Steve Jobs - Chương 41- Phần 02 (Hết)

Vì thế, Steve Jobs trở thành nhà điều hành doanh nghiệp vĩ đại nhất thời đại, người sẽ được công chúng ghi nhớ lâu nhất và nhiều nhất trong suốt một thế kỷ nữa tính từ thời điểm này. Lịch sử sẽ vinh danh ông trong đền thờ những danh nhân, bên cạnh Edison và Ford. Hơn bất kỳ ai khác trong thời đại của mình, Jobs đã tạo ra những sản phẩm hoàn toàn cải tiến, kết hợp sức mạnh của chất thi vị, thẩm mỹ với hệ điều hành. Một chút dữ tợn nơi ông khiến việc làm việc cùng ông cũng đáng lo như những gì mà ông đã gợi cảm hứng cho họ, nhưng cũng chính vì thế, ông cũng đã xây dựng lên một công ty sáng tạo nhất thế giới, ông có thể truyền vào DNA của công ty tính nhạy cảm đối với các thiết kế, chủ nghĩa hoàn hảo và sáng tạo mà đã khiến cho nó có được tên tuổi như hôm nay, thậm chí hàng thập kỷ sau, công ty vẫn sẽ thịnh vượng, phát triển nhất trong sự kết hợp giữa tính nghệ thuật và công nghệ.

Và một điều nữa...

Những người viết tiểu sử chúng tôi dường như đã hoàn thành những dòng cuối cùng.

Nhưng đây là tiểu sử của Steve Jobs. Mặc dù ông không thể hiện niềm khát khao đối với việc kiểm soát dự án này, nhưng tôi nghi ngờ rằng mình vẫn không truyền tải được hết cảm nhận của bản thân về ông - cách ông khẳng định bản thân trong bất kỳ tình huống nào - nếu như tôi chỉ để ông lại cho sự phân định của lịch sử mà không để ông lên tiếng một lời nào.

Trong hàng loạt các cuộc trao đổi giữa chúng tôi, rất nhiều lần ông đã đề cập đến việc ông hy vọng ông sẽ để lại những di sản gì. Dưới đây là một số suy nghĩ của ông, theo đúng những gì ông nói: “Đam mê của tôi là xây dựng một công ty bền vững, lâu dài nơi mọi người đều được thúc đẩy tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. Tất cả những thứ còn lại đều là thứ yếu. Chắc chắn rằng nó phải đủ tuyệt vời để có thể tạo ra lợi nhuận, bởi lợi nhuận chính là thứ cho phép bạn tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. Nhưng sản phẩm, không phải lợi nhuận, mới chính là động lực. Sculley đã mỉa mai những ưu tiên này rằng mục tiêu cuối cùng vẫn chỉ là kiếm tiền. Sự khác biệt của mục tiêu này hết sức tinh vi, mục tiêu như thế nào sẽ được thể hiện trong tất cả mọi thứ: những người bạn tuyển dụng, những người được đề bạt và những gì bạn thảo luận trong các cuộc họp.

Một số người nói: „Hãy mang đến cho khách hàng những gì họ muốn". Nhưng đó không phải là phương pháp của tôi. Công việc của tôi là chỉ ra được những gì họ sẽ mong muốn trước khi họ biết được. Tôi nhớ Henry Ford có lần đã nói: “Nếu tôi hỏi khách hàng xem họ muốn gì, họ sẽ nói với tôi „Một con ngựa với tốc độ nhanh hơn". Mọi người không biết mình muốn gì cho đến khi bạn chỉ ra điều đó cho họ. Đó chính là lý do vì sao tôi không bao giờ dựa vào các nghiên cứu thị trường. Nhiệm vụ của chúng ta là đọc những điều chưa có trên mặt giấy.

Edwin Land của Polaroid đã nói về sự giao thoa giữa con người và khoa học. Tôi thích sự giao thoa đó. Đó là một điều gì đó hết sức kỳ diệu và đầy ma thuật. Có rất nhiều cải tiến của con người, và đó không phải là nét đặc biệt trong sự nghiệp của tôi.

Lý do mà Apple có được tiếng vang đó là bởi luôn có tính nhân văn sâu sắc trong những cải tiến của chúng tôi. Tôi cho rằng những nghệ sỹ xuất chúng nhất và những kỹ sư tài giỏi nhất là giống nhau, họ đều có khát khao thể hiện chính mình. Thực tế, một số những người giỏi nhất nghiên cứu máy tính Mac nguyên bản là những nhà thơ, nhạc sỹ. Những năm 1970, máy tính trở thành cách thức để con người thể hiện sự sáng tạo của bản thân. Những nghệ sỹ vĩ đại như Leonardo da Vinci và Michenlangelo đều rất xuất sắc trong lĩnh vực khoa học. Michenlangelo hiểu rất rõ cách khai thác đá, chứ không chỉ là cách trở thành một nhà điêu khắc.

Mọi người trả tiền để chúng tôi tích hợp mọi thứ cho họ, bởi họ không có thời gian để suy nghĩ về những chuyện vớ vẩn này. Nếu bạn có niềm đam mê cực độ đối với những sản phẩm tuyệt vời, điều đó sẽ thúc đẩy bạn muốn được tích hợp, kết nối phần cứng với phần mềm cũng như quản lý nội dung của mình. Bạn muốn phá vỡ một nền tảng mới, do đó bạn cần tự mình thực hiện điều đó. Nếu bạn để các sản phẩm của mình “mở” đối với các phần mềm hoặc phần cứng khác, bạn sẽ phải từ bỏ một số triển vọng của bản thân. Tại một số thời điểm trong quá khứ, đã có rất nhiều công ty trowe thành biểu tượng của thung lũng Silicon. Đó là Hewlett-Packard trong một thời gian dài.

Sau đó, trong thời đại của chất bán dẫn, vị trí đó là của Fairchild và Intel. Tôi nghĩ, vị trí đó cũng từng là của Apple trong một khoảng thời gian và sau đó phai nhạt dần. Và ngày nay, tôi nghĩ đó là Apple và Google - nghiêng về Apple nhiều hơn một chút. Tôi nghĩ Apple đã trụ vững được trong một thời gian dài. Đó có thể chỉ là một thời gian, nhưng nó đã vẫn vượt xa các đối thủ.

Thật dễ để “ném đá” vào Microsoft. Họ đã hoàn toàn đánh mất vị trí thống trị của mình. Họ trở nên hầu như không còn thích hợp.

Tất nhiên là tôi đang đánh giá những gì họ làm và việc đó mới thật khó khăn làm sao. Họ không bao giờ hoài bão như họ nên như vậy. Bill muốn khắc họa bản thân như một con người của sản phẩm, nhưng anh ta không bao giờ được như vậy. Anh ta là một doanh nhân. Kinh doanh thành công và thắng lợi còn quan trọng hơn là tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. Cuối cùng, anh ta cũng trở thành kẻ giàu có nhất thế giới, và nếu đó là mục tiêu của anh ta, thì anh ta đã đạt được nó.

Nhưng nó không bao giờ là mục tiêu của tôi, và tôi tự hỏi, cuối cùng liệu đó có thật sự là mục tiêu của anh ta hay không. Tôi ngưỡng mộ anh ta bởi công ty mà anh ta đã xây dựng - nó thật sự ấn tượng - và tôi thích làm việc cùng anh ta. Anh ta thông minh, sáng chói và thực sự có khiếu hài hước. Nhưng Microsoft chưa bao giờ có tính nhân văn và nghệ thuật tự do trong DNA của mình.

Thậm chí ngay cả khi được quan sát Mac, họ cũng không thể sao chép tốt nó được. Họ hoàn toàn không thể làm được điều đó.

Tôi có học quan điểm riêng về những nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của các công ty như IBM hay Microsoft. Công ty có một công việc tuyệt vời, sự cải tiến và trở thành độc quyền, lũng đoạn hoặc gần như thế trong một số lĩnh vực, rồi sau đó chất lượng sản phẩm dần trở thành thứ yếu. Công ty bắt đầu coi trọng những gã bán hàng giỏi, bởi họ là những người có thể dịch chuyển chiếc kim la bàn doanh thu, chứ không phải là các kỹ sư hay các nhà thiết kế. Vì thế, cuối cùng nhân viên bán hàng trở thành người điều hành công ty. John Akers của IBM là một nhà kinh doanh giỏi, có khả năng hùng biện và rất thông minh, nhưng anh ta không hiểu gì về sản phẩm. Điều tương tự cũng xảy ra với Xerox. Khi những gã bán hàng điều hành công ty, những anh chàng của sản phẩm không còn ý nghĩa gì nhiều, và phần lớn họ đều bị sa thải. Điều đó cũng xảy ra với Apple khi Sculley gia nhập công ty, đó là lỗi của tôi, và nó cũng xảy ra khi Ballmer tiếp quản Microsoft.

Apple đã may mắn và đoạt lại vị trí của mình, nhưng tôi không cho rằng sẽ có gì thay đổi tại Microsoft nếu như Ballmer vẫn còn điều hành nó.

Tôi không thích mọi người tự gọi mình là “nhà khởi nghiệp” khi mà những điều họ thực sự nỗ lực làm là khai trương một doanh nghiệp mới và ròi sau đó bán đi, hoặc chào bán nó ra công chúng, để có tiền và tiếp tục công việc đó. Họ không sẵn lòng làm những việc cần thiết để xây dựng một công ty thực sự - công việc khó khăn nhất trong thế giới kinh doanh.

Công việc đó chính là cách bạn đóng góp và tiếp tục phát triển di sản của những người đi trước. Bạn xây dựng một công ty mà sẽ đứng vững trong một hoặc 2 thế hệ nữa kể từ thời điểm bây giờ. Đó chính là những gì Walt Disney đã làm, và Hewlett - Packard và cả những người đã xây dựng Intel. Họ đã tạo ra một công ty với mục tiêu trường tòn, chứ không phải là để kiếm tiền. Đó cũng chính là những gì mà tôi muốn Apple trở thành.

Tôi không nghĩ rằng mình đã điều hành theo phương thức chà đạp, ức hiếp mọi người, nhưng nếu có điều gì đó xảy ra, tôi sẽ trực tiếp nói thẳng thắn với họ. Công việc của tôi là trung thực. Tôi hiểu rõ những gì mình nói và hóa ra tôi lại thường đúng. Đó là nền văn hóa mà tôi đã nỗ lực tạo ra. Chúng tôi hoàn toàn trung thực với nhau, và bất kỳ ai cũng có thể nói với tôi rằng họ thấy tôi hoàn toàn khốn nạn, đểu giả và tôi cũng có thể nói với họ những điều tương tự. Và chúng tôi đã có những cuộc tranh luận nảy lửa, gần như quát tháo vào mặt nhau, nhưng đó lại là một trong những khoảng thời gian tuyệt vời nhất mà tôi có. Tôi cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi nói “Ron, cái cửa hàng đó trông như cứt ấy” trước mặt người khác. Hoặc tôi có thể nói: “Chúa ơi, chúng con thật sự điên đầu với việc thiết kế kỹ thuật cái thứ này” trước mặt người chịu trách nhiệm vấn đề kỹ thuật. Bạn cần là người siêu trung thực. Có thể có một cách thức tốt hơn thể hiện những điều đó, chẳng hạn như một câu lạc bộ của những người đàn ông nơi tất cả chúng ta đều thắt cà vạt và nói thứ ngôn ngữ Bà-la-môn thượng đẳng cũng như hiểu rõ những từ mã hiệu, nhưng tôi không biết cách đó, bởi tôi là tầng lớp bình dân đến từ California.

Đôi khi tôi cũng đã quá khó khăn và khắt khe với mọi người, có thể là khó khăn hơn những gì cần thiết. Tôi nhớ khi Reed mới 6 tuổi, tôi về nhà sau khi sa thải một số người, tôi đã hình dung một người trong số họ sẽ về nhà và nói với gia đình cũng như đứa con trai nhỏ của mình rằng anh ta đã bị mất việc như thế nào. Đó thật sự là một việc khó khăn. Nhưng một số người phải làm việc đó. Tôi đã cho rằng công việc của tôi là đảm bảo rằng nhóm làm việc phải luôn là xuất sắc, và nếu tôi không làm điều đó, sẽ không ai làm cả.

Bạn luôn phải luôn thúc đẩy sự cải tiến. Dylan có thể hát mãi những bài ca phản kháng, chống chiến tranh và kiếm được rất nhiều tiền, nhưng anh ta đã không làm vậy. Anh ta phải tiến bộ hơn nữa, và khi thực hiện điều đó, bằng cách sử dụng các âm thanh điện tử năm 1965, anh ta đã khiến rất nhiều người tức giận. Tour diễn quanh châu u của anh ta năm 1966 rất tuyệt vời. Anh ta đã đến và chơi những bản ghi-ta thính âm, và tất nhiên khán giả rất hài lòng. Sau đó, anh ta giới thiệu ban nhạc có tên The Band, và họ cùng sử dụng các nhạc cụ bằng điện, vì thế đôi khi khán giả lại la ó phản đối. Có khi anh ta hát “Like a Rolling stone” và một khán giả la lên “Judas” thì Dylan sẽ nói “Hét to nữa nào” và họ sẽ làm như vậy. The Beatles cũng làm như vậy. Họ tiếp tục tham gia, tiến lên và chắt lọc hơn nữa nghệ thuật của mình. Đó cũng chính là những gì mà tôi nỗ lực theo đuổi, thực hiện - luôn luôn tiến lên.

Vậy điều gì đã thật sự thúc đẩy tôi? Tôi nghĩ hầu hết những người sáng tạo đều muốn thể hiện sự đánh giá cao đối với những lợi ích từ công trình của các thế hệ đi trước. Tôi không phải là người sáng tạo ra ngôn ngữ hay môn toán học mà mình đang sử dụng. Tôi cũng tạo ra rất ít thực phẩm cho bản thân, và không một chút đóng góp nào cho những trang phục đang mặc. Tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào các thành viên khác trong cộng đồng của chúng ta và những “đôi vai” khổng lò khác mà chúng ta đang đứng lên trên. Rất nhiều người trong chúng ta muốn đóng góp cho cộng đồng, đồng loại và bổ sung hơn nữa cho dòng chảy công trình của chúng ta. Đó là sự thể hiện theo cách thức mà tất cả chúng ta đều biết - bởi chúng ta không thể viết những bài ca của Bob Dylan hay những vở kịch của Tom Stoppard. Chúng ta nỗ lực sử dụng tài năng của mình để thể hiện sự đánh giá đối với đóng góp của các thế hệ đi trước và bổ sung thêm một vài điều gì đó vào dòng chảy chung ấy. Đó chính là những thứ đã thúc đẩy tôi.

Chú thích

FireWire là tên thương hiệu của hãng Apple cho chuẩn giao tiếp lEE 1394 (bao gồm tất cả các chuẩn giao tiếp lEE 1394) được Apple phát triển cùng các kỹ sư của Texas Instruments, Sony, Digital Equipment Corporation, IBM và INMOS/SGS Thomson và giới thiệu ra công chúng năm 1995. Nó được hiểu như một giao tiếp mang tính chuẩn mực trên các thiết bị số.

FireWire được hiểu là đường truyền dữ liệu tốc độ cao và giao tiếp song song (vì thế không ngốn tài nguyên bộ nhớ và CPU trong quá trình truyền dữ liệu). Dữ liệu được truyền tải với mật độ cao tại cùng một thời điểm và liên tục. Phương thức này được dùng phổ biến trong các thiết bị nghe nhìn kỹ thuật số, máy tính cá nhân cao cấp.

FireWire là chuẩn thay thế tuyệt vời của giao tiếp Parallel SCSI danh tiếng của Apple trước đây. Với 6 đường cáp riêng biệt, cung cấp tới điện áp 30 vol và công suất 40w, vì vậy một số thiết bị sử dụng giao tiếp này không cần hỗ trợ nguồn (công suất nhỏ) và hỗ trợ cho tất cả các hệ điều hành hiện có trên thị trường máy tính (trừ những hệ điều hành phát triển nhưng không mang mục đích thương mại).

Đoạn cuối

Vào một buổi chiều đầy nắng, khi không khỏe lắm, Jobs ngồi trong vườn và nghĩ ngợi về cái chết. Ông nói về những trải nghiệm của mình tại Ấn Độ 40 năm trước, những nghiên cứu của bản thân về Phật giáo và quan điểm về việc đầu thai chuyển kiếp cũng như những điều siêu tưởng của tâm linh. “Tôi đã sống 55 năm trong niềm tin với Chúa”, ông nói “Tôi luôn cảm thấy rằng có quá nhiều điều cần làm khi sống hơn là khi xuôi tay nhắm mắt.” Ông thừa nhận, khi đối diện với cái chết, rằng có thể ông đã quá tin tưởng vào cuộc sống sau cái chết “Tôi luôn muốn nghĩ rằng sẽ có sự sống sau cái chết,” ông nói. “Thật kỳ lạ khi nghĩ rằng bạn tích lũy được tất cả những kinh nghiệm này, dù có thể có rất ít trong đó là sự thông thái, và ròi tất cả lại theo bạn ra đi. Vì thế, tôi thực sự muốn tin rằng có sự sống sau cái chết, dù đó có thể chỉ là sự tồn tại ý thức của bạn.”

Ông im lặng một lát rồi nói “Nhưng ngược lại, có thể nó giống như một chiếc công tắc tắt-bật. Ấn nút! Và thế là bạn ra đi.”

Sau đó ông lại ngừng một lát và mỉm cười “Có thể đó là lý do tại sao tôi không bao giờ thích đặt những công tắc bật-tắt trên các thiết bị của Apple”.

STEVE JOBS – 1955 - 2011

Lời cuối:

Xin cám ơn đến:

Trang Web: http://vnthuquan.net

Những người đã bỏ công sưu tầm, đánh máy, sửa chính tả, design để có được bản Ebook này.

phát hành: Phạm Huy Hùng...