Steve Jobs - Chương 19 - Phần 01

Chương 19

MỘT NGƯỜI BÌNH THƯỜNG

“Love” cũng chỉ là một từ có bốn chữ cái

Joan Baez

Năm 1982, khi vẫn còn đang làm việc trong nhóm Macintosh, Jobs đã gặp một ca sĩ nhạc đồng quê nổi tiếng - Joan Baez thông qua em gái của bà là Mimi Farina, người đứng đầu một tổ chức từ thiện đang cố gắng để huy động nguồn quyên góp máy tính cho các nhà tù. Một vài tuần sau đó, ông và Baez đã ăn trưa tại Cupertino, ông nhớ lại: "Tôi đã không mong đợi nhiều, nhưng cô ấy thực sự thông minh và hài hước". Vào thời điểm đó, ông đã gần như kết thúc quan hệ với Barbara Jasinski. Họ đã từng cùng nhau đi nghỉ ở Hawaii, ở chung trong một căn nhà ở vùng núi Santa Cruz, và thậm chí đã cùng đến xem một buổi biểu diễn của Baez. Khi mối quan hệ của ông với Jasinski trở nên căng thẳng, Jobs đã bắt đầu nghiêm túc hơn với Baez, ông lúc đó mới hai mươi bảy tuổi trong khi Baez bốn mươi mốt tuổi, tuy vậy, họ đã sống hạnh phúc với nhau trong một vài năm. "Nó đã trở thành một mối quan hệ nghiêm túc giữa hai người bạn tình cờ muốn trở thành người yêu của nhau", Jobs kể lại với một giọng điệu hơi tiếc nuối.

Joan Baez

Elizabeth Holmes, một người bạn của Jobs tại trường cao đẳng Reed, tin rằng một trong những lý do ông hẹn hò với Baez, không phải là vì thực tế rằng cô này xinh đẹp, hài hước và tài năng mà vì cô đã từng là người yêu của Bob Dylan. Bà còn cho biết "Steve yêu sự kết nối đó với Dylan”. Baez và Dylan từng có quan hệ yêu đương vào đầu những năm 1960, và sau đó họ đi lưu diễn với nhau như những người bạn, bao gồm cả chuyến lưu diễn Revue Rolling Thunder vào năm 1975. (Jobs đã có những bản in lậu các buổi hòa nhạc đó.)

Khi gặp Jobs, Baez đã có một đứa con trai mười bốn tuổi, Gabriel, từ cuộc hôn nhân với nhà hoạt động chống chiến tranh David Harris. Có một lần, trong bữa trưa, bà đã nói với Jobs rằng bà đang cố gắng để dạy cho Gabe cách đánh máy. Jobs đã hỏi “Ý chị là trên một máy đánh chữ ư?".

Khi bà ấy nói đúng, ông bảo rằng: "Nhưng máy đánh chữ là đồ lạc hậu rồi."

"Nếu một máy đánh chữ là đò lạc hậu, thì điều đó có ảnh hưởng gì đến tôi không?" Bà hỏi lại. Đã có một khoảng lặng kì cục trong bầu không gian hôm đó. Sau đó, Baez đã nói với tôi, "Ngay khi tôi nói ra điều đó, tôi nhận ra câu trả lời rất rõ ràng. Câu hỏi đó chỉ làm bầu không khí trở nên căng thẳng. Thật khủng khiếp."

Một ngày, trước sự ngỡ ngàng của đội dự án Macintosh, Jobs đã xông vào văn phòng cùng với Baez và cho bà thấy nguyên mẫu của máy Macintosh. Họ đều chết lặng khi thấy ông sắp tiết lộ về chiếc máy tính với một người ngoài cuộc, cho dù ông có một nỗi ám ảnh về việc giữ bí mật, nhưng họ thậm chí càng ngạc nhiên hơn trước sự hiện diện của Joan Baez, ông đã tặng cho Gabe một chiếc Apple II, và sau đó ông đã tặng cho Baez một máy tính Macintosh. Qua những lần đến thăm, Jobs đã khoe với bà về các tính năng mà ông thích. "Cậu ấy là người ngọt ngào và kiên nhẫn, nhưng lại quá uyên bác nên cậu ấy khá vất vả để hướng dẫn cho tôi hiểu", bà nhớ lại.

Ông bỗng nhiên trở thành một tỉ phủ, còn bà là một nhân vật có danh tiếng tầm cỡ thế giới, nhưng lại khá thực tế và không quá giàu có. Bà không biết điều gì đã tạo nên một con người như ông, và vẫn còn cảm thấy khó hiểu khi nói về ông sau gần ba mươi năm. Tại một bữa tối khi họ mới bắt đầu mối quan hệ, Jobs bắt đầu nói chuyện về Ralph Lauren và cửa hàng Polo của ông, bà đã thừa nhận mình chưa bao giờ đến cửa hàng này. "Có một chiếc váy màu đỏ rất hợp với em", ông đã nói vậy, và sau đó đã lái xe đưa bà đến một cửa hàng trong Trung tâm mua sắm Stanford. Baez nhớ lại, "Tôi đã nghĩ thầm, thật lạ lùng và cũng thật tuyệt vời, tôi đang hẹn hò với một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới và anh ấy muốn tặng tôi chiếc váy đẹp đẽ này". Khi chúng tôi tới cửa hàng, Jobs đã mua một vài chiếc áo sơ mi cho mình và chỉ cho bà chiếc váy màu đỏ. "Em nên mua nó," ông nói. Bà hơi ngỡ ngàng, và nói với ông rằng bà thực sự không đủ khả năng mua nó.

ông đã im lặng, và họ ra về. Bà hỏi tôi: "Anh có nghĩ rằng nếu ai đó đã thao thao bất tuyệt về về một thứ gì đó suốt cả buổi tối như vậy thì người ta sẽ mua nó cho anh?" bà dường như thực sự bối rối về việc này. "Chiếc váy màu đỏ tưởng như đã nằm trong tầm tay. Tôi cảm thấy hơi lạ về điều này", ông đã tặng bà máy vi tính nhưng lại không tặng một chiếc váy, thậm chí khi ông mang hoa tặng bà, ông còn khẳng định với bà rằng chúng là số hoa còn sót lại từ một sự kiện ở công ty. Bà kể:

“Anh ấy vừa là người lãng mạn vừa là người sợ sự lãng mạn”.

Khi ông đang thực hiện dự án về máy tính NeXT, ông đã đi đến nhà của Baez ở Woodside và khoe với bà về khả năng chơi nhạc vượt trội của nó. "Jobs đã để chiếc máy chơi một bản tứ tấu của Brahms, anh ấy nói với tôi rằng cuối cùng thì máy tính sẽ chơi nhạc còn hay hơn là con người, thậm chí còn có âm bội và nhịp điệu tốt hơn," Baez nhớ lại. Bà đã rất giận về ý tưởng này "Anh ấy thì đang hân hoan với thành quả lao động say mê của mình trong khi tôi đang chìm đắm trong một cơn thịnh nộ và suy tư. Làm sao mà anh ấy có thể làm ô uế âm nhạc như vậy?"

Jobs tâm sự với Debi Coleman và Joanna Hoffman về mối quan hệ của mình với Baez và lo lắng về việc liệu mình có thể kết hôn với một người đã có một cậu con trai tuổi thiếu niên và có lẽ người đó cũng đã qua thời điểm muốn có thêm con. Hoffman đã nói rằng “ Đôi khi Jobs coi bà ấy như là một ca sĩ quá „phức tạp" và không phải là một ca sĩ 'chính trực' thực sự như Dylan.” Bà ấy là một người phụ nữ mạnh mẽ, còn ông muốn chứng tỏ mình có quyền kiểm soát. Hơn nữa, lúc nào ông cũng nói rằng ông muốn có một gia đình, và với bà ấy, ông biết rằng đó là việc không thể.” Và như vậy, sau khoảng ba năm, họ đã kết thúc mối tình của mình và trở thành bạn bè. “Tôi đã tưởng rằng tôi yêu cô ấy, nhưng thực sự tôi chỉ thích cô ấy rất nhiều thôi,” sau này ông nói vậy.

"Chúng tôi đã không đến được với nhau. Tôi muốn có con, còn cô ấy thì không muốn sinh thêm bất kỳ đứa con nào nữa". Trong cuốn hòi ký của mình năm 1989, Baez đã viết về sự tan vỡ của bà với chòng cũ và lý do tại sao bà không bao giờ tái hôn: “Tôi không thuộc về ai, từ đầu đã vậy, thỉnh thoảng điều đó lại bị giẤn đoạn như những buổi dã ngoại”, bà đã thêm một nhận định tốt đẹp ở cuối cuốn sách “Steve Jobs đã buộc tôi phải sử dụng một chiếc máy xử lý văn bản bằng cách đặt một chiếc trong bếp nhà tôi”.

Tìm thấy Joane và Mona

Khi Jobs ba mươi mốt tuổi, một năm sau khi bị Apple sa thải, bà Clara, mẹ của ông, một người nghiện thuốc lá, đã mắc bệnh ung thư phổi. Ông dành thời gian bên giường bệnh, trò chuyện với bà theo những cách mà trước đây hiếm khi ông làm, Jobs cũng hỏi mẹ mình một số câu hỏi mà từ trước đến nay ông đã kiềm chế không nói ra. “Khi mẹ và cha kết hôn, mẹ là một trinh nữ phải không?” ông hỏi. Bà gặp khó khăn khi nói chuyện nhưng cũng phải mỉm cười. Đó là lúc bà nói với Jobs rằng trước đó bà đã kết hôn với một người đàn ông đã mãi mãi không bao giờ trở lại từ cuộc chiến tranh. Bà còn kể chi tiết cho Jobs nghe về việc bà và Paul Jobs đã nhận nuôi ông như thế nào.

Paul Jobs và Steve, 1956

Ngay sau đó, Jobs đã thành công trong việc lần ra dấu vết của người phụ nữ đã cho ông đi làm con nuôi. Jobs bí mật tìm hiểu về mẹ đẻ của mình từ đầu những năm 1980, lúc đó ông đã thuê một thám tử nhưng đã không biết được thông tin gì. Sau đó, ông chú ý đến tên của vị bác sĩ ở San Francisco trên giấy khai sinh của mình, “ông ấy có tên trong danh bạ điện thoại, vì vậy tôi đã gọi cho ông,” Jobs nhớ lại. Vị bác sĩ nọ đã không giúp được gì. ông này khẳng định rằng hò sơ đã bị cháy hết trong một vụ hỏa hoạn. Điều đó là không đúng. Thực tế, ngay sau khi Jobs gọi đến, vị bác sĩ đã viết một lá thư, cho vào một chiếc phong bì và niêm phong lại, trên đó ông viết “Gửi Steve Jobs khi tôi qua đời”. Khi ông qua đời một thời gian ngắn sau đó, vợ của vị bác sĩ đó đã gửi cho Jobs bức thư đó. Trong đó, vị bác sĩ giải thích rằng mẹ của ông là một sinh viên đã tốt nghiệp chưa lập gia đình đến từ Wisconsin tên là Joanne Schieble.

Abdulfattah "John" Jandali và Joanne Schieble

Jobs đã phải mất thêm một vài tuần và thuê một thám tử khác để điều tra thêm về bà. Sau khi sinh ông, bà đã cưới cha đẻ của ông là Abdulfattah "John" Jandali, và họ đã có một đứa con khác, Mona. Jandali đã bỏ rơi họ năm năm sau đó, và Joanne kết hôn với một hướng dẫn viên trượt tuyết có tính cách rất màu mè, George Simpson. Cuộc hôn nhân thứ hai này đã không kéo dài lâu, và năm 1970, bà bắt đầu một cuộc hành trình dài cùng với Mona (cả hai người đều sử dụng tên Simpson) đến Los Angeles.

Jobs miễn cưỡng để Paul và Clara, những người ông coi là cha mẹ đẻ của mình biết về việc ông đang tìm hiểu về mẹ đẻ của mình. Với sự nhạy cảm khác thường và những tình cảm sâu nặng mà ông dành cho “cha mẹ Jobs” của mình, ông đã lo rằng họ có thể bị xúc phạm. Vì vậy, ông không bao giờ liên lạc với Joanne Simpson cho đến sau khi mẹ Clara qua đời vào đầu năm 1986.

"Tôi không bao giờ muốn họ cảm thấy như thể tôi đã không coi họ là cha mẹ mình, bởi vì họ thực sự là cha mẹ tôi," ông nhớ lại. "Tôi yêu thương họ nhiều đến nỗi mà tôi không bao giờ muốn họ biết về việc tìm kiếm của tôi, và tôi thậm chí đã cố “bịt miệng” các phóng viên khi bất kỳ người nào trong số họ “đánh hơi” được điều gì đó." Khi Clara qua đời, ông quyết định kể cho Paul Jobs nghe, người cha đã hoàn toàn thoải mái và nói ông không để bụng nếu Jobs liên lạc với mẹ đẻ của mình.

Vì vậy, một ngày Jobs đã goi cho Joanne Simpson, nói cho bà biết ông là ai, và sắp xếp một chuyến đi đến Los Angeles để gặp bà. Sau đó, ông đã khẳng định rằng ông làm vậy vì chỉ muốn thoát khỏi sư tò mò. “Tôi tin vào môi trường nuôi dưỡng nhiều hơn là sự di truyền quyết định nhân cách một con người, thế nhưng chúng ta vẫn phải tự hỏi một chút về nguồn gốc của mình” Jobs phân trần. Ông cũng muốn trấn an Joanne rằng những gì bà đã làm là đúng. “Tôi muốn gặp mẹ đẻ của mình chủ yếu là để thấy bà ấy vẫn ổn và cảm ơn bà ấy, tôi đã rất vui vì cuộc đời mình đã không kết thúc bằng việc phá thai. Bà ấy mới có 23 tuổi và đã phải trải qua nhiều khó khăn để sinh ra tôi.” Joane đã rất xúc động khi Jobs đến nhà của bà tại Los Angeles. Bà biết rằng ông nổi tiếng và giàu có nhưng vẫn băn khoăn về lý do ông đạt được những điều đó. Bà bắt đầu không kìm nén được cảm xúc mình. Bà nói rằng bà thấy vô cùng căng thẳng khi đặt bút ký vào những giấy tờ để cho ông đi làm con nuôi, và bà chỉ đồng ý làm vậy sau khi biết rằng ông sẽ được hạnh phúc trong ngôi nhà của cha mẹ mới. Bà đã luôn nhớ ông và rất đau khổ về những gì đã làm. Bà liên tục xin lỗi, ngay cả khi Jobs cam đoan với bà rằng ông hiểu, và việc cho ông đi làm con nuôi hóa ra lại là một hành động đúng đắn.

Khi bình tĩnh lại, bà nói với Jobs rằng ông có một người em gái ruột là Mona Simpson, người sau này là một tiểu thuyết gia đầy tham vọng ở Manhattan. Bà chưa bao giờ nói với Mona rằng cô có một người anh trai, và trong ngày hôm đó, cô đã được biết sơ qua về tin này qua điện thoại. “Con có một người anh trai, anh ấy tuyệt vời, nổi tiếng, và mẹ sẽ đi cùng anh con đến New York, vì vậy con có thể gặp anh,” bà nói. Mona đang dần hoàn thành một cuốn tiểu thuyết về mẹ và chuyến đi của họ từ Wisconsin tới Los Angeles mang tên “Anywhere but here” (Bất cứ đâu trừ nơi đây). Những người đã đọc nó sẽ không ngạc nhiên rằng Joanne có phần khó hiểu trong cách nói cho Mona biết về anh trai mình. Cô từ chối tiết lộ anh mình là ai - chỉ nói là ông đã từng nghèo khó nhưng giờ thì đã giàu có, đẹp trai và nổi tiếng, mái tóc đen dài, và hiện đang sống tại California.

Mona Simpson

Mona sau đó đã làm việc tại Paris Review, một tạp chí văn học của George Plimpton nằm ở tầng trệt của tòa nhà gần Sông Đông ở khu vực Manhattan. Cô và các đồng nghiệp đã bắt đầu một trò chơi đoán về người có khả năng là anh trai cô. John Travolta? Đó là một trong những dự đoán được yêu thích. Các diễn viên khác cũng là những ứng viên tiềm năng. Có lúc đã có người đoán được rằng “Có thể đó là một trong những người tạo ra máy tính Apple” nhưng không ai có thể nhớ được tên của người đó.

Buổi gặp gỡ diễn ra trong tiền sảnh của khách sạn st Regis. "Anh ấy rất bộc trực và đáng mến, một người giản dị và ngọt ngào", Mona nhớ lại. Ba người họ ngồi xuống và nói chuyện trong vài phút, sau đó ông đã tiễn em gái mình một đoạn dài, chỉ có hai anh em. Jobs đã vui mừng khi thấy ông có môt cô em gái quá giống mình. Họ đều cương quyết trong lĩnh vực của mình, quan sát môi trường xung quanh, nhạy cảm nhưng lại có ý chí mạnh mẽ. Khi đi ăn tối cùng nhau, họ đã nhận thấy những điểm tương đồng và cuộc nói chuyện của họ trở nên hào hứng sau đó. "Em gái tôi là một nhà văn!", ông phấn khởi khoe với các đồng nghiệp của mình tại Apple khi ông phát hiện ra điều đó.

Khi Plimpton tổ chức một buổi tiêc ra mắt cuốn “Anywhere but here” vào cuối năm 1986, Jobs đã bay tới New York để đi cùng với Mona. Họ ngày càng gần gũi, mặc dù bắt đầu xuất hiện những điều phức tạp xoay quanh mối quan hệ của họ, kèm theo những câu hỏi họ là ai và tại sao họ lại đi cùng nhau. Sau này ông cho biết “Ban đầu Mona không hoàn toàn vui mừng khi có sự xuất hiện của tôi trong cuộc sống của con bé và cách mẹ dành tình cảm trìu mến cho tôi”. “Khi đã hiểu nhau, chúng tôi đã thực sư trở thành hai người bạn, con bé là gia đình của tôi. Không có nó, có lẽ tôi chẳng biết làm gì cả. Tôi không thể tưởng tượng một người em gái nào tốt hơn. Tôi chưa bao giờ thân thiết với chị nuôi Patty của tôi cả.” Mona cũng đã dành cho ông một tình cảm sâu sắc, có lúc hơi bảo thủ, thế nhưng sau này cô đã viết về ông bằng một ngồi bút sắc sảo, A Regular Guy, cuốn tiểu thuyết mô tả những thói quen của ông chính xác đến khó chịu.

Một trong vài điều người ta tranh cãi là phục trang của cô. Cô ăn mặc như một tiểu thuyết gia “đói rách”, và ông thì trách sao cô không mặc những bộ đồ “quyến rũ”. Đã có lúc những lời bình luận của ông làm cô khó chịu đến mức cô đã viết cho ông một lá thư “Em là một nhà văn trẻ, đây là cuộc sống của em, và em không hề cố gắng biến mình thành một người mẫu”, ông đã không trả lời.

Nhưng ngay sau đó, có một chiếc hộp được gửi từ cửa hàng của Issey Miyake, nhà thiết kế thời trang Nhật Bản có phong cách thiết kế cứng nhắc và chịu ảnh hưởng nặng bởi công nghệ, một phong cách ưa thích của Jobs. "Anh ấy đã mua đồ cho tôi", sau này Mona còn cho hay, “anh Jobs đã chọn những thứ tuyệt vời, chính xác số đo của tôi, màu sắc cũng rất bắt mắt nữa.” ở đó còn có một bộ vest ông rất thích, và đề nghị họ chuyển cả ba bộ, giống hệt nhau, ông nói “Tôi vẫn còn nhớ những bộ đồ đầu tiên tôi gửi cho Mona, một chiếc quần vải lanh với chiếc áo màu xanh xám nhạt trông rất hợp với mái tóc màu hung đỏ của con bé”.

Người cha thất lạc

Trong khi đó, Mona Simpson lại đang cố gắng để tìm kiếm người cha đẻ, người đã bỏ đi chu du khắp nơi khi cô năm tuổi. Thông qua Ken Auletta và Nick Pileggi, hai nhà văn nổi tiếng ở Manhattan, cô được giới thiệu với một cảnh sát nghỉ hưu ở New York, người có một phòng thám tử riêng. "Tôi trả ông một ít tiền", Simpson nhớ lại, nhưng việc tìm kiếm không thành công. Sau đó, cô đã gặp một thám tử tư khác ở California, và ông này đã tìm thấy một địa chỉ của Abdulfattah Jandali tại Sacramento thông qua một cuộc tìm kiếm của Cục phương tiện cơ giới. Simpson kể lại với anh trai mình và cô đã bay từ New York đến để gặp người đàn ông có khả năng là cha của họ.

Jobs không muốn đi gặp ông ta. “ông ấy không đối xử tốt với tôi”, sau này Jobs giải thích.

Abdulfattah "John" Jandali

“Tôi không ghét gì ông ta cả - tôi thấy hạnh phúc khi được sống. Nhưng điều làm tôi thấy khó chịu đó là ông ta đã không đối xử tốt với Mona. ông ta đã bỏ rơi con bé”. Bản thân Jobs cũng đã bỏ rơi Lisa, cô con gái ngoài giá thú của mình, và giờ ông đang cố gắng hàn gắn mối quan hệ của họ.

Nhưng sự phức tạp đó cũng không hề làm dịu đi suy nghĩ của ông dành cho Jandali. Simpson đã đi Sacramento một mình.

Simpson nhớ rằng “Ý nghĩ muốn gặp cha đã thôi thúc tôi”. Cô thấy cha mình đang làm việc trong một nhà hàng nhỏ. Thoạt đầu ông dường như rất vui khi nhìn thấy cô, nhưng sau đó khá là khiên cưỡng. Họ nói chuyện vài giờ, và ông kể rằng, sau khi ông rời khỏi Wisconsin, ông dạy học, rồi sau đó thì chuyển sang kinh doanh nhà hàng.

Jobs nhắc nhở Simpson không được nhắc đến bố và cô đã làm vậy. Nhưng có một lần cha cô tình cờ nói rằng ông và mẹ cô đã có một đứa con, một bé trai, trước khi cô được sinh ra. “Anh ấy sao rồi cha?” cô hỏi. Ông đáp lại rằng: "Chúng ta sẽ không bao giờ thấy anh con nữa. Nó chết rồi”.

Simpson bật dậy nhưng không nói gì.

Có những điều đáng kinh ngạc hơn khi Mona nghe Jandali mô tả về những nhà hàng trước đó ông đã điều hành, ông nhấn mạnh rằng ông đã có một số nhà hàng khá đẹp, còn sang trọng hơn cả hệ thống nhà hàng Sacramento nơi mà sau này họ có đến. Cha cô với cô một cách trìu mến rằng ông muốn cô có thể nhìn thấy ông khi ông quản lý một nhà hàng Địa Trung Hải ở phía Bắc của San Jose. "Đó là một nơi tuyệt vời," ông nói. "Tất cả những vị khách đến đây, hầu hết đều là những người thành công trong lĩch vực công nghệ, cả Steve Jobs nữa” Simpson choáng váng, "ồi, cậu ấy đã từng hay đến đây, một chàng trai ngọt ngào và luôn trả tiền boa hậu hĩnh", cha cô nói thêm.

Mona phải kiềm chế để không hét lên “Steve Jobs là con trai của bố!”.

Khi buổi gặp mặt kết thúc, cô đã lén gọi cho Jobs từ một máy điện thoại trả tiền tại nhà hàng và hẹn gặp ông tại quán cà phê Espresso Roma ở Berkeley. Như một chi tiết khá đắt trong câu chuyện đầy kịch tính về cá nhân cũng như gia đình Jobs, thì lúc đó, ông đã mang theo Lisa, lúc đó đang là học sinh phổ thông, đang sống cùng mẹ, Chrisann. Khi cả ba người họ đến quán cà phê thì đã gần đến 10 giờ đêm, và Simpson đã thuật lại câu chuyện. Jobs ngạc nhiên là điều dễ hiểu khi cô đề cập đến cái nhà hàng gần San Jose. Ông vẫn nhớ nơi đó và thậm chí cả người đàn ông là cha đẻ của mình. “Thật đáng ngạc nhiên”, sau này ông cho biết. “Tôi đã đến nhà hàng đó vài lần, và tôi nhớ có gặp ông chủ, một người đàn ông hói đầu gốc Xy-ri. Chúng tôi đã bắt tay nhau.” Tuy nhiên, Jobs vẫn không muốn gặp ông ấy. “Tôi là một người đàn ông giàu có và lúc đó tôi không tin ông ta sẽ không cố gắng tống tiền tôi hay cho báo chí biết về mối quan hệ của chúng tôi”, ông nhớ lại “Tôi đã đề nghị Mona không nói với ông ta về tôi.” Cô không bao giờ nói ra điều này, nhưng vài năm sau đó, Jandali thấy mối quan hệ của ông với Jobs lan tràn trên mạng. (Một blogger thấy Simpson đã nói Jandali là cha đẻ mình trong một cuốn sách tham khảo và đã luận ra rằng đó cũng là cha của Jobs.) Lúc đó Jandali đã kết hôn lần thứ tư và làm quản lý thực phẩm và nước giải khát tại Khu nghỉ dưỡng Boomtown và Sòng bạc ở phía Tây của Reno, Nevada. Khi ông đưa vợ mới của mình, Roscille đến thăm Simpson vào năm 2006, ông đã nhắc đến vấn đề này. "Câu chuyện về Steve Jobs là sao?" ông hỏi. Cô khẳng định chuyện đó là thật, nhưng nói thêm rằng cô nghĩ Jobs không muốn gặp ông. Jandali có vẻ như cũng chấp nhận điều này. “Cha tôi là người chu đáo và là một người kể chuyện hay, nhưng ông rất, rất thụ động”. Simpson kể lại. “ông đã không bao giờ liên lạc với Steve.” Mona đã biến công cuộc tìm kiếm người cha Jandali thành cơ sở cho cuốn tiểu thuyết thứ hai của cô, The Lost Father (Người cha thất lạc), được xuất bản vào năm 1992. (Jobs đã thuyết phục Paul Rand, người thiết kế logo NeXT, thiết kế trang bìa cho cuốn tiểu thuyết, nhưng theo Simpson, "Nó tồi tệ vô cùng và chúng tôi không bao giờ sử dụng nó.") Cô cũng điều tra về các thành viên khác của gia đình Jandali, ở Homs (thành phố phía tây Xy-ri) và ở Mỹ, và vào năm 2011, cô đã viết một cuốn tiểu thuyết về nguồn gốc Xy - ri của mình. Đại sứ Xy - ri tại Washington đã mời cô ăn tối, anh họ và vợ của ông, người sau này sống tại Florida cũng bay đến trong dịp này.

Simpson cho rằng Jobs cuối cùng sẽ chịu gặp Jandali, nhưng khi thời gian trôi qua, ông thậm chí càng ít quan tâm đến điều đó. Năm 2010, khi Jobs và con trai, Reed, đến bữa tối mừng sinh nhật Simpson ở Los Angeles, tại nhà của cô, Reed đã dành thời gian xem ảnh ông nội mình, nhưng Jobs lại phớt lờ chúng, ông cũng không có vẻ quan tâm về dòng máu Xy - ri của mình. Khi vấn đề Trung Đông được đưa ra trong cuộc trò chuyện, thì chủ đề này không hề thu hút ông hoặc khiến ông bày tỏ những quan điểm mạnh mẽ, ngay cả sau khi Xy - ri bị càn quét trong cuộc nổi dậy mùa xuân năm 2011 tại Ả Rập. "Tôi không nghĩ lại có ai đó biết về những gì chính quyền nên làm ở đó," ông trả lời vậy khi tôi hỏi liệu chính quyền của tổng thống Obama có nên can thiệp sâu hơn nữa vào cuộc chiến ở Ai Cập, Li - băng và Xy - ri. “Can thiệp cũng chết, mà không cũng chết” Jobs vẫn duy trì mối quan hệ thân tình với mẹ đẻ của mình, Joanne Simpson. Nhiều năm qua đi, bà và Mona thường đón Giáng sinh tại nhà Jobs. Những chuyến thăm đó có thể ấm áp tình thân, nhưng cũng đầy nước mắt. Joanne nhiều khi còn bật khóc, nói rằng bà yêu ông nhiều như thế nào, và xin lỗi vì đã bỏ rơi ông. Hóa ra tất cả mọi chuyện đều ổn, Jobs thường trấn an bà. Như ông đã nói với bà trong một dịp Giáng sinh, "Mẹ đừng lo. Con đã một tuổi thơ tuyệt vời. Mọi chuyện đều ổn mà."