Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 01

CHƯƠNG 1

Song thân và thuở thiếu thời

Những nét đặc trưng của văn hóa Ấn Độ từ xưa đã là cuộc kiếm tìm những chân lý tối hậu và mối quan hệ song hành sư phụ-đệ tử[11].

Con đường của riêng tôi đã dẫn đến một hiền giả giống như Đức Chúa, cuộc đời cao đẹp của thầy được khắc họa cho bao đời sau. Thầy là một trong những đại sư, những người là tài sản đích thực nhất của Ấn Độ. Đời nào cũng xuất hiện, các vị đã giữ cho xứ sở mình khỏi phải chịu số phận như Ai Cập và Babylon cổ đại.

Tôi nhận ra trong những ký ức thời thơ ấu của mình có cả những nét xa xưa của một tiền kiếp. Trong tôi hiện về những hồi ức rõ ràng về một kiếp xa xăm khi tôi là một yogi[12] trên rặng Himalaya tuyết phủ. Những thoáng hiện về quá khứ ấy, nhờ một mối nối vô hình nào đó, còn cho tôi một thoáng thấy về tương lai.

Tôi vẫn còn nhớ những bẽ bàng vô vọng thời thơ ấu. Tôi đã tức tối khi thấy rõ là mình không thể đi đứng hay diễn đạt theo ý muốn. Lòng sùng đạo trào dâng trong tôi khi tôi nhận ra sự bất lực trước thể xác của mình. Đời sống cảm xúc mãnh liệt của tôi thầm được diễn đạt thành lời bằng nhiều thứ tiếng. Giữa cái rối rắm ngôn ngữ trong đầu, tôi đã dần dà quen nghe các âm tiết tiếng Bengal của gia đình mình. Phạm vi trí nhớ của trẻ con lý thú đến vậy mà lại bị người lớn cho là chỉ quanh quẩn với đồ chơi và mấy ngón chân!

Sự xáo trộn tâm lý và cơ thể không nhanh nhạy khiến tôi nhiều lần khóc lóc dai dẳng. Tôi nhớ sự bối rối của cả nhà trước nỗi khốn khổ của tôi. Những ký ức vui hơn cũng ùa về trong tôi: sự âu yếm của mẹ, những cố gắng đầu đời với các cụm từ bập bẹ và bước đi chập chững. Những thành tựu thuở ban đầu này, thường nhanh chóng bị lãng quên, lại là một nền tảng tự nhiên của sự tự tin.

Những ký ức về thời xa xưa tôi có chẳng phải là độc nhất. Nhiều yogi được xem là vẫn còn giữ lại sự tự ý thức, không bị gián đoạn bởi bước chuyển tiếp qua lại đầy kịch tính giữa “sống” và “chết”. Nếu con người chỉ là thể xác thì cái chết của xác thân đó quả đã đặt dấu chấm hết cho sự hiện hữu của hắn rồi. Nhưng nếu các bậc tiên tri hàng bao thiên niên kỷ nói đúng thì con người về bản chất là một linh hồn, bất tử và vô biên.

Mặc dù kỳ lạ song những ký ức rõ ràng của thời thơ ấu không phải là cực kỳ hiếm thấy. Trong những lần chu du qua nhiều xứ sở, tôi từng được nghe kể về những ký ức có rất sớm từ miệng của những con người trung thực.

Tôi chào đời ngày mùng 5 tháng 1 năm 1893 ở Gorakhpur vùng Đông Bắc Ấn Độ, gần rặng Himalaya. Tám năm đầu đời của tôi trôi qua ở đây. Chúng tôi có tám anh chị em: bốn trai và bốn gái. Tôi, Mukunda Lal Ghosh[13], là con trai thứ và là đứa con thứ tư.

Song thân tôi là người Bengal, thuộc đẳng cấp Kshatriya (Sát đế lợi)[14]. Cả hai đều được trời phú cho tư chất thánh thiện. Tình yêu của họ dành cho nhau, thanh thoát và cao quý, không bao giờ biểu lộ hời hợt. Sự hòa thuận hết mực của cha mẹ là tâm điểm bình lặng cho sự náo động của tám đứa trẻ xoay quanh.

Cha tôi tên là Bhagabati Charan Ghosh, tốt bụng, nghiêm nghị, đôi khi cứng nhắc. Dù rất mực yêu thương cha thì bọn trẻ chúng tôi cũng giữ một khoảng cách cung kính nhất định. Là một người xuất sắc về toán học và logic nên cha chủ yếu chỉ nghe theo trí tuệ mình. Nhưng mẹ tôi thì lại là một người vô cùng nhân hậu và dạy bảo chúng tôi chỉ bằng tình yêu thương. Sau khi mẹ qua đời thì cha tôi mới bộc lộ sự dịu dàng từ trong thâm tâm nhiều hơn. Những lúc ấy tôi nhận thấy ánh mắt của cha dường như đã biến thành ánh mắt của mẹ.

Hồi còn mẹ, bọn tôi đã sớm có cuộc làm quen đầy cay đắng ngọt bùi với kinh sách. Mẹ thường khéo léo lấy ra từ trong Mahabharata và Ramayana[15] những truyện kể phù hợp với các yêu cầu kỷ luật; trong những dịp như vậy thì kỷ luật và dạy dỗ đi liền với nhau.

Như một cử chỉ tôn kính cha, chiều chiều mẹ thường sửa soạn cho bọn trẻ chúng tôi tươm tất để đón ông đi làm về. Cha giữ một chức vụ tương tự như chức phó chủ tịch ở một trong những công ty lớn của Ấn Độ: Công ty Hỏa xa Bengal-Nagpur. Công việc của cha đòi hỏi phải đi lại; gia đình tôi đã sống ở nhiều thành phố suốt thời thơ ấu của tôi.

Mẹ mở rộng vòng tay với những kẻ khó. Cha cũng luôn tốt bụng, nhưng tính tôn trọng nguyên tắc trật tự của cha lan rộng đến tận vấn đề ngân sách. Có lần trong nửa tháng mà mẹ đã tiêu hết hơn một tháng lương của cha để nuôi ăn người nghèo.

“Tôi chỉ yêu cầu mỗi một điều thôi, xin mình,” cha nói, “là giữ cho việc thiện của mình có chừng mực.” Một lời cha quở trách dù nhẹ nhàng cũng làm mẹ buồn khổ. Không để lộ cho con cái biết là đang có bất hòa, mẹ gọi một chiếc xe ngựa.

“Chào ông, tôi về nhà mẹ tôi đây.” Tối hậu thư xưa như quả đất!

Lũ nhóc chúng tôi ngơ ngác òa lên khóc lóc kêu la. Cậu chúng tôi đến thật đúng lúc; cậu rỉ tai cha một lời khuyên sáng suốt nào đó, rõ ràng là được đúc kết từ bao đời. Khi cha đã có đôi câu giảng hòa rồi thì mẹ mới vui vẻ chịu cho xe ngựa về không. Như vậy là chấm dứt rắc rối duy nhất tôi từng thấy giữa cha và mẹ. Nhưng tôi nhớ một cuộc nói chuyện đặc biệt.

“Xin cho tôi mười rupi để bố thí cho người đàn bà bất hạnh vừa mới tới nhà.” Nụ cười của mẹ có sức thuyết phục riêng của nó.

“Sao lại mười rupi? Một là đủ rồi.” Cha nói thêm bào chữa: “Khi cha và ông bà tôi đột ngột qua đời thì tôi mới lần đầu nếm trải cái nghèo. Bữa ăn sáng duy nhất của tôi, trước khi cuốc bộ hàng dặm đến trường, là một quả chuối nhỏ. Về sau, khi lên đại học, tôi nghèo túng đến độ phải xin một vị quan tòa giàu có trợ cấp cho một rupi mỗi tháng. Ông ta từ chối, nói rằng dù một rupi đi nữa cũng là nhiều.”

“Mình nhớ lại chuyện bị từ chối một rupi đó sao cay đắng quá!” Trái tim mẹ có một lập luận tức thì. “Vậy mình có muốn người đàn bà này cũng đau lòng nhớ lại chuyện mình từ chối mười rupi mà bà ấy quá cần hay không?”

“Thôi, mình thắng rồi!” Với cử chỉ xa xưa của mấy đức ông chồng chịu thua, cha tôi mở ví. “Tờ mười rupi đây. Đưa cho bà ta với thành ý của tôi.”

Cha thường mở miệng là nói “không” với bất kỳ đề nghị mới nào. Thái độ của cha đối với người lạ, người đã giành được mối thương cảm của mẹ quá dễ dàng, là một ví dụ cho sự dè dặt thường thấy ở cha. Không thích chấp thuận ngay thực ra chỉ là thực hiện đúng nguyên tắc “phản tỉnh cần thiết”. Tôi luôn thấy cha có lý và cân bằng trong đánh giá của mình. Nếu tôi đưa ra được một đôi lý lẽ xác đáng để yểm trợ cho không biết bao nhiêu đòi hỏi của mình thì thể nào cha cũng đặt cái đích khao khát ấy cho vừa khả năng của tôi, dù đó là một chuyến đi nghỉ hay một chiếc xe máy mới.

Cha là một nhà kỷ luật nghiêm khắc đối với con cái khi chúng còn nhỏ, nhưng thái độ của cha đối với chính mình mới đúng là khổ hạnh. Ví dụ, cha không hề đến nhà hát nhưng lại tìm niềm vui trong những tu tập tinh thần khác nhau và trong việc đọc Bhagavad Gita[16]. Vì xa lánh mọi xa hoa, cha thường mang riết một đôi giày cũ cho đến khi không còn dùng được nữa. Các con trai mua xe hơi khi nó đã được sử dụng rộng rãi, còn cha thì lại bằng lòng đón xe điện đi làm mỗi ngày.

Cha không màng đến việc tích cóp bạc tiền để tạo quyền thế. Một lần, khi đã lo tổ chức xong Ngân hàng Đô thị Calcutta, cha không chịu mưu cầu tư lợi khi từ chối không nắm giữ bất kỳ cổ phần nào trong đó. Cha chỉ muốn thực hiện nghĩa vụ của một công dân lúc rảnh rỗi mà thôi.

Khi cha về nghỉ hưu đã được vài năm, một kế toán từ Anh sang Ấn Độ để kiểm tra sổ sách của Công ty Hỏa xa Bengal- Nagpur. Viên thanh tra ngạc nhiên phát hiện ra là cha chưa hề xin lĩnh tiền thưởng đã quá hạn.

“Ông ấy làm việc bằng ba người!” viên kế toán báo lại với công ty. “Công ty còn nợ ông ấy 125.000 rupi (41.250 đô la) tiền thưởng.” Thủ quỹ gửi cho cha một tờ ngân phiếu với số tiền này. Cha chẳng nghĩ gì mấy đến số tiền đó đến độ quên cả nói với gia đình. Rất lâu về sau cậu em trai út của tôi là Bishnu mới hỏi cha vì em nhận thấy một khoản tiền gửi lớn trong bảng kê của ngân hàng.

“Sao lại đi hân hoan vì những lợi lộc vật chất?” cha đáp. “Kẻ nào theo đuổi mục đích đạt được cái tâm tịnh thì chẳng vui bởi được mà cũng chẳng buồn vì mất. Y hiểu rằng con người tới cõi đời này không một xu dính túi mà lúc ra đi cũng chẳng mang theo được lấy một rupi.”

Hồi đầu mới kết hôn, song thân tôi đã thành đệ tử của một đại sư, là Lahiri Mahasaya ở Banaras. Mối kết giao này càng khuyến khích thêm khí chất khổ hạnh tự nhiên ở cha. Mẹ tôi đã có một lời thú nhận lạ lùng với chị cả Roma: “Cha con và mẹ mỗi năm chỉ gần nhau một lần để sinh các con thôi.”

Cha gặp Lahiri Mahasaya qua Abinash Babu[17], nhân viên chi nhánh Hỏa xa Bengal-Nagpur. Ở Gorakhpur, ông Abinash đã dạy bảo đôi tai thơ dại của tôi bằng những truyện kể lôi cuốn về nhiều vị thánh Ấn Độ. Lần nào ông cũng khép lại câu chuyện bằng một lời tán thán sự vĩ đại cao quý của sư phụ mình.

“Cháu đã được nghe về cái hoàn cảnh lạ lùng mà cha cháu trở thành đệ tử của Lahiri Mahasaya chưa?” Chính vào một chiều hè thong dong khi ông Abinash và tôi đang ngồi với nhau trong khu nhà của tôi thì ông đặt ra câu hỏi gợi sự tò mò này. Tôi lắc đầu mỉm cười chờ đợi.

“Nhiều năm trước, lúc cháu còn chưa chào đời, chú xin phép cấp trên của chú, tức là cha cháu, cho chú được nghỉ phép một tuần để đi thăm sư phụ ở Banaras. Cha cháu đã chế nhạo dự định của chú.

“‘Anh định thành một kẻ cuồng tín chắc?’ cha cháu hỏi. ‘Nếu muốn thăng tiến thì hãy chuyên chú vào công việc văn phòng của anh đi.’

“Hôm ấy, đang buồn bã cuốc bộ về nhà dọc con đường rừng thì chú gặp cha cháu đang ngồi kiệu. Ông cho đám gia nhân và kiệu xe lui rồi xuống đi bộ cạnh chú. Vì tìm cách an ủi chú, ông vẽ ra những cái lợi khi cố gắng để được thành đạt ở đời. Nhưng chú chỉ thẫn thờ nghe ông. Tim chú cứ lặp đi lặp lại: ‘Lahiri Mahasaya hỡi! Con sẽ không sống nổi nếu không được gặp thầy!’

“Con đường đang đi đưa chú và cha cháu đến bên một bờ ruộng thanh bình, những tia nắng chiều hôm viền vàng những gợn sóng cao cỏ dại. Hai người dừng lại trầm trồ chiêm ngưỡng. Ngoài kia trên cánh đồng, cách chỗ cha cháu và chú chỉ vài thước, hình dáng đại sư phụ của chú bỗng đâu hiện ra![18]

“ ‘Bhagabati, mi quá khắt khe với cấp dưới của mi đó!’ Giọng thầy vang vọng bên đôi tai sững sờ của cả hai. Thầy biến mất cũng đầy bí ẩn như khi xuất hiện. Chú sụp quỳ xuống thốt lên: ‘Lahiri Mahasaya! Sư phụ Lahiri Mahasaya!’ Cha cháu lặng người đi một lúc.

“ ‘Abinash, tôi không những cho anh mà còn cho cả tôi nghỉ phép để mai lên đường đi Banaras. Tôi phải làm quen với Lahiri Mahasaya cao quý này, người có thể tùy ý hiện ra để xin hộ cho anh! Tôi sẽ đưa vợ tôi theo và cầu xin thầy điểm đạo cho chúng tôi vào con đường đạo của thầy. Anh đưa chúng tôi đến chỗ thầy được không?’

“ ‘Cố nhiên rồi.’ Lòng chú tràn ngập mừng vui vì lời đáp huyền vi cho lời cầu nguyện của chú, tình thế xoay chuyển thật nhanh chóng và thuận lợi.

“Chiều hôm sau cha mẹ cháu cùng chú lên xe lửa đi Banaras. Tới nơi vào ngày hôm sau nữa, ba người gọi xe ngựa đi một quãng, và rồi lặn lội qua những con hẻm nhỏ dẫn đến ngôi nhà ẩn khuất của sư phụ chú. Bước vào phòng khách nhỏ, cả ba cúi lạy thầy, đang ngồi kiết già như thường lệ. Thầy chớp đôi mắt nhìn thấu suốt rồi ngước lên nhìn cha cháu. ‘Bhagabati, anh quá khắt khe với cấp dưới của anh đó!’ Lời thầy chính là câu thầy nói hai ngày trước ngoài đồng cỏ. Thầy nói thêm: ‘Ta vui là anh đã cho phép Abinash đến thăm ta, và rằng anh và vợ anh cũng đi cùng Abinash.’

“Song thân cháu rất vui mừng được thầy điểm đạo vào Kriya Yoga[19]. Cha cháu và chú, như đồng môn, đã trở thành bạn thân từ cái ngày thấy linh ảnh đáng nhớ ấy. Lahiri Mahasaya quan tâm đến sự ra đời của cháu. Đời cháu nhất định sẽ có một mối liên hệ với đời thầy; phúc thầy ban cho không bao giờ sai đâu.”

Lahiri Mahasaya từ bỏ thế gian này không lâu sau khi tôi chào đời. Tấm ảnh của thầy, lồng trong khung trang nhã, đã luôn thánh hóa bàn thờ của gia đình chúng tôi ở nhiều thành phố khác nhau mà cha được văn phòng thuyên chuyển đến. Biết bao sáng và chiều mẹ và tôi tham thiền trước một bàn thờ đơn sơ, dâng hoa nhúng trong bột đàn hương nhão. Cùng với hương trầm, nhựa thơm và cả lòng mộ đạo hợp nhất của mẹ và con, chúng tôi bày tỏ lòng tôn kính sự thiêng liêng đã được biểu hiện trọn vẹn nơi Lahiri Mahasaya.

Ảnh của thầy có một ảnh hưởng khác thường đối với cuộc đời tôi. Khi tôi lớn lên thì ý nghĩ về thầy cũng lớn dần trong tôi. Lúc tham thiền tôi thường thấy dáng hình thầy bước ra từ cái khung ảnh nhỏ, khoác lấy hình hài sống động, ngồi xuống trước mặt tôi. Khi tôi thử chạm vào đôi bàn chân nơi thân thể rực rỡ của thầy, hình dáng ấy thường biến mất và trở lại thành bức ảnh. Khi tuổi thơ tôi thấm thoắt sang thời niên thiếu, trong tâm tưởng tôi, Lahiri Mahasaya từ một tấm ảnh nhỏ, đính chặt trong khung, hóa thành một hiện diện sống động, soi rạng. Tôi thường cầu nguyện thầy vào những giờ khắc thử thách hay hoang mang, tìm thấy trong tâm sự dẫn dắt dỗ dành của thầy.

Thời gian đầu tôi buồn khổ vì thầy không còn sống bằng xương bằng thịt. Khi tôi bắt đầu nhận ra tính vô biên huyền nhiệm của thầy, tôi thôi không còn than van nữa. Thầy vẫn thường viết cho đệ tử của mình, những kẻ quá đỗi thiết tha muốn gặp thầy: “Sao lại phải đến để nhìn cái xác phàm của ta trong khi ta vẫn luôn trong tầm kutastha (linh thị)[20] của các con?”

Hồi độ tám tuổi tôi đã được ban phúc cho lành bệnh một cách lạ thường, qua bức ảnh của Lahiri Mahasaya. Chứng nghiệm này khiến lòng kính yêu trong tôi càng mãnh liệt hơn. Lúc gia đình tôi ở Ichapur, Bengal, tôi mắc dịch tả. Mạng sống của tôi vô vọng rồi; các thầy thuốc đã bó tay. Bên giường tôi, mẹ cuống quít ra hiệu cho tôi nhìn lên bức ảnh Lahiri Mahasaya treo trên tường bên trên đầu tôi.

“Thầm lạy thầy đi con!” Mẹ biết tôi yếu quá còn không chắp tay lạy được nữa. “Nếu con thực sự bày tỏ lòng thành và bằng ý nghĩ quỳ trước thầy, con sẽ được cứu mạng!”

(Gyana Prabha) GHOSH (1868-1904) Mẹ của Yoganandaji; đệ tử của Lahiri Mahasaya

BHAGABATI CHARAN GHOSH (1853-1942) Cha của Yoganandaji; đệ tử của Lahiri Mahasaya

(Trái) Sri Yogananda lúc sáu tuổi. (Phải) Jitendra Mazumdar, bạn đồng hành của Yoganandaji trong “cuộc thử thách không xu dính túi” ở Brindaban (chương 11).

(Trái) Chị Uma của Yoganandaji khi còn là thiếu nữ, ở Gorakhpur. (Phải) Chị cả Roma (trái) và em gái Nalini, cùng Paramahansa Yogananda tại nhà thời niên thiếu của thầy, Calcutta, 1935.

Tôi nhìn đăm đắm tấm ảnh thầy và rồi thấy ở đó một ánh sáng chói lòa, bao trùm lấy thân tôi và cả căn phòng. Chứng nôn mửa và các triệu chứng khác không kiểm soát được trong tôi không còn nữa; tôi khỏe lại. Tức thì tôi cảm thấy đủ sức để cúi xuống chạm vào chân mẹ mà tỏ lòng biết ơn đức tin vô bờ bến của mẹ đối với sư phụ. Mẹ dập đầu không ngớt với bức ảnh nhỏ.

“Lạy Đấng Toàn năng, con tạ ơn ngài vì ánh sáng đã chữa lành cho con trai con!”

Tôi biết là cả mẹ cũng đã mục kích cái ánh sáng rực rỡ mà nhờ đó tôi tức thì khỏi căn bệnh thường dẫn đến cái chết.

Một trong những vật quý giá nhất tôi có chính là bức ảnh đó.

Được chính Lahiri Mahasaya trao cho cha, bức ảnh có một rung động thiêng liêng. Tấm ảnh có một gốc tích kỳ lạ. Tôi được nghe câu chuyện do đồng môn của cha là Kali Kumar Roy kể lại.

Dường như thầy không thích chụp ảnh. Bỏ ngoài tai sự phản đối của thầy, một lần có kẻ đã chụp hình thầy cùng một nhóm tín đồ, trong đó có cả Kali Kumar Roy. Chính kẻ chụp hình đã kinh ngạc phát hiện ra là tấm kính ảnh[21], có hình ảnh rõ ràng của đủ mặt đệ tử, lại chẳng cho thấy gì ngoài một khoảng trống ở giữa, nơi mà đúng ra y tưởng sẽ thấy hình dáng Lahiri Mahasaya. Hiện tượng này khiến mọi người bàn tán xôn xao.

Một môn sinh và là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, ông Ganga Dhar, đã vênh vang tuyên bố là cái bóng dáng kỳ bí ấy sẽ không thể vuột khỏi tay mình. Sáng hôm sau, khi sư phụ đang ngồi kiết già trên ghế gỗ dài có tấm bình phong sau lưng, Ganga Dhar mang đồ nghề tới. Khi đã cẩn thận sửa soạn mọi thứ để chắc chắn thành công, y tham lam bấm nhanh đến mười hai tấm kính ảnh. Y sớm nhận ra là trên mỗi tấm đều có hình chiếc ghế gỗ và tấm bình phong, nhưng một lần nữa lại không thấy bóng dáng thầy đâu.

Khóc lóc và tự ái, ông Ganga Dhar tìm gặp sư phụ. Nhiều giờ sau Lahiri Mahasaya mới phá tan sự im lặng bằng một câu chất chứa:

“Ta là Tinh thần. Máy ảnh của con có thể nào phản chiếu được cái Vô hình Vô biên?”

“Con hiểu là không thể! Nhưng, thưa thầy, con tha thiết mong được một tấm ảnh thờ hữu hình của thầy. Tầm nhìn của con hạn hẹp; trước đến giờ con đã không nhận ra là Tinh thần ngụ trọn vẹn nơi thầy.”

“Thôi được, sáng mai hãy đến đây. Ta sẽ ngồi cho con chụp.”

Lần nữa nhiếp ảnh gia điều chỉnh tiêu cự máy ảnh. Lần này hình dáng linh thiêng, không còn khoác áo vô hình vô ảnh kỳ bí nữa, hiện rõ nét trên tấm kẽm ảnh. Thầy không bao giờ ngồi cho chụp tấm hình nào nữa; ít ra thì tôi cũng không thấy tấm nào khác.

Tấm ảnh ấy được sao chụp lại trong cuốn sách này[22]. Nét mặt đẹp đẽ của Lahiri Mahasaya, có một vẻ chung, hầu như không gợi cho biết thầy thuộc dân tộc nào. Niềm vui giao hòa cùng Thượng đế thoáng nở nơi nụ cười bí ẩn của thầy. Mắt thầy, có phần hé mở chứng tỏ sự thờ ơ trước ngoại giới, phần thì khép lại, cho thấy sự say sưa trong nội tâm an lạc của thầy. Dửng dưng trước những cám dỗ tầm thường nơi trần thế, thầy lại luôn thấy rõ những chướng ngại tâm linh của những kẻ tầm đạo cầu đến ân huệ của thầy.

Không lâu sau lần tôi được chữa lành bệnh nhờ uy lực từ bức ảnh sư phụ thì tôi có được một linh ảnh quan trọng. Một buổi sáng khi đang ngồi trên giường, tôi chìm trong trầm tư mặc tưởng.

“Cái gì ở phía sau bóng tối nơi đôi mắt khép?” Ý nghĩ dò hỏi này dấy lên mạnh mẽ trong tâm trí tôi. Một chớp sáng bao la tức thì hiển hiện ra trước cái nhìn nội tại của tôi. Hình ảnh thiêng liêng của các bậc thánh nhân, ngồi trong tư thế tham thiền trong các hang động, hiện ra như những cảnh phim thu nhỏ trên màn ảnh rộng ánh hào quang nơi trán tôi.

“Các vị là ai vậy?” tôi kêu lên.

“Chúng tôi là yogi trên rặng Himalaya.” Lời đáp thinh không thật khó mô tả; tim tôi rúng động.

“A, con khao khát được lên Himalaya để trở thành như các vị!” Linh ảnh tan mất, nhưng những tia bạc lan tỏa thành những vòng tròn lớn dần mãi đến vô tận.

“Ánh sáng huyền diệu này là gì vậy?”

“Ta là Ishwara[23]. Ta là Ánh sáng.” Tiếng Nói như những đám mây thì thầm.

“Con muốn được hợp nhất với Ngài!”

Dứt mình khỏi diễm phúc thiêng liêng tan dần, tôi còn giữ lại được tặng vật là niềm khát khao khôn nguôi kiếm tìm Thượng đế. “Ngài là Niềm Vui bất tận, luôn luôn mới!” Ký ức còn đọng lại mãi rất lâu sau cái ngày có trạng thái hoan hỉ ấy.

Một kỷ niệm khác lúc nhỏ thì vẫn còn lại; và đúng nghĩa đen là vậy, vì tôi mang vết sẹo mãi đến bây giờ. Chị Uma và tôi đang ngồi dưới một cây neem[24] lúc sáng sớm trong khuôn viên nhà chúng tôi ở Gorakhpur. Chị đang giúp tôi học cuốn sách vỡ lòng tiếng Bengal, lúc mà tôi có thể thôi ngó nghiêng mấy con vẹt gần đó đang mổ trái neem chín.

Chị Uma rên rẩm về một cái nhọt trên chân, rồi chạy đi lấy lọ thuốc mỡ. Tôi quẹt một chút thuốc mỡ lên cánh tay mình.

“Sao em lại đi bôi thuốc lên cánh tay lành lặn vậy hử?”

“À, chị ơi, em có linh cảm là mai em sẽ bị nhọt. Em đang thử thuốc mỡ lên chỗ ngày mai sẽ mọc cái nhọt.”

“Cái thằng oắt nói xạo này!”

“Chị, chừng nào chị còn chưa thấy cái gì sẽ xảy ra sáng mai thì đừng có mà gọi em là đồ nói xạo.” Lòng tôi đầy bực tức.

Chị Uma, chẳng động lòng, cứ lặp lại lời giễu cợt đến ba lần. Một quyết tâm sắt đá vọng trong giọng tôi khi tôi đáp lại từng tiếng một.

“Bằng tâm lực trong em, em tiên đoán là ngày mai em sẽ bị một cái nhọt thật to ngay tại chỗ này trên tay; còn cái nhọt của chị thì sẽ sưng vù lên bằng hai bây giờ!”

Sáng ra thì tôi đã bị một cái nhọt to ở chỗ đã chỉ; còn cái nhọt của chị Uma thì sưng gấp đôi. Thét lên, chị chạy ùa đến bên mẹ. “Mukunda thành phù thủy mất rồi!” Thật nghiêm nghị, mẹ dạy tôi không bao giờ được dùng ngôn lực để làm hại ai. Tôi đã luôn nhớ lời khuyên của mẹ và vâng lời.

Cái nhọt của tôi được phẫu thuật. Một vết sẹo lồ lộ, do vết rạch của thầy thuốc để lại, đến nay vẫn còn trên cánh tay phải của tôi, là vật nhắc nhở thường trực về uy lực chỉ trong lời nói của con người không thôi.

Mấy câu đơn giản và rõ ràng là vô hại đó với chị Uma, thốt lên với sự định tâm tột cùng, đã có nội lực tiềm tàng đủ để nổ bùng như bom và gây ra những ảnh hưởng rõ rệt, dù không mang tính sát thương. Sau này tôi hiểu được rằng lực rung động nguy hiểm trong lời nói có thể được điều khiển một cách sáng suốt để giải thoát đời người khỏi những trắc trở và vì thế mà sống không phải mang sẹo hay bị quở trách[25].

Gia đình chúng tôi chuyển đến sống ở Lahore, tỉnh Punjab thời đó. Ở đó tôi có được một tượng Thánh Mẫu trong diện mạo nữ thần Kali[26]. Bức ảnh thánh hóa một bàn thờ nhỏ sơ sài trên ban công nhà chúng tôi. Trong tôi dâng tràn niềm tin không lay chuyển được là bất kỳ lời cầu nguyện nào tôi thốt ra ở nơi thiêng liêng ấy cũng đều sẽ được đáp lại. Một hôm khi đang đứng đó với chị Uma, tôi nhìn theo hai cậu bé đang thả diều trên nóc hai tòa nhà cách nhà chúng tôi một con hẻm nhỏ xíu.

“Sao nín thinh vậy chú em?” Chị Uma xô đùa tôi.

“Em chỉ đang nghĩ là Thánh Mẫu mà ban cho em bất cứ gì em cầu xin thì sẽ hay biết chừng nào.”

“Chị cho là Thánh sẽ cho em hai con diều ấy đấy!” Chị tôi cười nhạo.

“Sao lại không?” Tôi bắt đầu thầm cầu xin để có được mấy con diều.

Ở Ấn Độ người ta thi thả diều có dây được quết hồ và bột thủy tinh. Mỗi người chơi sẽ cố làm đứt sợi dây đối phương đang cầm. Con diều bị đứt dây sẽ trôi là đà trên mái nhà; bắt được chúng là vui ghê lắm. Vì chị Uma và tôi đang đứng trên ban công có mái che, thụt vào, xem ra không thể nào có chuyện diều đứt dây rơi vào tay chúng tôi được; sợi dây diều thường treo tòng teng trên mái nhà.

Mấy cậu bé chơi diều bên kia ngõ bắt đầu cuộc thi. Một sợi dây đứt ra; lập tức con diều dạt về hướng tôi. Nhờ gió dịu bất ngờ, con diều chững lại một lát, trong lúc đó sợi dây diều vướng chặt vào khóm xương rồng trên nóc nhà đối diện. Một cái móc dài, vừa vặn được tạo thành cho tôi nắm lấy. Tôi đưa chiến lợi phẩm cho chị Uma.

“Chỉ là một sự tình cờ lạ lùng thôi mà, nào phải câu đáp cho lời cầu xin của em đâu. Chừng nào con diều kia mà cũng bay tới chỗ em thì chị mới tin.” Đôi mắt đen của chị bộc lộ sự kinh ngạc nhiều hơn lời chị nói. Tôi tiếp tục cầu nguyện mỗi lúc một thành tâm hơn. Một cái giật mạnh của người chơi diều còn lại khiến nó bỗng mất con diều. Con diều nhằm về hướng tôi, chao lượn trong gió. Trợ thủ đắc lực của tôi, cây xương rồng, lại một lần nữa thắt sợi dây diều thành cái móc cần thiết cho tôi nắm. Tôi đưa chiến lợi phẩm thứ hai cho chị Uma.

“Đúng là Thánh Mẫu lắng nghe lời em thật rồi! Chị thấy chuyện này thần bí quá đi!” Chị chạy lao đi như một cô nai tơ thảng thốt.

* * *

Chú thích:

[11] Đạo sư. Guru Gita (câu thơ 17) đã mô tả rất đúng: sư phụ là “người xua tan bóng tối” (từ gu, “bóng tối”, và ru, “cái xua tan”).

[12] Người luyện yoga, sự “hợp nhất”, tri thức cổ xưa để trầm tư về Thượng đế (xem chương 26: “Pháp môn Kriya Yoga”).

[13] Tên tôi đổi thành Yogananda khi tôi vào Dòng tu Swami cổ năm 1915. Năm 1935 sư phụ ban cho tôi pháp danh tiếp theo là Paramahansa (xem các trang 291 và 508).

[14] Đẳng cấp thứ hai, khởi thủy là đẳng cấp cai trị và chiến binh.

[15] Các sử thi cổ xưa này là một kho tàng lịch sử, thần thoại và triết học Ấn Độ.

[16] Bài thơ tiếng Phạn cao quý tạo thành một phần trong sử thi Mahabharata này là Kinh thánh của Ấn giáo. Mahatma Gandhi viết: “Kẻ nào trầm tư về Gita thì sẽ nhận được ở đó niềm vui thanh khiết và những ý nghĩa mới mẻ mỗi ngày. Không có một vướng mắc tinh thần nào mà Gita không thể tháo gỡ.”

[17] Babu (ông) được đặt ở cuối trong tên người tiếng Bengal.

[18] Các thần thông mà các đại sư sở đắc được giải thích trong chương 30, “Định luật phép lạ”.

[19] Một kỹ thuật yoga mà Lahiri Mahasaya dạy, nhờ đó sự loạn động của các giác quan được lắng lại, cho phép ta ngày càng hợp nhất hơn với tâm thức vũ trụ (xem chương 26).

[20] Nguyên văn: spiritual sight. Cần phân biệt với tuệ nhãn hay huệ nhãn (spiritual eye) và thiên nhãn (divine eye). Kutastha sau này (chương 14 và 39) còn được giải thích là trung khu Tâm thức Chúa. (ND - BBT).

[21] Kỹ thuật chụp ảnh trước đây dùng kính ảnh trước khi phát minh ra phim. (ND - BBT).

[22] Xem trang 397. Bản sao của bức hình có ở Hội Tự giác. Xem thêm hình vẽ Lahiri Mahasaya ở trang 439. Thời gian ở Ấn Độ những năm 1935-36, Sri Paramahansa Yogananda đã hướng dẫn một họa sĩ Bengal vẽ bức chân dung này theo hình chụp ban đầu, và về sau chọn nó làm chân dung chính thức của Lahiri Mahasaya để sử dụng trong các ấn phẩm của Hội Tự giác. (Bức tranh này treo trong phòng khách của Paramahansa Yogananda tại núi Washington.) (Chú thích của nhà xuất bản, bản tiếng Anh).

[23] Tên tiếng Phạn chỉ Thượng đế trong diện mạo Chúa tể Vũ trụ; từ gốc is, cai quản. Kinh điển Ấn Độ giáo có cả ngàn tên để chỉ Thượng đế, mỗi tên mang một sắc thái ý nghĩa triết lý khác nhau. Thượng đế với tên Ishwara là đấng mà từ ý chí của Ngài, toàn thể các cõi, theo chu kỳ thứ tự, thành và hoại.

[24] Cây sầu đâu, tức xoan trắng, xoan Ấn Độ. (ND - BBT).

[25] Những uy lực vô cùng của âm thanh bắt nguồn từ Nguyên ngôn Sáng tạo, Aum, năng lượng rung động vũ trụ đằng sau mọi năng lượng nguyên tử. Một chữ nói ra với nhận thức rõ ràng và sự định tâm mạnh mẽ đều sẽ có tác dụng trở thành sự thật. Lặp đi lặp lại thầm trong đầu hay thành lời những từ khích lệ đã được phát hiện là có hiệu lực trong phương pháp tự kỷ ám thị Couéism và các hệ thống liệu pháp tâm lý tương tự; bí quyết nằm ở sự tăng cường tốc độ rung động của tâm trí.

[26] Kali là một biểu tượng của Thượng đế trong khuôn mặt Mẹ Thiên nhiên vĩnh hằng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3