Thung Lũng Bất Hạnh - Chương 04

4

Ở phòng ăn trong căn hộ bên trên phòng khám, Gerda Christow nhìn chằm chằm vào tảng thịt cừu.

Cô có nên đưa nó xuống phòng bếp để hâm lại không?

Nếu John còn chưa lên nữa thì nó sẽ nguội đi, cứng lại, thế thì dở lắm.

Nhưng mà bệnh nhân cuối cùng đã về rồi, John sắp lên đến nơi, nếu cô đưa nó đi hâm lại thì bữa trưa sẽ trễ mất—John vốn rất hay mất kiên nhẫn. “Nhưng chắc hẳn em phải biết là anh sắp lên…” Cô rất biết và sợ cái ngữ điệu cáu kỉnh kìm nén đó của chồng. Hơn nữa, nếu nướng lại thì miếng thịt sẽ khô đi vì quá lửa, John vốn ghét món thịt bị quá lửa.

Nhưng anh cũng ghét đồ ăn nguội nữa.

Hiện giờ thì món ăn đang nóng ngon vừa độ. Cô cứ lưỡng lự tới lui, càng lúc càng thấy lo lắng khổ sở.

Cả thế giới thu nhỏ lại bằng một cái đùi cừu đang nguội dần trên đĩa.

Ở phía đối diện bàn, cậu con trai Terence đang ngồi, năm nay cậu mười hai tuổi.

“Muối boric cháy cho ra ngọn lửa màu xanh, muối natri thì ngọn lửa vàng,” cậu nói.

Gerda lơ đãng ngước nhìn gương mặt vuông, lấm tấm tàn nhang của con trai. Cô chẳng hiểu nó vừa nói gì.

“Mẹ biết chuyện đó không mẹ?”

“Biết gì hả cưng?”

“Về các loại muối ấy.”

Gerda bất giác liếc nhìn hũ muối trên bàn. Ừ, muối và tiêu đều đầy đủ cả. Mọi thứ đâu vào đó. Tuần trước Lewis lỡ quên, thế là John bực mình. Luôn luôn có gì đó khiến anh ấy bực mình…

“Đó là một câu trong bài kiểm tra môn Hóa,” Terence mơ màng nói tiếp. “Thú vị lắm, con nghĩ thế.”

Zena, cô con gái chín tuổi với gương mặt thơ ngây xinh xắn, mè nheo:

“Con muốn ăn. Mình ăn liền được không mẹ?”

“Chờ chút đi con, mình phải chờ cha lên.”

“Mẹ con mình cứ ăn trước đi,” Terence năn nỉ. “Cha không giận đâu mà. Mẹ biết cha ăn nhanh cỡ nào mà.”

Gerda lắc đầu.

Hay là cắt thịt ra? Nhưng cô không nhớ nên cắt theo thớ nào. Tất nhiên, có thể bà bếp Lewis đã đặt miếng đùi trên đĩa vừa chiều tay cắt rồi, nhưng có khi không, mà John thì luôn cáu kỉnh nếu cắt sai. Mà, Gerda nhớ lại đầy tuyệt vọng, lúc nào cô làm cũng sai hết. Ôi trời ơi, nước xốt nguội ngắt rồi, bắt đầu đóng màng kìa, cô phải đem nó xuống bếp thôi, nhưng mà John sắp lên, chắc chắn là sắp lên tới rồi.

Những ý nghĩ trong đầu cô cứ khốn khổ quanh đi trở lại… như con thú sập bẫy.

Vẫn ngồi dựa ra ghế trong phòng khám, tay gõ gõ cái bàn trước mặt, biết rằng trên lầu, bữa trưa hẳn đã sẵn sàng, nhưng John Christow vẫn chưa thể bắt mình đứng dậy nổi.

San Miguel… biển xanh… mùi hoa mimosa… con bọ cánh tím vo ve bay lên đám lá xanh… mặt trời nóng bỏng… mùi đất… nỗi tuyệt vọng của tình yêu và nỗi đau…

Anh thầm nghĩ: “Ôi trời ơi, không phải chứ. Đừng nữa! Đã qua rồi mà…” .

Anh ước gì tự nhiên mình thành ra chưa từng quen Veronica, chưa từng cưới Gerda, cũng chưa từng gặp Henrietta…

Bà Crabtree đáng giá hơn họ nhiều lần. Tuần trước, có một buổi chiều bệnh tình bà trở nặng. Khi đó anh đang rất hài lòng với phản ứng thuốc. Giờ bà đã chịu được mức .005. Rồi đột nhiên độc tính tăng đến mức báo động, và phản ứng DL cho ra kết quả âm tính thay vì dương tính.

Bà già gân nằm đó, xanh tím tái, hít thở hổn hển—liếc nhìn anh bằng đôi mắt độc địa, kiên cường.

“Coi tôi như con chuột lang hử, cậu trẻ? Thí nghiệm thuốc, kiểu thế.”

“Chúng tôi chỉ muốn giúp bà khỏe lại thôi mà,” anh nói, mỉm cười nhìn bà.

“Chơi lắt léo nhỉ!” Đột nhiên bà cười. “Mà cũng chẳng sao đâu, Chúa phù hộ cho cậu. Cứ tiếp tục đi, bác sĩ! Thì cũng phải có người thử đầu tiên chứ, hả? Có lần tui uốn tóc, hồi còn nhỏ. Cực dữ lắm. Không thể cắm lược vào tóc mà chải. Nhưng mà, tôi thấy chuyện đó vui. Thế thì giờ cũng để bác sĩ thử cho vui vậy. Tôi chịu được.”

“Bà thấy không khó chịu lắm, đúng không?” Anh đưa tay bắt mạch. Sức sống tràn từ anh qua bà lão đang thở dốc trên giường.

“Đau lắm. Bác sĩ gần được rồi! Không theo đúng dự định ban đầu, hả? Đừng lo. Đừng mất tinh thần. Tôi chịu được dai lắm, thật đó!”

John Christow khen thật lòng:

“Bà khỏe lắm. Tôi ước mọi bệnh nhân của tôi đều như bà.”

“Vì tôi muốn khỏe lại mà! Tôi muốn khỏe mạnh. Mẹ tôi thọ những tám mươi tám, bà ngoại thì chín mươi mới đi. Gia đình tôi đều sống thọ cả.”

Lúc rời đi, anh thấy dằn vặt, khổ sở vì nghi ngờ và mất lòng tin vào bản thân. Anh khá chắc mình đang điều trị đúng hướng. Thế sai ở đâu? Làm sao để giảm độ độc và tăng nồng độc hormone, đồng thời trung hòa lượng pantratin?…

Anh đã quá kiêu ngạo, anh cứ ngỡ rằng mình đã lường chặn trước mọi tình huống xấu..

Rồi ngay tại bậc thềm bệnh viện Thánh Christopher, cơn rã rời tuyệt vọng đột nhiên ập tới—anh chợt căm ghét cái nghề chữa chạy mệt mỏi, dài dằng dặc và chậm chạp này, anh nghĩ tới Henrietta, không phải cụ thể về con người cô, mà về vẻ đẹp, sự trẻ trung tươi tắn, sức sống rạng rỡ ở cô—và cả hương anh thảo phảng phất trên tóc cô nữa.

Thế rồi anh đi thẳng đến chỗ Henrietta, chỉ nhắn một tin ngắn gọn về điện thoại nhà rằng anh bận việc. Anh đi tới xưởng sáng tác và ôm chặt Henrietta trong tay, ghì siết lấy cô vượt khỏi mức thân mật khi đó giữa hai người.

Henrietta thoáng giật mình. Cô lùi khỏi vòng tay anh, rồi pha ít café mời anh. Khi trở lại xưởng, cô hỏi anh hàng loạt câu chẳng liên quan gì đến nhau. Có phải anh đến thẳng đây từ bệnh viện?

Anh không muốn nói về bệnh viện. Anh muốn làm tình với cô và quên hết bệnh viện, bà Crabtree, Hội chứng Ridgeway lẫn tất tật mọi thứ khác trên đời.

Nhưng rồi anh cũng trả lời cô, ban đầu miễn cưỡng, sau lưu loát dần. Lát sau anh đã đi qua đi lại, tuôn ra hàng tràng giải thích và phỏng đoán. Thỉnh thoảng anh ngừng lời, cố chọn cách nói cho dễ hiểu:

“Em biết đấy, cái phản ứng đó phải…”

Henrietta đáp nhanh:

“Vâng, phải, phản ứng DL phải dương tính. Em hiểu, anh nói tiếp đi.”

Anh sắc giọng, “Sao em biết về phản ứng DL?”

“Em có cuốn sách…”

“Cuốn nào? Ai viết?”

Cô chỉ tay về cái bàn viết nhỏ. Anh khịt mũi.

“Scobell à? Scobell thì biết gì. Ông ta mắc sai lầm cơ bản. Này, nếu em muốn đọc, thì đừng…”

Cô ngắt lời anh.

“Em chỉ muốn hiểu những thuật ngữ anh dùng thôi, để anh không phải cứ chốc chốc lại dừng chuyện mà giải thích cho em. Anh nói tiếp đi, em theo kịp.”

“Ừ,” anh nói đầy nghi ngờ, “nhớ rằng Scobell không ra sao đâu.”

Rồi anh nói tiếp. Liên tục hai tiếng rưỡi đồng hồ. Cân nhắc những điểm chưa được, phân tích các khả năng, bàn về những giả thuyết khả dĩ. Anh không mấy để ý đến sự hiện diện của Henrietta nữa. Và hơn một lần, khi anh ngập ngừng, thì trí óc nhanh nhạy của anh hướng anh nói tiếp, cô gần như đoán được trước anh sẽ ngập ngừng ở đoạn nào. Giờ anh lại bừng bừng hứng thú, sự tự tin từ từ trở lại. Anh đúng, lý thuyết chính không sai, còn có nhiều cách khác để giảm lượng độc tố.

Rồi tự nhiên, anh lại mệt rũ. Giờ mọi chuyện đã rõ ràng. Anh sẽ tiếp tục vào sáng mai. Anh gọi cho Neill, dặn anh ta phối trộn hai dung dịch và cho dùng thử. Phải, thử nghiệm. Vì Chúa, anh sẽ không bị đánh bại.

“Anh mệt,” anh nói cộc lốc. “Lạy Chúa, anh mệt quá.”

Rồi anh nằm vật xuống, ngủ như chết.

Khi tỉnh dậy, anh thấy Henrietta mỉm cười với anh dưới ánh nắng sáng, đã pha sẵn trà, và anh mỉm cười đáp lại.

“Không theo đúng kế hoạch chút nào,” anh nói.

“Điều đó có quan trọng không?”

“Không, không. Em thật tuyệt vời, Henrietta.” Anh liếc mắt về phía kệ sách. “Nếu em quan tâm đến những chủ đề này, anh sẽ lựa mấy cuốn phù hợp cho em.”

“Em không quan tâm mấy thứ này. Em quan tâm anh, John à.”

“Em không được đọc sách của Scobell.” Anh rút một cuốn ra. “Thằng cha này là lang băm.”

Cô phá lên cười. Anh không hiểu vì sao lời chỉ trích của anh với Scobell lại khiến cô buồn cười đến thế.

Nhưng đó chính là những điều mà, đôi khi, khiến anh phải giật mình về Henrietta. Những hé lộ bất ngờ, khiến anh bối rối, rằng cô có thể cười anh như thế.

Anh không quen điều này. Gerda lúc nào cũng đàng hoàng nghiêm chỉnh trước mặt anh. Còn Veronica thì không bao giờ bận tâm về điều gì khác ngoài chính cô. Nhưng Henrietta thì có cái kiểu ngả đầu ra sau, quan sát anh qua đôi mắt khép hờ, miệng nhếch cười hơi châm biếm mà dịu dàng, như thể đang nói: “Nào hãy ngắm cho kỹ anh chàng tức cười tên John này xem… Lùi ra xa chút mà ngắm anh chàng nào…”

Hệt như khi cô nheo mắt ngắm nghía tác phẩm vừa khắc xong, hoặc một bức tranh, anh nghĩ thế. Cái kiểu đó, chết tiệt thật, rất là khách quan. Anh không muốn Henrietta như thế. Anh muốn cô chỉ nghĩ về anh, không sao lãng khỏi anh.

(“Thế mà Gerda như thế thì người lại khó chịu,” con quỷ nhỏ trong anh nhảy ra.)

Đúng là anh tự mâu thuẫn. Anh còn không biết mình muốn gì.

(“Mình muốn về nhà.” Thật phi lý, thật nực cười. Câu đấy chẳng mang ý nghĩa gì cả)

Trong suốt chừng một tiếng đồng hồ, anh sẽ lái xe ra khỏi London—để quên đi những người bệnh với thứ mùi bệnh tật chua chua đặc trưng… để ngửi mùi khói củi và gỗ thông và mùi lá ấm mùa thu dìu dịu… chuyển động của xe hơi hẳn là êm ái, tăng ga mượt mà êm ru.

Nhưng không, anh đột nhiên bừng tỉnh. Vì anh bị căng cổ tay nhẹ nên Gerda phải cầm lái, mà vì Chúa, Gerda chẳng bao giờ biết thực sự lái xe cho tử tế! Cứ mỗi lần cô vào số là anh phải im lặng, nghiến răng, cố nhịn không nói gì, bởi anh biết, từ kinh nghiệm cay đắng trước đây, hễ anh lên tiếng là Gerda sẽ còn lái tệ hơn nữa. Thật lạ rằng chưa từng có ai dạy được cho Gerda cách sang số đúng đắn, kể cả Henrietta. Anh từng giao vợ cho Henrietta chỉ dẫn, nghĩ rằng sự nhiệt tình của cô hẳn sẽ đưa lại kết quả tốt hơn thói cáu bẳn của mình.

Mà cũng vì Henrietta thích xe cộ. Cô nói về xe hơi say sưa tình cảm như thể người ta tả mùa xuân, hay trận tuyết đầu mùa.

“Cậu chàng đẹp quá phải không John? Cứ kêu rì rì thế?” (Với Henrietta, xe hơi luôn là giống đực.) “Chàng ta leo đồi Bale khi gài số ba nhé, không khó khăn chút nào, nhẹ như không. Anh nghe thử tiếng máy chạy không đều thế này.”

Cứ thế, cho đến khi anh nổi giận bật ra:

“Henrietta, em không thấy nên chú tâm hơn vào anh và quên phứt con xe vớ vẩn đó một phút hả!”

Anh luôn xấu hổ vì những cơn bùng nổ đó.

Anh không biết chúng ập tới với mình khi nào.

Đối với công việc của cô cũng vậy. Anh biết công việc của cô đang trôi chảy. Anh ngưỡng mộ nó và đồng thời cũng ghét nó.

Trận tranh cãi nảy lửa nhất giữa cô và anh cũng do công việc.

Gerda có lần nói với anh:

“Henrietta mời em ngồi mẫu cho cô ấy.”

“Gì chứ?” Ngẫm lại, sự ngạc nhiên của anh khi ấy không hề có vẻ chúc mừng hay khen ngợi. _“Em_ ấy hả?”

“Vâng. Ngày mai em sẽ sang bên xưởng của cô ấy.”

“Nhưng cô ấy muốn em làm gì mới được chứ?”

Đúng là anh không lịch sự lắm. May là Gerda không nhận ra. Cô trông có vẻ khá hài lòng.

Anh ngờ rằng Henrietta, do sự tử tế không thật lòng của mình, đã đồng ý vì Gerda có lẽ ngầm bóng gió rằng cô cũng muốn làm người mẫu. Đại loại thế.

Rồi mười ngày sau, Gerda hớn hở khoe với anh một bức tượng thạch cao nhỏ.

Bức tượng rất xinh, khéo về mặt kỹ thuật, như những tác phẩm khác của Henrietta. Bức ấy lý tưởng hóa hình ảnh Gerda, nên Gerda rõ là hài lòng về nó.

“Em nghĩ nó khá là duyên dáng, John à.”

“Đó là tác phẩm của Henrietta sao? Nó không mang ẩn dụ gì cả, hoàn toàn không. Anh không biết sao cô ấy lại làm ra một món thế này.”

“Tất nhiên nó khác với những tác phẩm trừu tượng của cô ấy, nhưng em nghĩ nó đẹp, John à, thật lòng thế.”

Anh không nói gì thêm để khỏi làm vợ mất vui, nhưng anh hỏi Henrietta ngay khi có dịp.

“Em làm cái tượng ngớ ngẩn đó cho Gerda để làm gì? Nó không giá trị gì với em cả. Em thường cho ra tác phẩm cũng khá mà.”

Henrietta chậm rãi đáp:

“Em nghĩ bức đó không tệ. Gerda có vẻ rất thích mà.”

“Gerda thì vui rồi. Hẳn phải thế. Cô ta còn không phân biệt được tranh vẽ với ảnh chụp màu cơ mà.”

“Đó không phải là một tác phẩm nghệ thuật xấu, John à. Đó là tượng chân dung, vô hại, và không phô trương, ra vẻ gì cả.”

“Em thường đâu có phí thời gian cho những món như vậy…”

Anh ngưng ngang, nhìn chằm chằm vào bức tượng gỗ cao hơn thước rưỡi. “Này, cái gì đây?”

“Món đó là dành cho Triển lãm Quốc tế, Bằng gỗ lê. Kẻ Tôn Sùng.”

Cô quan sát anh. Anh nhìn kỹ hơn, rồi thình lình, cổ anh phồng lên, anh giận dữ quay sang cô.

“Thế nên em cần Gerda cho chuyện này đấy hả? Sao em dám thế?”

“Không biết anh thấy gì…”

“Thấy hả? Tất nhiên anh thấy! Ngay đây.” Anh trỏ ngón tay vào lớp cơ cổ thô dày.

Henrietta gật đầu.

“Phải, em muốn bờ vai và cổ như vậy, dáng vẻ nghiêng về trước nặng nề như thế, sự tuân phục, nhìn xuống. Thật tuyệt diệu!”

“Tuyệt diệu hả? Nhìn đây Henrietta, anh không đồng ý. Em phải để cho Gerda được yên.”

“Gerda đâu có biết. Không ai biết cả. Gerda không thể nào nhận ra cô ấy trong bức tượng này, cũng như những người khác. Mà đây không phải là Gerda. Chẳng là ai hết.”

“Thế nhưng anh nhận ra, phải chứ?”

“Anh thì khác mà, John, anh… nhìn thấu.”

“Em nhìn gò má chết tiệt đó kìa! Anh không chấp nhận, Henrietta! Không thể! Em không thấy đây là chuyện không thể nào lấp liếm được hay sao?”

“Phải vậy không?”

“Em không biết sao? Em không cảm thấy sao? Sự nhạy cảm ngày thường của em đâu rồi?”

Henrietta chậm chạp đáp:

“Anh không hiểu, John à. Em chắc không bao giờ nói cho anh hiểu được… Anh không biết muốn tha thiết một thứ là như thế nào đâu, nhìn nó ngày này qua ngày nọ, đường nét cái cổ, những cơ bắp đó, góc đầu khi ngước nhìn lên, sự nặng nề vuốt tròn khuôn hàm. Em đã tìm kiếm chúng, mong muốn chúng… rồi cứ mỗi lần em thấy Gerda… Cuối cùng em đã tìm được!”

“Thật vô liêm sỉ!”

“Phải, có lẽ vậy. Nhưng khi anh mong muốn điều gì đến thế, thì anh phải có cho được.”

“Ý em là em không thèm quan tâm đến bất kỳ ai khác. Em không quan tâm Gerda…”

“Đừng có ngốc thế, John. Chính vì vậy mà em làm bức tượng kia còn gì. Để làm vui lòng Gerda, để cô ấy được hạnh phúc. Em đâu có bất nhân thế.”

“Từ đó mô tả em chính xác đấy.”

“Thành thật mà nói, anh có nghĩ Gerda nhận ra được chính mình trong bức này không?”

John miễn cưỡng nhìn lại cái tượng. Lần đầu tiên, cơn oán giận của anh phải tạm lui trước lòng hứng thú. Một dáng hình nhẫn nhục lạ lùng, đang tỏ lòng tôn kính trước một đấng thánh thần khuất mặt—gương mặt ngước lên, mù lòa, lặng câm, hết lòng—rất mạnh mẽ, đầy sùng mộ. Anh nhận xét:

“Em làm ra một thứ khủng khiếp quá, Henrietta!”

Henrietta thoáng run lên.

“Vâng, em nghĩ rằng…”

John ngắt ngang:

“Thế cô ta đang nhìn ai đó? Ai ở trước mặt cô ta?”

Henrietta do dự. Rồi cô trả lời, trong giọng cô có nét nhấn nhá kỳ dị:

“Em không biết. Nhưng em cho rằng… có lẽ cô ấy đang nhìn anh đó, John.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3