Thi Nhân Việt Nam - 40. Nguyễn Đình Thư
40. Nguyễn Đình Thư
Sinh ngày 1-2-1917 ở làng Phước Yên, huyện Quảng Điền (Thừ Thiên). Nhà rất nghèo, nhờ bà ngoại nuôi đến lớn, nên đặt tên Thư, lấy ý rằng đời xưa Ô. Ngụy Thư khôn lớn nhờ bên ngoại.
Học trường Queignec, trường Quốc học Huế. Có bằng thành chung. Hiện làm thư ký Kho bạc Huế.
Khách yêu thơ gặp được một bài thơ hay là một cái thú. Nếu bài thơ lại chưa từng in lên mặt giấy cho hàng vạn người xem thì cái thú lại gấp hai. Thơ in ra rồi hình như có mất đi một tí gì, có lẽ là ít hương trinh tiết.
Tôi đã được nếm cái thú thanh thiết ấy trong khi xem thơ Nguyễn Đình Thư.
Đây không phải là một nguồn thơ tân kỳ. Xem xong ta có thể nghĩ đến thơ người ày, người khác. Mặc dầu, lần thứ nhất tôi đọc những vần thơ ấy, nó cứ lưu luyến hoài trong tâm trí như tiếng nói một người bạn tuy mới quen mà vẫn thân yêu từ bao giờ.
Thơ Nguyễn Đình Thư không nói chuyện gì lạ: một chút tình thoảng qua, một đêm trăng lạnh, vài con bướm vẽ vành, một buổi chia ly, nỗi lòng người bị tình phụ, đi lại chỉ những buồn thương, những vui sướng rất quen. Nhưng buồn ở đây là một mối buồn âm thầm, lặng lẽ, thấm thía vô cùng, cái buồn không nước mắt, cái buồn của điệu Nam Bình trên sông Hương. Lòng thi nhân như một nguồn sầu vô hạn rưới khắp cảnh vật, bao phủ cả vừng trăng khuya:
Không biết hôm nay trăng nhớ ai
Mà buồn đưa lạnh suốt đêm dài?
Trông chừng quạnh quẽ mênh mông quá
Như trải u hoài muôn dặm khơi.
Buồn cho đến những khi đang vui, những khi yêu và được yêu, cũng buồn. Bài thơ thành ra lời của thi nhân thì thầm một mình: người xem hình như cũng cần phải ngâm rất to. Đọc to lên nghe sỗ sàng thế nào như nghe những bài ca Huế phổ vào cái âm nhạc ầm ỹ của đôi bàn máy hát.
Nhưng thi nhân dễ buồn thì cũng dễ vui. Một chút nắng mới báo tin xuân cũng đủ khiến người vui. Cái vui của Nguyễn Đình Thư có vẻ kín đáo, nhưng không miễn cưỡng, không gượng gạo. Người vui hồn nhiên, cái vui của cây cỏ.
Về điệu thơ thì có đến bốn năm lối. Riêng trong lối lục bát thỉnh thoảng ta lại gặp những câu phảng phất giọng Kiều hay giọng ca dao lẫn với một tí phong vị mới. Chẳng hạn như những câu:
Một thương là sự đã liều
Thì theo cho đến xế chiều chứ sao!
Sa buồn mây nối đồi thông,
Khói cao nghi ngút đôi vùng giang tân.
Có khi lại xen vào một hai tiếng của đàng trong nghe cũng hay:
Cách vời trước biết bèo mây
Chung đôi xưa "nỏ" sum vầy làm chi.
Nhất là chữ "thương" một chũ đầu miệng của người Huế, thi nhân dùng đến luôn và dùng khi nào cũng có duyên (trên kia ta đã thấy một lần):
Mấy bữa trông trời bớt nhớ thương,
Chim say nắng mới hót inh vườn.
Gió xao trăng động hương cành,
Trông ra mấy dặm liều thành thương thương.
Mở lòng đón phong trào mới, điều ấy đã đành, nhưng cũng chớ quên tìm đến nguồn thiên nhiên của nòi giống. Nguyễn Đình Thư đã có ý ấy. Ít nhiều hồn xưa đã ngưng lại trong thơ Nguyễn Đình Thư.
Tháng 1-1941