Tây du @ ký - Phần 30 chương 3

Con khỉ Ấn Độ Hanumân đã đến Trung Quốc bằng lối nào?

Khi khảo sát về sự hình thành của nhân vật Tôn Ngộ Không (TNK), nếu bỏ qua tác phẩm thi ca trữ tình Râmâyana đến từ Ấn Độ là một điều thiếu sót. Quyển sách này đề cập đến con khỉ anh hùng Hanumân, (đáng lẽ phải đọc là Hanumat mới đúng văn phạm). Đã lâu, nhà dân tộc học người Nhật Minakata Kumagusu (1867-1941) khi đọc xong Râmâyana có lần viết về cảm tưởng Hanumân chắc là tiền thân của Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký. Hồ Thích trong Tây Du Ký Khảo Chứng cũng đưa ra thuyết Hanumân chính là tổ tiên của TNK. Ngược lại, trong một bài giảng về truyền kỳ đời Đường, Lỗ Tấn đã dựa vào cổ thư đã trình bày ở trên (Sơn Hải Kinh, sự tích con khỉ Vô Chi Kỳ đã bị vua Vũ khi đi trị thủy xiềng dưới chân núi Quân Sơn) để chủ trương TNK trong TDK là một con khỉ hoàn toàn Trung Quốc và con khỉ bị giam trong núi này có thể là tổ tiên trực tiếp của TNK. Từ đó, không ai chịu ai nhưng đa số các nhà nghiên cứu tán đồng lập luận về ảnh hưởng của Hanumân.

Bàn về nguồn gốc của TNK, nếu chỉ dựa vào một truyền thuyết duy nhất, ta sẽ dễ lạc đường. Có thể ta phải chấp nhận yếu tố " khỉ " là chính yếu trong quá trình hình thành nhân vật TNK nhưng không nên dừng lại ở đó. Cho nên, bảo Hanumân có đóng góp phần nào vào sự thành lập hình tượng TNK có lẽ thỏa đáng hơn, nhất là trên con đường sang Trung Quốc, Râmâyana có thể biến dạng vì những khó khăn về phiên dịch và truyền đạt.

Râmâyana là tác phẩm thơ trữ tình trường thiên gồm 7 biên 4 vạn 8 nghìn câu (tụng) do thi tiên Valmiki soạn lại vào thế kỷ thứ 2 bằng Phạn ngữ (Sankrit) từ truyện thơ truyền khẩu ở Ấn Độ suốt thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 4 trước công nguyên. Xin tóm lượccâu chuyện như sau:

Quốc vương Dasaratha nước Ayodhya có ba vợ. Bà cả Kausulya sinh Râm, bà thứ Kaikeyi sinh Bharata, bà ba Sumitra sinh đôi Laksmana và Satrughna..., tất cả có 6 vương tử. Thái tử Rama bị mưu kế của bà Kaikeyi ton hót với vua để dành ngôi cho Bharata, bị phụ vương bắt phải sống trong rừng với vợ là Sita và em khác mẹ là Laksmana. Quốc vương Dasaratha chết, Bharata mời anh về làm vua nhưng Rama không muốn trái mệnh cha, trao đôi hài vàng để Bahrata lên làm vua, hẹn 14 năm sau sẽ trở về ngôi rồi vẫn ở lại trong rừng. Vì vua khỉ Ravana bắt cóc vương phi Sita, Rama và em là Laksmana phải lên đường đi tìm nàng. Trên đường, cứu được vua khỉ Sugrivra nên vua đền ơn bằng cách cho quân sư của mình là Hanumân dẫn binh tướng giúp sức đi tìm vợ. Hanumân trổ tài thần võ diệt giặc, đoạt lại được nàng Sita đang bị giam ở đảo Lanka cho Rama, vừa vặn lúc hết thời hạn ước hẹn 14 năm để về làm vua trở lại.

Nói về đặc điểm của Hanumân, theo K.C. Aryan (Hanumân in Art and Mythology), trước hết là cái đuôi dài (các tượng Hanumân khai quật được ở miền Nam Ấn Độ cũng xác định điều đó), dù càng về cận đại, hình tượng Hanumân lại càng được vẽ cho giống người đi. Theo hai tác giả Joginder Narula (Hanumân) và Catherin Ludvik (Hanumân) thì Hanumân thông minh tài trí, hiểu biết sự vật và thời cơ một cách tinh tường. Ngoài ra còn biết bay bổng tự do trong không trung, thu ganx thân thể ngắn dài như ý muốn và có thể biến hóa thành người. Những chi tiết nầy có thể tăng thêm sức thuyết phục cho lập luận của Minakata Kumagusu và Hồ Thích xem Hanunam là tổ tiên của TNK. Thế nhưng, Râmâyana đã đưa Huanuman vào Trung Quốc bằng đường nào?

Đường bộ phía Bắc theo kinh Phật?

Minakata Kumagusu cũng cho biết tăng nhân người Sogdian (Khang Cư, dân tộc vùng Trung Á, gốc Ba Tư) Khang Tăng Hội đến Trung Quốc vào cuối thế kỷ thứ 3 có kể sơ về truyện Râmâyana khi dịch Lục Độ Tập Kinh, trong đó có truyện hầu vương sai quân lấy đá lấp biển để cứu một vương phi bị rồng bắt giam trên đảo. Ngoài ra, Minakata còn nói đến vị tăng người Kashmir tên Bạt Trừng đã dịch một đoạn Râmâyana vào cuối thế kỷ thứ 4 với mục đích chống việc sát sinh gây ra bởi chiến tranh. Truyện Râmâyana còn được nhắc tới vào hậu bán thế kỷ thứ 5 bởi hai nhà tu ngoại quốc Kiết Ca Dạ (Kimkaryâ?) và Đàm Diệu trong bản dịch Tạp Bảo Tàng Kinh, nhưng ngoài việc ca tụng tấm gương trung hiếu của La Ma thái tử (Râma ) và hoàng tử Bà La Đà (Bharata), không hề nhắc tới Sita lẫn Hanumân. Nói chung, những bản dịch kể trên đều không thấy nói đến tài nghệ tuyệt luân của Hanumân, điểm mà chúng ta chú mục.

Đến nay, vẫn chưa thấy bản Râmâyana chữ Hán nào nói đến tài nghệ của Hanumân. Nếu có thì đã thất lạc đâu chăng? Chỉ biết gần đây, người ta đã phát hiện được bản dịch Râmâyana ra tiếng Khotan (18) và bản văn tiếng Tây Tạng tìm ra ở thạch động ở Đôn Hoàng (Tunhuang) (19), cả hai đều miêu tả sức mạnh thần thông của Hanumân. Do những điều kiện địa lý và lịch sử mà ta không còn lạ gì, có lẽ người Trung Quốc đã tiếp xúc với văn bản viết bằng hai thứ tiếng trên. Và ta còn có thể giả định rằng những chi tiết thú vị về sức thần thông của Hanumân nếu không truyền qua văn bản thì vẫn truyền miệng qua lời kể giữa dân chúng trong lúc thông thương và giao lưu với nhau, lại hòa quyện với những cổ tích, dân thoại, Phật điển... về khỉ vượn đã có sẵn từ lâu đời và rất phong phú ở Trung Quốc.

(18) - Xem thêm H.W. Bailey, The Rama Story in Khotanese là bản dịch ra Anh ngữ và giới thiệu tư liệu này.

(19) - Xem thêm F.W. Thomas, A Râmâyana Story in Tibetan from Chinese Turkestan hay M.Lalou, L'histoirede Rama en tibétain, Bibliothèque Nationale de Paris, hay J.W. de Jong, An Old Tibetan Version of Râmâyana và The Tunhuang Manuscripts of the Tibetan Râmâyana?

Hình tượng con khỉ biết bay có lẽ gây ấn tượng nhiều nhất. Nhà nghiên cứu Nhật Bản Torii Ryuzo chụp lại bản họa trên đá đào được trong một ngôi mộ đời Liêu khắc cảnh được phỏng đoán là " cuộc gặp gỡ đầu tiên giửa hai thầy trò Huyền Trang ": một người đầu, tóc, mặt như khỉ, quần áo chiến đấu, ở trên mây trong tư thế cân đẩu vân, một người đứng phía dưới chắp tay như bái vọng. Triều Liêu đã bị diệt vong từ năm Tuyên Hòa thứ 7 đời Tống (1125), hơn nữa ngôi mộ này nằm mãi ở An Sơn (Mãn Châu) và tướng mạo người mặt khỉ trên mây lại giống Thâm Sa Thần đã hiện ra và trợ giúp cho Huyền Trang khi đói lạnh ở Lưu Sa Hà hơn là giống Tôn Ngộ Không (vì mồm không dẩu ra như khỉ mà tóc lại dựng ngược) nên sử liệu của Torii thật quá " ngon " để có thể tin.

Nhân vật Hầu Hành Giả trong thi thoại đời Tống thì đúng là tiền thân của Tôn Ngộ Không nhưng trong các tích nầy, có lẽ vì quá ít yêu quái nên không trổ được hết thần thông chăng (20)? Đến bản TDK đời Nguyên mà thông sự họ Phác trích dẫn trong Phác Thông Sự Ngạn Giải thì đã thấy TNK bay trên không trung, thần thông biến hóa, trừ yêu diệt quái, đúng là TNK mà chúng ta mong đợi.

(20) - Ta có thể hơi thất vọng vì trong 6 hồi đầu của Tây Du, TNK thần thông đến thế mà khi thỉnh kinh cứ phải luôn luôn cầu cạnh sự giúp đỡ của người khác, nhất là chư Phật (phụ chú của NNT).

Không thể phủ định việc Hanumân trong Râmâyana đã ảnh hưởng đến sự thành lập hình tượng nhân vật của Tôn Ngộ Không nhưng ta chưa trả lời được câu hỏi tại sao đã theo đường kinh Phật vào Trung Quốc sớm thế mà Râmâyana lại nằm im lìm suốt mấy trăm năm và phải đợi đến đời Tống, đời Nguyên mới thức dậy để bắt đầu ảnh hưởng vào truyện Tây Du. Như vậy, giả định về giai thoại truyền khẩu về Hanumân của tôi (Nakano Miyoko) cũng không đúng nốt. Chỉ còn một lối giải thích: có một Hanumân sinh động hơn là trong kinh điển đã vào Trung Quốc giữa đời Tống và Nguyên, và lần này, bằng đường thủy!

Vâng, đường thủy đó là đường Nam Hải để đổ bộ lên Tuyền Châu tỉnh Phúc Kiến.

Đường thủy phía Nam theo nghệ thuật dân gian?

Râmâyana đi từ Ấn Độ băng qua Trung Á rồi lên phía Bắc như ta đã biết nhưng lại theo một đường khác đi xuống miền Nam theo ngả Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Căm Bốt, Lào, Việt Nam, Mã Lai...Nó không những truyền đi bằng văn dịch nhưng còn qua bích họa ở các chùa chiền, tuồng kịch, ca vũ, sân khấu bóng ảnh (theater of shadow picture, theater of silhouette) nghĩa là rất nhiều hình thức nghệ thuật dân gian khác nhau và thay hình đổi dạng theo thể tài và ngôn ngữ được sử dụng.

Nhiều khi Râmâyana thay đổi đến mức lạ lùng như trong bản Tích Lan, trong đó, Sita không những thuận tình đi theo quỷ vương Ravama về đảo Lanka (21) sống sung sướng mà khi con khỉ Valin (?) đến kiếm mình còn cho bắt và đốt cháy đuôiCó lẽ vì Lanka là quốc hiệu của Tích Lan (Sri-Lanka) nên người ở đây không thích thú gì khi thấy Sita sống trên đảo mình mà cứ khóc than nhớ chồng. Trong bản Miến Điện, Me Thilda (Sita) không bị Datagiri (vua quỷ Ravna) bắt về đảo Lanka mà lại đem về kinh đô của Miến thời đó ở núi Popa. Hanumân đi đến đó cứu nhưng khi về lại bị cho lọt xuống hồ Inpaung (22).

(21) - Xem thêm C.E. Godakumbura, The Râmâyana. A Version of Rama? Story from Ceylon

(22) - Xem thêm J.P. Connor, The Râmâyana in Burma.

Vào thế ký thứ mười, Râmâyana đã được dịch ra văn tự gốc Phạn gọi là Kawi ở Java (23) và các điêu khắc tráng lệ về đề tài truyện này (24) còn được giử lại trên đảo. Bản Râmâyana ở Thái Lan có tên là Ramakian(25), bản Căm Bốt tên là Reamker(26). Điêu khắc về những truyện nầy có thể xem ở các chùa (Vat) như Vat Paraoke và Vat Po ở Thái và trên tường Angkor Vat và các Bayon ở Căm-Bốt. Còn ở Lào (27), Râmâyana đã được truyền vào từ thế kỷ thứ 7 và Lào vẫn còn giữ được nhiều bích họa liên quan đến nó ở Vat Pa Ke và Vat Mai, hai ngôi chùa ở thủ đô Luang Prabang. Ngoài ra, Râmâyana cũng đã được truyền đến những nước khác trong vùng Đông Nam Á(28) như Phi Luật Tân (29) và Mã Lai (30)...

((23) - Tham khảo C.H Hookaas, The Old-Javanese Râmâyana.

(24) - Tham khảo W. Stutterheim, Rama-Legenden und Rama-Reliefs in Indonesia.

(25) - Tham khảo Subhadradis Diskul, The Ramakian và J.M. Cadet, The Ramakien.

(26) - Tham khảo Judith M. Jacob, Reamker.

(27) -Tham khảo Kamala Ratman, The Râmâyana in Laos và H.Deydier, Râmâyana in Laos.

(28) - Tham khảo V. Raghavan (biên tập), The Râmâyana Tradition in Asia và R.S.Iyengar (biên tập), Asian Variations in Râmâyana.

(29) - Tham khảo J.R. Francisco, The Râmâyana in the Philippines.

(30) - Tham khảo A. Zieseniss, Die Rama-Sage bei den Malaien.

Đặc biệt trong Râmâyana của Lào có một chi tiết đặc biệt là Hanumân lúc nhỏ thấy mặt trời ngỡ là trái cây, bay lên chực hái ăn nhưng bị lửa đốt cháy tiêu (31). Thần mặt trời Surya thương tình lấy một sợi lông khỉ chưa cháy hết tái tạo thân thể cho và sai đi giúp Pa Lam ( Rama Lào) đi tìm nàng Pommachak (Sita Lào). Điều này khác với nguyên bản Ấn Độ cho rằng khi bay lên lấy mặt trời, Hanumân bị thiên lôi đá rơi xuống đất.

(31) - Làm ta liên tư ởng tới Icarus và Prometheus trong thần thoại Hy Lạp? (NTT)

Đưa ra những tình tiết ấy để thấy rằng có một Râmâyana sống động và phong phú hơn ở vùng biển Nam mà các thương nhân từ đời Nam Tống đến đời Nguyên xuôi ngược buôn bán vùng này đã du nhập từng mẩu một về Trung Quốc, qua căn cứ địa của họ, cảng Tuyền Châu tỉnh Phúc Kiến.

Tuyền Châu (Zaytoun), quê hương Tôn Ngộ Không?

Ai cũng biết bối cảnh của Tây Du Ký là con đường thỉnh kinh từ Trường An qua Trung Á theo Con Đường Lụa nghĩa là vùng núi non sa mạc Tây Bắc Trung Quốc với phong cảnh hùng vĩ và khí hậu khắc nghiệt. Tuy vậy, nguồn gốc của câu truyện có thể nằm mãi ở Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, miền Giang Nam thơ mộng. Nhiều sự trùng hợp đã khiến ta nghĩ là Tôn Ngô Không đã chào đời ở đây.

Bảo tàng viện Đại Học Hạ Môn (Amoy University) ở Tuyền Châu trưng bày rất nhiều mộ bia viết chữ Ả-Rập, Paspa và Tamil đào được trong tỉnh, nhiều trụ đá đền thờ Ần Độ Giáo chạm hình khỉ. Người nước ngoài (Ả Rập, Ấn Độ, I-ta-li-a, Ac-mê-ni, Thổ) đã đến buôn bán ở đây từ lâu đời. Ta biết người Ả-Rập sống thành phiên phường, như một hình thức tô giới và có cả nghĩa trang riêng.Tự đời Tống đến đời Nguyên, Tuyền Châu đã có nhiều đền thờ Hồi Giáo và Ấn Giáo, được gọi chung là phiên phật tự. Trụ đá đào được năm 1947 ở Thông Hoài Môn chân thành Tuyền Châu có tạc hình con khỉ đuôi dài mà người ta đoán định là Hanumân bởi vì tay khỉ cầm một búp lá giống một loại dược thảo. Chi tiết này có thể quan trọng vì phù hợp với sự tích Hanumân lên núi hái thuốc về chữa bệnh cho anh em vương tử Râm thấy trong Râmâyana..Những hình chạm nổi ở Đông Tây Tháp chùa Khai Nguyên ở Tuyền Châu về Hầu Hành Giả, Tam Tạng Pháp Sư và Lương Vũ Đế chứng tỏ có bàn tay của người Ấn Độ (32). Nếu Hanumân xuất hiện trên điêu khắc thì sự tích về nó cũng đã đựợc truyền miệng vì sự tích Râmâyana là câu truyện nằm lòng của nam phụ lão ấu Ân Độ và quần chúng Trung Quốc thuở ấy chắc phải thích thú trước những chi tiết như chuyện con khỉ biết bay.

(32) - Xem thêm Nakano Miyoko, Tam Tạng Pháp Sư.

Phúc Kiến có nhân duyên gì với Tây Du Ký mà thi nhân người Bồ Điền thuộc Phúc Kiến như Lưu Khắc Trang (1187-1269) đã sớm vịnh về đề tài "Đi lấy kinh, khổ thân Hầu Hành Giả", vì sao Bạch Viên Truyện trong truyền kỳ nói về con vượn háo sắc đã mượn bối cảnh miền núi Mai Lĩnh giữa Quảng Đông và Phúc Kiến và câu chuyện "con khỉ bị giam" được truyền tụng rộng rãi trong tín ngưỡng dân gian suốt từ Phúc Kiến đến Quảng Đông?

Địa danh Phúc Kiến có hơi hướm TDK. Sách địa lý tự thời Nam Tống như Dư Địa Kỷ Thắng của Vương Tượng Chi (soạn năm Bảo Khánh thứ 3 tức là 1227), quyển 128 đến 135 nói về cảnh vật Phúc Kiến Lộ đã ghi những cái tên phảng phất hương vị Tây Du như Cữu Long Trì, Vương Mẫu Trì (cả 2 đều thấy trong thi thoại), Phi Hầu Lĩnh, Bàn Đào Đảo, Túc Viên Động, Linh Thứu Sơn, Bồ Tát Nham, Quan Âm Thạch, La Hán Nham? Đến đời Minh, trái lại, ảnh hưởng TDK đã đi ngược vào trong địa danh Phúc Kiến. Mân Thư của Hà Kiều Viễn, soạn năm Sùng Trinh thứ tư (1631) có ghi lại những cái tên chịu rõ rệt ảnh hưởng TDK như Tiên Viên Thạch, Thiết Bản Chướng, Thủy Liêm Động, Ngọc Hoa Động...

Thêm vào đó, có chứng cứ về các sự tích có phong vị Tây Du truyền từ phương Nam còn ghi lại trong sách vở Nam Tống. Ví dụ truyện về hai người con gái đẹp sinh ra từ hòn đá ở một vùng giữa Chân Lạp và Chiêm Thành (có lẽ nay là ở biên giới Lào và Việt Nam) làm cho vua hai nước tranh giành rồi đánh nhau. Truyện ấy tên là Bà Luật Sơn Mỹ Nữ, chép trong Di Kiên Chí của Hồng Mại đời Nam Tống. Bà Luật Sơn ở đâu thì có sách cho biết là" trên đường từ Thiên Trúc trở về, đi mất 10 tháng thì đến Bà Luật Quốc (nhưng có thể 2 địa danh trùng hợp vì đồng âm là Bà Luật). Chuyện này có liên quan đến một sự thực lịch sử là chiến tranh giữa Chân Lạp và Căm Bốt thời Angkor.

Di Kiên Chí còn chép chuyện Tôn Diễn Khứ Hầu Yêu. Chùa Năng Nhân Tự ở Phúc Kiến có thờ Hầu Vương Thần. Thần này được một trưởng lão tên Tôn Diễn cảm hóa nên không tác hại người trong hạt nữa. Tuy chi tiết này không hẳn liên quan đến Tôn Ngộ Không nhưng cũng không xem nhẹ liên hệ giữa truyền thuyết về Hầu Vương với TDK và với tín ngưỡng dân gian tỉnh Phúc Kiến.

Cũng trong Di Kiên Chí, có chuyện Hầu Tướng Quân ở phủ Lâm An đời Nam Tống đi hỏi vợ. Hầu Tướng Quân " biết bay như chim, biến được ra to lớn, cánh như cánh dơi". Có người tên Triệu Ngạn Thành theo đó mà viết Phi Hầu Truyện và chữ phi hầu đã trở thành một hình tượng quen thuộc trong thi văn. Con hầu trong Râmâyana bay qua biển để cứu vợ người (Hanumân bay qua biển đến đảo Lanka để cứu nàng Sita ) chắc được dân chúng Trung Quốc có cảm tình hơn là con vượn bắt cóc vợ người ( như bạch viên cướp vợ Âu Dương Hột) trong dân thoại của họ.Có thể từ đó họ kết hợp hình tượng phi hầu nầy với con khỉ thần thông trong Râmâyana dễ dàng hơn để tạo ra nhân vật Tôn Ngộ Không chăng?

Từ biến văn tới tiểu thuyết

Hình thức văn học nào đã tạo ra thuyết thoại, thi thoại, kịch bản rồi tiểu thuyết TDK có hương vị Phật Giáo như thế? Có lẽ biến văn đã làm phận sự nối kết kinh Phật với văn học đại chúng bởi vì như ta biết, biến văn và biến tướng đồ (gọi chung là Biến) là những tư liệu mà các tục giảng tăng dùng vào việc thuyểt giáo bằng truyện kể dễ hiểu cho người bình dân. Biến văn được tìm ra rất nhiều từ các hang động ở Đôn Hoàng (như Thiên Phật Động ở Mạc Cao Động) từ sau những chuyến thám hiểm của Stein (33) và Pelliot (34). Ví dụ một biến văn dịch ra Hán ngữ rất được dân chúng TQ yêu chuộng (có lẽ vì hợp với chữ Hiếu trong Nho Giáo) là Đại Mục Kiền Liên Minh Gian Cứu Mẫu Biến Văn (gọi tắt là Mục Liên Biến Văn) nói về việc Mục Kiền Liên hay (Maha) Maudgalyâyana, một trong mười đại đệ tử của Thích Ca đã lên trời, xuống địa ngục, phấn đấu gian khổ hết chuyện này đến chuyện khác để tìm phương cứu mẹ (xem bản Hán văn Vu Lan Bồn Kinh, dịch từ Trúc Pháp Hộ hay Dhamaraksa vào thế kỷ thứ 4). Tuy trong kinh Vu Lan không có chuyện TNK nhưng hình thức văn học với văn nói dễ hiểu (Bạch) và âm điệu du dương của văn vần ( Xướng) kèm theo tranh vẽ trên bích họa hay họa quyển (Đồ) có sức thu hút và thuyết phục người ta rất lớn.

(33) - Tiến sĩ A. Stein, người Anh, đã 3 lần thám hiểm miền Tây Vực hồi đầu thế kỷ 20 (1900-1916) , phát hiện nhiều di tích và văn thư Phật Giáo giá trị mở đường cho khoa Đôn Hoàng Học. Xem thêm trứ tác A. Stein, Ruins of Desert Cathey, 2 vols, Oxford, 1921 và A. Stein, On Ancient Central-Asian Tracks, Oxford, 1933 (phụ chú của NNT theo K. Nagasawa, Silk Road, Tokyo, 1993)

(34) - P. Pelliot, người Pháp, năm mới 28 tuổi đã cầm đầu đoàn thám hiểm vùng Thiên Sơn Nam Đạo (1906-1908), thu thập được nhiều văn thư giá trị ở thạch động Đôn Hoàng. Xem thêm P. Pelliot, Trois ans dans la Haute-Asie (Conférence, Bulletin du Comités de l?Asie francaise, 1910) (phụ chú của NNT theo K. Nagasawa, Silk Road, Tokyo, 1993.

Tuy vậy gần đây, tôi (Nakano Miyoko) đã tìm ra dấu vết chính trong các biến văn cho biết Mục Liên chính là hóa thân của mi hầu. Sách Tứ Thú Nhân Duyên hiện tàng ở Bảo Tàng Viện Quốc Gia Paris có chép câu chuyện bốn loài súc sinh biết giữ tôn ti trật tự là chim, thỏ, mi hầu và tượng; lại nhắc lời Như Lai "mi hầu tức Đại Mục Kiền Liên". Điều này lại từng được nói sơ qua trong quyển thứ 7 của Đại Đường Tây Vực Ký do Huyền Trang viết.

Kết luận của người biên dịch:

Để tóm tắt quá trình hình thành nhân vật Tôn Ngộ Không trong truyện Tây Du theo ý kiến nhà nghiên cứu Nakano Miyoko, ta có thể nói nó là diễn biến của 4 mô-típ dân thoại chính trong dòng thời gian:

Mô típ con khỉ háo sắc cướp đàn bà (mong được bằng người)

Mô típ con khỉ phá phách và bị giam cầm (như người)

Mô típ con khỉ tu học và đi tìm kinh (như người)

Mô típ con khỉ thần thông biết đằng vân (muốn vượt phận người)

Đó là một quá trình dài và rộng. Dài 18 thế kỷ với sự "đóng góp" của nhiều "tác giả", suốt khoảng thời gian từ đầu đời Hán (BC202) đến cuối đời Minh (1644), kể từ lúc có Sơn Hải Kinh (chép chuyện vua Vũ xiềng con vượn dưới núi Quân Sơn ) và cũng là khi Phật Giáo truyền vào Trung Quốc cho đến khi Tây Du Ký bản đời Minh ra đời năm 1592 (với nhân vật trung tâm là Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không). Rộng vì nó đi từ Ả- Rập, Ấn Độ đến Trung Quốc, lúc xuyên sa mạc Trung Á, lúc vượt vùng biển Nam Hải.

Con khỉ thần thông Hanumân của dân thoại đã từ Ấn Độ đến Trung Quốc, nhào trộn với thần tích về khỉ vượn, linh thú trong dân thoại và truyền kỳ sở tại, hài hòa với tư tưởng Nho-Thích-Lão, được ghi lại qua biến văn, thi thoại, thuyết thoại, hí khúc, cuối cùng ngưng đọng ở tiểu thuyết chương hồi, để trở thành Tôn Ngô Không. Qua việc khăn gói lên đường thỉnh kinh, lão Tôn lại về tới cố hương Ấn Độ. Như thế, Tôn Ngộ Không đã đi trọn một chu kỳ, hoàn thành giấc mơ phản kháng và vượt-khỏi-thân-phận mà dân gian đã ký thác nơi mình.

Tokyo, 20 /09/2003