Thiện Ác và Smartphone - Chương 04
LÀM NHỤC CÔNG CỘNG: MỘT LỊCH SỬ NGHÌN NĂM
“Tôi luôn luôn cảm thấy bí ẩn là tại sao người ta lại có thể cảm thấy vinh dự khi làm nhục những người đồng loại của mình.” - Mahatma Gandhi
“Thì ra lòng khinh, trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất diệu để khiến người sinh đê tiện”- Nam Cao, “Tư cách mõ”
Trước Facebook, YouTube và báo mạng, các cộng đồng đã làm nhục công cộng những thành viên phạm chuẩn của mình như thế nào? Nhục nhã là một cảm giác phổ quát, có lẽ chính vì thế mà dường như các xã hội khác nhau, trải qua các thời kỳ khác nhau, đều nghĩ ra những cách làm nhục tương tự nhau, kể cả khi giữa chúng không có giao lưu văn hóa. Các nhà nghiên cứu Joerg Wettlaufer và Yasuhiro Nishimura so sánh các thực hành trừng phạt mang tính làm nhục của Tây Âu và Đông Á từ thế kỷ 13 tới thế kỷ 19, và rút ra ba loại hình thức chính: 1) diễu hành nơi công cộng, nạn nhân có thể trong trạng thái khỏa thân hoặc bị bắt mang một biểu tượng nào đó, một hòn đá, hay một bảng ghi tội lỗi và hình phạt của mình; 2) phơi mặt trước công chúng, ví dụ qua hình thức gông cổ và tay vào một cái giàn gông đặt ở nơi công cộng, và 3) để lại vết tích trên người qua các can thiệp cơ thể như nhúng nạn nhân xuống bùn, đánh roi, cạo đầu hay xăm lên mặt.33 Các loại hình phạt này ít khi được vận dụng riêng lẻ mà hay đi cùng nhau, như ta sẽ thấy ở dưới.
LỊCH SỬ LÀM NHỤC: TỪ TA...
Khói lam chiều, một tác phẩm được nhà văn Lưu Trọng Lư viết năm 1941, cho chúng ta một cái nhìn tốt về làm nhục công cộng ở thời kỳ phong kiến suy tàn. Trong truyện, cái Vịnh, con ông Bá Ngưỡng ở làng Phú Mỹ, chửa hoang.
Vào thời điểm này, xã hội đã văn minh hơn, cái Vịnh không còn bị voi chà ngựa xé hay cạo đầu bôi vôi nữa, nhưng nó vẫn phải đối mặt với một buổi làm nhục công cộng. Hôm cái Vịnh bị một đoàn các “ông Lý, ông Phó, ông trùm và ba bốn thằng xeo bịt khăn tai chó” đột ngột áp giải từ nhà ra chợ thì bố nó thực hiện một cuộc điều đình phút chót với thằng Mõ của làng, thuyết phục nó nhận đã ăn ngủ với cái Vịnh, để cứu thể diện của gia đình mình, với giá ba chục bạc.
Thằng Mõ nhận lời. Không để phí một phút, nó chạy một mạch ra chợ. Lúc này, buổi làm nhục công cộng đang ở cao trào.
Thiên hạ vòng trong, vòng ngoài, đứng xem chật ních... Nó chen lấn hết hơi mới vào được. Nó thấy con Vịnh đương nằm dài trên mặt đất. Trong chợ, các hương chức đang gật gù cùng nhau uống rượu. Dãy bên này thì ông Lý, ông Phó, ông Trùm, ông hương Kiểm, ông hương Bộ... dãy bên kia là các ông hào mục.
Đã ngà ngà hơi men, ông Lý bắt đầu lấy cung: - Hỡi con kia! Mi không biết làng ta xưa nay là một làng có tiếng thuần phong mỹ tục, sao mi dám làm điều xấu xa, trái phép thế kia? Mi ăn nằm với ai thì khai ra đi!
Cái Vịnh bị đe dọa lột hết quần áo và đánh năm chục roi nếu không khai ra ai đã làm nó có mang. May mắn cho nó, thằng Mõ đứng ra nhận là đã ăn ngủ với nó. Cái Vịnh được tha với điều kiện thằng Mõ phải nộp sáu quan tiền phạt để được lĩnh nó về.
“Nám chục roi”, “sáu quan tiền” có lẽ là những mức phạt được quy định trong hương ước của làng Phú Mỹ. Hương ước là những văn bản ghi lại điều lệ, quy ước liên quan đến tổ chức và đời sống sản xuất và xã hội trong làng.34 Hương ước của làng Thiện Kỵ, xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, lập năm 1844, quy định: “Nếu con gái chưa chồng hoang dâm thì phạt tiền 20 quan và cạo đầu, cha mẹ cũng bị phạt 3 quan. Sau khi đẻ con được 100 ngày người con gái hoang dâm đó còn bị phạt 30 roi. Người đàn ông thông dâm cũng bị phạt 3 quan tiền và 50 roi (...) Tiền dâm hậu thú thì phải phạt 4 quan. Trường hợp loạn luân, hay tái phạm thì hình phạt sẽ nặng hơn.”35
Xã Mỹ Phong, huyện Nông Cống, Thanh Hóa, được lập năm 1901, thì đưa ra những hình phạt nhẹ hơn về mặt tài chính và thể xác, chỉ 12 quan tiền và 10 roi cho “phụ nữ gian dâm” cùng 3 quan tiền phạt người nhà. Tuy nhiên, sự trừng phạt tinh thần thì ở mức cao hơn nhiều: người phụ nữ sẽ bị “trói giải đi bêu các ngõ” và “không được cùng ngồi, cùng đi, cùng chuyện trò với người khác.”36
Đó là các quy ước của làng xã, còn luật của nhà nước phong kiến thì sao? Bộ luật Hồng Đức, được ban bố lần đầu trong khoảng niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) đưa ra năm hình phạt (ngũ hình).
Hình phạt nhẹ nhất là xuy, tức là đánh roi, từ 10 tới 50 cái, có thể kèm phạt tiền, áp dụng cho cả nam và nữ. Nặng hơn một bậc là trượng, hay đánh bằng gậy, từ 60 tới 100 trượng, chỉ dành cho nam.
Mức tiếp theo là đồ, tức là làm nghĩa vụ phục dịch, nhẹ thì ở nơi nuôi tằm, nặng thì ở đồn điền nhà nước. Đi kèm là các mức đánh trượng khác nhau. Cũng ở mức này, lần đấu tiên hình phạt thích xuất hiện. Thích là xăm. Nam bị thích từ hai tới bốn chữ vào mặt, nữ bị thích vào cổ.
Trên đồ là lưu, tức là đày đi xa, tới châu gần (Nghệ An), châu ngoại (Quảng Bình), hay châu xa (Cao Bằng), kèm với đánh trượng và đeo xiểng. Bị đày đi châu gần thì bị thích vào mặt 6 chữ, châu ngoại là 8 chữ và viễn châu là 10 chữ?37 Cuối cùng, hình phạt cao nhắt là tử, xử tử, qua các hình thức như chém đầu (trảm), thắt cổ (giảo), hay tùng xẻo (lăng trì).
Thích được duy trì cho tới tận 1815, khi bộ Luật Gia Long của thời nhà Nguyễn ra đời và được áp dụng thay cho bộ Luật Hồng Đức. Luật Gia Long cũng bỏ lăng trì (tùng xẻo), hình thức trừng phạt dã man nhất của nhà nước phong kiến Việt Nam.38
Người ta thích những chữ gì lên mặt hay cổ của người phạm tội? Quê quán của phạm nhân, loại tội, mức độ phạm tội của anh ta? Tám tới mười chữ sẽ thành một hồ sơ pháp lý ở trên mặt? Nhưng bất kể chữ gì, người bị thích không khi nào có thể che giấu quá khứ của mình. Trong trường hợp này, cái nhục là vĩnh viễn.
LỊCH SỬ LÀM NHỤC:... SANG TÂY
Vào thế kỷ thứ 8, Nhật Bản tiếp thu luật hình sự Trung Quốc với năm loại hình phạt mà Việt Nam phong kiến cũng sử dụng: phạt roi, phạt gậy, lao động khổ sai, đi đày và xử tử. Sau này, các hình phạt làm nhục thuần túy như bắt diễu ngoài đường hay phơi mặt trước công chúng cũng hay được sử dụng. Năm 1796, trong một vụ đi tuần ở khu đèn đỏ ở Tokyo, người ta bắt hơn 70 tu sĩ và phơi mặt họ trước công chúng trong ba ngày, sau đó đuổi họ khỏi thành phố.39
Những cuộc diễu hành làm nhục ở Triều Tiên vào thế kỷ 17 được một du khách châu Âu thuật lại như sau: “Nếu một người đàn ông độc thân bị phát hiện trên giường của một phụ nữ đã có gia đình, anh ta bị lột trần chỉ còn quần đùi, mặt bôi đầy chanh, mỗi tai bị đóng một mũi tên, lưng buộc một cái trống nhỏ, và người ta đánh trống trong lúc giải anh ta trên đường phố. Sự trừng phạt kết thúc khi anh ta bị đánh 40 hay 50 gậy trên mông trần, nhưng người phụ nữ thì được phép mặc quần lót khi bị đánh.”40
Một “sáng kiến” phổ quát của các xã hội là cái gông, ở châu Âu từ thời Trung cổ cho tới giữa thế kỷ 19, tội phạm bị gông và bêu giữa chợ. Thoạt tiên dụng cụ này được sử dụng cho những tội nhỏ như bán thịt thiu, hay làm bánh mì nhỏ hơn cỡ quy định, rồi vào thế kỷ 15 và 16 cho các tội lớn hơn liên quan tới đạo đức như ngoại tình và báng bổ thánh thần. Người bị gông có thể trong tư thế đứng, cổ và tay đóng trong gông, để công chúng ném táo thối và xác mèo; hoặc anh ta bị xích cổ rồi nối với còng chân, xích ngắn khiến người bị xích luôn phải ở trong tư thế lom khom. Đã bị gông nơi công cộng là bị mất danh dự và làm nhục khôn tả, tới mức không ai muốn mời người đã từng bị gông ngồi vào bàn ăn cùng.” Những người này không những bị coi như vô đạo đức và đồi bại, mà còn mắc tội làm mất thanh danh của cả một khu phố và giáo xứ.41
Ở Trung Quốc, từ thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, và các nước Đông Á và Đông Nam Á khác (trong đó có cả Việt Nam), gông di động (tức là không được đóng xuống đất) hay được sử dụng. Trên mặt gông có thể có dán giấy cung cấp thông tin về tội ác và phạm nhân. Sự khốc liệt của loại gông này nằm ở chỗ tuy hai tay của nạn nhân có thể tự do, nhưng cái gông cồng kềnh như mặt một cái bàn nhỏ khiến họ không tự đưa thức ăn lên miệng được, và vì thế dần dần chết đói nếu không có người qua đường hay người nhà cho ăn,42
Đóng một vết nhơ lên mặt người phạm tội cũng không phải “phát minh” của riêng các vua chúa Việt Nam; ở châu Âu, nó là một hình phạt phổ biến, bắt đầu từ thời Hy Lạp cổ đại.43 Trong tiếng Anh, động từ stigmatize, kỳ thị, bắt nguồn từ chữ Hy Lạp cổ, stigma, và có nghĩa là dấu bỏng bởi sắt nung. Theo nhà triết học Marta Nussbaum, người ta chọn khuôn mặt của phạm nhân để đóng sắt nung lên, không những vì đó là chỗ dễ nhìn thấy nhất, mà còn vì đó là nơi chứa đựng nhân tính và tính cá nhân của người đó.
Không chỉ những người phạm luật bị đóng dấu, mà còn là những người nô lệ, những kẻ lang thang hay thuộc về một thiểu số tính dục hay tôn giáo nào đó. Ở thế kỷ 16, những người Đức không chịu gia nhập Công giáo bị đóng sắt đỏ một chữ thập vào trán. Ở Pháp, người ta không đóng dấu loại tội, mà hình phạt, ví dụ TFP (travaux forcés à perpetuité - lao động khổ sai cả đời). Hình thức này kéo dài tới tận 1832. Ở Bắc Mỹ vào thế kỷ 17, những người bị buộc tội ngoại tình bị đóng chữ A vào ngực. Chữ D được dùng cho tội say rượu và chữ B cho tội báng bổ Chúa.44 Những người nô lệ thường bị đóng sắt nung đỏ vào bàn tay, vai, mông hay má.45 Chủ nô lệ truy tìm nô lệ chạy trốn bằng những dấu nung này như người ta tìm gia súc bị mất. “Tôi đốt chữ M vào má trái của cô ta,” một chủ nô lệ mô tả kẻ tẩu thoát như vậy.46 Một chủ nô lệ khác, vào năm 1848, mô tả nô lệ chạy trốn của mình “cô ta có một vết sắt nung trên ngực, trông giống như chữ L.”47
Ở Anh, theo luật quản lý những người lang thang của năm 1547, những người lang thang và người Digan bị đóng chữ V lên ngực. Nô lệ chạy trốn bị đóng chữ S lên trán hoặc má. Tác giả Alexander Smith mô tả một vụ đóng sắt nung:
“Một đạo luật có hiệu lực tới năm 1822 yêu cầu kẻ cắp bị đóng dấu bằng sắt nung đỏ ở chỗ “nhìn thấy rõ nhất ở má trái, gần mũi nhất”... Hình phạt được tiến hành dưới sự trông coi của một quan tòa, và sau khi xong việc, người được giao việc ấn cái sắt vào má tội phạm để tạo ra một chữ T lớn (“thief”- kẻ cắp), sẽ xướng lên ‘Một cái dấu ra trò, thưa ngài’, mặc dù ấn mạnh hay nhẹ là phụ thuộc vào nắm tiền mà thủ phạm đã nhét vào tay anh ta trước đó.”48
LÀM NHỤC THỜI HIỆN ĐẠI
Làm nhục, ở nơi công cộng hay trước tập thể cơ quan, tiếp tục được thực hành thường xuyên trong nửa sau của thế kỷ 20 ở Việt Nam. Trong Cát bụi chân ai, hồi ký in năm 1993 của nhà văn Tô Hoài, tác giả hồi tưởng lại chuyện xảy ra với nhà thơ Xuân Diệu. Trong một thời gian dài, Tô Hoài và Xuân Diệu sống với nhau, đi công tác với nhau, nói chuyện thơ văn với người dân cùng nhau. Xuân Diệu mê con trai. Trong truyện, Tô Hoài mô tả những đêm Xuân Diệu tìm đến mình một cách say mê, khi hai người ở Tam Đảo.
Cuối cùng, các hành vi của Xuân Diệu bị chính thức đưa ra cơ quan. Cuộc kiểm điểm Xuân Diệu kéo dài hai tối. “Cả cơ quan họp đến khuya,” với sự tham gia của tất cả mọi người, trừ nhà văn Phan Khôi “vẫn đi ngủ từ chặp tối, bỏ ngoài tai mọi việc”.
“Xuân Diệu chỉ ngồi khóc. Không biết Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Trọng Hứa, Nguyễn Văn Mãi, cả lão Hiển, thằng Nghiêm Bình, những thằng Đại, thằng Đắc, Tô Sang và mấy thằng nữa, có ai ngủ với Xuân Diệu không, tất nhiên không ai nói ra. Tôi cũng câm như hến. Lúc rồ lên, trong đêm tối quyến rũ, mình cũng điên kia mà, chứ có phải một mình Xuân Diệu đâu. Không nói cụ thể việc ấy nhưng ai cũng to tiếng, to tiếng gay gắt nghiêm trang phê phán tư tưởng tư sản, tư tưởng tư sản xấu xa phải chừa đi. Xuân Diệu nức nở nói đấy là tình trai của tôi... tình trai...! rồi nghẹn lời, nước mắt ứa ra, không hứa hẹn sửa chữa gì cả.”
Xuân Diệu nhận một vết “thích” vô hình trên mặt. Cuộc làm nhục công cộng biến ông thành một người khác. Xuân Diệu bị đưa ra khỏi ban thường vụ.
“Từ đấy không ai nhắc nhở đẽn những việc chủ chốt ở ban thường vụ trước kia Xuân Diệu đã phụ trách. Bỗng dưng, Xuân Diệu thành một người có thì giờ chỉ chuyên đi và viết. Mà Xuân Diệu cũng tự xa lánh mọi công tác.”49
Giáo dục đạo đức thông qua làm nhục công cộng vẫn là một triết lý được chính quyền thực hiện sau 1975 cho tới thời kỳ Đổi Mới. Đầu thập kỷ 1980, nhạc vàng, “nhảy đầm”, tóc dài, quần loe, áo đuôi tôm bị cấm vì không phù hợp với “nếp sống văn minh”. Nhiều người bị các đoàn viên hay công an giữ lại và cắt quần, cắt tóc giữa đường.50 Trong một bức ảnh không rõ nguồn, người ta thấy một thanh niên tóc dài trùm tai, đầu cúi gằm, hai tay để sau lưng, dường như là bị trói, bị áp giải diễu phố. Trước ngực, anh ta đeo một cái biển lớn để tên mình và ở dưới là “MÊ NHẢY ĐẦM”. Đi sau một đoạn ngắn là bốn người bộ đội mặc quân phục, vây xung quanh là một lũ thiếu niên và trẻ con.
Cũng với cách thức tương tự như vậy, ở Pháp, sau khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, những người phụ nữ bị buộc tội giao du, ăn nằm với lính Đức Quốc xã trong thời gian Pháp bị chiếm đóng (người ta gọi họ là những “cộng tác viên nằm ngửa”), bị cạo trọc đầu, vẽ dấu chữ thập lên trán và má, rồi diễu qua các phố. Đám đông đàn ông, phụ nữ, trẻ em thích thú rùng rùng kéo theo, ước chừng có gần 20 nghìn người phụ nữ đã bị đối xử như vậy.
Cắt tóc là một biện pháp kinh điển để tước đi tính cá nhân của một bản thể, nó được thực hành với tù nhân, với những người ngoại tình ở Việt Nam thời phong kiến, với những thanh niên thích nhạc punk ở bang Aceh ở Indonesia hiện nay. Ở Trung Quốc người ta dùng hình phạt này từ thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên, ở Nhật Bản, người phạm tội ngoại tình hay hiếp dâm bị cạo nửa đầu, để tránh bị nhầm với nhà sư.51
“Bôi nhựa và dính lông” là một biện pháp họ hàng với cạo đầu bôi vôi nhưng kinh khủng hơn nhiều lần. Biện pháp làm nhục và tra tấn này được nhắc tới lần đầu ở Anh vào thế kỷ 12, và được sử dụng ở châu Âu và Bắc Mỹ cho tới tận đầu thế kỷ 19.52 Người ta đổ hắc ín hay nhựa thông nóng lên người nạn nhân trần truồng rồi bắt lăn qua lông chim để trở thành một con gà khổng lồ trước khi bắt đi diễu phố trong đau đớn.
Ngày nay, làm nhục công cộng vẫn xảy ra ở nhiều quốc gia. Công an Trung Quốc thường xuyên bắt các cô gái bán dâm diễu hành trên phố. Họ đồng loạt mặc áo khoác vàng, tay đeo còng số tám giằng vào nhau, đầu cúi gằm. Hai bên đường là hàng nghìn người dân ồ à, các phóng viên chạy đằng trước bấm máy ảnh tanh tách.
Hơn một thập kỷ trước, ông Alfredo Lim, thị trưởng Manila, Philippines, cho xịt sơn đỏ lên 200 căn nhà của những người bị buộc tội buôn bán chất cấm nhưng chưa bị kết án. Nhiều địa phương khác noi theo.
Phạt bằng roi vẫn thường xuyên được tổ chức ở bang Aceh, Indonesia để trừng phạt những người mắc tội chơi bài, ngoại tình, hay độc thân mà ngồi với người khác giới. Trong những bức ảnh trên báo, người ta có thể thấy trẻ em chen chúc trong đám đông, mọi người lăm lăm smartphone trên tay. Trước kia, luật không cho phép người quật roi vung tay quá vai, nhưng đã được đổi vào năm 2013, nhằm để có những cú quật đau hơn. Trước mỗi roi, dám đông reo hò cổ vũ người cầm roi như cổ vũ một võ sĩ quyền Anh, và tỏ ra thất vọng khi thấy số roi “không thích đáng”.53 Nhiều nạn nhân bất tỉnh và phải được cáng tới xe cứu thương, không rõ vì đau đớn thể xác hay áp lực tinh thần.
Gắn đây nhất, ở Việt Nam, một nữ học sinh bị bắt đeo biển “Tôi là người ăn trộm” đứng trước cửa hiệu sách. Một người đàn ông ăn trộm gà quần áo tả tơi bị trói giật cánh khuỷu, ngồi bệt, mồm ngậm một cái chân gà. Trải qua các thế kỷ, dường như phản xạ chà đạp lên nhân phẩm của người phạm chuẩn và niềm tin vào tính chính danh của các hình thức trừng phạt mang tính lăng nhục vẫn dai dẳng tồn tại. Chỉ có hình thức làm nhục công cộng đã thay đổi, những trận đòn giữa chợ không mất đi, chúng được bổ sung bằng những trận ném đá trên mạng. Vết xăm trên mặt được thay thế bởi vết nhơ online. Nhưng có một điểm không thay đổi, chúng tồn tại như một lời mời cho kỳ thị và định kiến.