Thi Nhân Việt Nam - 41. T. T. Kh
41. T. T. Kh
Hồi tháng 9-1937, Tiểu thuyết thứ bảy đăng một chuyện ngắn của Ô. Thanh Châu: "Hoa ti gôn". Ít ngày sau, toà soạn nhận được một bài thơ nhan đề " Bài thơ thứ nhất", rồi lại nhận được một bài thơ nữa: "Hai sắc hoa ti gôn". Hai bài đều ký tên T. T. Kh, và đều nét chữ run run. Từ đấy toà soạn Tiểu thuyết thứ bảy không nhận được bài nào nữa và cũng không biết T. T. Kh ở đâu.
Nhưng sau khi bài thơ kia đăng rồi, xóm nhà văn bỗng xôn xao. Có đến mấy người nhất quyết T. T. Kh chính là người yêu của mình. Và người ta phê bình rất náo nhiệt. Có kẻ không ngần ngại cho hai bài ấy là những áng thơ kiệt tác.
Nói thế đã đành quá lời, nhưng trong hai bài ấy cũng có những câu thơ xứng với vẻ lâm ly của câu chuyện. Cô bé T. T. Kh yêu. Người yêu của cô có nét mặt rầu rầu và có lẽ đã đọc nhiều văn Từ Trẩm Á. Cô bé kể: Những buổi chiều thu, đứng dưới giàn hoa ti gôn.
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc tôi vui;
Bảo rằng: "Hoa giống như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!"
Cô bé ngây thơ không tin. Ai ngờ lời nói văn hoa kia bỗng thành sự thực. Chàng đi...
Ở lại vườn Thanh có một mình,
Tôi yêu gió lạnh lúc tàn canh,
Yêu trăng lạnh lẽo rơi trên áo,
Yêu bóng chim xa, nắng lướt mành
Và một ngày kia tôi phải yêu
Cả chồng tôi nữa. lúc đi theo
Những cô áo đỏ sang nhà khác!
- Gió hỡi, làm sao lạnh rất nhiều?
Ngày ấy là ngày buồn nhất trong đời nàng:
Người xa xăm quá - Tôi buồn quá
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường.
Từ đó mùa thu qua, rồi thu qua. Nàng vẫn luôn luôn tưởng nhớ, nhưng tin buồn chàng nào có hay; cho nên nàng tự hỏi:
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Một nỗi đau đớn trần truồng, không ẩn sau Liễu Chương Đài như nỗi đau đớn của nàng Kiều ngày trước (1).
Cho đến hôm nay, xem chuyện, tình cờ lại thấy cảnh hoa xưa. Nàng không sao cầm lòng được:
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Nhỏ xuống thành thơ, khóc chút duyên!
Bốn năm đã qua từ ngày tờ báo vô tình hé mở cho ta một cõi lòng. Ai biết " con người vườn Thanh" bây giờ ra thế nào? Liệu rồi đây người có thể lẳng lặng ôm nỗi buồn riêng cho đến khi về chín suối?
Tháng 11-1941
--------------------------
(1) Khi về hỏi Liễu Chương Đài.
Cành xuân đã bẻ cho người chuyền tay!