Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 05
CHƯƠNG 5
“Thánh Hương” làm phép
“Dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời[48].” Tôi không có cái sáng suốt này của Solomon để an ủi mình; tôi nhìn quanh tìm kiếm, trong mọi chuyến du ngoạn khỏi nhà, gương mặt sư phụ tiền định của mình. Nhưng phải đến khi tôi học xong tú tài thì tôi mới được gặp thầy.
Hai năm trôi qua từ lần tôi cùng Amar trốn nhà đi Himalaya, rồi đến cái ngày trọng đại khi Sri Yukteswar bước vào đời tôi. Trong giai đoạn chuyển tiếp đó tôi đã được gặp một số hiền giả - “Thánh Hương”, “Swami Hổ”, Nagendra Nath Bhaduri, thầy Mahasaya, và nhà khoa học nổi tiếng Jagadis Chandra Bose ở Bengal.
Cuộc gặp gỡ của tôi với “Thánh Hương” có hai khúc dạo đầu, một hòa hợp và một hài hước.
“Thượng đế thì dung dị. Mọi thứ còn lại đều rắc rối. Đừng đi tìm những giá trị tuyệt đối nơi thế giới tự nhiên tương đối.”
Những xác tín triết học này nhẹ nhàng vọng vào tai tôi khi tôi đứng lặng yên trước bức ảnh đền thờ Kali[49]. Quay lại, tôi đụng phải một người đàn ông cao ráo mà từ cách ăn mặc của ông, hay vì thiếu cách ăn mặc đó, cho thấy ông là một sadhu lang thang.
“Thầy quả đã nhìn thấu ý nghĩ rối bời trong con!” Tôi mỉm cười cảm kích. “Sự lẫn lộn những khía cạnh nhân từ và khủng khiếp trong thiên nhiên, như đã được biểu tượng hóa ở nữ thần Kali, đã đánh đố những cái đầu thông minh hơn con!”
“Có ít kẻ giải được bí ẩn của nàng! Thiện và ác là cái bí ẩn thách đố mà sự sống đặt ra một cách khó hiểu cho mọi trí khôn. Cố gắng mà không đưa ra được lời giải nào, phần đông phải mất mạng, hình phạt ngày nay vẫn giống như vào thời xứ Thebes. Đây đó, một nhân vật cao vời đơn độc không bao giờ kêu than thất bại. Từ maya[50] nhị nguyên vị ấy rút ra cái chân lý về nhất thể bất khả phân.”
“Thầy nói với niềm xác tín, thưa thầy.”
“Từ lâu ta đã tập cách quán chiếu nội tâm trung thực, là con đường đau đớn một cách tao nhã đi đến minh triết. Tự xét mình, quan sát không ngừng nghỉ tư tưởng của chính bản thân là một kinh nghiệm khắc nghiệt và tàn khốc. Nó nghiền vụn cái bản ngã rắn chắc nhất. Nhưng sự tự phân tích đích thực sẽ vận hành một cách chuẩn xác để sản sinh ra những đấng tiên tri. Con đường ‘tự thể hiện’, tri thức cá nhân sẽ dẫn đến những kẻ tự cao tự đại, tin chắc mình có cái quyền lý giải Thượng đế và vũ trụ.”
“Chân lý sẽ nhún nhường rút lui, chắc chắn rồi, trước một sự liều lĩnh ngạo mạn như vậy.”
“Con người sẽ không thể hiểu chân lý bất diệt chừng nào y còn chưa bỏ cái thái độ tự phụ. Trí người, trần trụi chỉ là bùn loãng bao đời, đầy rẫy sự sống gớm ghiếc của biết bao mê vọng về thế gian. Những cuộc giao tranh trên chiến địa sẽ lu mờ đi thành cái vô nghĩa ở đây, khi con người lần đầu tiên chống chọi với kẻ địch nội tâm! Chúng chẳng phải tử thù mà phải khuất phục bằng lực lượng quân đội tàn khốc! Có mặt khắp chốn, không ngừng nghỉ, truy đuổi con người ngay cả trong giấc ngủ, được vũ trang khéo léo bằng ám khí, những chiến binh thú tính mê muội này tìm cách giết hết chúng ta. Nông cạn thay những kẻ chôn vùi lý tưởng của mình, đầu hàng số phận chung. Hắn xem ra có khác nào một kẻ bất lực, vụng về, ngu muội?”
“Thưa thầy đáng kính, thầy không thương cảm đám quần chúng ngơ ngác sao?”
Hiền giả im lặng một hồi, rồi trả lời gián tiếp.
“Yêu thương cả Thượng đế vô hình, Kho Cất giữ mọi Đức hạnh, vậy là con người hữu hình, rõ ràng chẳng có đức hạnh nào, thường là lúng túng! Nhưng tài khéo léo cũng ngang tầm với tình trạng hỗn mang. Cuộc thăm dò nội tâm sẽ sớm phơi bày sự tương đồng nơi mọi đầu óc con người - sự giống nhau như tạc của cái động cơ duy ngã. Ít ra thì theo một nghĩa nào đó, tình huynh đệ giữa con người sẽ bộc lộ. Một sự khiêm cung e sợ nối tiếp sau phát hiện san bằng này. Nó chín dần thành tình thương yêu đồng loại, đui mù trước những uy lực chữa lành của linh hồn chờ đợi cuộc thăm dò.”
“Thưa thầy, các thánh hiền mọi thời đại, cũng đã như thầy cảm thông với nỗi đau của nhân loại.”
“Chỉ có kẻ nông cạn mới đánh mất lòng trắc ẩn trước nỗi thống khổ trong đời kẻ khác, vì hắn chìm trong khổ sở hẹp hòi của riêng hắn.” Gương mặt khắc khổ của sadhu dịu đi rõ ràng. “Kẻ thực hành sự phân tích sắc bén của dao mổ sẽ thấy sự rộng mở tình yêu vũ trụ. Y sẽ thoát khỏi những kêu gào đinh tai của bản ngã. Tình yêu của Thượng đế sẽ nở hoa trên mảnh đất ấy. Kẻ ấy cuối cùng sẽ tìm đến Đấng Sáng tạo, nếu không vì cớ nào khác thì là để hỏi một câu khắc khoải: ‘Tại sao, Thượng đế hỡi, tại sao?’ Nhờ những đòn roi đau xót đớn hèn, con người cuối cùng cũng được thúc về phía Hiện diện Vô cùng mà chỉ cái đẹp của Nó mới quyến rũ được y.”
Hiền giả và tôi đang ở trong Đền Kalighat ở Calcutta, nơi tôi đến để được chiêm ngưỡng vẻ uy nghi lừng lẫy của nó. Bằng một cái khoát tay, người quen tình cờ của tôi xua đi cái uy nghi lộng lẫy.
“Gạch vữa chẳng ngân được giai điệu nào cho ta; trái tim chỉ mở ra đón khúc ca của con người về sự hiện hữu thôi.”
Chúng tôi thong thả bước ra ánh nắng mời gọi ở lối vào, nơi có rất đông tín đồ qua lại.
“Con hãy còn trẻ.” Hiền giả đăm chiêu quan sát tôi. “Cả Ấn Độ cũng trẻ. Các rishi[51] xưa đã đặt ra những mẫu mực thâm căn cố đế cho sinh hoạt tâm linh. Những tuyên bố từ ngàn xưa của các vị là đủ cho hôm nay và xứ sở này. Không hề lỗi thời, không phải là không phức tạp so với những trí trá của chủ nghĩa duy vật, những giới luật tu tập vẫn còn nặn đúc nên Ấn Độ. Bằng hàng bao thiên niên kỷ - nhiều hơn các học giả lúng túng đếm xuể! - Thời gian hoài nghi đã công nhận giá trị của kinh Vệ Đà. Hãy lấy nó làm di sản cho mình.”
Khi tôi cung kính giã từ sadhu hùng biện, thầy hé lộ một giác thấu thị:
“Hôm nay khi con đi khỏi đây rồi, một chứng nghiệm lạ thường sẽ đến với con.”
Tôi rời khu đền thờ rồi thong thả đi tiếp. Khi rẽ vào một góc đường, tôi chạm mặt một người quen cũ - một trong những anh chàng có khả năng nói bất chấp thời gian và ôm trọn vĩnh hằng.
“Tôi sẽ để chú em đi ngay thôi,” anh ta hứa, “nếu chú kể hết cho tôi nghe những gì đã xảy ra suốt những năm ta không gặp nhau.”
“Thật là ngược đời! Em phải chia tay anh đây.”
Nhưng anh ta giơ tay giữ tôi lại, cố ép cho được một chút thông tin. Anh ta giống như một con sói đói khát, tôi nghĩ vui; mình càng nói thì anh ta càng đói khát đánh hơi săn thêm tin tức. Tôi thầm cầu nữ thần Kali nghĩ ra giùm cho một cách thoát thân lịch sự.
Người quen của tôi thình lình bỏ tôi mà đi. Tôi thở phào nhẹ nhõm rồi rảo bước, e lại rơi vào cơn say lắm lời nào nữa chăng. Nghe tiếng chân gấp gáp sau lưng, tôi càng bước nhanh hơn. Tôi chẳng dám nhìn lại. Nhưng vọt một cái, người thanh niên ấy lại bắt kịp tôi, vui vẻ siết chặt vai tôi.
“Tôi quên chưa cho chú hay về Gandha Baba (“Thánh Hương”), đang ban phúc cho nhà đằng kia.” Anh ta trỏ về một ngôi nhà cách đó vài thước. “Đi gặp thầy ấy đi; thầy ấy thú vị lắm. Biết đâu chú sẽ có một chứng nghiệm lạ thường. Tạm biệt,” và thế là anh ta bỏ tôi đi luôn.
Câu tiên tri có lời lẽ tương tự của sadhu tại Đền Kalighat lóe lên trong đầu tôi. Tò mò, tôi bước vào ngôi nhà và được dẫn vào một phòng khách thênh thang. Một đám đông đang ngồi, theo lối Á đông, rải rác trên một tấm thảm màu cam dày. Tiếng thì thầm kính sợ vang bên tai tôi.
“Nhìn Gandha Baba ngồi nơi tấm da báo kia đi. Thầy ban mùi thơm tự nhiên của bất kỳ loài hoa nào cho những bông hoa không hương, hay làm một bông hoa héo tươi trở lại, hay khiến cho da người tỏa hương ngây ngất.”
Tôi nhìn thẳng vị thánh; cái nhìn tinh anh của thầy dừng lại trên chính cái nhìn của tôi. Thầy mập tròn và để râu quai nón, làn da sậm và đôi mắt to sáng.
“Con trai, ta mừng được gặp con. Nói xem con muốn gì. Con có muốn chút hương thơm không?”
“Để làm gì?” tôi thấy câu hỏi của thầy khá ngây thơ.
“Để thử thưởng thức hương thơm bằng cách kỳ bí.”
“Bắt Thượng đế tạo ra mùi thơm sao?”
“Thì sao? Thượng đế tạo ra mùi hương mà.”
“Đúng, nhưng Ngài tạo hình những nụ hoa mảnh mai để cắm tươi rồi vứt đi. Thầy hóa phép ra hoa được không?”
“Được. Nhưng thường thì ta tạo ra mùi hương, anh bạn nhỏ ạ.”
“Vậy thì mấy hãng làm nước hoa sẽ đóng cửa mất.”
“Ta sẽ để cho họ duy trì công việc làm ăn! Mục đích riêng của ta là chứng minh quyền năng của Thượng đế.”
“Thưa thầy, cần phải chứng minh Thượng đế sao? Chẳng phải Ngài làm nên những điều kỳ lạ trong vạn vật, khắp nơi đó sao?”
“Phải, nhưng cả chúng ta nữa cũng nên phô diễn chút ít cái muôn hình vạn trạng sáng tạo vô cùng tận của Ngài.”
“Phải mất bao lâu mới tinh thông được thuật của thầy?”
“Mười hai năm.”
“Để tạo ra mùi hương bằng cách siêu nhiên sao! Xem ra, thưa thánh đáng kính, thầy đã phí mười hai năm trời để có những mùi hương mà thầy có thể có chỉ cần vài rupi mua ở hàng hoa.”
“Mùi hương phai nhạt theo hoa.”
“Mùi hương tàn theo cái chết. Sao con phải mong cầu cái chỉ làm thỏa mãn thân xác không thôi?”
“Ngài triết gia, con làm vừa ý ta đấy. Nào, chìa bàn tay phải con ra đây.” Thầy làm một cử chỉ ban phúc.
Tôi đang đứng cách Gandha Baba có dăm bước; chẳng còn ai khác đứng gần đủ để chạm vào người tôi. Tôi chìa tay ra mà yogi không chạm vào.
“Con muốn mùi hương gì nào?”
“Hoa hồng.”
“Được thôi.”
Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi hương hoa hồng quyến rũ từ giữa lòng bàn tay tôi tỏa ra ngào ngạt. Tôi tươi cười lấy một bông hoa trắng lớn không hương cắm trong lọ hoa gần đó.
“Bông hoa không hương này có thể đẫm mùi hoa nhài được không?”
“Được thôi.”
Mùi hoa nhài tức thì tỏa ra từ những cánh hoa. Tôi cảm tạ người làm phép rồi ngồi xuống cạnh một đệ tử của thầy. Anh ta cho tôi biết Gandha Baba, tên thật là Vishuddhananda, đã học được nhiều bí pháp yoga cao siêu từ một vị thầy bên Tây Tạng. Vị yogi Tây Tạng, tôi tin chắc, cũng đã hơn ngàn năm tuổi.
“Đệ tử Gandha Baba của vị thầy ấy không phải lúc nào cũng phô diễn thần thông với mùi hương theo kiểu đơn giản như chú em vừa mục kích đâu.” Đệ tử nói về thầy mình với một niềm tự hào ra mặt. “Cách thức của thầy rất khác nhau, cho phù hợp với sự đa dạng khí chất của mọi người. Thầy phi thường lắm! Nhiều người trong giới trí thức Calcutta là đệ tử của thầy.”
Trong bụng tôi quyết định không cộng mình vào trong số họ. Một sư phụ đúng nghĩa là quá đỗi “phi thường” thì không hợp ý tôi. Nhã nhặn cảm tạ Gandha Baba, tôi ra về. Trong khi lững thững về nhà, tôi nghĩ về ba cuộc gặp gỡ khác nhau mà ngày hôm ấy đem lại.
Chị Uma thấy tôi khi tôi bước vào cửa.
“Em đang trở nên điệu đàng quá rồi, dùng cả nước hoa nữa!”
Không nói tiếng nào, tôi ra hiệu cho chị ngửi bàn tay mình.
“Mùi hoa hồng quyến rũ quá! Nó nồng đượm khác thường!”
Tin là nó “nồng đượm khác thường”, không nói gì, tôi kê đóa hoa có mùi thơm siêu nhiên trước mũi chị.
“Ôi, chị thích hoa nhài lắm!” Chị cầm lấy bông hoa. Một vẻ bối rối buồn cười giăng trên mặt chị khi chị cứ hít lấy hít để mùi hoa nhài từ loài hoa mà chị thừa biết là không hương. Phản ứng của chị xua tan mối nghi ngờ là Gandha Baba có thể đã gây ra trong tôi một trạng thái tự kỷ ám thị mà do vậy chỉ mình tôi mới nhận thấy mùi thơm.
Về sau tôi nghe được từ một người bạn, Alakananda, là “Thánh Hương” có một khả năng mà tôi ước gì hàng triệu triệu người đói kém trên thế gian có được.
“Mình đã có mặt cùng cả trăm khách nữa tại nhà Gandha Baba ở Burdwan,” Alakananda kể. “Đó là một dịp hội hè. Vì yogi nổi danh là có khả năng lấy từ thinh không ra các thứ nên mình tươi cười thỉnh thầy làm phép hóa ra ít quýt đã hết mùa. Tức thì luchi[52] dọn trên mấy tấm lá chuối phồng lên. Mỗi cái vỏ bánh mì nở to chứa một quả quýt đã lột vỏ. Mình cắn quả quýt của mình mà có hơi lo lo, nhưng nó thật ngon lành.”
Nhiều năm sau bằng cái biết bên trong, tôi hiểu ra Gandha Baba đã hóa hiện bằng cách nào. Thuật này, than ôi, lại vượt quá khả năng của những bầy người đói ăn trên thế giới.
Các kích thích giác quan khác nhau mà con người phản ứng lại - xúc giác, thị giác, vị giác, thính giác, và khứu giác - sinh ra bởi những biến đổi rung động ở các electron và proton. Đến lượt mình các rung động được điều hòa bởi prana, “lifetron”, là những sinh khí vi tế hay năng-lượng-vi-tế-hơn-nguyên-tử được nạp một cách thông minh bằng năm chất-ý (ida-sulstance) cảm giác riêng biệt.
Gandha Baba, khi hòa điệu mình theo sức mạnh prana bằng những phép tu luyện yoga nhất định, có thể điều dẫn các lifetron sắp xếp lại cấu trúc rung động của chúng và hóa hiện cụ thể ra kết quả mong muốn. Hương thơm, hoa trái, và các phép lạ khác thầy làm là sự vật chất hóa thực hữu các rung động cõi trần mà không phải là các cảm giác trong tâm được gợi ra bằng thuật thôi miên.
Thuật thôi miên đã được các bác sĩ sử dụng trong các tiểu phẫu như một loại thuốc gây mê tâm lý cho những người có thể gặp nguy hiểm vì thuốc mê. Nhưng trạng thái thôi miên có hại cho những ai thường xuyên phải lệ thuộc vào nó; một tác hại về tâm lý sẽ dần hình thành mà sau cùng sẽ làm rối loạn tế bào não. Thuật thôi miên là sự xâm phạm vào lãnh thổ tâm thức của người khác[53]. Các hiện tượng thoáng qua của nó không có điểm gì chung với các phép lạ mà các bậc giác ngộ thiêng liêng đã làm. Thức tỉnh trong Thượng đế, các bậc chân thánh thực hiện những thay đổi trong thế giới-chiêm bao này bằng phương tiện là ý chí đã hòa nhịp được với Đấng Mộng mơ Vũ trụ Sáng tạo[54].
Những phép thần thông biến hóa như “Thánh Hương” phô diễn thì ngoạn mục nhưng không ích lợi gì về mặt tâm linh. Vì ít có dụng đích nào khác hơn là để tiêu khiển, những thi triển thần thông ấy là sự lạc lối khỏi cuộc tìm kiếm Thượng đế nghiêm túc.
Sự phô bày khoe mẽ các phép thần thông thường bị các bậc thầy chỉ trích. Nhà huyền bí người Ba Tư Abu Said đã từng cười nhạo một số fakir (tu sĩ khổ hạnh Hồi giáo), những người lấy làm tự hào về các phép thần thông đối với nước, không khí và không gian của họ.
“Một con ếch cũng ung dung tự tại trong nước được mà!” Abu Said chỉ ra với sự khinh thị nhẹ nhàng. “Quạ và kền kền bay thong dong trên trời; quỷ thì cùng lúc vừa có mặt ở phương Đông vừa có mặt ở phương Tây! Con người đúng mực là kẻ sống trong sự công bằng giữa đồng loại, kẻ vẫn mua vẫn bán, vậy nhưng không phút giây nào lãng quên Thượng đế[55]!” Một dịp khác vị đại sư Ba Tư đã nêu lên cách nhìn của mình về đời sống tu hành thế này: “Vứt bỏ cái ta có trong đầu (những dục vọng và tham vọng vị kỷ); rộng lòng cho đi cái ta có trong tay; và không bao giờ lùi bước trước những đòn nghịch cảnh!”
Cả nhà hiền triết chân tâm ở Đền Kalighat lẫn vị yogi tu tập ở Tây Tạng chẳng ai làm thỏa được nỗi khát khao tầm sư của tôi. Tim tôi không cần gia sư nào nhận ra nó cả, và đã reo lên một tiếng bộc phát “Hay quá!” càng vang vọng hơn vì nó hiếm khi thốt lên từ câm lặng. Khi cuối cùng tôi gặp được thầy mình, chỉ bằng sự cao thượng của tấm gương, thầy đã dạy tôi thước đo một con người đích thực.
* * *
Chú thích:
[48] Sách Giảng viên 3:1. (Từ đây trở đi, các trích dẫn Kinh Thánh sẽ sử dụng bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ).
[49] Kali tượng trưng cho Nguyên lý Hằng cửu trong thiên nhiên. Theo truyền thống Ngài được mô tả là một người nữ có bốn cánh tay, đứng trên hình dáng nằm nghiêng của thần Shiva hay Vô cùng; vì các hoạt động của thiên nhiên hay thế giới hiện tượng bắt nguồn từ Tinh thần tiềm tàng. Bốn cánh tay tượng trưng cho các thuộc tính chủ yếu: hai thuộc tính nhân từ, hai thuộc tính hủy diệt; tính nhị nguyên cốt lõi của vật chất hay sáng tạo.
[50] Ảo ảnh vũ trụ; nghĩa đen là “thước đo”. Maya là huyền lực trong sáng tạo mà qua đó những hạn định và phân chia hiện diện rõ ràng trong Vô lượng và Bất Khả Phân. Emerson đã viết bài thơ sau về Maya (mà ông viết là Maja): Ảo ảnh thêu dày đặc, Giăng tơ nhện điệp trùng; Ảnh hình rực rỡ của nàng không hề dứt, Lấn len nhau, màn phủ màn; Kẻ quyến rũ sẽ được tin Bởi kẻ khát thèm huyễn hoặc.
[51] Rishi nghĩa đen là “đấng tiên tri”, là các tác giả của kinh Vệ Đà từ thời xa xưa không xác định được.
[52] Bánh mì dẹp, tròn của Ấn Độ.
[53] Các nghiên cứu về tâm thức của các nhà tâm lý học phương Tây đa phần chỉ giới hạn trong nghiên cứu về tiềm thức và về các bệnh tâm thần được điều trị bằng tâm thần học và phân tâm học. Ít có nghiên cứu nào đi sâu vào nguồn gốc và sự hình thành nền tảng của các trạng thái tinh thần bình thường và các biểu hiện cảm xúc và ý chí của các trạng thái ấy - một đề tài thật sự cơ bản không bị quên lãng trong triết học Ấn Độ. Trong các hệ thống Sankhya và Yoga đã có các phân loại chính xác nhiều mối liên hệ khác nhau trong các thường biến tâm thần và các quan năng đặc biệt buddhi (trí phân biệt), ahamkara (ngã chấp) và mana (trí hay ý thức-giác quan).
[54] “Vũ trụ hiển lộ trong từng phân tử. Vạn vật được làm nên từ một chất liệu ẩn. Thế giới vo tròn thành một giọt sương....Ý niệm đích thực về sự hiện diện bao la trùm khắp là ở chỗ Thượng đế hiện ra trong toàn thể hình hài Ngài nơi từng đám rêu và mạng nhện.” - Emerson, trong “Báo đền” (Compensation).
[55] “Vẫn mua vẫn bán, vậy nhưng không phút giây nào lãng quên Thượng đế!” Cái lý tưởng là ở chỗ bàn tay và trái tim cùng vận động hài hòa với nhau. Một số tác giả phương Tây khẳng định mục đích của Ấn Độ giáo là “chạy trốn” yếu hèn, vô vi và xa rời yếm thế. Thế nhưng, biểu đồ bốn giai đoạn cho đời người của Vệ Đà là một biểu đồ quân bình cho quảng đại quần chúng, chia một nửa đời cho học hỏi và các phận sự của cư sĩ; nửa còn lại dành cho các tu tập trầm tư và thiền định (xem chú thích trang 321). Sự cô tịch là cần thiết để trở nên thường trụ trong Chân Ngã, nhưng rồi các bậc thầy sẽ nhập thế để phụng sự. Ngay cả các thánh không dấn thân vào việc đời thì cũng bằng tư tưởng và các rung động linh thiêng của mình ban cho trái đất nhiều lợi lộc quý giá hơn những hoạt động nhân đạo tích cực nhất mà người chưa giác ngộ có thể đem lại. Các thánh, mỗi vị theo cách riêng của mình và thường chống lại sự phản đối gay gắt, cố gắng khích lệ và nâng đỡ đồng loại một cách vị tha. Không có lý tưởng tôn giáo hay xã hội nào của Ấn Độ chỉ thuần là phủ định. Ahimsa, “không sát sinh”, trong Mahabharata được gọi là “toàn bộ luật tắc” (sakalo dharma), là một giới luật mang tính tích cực khi quan niệm rằng kẻ không giúp đỡ kẻ khác, theo một cách nào đó là hại họ. Bhagavad Gita (III:4-8) chỉ ra rằng hoạt động là cố hữu trong chính căn tính con người. Sự chây lười chính là “hành vi sai”. “Không ai thoát khỏi hành động Bằng lảng tránh hành động; không cái gì và không ai, sẽ chẳng được toàn thiện Nếu cứ từ bỏ hành động. Không, và không một mẩu thời gian nào vào bất cứ lúc nào. Ngừng hành động; lẽ tự nhiên của con người Buộc y hành động dù miễn cưỡng. (Vì tư tưởng là hành động trong tưởng tượng). Kẻ nào, thân dũng mãnh phục vụ tâm, Dốc sức người cho công việc xứng đáng, Không mong cầu lợi lộc, này Arjuna! kẻ ấy Là đáng trọng. Hãy làm sứ mệnh được giao!”