Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - Chương 45-46-47-48

45. tin vui của con Mận

Chuyện thằng Sơn suýt bị con trâu nhà ông Tư Cang húc đổ ruột rốt lại chỉ là tin vui đối với tôi.

Thằng Tường và con Mận đón nhận tin đó một cách thản nhiên, pha chút tò mò. Con Mận không biết thằng Sơn từng nuôi ý đồ đen tối đối với nó. Tường cũng thế, sau khi dọa thằng Sơn chết khiếp, nó xem như đã trả được thù cho tôi, không bận tâm mảy may đến thằng du côn này nữa.

Tin tức mà cả ba đứa tôi cùng vui hóa ra là tin do mẹ tôi đem về từ ngoài huyện.

Tin vui đó tôi có thể đọc thấy ngay trên vẻ mặt tươi hơn hớn của mẹ tôi khi bà xách giỏ bước qua ngưỡng cửa.

- Mận ơi, Mận! - Bà đặt mình xuống ghế, tháo chiếc nón lá ra cầm tay quạt lấy quạt để, miệng kêu rối rít.

- Dạ.

Con Mận quýnh quíu chạy ra, dường như nó linh cảm được những điều mẹ tôi sắp nói ra cực kỳ quan trọng đối với nó.

- Mẹ con sắp được thả rồi.

Giống như mẹ tôi vừa liệng ra một quả bom. Tôi, con Mận và thằng Tường đều nhảy dựng lên.

- Ôi, thiệt không cô? - Con Mận gần như rên lên, nó phải vịn tay vào cạnh bàn cho khỏi ngã.

- Thiệt. Cô nghe nói bên công an người ta bảo những mẩu xương tìm thấy trên căn gác không phải là xương người.

- Không phải là xương người? Như vậy là ba con còn sống sao? - Con Mận mếu máo hỏi, mừng rỡ, ngây ngô, nước mắt chảy vòng quanh.

- Ờ, - Mẹ tôi gật đầu - nếu những mẩu xương người ta nhặt được không phải là xương người thì rõ ràng là ba con chưa chết.

- Thế ba con đâu?

Con Mận tròn mắt nhìn mẹ tôi, làm như mẹ tôi dĩ nhiên phải biết câu trả lời.

- Điều đó thì cô không biết.

Mẹ tôi thở dài, rồi bà vui vẻ nói thêm trước khi xách giỏ đồ chợ xuống bếp:

- Nếu ba con còn sống thì sớm muộn gì con cũng gặp lại ba con mà.

Tôi có hàng mớ câu hỏi trong đầu nhưng cố ép mình dán kín miệng lại. Con Mận đang vui sướng, tôi không muốn cắt ngang dòng cảm xúc của nó.

Tôi chỉ mở miệng khi mẹ tôi đã không còn ở đó:

- Mận nè.

- Gì hở Thiều? - Con Mận quay nhìn tôi bằng đôi mắt long lanh, vẻ hân hoan còn rạng ngời trên mặt nó.

Tôi đưa tay gãi gáy:

- Con Vện của mày ấy mà?

- Con Vện sao?

- Mày bảo nó chết cách đây một tuần phải không?

- Ờ.

- Thế xác nó đâu?

- Mình chôn chỗ bụi chuối sau hè.

Nói xong, con Mận mở to mắt ngạc nhiên:

- Thiều hỏi chuyện này chi vậy?

Tôi nuốt nước bọt:

- Tao nghi xác con Vện không còn ở chỗ cũ.

 

46. xác con Vện

Đúng như tôi phỏng đoán, khi ba đứa tôi vác cuốc qua vườn nhà con Mận hì hục đào nắm đất chỗ con Vện được chôn cất, chẳng thấy xác nó đâu.

Thằng Tường dừng tay cuốc, quẹt mồ hôi trán, hỏi:

- Có đúng chỗ này không, chị Mận?

- Đúng mà. - Con Mận xác nhận - Em đào sâu thêm một chút nữa đi!

- Thôi, khỏi đào! - Tôi nhún vai khi thấy Tường giơ cuốc lên định bổ xuống - Con Vện không có dưới đó đâu!

Con Mận nhìn tôi chằm chằm:

- Thiều biết xác nó ở đâu à?

Tôi ngập ngừng một thoáng rồi thốt ra thành lời sự ngờ vực cứ bám riết tâm trí tôi từ khi tôi nghe mẹ tôi bảo ba con Mận còn sống:

- Tao nghĩ những mẩu xương người ta nhặt được hôm nọ trên căn gác là xương con Vện.

- Làm sao là xương con Vện được? - Con Mận kêu lên ngơ ngác.

Trái với con Mận, thằng Tường lập tức đọc được ý nghĩ trong đầu tôi:

- Anh muốn nói là ba chị Mận bí mật đem xác con Vện lên trên gác hả, anh Hai?

- Ờ. - Tôi thở hắt ra - Và nếu tao đoán không lầm thì vụ cháy nhà vừa rồi là do ba con Mận cố tình gây ra.

- Ba mình làm thế để làm gì? Ba mình tự… đốt nhà à? - Con Mận hoang mang lắp bắp, trông nó như sắp ngất. Cái vẻ cái từ “đốt nhà” vừa đâm vào tim nó một lỗ thủng.

Tôi liếm môi:

- Ba mày muốn trốn đi. Có lẽ ba mày không muốn tiếp tục trở thành gánh nặng cho mẹ con mày.

- Tại sao ba mình phải làm thế? - Con Mận chớp cặp mắt đã bắt đầu đỏ hoe - Ba mình muốn trốn thì cứ trốn, sao phải đốt nhà?

- Ờ, - Thằng Tường phụ họa - hôm đó rủi người làng không tới kịp, cả căn nhà trước cũng cháy ra tro còn gì!

Tôi sờ tay lên chóp mũi, cau mày ngẫm nghĩ.

- Chậc, tao nghĩ ba mày đã tính toán hết rồi. - Tôi liếc con Mận, tặc lưỡi nói - Có thể trước khi gây ra vụ cháy, ba mày đã tưới nước lên mái nhà phía trước để lửa khỏi bén sang. Hôm đó có một mình ba mày ở nhà mà, phải không?

- Ờ.

Bàn tay tôi nhảy từ mũi lên trán. Tôi gõ trán:

- Cũng có thể do nhà trước và căn gác cách nhau một quãng, ba mày tin rằng lúc ngọn lửa bùng lên thì hàng xóm đã kịp chạy tới dập tắt trước khi nó lan ra nhà trước.

Con Mận lại “ờ”, mặt thẫn thờ đến tội. Chả rõ nó có nghe những gì tôi nói hay không.

- Nếu hôm đó ở nhà một mình tại sao ba chị Mận không lẳng lặng trốn đi hả anh Hai? - Thằng Tường vọt miệng hỏi đúng thắc mắc của con Mận lúc nãy.

- Ờ, sao ba mình không lẳng lặng trốn đi? - Con Mận lặp lại một cách máy móc.

Tôi tặc lưỡi:

- Nếu ba mày lẳng lặng trốn đi, thế nào khi phát giác ra mẹ con mày cũng đuổi theo. Cho nên ba mày bày ra vụ cháy nhà. Nhưng ba mày vẫn chưa yên tâm nên lén đem xác con Vện lên gác để người ta tưởng đó là xác ba mày…

Con Mận áp tay lên ngực:

- Thế nhỡ vì vậy mà mẹ mình đi tù thì sao?

- Đi tù sao được. Công an người ta nhìn vô là biết ngay xương chó ấy chứ. Tao nghĩ ba mày biết thừa mẹ mày chỉ bị giam giữ vài ngày để xét hỏi thôi.

Tôi nói tiếp, vừa quay lưng đi ra cổng:

- Ba mày cũng chỉ mong có vậy. Đến khi mẹ mày được phóng thích thì ba mày đã đi xa lắc xa lơ rồi…

 

47. con Mận và thằng Tường

Thằng Tường lâu nay vẫn phục tôi vô điều kiện. Nghe tôi giải thích tại sao ba con Mận đốt căn gác, nó càng phục lăn.

Nó cứ tò tò đi theo tôi, trầm trồ suốt:

- Anh Hai thông minh ghê!

- Lớn lên chắc anh Hai làm tới bộ trưởng.

Tường không biết làm bộ trưởng là làm gì, nhưng trong tâm trí nó chức bộ trưởng chắc là to lắm.

Tôi phổng mũi:

- Sao hôm nọ mày bảo tao sẽ làm đại tướng?

- Làm đại tướng là khi nào giặc giã kìa. Nếu không đi đánh giặc thì anh Hai làm bộ trưởng.

Nó chìa ngón tay út ra, hếch mặt:

- Anh cá với em không?

- Thôi khỏi. - Tôi phẩy tay - Cá chuyện gì ngay trước mắt thì tao cá, cá chuyện làm bộ trưởng lâu quá. Tới lúc đó tao quên béng mất rồi.

Thằng Tường vui vẻ, con Mận cũng vui vẻ. Từ lúc biết ba nó còn sống, mẹ nó sắp được thả, con Mận như hóa thành con người khác, cười nói luôn miệng, thật khác xa hình ảnh con Mận ủ ê tôi nhìn thấy hôm nào.

Thực ra, mẹ con Mận chưa được phóng thích ngay. Mẹ nó tuy không bị khép vào tội ngộ sát, nhưng ngoài huyện người ta vẫn tiếp tục điều tra mẹ nó về tội tùy tiện nhốt ông chồng trên gác, mặc dù bây giờ thì ai cũng biết ba con Mận muốn leo ra khỏi căn gác lúc nào cũng được.

Con Mận cũng bị kêu ra huyện mấy lần để xét hỏi về chuyện này. Lần nào trở về, nghe tôi hỏi, mắt nó cũng lấp lánh hy vọng:

- Chắc mẹ mình sắp được tha rồi. Mình khai là ba mình tự nguyện để mẹ mình nhốt trên gác chứ không hề bị ép buộc!

Khi trả lời tôi, gương mặt con Mận rạng lên như thể đang tắm trong nắng mai khiến tôi không thể nào dời tia nhìn đi nơi khác. Những lúc đó, tôi ngắm nó như ngắm một bông hoa, cảm thấy niềm vui của nó truyền sang tôi một cách êm đềm và tôi hoàn toàn có thể nhận biết điều đó qua nét mặt hoan hỉ của tôi đang phản chiếu trong mắt nó.

Nếu có điều gì làm tôi kém vui trong lúc đó là bao giờ đáp lời tôi xong, con Mận cũng lật đật chạy đi kiếm thằng Tường, không để tôi kịp hỏi câu thứ hai. Chốc sau, nếu tôi lò dò ra sau hè thế nào tôi cũng nhìn thấy hai đứa nó nếu không cầm mỗi đứa một cây chổi cau lom khom quét sân thì lại khệ nệ khiêng gạo sang nhà cô Thoan để xay bột cho mẹ tôi làm bánh hoặc đang cắm cúi làm một chuyện gì đó.

 

48. tôi ngứa mắt

Con Mận và thằng Tường có những điểm chung mà tôi không có.

Tôi không thích động tay động chân vô việc nhà. Tôi không thể làm một công việc nặng nhọc mà vẫn ngoác miệng ra cười đùa như tụi nó. Tôi không thích chơi những tò trẻ con vớ vẩn như bứt lá hay lượm nắp keng chơi bày hàng hoặc lùng sục các bờ rào để tìm hoc dủ dẻ, chỉ để hái hoa bỏ vào túi áo cho thơm. Và cuối cùng là tôi không tài nào hình dung nổi con người ta lại có thể cắm mắt vô trang sách dày đặc chữ hàng giờ hay ngồi bệt trước gầm giường suốt buổi chỉ để chơi với một con cóc.

Tính tình giống nhau, hai đứa nó xúm xít bên nhau là chuyện bình thường. Mặc dù biết vậy nhưng không hiểu sao tôi vẫn cảm thấy khó chịu.

Trước khi dọn qua nhà tôi, tôi nhớ con Mận từng thỏ thẻ “Mình thích chơi với bạn lâu rồi”, thậm chí trong những lúc cô đơn nhất nó từng ôm chặt lấy tôi trong khi ngủ.

Vậy mà bây giờ có vẻ con Mận chẳng nhớ gì hết. Tôi cay đắng và buồn tủi nhận ra lúc con Mận ở nhà con Mận, tôi ở nhà tôi, hai đứa xem ra thân thiết hơn là lúc ở chung nhà.

Bây giờ, giống như có hai thế giới trong một căn nhà: trong khi tôi suốt ngày ở trong nhà hoặc chạy nhảy ở sân trước, con Mận và thằng Tường lại thích rủ rỉ ở sau hè.

Thằng Tường dĩ nhiên luôn yêu tôi. Ngày nào ó cũng nằn nì:

- Anh Hai ơi, ra đây chơi với em và chị Mận đi!

Đôi lúc tôi xán lại chơi với tụi nó nhưng chỉ một lát là đâm chán. Tôi xách gàu nước đi qua đi lại giữa thềm giếng và cái ảng nước đặt cạnh chái bếp chừng vài lần đã thấy mỏi rục cả tay. Ngay khi hai đứa nó nghỉ tay và lôi con bổ củi trong hộp diêm ra chơi, ngoắt tôi lại, tôi cũng chẳng thấy hứng thú. Thật là ngớ ngẩn khi nằm bò ra đất cả tiếng đồng hồ chỉ để nghe những tiếng gõ lịch kịch đều đều của con bổ củi đang bị đè chặt phần đuôi kia.

Nhưng điều đáng chán nhất với tôi là trong những lúc như vậy tôi không có dịp nói với con Mận những câu như “Bây giờ tao chỉ thích chơi với mày” hay “Lúc này mày có còn phơi những ngón tay bên ngoài cửa sổ không?”.

Có thằng Tường bên cạnh, tôi chỉ có thể hỏi con Mận những câu nhạt nhẽo “Sao mày dang nắng suốt ngày vậy?” hay “Mày quét sân xong chưa?” và tôi hết sức buồn rầu vì điều đó.

Cũng có khi tôi cáu kỉnh tìm cách phá đám. Tôi thò đầu ra cửa, hét thật lớn:

- Tường ơi, mày đang làm gì đó?

- Em và chị Mận đang bắt con cúc. Anh ra thi bắt với em không?

Con cúc nhỏ như hạt tấm, hay đào hang trong cát hoặc trong đất bột. Chỗ nào con cúc vừa rúc mình, mặt đất xuất hiện một cái xoáy như miệng phễu tí hon. Phát hiện ra cái xoáy đó, bọn trẻ con thường bò lom khom, chúm miệng thổi nhè nhẹ cho cát bay đi. Thổi một lát, con cúc lòi ra. Giống như người ngủ say thình lình bị ai giật mất chăn, con cúc choàng tỉnh lính quýnh quay đầu nhìn bốn phía, rồi lại rúc sâu vô trong cát để… ngủ tiếp. Cách đây hai, ba năm, tôi vẫn thích thú với trò này. Trong vô số hang cúc, đứa nào tìm được con cúc lớn nhất là đứa chiến thắng. Nhưng bây giờ tôi thấy trò đó thật là buồn tẻ.

- Tao không chơi đâu. Mày vô đây tao nhờ cái này chút!

Thế là Tường đành bỏ dở cuộc chơi, hộc tốc chạy vô.

Chuyện tôi nhờ Tường dĩ nhiên là những chuyện linh tinh, vặt vãnh do tôi bịa ra hoặc nếu không bịa thì tự tôi thừa sức làm. Chẳng hạn “Mày kiếm giùm tao cục tẩy!”, “Mày xem trong bếp còn cơm nguội không, lấy cho tao vài hột để tao dán cái nhãn vở!”.

Tường bao giờ cũng sung sướng khi được giúp đỡ tôi. Nó đi lục cơm nguội hoặc đi kiếm cục tẩy bằng vẻ mặt hớn hở. Thằng em ngây thơ không hề để ý đến khía cạnh vô lý của sự nhờ vả, càng không nghĩ thằng anh đang cố tình chơi xấu nó.