Steve Jobs - Chương 26 - Phần 02

Jobs, lúc này đang không ở văn phòng, vẫn nằng nặc rằng mình đúng và tiếp tục la hét. Cuối cùng Clow bắt Jobs phải ngồi xuống để xem các bức hình nguyên bản. “Rút cuộc tôi chứng tỏ cho anh ta thấy rằng màu xanh đúng là cái màu xanh như là màu xanh đó.” Nhiều năm về sau, trong một phiên thảo luận về Steve Jobs trên trang web Gawker, câu chuyện sau đây cũng được kể qua lời của một người làm việc tại cửa hàng Whole Foods ở Palo Alto, cách nhà của Jobs vài dãy: “Một chiều nọ tôi đang kéo mấy cái xe hàng thì tôi trông thấy một chiếc Mercedes màu bạc đậu trong khu vực dành cho người tàn tật. Steve Jobs ở trong đang gào thét vào điện thoại trong xe. Đây là ngay trước thời điểm chiếc iMac đầu tiên được công bố và tôi chắc chắn rằng mình nghe lõm bõm được câu này, „Không. Bố khỉ. Xanh lam. Đủ rồi!”

Như thường lệ, Jobs luôn có xu hướng bắt buộc phải chuẩn bị một màn hé lộ sản phẩm thật là kịch tính. Đã hủy bỏ một buổi tập dượt vì quá tức giận chuyện khay đĩa CD, Jobs ráng hết sức cho những buổi tập sau đó để đảm bảo rằng hôm công bố sẽ phải tỏa sáng xuất sắc. ông diễn đi diễn lại khoảnh khắc kịch tính đỉnh cao, khi ông sẽ bước ngang sân khấu và tuyên bố, “Hãy chào đón chiếc iMac mới.” ông muốn ánh sáng phải thật hoàn hảo, nhờ vậy sắc trong mờ của cỗ máy mới sẽ sống động hết sức có thể. Nhưng sau vài lượt thử, ông vẫn không hài lòng. Đây là sự lặp lại của nỗi ám ảnh về ánh sáng sân khấu của Steve mà Sculley đã từng chứng kiến tại những buổi tập dượt cho lễ công bố chiếc Macintosh nguyên bản năm 1984. ông yêu cầu đèn rọi phải sáng hơn và xuất hiện sớm hơn, nhưng như vậy Jobs cũng vẫn chưa hài lòng. Vậy nên ông thong thả bước xuống lối đi của khán phòng và ngồi thườn thượt vào một chỗ ở vị trí trung tâm, gác hai chân lên ghế phía trước. “Cứ tiếp tục làm cho đến khi nào đúng thì thôi, nhé?” Họ lại thử thêm lần nữa. “Không, không,” Jobs phàn nàn. “Cái này vẫn không ổn rồi.” Lần tiếp theo, đèn đóm đã lên đủ sáng, nhưng lại chiếu ra quá muộn. “Tôi quá mệt vì cứ phải yêu cầu chuyện này rồi,” Jobs gầm lên. Cuối cùng, chiếc iMac đã sáng bừng đúng như mong đợi. “Ô! Đúng rồi! Tuyệt quá!” Jobs reo lên.

Một năm trước đó Jobs đã loại Mike Markkula, người dẫn dắt và đối tác thuở ban đầu của mình ra khỏi ban giám đốc. Nhưng giờ đây, Jobs quá tự hào về những gì mình đã chế tạo nên với chiếc iMac mới, và sụt sùi cảm động về mối liên hệ giữa mẫu máy tính hậu bối này với vị tiền bối Macintosh, thế là Jobs mời Markkula tới Cupertino để tham dự một buổi duyệt riêng tư. Markkula quá sức ấn tượng. Chi tiết không thích duy nhất của Markkula là con chuột mới mà Ive vừa thiết kế. Trông nó như trái banh khúc côn cầu vậy, Markkula nói, và mọi người sẽ ghét nó cho coi. Jobs không đồng ý, nhưng Markkula đã đúng. Nếu không thì cả cỗ máy mới đã giống như bậc tiền bối của nó, thành công vang dội.

Lễ công bố, ngày 6 tháng Năm, 1998

Với lễ công bố chiếc Macintosh nguyên bản vào năm 1984, Jobs đã sáng tạo nên một thể loại sân khấu mới: lễ ra mắt sản phẩm như một sự kiện đánh dấu bước ngoặt lịch sử, lên đến đỉnh cao bằng một khoảnh khắc trong đó vòm trời tách ra, một luồng sáng rọi xuống, và dàn đồng ca gồm những tín đồ sùng đạo được lựa chọn sẽ hát vang “Hallelujah.” Đối với buổi công bố sản phẩm trọng đại mà Jobs hi vọng rằng sẽ cứu vớt Apple và một lần nữa, biến đổi trải nghiệm máy tính cá nhân, như một hành động mang tính biểu tượng, ông lựa chọn Khán phòng Flint của Trường Cộng đồng De Anza tại Cupertino, chính là địa điểm ông đã sử dụng hòi năm 1984. ông muốn vận dụng khả năng hùng biện để xua tan những ngờ vực, tập hợp lực lượng, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng các kĩ sư phát triển và thúc đẩy chiến dịch quảng bá sản phẩm mới. Nhưng ông cũng làm như thế còn vì ông muốn tận hưởng cảm giác đóng vai trò ông bầu sự kiện. Dàn xếp một buổi diễn hoành tráng khơi dậy những nỗi đam mê cũng tạo ra cảm xúc như việc đã chế ra một sản phẩm tuyệt hảo vậy.

Thể hiện khía cạnh giàu cảm xúc trong con người mình, Jobs bắt đầu bằng một màn xướng tên duyên dáng và long trọng ba nhân vật mà ông đã mời ngồi ở vị trí khán giả hàng đầu. ông đã xa lánh tất cả bọn họ, nhưng giờ đây ông muốn họ sẽ lại tham gia cùng với mình. “Tôi đã khởi sự doanh nghiệp này cùng Steve Wozniak trong gara ô tô của cha mẹ tôi, và Steve hôm nay có mặt tại đây,” ông nói, chỉ đến chỗ Steve và gợi ra một tràng pháo tay. “Chúng tôi sau đó có thêm Mike Markkula và chẳng bao lâu sau đến lượt chủ tịch đầu tiên, Mike Scott,” ông nói tiếp. “Cả hai người anh em này đều có mặt trong số khán giả hôm nay. Và không ai trong số chúng ta may mắn được hiện diện ở đây nếu thiếu ba con người này.” Đôi mắt ông ngân ngấn trong giây lát lúc tràng pháo tay lại rộ lên. Có mặt trong số khán giả còn có Andy Hertzfeld và hầu hết các thành viên trong nhóm Mac nguyên bản. Jobs nhoẻn một nụ cười với họ. ông tin rằng ông sắp sửa làm cho họ được tự hào.

Sau khi trưng ra đường biểu diễn chiến lược sản phẩm mới của Apple và lướt qua một vài hình chiếu về hoạt động của mẫu máy tính mới, Jobs đã sẵn sàng để công bố đứa con cưng mới nhất của mình. “Máy tính ngày nay trông như thế này,” ông nói trong khi hình ảnh một loạt những cấu kiện hình chiếc hộp màu xám và màn hình được trình chiếu trên màn hình lớn ngay phía sau ông. “Và tôi rất lấy làm vinh hạnh được giới thiệu cho các bạn thấy vóc dáng của máy tính từ nay trở về sau.” ông kéo tấm rèm phủ chiếc bàn trên sân khấu trung tâm để hé lộ chiếc iMac mới, nó lấp lánh và bừng sáng khi ánh đèn chiếu rọi đúng như dự tính, ông nhấp chuột, và cũng giống như ở buổi công bố máy Macintosh nguyên bản, màn hình nháy lên các hình ảnh dồn dập về những điều kì diệu mà chiếc máy có thể thực hiện, ở đoạn cuối, từ “Xin chào” xuất hiện theo một kịch bản nghịch ngợm tương tự đã tô điểm cho chiếc Macintosh năm 1984, lần này có thêm từ “một lần nữa” ở bên dưới, trong dấu ngoặc đơn: Xin chào (một lần nữa). Một tràng pháo tay như sấm động vang rền. Jobs lùi lại và đưa mắt đầy tự hào nhìn chiếc Macintosh mới. “Trông nó cứ như đến từ một hành tinh khác vậy,” ông nói, trong khi khán giả cười rộ lên. “Một hành tinh tốt đẹp.

Một hành tinh với những chuyên gia thiết kế tài giỏi hơn.”

Một lần nữa Jobs đã lại sản xuất ra sản phẩm mới mang tính biểu tượng, chiếc máy tính lần này chính là tiên báo của một thiên niên kỉ mới. Nó hoàn thành lời hứa “Tư duy Khác biệt.” Thay vì những chiếc hộp cùng màn hình màu xám với một mớ hỗn độn các loại dây nhợ cùng cuốn hướng dẫn sử dụng dày cồm cộp, thì đây là một thiết bị thân thiện và hăng hái, êm ái trong từng cú chạm và ưa mắt như là quả trứng của loài hồng hạc vậy. Bạn có thể nắm lấy chiếc quai xách nhỏ nhắn đáng yêu của nó và nhấc ra khỏi chiếc hộp màu trắng thanh lịch, cắm nó thẳng vào chiếc ổ điện trên tường. Những người từng e dè với máy tính giờ đây đều muốn có một chiếc, và họ muốn đặt nó vào một căn phòng nơi những người khác có thể trầm trồ ngưỡng mộ và có lẽ là thèm thuồng lắm lắm. “Một chiếc máy tính pha trộn giữa ánh sáng lung linh khoa học viễn tưởng với vẻ cầu kì hào nhoáng của một chiếc ô gài trên li cocktail,” Steven Levy viết trên tờ Newsweek, “nó không chỉ là chiếc máy tính có vẻ ngoài sành điệu nhất được giới thiệu trong mấy năm nay, mà là một lời tuyên bố chắc nịch rằng tập đoàn trong mơ xuất thân từ Thung lũng Silicon không còn là một kẻ mộng du vô định nữa.” Còn tờ Forbes thì gọi nó là “một thành công làm thay đổi cả ngành công nghiệp”, và John Sculley về sau đã bước ra khỏi cảnh lánh xa nhân thế để bày tỏ dạt dào, “Jobs đã thực hiện một chiến lược giản đơn tương tự đã khiến cho Apple thành công rực rỡ vào 15 năm về trước: tạo ra những sản phẩm đỉnh cao và quảng bá chúng với kế hoạch tiếp thị tuyệt hảo.” Những lời chỉ trích chỉ được nghe thấy từ một góc quen thuộc. Trong khi iMac gặt hái tiếng tăm vang dội, Bill Gates trấn an mọi người trong một buổi họp mặt các nhà phân tích tài chính viếng thăm Microsoft rằng đây chỉ là một thứ mốt nhất thời. “Thứ mà hãng Apple cung cấp lúc này đây chỉ là sự dẫn dắt về màu sắc mà thôi,” Gates nói trong khi chỉ vào một chiếc máy tính để bàn chạy trên hệ điều hành Windows mà ông ta đã sơn màu đỏ với vẻ châm biếm. “Chúng ta sẽ chẳng mất bao lâu để bắt kịp nó thôi, tôi nghĩ vậy.” Jobs nổi cơn tam bành, ông bảo với một phóng viên rằng Gates, người mà ông đã từng công khai chỉ trích vì hoàn toàn không có chút gu thẩm mỹ nào, tuyệt đối không hề hay biết điều gì đã khiến iMac lôi cuốn hơn rất nhiều so với các máy tính khác. “Điều mà các đối thủ của chúng tôi còn bỏ sót, ấy chính là họ nghĩ rằng đây chỉ là chuyện thời trang phù phiếm, và họ nghĩ rằng nó chỉ là thứ mẽ ngoài màu mè,” ông nói. “Họ bảo là, chỉ cần phết tí màu mè lên cái máy tính xấu xí vứt đi này, thế là chúng ta sẽ có một cái y hệt thế thôi mà.”

iMac bắt đầu được bán ra vào tháng Tám năm 1998 với giá 1.299 USD. Nó tiêu thụ được 278 nghìn máy trong vòng sáu tuần đầu tiên, và tính đến cuối năm là 800 nghìn máy, đưa iMac trở thành mẫu máy tính tiêu thụ nhanh nhất trong lịch sử hãng Apple. Đáng chú ý nhất, 32% lượng tiêu thụ đến từ những người lần đầu tiên mua máy tính, còn 12% khách hàng khác thì đã sử dụng các máy tính của Windows.

Ive nhanh chóng đưa ra bốn loại sắc màu trái cây mới, để bổ sung vào màu xanh lam bondi cho các máy iMac. Đưa ra tới năm loại sắc màu cho cùng một mẫu máy tính hẳn nhiên sẽ gây ra những thách thức ghê gớm về sản xuất, kiểm kê và phân phối, ở hầu hết các công ty, thậm chí kể cả hãng Apple xưa cũ, sẽ phải có các dự án nghiên cứu và các cuộc họp để xem xét chi phí và lợi nhuận. Nhưng khi Jobs nhìn vào các sắc màu mới mẻ này, ông hoàn toàn bị mê hoặc và triệu tập các giám đốc khác đến xưởng thiết kế. “Chúng ta sẽ sản xuất tất cả các loại màu!” Ông hớn hở nói với họ. Khi họ rời đi, Ive nhìn vào nhóm của mình đầy kinh ngạc.

“ở hầu hết các nơi, một quyết định như vậy sẽ phải mất hàng tháng trời,” Ive nhớ lại. “Steve chỉ đưa ra trong vòng nửa tiếng đồng hồ.”

Có một cải tiến quan trọng khác mà Jobs muốn có ở iMac: loại bỏ chiếc khay CD khô khan kia. “Tôi trông thấy một ổ đĩa có khe gài trên một dàn chơi nhạc cao cấp của Sony,” ông nói, “nên tôi đến các nơi sản xuất ổ đĩa và yêu cầu họ chế ra một ổ đĩa có khe gài để chúng tôi đưa vào phiên bản iMac mà Apple thực hiện chín tháng sau đó.” Rubinstein cố gắng tranh luận với Jobs về thay đổi này. ông dự đoán rằng các ổ đĩa mới sắp xuất hiện sẽ có chức năng ghi các tệp âm nhạc vào đĩa CD chứ không chỉ thuần chức năng chơi nhạc, và chúng sẽ ra thị trường ở dạng khay trước khi xuất hiện với phiên bản khe cắm. “Nếu anh chọn khe cắm, anh sẽ luôn luôn bị tụt hậu về công nghệ,” Rubinstein phản bác.

“Tôi không quan tâm, đấy là thứ tôi muốn,” Jobs độp lại. Hai người dùng bữa trưa tại một nhà hàng sushi ở San Francisco và Jobs nằng nặc đòi bọn họ phải tiếp tục trò chuyện lúc đi dạo.

“Tôi muốn anh chế ra cái ổ đĩa dạng khe cắm cho tôi như một đề nghị cá nhân,” Jobs nói.

Rubinstein đồng ý, hẳn nhiên là thế, nhưng cuối cùng ông đã đúng. Panasonic đưa ra thị trường ổ đĩa CD có khả năng sao chép và ghi tệp âm nhạc, và nó tương thích trước nhất với những máy tính có các khay đĩa kiểu truyền thống. Tác động của việc này vẫn còn lan tỏa cả vài năm sau đó: Nó khiến cho Apple chậm trễ trong việc phục vụ những khách hàng muốn sao chép và ghi nhạc cho riêng mình, nhưng rồi nó lại thúc ép Apple phải phát huy tối đa óc tưởng tượng và táo bạo hơn để kiếm tìm con đường nhảy cóc qua các đối thủ của mình khi Jobs cuối cùng đã nhận ra rằng ông phải bước vào thị trường âm nhạc.