh ra tử để dựng nghiệp cho trại chủ Tây Sơn. Anh em nhớ lại xem, chúng ta đã đánh bao nhiêu trận rồi? Từ phủ Phú Yên cho tới chân đèo Hải Vân, đâu đâu cũng có dấu chân anh em ta, đâu đâu cũng có máu bạn bè ta đổ xuống. Trận Bích Kê không có ta liều lĩnh xông lên thì tên Tiết chế Nguyễn Phúc Hương đâu có bỏ xác bên sông Lại! Trận Quảng Nam không có ta thì trại chủ làm sao rước được Đông cung. Ở đâu khó khăn nguy hiểm là trại chủ nhớ đến anh em ta. Thế mà, để đền đáp công lao khó nhọc hiểm nguy ấy, trại chủ đã làm gì? Anh em nhớ lại đi!

Lý Tài dừng lại lần nữa. Viên phụ tá đưa chung rượu lên mời chủ tướng. Lý Tài ngửa đầu uống một hơi cạn chung rượu, trả cái chung rỗng cho viên phụ tá, dùng ống tay áo chùi bọt trên mép, rồi giận dữ nói tiếp:

- Bao nhiêu của cải chúng ta thu được, nói đúng là mua được bằng máu của mình, chúng ta chất lên ghe định chở về cho vợ con mừng đã bị trại chủ tịch thu mất. Ông bạn Tập Đình của ta thắng biết bao trận, vừa mới thua một trận Cẩm Sa đã bị dọa giết, đến nỗi phải dắt díu một số anh em chạy trốn về Quảng Đông. Còn riêng anh em chúng ta đây, thất tha thất thểu từ cõi chết trở về, đi đâu cũng bị xua đuổi, thậm chí có người chỉ lỡ uống một bát rượu nhạt mà bị bêu đầu. Chúng ta bị đuổi vào cái xứ Phú Yên trên đe dưới búa này là vì trại chủ không muốn nhìn thấy mặt chúng ta ở phủ Qui Nhơn nữa, muốn mượn gươm giáo quân ngũ dinh diệt ta cho rảnh nợ. Anh em nghĩ mà xem, trại chủ đối đãi với ta như thế có đáng giận không. Một người như vậy có đáng cho anh em chúng ta thờ làm chúa không?

Nhiều người trên bàn tiệc, trong đó có bác người Hoa bên phải Chinh la lớn trả lời cho Lý Tài:

- Không! Không!

Lý Tài cười thỏa mãn rồi tiếp:

- Tôi mất ngủ vì lo đường sống cho anh em. Ở lại với trại chủ Tây Sơn thế nào cũng chết. Mà trốn đi như Tập Đình cũng không được. Ta về với Gia Định được không? (Lý Tài lắc đầu làm bộ tuyệt vọng, chán nản) Khó lắm. Anh em ta từ lúc dấy nghiệp đã giết biết bao nhiêu quan quân của Chúa, bây giờ về Gia Định có khác nào nộp mạng cho kẻ thù. Tôi đã lo nghĩ nhiều lắm, lo nghĩ từ lúc chưa được giao cho trấn giữ phủ Phú Yên này. Nhưng hoàng thiên không phụ lòng hào kiệt, nên tôi đánh bạo cử người đi liên lạc với Tiết chế Tống Phúc Hợp ở hòn Khói. Quả nhiên tôi đoán không sai. Tiết chế hiểu lòng chúng ta, nên nhờ sứ giả nhắn lại là sẵn sàng đón nhận chúng ta hợp tác. Như vậy kẻ chúng ta tưởng sẽ thâm thù chúng ta thực ra là người hiểu chúng ta hơn ai hết. Con đường mai sau cho anh em chúng ta như vậy đã rõ. Không có cách nào khác, chúng ta phải bỏ Tây Sơn để về với Gia Định. Từ ngay sau bữa tiệc này. Anh em nào không thuận theo tôi, cứ tự do đứng dậy ra về để đoàn tụ với vợ con. Ngay bây giờ!

Từ câu "Không có cách nào khác..." giọng của Lý Tài cất cao, dằn từng tiếng chẳng khác nào một lời thách thức, đe dọa. Lý Tài nói xong, mọi người nín thở, cúi gằm mặt xuống, không ai dám nhìn ai trừ những người có giấu vũ khí dưới áo. Lý Tài và viên phụ quét mắt nhìn ngang nhìn dọc chờ phản ứng của mọi người. Không khí phòng tiệc căng thẳng đến nỗi mọi người đều muốn ngộp thở.

Sự chờ đợi tưởng kéo dài đến vô tận. Đột nhiên ở dãy bàn trước mặt Chinh có tiếng xô ghế đứng dậy. Chinh ngửng lên thấy một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi thân hình cao lớn da đen cháy đang đứng thẳng trước mọi người, mặt hướng về phía Lý Tài định nói gì đó mà vì quá xúc động không nói được. Bác tức giận cho sự xúc động của mình, ấp úng mãi không thành lời, nên đẩy ghế ra xa lấy lối đi ra phía cửa chính. Biến cố bất ngờ ấy khiến Lý Tài xanh mặt vì giận, nhưng môi ông vẫn mỉm cười. Có tiếng lao xao nổi lên khắp phòng, vì tiếp sau đó, có ba người nữa xô ghế đứng dậy bỏ ra. Lý Tài cười nhỏ rồi hỏi lớn:

- Còn ai nữa không?

Một thanh niên ngồi gần cửa ra vào đứng dậy theo gót ba người vừa đến gần cửa. Số còn lại không ai dám nhúc nhích, trong đó có Chinh. Trong khi mọi người lấm lét chờ xem phản ứng của Lý Tài, thì đột nhiên từ phía cổng thành dội vào tiếng thét chát chúa rồi uất nghẹn của một người bị đâm bất ngờ. Đã quá quen với mọi âm thanh đau đớn trong cảnh gươm giáo, Chinh xác định được ngay trường hợp tử thương của nạn nhân. Sau đó lại có tiếng rượt đuổi khẩn cấp, tiếng hò reo, tiếng chân chạy, tiếng rên rỉ van xin rồi cuối cùng vẫn là tiếng thét xé ruột đau đớn.

Chinh nổi gai ốc vì hãi hùng, tay chân tự nhiên run rẩy. Lý Tài lại hỏi:

- Còn ai nữa không?

Không có ai trả lời.

Lý Tài cười ha hả, rồi truyền lệnh:

- Anh em đâu, hãy giúp đỡ những người còn ngần ngừ nhưng sợ hãi không dám đứng dậy. Phải để cho họ thời gian suy nghĩ chín chắn, bằng cách cho họ được yên tịnh. Ta bắt đầu đi thôi!

Trước khi Chinh kịp ngước lên, anh đã bị hai người kế cận chụp lấy hai cánh tay, bẻ quặt ra sau lưng để dẫn đi. Chinh bị trói thúc ké thật chặt, bị bịt mắt dẫn vào "chỗ yên tịnh" để suy nghĩ chín chắn hơn trước khi lựa chọn, như lời của Lý Tài.

*

* *

Chinh bị giam chặt trong một căn nhà kín cửa, thấp và hẹp, căn nhà có lẽ trước đây dành cho lính gác phủ nằm chờ đến phiên đổi canh. Hai ngày đầu ngoài người đưa cơm nước không có ai đến hỏi anh điều gì. Nằm một mình Chinh nghĩ đến đủ điều. Điều trước tiên luôn luôn ám ảnh Chinh là cái chết. Chinh nghĩ thế nào mình cũng bị Lý Tài giết!

Vì sao trại chủ gửi anh xuống Tuy Viễn làm một thứ tùy viên cho Tập Đình và Lý Tài, anh hiểu rõ và chắc chắn Lý Tài càng hiểu rõ hơn anh. Ban đầu cả trại chủ lẫn Lý Tài đều đánh giá anh quá cao. Nhạc chờ đợi những tin tức quí giá của Chinh từ nội bộ của Trung nghĩa quân và Hòa nghĩa quân, còn Lý Tài thì hết sức cảnh giác, dè dặt cẩn thận từng lời nói, cử động để Chinh khỏi sinh nghi. Sự hiểu lầm đó kéo dài hàng năm. Cho đến lúc sự thực lồ lộ là Chinh không đúng là kẻ Nhạc tin cậy. Ngược lại, Lý Tài khám phá rằng mình đã tìm được một đàn em có bề thế, có đởm lược, gan dạ, liều lĩnh mà hết sức vô tâm. Chẳng những Chinh vô hại, mà còn trở nên cái gạch nối cần thiết giữa Lý Tài và bộ phận đầu não của Tây Sơn. Sau khi Lý Tài cứu được Đông cung Dương khỏi cái chết dưới tay Tập Đình, và nảy sinh quyến luyến thông cảm giữa một ông hoàng chính thống và một tên phiêu lưu ngoại hạng, thì Chinh lại trở thành người đồng chí của Lý Tài. Ông giáo hết lời cổ động cho giải pháp hoàng tôn, Lý Tài cũng đặt hết vốn liếng vào hoàng tôn, cho nên khi phái bộ Nguyễn Phúc Chất đi vào Phú Yên cầu hòa do gợi ý của giáo Hiến, Lý Tài đã hy vọng tràn trề. Những gì diễn ra sau đó đặt Lý Tài vào cái thế khó xử, giống y cái thế khó xử của ông giáo. Khi ông giáo bị cô lập, thì đám đàn em Hòa nghĩa quân của Lý Tài cũng bị tập trung vào một địa điểm xa phố xa chợ cho họ bớt phá phách quấy nhiễu nhà dân. Sự thông cảm vì đồng cảnh ngộ giữa Lý Tài và ông giáo, có lẽ trong thực tế chưa bao giờ có cả. Nhưng Lý Tài vẫn tưởng tượng rằng có một nhà nho học thức uyên bác vì hành động như mình mà chịu cảnh ngộ y như mình, như thế mình phải có gì uyên bác, sâu sắc, trông xa hiểu rộng như ông giáo Hiến chứ! Ảo tưởng ấy là cái dù che chở cho Chinh bao năm, làm sao Chinh hiểu được sự thực phức tạp ấy!

Chinh chỉ nghĩ Lý Tài nghi ngờ mình là người của Nhạc từ đầu chí cuối, nên nhất định sau khi tra khảo cho ra manh mối, đường dây, bè lũ, thế nào Lý Tài cũng sai đàn em đâm cho anh một nhát!

Sau ngày thứ ba Lý Tài mới sai bộ hạ xuống nhà giam dẫn Chinh lên gặp mình. Bọn lính Hòa nghĩa sợ Chinh trốn thoát nên trói thật chặt. Lý Tài quát mắng chúng ngu dốt, không chờ đàn em mở trói, lấy gươm cắt đứt sợi dây dừa, lừ mắt đuổi hai tên lính áp giải đi, rồi vồn vã mời Chinh ngồi chung một chiếu với mình. Thấy Chinh xoa xoa lên vết bầm ở cổ tay, Lý Tài kêu lính hầu bảo lấy dầu bóp cho Chinh, rót nước trà ngon mời Chinh uống. Chinh nghĩ: lão ta càng săn đón vồn vã, ta càng tuyệt vọng. Đấy là trò quen thuộc của con mèo vờn con chuột. Vì đinh ninh thế nào Lý Tài cũng giết mình, nên Chinh hết sức bình tĩnh, thản nhiên nhận chén nước trà từ tay Lý Tài uống từng ngụm chậm rãi.

Lý Tài mỉm cười nhìn Chinh hỏi:

- Hai ngày qua ăn ngủ được chứ?

Chinh đặt chén nước xuống khay, đáp:

- Dạ được. Hơi nhiều muỗi một chút.

Lý Tài khoái trá vì sự bình tĩnh lạ kỳ của Chinh, hỏi thêm:

- Chúng nó cho ăn uống thế nào?

- Cơm hơi thiếu. Họ lại quên mang đũa.

Lý Tài cười ha hả, đưa hai tay lên trời hô hoán:

- Thật thế à! Lũ này thiệt lơ đãng quá sức. Để ta trị cho chúng một trận.

Rồi không chuyển mạch quanh co, Lý Tài hỏi:

- Vì sao đêm tiệc anh không đứng dậy ra về?

Chinh bậm môi để thêm can đảm, liều lĩnh trả lời:

- Tôi đâu có dại đi tìm cái chết.

Lý Tài hấp tấp hỏi:

- Sao anh biết có phục binh ở ngoài cửa?

- Có phục binh ở ngay trong bàn tiệc nữa kia! Nhiều người dấu đoản đao dưới áo.

Lý Tài giả bộ hốt hoảng:

- Chúng nó lộng đến thế kia à! Quá lắm rồi. Nhưng may mắn là hôm đó không sinh ẩu đả ngay giữa tiệc. Chỉ tiếc là anh em gác cổng giận dữ không đúng lúc, làm mất hòa khí giữa anh em với nhau. Ta sai đóng gông chúng lại hỏi tội, chúng nó khai vì giận bọn phản trắc muốn bán đứng anh em nên mới lỡ tay như vậy. Kể ra bọn võ biền nông nổi ấy cũng có điểm đáng khen là trọng nghĩa bạn bè và giận điều bất nghĩa. Hóa ra hôm ấy anh hiểu lầm chúng tôi có kế hoạch phục binh trước. Anh lầm rồi. Nhất định không có đâu. Giả sử không có phục binh, hôm ấy anh sẽ làm gì? Ngồi lại với chúng tôi, hay bỏ về Cù Mông với anh em Tây Sơn?

Chinh do dự, vì biết mạng sống của mình tùy thuộc hoàn toàn vào câu trả lời này. Anh không có cách nào để lựa chọn nữa. Chinh cố nén đau xót đáp:

- Tôi sẽ ngồi lại.

Lý Tài vui mừng chồm đến vỗ vai Chinh, ha hả cười. Ông nói:

- Ta biết thế nào anh cũng ở lại với ta. Bây giờ ta mới nói thật cho anh biết: ở đây nhiều người nghi ngờ anh là tay chân thân tín của Nhạc, muốn giết anh ngay trước bữa tiệc trung thu. Nhưng ta không tin. Anh là tay hảo hán đởm lược, thẳng thắn, can đảm mà không liều lĩnh vô lối, bình tĩnh trước cả cái chết. Ta thích anh ở chỗ đó. Ta không muốn giết anh, tuy giết anh quá dễ. Ta còn nể tình ông giáo là người từ đầu chí cuối có nhiều điều hợp ý ta. Anh biết tin nhà chưa?

Chinh lo âu hỏi:

- Tin gì ạ?

Lý Tài làm bộ đau xót nghiêm trọng, bảo:

- Ta vừa mất một người thầy đáng kính. Nhạc giết cha anh rồi.

Chinh bật dậy, chồm đến sát Lý Tài thảng thốt hỏi:

- Thật thế sao? Ai cho tin đó?

Lý Tài chậm rãi rót nước uống, chờ đến lúc Chinh bị xúc động tột độ mới nói:

- Cũng dễ hiểu thôi. Từ khi phái bộ Nguyễn Phúc Chất bỏ đi, ông Nhật đã nghi ngờ cha anh là kẻ chủ mưu. Anh ở Cẩm Sa về thấy cha anh sống thui thủi hiu quạnh ra sao, anh còn nhớ chứ. Nếu không có Huệ thì Nhạc đã giết cha anh từ lâu rồi. Đến lúc lấy được Phú Yên và được Chúa Trịnh phong tước, Nhạc quyết dứt tình với họ Nguyễn, thì số phận cha anh không có cơ cứu vãn nữa. Anh còn muốn về thắp hương trên mộ cha không?

Chinh căm hận, bậm môi vì tức giận. Chờ cho bớt nghẹn, anh nói:

- Muốn lắm chứ. Tôi còn muốn có cái đầu kẻ thù để tế cha nữa kia.

Lý Tài vội nói:

- Anh sẽ toại nguyện. Uống thêm chén trà nữa. Anh về tắm rửa, rồi lên đây ta giao việc cho. Anh hãy vui lên đi, nhất định anh sẽ toại nguyện!

*

* *

Từ khi cắt đứt được mối ràng buộc tinh thần với Tây Sơn, Chinh cảm thấy thực sự thoải mái. Chưa có thời kỳ nào anh khoan khoái với sự tự do, buông thả trọn vẹn như thời này!

Tâm trí anh không bị những kiềm tỏa vô hình nhưng khắt khe của nguyên tắc đức lý từng là khuôn mẫu hành động và suy nghĩ của gia đình Chinh, những nguyên tắc bám sát vào anh như một thứ ám ảnh, nghiêm khắc theo dõi anh chẳng khác nào đôi mắt của ông giáo. Anh cũng cởi bỏ được những ràng buộc phức tạp cột chặt con người với quá khứ của dân tộc, với mảnh đất tổ, với xã hội đã bảo bọc nuôi nấng anh sống và trưởng thành, những ràng buộc liên kết người đồng chủng thành một tập thể giữ vững các truyền thống, nuôi dưỡng tình tự dân tộc, tạo nên sức mạnh tồn tại và chống các hiểm họa thôn tính của ngoại bang. Những điều siêu linh rắc rối như một mớ bòng bong, mơ hồ như sương như khói đó thật không thích hợp với bản tính Chinh. Nó đè nặng lên tâm hồn anh như một món nợ truyền kiếp từ lâu anh muốn quẳng nó đi để khoan thai vùng vẫy, buông thả theo bản năng mà không thể được.

Bây giờ dứt khoát với Qui Nhơn để theo đám Hòa nghĩa quân của Lý Tài, Chinh đã thực hiện được ước mơ thầm kín bấy lâu!

Anh tung tăng hớn hở trong một tập thể hoàn toàn khác biệt với gốc gác Chinh. Họ nói thứ tiếng khác, có những kỷ niệm khác, quá khứ khác, thói quen khác, dự ước khác. Anh không gặp họ trong các cuộc tranh chấp của quá khứ, và cũng không va chạm với họ, cạnh tranh với họ trong dự tính tương lai. Anh muốn mặc thế nào cũng được, xốc xếch cẩu thả không ai chê là khiếm lễ, hoa hòe chưng diện không ai chê là lố lăng. Muốn ca hát nghêu ngao tùy thích không ai chê trách. Đôi lúc bạo tay một chút trong các trò vui chơi cũng không ai chê trách. Được sống trong thế giới vô danh ấy, Chinh thơ thới vẫy vùng như con cá được thơ thới tung tăng trong dòng nước mát đầy mồi ngon.

Những cuộc chè chén thỏa thích, những trò đùa khi thô bạo khi mơn trớn cảm giác, những hứa hẹn của cuộc phiêu lưu không mục đích như tên lãng tử khao khát được sống mỗi giờ trên một đoạn đường khác nhau, những khoái lạc được làm điều cấm kỵ, đó là phần thưởng của một lựa chọn thụ động nhưng không phải là bất đắc dĩ.

Suốt thời gian theo sát Lý Tài ở Phú Yên, Chinh được sống đầy đủ với cảm giác buông thả tột độ. Nhiều đêm anh cũng có đôi chút hối tiếc như con sông nhớ nguồn, hoặc cô đơn lạc loài giữa tập thể xa lạ. Anh nhớ nếp sống đơn giản trầm lặng của gia đình, nhớ cha và các em. Nhưng các giây phút lạc lõng ấy thật hiếm hoi so với nguồn khoái cảm anh vừa tìm được. Những bịn rịn nuối tiếc mỗi ngày một nhạt đi, trong khi niềm nao nức được sống thật đầy thật đậm luôn sôi sục trong hồn Chinh. Bầu trời Phú Yên trở nên quá hẹp. Chinh mơ ước tung tăng trong một vùng trời mới rộng hơn, hoang dã hơn, sống động nô nức hơn.

Chinh được thỏa nguyện khi Tống Phúc Hợp kéo đám quân Hòa nghĩa của Lý Tài vào Gia Định tiếp cứu Duệ Tôn tháng Sáu năm Bính thân (1776). Cuộc đời Chinh đã qua một giai đoạn phiêu lưu khác.

*

* *

Gia Định thời bấy giờ đúng là một vùng đất lý tưởng của những kẻ phiêu lưu. Miền đất còn tương đối hoang dã và hung bạo này cuốn hút đủ hạng người. Những toán cướp biển, sau bao ngày lênh đênh kiếm ăn trên sóng cả, tìm được một chỗ lau lách khuất lấp chằng chịt sông rạch thiếu bóng luật pháp để nghỉ ngơi. Những con buôn tìm được mảnh đất thuận lợi để xây phố lập chợ thu mua nông phẩm hương liệu rẻ mạt và bán hàng nhập khẩu với giá cắt cổ, thu được vô số lời trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Những tay phiêu lưu quốc tế không nơi dung thân trên các vùng đất ổn cố lâu đời tìm được nơi thi thố bạo lực và sự xảo trá, kết bè lập đảng khuynh loát quyền hành, hy vọng tìm được lợi lộc và danh vọng theo ngõ tắt. Những bọn thực dân phương tây dáo dác đi tìm thị trường ở Á Đông sau khi lập được các thương hội đồ sộ ở Ma Cao và Ấn Độ tìm thấy ở đây một trạm dừng chân, sau đó là cửa ngõ để tiến sâu vào nội địa các nước còn yếu kém lạc hậu chuẩn bị cho các cuộc xâm lăng qui mô sau này. Những nhà truyền giáo dựa vào tài trợ của bọn thương nhân giàu có tìm được vùng đất hứa để thực hiện hai thứ khát vọng mâu thuẫn nhưng bổ khuyết cho nhau là khát vọng quyền lực và khát vọng phụng sự Thiên Chúa. Với các sắc dân hỗn tạp sống chen chúc nhau dọc theo các bờ sông rạch, đông nhất, có thế lực kinh tế cao nhất là người Hoa, ý niệm về dân tộc, về đức lý, về truyền thống, về sự cần thiết của tôn ti trật tự, về sự thăng tiến bình thường qua học thức, tài năng và tuổi tác, hoàn toàn không cần thiết. Mọi sự đều cho phép, trừ sự thất bại. Chưa bao giờ sức mạnh của gươm giáo, và sau này thêm sức mạnh của thuốc súng và tiền bạc được suy tôn đến bậc cao như vậy. Tất cả đều được phép, trừ sự thất bại. Chưa có ý niệm sống nào thích hợp với bản tính của Chinh hơn!

Chinh theo Lý Tài vào Gia Định chẳng bao lâu thì Tống Phúc Hợp chết. Từ địa vị một hàng tướng, Lý Tài đột nhiên trở thành nhân vật hàng đầu nắm giữ một đạo quân hùng mạnh có hậu thuẫn tài chính dồi dào của thương nhân Hoa kiều ở Sài Côn và Trấn Biên, đe dọa địa vị của Đỗ Thành Nhân, chỉ huy quân Đông sơn ở Ba Giồng. Đối với viên lão tướng nhiều công trận và được dân chúng thương yêu như Tống Phúc Hợp thì Đỗ Thành Nhân không dám tị hiềm ganh ghét gì. Nhưng đối với tên hàng tướng Lý Tài, Nhân không thể chịu đựng được vẻ tự đắc kiêu mạn của hắn, Duệ Tôn lại có ý muốn dùng Lý Tài để củng cố địa vị yếu đuối bấp bênh của mình. Không dằn được tức giận, có lần Đỗ Thành Nhân đã mắng Lý Tài là "đồ chó heo". Giận dữ đến điên cuồng vì bị sỉ nhục, Lý Tài kéo quân Hòa nghĩa lên đóng riêng ở núi Châu Thới, chuẩn bị đồn lũy khí giới để tiêu diệt quân Đông sơn của Nhân. Nhân biết vậy đem quân đánh núi Châu Thới trước, nhưng bị thua. Đỗ Thành Nhân và Lý Tài đã trở thành hai kẻ thù không thể đội chung một bầu trời, hằm hè chờ cơ hội sống mái với nhau trước nỗi lo âu sợ hãi của Duệ Tôn.

Đúng lúc đó thì Đông cung Dương trốn được khỏi chùa Thập Tháp để vào Gia Định vào tháng Mười năm Bính thân (1776). Tình cảnh Đông cung chẳng khác nào một con chim lạc bầy lơ láo tìm mãi không ra một tổ ấm. Đông cung định nương náu ở đâu đây? Náu tạm trong cái dinh lợp tranh tồi tàn, vách ghép bằng những miếng ván gỡ từ nhà thờ các giáo sĩ dòng Phan-xi-cô ở Bến Nghé, chung đụng với kẻ đã từng bỏ rơi Đông cung lại Quảng Nam để mượn gươm giáo Tây Sơn giết giùm hay sao? Đông cung còn quá minh mẫn để quên cái hận ngày trước với Duệ Tôn, và sau cuộc đào thoát hiểm nguy, vẫn còn đủ bình tĩnh để nhận ra vẻ mặt cau có của Duệ Tôn mỗi lần gặp mình. Về Ba Giồng với quân Đông sơn ư? Lòng dạ Đỗ Thành Nhân nông sâu thế nào thật khó lường, nhưng chắc chắn nếu Nhân phải lựa chọn, thì nhất định Nhân chọn Duệ Tôn hơn là chọn Đông cung. Nhìn quanh quẩn Đông cung chỉ thấy có một chỗ tạm trú thích hợp là núi Châu Thới của Lý Tài.

Ơn cứu tử của Lý Tài vẫn còn đó. Kỷ niệm tình quyến luyến giữa Lý Tài và Đông cung ở Qui Nhơn còn đó. Đông cung cũng thừa biết cả mình lẫn Lý Tài còn cần dựa vào nhau để sống còn. Đạo quân Hòa nghĩa tuy là hàng binh, nhưng vào được Gia Định, sống giữa xã hội những người Hoa lưu vong giàu có, họ lấy lại đầy đủ tự tín nên sung sức hơn bao giờ hết. Đông cung cũng biết các thế lực Hoa kiều ở Gia Định hậu thuẫn mạnh mẽ cho Hòa nghĩa hơn là cho Đông sơn. Sức mạnh và tiền bạc lúa gạo đã có, Lý Tài chỉ còn cần một lá cờ để phất. Đông cung vào Gia Định đúng lúc Lý Tài đã kéo quân lên núi Châu Thới xây thành đắp lũy mà chưa tìm ra một lá cờ để kéo lên đỉnh núi phô phang khắp thiên hạ.

Do đó, Đông cung xin Duệ Tôn cử Nguyễn Danh Khoáng lên Châu Thới triệu Lý Tài về giúp việc phòng thủ Sài Côn. Lý Tài nghi ngờ đấy là một thứ kế điệu hổ ly sơn để tiêu diệt, bắt giữ Nguyễn Danh Khoáng lại, rồi kéo quân về Sài Côn. Quân Đông sơn thấy quân Hòa nghĩa rầm rập kéo đến vội chạy về căn cứ ở Ba Giồng. Duệ Tôn chạy theo Đỗ Thành Nhân. Đông cung ở lại trong thành, sai kéo cờ hiệu đề mấy chữ "Đông cung phụng mệnh chiêu an" khi Lý Tài thúc trống ầm ầm chia quân bao vây thành Sài Côn. Thấy cờ hiệu của Đông cung, Lý Tài truyền lệnh hạ khí giới, rồi dẫn quân ngạo nghễ đường hoàng tiến vào cổng thành bỏ ngỏ để yết kiến Đông cung. Lý Tài mời Đông cung về bản doanh của Hòa nghĩa quân tại Thủ Dầu Một bàn luận suốt ngày. Họ dựa vào nhau để thảo kế hoạch thực hiện một cuộc đảo chính không đổ máu. Lý Tài và Đông cung sai Trương Phúc Thận đi rước" Duệ Tôn từ Ba Giồng về chùa Kim Chương ngoài thành Sài Côn, để ngay tại ngôi chùa nổi tiếng này, ngày Kỷ tị tháng Mười Một năm Bính thân (1776), trước một Lý Tài dương dương tự đắc và đám triều thần văn võ khiếp nhược thu nhỏ người lại, Duệ Tôn phải nhường ngôi cho Đông cung, để nhận cái vị hàm Thái Thượng vương. Đông cung lấy hiệu là Tân Chính vương, ban ngay cho Lý Tài chức Bảo giá đại tướng quân, Nguyễn Phúc Chất chức Thiếu phó, Nguyễn Phúc Xuân chức Chưởng cơ, Phạm Công Lý chức Nội tả. Tay phiêu lưu quốc tế lừng danh một thời, sau khi bị một ông vua đẩy ra lề lịch sử, đã đích thân dựng lên một ông vua khác cho cái xứ còn hoang dã cực nam này.

*

* *

Cuộc tiến công càn quét Gia Định lần đầu của Tây Sơn nửa năm trước vẫn còn là một ám ảnh khủng khiếp đối với dân buôn bán Hoa kiều ở Trấn Biên và Sài Côn. Trong hai trăm ghe bầu đầy ắp lúa gạo và hàng hóa tịch thu được ở Gia Định do Thiếu phó Nguyễn Lữ đem về Qui Nhơn, tài sản của Hoa kiều chiếm phân nửa. Có thể là hơn phân nửa, vì lúa gạo Gia Định và Trấn Biên đều thuộc vòng chi phối của các con buôn mễ cốc. Chính số con buôn người Hoa này bỏ vốn cho nông dân nghèo vay trước để khẩn hoang, lập đồn điền, vỡ ruộng, nhằm bảo đảm mua trọn số nông phẩm thu hoạch được với giá hời. Do đó, họ mừng rỡ vô cùng khi thấy có một đạo quân hùng mạnh nhiều kinh nghiệm tách rời khỏi hàng ngũ Tây Sơn vào nam bảo vệ quyền lợi của họ. Hơn thế nữa, đạo quân này đa số là người Hoa, do một chủ tướng người Hoa điều khiển.

Các bang hội Hoa kiều ráo riết vận động để tài trợ cho Hòa nghĩa quân của Lý Tài. Đã từng bị đe dọa trực tiếp đến mạng sống và tài sản, nên phần lớn Hoa kiều buôn bán ở các phố đều hăng hái đóng góp nuôi dưỡng Hòa nghĩa quân. Một số thanh niên Hoa kiều xin gia nhập Hòa nghĩa, khiến quân của Lý Tài từ tám nghìn dần dần lên gần một vạn.

Chinh cũng trở thành một nhân vật đặc biệt được đón tiếp nồng hậu ở các cuộc hội họp, đám tiệc, lễ lạt của cộng đồng Hoa kiều giàu có đó.

Thân thế của Chinh có nhiều điểm đáng chú ý đối với dân buôn bán Hoa kiều. Chống Tây Sơn như đám quan quân hoặc dòng họ nhà Nguyễn lưu lạc từ Phú Xuân vô Gia Định, điều ấy hiển nhiên, dễ hiểu. Những người mang dòng họ Nguyễn Phúc, Tống Phước, Nguyễn Khoa, Nguyễn Cửu, nói tiếng trọ trẹ hăng hái chống Tây Sơn là điều bình thường. Những người từng cộng tác đắc lực với Tây Sơn, lãnh vai tiên phong trong các cuộc đánh nam dẹp bắc như Lý Tài, Chinh mà nay quay sang chống Tây Sơn mới thật đáng chú ý. Huống chi Chinh là một người nam trẻ tuổi, con trai viên quân sư từng làm việc với Nguyễn Nhạc từ thời khởi dấy. Đối với giới Hoa kiều, Chinh không có cái đáng khinh của một kẻ đầu hàng hèn nhát, ngược lại, anh có cái hấp dẫn huyền nhiệm dễ gợi tò mò của một người từng phải trăn trở đau lòng, cuối cùng lựa chọn "con đường đúng". Nói tắt một là, theo nhãn quan của giới con buôn Hoa kiều, Chinh là một kẻ "cải tà qui chánh".

Lý Tài mau chóng nhận ra sức hấp dẫn quần chúng" và giá trị tuyên truyền của Chinh, nên đi đâu cũng dẫn Chinh đi theo. Thời đó các bang hội Hoa kiều ở Trấn Biên hội họp liên miên, theo truyền thống cuộc họp nào cũng có kèm theo tiệc tùng thịnh soạn. Chinh mặc sức được cung phụng, cưng chiều. Không có ngày nào Chinh không dự tiệc. Cửa hưởng thụ mở toang trước mặt Chinh. Các trò vui lạ mắt khích động cảm giác. Chinh tò mò, mon men bước vào như một người tập sự. Dù sao anh vẫn chưa quên được những lời nghiêm huấn của cha. Anh tự nhủ: làm trai cái gì cũng phải biết, miễn là có đủ ý chí để không lụy như những kẻ thường tình. Anh hút thử thuốc phiện, lần đầu bị nôn ọe nhưng không muốn bị chê cười, Chinh hút tiếp lần thứ nhì, lần thứ ba... Anh được mời mọc đến các xóm yêu hoa đắt giá, được cho xem những tập đồ hình tố nữ đang biểu diễn các kiểu chăn gối trong phòng khuê (mà người ta thì thầm kháo nhau rằng tác giả là Thạch Liêm lão hòa thượng trụ trì Thượng Thọ Am ở Quảng Đông. Thích đại sán), được biếu bộ sách quí Nhục bồ đoàn để "xem qua cho biết sự đời". Các cuộc ăn chơi càng cột chặt Chinh với Lý Tài thêm lên, anh nghiễm nhiên trở thành người thân cận tín cẩn nhất của Bảo giá Đại tướng quân. Nhiều hôm giữa cơn đắc chí, Lý Tài bảoChinh:

- Dòng họ nhà anh có nòi làm quân sư đấy nhé! Cha anh làm quân sư cho biện Nhạc. Anh thành một thứ quân sư cho ta. Hãy mở to hai mắt và thính tai để xem nghe động tĩnh ở Ba Giồng, báo trước cho ta những điều cần làm. Phần bà con Hoa kiều thì khỏi phải lo. Cần bao nhiêu gạo thóc, khí giới, tiền bạc, họ sẽ cung cấp đủ. Ta chỉ giao cho anh phía Ba Giồng. Nhớ nhé!

Chinh không đồng ý với Lý Tài, thưa lại:

- Phía nguy hiểm không phải là Ba Giồng, mà là Qui Nhơn. Chắc tướng quân chưa quên tài điều binh của Nguyễn Huệ. Chỉ mới cầm quân có vài trận, anh ta đã nổi tiếng là một tay kiệt liệt, không chậm chạp như Thiếu phó Nguyễn Lữ.

Lý Tài cười ha hả bảo:

- Nguyễn Huệ hả? Anh muốn nói đến "chú Tám" nhà ta chứ gì? Vâng, hắn cũng khá đấy. Chừng ấy tuổi mà được như vậy, cũng hiếm có. Nhưng hắn vào đây bằng gì? Có phải bằng đường bộ không? Không. Đường sá xa xôi diệu vợi, hắn không vượt qua được rào chắn của hai ông Châu Văn Tiếp và Trần Văn Thức Bình Thuận, Phú Yên đâu. Nếu vào Gia Định lần nữa, Tây Sơn phải dùng thủy quân. Mà thủy quân Tây Sơn thì... a ha... anh còn biết rõ hơn tôi nữa. Sau khi Tập Đình đem quá nửa số chiến thuyền bỏ đi, số thủy quân còn lại thuộc cả vào quân Hòa nghĩa chúng ta. Làm sao không đầy hai năm họ có thể gầy dựng được một lực lượng thủy quân đủ sức vào tận đây đánh phá. Mấy tháng trước "chú Bảy" nó vào chỉ gặp bọn Đông sơn ốm đói và chết nhát, như chó táp phải ruồi, mới có thể thong dong chở mấy trăm ghe lúa về chợ Giã. Chuyến này đừng hòng! Diệt xong được bọn Đông sơn, ta còn đủ thì giờ củng cố, thống nhất lực lượng để nghênh đón một lượt nào "anh Cả, chú Bảy, lẫn chú Tám". Ha ha!

Chinh vẫn còn lo lắng nên cười gượng theo Lý Tài. Lý Tài cười thỏa thích một lúc nữa, rồi vỗ vai Chinh hỏi:

- Này, tập hình của lão hòa thượng đó đâu rồi?

Chinh đỏ mặt lí nhí đáp:

- Dạ đã trả cho họ rồi!

- Sao lại trả. Anh ngơ quá! Họ cho xem tức là muốn biếu. Lão hòa thượng đó thật đa tài. Vẽ như thế mới thật là bậc thầy. Nghe nói lão còn giỏi cả thiên văn, địa lý, dịch số, văn thơ, kiến trúc nữa phải không? À quên, sao lại đem hỏi anh! Lão người Quảng Đông,đáng lý ta đồng hương với lão phải hiểu rõ hơn anh chứ!