Thung Lũng Bất Hạnh - Chương 05

5

Trong phòng ăn, cậu bé Terry lại khoe kiến thức khoa học tiếp.

“Muối chì dễ tan trong nước lạnh hơn là nước nóng. Nếu cho thêm potassium iodide thì sẽ thu được kết tủa màu vàng của chì iodide.”

Cậu ngước mắt nhìn mẹ đầy trông mong, nhưng không thực sự hy vọng gì. Trong đầu óc của nhóc Terence, buồn thay, các bậc cha mẹ đều đáng thất vọng.

“Mẹ có biết điều đó không hở mẹ?”

“Mẹ không biết gì về môn hóa học cả, cưng ạ.”

“Thì mẹ có thể đọc sách mà,” Terrence nói.

Một câu đơn giản, nhưng có ý nuối tiếc trong đó.

Gerda không nghe ra ẩn ý kia. Cô vẫn đang chìm đắm trong lo lắng khổ sở. Cứ lặp đi lặp lại mãi. Cô thấy khốn khổ từ giây phút mình thức dậy sáng nay và nhớ ra rằng có cả một cuối tuần dài đằng đẵng đáng sợ với nhà Angkatell đang chờ đón cô phía trước. Khi ở Thung Lũng, lúc nào cô cũng thấy như ác mộng. Cô luôn luôn thấy bối rối và trơ trọi. Cô sợ nhất là Lucy Angkatell với những câu chuyện liên hồi không dứt, sự đổi chủ đề nhanh chóng không theo logic gì cả, và cả cố gắng lộ liễu của bà để bày tỏ sự tử tế. Những người khác cũng không hơn gì. Đối với Gerda, đó là hai ngày đọa đày thực sự, mà cô phải chịu đựng vì John.

Cũng sáng hôm đó, khi thức dậy John duỗi người và nói với vẻ hài lòng rõ rệt:

“Thật tuyệt khi nghĩ đến kỳ nghỉ cuối tuần tại miền quê. Chuyện đó sẽ có lợi cho em, Gerda à, đúng thứ em cần.”

Cô mỉm cười máy móc và đáp với vẻ dũng cảm xả thân: “Hẳn sẽ vui lắm ạ.”

Đôi mắt buồn bã của cô vơ vẩn lướt qua phòng ngủ. Giấy dán tường màu kem có một vệt đen đen gần tủ áo, bàn trang điểm bằng gỗ gụ với tấm gương bị chỉnh nghiêng về trước quá nhiều, tấm thảm màu xanh rực rỡ, bức tranh màu nước vẽ Lake District. Mãi cho đến thứ Hai tuần sau, cô mới lại được thấy những thứ thân thương quen thuộc này.

Ngày mai, một người hầu gái sẽ vội vã đi vào căn phòng ngủ xa lạ, đặt khay đựng trà sáng cầu kỳ gần giường và kéo rèm cửa, sắp xếp và gấp lại quần áo của Gerda—khiến cô thấy nóng nực và không thoải mái. Cô sẽ nói dối một cách khốn khổ, chịu đựng hết những chuyện đó, cố tự trấn an bằng cách tâm niệm “chỉ còn một buổi sáng nữa thôi.” Cứ như hồi còn đi học, đếm từng ngày cho qua.

Gerda không vui vẻ gì với đời sống học đường. Trường học là nơi có nhiều điều bất an hơn bất kỳ đâu. Ở nhà thì đỡ hơn. Nhưng kể cả trong nhà cô cũng không hạnh phúc lắm, bởi tất cả mọi người đều nhanh nhẹn và thông minh hơn cô, dĩ nhiên là vậy. Những lời nhận xét của họ vội vã, sốt ruột, không dịu dàng cho lắm, cứ rít bên tai cô như cơn mưa đá. “Ôi, nhanh chóng lên, Gerda!” “Đồ hậu đậu, đưa cái đó đây!” “Thôi đừng để Gerda làm chuyện đó, biết bao giờ mới xong!” “Gerda chẳng bao giờ làm được gì…”

Chẳng lẽ họ đều không nhận ra, nói như thế chỉ khiến cô chậm chạp và trì độn hơn? Cô cứ ngày càng kém cỏi, ngày càng vụng về, ngày càng chậm trí, đến mức chỉ biết nhìn trân trân đờ đẫn trước mọi điều người ta nói với cô.

Rồi đột nhiên, tới một lúc, cô tìm ra cách giải thoát. Thật sự cô tìm được vũ khí tự vệ của mình một cách ngẫu nhiên.

Cô càng lớn càng chậm chạp, ánh nhìn càng trống rỗng. Nhưng giờ, mỗi khi có ai sốt ruột giục giã: “Trời ơi Gerda, sao mà ngốc thế, em không hiểu chuyện đó hay sao?” Thì đằng sau biểu cảm đờ đẫn, cô đã có thể che giấu một bí mật nho nhỏ… Rằng cô không ngu ngốc như họ tưởng. Thường mỗi khi cô vờ như không hiểu, thì thật ra cô có hiểu. Và thường cô cố tình rề rà chậm chạp trong mọi việc mình làm, và cười thầm khi có ai đó vì quá sốt ruột mà giành làm luôn cho xong.

Cô thấy vui sướng và kích động với cái cảm giác thượng đẳng âm thầm. Cô bắt đầu thấy hơi vui thú. Phải, thật buồn cười khi mình biết nhiều hơn người ta tưởng. Làm được việc đấy nhưng khiến mọi người nghĩ là mình không thể.

Chuyện đó thành ra có lợi, vì tự dưng mọi người làm thay việc cho cô. Mà như thế cô tránh được kha khá rắc rối. Rồi cuối cùng, sẽ tới lúc ai cũng quen làm giúp cô, cô không phải làm gì nữa, thế nên cũng không để lộ rằng cô làm gì cũng tệ. Và thế là, từ từ, cô có thể quay lại gần như đúng điểm bắt đầu. Để cảm thấy rằng mình cũng có thể bình đẳng với phần lớn mọi người.

(Nhưng cách đó khó mà dùng được với nhà Angkatell, mấy người nhà đó lúc nào cũng vượt xa đến mức thậm chí cô cảm thấy mình không thể sánh bằng họ. Sao mà cô ghét cái nhà đó thế! Chỉ có lợi cho John, John thích nơi ấy. Sau khi từ đó về anh đỡ mệt mỏi hơn, và có khi còn đỡ cáu bẳn.)

John thân yêu, cô nghĩ. John tuyệt vời. Ai cũng nghĩ thế. Một bác sĩ giỏi, rất mực tử tế với bệnh nhân. Vắt kiệt sức mình, toàn tâm với những người bệnh ở bệnh viện, dù không được trả tiền ở đó. John thật vô vụ lợi, thật cao quý.

Ngay từ đầu, cô đã luôn biết John là người xuất sắc, và rồi sẽ lên đến đỉnh cao. Và anh đã chọn cô, cho dù anh có thể cưới một người vợ sáng láng hơn nhiều. Anh không phiền lòng vì cô chậm chạp, ngốc nghếch và cũng không xinh lắm nữa. “Anh sẽ chăm sóc cho em,” anh từng nói vậy. Thật dễ thương, mà cũng có phần áp đặt. “Đừng lo lắng gì Gerda, cứ để anh chăm sóc em…”

Quả là đấng nam nhi đích thực. Thật tuyệt khi nghĩ rằng John sẽ chọn cô.

Anh từng nói với nụ cười nửa miệng quyến rũ đặc trưng, “Anh thích làm theo cách của mình, em biết đó, Gerda.”

Thì, được thôi, cô luôn nhượng bộ anh trong mọi chuyện. Kể cả trong thời gian gần đây, khi anh đâm ra khó tính và căng thẳng, chừng như không gì làm anh hài lòng được. Có những lúc cô làm gì cũng thành sai. Sao mà trách anh được. Anh bận rộn đến thế, vị tha đến thế…

Ôi, cái đùi cừu! Cô phải đem nó xuống bếp thôi. Vẫn không thấy John lên. Sao không khi nào cô ra quyết định đúng được? Cảm giác khổ sở lại trào lên như những đợt sóng u tối. Cái đùi cừu! Dịp cuối tuần khó xử ở nhà Angkatell. Cô thấy cơn đau nhói dội vào hai bên màng tang. Ôi trời ơi, giờ lại thêm cơn đau đầu nữa. Cứ mỗi lần vậy là John lại bực. Anh chẳng khi nào cho cô dùng thuốc, dù rằng chuyện đó quá đơn giản, anh là bác sĩ mà. Thay vào đó, anh chỉ bảo: “Đừng nghĩ tới nó nữa. Đừng đầu độc mình bằng thuốc men. Cứ đi bộ nhanh là được.”

Cái đùi cừu! Vừa nhìn nó, Gerda vừa nghe tiếng lặp vang vọng trong đầu mình, “Cái đùi cừu, CÁI ĐÙI CỪU, CÁI ĐÙI CỪU…”

Những giọt nước mắt tủi thân dâng lên ầng ậng. “Vì sao mọi chuyện không bao giờ ổn với mình chứ?”

Terence nhìn mẹ, rồi nhìn đùi cừu. Cậu nghĩ: “Sao mình không được ăn bữa ăn của mình nhỉ? Mấy người lớn thật chán quá. Không có đầu óc gì hết!”

Cậu thận trọng lên tiếng:

“Nicholson Minor và con định sẽ làm thí nghiệm tạo nitroglycerine ở vườn nhà ba nó. Nhà nó ở Streatham.”

“Thật à cưng? Thế thì hay quá,” Gerda đáp.

Thời gian như đứng lại. Nếu giờ cô rung chuông và bảo Lewis mang cái đùi cừu xuống bếp…

Terence nhìn mẹ, hơi ngạc nhiên. Bằng bản năng, cậu biết rằng chế tạo nitroglycerine không phải là chuyện mà các bậc bố mẹ khuyến khích làm. Cậu đã tranh thủ cơ hội nói ra chuyện này, khá chắc chắn đây là dịp tốt để không bị phạt khi nói ra dự định đó. Cậu đã tính đúng. Nếu sau này có vụ lùm xùm, nếu bị phát hiện do đặc tính của nitroglycerine quá dễ phát hiện, thì cậu vẫn có thể thanh minh bằng giọng đầy tổn thương, “con có nói với mẹ rồi mà.”

Nhưng đồng thời cậu cũng hơi thất vọng.

“Ngay cả mẹ,” cậu nghĩ, “cũng phải biết về nitroglycerine chứ nhỉ.”

Cậu thở dài, rồi chợt thoáng thấy nỗi cô đơn sâu sắc mà chỉ tuổi thơ mới cảm nhận được. Cha cậu không đủ kiên nhẫn lắng nghe, còn mẹ cậu thì lơ đãng. Nhóc Zena thì khờ khạo chưa biết gì.

Hàng bao nhiêu trang sách về những thí nghiệm hóa học thú vị. Mà ai quan tâm chứ? Không ai cả.

Bang! Gerda giật thót. Đó là tiếng đóng cửa phòng khám dưới nhà. John đang chạy lên lầu.

John Christow lao vào phòng, mang theo luồng năng lượng đậm đặc. Anh đang phấn chấn, đói bụng, và không kiên nhẫn.

“Chúa ơi,” anh vừa nói vừa ngồi xuống, và nhanh nhẹn liếc con dao cắt trên que thép. “Sao mà anh ghét mấy người bệnh đến thế!”

“Kìa John,” Gerda quở. “Đừng nói vậy chứ anh. Các con tưởng anh nói thật đấy.”

Cô khẽ phác một cử chỉ về phía hai đứa nhỏ.

“Thì anh nói thật mà,” John Christow đáp. “Đâu có ai bị bắt phải ốm đau đâu.”

“Cha nói đùa thôi,” Gerda nói nhanh với Terence.

Terence quan sát cha mình bằng cái vẻ thờ ơ vốn có trước mọi việc.

“Con nghĩ cha không đùa đâu,” cậu kết luận.

“Nếu anh ghét người bệnh, thì sao anh làm bác sĩ được, anh yêu,” Gerda khẽ cười.

“Chính đó là lý do đấy,” John Christow đáp. “Không có bác sĩ nào ưa tật bệnh hết. Chúa lòng lành, món cừu này lạnh như đá rồi. Sao em không cho người đưa xuống bếp hâm lại?”

“Thì, anh xem, em không biết. Anh thấy đó, anh vừa mới lên…”

John Christow nhấn một hồi chuông dài gắt gỏng. Bà Lewis có mặt ngay lập tức.

“Đem món này xuống cho Cook làm nóng lại đi.”

Anh nói cộc lốc.

“Vâng, thưa ông.” Lewis đáp, có phần xấc xược, trong câu đáp đó bà tỏ luôn sự phê phán với nữ chủ nhân ngồi ngay bàn ăn mà cứ thế nhìn món thịt nguội đi.

Gerda cố nói tiếp:

“Em xin lỗi, anh à, đúng là lỗi của em, nhưng mà anh xem, em nghĩ anh sắp lên, rồi em lại nghĩ, nếu giờ em cho đưa đi hâm thịt…”

John sốt ruột ngắt lời cô.

“Thì sao chứ? Đâu có gì quan trọng. Không cần thiết phải dài dòng về chuyện này.”

Rồi anh hỏi:

“Xe đã sẵn sàng chưa?”

“Em nghĩ là rồi. Collie đã gọi xe.”

“Thế thì ăn trưa xong ta đi luôn.”

Đi qua cầu Albert, anh tính toán, rồi qua Clapham Common, đi tắt ngang qua Crystal Palace, Croydon, đường Purley… rồi tránh đường chính, đi theo nhánh rẽ phải lên đồi Metherly, đi dọc theo Haverston Ridge, rẽ phải tiếp ngay ở vành đai ngoại ô, tiếp tục xuyên qua Cormerton, rồi lên Shovel Down—những hàng cây lá vàng lá đỏ—rừng cây bao quanh, hướng mùa thu nhẹ nhàng, rồi đi xuôi xuống sườn đồi.

Lucy và Henry… Henrietta…

Anh không gặp cô đã bốn ngày rồi. Lần cuối gặp gỡ, anh đã rất giận. Cái ánh nhìn đó nơi cô. Không trừu tượng, không vô định, anh không diễn đạt được—ánh nhìn tỏ ra thấu suốt được điều gì đó, một điều không lồ lộ, một điều (then chốt) không phải thuộc về John Christow!

Anh tự nhủ: “Mình biết cô ấy là nghệ sĩ điêu khắc. Mình biết những tác phẩm của cô ấy rất đẹp. Nhưng mà mẹ kiếp, cô ấy không thể gạt chúng sang bên một lát hay sao? Không thể thi thoảng chỉ tập trung vào mình, không gì khác hay sao?”

Anh đang nghĩ bất công. Anh biết thế. Henrietta hiếm khi nói về những tác phẩm của mình, thật ra rất ít, so với những nghệ sĩ khác. Rất hiếm khi Henrietta chìm vào mộng tưởng riêng, khiến cô không hoàn toàn tập trung vào anh. Những lần như thế luôn làm anh nổi cơn thịnh nộ.

Có lần anh nói, giọng sắc và cộc cằn.

“Em không thể từ bỏ tất cả những thứ đó khi anh yêu cầu em sao?”

“Tất cả… những gì?” Giọng nói ấm áp của cô tỏ ra ngạc nhiên.

“Tất cả những thứ này.” Anh giơ tay chỉ quanh xưởng.

Rồi ngay lập tức, anh nghĩ, “Ngu thật! Sao lại yêu cầu chuyện đó?” Và lại: “Cứ để cô ấy nói, ‘tất nhiên rồi ạ.’ Cứ để cô ấy nói dối mình. Ước gì cô ấy chỉ đơn giản đáp: ‘Tất nhiên em sẽ làm vậy ạ.’ Dù cô ấy có thật lòng hay không cũng mặc kệ. Nhưng hãy cứ nói vậy đi. Mình phải được thấy yên lòng.”

Thế nhưng thay vào đó, đôi khi cô không đáp gì cả. Đôi mắt cô mơ màng lãng đãng. Cô hơi chau mày.

Rồi cô chậm rãi nói: “Em nghĩ vậy. Nếu cần thiết.”

“Cần thiết? Em nói cần thiết nghĩa là sao?”

“Em cũng không thật hiểu đâu, John à. Cần thiết, giống như khi anh buộc phải làm thủ thuật đoạn chi vậy.”

“Thật đúng là chẳng khác nào cuộc phẫu thuật vậy!”

“Anh giận rồi. Thế anh muốn em nói sao?”

“Em quá biết mà. Chỉ cần nói một từ là xong. Vâng. Sao em không nói được? Em nói đủ thứ để làm hài lòng người ta, bất kể là có thực lòng hay không, thế sao không làm thế với anh? Vì Chúa, sao không làm thế với anh chứ?”

Lần này, cô đáp càng chậm rãi hơn:

“Em không biết nữa… thật đó, em không biết, John à. Em không thể… vậy thôi. Em không làm được.”

Anh đi qua đi lại tầm một hai phút. Rồi anh nói:

“Em sẽ làm anh phát điên mất, Henrietta. Chưa bao giờ anh thấy mình có sức ảnh hưởng gì tới em cả.”

“Vì sao anh lại muốn ảnh hưởng tới em?”

“Anh không biết. Thật sự.”

Anh ngồi phịch xuống ghế.

“Anh muốn được coi trọng nhất.”

“Đúng là vậy mà, John.”

“Không đâu. Nếu anh chết rồi thì việc đầu tiên em sẽ làm, dù nước mắt còn ròng ròng trên má, là bắt tay vào khắc bức tượng người đàn bà than khóc hay một bức buồn thương chết tiệt nào đó.”

“Vậy sao? Em nghĩ… vâng, có lẽ vậy. Nghe đáng sợ nhỉ.”

Rồi cô ngồi đó, nhìn anh bằng cặp mắt lo sợ.

* * *

Món bánh pudding bị cháy. Christow nhướng mày nhìn nó, Gerda vội vàng xin lỗi.

“Xin lỗi, anh yêu. Em không biết sao nó lại vậy nữa. Hắn là lỗi của em. Để em cắt phần cháy bên trên cho, anh ăn phần dưới đi.”

Món pudding cháy là do chính anh, John Christow, đã ngồi trong phòng khám thêm mười lăm phút dù không bận gì nữa, nghĩ ngợi về Henrietta và bà Crabtree và mơ màng nhớ San Miguel. Lỗi là ở anh. Thật ngớ ngẩn khi Gerda cứ cố nhận lỗi và cố ăn phần bị cháy. Sao cô ấy cứ phải nhẫn nhục như thế? Sao Terence cứ nhìn anh bằng cái vẻ để tâm như vậy? Mà sao cả con bé Zena cũng cứ khụt khịt mãi thế. Sao họ đều khiến anh bực mình vậy?

Anh trút giận lên Zena.

“Sao con không xì mũi đi hả?”

“Con bé hơi cảm lạnh, anh à.”

“Làm gì có. Em cứ luôn nghĩ bọn nó bị cảm lạnh này nọ. Nó khỏe.”

Gerda thở dài. Cô không bao giờ hiểu nổi vì sao một vị bác sĩ, người luôn dành thời gian chữa chạy cho mọi người, mà lại cư xử khác đến thế về sức khỏe người nhà. Anh lúc nào cũng nhạo báng những nỗi lo bệnh tật.

“Con hắt xì những tám lần trước bữa trưa nay,” Zena trịnh trọng nói.

“Do trời nóng thôi.”

“Trời đâu có nóng,” Terence xen vào. “Nhiệt kế chỉ nhiệt độ trong phòng chỉ hơn 12°C.”

John đứng dậy. “Cả nhà xong chưa? Tốt, thế thì đi thôi. Sẵn sàng chưa Gerda?”

“Một phút thôi, John. Còn vài món em mang thêm.”

“Hẳn là em phải chuẩn bị trước mọi thứ rồi chứ. Thế cả sáng nay em làm gì?”

Anh cáu kỉnh bỏ ra khỏi phòng. Gerda hối hả vào phòng ngủ. Càng bị thúc hối thì cô càng chậm chạp. Nhưng sao cô vẫn chưa sẵn sàng chứ? Va-li của cô đã đóng gói và để sẵn ngoài hành lang. Thế vì sao…

Zena chạy trước anh, vỗ vỗ mấy lá bài hơi dính nhớp.

“Con bói bài cho cha nhé? Con biết cách nè. Con bói cho cả mẹ và chú Terry và bà Lewis và chị Jane và chú Cook nữa.”

“Được thôi.”

Anh không biết Gerda còn phải loay hoay bao lâu. Anh muốn ra khỏi căn nhà khó chịu này và con phố khó chịu này và cái thành phố đặc nghẹt người bệnh đau, mệt mỏi, ho hen khụt khịt. Anh muốn vào rừng với những tầng lá ướt—thích cái vẻ thoát tục duyên dáng của Lucy Angkatell, lúc nào bà cũng khiến anh cảm thấy chừng như bà thậm chí không có xác thân trần tục.

Zena đang chăm chú trải bài.

“Đây nè cha, ngay giữa, quân già cơ. Người xem bói bao giờ cũng là quân này nhé. Rồi con úp những lá còn lại xuống. Hai lá bên trái, hai lá bên phải, một lá bên trên, lá đó sẽ ảnh hưởng đến cha, và một lá dưới chân—cha sẽ ảnh hưởng tới nó. Rồi lá này—sẽ cho biết về cha!”

“Bây giờ nhé.” Zena hít sâu. “Mình lật bài nào. Bên phải của cha là quân đầm rô, một người rất gần gũi.”

“Henrietta,” anh thầm nghĩ, trong chốc lát khuây lãng và buồn cười trước vẻ trịnh trọng của con gái.

“Lá tiếp theo là con bồi chuồn—một người đàn ông trẻ ít lời.”

“Bên trái cha là con tám bích—một kẻ thù bí mật. Cha có kẻ thù bí mật nào không cha?”

“Theo cha biết thì không.”

“Xa nữa là con đầm bích—một người phụ nữ lớn tuổi.”

“Bà Angkatell nhỉ,” anh nói.

“Lá bài ở phía trên cha và có ảnh hưởng tới cha, con đầm cơ.”

“Veronica,” anh nghĩ. “Veronica!” rồi sau đó, “Mình ngốc thật! Giờ Veronica đâu dính dáng gì tới cuộc đời mình nữa.”

“Và bên dưới cha, người mà cha gây ảnh hưởng, là con đầm chuồn.”

Gerda vội vã vào phòng.

“Em xong rồi, John.”

“Chờ chút mẹ ơi, chờ chút, con đang coi bói cho cha. Chỉ còn lá bài cuối thôi. Cha à, đây là lá quan trọng nhất nha, lá bài về chính cha đó.”

Ngón tay của Zena lật ngửa lá bài. Cô bé hít một hơi.

“Ối, lá Ách bích! Nó chỉ cái chết, nhưng mà…”

“Mẹ của con,” John nói, “chắc sẽ đâm phải ai đó trên đường lái xe ra khỏi London. Thôi đi nào Gerda. Chào hai đứa nhé. Ở nhà ngoan đấy.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3