Truyện Tự Truyện Của Một Yogi - Chương 06
CHƯƠNG 6
Swami Hổ
“Mình tìm ra nhà của Swami Hổ rồi. Mai ta đến thăm thầy ấy đi.”
Ý kiến thú vị này là của Chandi, một trong các bạn trung học của tôi. Tôi háo hức muốn gặp vị thánh mà thời còn chưa đi tu, thầy đã tay không bắt và đả hổ. Một sự hăm hở con trẻ trước những kỳ tích phi thường như vậy dấy lên mạnh mẽ trong tôi.
Ngày hôm sau ló rạng với cái lạnh mùa đông nhưng Chandi và tôi vẫn hồ hởi lên đường. Sau một hồi lâu kiếm tìm hoài công vô ích ở Bhowanipur, bên ngoài Calcutta, chúng tôi cũng tới được đúng nhà. Cánh cửa chỉ cài hai vòng dây sắt mà tôi khua rộn chói tai. Mặc cho tiếng ồn, một người hầu dáng bộ thủng thỉnh đi ra. Nụ cười mỉa của anh ta hàm ý là các vị khách ồn ào chẳng thể nào khuấy động sự tịch lặng trong nhà của thánh được đâu.
Cảm thấy bị quở thầm trong bụng, bạn tôi và tôi rất cảm kích khi được mời vào phòng khách. Chờ đợi lâu ở đấy khiến chúng tôi nhấp nhổm. Luật bất thành văn ở Ấn Độ cho những kẻ tầm đạo là đức kiên nhẫn; một bậc thầy có thể cố ý thử mức độ tha thiết của kẻ muốn gặp mình. Cái mẹo tâm lý này được các bác sĩ và nha sĩ ở phương Tây dùng rất ư là thoải mái!
Cuối cùng cũng được người hầu gọi vào, Chandi và tôi bước vào một gian phòng ngủ. Swami Sohong[56] trứ danh đang ngồi trên giường. Nhìn thấy thân hình dị thường của thầy hai đứa tôi bị tác động một cách kỳ lạ. Mắt trố ra, bọn tôi đứng chẳng thốt nên lời. Chúng tôi chưa hề thấy một khuôn ngực hay bắp tay như cầu thủ bóng đá thế kia. Bên trên cái cổ to, gương mặt dữ tợn nhưng thanh thản của swami viền tóc, râu và ria dài. Một vẻ vừa như bồ câu vừa như hổ sáng quắc trong đôi mắt đen. Thầy để mình trần, chỉ mặc một tấm da hổ quanh thắt lưng rắn chắc.
Mở miệng được rồi, bạn tôi và tôi chào hỏi thầy tu, bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước lòng can đảm của thầy trên đấu trường với họ nhà mèo thật phi thường.
“Xin thầy vui lòng cho chúng con hay làm cách nào để tay không hàng phục được loài chúa sơn lâm hung dữ nhất là hổ Bengal ạ?”
“Các con trai, đả hổ nào có là gì với ta. Bây giờ ta vẫn có thể làm vậy nếu cần.” Thầy cười như trẻ thơ. “Các con nhìn hổ là hổ; còn ta thấy chúng như mèo.”
“Thưa swami, con nghĩ con có thể gây ấn tượng với tiềm thức của mình mà nghĩ rằng hổ là mèo, nhưng con có khiến cho con hổ tin vào chuyện đó được không?”
“Cố nhiên là sức mạnh thì cũng cần thiết! Người ta chẳng thể trông chờ chiến thắng nơi một đứa bé tưởng tượng hổ là mèo nhà được! Hai bàn tay mạnh mẽ là vũ khí lợi hại của ta mà.”
Thầy bảo chúng tôi đi theo vào sân trong, ở đó thầy đấm vào mép bờ tường. Một viên gạch rơi sầm xuống sàn; bầu trời bạo dạn ngó qua khoảng trống, chỗ hổng trên tường. Tôi choáng váng vì kinh ngạc; người có thể đánh bay một viên gạch đã trét vữa trên tường chắc bằng một cú đấm, tôi nghĩ, thì chắc chắn là có thể đánh văng răng hổ rồi!
“Một số người cũng có sức mạnh thể chất như ta nhưng lại thiếu sự tự tin điềm tĩnh. Kẻ nào mạnh mẽ về thể xác nhưng lại không vững vàng về tinh thần thì có thể sẽ ngất xỉu khi chỉ vừa thấy một con mãnh thú tung hoành trong rừng rậm. Hổ với tính hung dữ bẩm sinh và ở trong môi trường sống của nó thì khác xa với thú được mớm thuốc phiện trong rạp xiếc!
“Nhiều người có sức mạnh phi thường nhưng lại trở nên thất đảm đến bất lực đáng khinh trước đòn tấn công của hổ Bengal. Con hổ bằng cách đó đã đưa kẻ đó, trong chính suy nghĩ của hắn, vào tâm trạng sợ sệt của mèo. Người ta, nếu có một cơ thể khỏe mạnh và quyết tâm vô cùng mạnh mẽ thì sẽ có thể đảo ngược tình thế trước con hổ, buộc nó phải tin vào sự cô thế của mèo. Biết bao lần ta vẫn làm như vậy!”
Tôi rất sẵn lòng tin người có sức mạnh của người khổng lồ trước mặt mình đây có thể làm cuộc biến hình hổ-mèo. Thầy xem ra đang hào hứng chỉ dẫn; Chandi và tôi lễ phép lắng nghe.
“Trí óc là cái sử dụng điều khiển cơ bắp. Mãnh lực của cú đánh trời giáng phụ thuộc vào năng lượng ta dùng; sức mạnh mà công cụ cơ thể của một người bộc lộ ra lại phụ thuộc vào ý chí tấn công và dũng lực của y. Thân đúng là do tâm tạo ra và duy trì. Nhờ sức ép của bản năng từ những kiếp trước, mặt mạnh và mặt yếu dần dà thấm vào tâm thức người. Những thứ ấy bộc lộ như các thói quen, đến lượt nó, thói quen lại thể hiện bằng một cơ thể đáng hay không đáng mong muốn. Sự yếu đuối bề ngoài có căn nguyên tâm thần; trong cái vòng luẩn quẩn, thể xác bị trói buộc bởi thói quen sẽ ngăn trở trí óc. Nếu ông chủ để mình bị kẻ dưới sai bảo, kẻ dưới sẽ trở nên chuyên quyền; trí óc, tương tự như vậy, cũng sẽ bị nô dịch nếu phục tùng sự sai khiến của xác thân.”
Trước sự khẩn khoản của chúng tôi, vị swami oai vệ ưng thuận kể cho chúng tôi nghe đôi điều về cuộc đời thầy.
“Tham vọng của ta hồi trẻ là đả hổ. Ý chí của ta thật mạnh mẽ, nhưng thể xác ta lại ốm yếu.”
Một tiếng kêu ngạc nhiên trong tôi bật ra. Có vẻ thật khó tin khi người này, giờ đây “với đôi vai của Atlas, chống trời”, lại từng biết đến sự yếu đuối.
“Chính là nhờ sự kiên trì bất khuất với những tư tưởng về sức khỏe và sức mạnh mà ta thắng được nhược điểm của mình. Ta có đầy đủ lý do để ca tụng sức mạnh tinh thần đầy thuyết phục mà nhờ nó ta được công nhận là kẻ chinh phục hổ Bengal đích thực.”
“Thưa swami tôn kính, thầy có nghĩ rằng có khi nào con đả hổ được không?” Đây là lần đầu, mà cũng là lần cuối, tham vọng khôi hài ấy nảy ra trong đầu tôi!
“Có.” Thầy mỉm cười. “Nhưng có nhiều loại hổ, một số lang thang trong rừng rậm dục vọng con người. Chẳng huân tập được lợi lạc tâm linh nào khi đánh cho mãnh thú bất tỉnh. Tốt hơn nên làm kẻ hàng phục thú săn mồi trong tâm.”
“Thưa thầy, xin thầy kể cho chúng con nghe việc thầy đã từ một người thuần hổ rừng thành một người chế ngự những đam mê ngông cuồng ra sao?”
Swami Hổ chìm trong im lặng. Vẻ xa xôi hiện trong ánh mắt thầy, gợi lên những hình ảnh về một thời đã qua. Tôi thấy rõ trong thầy một thoáng giằng co tâm lý xem có nên chấp thuận lời yêu cầu của tôi không. Cuối cùng thầy mỉm cười ưng thuận.
“Khi tiếng tăm của ta đã lên đến tột đỉnh, nó mang lại cái say sưa tự đắc. Ta quyết định không chỉ đả hổ mà còn phô diễn với nhiều trò khác nhau. Tham vọng của ta là buộc dã thú phải cư xử như thú đã thuần hóa. Ta bắt đầu lập kỳ tích trước công chúng, có được những thành tựu nức lòng.
“Một buổi chiều cha ta bước vào phòng trong tâm trạng đăm chiêu.
“ ‘Con trai, cha có mấy lời cảnh báo. Cha sẽ cứu con khỏi những tai ương sắp tới, do bánh xe nhân quả đang lăn gây ra.’
“ ‘Cha là người theo thuyết định mệnh sao, thưa cha? Sự mê tín có được phép can hệ đến những hành động dũng mãnh của con không?’
“ ‘Cha không phải là người theo thuyết định mệnh, con trai ơi. Nhưng cha tin vào luật báo ứng công bằng, như kinh thiêng dạy. Các loài trong rừng sâu đang ôm lòng oán hận con; đôi khi điều này có thể sẽ khiến con phải trả giá.’
“ ‘Thưa cha, cha làm con ngạc nhiên quá đỗi! Cha biết rõ lũ hổ ra sao rồi - đẹp mã nhưng tàn nhẫn! Ai biết được đây? Những quả thôi sơn của con biết đâu sẽ tiêm chút suy nghĩ minh mẫn vào cái đầu u mê của chúng? Con là hiệu trưởng trường tư thục rừng xanh dạy cho chúng cách cư xử lịch thiệp!
“ ‘Xin cha, hãy nghĩ con như một người thuần hổ chứ đừng bao giờ nghĩ con là kẻ giết hổ. Làm sao thiện nghiệp của con lại đem tai ương cho con được? Con cầu mong cha đừng áp đặt yêu cầu nào là con phải thay đổi lối sống của con.’ “
Chandi và tôi chăm chú, hiểu cái thế lưỡng nan khi xưa. Ở Ấn Độ con cái không được khinh suất bất tuân ý muốn của cha mẹ. Swami Hổ nói tiếp:
“Trong im lặng lạnh lùng cha ta lắng nghe phân trần của ta. Người tiếp lời bằng một tiết lộ mà người thốt ra trầm trọng.
“ ‘Con trai ơi, con buộc cha phải thuật lại một lời tiên tri chẳng lành từ miệng một vị thánh. Hôm qua ngài tiến lại chỗ cha khi cha đang ngồi trên hiên trong giờ tham thiền hàng ngày.
“ ‘Anh bạn yêu quý, ta đến với một lời nhắn cho đứa con trai hiếu chiến của anh. Hãy bảo nó ngừng những hành vi ngông cuồng lại. Nếu không, cuộc chạm trán tiếp theo giữa nó và hổ sẽ dẫn đến trọng thương, theo sau là sáu tháng thập tử nhất sinh. Lúc đó nó sẽ từ bỏ lối cũ mà đi tu.’ “
“Câu chuyện này chẳng làm ta động tâm. Ta nghĩ cha ta đã là nạn nhân cả tin của một tên cuồng tín mê lú.”
Swami Hổ thú nhận điều này với một cử chỉ bứt rứt, như thể vì một điều dại dột nào đó. Im lặng nặng nề một hồi lâu, thầy dường như đã quên mất sự có mặt của chúng tôi. Khi thầy tiếp tục dòng chuyện dở dang của mình thì đột nhiên, giọng kể của thầy khẽ khàng.
“Không lâu sau lời răn của cha, ta đến thăm thủ phủ Cooch Behar. Vùng đất đẹp như tranh thật mới lạ với ta, và ta mong đợi được đổi gió cho thư thả. Cũng như bất kỳ nơi nào khác, một đám đông hiếu kỳ bám theo sau ta ngoài đường. Ta thường nghe thấy những lời nhỏ to bình phẩm:
“ ‘Đây là người đấu với mãnh hổ đấy.’
“ ‘Hai giò ông ta là chân hay khúc cây vậy?’
“ ‘Nhìn mặt ông ta xem! Chắc chính ông ta là hiện thân của chúa sơn lâm!’
“Các con biết mấy thằng oắt trong làng thì cứ như đợt báo phát cuối ngày ra làm sao rồi! Mấy bản tin miệng của đám đàn bà sau đó nữa kháo đi từ nhà này sang nhà khác mới nhanh làm sao! Vài giờ sau cả thành phố đã trong tâm trạng náo nức vì sự có mặt của ta.
“Buổi chiều khi đang nghỉ ngơi yên tĩnh thì ta nghe thấy tiếng vó ngựa phi nước đại. Ngựa dừng trước nhà trọ của ta. Vài ba tên lính cao lớn đầu quấn khăn bước vào.
“Ta bị bất ngờ. ‘Với những kẻ tay sai của luật pháp loài người này thì cái gì cũng có thể lắm,’ ta ngẫm. ‘Mình tự hỏi chẳng biết họ có sắp khiển trách mình vì những chuyện mình chẳng biết mô tê ất giáp gì không.’ Nhưng mấy tên lính cúi chào nhã nhặn một cách khác thường.
“ ‘Thưa ngài đáng kính, thay mặt ông hoàng xứ Cooch Behar, chúng tôi được phái đến để chào mừng ngài. Ông hoàng rất hân hạnh được mời ngài sáng mai đến dinh.’
“Ta suy luận một lát về viễn cảnh ấy. Vì một lý do nào đó không hiểu được ta cảm thấy tiếc nuối vô cùng vì sự gián đoạn chuyến đi yên tĩnh của ta. Nhưng cung cách khẩn khoản của mấy tên lính làm ta động lòng; ta nhận lời tới.
“Hôm sau ta ngơ ngác khi được khúm núm hộ tống từ cửa nhà vào trong cỗ xe uy nghi có bốn ngựa kéo. Một tên nô tì cầm cái lọng thêu che cho ta khỏi ánh nắng thiêu đốt. Ta thưởng thức chuyến đi thú vị qua khắp thành và các vùng ngoại ô miền rừng. Đích thân ông hoàng đứng ở cửa cung điện tiếp đón ta. Ông ta mời ta ngồi vào chính cái ngai kim tuyến vàng của mình, tươi cười ngồi vào cái ghế dựa kiểu cách giản dị hơn.
BHAGAVAN (THẦN) KRISHNA
Hóa thân yêu quý của Ấn Độ
Sri Yogananda lúc mười sáu tuổi
“ ‘Mấy thứ tử tế nhã nhặn này chắc chắn là sắp bắt mình phải trả giá bằng một cái gì đây!’ Ta nghĩ với nỗi ngạc nhiên mỗi lúc một tăng. Ý đồ của ông hoàng lộ rõ sau đôi câu chiếu lệ.
“ ‘Khắp thành phố đang có tin đồn rằng ngươi có thể tay không đả hổ. Có đúng vậy không?’
“ ‘Điều đó đúng hoàn toàn.’
“ ‘Ta không thể tin được chuyện đó! Ngươi là một người Bengal ở Calcutta, một người dân thành thị được nuôi bởi gạo trắng nước trong. Xin hãy nói thật đi; có phải ngươi chỉ đánh mấy con thú nhu nhược, được mớm thuốc phiện?’ Giọng ông ta to và chế nhạo, lời nói nhuốm một giọng tỉnh lẻ.
“Ta chẳng hạ mình đáp lại câu hỏi nhục mạ nào của ông ta.
“ ‘Ta thách ngươi đấu với con hổ mới bắt được của ta, Raja Begum[57]. Nếu ngươi cự lại được nó, trói nó bằng dây xích, rồi ra khỏi chuồng trong tình trạng tỉnh táo, ngươi sẽ được con hổ Bengal này! Vài ngàn rupi và nhiều tặng vật khác cũng sẽ được ban tặng. Nếu ngươi từ chối đấu với nó, ta sẽ bêu riếu tên ngươi khắp xứ là một kẻ bịp bợm!’
“Lời lẽ xấc láo của ông ta bắn vào ta như tràng đạn. Ta ném ra một lời chấp thuận giận dữ. Đang nửa chừng đứng dậy khỏi ghế vì khoái chí, ông ta lại ngồi xuống với một nụ cười tàn ác. Ta nhớ tới các hoàng đế La Mã vui thú khi sắp xếp cho người Cơ Đốc giáo lên đấu trường với thú. Ông ta nói:
“‘Cuộc tranh tài sẽ diễn ra trong một tuần nữa kể từ hôm nay. Ta tiếc là ta không thể cho phép ngươi thấy trước con hổ.’
“Lão ta sợ không chừng ta tìm cách thôi miên con thú hay sợ ta lén lút cho nó ăn thuốc phiện, ta chẳng biết.
“Ta rời cung điện, buồn cười để ý thấy cái lọng vương giả và cỗ xe ngựa đủ bộ giờ không còn nữa.
“Tuần sau đó ta cẩn thận chuẩn bị tinh thần và thể xác cho thử thách sắp tới. Qua người hầu của mình ta nghe được những câu chuyện lý thú. Lời tiên tri gở mà vị thánh nói với cha ta không hiểu sao đã lan truyền, mỗi lúc một rộng khắp. Nhiều dân làng chất phác tin là một ác thần, bị các thần linh nguyền rủa, đã đầu thai làm một con hổ khoác nhiều hình thù ma quái khác nhau về đêm nhưng ban ngày vẫn là một con hổ vằn. Con hổ ma này được tin là được cử đến để hạ nhục ta.
“Một chuyện kể tưởng tượng khác là những lời muôn thú cầu xin với Vua Hổ đã được đáp lại dưới hình hài Raja Begum. Nó sẽ là công cụ trừng phạt ta - con vật hai chân táo tợn, quá ư xúc phạm đến cả loài hổ! Một con người không lông lá, không răng nanh dám cả gan thách thức con hổ có móng vuốt, bốn chân cứng cáp! Sức mạnh oan hồn uất kết của hết thảy những con hổ đã bị làm nhục - dân làng nói - đã tích tụ lại thành một sức mạnh đủ để điều khiển những quy luật vi mật và gây nên sự suy vong của kẻ thuần hổ kiêu hãnh.
“Người hầu của ta tiếp đó khuyên ta rằng gã vua chúa đang đắc thế khi đứng ra tổ chức cuộc so tài giữa người và thú. Gã giám sát việc dựng nhà lều trú bão đủ chỗ cho hàng ngàn người. Chính giữa nhà lều, Raja Begum bị nhốt trong một cái lồng sắt thật to, bao quanh là một gian an toàn bên ngoài. Con thú bị giam cầm gầm rống những tràng rợn người. Nó bị cho ăn đói để kích thích cơn thèm khát đầy thịnh nộ. Có lẽ gã vua mong thấy ta là bữa ăn phần thưởng của hổ!
“Dân chúng từ trong thành và các vùng ngoại ô nô nức kéo tới mua vé đáp lại tiếng trống thông báo về cuộc thi độc nhất vô nhị. Ngày giao chiến, hàng trăm người đã bị từ chối vì không còn chỗ. Nhiều người chen vào các khe hở của lều, hay lấn vào bất cứ chỗ trống nào dưới khán đài.”
Khi câu chuyện của Swami Hổ lên tới cao trào, sự háo hức trong tôi cũng lên theo; Chandi thì mê tít chẳng nói nên lời.
“Giữa những tràng gầm rú rợn người của Raja Begum và sự huyên náo ầm ĩ của đám đông kinh hoàng, ta lẳng lặng xuất hiện. Quấn chặt cái khố quanh thắt lưng, ta không có áo quần nào khác che chở. Ta mở cái then cửa gian an toàn rồi điềm tĩnh khóa lại đằng sau. Con hổ đánh hơi thấy mùi máu. Chồm lên đâm sầm vào chấn song, nó tung ra một lời chào dữ tợn. Khán giả nín lặng vì sợ hãi thương hại; ta khác nào một con cừu nhu mì trước mãnh thú đang lồng lộn cào cấu.
“Trong chớp mắt ta đã ở trong chuồng; nhưng khi ta đang đóng sập cửa lại thì Raja Begum nhào vào ta. Bàn tay phải của ta bị cào xé đầm đìa. Máu người, món ngon nhất mà hổ biết, xối thành dòng rợn người. Lời tiên tri của vị thánh tuồng như sắp thành hiện thực.
“Ta trấn tĩnh lại ngay sau khi choáng váng vì cú trọng thương đầu tiên ta bị. Thọc tay dưới tấm khố để dẹp khuất mắt mấy ngón tay bê bết máu, ta vung tay trái đấm một cú tan xương. Con thú lảo đảo lùi lại, quay mòng mòng ra sau chuồng, rồi dữ dội lồng lên lao tới. Đòn trừng phạt bằng nắm đấm trứ danh của ta xối xuống đầu nó.
“Nhưng tính thèm máu của Raja Begum đã như một ngụm rượu đầu tiên làm điên tiết một kẻ nát rượu thiếu thốn từ lâu. Chốc chốc là những tiếng gầm rống xé tai, những đòn tấn công của dã thú tăng dần lên trong cơn thịnh nộ. Sự chống đỡ không vững với một tay khiến ta ở trong tình thế hiểm nghèo trước móng vuốt và răng nanh. Nhưng ta vẫn giáng những đòn trừng phạt choáng váng. Đẫm máu của nhau, người và thú giao tranh thập tử nhất sinh. Cái chuồng là một địa ngục, vì máu phun khắp nơi, và những tiếng rống đau đớn và thú tính thèm giết chóc vang ra từ họng mãnh thú.
“ ‘Đâm nó đi!’ ‘Giết con hổ đi!’ Những tiếng thét dậy lên từ đám người xem. Người và thú quần nhau nhanh đến đỗi một viên đạn của tên lính canh lạc đi. Ta thu hết ý lực, rống lên một tiếng dữ dằn, rồi hạ đòn thôi sơn sau chót. Con hổ đổ sụp xuống rồi nằm bất động.”
“Như một con mèo!” tôi xen vào.
Swami cười cảm kích thật lòng, rồi tiếp tục câu chuyện hấp dẫn.
“Raja Begum cuối cùng đã bị đánh bại. Niềm kiêu hãnh cao quý của nó tiếp đó đã bị làm nhục: bằng hai bàn tay rách bươm, ta can đảm cạy toang hàm nó ra. Trong một khoảnh khắc đầy kịch tính, ta đưa đầu vào cái bẫy chết người đang há miệng. Ta nhìn quanh tìm sợi xích. Kéo một sợi từ trong đống xích dưới sàn lên, ta trói cổ con hổ vào mấy chấn song của chuồng. Đắc thắng ta đi về phía cửa.
“Nhưng hiện thân ác thần ấy, Raja Begum, có sức chịu đựng xứng với nguồn gốc được xem là ma quỷ của nó. Với một cú lao người không thể tin được, nó giật đứt dây xích rồi chồm lên lưng ta. Vai ta đã nằm trong hàm nó, ta đổ nhào xuống. Nhưng trong nháy mắt ta đã đè nó xuống. Dưới những cú đấm không thương tiếc, con thú tráo trở lịm đi gần như bất tỉnh. Lần này ta trói nó lại cẩn thận hơn. Ta lững thững ra khỏi chuồng.
“Ta nhận ra mình đang ở giữa một cơn náo động khác, lần này là khoái trá. Tiếng reo hò của đám đông vỡ ra như thể từ một cổ họng khổng lồ. Bị thương thảm hại nhưng ta vẫn làm trọn ba điều kiện của cuộc đấu - đánh con hổ bất tỉnh, dùng xích trói nó, rồi bỏ nó mà đi mà không nhờ giúp sức. Thêm nữa, ta đã làm con thú hung hăng bị thương nặng và hoảng sợ đến độ nó đã đành lòng bỏ qua cái phần thưởng đúng lúc mà đầu ta ở trong miệng nó!
“Khi các vết thương của ta đã được chữa chạy xong, ta được thiên hạ ca tụng và khoác vòng hoa; nhiều món đồ bằng vàng trút xuống dưới chân ta. Cả thành bước vào thời gian lễ hội. Những cuộc bàn tán liên tu bất tận ộ lên khắp nơi về chiến tích của ta trước một trong những con hổ to nhất và hoang dã nhất từng thấy. Raja Begum được tặng cho ta, như đã hứa, nhưng ta không cảm thấy hân hoan. Trong tâm ta đã có một chuyển biến tâm linh. Hồ như cùng với lần cuối cùng ta bước ra khỏi cái chuồng thì ta cũng đã khép lại cánh cửa trước những tham vọng trần tục của mình rồi.
“Tiếp sau đó là một giai đoạn tồi tệ. Trong sáu tháng trời ta nằm gần chết vì bị nhiễm trùng máu. Ngay khi đủ khỏe để rời Cooch Behar, ta trở về thị trấn quê nhà.
“ ‘Giờ thì con biết thầy con là bậc chân tu đã nói lời cảnh cáo sáng suốt này.’ Ta khiêm nhường thú nhận như vậy với cha. ‘Ôi, giá như con tìm được thầy!’ Niềm mong mỏi của ta thật chân thành nên một hôm vị thánh bất ngờ đến.
“ ‘Thuần hổ đã đủ rồi.’ Thầy nói với sự quả quyết điềm đạm. ‘Đi với ta; ta sẽ dạy con cách hàng phục những con thú vô minh lang thang trong rừng rậm tâm người. Con đã quen với đám đông khán giả: hãy để vô số thiên thần làm khán giả, thưởng ngoạn sự tinh thông yoga cảm động của con!’
“Ta đã được sư phụ thánh thiện điểm đạo vào con đường tu hành. Thầy đã mở những cánh cửa linh hồn ta, gỉ sét và khó mở vì đã lâu không dùng đến. Tay trong tay, chẳng bao lâu sau, thầy và ta lên đường để ta tu tập trên rặng Himalaya.”
Chandi và tôi cúi lạy dưới chân swami, cảm tạ vì được biết đôi điều về cuộc đời phong ba của thầy. Bạn tôi và tôi cảm thấy được bù đắp hậu hĩ cho cả buổi chờ đợi thử thách trong phòng khách lạnh lùng!
* * *
Chú thích:
[56] Sohong là pháp danh của thầy. Người ta thường gọi thầy là “Swami Hổ”.
[57] “Hoàng tử Công chúa” - gọi như vậy để chỉ con thú này có sự hung dữ của cả hổ đực lẫn hổ cái.