Thiện Ác và Smartphone - Chương 15

TA NÓI GÌ KHI NÓI VỀ THA THỨ:

CỨU RỖI ĐẾN VỚI AI?

“Chúng ta cần học cách đánh giá người khác không phải thông qua cái họ làm, hay cái họ bỏ sót không làm, mà qua những khổ đau họ đã trải qua” - Dietrich Bonhoeffer

“Trải qua một thời gian dài, rất dài, chúng tôi mới nghiệm ra rằng: Để thấu hiểu nỗi đau của người khác, không phải là một việc dễ dàng gì” – Lời nhân vật trong phim Chuyện tử tế, Trần Văn Thủy

Ở dưới một bài báo về các bảo mẫu Đông Phương và Thiên Lý bình luận này nhận được sự đồng tình từ 3.3 nghìn bạn đọc: “Tội này là không thể tha thứ được, không hao giờ được tha thứ!!”

Dường như nguồn cơn của nhiều khổ đau và bạo lực trong xã hội là do chúng ta đang thiếu khả năng tha thứ. Trong quá trình viết nửa đầu của cuốn sách này, một người bạn hỏi tôi: “Làm sao anh có thể có năng lượng để đi qua những dòng sông độc địa như thế?” Quả thật, đọc, tìm hiểu và ghi chép về sự lăng nhục, giận dữ và căm ghét trong nhiều tháng không phải là một việc dễ dàng. Nhiều hôm tôi gặp khó khăn để mở bản thảo ra. Những lúc đó, tôi đọc về tha thứ để tìm lại sự cân bằng và vững vàng.

Nhưng, tha thứ, chúng ta đã nhắc tới nó trong chương trước về công lý phục hồi, về bản chất, là gì? Nó bao hàm cái gì bên trong mình? Tha thứ đem lại gì cho người tha thứ, cho người được tha thứ? Liệu có điều gì mãi mãi không thể tha thứ được? Tha thứ có thể trở thành một chiến lược đáp trả cái ác?

Và có lẽ, câu hỏi quan trọng nhất: khi tha thứ, người ta có hy sinh công lý?

Dường như đây cũng là nỗi lo ngại của hai vợ chồng Herzog ở Mỹ. Năm 1982, cậu thanh niên 17 tuổi Kevin Tunell lái xe trong lúc say rượu, và đâm chết Susan, cô con gái 18 tuổi của họ. Trước tòa, hai vợ chồng Herzog thắng kiện 1.5 triệu đô la Mỹ. Nhưng họ cho Kevin một thỏa thuận khác. Họ giảm số tiền phạt xuống 936 đô la, nếu như mỗi thứ Sáu hằng tuần trong vòng 18 năm tiếp theo, cậu ta gửi họ một cái séc trị giá 1 đô la, ghi tên người được hưởng là Susan. Cậu nhận lời một cách biết ơn. Mấy năm sau cậu ta bắt đầu lỡ hẹn. Khi bố mẹ cô gái kiện cậu ra tòa, cậu suy sụp. Mỗi lẳn cậu ghi tên Susan, cảm giác tội lỗi lại cắn xé cậu. “Tôi đau đớn kinh khủng,” cậu nói. Cậu đưa cho gia đình Herzog hai hộp đầy séc viết sẵn tới tận 2001, lâu hơn một năm so với thỏa thuận ban đầu. Nhưng họ từ chối.163

Mỗi tuần, bố mẹ của Susan lại xé miệng vết thương của Kevin Tunell bằng cách bắt cậu viết tấm séc, và cũng mỗi tuần họ tự xé miệng vết thương của chính mình. Vì sao họ lại lựa chọn đắm chìm trong địa ngục của đau khổ? Câu trả lời là vì họ không thể nào tha thứ.

Những câu hỏi về bản chất của khái niệm tha thứ lại một lần nữa được đặt ra khi dư luận tranh cãi gay gắt về việc Bob Kerrey, một cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam, được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng tín thác của trường Đại học Fulbright, chính thức được thành lập trong chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Obama vào đầu năm 2016.

Bốn mươi bảy năm trước, khi còn là một thượng úy 25 tuổi của lực lượng hải quân tinh nhuệ Navy Seals của Mỹ, trong một trận càn ở làng Thạnh Phong, tỉnh Bén Tre, Bob Kerrey và đội đặc nhiệm của ông ta đã giết chết ít nhất 13 phụ nữ không vũ trang và trẻ em.164 (Một số nguồn khác cho rằng con số nạn nhân lên tới 21 người). Kerry được trao tặng Huy chương Ngôi sao hạng đồng sau khi báo cáo sai rằng họ đã diệt 21 quân du kích đối phương. Sự việc nằm trong bóng tối 30 năm cho tới khi được New York Times và kênh truyền hình CBS đưa ra ánh sáng.

Sự bỗ nhiệm phân rẽ dư luận Việt và cả giới trí thức Mỹ quan tâm tới câu chuyện. Ở bên này của lằn ranh là những người khẳng định họ không nuôi dưỡng hận thù, nhưng cho rằng quá khứ của Bob Kerrey khiến ông không thích hợp cho vị trí này. Bên kia là những người kêu gọi “khép lại quá khứ, sống với hiện tại” và “tha thứ nhưng không quên”.

THA THỨ LÀ GÌ?

Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy nói về tha thứ không phải là gì. Tha thứ không phải là im lặng trước điều sai trái. Nó không phải là bỏ qua, chấp nhận, dung túng hay biện hộ cho cái sai và cho phép hành vi gây hại tiếp tục. Tha thứ không phải là ra vẻ “mọi thứ đều ổn cả”, không có vấn đề gì, hoặc có nhưng “chỉ là chuyên nhỏ thôi”.

Ngược lại, để hành vi tha thứ mang ý nghĩa thì người làm sai, cái sai và mức độ ảnh hưởng của nó cần được ý thức rõ ràng. Qua trình tha thứ chỉ có thể bắt đầu với nhận thức là có điều sai trái đã xảy ra. Không có cái sai thì cũng không có gì và không ai cần được tha thứ.

Như phần lớn các ý kiến xung quanh vụ Bob Kerrey đã chỉ ra, tha thứ không phải là lãng quên. Nó không chối bỏ nỗi đau của nạn nhân hay bắt họ nhất thiết phải trở thành bạn tốt nhất của kẻ gây hại.

Nó cũng không nhất thiết phải là ân xá và khoan hồng, không liên quan tới việc bỏ qua hình phạt với người gây lỗi, mặc dù người tha thứ có thể lựa chọn không thực hành quyền này. “Cái được hủy bỏ trong hành vi tha thứ không phải là cái sai,” tác giả Joanna North viết, “mà là cái tác động tiêu cực và méo mó của cái sai lên người bị hại, lên quan hệ của người này với người gây hại và những người khác.”165

Vậy tha thứ là gì? Tha thứ là giải phóng bản thân khỏi sự ám ảnh của cái bất công xảy ra với mình, và sống một cuộc sống độc lập, không bị bóng đen của kẻ gây hại phủ lên.

Khi bị hại, những cảm xúc tiêu cực xuất hiện: giận dữ, tổn thương, thất vọng, đi kèm với những ám ảnh không nguôi về kẻ gây hại. Từ là bạn hoặc trung tính, hình ảnh của người đó chuyển sang thù địch. Mong muốn trả thù xuất hiện, nằm trong vô thức hoặc được thể hiện ra ngoài, khiến những cảm xúc tiêu cực hướng tới đối tượng không thể vơi đi được.

Tha thứ vừa là một lựa chọn, vừa là một quá trình và một phản ứng nội tại để giải phóng những cảm xúc tiêu cực kia. Khi người bị hại tha thứ thành công, sự giận dữ và căm ghét dịu di, những ám ảnh phục thù được buông bỏ, hình ảnh của kẻ gây hại mất đi tính đe dọa. Mặc dù những tổn thất có thể vẫn còn đó (vết sẹo trên cơ thể, con chó đã bị mất, người chết không sống lại được), nhưng năng lượng tiêu cực không còn được tập trung vào đối tượng, sự căng thẳng nội tâm giảm đi, nhường chỗ cho một trạng thái bình yên và khỏe mạnh hơn.166

Khi một phụ nữ tha thứ cho kẻ hiếp dâm cô, Joanna North đưa ra một ví dụ, cô khước từ tiếp tục là nạn nhân của tội ác này. “Cái sai này đã gây cho tôi nhiều đau đớn, nhưng nó đã qua rồi, tôi không cho phép nó làm tôi đau nữa.” Cô nói. “Tôi để nó vào chỗ của nó, một điều đã xảy ra trong quá khứ, tôi tha thứ cho anh. Cái sai này không phải là toàn bộ cuộc sống của tôi”

Tha thứ có bản chất chủ động. Nó dùng ý chí để thay đổi con tim, nỗ lực thay thế những ý nghĩ tiêu cực bởi những ý nghĩ tích cực, thay thế giận dữ và căm ghét bởi thiện chí và sự thanh thản. Có lẽ chính vì thế mà người ta hay nói trả thù là dành cho kẻ yếu đuối, chỉ người mạnh mẽ mới có thể tha thứ. Mặt khác, tha thứ bồi đắp cho sự tự tin và lòng tự trọng của người bị tổn thương. Khi anh ta tha thứ, anh ta chứng minh được là hành vi gây hại đã không thể hủy hoại con người anh. Anh vượt qua được tổn thất.

Một số nhà tâm lý học cho rằng tha thứ chỉ trọn vẹn khi nó không chỉ là vượt qua được giận dữ và căm ghét hướng tới người gây hại (và quên đi hay phớt lờ anh ta đi), mà còn phải phát triển được một thái độ tích cực đối với con người này. Những người khác lại cho rằng như thế là đòi hỏi quá nhiều từ người tha thứ. Nhưng có một điều họ thống nhất: tha thứ không chỉ tốt cho người tha thứ, mà còn cho tất cả những người xung quanh. Một người phụ nữ ngừng giận dữ và tha thứ cho người bố đã xâm hại mình trong quá khứ không những chữa lành tâm lý cho bản thân, mà còn đem lại bình yên cho chồng, con và những người khác trong cuộc sống của chị.

CẦN GÌ ĐỂ THA THỨ?

Tha thứ cần gì từ người gây hại để có thể xảy ra? Câu trả lời là không cần gì cả. Tha thứ không cần sự hối lỗi hay sửa sai của người kia làm điều kiện, bởi nếu vậy anh ta có thể chặn quá trình tha thứ lại và giam người bị hại như một con tin. Người gây hại có thể không biết gì tới sự tha thứ, không xin xỏ nó, không cần nó, thậm chí có thể ném trả nó lại. Nhưng anh ta không ngăn chặn được nó. Điều này cho phép một nạn nhân khủng bố tha thứ cho kẻ đánh bom tự sát đã chết.

Nhưng không dễ để tha thứ; quá trình này là một con đường chông gai. Bản năng của cái tôi là muốn tán công kẻ gây hại, tự vệ trước trải nghiệm bị tổn thương và thiết lập lại giác an toàn. Vết thương càng đau thì mong muốn trả thù càng dữ dội. Tha thứ làm lòng vị kỷ bị thương, nó bắt cái tôi phải buông thả sự kiểm soát. Chỉ hình dung ra quyết định tha thứ thôi đã có thể khiến người ta cảm thấy bị đe dọa, lo ngại bị coi là yếu đuối hay hèn nhát.

Trong Sách tha thứ: Con đường bốn khúc chữa lành chúng ta và thế giới, Tổng giám mục Desmond Tutu, người được coi là “lương tâm đạo đức” trong cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, kể lại câu chuyện về Ben Bosinger, một người đàn ông trung niên căm ghét bố từ 30 năm nay. Lúc nhỏ, Bosinger và các anh em mình bị người bố, “con người giận dữ nhất và tàn bạo nhất” mà anh đã từng biết, làm nhục, đánh đập và tra tấn tàn nhẫn. Anh không hiểu vì sao mình lại được sinh ra. Lớn lên, anh cảm ghét người bố và căm ghét bản thân. Anh không coi ông ta là người, không coi ông ấy tồn tại. Người bố không bao giờ xin lỗi, không bao giờ giải thích vì sao ông ta lại hung hãn như vậy. Nhưng rồi, nỗi đau bên trong Bosinger trở nên quá lớn để mang nó đi tiếp trong cuộc đời. Anh kể lại điều đã xảy ra:

Có một điều gi đó lớn lao hơn chính mình đã khiến tôi tha thứ cho ông ấy. Một hôm tôi lái xe tới trước nhà ông, ông ra ngoài nhà và chúng tôi bắt đầu nói chuyện về xe mô tô. Cả hai chúng tôi đều rất thích xe mô tô. Khoảnh khắc đó, khi chúng tôi cùng cúi xuống xem xét cái động cơ đầy dầu mỡ, bên cạnh nhau, tôi tha thứ cho ông ấy. Tôi nhìn mớ tóc bạc và dài của ông ấy, khuôn mặt nhiều nếp nhăn, ông đã suy yếu bởi cuộc sống vật lộn và tuổi già. Ông ấy là con người, ông ấy mới nhiều khiếm khuyết làm sao. Ông ấy yêu thích xe mô tô, giống hệt tôi, và đâu đó khi tôi nhìn thấy tất cả những điều đó, tôi đơn giản tha thứ cho ông. Dường như một tảng đá khổng lồ được nhấc khỏi ngực tôi, cuối cùng tôi đã có thể thở bình thường. Ông ấy không xin tôi tha thứ. Ông ấy không hối lỗi hay cảm thấy ăn năn. Nhưng tôi vẫn tha thứ. Chúng tôi không khoác vai nhau cùng đi tới hoàng hôn.”

Ben Bosinger tha thứ cho bố, mặc dù hai người không thành bạn tốt khoác vai nhau. Nhưng trải nghiệm của anh không kết thúc ở đó. Những gì anh cảm nhận ở những năm tháng tiếp theo mới giúp chúng ta đi sâu vào trái tim của tha thứ và thực sự hiểu được bản chất của nó.

“Nhiều năm sau, tôi gặp lại ông ấy, ông nói điều gì đó rất gây tổn thương, và trong một khoảnh khắc tôi tự hỏi liệu có phải sự tha thứ đã phai mòn. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng tôi đã kỳ vọng là sự tha thứ của tôi sẽ một cách thần kỳ nào đó biển ông thành một người khác, dễ chịu hơn, tốt đẹp hơn. Với kỳ vọng đó, tôi lại một lần nữa biến mình thành nạn nhân của ông ấy. Sự kỳ diệu không xảy ra với ông. Sự kỳ diệu xảy ra với tôi. Tôi thấy nhẹ nhõm. Thế giới trở nên một nơi chốn có nhiều hy vọng hơn. Tôi hiểu rằng mình là người duy nhất chịu trách nhiệm trong việc tôi làm bố như thế nào với các con tôi. Tôi đã mất nhiều thập kỷ của cuộc đời để tái diễn sự hành hạ mà tôi phải chịu đựng khi còn nhỏ. Khi tôi tha thứ cho bố tôi, tất cả tan chảy như băng. Tôi được tự do. Tha thứ không cứu rỗi ông ấy hay không xóa lỗi của ông ấy. Nó cứu rỗi tôi.”167

TA NÓI Gì KHI NÓI VỀ THA THỨ:

CHỈ CÓ Ở CON NGƯỜI

“Tha thứ thực sự là sự buông bỏ niềm hy vọng rằng vẫn còn có thể thay đổi được quá khứ.” - Michael Bernard Beckwith

“Bạn biết là tha thứ đã bất đầu khi bạn nhớ lại những kẻ đã làm bạn đau đớn và bạn cảm thấy sức mạnh để chúc họ mọi điều tốt đẹp.”

- Lewis B. Smedes

LÀM SAO ĐỂ THA THỨ?

Ben Bosinger bắt đầu được hành trình tha thứ của minh khi anh không chỉ nhìn thấy ở bố mình một người cha tàn bạo, mà còn là một người đàn ông đam mê xe máy đang già đi, khuôn mặt bị tàn phá bởi sự vất vả và thời gian, một con người đầy khiếm khuyết. Khiếm khuyết, nhưng con người. Bosinger đã “đổi kính nhìn” (reframing trong ngôn ngữ chuyên môn tiếng Anh). Qua việc đổi kính nhìn, người bị hại cố gắng xây dựng một bức tranh đầy đủ hơn về con người của kẻ gây hại và đặt hành vi của anh ta vào trong bối cảnh. Quá khứ của anh ta ra sao, những trải nghiệm đời nào đã tạo nên tính cách bây giờ của anh ấy, điều gì đã khiến anh ta hành xử như vậy?

Có thể bố của Bosinger cũng có một tuổi thơ bị đánh đập và hắt hủi. Có thể ông đã chịu nhiều thất vọng, trải qua những tổn thương lớn không được chữa chạy. Chắc chắn là ông ôm một khối giận dữ khổng lồ trong lòng. Hiểu biết không dẫn tới bao biện tội lỗi hay chối bỏ những tổn hại mà ông ta gây ra, nhưng nó giúp người con xây dựng tình cảm trắc ẩn và thấu cảm đối với người cha, và qua đó tha thứ được cho ông ta.

“Nhìn bằng con mắt khác” cũng tách con người gây hại ra khỏi hành vi gây hại, một quá trình ngược với nghi lễ hạ nhục và dán nhãn mà chúng ta đã nói tới ở chương 5, “Những nghi lễ hạ nhục”. Nó cho phép ta nhìn anh ta với sự phức tạp và đa chiều. Người bố bạo lực đã từng là người con, học trò, người lính hay người thợ. Không chỉ là người bố đánh con, ông ta còn có một lịch sử, một số phận, những câu chuyện. Những hành vi của ông ta là kết quả của những trải nghiệm và hoàn cảnh quá khứ của ông. Chúng ta lên án hành vi sai, nhưng không căm ghét người làm sai.

Khi tha thứ, người bị tổn thương hóa giải nỗi đau trong mình, giải độc nó, chứ không ném trả nó cho người gây hại, hoặc chuyển nó cho người khác bằng cách làm họ tổn thương. Vòng xoáy trả thù và gây đau đớn được dừng lại. Tha thứ là một món quà người ta tự tặng bản thân mà cũng tặng cho những người xung quanh mình.

Tuy nhiên, tha thứ thành công không có nghĩa là quan hệ của người bị hại và kẻ gây hại nhất thiết phải trở lại như trước khi cái sai xảy ra. Để phục hồi lại quan hệ và niềm tin, cần thêm một bước nữa. Đó là hòa giải.

Nếu như tha thứ là buông bỏ ý muốn trả thù và sự cay đắng, và thậm chí còn có thể phát triển những cảm xúc tích cực về người gây hại, thấu cảm với những đau đớn và u mê của họ, mong muốn họ được cải hóa và gặp những điều tốt lành, thì hòa giải đi xa thêm nữa. Hòa giải hàn gắn, phục hồi lại quan hệ giữa hai người. Tha thứ thay đổi thái độ của ta với kẻ gây hại. Hòa giải khôi phục lại quan hệ của ta với họ.

Tha thứ có thể không đi kèm với hòa giải. Một người vợ có thể tha thứ cho người chồng bạo lực, hiểu vì sao anh ta hành xử vậy, thậm chí giúp đỡ khi anh ta gặp khó khăn, nhưng nếu anh ta không cải thiện được các hành vi của mình, thì hòa giải và tiếp tục quan hệ hôn nhân là một điều nguy hiểm. Trong trường hợp đó, người vợ nên từ chối tiếp tục là nạn nhân. Cô nên xây dựng cuộc sống riêng của mình mà không có người chồng, mặc dù không mang theo sự oán trách và giận dữ, bởi cô đã tha thứ. Ngược lại, một người nhẫn nhục tự nguyện chịu đựng cái sai trái của người khác không phải là người có trái tim tha thứ, mà là một người không phân biệt được đúng sai.

Cũng theo tinh thần này, khi nạn nhân của những kẻ đánh bom khủng bố tha thứ, họ từ chối để căm ghét ăn mòn tâm hồn mình, nhưng điều đó không có nghĩa là hai bên sẽ hòa giải với nhau, sẽ chia sẻ niềm tin và quan điểm của nhau.

Hòa giải cần sự tha thứ của người bị hại làm tiền đề, nhưng không chỉ vậy. Nếu như tha thứ không cần tới sự ăn năn, hối lỗi của kẻ gây hại thì hòa giải lại chỉ có thể xảy ra khi người làm sai nhìn ra lỗi lầm, bày tỏ hối hận, có hành vi chuộc lỗi và sửa sai.

Dường như đây cũng là nguồn cơn của các tranh cãi xung quanh câu chuyện của Bob Kerry và Đại học Fulbright. Không liên quan tới tha thứ nữa (cả hai bên đầu nhấn mạnh mình không còn thù hận), quan điểm về hòa giải chính là điều gây ra sự bất đồng, mặc dù chữ này ít xuất hiện. Nhiều người mong muốn nhìn thấy những hành động khác nữa của Kerry để có thể xây dựng một niềm tin và tương lai chung mà biểu tượng của nó là chức vụ chủ tịch kia. Những người Thạnh Phong muốn ông ta tới thắp hương tại bia tưởng niệm. “Hơn 40 năm, nhóm lính Mỹ năm xưa có người còn, người mất, thế nhưng chưa từng có một ai đến hối lỗi như họ nói.”168 Tác giả Việt kiều Nguyễn Thanh Việt, người được giải Pulitzer 2016, có ý kiến tương tự. Ông cho rằng để Bob Kerry có thể ở vị trí này, ông cần có một loạt các hành động sửa sai mang tính biểu tượng cũng như vật chất. Ông Kerry cần thăm làng Thạnh Phong và trực tiếp xin lỗi gia đình các nạn nhân. Trường Fulbright cũng nên dựng một đài tưởng niệm những nạn nhân Thạnh Phong trong khuôn viên trường, thiết lập một chương trình giáo dục hỗ trợ thanh thiếu niên của làng để họ có thể tham gia học ở Fulbright trong tương lai.169 Đây là những cử chỉ chuộc lỗi để quá trình hòa giải có thể xảy ra.

Khi một số nhà nghiên cứu phát hiện ra trường Đại học Brown, được thành lập năm 1764, và là một trong những trường danh tiếng hàng đầu của Mỹ, đã từng liên quan tới buôn bán nô lệ trong lịch sử của mình, trường đã nhanh chóng có một loạt các hành động chuộc lỗi và sửa sai. Trường mở rộng khoa Châu Phi học của mình, thiết lập một chương trình học bổng về lĩnh vực buôn bán nô lệ, mời đại văn hào Nigeria Chinua Achebe tới thỉnh giảng, ủy nhiệm nhà sử học Jane Lancaster viết lại lịch sử của trường, và lên kế hoạch dựng một đài tưởng niệm trong khuôn viên trường.170

MỘT SỨC MẠNH KHỔNG LỒ

Có người so sánh tha thứ với một sự kiện quan trọng có sức mạnh khổng lồ, giải phóng người ta khỏi sự sợ hãi, giận dữ, nghi ngờ, đem lại sự giải tỏa về cảm xúc. Quá trình dẫn tới tha thứ được nhìn nhận là nhân đạo, dũng cảm, lành mạnh và mang tính phục hồi. Tha thứ cho kẻ làm hại ta, cũng như xin người bị ta hại tha thứ, có tác động trị liệu cho cả hai bên, giống như một khối u được khoét bỏ, rắc thuốc, phơi ra ánh nắng ấm áp và bắt đầu lên da non. Hãy hình dung sức mạnh hàn gắn và hồi phục mà tha thứ đem lại khi một người lần đầu tiên trong đời viết thư cho người bố mà anh từng căm ghét, khi một người khác kết bạn được với kẻ đã bắn mình tàn phế.

Lạ lùng thay, cảm xúc mạnh mẽ trỗi dậy khi tha thứ khiến người ta rũ bỏ được cảm giác nạn nhân vốn ám ảnh lâu nay. “Tha thứ thôi,” ông Huỳnh Văn Nén, người tù oan thế kỷ đã phải ngồi 17 năm trong tù trước khi được minh oan, nói vậy sau buổi lễ do Viện Kiểm sát Nhân dân Bình Thuận tổ chức để xin lỗi ông. Nếu ông gặp lại nguyên điều tra viên Cao Văn Hùng, người đã gây oan sai, thì sao? “Giả dụ có gặp lại ông Hùng thì mình cũng tay bắt mặt mừng thôi...”171

Nỗi đau càng lớn thì sự giải phóng tới từ hành vi tha thứ lại càng lớn. Nếu hai vợ chông Herzog vẫn bị tai nạn của cô con gái Susan cầm tù trong nhiều năm sau, thì Mariette Jaeger, với một tổn thất cũng khủng khiếp như vậy, đã giải phóng được bản thân.

Vào đêm cuối cùng một kỳ nghỉ cắm trại trong rừng của gia đình, Susie, cô con gái 7 tuổi của bà bị bắt cóc. Trong những tuần tiếp theo, người ta xới tung cả những cánh rừng lân cận, dùng tàu thủy quét lưới dọc dòng sông bên cạnh để tìm cô bé. Gia đình Jaeger kiệt quệ về sức lực và cảm xúc, bà thề rằng bà có thể vừa nhếch mép cười vừa giết chết kẻ bắt cóc bằng hai bàn tay trần của mình. Nhưng rồi bà quyết định tha thứ, bà biết rằng nếu để căm ghét xâm chiếm mình, nó sẽ hủy hoại cuộc đời bà. Đúng một năm sau, kẻ bắt cóc gọi điện thách thức Jeager, nhưng sau một tiếng đồng hồ hắn suy sụp bên điện thoại khi cảm nhận được sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn của bà. Hắn thú nhận đã giết chết Susie.

Theo luật pháp, mặc dù kẻ bắt cóc xứng đáng bị xử tử, bà xin chuyển án của hắn thành tù chung thân. Bà cho rằng giết hắn sẽ làm tổn hại tới vẻ đẹp và sự ngọt ngào của cuộc đời Susie và tầm thường hóa nó. Em xứng đáng được nhận một tưởng niệm cao quý và dẹp đẽ hơn là một bản án tử hình lạnh lùng có tính toán trước. Đề nghị của bà được phê chuẩn. Bốn tiếng sau khi yêu cầu của bà được chấp thuận, kẻ bắt cóc tự vẫn trong trại giam.

Trong 20 năm tiếp theo, Jaeger làm việc xã hội, hỗ trợ các gia đình nạn nhân tương tự. Trong cuốn Khám phá tha thứ, bà nhìn lại: “Trải nghiệm của tôi luôn được khẳng định. Những gia đình này có tất cả các quyền để căm tức và thịnh nộ, nhưng những ai vẫn giữ tư duy báo thù cuối cùng lại trao cho kẻ phạm tội một nạn nhân nữa. Cay đắng, bị hành hạ, cầm tù trong quá khứ, chất lượng cuộc sống của họ suy giảm. Căm ghét, giận dữ, phẫn uất, chua chát, thù hằn - chúng sẽ lấy đi cuộc đời của chúng ta như là cuộc đời của Susie đã bị lấy đi.”

Mặc dù không bao giờ lựa chọn vậy, Jaeger cho rằng bà nhận được một món quà từ cái chết của con mình. Bà đã học được khả năng tha thứ.172

Jaeger cũng kết nối với mẹ của thủ phạm để làm dịu nỗi đau của người phụ nữ kia. Họ trở thành bạn. Từ đó tới giờ, hằng năm, hai người phụ nữ luôn đi cùng nhau khi thăm mộ đứa con mình.

CHỈ CON NGƯỜI CÓ ĐƯỢC

Đã một lần cảm nhận được sự mạnh mẽ, khỏe mạnh của hành vi tha thứ và tác động tích cực của nó trong cuộc sống, người ta sẽ mong muốn lặp lại nó với những người khác, trong những hoàn cảnh khác. Người ta cũng ý thức tốt hơn về những cái sai mình đã gây ra cho người khác, những lúc mình đã cần xin tha thứ. Dần dần, phong cách và triết lý sống thay đổi, người ta dịch chuyển từ một con người giận dữ và hằn học sang một tính cách tha thứ và khoan dung.

Chúng ta đã đi qua nhiều ví dụ của tha thứ ở mức độ cá nhân, giữa người và người. Thế còn ở bình diện xã hội thì sao, tha thứ có thể đóng vai trò gì?

Sau khi chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi bị lật đổ vào năm 1994, Nelson Mandela và Tổng giám mục Desmond Tutu thiết lập Hội đồng Sự thật và Hòa giải với mục đích kiến tạo hòa bình, tha thứ và hòa giải. Triết lý của Mandela và Tutu cùng những cộng sự là để đi tới tương lai và vượt qua những chấn thương khổng lồ, đất nước của họ cần tìm ra sự thật về quá khứ và hàn gắn, chứ không thể rơi vào vòng xoáy trả thù những kẻ đã gây tội. Khi Mandela trở thành tổng thống, ông mời những cai ngục ở nhà tù Robben Island, nơi ông đã bị cầm tù trên 20 năm, làm công việc lái phà và hướng dẫn viên khi nhà tù này trở thành một bảo tàng.173 Chúng ta đã quen với việc những cựu tù nhân kể cho các thế hệ sau trải nghiêm của mình. Nhưng hãy dừng một giây để hình dung: ở đây, những người cai ngục chia sẻ với khách tham quan những bài học lịch sử. Có hình ảnh nào mạnh mẽ hơn cho sự chuyển hóa cái ác?

Bản năng trả thù là một phần của con người, nhưng không phải chỉ của con người. Nhiều loài động vật khác cũng có nó. Một con chó đã từng bị con khác cướp thức ăn có thể vẫn nhe răng gầm gừ khi gặp lại con này, sau một thời gian dài. Chúng không tha thứ, chúng chỉ có thể quên.174 Khả năng tha thứ và xin được tha thứ là một trong những điều duy nhất mà chỉ con người có được.

NHÂN PHẨM ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU?

“Tôi nói chuyện với người nào cũng theo cách như nhau, bất kể anh ta là người quét rác hay chủ tịch trường đại học.” - Albert Einstein

“Ở những điểm sâu sắc nhất, các tôn giáo nhấn mạnh rằng sâu thẳm ở bên trong, mỗi con người là siêu việt và nằm ngoài tầm nắm bắt của chúng ta.”-Karen Amstrong

“Hãy nghĩ đến việc răn đe ngăn chặn những người chưa vi phạm pháp luật, hơn là nghĩ đến nhân phẩm của bọn tội phạm.” Đây là một phát ngôn chúng ta hay gặp, được lặp đi lặp lại dưới nhiều hình thức, trong nhiếu bối cảnh khác nhau, và nó dường như trình bày rõ ràng quan điểm về công lý của nhiều người trong xã hội hiện nay. Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về khái niệm được đề cập tới ở đây: nhân phẩm.

Giá một chai nước ở quán cóc vỉa hè là bảy nghìn, của một chai nhập khẩu trong nhà hàng năm sao là hai trăm nghìn. Ô tô có thể có giá từ 100 triệu tới 10 tỉ. Một cuốn sách dạy làm vườn có thể là một kho vàng với người này, nhưng vô dụng với người kia.

Với đồ vật thì như thế, vậy với con người thì sao? Nhân phẩm của con người có giá không? Nếu có thì là bao nhiêu, nó phụ thuộc vào những yếu tố nào? Phẩm giá của một người quyền quý có cao hơn của một cô gái mại dâm? Của một nghệ sĩ múa có cao hơn của một ông già đi xe lăn? Của một nhà khoa học có cao hơn của một phụ nữ mù chữ? Chúng ta có thể đem nhân phẩm của một ai đó, ví dụ của một kẻ tội phạm, để sử dụng cho mục đích nào đó, ví dụ như “răn đe”, mà không cần phải lo lương tâm cắn rứt?

Ở thời phong kiến, câu trả lời cho các câu hỏi trên sẽ là “có”, “có”, “có” và “có” Hồi đó người ta cho rằng giá trị của sự tồn tại của một con người phụ thuộc vào vị trí xã hội (quý tộc hơn bình dân), vào thành tích cá nhân (vị tướng hơn người lính) hay vào phẩm hạnh đạo đức của người đó (tu sĩ hơn kẻ cắp).

Ở thế kỷ 17, triết gia người Anh Thomas Hobbes đề xuất rằng nhân phẩm của con người không phải là cái gì tuyệt đối, mà phụ thuộc vào nhu cầu và đánh giá của người khác. “Một người điều hành quân lính giỏi sẽ rất được giá trong thời chiến hoặc khi chiến tranh cận kề, nhưng ở thời bình thì không. Một thẩm phán giỏi và liêm chính rất có giá trị khi hòa bình, nhưng lúc chiến tranh thì không vậy,” Hobbes viết.

Với người, cũng giống như với các thứ khác, kẻ mua, chứ không phải kẻ bán, là người xác định giá. Bởi nếu để người ta tự đánh giá thì phần lớn sẽ coi bản thân ở mức cao nhất, mà giá trị thực của anh ta thì lại không cao hơn sự ước lượng của người khác.”175

Những người sở hữu và buôn bán nô lệ cũng nghĩ như vậy. Ở miền Nam nước Mỹ, vào giữa thế kỷ 19, trung bình một nô lệ được định giá là 800 đô la. Tuy nhiên, một nô lệ nữ có giá chỉ bằng tám mươi phần trăm của nam, và một đứa trẻ mười tuổi chỉ đắt bằng bốn mươi phần trăm một thanh niên. Những người có nghề, như thợ rèn hay thợ mộc, thì giá cao hơn tới gần gấp rưỡi. Mặt khác, giá của kẻ đã từng bỏ trốn giảm xuống quá nửa, tương đương với người què cụt.176

Một tờ báo Mỹ tường thuật lại một phiên đấu giá nô lệ vào năm 1859 ở bang Georgia: “Những kẻ da đen được khám xét như những con vật. Người mua hàng vạch miệng họ ra để xem răng, cấu vào đùi họ để xem có cơ bắp không, bảo họ đi lại để kiểm tra xem họ có bị khập khiễng không, bắt họ cúi xuống bên này bên kia để xem có vết thương hay gãy xương ở đâu không, và trong cả thời gian đó thì hỏi một loạt những câu hỏi liên quan tới khả năng lao động và thành tích của họ”.177

Vì được coi không khác con vật, nên họ cũng được chuyên chở như vậy từ châu Phi tới Mỹ. Trên những tàu thủy hơi nước, hàng trăm người bị xích và xếp nằm sát nhau và thành nhiều tầng, mỗi tầng chỉ cách nhau mấy chục xăng ti mét, khiến họ không thể ngồi thẳng lưng. Tỉ lệ chết vì khát, bệnh và kiệt sức khi cập bến dao động từ mười lăm phần trăm tới một phần ba.178

Trong nhiều thế kỷ, xã hội cũng có cái nhìn tương tự đối với những người phạm chuẩn. Ở châu Âu thời Trung cổ, người bị kết án phạm tội nghiêm trọng đánh mất tất cả các quyền của mình, và về mặt dân sự, được coi là sống mà như là đã chết. Cái chết dân sự này thường dẫn tới cái chết thực sự, bởi lúc này bất cứ ai cũng có quyền giết những người này mà không bị trừng phạt.179 Nằm ngoài vòng pháp luật, họ được coi là “tự do như chim”, và cũng có thể bị kết liễu đời dễ dàng như vậy. Tới năm 1871, một thẩm phán của Mỹ, với cái tên trớ trêu là Thẩm phán Thiên Chúa (Judge Chritian), vẫn còn tuyên bố rằng tù nhân là “nô lệ của nhà nước”, không có quyền được coi là con người.180

Ngày nay quan điểm về phẩm giá con người đã thay đổi. Sau hai cuộc Đại chiến Thế giới thảm khốc ở nửa đầu thế kỷ 20, hàng loạt các công ước quốc tế được xây dựng đế khẳng định rằng bất kể trong hoàn cảnh nào, sinh mệnh và nhân phẩm của từng cá nhân phải được tôn trọng. Tư duy này được đặt trên nền tảng triết học của Immanuel Kant, một triết gia Đức ở thế kỷ 18, và trở thành trung tâm của chủ nghĩa nhân văn hiện đại.

Theo Kant, con người không có giá cả để mua bán được, họ vô giá. Nếu giá của đồ vật là một thuộc tính nằm ở bên ngoài chúng, và mang tính tương đối, thì giá trị của con người, nhân phẩm của anh ta, mang tính nội tại, tự thân, và tuyệt đối. Nhân phẩm là cái chỉ con người có, nó tới từ khả năng tư duy và tự do ý chí của họ. Một cá nhân có nhân phẩm đơn giản vì anh ta là con người, nhân phẩm tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào đóng góp của người đó cho xã hội. Mỗi người là một thực thể độc nhất, có giá trị riêng của mình. Hai người không có giá trị gấp đôi một người, người này không thay thế được người kia. Các bậc cha mẹ hiểu rất rõ điều này: sự mất mát của một đứa con là tuyệt đối; sự hiện diện của đứa con khác có thể an ủi nhưng không thể thay thế được.

Bắt nguồn sâu xa từ cái nhìn thần học (con người có hình hài của Chúa trời, xúc phạm con người cũng có nghĩa là xúc phạm Chúa), quan điểm hiện đại về nhân phẩm đặt nền tảng cho triết lý về nhân quyền. Trong đó, tiêu chí đạo đức cao nhất trong xã hội là không bao giờ được chỉ dùng người khác như một phương tiện.

Khi một phụ nữ kết hôn chỉ vì tài sản của người chồng, anh ta đã bị coi như một công cụ. Khi một cô gái van xin “Đừng đối xử với em chỉ như bông hoa ven đường”, cô thỉnh cầu để con người mình, nhân phẩm của mình không bị bỏ qua.

Các ví dụ kinh điển nhất của việc dùng người như phương tiện là khi tù nhân ở đế chế La Mã bị bắt đấu với sư tử để mua vui, khi công nhân bị đối xử không khác những cái máy vô hồn, hay khi phát xít Đức tiến hành các thí nghiệm “khoa học” trên cơ thể tù nhân Do Thái.

Tương tự, nếu y học hiện đại tiến hành bí mật thử một loại thuốc mới trên bệnh nhân, đó là lúc con người bị dùng chỉ như phương tiện. Nhưng nếu bệnh nhân được thông báo và có quyền tự quyết về sự tham gia của mình, vấn đề đó không còn nữa. Vẫn hành vi và mục đích đó, nhưng trong trường hợp thứ hai, sự tự chủ và tự do ý chí của bệnh nhân không bị xâm phạm. Họ được đối xử không chỉ như công cụ mà còn được tôn trọng như con người.

CÒN HƠN CẢ THƯƠNG YÊU

Với Kant, giá trị đạo đức cơ bản nhất, còn nền tảng hơn cả yêu thương hay trắc ẩn, là tôn trọng. Kant không yêu cầu chúng ta quý mến hay yêu thương người chúng ta không quý mến được và không yêu thương được, nhưng yêu cầu chúng ta đối xử với họ với sự tôn trọng, không hạ nhục hay ngược đãi họ, kể cả khi họ là kẻ cắp, kẻ hiếp dâm, lừa đảo, tham nhũng. Không khó để đối xử đẹp với người chúng ta quý mến hay yêu thương, nhưng điều quan trọng nằm ở cách chúng ta đối xử với những người còn lại. Chuẩn mực văn minh không cho phép chúng ta tàn nhẫn hay phục thù. Chúng ta không lăng nhục kẻ lăng nhục, không hiếp dâm kẻ hiếp dâm, không tra tấn kẻ tra tấn. Theo đại văn hào Nga Dostoyevsky, người ta có thể biết được mức độ văn minh của một cộng đồng khi đi vào nhà tù của nó.

Tôn trọng người khác không có nghĩa là không bắt họ chịu trách nhiệm về hành động của mình. Ngược lại, với Kant, bắt kẻ phạm tội chịu trách nhiệm về hậu quả của hành động của mình chính là tôn trọng họ, vì lúc đó chúng ta coi họ như một cá thể độc lập, có ý chí luân lý, có đầy đủ nhận thức và tự do lựa chọn cho các hành vi của mình. Kẻ bị bệnh tâm thần thì không chịu trách nhiệm được cho bản thân, và do đó cũng không thế bị kết án được.

Năm 2011, Anders Behring Breivik, một kẻ cực đoan cánh hữu, đánh bom giết chết tám người ở Oslo, và sau đó bắn chết 69 thanh thiếu niên đang tham dự một trại hè trên một hòn đảo. Trong năm tiếp theo, tòa án Na Uy đã cần tới hai đánh giá độc lập vế tình trạng tâm lý của Breivik. Chỉ sau khi khẳng định được là anh ta không bị bệnh tâm thần, tòa mới tuyên án tù 21 năm, mức cao nhất có thể ở Na Uy.

Chúng ta cần tôn trọng nhân phẩm của người khác kể cả khi họ không nhất thiết được coi là “xứng đáng” để được tôn trọng. Nói một cách khác, tôi tôn trọng anh ta vì anh ấy là một con người, mặc dù qua những gì tôi biết về tính cách và hành động của anh ta, anh ấy không dáng được ca ngợi. Kant viết: “Tôi không thể rút lại sự tôn trọng thuộc về anh ấy bởi thuộc tính anh ấy là người, mặc dù qua các hành vi của mình anh ta tự làm mình trở nên thiếu tư cách.”181

Tự do của các cá nhân được xác định qua các thỏa hiệp xã hội. Nhà nước có thể lấy đi tự do của một thành viên xã hội ở các cấp bậc khác nhau, ví dụ đưa anh ta vào tù khi anh ta vi phạm các quy ước đã được xã hội công nhận, hay bắt anh ta sung lính khi tới tuổi. Ngược lại, nhân phẩm không bao giờ được thỏa hiệp. Người phạm tội vẫn cần được tôn trọng với tư cách con người, bởi nhân phẩm của họ không phụ thuộc vào công trạng của họ. Không ai có thể nhân danh công lý hay đạo đức để biện minh cho việc chà đạp lên nhân phẩm của người khác, hoặc chỉ ban phát nhân phẩm cho một nhóm người nhất định trong xã hội.

Điều này được nêu rõ trong Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc: “Mọi cá nhân bị tước đi tự do phải được đối xử nhân đạo, với sự tôn trọng nhân phẩm vốn có của con người.” Hiến pháp Việt Nam cũng khẳng định tương tự: “Mọi người (...) được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bao lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể (...) danh dự, nhân phẩm”

Đây cũng là lý do vì sao chữ “phục hồi nhân phẩm” mà chúng ta vẫn dùng cho những người phạm chuẩn là sai. Họ có thể bị tước đi các quyền dân sự nhất định, nhưng không bao giờ mất nhân phẩm, bởi họ chưa bao giờ ngừng làm người. Cái họ cần phục hồi là khả năng sống lành mạnh và lương thiện trong cộng đồng.

Xã hội đã văn minh hơn. Ngày nay, phần lớn đều đồng ý rằng ngay cả với súc vật chúng ta cũng cần có những nguyên tắc đối xử nhân đạo, không bắt chúng làm việc tới kiệt sức, không đánh đập chúng khi chúng “lười”, không nuôi chúng lấy thịt trong những điều kiện tàn nhẫn, và cho chúng một cái chết không đau đớn khi cần giết chúng. Từ thời của Kant, khi khái niệm quyền động vật còn xa lạ, ông đã cho rằng tra tấn động vật là sai trái. Kant không quan tâm tới những đau khổ mà động vật phải chịu đựng, nhưng tới tác động của việc tra tấn chúng tới xã hội con người. Chính chúng ta sẽ chịu đau khổ, một cách gián tiếp, bởi vì “người độc ác với động vật sẽ trở nên chai sạn khi cư xử với con người”.182

Chúng ta cũng tin rằng kể cả người chết cũng cần được tôn trọng; đó là lý do vì sao bức ảnh một xác chết được bó chiếu chở sau xe máy ở Sơn La vào giữa tháng 9 vừa qua lại khiến xã hội xôn xao và tìm hiểu nguồn cơn. Chúng ta lo lắng bởi chúng ta biết nếu một xã hội thờ ơ với xác chết, nó đã bị bần cùng về tinh thần.

SEN TRONG BIỂN LỬA

Chúng ta đối xử tử tế với động vật hay với xác chết, mặc dù chúng không thể lên tiếng van xin hay phản đối để bảo vệ bản thân, bởi cách ta đối xử với chúng là minh chứng cho tư cách đạo đức của ta. Vậy cớ gì mà chúng ta chà đạp lên nhân phẩm của một kẻ trộm chó, một con nghiện, một người bán dâm? Ngược lại, tôn trọng nhân phẩm của họ là để chứng minh cho tư cách của ta, bảo vệ phẩm giá của họ là để bảo vệ phẩm giá của mình. Nói một cách khác, chúng ta chỉ có thể giữ được sự tự trọng nếu chúng ta không chà đạp lên người khác, kể cả kẻ thù. Cách đây một thập kỷ, thanh danh của quân đội Mỹ đã bị tổn hại nặng nề khi những bức ảnh chứng minh họ tra tấn, ngược đãi và lăng nhục những tù nhân ở trại giam Guantanamo Bay lọt ra công luận.

Phát biểu trước các giáo sĩ làm việc trong nhà tù trong một hội nghị quốc tế năm 2010, Andrew Coyle, giáo sư trường Đại học Essex, người có 25 năm làm việc trong hệ thống nhà tù ở Anh, kêu gọi đừng bao giờ quên rằng những kẻ mà chúng ta đang khóa trái lại kia cũng giống chúng ta, đều là con người. Nhân tính của họ phải được tôn trọng, bất kể tội ác của họ là gì. Hướng tới các giáo sĩ, ông nói thêm:

“Nhưng đây không phải là một việc dễ dàng. Các bạn có thể bị chế giễu bởi những cố gắng của mình; các bạn chắc chắn sẽ bị thách thức; thâm chí các bạn còn có thể bị đe dọa. Nelson Mandela nói rằng cần đánh giá một đất nước không phải qua cách nó đối xử với các công dân cao quý nhất, mà qua cách nó đối xử với các công dân thấp kém nhất của mình. Các bạn có nghĩa vụ luôn nhắc nhở chúng ta tới câu nói đó”.183

Thiền sư Thích Nhất Hạnh dùng hình ảnh “sen trong biển lửa” để gọi những con người mà Andrew Coyle mô ta: vẫn đàng hoàng, vẫn giữ được các nguyên tắc đạo đức của mình trong một môi trường hạ nhục và độc ác, dũng cảm bảo vệ nhân phẩm của những người bị hắt hủi. Không có sự chế giễu, thách thức hay đe dọa nào có thể khiến họ chà đạp lên người khác. Với hành động của mình, không những họ đang bảo vệ nhân phẩm của bản thân, mà còn của cả tất cả chúng ta.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3