Thung Lũng Bất Hạnh - Chương 30

30

Trên đường lái xe về London, trong đầu Henrietta cứ vô thức lặp đi lặp lại hai câu hỏi: “Giờ mình phải làm gì? Mình phải đi đâu đây?”

Mấy tuần qua, cô lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng hồi hộp, chưa giây phút nào thả lỏng. Cô luôn canh cánh buộc mình phải hoàn thành chuyện John giao phó lại cho mình. Giờ chuyện đã xong, cô thất bại chăng, hay đã làm tròn? Nghĩ cách nào thì cũng có lý. Dù sao đi nữa, nhiệm vụ đó đã kết thúc. Cơn mệt mỏi tích tụ liền ập tới tức thì.

Cô lại nhớ đến những lời đã nói với Edward ngoài hiên nhà đêm đó—đêm John chết—cái đêm cô ra nhà mát gần hồ bơi, và dưới ánh sáng que diêm, cố ý vẽ một cái cây càn khôn lên mặt bàn. Cố ý, như một phần của kế hoạch, đến nỗi không thể ngồi xuống mà thương khóc. “Mà em những muốn buồn thương cho John biết mấy,” tối hôm ấy cô nói với Edward như vậy.

Xmas Những cô nào dám thả lỏng, để nỗi buồn đau chiếm lấy mình.

Giờ cô có thể khóc thương được rồi. Bao lâu tùy thích. Cô thì thào, “Anh John… John ơi…”

Nỗi đắng cay và những suy nghĩ đen tối trào lên như sóng.

Cô nghĩ, “Giá mà cứ để mình uống tách trà đó.”

Nhờ tập trung lái xe, tâm trí cô dịu đi chốc lát, nhưng chẳng mấy chốc nữa cô sẽ về tới London, đưa xe vào garage, và một mình trong xưởng sáng tác vắng lặng. Mãi mãi như vậy, bởi không còn John ghé đến, ngồi đó mà bắt nạt cô, cáu kỉnh với cô, yêu cô hơn cả lòng anh muốn, kể cho cô nghe những thắng lợi lẫn thất bại khi nghiên cứu về chứng bệnh Ridgeway, về bà Crabtree và bệnh viện St. Christopher’s.

Rồi cô sực nghĩ ra: “Phải rồi, mình sẽ đi đến bệnh viện St. Christopher’s.”

Lúc cô đến, bà Crabtree đang nằm trên chiếc giường hẹp, hấp háy đôi mắt kèm nhèm nhìn cô khách.

Tính cách của bà hệt như trong lời kể của John, Henrietta chợt cảm thấy ấm áp và nhẹ nhõm hẳn. Điều này là thật, sẽ còn lại mãi! Trong góc bệnh viện chật chội này, cô như gặp được John lần nữa.

“Tội nghiệp ông bác sĩ. Lạ lùng quá, hả?” bà Crabtree nói. Giọng bà thương cảm, pha chút phấn khích, vì bà vốn yêu đời; mà cái chết, dù trên giường sinh hay do người ta sát hại, đều là những mảng màu chói chang nhất trên tấm thảm cuộc đời. “Để bị bắn chết như vậy chớ! Tôi quặn cả ruột gan khi đọc tin. Đăng đầy trên báo đó mà. Cô y tá cho tôi hết báo chí cô ấy gom được, dễ thương quá chừng. Có đăng hình này kia, đủ hết. Chỗ cái hồ bơi. Hình bà vợ bị điều tra, tội nghiệp cổ, rồi bà chủ nhà Angkatell. Nhiều hình lắm. Nghĩ buồn quá trời đất, cô hả?”

Henrietta không trách sự hào hứng có vẻ thiếu tế nhị của bà. Cô thích dáng vẻ ấy, bởi cô biết John cũng thích. Nếu anh qua đời, hẳn anh thích bà Crabtree tò mò hào hứng thế này, hơn là khóc than rên rỉ.

“Giờ tôi chỉ mong người ta bắt được kẻ đó,” Bà Crabtree tức giận, “thời bây giờ đâu còn bắn nhau nơi công cộng như hồi xưa nữa, nghĩ cũng tiếc. Tôi cũng muốn có lần đi coi thử. Giá mà tôi ở đó thì sẽ tới thiệt lẹ để kịp xem coi kẻ nào hại ông bác sĩ như vậy. Hẳn thằng cha đó ôn thần ác hiểm lắm! Chớ sao, người như ông bác sĩ soi đèn ban ngày còn khó kiếm! Sáng láng lắm, còn tử tế nữa. Hễ ổng tới đây là làm tôi cười miết. Cứ nhớ mấy chuyện ổng nói. Tôi sẵn lòng làm mọi thứ vì ông bác sĩ!”

“Dạ phải,” Henrietta đồng tình, “anh ấy rất thông minh. Là một người vĩ đại.”

“Cứ nghĩ mà coi, trong cái bệnh viện này. Toàn là y tá, không thì là bệnh nhân! Hễ ông bác sĩ tới là cảm giác như mình khỏe hơn.”

“Vậy là bà sẽ khỏe hơn nhỉ,” Henrietta an ủi.

Đôi mắt nhỏ của bà cụ tối lại. “Không chắc đâu, cô nhỏ. Giờ khám cho tôi là cậu trai trẻ đeo kiếng, nói năng lòng vòng. Khác hẳn ông Christow, đã vậy không bao giờ chịu cười! Ông bác sĩ Christow đó, lúc nào cũng pha trò! Để tôi còn chịu đựng được những thứ thuốc men tiêm chích này. Có lần tôi nói, ‘tôi chịu hết nổi rồi bác sĩ ơi.’ Thế là ổng đáp, ‘Được chứ, bà Crabtree. Bà mạnh mẽ lắm mà. Bà sẽ qua được thôi, rồi sẽ thành huyền thoại trong lịch sử y học đấy, cả tôi lẫn bà.’ Cứ vậy đó. Tôi chịu làm mọi chuyện vì ông bác sĩ! Ông ấy trông mong ở mình nhiều lắm, nên mình không thể làm ông ấy thất vọng được, cô nhỏ hiểu ý tôi mà.”

“Vâng,” Henrietta đáp.

Đôi mắt sắc sảo của bà liếc nhìn cô.

“Xin lỗi cô nhỏ, nhưng cô là vợ ông bác sĩ hả?”

“Không ạ, cháu là bạn anh ấy thôi.”

“À, tôi biết rồi.” Bà Crabtree nói.

Henrietta tự hỏi bà biết gì.

“Thế vì sao hôm nay cô tới thăm bà già này?”

“Anh Christow thường kể với cháu về bà, và những liệu pháp trị liệu mới. Cháu chỉ muốn đến thăm hỏi bà chút thôi.”

“Tôi xụi dần rồi, cô à.”

Henrietta kêu lên:

“Không thể nào! Bà sẽ khỏe lên thôi.”

Bà Crabtree cười.

“Thì tôi cũng đâu muốn chết, cô biết mà.”

“Vậy hãy chiến đấu tiếp nhé! Bác sĩ Christow nói bà kiên cường lắm mà.”

“Vậy sao?” Bà nằm im một lát, rồi chậm chạp nói: “Quân ác độc, người hiếm có như vậy mà nỡ lòng hãm hại.”

Ta sẽ không còn gặp ai như anh ấy nữa. Henrietta chợt nghĩ. Bà Crabtree chuyển sang nhiệt tình an ủi cô.

“Thôi cô nhỏ cũng ráng vui lên. Chắc là đám tang cũng làm to lắm, hả.”

“Vâng, tang lễ ấm áp lắm,” Henrietta nói xuôi theo.

“Hà! Giá mà tôi đến chia buồn được.” Bà Crabtree thở dài. “Lần kế tiếp chắc là tôi tự đi đưa đám chính mình thôi.”

“Không,” Henrietta kêu lên. “Bà không được đầu hàng. Bà vừa nói bác sĩ Christow bảo rằng bà và anh ấy sẽ đi vào lịch sử y học mà. Giờ còn một mình, bà cũng cố đi trọn nhé. Liệu trình chữa trị cũng vậy thôi. Giờ bà cố gắng vì cả hai đó, bà sẽ thành huyền thoại y học cho bà, cho cả anh ấy nữa.”

Bà Crabtree chăm chú nhìn cô một lúc.

“Nghe lớn lao quá! Tôi sẽ cố, cô nhỏ à. Chứ biết chắc sao được.”

Henrietta đứng dậy, nắm tay bà.

“Tạm biệt bà nhé. Cháu sẽ còn trở lại, nếu có dịp.”

“Ừ nhé. Tôi cũng muốn có ai để trò chuyện về ông bác sĩ.” Đôi mắt bà lại lóe lên tia sáng tinh anh, “Người gì đâu mà mặt nào cũng tốt, ông Christow ấy.”

“Dạ, anh ấy đúng là như vậy.”

Bà cụ lại nói:

“Nhưng mà đừng có ủ ê hoài, cô nhỏ, cái gì mất là mất thôi. Dù gì cũng không níu lại được đâu.”

Bà Crabtree và ông Hercule Poirot đều khuyên cô điều tương tự, chỉ có cách diễn đạt là khác.

Cô lái xe về Chelsea, cất xe vào garage, rồi chậm chạp đi vào xưởng.

“Đã tới giây phút mình sợ hãi nhất,” cô nghĩ, “lúc chỉ còn mỗi mình, cô độc. Không còn phải kìm hãm nữa. Cứ thỏa lòng mà khóc.”

Cô đã từng nói gì với Edward? “Mà em những muốn buồn thương cho John biết mấy.”

Cô ngồi sụp xuống ghế, gạt mớ tóc rơi xuống mặt.

Đơn độc—trống rỗng—không có gì cả. Một sự trống trải đến vô cùng.

Nước mắt dâng lên, lặng lẽ trào xuống má.

Thương khóc vì John. Anh John yêu dấu.

Giọng sắc sảo đến đau đớn của John còn văng vẳng:

“Nếu anh chết rồi thì việc đầu tiên em sẽ làm, dù nước mắt còn ròng ròng trên má, là bắt tay vào khắc bức tượng người đàn bà than khóc hay một bức buồn thương chết tiệt nào đó.”

Cô giật mình. Sao đột nhiên cô lại nghĩ tới chuyện đó?

Đau thương, khổ sở… đường nét bức tượng chỉ lờ mờ thấy được, đầu phủ mũ trùm.

Chất liệu thạch cao tuyết.

Cô mường tượng bức tượng trong đầu—cao, thon, nỗi đau bị giấu kín, chỉ phơi bày qua những nếp áo rũ buồn thảm.

Nỗi đau lồ lộ qua bức tượng thạch cao trắng muốt đó.

“Nếu anh chết rồi…”

Nỗi đắng cay chợt ập tới mãnh liệt!

Cô bàng hoàng nghĩ, “Thì ra mình chính là như vậy! John nói đúng. Mình không biết yêu, mình không biết tiếc thương, không thể dành toàn tâm cho cảm xúc. Những người như Midge, hóa ra mới là người thực sự đáng quý trên cõi đời này.”

Midge và Edward, ở Ainswick.

Là đời thực—là sức mạnh—là sự ấm áp.

“Nhưng còn mình, mình chẳng phải con người toàn vẹn nữa. Mình không thuộc về bản thân, mà của thứ gì bên ngoài thể xác này. Thay vì thương khóc trước cái chết, mình chỉ biết chuyển hóa nỗi đau thành bức tượng thạch cao…”

Tác phẩm trưng bày số 58. “Đau thương.” Chất liệu: thạch cao tuyết. Tác giả: Cô Henrietta Savernake…

Cô thì thầm:

“John, tha thứ cho em, nhé anh, em không thể không làm như thế.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3