Sông Côn Mùa Lũ - Chương 61

Lợi đinh ninh còn nhiều thì giờ để xếp đặt chuyện gia đình, vì đạo bộ binh do Phó tướng Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ huy chưa ổn định xong hàng ngũ và vũ khí. Bất ngờ vào 20 tháng Tư, có lệnh gọi Lợi đến trình diện gấp tại bản doanh của Long Nhương tướng quân. Cả Nguyễn Hữu Chỉnh cũng không biết Nguyễn Huệ gọi Lợi đến làm gì.

Tuy hoang mang, nhưng Lợi tin ở tình quen thân lâu ngày giữa anh và Nguyễn Huệ, ân nghĩa thầy trò giữa ông giáo và Huệ, cố tin cả vào tình cảm giữa Huệ và An. Tên lính mang lệnh khẩn chờ để về một lượt với Lợi, khiến anh không thể ghé tạt về Bằng Châu được. Lợi đến bản doanh thì Nguyễn Huệ đã chờ anh sẵn tại căn phòng kín đáo phía hữu với một cụ già râu tóc bạc phơ, thân thể quắc thước. Lợi trông cụ già, nhớ hình như đã gặp ở đâu, nhưng không thể xác định rõ gặp lúc nào.

Nguyễn Huệ chờ cho Lợi ngồi ngay ngắn trên tràng kỷ mới trỏ cụ già và hỏi:

- Anh còn nhớ thầy đây không?

Lợi e dè đáp:

- Hình như tôi có được quen. Có lẽ cụ là... cụ là...

Cụ già cười, đáp:

- Anh quên tôi rồi. Anh quên cũng phải, vì hồi đó anh chỉ ghé qua tiệm thuốc bắc có vài lần. Tôi là thầy Tầu dạy võ ở An Thái đây.

Lợi nhớ lại quá khứ, vui mừng nói:

- Hóa ra thầy. Thầy già đi nhiều nên con không nhận ra. Thầy vẫn còn ở An Thái?

Người thầy võ đáp:

- Vâng.

Lợi nói:

- Con trông thầy vẫn mạnh mẽ tráng kiện như trước.

Nguyễn Huệ sốt ruột, nói ngay:

- Sau này ta sẽ có nhiều thì giờ hỏi thăm nhau. Bây giờ phải bàn ngay vào việc chính, để kịp sửa soạn tối mai xuống thuyền.

Lợi ngạc nhiên định lên tiếng hỏi, nhưng Nguyễn Huệ đã ra dấu bảo chờ cho ông nói hết.

- Các chi tiết, thầy đây sẽ giải thích cặn kẽ cho anh sau. Ngay bây giờ, anh qua bên dinh quan Tiết chế để nhận lệnh xuống kho lựa hàng hóa. Mấy lần ra cửa Hội và vào Gia Định anh đã quen các loại hàng Tàu rồi. Nếu một thương thuyền từ Quảng Đông cập bến cửa Hội, thì khách buôn Quảng Đông sẽ mang theo thứ gì?

Lợi thành thạo kể:

- Hàng Quảng Đông mang sang bán bên ta gồm sa, đoạn, gấm, vóc, vải, các vị thuốc, giấy vàng bạc, hương vòng, các thứ đồ giấy, kim tuyến, ngân tuyến, các thứ phẩm, y phục, giầy tốt, nhung, kính, pha lê, quạt giấy, bút, mực, kim, cúc áo. Cồng kềnh hơn thì có các loại bàn ghế, các thứ đèn lồng, các thứ đồ đồng, các thứ đồ sứ đồ sành. Về thức ăn uống thì mang sang bán cho ta chè, cam, chanh, lê, táo, hồng, bánh, miến, bột mì, trám muối, dầu Thái, trứng muối, tương gừng, tương ngọt, kim châm, mộc nhĩ, nấm hương...

Nguyễn Huệ ngăn lại, nói:

- Thôi đủ rồi. Đây là một chuyến buôn hàng sang trọng, nên anh chỉ lựa chọn các loại hàng quí, như thuốc bắc, sa, đoạn, gấm, vóc, quạt giấy, đèn lồng, các thứ đồ sứ mỏng, các thứ đồ đồng có chạm trổ. Anh qua bên kho lựa mỗi thứ một ít, sao cho đủ một chuyến buôn lớn. Nếu còn thiếu, ta sẽ ghé qua cửa Hội lấy thêm. Từ bây giờ tới tối anh chọn xong được không?

Lợi e dè đáp:

- Tôi sợ... tôi e bên kho không có sẵn.

- Quan Tiết chế sẽ giúp anh việc đó. Làm sao để sáng sớm mai có đầy đủ hàng hóa để khởi hành. Tối mai thuyền phải ra khỏi cửa Thị Nại. Anh định ghé về nhà chứ gì? Không cần. Tôi sẽ nhờ Lãng tin cho An hay. Vả lại việc này tối mật, ngoài anh và thầy đây, không ai được biết thuyền từ đâu tới, và sẽ đi đâu. Anh còn hỏi gì nữa không?

Lợi bị bất ngờ nên không còn biết hỏi gì nữa. Nguyễn Huệ quay sang người thầy Tầu nói:

- Mọi việc sẽ xong. Xin thầy cứ yên tâm nghỉ ngơi. Khi nào khởi hành, sẽ có lính đem võng qua đón thầy. Chắc từ đây đến tối con không gặp lại thầy được. Chúc thầy thượng lộ bình an. Đến nơi, sẽ có người đón thầy để đưa vào thành và xin tiếp kiến với hắn.

Long Nhương tướng quân đứng dậy có ý từ khách. Người thầy võ và Lợi biết ý, cúi chào rồi lui ra khỏi phòng. Hai người lính hầu đã đợi họ sẵn trước cửa, để dẫn cụ già về chỗ nghỉ ngơi và dẫn Lợi sang dinh quan Tiết chế Nguyễn Lữ.

*

* *

Vì đạo bộ binh do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy xuất quân trước hai đạo thủy quân của Phò mã Vũ Văn Nhậm và Tiết chế Nguyễn Lữ, nên nhà vua dành riêng một buổi sáng để dặn dò riêng viên tướng chỉ huy.

Hai anh em bỏ hết cung cách triều đình, ngồi nói chuyện y như lúc họ chưa khởi nghiệp. Nhà vua mặc bộ quần áo lụa vàng đơn giản, đầu quấn cái khăn đỏ, còn Nguyễn Huệ thì mặc nhung phục nhà võ. Nhà vua hỏi:

- Chú đã sẵn sàng cả chưa?

Nguyễn Huệ đáp gọn:

- Xong rồi ạ.

- Thím có thút thít như lần trước không?

Biết vua anh hỏi đùa nên Huệ không trả lời, chỉ mỉm cười thay cho lời đáp. Vua Thái Đức bắt đầu nghiêm sắc mặt để căn dặn:

- Lần này khác hẳn các lần trước, chắc chú đã hiểu vì sao rồi. Họ Trịnh chiếm Thuận Hóa đã mười năm, trật tự kỷ cương chắc chắn là vững chãi hơn trong Gia Định. Thành lũy, dinh trại của họ kiên cố hơn. Quân Bắc hà đánh giặc giỏi hơn. Chú không dự trận Cẩm Sa, nhưng đã biết họ tiến thoái có qui củ, có lề lối, mình không thể liều mạng thủ thắng được. Đã đành từ lâu quân Trịnh không chiến đấu nên việc phòng thủ có trễ tràng. Nhưng chú chớ có khinh địch. Ta không đông hơn họ, địa thế Thuận Hóa lại hiểm trở, phần tiện nghi ở về phía thủ hơn là phía công. Chú coi, như địa thế Hải Vân chẳng hạn. Núi cao hiểm trở ăn sát biển. Từ lưng núi trở lên mây mù bao phủ ngày đêm, cách nhau mấy bước không thể trông rõ nhau. Sát biển có một quả núi thấp không gồ ghề lắm, nhờ thế người xưa mới mở lối thông thương nam bắc. Nhưng so với đồng bằng Quảng Nam, từ Câu Đê nhìn lên, đèo vẫn cao chót vót. Càng lên cao đường đèo càng quanh co, mây giăng kín đỉnh Lũy. Sườn núi bên phía đông dốc đứng không thể bám víu leo lên được, quãng biển ấy thường sóng to gió lớn, ghe thuyền sợ qua lại. Do đó muốn vượt đèo, bộ binh chỉ còn một con đường độc đạo hiểm trở. Quân Trịnh biết thế nên chỉ cần canh giữ thật kỹ đèo Hải Vân là yên tâm mặt nam. Chú không dùng thủy quân để đánh Hải Vân được, mà cũng không thể dùng thật nhiều quân bộ bao vây áp đảo như đã làm trong Gia Định. Núi non hiểm yếu đứng về phe họ. Phải dùng trí. Ta tin chú có thừa tài năng để nhanh chóng chiếm đỉnh Lũy trước khi đổ xuống sườn đèo phía bắc hợp lực với thằng Nhậm và chú Bảy bao vây Phú Xuân

Nghỉ một lúc để cầm chén trà uống cạn, nhà vua nói tiếp:

- Phải dùng trí mới chắc chắn thủ thắng. Không biết ông thầy võ An Thái có làm được cơm cháo gì không, hay lại mất toi một số hàng Tàu cho tên Quận Tạo. Dù thế nào chăng nữa, đã có Đô đốc Chỉnh bên cạnh chú. Không có cái gì bên kia đèo Hải Vân mà ông ấy không am tường. Cần quyết định việc gì, cần bày ra mưu kế gì, chú hãy gọi ông ta đến mà bàn cho kỹ. Trời gửi ông ta vào để giúp ta đấy. Đừng vì bất cứ lẽ gì mà bỏ phí đi!

Nguyễn Huệ ngửng lên nhìn vua anh hỏi:

- Có thể tin được ông ta không? Hay không khéo chuyến này ta chỉ mất công làm tổ cho quạ đẻ trứng!

Vua Thái Đức nóng nảy nói:

- Chú không được nghĩ thế. Ông ta theo chân ta trở về Bắc tất bị Bắc hà xem là tên cõng rắn cắn gà nhà. Bọn sĩ phu Bắc hà vốn ỷ vào cái bụng chữ Nho nên vừa kiêu căng vừa cố chấp, không bao giờ dung tha cho Cống Chỉnh. Ông ta không thể bỏ ta được. Bỏ ta, ông ta sẽ bị dân Bắc hà hùa nhau đâm chém như đâm chém một tên phản bội.

Giọng Nguyễn Huệ cũng bắt đầu gay gắt:

- Nhưng hắn... nhưng ông ta âm thầm thu xếp để cả gia đình theo quân ra Bắc. Anh chưa biết chuyện ấy sao?

Nhà vua cười:

- Sao lại không biết! Chính ta khuyên ông ấy nên đem gia đình theo. Vì sau khi lấy lại được Thuận Hóa, chỗ cần đến ông ta không phải là Qui Nhơn, mà là Lũy Thầy. Giao cho ông ta trấn giữ mặt nam sông Gianh. Ông ta thích thế. Và ta cũng thích thế.

Nguyễn Huệ suy nghĩ một lúc, rồi hỏi:

- Nếu thành Phú Xuân sụp đổ nhanh chóng mà Bắc hà không dám làm gì, thì Bắc hà yếu ớt lắm rồi. Bắc hà yếu thì mặt bắc không kiềm chế nổi Chỉnh. Ngược lại, hắn... ngược lại ông ta có thể liên lạc với đám tay chân cũ của Quận Huy để mưu đồ đại sự. Ông ta có đủ mưu trí và khả năng để làm nổi việc đó. Bấy giờ, chính ông ta lại trở thành hiểm họa của Thuận Hóa chứ không phải là cái mộc che cho Thuận Hóa. Nếu sau này tình thế xảy ra như vậy, thì có khác nào ta thả hổ về rừng!

Vua Thái Đức cười khẩy rồi bảo em:

- Chú nói cái gì thế? Thả hổ về rừng! Còn chú ở đấy làm gì! Chú sợ hắn sao?

Nguyễn Huệ đột nhiên hồi hộp, tim đập nhanh hơn. Nghe đến hai tiếng "ở đấy" của vua anh, ông nhớ lại lời Nguyễn Hữu Chỉnh khuyên ông nên biệt lập ở Thuận Hóa để tránh hậu hoạn. Nguyễn Huệ mím môi để lấy thêm can đảm, ngửng mặt nhìn thẳng vào mắt nhà vua. Tuy không tìm ra điều gì khả nghi, nhưng ông vẫn nhất định tin rằng nhà vua bắt đầu e ngại ông, muốn ông cầm quân đánh chiếm Thuận Hóa để trở thành một tướng biên viễn cho cương giới phía bắc. Thấy em đỏ mặt cau có, vua Thái Đức tưởng Nguyễn Huệ giận vì lời nói khích của mình. Nhà vua cười dã lã bảo em:

- Anh chỉ nói đùa đấy thôi. Chú đừng giận. Hãy yên tâm ra đi. Anh hoàn toàn tin tưởng ở chú. Sau trận này, ta lấy lại được tất cả đất đai Nam hà, lúc đó đế hiệu mới thực xứng đáng. Thiên hạ không ai dám dị nghị gì nữa. Chú cần gì nữa không?

Nguyễn Huệ đáp:

- Dạ không cần gì cả. Em chỉ đi vài tháng, rồi về ngay thôi! Chuyến này đổi ra hướng bắc, nhưng cũng chẳng khác các chuyến vào nam là mấy. Xin anh yên lòng!

Nguyễn Nhạc chau mày bảo:

- Chú lầm rồi! Chú sắp đặt chân vào lãnh thổ một nước lâu bền hằng mấy trăm năm, chứ không phải vào một vùng sông rạch bùn lầy dân cư thưa thớt như trong Gia Định. Chú không thấy hết được các hệ quả của trận này đâu. Cả anh cũng vậy. Cho nên anh phải dài dòng căn dặn chú cả buổi sáng. Chú nhớ nhé. Lấy Thuận Hóa xong, chú báo ngay về đây. Thế nào ta cũng ra đó để liệu lý các việc kế tiếp. Chú chớ quên!

*

* *

Nghe Lãng báo tin Lợi đã đi từ sáng sớm hôm qua, An sững sờ đến độ không nói được lời nào, trố mắt, há hốc mồm nhìn Lãng. Lãng không ngờ chị xúc động như vậy, và anh kinh ngạc một cách chua chát. Dù An lấy chồng đã hơn mười năm, đã có hai mặt con với Lợi, dù cuộc sống chung đụng đã giúp Lãng quen thuộc với cái tính mau miệng hời hợt của ông anh rể, Lãng vẫn không thể thực sự thân thiết được với Lợi, chứ đừng nói đến chuyện nể trọng. Anh tin đã hiểu chị như hiểu chính mình. Trong mấy anh em, Lãng chỉ tâm sự được với An. Cho nên anh tin chắc rằng dù bằng lòng lấy Lợi, An vẫn xem thường chồng. Cuộc sống sau ngày cưới đối với An chỉ là một thói quen, tệ hơn nữa, một sự chịu đựng. Phần cao đẹp hai chị em cùng mơ ước tuy không bao giờ với tới được, nhưng nó vẫn còn đó qua sự im lặng e ấp giữa hai người. Nhiều lúc An chỉ cần hấp háy đôi mắt, ậm ừ muốn nói rồi thôi, Lãng đã hiểu chị muốn nói gì. Ngược lại, chỉ cần nghe Lãng nói quanh co những việc thiếu mạch lạc không biết của ai, An đã đỏ mặt quay đi.

Như vậy thì tại sao An lại sợ hãi đến thất sắc khi nghe tin Lợi đã đi. Cái gì đã khiến An xúc động tột độ? Tình vợ chồng chăng? Cụ thể tình vợ chồng đó thế nào? Sự thương mến cảm phục chăng? Không. Lợi không có gì để An cảm phục, và sự thương mến cao đẹp An cũng không dành cho chồng? Tình chăn gối chăng? Có thể như thế được sao? Chị ấy có thể "sa đọa" đến nỗi tình chăn gối có thể đánh bật được tất cả các e ấp cuống quít của tình yêu, lòng tương kính tha thiết, vẻ đẹp của đời sống tri thức?

An càng tỏ ra đau đớn thì Lãng càng bực dọc. Anh thảng thốt hỏi:

- Có gì đâu mà chị tái mặt thế?

An sắp bật khóc khi hỏi:

- Có gì bất ngờ vậy Lãng? Tại sao anh ấy không về nhà? Có gì nguy hiểm em giấu chị phải không?

Lãng gắt:

- Có gì đâu mà chị làm như trời sập vậy? Anh ấy có công việc gấp phải đi ngay không về báo cho nhà biết được, thế thôi.

- Nhưng chuyện gì mới được chứ?

- Chuyện gì em cũng không biết!

An bẻ lại:

- Không biết mà Lãng bảo không có gì đâu!

Rồi đột nhiên, An khóc bù lu bù loa:

- Hay người ta lại ganh ghét anh ấy, đày anh ấy đi xa cho mất xác. Anh ấy có tội tình gì mà tự nhiên buộc anh ấy phải xa vợ con, không được nói lấy một lời, không được đem theo cả quần áo. Chị biết mà, mọi người đều ganh tị với anh ấy. Chúng nó không để cho anh ấy sống yên.

- Thôi chị đừng làm ầm lên nữa. Không có ai hãm hại ai đâu. Cũng không có ai thèm ganh tị anh Lợi làm gì. Em nói cho chị biết, chính ông Long Nhương, chính anh Huệ ra lệnh cho anh ấy đi gấp đấy!

An thôi khóc, ngước mắt nhìn Lãng, chưa hoàn toàn tin lời em. Phải một lúc sau, An mới hỏi:

- Ông ấy sai anh Lợi đi đâu vậy?

Lãng thành thực đáp:

- Em không biết.

An hỏi dồn:

- Đi làm gì?

- Em cũng không biết!

- Ông ấy không nói cho Lãng biết sao?

- Không.

- Vậy thì ai bảo Lãng về đây báo tin?

- Anh Huệ!

An lại bù lu bù loa:

- Như vậy là đúng rồi. Ông ấy muốn giết anh Lợi, không muốn anh Lợi ngóc đầu lên nổi.

Lãng tức giận, gần như quát lên:

- Anh ấy hãm hại anh Lợi làm gì?

Câu hỏi bất ngờ thốt ra trong cơn nóng giận cùng khiến cho hai chị em giật mình. An cúi đầu để che giấu bối rối. Còn Lãng thì đăm đăm nhìn chị, thương hại.

Họ làm hòa với nhau, từ đó tránh không muốn nhắc đến chuyện Lợi nữa. Chính An săn đón, tìm mọi cách để che lấp, để quên câu chuyện hai chị em tranh luận vào buổi sáng. An đề nghị cùng đi với Lãng sang thăm Kiên. Kiên đã thôi không ngồi suốt đêm ngày ngoài vườn để tĩnh tâm từ hôm trước. Anh sống bình thường trở lại, gần như không hề có việc gì xẩy ra. Trong câu chuyện, Kiên cũng tránh trở lại đề tài gay go. Kiên chỉ hỏi bao giờ Lãng đi, và khi nghe Lãng trả lời mù mờ, anh không hỏi gặng. Vả lại, ba anh em có quá ít thì giờ để nói với nhau nhiều điều. Bọn mã phu, những người lính sắp ra trận dốc túi chè chén trước khi xuất quân nên lúc nào quán rượu cũng đông nghẹt khách. Kiên vừa nói chuyện, vừa lo lăng xăng giúp đỡ vợ. An và Lãng thấy không còn chuyện gì để nói nữa, xin phép ra về. Kiên không giữ lại, chỉ dặn An:

- Khi nào cần gì, em cứ sang đây. Mấy cháu vẫn thường chứ?

An đáp:

- Vâng. Em về!

Buổi tối trước khi Lãng vào trại, chính An nhắc lại các kỷ niệm cũ, thời gia đình còn ở Thuận Hóa. Lãng thời đó quá bé không nhớ được gì. Còn An thì chỉ nhớ những mảnh vụn của quá khứ. An bảo em:

- Chị tin thế nào mình cũng thắng. Chắc chắn em được có dịp về Thuận Hóa trước chị. Em với anh Lợi thử tìm lại căn nhà cũ xem sao.

- Em đâu biết đường!

- Để chị vẽ cho. Không biết có đúng không. Căn nhà đó nằm bên bờ sông đào, phía trước có một rặng tre. Sát bờ sông có con đường nhỏ dẫn lên đường cái quan.

Lãng cười nói:

- Chị chỉ dẫn như vậy thì có thánh mới tìm được.

An trực nhớ, vui mừng nói:

- Hay là em tìm thăm bác Ngô Thế Lân! Bác là bạn thân của cha. Em xưng là con của ông giáo Hiến, thế nào bác cũng vui mừng. Nhưng bao nhiêu năm qua rồi, biết bác còn sống không!

- Em sẽ tìm. Chắc ngoài kinh còn có nhiều người biết cha. Chuyến này ra Thuận Hóa chẳng khác nào được hồi hương, chị nhỉ.

An mơ màng nói:

- Hồi hương! Quê hương ta ở đâu? Không. Chị xem quê hương là An Thái, không phải Thuận Hóa. Không phải An Thái bây giờ, mà An Thái của thời nhỏ. Em có nhớ chuyện cây gạo không?

*

* *

Trong mấy ngày đạo bộ binh tạm dừng tại dinh Chàm (Quảng Nam) để lấy thêm quân, Lãng không có thì giờ rảnh để xem quyển "bửu bối" Kiên đưa cho anh trước ngày lên đường. Kiên quanh co nói đủ chuyện tầm phào, đến lúc chia tay về mới nhét cuốn tập nhỏ bằng bàn tay vào tay em lí nhí dặn:

- Em đi xa, gặp gì khó khăn cứ giở xem cuốn này là rõ. Anh có ghi đủ cách giải quyết mọi chuyện buồn phiền.

Lãng muốn xem ngay tập ghi chép lạ đó, nhưng cuối cùng, Lãng dằn được tò mò. Anh muốn kéo dài chờ đợi, để thưởng thức điều kỳ thú được nhiều nhất. Chưa đọc, Lãng đã đoán Kiên dồn hết tâm sức vào cuốn ghi chép, xem đó là tích lũy của biết bao chiêm nghiệm, suy tưởng trong thời gian tĩnh tâm. Có thể nào đọc vội đọc vàng công trình vĩ đại ấy được!

Lãng hẹn đến dinh Chàm sẽ lấy cuốn bửu bối ra đọc. Anh lầm. Dinh Chàm không phải là chỗ an dưỡng. Biết bao nhiêu công việc chờ Lãng ở đấy! Long Nhương tướng quân, Phó tướng Nguyễn Hữu Chỉnh và Trấn thủ Quảng Nam hội họp liên miên để chuẩn bị lần chót cho cuộc tiến công, và yêu cầu quan trọng hàng đầu là làm thế nào giữ bí mật cuộc chuẩn bị ấy cho đến phút chót.

Việc trưng binh vừa khẩn cấp vừa kín đáo. Phải giữ cho bộ mặt sinh hoạt phía nam đèo Hải Vân hoàn toàn bình thường, đồng thời vẫn tiến hành các cuộc tập họp, điều động quân lính đến các điểm đã định để chuẩn bị nổ súng.

Vì thế, vào những ngày quang đãng mây thưa, từ trên đỉnh Lũy nhìn xuống mặt biển phía nam, những người lính Bắc hà vẫn thấy thuyền đánh cá của dân chài giương buồm ra khơi, để ngậm ngùi ao ước được quá giang một trong những chiếc thuyền nhỏ đó, lênh đênh trên sóng nước, thoát khỏi cảnh sống buồn chán tù túng trên đỉnh cao heo hút. Họ cũng phải chịu đựng cái hành dịch nhàm chán mỗi ngày là khám xét hàng hóa của các đoàn khách buôn thường ra vào giữa Quảng Nam-Thuận Hóa. Công việc của họ nhọc nhằn hơn, vì số con buôn mỗi ngày thêm đông đảo, phần lớn đem gạo và quế Quảng Nam ra bán cho Thuận Hóa. Bù lại, mấy ngày gần đây, họ được biếu xén hậu hĩnh. Mỗi con buôn, có lẽ vì được lời nhiều, đều biếu cho trạm xét hoặc rượu ngon Thăng Bình, hoặc thịt quay, hoặc nếp thượng hạng. Giữa trưa trên đỉnh đèo gió rừng ẩm ướt vẫn rét buốt. Họ bày rượu thịt ra chén, dễ dàng cho các đoàn khách thương. Quan Đồn trưởng Quyền trung hầu (Hoàng Nghĩa Hồ) thông cảm cho tình cảnh lính thú ở nơi biên tái, làm ngơ cho thuộc hạ lấy rượu giải sầu. Lính trên đỉnh Lũy thở ra hơi rượu, đỉnh Lũy cũng say mù trong mây trắng. Không biết gì đến công cuộc chuẩn bị tiến công kín đáo mà qui mô ở dinh Chàm.

Góp nhóp mỗi ngày một ít, số quân tinh nhuệ của Long Nhương giả dạng làm khách buôn lên đèo Hải Vân khá đông. Cộng thêm vào số người giả làm dân chài mỗi tối liều lĩnh bơi thuyền qua hang Giơi đổ bộ vào bãi Lăng Cô để luồn rừng đi ngược về nam, tổng cộng quân số Tây Sơn tham dự tấn công đỉnh Lũy khoảng trung tuần tháng Năm Bính Ngọ (1786) đã vượt quá số quân Bắc hà đồn thủ. Vì vậy, khi bị đánh bất ngờ vào lúc chạng vạng tối mây giăng mù mịt, quân Trịnh không thể nào trở tay kịp. Họ bị tan vỡ nhanh chóng, lớp chết mà chưa kịp tỉnh khỏi cơn say và hết bàng hoàng, lớp thoát chết chạy lạc vào rừng để chết vì đói, chết vì thú dữ mấy ngày sau đó. Chủ tướng đồn Hải Vân là Quyền trung hầu Hoàng Nghĩa Hồ thì chết tại trận.

Đỉnh Lũy đổi chủ giữa mây khói bàng bạc mà sau đó, các đoàn khách thương vẫn đều đặn thồ hàng xuôi đèo ra Thuận Hóa, thuyền dân chài vẫn giăng buồm qua lại hang Giơi. Phú Xuân không biết gì hết, ngoài nỗi lo toan bận bịu cho một đàn chay lớn tổ chức ở chùa Thiên Mụ do Tạo quận công Phạm Ngô Cầu đích thân đứng làm chủ lễ.

Giữa không khí sôi động hào hứng chung, Lãng không có thì giờ tò mò, mà cũng không thấy cần thiết phải giở tập bửu bối của Kiên để tra cứu. Anh cùng với đoàn tùy tùng của Long Nhương tướng quân vượt đèo Hải Vân vào ngày 17 tháng Năm Bính Ngọ, và quên bẵng cuốn ghi chép của Kiên.

*

* *

Trước đó gần mười ngày, một tàu buôn Quảng Đông vào cửa Thuận cập bến Phú Xuân mang theo toàn hàng hóa quí giá như gấm vóc, đồ sứ đồ đồng và thuốc bắc. Giá trị của hàng hóa, cùng số lượng các món hàng đó đã làm cho các quan trông coi Tàu vụ chóa mắt.

Nhờ thế, chủ tàu, một cụ già râu tóc bạc phơ thân thể quắc thước giống y một tiên ông trong các bức tranh Tàu, xin được yết kiến quan Trấn thủ Thuận Hóa là Tạo quận công không chút khó khăn.

Mâm lễ ra mắt khiến quan Trấn thủ bỏ hẳn dáng điệu mệt nhọc, gương mặt bí sị cau có thường ngày. Quan chịu khó ngồi ngay ngắn trên sập gụ, hai bàn tay mập ú chịu khó rút ra khỏi vạt áo gấm để vung vẩy múa may làm nhịp cho câu nói. Và giọng nói thì mất hẳn cái điệu lè nhè biếng nhác. Quan Trấn thủ hào hứng tiếp chuyện với cụ già chủ tàu, hết hỏi thăm khí hậu, thời tiết, phong tục Quảng Đông là chuyển ngay qua chuyện làm ăn mua bán. Quan khen món này đẹp, món kia quí, món nọ bổ, nhờ mua thêm thứ này thứ khác. Rồi họ chuyển lần qua những điều tinh khiết, cao cả hơn như cách xử kỷ tiếp vật, vận mệnh đời người, sự phù du của nhân sinh. Tạo Quận công thích thú khám phá ra kiến thức quảng bác của người khách buôn. Lời qua tiếng lại, đôi bên chuyển qua thuật xem tử vi. Người chủ tàu rụt rè xin phép được biết tuổi của quan Trấn thủ, rồi xin được xem tướng của quan. Cụ già bấm ngón tay lẩm bẩm tính toán một lúc, rồi lễ phép thưa:

- Bẩm ngài, tuổi Mậu Ngọ sinh ngày mồng 9 tháng Mười, giờ Dậu là mệnh lập tại cung Tuất, vô chính diệu, đắc Long, Phượng, Cái, Hổ, hội Cơ Lương, Cự Nhật ở Quan Lộc, Thiên Di giao hội là đại quí. Bẩm ngài Quận công, Phú Ma thị có câu:

Tứ linh Cái, Hổ, Phượng, Long

Công danh quyền thế lẫy lừng khắp nơi

Cung Quan lộc của ngài đóng tại cung Dần, cung này thuộc Mộc sinh phò cho Hỏa mệnh của ngài, lại được Cự nhật ngộ Hình, Hổ, hội Quáng, Quí, Thiên Mã, Trường Tinh, đó là cách đại tướng. Cung Nô của ngài lại được cách Thiên tướng ngộ Thiên quan, Thiên Phúc quí nhân, đó là địa vị ngài luôn được bề trên hết lòng nâng đỡ.

Quan Trấn thủ cười híp cả mắt, rồi gật gù:

- Bản chức cũng đã được nhiều thầy tử vi ở Bắc hà giải đoán tương tự như thầy. Nhưng, bây giờ bản chức muốn hỏi nhà thầy điều này: Tại sao từ đầu năm đến giờ...

Người chủ tàu mỉm cười ngắt lời Quận Tạo:

- Bẩm Ngài, tiểu hạn năm Bính Ngọ này của ngài đến cung Thiên di, cung Thân thế của ngài cũng ở tại đó. Có hai vị Nam đẩu tinh Cơ Lương tọa thủ, đang bị đám hung tinh Đà, Kỵ, Cô, Quả, Tang, Điếu xâm nhiễu. Cung này lại là cung Thiên la, nghĩa là lưới trời bủa vây khắp nẻo. Do đó, việc dụng binh của ngài, nhất là phần việc an ninh đang bị thất lợi.

Quận Tạo xanh mặt sợ hãi, lắp bắp hỏi:

- Có cách nào hóa giải bọn hung tinh ấy không?

Người chủ tàu bóp trán suy nghĩ, bấm đốt ngón tay tính toán một chặp, rồi nói:

- Bẩm ngài, gốc đại hạn ở cung Quan lộc có Kiếp, Không, Hinh, Tuế, Tang Hổ; lưu đại hạn đang ở cung Phúc Đức hội đủ bọn Diêu, Đà, Kỵ, Kiếp, Tuế, Kình, thì họa vô đơn chí. Nguy lắm. Nguy lắm. Chỉ còn một cách hóa giải là phải lập chay đàn cầu cúng, đích thân ngài trai giới bảy ngày bảy đêm, thành tâm lễ bái...

Ban đầu, quan Trấn thủ còn bình tĩnh, gật gù mỉm cười xem lời bàn của viên chủ tàu Quảng Đông như chuyện mua vui. Nhưng càng nghe, quan càng chột dạ. Mặt quan biến sắc. Quan chồm hẳn tới trước để uống từng lời của cụ già, hai bàn tay no đầy chống lên mặt sập in hẳn thành hai dấu mồ hôi ướt và chua. Mồ hôi cũng rịn khắp các lỗ chân lông, làm ẩm đến cả lớp vải gấm.

Cho nên sau khi sai quan hầu lo chỗ ăn chỗ ở tươm tất cho người chủ tàu và đám thủy thủ, quan vội vã ra lệnh lập ngay một đàn chay thật lớn ở chùa Thiên Mụ để cầu cho tai qua nạn khỏi. Lệnh quan Trấn thủ được tuân hành răm rắp. Kẻ dưới quyền Tạo quận công được dịp chứng tỏ lòng tận tụy trung thành và khả năng tổ chức của mình, dốc hết nhân lực vật lực cho cuộc chay đàn. Quân lính phục dịch cả đêm lẫn ngày, tiếng chuông tiếng mõ vang dội khắp một khúc quành rộng của sông Hương.

Lễ trai đàn kéo dài đến ngày thứ bảy thì thình lình có tin cấp báo đại quân Tây Sơn đã lấy mất đỉnh Lũy, chủ tướng đồn Hải Vân là Quyền trung hầu tử trận, các đồn khác bên này đèo đều tan vỡ, hiện thủy quân Tây Sơn đã theo đường biển vào Phú Xuân, trong vòng sớm tối sẽ đến đây.

Tạo quận công hốt hoảng không biết phải làm thế nào. Quan quân sau mấy ngày đêm hầu hạ đàn chay sức lực đã yếu, nay nghe tin có giặc, ai nấy không còn hồn vía.

Tạo quận công vội cho tìm người chủ tàu để hỏi hậu vận, thì khách đã mất tăm không thấy đâu nữa. Bấy giờ Quận Tạo mới biết mình bị lừa.

Chủ tớ sợ hãi ùn ùn kéo nhau chạy bộ về thành để lo chống địch. Cảnh tượng bát nháo vô trật tự khiến dân chúng cũng xôn xao, già trẻ dắt nhau tìm đường lánh nạn. Họ chạy chưa xa thì quân Tây Sơn đã đến, và bắt đầu khép dần vòng vây.

*

* *

Chính Lãng được Nguyễn Huệ giao cho nhiệm vụ mang bức thư của Nguyễn Hữu Chỉnh gửi cho Phó tướng Phú Xuân Hoàng Đình Thể, nhưng lại cố ý đưa lầm sang cho Tạo quận công Phạm Ngô Cầu để ly gián thêm hai kẻ vốn đã không ưa nhau. Nguyễn Hữu Chỉnh lấy giấy bút của Lãng để thảo lá thư ngay tại đỉnh Lũy, giữa cảnh đổ nát ngổn ngang và trong sương khói mù mịt. Chỉnh viết xong trình cho Long Nhương tướng quân đọc lại, rồi mới niêm kín giao cho Lãng. Thư viết:

Kính gửi Thể Quận công hiền hữu,

Tuy cách mặt nhau lâu ngày, kẻ bên này người bên kia đỉnh Lũy, nhưng đệ vẫn không thể quên cái tình sâu nặng giữa đệ với hiền hữu từ hồi hai ta cùng ở dưới trướng Huy quận công.

Cũng vì cái tình sâu nặng thiêng liêng đó, mà đệ có vài lời chân thực xin giãi bày. Đệ vì cái loạn Nhâm Dần phải lánh nạn vào Nam nương náu ở đất Tây Sơn. Hơn bốn năm qua, đệ đã tận mắt chứng kiến sức mạnh của họ. Lời sấm ký của quan Bảng nhãn Lê Quế Đường quả thật không sai. Sức mạnh của chúa Tây Sơn không ai có thể chống cự nổi. Nào diệt họ Nguyễn ở Gia Định, nào phá tan mấy vạn quân Xiêm ở Rạch Gầm, nào chinh phạt phiên trấn; các kỳ công ấy chắc hiền hữu đã nghe, đệ có nhắc lại cũng bằng thừa. Cho nên lần này họ tiến ra Phú Xuân đệ rất lo cho hiền hữu. Phàm làm tướng, ai cũng lấy chuyện đầu hàng là nhục nhã. Nhưng cái dũng của con nhà tướng không phải là nhắm mắt làm liều, húc đầu vào vách đá cứng. Đức Khổng phu tử nói: "Quân tử nhi thời trung". Đệ tin rằng hiền hữu đã hiểu hai chữ thời trung của đấng Vạn thế Sư biểu ra sao rồi!

Vì vậy, đệ không ngại ngùng đem cái ý thô thiển vụng dại kính nhắn hiền hữu nên tùy thời mà xử thế. Nếu hiền hữu bằng lòng khuyên binh sĩ xếp giáo đón tiếp Chúa Tây Sơn, đệ sẽ tìm hết lời giúp cho hiền hữu vẹn toàn phú quí. Việc khẩn cấp lắm rồi. Hiền hữu chớ nên do dự mà lỡ phận. Thư bất tận ngôn, mong hiền hữu đừng chấp.

Lãng nhập vào một toán lính Tây Sơn giả dạng làm khách buôn gạo ra Thuận Hóa, và khi các toán lính này dừng lại tập trung về điểm tập kết thì Lãng lại nhập vào đám dân chạy loạn đang ùn ùn kéo nhau trốn về thành Phú Xuân. Lãng đến một địa điểm trong khu phố Thanh Hà để giao lá thư. Phận sự anh chỉ có vậy. Điểm hẹn là một cửa hàng bán thuốc bắc của người Tàu. Lãng giả vờ vào hàng hỏi mua thuốc, đến gần người lớn tuổi nhất trong cửa hàng để nói ám hiệu. Anh được dẫn ngay ra phía sau. Thật là điều thú vị bất ngờ cho Lãng: anh gặp Lợi đang ngồi thái thuốc bắc ở chái bên hữu.

Lợi nháy mắt ngầm bảo Lãng đừng tỏ ra vồ vập vui mừng thái quá. Giao việc thái thuốc cho người khác, Lợi kéo Lãng ra sau vườn hỏi:

- Ở nhà thế nào? Chị lo lắm phải không?

- Còn phải nói. Em có đem lệnh ra. Giao cho ai đây anh?

- Lệnh gì thế?

- Anh đọc thì rõ. Có một bức thư phải giao ngay cho tên Trấn thủ.

Lợi ngạc nhiên tưởng Lãng nói lầm. Lợi hỏi:

- Giao cho ai?

- Cho Trấn thủ Thuận Hóa Tạo quận công.

Lợi giở bọc vải xem bao cuốn thư, trố mắt nhìn Lãng:

- Của ông Cống gửi cho Phó tướng Hoàng Đình Thể mà!

Lãng không muốn dài dòng, nhắc Lợi:

- Anh đọc kỹ lệnh và làm y như vậy. Ông Long Nhương bảo phải đưa thư gấp nội nhật ngày hôm nay.

Lãng nhìn quanh khắp nhà, ngơ ngác hỏi:

- Sao nhà rộng mà vắng vẻ thế? Lại chẳng có đồ đạc gì cả.

Lợi cười:

- Cho chạy tránh loạn bớt rồi. Từ hôm qua cả phố xao xác vì quân lính Quận Tạo từ trên Thiên Mụ ùn ùn chạy về, đóng cửa thành lại để chuẩn bị cố thủ. Anh đã bảo ta không chạm đến dân đâu, chỉ cốt đánh tan quân Trịnh mà thôi. Nhưng đàn bà con gái trong nhà này vẫn không yên tâm. Thôi thì cho họ đi bớt cho đỡ vướng tay.

Lợi giở lệnh ra đọc kỹ, mặt hơi lo âu:

- Gấp quá không biết kịp không. Cửa thành lại đóng.

- Không giao thư được à?

- Được chứ. Vung tiền ra, việc gì chẳng xong. Bây giờ Lãng đi đâu nữa?

- Em phải về. Báo thế nào đây?

Lợi vênh mặt đáp:

- Chú cứ báo cho ông Long Nhương biết là tôi đã giao thư cho quan Trấn thủ. À, sẵn tiện chú báo thêm là ông thầy tướng Quảng Đông khéo đoán hậu vận của Quận Tạo lắm. Hà hà. Đúng là tiểu hạn đại hạn đều "xung" cả.

Lãng nhìn quanh hỏi Lợi:

- Cụ ấy đâu rồi?

- Ở chỗ khác. Quận Tạo biết bị lừa cho truy lùng ráo riết. Tạm thời phải lánh mặt đi. Chậc! Kể ra cũng uổng. Hàng Tàu đem cho chác biếu xén cũng khá nhiều.

Lãng không muốn cà kê kéo dài, vội bảo Lợi:

- Thôi em đi đã. Vài hôm nữa lại gặp nhau.

Lợi vội hỏi:

- Chị có nhắn gì cho anh không?

- Có. Chị bảo khi xong tìm cách về. Và qua thăm nhà cũ.

- Chuyện! Toàn chuyện không đâu. Thôi, chú đi đi. Nhớ báo là tôi sẽ làm y như lệnh. À quên, lúc nãy có người đến báo là chiến thuyền của ta đã đến cửa Thuận. Không biết ông Long Nhương đã được tin chưa. Chú báo cho ông ấy hay luôn tin ấy.