Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Chương 41-42-43-44

41. buổi sáng tôi gặp chú Đàn

Con Mận chèn cái gối ở giữa hai đứa ý là để làm rào chắn. Nó sợ nửa khuya ngủ quên, nó lăn qua phía tôi hoặc tôi lăn qua phía nó. Như vậy thì xấu hổ chết được!

Nhưng cái rào của con Mận chẳng chắn được gì. Sáng ra, tôi mở mắt thấy nó đang quàng tay ôm cả tôi lẫn chiếc gối. Nó vẫn còn ngủ, hơi thở êm đềm thổi phơ phất những sợi tóc vướng ngang gò má hồng hồng.

Tôi nhìn đôi mắt nhắm nghiền của nó, thấy vẫn còn vài giọt lệ chưa khô còn hoen trên má. Chắc hôm qua, nó khóc suốt đêm. Tôi cảm động nghĩ và sè sẹ gỡ tay nó ra.

Tôi ngắm nó thêm một chút nữa rồi nhón chân rón rén ra khỏi nhà.

Tôi gặp chú Đàn trên đường lộ.

- Thiều dậy sớm thế? - Chú trợn mắt nhìn tôi.

- Tối qua con ngủ ở nhà con Mận. Mẹ con bảo con qua ngủ trông nhà giùm nó.

- Ờ, con giúp bạn thế là tốt! - Chú Đàn xoa đầu tôi bằng bàn tay duy nhất.

Không hiểu sao lúc đó tôi lại nhớ đến những cái hoa tay của con Mận.

- Chú ơi, con Mận có tới mười cái hoa tay đó, chú.

- Thế à! - Chú Đàn ồ lên - Thế thì bạn đó viết và vẽ phải đẹp lắm!

Tôi biết con Mận viết và vẽ không đẹp tẹo nào. Nhưng tôi không phản bác nhận xét của chú Đàn. Có thể con Mận suốt ngày quần quật việc nhà, không có thì giờ để tập viết và vẽ như những đứa khác. Nếu nó được rảnh rang như tôi, biết đâu nó viết và vẽ đẹp nhất lớp cũng nên.

Tự nhiên tôi nói:

- Hôm qua, con sợ ma nhưng con Mận còn sợ ma hơn con. Nữa đêm nó ôm gối chạy qua ngủ chung giường với con.

Rồi sợ chú Đàn hiểu lầm, tôi vội vã nói thêm:

- Con Mận có đặt một chiếc gối giữa con và nó.

Chú Đàn phì cười:

- Thế sau đó thì sao?

- Thì ngủ chứ sao ạ. - Tôi hồn nhiên đáp - Có con Mận nằm bên cạnh, tự dưng con hết sợ. Con ngủ say ơi là say!

Chú Đàn lườm tôi:

- Đi trông nhà giúp bạn mà ngủ say như thế, có ngày trộm vào khiêng con đi mất.

- Chú đừng lo. - Tôi cười - Sáng ra con thấy con Mận ôm con chặt lắm, trộm không khiêng đi được đâu.

Nói xong, tôi bất giác đỏ bừng mặt. Thậm chí tôi như nổi điên lên với chính mình khi nhận ra tôi đã bộp chộp kể cho chú Đàn nghe cái chi tiết lẽ ra tôi không nên để lộ ra với bất cứ ai.

Nhưng phản ứng của chú Đàn ra ngoài suy nghĩ của tôi. Chú đột ngột hạ giọng, vẻ trầm tư:

- Bạn của con không sợ ma đâu. Bạn của con đang sợ nỗi trống trải. Con nên luôn ở bên cạnh bạn, nha con!

 

42. buổi trưa tôi gặp thằng Sơn

Tôi không biết tại sao thằng Sơn biết chuyện tôi ngủ ở nhà con Mận tối hôm trước.

Có thể lúc tôi đem cơm qua nhà con Mận hoặc lúc tôi từ nhà con Mận đi ra vào sáng hôm sau, nó nhìn thấy.

Trưa, bắt gặp tôi xách gà mên đi lơn tơn ngoài đường, thằng Sơn lò dò tiến lại:

- Mày đem cơm cho con Mận hả?

Tôi hỏi lại, giọng đề phòng:

- Sao mày biết?

- Chuyện gì mà tao không biết! - Sơn bĩu môi - Tao còn biết hồi hôm mày ngủ ở nhà con Mận nữa kìa.

Tôi giật thót, trong tích tắc một cảm giác bất an xâm chiếm lấy tôi. Vụ hỏa hoạn nhà con Mận vô tình làm âm mưu đen tối của Sơn cháy ra tro.Chuyện ba con Mận vỡ lở, nó không còn cớ để đe dọa con Mận nữa. Có thể vì vậy mà nó đâm ra tức tối và tìm cách bêu xấu nhỏ bạn tôi.

Tôi lo đến quặn ruột, lật đật thanh minh:

- Mẹ tao bảo tao qua ngủ để giúp nó trông nhà.

- Ha ha, trông nhà! - Sơn cười hô hố và giở giọng mất dạy - Chứ không phải mày qua ngủ với nó để làm chuyện này hả?

Thằng Sơn lại ngó ngoáy mấy ngón tay để trêu tôi.

- Ma bắt mày đi! - Tôi tím mặt - Tao đâu có tồi như mày!

Tôi giận dữ nắm chặt cái quai xách gà mên, bỏ đi một mạch. Nếu không vì con Mận đang đói bụng, tôi đã nện cái gà mên cơm lên đầu thằng Sơn rồi.

Ở phía sau, giọng đểu cáng của thằng Sơn vẫn tiếp tục đuổi theo tôi:

- Nếu mày không biết làm gì thì để tối nay tao qua trông nhà giùm con Mận cho!

Tôi tức thằng Sơn đến nỗi khi bước vào nhà con Mận, mặt tôi vẫn còn tái xanh.

Con Mận nhận ra ngay vẻ khác lạ của tôi:

- Thiều làm sao thế?

Tôi nói dối:

- Tao có làm sao đâu. Tại tao sợ mày đói bụng nên cố chạy cho nhanh đó mà.

Tôi hổn hển nói tiếp:

- Tối nay mày kiếm mấy khúc cây đặt ở đầu giường nhé!

- Chi vậy? - Con Mận ngơ ngác.

- Để phòng thân. - Tôi mím môi - Rủi tối nào tao không qua được, kẻ trộm lẻn vào nhà thì mày có sẵn vũ khí để chống cự.

Con Mận không biết khi nói như vậy, đầu tôi đang nghĩ đến thằng Sơn. Nó gật đầu ngay:

- Thiều chu đáo ghê! Mình chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện này.

 

43. con Mận sang ở nhà tôi

Sự phòng xa của tôi hóa ra thừa thãi.

Đầu giờ chiều, mẹ tôi lên nhà giam huyện thăm mẹ con Mận, lúc về bà bảo con Mận thu xếp quần áo, sách vở dọn qua nhà tôi ở.

Căn nhà cũ, mẹ con Mận nhờ mẹ tôi rao bán.

Mẹ tôi sai tôi kiếm miếng thiếc mỏng, lấy sơn kẻ nguệch ngoạc hai chữ “NHÀ BÁN” rồi treo lủng lẳng trên bức vách trước nhà con Mận, ngay chỗ hồi trước ba con Mận treo tấm bảng “HỚT TÓC”.

Mẹ tôi nói:

- Với người trong làng thì không cần. Nhưng treo tấm bảng này để khách vãng lai họ biết.

Con Mận theo mẹ tôi về nhà, lòng nửa buồn nửa vui. Buồn vì phải rời bỏ ngôi nhà thân thuộc, vui vì từ nay nó không phải sống vò võ một mình trong ngôi nhà hiu quạnh đó nữa. Tâm trạng con Mận thật phức tạp nhưng nhìn mặt nó, tôi hiểu ngay nó đang bị giằng xé bởi những cảm xúc gì. “Nửa buồn nửa vui” là nói theo thói quen, chứ tôi đoán khi bước chân ra khỏi nhà lòng con Mận mang theo tới chín phần buồn.

Tôi cũng thế thôi, nếu vì lý do nào đó tôi buộc phải từ bỏ ngôi nhà tôi đã sống từ bé, nơi tôi đã thuộc cả vị trí từng viên gạch lở, từng ổ mối sau vườn, thuộc cả vị trí từng đốm nắng xuyên qua mái nhà tranh rơi trên nền nhà những trưa hè, chắc lòng tôi đứt rời từng khúc.

Mẹ tôi và con Mận ôm bọc quần áo và tập vở đi trước, tôi khệ nệ bê cái bàn học xiêu vẹo lẽo đẽo phía sau.

Dọc đường chỉ có mẹ tôi an ủi con Mận. Nó đi bên cạnh gật đầu vâng dạ, thỉnh thoảng đưa tay lên quẹt nước mắt.

Còn tôi im lặng vác chiếc bàn về tới tận nhà, phần vì chiếc bàn mỗi lúc một nặng, phần do tôi chẳng biết nói gì trong lúc đó.

Chỉ sau khi loay hoay tìm chỗ kê chiếc bàn học của con Mận và rốt cuộc cũng nhét nó vô được một chỗ gần cửa sổ, chen giữa chiếc bàn ăn và mấy bao xi măng ba tôi mua về để xây nền giếng, tôi mới sực nhớ ra một chuyện:

- Ủa, con Vện của nhà mày đâu, Mận? Sao mày không dắt nó qua đây?

Con Mận cụp mắt xuống:

- Nó chết rồi.

- Nó chết hồi nào vậy? - Tôi gãi đầu, áy náy - Hèn gì mấy ngày nay tao không nhìn thấy nó.

- Một tuần nay rồi.

- Tội nó ghê há. - Tôi chép miệng, rồi sợ con Mận buồn tôi khụt khịt mũi nói thêm - Dù sao nó cũng già quá rồi.

Con Vện ở nhà con Mận lâu lắm rồi. Khi còn bé tí, tôi đã nhìn thấy con Vện lăng xăng quấn quít quanh con Mận mọi nơi mọi lúc. Tính ra, có khi nó bằng tuổi với con Mận cũng nên. Tuổi thọ trung bình của loài chó chừng mười năm. Con Vện sống như vậy là dai lắm. Mắt nó bị lòa, đi đứng chậm chạp, run rẩy, lông mỗi ngày một xác xơ, lần nào vào nhà con Mận tôi cũng thấy nó nằm bẹp dưới gầm giường, kiểu nằm chờ chết.

Nhưng lẽ ra con Vện không nên chết vào lúc này. Con Vện chết vào lúc con Mận nhà tan cửa nát càng khiến tôi thêm xót xa: Đến con Vện cũng bỏ con Mận mà đi!

 

44. Ông Tư Cang rượt thằng Sơn

Con Mận lớn hơn tôi một tuổi nhưng nó vẫn là trẻ con.

Trẻ con thì không biết cách nuôi nấng nỗi buồn dài lâu như người lớn.

Ở nhà tôi mấy ngày, con Mận đã bắt đầu biết cười.

Thằng Tường rất thích con Mận. Con Mận là đứa đảm đang, làm lụng luôn tay. Từ ngày có con Mận, Tường bớt việc hẳn.

Những lúc rảnh rỗi, Tường rủ con Mận đi đập ruồi. Rồi hai đứa lúi húi cả buổi trước gầm giường đùa nghịch với con Cu Cậu.

Chơi với con cóc chán, hai đứa lôi sách ra thềm giếng ngồi đọc và cười khúc khích với nhau.

Nhìn Tường và con Mận, tôi có cảm giác mấy đứa học dốt thường dễ kết thân với nhau. Nhưng tôi mặc kệ hai đứa nó. Hễ con Mận vui là tôi vui.

Những ngày đó, tôi còn nhận được một tin vui lớn. Tôi nghe người làng kháo nhau thằng Sơn bị ông Tư Cang cưỡi trâu rượt chạy trối chết ngoài bãi Đất Sét.

Nó đang hú hí với con Bé Na trong bụi cây thì bị ông Tư Cang bắt gặp. Ông Tư Cang dắt trâu đi tắm, không có rựa cầm tay nên không rượt chém thằng Sơn được.

Nộ khí xung thiên, ông phóc lên lưng trâu, vừa hò hét vừa giục trâu xông thẳng tới chỗ thằng Sơn, y như Quan Vân Trường cưỡi Xích Thố ra trận.

Thằng Sơn nhìn hai cái sừng trâu cong vòng, nhọn hoắt phăm phăm lao tới, sợ vãi cả quần. Nó buông con Bé Na, co giò chạy thục mạng.

Ở phía sau, ông Tư Cang quyết không tha, giục trâu đuổi bén gót. Phía trước, thằng Sơn vừa chạy vừa la làng inh ỏi, tiếng chân trâu huỳnh huỵch, tiếng thét của ông Tư Cang xen lẫn tiếng lục lạc buộc ở cổ trâu không ngớt kêu leng keng càng khiến thằng Sơn mất vía.

Người trong làng đổ ra xem đông nghịt nhưng không ai nghĩ ra được cách gì cứu thằng Sơn. Con trâu cộ của ông Tư Cang phóng như gió, mắt long sòng sọc, mũi sùi bọt giống hệt một con trâu điên, lơn tơn xông vào bị nó húc lòi ruột như chơi.

Mãi một lúc mới có người nghĩ ra diệu kế:

- Leo lên cây! Leo lên cây lẹ lên!

Cuối cùng thằng Sơn cũng nhanh chân leo lên được một cây bứa mọc ven bãi, áo quần tơi tả, cả mũi lẫn tai đều xịt khói. Ngồi trên chạc cây, tay chân nó vẫn còn run bần bật, mặt không còn chút máu, mồm miệng như bị ai kéo lệch đi, muốn khóc lắm mà không khóc được.

Bữa đó, ông Ba Huấn nghe tin hộc tốc chạy ra bênh con, nhưng ớn con trâu điên chỉ dám đứng ngoài xa chửi vống vào.

Suốt nữa tiếng đồng hồ ông Tư Cang và ông Ba Huấn chửi qua chửi lại đến điếc cả tai. Mãi đến khi người làng lục tục xúm vào can ngăn, ông Tư Cang mới hạ hỏa, hầm hầm giục trâu đi về phía suối Lồ Ồ.

Tôi không tận mắt chứng kiến màn kịch này, chỉ nghe tụi bạn kể lại đã hả hê suốt một tuần. Tiếc là ba tôi đi làm xa, nếu còn ở nhà thế nào ông cũng đặt vè cho con nít đi rêu rao khắp làng khắp xóm và cha con ông Ba Huấn sẽ hết dám thò mặt ra khỏi nhà.

Tôi kể lại cho thằng Tường và con Mận nghe chuyện thằng Sơn, Tường rụt cổ:

- Ghê quá anh há!

Còn con Mận thộn mặt:

- Trong bụi cây có gì hay ho đâu, thằng Sơn rủ con Bé Na chui vô đó làm chi cho ông Tư Cang nổi khùng không biết!