Thôi Duyên - Chương 09

09. Đám cưới của chị Huệ

Cánh cửa xuân xanh vẫn mở ngỏ mà lòng em mười lăm sao đã vội cửa đóng then cài?

Đám cưới của chị Huệ được tổ chức vào cuối tháng sau, nghe lâu mà cũng hóa ra gấp gáp, việc cần làm nhiều không kể xiết.

Sau đám cưới, cậu Khải sẽ đưa chỉ lên Sài Gòn sống, nghe đâu dịp vừa rồi cậu đã êm thấm xin được một chân thông dịch. Ban đầu cuộc sống có thể hơi khó khăn nhưng xem chừng niềm tin và hy vọng của cậu và chỉ đều lớn lao lắm.

Kể ra mọi chuyện vẫn đang đi đúng hướng mà nó phải đi, chỉ có cuộc đời trước mắt của tôi là vẫn mờ mịt vô vọng.

Má vừa giúp chị Huệ soạn quần áo vừa nói:

- Út nè, cái Hai nó lấy chồng rồi đó, còn con đã ưng được mối nào chưa?

Chị Huệ cũng cười khúc khích, đôi má đào đỏ thắm:

- Cái Út lại về với anh Ba Thắng chứ còn mối nào nữa má?

Tôi lườm chỉ một cái, giả vờ quạu cọ:

- Có phải Hai được lên Sài Gòn rồi nên muốn em ở làng mãi đúng không?

Chỉ vừa tủm tỉm vừa né cái véo của tôi, hai chị em cười rúc rích. Mãi một lúc sau, nhân lúc má lúi húi không để ý, chỉ mới tự dưng biểu một câu chẳng vô đầu vô cuối:

- Hổng phải Hai không muốn em lên Sài Gòn, em mà lên thì có chị có em, Hai lại chẳng mơ mà hổng được. Nhưng Hai đã đi xa rồi, em có lấy ai cũng ráng lấy gần gần để còn lo cho má. Đời má khổ đủ rồi Út.

Tôi lặng im không đáp, cả hai chị em tôi đều thầm hiểu là tôi đã ưng thuận. Nhưng trong thâm tâm tôi tự nhủ với mình, đời tôi chẳng còn thương được người nào nữa, dẫu có ướm gả cho ai thì cũng sẽ lặp lại một đời lỡ làng đắng cay của má. Chẳng thà rằng tôi cứ ở giá mãi mà chăm má, bầu bạn với má trong những ngày lẻ loi chị Huệ đi xa.

Ai biểu trời sinh tôi bản tính cố chấp, thương một người là thương suốt đời suốt kiếp, mối tình duyên ngang trái làm lòng tôi sớm héo hon sầu muộn.

Cánh cửa xuân xanh vẫn mở ngỏ mà lòng em mười lăm sao đã vội cửa đóng then cài?


*

Sáng sớm nay, cậu Khải rẽ qua nhà đón chị Huệ lên Sài Gòn may mấy bộ áo dài cưới. Tôi lẻn ra ngoài bờ ao ngồi từ sớm, dẫu chính tôi là người tác hợp cho cậu và chỉ nhưng không hiểu sao tôi vẫn chẳng thể vô tư đối diện với nụ cười của cậu.

Chua chát và đau xót lắm cậu ơi!

Cá ngoi lên mặt nước đớp mồi để lại từng vòng nước xuyến xao. Làn gió đầu mùa thoảng qua làm chiếc lá xanh trên cành rung rinh rồi buông mình khỏi cây, nó xoay xoay giữa không trung và đáp nhẹ xuống mặt ao đùng đục, lững lờ trôi theo gió đi xa bờ.

“Gió thổi bên sông chợt nghe xuyến xao trong lòng 

Tháng ngày hằng mong tình yêu ơi có biết không 

Cái tuổi đang xuân là em ước mơ đêm ngày 

Mơ ước một ngày mai thương ai nhớ về ai. 


Đau xót đau mình em đành thôi xót xa mình em

Gió thổi bên sông tình em lắng sâu theo dòng 

Mỏi mòn chờ mong rồi hoa em cũng héo đông 

Nếu lỡ mai không còn ai đón đưa em về. 

Thôi cũng đành thôi, duyên em cũng đành… thôi.”*

Tiếng ca hay cũng chính là tiếng lòng tôi đang thổn thức?

Mười lăm trăng rằm, lần đầu tiên gặp gỡ đã trót thương mến nhớ nhung cậu, chẳng cố ý mà đem bóng hình người con trai ấy tạc sâu cõi lòng. Mười lăm trăng khuyết, lần đầu tiên trải qua nỗi buồn niên thiếu đầu đời, tương tư mòn mỏi mà hóa đơn phương tuyệt vọng, cậu lại vô tình đem lòng thương chị Hai tôi…

- Út Liên ca bài gì mà buồn quá vậy?

Tôi giật mình khi nhận ra tiếng bước chân của cậu Khải đã tiến tới thật gần. Vội đưa tay quẹt ngang giọt nước mắt vô thức chảy dài, tôi quay đầu tìm bóng dáng cậu.

Cậu Khải hai tay đút túi quần âu, thong thả bước tới sau lưng tôi. Tôi cười mà lòng ngập tràn chua xót:

- Em ca cuộc đời em đó cậu!

Chẳng rõ cậu hiểu thấu được bao nhiêu niềm tâm tư của tôi gửi gắm qua câu trả lời đầy xót xa ấy. Cậu chỉ cười xuề xòa mà không đáp, rồi cậu vừa ngẩng đầu nhìn trời xanh vừa nói bâng quơ:

- Út đừng gọi tôi là cậu nữa, cũng phải thay đổi cách xưng hô cho chóng quen.

Ý tứ của cậu thật rõ ràng, cậu sắp cưới chị Huệ, cậu sẽ là anh rể của tôi. Khoảng cách giữa tôi và cậu vốn đã xa nay lại càng xa vời vợi, không có cách gì níu kéo lại được.

- Cậu cứ để Út gọi mấy bữa nữa, thời gian có là bao…

Đâu phải tôi dở tánh trẻ con nhõng nhẽo cậu? Chỉ là cách gọi quen thuộc gần gũi ấy, cậu cứ để tôi hoài niệm thêm một chút, nhớ nhung thêm một chút. Thời gian chóng qua, có còn là bao những tháng ngày tôi được cất lời gọi một chữ “cậu” tròn vành rõ nghĩa? Cậu càng vạch xa sự ngăn cách giữa hai chúng tôi, tôi lại càng cố chấp níu lại dù chỉ là những ảo vọng không có thực.

Cậu nghe tôi nói vậy nên cũng chẳng kỳ kèo thêm nữa. Một khoảng im lặng kéo dài, cuối cùng tôi đành cất tiếng để xua đi sự gượng gạo ngượng ngùng:

- Chị Hai đâu rồi cậu?

- Huệ đang thay quần áo đó Út. Út cũng biết tánh Huệ rồi mà.

Chẳng biết có phải vì nhắc tới chị Hai mà niềm vui trong đáy mắt cậu khẽ vụt sáng. Tôi ngơ ngẩn hồi lâu, lặng thinh không đáp.

- Út có biết vì sao tôi thương Huệ?

Tôi lắc đầu cười buồn, cậu Khải cúi người tư lự nhìn đám cá táp mồi, rèm mi dài che khuất ánh mắt. Mãi một lúc sau, cậu nói mà như tự nhủ với lòng mình:

- Chắc Út chưa quên ngày đầu tiên tôi về làng? Tôi vẫn còn nhớ y nguyên cảm giác ngạc nhiên ngỡ ngàng sáng hôm ấy, rất nhiều người ra cổng làng đón mừng tôi trở về. Út biết đó, từ nhỏ tôi đã rời làng lên thành phố, chẳng có mấy kỷ niệm tuổi thơ ở đây. Đó là lần đầu tôi hiểu thấu tình làng nghĩa xóm mình Út à.

Ngừng một lát như để nỗi bồi hồi qua đi, cậu Khải mới tiếp lời:

- Hôm đó, tôi nhìn thấy Huệ lẫn giữa đám đông, ở Huệ có một điều gì đó níu giữ ánh mắt tôi, nó… nó kỳ lạ lắm Út. Huệ mỉm cười, có cảm giác giống như… mọi thứ đều bừng sáng vậy.

Sao mà tôi không hiểu được tình cậu? Mỗi lần cậu cười vui, đáy lòng tôi cũng len lén tràn ngập hạnh phúc; mỗi lần nhìn cậu buồn phiền, ngày hôm ấy mây giăng kín lối tôi đi về.

Thương một người đâu cần phải biết tại sao? Chỉ là ánh mắt đầu tiên nhìn người ấy, tôi đã hiểu tôi thương người, thương da diết, thương chân thành.

- Huệ là sợi dây nối liền giữa tôi và làng, để tôi bước đi còn có chốn bình yên trở về, chẳng như cây kia rời đất bật rễ, phiêu dạt không nhớ cội nguồn.

Cuộc trò chuyện lại ngắt quãng bằng một khoảng thinh lặng kéo dài thật dài, nhưng lần này chẳng ai trong chúng tôi cất tiếng mở lời. Mỗi người dường như đều đang theo đuổi những suy nghĩ riêng.

- Ủa, hai người đang nói gì đó?

Chị Huệ chạy ào từ trong nhà ra, nụ cười thắm đọng trên môi không dứt. Cậu mỉm cười lắc đầu, tôi nhắc:

- Hai đi sớm đi kẻo lại muộn!

- Vậy Hai đi trước nha!

Tôi gật đầu, nhoẻn cười đáp lại ánh nhìn của cậu Khải. Bóng hai người một cao một thấp kéo dài trên mặt đất, chậm rãi rời xa rời xa tôi…

*

Đám cưới của chị hai tôi tấp nập khách khứa, ai cũng kêu chỉ may mắn mới được bước chân vô làm dâu nhà hội đồng. Ngày hôm ấy tôi lúi húi dưới bếp phụ má và các thím các dì làm cỗ, chị hai mặc áo dài đỏ xúng xính cùng mợ cả mời nước hàng xóm láng giềng, chỉ cười rổn rang với mấy cô bạn gái suốt cả buổi, mắt hạnh lóng láy và má đào thắm biếc.

Quay đi quay lại mà cũng qua hai ngày cỗ bàn, chị em tôi vẫn chưa có dịp chuyện trò lần cuối trước khi chỉ gả về nhà chồng. Mãi tới ngày nhà trai rước dâu, má mới biểu tôi rửa ráy chân tay lên giúp chị Huệ sắm sửa áo quần. Nếp nhăn dưới đuôi mắt má dường như lại hằn sâu thêm một chút nữa.

Cánh cửa cũ kẽo cọt oằn mình, tia sáng từ bên ngoài theo khe hở nhỏ lách mình vào trong căn buồng thoang thoảng mùi hương thiếu nữ. Chị Huệ ngồi lặng người trên chiếc giường đong đầy giấc mơ niên thiếu, tà áo dài màu đỏ đính những hạt cườm lóng láy rủ xuống mặt đất.

Tôi bồi hồi ngồi xuống bên cạnh chỉ, cùng thổn thức những tiếng thở dài trong thinh lặng. Lời chúc phúc mấy lần vuột khỏi đầu môi tôi rồi đột ngột nén lại giữa vô vàn bộn bề.

- Út nè, ráng ở lại đỡ đần má nha Út. - Chị Huệ nắm lấy tay tôi, nghẹn ngào - Út lớn rồi, mười lăm rồi, phải biết chín bỏ làm mười nghe không, mợ cả dẫu sao cũng là người lớn trong nhà, cậu Cường dẫu sao cũng là hòn máu của cha, là đích tôn của dòng họ nhà mình... Đôi khi cái tánh háo thắng, xốc nổi không giải quyết được chuyện gì đâu Út à...

Ngừng một lúc, chỉ nặn ra nụ cười méo xệch:

- Mà Út cũng đến tuổi phải gả chồng rồi còn gì nữa, Út đã ưng ai chưa? Mấy dạo gần đây, Hai cứ thấy Út ngẩn ngẩn ngơ ngơ hoài đó...

Người trong lòng em là người chút nữa đây thôi sẽ rước Hai rời xa mái nhà ấu thơ này để bước tới một chân trời mà em vẫn hằng khao khát. Nhưng làm sao em có thể giãi bày với Hai những lời này đây?

- Chuyện trước mắt là chuyện của Hai kìa, Hai cứ nghĩ đi đâu xa xôi làm chi?

Chị Huệ cúi đầu cười thẹn, đôi má hây hây hồng. Em sẽ không chúc Hai hạnh phúc đâu, bởi em biết cậu Khải sẽ là bến bờ yên bình mãi mãi cho Hai, Hai sẽ sống một đời bằng an và tươi sáng, cuộc đời mà má vẫn luôn hy vọng ở hai chị em mình.

- Hai không được lo lắng gì cho em và má hết. Em nhất định sẽ thay Hai chăm sóc má thiệt thiệt tốt!

Chị Huệ rưng rưng nhìn tôi hồi lâu, rồi như chẳng còn kìm nén được nữa, hai chị em tôi ôm lấy nhau òa khóc.

Hôm nay, chị tôi là cô dâu rạng rỡ nhất đời.

Hôm nay, chị tôi theo chồng bỏ lại sau lưng miền ký ức ngây ngô khờ dại.

Hôm nay, cậu Khải mặc âu phục trắng tinh, cái dáng cao gầy ấy nghiêng mình che cho chị tôi nép khẽ vào lòng, bước chân nhịp nhàng sánh bước rời xa cổng nhà tôi...

Cũng như một đêm trăng vành vạnh thấm đẫm những mơ mộng đầu đời của tôi, cánh cổng ấy có đề hai chữ Vu Quy...

***

Ráng chiều nhuộm đỏ một vùng trời, hắt xuống sân gạch những cái bóng đen kéo dài. Đám rước dâu đã đi, mang theo cả những âm thanh huyên náo rộn ràng mấy ngày qua. Cảnh sắc nhà tôi giờ đây quạnh quẽ và vắng lặng đến lạ lùng.

Tôi không theo đám rước mà ở lại cùng với má dọn dẹp sân vườn, các bác các thím cũng mỗi người một tay vừa bàn chuyện đám cưới chị Huệ vừa sắp xếp từng thúng bát đĩa lỉnh kỉnh. Lạ là anh Ba Thắng cũng không đi rước dâu mà nán lại nhà tôi tới tận xế chiều.

- Nói chuyện với tôi chút nghen?

Tôi ngập ngừng gật đầu rồi cùng ảnh rảo bước ra bờ ao đầu ngõ. Ba Thắng nhìn sâu vào mắt tôi bằng một ánh nhìn đượm buồn.

- Út thích cậu Khải nhiều lắm phải không?

Ngay khi câu hỏi vuột khỏi môi Ba Thắng, tôi đã thoáng giật thót. Sao ảnh lại hay tâm tư thầm kín bấy lâu nay của tôi? Tôi đâu có kể cho ai nghe chuyện ấy...

Dường như hiểu thấu suy nghĩ của tôi, Ba Thắng rầu rầu nói:

- Út đừng lo, không có ai biết, cũng không có ai biểu tôi, là tôi tự đoán ra... Út à, bây giờ Huệ đã lấy cậu Khải rồi, Út đừng ngóng trông theo nữa được không? Út... Út có thể một lần để ý tới tôi hay không?

_____________________________

1 Lời bài hát Thương kiếp đò xuôi.

Đám cưới của chị Huệ được tổ chức vào cuối tháng sau, nghe lâu mà cũng hóa ra gấp gáp, việc cần làm nhiều không kể xiết.

Sau đám cưới, cậu Khải sẽ đưa chỉ lên Sài Gòn sống, nghe đâu dịp vừa rồi cậu đã êm thấm xin được một chân thông dịch. Ban đầu cuộc sống có thể hơi khó khăn nhưng xem chừng niềm tin và hy vọng của cậu và chỉ đều lớn lao lắm.

Kể ra mọi chuyện vẫn đang đi đúng hướng mà nó phải đi, chỉ có cuộc đời trước mắt của tôi là vẫn mờ mịt vô vọng.

Má vừa giúp chị Huệ soạn quần áo vừa nói:

- Út nè, cái Hai nó lấy chồng rồi đó, còn con đã ưng được mối nào chưa?

Chị Huệ cũng cười khúc khích, đôi má đào đỏ thắm:

- Cái Út lại về với anh Ba Thắng chứ còn mối nào nữa má?

Tôi lườm chỉ một cái, giả vờ quạu cọ:

- Có phải Hai được lên Sài Gòn rồi nên muốn em ở làng mãi đúng không?

Chỉ vừa tủm tỉm vừa né cái véo của tôi, hai chị em cười rúc rích. Mãi một lúc sau, nhân lúc má lúi húi không để ý, chỉ mới tự dưng biểu một câu chẳng vô đầu vô cuối:

- Hổng phải Hai không muốn em lên Sài Gòn, em mà lên thì có chị có em, Hai lại chẳng mơ mà hổng được. Nhưng Hai đã đi xa rồi, em có lấy ai cũng ráng lấy gần gần để còn lo cho má. Đời má khổ đủ rồi Út.

Tôi lặng im không đáp, cả hai chị em tôi đều thầm hiểu là tôi đã ưng thuận. Nhưng trong thâm tâm tôi tự nhủ với mình, đời tôi chẳng còn thương được người nào nữa, dẫu có ướm gả cho ai thì cũng sẽ lặp lại một đời lỡ làng đắng cay của má. Chẳng thà rằng tôi cứ ở giá mãi mà chăm má, bầu bạn với má trong những ngày lẻ loi chị Huệ đi xa.

Ai biểu trời sinh tôi bản tính cố chấp, thương một người là thương suốt đời suốt kiếp, mối tình duyên ngang trái làm lòng tôi sớm héo hon sầu muộn.

Cánh cửa xuân xanh vẫn mở ngỏ mà lòng em mười lăm sao đã vội cửa đóng then cài?


*

Sáng sớm nay, cậu Khải rẽ qua nhà đón chị Huệ lên Sài Gòn may mấy bộ áo dài cưới. Tôi lẻn ra ngoài bờ ao ngồi từ sớm, dẫu chính tôi là người tác hợp cho cậu và chỉ nhưng không hiểu sao tôi vẫn chẳng thể vô tư đối diện với nụ cười của cậu.

Chua chát và đau xót lắm cậu ơi!

Cá ngoi lên mặt nước đớp mồi để lại từng vòng nước xuyến xao. Làn gió đầu mùa thoảng qua làm chiếc lá xanh trên cành rung rinh rồi buông mình khỏi cây, nó xoay xoay giữa không trung và đáp nhẹ xuống mặt ao đùng đục, lững lờ trôi theo gió đi xa bờ.

“Gió thổi bên sông chợt nghe xuyến xao trong lòng 

Tháng ngày hằng mong tình yêu ơi có biết không 

Cái tuổi đang xuân là em ước mơ đêm ngày 

Mơ ước một ngày mai thương ai nhớ về ai. 


Đau xót đau mình em đành thôi xót xa mình em

Gió thổi bên sông tình em lắng sâu theo dòng 

Mỏi mòn chờ mong rồi hoa em cũng héo đông 

Nếu lỡ mai không còn ai đón đưa em về. 

Thôi cũng đành thôi, duyên em cũng đành… thôi.”*

Tiếng ca hay cũng chính là tiếng lòng tôi đang thổn thức?

Mười lăm trăng rằm, lần đầu tiên gặp gỡ đã trót thương mến nhớ nhung cậu, chẳng cố ý mà đem bóng hình người con trai ấy tạc sâu cõi lòng. Mười lăm trăng khuyết, lần đầu tiên trải qua nỗi buồn niên thiếu đầu đời, tương tư mòn mỏi mà hóa đơn phương tuyệt vọng, cậu lại vô tình đem lòng thương chị Hai tôi…

- Út Liên ca bài gì mà buồn quá vậy?

Tôi giật mình khi nhận ra tiếng bước chân của cậu Khải đã tiến tới thật gần. Vội đưa tay quẹt ngang giọt nước mắt vô thức chảy dài, tôi quay đầu tìm bóng dáng cậu.

Cậu Khải hai tay đút túi quần âu, thong thả bước tới sau lưng tôi. Tôi cười mà lòng ngập tràn chua xót:

- Em ca cuộc đời em đó cậu!

Chẳng rõ cậu hiểu thấu được bao nhiêu niềm tâm tư của tôi gửi gắm qua câu trả lời đầy xót xa ấy. Cậu chỉ cười xuề xòa mà không đáp, rồi cậu vừa ngẩng đầu nhìn trời xanh vừa nói bâng quơ:

- Út đừng gọi tôi là cậu nữa, cũng phải thay đổi cách xưng hô cho chóng quen.

Ý tứ của cậu thật rõ ràng, cậu sắp cưới chị Huệ, cậu sẽ là anh rể của tôi. Khoảng cách giữa tôi và cậu vốn đã xa nay lại càng xa vời vợi, không có cách gì níu kéo lại được.

- Cậu cứ để Út gọi mấy bữa nữa, thời gian có là bao…

Đâu phải tôi dở tánh trẻ con nhõng nhẽo cậu? Chỉ là cách gọi quen thuộc gần gũi ấy, cậu cứ để tôi hoài niệm thêm một chút, nhớ nhung thêm một chút. Thời gian chóng qua, có còn là bao những tháng ngày tôi được cất lời gọi một chữ “cậu” tròn vành rõ nghĩa? Cậu càng vạch xa sự ngăn cách giữa hai chúng tôi, tôi lại càng cố chấp níu lại dù chỉ là những ảo vọng không có thực.

Cậu nghe tôi nói vậy nên cũng chẳng kỳ kèo thêm nữa. Một khoảng im lặng kéo dài, cuối cùng tôi đành cất tiếng để xua đi sự gượng gạo ngượng ngùng:

- Chị Hai đâu rồi cậu?

- Huệ đang thay quần áo đó Út. Út cũng biết tánh Huệ rồi mà.

Chẳng biết có phải vì nhắc tới chị Hai mà niềm vui trong đáy mắt cậu khẽ vụt sáng. Tôi ngơ ngẩn hồi lâu, lặng thinh không đáp.

- Út có biết vì sao tôi thương Huệ?

Tôi lắc đầu cười buồn, cậu Khải cúi người tư lự nhìn đám cá táp mồi, rèm mi dài che khuất ánh mắt. Mãi một lúc sau, cậu nói mà như tự nhủ với lòng mình:

- Chắc Út chưa quên ngày đầu tiên tôi về làng? Tôi vẫn còn nhớ y nguyên cảm giác ngạc nhiên ngỡ ngàng sáng hôm ấy, rất nhiều người ra cổng làng đón mừng tôi trở về. Út biết đó, từ nhỏ tôi đã rời làng lên thành phố, chẳng có mấy kỷ niệm tuổi thơ ở đây. Đó là lần đầu tôi hiểu thấu tình làng nghĩa xóm mình Út à.

Ngừng một lát như để nỗi bồi hồi qua đi, cậu Khải mới tiếp lời:

- Hôm đó, tôi nhìn thấy Huệ lẫn giữa đám đông, ở Huệ có một điều gì đó níu giữ ánh mắt tôi, nó… nó kỳ lạ lắm Út. Huệ mỉm cười, có cảm giác giống như… mọi thứ đều bừng sáng vậy.

Sao mà tôi không hiểu được tình cậu? Mỗi lần cậu cười vui, đáy lòng tôi cũng len lén tràn ngập hạnh phúc; mỗi lần nhìn cậu buồn phiền, ngày hôm ấy mây giăng kín lối tôi đi về.

Thương một người đâu cần phải biết tại sao? Chỉ là ánh mắt đầu tiên nhìn người ấy, tôi đã hiểu tôi thương người, thương da diết, thương chân thành.

- Huệ là sợi dây nối liền giữa tôi và làng, để tôi bước đi còn có chốn bình yên trở về, chẳng như cây kia rời đất bật rễ, phiêu dạt không nhớ cội nguồn.

Cuộc trò chuyện lại ngắt quãng bằng một khoảng thinh lặng kéo dài thật dài, nhưng lần này chẳng ai trong chúng tôi cất tiếng mở lời. Mỗi người dường như đều đang theo đuổi những suy nghĩ riêng.

- Ủa, hai người đang nói gì đó?

Chị Huệ chạy ào từ trong nhà ra, nụ cười thắm đọng trên môi không dứt. Cậu mỉm cười lắc đầu, tôi nhắc:

- Hai đi sớm đi kẻo lại muộn!

- Vậy Hai đi trước nha!

Tôi gật đầu, nhoẻn cười đáp lại ánh nhìn của cậu Khải. Bóng hai người một cao một thấp kéo dài trên mặt đất, chậm rãi rời xa rời xa tôi…

*

Đám cưới của chị hai tôi tấp nập khách khứa, ai cũng kêu chỉ may mắn mới được bước chân vô làm dâu nhà hội đồng. Ngày hôm ấy tôi lúi húi dưới bếp phụ má và các thím các dì làm cỗ, chị hai mặc áo dài đỏ xúng xính cùng mợ cả mời nước hàng xóm láng giềng, chỉ cười rổn rang với mấy cô bạn gái suốt cả buổi, mắt hạnh lóng láy và má đào thắm biếc.

Quay đi quay lại mà cũng qua hai ngày cỗ bàn, chị em tôi vẫn chưa có dịp chuyện trò lần cuối trước khi chỉ gả về nhà chồng. Mãi tới ngày nhà trai rước dâu, má mới biểu tôi rửa ráy chân tay lên giúp chị Huệ sắm sửa áo quần. Nếp nhăn dưới đuôi mắt má dường như lại hằn sâu thêm một chút nữa.

Cánh cửa cũ kẽo cọt oằn mình, tia sáng từ bên ngoài theo khe hở nhỏ lách mình vào trong căn buồng thoang thoảng mùi hương thiếu nữ. Chị Huệ ngồi lặng người trên chiếc giường đong đầy giấc mơ niên thiếu, tà áo dài màu đỏ đính những hạt cườm lóng láy rủ xuống mặt đất.

Tôi bồi hồi ngồi xuống bên cạnh chỉ, cùng thổn thức những tiếng thở dài trong thinh lặng. Lời chúc phúc mấy lần vuột khỏi đầu môi tôi rồi đột ngột nén lại giữa vô vàn bộn bề.

- Út nè, ráng ở lại đỡ đần má nha Út. - Chị Huệ nắm lấy tay tôi, nghẹn ngào - Út lớn rồi, mười lăm rồi, phải biết chín bỏ làm mười nghe không, mợ cả dẫu sao cũng là người lớn trong nhà, cậu Cường dẫu sao cũng là hòn máu của cha, là đích tôn của dòng họ nhà mình... Đôi khi cái tánh háo thắng, xốc nổi không giải quyết được chuyện gì đâu Út à...

Ngừng một lúc, chỉ nặn ra nụ cười méo xệch:

- Mà Út cũng đến tuổi phải gả chồng rồi còn gì nữa, Út đã ưng ai chưa? Mấy dạo gần đây, Hai cứ thấy Út ngẩn ngẩn ngơ ngơ hoài đó...

Người trong lòng em là người chút nữa đây thôi sẽ rước Hai rời xa mái nhà ấu thơ này để bước tới một chân trời mà em vẫn hằng khao khát. Nhưng làm sao em có thể giãi bày với Hai những lời này đây?

- Chuyện trước mắt là chuyện của Hai kìa, Hai cứ nghĩ đi đâu xa xôi làm chi?

Chị Huệ cúi đầu cười thẹn, đôi má hây hây hồng. Em sẽ không chúc Hai hạnh phúc đâu, bởi em biết cậu Khải sẽ là bến bờ yên bình mãi mãi cho Hai, Hai sẽ sống một đời bằng an và tươi sáng, cuộc đời mà má vẫn luôn hy vọng ở hai chị em mình.

- Hai không được lo lắng gì cho em và má hết. Em nhất định sẽ thay Hai chăm sóc má thiệt thiệt tốt!

Chị Huệ rưng rưng nhìn tôi hồi lâu, rồi như chẳng còn kìm nén được nữa, hai chị em tôi ôm lấy nhau òa khóc.

Hôm nay, chị tôi là cô dâu rạng rỡ nhất đời.

Hôm nay, chị tôi theo chồng bỏ lại sau lưng miền ký ức ngây ngô khờ dại.

Hôm nay, cậu Khải mặc âu phục trắng tinh, cái dáng cao gầy ấy nghiêng mình che cho chị tôi nép khẽ vào lòng, bước chân nhịp nhàng sánh bước rời xa cổng nhà tôi...

Cũng như một đêm trăng vành vạnh thấm đẫm những mơ mộng đầu đời của tôi, cánh cổng ấy có đề hai chữ Vu Quy...

***

Ráng chiều nhuộm đỏ một vùng trời, hắt xuống sân gạch những cái bóng đen kéo dài. Đám rước dâu đã đi, mang theo cả những âm thanh huyên náo rộn ràng mấy ngày qua. Cảnh sắc nhà tôi giờ đây quạnh quẽ và vắng lặng đến lạ lùng.

Tôi không theo đám rước mà ở lại cùng với má dọn dẹp sân vườn, các bác các thím cũng mỗi người một tay vừa bàn chuyện đám cưới chị Huệ vừa sắp xếp từng thúng bát đĩa lỉnh kỉnh. Lạ là anh Ba Thắng cũng không đi rước dâu mà nán lại nhà tôi tới tận xế chiều.

- Nói chuyện với tôi chút nghen?

Tôi ngập ngừng gật đầu rồi cùng ảnh rảo bước ra bờ ao đầu ngõ. Ba Thắng nhìn sâu vào mắt tôi bằng một ánh nhìn đượm buồn.

- Út thích cậu Khải nhiều lắm phải không?

Ngay khi câu hỏi vuột khỏi môi Ba Thắng, tôi đã thoáng giật thót. Sao ảnh lại hay tâm tư thầm kín bấy lâu nay của tôi? Tôi đâu có kể cho ai nghe chuyện ấy...

Dường như hiểu thấu suy nghĩ của tôi, Ba Thắng rầu rầu nói:

- Út đừng lo, không có ai biết, cũng không có ai biểu tôi, là tôi tự đoán ra... Út à, bây giờ Huệ đã lấy cậu Khải rồi, Út đừng ngóng trông theo nữa được không? Út... Út có thể một lần để ý tới tôi hay không?

_____________________________

* Lời bài hát Thương kiếp đò xuôi.