Sông Côn Mùa Lũ - Chương 44

Đạo quân chiến thắng vừa cập bến Thị Nại, thì Nội hầu Phạm Ngạn đã chờ sẵn trên bến chuyễn lệnh của Tây Sơn vương, là tất cả tướng sĩ dừng chân tại chợ Giã một vài hôm để Qui Nhơn kịp tổ chức một cuộc tiếp đón thật long trọng. Nhạc không muốn dân phủ hoang mang chứng kiến cảnh đạo quân bách chiến bách thắng quần áo xốc xếch, dáng điệu uể oải lê bước nặng nhọc giữa những người hiếu kỳ. Sau một cuộc hành trình dài, Nhạc muốn tướng sĩ được nghỉ ngơi để lấy lại sức, chỉnh đốn lại đội ngũ, lau chùi lại gươm giáo, và với dáng điệu hăm hở hùng dũng, những kẻ chiến thắng sẽ rầm rập tiến qua phố phường, làng mạc sặc sỡ cờ phướn, hoa giấy, đèn lồng. Nhạc muốn cuộc khải hoàn trở thành một kỷ niệm khó quên trong tâm khảm dân chúng.

Lãng nóng ruột không chờ đợi được, nên xin phép Huệ cho mình được về thăm nhà trước. Huệ hiểu tâm trạng đau đớn của Lãng nên chấp thuận ngay. Lãng dùng ngựa từ chợ Giã chạy gấp lên Bằng Châu để thăm gia đình. Cùng đi với Lãng, có một anh lính trẻ khác cũng xin phép về trước vì mẹ già đau nặng, nhắn gấp đứa con út về để trối trăn.

Cả hai người lính trẻ đều có những nỗi lo riêng nên từ lâu cưỡi ngựa đi bên nhau mà không ai nói với ai lời nào. Họ gò người trên lưng ngựa, cố thúc cho ngựa chạy nhanh hơn. Hai con ngựa trạm loại khỏe nhưng không chiều được tâm trạng hối hả của những người lính. Tiếng vó ngựa rời rạc dần, mồ hôi đẫm ướt bộ lông mướt. Họ đành phải cho ngựa đi chậm lại, nhờ thế câu chuyện thăm hỏi mới bắt đầu. Lãng được biết tình cảnh người bạn đường: một người mẹ hay đau yếu, một người vợ đảm đang hay khóc, và một đứa con nhỏ lên hai. Lãng hỏi:

- Liệu anh có về kịp không?

Người bạn đường đáp:

- Chắc kịp. Tôi nghe nói có nhiều trường hợp người hấp hối cứ thoi thóp dật dờ như vậy cả tuần, đôi khi cả tháng để chờ con hay chờ chồng. Mãi tới lúc nhìn được người thân lần cuối họ mới yên lòng ra đi. Nhưng... nhưng tôi hy vọng mẹ tôi vẫn mạnh khỏe khi tôi về. Có thể người nhắn tin lầm lẫn sao đó.

Lãng buồn rầu nói:

- Anh còn may mắn hơn tôi. Anh mang nguồn vui về, còn tôi mang tin buồn về. Cho nên càng gần đến nhà, tôi càng ngại.

Người bạn đường e dè hỏi:

- Anh có thân nhân tử trận phải không?

Lãng ngập ngừng đáp:

- Vâng, nhưng... Vâng đúng. Anh tôi phải nằm lại Gia Định

- Xin chia buồn với anh. Anh ở đạo quân nào, mà tôi thấy quen mặt lắm. Hình như tôi có gặp anh nhiều lần rồi.

Lãng sợ người bạn đường biết tông tích mình, từ đó phăng lần ra câu chuyện phản bội của Chinh, nên đáp liều:

- Không, tôi thuộc đội phòng thủ cửa Thị Nại.

Người lính nửa tin nửa ngờ, nhưng không tiện hỏi hết. Họ lại lặng lẽ đi bên nhau. Tiếng vó ngựa lóc cóc đều đặn trên đường lót đá. Người bạn đường suy nghĩ một lúc, rồi bảo Lãng:

- Anh không được dự trận này thật đáng tiếc.

Lãng tò mò hỏi:

- Đáng tiếc những gì vậy anh?

Người kia đáp:

- Anh không được dịp nhìn một vòm trời khác hẳn. Chúng ta quen được núi bảo bọc che chở, nên khi đến một vùng phẳng lì chung quanh ngút ngàn đồng bằng và bãi dại, cảm tưởng của mình lạ lắm. Hình như mình bị đi lạc vì không quen với sự trống trải.

Lãng thích thú hỏi thêm:

- Như vậy thì có gì đặc biệt mà phải hối tiếc?

Người lính vội nói:

- Tại tôi không biết diễn tả đấy thôi. Đất trong đó rộng mênh mông, dân cư còn thưa thớt. Muốn khai khẩn bao nhiêu ruộng tùy ý. Chỉ sợ mình không đủ sức làm mà thôi.

Lãng không nghĩ như người bạn đường nên nói:

- Chỉ vì anh nhìn thấy đồng bằng mênh mông tứ phía, nên vội nghĩ đời sống ở đó dễ dàng. Anh quên những bãi lầy nước mặn đó không trồng trọt gì được, chỉ cây dại như đước, ô rô, bình bát mọc mà thôi. Chỗ nào thuận lợi thì từ lâu đã có người chiếm ngụ rồi. Muốn khai khẩn đất hoang thì phải lên xa, vào sâu, nơi đầy rắn rít, muỗi mòng. Lại phải có sức, có tiền, thật nhiều tiền để thuê thêm nhân công. Vì vậy nếu chỉ vào đấy với bàn tay trắng, thì một là anh làm ruộng dạo cho các điền chủ, hai là anh bỏ thây ở nơi nước độc hẻo lánh. Đất rộng, nắng mưa thuận lợi, khí hậu ôn hòa, bấy nhiêu chưa đủ đâu.

Người bạn đường có lẽ thấy Lãng nói có lý, nên xịu mặt, lặng lẽ bên Lãng không nói gì thêm. Một lúc sau, anh ta mới thở dài, than:

- Tại sao trời đất là của chung mà loài người không chịu chia phần cho đều, kẻ thì nhiều quá, kẻ lại chẳng có gì. Chúng ta có tham lam đâu. Chỉ cần một căn nhà nhỏ, ngày hai bữa cơm hẩm ăn với mắm, quần áo đủ che thân và chống rét buốt. Chỉ có bấy nhiêu, mà không tìm đâu cho được!

Lãng thêm:

- Bấy nhiêu đó chưa đủ. Phải có người cùng với mình chia sẻ vui buồn, phải có chỗ cột dây nôi, phải có tiếng con nít khóc oe oe, rồi phải có dịp cho nó reo đùa, cười cợt... Ai cũng phải có những quyền lợi đó chứ.

Người lính lắc đầu chán nản:

- Nhưng khó lắm. Thôi đừng nghĩ tới nữa.

Lãng cãi lại:

- Sao không nghĩ. Quyền của chúng ta mà. Chính vì muốn được có những quyền ấy mà anh phải vào tận Gia Định. Anh thấy không?

Người lính trẻ đáp lơ lửng:

- Có lẽ thế. Nhưng chuyện đó xa xôi quá. Mình biết gì mà lo. Trước mắt, tôi chỉ lo đã tới mùa mưa, không biết ở nhà bị dột vợ tôi nó có dám leo lên mái dọi lại không. Hình như gần đây mưa to lắm phải không anh?

Lãng đáp liều:

- Vâng. Mưa to lắm.

Người bạn đường chột dạ, thúc ngựa chạy nhanh hơn:

- Vậy thì tôi phải về gấp. Đã đến ngã ba rồi. Anh cũng rẽ phải chứ?

- Không. Tôi về Bằng Châu. Rẽ trái.

- Chào anh nhé.

- Vâng, chào anh. Hy vọng lúc anh về, bà cụ vẫn khỏe.

*

* *

Con Vện không nhận ra Lãng. Càng không chấp nhận được con ngựa lúc đó vừa thở phì phò vừa lấy chân trước cào cào lên mặt đường, làm tung một lớp bụi mỏng. Nghe chó sủa dữ, An hớt hải chạy ra cổng. Chị cũng không nhận ra em. Phải chờ đến lúc Lãng lên tiếng, An mới reo lên:

- Trời ơi! Lãng phải không? Đúng rồi, Lãng! Em về hồi nào? Chị lú lẫn quá mất. Em về chiều nay mà còn hỏi là về hồi nào? Để chị mở cổng cho. Trong lúc An loay hoay kéo cái then cửa, Lãng cũng loay hoay với những câu hỏi khó đáp: Có nên báo ngay cho chị ấy biết không? Nếu ngại chị An đau khổ, thì phải chờ đến lúc nào? Báo cho chị An trước hay báo với cha trước? An thấy em đứng lặng bên mình ngựa, lo lắng hỏi:

- Em mệt lắm à? Dắt ngựa vào đi. Lại còn đi ngựa nữa! Oai gớm! Lãng biết không cả tuần nay khắp phủ nao nức vì tin chiến thắng. Mọi người trông ngóng thuyền về từng khắc từng giờ. Em dẫn ngựa vào đi! Sao đứng đực người thế?

Lãng vừa dẫn ngựa vào cổng vừa hỏi chị:

- Cha có nhà không chị?

An tránh xa con ngựa vì nó đưa mõm ngửi lưng chị, hấp tấp đáp:

- Có, có. Chắc cha sẽ mừng lắm. Để chị gọi cha dậy nhé?

Lãng cột ngựa vào gốc cây ổi, quay lại hỏi:

- Cha đang ngủ hở chị? Giờ này...

An đoán được ý em, trả lời:

- Không. Mấy hôm nay cha hơi mệt.

- Có nặng lắm không?

An vội trấn an:

- Không đâu. Vẫn cái chứng khó ngủ. Em vào tắm rửa qua loa rồi hãy lên gặp cha. Gớm bụi bậm đầy cả thế kia!

Lúc đó có tiếng trẻ con khóc chát chúa ở phía nhà ngang.

An lo lắng nói:

- Lại chọc cho thằng Phát nó khóc rồi. Con nhỏ không được tích sự gì cả. Em vào đây chị múc nước cho rửa mặt. Vào đây. Ủa, em không có mang quần áo gì cả à?

Lãng đáp:

- Quân còn nghỉ dưỡng sức ở dưới chợ Giã. Em xin anh Huệ cho về trước để...

An hạ thấp giọng hỏi:

- Anh ấy có bị thương nặng lắm không?

Lãng kinh ngạc hỏi lại:

- Chị nói ai bị thương?

An bối rối đến đỏ mặt, lí nhí nói:

- Thì anh Huệ. Có tin báo về bảo anh ấy bị chém ở tay.

Lãng cười lớn và nói:

- Thật tức cười! Anh ấy có bị ai chém đâu! Sao lại có tin động trời đó? À quên, có lẽ vì cái vụ... cái vụ tên tù binh liều lĩnh khiến anh ấy bị sướt da mà...

An lo lắng hỏi:

- Vụ tên tù binh? Hóa ra anh ấy bị thương thật à?

- Không. Nói bị thương hoặc bị chém là sai. Không có gì đâu. Thiên hạ chỉ ưa thổi phồng cho có vẻ gay cấn.

- Thế mà chị tưởng... Được, mẹ vào ngay bây giờ. Thằng bé chướng quá, đòi bồng cả ngày. Chị mới rời tay đi làm công chuyện là nó khóc thét lên. Mẹ vào bây giờ. Như vậy là anh ấy không hề bị thương chứ em?

Lãng gật đầu rồi hỏi:

- Cháu Phát đã đỡ chưa chị?

- Em vào đây trông cháu thì rõ. Hết lở da, nhưng không hiểu sao nó cứ võ vàng. Thằng bé lại khóc tướng lên rồi! Em giũ bụi trên quần áo đi. Để chị bảo con ở múc nước cho.

An hấp tấp chạy vào ẵm con. Lãng thấy chị gầy hơn trước, quần áo xốc xếch lôi thôi, đầu tóc không chải nên rối bù. Anh cũng nhận thấy đôi mắt chị sáng khác thường, giống y như lúc An có mag lần đầu.

Đứa ở gái bưng thau nước ra cho Lãng. Anh nhờ nó múc cho một bát thóc và lấy một ít nước đem ra cho ngựa. Con bé sợ không dám lại gần con ngựa cao lớn, nên Lãng phải rửa qua loa, rồi ra giúp con bé. An không thể kiên nhẫn chờ Lãng vào được, ẵm con ra tận gốc ổi để hỏi chuyện. Lãng nhìn cháu nhận xét:

- Nó có khá hơn nhiều chứ chị. Trông lớn hẳn lên.

An cúi xuống hôn con, rồi cười bảo em:

- Chuyện. Em đi đã hơn tám tháng rồi chứ ít sao. Vào Gia Định có khổ lắm không? Ở nhà, anh Lợi cứ thừ người ra vì tiếc không được tham dự trận này. Chị tức quá, bảo...

Lãng cố lấy hết can đảm, ngước lên nói nhanh:

- Anh Chinh chết rồi chị An ạ!

An không nghe kịp câu nói lí nhí tiếng nọ lấp tiếng kia của em, nét mặt vẫn tươi cười, chị hỏi:

- Em vừa nói gì thế?

Lãng đứng thẳng người, lưng dựa vào gốc ổi, chậm rãi nhắc lại:

- Anh Chinh đã chết rồi!

An lặng người, mặt tái mét, môi trên co giật không nói được nữa. Lãng nhìn nét mặt thảng thốt của chị, không dám nói thêm lời nào. Một lúc sau, An thì thào:

- Có thật không Lãng? Em có tin chắc chắn không?

Lãng đáp:

- Chính tay em với anh Huệ giúp khâm liệm anh ấy.

Nước mắt chảy lặng lẽ trên đôi má xanh xao của An. Giọng An rạn vỡ, run run:

- Sao em không cho chị biết ngay từ lúc mới về?

Lãng cúi xuống nhìn đôi chân mình, đáp nhỏ:

- Em sợ -

An hấp tấp hỏi:

- Nhưng vì sao anh ấy mất? Chẳng lẽ trời khiến cho em với anh Huệ gặp anh Chinh trên chiến trường! Không phải vậy phải không, Lãng. Em nói đi, không phải quân ta, không phải em hay anh Huệ giết anh ấy chứ?

- Không đâu chị ạ. Chị khỏi lo. Anh Chinh bị bọn Đông sơn giết, trước khi tháo chạy khỏi Cần Thơ. Em đến đã thấy anh ấy chết rồi. Anh Huệ tìm thấy xác anh ấy trong đống xác đầy máu me. Anh Huệ ngờ ngợ, không dám cả quyết, phải cho gọi em tới.

An mừng rỡ nói:

- Hay em nhận lầm xác người khác!

Lãng buồn rầu đáp:

- Không lầm được đâu. Em nhận ra được cái nút ruồi trên vành tai trái, và cái răng hư.

Không còn hy vọng gì nữa, hai chị em đứng lặng bên nhau. Lãng đau đớn nhìn chị khóc thút thít trong khi thằng Phát ngọ ngoạy trên tay mẹ, ngơ ngác nhìn Lãng rồi lại nhìn con ngựa.

Lãng hỏi An:

- Có nên cho cha biết tin ngay không chị

An giật mình đáp:

- Chầm chậm đã, em. Chờ lúc nào thuận tiện hãy cho cha biết. Cái thằng nhỏ này! ốm tong ốm teo mà lại thích ngựa. Em vào nhà nghỉ đi. Có lẽ sau bữa cơm tối, em hãy báo tin cho cha.

*

* *

Bữa cơm đoàn tụ dưới ánh đèn dầu lay lắt thật lặng lẽ, gần như buồn bã, vì An, Lợi và Lãng đều sợ chạm đến những điều mà họ biết rõ ông giáo rất sợ phải nghe. Người mà họ mừng vui vì được trở về an toàn là Lãng. Nhưng hỏi thăm chuyện Lãng thì động đến chỗ nhạy cảm nhất của ông giáo. Cho nên câu chuyện họ trao đổi cho nhau thật rời rạc, nhạt nhẽo. An săn đón, mời em ăn thử thức này thức kia, nói chuyện giá cả, và những điều ngộ nghĩnh của con. Lãng và Lợi mon men kháo chuyện phong tục, và cảnh vật Gia Định. Mỗi người nhìn vấn đề theo cách khác nhau, nhiều khi mâu thuẫn gay gắt, nhưng thấy ông giáo đăm chiêu suy nghĩ, họ không dám tranh luận cho rốt ráo. Gần đến cuối bữa, đột nhiên ông giáo hỏi Lãng:

- Hôm Chúa tuẫn nạn, mày có mặt ở đấy không?

Lãng lo sợ, hỏi lại:

- Thưa cha, chúa nào ạ?

Ông giáo cười cay đắng, rồi nói:

- Tao quên! Chúng bay giết một lượt cả hai chúa chứ không phải một.

Lãng liếc nhìn nét mặt giận dữ của cha, hỏi nhỏ:

- Cha đã biết tin rồi ạ? Con cũng định thưa với cha...

Ông giáo nôn nóng cắt lời con:

- Sao lại không biết. Chúng bay làm chuyện động trời như thế thì giấu ai được! Trời đất điên đảo cả rồi! Kỷ cương đứt tung cả rồi. Thật là hết, hết, không còn gì nữa!

An muốn cứu em, nhỏ nhẹ thưa với cha:

- Cha đưa con xới thêm chén nữa!

Ông giáo nhìn An, đáp cộc lốc:

- Thôi. Đủ rồi.

Nói xong, ông quay về phía Lãng hỏi tiếp:

-Tụi bay giết chúa ở đâu?

Lãng cảm thấy bị xúc phạm, tự nhiên bạo dạn hẳn lên. Anh đáp thật chậm thật rõ:

- Thưa cha ở chùa Kim Chương ạ!

Ông giáo lại được dịp hô hoán mai mỉa:

- Tụi bay khéo chọn chỗ để giết người! Ở chùa Kim Chương! Giết người ngay chỗ cửa Phật! Rồi tụi bay vứt xác chúa dưới chân tượng Bồ Tát phải không?

Lãng mím môi, không trả lời. Anh giận cha, và trong một lúc bốc đồng muốn gây cho cha một nỗi đau đớn, Lãng buột miệng nói:

- Chúng con không dã man như chúng nó. Tra tấn tàn nhẫn rồi vứt xác thành đống ở chỗ sình lầy dơ dáy, chỉ có chúng nó mới dám làm mà thôi. Chính chúng nó, chính bọn Đông sơn dưới tay chúa đã hành hạ rồi giết anh Chinh như vậy!

Ông giáo giật mình ngửng lên nhìn Lãng, nét mặt vừa ngơ ngác vừa lo âu:

- Mày nói cái gì?

Lãng đáp nhanh:

- Thưa cha, anh Chinh đã chết rồi!

Ông giáo đăm đăm nhìn con, như nghi ngờ cái tin dữ Lãng vừa thốt ra. Cả người ông lạnh toát. Hai tay ông phải níu vào mép bàn cho bớt run. Mắt ông hoa. Ông nghe loáng thoáng lời Lãng giải thích thêm về cái chết của anh. Ban đầu ông nghe tiếng được tiếng mất. Nhưng khi xúc động lắng xuống, ông nghe rõ hơn. Lãng kể từ đầu đến cuối, từ lúc Huệ gọi anh đến để nhận diện xác chết cho đến lúc làm lễ tế chiến sĩ trận vong. Càng nghe Lãng kể ông càng bình tĩnh hơn, hiểu con và hiểu học trò hơn. Đến lúc Lãng dứt lời, ông giáo cúi mặt suy nghĩ thật lâu, bàng hoàng, hoang mang giữa yêu ghét, khâm phục và căm giận. Ông muốn nói với các con ít lời cho chúng bớt lo lắng, nhưng không biết nói điều gì, nói thế nào. Lãng đến bàn nước rót cho cha một chén nước trà. Ông lặng lẽ uống cạn, rồi đứng dậy bỏ đi lên nhà trên.

Những hôm tiếp theo, ông giáo trải qua những tâm trạng phức tạp, kỳ dị. Cả người ông nóng ran, trong lúc cảm giác lành lạnh cứ lan man ở dọc xương sống, đỉnh đầu và hai bên thái dương. Vì tim đập mạnh nên ông không tài nào chợp mắt được. Đã từng thức trắng nhiều đêm trong đời, nhưng chưa bao giờ thính giác của ông nhạy cảm bằng lúc này. Ông nghe rõ từng tiếng động nhỏ trong căn nhà tối, từ tiếng mọt gặm trên đầu kèo cho đến tiếng một tiếng lá rụng bên cửa sổ. Những tiếng động ấy có sức âm vang dài lâu, đến nỗi tiếng nọ chập trùng lên tiếng kia, lớp lớp chồng chất thành một mớ hỗn độn ồn ào. Ông run sợ trước thứ âm thanh kỳ lạ đó, nhiều lúc phải bịt hai tai lại để dỗ giấc ngủ.

Chợp mắt được một lúc, tiếng đập ma quái loãng đi thì lại đến lượt tiếng con Vện sủa.

Ban đầu, ông nghĩ con chó sủa dọa những đứa trẻ rắn mắt chui vào vườn hái trộm ổi. Nhưng về sau, tiếng chó sủa có vẻ hốt hoảng, gần như tiếng kêu cứu. Ông giáo ngồi bật dậy, không thắp đèn vì sợ đánh thức các con và người làm, ông lần mò trong đêm tối, se sẽ mở cửa sổ nhìn ra vườn. Ông thấy con Vện đứng ở phía trong cổng chõ mõm ra ngoài đường sủa ăng ẳng không thôi. Đột nhiên ông nhớ lại người khách lạ từng đến tìm ông buổi chiều hôm ấy. Thứ ám ẩnh phai nhòa mấy tháng nay lại hiện về. Ông vội vàng đóng kín cửa sổ, ngồi thừ trên giường suy nghĩ:

- Hay ông khách đã trở lại? Mà tại sao trở lại vào lúc đêm hôm, và đứng ngoài đường chứ không gọi cổng? Ông ta là ai? Ông ta muốn gì?

Sáng hôm sau, ông giáo trách các con ngủ quá say, đến nỗi chó sủa thâu đêm mà không ai hay biết gì cả. An lấy làm lạ vì đêm đó thằng Phát nóng mình trăn trở khóc lóc mãi nên quá khuya An vẫn chưa nhắm mắt nổi, thế mà An có nghe chó sủa đâu. Lợi thì quả quyết đêm hôm trước con Vện nằm dài gần bếp lửa vì sợ lạnh, không dám chạy ra khỏi nhà. Nhưng hai vợ chồng không dám nói những điều đó với cha, chỉ nhìn nhau ái ngại. Ông giáo ra xem lại cửa cổng, xác định vị trí con Vện đứng sủa hồi hôm. Sương đêm nhuộm nâu lớp đất bùn trong vườn. Ông giáo tìm mãi vẫn không thấy dấu chân con Vện ở chỗ ông thấy nó hoảng hốt sủa vang đêm trước.

Ông nghi ngờ trí óc mình, hoang mang không hiểu mình đang mê hay tỉnh. Không thể nào ông mê được, vì ông biết rõ mình đang làm gì,đang nghĩ gì. Chẳng hạn ngay lúc đó ông đang nghĩ đến cảnh Tân Chính vương ra pháp trường, và cái chết của Chinh. Ông nôn nao chờ đêm về!

Ông lại nghe tiếng chó sủa y như đêm trước, và đâm sợ hãi. Ông giáo tự nhủ: Như vậy là mình đã lầm. Người khách lạ không ai khác hơn là một bóng ma đến tìm ông vì cùng một thanh khí. Đó là hiện thân của thần Chết chứ không phải là thần May mắn. Người khách lạ đến để vấn tội ông, cái tội nhúng tay vào trò chơi lớn làm đổ máu biết bao nhiêu sinh linh, trong đó có cả chúa, các bậc tôi hiền, kẻ đạo đức, người vô tội yếu ớt, và cả đứa con trai của ông nữa!

Càng nghĩ ông giáo càng sợ! Từ đó về sau, suốt ngày ông đóng kín cửa nằm trong phòng nghe ngóng từng bước chân, từng tiếng động nhỏ. Ông nhắc An khóa hẳn cửa cổng. Vẫn chưa an tâm, vì lũ trẻ hàng xóm có thể chui qua rào gai vào vườn hái ổi! Nếu ông khách muốn, ông ta dễ dàng tìm được lối vào vườn mà khỏi phải chờ ai mở cổng. Tốt hơn hết là phải cài thật chặt cửa ra vào phòng. Ông lấy dây mây buộc kỹ các cửa sổ. Phòng ông nằm trở nên ngột ngạt, tối tăm. Muốn đọc sách hay làm việc gì, ông phải thắp cái đèn dầu. Cái tiếng động ngoài vườn vẫn đủ sức làm ông lo lắng, và ngay trong phòng, cái bóng ông in trên vách nhiều lúc khiến ông giật mình.

An và Lãng tưởng sức khỏe của cha suy giảm nên mới sợ gió quá mức như vậy, hai chị em hết sức lo lắng. Lợi chạy đi báo cho Kiên hay tin. Họ bàn tán với nhau nên mời thầy thuốc nào, nên tẩm bổ cho cha thức gì. Hết thầy thuốc này đến thầy thuốc khác, không có vị nào bắt mạch đích xác được căn bệnh ông giáo. Ông vẫn ăn uống, nói năng như một người khỏe mạnh. Nhịp mạch vẫn điều hòa. Có sự lạ là ông quá lo âu cho chuyện đóng cổng, khóa cửa, và e ngại thái quá với mọi kẻ lạ. An hoang mang không hiểu nổi cha. Chị chỉ thực sự biết căn bệnh của ông giáo khi con Vện rượng đực bỏ nhà đi suốt mấy hôm mà ông giáo vẫn than phiền về tiếng chó sủa!

Thấy cha ngại ngùng, đôi lúc gần như hoảng hốt, khi bước ra khỏi phòng xuống nhà ngang dùng cơm, An bắt đầu dọn riêng một mâm nhỏ bưng vào cho ông giáo. An nhận được của cha nụ cười biết ơn, và chỉ có thế thôi. Mỗi lần xô cánh cửa hông lên gặp cha, An đều thấy ông giáo tỏ vẻ lo lắng, hoặc sợ hãi. Phải một lúc lâu ông mới nhận ra con gái, lúc ấy nét mặt ông trở nên cau có, giận dữ. Cho nên trừ trường hợp thật cần thiết, An ít khi làm phiền ông giáo. Từ nhà ngang, chị chỉ nghe tiếng cha ho hoặc khạc nhổ, tiếng chân di chuyển nhẹ từ chỗ nằm đến cửa lớn, cửa sổ, như một bà già lẩm cẩm lo sợ kẻ trộm lẻn vào lấy mất số tiền dành dụm cả đời mình.

Các dấu hiệu đáng ngại ấy khiến các con ông giáo đau xót. Họ cảm thấy cha già đã thuộc vào một cuộc đời khác, một thế giới xa lạ, huyễn hoặc mà họ không hiểu hết. Người đau xót hơn hết là An.

Lợi được chuyển từ kho quân lương sang giúp cho Năm Ngạn điều khiển việc xây dựng thành Chà Bàn và hành cung ở Kiên Thành, suốt ngày bận túi bụi, đến tối mới về ăn vài bát cơm là lăn ra ngủ. Lãng đã trở về trại. Kiên cũng thường đến thăm cha, nhưng hồi gần đây người vợ lớn hơn anh cả mười tuổi có mang khó ở, Kiên phải vừa lo việc ở sở vừa lo cai quản cái quán rượu đang đông khách. An một mình lo âu và săn sóc cha, săn sóc đứa con đầu ốm yếu, và cả cái thai mấy tháng của mình. Chị sống cách biệt hẳn khỏi không khí nô nức rộn rã chung của xã hội bên ngoài. Tin tức về những cuộc đón rước náo nhiệt đoàn quân chiến thắng trên phủ, về những loại huyền thoại mang từ vùng đất mới chinh phục ra Quy Nhơn, về những công cuộc xây dựng cho một kinh đô mới trên nền khu thành cổ của dân Chàm, về hào quang của Nguyễn Huệ, lạ lùng thay, không ảnh hưởng nhiều đến An. Chị thấy bao nhiêu biến cố đó hoàn toàn xa lạ với chị. Chị hoàn toàn dửng dưng. Không phải An lạc lõng trong vận hội mới. Nhưng trước mắt An, có những mối bận tâm trực tiếp còn quan trọng hơn cả mọi biến cố lịch sử. Nào cha trở thành dớ dẩn, nào Chinh chết bi thảm, con đau yếu, thân thể vật vã vì cái thai khá lớn... bấy nhiêu điều nặng nề chồng chất lên đôi vai ốm!

May cho An là vào giai đoạn khốn khổ ấy, Thọ Hương thường đến thăm nom, chuyện trò. Bẵng đi một thời gian khoảng hai tháng không thấy Thọ Hương đến chơi, An tưởng cô bạn gái có những mối bận tâm hoặc công việc phải làm do ràng buộc của địa vị mới. Một quận chúa, một thành viên của gia đình đã trở nên vương giả, một người vợ dù là bất đắc dĩ của Đông cung, cố nhiên Thọ Hương phải cố gắng để sống cho đứng với trách vụ của mình.An không hề thắc mắc vì sao Thọ Hương không đến thăm mình đều đặn như trước. Mãi tới hôm Thọ Hương đến, An mới vỡ lẽ: Suốt hai tháng qua Thọ Hương bị một trận thương hàn suýt chết. Người cô vẫn còn ốm xanh, tóc rụng nhiều, đến nỗi Hương phải choàng lên đầu một cái khăn đoạn màu vàng.

Có thể vì vậy mà hai người bạn gái dễ dàng thông cảm nhau! Thọ Hương thương hại cho tình cảnh An. An thương hại cho tình cảnh bạn. Cái chết của Đông cung cứ chờn vờn trong câu chuyện của hai người, biến tất cả những lời họ nói thành những lời an ủi xa xôi, khích lệ bóng gió. Họ bùi ngùi nhìn nhau, ghi nhận gương mặt xanh xao, đôi mắt buồn bã của nhau, và cảm thấy gần gũi quyến luyến nhau hơn bao giờ hết!

An hỏi thăm Thọ Hương:

- Em đã khỏi hẳn chưa mà đến thăm chị?

Thọ Hương đưa tay lên vuốt má mình, gượng cười đáp:

- Chưa khỏi hẳn. Nhưng em nằm nhà hoài không chịu nổi nữa. Chị có cái gương cho em mượn đi.

An nói dối:

- Có một cái bị thằng cháu Phát nó đạp vỡ mất rồi. Từ ngày đi lấy chồng, chị cũng không cần đến cái gương cái lược nữa.

- Em cũng thế. Nhưng tự nhiên hôm nay...

An cướp lời bạn:

- Em phải khác chứ. Đằng nào ở vào địa vị em, không thể ăn mặc xuề xòa, tóc tai bỏ mặc như chị được.

Thọ Hương buồn rầu nói:

- Địa vị em? Địa vị em cao cấp thế nào hở chị? Em đứng ở đâu đây? Em có còn là con gái của ba em nữa không? Có còn...có còn là...là một người đàn bà đã có chồng nữa không? Em còn là con gái hay em đã thành bà góa? Chị trả lời giùm cho em đi!

An ái ngại nhìn khuôn mặt xanh xao và thảng thốt của bạn, không biết trả lời thế nào. Chị tìm cách xoay câu chuyện sang hướng khác. An hỏi:

- Nghe anh Lợi bảo khu thành mới sắp xong rồi. Cái hành cung ở trên Kiên Thành cũng vậy. Ít lâu nữa, em ở dưới này hay lên Kiên Thành?

Thọ Hương suy nghĩ một lúc, rồi đáp:

- Có lẽ em lên Kiên Thành. Các anh chị Bảo, anh chị Nhậm, anh chị Trị ở dưới này với cha em là phải. Họ có nhiều việc phải làm. Còn em? Em biết làm cái gì bây giờ? Em không thuộc về ai cả, không thuộc vào cái gì hết. Người ta xem em là thân thuộc đáng thương cũng được, khi kình cãi ganh ghét thì xem em là kẻ thù cũng được. Đôi lúc em cũng không biết em nữa. Em tự hỏi: Em phải xem cha em như đấng sinh thành hết lòng thương yêu mình, hay phải xem cha em như kẻ thù.

An lo ngại, vội nói:

- Em đừng nói dại. Sao độ này em lẩn thẩn thế. Hồi thằng Phát đầy tháng, chị thấy em vui vẻ, yêu đời lắm mà!

Thọ Hương ngượng nghịu, phần nào hối hận vì đã nói liều trong cơn phẫn chí, nên đáp nhỏ:

- Có lẽ vì đau yếu nên em đâm buồn bực, lẩn thẩn đấy!

An tìm cách an ủi bạn:

- Chị cũng thế. Đôi lúc quá khổ, chỉ muốn chết cho rảnh nợ. Mà chết lúc này đáng tiếc thật hở Hương? Chung quanh đây ai ai cũng nô nức, hăm hở chờ đón những điều mới mẻ, lạ tai lạ mắt. Em có đi thăm khu thành mới chưa?

Thọ Hương bẽn lẽn đáp:

- Chưa, chị ạ. Em là người trong nhà mà giống như người ngoại cuộc. Nghe các chú chê thành hơi thấp, và hẹp. Còn mẹ và em thì chỉ chú trọng đến thành cung trên quê mà thôi!

- Vậy là em sẽ về Kiên Thành sống với bà?

- Dạ, có lẽ thế.

An thở dài nói:

- Chị lại sắp xa một người bạn thân.

Thọ Hương vội nói:

- Nhưng chưa có gì chắc chắn đâu. Nhiều khi em đổi ý bất ngờ. Em không hiểu em muốn gì, nên mẹ em bảo em phát khùng mất rồi. Nếu được phát khùng, em...

An lại cắt lời bạn:

- Đừng nói dại. Ấy chết, chị lú lẫn quá rồi. Có khách vương giả đến chơi mà không có lấy một bát nước trà loãng để mời. Gái ơi, gái.

Thọ Hương xua tay can:

- Khỏi cần khách sáo làm gì, chị. Em đến nói chuyện với chị là đủ vui rồi. Anh đâu rồi chị?

- Anh ấy bận liên miên. Thành sắp xong, chắc anh ấy sắp được rảnh rỗi một chút.

Thọ Hương vội hỏi:

- À, hóa ra anh Lợi đã qua làm chỗ chú Năm Ngạn. Thảo nào!

An lo ngại hỏi:

- Thảo nào là thế nào, Hương?

Thọ Hương thấy mình nói hớ, vội bảo:

- Thôi, chú Năm Ngạn nói cũng không đáng tin đâu.

An không chịu thua, giục bạn:

- Em đừng ngại. Có gì cứ nói thẳng với chị.

Thọ Hương nói:

- Không có gì quan trọng đâu. Tính chú Năm, chị biết rồi. Vả lại hai người một già một trẻ lại khác tính nhau, làm sao tránh khỏi xích mích.

Rồi không muốn đi sâu thêm vào chuyện rắc rối, Thọ Hương bảo:

- Lúc nào rảnh, chị lên đằng em chơi.

An cười gượng nói:

- Em thấy đấy, một mình chị lo đủ đường, cha chị như vậy, con chị như vậy. Phần chị lại bụng mang dạ chửa!

- Thế thì chị cho phép em đến đây thăm chị vậy. Chị có chán en lẩn thẩn không?

An vui mừng nói:

- Không đâu. Sao em lại nói thế? Chị chỉ mong em có thì giờ đến thăm chị luôn. Chị chờ em đấy!

*

* *

Những lần sau, Lãng có gặp Thọ Hương tại nhà mình.

Anh không nhận ra ngay cô gái út của Tây Sơn vương!

Lãng ngờ ngợ, không nhớ đã gặp thiếu phụ này ở đâu. Trước mặt anh là...là một người đàn bà, không, không hẳn là một người đàn bà, mà cũng không hẳn là một thiếu nữ. Con người ăn mặc sang trọng mà không chải chuốt choàng cái khăn vàng ấy có cái gì lưng chừng khó định lắm: nàng có những nét đậm đà u buồn chưa thể có ở một thiếu nữ, nhưng đồng thời cũng có quá nhiều vẻ e ấp bẽn lẽn để trở thành một thiếu phụ. Lãng liếc nhìn người phụ nữ da bánh mật đang cắn môi để giấu một nụ cười còn nhiều vẻ tinh nghịch, nhiều lần không dám lên tiếng hỏi chị. Hôm ấy Lãng trở về trại sớm, nên không có dịp hỏi chị người phụ nữ ấy là ai.

Lần sau, khi nghe An bảo đó là Thọ Hương, Lãng vẫn không tin lời chị. Anh vẫn còn giữ ấn tượng khó chịu về quận chúa từ hôm gặp Thọ Hương ở đám đầy tháng cháu. Lãng nhớ gương mặt trang điểm kỹ càng của Thọ Hương hôm ấy, nhớ bộ quần áo đẹp đẽ và vẻ thỏa mãn tự tín của nàng. Lãng khó chịu vì phong thái tự đắc, anh nghĩ quận chúa phải có (nhất định phải có) sau khi Tây Sơn trại chủ chính thức xưng vương.

Hôm ấy Lãng gặp lại Thọ Hương. Nàng mặc một bộ quần áo lụa màu vàng nhạt. Khăn choàng đầu mầu nâu, làm nổi bật nước da bánh mật và hòa hợp trọn vẹn với đôi mắt đen và sâu, đôi môi mím nghiêm nghị. Tuy đã được An báo cho biết Thọ Hương vừa mới bệnh dậy, nhưng Lãng vẫn khăng khăng nghĩ: Nhất định quận chúa không đau đớn vì bệnh thương hàn, mà đau đớn vì cái chết của Tân Chính vương. Càng ngắm kỹ, Lãng càng vững tin ở định kiến của mình: cái khăn choàng đầu mầu nâu đậm kia có khác nào cái khăn của các bà vãi, lại thêm đôi mắt u buồn ấy, dáng ngồi thờ ơ khép nép ấy, bàn tay ốm có nổi vài đường gân xanh xao ấy...tất cả là dấu hiệu của một thứ tâm bệnh trầm trọng, của một sự mất mát lớn lao, nói chung, của một nỗi thống khổ không lấy gì đo lường cho hết.

Lãng xúc động đến ngộp thở trước nỗi thống khổ da diết này! Anh không muốn về trại nữa. Cũng không thấy e ngại vì đã quấy rầy cuộc trò chuyện tự nhiên của hai người bạn gái. Có một sức thu hút huyền bí níu chân Lãng lại. Lãng ngồi xuống cái ghế cạnh chỗ hai người ngồi, cố thắng sự nhút nhác để góp chuyện. Bằng một giọng run run vì lo ngại và thương xót, Lãng rụt rè hỏi Thọ Hương:

- Chắc quan Phụ chính đã giải bày với Quận chúa cả rồi. Quả tình không còn cách nào khác. Có những điều chúng ta không cưỡng được. Những điều xảy ra ngoài ý chúng ta, như là số phận!

Thọ Hương ngạc nhiên ngước lên nhìn Lãng, ngỡ ngàng trước cách xưng hô và những lời nói nghiêm trang khác thường giữa cuộc trò chuyện riêng tư thân mật này. Ánh nhìn của Thọ Hương vừa thích thú ranh mãnh vừa phảng phất vẻ giễu cợt. Lãng cảm thấy mình lố bịch, ngượng đến đỏ mặt. Nếu có thể chui xuống đất để trốn cái nhìn ranh mãnh ấy, thì Lãng đã làm rồi. An cười lớn, nửa đùa nửa thật bảo em:

- Sao tự nhiên Lãng sính nói chữ thế?

Thọ Hương thấy Lãng quá bối rối, vội nói:

- Không phải đâu chị. Anh Lãng muốn an ủi em, nhưng sợ em buồn, nên nói quanh co thế thôi!

Rồi quay hẳn về phía Lãng, Thọ Hương cúi đầu lễ phép nói:

- Cảm ơn anh nhiều. Vâng, đúng là số phận của tôi chẳng ra gì!

Lãng bớt ngượng, nên có thể tiếp nối lời khách:

- Quận chúa đừng nói vậy. Nếu người ta thực lòng thương yêu quận chúa, nhớ tưởng quận chúa, thì quả thật không có nỗi đau đớn nào to lớn bằng. Nhưng chắc... chắc anh Huệ đã kể lại cho quận chúa lúc bắt được... lúc bắt được Đông cung...

Thọ Hương vội vã nói:

- Chú Tám không kể gì cho tôi nghe cả. Chú ấy tránh mặt tôi, làm như không có gì xảy ra ở Gia Định. Anh làm ơn kể cho tôi biết đi. Lúc bắt được... bắt được Đông cung...

Lãng rộn rã vì sự săn đón chờ đợi của Thọ Hương, vội kể:

- Phải, lúc bắt được Đông cung ở đồn Ba vác, anh Huệ có nhắc đến Quận chúa.

Thọ Hương không dằn được tò mò, hấp tấp hỏi:

- Thật thế ư? Chú Tám nhắc thế nào?

Lãng hân hoan vì thấy mình quan trọng, chậm rãi đáp:

- Lúc Tân Chính vương từ trong đồn Ba vác đi ra phía thuyền, anh Huệ hỏi thăm, rồi bảo:”Tôi mà làm sướt một chút da của Ngài thì về Qui Nhơn con cháu Thọ Hương không để cho tôi yên đâu!”. Nghe nói thế, Tân Chính vương...

Thọ Hương sợ sự thật phũ phàng, vội ngăn lời Lãng lại:

- Thôi, tôi biết rồi.

Lãng ái ngại nhìn Thọ Hương, lúc đó đang cúi gằm mặt xuống, vừa xấu hổ vừa đau đớn. Sau một lúc e ngại, Lãng nói nhỏ:

- Quận chúa không nên buồn. Con người đó... cong người đó... không đáng gì đâu!

Nước mắt lưng tròng, Thọ Hương run run nói với An:

- Cả em nữa, em cũng chẳng đáng gì. Em chẳng khác nào viên đá lót đường cho người ta dẫm lên trên. Thân em bị chà đạp, đau xót, lấm láp mà không ai thương xót...

Thấy Lãng nhìn mình xót xa, Thọ Hương càng nói quá đi để cảm động Lãng, rồi chính Thọ Hương cũng mủi lòng vì lời than vãn của mình. An thấy hai người im lặng, vội nói:

- Sao em chán nản thế, Thọ Hương? Em còn trẻ, đời còn dài...

Thọ Hương ngửng lên nhìn An, định nói điều gì, nhưng cổ đã nghẹn không thốt nên lời. Nước mắt lăn từ từ trên hai má. Lãng không chịu được cảnh một người con gái khóc lặng lẽ, cúi gằm mặt xuống. An thấy tình thế khó xử, không biết phải làm gì để an ủi bạn. May mắn vào lúc đó, thằng Phát khóc ré lên trong buồng. An vớ dịp tốt kéo Thọ Hương đứng dậy, bảo bạn:

- Thằng bé lại nổi chứng rồi. Em vào đây xem giùm chị nó có khá hơn chút nào không.

Thọ Hương khẽ gật chào Lãng rồi đi theo An. Lúc hai người bạn gái đã vào hẳn trong buồng, Thọ Hương lấy hơi nhiều lần định nói, nhưng nàng chỉ cười bẽn lẽn, rồi thôi. An lấy làm lạ hỏi:

- Em định nói gì thế?

Thọ Hương chối:

- Em có định gì đâu!

An không hỏi thêm, cúi xuống gãi nhẹ vào lưng cho thằng bé ngủ lại. Thọ Hương nhìn hình dáng nặng nề của bạn, hỏi:

- Chị đã được mấy tháng rồi?

- Có lẽ năm, sáu tháng gì đó. Trông chị tức cười lắm nhỉ!

- Không đâu! Chị chỉ hơi ốm thôi. Bác đã khá chưa chị?

An nhớ đến cha, thở dài đáp:

- Vẫn vậy. Hình như cha chị luôn luôn sợ hãi cái gì đó, lúc nào cũng nơm nớp, chờ đợi, đề phòng.

- Lạ nhỉ! Chị An này.

- Gì thế Hương?

Thọ Hương liếc nhìn An, mỉm cười bâng quơ, do dự, rồi lấy bạo hỏi bạn:

- Trông anh Lãng khác hồi trước nhiều, phải không chị?

An hỏi:

- Khác thế nào?

Thọ Hương bối rối, nói:

- Anh ấy có vẻ rắn rỏi hơn, mạnh bạo hơn. Ấy, cháu thức dậy rồi chị!

An vội gãi lưng con, à ơi vài tiếng, rồi quay về phía bạn hỏi nhỏ:

- Năm nay em bao nhiêu tuổi.

- Mười chín, chị ạ.

- Vậy là thua Lãng ba tuổi. Nó đã hai mươi hai, còn nhỏ nhít gì đâu!

- Nghe chú Tám khen anh ấy có tài văn chương như bác. Hình như anh ấy được thưởng quân công đấy!

An cười bảo:

- Quân công? Em nói thực hay nói đùa? Nó cầm cái gươm còn chưa vững, nói gì đến chuyện đánh nhau ngoài mặt trận.

Thọ Hương hăng hái bênh vực người vắng mặt:

- Đâu phải ra trận là phải biết cầm gươm. Có trí thông minh, thậm chí có tài làm thơ, viết hịch nhiều khi cũng bằng mười lần có tài múa kiếm. Không tin ngày mốt chị rán đi dự lễ mừng chiến thắng, sẽ rõ.

An thừ người vì tiếc, trả lời:

- Chị thế này còn đi đâu được. Nghe nói suốt nửa tháng nay cả phủ như mở hội, phải không em?

- Em cũng chẳng biết nữa. Có lẽ thế.