Thiện Ác và Smartphone - Chương 05
NHỮNG NGHI THỨC HẠ NHỤC
“Có thể mâu thuẫn một chút khi ta gọi ‘nhục nhã’ là một cảm xúc, vì ban đầu thì nhục nhã làm đau đớn, nhưng sự làm nhục liên tục dẫn tới cái chết của cảm giác. Nhục, giống như cái lạnh, về bản chất là sự thiếu hơi ấm. Và khi nó đạt tới mức độ mạnh mẽ bao trùm, nhục được cảm nhân như sự lạnh giá, một cảm giác của chết chóc và tê liệt. Trong ‘Inferno’ của Dante, tầng thấp nhất của địa ngục không phải là nơi của lửa thiêu, mà của băng đá, của giá lạnh tuyệt đối.” -James Gilligan
“Nhục nhã là chốn sình lầy của tâm hồn.”- Brene Brown
Chiều ngày 15 tháng 3 năm 2012, hôm đó Hà Nội vẫn còn lạnh, hơn 200 người yêu sách, áo khoác, khăn choàng, chen nhau đứng ngồi chật cứng trong Không gian Sáng tạo Trung Nguyên. Nhã Nam ra mắt Lolita, bản dịch tiếng Việt của Dương Tường, “viên ngọc gây tranh cãi của văn học thế kỷ 20”, theo lời giới thiệu của thông cáo báo chí.
Sự kiện đã được chờ đợi từ lâu. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Vladimir Nabokov về cuộc tình bệnh hoạn và ám ảnh của Humbert, một người đàn ông gần 40 tuổi, với cô bé Lolita 12 tuổi, và chuyến đi lang thang trên nước Mỹ của họ qua giọng kể của Humbert, là một thách thức khổng lồ với bất cứ người dịch của bất cứ ngôn ngữ nào. Dương Tường bắt tay vào Lolita vào đầu 2009. Mùa hè năm sau, báo Thể thao và Văn hóa cho biết ông tranh thủ dịch giữa các hiệp của World Cup 2010. “Với sức tưởng tượng và tài năng của Nabokov (...) chơi chữ, đảo chữ, điệp vần, nghĩa lồng trong nghĩa; Dương Tường nhiều khi mất ăn mất ngủ vì một chữ, không biết bao nhiêu lần phải sửa đi sửa lại bản dịch,” một người bạn ông cho biết.
Sau hơn hai năm, công trình 430 trang được hoàn thành, đặc biệt với hơn 500 chú thích tỉ mỉ của dịch giả, được coi là những chiếc “chìa khóa thoát hiểm” để giúp độc giả thoát khỏi “những cái bẫy của nhà phù thủy ngôn ngữ Nabokov”. “Tôi đi vào việc dịch Lolita như một cuộc phiêu lưu, vì yêu Nabokov, yêu Lolita (...) Tôi rất vui vì đã làm được một việc hơn mình một chút,” Dương Tường phát biểu trong cuộc họp báo.54 Cách đó vài tháng ông vừa đón sinh nhật 80 tuổi của mình. Lolita được coi là một đóng góp quan trọng vào gia tài và uy tín dịch thuật của cây đại thụ Dương Tường, được xây dựng qua năm thập kỷ, với hơn 50 đầu sách, từ Tchekhov, Tolstoy tới Murakami và Marcel Proust.
Nhưng rất nhanh chóng, những hoài nghi về chất lượng dịch thuật nổi lên. “Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm” (cách dịch “on the dotted line” của Dương Tường) đã đi vào lịch sử dịch thuật Việt Nam như một vụ tranh cãi nóng bỏng và dai dẳng nhất. Khi bụi lắng xuống, Lolita hoặc được coi là “thảm họa dịch thuật”, “dịch sai từ dòng đầu tiên và dốt tới chữ cuối cùng”, hoặc được coi là “giữ nguyên được văn phong riêng của tác giả” và “bản dịch hay nhất của Dương Tường từ trước tới nay”.
Tháng 10, Lolita, lúc này đã tái bản, được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng về dịch thuật của 2012. Dịch giả Đoàn Tử Huyến chốt lại: “Giải thưởng cho Lolita là đã rõ, rõ ở giá trị của tác phẩm, cả bản gốc và bản dịch. Tôi nghĩ không phải nói thêm nhiều nữa.”55 Trên mạng, một số ý kiến cho rằng quyết định này của Hội Nhà văn Hà Nội thể hiện “thái độ bao biện, mập mờ, gian dối và bè cánh” của Dương Tường và bạn bè, rộng hơn là của giới trí thức “chính thống” Việt Nam.
Câu chuyện tưởng chừng đã kết thúc. Nhưng đầu tháng 7 năm 2013,15 tháng sau buổi ra mắt ở Cà phê Trung Nguyên kia, một cư dân mạng với biệt danh Haze Dolores (cũng là tên cúng cơm của cô bé Lolita) kích nổ một quả bom. Theo người này, hầu hết 500 chú thích của Dương Tường được ông dịch từ cuốn Lolita bình chú của tác giả Mỹ Alfred Appel Jr., một nhà nghiên cứu về Nabokov và cũng là học trò của nhà văn. Lolita bình chú cung cấp 900 chú thích tỉ mỉ về các đùa giỡn ngôn từ, những ám chỉ, châm biếm và tham khảo chéo trong cuốn tiểu thuyết.
Các báo đồng loạt chạy tít “Lolita lại gây tranh cãi”. Đến thời điểm này, Lolita có lẽ đã trở thành tác phẩm văn học nổi tiếng nhất Việt Nam, chắc chắn nhiều người trước đó và sau này không bao giờ biết thêm tới một cuốn tiếu thuyết nào khác nữa. Một tuần sau, Dương Tường công khai thừa nhận ông đã sử dụng thông tin từ cuốn sách kia cho gần một nửa các chú thích của mình, nhưng chỉ nhắc tới nguồn này ở một chỗ. Trong khi đó, lời nói đầu của bản dịch ghi rõ: “Mọi chú thích trong sách đều là của người dịch.”
Phát ngôn của Dương Tường được đăng tải trên hàng chục tờ báo:
“Tôi rất buồn, có cảm giác như mình ăn gian và không trung thực với độc giả. Họ xếp mình vào họ ‘đạo’ là đúng rồi. Có lỗi thì phải chịu thôi. Tôi xin độc giả thứ lỗi.”56
Tưởng như câu xin lỗi của Dương Tường có thể khép lại câu chuyện. Nhưng ngược lại, nó lại là ngòi nổ cho cơn bão căm ghét. Khác với vụ bảo mẫu hay hai anh em ăn cắp kính, cơn bão lăng nhục Dương Tường có quy mô nhỏ hơn, do đặc thù của câu chuyện, nhưng cũng dai dẳng hơn rất nhiều. Tới hơn một năm sau những lời thóa mạ vẫn xuất hiện không mệt mỏi trên một số diễn đàn mạng: “Các bạn là mẹ, mà lại chấp nhận được 1 thằng ăn trộm ăn cắp? Các bạn không sợ con cái mình lớn lên cũng như Dương Tường à?” và “dịch thì đã sai be bét, lại còn đi ăn cắp kiến thức, đúng là thô bỉ! Cái nước mình dột từ nóc” và “Văn hóa lớp 4. Chỉ giỏi đàn đún gái mú. Viết tiếng Việt còn chả xong nữa là đi dịch” và “Tôi mà có loại con ăn cắp như thằng này là tôi tát vỡ mặt ngay, ở đó mà bênh” và “Nó ăn cắp thì cần gì phải tôn trọng nó nữa, trên đời này chỉ có bọn ăn cắp tôn trọng thằng ăn cắp mà thui”.
NHỤC: CHÂN DUNG MỘT CẢM XÚC
Trong tiếng Anh, chữ làm nhục, humiliate, có gốc La tinh là humus, tức là đất. Bị làm nhục là bị biến thành đất bụi. Nhà tâm lý học Evelin Lindner định nghĩa làm nhục là hành vi hạ thấp đối tượng, khuất phục họ, tước đi tự hào và danh dự của họ. Giẫm đạp lên họ, ấn họ xuống đất, dồn họ vào tường.57 Chính vì thế mà bức ảnh chụp hai bảo mẫu đứng trước tường, trước mặt là ba hàng máy ảnh, lại thay thế được hàng nghìn lời nói.
Khác với cảm giác mắc lỗi, cảm giác nhục nhã tấn công vào toàn bộ con người. Thay vì lên án một hành vi (“anh đã làm một việc xấu”), lăng nhục lên án cá nhân đó (“anh là một người xấu”), đánh đồng hành vi đó với bản chất con người đó, bỏ qua tất cả các khía cạnh khác. Người thấy mình có lỗi nói “Tôi đã làm một điều tồi tệ”. Người có cảm giác nhục nhã nói: “Tôi là một kẻ tồi tệ”. Cảm giác có lỗi làm người ta muốn sửa sai, muốn chứng tỏ mình làm được điều tốt đẹp hơn. Cảm giác nhục nhã làm người ta tê liệt, muốn ẩn náu, bỏ trốn. Đó là lý do lăng nhục chỉ phá hủy mà không đem lại thay đổi.
Liệu có thể đo được mức độ trầm trọng của sự lăng nhục và mức độ phá hủy của nó với nạn nhân? Theo các tác giả Walter J. Torres và Raymond M. Bergner, các khía cạnh sau có thể được xem xét:58
Cộng đông chứng kiến sự lăng nhục quan trọng thế nào với nạn nhân? Sự lăng nhục có xảy ra trong một cộng đồng gắn với căn tính chủ đạo của nạn nhân, ví dụ cộng đồng y học đối với một bác sĩ, hay chỉ ở một môi trường ngoại vi, như là câu lạc bộ tennis của anh ta?
Người lăng nhục quan trọng thế nào với người bị làm nhục? Họ là người thân, đồng nghiệp, fan hâm mộ, hay chỉ là người xa lạ?
Mức độ phổ biến của sự lăng nhục như thế nào? Chỉ vài cá nhân, một tập thể nhỏ, hay thậm chí cả quốc gia biết tới sự lăng nhục này?
Sự lăng nhục nhận được sự tán thành rộng rãi hay không? Có sự nhất trí cao là nạn nhân xứng đáng bị đối xử như vậy không?
Và cuối cùng, tính độc địa của sự lăng nhục như thế nào? Các hành vi và lời nói càng độc địa thì tính phá hủy của chúng càng cao.
Nhìn vào những khía cạnh trên, chúng ta thấy lăng nhục trên mạng có thề đạt điểm tối đa ở mọi mặt: nó được tán thành rộng rãi, lan rộng khắp nơi, và thường có mức độ độc địa cao nhất. Chỉ có một an ủi duy nhất, đó là những người làm nhục không nhất thiết phải là những người gần gũi nhất với nạn nhân, phần lớn họ là những người không quen biết. Nhưng số lượng của họ, cộng hưởng với truyền thông, tạo ra một mức phá hủy nghiêm trọng, share và like tới vô cùng.
Cảm giác chung của những người bị làm nhục là tuyệt vọng và bất lực. Sự lăng nhục xé rách cái cốt lõi của một cá nhân, nhục nhã khiến họ bị đóng băng và trở nên vô phương hướng. Đó là lý do họ có khả năng tự sát cao. Đánh mất lòng tự trọng và sự tự tin về giá trị của bản thân, người bị làm nhục có xu hướng coi mình là phế phẩm, không xứng đáng để được yêu thương, để được kết nối. Bị tước mất căn tính, nạn nhân có thể phải di chuyển tới một cộng đồng khác để khôi phục lại vị trí xã hội của mình, và chỉ dám âm thầm lên mạng, sợ hãi khi người khác nhận ra mình.
Khi lăng nhục phá hủy chỗ đứng xã hội của một cá nhân, họ cũng mất tiếng nói, khả năng đáp trả và quyền được lắng nghe. Trong những vụ làm nhục công cộng chúng ta đã thấy tới giờ, không nạn nhân nào đủ dũng cảm lên tiếng, không ai có nhu cầu nghe họ.
Monika Lewinsky mất 17 năm để tìm lại tiếng nói của mình. Đầu năm 1998, cuộc tình của cô, lúc đó là một thực tập sinh 25 tuổi, với tổng thống Bill Clinton, bị đưa ra ánh sáng, biến cô thành nạn nhân quy mô toàn cầu đầu tiên của làm nhục công cộng thời Internet. Chỉ có vài năm trước đó thôi, người ta vẫn tiêu thụ thông tin và thời sự chủ yếu qua báo chí, radio và ti vi. Câu chuyện của Lewinsky là “một cú nhấn chuột làm rung chuyển thế giới”, theo lời của chính cô. Trong những ngày tháng đó, mẹ của Lewinsky bắt cô mở cửa buồng tắm khi tắm, và đêm đêm ngồi bên giường cô để canh không cho cô tự tử.
Monica Lewinsky bị làm nhục ở mức độ nào? Ở mức khó để hình dung ra được. Cô nói rằng tên cô xuất hiện trong gần 40 bài rock và rap, từ của Beyoncé tới Eminem. New York Magazines cẩn thận đếm lại, và hóa ra Lewinsky đã nhầm to: có tới 128 bài hát, từ tiếng Anh, Pháp, Đức tới Tây Ban Nha và Ba Lan, nhắc tới tên cô. Có hai bài hoàn toàn nói về cô, trong đó một bài mang cái tên rất hình ảnh là “Bắn tung tóe lên Monica”. Một ca sĩ hồi tưởng về thập kỷ 90: “Thời đó, khi Billy Clinton tóm được l... của Lewinsky, mọi thứ thật tốt đẹp”. Trong 70 bài, tên cô được dùng như một động từ để thay thế cho động từ kích thích dương vật bằng miệng. Nhiều bài khác dùng tên cô thay cho động từ lên đỉnh. Một loại bài khác nữa biến tên cô thành một danh từ để chỉ loại các cô gái điếm sẵn sàng dùng cơ thể để câu đàn ông quyền lực.59
Trong 17 năm, Lewinsky vật lộn với cuộc sống, bị trầm cảm, liên miên gặp các bác sĩ tâm lý. Năm 2015, cô bước ra ngoài ánh sáng, và bằng một bài diễn thuyết nổi tiếng trên TED, hướng sự chú ý của công luận tới số phận của những nạn nhân như cô.
NHỮNG NGHI THỨC HẠ NHỤC
Có gì khác nhau giữa quá trình làm nhục như đã xảy ra với những cá nhân như Dương Tường, hai anh em Tiến Dũng, Hồng Phương hay Monica Lewinsky, và sự trừng phạt chúng ta vẫn thấy trong gia đình hay nhà trường? Bố mẹ có thể phạt con, nhưng sau đó vẫn thương yêu nó, nó vẫn giữ nguyên vị trí người con trong gia đình. Giáo viên có thể phạt một học trò, nhưng nó vẫn là một thành viên của lớp, ngang hàng với các bạn khác.
Ngược lại, những cuộc làm nhục công cộng có một thuộc tính đặc biệt. Chúng là những nghi thức hạ nhục.
Những nghi thức hạ nhục (degradation ceremony), theo chữ của nhà xã hội học Harold Garfinkel, là những nghi lễ lên án và tố cáo, nhằm đánh tụt vị thế xã hội của người bị cho rằng có hành vi lệch chuẩn.60 Gọi là nghi lễ vì chúng có cấu trúc chung: bao gồm kẻ phạm tội, hành vi gây tội, những người lên án, và công chúng chứng kiến. Đi qua nghi lễ này, kẻ bị lên án chuyển hóa từ “người” hay “công dân” thành “kẻ xấu” và “phạm pháp”. Bản thể của anh ta được tái định nghĩa, anh ta trở thành một con người mới. Dường như căn tính cũ của anh ta chỉ là cái vỏ, nay bị xé toạc ra, để lộ căn tính mới, mà cũng chính là căn tính góc từ trước tới nay, giờ đây không che giấu được với ai nữa. Người bị vạch mặt không chỉ bị đánh tụt trên cái thang xã hội, nghi thức hạ nhục khiến anh ta “lộ nguyên hình”. Cái vỏ cô gái 19 tuổi vụng về của Thiên Lý bị xé bỏ, để lộ căn tính của “ác quỷ”. Tương tự, cái mặt nạ mang hình hài “dịch giả đại thụ” của Dương Tường bị lột ra, để lộ bản chất thật, được một cư dân mạng mô tả bằng câu: “Chắc chắn trước đó nó cũng đã ãn cắp, mà sau này nó còn ăn cắp nữa.” Trong nghi lễ hạ nhục, Garfinkel viết, những người lên án xướng lên lời nguyền: “Hãy làm chứng. Hắn ta không phải là cái hình dạng bên ngoài của hắn, hắn khác cơ, và trong bản chất hắn là một giống thấp kém hơn.”61
VẾT NHƠ
Trong nhiều trường hợp, người bị hạ nhục bị coi là mối đe dọa cho đạo đức hay trật tự của cộng đồng, bị đẩy ra ngoài rìa, bị coi là “không thuộc về chúng ta” nữa, không đáng được tin cậy, không được chấp nhận hay tha thứ, không được hưởng tình đoàn kết và tương trợ. Kẻ bị hạ nhục trở nên cô đơn.
Anh ta bị đóng một vết nhơ.
Vết nhơ, stigma, như chúng ta đã biết từ chương trước, là chữ Hy Lạp có để chỉ vết sắt nung đóng lên mặt hay cơ thể của những người mà xã hội cần tránh xa: nô lệ, tội phạm, vô đạo đức, kẻ phản bội.
Vết nhơ báo hiệu vấn đề, một sự khác biệt, không bình thường, thấp kém, nguy hiểm, cần xa lánh, cách ly.
Người ta có thể bị đóng vết nhơ bởi muôn ngàn lý do: người đồng tính, người khuyết tật, người có HIV, người đã từng phạm tội, phụ nữ không lập gia đình, phụ nữ ly dị v.v. Vết nhơ dẫn tới định kiến. Người có HIV được mặc định là hư hỏng, phụ nữ không có con là ích kỷ, người đồng tính là bị bệnh tâm thần. Định kiến dẫn tới kỳ thị và phân biệt đối xử. Vết nhơ là giấy phép để người ta coi người bị dán nhãn không hẳn là người. Kể cả khi vết nhơ không liên tục tác động vào những việc làm hằng ngày của cá nhân bị dán nhãn, nó vẫn ở trong ký ức và tâm trí của anh ta. Anh ta sống trong trạng thái lưu vong trong xã hội của chính mình.
Vết nhơ có đặc thù là nó trở thành trạng thái chủ đạo của một cá thể. Trạng thái chủ đạo là khía cạnh quan trọng nhất của căn tính cá nhân, nó được biết tới đầu tiên, và thường định hình cuộc đời của anh ta. Trạng thái chủ đạo áp đảo các trạng thái khác của người đó. Một chính trị gia được nhìn trước hết là một quan chức, sau đó mới là người ông, hay kỹ sư. “Hot girl” có thể là một trạng thái chủ đạo của một cô gái trẻ, mặc dù cô ấy còn là người con hay sinh viên. Hơn tất cả các trạng thái khác, trạng thái chủ đạo quyết định cá nhân đó được người khác nhìn nhận và đối xử như thế nào, và quyết định cách anh ta nhìn nhận bản thân mình.
Người ta thường nhìn vào vết nhơ đầu tiên. Một người đồng tính có thể là một nhà toán học hay một Phật tử, nhưng những yếu tố này thường là thứ yếu so với trạng thái “đồng tính” của anh ta. Một học trò được chẩn đoán ung thư được coi trước hết như một bệnh nhân ung thư, thay vì là một đứa trẻ nghịch ngợm.62
Năm 2005, một cô sinh viên Hàn Quốc trở nên “nổi tiếng” khi từ chối dọn chỗ phân mà con chó của cô vừa ị ra trong toa tàu điện ngầm ở Seoul. Ảnh của cô cùng con chó và bãi phân dưới sàn được đưa lên mạng, cái tên “cô gái phân chó” ra đời. Vụ việc lên hình trong chương trình thời sự của cả nước và thậm chí cô còn “được” nhắc tới trong các buổi thuyết giáo tại các nhà thờ Hàn Quốc ở Washington, Mỹ. Cô phải rời bỏ trường đại học của mình.63
Tới lúc này, những số phận như của cô gái này không còn xa lạ với chúng ta. Nhưng đáng suy nghĩ là bình luận của một trang mạng. “Cô gái này đã đạt được những gì khác trong cuộc đời mình? Cô ấy muốn gì, cô có tài năng gì? Chúng ta sẽ không bao giờ biết được.” Bài báo suy ngẫm, rồi kết luận. “Từ giờ trở đi, cô ấy là ‘cô gái phân chó’.”64 Một sự dán nhãn hoàn hảo.
Bài báo trên nhắc tới một điều mà các nhà xã hội học đã nhận ra từ lâu: xã hội không có cơ chế để người bị dán nhãn lấy lại được căn tính trước kia của họ, để họ tẩy vết nhơ và trở thành người bình thường.
Không cần viện tới kiến thức hàn lâm, một bài báo cũng xác nhận điều này trong câu chuyện của hai bảo mẫu Đông Phương và Thiên Lý: “Vết nhơ này sẽ theo suốt cuộc đời của các bảo mẫu.”
Một người căm ghét Dương Tường tái khẳng định bằng bình luận của mình: “Dương Tường sẽ mãi mãi là thằng ăn cắp, 100 năm nữa, 1000 năm nữa cũng vẫn thế.”