Sông Côn Mùa Lũ - Chương 71

Xa giá vua Thái Đức và Thượng công Nguyễn Huệ về Nam bằng đường bộ, đến Thanh hoa thì nhà vua ra lệnh cho Chiêu viễn hầu Vũ văn Dũng tịch thu kho tàng của họ Trịnh ở phủ Yên trường mang về Qui Nhơn. Dũng cũng được lệnh rút quân về đóng ở Bố chính.

Đến dinh Vĩnh (Nghệ An) xa giá dừng lại khá lâu vì chưa giải quyết xong một vấn đề quan trọng là có nên chiếm giữ Nghệ An hay không. Đối với tướng sĩ, nhà vua tươi cười bảo đây là quê cha đất tổ của dòng họ mình, nên muốn lưu lại đây ít lâu để hít thở không khí quê hương xem có khác với không khí Qui Nhơn không. Nguyễn Nhạc còn cho vời các bô lão từ huyện Hưng Nguyên lên để dò hỏi tông tích của dòng họ, lập lại gia phả để con cháu sau này hiểu được ngọn ngành. Mọi người được dịp dừng chân nghỉ mệt sau mấy ngày hành quân ráo riết. Và dân Nghệ An khổ sở không ít vì đạo quân khải hoàn ấy.

Cùng lúc đó tại dinh Vĩnh, vua Thái Đức và Nguyễn Huệ bàn cãi với nhau liên miên về chuyện Nghệ An. Nguyễn Huệ thưa với anh:

- Ở Thăng long mình đã hứa "đất của nhà Lê thì một tấc mình cũng không lấy". Lời đó bay khắp Bắc Hà, thiên hạ đang quay về Nam nhìn dõi xem ta có thành thực làm việc tôn phù hay không. Bây giờ, nếu...

Nguyễn Nhạc cắt lời em:

- Chú chừng ấy tuổi đầu, tự tay chú xô ngã cả hai triều đình, mà chú còn ngây thơ như thế sao? Đất của nhà Lê? Thế nào mới là đất của nhà Lê? Giả sử không có họ Trịnh thì liệu nhà Lê có nương náu bao lâu nay tại điện Trung hòa được không? Hay là không còn lấy một miếng đất cắm dùi?

- Nhưng chính anh cũng nhắc đến công mở mang bờ cõi của Lê Thế tổ.

Nguyễn Nhạc tức giận nói:

- Dĩ nhiên là ta phải nói như vậy. Coi gió bỏ buồm. Chẻ tre nghe gióng. Cũng như chú tưởng thầy trò chúng nó thực tâm dâng cho ta vài quận quốc để khao quân hay sao? Chú lầm. Ngoài miệng thì nhún nhường khúm núm thế. Ngoài miệng thì một điều do ơn Thánh thượng, hai điều do ơn Thượng công, nhưng trong lòng chúng nó nghĩ gì chú biết không?

Nhà vua chờ cho Huệ trả lời. Thấy em không nói gì, nhà vua tiếp:

- Chúng nó nghĩ: "Này, quân cướp nước. Chúng bay muốn lấy trấn nào thì bảo ngay đi. Thí cho chúng bay đấy. Lấy xong, thì cút khỏi Thăng Long cho rảnh mắt. Rề rà mãi".

Nguyễn Huệ thấy anh đánh giá mình quá thấp, nên nói:

- Em không dại khờ gì tin vào những lời nói đầu môi chót lưỡi. Nhưng điều ta phải nghĩ tới, là chuyện về sau. Ta rút đi rồi, thế nào Tự quân cũng không đủ sức chống nổi bọn tay chân của nhà Trịnh, bọn lưu manh và bọn tướng tá tham quyền. Không biết chừng ngay lúc này đây, Thăng Long đã loạn như cảnh vỡ đê rồi. Tự hoàng nhất định là muốn có thực quyền mà không có thực lực. Bọn lão tướng có quân lại không có danh. Sẽ có phe dựa vào vua Lê, và cũng có phe muốn dựng lại phủ Chúa. Dân Bắc Hà hoang mang biết tin vào ai đây? Tin vào Nguyễn Hữu Chỉnh à? Chưa chắc hắn sống sót được với dân Bắc Hà sau khi ta rút khỏi Kinh thành. Mà dù hắn có thoát chết thì cũng không ai tin hắn. Thiên hạ lại trông chờ chúng ta. Bây giờ ta lấy Nghệ An, thì trước mắt họ, ta còn đáng tin nữa không?

- Thiên hạ là ai? Họ là ai?

- Anh muốn hỏi gì, em chưa rõ!

- Ta muốn hỏi chú. Chú có vẻ lo lắng thiên hạ sẽ hết tin ở ta. Nhưng thiên hạ là ai? Thiên hạ nào? Chú lái đò trên sông Phú Lương hay tên lính hầu trong điện Trung Hòa? Chị bán rượu ở cửa ô hay lão đồ gàn mặc áo the rách? Là chính Tự hoàng hay người ăn xin mù lòa ta thấy ngồi ở cửa Đại Hưng? Ai? Về chuyện này chẳng lẽ chú mù mờ!

Nguyễn Huệ mím môi suy nghĩ, rồi đáp:

- Có lẽ em không mù mờ đâu. Em chỉ chú trọng đến những kẻ nhờ uy tín đạo đức, nhờ khả năng chỉ huy, nhờ tài thuyết phục đám đông, hoặc nhờ bạo gan liều lĩnh có thể làm được việc lớn, ảnh hưởng đến thế cuộc...

Nguyễn Nhạc cười lớn ra vẻ thỏa mãn, bảo:

- Chú nghĩ đúng đấy. Ta chỉ chú trọng đến cái loại thiên hạ ấy. Nếu thế, chú tưởng họ tin ta thực dạ tôn phù sao? Không. Không. Họ không tin đâu. Họ cũng phải nghĩ như ta: đất nước này là của chung. Ai đoạt được thì làm Vua làm Chúa. Làm được lâu hay mau là tùy được lòng dân hay không. Thế thôi!

- Nhưng em nghĩ lấy Nghệ An bây giờ lợi bất cập hại. Ta không lấy thì Nghệ An cũng không thuộc về Thăng Long, vì họ làm gì có đủ sức giữ được phần đất ranh giới này. Nhưng nếu ta lấy Nghệ An, thì Bắc Hà sẽ thành một khối thân thiết, chặt chẽ, vì sợ ta lại trở ra Bắc lần nữa.

Giọng nhà vua bực dọc:

- Chú tìm hết lý lẽ để khỏi phải chạm đến lông chân ông già vợ phải không?

- Không phải thế!

Nguyễn Nhạc hỏi dồn:

- Hay chú ngại khổ? Thôi được. Chú ngại thì giao cho thằng Duệ đi (Nguyễn Văn Duệ). Hôm qua ta hỏi, nó đã khứng chịu rồi. Cái chỗ biên địa gai góc này, không ai nhận thì cứ giao cho nó. Ban đầu nó cũng hơi ngại, nhưng nghe ta bảo ở Bố chính còn có Chiêu viễn hầu và ở Đồng Hới có thằng Nhậm (Vũ Văn Nhậm), nó yên tâm. Vả lại, Bắc Hà không đáng sợ lắm đâu. Toàn một lũ quan thị nhút nhát và bọn lão tướng lẩm cẩm. Chỉ có Nguyễn Hữu Chỉnh là đáng ngại, nhưng chắc chắn giờ này hắn đã theo ông bà rồi!

Nguyễn Huệ cúi đầu im lặng, cảm thấy vua anh muốn đặt mình trước sự đã rồi. Vua Thái Đức chột dạ hỏi:

- Chú sao thế?

Nguyễn Huệ cố cười gượng đáp:

- Không. Tối hôm qua em ngủ ít!

Nhà vua cười, cố lấy giọng đùa cợt:

- Chú coi chừng. Tuy là lá ngọc cành vàng nhưng cũng có gai đấy!

*

* *

Hai anh em không giấu được kinh ngạc khi lính hầu vào báo có quan Hữu quân xin ra mắt. Nhà vua đứng bật dậy, thảng thốt hỏi:

- Hữu quân nào?

Tên lính hầu đáp:

- Dạ quan Hữu quân Nguyễn Hữu Chỉnh!

Nguyễn Nhạc ngờ vực hỏi:

- Hắn còn sống ư?

Nguyễn Huệ nói:

- Thằng chết bằm lại tìm được đường sống. Thật giống như quỉ dạ xoa kêu rêu ám ảnh, cắt không thể dứt.

Nhà vua mím môi để nén giận, một lúc sau bảo em:

- Chú tiếp hắn nhé!

Nguyễn Huệ đáp:

- Thưa vâng. Nhưng có nên dẫn hắn về Nam không?

Nhà vua gắt gỏng:

- Dắt theo làm gì!

Rồi vội vã vào dinh trong.

Còn lại một mình ở tiền dinh, Nguyễn Huệ bảo lính hầu:

- Ra mời Hữu quân vào.

Nguyễn Hữu Chỉnh mới đến cửa dinh đã vui vẻ nói với Nguyễn Huệ:

- Thượng công kín đáo quá, sáng bảnh mắt tôi mới biết. Báo hại tôi phải thức cả đêm để chép mấy khúc Quan họ cho Hoàng thượng!

Nguyễn Huệ ngạc nhiên hỏi:

- Bài hát Quan họ à? Sao lại có chuyện đó?

Nguyễn Hữu Chỉnh cười tự nhiên, đáp:

- Số là tối hôm trước, Hoàng thượng có sai tôi chép lại cho Hoàng thượng mấy bài Quan họ để đem về Qui Nhơn cho Giáo phường tập. Tôi có mang theo đây.

Vừa nói, Nguyễn Hữu Chỉnh vừa đưa tay vào bọc áo, Nguyễn Huệ vội ngăn lại, nói:

- Hoàng thượng hơi mệt, chưa tiếp ông được. Đi đường thế nào?

- Từ bến Cơ xá ra cửa bể thì tốt. Nhưng ra khơi lại bị gió ngược. Lái thuyền lại không quen tay chèo, nên đến đây hơi trễ.

- Sao lái thuyền lại không quen tay chèo?

Nguyễn Hữu Chỉnh cười một tiếng nhỏ, rồi đáp:

- Thuyền cướp của người ta thì quen sao được!

Nguyễn Huệ cũng cười:

- "Con cắt nước" thì cần gì thuyền quen thuyền lạ! Gia quyến ông vẫn bình yên chứ?

- Cảm ơn Thượng công. Chỉ có thằng Du đi theo tôi.

Nguyễn Huệ giả vờ kinh ngạc:

- Thế thì... thế thì gia quyến phải tạm ở lại chùa Tiên Tích cả ư!

Nguyễn Hữu Chỉnh không giấu được vẻ chua chát:

- Bọn vô lại chúng nó đến cướp cả! Nhưng không sao! Còn người thì còn của. Rồi chúng nó sẽ thấy. Không lâu đâu! Lúc nào Hoàng thượng lại dời xa giá vào Nam, thưa Ngài?

- Tôi cũng chưa biết. Ý Hoàng thượng còn muốn chờ dò hỏi cho được gốc gác ở Hưng nguyên.

Nguyễn Hữu Chỉnh vui mừng nói:

- Tôi xin trở về cửa Hội thống xếp đặt để lên bộ tháp tùng Hoàng thượng.

Nguyễn Huệ vội hỏi:

- Ông lại định vào Nam ư?

Nguyễn Hữu Chỉnh cố làm ra vẻ ngơ ngác hỏi:

- Đêm hôm đó Hoàng thượng có dặn gì khác đâu! Hay là Hoàng thượng đã đổi ý?

Nguyễn Huệ ôn tồn nói:

- Ông phải ở lại đây mới được. Nay Quận Thạc, Quận Liễn vẫn chưa trừ xong. Tự hoàng thì yếu đuối. Nước Nam không có ông, không còn ai trị chúng nổi.

Nguyễn Hữu Chỉnh đã biết được điều muốn biết. Vì đã đoán trước, nên Chỉnh không chút ngạc nhiên. Dù sao, ông vẫn cảm thấy vị chát ở cuống họng, hơi thở khó khăn. Nguyễn Huệ thấy nét mặt Chỉnh dàu dàu, hơi chạnh lòng, an ủi:

- Nói thế chứ hai tên lão nhược đó chưa đủ sức làm được gì đâu. Ông chớ ngại. Ngày mai tôi sẽ sai lính đem tới Động hải cho ông một số súng đồng, súng sắt, cùng khí giới, đồ đạc cần thiết. Hiện ông có được bao nhiêu người?

Nguyễn Hữu Chỉnh liền đáp:

- Xin cảm ơn Thượng công. Chúng tôi không được đông, nhưng... nhưng chúng tôi sẽ tự xoay xở được.

- Hay ông cần thêm quân? Tôi giữ lại cho ông một trăm lính hộ vệ nhé? Có ít quá không?

- Để tôi mộ thổ dân mà dùng, tiện hơn. Nếu sức tôi không thể mộ được, sẽ xin đưa thư cấp báo. Bấy giờ Thượng công hãy sai tướng sai quân ra giúp tôi.

- Nhưng ông cũng cần một số tiền bạc để chiêu mộ chứ! Ông nhận tạm hai chục lạng vàng vậy. Tôi biết ông phải bỏ hết lại chùa Tiên Tích cho gia đình, nên hiện cũng lúng túng.

Nguyễn Hữu Chỉnh gật đầu, bằng lòng nhận số vàng. Trước khi chia tay, Nguyễn Huệ dặn:

- Có gì ông báo ngay cho Chiêu viễn hầu. Hoàng thượng đã dặn trước ông ấy rồi. Nhớ nhé!

*

* *

Đến Lũy Thầy vào buổi xế, và tuy có thể rán đi thêm một cung đường nữa, nhà vua hạ lệnh dừng lại nghỉ đêm tại ranh giới lịch sử này. Quân lính được món quà bất ngờ, reo hò vang trời.

Các đội tìm chỗ dựng trại để ngủ đêm. Những người phụ trách nấu nướng tỏa ra tìm củi để cho các bạn đồng đội một bữa ăn nóng, đánh dấu ngày đầu tiên đặt bước lên vùng đất quê hương. Tiếng cười nói tíu tít, tiếng gọi nhau chào hỏi, lời chúc mừng được sống sót mà trở lại với gia đình, lời hò hẹn hợp tác trong dự tính mưu sinh sau khi xuất ngũ, bao nhiêu thứ làm náo loạn cả một góc trời.

Vua Thái Đức tạm trú trong nhà trạm cũ của Lũy Thầy, nghe tiếng ồn ào, ngạc nhiên hỏi Vũ Văn Nhậm:

- Sao tự dưng chúng nó làm náo lên vậy?

Vũ Văn Nhậm đáp:

- Thưa cha, đạo bộ binh này phần lớn gồm lính Thuận Hóa. Chúng nó qua được ranh giới phân chia Nam Bắc, nên mừng rỡ vì coi như về tới nhà được bình yên.

Vua Thái Đức ngớ ra một lúc, mới nhớ lúc đến Thăng Long, xem lại các binh phù Nguyễn Huệ dâng nộp, đã thấy cơ ngũ có nhiều thay đổi, nhưng lúc đó nhà vua giả vờ như không chú ý. Ra thế đấy! Đạo quân nòng cốt không phải là người Qui Nhơn. Nhà vua hỏi con rể:

- Chúng nó là lính mới thì đánh đấm gì được.

Vũ Văn Nhậm vội đáp:

- Dạ không. Chúng nó đánh hăng lắm. Vì suốt mười năm bị họ Trịnh chèn ép đủ đường, chúng nó căm thù quan quân Bắc Hà đến tận xương tủy. Chỉ mới nghe hịch Bắc phạt, chúng nó đã nhẩy cẫng lên vui mừng. Hôm hạ thành Phú Xuân, không có tên lính Bắc Hà nào chạy ra khỏi thành không bị dân Thuận Hóa đón giết. Có lẽ vì thế mà...

Vua Thái Đức nóng nẩy hỏi:

- Vậy tụi thủy binh mày đem từ Qui Nhơn ra bây giờ đi đâu cả?

Vũ Văn Nhậm rụt rè đáp:

- Dạ họ vẫn còn đó. Số thiệt hại không bao nhiêu, nhưng...

- Nhưng thế nào?

- Nhưng hiện nay chúng nó dưới quyền ông Sở (Ngô Văn Sở) và ông Lân (Phan Văn Lân). Một số nhỏ thì do ông Tuyết (Nguyễn Văn Tuyết) chỉ huy.

- Dưới quyền mấy thằng đó có gì lạ mà mày nói "nhưng"?

Vũ Văn Nhậm càng lúng túng hơn:

- Dạ vì... dạ thưa họ quen cách điều khiển trận mạc của chú Tám nên có vẻ như họ không thích về Qui Nhơn nữa.

Nguyễn Nhạc giật mình, hỏi:

- Sao mày biết?

- Dạ chỉ cần nghe qua cách họ nói với nhau, cũng đủ hiểu.

- Chúng nó nói với nhau những gì?

- Như ông Tuyết thì định xin căn nhà của viên Đốc thị Phú Xuân để đem gia đình từ Qui Nhơn ra. Còn ông Lân thì dò hỏi ông cử Kỷ xem gần thành có khu vườn nào rộng rãi có trồng sẵn cây ăn trái không.

- Ông cử Kỷ? Ai thế?

- Dạ một ông đồ đậu Cử nhân người Thuận Hóa. Chú Tám mới mời đến giúp việc từ hàn trước khi xuất quân ra Bắc.

- Vậy mày có nghe chú Tám tính gì không?

- Dạ không.

- Chắc không?

- Dạ khi có con, không thấy chú ấy bàn tính gì cả.

Nhà vua cắn môi suy nghĩ thật lâu, đôi lông mày nhạt cau lại, gương mặt bần thần. Vũ Văn Nhậm nín thở không dám nói gì, sợ làm cho nhà vua nổi giận. Bàn tay phải nhà vua đặt trên mặt kỷ cứ nắm chặt lại rồi mở ra nhiều lần. Nhậm theo dõi cử động của bàn tay nhà vua, lo lắng chờ đợi.

Một lúc sau, vua Thái Đức nói:

- Mày vào trấn ở Đồng Hới, phải mở to mắt nhìn trước nhìn sau. Mặt bắc đã có thằng Duệ ở Nghệ An. Ta đã dặn thằng Duệ rồi. Mặt nam phải coi chừng Phú Xuân.

Vũ Văn Nhậm liền nói:

- Nhưng thưa cha, lão Cống Chỉnh lại chạy tấp vào Đồng Hới, chắc chắn trở thành mối đe dọa cho mặt bắc. Tên xỏ lá đó tráo trở, phản trắc khôn lường. Liệu ông Duệ có trị nổi hắn không?

- Hắn chỉ quay mặt ra Bắc, không thèm nhòm ngó phía Nam đâu mà sợ. Cho dù hắn có quấy phá, cùng lắm cũng chỉ làm rộn được đến chân Lũy Thầy này thôi. Hắn càng quấy, càng tốt.

Vũ Văn Nhậm ngạc nhiên hỏi:

- Sao thế ạ?

- Sau này mày sẽ biết.

Nhậm hoang mang hỏi:

- Nhưng nếu hắn lôi kéo được dân Bắc Hà, điều này hắn có thể làm được bằng mưu mô quỉ quyệt, nếu hắn xúi nhà Lê đem quân vào đánh Lũy Thầy, mà từ đây vào Qui Nhơn xa quá...

Nguyễn Nhạc cắt lời Nhậm:

- Việc gì phải cầu viện tận Qui Nhơn? Phú Xuân làm gì?

- Cha và chú Tám về Qui Nhơn rồi, con sợ...

- Ai bảo mày chú Tám sẽ về Qui Nhơn?

- Nhưng...

- Nhưng nhụy cái gì! Chú Tám không chịu về đâu. Tao biết trước như thế nên cũng sẽ không ép. Chỉ có tao với chú Bảy (Nguyễn Lữ) về thôi.

Nhậm vội nói:

- Như vậy thì cha cho con được...

- Không. Mày và thằng Duệ phải ở lại ngoài này. Vì sao ư? Mày phải cố hiểu. Không cần phải nói nhiều.

Nhậm xúc động, ngước lên nhìn vua Thái Đức với đôi mắt biết ơn.

*

* *

Trong một cái lều giăng tạm sát chân Lũy Thầy, một toán chừng năm, sáu anh lính Tây Sơn đang ăn cơm tối cạnh một bó đuốc cháy bập bùng. Lũy cao che được giá buốt, nên ngọn lửa vươn lên cao tự nhiên. Lâu lâu gặp một cành cây tươi rỗng ruột, lửa yếu đi, và phát ra những tiếng nổ lép bép.

Trên mấy cái lá đa to chập lại làm mâm, chỉ có một cão cơm hẩm và một con mắm gói trong lá chuối. Chén bằng gáo dừa, còn đũa là những cành cây nhỏ còn tươi họ bẻ vội đâu đó, có lẽ dọc đường đi, hay tại một bụi cây dại gần bờ lũy. Bữa cơm đạm bạc, nhưng niềm vui hồi hương khiến cho miếng ăn ngon hẳn lên. Câu chuyện nổ như bắp rang, lẫn lộn đủ thứ đầu cua tai nheo.

- Này, hình như cơm hơi sống thì phải.

- Đâu có. Chỉ hơi khê thôi.

- Sống chứ. Cậu ăn thử cục cơm này coi!

- Cơm mày ăn thừa lại đưa cho tao à. Thằng này hỗn.

- Ha ha! Mày đòi lấy em gái tao mà dám chê tao hỗn. Thế là mày mất vợ rồi. Tao không gả cho đâu.

- Không gả mà được à! Nàng thương tao, mày không gả thì nàng vẫn cứ trốn theo tao.

- Thôi, xin can. Hai ngài chỉ được nói phách. Một ngài em gái xấu như ma lem mà động ai cũng đòi gả. Một ngài ăn to nói lớn lấy phần đâu nuôi vợ mà đòi cưới.

- Ứ, sao ông biết em gái tôi xấu? Ông đã đến Cam Lộ hồi nào?

- Việc gì phải đến Cam Lộ! Chỉ cần trông bản mặt của ngài là đủ biết dung nhan em gái ngài ra sao rồi. Chung Vô Diệm thì ăn thua gì!

- Chung Vô Diệm! Công chúa Tàu hả? Chung Vô Diệm làm sao đẹp bằng em gái tôi được.

Cả bọn vùng lên cười hô hố. Người lính già nhất cằn nhằn:

- Có cười thì quay mặt ra ngoài. Phun cả vào mặt người ta!

- Ấy chết. Chúng em xin lỗi "cụ". "Cụ" về chuyến này mặc sức "cụ bà" mừng. Đấm lưng này. Bóp chân này. Giã trầu cho này.

Người lính lớn tuổi chưa đến bốn mươi bị bọn trẻ chế giễu, phát cáu:

- Có ăn cho xong đi không!

- Không ăn được cụ ơi. Qua được Lũy Thầy, mừng quá hóa no. Này, bây giờ tôi mới thú thật với các cậu nhé. Gần ba tháng nay tôi cứ lo lo, ăn thịt mà không thấy ngon. Về đây ăn mắm mà ngon hơn nhiều.

Các bạn cùng hỏi:

- Lo cái gì? Tại sao lo?

- Dân Bắc Hà khéo quá, ăn nói ngọt xớt không biết đâu mà lần. Chẳng thà ruột ngựa như trong mình cho dễ tính. Đằng này họ nói thật ngọt, mà trong lòng gươm dao hườm sẵn để đâm vào lưng mình lúc nào không hay. Cho nên nhiều bữa đi tuần, gặp các cô gái xinh đi rao bán quà, tôi không dám mở miệng, chạm mặt là lo quay đi.

- Ôi thôi thôi! Tướng trai lơ của ông ai không biết. Ông hại đời bao nhiêu cô gái Thăng Long rồi. Khôn hồn thì khai mau!

Người lính bị chất vấn mặt mũi không lấy gì sáng sủa dễ coi, miệng chỉ láu táu được trước bạn bè đồng phái thôi, nhưng được các bạn gọi là "trai lơ", hãnh diện phổng mũi lên, nói khoác:

- Dại gì mà khai với các cậu. Khai để các cậu đồn ầm lên tôi ế vợ sao.

Lại có nhiều câu hỏi tò mò:

- Hóa ra mày dụ được gái Bắc Hà sao? Thật không?

- Lại còn hỏi!

Đến "cụ già" bốn mươi cũng gác đũa chồm tới hỏi:

- Thế, thế họ có khác gì gái Nam không?

Được trớn, cậu lính trẻ vênh váo đáp:

- Dĩ nhiên phải khác chứ!

- Khác thế nào? Có thật khác nhau không?

- Biết nói thế nào bây giờ! Nghĩa là... cũng như... Thôi, tôi chịu không nói được. Các cậu tự tìm hiểu lấy.

- Còn dịp nào ra Bắc nữa đâu mà tìm hiểu?

Bấy giờ "cụ già" mới ra mặt sành sõi chuyện đời:

- Các cậu trẻ tuổi yên chí. Còn ra Bắc nhiều bận nữa. Chưa hết đâu.

Sự chú ý đổ dồn về ông cụ:

- Thật sao bác? Thượng công đã làm rể họ Lê, hai nước đã hòa hiếu với nhau, còn kéo quân ra Bắc làm gì?

- Cháu lại sợ chuyến này phải vào tận Qui Nhơn ấy chứ! Cháu chỉ còn một mẹ già. Xa mẹ cháu mấy tháng nay, không biết ở nhà có ai chăm sóc miếng cháo miếng trầu cho không.

- Biết đâu không phải ra Bắc mà phải xuống thuyền vào tận Gia Định. Nghe nói trong đó chưa yên đâu. Còn Bắc Hà thì coi như ổn rồi.

- Lầm lẫn hết. Các cậu không đi Qui Nhơn đâu mà sợ. Bởi vì...

Lúc đó ngoài lều có nhiều tiếng lao xao. Rồi nhiều tiếng reo hò.

Mấy người lính ngơ ngác. Cậu trẻ nhất mau mắn bỏ đũa chạy hẳn ra ngoài lều xem điều gì đang xảy ra. Một lúc sau, cậu trở vào, gương mặt hớn hở. Mọi người hỏi:

- Cái gì thế?

- Thượng công vừa đi qua đây.

- Thật à? Chuyện gì?

- Thượng công đi thăm qua các trại. Tiếc quá. Lều của mình đóng ở chỗ khuất. Nếu không...

- Nhưng Thượng công còn ở ngoài đó không?

- Không. Người đã rẽ lên phía tây.

- Ừ, tiếc thật. Này, các cậu có biết không? Ở Thăng Long, một hôm, tôi có được nói chuyện với Thượng công đấy.

- Lại nói khoác. Mày là cái gì mà được gặp Thượng công?

- Chứ mày tưởng Thượng công là thần thánh sao? Ngài cũng như mình, trước kia cũng là dân nghèo như mình. Tại sao dân nghèo lại không gặp dân nghèo được!

- Vâng. Thưa ngài "dân nghèo". Cho là gặp được đi. Nhưng Thượng công đã nói gì với "ngài"?

- Thượng công bảo: "Đường nhiều đá. Coi chừng vấp".

- Rồi mày nói gì?

- Tao đáp: "Vâng".

Cả lều lại cười ồ:

- Thế mà cũng khoe!

*

* *

Nguyễn Huệ và Lãng đi qua khỏi dãy lều nghỉ tạm của binh sĩ, mà tiếng reo hò phía sau vẫn còn đuổi theo họ. Nguyễn Huệ theo một dốc mòn trắng lờ nhờ trong bóng đêm để bước lên mặt Lũy Thầy. Lãng theo sau vấp một bụi gai thấp, suýt té. Nguyễn Huệ mải ngắm cảnh trời đêm, không chú ý. Nguyễn Huệ quan sát mặt lũy, hỏi Lãng:

- Liệu có dày đủ một sào không?

Lãng ước lượng một lúc, mới đáp:

- Có lẽ không đủ.

- Thế mà họ dám báo là đoạn nào cũng cao đủ 19 bộ, dày đủ một sào đấy. Bọn ăn hại!

Lãng nhớ chuyện một bô lão địa phương kể hồi chiều, liền nói:

- Việc đắp lại lũy này đã tốn không biết bao nhiêu công của. Không ai được ở nhà, cả đàn bà, con gái, bà góa đều phải đi đắp lũy. Chỉ có những người còn cho con bú được miễn thôi.(1) Nguyễn Huệ nhìn về phía trời phương bắc. Đêm âm u trải dài đến ngút mắt. Ở rặng núi xa phía tây, có một đám cháy rừng, ban đầu chỉ lớn bằng một cái đóm, nhưng dần dần, đám cháy loang ra thành cái bát, rồi cái nia. Đột nhiên Nguyễn Huệ nhớ lại những đám cháy rừng ở quê hương, nhớ những đêm niên thiếu giật mình thức giấc, nằm yên trên chiếc chõng tre ở đầu hè nghe lan man tiếng sấm ì ầm tận chân trời xa, và tiếng nổ lép bép của một đám cháy rừng. Mãi đến giờ sau hơn ba mươi năm, nhìn đám cháy ở một sườn núi xa khuất trong đêm tối, ở một nước khác, ông tưởng vẫn nghe được tiếng nổ lép bép và cái mùi khét chua đặc biệt từng ghi đậm vào tâm khảm ông.

Thấy chủ tướng im lặng hồi lâu, Lãng tưởng Nguyễn Huệ đang suy nghĩ về câu nói vừa rồi của mình. Lấy can đảm, Lãng nói:

- Việc đắp lũy gấp gáp quá, nên chắc các quan địa phương có phần nào khắc nghiệt. Ta vừa lấy được một bức thư của một cố đạo Tây dương định gửi ra nước ngoài.

Nguyễn Huệ quay ngoắt lại, hỏi:

- Hắn viết gì thế? Sao cậu đọc được?

- Dạ tôi nhờ một ông trùm đạo dịch lại.

- Hắn viết gì?

- Hắn kể chuyện đắp lũy này. Hắn có nhắc đến Thượng công.

- Thật à! Hắn nói gì về ta?

Lãng ngần ngừ một lúc, rồi mạnh dạn đáp:

- Hắn gọi Thượng công là "bạo chúa".

Vì bóng đêm nên Lãng không thể quan sát được phản ứng của Nguyễn Huệ, nhưng giọng nói của Thượng công đã có hơi giận:

- Bạo chúa hay đức chúa?

- Dạ bạo chúa!

Nguyễn Huệ lấy lại được trầm tĩnh, giọng nói bình thường và chậm:

- Tại sao cậu đem chuyện đó nói lại với ta?

- Vì... vì Thượng công có dặn không được giấu gì Thượng công cả. Cái lũy này...

Nguyễn Huệ vội nói:

- Cậu có biết nói những lời như vậy là nguy hiểm không? Chỉ cần ta ra lệnh một tiếng...

Lãng cũng vội thưa:

- Lúc đó, không bao giờ Thượng công được nghe một lời chân thật nữa. Chỉ còn những lời xu nịnh giả dối, hoặc những câu đầu môi chót lưỡi.

Nguyễn Huệ cười nhẹ, trở lại dịu dàng bảo Lãng:

- Ta cũng biết thế, nên... nên không cho phép cậu rời ta. Cậu là cái gương để ta nhìn rõ mặt ta mỗi ngày. Cậu đừng ngại. Cứ nói thẳng những gì cậu nghĩ. Ta có phải là bạo chúa không?

Lãng yên tâm hơn, hắng giọng đáp:

- Thưa Thượng công, không!

- Thế tại sao chúng nó gọi ta là bạo chúa?

- Chỉ vì Thượng công có nhiều quyền lực, quá nhiều quyền lực. Trong khi đó thì bọn tôi tớ nhà Trịnh hoặc bọn hủ nho hẹp hòi lại nghĩ quyền lực ấy không được hợp pháp.

- Hợp pháp ư? Hợp pháp là thế nào?

- Họ nghĩ hợp pháp là đúng theo truyền thống. Như là ngôi vua cha truyền con nối, hoặc được thiên hạ đồng tình suy tôn lên ngôi báu.

Nguyễn Huệ cười, rồi bảo:

- Thế à? Muốn hợp pháp theo kiểu đó thì phỏng khó gì? Ta lật cái ngai của Duệ tôn, dựng cái ngai cho Tự hoàng, chẳng lẽ không đủ sức đặt cái ngai cho chính mình hay sao. Chỉ vì...

Nguyễn Huệ nói đến đó rồi ngưng, không tiếp tục nữa. Lãng không đoán được chủ tướng đang nghĩ gì, nên không dám nói tiếp. Nguyễn Huệ vẫn nhìn mông lung ra đêm tối phương bắc. Đám cháy trên sườn núi xa đã tắt, nên trước mắt ông, đêm mênh mông. Gió bấc thổi lên mặt lũy vù vù. Ông cảm thấy lạnh, đưa hai tay giấu vào vạt áo võ. Một lúc lâu sau, Nguyễn Huệ đột nhiên bảo Lãng:

- Đắp cái lũy này tốn biết bao nhiêu công của, đến nỗi thiên hạ gọi ta là bạo chúa. Nhưng... nhưng có lẽ bây giờ không cần thiết nữa rồi.

Lãng vội hỏi:

- Thượng công bảo gì ạ?

Nguyễn Huệ nhắc lại khá lớn cho gió khỏi cuốn lấp mất:

- Ta bảo không cần cái Lũy Thầy này nữa.

Lãng hỏi:

- Phải đắp lũy khác ở ngoài dinh Vĩnh, phải không ạ?

Nguyễn Huệ cười, có vẻ chế giễu:

- Sao lại phải đắp lũy ở đấy! Cậu bị bệnh thong manh phải không? Nếu cần đắp lũy, thì phải đắp tận Quỉ môn quan. Nhưng ở đó núi rừng trùng điệp, cần gì phải đắp lũy nữa. Có ngại chăng là...

Nguyễn Huệ lại dừng ở giữa câu.

Gió bấc vẫn thổi vù vù. Nguyễn Huệ quay nhìn các ánh đuốc của trại quân, giọng vui vẻ hỏi Lãng:

- Ta đến thăm bất ngờ, họ trố mắt không tin ta đến. Phải chờ tận lúc ta đi khỏi, họ mới reo hò như chợ vỡ.

Lãng nói:

- Anh em quân sĩ thương mến và kính phục Thượng công.

- Cậu nói thực đấy chứ?

- Điều đó chính mắt Thượng công đã thấy rồi!

- Nếu ta về Qui Nhơn, họ có chịu theo ta không?

Lãng hăng hái đáp:

- Thượng công phái họ đi đâu, họ đều sẵn sàng tuân phục. Có điều...

- Có điều thế nào?

- Phần lớn đạo bộ binh này đều là người Thuận Hóa. Họ ngại xa gia đình.

Nguyễn Huệ gật gù:

- Ta hiểu. Ta hiểu. Nhưng Hoàng thượng chỉ muốn ta đứng đây nhìn ra Bắc Hà. Không muốn ta bước khỏi bờ lũy này. Cái khó nhất là chỗ đó.

Gió bấc vẫn thổi vù vù.

Phía xa, một đám cháy khác lại nhóm lên, lần này đám cháy loang nhanh hơn lần trước, đến nỗi dù cách trở hàng trăm dặm, ánh lửa có thể soi rõ đôi mắt sáng long lanh và đôi môi mím lại trên khuôn mặt Nguyễn Huệ.

Lãng nói:

- Cháy hết rừng mất thôi!

Còn Nguyễn Huệ thì bảo:

- Hiện giờ có lẽ Thăng Long đang loạn. Không biết Tự hoàng xoay xở ra làm sao với bọn con cháu nhà Trịnh. Công chúa cũng lo lắm!

Lãng không dằn được tò mò, rụt rè hỏi:

- Đường sá vất vả, chắc Công chúa chưa quen?

Nguyễn Huệ cười, giọng dịu dàng hẳn lại:

- Có thế! Công chúa mới mười sáu tuổi đầu, từ nhỏ tới lớn chưa từng bước ra khỏi điện Trung Hòa. Thấy một cánh hoa héo rụng cũng đủ xúc cảm để làm hẳn một bài trường thiên. À cậu đã được đọc thơ của Công chúa chưa?

Lãng kinh ngạc hỏi:

- Công chúa làm thơ được sao, Thượng công? Phải, có một lần tôi được phe Hữu quân Chỉnh bảo trước đây, lúc rảnh rỗi, Tiên đế vẫn cùng với Công chúa làm thơ xướng họa với nhau. Tôi cứ tưởng Hữu quân chỉ nói khoác cho vui thôi.

Nguyễn Huệ cười ra vẻ hãnh diện, đáp:

- Hắn nói khoác đủ thứ chuyện, nhưng chuyện này thì hắn không nói khoác chút nào. Cậu muốn nghe ta đọc thơ Công chúa làm không?

Lãng vui mừng đáp:

- Thưa muốn lắm!

Nguyễn Huệ cười khúc khích, hắng giọng nói:

- Được, ta đọc cho nghe. Hừm! Bắt đầu thế nào hè? Để ta nhớ lại đã. Bắt đầu bằng... bắt đầu bằng những gì "trăng sao" gì đó. Họa may phải cởi áo giáp, thanh gươm ra, bỏ mũ trụ xuống thì "trăng sao" mới dám hiện lại trong trí nhớ. Bậy thật!

Lãng nhắc:

- Thơ luật hay thơ nôm, thưa Thượng công?

- Thơ nôm chứ!

- Lục bát hay là làm theo đường luật?

- Đường luật chứ.

- Thượng công có hỏi hay sao mà Công chúa dám trình cho Thượng công xem?

Nguyễn Huệ cười:

- Công chúa giấu như mèo... như mèo... Ta ví như vậy không được nhã. Thôi. ý ta nói Công chúa lén làm thơ, chờ khi ta đi khỏi mới mang bút nghiên ra. Bất ngờ, một hôm ta bắt gặp. Công chúa đỏ mặt, suýt khóc. Muốn giấu cũng không được. "Trăng sao"... "Trăng sao"... cái gì nữa hở?

Cả Nguyễn Huệ lẫn Lãng cùng phá lên cười, lấp cả tiếng gió bấc. Phía xa, lửa cháy rừng vẫn loang rộng, hắt ánh hồng lên mặt bắc của Lũy Thầy.

(1) Hoàng Lê, bản dịch Ngô Tất Tố, trang 152