Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 0

LỜI TỰA

Của W. Y. Evans-Wentz, thạc sĩ khoa học xã hội (M.A.), tiến sĩ văn chương (D.Litt.), tiến sĩ khoa học tự nhiên (D.Sc.), trường Jesus College, Oxford, tác giả và dịch giả của nhiều tác phẩm kinh điển về yoga và các truyền thống minh triết Đông phương, trong đó có Yoga và giáo lý bí truyền Tây Tạng; Milarepa, yogi vĩ đại của Tây Tạng và Tử thư Tây Tạng.

Giá trị cuốn Tự truyện của Yogananda lớn thêm bội phần vì đây là một trong số ít sách tiếng Anh về các hiền triết Ấn Độ không phải do một nhà báo hay một người ngoại quốc mà do một người cùng dân tộc và nền giáo dục Ấn Độ viết - nói ngắn gọn, là một cuốn sách về các yogi (hành giả du già) do một yogi viết. Là câu chuyện kể của một chứng nhân về cuộc đời và quyền năng phi thường của các bậc thánh Ấn Độ thời nay, cuốn sách có tầm quan trọng vừa hợp thời vừa vượt thời gian. Mong sao mọi độc giả sẽ dành cho tác giả nổi tiếng của cuốn sách, người mà tôi có hân hạnh biết cả ở Ấn Độ lẫn ở Hoa Kỳ, sự cảm kích và lòng biết ơn tương xứng. Tài liệu sống khác thường của ngài dứt khoát là một trong những tài liệu làm sáng tỏ nhất chiều sâu của trí tuệ và linh hồn Ấn Độ giáo và của sự hưng thịnh tâm linh Ấn Độ, từng được xuất bản ở phương Tây.

Tôi có được đặc ân gặp một trong các thánh nhân mà tiểu sử được thuật lại ở đây - Sri Yukteswar Giri. Chân dung của vị thánh đáng kính đã được in trong trang đầu cuốn Tibetan yoga and secret doctrines (Yoga và giáo lý bí truyền Tây Tạng)[1] của tôi. Chính tại Puri ở Orissa[2], trên bờ vịnh Bengal, tôi gặp Sri Yukteswar. Lúc ấy ngài trụ trì một ashram[3] yên tĩnh gần bờ biển, và chủ yếu lo dạy dỗ một nhóm đệ tử trẻ. Ngài thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến sự thịnh vượng của người dân Hoa Kỳ, toàn thể dân châu Mỹ, và của cả dân Anh, và đã hỏi thăm tôi về các đệ tử chính paramahansa của ngài, người hoạt động nơi xa xôi, nhất là các hoạt động ở bang California, của đệ tử chính Paramahansa Yogananda của ngài, người ngài rất đỗi yêu thương, và là người mà vào năm 1920, ngài đã cử sang phương Tây với tư cách sứ giả của ngài.

Sri Yukteswar có dung mạo và giọng nói dịu dàng, là một sự hiện diện thân ái, và xứng đáng với sự tôn kính mà các đệ tử thành tâm dành cho ngài. Ai quen biết ngài, dù họ có thuộc cộng đồng của riêng ngài hay không, cũng đều vô cùng quý trọng ngài. Tôi vẫn còn nhớ như in dáng người cao, thẳng tắp, khắc khổ của ngài, khoác tấm áo màu vàng nghệ của kẻ đã từ bỏ những kiếm tìm trần tục, khi ngài đứng bên lối vào tịnh thất đón tôi. Tóc ngài dài và bồng bềnh, mặt để râu. Thân hình ngài quắc thước, nhưng thanh tao và khỏe mạnh, bước đi dứt khoát. Ngài đã chọn thành Puri linh thiêng làm chốn trọ trần gian cho mình, nơi mỗi ngày rất đông tín đồ Ấn giáo sùng đạo, đại diện cho mọi tỉnh thành Ấn Độ, hành hương đến ngôi đền nổi tiếng thờ Jagannath, “Chúa Tể Vũ trụ”. Chính ở Puri mà vào năm 1936 Sri Yukteswar đã khép mắt trần trước trạng thái hiện hữu phù vân này mà đi tiếp, biết rằng hiện thân này của mình đã thành tựu viên mãn.

Tôi quả thực rất vui mừng được ghi lời chứng nhận này cho nhân cách cao quý và tính thần thánh của Sri Yukteswar. Trong khi bằng lòng tách xa đám đông, ngài đã dâng mình trọn vẹn và lặng lẽ cho cuộc đời lý tưởng mà Paramahansa Yogananda, đệ tử của ngài, giờ đây thuật lại cho bao thế hệ.

* * *

Chú thích:

[1] Oxford University Press, 1958. (Chú thích của tác giả. Từ đây trở đi, các chú thích của tác giả sẽ không ghi xuất xứ nữa).

[2] Nay là một bang miền Đông Ấn Độ. (Chú thích của người dịch và Ban biên tập tiếng Việt, viết tắt: ND - BBT).

[3] Cũng viết là ashrama (âm Hán Việt: già lam): tịnh thất ẩn cư cách xa chốn đông đúc. (ND - BBT).

LỜI MỞ ĐẦU

“Cuộc gặp gỡ với Paramahansa Yogananda in sâu trong ký ức tôi như một trong những sự kiện không thể nào quên trong đời.. Khi nhìn trực diện thầy, mắt tôi gần như lóa đi trước ánh hào quang - ánh sáng tâm linh quả đúng là tỏa ra từ thầy. Sự dịu dàng vô cùng nơi thầy, lòng tốt đằm thắm của thầy bao bọc lấy tôi như ánh nắng ấm áp... Tôi nhận thấy sự đồng cảm và tri kiến của thầy mở rộng đến cả những vấn đề đời thường nhất, dù thầy là một người của Tinh thần. Ở thầy tôi đã tìm thấy một đại sứ chân chính của Ấn Độ, mang tinh hoa minh triết Ấn Độ từ ngàn xưa đi truyền bá khắp thế giới.”

- Tiến sĩ Binay R. Sen, nguyên Đại sứ Ấn Độ ở Hoa Kỳ.

Với những ai đích thân quen Paramahansa Yogananda thì cuộc đời và nhân cách của thầy là bằng chứng thuyết phục cho sức mạnh và tính xác thực của minh triết xưa mà thầy giới thiệu với thế giới. Biết bao độc giả cuốn tự truyện của thầy đã chứng thực sự hiện diện của chính thứ ánh sáng uy lực tâm linh tỏa ra từ thầy trong những trang sách ấy. Được hoan nghênh như một kiệt tác khi lần đầu tiên được in ra hơn sáu mươi năm về trước, cuốn sách không chỉ kể câu chuyện về cuộc đời của sự cao quý đã rõ ràng mà còn giới thiệu một cách lôi cuốn tư tưởng tôn giáo của Đông phương - nhất là tri thức vô song về sự giao hòa cá nhân và trực tiếp với Thượng đế - mở ra cho công chúng phương Tây một lĩnh vực hiểu biết mà cho đến nay chỉ mới một số hãn hữu người tiếp cận được.

Ngày nay, Tự truyện của một yogi được khắp nơi trên thế giới công nhận là một tác phẩm kinh điển của nền văn học tâm linh. Trong lời mở đầu, chúng tôi muốn chia sẻ đôi điều về lịch sử của cuốn sách đặc biệt này.

❖❖❖

Việc viết tác phẩm đã được tiên tri từ lâu. Một trong những nhân vật có ảnh hưởng mạnh mẽ trong sự phục hưng của yoga thời nay, vị thầy tôn kính của thế kỷ mười chín là Lahiri Mahasaya, đã dự báo: “Chừng năm mươi năm sau khi ta mất, một câu chuyện về đời ta sẽ được viết ra vì sự quan tâm sâu sắc đến yoga sẽ nảy sinh ở phương Tây. Thông điệp yoga sẽ đi khắp địa cầu. Nó sẽ góp phần xây đắp tình huynh đệ giữa con người với nhau: một sự hòa hợp dựa trên sự trực nhận của nhân loại về một Người cha.”

Nhiều năm sau, đệ tử cao quý của Lahiri Mahasaya là Swami Sri Yukteswar đã thuật lại lời tiên tri này cho Sri Yogananda. “Con phải làm phần việc của mình là truyền bá thông điệp đó,” thầy dạy, “và viết về cuộc đời thiêng liêng ấy.”

Chính năm 1945, đúng năm mươi năm sau ngày Lahiri Mahasaya tạ thế, là năm Paramahansa Yogananda viết xong Tự truyện của một yogi, làm trọn cả hai lời dạy của sư phụ: đưa ra bản giới thiệu chi tiết bằng tiếng Anh đầu tiên về cuộc đời khác thường của Lahiri Mahasaya và giới thiệu với độc giả thế giới tri thức tâm linh lâu đời của Ấn Độ.

❖❖❖

Tác phẩm Tự truyện của một yogi là một công trình mà Paramahansa Yogananda thực hiện suốt nhiều năm trời. Sri Daya Mata[4], một trong những đệ tử đầu tiên và thân tín nhất của thầy nhớ lại:

“Khi tôi đến ngọn núi Washington năm 1931 thì Paramahansaji[5] đã bắt đầu viết cuốn Tự truyện rồi. Có lần khi tôi đang làm một số công tác thư ký ở trong thư phòng của thầy thì có được vinh dự xem một trong những chương đầu thầy viết - về ‘Swami Hổ’. Thầy bảo tôi giữ lại chương đó, và giải thích là nó sẽ được đưa vào cuốn sách thầy đang viết. Phần lớn cuốn sách được viết về sau này, từ năm 1937 đến 1945.”

Từ tháng 6-1935 đến tháng 10-1936, Sri Yogananda trở về Ấn Độ (qua châu Âu và Palestine) để thăm sư phụ Swami Sri Yukteswar lần cuối. Trong thời gian ở đó, thầy sưu tầm rất nhiều dữ kiện thực tế cho cuốn Tự truyện, và cả những câu chuyện về một số vị thánh và hiền giả mà thầy được biết và sẽ thuật lại cuộc đời của các vị theo cách rất đáng nhớ trong cuốn sách. “Tôi chưa hề quên lời Sri Yukteswar yêu cầu tôi phải viết về cuộc đời của Lahiri Mahasaya,” về sau thầy viết. “Trong thời gian ở lại Ấn Độ, tôi đã tận dụng mọi cơ hội gặp các đệ tử thân cận và người nhà của Yogavatar. Sau khi ghi lại những cuộc chuyện trò của họ trong vô số ghi chép, tôi kiểm chứng các sự kiện và ngày tháng, rồi sưu tầm các bức ảnh, thư từ cũ, và tài liệu.”

Về lại Hoa Kỳ vào cuối năm 1936, thầy bắt đầu dành rất nhiều thời gian tại tu viện đã được xây cho thầy khi thầy đi vắng, ở Encinitas bên bờ Nam California. Đây hóa ra là một nơi lý tưởng để chú tâm vào hoàn tất cuốn sách mà thầy đã khởi bút từ nhiều năm trước.

“Những ngày sống trong tu viện thanh bình bên bờ biển ấy vẫn còn sống động trong trí nhớ của tôi,” Sri Daya Mata kể lại. “Thầy còn nhiều trách nhiệm và phận sự khác đến nỗi thầy không viết Tự truyện mỗi ngày được; nhưng nhìn chung thì thầy đã dành trọn các buổi tối, và bất cứ thời gian rảnh nào thầy thu xếp được để viết. Bắt đầu từ khoảng năm 1939 hay 1940 thì thầy đã có thể dành trọn thời gian cho cuốn sách. Và đúng là trọn thời gian - từ sáng sớm hôm nay cho đến sáng sớm hôm sau! Một nhóm vài đệ tử chúng tôi - Tara Mata; em gái tôi, Ananda Mata; Sraddha Mata; và tôi - có mặt để phụ thầy. Đánh máy xong từng phần thì thầy thường đưa nó cho Tara Mata, người làm biên tập cho thầy.

“Ôi những kỷ niệm quý báu! Khi viết thầy đã làm sống lại trong tâm tưởng những sự kiện thiêng liêng mà thầy đang ghi lại. Mục đích cao cả của thầy là chia sẻ niềm hoan hỉ và soi rạng mà thầy nắm bắt được khi ở bên các thánh và đại sư và trong chứng ngộ Thiêng Liêng của riêng các vị. Thầy thường dừng một lát, ánh nhìn của thầy hướng lên còn thân thầy bất động, hoan hỉ trong trạng thái samadhi[6] hòa hợp sâu thẳm với Thượng đế. Cả căn phòng thường bàng bạc một bầu không khí yêu thương thiêng liêng mãnh liệt vô cùng. Với đệ tử chúng tôi thì có mặt vào những khoảnh khắc ấy thôi cũng đã là được đưa lên một trạng thái tâm thức cao hơn rồi.

“Cuối cùng, năm 1945, cái ngày hân hoan hoàn thành cuốn sách đã đến. Paramahansaji viết dòng cuối, ‘Thượng đế hỡi, Ngài đã cho thầy tu này một đại gia đình’; rồi đặt bút xuống mà vui mừng thốt lên:

‘“Xong cả rồi; cuốn sách xong rồi. Cuốn sách này sẽ làm thay đổi cuộc đời hàng triệu người. Nó sẽ là sứ giả cho thầy khi thầy đi rồi.”

❖❖❖

Đến lượt Tara Mata chịu trách nhiệm tìm một nhà xuất bản. Paramahansa Yogananda đã gặp Tara Mata lúc thầy có một loạt giảng thuyết và lớp dạy ở San Francisco trong năm 1924. Có một hiểu biết về tâm linh thâm sâu hiếm thấy, cô đã trở thành một trong nhóm nhỏ đệ tử có trình độ tu chứng cao nhất của thầy. Thầy rất trọng năng lực biên tập của cô, và vẫn nói rằng cô là một trong những trí óc thông tuệ nhất thầy từng gặp. Thầy đánh giá cao kiến thức rộng cùng hiểu biết của cô về minh triết trong kinh điển Ấn Độ, và có lần nhận xét: “Ngoài đại sư phụ Sri Yukteswar Ji của thầy ra, chưa có ai mà thầy thấy vui thú khi cùng đàm luận về triết học Ấn Độ hơn con.”

Tara Mata mang bản thảo đến thành phố New York. Nhưng tìm được một nhà xuất bản không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Như vẫn thường thấy, tầm vóc đích thực của một tác phẩm lớn ban đầu có thể không được những người quen suy nghĩ theo lối mòn nhận ra. Đành rằng thời đại nguyên tử mới ra đời đã mở mang tâm thức tập thể của nhân loại bằng một sự hiểu biết ngày càng rộng về tính thống nhất vi tế của vật chất, năng lượng, và tư tưởng, nhưng các nhà xuất bản thời ấy vẫn khó mà sẵn sàng cho những chương như “Hóa hiện một cung điện trên Himalaya” và “Thánh Phân Thân”!

Cả năm trời Tara Mata sống trong một căn hộ trần thiết sơ sài, nước không được đun nóng trong khi thường xuyên tới lui các nhà xuất bản. Cuối cùng thì cô cũng đã có thể đánh điện báo tin thành công. Thư viện Triết học, một nhà xuất bản đáng trọng ở New York, đã nhận xuất bản Tự truyện. “Cái [cô] đã làm cho cuốn sách này thì tôi không thể nào tả được...” Sri Yogananda nói. “Nhưng với cô ấy thì cuốn sách sẽ không bao giờ là xong.”

Không lâu trước Giáng sinh năm 1946, những cuốn sách hằng mong đợi đã tới núi Washington.

❖❖❖

Cuốn sách được độc giả và báo chí thế giới đón nhận với dạt dào khen ngợi cảm kích. “Trước đây chưa từng có cái gì, được viết bằng tiếng Anh hay thứ tiếng nào khác, giống như bản giới thiệu về yoga này,” nhà xuất bản Đại học Columbia viết trong tạp chí Review of Religions của mình. Tờ The New York Times tuyên bố cuốn sách là “một câu chuyện hiếm có”. Tạp chí Newsweek ghi nhận: “Cuốn sách của Yogananda là tự truyện của linh hồn hơn là thể xác... Cuốn sách là một nghiên cứu hấp dẫn và được chú giải rõ ràng về một lối sống đạo hạnh, được mô tả trung thực theo phong cách gây xúc động của Á Đông.”

Dưới đây là các trích đoạn từ một số bài phê bình khác đã đăng:

San Francisco Chronicle: “Bằng một phong cách rất dễ đọc... Yogananda đã trình bày một trường hợp rất thuyết phục về yoga, và những ai ‘đến để nhạo báng’ có thể ở lại mà ‘cầu nguyện’.”

United Press: “Yogananda đã trình bày tường tận cái gọi là các giáo lý bí truyền Đông phương với sự chân thật vô cùng và khiếu hài hước xuất sắc. Cuốn sách của ngài thật đáng đọc vì là câu chuyện về một cuộc đời ngập trong hành trình tâm linh.”

The Times of India: “Tự truyện của nhà hiền triết này làm nên một cuốn sách lôi cuốn.”

Saturday Review: “... không thể không lay động và lôi cuốn sự chú ý của độc giả phương Tây.”

Grandy’s Syndicated Book Reviews: “Cuốn hút, truyền cảm hứng; một ‘hiện tượng văn học’!”

West Coast Review of Books: “Dù tôn giáo, tín ngưỡng của bạn là gì thì bạn cũng sẽ thấy Tự truyện của một yogi là một sự khẳng định đáng mừng về sức mạnh của tâm hồn người.”

News-Sentinel, Fort Wayne, bang Indiana: “Sự soi rạng hoàn toàn... câu chuyện có tình cảm sâu sắc... có thể giúp nhân loại hiểu chính mình hơn... tự truyện hay nhất... hấp dẫn... được kể lại với sự hóm hỉnh thú vị và sự chân thành lôi cuốn... cũng hấp dẫn như bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào.”

Sheffield Telegraph, Anh: “... một tác phẩm vĩ đại.”

Khi cuốn sách được dịch ra các thứ tiếng khác thì nhiều bài phê bình nữa cũng đã bắt đầu được đăng trên các báo và tạp chí xuất bản định kỳ khắp thế giới.

Il Tempo del Lunedi, Rome: “Những trang sách mê hoặc độc giả, vì nó kêu gọi cái nguyện vọng và khát khao mãnh liệt ngủ yên trong trái tim mỗi người.”

China Weekly Review, Thượng Hải: “Nội dung của cuốn sách này thật khác thường... nhất là đối với các tín đồ Cơ Đốc ngày nay vẫn thường có cái thói quen là coi phép lạ thuộc về những thế kỷ trước... Các đoạn về triết học vô cùng thú vị. Yogananda ở trên một bình diện tâm linh vượt lên trên các dị biệt tôn giáo... Cuốn sách rất đáng đọc.”

Haagsche Post, Hà Lan: “... những mảnh minh triết uyên thâm đến nỗi ta cảm thấy bị mê hoặc, xúc động còn mãi.”

Welt und Wort, nguyệt san văn hóa Đức: “Vô cùng ấn tượng... Giá trị lớn lao của Tự truyện của một yogi là ở chỗ, lần đầu tiên, một yogi phá tan sự im lặng mà thuật lại những chứng nghiệm tâm linh của mình. Xưa nay, một câu chuyện như vậy có lẽ đã bị nhìn nhận với thái độ hoài nghi. Nhưng ngày nay tình hình thế giới đã tới mức ta buộc phải công nhận giá trị của một cuốn sách như vậy... Toàn bộ mục đích của tác giả không phải là để trình bày yoga Ấn Độ đối lập với giáo lý Cơ Đốc giáo mà là liên kết các tôn giáo - như những người đồng hành cùng hướng về một mục đích cao cả.”

Eleftheria, Hy Lạp: “Đây là cuốn sách mà qua đó độc giả... sẽ thấy chân trời tư tưởng của mình trải rộng đến vô cùng, và sẽ nhận ra rằng trái tim mình có thể đập vì toàn thể nhân loại, bất kể màu da hay chủng tộc. Đây là một cuốn sách có thể được gọi là thần khải.”

Neue Telta Zeitung, Áo: “Một trong những thông điệp thâm sâu nhất và quan trọng nhất của thế kỷ này.”

La Paz, Bolivia: “Độc giả thời chúng ta sẽ hiếm tìm thấy một cuốn sách đẹp đẽ, thâm thúy và chân thật như Tự truyện của một yogi... Đầy ắp tri thức và giàu kinh nghiệm cá nhân... Một trong những chương sáng chói nhất của cuốn sách là chương đề cập đến những bí ẩn của sự sống bên kia cái chết thể xác.”

Schleswig-Holsteinische Tagespost, Đức: “Những trang sách này bộc lộ, với sức mạnh và sự sáng tỏ vô song, một cuộc đời thú vị, một nhân cách cao cả chưa từng nghe nói tới, hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối... Chúng ta phải tin rằng cuốn tự truyện quan trọng này có khả năng đưa đến một cuộc cách mạng tâm linh.”

Ấn bản lần hai được chuẩn bị nhanh chóng, và rồi năm 1951 là ấn bản lần ba. Ngoài việc hiệu đính và cập nhật trong sách, xóa bỏ một số đoạn mô tả các hoạt động và kế hoạch tổ chức không còn tồn tại nữa, Paramahansa Yogananda còn thêm vào một chương cuối - một trong những chương dài nhất của cuốn sách - trải dài suốt những năm 1940-1951. Trong một chú thích cuối trang cho chương mới, thầy viết, “Nhiều nội dung mới trong chương 49 đã được thêm vào ấn bản lần ba của cuốn sách này (1951). Đáp lại yêu cầu một số độc giả của hai ấn bản đầu, tôi đã trả lời, trong chương này, nhiều câu hỏi khác nhau về Ấn Độ, yoga, và triết học Vệ Đà[7].”

❖❖❖

“Tôi đã vô cùng xúc động,” Sri Yogananda viết trong Chú thích của tác giả cho ấn bản 1951, “khi nhận được những lá thư từ hàng ngàn độc giả. Những nhận xét của họ, và việc cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, khuyến khích tôi tin rằng phương Tây đã tìm thấy trong những trang sách này một câu trả lời khẳng định cho câu hỏi: ‘Pháp môn yoga xưa có vị trí xứng đáng nào trong đời sống nhân loại ngày nay hay không?’”

Theo năm tháng, “hàng ngàn độc giả” đã trở thành hàng triệu, sức lôi cuốn lâu bền và phổ quát của Tự truyện của một yogi trở nên mỗi lúc một rõ rệt hơn. Sáu mươi năm sau lần xuất bản đầu tiên, cuốn sách vẫn có mặt trong các danh sách các sách siêu hình học và khai sáng bán chạy nhất. Một hiện tượng hy hữu! Đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, cuốn sách giờ đây được sử dụng trong các trường cao đẳng và đại học trên thế giới trong các chương trình học từ triết học và tôn giáo Đông phương cho đến văn học Anh, tâm lý học, xã hội học, nhân học, lịch sử, và thậm chí quản trị kinh doanh. Như đã được Lahiri Mahasaya tiên đoán hơn một thế kỷ trước, thông điệp yoga và truyền thống thiền cổ xưa của nó quả thực đã đi khắp địa cầu.

“Có lẽ nổi tiếng hơn cả với Tự truyện của một yogi, cuốn sách truyền cảm hứng cho không biết bao nhiêu triệu người trên khắp thế giới,” tạp chí siêu hình New Frontier (tháng 10-1986) viết: “Paramahansa Yogananda, cũng như Gandhi, đã đưa tâm linh vào xu thế chủ đạo của xã hội. Thật hợp lý khi nói rằng Yogananda đã làm nhiều điều để đưa từ ‘yoga’ vào trong vốn từ vựng của chúng ta hơn bất kỳ ai khác.”

Tiến sĩ David Frawley, học giả đáng kính, Giám đốc Viện Nghiên cứu Vệ Đà của Hoa Kỳ, khi viết trong tạp chí ra hai tháng một kỳ Yoga International (10/11-1996), đã nói rõ: “Yogananda có thể được gọi là cha đẻ của yoga ở phương Tây - không phải yoga thể chất đơn thuần đã trở nên phổ biến mà là yoga tinh thần, tri thức về tự giác ngộ, đó là ý nghĩa đích thực của yoga.”

Giáo sư Ashutosh Das, tiến sĩ (Ph.D.), tiến sĩ văn chương (D.Litt.) Đại học Calcutta, tuyên bố: “Tự truyện của một yogi được xem là một Upanishad[8] của thời đại mới... Cuốn sách đã làm thỏa cơn khát tâm linh của những người tầm đạo khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi ở Ấn Độ đã kinh ngạc và hứng thú dõi theo sự nổi tiếng rộng khắp thật lạ thường của cuốn sách về các thánh nhân và về triết học Ấn Độ này. Chúng tôi vô cùng mãn nguyện và tự hào rằng rượu tiên trường sinh bất tử Sanatana Dharma[9], các chân lý trường cửu của Ấn Độ, đã được cất giữ trong chén vàng Tự truyện của một yogi.”

Ngay cả ở Liên Xô cũ, cuốn sách rõ ràng đã tạo ấn tượng sâu sắc đối với khá ít người tiếp cận nó. Thẩm phán V. R. Krishna Iyer, cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Ấn Độ, kể rằng trong chuyến thăm một thành phố nhỏ gần St. Petersburg (Leningrad lúc bấy giờ), ông đã hỏi một nhóm giáo sư ở đó “họ có nghĩ về cái sẽ xảy ra sau khi con người chết đi không... Một trong các giáo sư lẳng lặng đi vào trong rồi cầm ra một cuốn sách - Tự truyện của một yogi. Tôi ngạc nhiên quá. Trong một đất nước mà triết học duy vật Marx-Lenin thống trị, giờ đây một viên chức của một cơ quan nhà nước đang giới thiệu với tôi cuốn sách của Paramahansa Yogananda! ‘Xin hãy hiểu rằng tinh thần của Ấn Độ không xa lạ gì với chúng tôi,’ ông nói. ‘Chúng tôi công nhận tính xác thực của hết thảy những gì được ghi lại trong cuốn sách này’.”

“Trong hàng ngàn cuốn sách được xuất bản mỗi năm,” một bài báo trên tờ India Journal (21-4-1995) kết luận, “có những cuốn sách giải trí, những cuốn sách hướng dẫn, những cuốn sách khai trí. Một độc giả có thể tự xem là mình may mắn nếu anh ta tìm thấy một cuốn có cả ba điều này. Tự truyện của một yogi thì lại hiếm có hơn - đó là cuốn sách mở ra những cửa sổ trí tuệ và tâm hồn.”

Những năm gần đây, cuốn sách đã được cả các nhà sách, các nhà phê bình, lẫn độc giả hoan nghênh như một trong những cuốn sách tâm linh có ảnh hưởng nhất thời nay. Trong danh sách tác giả và học giả của nhà xuất bản HarperCollins năm 1999, Tự truyện của một yogi được chọn là một trong “100 sách tâm linh hay nhất của thế kỷ”, và trong 50 tác phẩm tâm linh kinh điển công bố năm 2005, Tom Butler-Bowdon[10] viết rằng cuốn sách “đã được ca tụng rất đúng là một trong những cuốn sách tâm linh thú vị và khai sáng nhất từng được viết.”

❖❖❖

Trong chương cuối cuốn sách, Paramahansa Yogananda viết về niềm xác tín sâu thẳm mà các vị thánh và hiền giả thuộc mọi tôn giáo trên thế giới suốt bao đời khẳng định:

“Thượng đế là tình yêu; ý định của Ngài dành cho sáng tạo chỉ có thể bén rễ trong tình yêu. Phải chăng ý nghĩ giản dị ấy, chứ không phải những lý luận học thuật, là cái mang lại niềm an ủi cho trái tim con người? Hết thảy những thánh nhân đã đi sâu vào tâm lõi của Thực Tại đều khẳng định rằng thiên cơ cho vũ trụ có tồn tại và rằng nó đẹp đẽ và đầy ắp niềm vui.”

Khi Tự truyện của một yogi đi tiếp nửa thế kỷ sau, chúng tôi hy vọng rằng mọi độc giả của tác phẩm soi rạng này - những người lần đầu tiên gặp gỡ nó cũng như những người mà từ lâu nó đã trở thành một bạn đồng hành thân thương trên đường đời - đều thấy tâm hồn mình mở ra đón lấy một niềm tin sâu sắc hơn ở cái chân lý siêu việt nằm trong lòng những cái có vẻ như bí ẩn của nhân sinh.

- HỘI TỰ GIÁC

Los Angeles, bang California, Hoa Kỳ

Tháng 7-2007

* * *

Chú thích:

[4] Năm 1931 Sri Daya Mata gia nhập cộng đồng tu viện mà Paramahansa Yogananda thành lập trên đỉnh núi Washington, nhìn qua thành phố Los Angeles. Bà là hội trưởng Hội Tự giác từ năm 1955.

[5] Xem chú thích về hậu tố Ji ở trang 130. (ND - BBT)

[6] Thường được dịch là đại định, xuất thần, đẳng trì (phiên âm Hán Việt là tam muội, tam ma địa). Xem chú thích của tác giả ở trang 158. Được tác giả chú thích ở trang 172 là siêu thức (superconsciousness) (ND - BBT).

[7] Các hiệu đính bổ sung của Paramahansa Yogananda đã được đưa vào ấn bản lần thứ bảy (1956), như được mô tả trong chú thích của nhà xuất bản cho ấn bản này: “Ấn bản Hoa Kỳ năm 1956 này bao gồm các hiệu đính mà Paramahansa Yogananda thực hiện vào năm 1949 cho ấn bản London, Anh quốc; và các hiệu đính bổ sung của tác giả trong năm 1951. Trong ghi chú cho ấn bản London đề ngày 25-10-1949, Paramahansa Yogananda viết: ‘Việc dàn xếp ấn bản London cho cuốn sách này đã cho tôi một cơ hội xem lại, và khai triển đôi chút phần nội dung. Ngoài nội dung mới ở chương cuối ra tôi còn thêm vào một số chú thích ở cuối trang, trong đó tôi trả lời các câu hỏi mà độc giả của ấn bản Hoa Kỳ gửi cho tôi.’” “Các hiệu đính của tác giả năm 1951 sau này dự định xuất hiện trong ấn bản Hoa Kỳ lần thứ tư (1952). Vào thời đó các quyền đối với Tự truyện của một yogi được trao cho một nhà xuất bản New York. Ở New York năm 1946, từng trang sách đều được chuyển thành một bản chữ đúc mạ. Vì vậy, để thêm vào dù chỉ một dấu phẩy thì bản chữ đúc mạ của cả trang cũng phải được tách ra và hàn lại với một dòng mới có dấu phẩy muốn có đó. Vì chi phí liên quan trong việc hàn lại nhiều bản chữ, nhà xuất bản New York đã không đưa các hiệu đính bổ sung năm 1951 của tác giả vào ấn bản lần thứ tư. “Cuối năm 1953, Hội Tự giác (HTG) đã mua lại từ nhà xuất bản New York toàn bộ các quyền đối với Tự truyện của một yogi. HTG đã tái bản cuốn sách trong hai năm 1954 và 1955 (ấn bản thứ sáu và thứ bảy); nhưng trong hai năm đó các nghĩa vụ khác đã ngăn ban biên tập của HTG đảm nhiệm trọng trách đưa các hiệu đính của tác giả vào bản chữ in mạ. Dẫu vậy, công việc cũng được hoàn tất vừa kịp cho ấn bản lần thứ bảy.” Sau năm 1956, một số hiệu đính biên tập tiếp theo được thực hiện, theo như hướng dẫn mà Tara Mata nhận được từ Paramahansa Yogananda trước khi thầy qua đời. Các ấn bản đầu tiên của Tự truyện của một yogi in pháp danh của tác giả là “Paramhansa”, thể hiện thông lệ Bengal là bỏ đi chữ a câm hay gần như câm trong cách viết. Để bảo đảm rằng cái ý nghĩa thiêng liêng của pháp danh dựa trên kinh Vệ Đà này được biểu đạt, trong các ấn bản sau này, chuyển tự tiếng Phạn chuẩn đã được sử dụng: “Paramahansa”, từ parama, “cao nhất hay vô thượng” và hansa, “thiên nga” - có nghĩa là vị đã đạt được giác ngộ cao nhất về Chân Ngã thiêng liêng đích thực của mình, và về sự hợp nhất của Chân Ngã ấy với Linh hồn.

[8] Còn gọi là Áo nghĩa thư, kinh điển rất quan trọng của Ấn giáo. (ND - BBT).

[9] Tên gọi Ấn giáo theo tiếng Phạn, dịch nghĩa là “đạo vĩnh cửu”. (ND - BBT).

[10] Tác giả phi hư cấu sinh năm 1967 ở Australia. (ND - BBT).

LUẬT CÔNG BẰNG TRƯỜNG CỬU

Quốc kỳ của nước Ấn Độ mới độc lập (1947) có ba sọc ngang màu nghệ sẫm, trắng, và xanh lục. Dharma Chakra (“Pháp luân”) màu lục là sự mô phỏng biểu tượng trên Trụ Đá Sarnath mà hoàng đế Asoka (A Dục) cho dựng vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên.

Bánh xe được chọn như một biểu tượng cho luật công bằng trường cửu; và, nhân đây, cũng là để tưởng nhớ vị vua lừng lẫy nhất thế giới. “Bốn mươi năm ngài trị vì là quãng thời gian vô tiền khoáng hậu trong lịch sử,” sử gia người Anh H. G. Rawlinson viết. “Vào các thời đại khác nhau, ngài đã được sánh ví với Marcus Aurelius, thánh Paul, và Constantine... 250 năm trước Công nguyên, Asoka đã khảng khái bày tỏ sự chán ghét và ăn năn trước những thành quả sau một cuộc chinh phạt thắng lợi, kiên quyết phản đối binh đao như một phương tiện cho chính sách.”

Lãnh thổ được thừa kế của hoàng đế Asoka bao gồm Ấn Độ, Nepal, Afghanistan, và Baluchistan. Là một người quốc tế chủ nghĩa đầu tiên, ngài đã cử các phái đoàn tôn giáo và văn hóa, cùng nhiều lễ vật và lời chúc tốt lành, đến Miến Điện, Ceylon (Xây-lan hoặc Tích Lan), Ai Cập, Syria, và Macedonia.

“Asoka, vị vua đời thứ ba của dòng dõi Maurya, là một... trong những vị triết gia quân vương vĩ đại trong lịch sử,” học giả P. Masson-Oursel nhận xét. “Chưa có ai kết hợp sức mạnh với lòng nhân, công lý với từ thiện như ngài. Ngài là hiện thân sống vào thời mình, và ngài đi trước chúng ta như một nhân vật hoàn toàn hiện đại. Trong thời gian trị vì lâu dài ngài đã đạt được cái mà với chúng ta dường như chỉ là tham vọng của kẻ mộng tưởng: trong khi có được sự hùng mạnh vật chất lớn nhất có thể có, ngài đã thiết lập hòa bình. Vượt xa lãnh thổ rộng lớn của mình, ngài đã nhận ra thứ là ước mơ của một số tôn giáo - trật tự vũ trụ, một trật tự ôm trọn cả nhân loại.”

“Dharma (pháp, hiểu là quy luật vũ trụ) nhắm đến hạnh phúc của hết thảy chúng sinh.” Trong các chỉ dụ bằng đá và trụ đá, vẫn còn đến ngày nay, Asoka đã trìu mến khuyên thần dân trong đế quốc rộng lớn của mình rằng hạnh phúc bén rễ trong luân lý và lòng mộ đạo.

Ấn Độ ngày nay, khát khao khôi phục tiếng tăm và sự thịnh vượng mà hàng thiên niên kỷ đã bao bọc xứ mình, trong quốc kỳ mới của mình, tỏ lòng tưởng nhớ Asoka, hoàng đế “được thần linh yêu mến”.

(Trước năm 1947. Các vùng ở Tây Bắc ngày nay bao gồm Pakistan; ở Đông Bắc bao gồm Bangladesh.)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3