Tây du @ ký - Phần 03 chương 2

Cuộc đọ sức giữa Diêm Vương và Tôn Ngộ Không

Trước khi Tôn Ngộ Không lên thiên đình, điều khiến cho y đắc ý nhất là y đã thoát khỏi sự uy hiếp của cái chết. Ban đầu y sợ chết đến nổi ưu sầu bị lụy, thế mà giờ đây y đánh bao nhiêu người, đến cả Diêm Vương còn phải sợ y.

Diêm Vương, còn gọi là Diêm La Vương (dịch âm tiếng Phạn là Yama-raja). Tương truyền rằng, quốc vương nước Sa ở Ấn Độ cổ xưa, bị bại trận đến nỗi để mất nước. Lúc nguy kịch, ông phát nguyện rằng sau khi chết đi ông sẽ làm ngục vương, ông muốn đem bỏ ngục những kẻ địch làm nhiều điều ác. Do đó, vua nước Sa ở dương gian đã biến thành Diêm La Vương ở âm phủ, 18 vị đại thần trung thành của ông đã biến thành 18 vị cai quản 18 tầng địa ngục, còn những binh sĩ của ông cũng đều biến thành những âm binh quỷ tốt.

Đối với Diêm Vương, mọi người vừa sợ vừa ghét, họ xem ông là phần tử đáng sợ với bộ mặt nanh vuốt và thủ đoạn tàn nhẫn. Xong kỳ thực ra, mặt mũi Diêm Vương tuy nanh vuốt nhưng nội tâm ông lại lương thiện, chân chính, ông giống với Bao Công mà mọi người yêu quý. Hình phạt trong địa ngục tuy tàn khốc nhưng lại có hiệu quả phạt ác khuyến thiện, hình phạt đó giống với thủ đoạn pháp chế nghiêm khắc hiện nay mà chúng ta dùng để trừng phạt những kẻ phạm tội.

Tương truyền rằng, sau khi mọi người chết đi thì sẽ được dẫn xuống âm phủ để Diêm Vương tiến hành thẩm tra. Điều thú vị là, nội dung thẩm tra của mỗi người về cơ bản là giống nhau, bởi vì bất kỳ chúng sinh nào xuống địa ngục thì phần lớn là không phục; họ tự nhận mình khi còn sống không làm việc ác. Hoặc là tuy việc ác đã rành rành ra đó nhưng họ lại tìm hàng loạt lý do để biện hộ cho mình. Rất ít người biết được rằng, chỉ cần trong lòng sám hối thì vận mệnh sẽ lập tức có sự thay đổi.

Mỗi người đều không chịu thừa nhận lỗi lầm của mình. Những lúc như thế thì Diêm Vương sẽ quát lên rằng: “Từ lâu ta đã phái ba vị sứ giả “Lão, Bệnh, Tử” hóa thân xuống nhân gian để mọi người phải thể nghiệm được sự đau đớn của bệnh tật và cái chết, nhờ đó mà mọi người phán tỉnh lại giá trị của nhân sinh, để từ đó mà có thể làm thiện trừ ác, tích công tích đức, tinh tiến tu hành, thế mà nhà người còn không chịu hối cải để cuối cùng người sẽ bị đày xuống địa ngục!”

Thế nhưng, việc Diêm Vương gặp Tôn Ngộ Không lại là một ngoại lệ. Sách Bạch Hổ thông có viết: “Chết chẳng qua là tinh khí đã cạn kiệt”. Còn như bây giờ, Tôn Ngộ Không có “tính, khí, thần” rất sung mãn, nên Diêm Vương cũng không có biện pháp nào để bắt được y.

Công việc đầu tiên của Tôn Ngộ Không

Ở dưới Long cung thủy vực và Âm tào địa phủ mà Tôn Ngộ Khống tự do đi lại, Long Vương và Diêm Vương cũng đành phải tức giận mà không dám nói. Do đó y càng đâm ra ngang tàng, lần này lên thiên đình y vẫn ngang tàng như thế. Một mình y ngồi trên cân đẩu vân bay đến ngoài cửa trời nam, đội quân Thiên vương giữ cửa đã chặn y lại. Tôn Ngộ Không không thèm để ý đến quy tắc của thiên đình, đã lớn tiếng quát:

Cái lão già Thái Bạch Kim Tinh này đúng là đồ gian dối, đã mời Lão Tôn này lên đây, cớ sao lại ngăn không cho ta vào thế!

Đang lúc ồn ào thì Thái Bạch Kim Tinh từ phía sau bay lại, ông liền giải thích cho Tôn Ngộ Không hiểu là do mặt mũi của y khó coi nên quan quân không muốn để cho y vào. Tôn Ngộ Không chẳng nể nang gì liền nói:

- Nếu đã như vậy thì hãy để cho ta đi cho rồi.

Thái Bạch Kim Tinh chẳng biết phải làm sao, ông đành phải vừa khuyên dỗ vừa giải quyết thủ tục vào cửa với quan quân thiên đình để cho Tôn Ngộ Không được vào thiên đình.

Lần đầu tiên Tôn Ngộ Không thấy Ngọc Hoàng cũng giống như nhiều người mới lần đầu tiên đi làm mà gặp lãnh đạo. Thái độ của lãnh đạo thường thể hiện uy nghiêm trong sự ân cần, vừa khiến cho cấp dưới cảm thấy run sợ mà lại khiến cho họ cảm thấy ấm áp. Sợ hãi cộng với thân mật sẽ sinh ra tôn kính và yêu quý. Mà trên thực tế, cấp dưới thấy Tổng giám đốc, ngoài việc kính sợ ra thì còn có một thái độ xem thường, Tôn Ngộ Không cũng không nằm ngoài số đó.

Thái Bạch Kim Tinh liền bước lên trước tâu rằng:

Bẩm Ngọc Hoàng, thần lãnh thánh chỉ đã triệu yêu tiên về.

Ngọc đế buông rèm xuống hỏi:

Là yêu tiên nào thế?

Ngộ Không nhảy ra nhưng y cũng không triều lễ, y còn ngang nhiên lớn tiếng nói:

- Là Lão Tôn ta đây!

Những vị tiên quan đều đại kinh thất sắc, họ quở trách rằng:

- Con khỉ hoang kia! Tại sao người lại vô lễ như vậy!

Ngọc Hoàng truyền chỉ rằng:

Tôn Ngộ Không kia vẫn là yêu tiên ở hạ giới, nhà ngươi mới lần đầu tiên được lên thiên đình, không biết triều lễ, tạm thời tha tội cho nhà ngươi.

Ngọc Hoàng hỏi các tiên quan mới biết, hóa ra là còn thiếu một chức quan trông coi đàn ngựa, do đó ngài bèn trao cho Tôn Ngộ Không chức Bật Mã Ôn.

Xung đột thực tế khi mới bước chân vào nghề

Tôn Ngộ Không tuy có phần không lễ phép với Ngọc Hoàng, nhưng đối với chức vụ công việc “Bật Mã Ôn” thì lại tỏ ra thích thú, sau nửa tháng, đàn thiên mã mà y quản hạt đã được nuôi dưỡng thành một đàn thiên mã béo tốt.

Một hôm nhàn rỗi, những thuộc hạ của Tôn Ngộ Không đã bày biện tiệc rượu cùng chúc mừng y.

Đang trong lúc ăn uống vui vẻ, đột nhiên Tôn Ngộ Không dừng lại hỏi rằng:

- Cái chức “Bật Mã Ôn” này là cái chức quan có phẩm hàm gì vậy?

Các thuộc hạ đồng thanh trả lởi:

- Đó chẳng qua chỉ là một chức quan bỏ đi, chẳng có phẩm cấp gì cả.

Tôn Ngộ Không liền hỏi:

- Không có phẩm cấp gì thì hẳn phải là chức quan lớn nhất rồi chứ?

Các thuộc hạ lại đáp:

- Đó chỉ là một chức quan chăn ngựa, có đâu mà to. Cho dù ngài có siêng năng, chăm chỉ mọi bề, nuôi cho ngựa béo tốt thì cũng chỉ được ban một chữ “tốt” mà thôi. Như ngài, bất quá cũng chỉ là một tiểu quan thấp nhất chẳng có gì đáng bàn cả.

Tôn Ngộ Không nghe nói như vậy thì bất giác nóng giận bừng bừng, y cắn răng quát rằng:

- Dám xem thường Lão Tôn ta! Lão Tôn ta đây ở Hoa Quả Sơn xưng vương xưng đế, thế mà dám lừa ta lên đây để ta thay hắn nuôi ngựa sao? Ta không thèm làm cái chức quan hèn mọn đó nữa, ta sẽ đi!

Bỗng một tiếng thét vang lên, bàn ghế đổ hết, Tôn Ngộ Không lấy cây gậy Như Ý ra rồi nhảy khỏi ghế, y bay thẳng về Hoa Quả Sơn của mình. Và sau đó y dứt khoát kéo một hàng cờ lên đầu núi tự xưng mình là “Tề Thiên Đại Thánh”.

Cái chức quan “Bật Mã Ôn” tuy nhỏ như vậy, nhưng dù sao cũng là một viên công vụ của thiên đình, làm sao có thể nói đi là đi được? Tôn Ngộ Không liều lĩnh rời bỏ chức vụ, như vậy thì thử hỏi đạo đức nghề nghiệp ở đâu? Nghiêm trọng hơn là y còn dám tự phong mình là “Tề Thiên Đại Thánh” để đối nghịch với thiên đình, làm như vậy mà Ngọc Hoàng há có thể ngồi im mà nhìn hay sao? Do đó, Ngọc Hoàng đã phong cho Thác Tháp Thiên Vương Lý Tĩnh làm đại nguyên soái hàng ma, phong Na Tra Tam Thái Tử làm Tam Đàn Hải Hội Đại Thần lập tức phát binh xuống hạ giới bắt Tôn Ngộ Không về quy án.

Lỗi tại ai?

Giống với Tôn Ngộ Không. Nhiều nhân viên mới đi làm cũng từng gặp tình cảnh như vậy. Đó là bởi vì sự kỳ vọng về công việc của những nhân viên mới đi làm có sự khác biệt rất nhiều so với tình hình thực tế công việc, mà sự khác biệt đó sẽ tạo nên xung đột trong tâm lý của những nhân viên mới. Trong khoa học về tổ chức hành vi, chúng ta gọi hiện tượng đó là “xung đột thực tế”. Đối với nhiều viên chức mới, cảm nhận lần đầu tiên gặp phải hiện tượng “xung đột thực tế” là khá đau buồn.

Nhiều vị quản lý của các công ty cho rằng, một nhân viên mới đi làm thì phải cần có thời gian để đôi bên cùng hiểu nhau. Một mặt là để công ty quan sát được tố chất của nhân viên mới, mặt khác là để nhân viên mới hòa nhập vào điều kiện thực tế của công ty để vận dụng vào công việc. Sau đó một thời gian ban lãnh đạo mới có thể giao cho họ đảm nhiệm những công việc quan trọng hơn. Những công việc ban đầu thường là những việc tương đối đơn giản hoặc là công việc nhạt nhẽo.

Nên nhớ rằng, trong vòng một tháng hoặc ba tháng thử việc để cho họ làm “Bật Mã Ôn” là điều có thể lý giải được. Nhưng nếu như cứ kéo dài tình trạng công việc như vậy mãi trong thời gian dài mà vẫn giữ thái độ không tín nhiệm, không quan tâm, thì vô tình tạo ra áp lực rất lớn tới thái độ làm việc của nhân viên, và như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát triển nghề nghiệp và cuộc sống của họ sau này.

Vì vậy, trong vòng ba tháng mà Tôn Ngộ Không không phản lại thiên đình là tâm thái của y có vấn đề, còn sau ba tháng mà phản lại thiên đình thì chắc chắn môi trường công việc của thiên đình có vấn đề.

Lại nói về Thác Tháp Thiên Vương và Na Tra Tam Thái tử thống lĩnh thiên binh, thiên tướng xuống bắt Tôn Ngộ Không, không ngờ bị Tôn Ngộ Không đánh cho hai trận đại bại. Ngọc Hoàng muốn tăng thêm binh tướng để tiêu diệt Tôn Ngộ Không, nhưng Thái Bạch Kim Tinh có ý kiến:

- Tên yêu hầu đó ngang tàng bướng bỉnh, không biết trời caođất dày là gì. Thế nhưng, bây giờ chúng ta không nên huy động binh tướng nữa. Vì chẳng phải là y không vừa lòng với chức quan nhỏ mọn đấy hay sao? Thưa Ngọc Hoàng, ngài hãy phong cho y làm Tề Thiên Đại Thánh, hãy cho y một cái hư danh hữu quan vô lộc là được rồi.

Ngọc Hoàng liền hỏi:

- Thế nào là hữu quan vô lộc?

Thái Bạch Kim Tinh giải thích rằng:

- Thưa Ngọc Hoàng! Hữu quan vô lộc chính là việc ban cho y danh hiệu Tề Thiên Đại Thánh, nhưng lại không để cho y làm việc, cũng không đãi ngộ nhiều đối với y, tạm thời để cho y ở trên thiên đình, rồi dần dần sẽ đánh vào vọng niệm của y, như vậy mọi người cũng sẽ được yên nghỉ vài hôm.

Ngọc Hoàng trầm ngâm trong giây lát rồi nói:

- Nếu như vậy mà có thể giải quyết được vấn đề thì cũng giảm bớt được công việc đấy. Thôi được! Hãy làm theo lời của khanh.

Thái Bạch Kim Tinh liền nhận chiếu thư đến Hoa Quả Sơn mời Tôn Ngộ Không lên thiên đình để ban cho y làm chức Tề Thiên Đại Thánh hữu danh vô thực.

Có ngờ đâu sự việc lại hoàn toàn không đơn giản như những gì mà Thái Bạch Kim Tinh nghĩ. Do suốt ngày nhàn rỗi vô sự nên Tôn Ngộ Không đi chơi khắp nơi. Y nhàn rỗi gây phiền toái ảnh hưởng đến công việc đại sự của người khác. Vì thế mà Hứa Tinh Dương chân nhân đã phải tâu với Ngọc Hoàng rằng:

- Bẩm Ngọc Hoàng, tên Tề Thiên Đại Thánh suốt ngày nhàn rỗi vô sự chỉ vui chơi, đến đâu y cũng kết giao bạn bè, cứ lâu dài như vậy thì e rằng y sẽ sinh sự. Chẳng bằng hãy để cho y làm một chút việc gì đó để tránh cho y gây ra nhiều việc rắc rối.

Ngọc Hoàng cho rằng Hứa Tinh Dương chân nhân nói rất có lý, ngài liền phái Tôn Ngộ Không đi cai quản vườn Bàn đào.

Bản thân Tôn Ngộ Không cũng vì nhàn rỗi mà cảm thấy buồn chán, nên có chút việc để làm thì cũng cảm thấy rất vui, y liền nhanh chóng đến tạ ơn Ngọc Hoàng, rồi lập tức tới vườn Bàn đào tiếp nhận công việc.