Steve Jobs - Chương 35 - Phần 02

Mặt kính bảo vệ Gorilla Glass

Jobs đam mê thử nghiệm những chất liệu khác nhau giống như cách mà ông chọn các loại thức ăn. Khi ông quay lại Apple vào năm 1997 và bắt đầu nghiên cứu dòng iMac, ông đã thử xem nhựa trong và có màu sắc có thể làm ra cái gì. Giai đoạn tiếp theo là kim loại. Ông và Ive thay thế chất liệu nhựa cong của PowerBook G3 với kim loại titan bóng đẹp của PowerBook G4, chiếc máy tính này được thiết kế lại với chất liệu nhôm hai năm sau, chỉ để chứng minh họ thích những kim loại khác nhau nhiều như thế nào. Sau đó họ tạo ra một chiếc iMac và một chiếc iPod Nano với chất liệu nhôm axit hóa, nghĩa là kim loại đã được tắm qua axit và điện dung để bề mặt của nó được oxi hóa. Jobs đã được thông báo rằng họ không thể tự đáp ứng được số lượng kim loại họ cần, thế nên ông đã thành lập một công ty ở Trung Quốc để giải quyết vấn đề này. Ive đã đến đó, trong suốt đại dịch Sars, để giám sát quá trình. Ông nhớ lại “Tôi ở đó trong ba tháng tại một ký túc xá để theo dõi quy trình sản xuất, Ruby và những người khác nói rằng ý tưởng đó là không thể nhưng tôi vẫn muốn tiếp tục, cả Steve và tôi nhận ra rằng nhôm được ôxi hóa thực sự hoàn hảo.” Tiếp sau đó là thủy tinh. “Sau khi chúng tôi thực hiện với kim loại, tôi đã nhìn John và nói rằng chúng ta cần tinh thông về chất liệu thủy tinh.” Jobs chia sẻ. Với những cửa hàng của Apple, họ đã thiết kế một chiếc ô kính cửa sổ lớn và những chiếc cầu thang bằng kính. Với iPhone, kế hoạch ban đầu là sử dụng một màn hình bằng nhựa giống như iPod. Tuy nhiên Jobs lại khăng khăng rằng màn hình sẽ trang nhã và trông thật hơn nếu nó được làm bằng thủy tinh. Thế nên ông bắt tay ngay vào việc tìm kiếm một loại thủy tinh vừa chắc chắn vừa có khả năng chống trầy xước.

Mảnh đất tìm kiếm đó là châu Á, thiên đường sản xuất kính dành cho các cửa hàng. Nhưng một người bạn của Jobs là John Seely Brown, một thành viên hội đồng quản trị của công ty Corning Glass ở phía Bắc New York, đã khuyên ông nên nói chuyện với Wendell Weeks - một CEO trẻ và năng động của công ty. Jobs đã gọi điện đến tổng đài chính của Corning và yêu cầu được gặp Weeks, ông gặp nhân viên trợ lý và người đó yêu cầu ông để lại lời nhắn. “Không, tôi là Steve Jobs.” ông đáp. “Hãy cho tôi gặp ông ấy.” Người trợ lý từ chối. Jobs gọi lại cho Brown và phàn nàn rằng ông đã bị đối xử như “một kẻ ngớ ngẩn đặc sệt vùng bờ Đông.” Sau khi Weeks biết chuyện, ông này cũng đã gọi tới tổng đài chính của Apple và yêu cầu gặp Jobs. Weeks cũng được yêu cầu ghi lại lời nhắn và gửi qua fax. Khi Jobs được nghe kể về chuyện đó, ông đã rất thích Weeks và mời ông ấy tới Cupertino.

Jobs miêu tả loại kính mà hãng Apple muốn sử dụng cho iPhone, Weeks nói với ông rằng công ty Corning đã phát triển một quá trình trao đổi hóa học từ những năm 1960 và cho cho ra đời sản phẩm mang tên “Kính bảo vệ Gorilla.” Chất liệu đó chắc chắn một cách đáng ngạc nhiên, nhưng lại không tìm được thị trường tiêu thụ, do đó Corning đã từ bỏ việc sản xuất nó. Jobs đã bảo rằng ông không chắc nó có đủ tốt hay không, và ông bắt đầu giải thích với Weeks về việc làm kính ra sao. Điều này gây hứng thú cho Weeks, người dĩ nhiên hiểu biết về vấn đề này nhiều hơn cả Jobs. “Anh có thể ngừng nói được không.” Weeks cắt ngang, “và để tôi chỉ cho anh một số công nghệ sản xuất kính?” Jobs rất bất ngờ và im lặng ngay. Weeks đi tới chiếc bảng trắng và hướng dẫn về hóa học, vấn đề liên quan đến quá trình trao đổi lon để tạo nên một lớp nén lên bề mặt kính.

Điều này khiến Jobs bối rối, rồi ông nói ông muốn số lượng kính bảo vệ nhiều nhất mà Corning có thể sản xuất trong vòng 6 tháng. “Chúng tôi không có khả năng.” Weeks trả lời. “Chúng tôi không có bất kỳ một kế hoạch sản xuất kính nào nữa”.

“Đừng lo lắng” Jobs đáp. Điều này khiến Weeks choáng váng, là một người thoải mái và tự tin nhưng ông không quen được với tính cách khác thường của Jobs. Weeks đã cố gắng giải thích rằng việc giả vờ tự tin không thể chiến thắng những thử thách kỹ thuật, và giả thuyết đó Jobs lặp lại không được chấp nhận. Jobs chằm chằm nhìn Weeks không chớp mắt. “Được mà, các anh có thể làm được”, ông nói, “Hãy suy nghĩ về nó. Anh có thể thực hiện được.” Khi Weeks kể lại câu chuyện, ông lắc đầu kinh ngạc và nói: “Chúng tôi đã thực hiện chỉ trong có sáu tháng. Chúng tôi đã sản xuất một loại kính chưa từng có bao giờ”. Cơ sở của công ty Corning ở HarrisBurg, Kentucky, nơi sản xuất ra màn hình LCD, đã chuyển qua sản xuất vào buổi tối để dành toàn thời gian sản xuất chất liệu kính bảo vệ Chúng tôi đã tập trung hết các kỹ sư và nhà khoa học giỏi nhất cho sản phẩm này, và chúng tôi đã biến nó thành hiện thực.” Giờ tại văn phòng thoáng mát của Weeks, ông chỉ trưng bày một món đồ lưu niệm được đóng khung. Đó là một tin nhắn Jobs gửi đến vào ngày iPhone ra đời: “Chúng tôi không thể làm ra nó mà không có bạn.”

Thiết kế

Trong rất nhiều dự án lớn của ông, ví dụ như Câu chuyện đồ chơi đầu tiên hay cửa hàng Apple, Jobs đã tạm dừng khi họ gần hoàn thiện sản phẩm và quyết định điều chỉnh nó. Điều đó cũng xảy ra với thiết kế của iPhone. Các thiết kế ban đầu có màn hình kính được đặt trong vỏ nhôm. Một buổi sáng thứ hai, Jobs tới gặp Ive. “Tối qua tôi không ngủ được,” ông tâm sự, “tôi nhận ra rằng tôi không thích nó”. Đó là sản phẩm quan trọng nhất mà ông thực hiện từ sau chiếc Macintosh đời đầu, và ông thấy nó không ổn. Trước sự thất vọng của ông, Ive lập tức nhận ra Jobs đã đúng “Tôi nhớ cảm giác hoàn toàn xấu hổ khi ông đưa ra lời nhận xét đó.” Vấn đề nằm ở chỗ iPhone cần hiển thị tất cả lên màn hình, nhưng thiết kế vỏ hiện tại đã trùm lên màn hình thay vì viền xung quanh. Toàn thiết bị gây cảm giác quá thô, quá nhiều thao tác điều khiển và hiệu ứng. “Các anh em đã sống chết vì thiết kế này trong chín tháng qua, nhưng chúng ta phải thay đổi nó.” Jobs nói với nhóm nghiên cứu của Ive. “Chúng ta giờ sẽ phải làm việc cả tối và cuối tuần, nếu các anh phản đối thì các anh phải bước qua xác chúng tôi.” Thay vì ngăn cản, cả nhóm nghiên cứu đã đồng ý. “Đó là giây phút đáng tự hào nhất tại Apple.” Jobs bùi ngùi nhớ lại.

Thiết kế mới đã hoàn thành với một vỏ thép không gỉ mỏng cho phép màn hình kính hiển thị đến tận các cạnh. Mỗi một phần của thiết bị dường như được thiết kế phù hợp với màn hình.

Diện mạo mới mộc mạc, nhưng khá thân thiện. Bạn có thể vuốt nó. Nghĩa là họ đã phải làm lại các bảng mạch, ăng ten, và vị trí bộ xử lý bên trong, nhưng Jobs đã yêu cầu thay đổi. "Các công ty khác có thể đã cho qua," Fadell nói, "nhưng chúng tôi thì điều chỉnh và bắt tay vào ngay."

Một phần của thiết kế phản ánh không chỉ tính cầu toàn của Jobs mà thậm chí là khao khát kiểm soát, đó là thiết bị được hàn kín.vỏ ngoài không thể mở được, thậm chí để đổi pin. Cũng giống với dòng Macintosh đời đầu năm 1984, Jobs đã không muốn ai mở xem bên trong. Trong thực tế, năm 2011 khi Apple phát hiện ra các cửa hàng sửa chữa không chính hãng đã mở được iPhone 4, thì hãng đã thay thế các ốc nhỏ bằng một loại ốc Pentalobe không thể làm giả và không một tuốc nơ vít nào ngoài thị trường có thể mở. Vì không có pin thay thế nên iPhone trông mỏng hơn rất nhiều. Đối với Jobs, mỏng hơn luôn luôn tốt hơn. "ông ấy luôn cho rằng mỏng là đẹp", Tim Cook cho biết.

"Các bạn có thể thấy trong tất cả các sản phẩm. Chúng tôi có dòng máy tính xách tay mỏng nhất, dòng điện thoại thông minh mỏng nhất, rồi chúng tôi đã cho ra đời dòng iPad mỏng và sau đó thậm chí còn mỏng hơn nữa."

Tung ra thị trường

Khi đến lúc khởi động iPhone, Jobs đã quyết định, như thường lệ, cho phép một tờ báo tới buổi thử nghiệm đặc biệt, ông gọi cho John Huey, tổng biên tập của tạp chí Time, và bắt đầu phóng đại quá mức, đúng kiểu của Jobs: “Đây là sản phẩm tốt nhất mà chúng tôi từng thực hiện". Jobs muốn cung cấp độc quyền cho Time về những thông tin của iPhone, nhưng “Time không có ai đủ hiểu biết để viết về nó, vì vậy tôi sẽ dành cho người khác.” Huey giới thiệu Lev Grossman, một nhà văn (và tiểu thuyết gia) hiểu biết nhiều về công nghệ ở Time. Trong tác phẩm của mình Grossman ghi chú chính xác rằng iPhone không thực sự phát minh ra nhiều tính năng mới, nó chỉ khiến những tính năng này dễ sử dụng hơn. "Nhưng điều đó rất quan trọng. Khi chúng ta không sử dụng được các công cụ, chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho mình, vì quá ngu ngốc, không đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hay có ngón tay quá béo... Khi các công cụ của chúng ta bị hỏng, chúng ta cũng thấy chán. Rồi có ai đó khắc phục được, chúng ta sẽ thấy thực sự yên tâm."

Trong buổi ra mắt tại hội chợ công nghệ Macworld tháng giêng năm 2007 tại San Francisco, Jobs mời Andy Hertzfeld, Bill Atkinson, Steve Wozniak, và nhóm nghiên cứu dòng Macintosh năm 1984, như ông đã mời khi ra mắt dòng iMac. Trong tất cả các bài thuyết trình tuyệt vời về sản phẩm, đây chắc chắn sẽ là bài hay nhất. “Mỗi khi có một sản phẩm mang tính cách mạng ra đời nó sẽ khiến mọi thứ thay đổi", ông bắt đầu.

Jobs đưa ra hai ví dụ trước đó: dòng Macintosh đời đầu đã “thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp máy tính", và chiếc iPod đầu đời đã “thay đổi kỷ nguyên nhạc số”, Sau đó, ông đã cẩn thận giới thiệu sản phẩm ông chuẩn bị cho ra mắt: "Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu ba dòng sản phẩm mang tính cách mạng. Đầu tiên đó là chiếc iPod màn hình rộng điều khiển cảm ứng. Thứ hai là một điện thoại di động mang tính cách mạng. Và thứ ba là thiết bị liên lạc kết nối Internet có tính đột phá.” ông lặp đi lặp lại danh sách để nhấn mạnh, sau đó nói, “Các bạn có biết không, đây không phải là ba thiết bị riêng biệt, tất cả chỉ trong một thiết bị, và chúng tôi gọi nó iPhone."

Khi iPhone được tung ra thị trường năm tháng sau đó, vào cuối tháng 6 năm 2007, Jobs và vợ đi bộ đến cửa hàng của Apple ở Palo Alto để cảm nhận niềm vui sướng. Vì ông thường xuyên làm như vậy vào ngày sản phẩm mới được bán ra, nên một số người hâm mộ đã tới trước, họ chào đón ông như họ thấy nhà tiên tri Moses đi dạo mua Kinh Thánh. Trong đó có tín đồ là Hertzfeld và Atkinson. "Bill đã xếp hàng cả đêm đấy," Hertzfeld nói. Jobs phẩy tay, bắt đầu cười và nói. "Tôi đã gửi tặng ông ấy một chiếc rồi.” Hertzfeld trả lời, "ông ta cần sáu chiếc cơ."

IPhone đã ngay lập tức được các blogger đặt tên là "Điện thoại của Chúa Jesus.” Tuy nhiên, đối thủ cạnh tranh của Apple nhấn mạnh rằng, việc bỏ ra năm trăm đô-la để mua được nó là quá nhiều. "Đó là điện thoại đắt tiền nhất trên thế giới," Steve Ballmer của Microsoft cho biết trong một cuộc phỏng vấn của CNBC. "Và nó không hấp dẫn với những khách hàng là doanh nhân bởi nó không có bàn phím." Một lần nữa, Microsoft lại đánh giá thấp sản phẩm của Jobs. Đến cuối năm 2010, Apple đã bán được chín mươi triệu chiếc iPhone, và nó chiếm hơn một nửa tổng lợi nhuận của thị trường điện thoại di động toàn cầu.

Alan Kay, một trong những nhà sáng lập phòng thí nghiệm Xerox PARC và cũng là người góp một tay tạo Dynabook, phiên bản đầu của máy tính xách tay bốn mươi năm trước đó đã nhận xét “Steve hiểu được giá trị của khát vọng”. Kay rất giỏi trong việc dự báo trước tình hình, vì vậy Jobs đã hỏi ý kiến của ông về chiếc iPhone. Kay trả lời "Hãy mở rộng màn hình 5 inch thành 8 inch, và anh sẽ thống trị cả thế giới", ông không biết rằng thiết kế của iPhone đã nhen nhóm, và có thể một ngày nào đó sẽ dẫn tới ý tưởng cho ra đời một máy tính bảng, trên thực tế có thể vượt quá tầm nhìn của ông cho dòng Dynabook.

Chú thích

(35) Một album nhạc ấn tượng của The Beatles.