Sông Côn Mùa Lũ - Chương 73

Công chúa Ngọc Hân giật mình thức giấc sau một cơn ác mộng! Công chúa nằm mơ thấy mình đang nằm ngủ trong ngôi nhà trạm cũ kỹ xiêu vẹo ở Lũy Thầy. Bên cạnh Công chúa, Thượng công đang say giấc, nằm quay lưng về phía Công chúa, cánh tay trái co lên, bàn tay nắm chặt lấy mép chăn như cố sức kéo tấm chăn bông bọc nhiễu xanh lên đến tận cổ. Mới đầu Công chúa tưởng Thượng công đang ngáy, nhưng về sau, chú tâm lắng nghe, Công chúa mới biết thứ âm thanh kẽo kẹt đều đặn và buồn tẻ ấy không phải tiếng ngáy của chồng. Cũng không phải tiếng mọt gặm. Ngọc Hân mở to mắt để cố nhìn lên mái trạm. Căn phòng tối lờ mờ, bên ngoài trăng hạ tuần leo lét hắt chút ánh sáng vào nhà trạm qua các khe cửa, nên phải khó khăn lắm, Công chúa mới thấy được vật gì động đậy trên mái, ngay chỗ Công chúa và Thượng công nằm. Tiếng động lạ mỗi lúc một lớn. Lại có những lớp bụi mùi hăng như mạt cưa rơi khắp mặt chăn. Lấy làm kinh ngạc, Công chúa choàng dậy để nhìn cho rõ. Thượng công trở mình ú ớ, rồi bàn tay trái bỏ mép chăn để bấu lấy cánh tay phải, đoạn, Thượng công đưa cả hai bàn tay lên ôm chặt đỉnh đầu như sợ hãi. Công chúa càng kinh ngạc hơn, ngước nhìn mái nhà trạm lần nữa. Đúng lúc đó, Công chúa nhìn ra một đàn chuột lớn đang tranh nhau gặm cây kèo chính của nhà trạm. Chúng gặm quá nhanh đến nỗi chẳng mấy chốc mấy cây kèo đã khuỵu xuống, không đủ sức chống đỡ mái trạm nữa. Tiếng gỗ gãy răng rắc, mái nhà hết sập chỗ này đến xiêu chỗ khác, trừ chỗ hai vợ chồng Công chúa đang nằm vẫn chưa việc gì. Một con chuột thật lớn, đang gặm cây kèo chính. Công chúa sợ quá, muốn lay chồng dậy nhưng tay chân tê dại, lưỡi líu không nói được. Cây kèo khuỵu dần, khuỵu dần. Giờ phút khủng khiếp chờ đợi sắp đến. Đàn chuột bắt đầy chạy ra khỏi nhà, trừ con chuột đầu đàn nán lại để làm công việc phá hoại cuối cùng. Đến lúc cây kèo bị gặm đến quá nửa, không thể chịu nổi sức nặng mái nhà, cả khối rui, mè, gỗ, ngói đột ngột đổ ào xuống chỗ Công chúa. Lưỡi Ngọc Hân vẫn líu không kêu được, nhưng đột nhiên tay Công chúa hết cả tê dại. Không kịp suy nghĩ gì, Công chúa đưa hai cánh tay lên đỡ lấy cây kèo gãy. Thượng công vẫn không hay biết gì, nét mặt thản nhiên. Một lọn tóc quăn phủ lên góc trán cao, miệng hình như đang mỉm cười. Công chúa dùng hết sức bình sinh chống đỡ cây kèo, để mái nhà trạm khỏi đè bẹp Thượng công. Mái nhà nặng quá. Tay Công chúa run. Dù bậm môi nín thở để dồn sức chống đỡ, nhưng rõ ràng đôi mắt Công chúa lơ láo, chỉ thấy một mớ chao đảo quay cuồng trước mặt. Mái nhà cứ sa dần, sa dần. Thượng công cứ say ngủ. Tre gỗ kêu răng rắc. Công chúa nín hơi cố đẩy cây kèo lên cao, nhưng đột nhiên, trong người Công chúa có cái gì gãy vỡ. Mắt Công chúa thấy một màu đen ùa đến phủ khắp. Công chúa tuyệt vọng thét lên một tiếng, và choàng tỉnh dậy.

Công chúa ngơ ngác nhìn quanh, và mừng rỡ khi nhận ra đây là dinh Phú xuân chứ không phải nhà trạm ở Lũy Thầy. Trên sập bên cạnh Công chúa không thấy Nguyễn Huệ đâu. Đèn ở phòng ngoài sáng. Và Công chúa đang ôm chiếc gối nhiễu hồng trên ngực.

Chưa dám tin mình đã hoàn toàn thoát nạn, Công chúa Ngọc Hân đẩy chiếc gối sang một bên ngồi dậy. Chiếc đệm gấm vẫn còn lõm dấu thân người của Thượng công. Sờ bàn tay phải lên vết lõm thân yêu ấy, Ngọc Hân còn cảm thấy âm ấm. Sung sướng và chắc chắn ở ngoài ác mộng, Công chúa bước xuống khỏi sập, rón rén đến cửa nhìn ra phòng ngoài.

Nguyễn Huệ đang ngồi một mình trên tràng kỷ, cây hoàng lạp đã hao quá nửa. Công chúa lặng lẽ ngắm chồng, lòng thương yêu dâng trào đến ngạt thở. Công chúa muốn gọi chồng để kể lại cơn ác mộng, nhưng thấy Nguyễn Huệ ngồi bất động trầm tư, Công chúa lo âu, ngại ngùng.

Từ vọng cao gần cửa Ngọ môn, tiếng trống chậm rãi báo canh ba! Ngọc Hân giật mình, hoang mang không hiểu vì sao Nguyễn Huệ dậy vào lúc quá khuya để ngồi lặng lẽ như vậy. Trong lúc băn khoăn lúng túng, Công chúa cảm thấy chới với, đưa tay vịn vào cánh cửa. Cửa đập vào tường ván khua động đêm yên tĩnh. Nguyễn Huệ giật mình quay lại. Ngọn hoàng lạp chiếu lên khuôn mặt hớt hải tội nghiệp của Công chúa. Nguyễn Huệ hỏi:

- Công chúa chưa ngủ sao?

Ngọc Hân đưa tay trái đặt lên ngực để trấn an, thì thào hỏi:

- Thượng công có điều lo nghĩ gì thế?

Nguyễn Huệ đứng liếc nhìn ngọn hoàng lạp sắp lụn, thì thào:

- Đã qua canh ba rồi!

Nguyễn Huệ gật đầu, rồi nói:

- Công chúa đi ngủ đi!

- Còn Thượng công?

- Ta có chút việc cần nghĩ.

Ngọc Hân định van nài, nhưng bắt gặp cái nhìn vừa dịu dàng vừa có vẻ cương quyết kẻ cả của chồng, không dám nói gì nữa. Công chúa muốn vâng lời Nguyễn Huệ, nhưng hai bàn tay Huệ vẫn đặt trên vai Công chúa. Ngọc Hân muốn đứng mãi thế này, khỏi cần nói gì, khỏi cần làm gì, để tận hưởng thứ hạnh phúc trầm lặng đơn giản giữa lúc mọi người yên ngủ. Nguyễn Huệ cứ đứng như thế khá lâu, gương mặt băn khoăn, gần như quên cả Ngọc Hân trước mặt. Công chúa nghiêng mặt, áp má lên bàn tay gân guốc của chồng, khẽ hỏi:

- Để đến mai có được không?

Nguyễn Huệ giật mình, vội bảo:

- Không. Công chúa cứ ngủ trước đi.

Nói xong, ông bỏ hai tay khỏi vai Công chúa, và trở ra phòng ngoài. Nguyễn Huệ lẩm bẩm một mình:

- Ta dừng lại chăng? Ta bằng lòng đứng bên này Lũy Thầy nhìn ra phía bắc như một kẻ ngoài cuộc, để mặc cho Nguyễn Hữu Chỉnh, họ Lê, họ Trịnh, quận Thạc, quận Liễn cùng lũ quan thị xâu xé nhau giữa một đất nước tan hoang? Như vậy bấy nhiêu việc ta làm lâu nay chẳng hóa ra vô ích sao? Cái gì đưa đẩy ta, thúc giục ta? Chính ta ra lệnh gióng trống thúc quân nhưng cái gì thúc ta ra lệnh? Nhất định không phải vua anh vì nhà vua muốn ta dừng lại bên này Lũy Thầy! Vậy thì cái gì? Cảnh tượng dân Thuận Hóa đổ ra đường cười nói, hăm hở, la ó, gào thét? Khát vọng trả thù của một xứ xở luôn mười năm chỉ dám cúi đầu cam chịu? Hay là mệnh Trời? Vâng, có thể chính lòng Trời muốn ta thực hiện lẽ công bằng khi đổ quân ra bắc. Nếu không như vậy thì tại sao nước và gió luôn luôn giúp ta: Nước sông Hương dâng cao để súng ta tiện tầm bắn thẳng vào dinh lũy của quận Tạo, trong khi nước sông Phú Lương lại rút xuống cho ta chiếm Phố Hiến. Không bao giờ gió thuận buồm phe địch. Những lời ta đối đáp với vua Lê tuy ứng khẩu theo lễ nghi, nhưng về sau, chính ta ôn lại cũng thấy không phải không có lý. Nếu không do mệnh Trời thì làm sao một nước đại định bao nhiêu năm bỗng nhiên sụp đổ tan tành, Trời không bày cỗ để không ai động đến đũa cả! Mũi tên đã lao khỏi cung thì phải bay cho hết tầm. Thiên hạ ước mong như vậy. Lòng Trời khiến như vậy. Ta dừng lại chăng? Nhưng không dừng lại thì anh ta sẽ nghĩ gì? Ta không phải người mù, nên cử chỉ, thái độ bực bội, cau có của nhà vua thế nào, ta còn nhớ hết. Tính tình anh ta ra sao, ta cũng hiểu rõ. Anh ta đã muốn là làm cho được, bất kể người cản đường là thân hay sơ. Gả con gái cho tên hàng tướng Vũ văn Nhậm để thêm vây cánh, gả Thọ Hương cho Đông cung Dương làm chiếc bình phong, xếp đặt cuộc hôn nhân của ta để giữ cho anh em Bùi Đắc Tuyên, Bùi Văn Nhật trung thành. Điều đáng tiếc là đúng lúc anh ấy phải mạnh dạn tiến tới, anh ấy lại bảo dừng bên này Lũy Thầy! Thế là thế nào!

Khay bạc đựng chén sứ nước trà thơm và dĩa trầu không biết từ đâu, được đặt nhẹ trước mặt Nguyễn Huệ. Thấp thoáng một bàn tay trắng nuột nà, một ống tay áo lụa vàng. Phảng phất đâu đó mùi thơm của hoa lan. Và một tiếng cười trong. Nguyễn Huệ ngước lên, thấy Công chúa Ngọc Hân đang bối rối e thẹn vì chính sự săn sóc ân cần của mình. Thượng công cảm động. Chưa kịp nói gì, Công chúa đã sẽ sàng đi vào hậu dinh. Nguyễn Huệ lại nghĩ:

- Nàng có một nước da mịn màng trắng nuột. Chiếc cổ dài và tròn, trắng hồng đến tận chân tóc. Non dại, mơn mởn đến nỗi đôi lúc ta ngại ngùng, dù muốn lắm nhưng không dám đưa tay vuốt nhẹ lên chiếc cổ quí giá ấy. Nàng đúng là một cái bông búp. Phải, một cái bông búp. Tội nghiệp. Cái bông non dại đó phải trải qua bao nhiêu lo âu trong mấy tháng qua. Lấy một người chồng khác xứ đầy uy quyền, chưa kịp làm quen với hạnh phúc thì đã đội mấn trắng. Rồi phải chạy qua chạy lại để lập Tự hoàng. Ta làm khổ nàng không ít, nhưng cái thế buộc phải thế, không khác được. Rồi lại phải theo chồng về một xứ xa lạ, sống giữa những người xa lạ. Nàng lạc lõng biết mấy! Và càng chới với lạc lõng, nàng càng dễ thương. Nàng như con chim non sớm lìa tổ chớp cánh cố tìm một nhánh cây vững có lá che nắng che gió. Nàng vui buồn tùy theo nhánh cây, nép mình ngoan ngoãn dưới bóng che của ta. Mà nàng là công chúa nhà Lê đấy! Vì sao ta gặp nàng? Do tài mai mối của Nguyễn Hữu Chỉnh ư? Do lòng ta tham lam ư? Không. Chỉnh chỉ đưa lời theo ý Trời! Và ta cũng gật đầu theo ý Trời. Trời đưa Công chúa đến cho ta, ý muốn bảo cái công lao mở nước từ Quỉ môn quan đến núi Thạch bi không phải kẻ phàm phu nào cũng giữ được. Cái ý nhất thống đã có sẵn trong cuộc hôn nhân này rồi! Thế mà anh ta lại muốn dừng? Một tổ tiên, một phong tục, một tiếng nói, một lịch sử, tại sao lại phải có Lũy Thầy? Ta dừng lại chăng? Không dừng thì anh ta sẽ nghĩ thế nào? sẽ làm gì?

Bên ngoài, trống đã điểm canh tư!

*

* *

Sáng hôm sau, lúc nghe Lãng trình báo các tin tức Bắc hà xong, Nguyễn Huệ cho vời quan Trung thư lệnh Trần văn Kỷ đến ngay. Nguyễn Huệ nói với Kỷ:

- Có lẽ đã đến lúc rồi đấy, cụ ạ.

Trần Văn Kỷ xin được biết rõ hơn tình hình Bắc Hà. Nguyễn Huệ kể:

- Mọi sự diễn ra gần đúng với điều ta dự đoán. Quân rút đi rồi, bỏ cái nước không lại cho Lê Chiêu Thống, tất nhiên là phải có loạn. Thế nào bọn võ thần và bọn văn quan hiếu sự, tham danh cũng tìm một tên họ Trịnh nào đó rước về phủ chúa để kiếm công khôi phục. Bên vua, bên chúa tranh giành chém giết nhau, bọn vô tích sự chết bớt cho đỡ tốn cơm thiên hạ. Quả nhiên, tin vừa nhận được từ Nghệ an nói đúng như thế. Ban đầu Thì trung hầu và Dương Trọng Tế rước Thụy quận công Trịnh Lệ về phủ. Ngồi chưa nóng chỗ thì Côn quận công Trịnh Bồng lại kéo quân về kinh. Lệ bỏ chạy, Bồng lại xin ở phủ, Chiêu Thống cho gọi Liễn trung hầu Đinh Tích Nhưỡng về để lấy chỗ dựa, chống chỏi sức ép của Bồng. Không ngờ Quận Liễn thấy phủ chúa có thế hơn điện Trung hòa, nên họp các quan lại để làm đầu têu đứng xin ban tước vương cho Bồng. Chiêu Thống ngẩn ngơ, lại chờ Quận Thạc Hoàng Phùng Cơ về. Cơ lại theo bước của Nhưỡng. Chúng nó thấy theo phù vua Lê chẳng xơ múi gì, chi bằng về hùa với phủ chúa để được cái công khôi phục, kiếm chút lợi nhỏ để dưỡng già. Tình thế đã chín muồi rồi đấy, cụ!

Trần văn Kỷ ngẫm nghĩ một lúc, rồi hỏi:

- Thưa Thượng công, còn Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ thì thế nào?

Nguyễn Huệ cười, vui vẻ nói:

- Hắn khá hơn ta tưởng. Lúc bỏ hắn ở lại Động hải, ta tưởng dân Bắc Hà ghét thù hắn đến thế, thì muốn ngóc đầu dậy cũng phải vài ba năm. Quá lắm hắn chỉ trở thành đầu đảng một thứ giặc cỏ nào đó để làm trò cười cho thiên hạ. Nhưng không. Hắn lại trèo lên cao trong vòng có vài tháng thôi. Khiếp thật.

Trần Văn Kỷ nói:

- Nhanh chậm thì cuối cùng cuộc đời ông ấy cũng giống như cái pháo mà thôi. Mệnh Trời thưa mà khó lọt. Ông ấy thế nào, hiện cả ra bài thơ ngẫu chiếm đó.

Nguyễn Huệ ngạc nhiên hỏi:

- Bài thơ nào?

Trần Văn Kỷ thấy sự sơ sót của mình, vội giải thích:

- Ông ấy nổi tiếng về thơ quốc âm. Và bài thơ được nhiều người khen vì phát lộ được hết chân tướng của ông ấy là bài Cái Pháo. Bài thơ như sau, tôi xin đọc cho Thượng công thưởng lãm:

Xác không, vốn những cậy tay người.

Khôn khéo làm sao đốt cũng rời

Kêu lắm lại càng tan xác lắm

Thế nào cũng một tiếng mà thôi!

Nguyễn Huệ thích thú khen:

- Đúng thật. Con người hắn, cuộc đời hắn gói tròn trong bốn câu thơ đó. Kêu lắm lại càng tan xác lắm. Thế nào... thế nào... gì nữa cụ?

Trần Văn Kỷ nhắc:

- Thế nào cũng một tiếng mà thôi!

Nguyễn Huệ cười lớn:

- Một tiếng mà được à? Hắn chọc trời quấy nước bấy lâu, làm rộn thiên hạ đến trăm, nghìn tiếng. Chuyến này cho hắn được nổ một tiếng cuối cùng.

Trần Văn Kỷ thấy chủ tướng đi xa đề, rụt rè nhắc:

- Nhưng hiện nay ông ấy đã gây được chút thanh thế nào ở Nghệ chưa ạ?

- Cụ bảo "chút thanh thế" ư? Hắn ép buộc được cả dân Nghệ theo hắn. Mà dân Nghệ, cụ biết rồi, đâu phải là dân ngoan ngoãn. Cụ có biết hắn làm cách nào không?

- Thưa, tôi chưa được biết.

- Nguyễn Văn Duệ ở Nghệ An theo dõi hắn thật kỹ, nên báo về đầy đủ đến chân tơ kẽ tóc.

(1) Lúc bị bỏ lại Nghệ An, "Chỉnh chỉ có hơn ba chục thủ hạ, không dám bỏ thuyền lên cạn. Dân xứ Nghệ biết Chỉnh đã cố cùng, nên bàn nhau định ngày khởi quân bắt Chỉnh. Chỉnh vội mời người anh rể là Nguyễn Kim Khuê xuống thuyền và hỏi:

- Ngày nay trong nước rối loạn, tôi muốn lấy trấn này để tính đến việc lấy cả thiên hạ, ý anh ra sao và nghĩ nên làm thế nào?

Nguyễn Kim Khuê người huyện Chân phúc đã từng làm chức tri huyện, là một loại nhà nho có mưu trí, nghe Chỉnh hỏi vậy liền đáp:

- Ông, ai cũng sợ. Sức ông lấy Nghệ An chẳng qua như trở bàn tay. Người trấn này biết ông ở thế cố cùng, nhưng chưa hiểu rõ hư thực thế nào. Tờ hịch họ truyền đi chỉ là lời đưa đẩy, chẳng ai dám thò đầu ra trước. Ông mà ra tay sớm chặn họ, họ sẽ trở tay không kịp. Nếu ông có được một nghìn thủ hạ, thì ông có thể hoành hành thiên hạ.

Chỉnh khen: "Anh nói rất hợp ý tôi," rồi ra hịch mộ quân. Hịch phát ra, bắt đầu từ làng Chỉnh ở. Đã nghe hịch, ai đến chậm một khắc thì chém. ở làng bên cạnh có hai người lính già, nguyên là lính ở đội Nhưng Kiệu mãn về, thường có quyền sai bảo cả làng. Khi thấy lá hịch của Chỉnh đưa đến, hai người ra ngăn dân làng đừng nhận. Chỉnh nghe tin ấy, luôn đêm đốc các thủ hạ sang cướp làng đó, đâm chết hai người lính già chém lấy đầu làm hiệu. Bởi vậy cả huyện Chân phúc đều phải nghe theo. Trong mười ngày, Chỉnh mộ được hơn một nghìn quân. Hào mục ở huyện bên cạnh thấy Chỉnh khởi binh vội vàng tính đến việc đánh Chỉnh. Họ bầu viên trấn thủ cũ là Đương trung hầu làm thủ lãnh, rồi ai nấy kéo quân đi theo. Chỉnh lại nghe tin Trịnh Bồng sai Đốc Thị Phan Huy ích và Mãn trung hầu đem quân vào đánh nữa, hơi lo, nên vội viết thư cấp báo về đây. Nhưng ta tin thế nào hắn cũng xoay xở được. Có vài chục bộ hạ mà hắn còn cướp đường, cướp thuyền thoát khỏi Thăng long chạy theo ta vào Nghệ An, huống chi bây giờ hắn có một nghìn quân trong tay. Vả lại, nghe đâu Chiêu Thống cũng có ý muốn dùng Chỉnh để san phẳng phủ Chúa đi. Trịnh Bồng ỷ bè ỷ cánh áp chế nhiều điều quá đáng, Tự hoàng không biết dựa vào ai, đành phải trông vào Nghệ An vậy! Theo ý cụ thì sau đó, diễn biến sẽ như thế nào?

Trần Văn Kỷ đáp:

- Ông Chỉnh đã không xuất quân thì thôi, khi xuất quân ra Thăng Long thế nào cũng thắng. Đám tướng tá quan lại Bắc Hà không có cái giảo kiệt liều lĩnh của ông ấy. Thiên hạ hoang mang dễ hùa theo kẻ mạnh. Rồi đây nhất định họ Trịnh sẽ bị tuyệt diệt, và nhà Lê nhờ Chỉnh mà lưu lại được ở điện Trung hòa. Nhưng ông ấy sẽ kiêu lộng như lúc ở chùa Tiên Tích mà thôi!

Nguyễn Huệ thích thú quá quên cả giữ lễ, đập mạnh tay lên mặt kỷ đến nỗi cái khay trà suýt rơi xuống nền dinh. Nguyễn Huệ vội đưa tay sửa lại khay trà, che giấu bối rối và hân hoan bằng cách nói thật chậm:

- Cụ nghĩ đúng như tôi. Nhà Lê dựa vào Chỉnh chẳng khác nào sắp chết trôi lại vớ phải thanh gỗ mục. Hắn sẽ nổ như cái pháo, làm họa lây đến họ Lê. Chắc chắn như vậy. Tôi đã sai Hữu quân Nhậm kéo quân ra Nghệ An chờ sẵn. Chắc chắn không phải chờ lâu. Nhưng có điều khó nghĩ, là chuyến này ra, tất gạch ngói ở điện Trung hòa không thể giữ nguyên vẹn được. Vả lại, đã ra thì cũng không thể đột nhiên bỏ về như trước. Làm sao cho dân Bắc Hà khỏi nghi ngại, không xem ta là người đứng ngoài? Cụ nghĩ hộ xem!

Trần Văn Kỷ đã đoán trước Thượng công hỏi những gì, nhưng khi nghe hỏi, ông vẫn bị xúc động mạnh. Giờ khắc ông chờ đợi đã đến. Nhìn đôi mắt hơi đờ đẫn vì mất ngủ của Nguyễn Huệ, nghe câu hỏi của Nguyễn Huệ, Trần Văn Kỷ biết chủ tướng đã qua được do dự, đã mím môi chọn dứt khoát một giải pháp dù biết trước các hệ lụy phức tạp của nó, đã nhất định không chịu đứng bên này Lũy Thầy dửng dưng nhìn sang bờ bắc như một kẻ vô can. Trần Văn Kỷ còn có một mối xúc động riêng tư, là một người Thuận Hóa, tận mắt chứng kiến cảnh hưng phế của kinh thành Phú Xuân, ông thầm ao ước được sống đến ngày quê hương ông trở lại huy hoàng, phồn thịnh, Phú Xuân thành trung tâm quyền lực của cả một nước An nam thống nhất từ Quỉ môn quan đến Gia Định. Ước mơ ấy sắp thành sự thực rồi chăng?

Thấy Trần Văn Kỷ im lặng bâng khuâng thật lâu, Nguyễn Huệ tưởng viên Trung thư lệnh do dự, nên hỏi:

- Cụ thấy có điều gì bất ổn sao?

Trần Văn Kỷ vội đáp:

- Thưa không. Thời thế nhất định sẽ xoay chuyển như vậy. Phía bắc, Thượng công không thể dừng chân tại Lũy Thầy. Phía nam...

Nguyễn Huệ hấp tấp bảo:

- Ta hãy lo chuyện phương bắc đã. Lần trước "ta phù Lê diệt Trịnh". Còn lần này...

Trần Văn Kỷ tiếp lời:

- Lần này khó khăn hơn, thưa Thượng công. Nếu không có những bậc túc nho uy tín của Bắc Hà đứng ra thuyết phục, chưa chắc sĩ phu Bắc Hà đã thực dạ tin tưởng.

- Đấy. Chính tôi muốn hỏi cụ điều ấy. Không cần người trực tiếp gánh vác việc nước. Chỉ cần cái đức, cái danh của họ thôi.

Trần Văn Kỷ suy nghĩ một lúc, rồi nói:

- Một lần tới kinh yết kiến cụ Thái bảo Nguyễn Nghiễm, tôi có hỏi về nhân tài nước Nam. Cụ Thái bảo trả lời: Đạo học sâu xa thì Lạp phong xử sĩ, văn chương phép tắc thì thám hoa Nguyễn Huy Oánh, còn thiếu niên đa tài đa nghệ thì chỉ có Nguyễn Huy Tự.(2)

Nguyễn Huệ mừng rỡ hỏi:

- Lạp phong xử sĩ là ai thế? Đạo học sâu xa, ấy đấy, ta cần đến bậc đạo học sâu xa như thế, còn văn chương phép tắc với lại đa tài đa nghệ, có lẽ chưa cần vội.

Trần Văn Kỷ đáp:

- Thưa, Lạp phong xử sĩ là cụ Nguyễn Thiếp, hiện ở ẩn gần núi Lạp Phong, Nghệ An.

- Cụ ấy năm nay bao nhiêu tuổi rồi?

- Tôi không biết chắc. Khoảng trên sáu mươi rồi!

- Trên sáu mươi đã lấy gì làm già mà ở ẩn. Phải vời cho được cụ ấy vào đây. Ta giao việc khẩn cấp ấy cho cụ đấy, cụ cử ạ.

*

* *

Tin Trịnh Bồng đã trốn khỏi Thăng Long, vua Lê Chiêu Thống cho đốt phủ Chúa, Quận Thạc Quận Liễn hoảng hốt rút quân khỏi kinh thành để cho Nguyễn Hữu Chỉnh đường hoàng trở lại Thăng Long nhận chức Bình chương quân quốc trọng sự Đại tư đồ tước Bằng trung công, về tới Phú Xuân cùng một lúc với những tin xấu từ Hoàng đế thành gửi ra. Trong cái mớ bòng bong sự kiện đó, Nguyễn Huệ vẫn thấy cái nút chính để gỡ rối vẫn là Bắc Hà. Cho nên ông thúc giục Trần Văn Kỷ thảo ngay một lá thư gửi cho La sơn phu tử. Hôm rằm tháng chạp, Trần Văn Kỷ trình bản thảo lá thư ấy. Thư viết như sau (chữ Hán dịch ra quốc âm):

An nam đại nguyên súy, kính gửi cho La sơn phu tử mở xem:

Đã lâu nay, nghe tiếng phu tử đức tuổi đều cao, kinh luân sẵn có. Chính tôi muốn tới nhà gặp mặt để thỏa lòng tìm kiếm khó nhọc. Nhưng vì kẻ sinh phương tây, người lánh cõi bắc; chẳng phải như Sằn dã Nam dương gần gụi, có thể nghe tiếng sấm mùa xuân mà đánh thức Ngọa long.

Vậy đặc sai một hai đình thần đem vật mọn đến (vàng năm nén, lụa màu hai tấm) gọi là để tỏ lòng thành thô sơ. May chi Phu tử không lấy thế làm lạ, bỏ cái nhã thú lâng lâng mà nghĩ tới lòng tôi chân thành đau đáu, bỏ cày quẳng câu cáng đáng lấy sự nghiệp Y, Khương.

Không những riêng nước tôi may mắn, mà mười hai thừa tuyên ở Bắc cũng rất được may. Chớ làm tôi thất vọng. Mong phu tử lượng cho.

Nay kính thư.

Nguyễn Huệ xem xong lá thư, thắc mắc hỏi Kỷ:

- Sao chưa đề ngày tháng?

Trần Văn Kỷ đáp:

- Vì tôi chưa biết phải đề niên hiệu nào. Nếu Thượng công đã xưng là An nam đại nguyên súy, một tước của nhà Lê thì phải đề niên hiệu Cảnh hưng hoặc Chiêu thống.

Nguyễn Huệ hấp tấp bảo:

- Cứ lấy niên hiệu Thái Đức thứ ba đi!

Trần Văn Kỷ băn khoăn:

- Nếu thế thì không nên lấy tư cách An nam đại nguyên súy để viết thư.

Nguyễn Huệ bẻ lại:

- Nhưng chính cụ đã viết: "Không những riêng nước tôi may mắn, mà mười hai thừa tuyên ở Bắc cũng rất được may". Cái ý nhất thống, tự nhiên phu tử phải hiểu ra. Lúc đó thì chấp nê chi cái tiểu tiết về niên hiệu.

Trần Văn Kỷ nói:

- Ngài đánh nam dẹp bắc nên không chú trọng đến cái lặt vặt chữ nghĩa, nhưng bọn nhà nho mọt sách, tôi biết lắm. Họ nhắc đi nhắc lại mãi câu "Danh chính, ngôn thuận" của Đức Khổng phu tử, xem đó làm phương châm xuất xử.

- Hay lấy đó làm màn che sự vô dụng nhút nhát, không dám mó tay vào việc đời? Ta còn lạ gì họ nữa. Miệng chê đời bẩn nên không thèm mó tay vào cho dơ, thật ra là không đủ gan đủ sức làm bất cứ việc gì, chỉ khoanh tay rũ áo. Rồi lại tìm sách Khổng để cãi chầy cãi cối. Cụ nghĩ xem, có đúng thế không?

Trần Văn Kỷ không biết trả lời thế nào, vì dù Nguyễn Huệ có nói đúng, thì sự thực phũ phàng đó cũng động chạm nặng nề đến tự ái nhà nho của ông. Nguyễn Huệ chờ không thấy viên trung thư lệnh nói gì, nên bảo:

- Con nhà võ chúng tôi làm quen với sống chết, nên không quanh co. Cái gì không biết, không làm được thì nói thẳng. Chẳng hạn tôi phải hỏi cụ vài điều chưa rõ trong lá thư này. Sằn dã - Nam dương gần gụi là thế nào? Lại đánh thức ngọa long nữa?

Trần Văn Kỷ đáp:

- Sằn dã, Nam dương là hai huyện nằm sát nhau ở Hà Nam, nơi Khổng Minh ở ẩn. Ngọa long là chỉ Khổng Minh. Câu này muốn nói không được gần gũi như Lưu Bị thời xưa tới chỗ ẩn của Khổng Minh để mời ra giúp nước.

Nguyễn Huệ cười, thành thực nói:

- À, ra là điển tích Khổng Minh Gia Cát Lượng. Hiểm hóc nhỉ. Còn sự nghiệp Y, Khương thì tôi biết. Y Doãn, Khương Tử Nha chứ gì?

- Thưa vâng.

- Còn mười hai thừa tuyên ở Bắc? Gồm những đâu thế?

- Thừa tuyên là các tỉnh từ đời Lê Hồng Đức gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Thực ra còn có Trung đô là Thăng Long nữa, vị chi mười ba. Nhưng bây giờ Thuận Hóa đã thuộc Đàng trong, nên tôi chỉ viết mười hai thừa tuyên thôi!

Nguyễn Huệ gật gù khen:

- Thư viết gọn và khéo lắm. Vài ba ngày nữa, tôi cho đem thư ra Nghệ An cho Phu tử. Phải đi luôn Tết cho kịp. Giao cho chú Lãng ở bộ Binh và một người nào đó gốc dân Nghệ cho quen thuộc đường sá.

Trần Văn Kỷ nói:

- Tôi quen một viên quan đứng tuổi, chín chắn, giỏi việc ứng đối thù tiếp, có thể giao việc được.

Nguyễn Huệ mừng rỡ, bảo:

- Vậy thì tốt lắm. Việc này coi như xong xuôi. Cụ bảo anh Lợi xuất kho lấy đủ số lễ vật như đã ghi trong thư. à, cụ đã biết tin Qui Nhơn chưa?

Trần Văn Kỷ kinh ngạc hỏi:

- Dạ tin gì ạ?

Nguyễn Huệ muốn nói đến những chỉ dụ gay gắt đòi chở chiến lợi phẩm Bắc Hà về Qui Nhơn của Nguyễn Nhạc, nhưng nhận thấy nói lúc này với Trần Văn Kỷ chưa tiện, nên lại thôi. Ông nói tránh đi:

- Tin nhà vua định phong cho ta tước Bắc Bình vương đấy.

*

* *

Phái bộ gồm năm người: Lãng, viên quan bộ Hình, một chức sắc làm việc tại trấn phủ Nghệ An, và hai người lính hộ tống.

Viên quan bộ Hình cùng đi với Lãng tuổi đã gần năm mươi, vóc người ốm yếu, da xanh mét như vừa đau dậy, lại mang cái bệnh hen nên sợ đi đường nhọc mệt bệnh cũ lại tái phát. Cho nên ngay từ lúc khởi hành, ông ta đã càu nhàu bảo nhỏ Lãng:

- Công đâu ra tận Nghệ để rước một lão khùng! Lại ông đồ Kỷ nói ra nói vào chứ gì! Lần này ông đồ lầm to! Để rồi xem!

Trần Văn Kỷ có lầm thật đấy, nhưng lại lầm về gốc gác Nghệ An của viên quan bộ Hình. Ông ta tha phương cầu thực từ thuở nhỏ nên không biết gì về Nghệ An cả. Cho nên hễ đi được một đoạn, ông ta dừng lại hỏi viên chức sắc trấn Nghệ An:

- Đã gần tới chưa?

và luôn luôn được trả lời:

- Sắp tới rồi ạ. Một thôi đường nữa thôi.

Nghe trả lời mãi như thế, ông ta phát cáu, không thèm hỏi nữa. Lãng thì thích thú tò mò trước cảnh sắc lạ, cũng hỏi hai người lính luôn miệng. (3) Lãng trỏ những hình núi khác thường trước mặt hỏi người lính trẻ:

- Hình núi ở đây lạ nhỉ, anh nhỉ? Thật khác với núi non miền Qui Nhơn. Núi ở đây trông như núi đất, cây cối thưa thớt quá. Lại có vô số những đỉnh núi tròn, trông như những dãy mộ lớn. Mộ chôn voi ấy, anh có thấy thế không?

Người lính trẻ đáp:

- Vâng. Nhưng nếu trèo lên cao mà nhìn, thì lại giống như một đoàn ngựa chạy. Núi Thiên nhận đấy.

Lãng không tin, hỏi:

- Thật thế à. Giống hình ngựa chạy ở chỗ nào?

Người lính trẻ đổi vai, rồi trỏ các chỏm núi trước mặt, đáp:

- Ông cứ nhìn lên đỉnh cho kỹ thì thấy. Núi có hình ngựa chạy vì nhiều đỉnh núi con có một đầu cao một đầu thấp. Đầu cao nom như cổ ngựa cất lên, đầu thấp thì dài lại bầu, trông như thân sau của ngựa. Nhiều đỉnh như vậy xếp thành lớp, giống như một đàn ngựa đang nghểnh cổ co vó mà chạy đua.

- Hay nhỉ. Thế hai vệt đường dài chạy từ đỉnh cao nhất xuống dưới là cái gì thế?

- À, thành Lục niên đấy. Ông muốn nói ba đỉnh núi cao kia chứ gì? Người ta gọi là Tam thai. Chóp cao nhất tên Động chủ. Trên chóp ấy có thành Lục niên do vua Lê Thái tổ đắp để chống quân Minh thời xưa.

- Vậy mấy vệt trắng ấy là thành đá à?

- Vâng. Đến gần mới thấy thành cao và hiểm đến dường nào. Còn cái chỗ trăng trắng như một tấm vải dài rũ xuống là thác Bốc bố.

- Còn trại Bùi phong của La sơn phu tử ở đâu?

- Ngay phía đông bắc thành Lục niên. Sở dĩ gọi là trại Bùi phong vì phu tử lập trại trên một thân ngựa con tên Bùi phong. Gần đến rồi đấy.

Lãng cười, nói đùa:

- Chọn chỗ mình ngựa mà ở ẩn thì khó lắm.

Người lính trẻ cũng cười, rồi nói:

- Phu tử cũng biết thế chứ. Nhưng ngồi trên mình ngựa mà vẫn yên tịnh mới tài chứ. Tôi nghe nói trong một bài thơ nhớ núi phu tử làm, có hai câu Chiu chít liền những núi. Trông như ngựa chạy vòng.

Lãng kinh ngạc hỏi:

- Anh cũng biết cả thơ của phu tử nữa à?

Người lính kiêu hãnh đáp:

- Ở vùng này, ai mà không thuộc vài câu thơ của phu tử.

- Thế anh người ở đây à?

- Vâng. Xã Nguyệt Ao, huyện La Sơn.

- Sao anh không khai từ đầu?

Người lính lém lỉnh đáp:

- Ông có hỏi đâu mà khai!

*

* *

Đi quanh co một lúc, cả đoàn đến chân một ngọn núi thấp nằm giữa hai ngọn núi cao hơn nằm chầu ở phía đông và phía mặt trời lặn. Viên quan ở trấn phủ Nghệ An bảo:

- Đây là núi Lạp đính. Phía tây là núi Bạch tượng. Trại Bùi phong của phu tử nằm ở sườn quả núi thấp ở giữa.

Viên quan bộ hình hỏi:

- Núi trọc trơ trọi thế làm sao sống được? Lại quá xa làng mạc.

Viên quan địa phương đáp:

- Không. Phía dưới trại có một ngọn suối ẩn kín. Đất hoang dễ cày, cây cối xanh tốt, nhất là rất hợp với trà. Ngài có thấy mấy dải xanh ngắt chen lẫn các ô chữ nhật màu nâu đó không? Vườn trà của La sơn phu tử đấy.

Mọi người bắt đầu leo một cái dốc sỏi khá cao để lên trại. Viên quan bộ hình quá mệt, lại nổi cơn hen. Người lính trẻ trao quang gánh lại cho bạn để đỡ lưng ông ta. Viên quan bộ hình lầm bầm:

- Khổ! Thiên hạ điên hết rồi!

Lãng cười, hỏi:

- Có lẽ chỉ có bác là không điên?

Viên quan trả lời:

- Không. Tôi cũng điên.

Quan địa phương góp lời:

- Như vậy thì các ông nên rán yết kiến phu tử một phen, xem ai điên hơn ai! Chính Lục niên tiên sinh cũng tự xưng là Cuồng ẩn, là Điên ẩn.

Họ chỉ nói chuyện được đến đó, vì sau khi leo một đoạn dốc, ai cũng mệt muốn đứt hơi, nếu còn chút sức là để gắng leo núi chứ không thiết nói năng gì. Đi qua một dải đất đồi xanh ngát màu lá trà, họ bắt đầu thấy những đám ruộng bậc thang có đá xếp làm bờ chống xói lở, và vài chuồng trâu lộ thiên không có mái, chỉ có những thân cây rừng khẳng khiu đóng dày vào nhau làm thành vòng rào ngăn mà thôi. Đất khô cứng có vẻ cằn cỗi, vừa được cuốc lên để ải nắng chuẩn bị mùa sau.

Đi quanh co một lúc nữa, bất ngờ Lãng thấy trước mặt một khóm cây um tùm chon von trên sườn núi, dọc theo một con suối nhỏ có nước róc rách. "Trại Bùi phong đây rồi!" Cả Lãng và người lính trẻ, hai người khỏe nhất đoàn, cùng reo lên một lúc.

Phía trong hàng rào làm bằng một loại cây xanh Lãng chưa biết tên, có tiếng chó sủa, và êm ái thay, lại có cả tiếng chim bồ câu gù. Thấp thoáng trông xa, ẩn sau những tàn cây, là những mái tranh thô sơ. Một người đàn ông tuổi lớn hơn Lãng đôi chút, mặc quần áo nâu, tóc để trần không vấn khăn, chạy ra mở cổng. Thấy đám đông lạ mặt, lại có cả hai người lính đội nón dấu theo hộ tống, người đàn ông ngơ ngác hỏi:

- Quí ông cần gì ạ?

Viên quan bộ hình quên cả cơn hen, lấy giọng the thé nghề nghiệp của người quen hỏi cung, nói:

- Phải trại Bùi phong đây không?

Người đàn ông đứng trong rào đáp:

- Vâng ạ.

- Có trại chủ ở nhà không?

Người đàn ông hơi chau mày hỏi lại:

- Quí ông là ai?

Lãng tiến đến gần rào, lễ phép nói:

- Chúng tôi từ Phú Xuân ra đây, vâng lệnh đại nguyên soái xin yết kiến Lục niên tiên sinh.

Người đàn ông nhìn Lãng mỉm cười nói:

- Cha tôi có nhà, nhưng đang bận dâng hương cho Khảo đình tiên sinh (4). Mời quí ông vào.

Cổng tre mở rộng, cả đoàn bước vào một vùng xanh tươi mát rượi. Người con trai của La sơn phu tử giữ lễ, nhường bước cho Lãng và viên quan bộ hình đi trước. Đi qua một nhà mái bát giác lợp tranh cất giữa một vườn hoa cúc vạn thọ đang kỳ nở rộ, có tấm biển đề ba chữ VỌNG VÂN ĐÌNH, người con phu tử gọi lớn:

- Anh Thúc Hằng, có khách.

Từ phía sau Vọng Vân Đình, người có tên Thúc Hằng đứng lên, có lẽ đang ngồi lúi húi tỉa hoa. Thúc Hằng cũng mặc áo nâu như em, khoảng bốn mươi tuổi, tóc dài bó thành búi lớn sau ót, râu đen mọc lưa thưa trên mép và dưới cằm khiến khuôn mặt già dặn, quắc thước hơn lên. Thấy anh ngạc nhiên trước đoàn khách không đợi, người em nói:

- Có các quan tận trong Phú Xuân ra đây xin gặp cha.

Thúc Hằng vội lễ phép nói:

- Tiếc quá. Chúng tôi đang bận, tay chân bẩn cả. Quí Ngộ, chú mời các ngài vào Giới thạch trai đi.

Người em tên Quí Ngộ e dè nói:

- Nhưng cha đang dâng hương cho Khảo Đình tiên sinh...

Người anh cắt lời em:

- Chắc xong rồi. Các ngài khó nhọc từ xa đến, nhất định có việc quan trọng. Em cứ vào Thận tật am thưa với cha đi.

Lãng nghe những cái tên như Vọng vân đình, Giới thạch trai, Thận tật am, giữa vùng lá xanh um tùm và mùi hương hoa thơm nồng, có cảm tưởng đang bước vào một thế giới huyền hồ không có thật. Giới thạch trai cũng chỉ là một ngôi nhà tranh che liếp thô sơ, bên trong bài trí nghèo nàn. Một cái bàn thấp mặt đan bằng nan tre. Ghế là những thân gỗ mộc cưa bằng. Trên bàn, ấm chén đều bằng đất nung loại rẻ tiền. Quí Ngộ thấy khách nhìn quanh cách bày biện, vội nói:

- Gia đình chúng tôi sống xa làng mạc, nên cái gì cũng phải tự làm lấy mà dùng. Kể cả mấy cái ấm chén này. Quí quan ngồi chơi. Tôi xin phép được vào thưa với cha tôi.

Viên quan bộ Hình ngồi ngay lưng trên cái ghế gỗ cho trang trọng, chuẩn bị tiếp phu tử. Viên quan địa phương sờ lên cái ấm đất, tò mò xem xét cách xoi vòi ấm của cha con Lục Niên tiên sinh. Lãng thì ra đứng sát cửa liếp nhìn ra rừng hoa cúc phía ngoài.

Một lát, có tiếng bước chân nhẹ và tiếng gậy chống đều đều lên mặt đất nện. Mọi người không ai bảo ai đều đứng cả dậy. Trước mặt Lãng, một cụ già râu tóc đều bạc, mặc áo trắng chống gậy trúc đang đứng ở ngưỡng cửa sau nhìn khắp mọi người. Lãng chú ý trước hết đến màu trắng của râu tóc và quần áo, sau nữa, đến cái mũi lớn và đôi mắt sáng quắc có vẻ cười cợt bông đùa đang nhìn lần lượt hết người này đến người khác. Lãng đọc được trong ánh nhìn đó lời hỏi thầm: "Thế nào, các người lại đến quấy rầy ta đấy à? Leo dốc mệt nhỉ, nhưng phí công thôi. Ta không giúp được các người gì đâu".

Quí Ngộ thưa với cha:

- Quí quan ở Phú Xuân có việc thưa với cha.

La sơn phu tử liền đưa tay trỏ các ghế gỗ, ân cần bảo:

- Ngồi xuống đó. Các ông vất vả lắm nhỉ?

Viên quan bộ Hình nghiêm giọng đáp:

- Trình tiên sinh phái bộ chúng tôi vâng lệnh đại nguyên súy cất công lên đây, trước là xin diện kiến bậc ẩn sĩ lừng danh của Bắc hà, sau là...

La sơn phu tử cười lớn, cắt lời viên quan bộ Hình:

- Ông quá lời rồi. Cha con chúng tôi trốn đời, làm quen với nếp sống đạm bạc, lâu ngày quên mất cách ăn nói văn hoa dưới đồng bằng. Xin được nghe những câu đạm bạc sơ sài thôi!

Lúc đó người lính trẻ đã mượn của Quí Ngộ cái khay đặt lễ vật, phủ tấm vải điều cung kính mang vào đặt lên cái bàn thấp trước chỗ phu tử ngồi. Phu tử nhìn khay lễ vật, rồi nhìn ba người khách, ngơ ngác hỏi:

- Chúng tôi đâu dám nhận lễ hậu này! Chắc là đại nguyên súy nghe lầm lẫn về kẻ trốn đời dở điên dở khùng này chăng?

Lãng vội thưa:

- Đại nguyên súy chúng tôi muốn tỏ lòng thành kính đối với tiên sinh, nên sai chúng tôi đến đây gửi chút lễ mọn và một phong thư. Kính mong tiên sinh nhận cho.

Nói xong, Lãng đến giở tấm vải điều cầm phong thư bằng hai tay kính cẩn đưa đến La sơn phu tử. Phu tử không chút khách sáo, mở thư ra đọc. Lãng chú ý thấy đôi mắt Nguyễn Thiếp vẫn còn tinh tường lắm, không cần phải nheo mắt hoặc đưa tờ thư ra xa tầm mắt. Đọc xong, La sơn phu tử lắc đầu nhè nhẹ, mỉm cười nói:

- Quả là đại nguyên súy nghe lời đồn đãi, nên lầm lẫn về lão nhiều lắm. Lão vì mắc bệnh cuồng phải gửi thân vào chốn lâm tuyền để khỏi phiền đến ai. Bản chất ngu lậu, tài năng học thuật không có gì hơn người. Cái chức tri huyện làm còn chưa nổi phải cố trả xin về, huống hồ là việc lớn. Lời đồn đãi thường sai ngoa, làm phiền đến đại nguyên súy - lại làm phiền đến các ông nữa - Tết nhất không được ở nhà rước ông bà vui xuân mà phải cất công lên tận xó núi này. Thật đáng ái ngại!

Viên quan bộ Hình đã bớt hận, nên nói:

- Đại nguyên súy chúng tôi xem việc này quan trọng hơn hết, nên không kể đến đường xa, Tết đến. Xin tiên sinh xét cho!

Nguyễn Thiếp nói:

- Lão cũng xin quí ông tìm lời khéo thưa lại với đại nguyên súy, để đại nguyên súy xét cho. Từ lâu xa lánh chỗ chen chúc, nên ít phải nói năng. Chắc chắn có nói cũng không hết ý. Lão sẽ xin có thư phúc đáp cho đại nguyên súy vậy!

Lãng còn đang lúng túng không biết phải nói thế nào cho La sơn phu tử nhận lời, nghe phu tử nói thế, mừng rỡ thưa:

- Vâng. Chúng tôi xin được nhận thư của tiên sinh đem về Phú xuân.

La sơn phu tử ngần ngại một lúc, rồi nói:

- Thế thì phiền các ông quá. Thôi thế này. Quà cáp đại nguyên súy gửi thì cứ để đây. Vài hôm nữa chờ bệnh thuyên giảm, trí óc minh mẫn hơn, lão xin có thư phúc đáp. Lão có anh học trò tên Phan Khải Đức có thể sai anh ta chuyển thư vào Phú Xuân được, khỏi phiền đến quí ông. Quí ông đã đến, thì cơm dưa muối xin các ông vui lòng ăn với lão một bữa lấy thảo. Xin đừng từ chối. Bây giờ về không kịp đâu. Quí Ngộ, con ra sau bếp bảo thổi cơm thêm nhé. Nào, các ông uống cạn chén trà cúc này đã, không nguội mất. Cả trà lẫn cúc đều là cây nhà lá vườn, chắc mùi vị không được như ở kinh kỳ.

Lãng cầm chén trà đưa lên môi. Anh thấy một vị chát ở đầu lưỡi, sau đó, cảm giác lâng lâng cứ còn đọng lại mãi ở cổ họng.

(

1) Hoàng Lê trang 153, 154

(2) Gia phổ họ Nguyễn, Trường Lưu. Hoàng Xuân Hãn trích lại trong La sơn phu tử, trang 109

(3) Phần này dựa theo chương 10 cuốn "La sơn phu tử" của Hoàng Xuân Hãn.

Tức Chu Hi, một bậc Tống nho.