Thiện Ác và Smartphone - Chương 14
TỘI LỖI VÀ...
TRỪNG PHẠT VÀ...
“Tôi không có quyền phán xét cuộc đời của một người khác. Tôi phải phán xét, phải chọn, phải từ chối, chỉ cho riêng mình tôi. Cho riêng bản thân tôi” - Hermann Hesse
“Vết thương bắt đầu lành khi người ta cảm thấy họ được lắng nghe.” - Cheryl Richardson
Trong một thế giới lý tưởng, theo hình dung của tôi, báo chí sẽ không chỉ tường thuật tỉ mỉ phiên tòa xử hai bảo mẫu Đông Phương và Thiên Lý, mà chạy bài hoan nghênh họ quay lại với cộng đồng vào ngày họ ra tù, nâng họ lên ngang hàng với những công dân khác trong xã hội, chính thức tẩy đi cái nhãn “tội phạm” của họ. Cư dân mạng sẽ gửi lời chúc họ mọi sự tốt đẹp, ngỏ ý giúp đỡ họ tìm nơi ở hay việc làm, và quyên góp tài chính hay vật dụng cơ bản để giúp họ bắt đầu lại cuộc sống dân sự.
Trong thế giới lý tưởng này, chính quyền địa phương sẽ kết nối để họ cùng gia đình tới gặp gỡ gia đình các nạn nhân. Đó là cơ hội để họ hiểu được một cách sâu sắc những nỗi đau mình đã gây cho những gia đình kia, để xin lỗi, ăn năn, hối hận, và xin sửa sai. Đây cũng là cơ hội để những gia đình nạn nhân hiểu được vì sao các bảo mẫu đã hành động như họ đã làm, biết thêm về các mặt khác của con người họ, dẫn tới buông bỏ cảm giác oán giận còn sót lại.
Đây cũng là cơ hội để đại diện cộng đồng nói với hai bảo mẫu rằng mặc dù lên án các hành vi quá khứ của họ, họ vẫn được coi là những thành viên quan trọng của cộng đồng, không phải những kẻ ngoài lề. Tất cả sẽ uống trà và bắt đầu một quá trình tha thứ và hòa giải, có thể trắc trở vì nỗi đau vẫn còn chưa lành, nhưng thiện chí và đầy thấu cảm vì mọi người đều biết rằng không ai là hoàn hảo.
Có thể coi đây như một nghi lễ tẩy rửa tội lỗi, phục sinh, và tái hòa nhập.
NHỮNG NGHI LỄ TẨY RỬA TỘI LỖI
Nghi lễ đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời. Khai giảng, lễ tốt nghiệp, lễ thành hôn là những sự kiện bản lề đánh dấu những chuyển đổi hay bước ngoặt trong đường đời, khép lại một chương trong quá khứ, mở ra một chương mới, tiễn biệt con người cũ, chào mừng con người mới. Ở một số nước, trong buổi tối cuối cùng trước đám cưới, cô dâu và chú rế, mỗi người cùng bạn bè của mình đi riêng ra ngoài tiêu khiển tới khuya, như là một nghi thức tiễn biệt con người độc thân, tuổi trẻ và sự tự do của mình, vừa mất mát ngọt ngào nhưng vừa nhìn vào tương lai với hy vọng.
Không chỉ để phục vụ người trong cuộc, nghi lễ có ý nghĩa lớn với những người xung quanh. Chuyến đi xa lần đầu của một thanh niên mới lớn là một nghi lễ không những nhằm chứng minh cho bản thân anh ta mà còn cho gia đình, người thân, thầy cô giáo, là anh ta đã đủ tự lập và trưởng thành, cũng như để chính thức thiết lập một tự do cá nhân mà trước đó cậu ta không có. Tang lễ không có ý nghĩa gì với người đã chết, nó hoàn toàn chỉ để phục vụ cho người sống.
Quá trình tách người phạm chuẩn ra khỏi cộng đồng đi qua nhiều nghi lễ. Phiên tòa xét xử là một nghi lễ kinh điển với trình tự và quy ước được xác định rõ ràng. Những thủ tục nhập trại giam cũng là một nghi lễ nhằm lột căn tính cũ, bản sắc riêng của người tù, thể hiện qua quần áo, hoàn cảnh gia đình và công việc. Người vào tù đi qua một “cái chết dân sự” và trở thành một con người mới, một phạm nhân, không có bản sắc, trang phục, thức ăn, hay không gian sống riêng, không có gì để phân biệt anh ta với các phạm nhân khác.
Có thể chưa tới dự một phiên tòa hay chưa bước chân vào một trại giam bao giờ, nhưng chúng ta biết rõ những nghi lễ này qua vô số phim ảnh và bài báo. Người ta mất nhiều công tạo ra chúng để hành động kết án và nhốt giam người phạm chuẩn xảy ra với tính biểu tượng cao nhất, khiến xã hội yên lòng. Nếu lễ tốt nghiệp đại học dán cái nhãn “trưởng thành” cho người tốt nghiệp, đi kèm với tất cả những kỳ vọng của gia đình và xã hội, thì phiên tòa hình sự dán nhãn “tội phạm” cho người bị kết án, với tất cả những đánh giá và định kiến đi kèm.Tuy nhiên, quá trình ngược lại, khi phạm nhân rời nhà tù và quay lại cộng đồng, lại xảy ra trong thầm lặng, không ai biết tới (ngoài những cái bắt tay hay vỗ vai của các bạn tù như một nghi lễ nho nhỏ, để chúc người ra tù một tương lai tốt đẹp). Thiếu vắng một nghi lễ lột bỏ nhãn được cộng đồng rộng rãi chứng kiến và tán thành, trạng thái “người tù” vẫn tiếp tục kéo dài, vẫn là trạng thái chủ đạo của họ, thay vì “nội trợ” hay “công nhân”. Bị trói chặt trong cái trạng thái chủ đạo này là một trong các lý do khiến cựu phạm nhân tái phạm. Họ đơn giản ứng xử đúng theo “kỳ vọng” của người khác, theo cách xã hội đánh giá họ.
Nhiều nhà tội phạm học cho rằng ngoài những yếu tố mang tính kỹ thuật (tìm nhà ở, công ăn việc làm), việc nâng người phạm chuẩn lại vị trí ngang hàng, quá trình đảo ngược của hạ nhục, là yếu tố quyết định để họ thành công trong việc tái hòa nhập. Một nghi lễ tái hòa nhập sẽ là một động tác mang tính biểu tượng để thể hiện rằng cộng đồng chấp nhận người phạm chuẩn và dang rộng cánh tay đón họ quay trở lại.
Giống như các nghi lễ khác, nó sẽ cho những người liên quan, cả người phạm tội lẫn cộng đồng, một nguồn năng lượng, niềm an ủi, sự khích lệ, tin tưởng vào nhau và vào tương lai. Nếu như lễ thành hôn là để trao cho cặp đôi niêm tin và sức mạnh để vượt qua những khó khăn và thách thức trong tương lai, thì một nghi lễ tái hòa nhập cũng là để cộng đồng đặt hy vọng vào quá trình trở lại thuận buồm xuôi gió của người đã từng bị đẩy ra bên lề. Nó giúp người phạm chuẩn khép lại quá khứ mà không chối bỏ nó, và gửi một thông điệp tới những người xung quanh rằng mình đã sẵn sàng cho một cuộc đời mới, trong sự vui mừng, thiện chí và sự tha thứ của cộng đồng.
Một nghi lễ tái hòa nhập nên hàm chứa những nội dung gì? Nó nên là một cơ hội để cộng đồng thể hiện sự phản đối với hành vi sai trái đã xảy ra. Nhưng sự phản đối này đi cùng với sự tôn trọng người phạm chuẩn, không đánh đồng hành vi xấu với người làm hành vi đó. Nó cũng chứng nhận rằng sự phạm chuẩn và hình phạt đã kết thúc, và nhấn mạnh các trạng thái khác của người phạm chuẩn (người con hiếu thảo, người thợ giỏi, người bạn rộng rãi), để “phạm pháp” không tiếp tục làm trạng thái chủ đạo của họ.155
Nghi lễ này sẽ khuyến khích người phạm chuẩn thừa nhận trách nhiệm của mình, trong khi nâng đỡ họ về mặt tinh thần. Anh ta hiểu rằng mình vẫn là một phần của cộng đồng, mình phụ thuộc vào cộng đồng, và ý thức này giúp anh cố gắng tái hòa nhập.
Hiện nay, trừng phạt gần như được coi là phương tiện duy nhất để kiến tạo xã hội, các nghi lễ trừng phạt vẫn là những sự kiện và biểu tượng chính để định hình tâm lý công chúng. Điều này sai lầm giống như một triết lý giáo dục chỉ chú trọng vào các hình phạt mà bỏ qua vai trò của các cử chỉ yêu thương. Câu hỏi chúng ta nên đặt cho nhau không nên chỉ là “trừng phạt như thế nào cho hợp lý” mà phải là “làm thế nào để tha thứ và hòa giải”.
CÔNG LÝ PHỤC HỒI
Trong sâu thẳm, công lý không chỉ được theo đuổi mục tiêu trừng phạt, mà quan trọng hơn, nó phải là cóng cụ để người phạm chuẩn và cộng đồng đến được với nhau, hàn gắn những tổn thương của cả hai phía, bởi cả tội ác và sự trừng phạt đều gây đau đớn, và đều cần chữa lành. Cuộc gặp gỡ tưởng tượng giữa các bảo mẫu và gia đình các trẻ em nạn nhân được mô tả trên kia cũng để phục vụ mục đích đó.
Liệu các nghi lễ tái hòa nhập có là chuyên viển vông? Không. Nó nằm trong tư tưởng của một trào lưu gọi là công lý phục hồi (restorative justice).
Thú vị là ở khía cạnh này hệ thống pháp luật của nhà nước hiện đại có thể học hỏi được từ một số tiểu xã hội. Luật tục của một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam không chỉ đặt sự công bằng (được thể hiện qua triết lý vi phạm nặng thì đòi hỏi hình phạt nặng), mà còn tinh đoàn kết và hòa giải lên làm mục tiêu. Mô tả về luật tục và tính cộng đồng của các dân tộc M’nong và Thái, giáo sư Ngô Đức Thịnh viết: “Cuối buổi xử kiện, mọi người đều đến cầm lấy chiếc vòng đồng trong tay người xử kiện tỏ rõ sự nhất trí và cùng tiến hành nghi lễ hòa giải trước thần linh và cùng ăn bữa ăn chung mang tính cộng cảm”.156 Người Jrai ở Gia Lai xử các vụ đánh nhau bằng cách bắt bên đánh người đền tiền bệnh viện và thuốc thang cho nạn nhân, rồi tới gia đình nạn nhân để cùng “hội đồng xét xử” ăn uống. Sau đó, mọi tội lỗi của bên đánh người “được xóa bỏ, hai bên trở lại làm bạn của nhau.”157
Báo chí chính thống hay chê cười những biện pháp phục hồi quan hệ cộng đồng này là “lạc hậu”, và chạy các tít theo kiểu “Bi hài các kiểu xử án của người Jrai”, nhưng chúng lại rất gần với triết lý của công lý phục hồi. Manh nha từ thập kỷ 1970, phong trào này bắt đầu lớn mạnh và trở nên toàn cầu từ những năm 1990. Triết lý này khắc phục điểm yếu của công lý trừng phạt (retributive justice), vốn là tư tưởng chủ đạo của hệ thống tư pháp từ trước tới nay.
Nếu như công lý trừng phạt chỉ quan tâm tới những câu hỏi: “Luật nào bị vi phạm? Ai là thủ phạm? Hình phạt nào là thích đáng?” thì công lý phục hồi xuất phát từ quan sát rằng trừng phạt đi kèm với hắt hủi không chuyển hóa được con người (đó cũng là lý do nhiều xã hội, kể cả những xã hội phát triển phương Tây, bế tắc trong cố gắng giảm thiểu tỉ lệ tội phạm).
Giống như người Jrai, công lý phục hồi không chỉ hiếu mục tiêu của công lý là xác định mức độ trừng phạt cho người phạm tội, mà là phục hồi lại những gì đã bị cái sai làm đó vỡ: quan hệ của nạn nhân và thủ phạm, quan hệ của thủ phạm và cộng đồng. Công lý phục hồi cho rằng sau khi cái sai xảy ra, cộng đồng, nạn nhân và thủ phạm cần nhiều hơn là chỉ động tác trừng phạt người làm sai. Họ cần sự hàn gắn.
Bắt đầu từ một vài thí nghiệm ở Canada, tới nay đã có hàng ngàn chương trình hòa giải ở Mỹ và châu Âu, tạo điều kiện cho nạn nhân và người phạm tội gặp nhau, một bên để ăn năn và sửa sai, bên kia để chữa lành và tha thứ.158
Cơ hội gặp gỡ kẻ hiếp dâm, nhìn được vào mắt người này và kể về nỗi đau và cảm xúc của mình, và tha thứ được cho thủ phạm, là điều giúp người bị hiếp dâm vượt qua được chấn thương tâm lý và những ám ảnh sợ hãi, trao cho họ sự mạnh mẽ để khép lại quá khứ và trở nên lành lặn. Với nhiều nạn nhân, sự chuyển biến này là một bất ngờ lớn ngoài mong đợi. Mặt khác, để có thể nhìn vào mắt nạn nhân của mình, lắng nghe những khổ đau mà mình đã gây ra, chia sẻ về cuộc đời mình và xin được tha thứ, người phạm tội cần sự dũng cảm để đối diện với chính mình, điều sẽ giúp họ tự tha thứ và cải huấn. Các nghiên cứu cho thấy những thủ phạm đi qua những chương trình hòa giải nạn nhân - phạm nhân có tỉ lệ tái phạm thấp hơn nhiều so với tỉ lệ thông thường.
Cuốn Khám phá tha thứ của hai tác giả Robert D. Enright và Joanna North mô tả lại trường hợp một phụ nữ 27 tuổi, có một con gái bảy tuổi, bị một thanh niên 28 tuổi cưỡng chế tại nhà mình, và vừa hiếp dâm vừa ấn nòng súng lục vào trong miệng.
Sau này, trong cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai người ở trong tù, nơi thủ phạm bị giam, người phụ nữ kể lại những điều chị trải qua sau đó: chồng cô không vượt qua được sự kiện này, hai người ngày càng xa cách nhau, rồi ly dị. Cô phải nhập viện tâm thần ba lần và có xu hướng tự tử. Cô mất quyền nuôi con. Chỉ riêng ăn cũng đã là một khó khăn lớn, và cô đã từ chối thức ăn trong sáu tuần vì thủ phạm ép cô kích dục bằng miệng. Cô kể mình bị mất một phần trí nhớ do phải uống thuốc trầm cảm triền miên.
Tới lượt mình, thủ phạm gặp khó khăn để tìm được lời lẽ phù hợp với những gì mình nghe được. Anh ta kể về quá khứ của mình, những gì đã đẩy anh ta vào cuộc sống này, những gì đã xảy ra trong đau anh ta trước khi anh ta quyết định hiếp cô, veef cuộc sống ở trong tù và về tác động của tội ác này lên anh ta trong những nầm tháng sau đó. Người phụ nữ cũng nói rằng vào thời điểm này cô chưa sẵn sàng để có thể tha thứ, nhưng hy vọng trong tương lai mình sẽ làm được việc này. Cả hai đều cho rằng cuộc gặp gỡ quan trọng để họ có thể dần làm lành các vết thương của mình. Lần đầu tiên trong một thời gian dài, nạn nhân không nói rằng thà cô bị thủ phạm giết đi thì còn tốt hơn.159
TRỪNG PHẠT VỚI TÌNH THƯƠNG
Vào tháng 10 năm 2015, đói bụng sau một đêm chơi game, hai thanh niên ở thành phố Hồ Chí Minh giật một túi bánh mì và đậu phộng rang, trị giá tổng cộng 45.000 VND rồi bỏ chạy. Họ nhận được án phạt 8 và 10 tháng tù cho hành vi này, một cách giải quyết kinh điển của công lý trừng phạt. Thật khó hình dung đây lại là lời giải tối ưu để tạo cho xã hội những cá nhân hướng thiện hơn, và xây dựng một công đồng ít thù ghét và sợ hãi hơn. Hai thanh niên này mới 18 tuổi, và nhiều khả năng là những tháng tù sẽ làm họ trở thành chai sạn hơn, bất cần hơn, đối lập với cộng đồng hơn. Với cái nhãn “tù tội” ví trí xã hội của họ khi ra tù sẽ bị đanh tụt xuống. Theo nhà tôi phạm học John Braithware, người bị hắt hủi gặp vấn đề với chỗ đứng xã hội của mình, và anh ta giải quyết vấn đề bằng cách tìm tới những người tương tự để có được an ủi, ấm áp và tình đoàn kết. Cùng nhau, họ khước từ những người trước đó đã khước từ họ.160
Đây là một trong những trường hợp đặc trưng để vận dụng công lý phục hồi, giống như một thám phán ở bang New Hampshire, Mỹ, đã làm. Khi chín thanh niên say rượu đập phá ngôi nhà và cũng là nơi tưởng niệm nhà thơ nổi tiếng Robert Frost, ông bắt họ dọn dẹp, xin lỗi và tới lớp nghe giảng về cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ.161
Tương tự, hai thanh niên ở thành phố Hồ Chí Minh kia có thể lựa chọn giữa vào tù hay là làm việc công ích cho tiệm bánh trong một thời gian nhất định. Trong thời gian đó họ sẽ hiểu được giá trị của mồ hôi nước mắt, cái mà họ không học được khi ngồi thâu đêm trong các tiệm chơi game lẫn khi ngồi trong tù. Cuối kỳ, chủ tiệm cùng các nhân viên khác sẽ ăn với họ một bữa, cho họ những lời khuyên về cuộc đời ở phía trước. “Tội lỗi được xóa bỏ, hai bên trở lại làm bạn của nhau,” như người Jrai vẫn làm.
Điểm quan trọng là với cách thực hành công lý này, mặc dù hành vi của những người phạm chuẩn bị lên án, và hình phạt có thể rất nghiêm khắc, nhưng họ vẫn được chấp thuận để có chỗ đứng trong cộng đồng, vẫn nhận được sự đoàn kết và giúp đỡ của mọi người xung quanh. Họ bị trừng phạt, nhưng không bị hạ nhục và dán nhãn để dẫn tới bị kỳ thị. Họ bị trừng phạt, nhưng không bị ruồng bỏ. Trừng phạt, nhưng với tình thương.
Hẳn chúng ta còn nhớ vụ người bác sĩ ở bệnh viện Lâm Thao, Phú Thọ bị cách chức trưởng khoa sau khi bức ảnh chụp anh giẫm chân lên giường người bệnh khi nói chuyện với bệnh nhân gây phẫn nộ trên mạng. Liệu những câu chuyện như thế có thể một kết cục khác? David Couper, một cựu cảnh sát trưởng Mỹ với hơn 30 năm kinh nghiêm, kể lại một trải nghiệm của ông.
Nhiều năm trước, đó còn là thời kỳ tiền Internet, Lucy, một nữ cảnh sát dưới quyền ông, trong phiên trực đêm của mình, nhận được tin một căn hộ bị hỏa hoạn. Căn hộ này nằm trong tòa nhà được coi là thuộc loại có vấn đề nhất của thành phố. Kết thúc cuộc trao đổi với người trực đàm, Lucy buông một câu “Đáng đời” và huýt sáo bài “Scotland bốc cháy”. Sau đó, người ta biết được là có hai đứa trẻ bị từ vong trong ngọn lửa. Lucy là da trắng, còn hai đứa trẻ là da đen.
Một ai đó rò rỉ vụ việc cho truyền thông. Sự việc được kiểm chứng dễ dàng bởi các liên lạc qua hệ thống bộ đàm của cảnh sát đều được ghi âm lại. Người ta yêu cầu sở cảnh sát đuổi việc Lucy.
Tuy nhiên, thay vì đơn giản sa thải Lucy, Couper đưa ra một giải pháp khác. Ông đề xuất một quá trinh xin lỗi, tha thứ và hòa giải giữa Lucy và cộng đồng. Trong một cuộc họp báo, Couper trình bày kết quả thẩm tra của mình. “Chắc chắn Lucy đã phạm một lỗi kinh khủng. Không có nghi ngờ gì cả.” Lucy bày tỏ sự hối hận trong nước mắt. Cô bị khiển trách và trừ lương. Gia đình hai em bé và công chúng chấp nhận lời xin lỗi và tha thứ cho Lucy. Cả cô và sở cảnh sát học được một bài học quý giá cho tương lai. Lucy được tiếp tục công việc của mình.162
Thay vì đẩy người dân và cảnh sát ra xa nhau hơn, bằng triết lý nhân văn của mình, David Couper đã giảm thiểu được những rạn nứt và căng thẳng trong cộng đồng, làm tăng năng lực yêu thương và vốn xã hội của nó. Đây chính là điều mà công lý hướng tới.